Kiểm toán Nhà nước là gì? Những nghĩa vụ và quyền hạn của Kiểm toán Nhà nước

Kiểm toán nhà nước vô cùng quan trọng ở mỗi quốc gia, là mối quan tâm hàng đầu của nhân dân do nó phản ánh tình trạng sử dụng ngân sách, tài sản công và đặc biệt là mang lại lợi ích chung cho toàn thể nhân dân. Vậy Kiểm toán nhà nước là gì? Quyền hạn và nhiệm vụ của Kiểm toán nhà nước như thế nào? Những phẩm chất cần có khi làm việc Kiểm toán nhà nước là gì? Mọi thắc mắc sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây.

1 476 13/08/2023


Kiểm toán Nhà nước là gì? Những nghĩa vụ và quyền hạn của Kiểm toán Nhà nước

I. Kiểm toán nhà nước là gì?

1. Khái niệm Kiểm toán nhà nước

Kiểm toán nhà nước là khái niệm dùng để chỉ hoạt động kiểm tra, xác nhận tính đúng đắn và hợp pháp của các tài liệu, số liệu kế toán, báo cáo quyết toán của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị kinh tế nhà nước, đoàn thể quần chúng và các tổ chức xã hội có sử dụng kinh phí do ngân sách nhà nước cấp.

Các công chức của cơ quan kiểm toán nhà nước là người thực hiện hoạt động kiểm toán nhà nước. Tại Việt Nam, cơ quan kiểm toán Nhà nước do Quốc hội lập ra, hoạt động độc lập và chỉ tuân thủ các quy định của pháp luật.

2. Cơ cấu tổ chức của Kiểm toán nhà nước:

Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Kiểm toán nhà nước do Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015 quy định.

Hiện nay, cơ cấu tổ chức của Kiểm toán nhà nước bao gồm 32 Vụ và đơn vị tương đương cấp Vụ, gồm:

Các đơn vị tham mưu thuộc bộ máy điều hành

– Văn phòng Kiểm toán nhà nước

– Vụ Tổ chức cán bộ;

– Vụ Tổng hợp;

– Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán;

– Vụ Pháp chế;

– Vụ Hợp tác quốc tế;

– Thanh tra Kiểm toán nhà nước.

– Văn phòng Đảng – Đoàn thể

Các đơn vị Kiểm toán nhà nước chuyên ngành

– Kiểm toán nhà nước chuyên ngành Ia kiểm toán lĩnh vực quốc phòng;

– Kiểm toán nhà nước chuyên ngành Ib kiểm toán lĩnh vực an ninh, tài chính và ngân sách Đảng, hoạt động cơ yếu, dự trữ Nhà nước;

– Kiểm toán nhà nước chuyên ngành II kiểm toán lĩnh vực ngân sách Trung ương của Bộ, ngành kinh tế tổng hợp;

– Kiểm toán nhà nước chuyên ngành III kiểm toán lĩnh vực ngân sách Trung ương của Bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ;

– Kiểm toán nhà nước chuyên ngành IV kiểm toán lĩnh vực đầu tư, dự án hạ tầng cơ sở;

– Kiểm toán nhà nước chuyên ngành V kiểm toán lĩnh vực đầu tư, dự án công nghiệp, dân dụng;

– Kiểm toán nhà nước chuyên ngành VI kiểm toán các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước;

– Kiểm toán nhà nước chuyên ngành VII kiểm toán ngân hàng, các tổ chức tài chính.

Các đơn vị Kiểm toán nhà nước khu vực

– Kiểm toán nhà nước khu vực I, trụ sở đặt tại Thành phố Hà Nội phụ trách 5 địa phương sau: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nam, Hòa Bình;

– Kiểm toán nhà nước khu vực II, trụ sở đặt tại Thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An phụ trách 5 địa phương sau: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế;

– Kiểm toán nhà nước khu vực III, trụ sở đặt tại Thành phố Đà Nẵng phụ trách 4 địa phương sau: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định;

– Kiểm toán nhà nước khu vực IV, trụ sở đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh phụ trách 4 địa phương gồm: TP. Hồ Chí Minh, Long An, Bình Dương, Tây Ninh;

– Kiểm toán nhà nước khu vực V, trụ sở đặt tại Thành phố Cần Thơ phụ trách 6 địa phương gồm: Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau;

– Kiểm toán nhà nước khu vực VI, trụ sở đặt tại Thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh phụ trách 5 địa phương gồm: Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên;

– Kiểm toán nhà nước khu vực VII, trụ sở đặt tại Thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái phụ trách 6 địa phương gồm: Yên Bái, Phú Thọ, Sơn La, Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu;

– Kiểm toán nhà nước khu vực VIII, trụ sở đặt tại Thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa phụ trách 4 địa phương gồm: Khánh Hòa, Phú Yên, Ninh Thuận, Lâm Đồng;

