Lý thuyết Khoa học tự nhiên 6 Bài 15 (Chân trời sáng tạo): Chất tinh khiết – hỗn hợp

Tóm tắt lý thuyết Khoa học tự nhiên lớp 6 Bài 15: Chất tinh khiết – hỗn hợp ngắn gọn, chi tiết sách Chân trời sáng tạo sẽ giúp học sinh nắm vững kiến thức trọng tâm, ôn luyện để học tốt Khoa học tự nhiên 6.

1 2,814 18/01/2023
Tải về


Lý thuyết Khoa học tự nhiên 6 Bài 15: Chất tinh khiết – hỗn hợp

Bài giảng Khoa học tự nhiên 6 Bài 15: Chất tinh khiết – hỗn hợp

1. Chất tinh khiết

- Chất tinh khiết (chất nguyên chất) được tạo ra từ một chất duy nhất.

Ví dụ: Nước cất, oxygen, bạc, muối tinh, đường tinh luyện,...

Lý thuyết Khoa học tự nhiên 6 Bài 15: Chất tinh khiết – hỗn hợp - Chân trời sáng tạo (ảnh 1)

- Mỗi chất tinh khiết đều có thành phần hóa học và tính chất nhất định. Những tính chất này có thể dùng để nhận biết chất tinh khiết.

VD: Nước tinh khiết (nước cất) sôi ở 100oC, nóng chảy ở 0oC.

- Chất tinh khiết có thể là:

+ Chất rắn (đường, muối)

+ Chất lỏng (nước cất, cồn ethanol, sulfuric acid)

+ Chất khí (oxygen, hydrogen, nitrogen)

2. Hỗn hợp

Hỗn hợp được tạo ra khi hai hay nhiều chất trộn lẫn với nhau.

Ví dụ: Bột canh là hỗn hợp có thành phần gồm nhiều chất như: muối ăn, đường, mì chính (bột ngọt), hạt tiêu,...

Nước khoáng thiên nhiên là hỗn hợp gồm nước và một số muối khoáng khác.

Lý thuyết Khoa học tự nhiên 6 Bài 15: Chất tinh khiết – hỗn hợp - Chân trời sáng tạo (ảnh 1)

Vữa xây dựng là hỗn hợp gồm cát, xi măng, nước.

- Mỗi chất trong hỗn hợp được gọi là một thành phần hỗn hợp.

- Tính chất của hỗn hợp phụ thuộc vào thành phần hỗn hợp và hàm lượng của chúng.

Ví dụ: Khi trộn lẫn các nguyên liệu với nhau theo tỉ lệ thích hợp, ta được bột canh. Nếu bớt một trong các thành phần thì vị của bột canh sẽ thay đổi do mỗi thành phần có tính chất riêng, tạo nên vị đặc trưng.

- Các nguyên vật liệu trong tự nhiên thường ở dạng hỗn hợp.

3. Hỗn hợp đồng nhất , hỗn hợp không đồng nhất

- Hỗn hợp đồng nhất là hỗn hợp có thành phần giống nhau tại mọi vị trí trong toàn bộ hỗn hợp.

Ví dụ: Nước đường, nước muối, rượu,...

Hỗn hợp không đồng nhất là hỗn hợp có thành phần không giống nhau trong toàn bộ hỗn hợp.

Ví dụ: Sữa đặc và nước, bột mì và nước,..

4. Chất rắn tan và không tan trong nước

- Một số chất rắn tan được trong nước: muối ăn, đường, mì chính (bột ngọt), phân bón hoá học,...

- Một số chất rắn không tan được trong nước: sắt, cát, đá vôi, bột mì,...

- Khả năng tan trong nước của các chất rắn là khác nhau.

5. Các yếu tố ảnh hưởng đến lượng chất rắn hòa tan trong nước

Muốn chất rắn tan nhanh trong nước có thể thực hiện một, hai hoặc cả ba biện pháp sau:

- Khuấy dung dịch.