– Kiểm toán nhà nước khu vực IX, trụ sở đặt tại Thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang phụ trách 6 địa phương gồm: Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang;

– Kiểm toán nhà nước khu vực X, trụ sở đặt tại thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên phụ trách 6 địa phương gồm: Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Hà Giang, Cao Bằng;

– Kiểm toán nhà nước khu vực XI, trụ sở đặt tại thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa phụ trách 4 địa phương gồm: Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình;

– Kiểm toán nhà nước khu vực XII, trụ sở đặt tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk phụ trách 4 địa phương gồm: Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông;

– Kiểm toán nhà nước khu vực XIII, trụ sở đặt tại thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phụ trách 4 địa phương gồm: Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Phước, Bình Thuận, Đồng Nai.

Các đơn vị sự nghiệp

– Trường Đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán;

– Trung tâm Tin học;

– Báo Kiểm toán.

Văn phòng Kiểm toán nhà nước có con dấu riêng. Kiểm toán nhà nước khu vực và các đơn vị sự nghiệp có tư cách pháp nhân, có con dấu, tài khoản và trụ sở riêng.

Kiểm toán nhà nước chuyên ngành thực hiện kiểm toán theo chuyên ngành đối với cơ quan, tổ chức ở Trung ương.

Kiểm toán nhà nước khu vực thực hiện kiểm toán đối với cơ quan, tổ chức ở địa phương trên địa bàn khu vực và các nhiệm vụ kiểm toán khác theo sự phân công của Tổng Kiểm toán nhà nước.

II. Đặc trưng của Kiểm toán Nhà nước

Kiểm toán Nhà nước Việt Nam là loại hình kiểm toán do Quốc hội thành lập nên có nhiều điểm đặc trưng khác biệt:

1. Chủ thể kiểm toán

Chủ thể thực hiện kiểm toán nhà nước được gọi là các kiểm toán viên nhà nước. Đó là các công chức nhà nước được bổ nhiệm vào ngạch kiểm toán để thực hiện nhiệm vụ kiểm toán.

Chức năng và quyền hạn cụ thể của từng ngành bậc cũng có qui định cụ thể tuỳ theo từng nước song nói chung cũng có sự gần gũi giữa các quốc gia.

2. Khách thể kiểm toán

Là các đơn vị, tổ chức, cá nhân có sử dụng nguồn vốn và kinh phí từ ngân sách nhà nước bao gồm:

– Các dự án, công trình do ngân sách đầu tư

– Các doanh nghiệp nhà nước có 100% vốn ngân sách nhà nước

– Các xí nghiệp công cộng thuộc sở hữu nhà nước (100% vốn ngân sách nhà nước)

– Các cơ quan kinh tế, quản lí của nhà nước và các đoàn thể xã hội.

– Các cá nhân (tài khoản cá nhân) có nguồn từ ngân sách nhà nước…

3. Mô hình tổ chức

Trong quan hệ với kiểm toán viên nhà nước, kiểm toán nhà nước là một hệ thống tập hợp kiểm toán viên này theo một trật tự xác định. Trong hàng loạt mối liên hệ phức tạp đó đã hình thành những mô hình tổ chức khác nhau tuỳ theo phạm vi các mối liên hệ.

4. Loại hình kiểm toán chủ yếu

Kiểm toán nhà nước chủ yếu thực hiện kiểm toán tài chính và kiểm toán hoạt động.

Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Kiểm toán nhà nước tiến hành xác minh tính trung thực, đúng đắn của Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước, chỉ ra những sai phạm, bất cập trong việc thực hiện ngân sách nhà nước.

Và kiến nghị với Chính phủ các giải pháp để quản lí, điều hành ngân sách nhà nước phục vụ cho phát triển kinh tế – xã hội; đánh giá hiệu quả và hiệu năng của các chương trình, dự án của Nhà nước trong lĩnh vực kinh tế – ngân sách.

5. Giá trị pháp lý của báo cáo kiểm toán nhà nước

Các báo cáo kiểm toán do nhà nước phát hành đều có giá trị pháp lý cao. Mục đích là để phục vụ cho Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng nhân dân,… để từ đó xem xét và quyết định dự toán ngân sách nhà nước, ngân sách địa phương nhằm sử dụng, quản lý, điều hành và thực thi nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước.

Các tổ chức, đơn vị được kiểm toán phải có trách nhiệm thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước đối với các sai phạm trong báo cáo tài chính và trong vấn đề tuân thủ pháp luật, đồng thời, có trách nhiệm thực hiện các biện pháp nhằm khắc phục các yếu kém, sai lệch trong hoạt động của tổ chức, đơn vị do Kiểm toán Nhà nước phát hiện và kiến nghị.

III. Kiểm toán Nhà nước có chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn gì?

1. Chức năng của Kiểm toán nhà nước

Kiểm toán nhà nước có chức năng đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị đối với việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

2. Nhiệm vụ của Kiểm toán nhà nước

– Quyết định kế hoạch kiểm toán hằng năm và báo cáo Quốc hội trước khi thực hiện.

– Tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm toán hằng năm và thực hiện nhiệm vụ kiểm toán theo yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

– Xem xét, quyết định việc kiểm toán khi có đề nghị của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và cơ quan, tổ chức không có trong kế hoạch kiểm toán năm của Kiểm toán nhà nước.

– Trình ý kiến của Kiểm toán nhà nước để Quốc hội xem xét, quyết định dự toán ngân sách nhà nước, quyết định phân bổ ngân sách trung ương, quyết định chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước.

– Tham gia với các cơ quan của Quốc hội, của Chính phủ trong việc xem xét về dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương, phương án điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước, phương án bố trí ngân sách cho chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định và quyết toán ngân sách nhà nước.

– Tham gia với các cơ quan của Quốc hội trong hoạt động giám sát việc thực hiện luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về lĩnh vực tài chính – ngân sách, giám sát việc thực hiện ngân sách nhà nước và chính sách tài chính khi có yêu cầu.

– Tham gia với các cơ quan của Quốc hội, của Chính phủ, các cơ quan có thẩm quyền trình dự án luật, pháp lệnh khi có yêu cầu trong việc xây dựng và thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh.

– Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán với Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội; gửi báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán cho Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; cung cấp kết quả kiểm toán cho Bộ Tài chính, Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân nơi kiểm toán và các cơ quan khác theo quy định của pháp luật.

– Giải trình về kết quả kiểm toán với Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội theo quy định của pháp luật.

– Tổ chức công bố công khai báo cáo kiểm toán, báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm và báo cáo kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán theo quy định tại Điều 50, Điều 51 của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

– Tổ chức theo dõi, kiểm tra việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước.

– Chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân và cơ quan khác của Nhà nước có thẩm quyền xem xét, xử lý những vụ việc có dấu hiệu của tội phạm, vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân đã được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán.

– Quản lý hồ sơ kiểm toán; giữ bí mật tài liệu, số liệu kế toán và thông tin về hoạt động của đơn vị được kiểm toán theo quy định của pháp luật.

– Thực hiện hợp tác quốc tế trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước.

– Tổ chức và quản lý công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực của Kiểm toán nhà nước.

– Tổ chức thi, cấp, thu hồi và quản lý chứng chỉ Kiểm toán viên nhà nước.

– Tổ chức thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về kiểm toán nhà nước.

– Xây dựng và trình Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước.

– Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

3. Quyền hạn của Kiểm toán nhà nước

– Trình dự án luật, dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội theo quy định của pháp luật.

– Yêu cầu đơn vị được kiểm toán và tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin, tài liệu phục vụ cho việc kiểm toán.

– Yêu cầu đơn vị được kiểm toán thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán nhà nước đối với sai phạm trong báo cáo tài chính và sai phạm trong việc chấp hành pháp luật; kiến nghị thực hiện biện pháp khắc phục yếu kém trong hoạt động của đơn vị do Kiểm toán nhà nước phát hiện.

– Kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền yêu cầu đơn vị được kiểm toán thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị kiểm toán về sai phạm trong báo cáo tài chính và sai phạm trong việc chấp hành pháp luật; đề nghị xử lý theo quy định của pháp luật những trường hợp không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, kịp thời kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán nhà nước.

– Kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền xử lý những vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân đã được làm rõ thông qua hoạt động kiểm toán.

– Đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi cản trở hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước hoặc cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật cho Kiểm toán nhà nước và Kiểm toán viên nhà nước.

– Trưng cầu giám định chuyên môn khi cần thiết.

– Được ủy thác hoặc thuê doanh nghiệp kiểm toán thực hiện kiểm toán cơ quan, tổ chức quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; Kiểm toán nhà nước chịu trách nhiệm về tính trung thực của số liệu, tài liệu và kết luận, kiến nghị kiểm toán do doanh nghiệp kiểm toán thực hiện.

– Kiến nghị Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cơ quan khác của Nhà nước sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách và pháp luật.

IV. Những phẩm chất cần có để làm việc trong kiểm toán nhà nước

Tại Việt Nam, kiểm toán viên cần tuân thủ các phẩm chất đạo đức nghề nghiệp và văn hoá ứng xử khi hành nghề. Với kiểm toán nhà nước cũng vậy. Bạn sẽ phải tuân thủ các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp để đảm bảo chất lượng các cuộc kiểm toán.

1. Tính độc lập

Đây điều cơ bản kiểm toán viên cần đáp ứng được khi làm nghề. Ở đây độc lập bao gồm hai khía cạnh là độc lập về tư tưởng và độc lập về hình thức.

Độc lập về tư tưởng nghĩa là bạn có thể đưa ra ý kiến dựa trên những đánh giá khách quan, chuyên nghiệp mà không chịu sự chi phối hay tác động từ các yếu tố khác.

Còn độc lập về hình thức là bạn không có mối quan hệ hay ở trong hoàn cảnh khiến người khác hoài nghi khả năng độc lập trong các quyết định của bạn.

2. Chính trực

Tính chính trực đòi hỏi kiểm toán viên phải luôn thẳng thắn, trung thực và có chính kiến rõ ràng trong mọi vấn đề. Đồng thời, họ còn phải luôn công bằng khi thực hiện công việc để được mọi người tín nhiệm.

3. Tính khách quan

Một kiểm toán viên tốt cần luôn công bằng, tôn trọng sự thật và không thành kiến hay thiên vị. Đặc biệt, bạn cần tránh các mối quan hệ hay những lợi ích có thể ảnh hưởng đến tính khách quan khi làm việc.

4. Năng lực chuyên môn và tính thận trọng

Công việc kiểm toán đòi hỏi phải có năng lực chuyên môn và sự thận trọng cao nhất khi làm việc. Bởi vậy, kiểm toán viên cần luôn nâng cao kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn để đáp ứng tốt nhất các yêu cầu kiểm toán.

5. Bảo mật thông tin

Toàn bộ thông tin trong cuộc kiểm toán cần được bảo mật kỹ lưỡng. Kiểm toán nhà nước không được tuỳ ý tiết lộ thông tin khi chưa được sự cho phép của người có thẩm quyền. Họ chỉ có nghĩa vụ công khai theo yêu cầu của pháp luật hoặc trong phạm vi quyền hạn nghề nghiệp.

6. Tư cách nghề nghiệp

Trong quá trình hành nghề, kiểm toán viên nhà nước không được gây ra các hành vi làm giảm uy tín nghề nghiệp. Họ phải luôn chủ động trau dồi và bảo vệ uy tín nghề nghiệp của bản thân.

7. Tuân thủ các chuẩn mực chuyên môn

Kiểm toán viên nhà nước phải thực hiện công việc kiểm toán theo đúng các kỹ thuật và chuẩn mực chuyên môn đã được quy định trong chuẩn mực kiểm toán, cũng như các quy định của pháp luật và quy định của hội nghề nghiệp.

V. Học gì để làm việc trong kiểm toán nhà nước?

Kiểm toán nhà nước không giống một số ngành nghề có tính linh động cao như kinh doanh, marketing,… Đây là nghề đòi hỏi bạn phải có chuyên môn cao và được đào tạo bài bản. Nói cách khác kiểm toán viên không phải là một nghề tay ngang.

Theo quy định tại Điều 14 Luật Kiểm toán độc lập, kiểm toán viên phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc chuyên ngành tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán hoặc chuyên ngành khác theo quy định của Bộ Tài chính. Do đó bạn cần theo học đúng chuyên ngành phù hợp ngay từ đầu nếu muốn theo nghề này.

Khi theo học các chuyên ngành về kế toán, kiểm toán bạn sẽ được trang bị các kiến thức, kỹ năng cần thiết để theo nghề kiểm toán nhà nước, bao gồm:

- Kiến thức về thu thập, xử lý, kiểm tra và cung cấp thông tin tài chính, hiệu quả hoạt động kinh doanh.

- Kỹ năng đọc báo cáo tài chính, phân tích tài chính.

- Kiến thức về luật kế toán, chuẩn mực kế toán Việt Nam và quốc tế, chuẩn mực kiểm toán, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán – kiểm toán và các văn bản pháp quy có liên quan đến kiểm toán, kế toán, tài chính – thống kê.

- Kỹ năng chuyên môn để thực hiện quy trình kiểm toán độc lập trong doanh nghiệp, kiểm toán nhà nước và tổ chức hệ thống kiểm soát nội bộ cũng như thực hiện việc kiểm soát nội bộ trong doanh nghiệp, tổ chức tài chính, đơn vị hành chính sự nghiệp và các đơn vị kế toán khác.

- Các kỹ năng mềm như thương lượng, đàm phán, làm việc nhóm, ngoại ngữ, tin học, lập kế hoạch, giải quyết tình huống trong Kế toán - Kiểm toán,…

Bên cạnh đó, kiểm toán viên còn phải liên tục học hỏi, trau dồi kiến thức chuyên môn và nghiệp vụ để có thể đáp ứng được những yêu cầu của công việc kiểm toán nhà nước.

Trên đây là tổng hợp những thông tin cơ bản về Kiểm toán Nhà nước mà Vietjack.me đã tổng hợp lại. Hy vọng bài viết đã đem lại cho bạn đọc những thông tin hữu ích.

1 476 13/08/2023