- Đun nóng dung dịch.

- Nghiền nhỏ chất rắn.

6. Chất khí tan trong nước

- Khả năng tan trong nước của các chất khí là khác nhau:

+ Khí hydrogen chloride, ammonia tan tốt trong nước.

+ Khí carbon dioxide, oxygen tan ít trong nước.

+ Khí hydrogen nitrogen gần như không tan trong nước.

7. Dung dịch – dung môi – chất tan

- Dung dịch là hỗn hợp đồng nhất của chất tan và dung môi.

- Chất tan là chất được hòa tan trong dung môi. Chất tan có thể là chất rắn, chất lỏng hoặc chất khí.

- Dung môi là chất dùng để hòa tan chất tan. Dung môi thường là chất lỏng

Ví dụ: Khi cho đường vào nước và khuấy đều, các hạt đường sẽ tan và phân bố đều vào nước, tạo thành hỗn hợp đổng nhất gọi là dung dịch đường. Khi đó: Đường là chất tan, nước là dung môi, nước đường là dung dịch.

+ Dung môi thường là chất lỏng. Dung môi quan trọng và phổ biến nhất là nước.

+ Nếu dung môi là những chất hữu cơ như xăng, dầu ăn, cồn,...gọi là dung môi hữu cơ.

+ Có những chất tan trong dung môi này nhưng không tan trong dung môi khác.

Ví dụ: Muối ăn là chất tan được trong nước nhưng không tan trong xăng hoặc dầu hoả.

Cao su tan được trong xăng nhưng không tan trong nước.

8. Huyền phù

- Huyền phù là một hỗn hợp không đồng nhất gồm các hạt chất rắn phân tán lơ lửng trong môi trường chất lỏng.

Ví dụ: Nước phù sa (chứa các hạt phù sa lơ lửng trong nước), khuấy bột mì trong nước, khuấy bột sắn dây trong nước,...

9. Nhũ tương

- Nhũ tương là một hỗn hợp không đồng nhất gồm một hay nhiều chất lỏng phân tán trong môi trường chất lỏng nhưng không tan trong nhau.

Ví dụ: Hỗn hợp dầu ăn và nước khi được khuấy trộn, sữa, xốt mayounnaise...

Lý thuyết Khoa học tự nhiên 6 Bài 15: Chất tinh khiết – hỗn hợp - Chân trời sáng tạo (ảnh 1)

10. Phân biệt dung dịch, huyền phù và nhũ tương

- Dung dịch: Chất tan hoà tan được trong dung môi, tạo thành hỗn hợp đồng nhất.

- Huyền phù: Hỗn hợp gồm các hạt rắn lơ lửng, phân tán trong môi trường lỏng. Ngược lại với dung dịch, nếu để yên huyền phù một thời gian thì các hạt chất rắn sẽ lắng xuống đáy, tạo thành một lớp cặn.

- Nhũ tương: Hỗn hợp gồm một hay nhiều chất lỏng phân tán trong môi trường lỏng và thường là không hoà tan vào nhau.

Lý thuyết Khoa học tự nhiên 6 Bài 15: Chất tinh khiết – hỗn hợp - Chân trời sáng tạo (ảnh 1)

Trắc nghiệm KHTN 6 Bài 15: Chất tinh khiết – Hỗn hợp

Bài 1: Một trong những tính chất nào sau đây cho biết chất lỏng là tinh khiết?

A. Không tan trong nước.                

B. Có vị ngọt, mặn, chua.

C. Không màu, không mùi, không vị.       

D. Khi đun chất sôi ở nhiệt độ nhất định và chất hoá rắn ở nhiệt độ không đổi.

Đáp án: D

Giải thích: Do: Chất tinh khiết có những tính chất vật lý và hóa học nhất định.

Bài 2: Chất tinh khiết được tạo ra từ

A. một chất duy nhất.                      

B. một nguyên tố duy nhất.

C. một nguyên tử.                  

D. hai chất khác nhau.

Đáp án: A

Giải thích: Chất tinh khiết được tạo ra từ một chất duy nhất.

Bài 3: Hỗn hợp được tạo ra từ

A. nhiều nguyên tử.                          

B. một chất.        

C. nhiều chất trộn lẫn vào nhau.

D. nhiều chất để riêng biệt.

Đáp án: C

Giải thích: Hỗn hợp gồm hai hay nhiều chất trộn lẫn vào nhau.

Bài 4: Chọn cụm từ còn thiếu ở nhận định sau: “Chất tinh khiết có tính chất…”.

A. vật lý và hoá học nhất định.             

B. vật lý nhất định, hoá học thay đổi.

C. thay đổi.                                 

D. hoá học nhất định, vật lý thay đổi.

Đáp án: A

Giải thích: Chất tinh khiết có những tính chất vật lý và hóa học nhất định.

Bài 5: Không khí là

A. chất tinh khiết.                            

B. tập hợp các vật thể.

C. hỗn hợp.                                      

D. tập hợp các vật chất.

Đáp án: C

Giải thích: Không khí là một hỗn hợp có thành phần xác định với tỉ lệ gần đúng về thể tích: 21% oxygen; 78% nitrogen; còn lại là carbon dioxide; hơi nước và một số chất khí khác.

Bài 6: Hỗn hợp nào sau đây không được xem là dung dịch?

A. Hỗn hợp nước muối.                             

B. Hỗn hợp nước đường.

C. Hỗn hợp nước và rượu.

D. Hỗn hợp cát và nước.

Đáp án: D

Giải thích: Cát không tan trong nước do đó không xem như là dung dịch.

Bài 7: Hai chất lỏng không hòa tan vào nhau nhưng khi chịu tác động, chúng lại phân tán vào nhau thì được gọi là

A. dung dịch.                                             

B. huyền phù.

C. nhũ tương.                                            

D. chất tinh khiết.

Đáp án: C

Giải thích: Hai chất lỏng không hòa tan vào nhau nhưng khi chịu tác động, chúng lại phân tán vào nhau thì được gọi là nhũ tương.

Bài 8: Khi cho vôi sống vào nước, vôi sống phản ứng với nước được vôi tôi. Hỗn hợp vôi tôi và nước được gọi là

A. dung dịch.                                             

B. chất tan.

C. nhũ tương.                                            

D. huyền phù.

Đáp án: D

Giải thích: Hỗn hợp này được gọi là huyền phù (chất rắn ở trong lòng chất lỏng).

Bài 9: Khi cho bột gạo vào nước và khuấy đều, ta thu được

A. nhũ tương.                         

B. huyền phù.

C. dung dịch.                          

D. dung môi.

Đáp án: B

Giải thích: Khi cho bột gạo vào nước và khuấy đều, ta thu được huyền phù. Do được trạng thái chất rắn (bột gạo) ở trong lòng chất lỏng (là nước).

Bài 10: Khi cho dầu ăn vào nước khuấy đều ta được

A. nhũ tương.                         

B. huyền phù.

C. dung dịch.                          

D. dung môi.

Đáp án: A

Giải thích: Dầu ăn và nước không hòa tan vào nhau nhưng khi chịu tác động, chúng lại phân tán vào nhau thì được gọi là nhũ tương.

Xem thêm tóm tắt lý thuyết Khoa học tự nhiên 6 sách Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:

Lý thuyết Bài 16: Một số phương pháp tách chất ra khỏi hỗn hợp

Lý thuyết Bài 17: Tế bào

Lý thuyết Bài 18: Thực hành quan sát tế bào sinh vật

Lý thuyết Bài 19: Cơ thể đơn bào và cơ thể đa bào

Lý thuyết Bài 20: Các cấp độ tổ chức trong cơ thể đa bào

1 2,814 18/01/2023
Tải về


Xem thêm các chương trình khác: