TOP 30 mẫu Phân tích Câu cá mùa thu (2023) SIÊU HAY

Phân tích bài thơ Câu cá mùa thu lớp 11 gồm dàn ý và 3f0 bài văn mẫu hay nhất, chọn lọc giúp học sinh viết bài tập làm văn lớp 11 hay hơn.

1 6,539 06/06/2023
Tải về


Phân tích bài thơ Câu cá mùa thu - Ngữ văn 11

Đề bài: Hãy viết bài văn phân tích, đánh giá bài thơ Câu cá mùa thu (Nguyễn Khuyến).

Bài giảng Ngữ Văn 11 Câu cá mùa thu

Dàn ý Phân tích Câu cá mùa thu

I. Mở bài

- Đôi nét về tác giả Nguyễn Khuyến: một tác giả chịu ảnh hưởng đậm nét tư tưởng Nho giáo, sáng tác của ông thường về đạo đức con người, người quân tử. Sau khi thấy thực tại rối ren, ông ở ẩn sáng tác các tác phẩm thể hiện sự hòa hợp với thiên nhiên thanh tịnh

- Bài thơ Câu cá mùa thu: Là một bài thơ trong chùm thơ thu ba bài được sáng tác trong thời gian tác giả ở ẩn.

II. Thân bài

1. Hai câu đề

30 bài Phân tích bài thơ Câu cá mùa thu  (ảnh 1)

- Mùa thu gợi ra với hai hình ảnh vừa đối lập vừa cân đối hài hoà “ao thu”, “chiếc thuyền câu” bé tẻo teo;

+ Màu sắc “trong veo”: sự dịu nhẹ, thanh sơ của mùa thu

+ Hình ảnh: Chiếc thuyền câu bé tẻo teo ⇒ rất nhỏ

+ Cách gieo vần “eo”: giàu sức biểu hiện

- Cũng từ ao thu ấy tác giả nhìn ra mặt ao và không gian quanh ao ⇒ đặc trưng của vùng đồng bằng Bắc Bộ.

⇒ bộc lộ rung cảm của tâm hồn thi sĩ trước cảnh đẹp mùa thu và của tiết trời mùa thu, gợi cảm giác yên tĩnh lạ thường

2. Hai câu thực

- Tiếp tục nét vẽ về mùa thu giàu hình ảnh:

+ Sóng biếc: Gợi hình ảnh nhưng đồng thời gợi được cả màu sắc, đó là sắc xanh dịu nhẹ và mát mẻ, phải chăng là sự phản chiếu màu trời thu trong xanh

+ Lá vàng trước gió: Hình ảnh và màu sắc đặc trưng của mùa thu Việt Nam

- Sự chuyển động:

+ hơi gợn tí ⇒ chuyển động rất nhẹ ⇒sự chăm chú quan sát của tác giả

+ “khẽ đưa vèo” ⇒ chuyển động rất nhẹ rất khẽ ⇒ Sự cảm nhận sâu sắc và tinh tế

⇒ Nét đặc sắc rất riêng của mùa thu làng quê được gợi lên từ những hình ảnh bình dị, đó chính là “cái hồn dân dã”

3. Hai câu luận

- Cảnh thu đẹp một vẻ bình dị nhưng tĩnh lặng và đượm buồn:

+ Không gian của bức tranh thu được mở rộng cả về chiều cao và chiều sâu

+ Tầng mây lơ lửng: gợi cảm giác thanh nhẹ, quen thuộc gần gũi, yên bình, tĩnh lặng.

+ Hình ảnh trời xanh ngắt: sắc xanh của mùa thu lại được tiếp tục sử dụng, nhưng không phải là màu xanh dịu nhẹ, mát mẻ mà xanh thuần một màu trên diện rộng ⇒ đặc trưng của mùa thu.

+ Hình ảnh làng quê được gợi lên với “ngõ trúc quanh co”: hình ảnh quen thuộc

+ Khách vắng teo: Gieo vần “eo” gợi sự thanh vắng, yên ả, tĩnh lặng

⇒ Không gian của mùa thu làng cảnh Việt Nam được mở rộng lên cao rồi lại hướng trực tiếp vào chiều sâu, không gian tĩnh lặng và thanh vắng

4. Hai câu kết

- Xuất hiện hình ảnh con người câu cá trong không gian thu tĩnh lặng với tư thế “Tựa gối buông cần”:

+ “ Buông”: Thả ra (thả lỏng) đi câu để giải trí, ngắm cảnh mùa thu

+ “Lâu chẳng được” : Không câu được cá

⇒ Đằng sau đó là tư thế thư thái thong thả ngắm cảnh thu, câu cá như một thú vui làm thư thái tâm hồn ⇒ sự hòa hợp với thiên nhiên của con người

- Toàn bài thơ mang vẻ tĩnh lặng đến câu cuối mới xuất hiện tiếng động:

+ Tiếng cá “đớp động dưới chân bèo” → sự chăm chú quan sát của nhà thơ trong không gian yên tĩnh của mùa thu, nghệ thuật “lấy động tả tĩnh”

⇒ Tiếng động rất khẽ, rất nhẹ trong không gian rộng lớn càng làm tăng vẻ tĩnh vắng , “cái tĩnh tạo nên từ một cái động rất nhỏ”

⇒ Nói câu cá nhưng thực ra không phải bàn chuyện câu cá, sự tĩnh lặng của cảnh vật cho cảm nhận về nỗi cô quạnh, uẩn khúc trong tâm hồn nhà thơ, đó là tâm sự đầy đau buồn trước tình cảnh đất nước đầy đau thương

5. Nghệ thuật

- Bút pháp thuỷ mặc (dùng đường nét chấm phá) Đường thi và vẻ đẹp thi trung hữu hoạ của bức tranh phong cảnh

- Vận dụng tài tình nghệ thuật đối.

- Nghệ thuật lấy động tả tĩnh được sử dụng thành công

- Cách gieo vần “eo” và sử dụng từ láy tài tình

III. Kết bài

- Khẳng định lại những nét tiêu biểu về nội dung và nghệ thuật của bài thơ

- Bài thơ đem đến cho độc giả những cảm nhận sâu lắng về một tâm hồn yêu nước thầm kín mà thiết tha

Bài giảng Ngữ Văn 11 Câu cá mùa thu

Dàn ý Phân tích Câu cá mùa thu

a. Mở bài

Trước kia, trong văn chương Việt Nam thỉnh thoảng cũng có tác phẩm viêt về nông thôn, nhưng hình ảnh về cảnh quê nói chung còn mờ nhạt. Phải đến Nguyễn Khuyến, lần đầu tiên cảnh nông thôn mới thực sự đi vào văn học. Nguyễn Khuyến viết nhiều về thiên nhiên với ngòi bút ấm áp bình dị, có khi còn gởi gắm chút tâm sự. Một trong những bài thơ thể hiện nội dung trên là bài Câu cá mùa thu.

b. Thân bài

30 bài Phân tích bài thơ Câu cá mùa thu  (ảnh 1)

Từ tên bài thơ đến mọi chi tiết miêu tả đều trực tiếp hay gián tiếp làm rõ hai từ Thu điếu (Câu cá mùa thu). Hai câu đề cho thấy cảnh được báo hiệu từ tên gọi tác phẩm: có ao, có thu (hợp lại thành ao thu), có nước trong veo, có chiếc thuyền câu nhỏ. Đúng là bài thơ nói chuyện Câu cá mùa thu, tuy câu cá chỉ là hình thức bề ngoài. Các câu thơ tiếp theo đều được tổ chức xoay xung quanh "trục" này, dù người đọc có cảm tưởng tác giả nhấn mạnh vào yếu tố thu hơn yếu tố câu cá. Cảnh thu đã được nhìn từ con mắt của một người ngồi câu trên ao.

* Sắc thái riêng của mùa thu nông thôn Bắc Bộ

- Cảnh thu vừa trong vừa tình. Ao nước trong tưởng có thể nhìn thấu đáy (trong veo), sóng biêng biếc phản chiếu màu cây, màu trời, trời ít mây nên càng nổi bật màu xanh ngắt (xanh ở đây cũng có thể hiểu là trong). Tĩnh: mặt ao lặng, lạnh lẽo (cái lạnh) thường hay sóng đôi với cái lặng, sóng hơi gợn (gợn tí), gió khẽ đưa lá vàng, khách vắng teo, tiếng cá đớp bỗng nghe mơ hồ như có như không (cái động của liêng cá đớp bỗng càng làm nổi bật cái tình chung của cảnh). Ở đây, trong gắn liền với tĩnh.
- Đây là cảnh thu đặc trưng của đồng bằng Bắc Bộ, ở xứ đồng chiêm trũng. Các chi tiết miêu tả trong bài đều giàu tính hiện thực, hầu như không vướng chút ước lệ nào, có thể gợi những cảm xúc sâu lắng về quê hương.
- Dưới ngòi bút cua tác giả, tất cả các sự vật được nhắc tới đều xứng hợp với nhau: ao thu nhỏ - thuyền câu bé, gió nhẹ - sóng gợn tí, trời xanh - nước trong, khách vắng teo - người ngồi câu trầm ngâm yên lặng, đặc biệt là các mảng màu xanh của nước, của tre trúc thật hoa diệu với màu xanh của bầu trời.
- Từ láy trong thơ chẳng những tạo ra vẻ thuân Nôm cho tác phẩm mà còn có tác dụng làm tăng nhạc tính. Từ láy vừa mô phỏng dáng dấp, động thái của sự vật, làm cho sự vật hiện lên sống động, vừa thể hiện được biến đổi tinh vi trong cảm xúc chủ quan của người sáng tạo: lạnh lẽo, tẻo teo, lơ lửng. Lạnh lẽo không hẳn nói về cái lạnh của nước mà nói về không khí đượm vẻ hiu hắt của cảnh vật cũng như tâm trạng u uẩn của nhà thơ. Tẻo teo có thể được giải thích là rất nhỏ (chiếc thuyền câu nhỏ), âm eo được lặp lại gợi liên tưởng về một "đối tượng" đang mỗi lúc một thu hẹp diện tích, phù hợp với cái nhìn của nhà thơ muốn mọi vật thu lại vừa trong tầm mắt, không mở ra quá rộng làm cho không khí suy tư bị loãng đi. Lơ lửng vừa gợi hình ảnh đám mây đọng lại lưng chừng giữa tầng không, vừa gợi trạng thái mơ màng của nhà thơ.

* Không gian trong thu điếu

- Cảnh trong Thu điếu là cảnh đẹp nhưng tĩnh lặng và đượm buồn. Không gian Thu điếu là một không gian tĩnh, vắng người, vắng tiếng: Ngõ trúc quanh co khách vắng teo. Các chuyển động rất nhẹ, rất khẽ không đủ tạo âm thanh: sóng hơi gợn, mây lơ lửng, lá khẽ đưa.

Tựa gối ôm cần lâu chẳng được,
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.

- Cá đâu đớp động duới chân bèo không thể hiểu theo nghĩa cá đâu có đớp (nghĩa là không đớp). Từ đâu trong câu này là đại từ phiếm chỉ chứ không phải là hư từ phủ định. Một tiếng động duy nhất - tiêng cá đớp mồi càng làm tăng thêm sự yên ắng, tĩnh mịch của cảnh vật. Cái tĩnh bao trùm được gợi lên từ một cái "động" rất nhỏ. Đây là nghệ thuật lấy "động" nói "tĩnh", một thủ pháp nghệ thuật gợi tả quen thuộc của thơ cổ điển.

* Tâm tình nhà thơ

- Nói câu cá nhưng thực ra không phải chú ý vào việc câu cá. Nói câu cá nhưng thực ra là đón nhận trời thu, cảnh thu vào cõi lòng. Cõi lòng của nhà thơ yên tĩnh, vắng lặng. Tĩnh lặng trong sự cảm nhận độ trong veo của nước, cái hơi gợn tí của sóng, cái độ rơi khe khẽ của lá. Đặc biệt sự tĩnh lặng trong tâm hồn thi nhân được gợi lên một cách sâu sắc từ tiếng động duy nhất của bài thơ: tiếng cá đớp mồi dưới chân bèo. Cái động rất nhỏ ở ngoại cảnh lại gây ấn tượng đậm đến thế, vì tâm cảnh đang trong sự tĩnh lặng tuyệt đối. Sự tĩnh lặng đem đến sự cảm nhận về một nỗi cô quạnh, u uẩn trong lòng nhà thơ.
- Bài thơ còn cho thấy vẻ đẹp tâm hồn của tác giả: đó là một con người bình dị, gắn bó sâu sắc với quê hương, biết rung động với những vẻ đẹp đơn sơ của chốn thôn dã thanh bình, hướng về sự thanh sạch cao quý và luôn có tinh thần trách nhiệm đối với cuộc đời.

c. Kết bài

- Cảm nhân được vẻ đẹp u tĩnh của cảnh sắc mùa thu, tâm hồn thanh cao và niềm ưu tư của nhân vật trữ tình trong bài.
- Thấy được sự tinh tế, tài hoa trong cách miêu tả thiên nhiên và biểu lộ tâm trạng của nhà thơ.

Phân tích bài Câu cá mùa thu ngắn gọn nhất - Đại Học Kinh Doanh & Công Nghệ  Hà Nội

Phân tích Câu cá mùa thu (mẫu 1)

Mùa thu vốn là một đề tài quen thuộc trong thơ ca Việt Nam. Thu thường mang đến cho thi sĩ một nỗi buồn man mác, gợi nhớ hay nuối tiếc về một cái gì đó xa xôi, đầy bí ẩn. Dường như không ai vô tình mà không nói đến cảnh thu, tình thu khi đã là thi sĩ!

         Trong nền thơ ca dân tộc có nhiều bài thơ tuyệt hay nói về mùa thu. Riêng Nguyễn Khuyến đã có chùm thơ ba bài: “Thu vịnh”, “Thu ẩm” và “Thu điếu”. Bài thơ nào cũng hay cũng đẹp cho thấy một tình quê dào dạt. Riêng bài “Thu điếu”, nhà thơ Xuân Diệu đã khẳng định là “điển hình hơn cả cho mùa thu của làng cảnh Việt Nam”. “Thu điếu” là bài thơ tả cảnh ngụ tình đặc sắc : Cảnh đẹp mùa thu quê hương, tình yêu thiên nhiên, yêu mùa thu dẹp gắn liền với tình yêu quê hương tha thiết.

          “Thu điếu” được viết bằng thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật. Ngôn ngữ tinh tế, hình tượng và biểu cảm. Cảnh thu, trời thu xinh đẹp của làng quê Việt Nam như hiện lên trong dáng vẻ và màu sắc tuyệt vời dưới ngọn bút thần tình của Nguyễn Khuyến.

         Hai câu đầu nói về ao thu và chiếc thuyền câu. Nước ao “trong veo” tỏa hơi thu “lạnh lẽo” . Sưong khói mùa thu như bao trùm cảnh vật. Nước ao thu đã trong lại trong thêm, khí thu lành lạnh lại trở nên “lạnh lẽo”. Trên mặt nước hiện lên thấp thoáng một chiếc thuyền câu rất bé nhỏ – “bé tẻo teo”. Cái ao thuyền câu là hình ảnh rung tâm của bài thơ, cũng là hình ảnh bình dị, thân thuộc, đáng yêu của quê nhà. Theo Xuân diệu cho biết vùng đất đồng chiêm trũng Bình Lục, Hà Nam có cơ man nào là ao, nhiều ao cho nên ao nhỏ, ao nhỏ thì thuyền câu cũng theo đó mà “bé tẻo teo”:

“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,

Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo”.

         Các từ ngữ: “lạnh lẽo, trong veo, bé tẻo teo” gợi tả đường nét, dáng hình, màu sắc của cảnh vật, sắc nước mùa thu; âm vang lời thơ như tiếng thu, hồn thu vọng về.

         Hai câu thơ tiếp theo trong phần thực là những nét vẽ tài ba làm rõ thêm cái hồn của cảnh thu:

“Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,

Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo”.

         Màu “biếc” của sóng hoà hợp với sắc “vàng” của lá vẽ nên bức tranh quê đơn sơ mà lộng lẫy. Nghệ thuật đối trong phần thực rất điêu luyện: “lá vàng” với “sóng biếc”, tốc độ “vèo” của lá bay tương ứng với mức độ “tí” của gợn sóng. Nhà thơ Tản Đà đã hết lời ngợi ca chữ “vèo” trong thơ của Nguyễn Khuyến. Ông đã nói một đời thơ của mình may ra mới có được câu thơ vừa ý trong bài “Cảm thu, tiễn thu”: “vèo trông lá rụng đầy sân”.

         Hai câu luận mở rộng không gian miêu tả. Bức tranh thu có thêm chiều cao của bầu trời “xanh ngắt” với “những tầng mây lơ lửng” trôi theo chiều giớ nhẹ. Trong chùm thơ thu, Nguyễn Khuyến nhận diện sắc trời thu là “xanh ngắt”:

“Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao” (Thu vịnh)

“Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt” (Thu ẩm)

“Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt” (Thu điếu)

         “Xanh ngắt” là xanh mà có chiều sâu. Trời thu không mây (xám) mà xanh ngắt, thăm thẳm. Xanh ngắt đã gợi ra cái sâu, cái lắng của không gian, cái nhìn vời vợi của nhà thơ, của ông lão đang câu cá. Thế rồi ông lơ đãng đưa mắt nhìn về bốn phía làng quê. Hình như bà con dân làng đã ra đồng hết. Xóm thôn vắng lặng. Mọi con đường quanh co, hun hút, không một bóng người qua lại:

“Ngõ trúc quanh co khách vắng teo”

         Cảnh vật êm đềm, thoáng một nỗi buồn cô tịch, hiu hắt. Người câu cá như đang chìm trong giấc mộng mùa thu. Tất cả cảnh vật từ mặt nước “ao thu lạnh lẽo” đến “ngõ trúc quanh co” hiện lên với đường nét, màu sắc, âm thanh,… có khi thoáng chút bâng khuâng, man mác nhưng rất gần gũi, thân thiết với mọi con người Việt Nam. Phong cảnh thiên nhiên của mùa thu quê hương sao đáng yêu thế!

         Cái ý vị của bài “Thu điếu” là hai câu kết:

“Tựa gối ôm cần lâu chẳng được

Cá đâu đớp động dưới chân bèo”.

         “Tựa gối ôm cần” là tư thế của người câu cá, cũng là một tâm thế nhàn, thoát vòng danh lợi. Cái âm thanh “cá đâu đớp động”, nhất là từ “đầu” gợi lên sự mơ hồ, xa vắng và chợt tỉnh. Người câu cá ở đây chính là nhà thơ, một ông quan to triều Nguyễn, yêu nước thương dân nhưng bất lực trước thời cuộc, không cam tâm làm tay sai cho thực dân Pháp đã cáo bệnh, từ quan. Đằng sau câu chữ hiện lên một nhà nho thanh sạch trốn đời đi ở ấn. Đang ôm cần câu cá nhưng tâm hồn nhà thơ như đang đắm chìm trong giấc mộng mùa thu, bỗng chợt tỉnh trở về thực tại khi “cá đâu đớp động dưới chân bèo”. Cho nên cảnh vật ao thu, trời thu êm đềm, vắng lặng như chính nỗi lòng của nhà thơ vậy: buồn cô đơn và trống vắng.

         Âm thanh tiếng cá “đớp động dưới chân bèo” đã làm nổi bật khung cảnh tịch mịch của chiếc ao thu. Cảnh vật như luôn luôn quấn quýt với tình người. Thiên nhiên đối với Nguyễn Khuyến như một bầu bạn tri kỷ. Ông đã trang trải tình cảm, gửi gắm tâm hồn, tìm lời an ủi ở thiên nhiên, ở sắc vàng của lá thu, ở màu “xanh ngắt” của bầu trời thu, ở làn “sóng biếc” trên mặt ao thu “lạnh lẽo”…

         Thật vậy, bài thơ “Câu cá mùa thu” là một bài thơ tả cảnh ngụ tình đặc sắc của Nguyễn Khuyến. Cảnh sắc mùa thu quê hương được miêu tả bằng những gam màu đậm nhạt, nhưng nét vẽ xa gần, tinh tế gợi cảm. Âm thanh của tiếng lá rơi đưa “vèo” trong làn gió thu, tiếng cá “đớp động” chân bèo – đó là tiếng thu dân dã, thân thuộc của đồng quê đã khơi gợi trong lòng chúng ta bao hoài niệm đẹp về quê hương đất nước.

         Nghệ thuật gieo vần của Nguyễn Khuyến rất độc đáo. Vần “eo” đi vào bài thơ rất tự nhiên thoải mái, để lại ấn tượng khó quên cho người đọc; âm hưởng của những vần thơ như cuốn hút chúng ta: trong veo – bé tẻo teo – đưa vèo – vắng teo – chân bèo. Thi sĩ Xuân Diệu đã từng viết: “Cái thú vị của bài Thu điếu ở các điệu xanh, xanh ao, xanh bờ, xanh sóng, xanh tre, xanh trời, xanh bèo, có một màu xanh vàng đâm ngang của chiếc lá thu rơi…”

         Thơ là sự cách điệu tâm hồn. Nguyễn Khuyến yêu thiên nhiên mùa thu, yêu cảnh sắc đồng quê với tất cả tình quê nồng hậu. Ông là nhà thơ của làng cảnh Việt Nam. Đọc “Thu điếu”, “Thu ẩm”, “Thu vịnh”, chúng ta yêu thêm mùa thu quê hương, yêu thêm xóm thôn đồng nội, đất nước. Với Nguyễn Khuyến, tả mùa thu, yêu mùa thu đẹp cũng là yêu quê hương đất nước. Nguyễn Khuyến là nhà thơ kiệt xuất đã chiếm một địa vị vẻ vang trong nền thơ ca cổ điển Việt Nam.

Phân tích Câu cá mùa thu (mẫu 2)

Trong lịch sử thơ ca cũng có một vài bài thơ tuyệt hay nói về mùa thu. Riêng Nguyễn Khuyến đã có chùm thơ ba bài: Thu thanh, Thu khê và Thu điếu. Bài thơ nào cũng hay, cũng đều cho thấy một tình quê dào dạt. Riêng bài “Thu điếu” thì nhà thơ Xuân Diệu đã khẳng định là “đại diện hơn tất cả cho mùa thu của làng cảnh Việt Nam”. “Thu điếu” là bài thơ tả cảnh sông tình sâu sắc: Cảnh đẹp mùa thu quê hương, tình yêu đất nước, yêu mùa thu và gắn liền với tình yêu quê hương đôi lứa. “Thu điếu” được viết với thể thơ của Đường luật, ngôn ngữ tinh tế, hình ảnh rất biểu cảm. Cảnh thu, cây thu thơ mộng của làng quê Việt Nam đã hiện lên trong hình hài và màu sắc hoàn hảo dưới ngọn bút tinh tế của Nguyễn Khuyến.

Hai câu đầu nói về ao thu cùng chiếc thuyền câu. Nước ao “trong veo” toả hơi thu “lạnh lẽo”. Sương khói mùa thu đã bao trùm cảnh vật. Nước ao thu đã trong lại trong xanh Dòng khí thu tinh khiết bỗng trở nên “lạnh lẽo”. Trên mặt nước hiện lên xa xa một chiếc thuyền câu khá bé nhỏ – “bé tẻo teo”. Cái ao cùng chiếc thuyền câu là hình ảnh trung tâm của bài thơ, cũng là hình ảnh giản dị, thân thương, đáng yêu của quê nhà. Theo Xuân Diệu cho thấy vùng đồng chiêm trũng Bình Lục, Hà Nam có chỗ nào là ao, cứ ao to ao sâu, ao rộng chiếc thuyền câu cũng theo đó mà “bé tẻo teo “:

“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo“.

Các từ ngữ: “lạnh lẽo”, “trong veo”, “bé tẻo teo” gợi tả bố cục, dáng hình, màu sắc của cảnh vật, sắc nước mùa thu; nhịp điệu lời thơ như gió thu đưa tiếng thu trở về.

Hai câu thơ cuối cùng trong phần này là những nét vẽ tài hoạ tô đậm hơn vẻ đẹp của mùa thu:

“Sóng biếc theo làn hơi gợn chút

Lá vàng trước gió khẽ đưa tay “.

Màu “biếc” của sóng hoà hợp với sắc “vàng” của lá tạo lên bức tranh đồng quê mộc mạc mà rực rỡ. Nghệ thuật đối trong tranh thật cũng điêu luyện kết hợp “lá vàng” với “sóng biếc”, tốc độ “vèo” của lá bay tương đương với mức độ “tí” của sóng gợn. Nhà thơ Tản Đà đã hết lời ca ngợi từ “vèo” trong thơ của Nguyễn Khuyến. Ông đã nói một đời thơ của mình mãi mới có được một câu thơ vừa ý trong bài “Đón thu, tiễn thu”, “Ngồi nhìn lá rơi đầy sân”.

Hai câu luận mở rộng không gian diễn tả. Bức tranh thu có thêm độ cao của bầu trời “xanh ngắt” với nhiều tầng mây “lơ lửng” xuôi theo chiều gió thổi. Trong chùm thơ thu, Nguyễn Khuyến nhận diện sắc trời thu là “xanh ngắt “:

– “Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao

(Thu ngâm)

– “Da trời ai nhuộm mà xanh biếc”.

(Thu ẩm)

– “Tầng mây lơ lửng trời xanh biếc”.

(Thu tàn)

Cái hay của bài thơ “Thu điếu” là ở hai câu kết:

“Tựa gối ôm cần lâu chẳng được
Cá đâu đớp động dưới chân bèo “.

“Tựa gối ôm cần” là tư thế của người câu cá cũng là một tâm thế nhàn của nhà thơ đã rời vòng danh lợi. Cái tiếng “cá đâu đớp động”, những chữ “đâu” gợi nên cảm giác mơ hồ, mông lung và chợt thức. Người câu cá ở đây chính là nhà thơ, một ông quan to triều Nguyễn, yêu nước thương dân nhưng lực bất tòng tâm với thời cuộc, không muốn trở thành tay sai cho thực dân Pháp đã cáo bệnh và từ quan. Đằng sau câu chữ hiện lên một nhà nho thanh bạch bỏ quê đi ở trọ. Đang ôm cần đi câu cá nhưng tâm hồn nhà thơ đang chìm đắm trong giấc mộng mùa thu thì bỗng bừng tỉnh quay trở lại thực tại khi “Cá đâu đớp động dưới chân bèo”. Cho nên cảnh vật ao thu, hồ thu êm đềm, tĩnh lặng như chính tâm trạng của nhà thơ vậy — buồn cô đơn và trống trải.

Âm thanh tiếng cá “đớp động dưới chân bèo” đã làm nổi bật không gian tĩnh lặng của chiếc ao thu. Cảnh vật như luôn luôn quấn quýt với lòng người. Thiên nhiên đối với Nguyễn Khuyến như một bầu bạn tri kỷ. Ông đã trang trải tình cảm, gửi gắm tâm tư và tìm kiếm sự an ủi ở thiên nhiên, ở sắc “vàng” của nắng thu, ở màu “xanh ngắt” của lá thu, ở những “sóng biếc” trên mặt ao thu “lạnh lẽo”. ..

Câu cá mùa thu là một trong số những áng văn hay và mang đậm nét trữ tình và cảm xúc của Nguyễn Khuyến. Mùa thu ngâm câu thơ thưởng vị trà thì còn gì bình yên bằng. Qua những câu thơ trên, với nghệ thuật tả cảnh ngụ tinh, Nguyễn Khuyến đã khắc họa cảnh đẹp mùa thu quê hương, tình yêu thiên nhiên, yêu mùa thu đẹp gắn liền với tình yêu quê hương đất nước tha thiết và đằm thắm.

Phân tích Câu cá mùa thu (mẫu 3)

Nguyễn Khuyến được biết đến nhiều nhất với chùm thơ thu gồm ba bài thơ bằng tiếng Nôm. Một trong số đó chính là “ Câu cá mùa thu” . Xuyên suốt bài thơ là một nét thu đẹp tĩnh lặng nơi làng quê thời xa xưa, biểu lộ một nét cô đơn trong tâm hồn một nhà Nho yêu quê hương yêu đất nước thời bấy giờ. Sau khoảng thời gian ông từ quan về quê nhà, một loạt những tác phẩm ra đời như “ Thu điếu”, “ Thu ẩm” , “ Thu vịnh”.

Mở đầu bài thơ là hai câu thơ

“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo

Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo”

Chỉ cần đọc hai câu thơ ta có thể tưởng tượng ra cảnh sắc mùa thu, một không gian nghệ thuật đang bao trùm xung quanh chúng ta. Nước trong veo của ao có thể giúp ta nhìn xuyên thấu được qua lòng ao, một không khí lạnh lẽo đang lan tỏa ra khắp không gian. Không còn cái se lạnh đầu thu nữa mà là đã thu phân, thu mạt rồi nên mới lạnh lẽo như vậy. Không biết từ bao giờ mà trong lòng ao đã xuất hiện một chiếc thuyền câu giữa không gian bao la rộng lớn dường như sự cô đơn của chiếc thuyền đang lan tỏa rộng ra khắp không gian. Bé tẻo teo nghĩa là rất bé nhỏ; âm điệu của vần thơ cũng gợi ra sự hun hút của cảnh vật (trong veo – bé tẻo teo). Đó là một nét thu đẹp và êm đềm. Tiếp đó cùng bước vào thế giới nghệ thuật của hai câu thơ tiếp theo:

“Sóng nước theo làn hơi gợn tí

Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo”

Hai câu thơ đang gợi tả cảnh vật xung quanh theo không gian hai chiều có thể nhìn bằng mắt là sóng đang gợn và tai có thể nghe thấy tiếng lá được gió đưa vèo. Vô cùng mộc mạc giản dị nhưng cũng có thể cho người ta thấy được sự hài hòa của màu sắc được tác giả miêu tả có sóng biếc có lá vàng. Gió thổi nhẹ cũng đủ làm cho chiếc lá thu màu vàng khẽ đưa vèo, làm cho sóng biếc lăn tăn từng làn từng làn hơi gợn tí. Ngoài ra bên cạnh đó tác giả còn kết hợp sử dụng phép đối một cách vô cùng tài tình giúp cho nét thu được nhấn mạnh giúp người đọc có thể hình dung ra không gian mà tác giả đang miêu tả như đang ở trước mặt mình một cách vô cùng chân thực và rõ nét. Phải công nhận một điều là ngòi bút của tác giả Nguyễn Khuyến vô cùng tinh tế trong dùng từ và cảm nhận, lấy cái lăn tăn của sóng hơi gợn tí phối cảnh với độ bay xoay xoay khẽ đưa vèo của chiếc lá thu. Chữ vèo là một nhân tự mà sau này thi sĩ Tản Đà vừa khâm phục, vừa tâm đắc. Ông thổ lộ một đời thơ mới có được một câu vừa ý: vèo trông lá rụng đầy sân (cảm thu, tiễn thu). Chưa dừng lại ở đấy Nguyễn Khuyến còn giúp chúng ta mở rộng tầm mắt hơn ở hai câu thơ tiếp theo:

“Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt

Ngõ trúc quanh co khách vắng teo”

Một bầu trời xanh ngắt và thăm thẳm bao la và rộng lớn đang bao trùm lấy không gian nơi đây. Những áng mây đang lẳng lặng trôi trên bầu trời rộng lớn như đang nhấn mạnh sự rộng lớn của không gian nơi đây. Thoáng đãng, êm đềm, tĩnh lặng và nhẹ nhàng. Không một bóng người lại qua trên con đường làng đi về các ngõ xóm: Ngõ trúc quanh co khách vắng teo. Vắng teo nghĩa là vô cùng vắng lặng không một tiếng động nhỏ nào, cũng gợi tả sự cô đơn, trống vắng. Ngõ trúc trong thơ Tam nguyên Yên Đổ lúc nào cũng gợi tả một tình quê nhiều bâng khuâng, man mác:

Dặm thế, ngõ đâu từng trúc ấy

Thuyền ai khách đợi bến đâu đây?

(Nhớ núi Đọi)

Có lẽ một trong những sự vật quen thuộc với hình ảnh làng quê đó là ngõ trúc và tầng mây. Hai sự vật này đã từng xuất hiện rất nhiều trong các tác phẩm nghệ thuật. Có vẻ như tác giả đang tự hòa mình và đắm chìm vào trong cảnh sắc nơi đây nên mới có thể miêu tả một cách vô cùng chân thực như vậy được. Đến hai câu kết thì bức tranh thu mới xuất hiện một đối tượng khác:

“ Tựa gối ôm cần lâu chẳng được

Cá đâu đớp động dưới chân bèo”

Thu điếu nghĩa là mùa thu câu cá. Sáu câu đầu mới chỉ có cảnh vật: ao thu, chiếc thuyền câu, sóng biếc, lá vàng, tầng mây, ngõ trúc.. Hình ảnh người câu cá đến tận phần cuối cùng mới thấy xuất hiện với một tư thế tựa gối ôm cần vô cùng nhàn nhã. Trong tâm thế đợi chờ lâu chẳng được bỗng nhiên tác giả bỗng nhiên chợt tỉnh vì nghe thấy tiếng cá đớp động dưới chân bèo. Sự chờ đợi đã từ rất lâu mãi đến bây giờ đã có một chút kết quả. Người câu cá như đang không quan tâm đến mọi thứ tạp niệm chỉ tập trung hòa mình vào trong không gian bây giờ, trong cảnh sắc vô cùng tuyệt đẹp, và trong giấc mộng mùa thu. Người đọc nghĩ về một Lã Vọng câu cá chờ thời bên bờ sông Vị hơn mấy nghìn năm về trước. Chỉ có một tiếng cá đớp động sau tiếng lá thu đưa vèo, đó là tiếng thu của làng quê xưa. Âm thanh ấy hòa quyện với một tiếng trên không ngỗng nước nào, như đưa hồn ta về với mùa thu quê hương. Người câu cá đang sống trong một tâm trạng cô đơn và lặng lẽ buồn. Một cuộc đời thanh bạch, một tâm hồn thanh cao đáng trọng.

Thu điếu là một trong những tác phẩm quá tuyệt vời của tác giả Nguyễn Khuyến. Xuân Diệu đã từng bộc bạch rằng trong Thu điếu có một nét diệu xanh mà người ta không tài nào hiểu hết vẻ đẹp, vẻ tinh túy của nó được. Có xanh ao, xanh sóng, xanh trời, xanh tre, xanh bèo… và chỉ có một màu vàng của chiếc lá thu đưa vèo. Tuy nhiên ẩn sâu trong cái tĩnh lặng này lại có một nỗi buồn man mác của tác giả. Một tâm thế an nhàn và thanh cao gắn bó với mùa thu quê hương, với tình yêu tha thiết. Mỗi nét thu là một sắc thu, tiếng thu gợi tả cái hồn thu đồng quê thân thiết, vần thơ: veo – teo – tèo – teo – bèo, phép đối tạo nên sự hài hòa cân xứng, điệu thơ nhẹ nhàng bâng khuâng cho thấy một bút pháp nghệ thuật vô cùng điêu luyện, hồn nhiên – đúng là xuất khẩu thành chương.

Phân tích Câu cá mùa thu (mẫu 4)

Nguyễn Khuyến là nhà thơ nổi tiếng với phong cách thơ đặc trưng, riêng biệt. Một trong những bài thơ tiêu biểu cho phong cách thơ của ông chính là bài Câu cá mùa thu.

Mở đầu bài thơ tác giả miêu tả khung cảnh thiên nhiên gần gũi với làng quê:

“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo

Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo”

“Ao” là hình ảnh gần gũi, thân thuộc với người nông dân. Thời tiết chuyển sang mùa thu, ngay cả cái ao cũng mang hơi hướng, âm hưởng mùa thu với làn nước mát lạnh và trong veo. Trong khung cảnh mùa thu với ao nước trong xanh, làn nước mát lạnh ấy là hình ảnh chiếc thuyền câu của người thi sĩ nhỏ bé, lọt thỏm trong không gian rộng lớn trở nên “bé tẻo teo”. Khung cảnh thiên nhiên, bức tranh mùa thu trở nên đẹp đẽ và mang màu sắc riêng biệt không lẫn với bất cứ nơi nào.

Bức tranh mùa thu ở làng quê được miêu tả ở những cảnh vật thân thuộc khác:

“Sóng nước theo làn hơi gợn tí

Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo”

Làn gió thổi lăn tăn sóng trên mặt nước “hơi gợn tí” làm cho bức tranh tuy động nhưng vẫn tĩnh. Tiếng sóng nước nhỏ bé ti li gợn gợn gợi cảm giác thanh bình. Hình ảnh chiếc lá vàng rụng khỏi cây và rơi xuống đất được miêu tả sinh động “khẽ đưa vèo” vừa gợi sự mỏng manh yếu đuối của chiếc lá bị gió cuốn bay vừa gợi âm thanh mùa thu - âm thanh của những chiếc lá rơi.

Bầu trời mùa thu mang vẻ đẹp thanh bình:

"Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt

Ngõ trúc quanh co khách vắng teo"

Bầu trời mùa thu có những đám mây lơ lửng trên không trung tầng tầng lớp lớp nhưng vẫn để lộ ra khoảng trời trong xanh tạo ra bầu không khí dịu mát. Thêm vào đó là quang cảnh xung quanh thi sĩ với con ngõ chạy quanh co nhưng vắng lặng không một bóng người làm cho không gian trở nên vô cùng yên tĩnh.

Trong bức tranh mùa thu thanh bình đó là hình ảnh người thi sĩ ung dung, tự do tự tại:

"Tựa gối buông cần lâu chẳng được

Cá đâu đớp động dưới chân bèo"

Trong bức tranh thiên nhiên mùa thu ấy là hình ảnh người thi sĩ thong dong buông chiếc cần câu để câu cá mà không chút vướng bận nhưng đợi mãi không có con cá nào cắn câu. Hình ảnh đàn cá “đớp động dưới chân bèo” tạo cảm giác thú vị. Người thi sĩ có thể nhìn thấy con cá, nghe thấy tiếng động của nó nhưng không thể bắt được chúng. Bức tranh mùa thu với những cảnh vật quen thuộc của làng quê Việt Nam tuy giản dị nhưng vô cùng tươi đẹp. Trong bức tranh thiên nhiên đó là hình ảnh con người ung dung, thong dong tận hưởng cuộc sống.

Vần “eo” thường được người ta cho rằng mang ý nghĩa không tốt và không may mắn nhưng nhờ sự sáng tạo của mình, Nguyễn Khuyến đã mang đến cho bạn đọc cái nhìn mới mẻ, sự tươi vui khi gieo vần này và tạo ra một bài thơ hay, độc đáo. Nhiều năm tháng qua đi nhưng bài thơ vẫn giữ nguyên vẹn giá trị ban đầu của nó và để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng nhiều thế hệ bạn đọc.

2 bài văn mẫu Phân tích bức tranh mùa thu qua bài thơ Câu cá mùa thu

Phân tích Câu cá mùa thu (mẫu 5)

Nhắc đến mùa thu, thường gợi cho ta nghĩ đến vẻ đẹp dịu dàng, êm ả mà bàng bạc một nỗi sầu khắc khoải, mà man mác một nỗi niềm tha thiết. Bởi vậy, thu đi vào những trang thơ của người nghệ sĩ vừa đẹp cảnh lại vừa đẹp tình. Trong kho tàng văn thơ trung đại Việt Nam, đã nhắc đến mùa thu thì không thể không kể đến chùm thơ thu của “ông hoàng mùa thu” – Nguyễn Khuyến. Qua bức tranh “Thu điếu” (Câu cá mùa thu) , cùng đến với cái tình của Nguyễn- một bầu tâm sự nói mấy cũng không vơi, nhìn vào đâu cũng thấy thơ, cũng có thể bắt vào thơ.

Chỉ bằng một vài đường nét, một vài sắc màu điểm tô, ta thấy được qua bức tranh “câu cá mùa thu” của Nguyễn Khuyến chan chứa mênh mang những cái tình của thi nhân. Mà có lẽ trước hết, “tình” ở đây chính là cái tình gắn bó, cái tình quyện hòa, cái tình tha thiết với thiên nhiên non nước. Đọc “Thu điếu”, ta như được đắm mình vào một không gian thu rất riêng của nông thôn đồng bằng Bắc Bộ.

Nếu qua “Thu hứng”, Đỗ Phủ vẽ ra một bức tranh mùa thu đặc trưng của miền Bắc Trung Quốc, kết hợp giữa cái xác xơ, tiêu điều với cái dữ dội, chao đảo; nếu qua “Thu vịnh”, mùa thu được Nguyễn Khuyến đón nhận từ không gian thoáng đãng mênh mông với cặp mắt hướng thượng, khám phá dần các tầng cao của không gian, thì đến “thu điếu” – mùa thu được tạo nên bằng tất cả những thi liệu “đượm chất thu” và hết mực cổ điển.

Hình ảnh “thu thủy”- làn nước mùa thu sóng đôi với “thu thiên”- bầu trời thu, kết hợp cùng “thu diệp” – lá thu và hình ảnh “ngư ông” – người câu cá. Ao thu – vốn là một không gian chẳng còn xa lạ của vùng quê Bắc Bộ. Trung tâm của bức tranh thu là một chiếc thuyền câu “bé tẻo teo”. Từ chính chiếc thuyền con giữa lòng ao nhỏ ấy, ánh mắt của thi nhân bao quát ra xung quanh và cảm nhận mặt nước ao thu lạnh lẽo và trong veo đến hết độ.

Rồi mùa thu hiện lên với nào sóng biếc “gợn tí”, xa hơn một chút là hình ảnh lá vàng “khẽ đưa vèo” trong gió, cao hơn là khoảng không gian vời vợi của bầu trời “xanh ngắt”, men theo lối đi của chiếc ao nhỏ là ngõ trúc “quanh co” uốn lượn… và đến cuối cùng, tầm mắt của thi nhân lại quay về với chiếc thuyền câu bởi âm thanh của tiếng cá “đớp động” dưới chân bèo. Khung cảnh hiện lên đẹp tựa tiên cảnh, nhưng lại là vẻ đẹp vô cùng giản dị thân thuộc, gắn liền với đồng đất quê hương.

Xuân Diệu từng nhận xét: “…Thu điếu (Câu cá mùa thu) là điển hình hơn cả cho mùa thu của làng cảnh Việt Nam”. Mùa thu của thi nhân không chỉ gây ấn tượng ở màu sắc, không những đẹp trong từng nét họa mà còn vang động những thanh âm rất riêng. Ao thu hiện ra qua hai tính từ: “lạnh lẽo” và “trong veo” – ao lạnh, nước yên và trong đến tận đáy. Ở đây, cái trong đã song hành cùng cái tĩnh: càng trong lại càng tĩnh, càng tĩnh lại càng trong.

Còn bầu trời, Nguyễn lựa chọn điểm tô màu “xanh ngắt” – là sợi chỉ xuyên suốt kết nối chùm thơ thu ba bài của thi nhân, cũng bởi vậy mà trở thành gam màu đặc trưng cho hồn thơ thu Nguyễn Khuyến. “Xanh ngắt” là xanh trong tuyệt đối không chút pha trộn, không chút gợn tạp. Nguyễn Khuyến đã mở lòng để đón nhận cái thần thái rất riêng của bầu trời thu như thế.

Còn với “gió thu” tác giả không miêu tả trực tiếp mà sử dụng bút pháp cổ điển “vẽ mây nảy trăng”. Tả sóng nước “gợn tí”, tả lá vàng “khẽ đưa vèo” chính là nhà thơ đang họa nên gió. Với hình ảnh “ngõ trúc quanh co – vắng teo” không một bóng người qua gợi nên một không gian thu yên tĩnh đến êm ả. Câu thơ cuối đã được tác giả khéo léo lồng vào bút pháp thi ca cổ điển “lấy động đánh tĩnh”.

Phải là một không gian tĩnh lặng tuyệt đối thì cả con người với thiên nhiên mới có thể giật mình trước âm thanh rất nhỏ – “cá đớp động”. Cái động của tiếng cá đớp càng làm nổi bật cái tĩnh chung của cảnh. Bức tranh thu hiện lên với vẻ đẹp thanh vắng, quạnh hiu, chỉ có duy nhất thi nhân đang trong vai của một ngư ông đối diện với thiên nhiên mà như đang chìm vào cõi suy tư trầm ngâm. Không gian tĩnh lặng, vắng người, vắng tiếng, cảnh hẹp và thu nhỏ trong khuôn ao làng xóm.

Bức tranh thu của Nguyễn Khuyến còn là sự hòa quyện tinh tế giữa muôn vàn cung bậc của các “điệu xanh” (Xuân Diệu): xanh ao, xanh sóng, xanh bèo, xanh bờ, xanh trời và xanh trúc. Rồi điểm xuyết giữa những sắc xanh ấy, người ta thấy nổi bật một màu “lá vàng” đã tạo nên sự hòa sắc nhẹ nhàng cho cả bức tranh. “Lá vàng” thường gợi sự tàn phai, tiêu điều, vốn là biểu tượng cho mùa thu phương Bắc.

Nguyễn Khuyến gợi chứ không tả, chỉ với ba từ “khẽ đưa vèo” mà gợi được cả cái thanh sơ nơi màu vàng của chiếc lá trên nền trời xanh đang chao nghiêng, trên sóng biếc gợn nhẹ. Đây chính là khoảnh khắc bất ngờ mà đầy chất thơ của tạo vật cho thấy đôi mắt với ánh nhìn chủ động của người nghệ sĩ. Tác giả như đang nghiêng lòng mình, lắng nghe mọi tàn phai trong sự chuyển động khẽ khàng của cảnh.

Cả bức tranh thu là sự hòa điệu về đường nét chuyển động mảnh mai, nhẹ nhàng đến tinh tế thông qua chuỗi các động từ: “khơi gợn tí”, “lơ lửng”, “khẽ đưa vèo”… Ao thu nhỏ nên thuyền câu bé, trời xanh ngắt nên nước thêm trong, khách vắng teo nên người ngồi câu cũng trầm ngâm, yên lặng. Bức tranh thiên nhiên được hòa sắc vào nét, bỗng trở nên hài hòa xứng hợp, xinh xắn đến lạ kì.

Như vậy, để làm sống dậy hồn của cảnh trên trang viết, Nguyễn Khuyến đã sử dụng một hệ thống ngôn từ vô cùng tài hoa – thứ ngôn ngữ gợi cảm, giàu nhạc điệu và được biến hóa qua nhiều sắc thái bất ngờ. Trước hết là hệ thống các từ láy vừa gợi hình, vừa gợi cảm, những tính từ chỉ mức độ được kết hợp hết sức tinh tế: “lạnh lẽo, trong veo, bé tẻo teo, gợn tí, vèo, lơ lửng, xanh ngắt, quanh co, vắng teo”.

Việc lựa chọn vần “eo” – vốn được coi là vần chết trong thi ca, dưới ngòi bút tài tình của tác giả đã thành công bất ngờ, gợi cho ta cảm giác không gian mỗi lúc một thu hẹp, bức tranh càng gợi cảm giác xinh xắn, bé nhỏ rất phù hợp với quan điểm thẩm mĩ truyền thống của người Việt xưa. Cảnh thanh đạm, đơn sơ, không lộng lẫy nhưng vẫn hết sức gợi cảm; cảnh đẹp nhưng lại đượm buồn.

Nguyễn Du đã từng đúc kết một qui luật: “Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu”, bức tranh thu của Nguyễn Khuyến cũng vậy, cũng mang nặng những nỗi niềm tâm sự u hoài của tác giả trước thời cuộc đổi thay. Bài thơ, có thể nói, đã được hình thành từ sự cộng hưởng giữa nỗi sầu ủ sẵn trong cảnh và niềm cô đơn ẩn sâu trong lòng người.

Với nhan đề: “Câu cá mùa thu” nhưng nhân vật trữ tình lại chẳng mấy bận tâm đến chuyện câu cá, mà nói “câu cá” thực ra là để đón nhận cảnh thu vào lòng mà gửi gắm tâm sự. Bức tranh thu tĩnh lặng hay chính là một cõi lòng tĩnh lặng tuyệt đối. Cái se lạnh của cảnh thu đang thấm vào tâm hồn của nhà thơ hay cái lạnh của lòng thi nhân đang tỏa lan ra cảnh vật?

Ở Nguyễn Khuyến, ta thấy một nỗi buồn u hoài thăm thẳm cô đơn của một nhà nho lánh đời thoát tục, nhưng trong lòng vẫn canh cánh nỗi niềm dân nước. Cũng giống như Nguyễn Trãi năm xưa về Côn Sơn ở ẩn, Nguyễn Khuyến nhàn thân nhưng không nhàn tâm. Khi ông đạt đến đỉnh cao sự nghiệp thì cũng là lúc dân tộc bước vào một giai đoạn lịch sử đầy bi thương.

Chế độ phong kiến bấy giờ trở thành một gánh nặng của lịch sử, không còn đủ khả năng để đưa đất nước thoát khỏi họa ngoại xâm và nô dịch. Hệ tư tưởng Nho giáo mà nhà thơ từng tôn thờ đã trở nên lạc hậu, lỗi thời. Nguyễn Khuyến ý thức sâu sắc sự bất lực của bản thân. Ông luôn cảm thấy băn khoăn, bứt rứt vì không thể làm gì hơn cho đất nước, cho nhân dân.

Điều duy nhất ông có thể làm là bất hợp tác với kẻ thù, lui về quê ở ẩn, giữ gìn tiết tháo nhân cách, quên đi những dằn vặt sự đời nhưng muốn quên mà chẳng thể quên được. Tại nơi thôn quê thanh sơ, Nguyễn Khuyến vẫn đau đáu một nỗi quan hoài thường trực – ông là một con người nặng tình với đất nước, với quê hương. Hai câu thơ cuối kết lại mạch cảm xúc, gợi ra lòng người thanh thản với tư thế thu mình ngồi đến lặng lẽ của một ngư ông “lánh đục về trong”

“Tựa gối buông cần lâu chẳng được

Cá đâu đớp động dưới chân bèo”.

Nhà thơ chăm chú dõi nhìn cảnh sắc mùa thu, cho đến khi nghe tiếng cá đớp động dưới chân bèo mới giật mình sực tỉnh. Vừa trở về với thực tại, nhà thơ đã đưa mình vào trạng thái lửng lơ… Một chữ “đâu” mà không thể phân biệt được đâu là hư, đâu mới là thực. “Đâu” là đâu có hay “đâu” là đâu đó? Bức tranh thu liệu thực có tiếng cá đớp động hay không? Người đọc không biết, thi nhân cũng không tài nào lí giải nổi. Người ngồi câu mà như hóa thạch giữa không gian, thời gian, đi câu mà cái chí lại không đặt ở việc đi câu.

Mỗi thi sĩ làm thơ, trước hết là phải thổi được cái hồn mình vào đó, phải biết biến hóa những con chữ thô cứng ngập tràn thi vị và “nhảy múa” trong cảm xúc. “Đọc một câu thơ hay tức là ta gặp gỡ một tâm hồn con người” (A-tô-ni Phơ-răng). Qua “Thu điếu”, ta thấy được ở Nguyễn Khuyến một tâm hồn gắn bó với thiên nhiên, một tấm lòng yêu nước thuần hậu, thầm kín.

Đó phải là cái nhìn đầy tinh tế của bậc thầy thơ Nôm trung đại mới có thể họa nên bức tranh đẹp nhường ấy. Nỗi buồn trong cảnh không bị đẩy tới mức độ u uất mà lan tỏa nhẹ nhàng ra xung quanh, vừa đủ để tạo ra một khoảng lặng trong tâm hồn. Chính nỗi u hoài ấy của tác giả mới làm nên lưu luyến trong tâm trí người đọc, làm nên nỗi day dứt với đời và tạo thành giá trị trường tồn, sức sống lâu bền cho tác phẩm.

Với “Thu điếu” – Nguyễn Khuyến đã tạo nên cho mình một chỗ đứng quan trọng trong nền thơ ca trung đại Việt Nam nói chung và trong những thi phẩm lựa chọn đề tài mùa thu nói riêng. Đong đầy trong từng vần thơ con chữ, ta thấy được mênh mang cái tình của thi nhân. Nguyễn Khuyến, hơn một nhà họa sĩ là một nhà thi sĩ. Thơ ông hơn một bức tranh tả cảnh là những ngôn từ gợi tình.

Phân tích Câu cá mùa thu (mẫu 6)

Đi câu là một cái thú thanh tao của những bậc đế vương. Có bậc quân tử có tài, không việc gì đi câu để đợi thời. Ngồi trên bờ ai chẳng nghĩ đến chuyện đời, nhớ về thế giới thần tiên. “Cá con mồi vuốt râu ngồi bờ” (có người lại sử dụng lưỡi câu nhọn kiểu Khương Tử Nha – Trung Quốc) . Có bậc quân tử cầm kiếm đi câu cho hương thú thanh tịnh, hoà mình với thiên nhiên và suy nghĩ trong trạng thái thoải mái. Nguyễn Khuyến đi câu theo cách tương tự. Ông đã mở tất cả các giác quan để thưởng thức mùa thu và cũng là mùa câu của xứ Bắc. Như những đứa trẻ con trong xóm, ông câu lúc nào cũng chăm chú, cũng hồi hộp và cũng say sưa. Kết quả của cuộc chơi ấy là ông đã có một bài thơ “Thu điếu” thuộc loại tuyệt tác của nền vãn học Việt Nam:

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,
Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo.
Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt.
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.
Tựa gối, ôm cần lâu chẳng được,
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.

Hình ảnh mùa thu hiện lên trong trang thơ với một không gian hẹp ở nơi làng quê của ông, trong một cái ao nhỏ với con thuyền câu dài xíu:

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo”

Cái tôi trữ tình lặn phía sau ngòi bút. Cảm giác của nhà thơ lại hiện lên dịu dàng và sâu lắng. Mùa thu đã vào chiều muộn, “ao thu lạnh lẽo” với mặt nước “trong veo” không cần ngắm, ao thu chính là tấm gương sáng của làng quê. Làng Bùi của nhà thơ là đồng có rất nhiều ao to ao bé. Ao nhỏ thì thuyền câu cũng nhỏ theo “bé tẻo teo”, vần eo là thử vận khó, thế mà câu thơ trôi chảy tự nhiên như không, như không có chút gì là kỹ thuật cả.

Cách dùng câu hỏi “cá đâu” không chỉ gợi nên sự tò mò của nhà thơ mà còn gợi ra sự bối rối và hoang mang của lòng người. Dù đắm chìm trong dòng suy nghĩ nhưng nhà thơ lại cực kỳ tinh tế và nhạy cảm khi phát hiện âm thanh mơ hồ xung quanh. Bởi tiếng cá đớp mồi rất khẽ, rất êm nên phải thật sự nhạy cảm và tĩnh lặng trong tâm hồn thì nhà thơ mới có thể lắng nghe được. Nghệ thuật dùng động tả tĩnh để tả sự vô tình được thể hiện trong hai câu thơ cuối. Cái động của con cá “đớp động” không “phá tan” đi cái tĩnh mịch của không gian mà ngược lại với những chuyển động ấy càng tô sâu hơn sự vắng lặng của không gian và nỗi cô đơn, trống trải trong tâm hồn con người.

Hai câu thơ cuối gợi nên hình tượng nhân vật trong nghề câu cá. Thế nhưng dường như nhà thơ không tập trung vào đi câu mà làm một cái cỡ để mang lại cảm giác thanh thản trong tâm hồn. Nhà thơ thả hồn vào thiên nhiên để tìm thấy được vẻ đẹp tinh tế của cảnh vật mùa thu cả trong đường nét, âm thanh và hình ảnh. Cảnh thu đẹp nhưng u buồn, lòng người thư thái nhưng vẫn ẩn chứa những ưu tư, những trăn trở về thân phận, cuộc sống.

Phân tích Câu cá mùa thu (mẫu 7)

Đi câu là một cái thú thanh tao của các bậc trí giả. Có bậc hiền nhân có tài, bất đắc chi đi câu để chờ thời. Ngồi trên bờ ai mà nghĩ đến chuyện năm châu bốn biển, nghĩ đến thế sự đảo điên. “Cá ăn đứt nhợ vểnh râu ngồi bờ” (có người còn dùng lưỡi câu thẳng như Khương Tử Nha - Trung Quốc). Có bậc đại nhân vác cần đi câu để hương thú nhàn tản, hòa hợp với thiên nhiên, suy tư trong trạng thái thư giãn. Nguyễn Khuyến đi câu theo kiểu này. Ông đã mở hết các giác quan để cảm nhận mùa thu, cũng là mùa câu của xứ Bắc. Như những đứa trẻ trong xóm, ông câu cá cũng chăm chú, cũng hồi hộp, cũng say mê. Kết quả của cuộc chơi ấy là ông đã được một bài thơ “Thu điếu” vào loại kiệt tác của nền văn học nước nhà:

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,
Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo.
Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt.
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.
Tựa gối, ôm cần lâu chẳng được,
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.

Hình ảnh mùa thu hiện lên trong bài thơ với một không gian hẹp ở chốn làng quê của tác giả, trong một cái ao nhỏ với chiếc thuyền câu nhẹ thênh thênh:

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.

Cái tôi trữ tình lặn phía sau ngôn từ. Cảm giác của thi nhân thì hiện lên sắc sảo và tinh tế. Mùa thu đã vào chiều sâu, “ao thu lạnh lẽo” với mặt nước “trong veo” rất muốn nhìn, ao thu như là chiếc gương tròn của làng quê. Làng Bùi của nhà thơ là đồng chiêm trũng rất nhiều ao, ao nhỏ. Ao nhỏ thì thuyền câu cũng nhỏ theo “bé tẻo teo”, vần eo là thử vận hiểm hóc, vậy mà câu thơ trôi chảy tự nhiên như không, như không có chút gì là kĩ xảo cả.

Thuyền câu đã hiện ra đấy mà người câu đâu chẳng thấy. Cũng chưa thấy cần thấy nhớ gì cả. Người đi câu còn mải mê với trời nước của mùa thu:

Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,
Lá vàng, trước gió khẽ đưa vèo.

Ao thu không còn tĩnh lặng nữa mà đã nổi sóng với hai thanh trắc ở đầu câu (sóng biếc) và hai thanh trắc ở cuối câu (gợn tí). Sóng nhỏ vì ao nhỏ, lại là trong chỗ khuất. Gió nhẹ, gió heo may mùa thu. Sóng lại có màu sắc, “sóng biếc” thật đẹp. Ngòi bút của tác giả tinh tế đến từng chi tiết nhỏ. Hai câu thực đối rất chỉnh “sóng biếc" đối với “lá vàng”, đều là màu sắc đặc trưng của mùa thu. “Hơi gợn tí” đối với “khẽ đưa vèo”, vận động của chiều dọc tương xứng với vận động của chiều ngang thật tài tình.

Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo.

Nhà thơ đã thả hồn theo chiếc lá vàng “khẽ đưa vèo" trên mặt ao trong veo. Cái màu vàng của mùa thu mà bao nhiêu thi nhân đã ngợi ca:

Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô

(Lưu Trọng Lư)

Vàng rơi! Vàng rơi! Thu mênh mông.

(Bích Khê)

Và đây là chiếc lá vàng của Nguyễn Khuyến trong bài thơ “Thu điếu” dưới ánh mắt của Xuân Diệu: “Cái thú vị của bài Thu Điếu ở các điệu xanh, xanh ao, xanh bờ, xanh sóng, xanh tre, xanh trời, xanh bèo, có một màu vàng đâm ngang của chiếc lá thu rơi...”. Lời bình của Xuân Diệu thật là tâm đắc.

Nhà thơ mở không gian lên chiều cao tạo nên không khí khoáng đạt và không gian được mở rộng nên bức tranh "Thu điếu” thêm đường nét, thêm màu sắc:

Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt,
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.

Màu da trời “xanh ngắt” thật là đẹp, màu xanh xao mà tha thiết. Trong màu “xanh ngắt” có cái thăm thẳm của chiều cao. Mây không trôi mà “lơ lửng” những áng mây trắng “lơ lửng” trên bầu trời “xanh ngắt” thật là thanh bình. Rồi tác giả lại trở về cận cảnh với hình ảnh của làng quê. “Ngõ trúc quanh co”, đường làng quanh co thân thuộc với bóng tre trùm mát rượi. Nhưng bao giờ trong thơ Nguyễn Khuyến tre cũng nói là trúc, “Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu” (Thu vịnh), “Ngõ trúc quanh co khách vắng teo”. Nguyễn Khuyến thích cái hình thể loại cây chí khí ấy “Trúc dẫu cháy đốt ngay vẫn thẳng”. Những nét trúc thẳng đối lập với những nét quanh co của đường làng thật là gợi cảm. Trời lạnh, đường quê vắng vẻ, “khách vắng teo”. Bức tranh thu đượm buồn. Các thi sĩ thích miêu tả cảnh thu trong tĩnh lặng, đẹp, nhưng buồn. Sau Nguyễn Khuyến, nhà thơ lãng mạn Xuân Diệu cũng viết:

Đã nghe rét mướt luồn trong gió
Đã vắng người sang những chuyến đò

(Đây mùa thu tới)

Bài thơ kết thúc với hình ảnh của người đi câu như một nét tự họa:

Tựa gối, ôm cần lâu chẳng được,
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.

Nhà thơ thu mình lại “tựa gối ôm cần”, dường như để tương xứng với khung ao nhỏ, với chiếc thuyền “bé tẻo teo”. Người đi câu đang đắm chìm trong suy tư thì một cử động đã làm cho nhà thơ sực tỉnh:

Cá đâu đớp động dưới chân bèo.

Ba chữ “đ” (đâu, đớp, động) miêu tả một chút xao động trong làn ao và rất nhiều xao động trong lòng thật là tài tình.

Có ý kiến cho rằng cử chỉ đi câu của Nguyễn Khuyến giống với Khương Tử Nha và nhà bình luận đó hết lời ngợi ca cả hai ông. Không! Nguyễn Khuyến đâu có còn chờ thời. Nhà thơ chỉ muốn tan hòa vào thiên nhiên, vào non nước. Toàn bộ hình tượng thơ “Thu điếu” đã sửa soạn cho thái độ này. Khung cảnh hẹp, ao nhỏ, chiếc thuyền “bé tẻo teo”. Nhà thơ thu mình lại “tựa gối ôm cần” hòa điệu với thiên nhiên, tan hòa với non nước. Thế thì làm sao thái độ đi câu của Nguyễn Khuyến lại giống với thái độ đi câu của Khương Tử Nha được? Còn đồng tình với ai đó là chuyện riêng. Tôi đồng tình với Nguyễn Khuyến.

Trong chùm thơ bài viết về mùa thu của Nguyễn Khuyến, nếu được chọn một bài thì đó là bài “Thu điếu”. Bài thơ "Thu điếu” là kiệt tác trong nền thơ cổ điển nước nhà. Bức tranh mùa thu được miêu tả bằng những hòa sắc tinh tế, những đường nét gợi cảm. Nhạc điệu cũng độc đáo. vần gieo hiểm hóc mà tự nhiên, hồn nhiên. Theo Xuân Diệu, cả bài thơ không còn lép chữ nào. Thật là một nghệ sĩ cao tay. Cái tình của nhà thơ cũng theo kịp cái tài. Cái tình của nhà thơ đối với quê hương làng cảnh, với non sông đất nước thấm trong mỗi chữ mỗi lời làm xúc động hết thảy mỗi tâm hồn Việt Nam.

Phân tích Câu cá mùa thu (mẫu 8)

Mùa thu vốn là một đề tài quen thuộc trong thơ ca Việt Nam. Thu thường mang đến cho thi sĩ một nỗi buồn man mác, gợi nhớ hay nuối tiếc về một cái gì đó xa xôi, đầy bí ẩn. Dường như không ai vô tình mà không nói đến cảnh thu, tình thu khi đã là thi sĩ! Đến với Nguyễn Khuyến, chúng ta sẽ thấy được điều đó. Cảnh mùa thu trong thơ ông không phải là mùa thu ở bất cứ miền nào, thời nào, mà là mùa thu ở quê ông, vùng đồng chiêm Bắc Bộ lúc bấy giờ. Chỉ với bầu trời “xanh ngắt” (Thu vịnh), với cái nước “trong veo” của ao cá (Thu điếu), và cái “lưng giậu phất phơ màu khói nhạt, làn ao lóng lánh bóng trăng loe” (Thu ẩm). Nguyễn Khuyến đã làm say đắm lòng bao thế hệ! Khi nhận xét về bài thơ Thu điếu của Nguyễn Khuyến, Xuân Diệu có viết: “Bài thơ Thu vịnh là có thần hơn hết, nhưng ta vẫn phải nhận bài Thu điếu là điển hình hơn cả cho mùa thu của làng cảnh Việt Nam”. Vậy ta thử tìm hiểu xem thế nào mà “Thu điếu là điển hình hơn cả cho mùa thu của làng cảnh Việt Nam”?

Nếu như ở Thu vịnh, mùa thu được Nguyễn Khuyến đón nhận từ cái không gian thoáng đãng, mênh mông, bát ngát, với cặp mắt hướng thượng, khám phá dần các tầng cao của mùa thu để thấy được: “Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao”, thì ở Thu điếu, nhà thơ không tả mùa thu ở một khung cảnh thiên nhiên rộng rãi, không phải là trời thu, rừng thu hay hồ thu, mà lại chỉ gói gọn trong một ao thu: ao chuôm là đặc điểm của vùng đồng chiêm trũng, vùng quê của Nguyễn Khuyến:

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo

Câu thơ đầu tồn tại hai vần “eo”, câu thơ thể hiện sự co lại, đọng lại không nhúc nhích, cho ta một cảm giác lạnh lẽo, yên tĩnh một cách lạ thường. Không có từ “lẽo” và từ “veo” cũng đủ cho ta thấy cảnh tĩnh, nhưng thêm hai từ này lại càng thấy cảnh tĩnh hơn nữa. Khung ao tuy nhỏ nhưng tác giả lại không bị giới hạn mà mở rộng ra nhiều chiều, trong cái không khí se lạnh đó dường như làm cho làn nước ao ở độ giữa thu, cuối thu như trong trẻo hơn. Những tưởng trong “ao thu lạnh lẽo” ấy, mọi vật sẽ không xuất hiện, thế mà thật bất ngờ: Khung ao không trống vắng mà có “một chiếc thuyền câu bé tẻo teo”. Có khung cảnh thiên nhiên và có dấu vết của cuộc sống con người, khiến cảnh thu thêm được phần nào ấm cúng. Chiếc thuyền “tẻo teo” trông thật xinh xắn. Câu thơ đọc lên, làm cho đối tượng miêu tả trở nên gần gũi và thân mật biết bao! Với hai câu mở đầu, nhà thơ sử dụng những từ ngữ gợi hình ảnh, tạo độ gợi cao: “lẽo”, “veo”, “tẻo teo” mang đến cho người đọc một nỗi buồn man mác, cảnh vắng vẻ, ít người qua lại. Và rồi hình ảnh:

Sóng biếc theo làn hơi gợn tí
Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo

Càng làm cho không khí trở nên tĩnh lặng hơn, nhà thơ đã dùng cái động của “lá vàng trước gió” để miêu tả cái tĩnh của cảnh thu làng quê Việt Nam. Những cơn gió mùa thu đã xuất hiện và mang theo cái lạnh trở về, khiến ao thu không còn “lạnh lẽo”, không còn tĩnh lặng nữa vì mặt hồ đã “gợn tí”, “lá vàng khẽ đưa vèo”, cảnh vật dường như đã bắt đầu thay đổi hẳn đi! Cơn “sóng biếc” nhỏ “hơi gợn tí” và chiếc lá “trước gió khẽ đưa vèo” tưởng như mâu thuẫn với nhau, nhưng thật ra ở đây Nguyễn Khuyến đã quan sát kĩ theo chiếc lá bay trong gió, chiếc lá rất nhẹ và thon thon hình thuyền, chao đảo liệng đi trong không gian, rơi xuống mặt hồ yên tĩnh. Quả là phải có một tâm hồn yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống thật sâu sắc thì Nguyễn Khuyến mới có thể cảm nhận được những âm thanh tinh tế, tưởng chừng như chẳng ai để ý đến như thế! Như trên đã nói: mở đầu bài thơ, tác giả sử dụng vần “eo” nhưng tác giả không bị giới hạn mà đã mở rộng không gian theo chiều cao, tạo nên sự khoáng đạt, rộng rãi cho cảnh vật:

Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo

Bầu trời thu xanh ngắt xưa nay vẫn là biểu tượng đẹp của mùa thu. Những áng mây không trôi nổi bay khắp bầu trời mà “lơ lửng”. Trước đây Nguyễn Du đã từng viết về mùa thu với:

Long lanh đáy nước in trời
Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng

Nay Nguyễn Khuyến cũng thế. Mở ra không gian rộng, cảm hứng Nguyễn Khuyến lại trở về với khung cảnh làng quê quen thuộc cũng vẫn hình ảnh tre trúc, vẫn bầu trời thu ngày nào, vẫn ngõ xóm quanh co… tất cả đều thân thương và nhuốm màu sắc thôn quê Việt Nam. Chỉ đến với Nguyễn Khuyến, chúng ta mới thấy được những nét quê tĩnh lặng, êm ả như vậy. Trời sang thu, không khí giá lạnh, đường làng cũng vắng vẻ. “Ngõ trúc quanh co” cũng “vắng teo” không bóng người qua lại. Sau này Xuân Diệu trong bài Đây mùa thu tới cũng đã bắt được những nét điển hình đó của sông nước ở vùng quê, khi trời đã bắt đầu bước vào những ngày giá lạnh:

Những luồng run rẩy rung rinh lá
Đã nghe rét mướt luồn trong gió
Đã vắng người sang những chuyến đò
Cành biếc run run chân ý nhi (Thu)

Thế rồi trong cái không khí se lạnh đó của thôn quê, những tưởng sẽ không có bóng dáng của con người, ấy vậy mà thật bất ngờ đối với người đọc:

Tựa gối buông cần, lâu chẳng được
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.

Hai câu thơ kết thúc đã góp phần bộc lộ đôi nét về chân dung tác giả. Tôi nhớ không lầm dường như đã có tài liệu cho rằng: “tựa gối, ôm cần lâu chẳng được”, “ôm” chứ không phải là “buông”. Theo Việt Nam tự điển thì “buông” hay hơn, phù hợp với tính cách của nhà thơ hơn. Trong những ngày từ quan lui về ở ẩn, mùa thu câu cá, đó là thú vui của nhà thơ nơi làng quê để tiêu khiển trong công việc, để hòa mình vào thiên nhiên, mà quên đi những bận lòng với nước non, cho tâm hồn thanh thản. “Buông”: thả lỏng, đi câu không cốt để kiếm cái ăn (hiểu theo đúng nghĩa của nó), mà để giải trí, cho nên “ôm” không phù hợp với hoàn cảnh. Từ “buông” mang đến cho câu thơ hiệu quả nghệ thuật cao hơn.

Tóm lại, qua Thu điếu, ta phần nào thấy được tấm lòng của nhà thơ đối với thiên nhiên, đối với cuộc sống: chỉ có những ao nhỏ, những “ngõ trúc quanh co”, màu xanh của bầu trời, cũng đã làm say đắm lòng người. Thì ra mùa thu ở thôn quê chẳng có gì là xa lạ, mùa thu ở thôn quê chính là cái hồn của cuộc sống, cái duyên của nông thôn. Câu cuối này là thú vị nhất, vừa gợi được cảm giác, vừa biểu hiện được cuộc sống ngây thơ nhất với sự việc sử dụng những âm thanh rất trong trẻo có tính chất vang ngân của những cặp vần, đã chiếm được cảm tình của độc giả, đã đọc qua một lần thì khó mà quên được.

Phân tích Câu cá mùa thu (mẫu 9)

Mùa thu, mùa của hoa sữa thoảng thoảng, mùa của rơm rạ vàng thơm, mùa được các nhà thơ yêu và đưa vào trong những trang thơ nhiều nhất.Với Nguyễn Thỉnh nhẹ nhàng mùi hương ổi ông đã cảm nhận được thu về: “Bỗng nhận ra hương ổi – phả vào trong gió se- sương chùng trình qua ngõ -hình như thu đã về”.Nhưng mùa thu trong mắt Nguyễn Khuyến thì lại khác.Qua  bài thu điếu ta thấy đằng sau cảnh thu tĩnh lặng thì lại là nỗi niềm tâm sự sâu kín của người thi sĩ

         Thu điếu viết bằng chữ Nôm theo thể thất ngôn bát cú,hầu hết tám câu thơ đều tả cảnh, hình ảnh con người chỉ xuất hiện ở hai câu cuối.Cảnh của bài thơ vẫn là trời, nước gió, trúc.. những hình ảnh quen thuộc trong thơ xưa

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo

         Hình ảnh “ao thu” miêu tả với tính từ “lạnh lẽo”.Có lẽ cái lạnh của mùa thu cũng ngấm dần vào làn nước và ngấm dần vào tâm hồn nhà thơ.Tính từ “trong veo” miêu tả làn nước, không gian tĩnh lặng.Nước trong veo chứ không phải là lăn tăn gợn sóng, hai âm “eo” được lặp liên tiếp ở câu trên và câu dưới khiến cho cảm giác về sự tĩnh lặng càng trở nên thật hơn

Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo

         Không gian lạnh lẽo của mùa thu ấy xuất hiện chiếc thuyền cô đơn lẻ loi.Tác giả dùng từ “bé tẻo teo” khiến cho chiếc thuyền càng trở nên nhỏ bé hơn,đơn độc hơn.Nhà thơ Nguyễn Du đã từng nói: người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”.Thật đúng cảnh dưới con mắt nhà thơ sao mà buồn tẻ, sao mà cô đơn đến lạ.Cuộc sống bây giờ tĩnh lặng đến nghẹt thở chẳng có âm thanh để chứng tỏ cuộc sống ồn ã vẫn đang tiếp diễn

Sóng biêc theo làn hơi gợn tí

Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo

         Bức tranh thu tiếp tục hiện lên hình ảnh “Sóng và lá vàng”.Mọi vận động  đều khẽ khàng và nhẹ nhàng như thế “sóng lăn tăn gợn tí”, “lá vàng đưa vèo”.Tác giả thật tinh tế về việc sử dụng từ tượng hình và từ tượng thanh.Cảnh vật miêu tả theo chiều hướng lấy động tả tĩnh, dù bức tranh ấy có âm thanh nhưng âm thanh khẽ khàng quá lại càng toát lên vẻ tĩnh lặng của mùa thu

Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt

Ngõ trúc quanh co khách vắng teo

         Không gian được mở rộng ra cả tầm cao và tầm rộng. “Tầng mây lơ lửng” mây cứ chùng chình lơ lửng, mây cũng chẳng muốn bay.Cuộc sống chẳng hối hả hay tâm hồn nhà thơ đang sâu đầy tâm tư.Bầu trời thu “xanh ngắt”, màu sắc đậm nét của bức tranh thu,mỗi nét vẽ của Nguyễn Khuyến đếu rất dứt khoát để tả cảnh vật “ đưa vèo”, “hơi gợn tí”, “xanh ngắt”.Mây trời đơn điệu và tẻ nhạt.Còn ngõ trúc “quanh co”,“vắng teo”.Nguyên từ “vắng” đã nói rõ sự tĩnh lặng rồi nhưng tác giả lại còn sử dụng “ vắng teo” thì có nghĩa không gian thu ấy không âm thanh,không chút cử động,không bóng người chỉ có màu sắc ơ thờ không hòa quyện

         Bởi thế hai câu thơ cuối bài là một sự trống vắng, là nỗi cô đơn đến thắt lòng

Tựa Gốm ôm cần lâu chẳn được

Cá đâu đớp động dưới chân bèo

         Đến đây hình ảnh con người đã xuất hiện nhưng lại với tư thế “ ngồi tựa gối”, “ôm cần”. Trong trạng thái trầm tư và sâu cảm, cảnh vật đã cô đơn con người lại càng cô đơn hơn.Nhà thơ ngồi câu lâu chẳng được.Từ “cá đâu” là cách hỏi mơ hồ  không định hướng,nhưng cũng có thể là sự ngỡ ngàng trong lòng người.Nhà thơ chìm sâu trong suy nghĩ miên man,mất cảm giác ở thực tại nên mới “cá đâu đớp động dưới chân bèo”.Nhà thơ muốn tìm sự thư thái trong tâm hồn nên mới đi câu.Nhưng cảnh vật tĩnh lặng đến ngẹt thở lại càng làm nhà thơ chìm sâu trong nỗi cô đơn.

         Cảnh thu đẹp và buồn trong bài thu điếu đã được Nguyên Khuyến miêu tả thật khéo léo và tinh tế.Cảm xúc, tâm tư của nhà thơ được dồn nén qua từng câu thơ, trong cảnh vật thu ấy.Thu điếu đi vào lòng người nhẹ nhàng và buồn man mác, khiến người đọc biết thêm về làng quê Việt Nam với những nét đẹp khác.

Phân tích Câu cá mùa thu (mẫu 10)

Mùa thu luôn là đề tài không bao giờ cạn kiệt cảm xúc đối với thi sĩ. Một Nguyễn Đình Thi phơi phới, rộn ràng, vui tươi trong “Đây mùa thu tới”, một Hữu Thỉnh tinh tế, nhẹ nhàng trong “Sang thu”…Chắc hẳn Nguyễn Khuyến sẽ là nhà thơ để lại cho người đọc cảm nhận độc đáo mà gần gũi nhất qua chùm thơ thu “Thu điếu”, “Thu vịnh”, “Thu ẩm”. Trong đó bài thơ “Thu điếu” là bài thơ gần gũi, bình dị nhất khi tác giả lột tả được vẻ đẹp yên bình ở vùng quê Bắc Bộ.

         Với ngôn từ giản dị và cái nhìn tinh tế, Nguyễn Khuyến đã thổi linh hồn vào mùa thu, cảnh thu, sắc thu và khí thu. Một bức tranh thu nơi làng quê thanh bình, yên ả.

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo

Một chiếc cần câu bé tẻo teo

         Môt không gian thu hẹp nhưng dường như mùa thu đang bao trùm lấy. Tác giả cảm nhận rõ rệt nhất mùa thu ở nước mùa thu. Màu nước “trong veo” phảng phất u buồn và lạnh lẽ. Có lẽ đó chính là đặc trưng của mùa thu xứ Bắc, hiếm có nơi nào có được. Hình ảnh “chiếc cần câu” nhỏ bé, một mình giữa ao hẹp càng thu hẹp không gian hơn. Cụm từ “bé tẻo teo” phần nào đã lột tả được sự hữu hạn của không gian. Sự hòa hợp giữa cảnh vật khi thu về hết sức bình lặng.

Sóng biếc theo làn hơi gợn tý

Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo

         Sự trầm tĩnh, yên lặng ở hai câu thơ đầu tiên đã không còn nữa. Đến hai câu thơ này có lẽ đường nét và âm thanh của mùa thu đang len lỏi vào phá vỡ sự thanh tĩnh của không gian. Sự chuyển động tinh vi, nhẹ nhàng của sóng lăn tăn nơi mặt hồ đánh dấu sự chuyển động của mùa thu. Lá vàng là hình ảnh đặc trưng của mùa thu. Từ “vèo” ở cuối câu thơ có ý chỉ tốc độ nhanh, thoáng qua, không kịp nắm bắt.

         Bức tranh mùa thu với không gian hẹp nơi vùng quê bắc bộ và sự chuyển động tinh tế nhẹ nhàng có lẽ đã làm xiêu lòng tác giả.

Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt

Ngõ trúc quanh co khách vắng teo

         Tác giả đã bắt đầu mở rộng không gian thu, không còn thu hẹp của cái ao thu lạnh lẽo nữa mà đã lan tỏa lên đến tận trời cao, có mâu “lơ lửng” trôi. Nét thu chấm phá lên nền trời một màu xanh ngắt đặc trưng khiến cho lòng người khó cưỡng lại. Mùa thu có chút gì đó ảm đạm và vắng vẻ. Những làng nhỏ, quanh co không bóng người. “Khách vắng teo” với cách gieo vần “eo” càng gợi tả sự trầm tĩnh đến cùng cực. Bóng dáng của con người cũng không thấy. Một sự tĩnh lặng khiến cho tác giả trầm ngâm.

Tựa gối ôm cần lâu chẳng được

Cá đâu đớp động dưới chân bèo

         Đến hai câu thơ cuối thì thực sự đã hiển hiện lên “chủ nhân” của chiếc cẩn câu bé tẻo teo ở hai câu thơ đầu tiên. Mọi thứ đều tĩnh lặng, mùa thu cũng tĩnh lặng khiến tác giả cảm thấy mình đơn độc, lạc nhịp. Tư thế “tựa gối” như đang tự thu nhỏ mình lại để phù hợp với không gian mùa thu bé nhỏ, chật hẹp ở một vùng quê vắng vẻ.

         Bỗng nhiên từ “đớp” ở cuối câu thơ dường như làm náo động cả bài thơ. Đây chính là thủ pháp lấy động tả tĩnh cực kỳ đắc điệu của nhà thơ. Hình ảnh “cá đớp” ấy khiến cho tác giả giật mình khi đang chìm đắm trong cảnh sắc mùa thu u buồn, nó đã đánh thức suy nghĩ, đánh thức thực tại. Cá đớp có lẽ là một hình ảnh ẩn dụ cho những biến động của xã hội thời bấy giờ, dân tình loạn lạc, đất nước lầm than. Qua đây người đọc có thể thấu hiểu được nỗi lòng của tác giả đối với dân với nước nhưng bất lực, không biết bày tỏ cùng ai.

         Bài thơ “Thu điếu” thực sự là một kiệt tác về mùa thu. Ông đá vẽ lên trước mắt người đọc một bức tranh mùa thu xứ Bắc tuyệt đẹp và ẩn sau đó chính là nỗi niềm tâm sự với dân với nước.

Phân tích Câu cá mùa thu (mẫu 11)

 Chùm thơ ba bài Thu vịnh, Thu ẩm, Thu điếu của Nguyễn Khuyến tiêu biểu cho thiên nhiên mùa thu của đồng bằng Bắc Bộ. Trong đó quen thuộc và gần gũi hơn cả là bài Thu điếu. Đọc bài thơ, ta thấy hiện lên trước mắt khung cảnh một làng quê nghèo vùng đồng chiêm trũng với những hình ảnh đơn sơ mà sống động:

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,

Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.

         Nguyễn Khuyến tả mùa thu trong một không gian hẹp: chiếc ao thu nhỏ bé, làn nước, trong veo in bóng mây trời. Tiết thu, khí trời se lạnh làm cho màu nước dường như trong hơn, làn nước sâu hơn và lạnh lẽo hơn, Trên mặt ao là chiếc thuyền câu bé tẻo teo. Ao nhỏ, thuyền xinh như hoà hợp với nhau, tạo nên một cảnh trí êm đềm, tĩnh lặng:

Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,

Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo.

         Cảm nhận tinh tế của nhà thơ đã phát hiện ra cái lạnh se se trong cơn gió thoảng. Ao hẹp, gió nhẹ thổi làm cho mặt nước gợn sóng lăn tăn. Dăm chiếc lá vàng lìa cành, se sẽ đưa theo chiều gió. Không gian yên lặng đến mức nghe rõ cả tiếng rơi vèo rất khẽ của chiếc lá liệng trên mặt ao. Màu nước trong veo, thuyền câu bé tẻo teo, sóng hơi gợn tỉ, lá khẽ đưa vèo… Tất cả dường như đều thu nhỏ lại, lắng sâu và chất chứa suy tư.

         Từ khung cảnh Ao thu nhỏ hẹp trên mặt đất, nhà thơ nâng cao, mở rộng thành không gian khoáng đạt, cao vời vợi:

Tầng mây lơ lừng trời xanh ngắt,

Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.

         Ta lại bắt gặp hinh ảnh trời thu xanh ngắt như trong bài Thu vịnh, sắc xanh đặc trưng – biểu tượng của mùa thu. Gió nhẹ nên mây lơ lửng, gẩn như trong trạng thái đứng yên. Nét thu trên mặt nước, nét thu trên bầu trời và đây là nét thu trên mặt đất: Ngõ trúc quanh co khách vắng teo. Những con đường nhỏ trong thôn xóm hai bên trồng tre, trồng trúc, vắng bóng người qua lại, dường như cũng chìm trong yên lặng. Yên lặng tuyệt đối bao trùm lên tất cả. Chính cái yên lặng chất chứa đó lại đồng điệu với tâm hồn nhà thơ và gợi lên những rung cảm tịnh tế trong lòng người đọc.

         Hai cấu kết là bức chân dung tự hoạ của tác giả:

Tựa gối, ôm cần lảu chẳng được,

Cá đâu đớp động dưới chân bèo.

         Tư thế con người cũng như cố thu nhỏ lại cho tương xứng với cảnh vật chung quanh và cái dáng ngồi ấy phần nào thể hiện tâm trạng nhà thơ. ông không thể nào nguôi ngoai trước thế sự – điều mà ông muốn mượn việc câu cá để giải khuây mà không sao khuây được. Một tiếng cá đâu đớp động mơ hồ dưới chân bèo đã làm cho nhà thơ khẽ giật mình, trở về thực tại – một thực tại đầy xót xa, day dứt đối với tâm hồn trĩu nặng nỗi niềm dân nước.

         Bài thơ Thu điếu là mùa thu, hồn thu của làng cảnh Việt Nam. Không cần những hình ảnh cầu kì, ước lệ trong văn chương, chi vài cảnh vật đơn sơ, quen thuộc, nhà thơ đã vẽ nên bức tranh thu dân dã, mộc mạc mà không kém phần sinh động, đặc sắc. Cái hay của bài thơ là sự vắng lặng, mênh mông khiến cho mọi thứ dường như thu nhỏ và ẩn kín vào trong. Không gian mùa thu của đồng bằng Bắc Bộ là vậy. Tâm trạng của nhà thơ ngụ trong chính cái cảm giác tinh vi ấy.

Phân tích Câu cá mùa thu (mẫu 12)

         “Thu điếu” là một trong ba bài thư viết về mùa thu của Nguyễn Khuyến rất nổi tiếng xưa nay. Mùa thu đã thú vị, mùa thu ngồi câu cá lại càng thú vị hơn. Niềm thú vị ấy đã trở thành cảm hứng cho một trong những bài thơ hay nhất của Nguyễn Khuyến.

         Mở đầu bài thơ, Nguyễn Khuyến giới thiệu và hạn định khái quát nơi phát sinh cảm hứng với câu phá đề:

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo

         Địa điểm là ao, thời gian là thu, một mùa thu. Hai từ “ao”, “thu” được kết hợp thành một nghĩa “ao thu”, một thứ ao riêng chỉ đến mùa thu mới có những nét ấy. Cảm xúc ban đầu của Nguyễn Khuyến về ao thu được phát hiện nhờ tính chất “lạnh lẽo” và “nước “trong veo”. Chính nhờ vậy mà lòng nhà thơ tràn trề cảm hứng. Sau một mùa hạ nóng nực, kéo dài, cái “lạnh lẽo” của mùa thu với bao cảm xúc, cái lạnh nhưng lại có “nước trong veo”. Ao lạnh, nước yên, nước trong nhìn tận đáy. Trời cũng lặng gió, bầu trời cũng phải thật trong, nước mới có thể “trong veo” như thế. Cái “ao” ở đây gợi lên một cái gì rất thân quen bình dị trong cuộc sống ở nông thôn.

         Trên cái nền ấy là hình ảnh người ngồi câu cá.

Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.

         Người ngồi câu cá không phải ngồi trên bờ như những người khác ngồi mà ngồi trên “một chiếc thuyền câu”, vì thế tầm nhìn rộng hơn, bao quát hơn. Nhà thơ lại ngồi trên một chiếc thuyền câu “bé tẻo teo” nghĩa là rất nhỏ có thể đó là một thứ “thuyền thúng” rất phổ biến ở vùng quê miền Bắc, vừa vặn cho một người ngồi. Vừa thực mà vừa mơ, cả không gian như co lại trong cái lạnh mùa thu và trên chiếc thuyền câu bé tẻo teo. Nhờ vậy nhà thơ đã nhận ra nhiều vẻ của mùa thu:

Sóng biếc theo làn hơi gợn tí

Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo

Từng mây lơ lửng trời xanh ngắt

Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.

         Trong bốn câu thơ trên, hai câu thực là cảnh gần, hai câu luận là cảnh xa. Cảnh gần thì có “sóng biếc gợn” và lá vàng đưa tiếng và hình cực nhỏ cuối hai câu nổi lên hai từ “tí”, “vèo”, một từ diễn tả sự cực nhỏ của hình khối, một từ diễn tả sự cực nhỏ, của âm thanh. Vẻ tĩnh lặng của mùa thu cứ tăng dần qua từng cấp độ. Không gian động mà tĩnh ở hai câu luận, cảnh thu như xa hơn một chút, cảnh ngoài giới hạn của ao thu, phía trên là bầu trời mùa thu, trước mắt là làng xóm mùa thu. Trời thu xanh, xóm làng thì vắng vẻ. Trời thu thì xanh ngắt, đó cũng là điểm đặc trưng khơi gợi của trời thu.

         Từng mây lơ lửng ở bên dưới là để làm rõ thêm trời xanh ngắt. Một cái nhìn và cảm thật tinh tế! Cảnh xóm làng thì vắng vẻ gần như tuyệt đối: “vắng teo”. Hai câu kết con người mới xuất hiện, chính là tác giả bài thơ:

Tựa gối ôm cần lâu chẳng được.

         Một tư thế có thể ngồi lâu để mà vừa câu cá, vừa trầm tư, thưởng thức cái cảnh đẹp của mùa thu. Nhưng ngồi đã lâu mà vẫn chưa có cá. Hình như nhà thơ chỉ một điều gì đó mà chính mình cũng không rõ.

Thế rồi “Cả đâu đớp động dưới chân bèo”

Một câu kết mơ hồ mà cũng như có thực: Có thể cá cắn câu mà cũng có thể không. Cái rung động nhẹ nhành ấy khiến cả không gian mùa thu như lắng đọng lại.

         “Thu điếu” với sự điêu luyện trong việc sử dụng tiếng nói dân tộc uyển chuyển, phong phú đạt đến mức tuyệt đối trong sáng và tinh tế. Nhờ đó đã diễn tả được vẻ đẹp giản dị thực sự của mùa thu ở những làng quê Việt Nam, đồng thời trong “Thu điếu” ta cũng nhận ra một vẻ đẹp của tâm hồn trong sáng tinh tế, mà giản dị, chân thành, gắn bó với quê hương và dân tộc.

Phân tích Câu cá mùa thu (mẫu 13)

Nguyễn Khuyến vừa là nhà thơ trào phúng vừa là nhà thơ trữ tình, nhuốm đậm tư tưởng Lão Trang và triết lí Đông phương. Thơ chữ Hán của ông hầu hết là thơ trữ tình. Có thể nói cả trên hai lĩnh vực, Nguyễn Khuyến đều thành công. Thu điếu được trích từ chùm thơ thu gồm ba bài: Thu điếu, thu vịnh. Cả ba thi phẩm đều được viết bằng từ chương, bút pháp thi trung hữu họa, lấy động tả tĩnh của văn học trung đại, nhưng vẫn mang đậm dấu ấn riêng của một trong những bậc thầy thơ Nôm đường luật xuất sắc.

Cảnh vật được đón nhận từ gần đến cao xa rồi từ cao xa trờ lại gần. Từ điểm nhìn của một người ngồi chiếc thuyền nhìn ra mặt ao, nhìn lên bầu trời, nhìn tới ngõ vắng rồi lại trở người về với ao thu, nhà thơ đã quan sát không gian, cảnh sắc thu theo người lương thật sinh động.

“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,

Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.”

Nguyễn Khuyến đã chọn những chi tiết rất tiêu biểu cho mùa thu xứ Bắc (ao thu, gió thu, trời thu). Ao thu là thứ ao rất riêng chỉ mùa thu mới xuất hiện. Nguyễn Khuyến đã ghi nhận được hai đặc trưng của ao thu là lạnh lẽo và trong veo – ao lạnh nước yên, trong đến tận đáy. Ao là nét thường gặp trong thơ Nguyễn Khuyến, nói đến ao là gợi đến một cái gì rất gần gũi, thân quen, tâm hồn Nguyễn Khuyến là thế: thân mật, bình dị, chân thành với hồn quê. Trời thu trong xanh cũng là hình quen thuộc trong thơ Nguyễn Khuyến. Bầu trời thu xanh ngắt xưa nay vẫn là biểu tượng đẹp của mùa thu. Những án mây không trôi nổi bay khắp bầu trời mà lơ lửng. Xanh ngắt trong thơ Nguyễn Khuyến là xanh trong, tinh khiết đến tuyệt đối, không hề pha lẫn, không hề gợn tạp.

Đường nét chuyển động nhẹ nhàng, mảnh mai, tinh tế: hơi gợn tí, khẽ đưa vèo, mây lơ lửng, đường bao thanh mảnh của rặng trúc, đường gợn của lượn sóng ao thu. Cảnh vật toát lên sự hài hòa, xứng hợp: Ao nhỏ – thuyền bé; gió nhẹ – sóng gợn; trời xanh – nước trong; khách vắng teo – chủ thể trầm ngâm tĩnh lặng. Sau này Xuân Diệu trong bài Đây mùa thu tới cũng đã bắt được những nét điển hình đó của sông nước ở vùng quê, khi trời đã bắt đầu bước vào những ngày giá lạnh:

Những luồng run rẩy rung rinh lá…

… Đã nghe rét mướt luồn trong gió

Đã vắng người sang những chuyến đò.

Nghệ thuật sử dụng ngôn từ của tác giả các từ láy vừa tạo hình, vừa gợi cảm, những tính từ và các từ chỉ mức độ như lạnh lẽo, trong veo, bé tẻo teo, hơi gợn tí, khẽ đưa vèo, lơ lửng, xanh ngắt, vắng teo, quanh co việc lựa chọn vần eo đã gợi nên cảm nhận mỗi lúc một thu hẹp diện tích

Cảnh buồn cảnh chẳng đeo sầu – bức tranh cảnh thu đã hé mở cho chúng ta tình thu của người trong cảnh. Phải chăng đây là tâm trạng thời thế của nhà thơ? Thời thế thay đổi nhanh quá! Thoáng chốc non sông đã mất trong tay kẻ thù. Thoáng chốc thời cuộc đã vụt qua: Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo. Mặt nước, tầng mây lơ lửng và sắc trời mở ra không gian cho bài thơ phải chăng cũng đồng thời ẩn chứa những nỗi niềm tâm sự liệu có chút gì lơ lửng về thời cuộc? Chọn con đường ở ẩn để giữ trọn thân danh, giữ lấy cái cao khiết để như biểu tượng đăm đắm của bầu trời kia phải chăng đã thật đúng, hay chỉ là để “chạy làng” trong cách nói cay đắng của một vị đại khoa.

Ngõ trúc quanh co khách vắng teo phải chăng là tâm sự cô đơn, cô quạnh? Nguyễn Khuyến có lần tự thấy mình như một cành cô trúc đó thôi! Lẻ loi và cô đơn, vắng teo trước thời cuộc rộn ràng. Đó là tâm sự của một nhà nho lánh đời thoát tục song vẫn không nguôi nghĩ về đất nước, nhân dân, về sự bế tắc, bất lực của bản thân? Nhàn thân song không nhàn tâm, Nguyễn Khuyến không thể ung dung đi câu như một ẩn sĩ thực thụ.

Câu thơ cuối, với tiếng động duy nhất: tiếng cá đớp động. Phải chăng đó là âm thanh của cõi lòng người câu cá? Nguyễn Khuyến nói chuyện câu cá nhưng thực ra tác giả không chú ý vào việc câu cá. Nói câu cá nhưng thật ra là để đón nhận trời thu vào lòng, gửi gắm tâm sự. Cõi lòng tĩnh lặng để cảm nhận độ trong veo của nước, cảm nhận cái hơi gợn của sóng, cảm nhận độ rơi khẽ của lá. Đặc biệt cõi lòng tĩnh lặng được gợi lên sâu sắc từ một tiếng động nhỏ: tiếng cá đớp mồi. Đó là sự tĩnh lặng tuyệt đối của tâm cảnh, cõi lòng của thi nhân cũng tĩnh lặng, trong trẻo như làng quê Việt trong tiết thu.

Bài thơ Câu cá mùa thu thể hiện sự cảm nhận và nghệ thuật gợi tả tinh tế của Nguyễn Khuyến về cảnh sắc thu đồng bằng Bắc Bộ, đồng thời cho thấy tình yêu thiên nhiên, đất nước, tâm trạng thời thế về tài thơ Nôm của tác giả.

Phân tích Câu cá mùa thu (mẫu 14)

Thu điếu nằm trong chùm thơ thu gồm ba bài nức danh nhất về thơ Nôm của Nguyễn Khuyến. Bài thơ nói lên một nét thu đẹp tĩnh lặng nơi làng quê xưa, biểu lộ mối tình thu đẹp mà cô đơn, buồn của một nhà Nho nặng tình với quê hương đất nước. Thu điếu cũng như Thu ẩm, Thu vịnh chỉ có thể được Nguyễn Khuyến viết vào thời gian sau khi ông đã từ quan về sống ở quê nhà (1884)

Hai câu thơ: Ao thu lạnh lẽo nước trong veo - Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo mở ra một không gian nghệ thuật, một cảnh sắc mùa thu đồng quê. Chiếc ao thu nước trong veo có thể nhìn được rong rêu tận đáy, tỏa ra khí thu lạnh lẽo như bao trùm không gian. Không còn cái se lạnh đầu thu nữa mà là đã thu phân, thu mạt rồi nên mới lạnh lẽo như vậy. Trên mặt ao thu đã có một chiếc thuyền câu bé tẻo teo từ bao giờ. Một chiếc gợi tả sự cô đơn của thuyền câu. Bé tẻo teo nghĩa là rất bé nhỏ; âm điệu của vần thơ cũng gợi ra sự hun hút của cảnh vật (trong veo - bé tẻo teo). Đó là một nét thu đẹp và êm đềm.

Hai câu thực (Sóng nước theo làn hơi gợn tí - Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo) tả không gian hai chiều. Màu sắc hòa hợp, có sóng biếc với lá vàng. Gió thổi nhẹ cũng đủ làm cho chiếc lá thu màu vàng khẽ đưa vèo, làm cho sóng biếc lăn tăn từng làn từng làn hơi gợn tí. Phép đối tài tình làm nổi bật một nét thu, tô đậm cái nhìn thấy và cái nghe thấy. Ngòi bút của Nguyễn Khuyến rất tinh tế trong dùng từ và cảm nhận, lấy cái lăn tăn của sóng hơi gợn tí phối cảnh với độ bay xoay xoay khẽ đưa vèo của chiếc lá thu. Chữ vèo là một nhân tự mà sau này thi sĩ Tản Đà vừa khâm phục, vừa tâm đắc. Ông thổ lộ một đời thơ mới có được một câu vừa ý: vèo trông lá rụng đầy sân (cảm thu, tiễn thu).

Bức tranh thu được mở rộng dần ra qua hai câu thơ:

Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt

Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.

Bầu trời thu xanh ngắt thăm thẳm, bao la. Áng mây, tầng mây (trắng hay hồng?) lơ lửng nhè nhẹ trôi. Thoáng đãng, êm đềm, tĩnh lặng và nhẹ nhàng. Không một bóng người lại qua trên con đường làng đi về các ngõ xóm: Ngõ trúc quanh co khách vắng teo. Vắng teo nghĩa là vô cùng vắng lặng không một tiếng động nhỏ nào, cũng gợi tả sự cô đơn, trống vắng. Ngõ trúc trong thơ Tam nguyên Yên Đổ lúc nào cũng gợi tả một tình quê nhiều bâng khuâng, man mác:

Dặm thế, ngõ đâu từng trúc ấy

Thuyền ai khách đợi bến đâu đây?

(Nhớ núi Đọi)

Ngõ trúc và tầng mây cũng là một nét thu đẹp và thân thuộc của làng quê. Thi sĩ như đang lặng ngắm và mơ màng đắm chìm vào cảnh vật.

Đến hai câu kết thì bức tranh thu mới xuất hiện một đối tượng khác:

Tựa gối ôm cần lâu chẳng được

Cá đâu đớp động dưới chân bèo.

Thu điếu nghĩa là mùa thu câu cá. Sáu câu đầu mới chỉ có cảnh vật: ao thu, chiếc thuyền câu, sóng biếc, lá vàng, tầng mây, ngõ trúc. Mãi đến phần kết mới xuất hiện người câu cá. Một tư thế nhàn: tựa gối ôm cần. Một sự đợi chờ: lâu chẳng được. Một cái chợt tỉnh khi mơ hồ nghe cá đâu đớp động dưới chân bèo. Người câu cá như đang ru hồn mình trong giấc mộng mùa thu. Người đọc nghĩ về một Lã Vọng câu cá chờ thời bên bờ sông Vị hơn mấy nghìn năm về trước. Chỉ có một tiếng cá đớp động sau tiếng lá thu đưa vèo, đó là tiếng thu của làng quê xưa. Âm thanh ấy hòa quyện với một tiếng trên không ngỗng nước nào, như đưa hồn ta về với mùa thu quê hương. Người câu cá đang sống trong một tâm trạng cô đơn và lặng lẽ buồn. Một cuộc đời thanh bạch, một tâm hồn thanh cao đáng trọng.

Xuân Diệu đã hết lời ca ngợi cái diệu xanh trong Thu điếu. Có xanh ao, xanh sóng, xanh trời, xanh tre, xanh bèo… và chỉ có một màu vàng của chiếc lá thu đưa vèo. Cảnh đẹp êm đềm, tĩnh lặng mà man mác buồn. Một tâm thế an nhàn và thanh cao gắn bó với mùa thu quê hương, với tình yêu tha thiết. Mỗi nét thu là một sắc thu, tiếng thu gợi tả cái hồn thu đồng quê thân thiết, vần thơ: veo - teo - tèo - teo - bèo, phép đối tạo nên sự hài hòa cân xứng, điệu thơ nhẹ nhàng bâng khuâng cho thấy một bút pháp nghệ thuật vô cùng điêu luyện, hồn nhiên - đúng là xuất khẩu thành chương. Thu điếu là một bài thơ thu, tả cảnh ngụ tình tuyệt bút.

Phân tích Câu cá mùa thu (mẫu 15)

Mùa thu là một trong những đề tài lớn của thơ ca nhân loại. Nói tới đề tài này trong thơ ca Việt Nam chúng ta có thể kể tới rất nhiều tác giả với những sáng tác xếp vào hàng kiệt tác, trong số đó có Nguyễn Khuyến với chùm ba bài thơ thu. Mỗi bài trong chùm thơ thu của Nguyễn Khuyến là một bức tranh thu đặc sắc, và Câu cá mùa thu được đánh giá là "điển hình hình cho thơ ca mùa thu của làng cảnh Việt Nam" (Xuân Diệu).

Cảnh thu trong bài được đón nhận từ nhiều góc độ khác nhau: từ gần đến xa, từ thấp lên caọ, từ hẹp đến rộng... Dưới nhiều góc độ như vậy, cảnh sắc mùa thu được mở ra nhiều hướng thật sinh động và gợi cảm. Từ ao thu đến trời thu rồi đến đường thôn xóm... tất cả đều toát lên cái hồn thu, cảnh thu xiết bao thân thuộc của làng quê đồng bằng Bắc Bộ. Cái hồn ấy được gợi lên từ những khung cảnh, những cảnh vật hết sức thanh sơ: ao nhỏ trong veo, thuyền câu bé tí, sóng biếc gợn, lá vàng khẽ đưa, tảng mây lơ lửng, ngõ trúc quanh co... sắc xanh của trời hoà lẫn cùng sắc xanh của nước tạo nên một không gian xanh trong, dịu nhẹ, một chút sắc vàng của lá rụng trên cái nền xanh ấy khiến cảnh thu, hồn thu càng thêm phần sống động. Những đường nét, màu sắc... gợi lên trong tướng tượng của người đọc khung cảnh của một buổi sớm thu yên bình trên một làng quê miền Bắc với bầu trời thu cao rộng, khoáng đạt, những ao chuôm trong vắt phản chiếu màu trời, màu lá, thôn xóm với những con đường nhỏ quanh co hun hút xanh màu tre trúc, gió thu dịu mát khẽ làm xao động mặt nước, thỉnh thoảng một vài chiếc lá rụng cắt ngang không gian... Trong bức tranh thu này mọi cảnh vật hiện ra đều rất đỗi bình dị, dân dã. Khung cảnh ấy vận thường hiển hiện vào mỗi độ thu về trên những làng quê và đi vào tâm thức của bao người, nhưng lần đầu tiên được Nguyễn Khuyến vẽ ra với nguyên cái thần thái tự nhiên của nó và khiến ta không khỏi ngỡ ngàng xúc động. Đó là một mùa thu trong trẻo, thuần khiết, mát lành đã bao lần đến trên quê hương của mỗi chúng ta.

Cảnh trong Câu cá mùa thu là cảnh đẹp nhưng cũng tĩnh lặng và đượm buồn. Một không gian vắng người, vắng tiếng: Ngõ trúc quanh co khách vắng teo. Sự vận động cũng có nhưng chỉ là những vận động rất nhẹ, rất khẽ: sóng hớt gợn, lá khẽ đưa, mây lơ lửng... âm thanh tiếng cá đớp mồi thì mơ hồ. Những vận động này không làm cho không khí của bức tranh thu trở nên sôi động mà chỉ càng làm tăng thêm sự tĩnh lặng của nó. Mọi cảnh, mọi vật trong bức tranh thu này đều gợi cái tĩnh lặng và đượm buồn. Cái lạnh lẽo, trong veo của nước, cái biếc của sóng, cái xanh ngắt của trời... những trạng thái, màu sắc đó cho thây một sự tĩnh lặng đang bao trùm từ bầu trời cho đến mặt đất. Mọi cái dường như không chuyển động, dường như rơi vào trạng thái im vắng đến tuyệt đối. Cả con người ở đây cũng vậy. Người ngồi câu trong trạng thái tựa gối ôm cần, không câu được cá nhưng dường như vẫn không hề sốt ruột, cái không chi toát lên ở vẻ bề ngoài mà là ở chiều sâu của tâm tư - một tâm tư dường như cũng tĩnh lặng tuyệt đối. Con người và cảnh vật một cách tự nhiên đã hoà nhịp cùng nhau tạo nên linh hồn cho bức tranh thu. Cái tĩnh, cái buồn rõ ràng là trạng thái của cảnh vật ở đây tuy nhiên, đó không phải là cái tĩnh của sự chết lặng, thiếu vắng sức sống, cũng không phải là cái buồn của sự bi lụy, chán chường. Gắn với cái buồn, cái tĩnh này vẫn là sự trong sáng, thơ mộng và sức sống muôn đời bất diệt của thiên nhiên xứ sở.

Phải gắn bó tha thiết với quê hương, phải có một tâm hồn nhạy cảm đến độ nào thì Nguyễn Khuyến mới có thể tái hiện một cách tài tình tất cả vẻ đẹp xiết bao bình dị mà nên thơ của mùa thu làng quê Bắc Bộ vào trong những vần thơ tự nhiên, giản dị đến thế. Thơ thu Việt Nam giàu có, đặc sắc hơn bởi những vần thơ như thế của Nguyễn Khuyến.

Phân tích Câu cá mùa thu (mẫu 16)

Trong nền văn học Việt Nam, bằng phong cách thơ bình dị, mộc mạc, nhà thơ Nguyễn Khuyến đã tạo nên những “mùa thu còn mãi” trong đề tài viết về quê hương làng cảnh. Tác phẩm “Câu cá mùa thu” là một trong những bài thơ Nôm đặc sắc thể hiện rõ tài năng của cụ “Tam Nguyên Yên Đổ”, giống như nhà thơ Xuân Diệu từng nhận xét: “trong thơ Nôm của Nguyễn Khuyến, nức danh nhất là ba bài thơ mùa Thu: Thu vịnh, Thu điếu, Thu ẩm”. Bằng tình yêu thiên nhiên và cảm nhận tinh tế trước những chuyển động của cảnh vật, tác giả đã tái hiện thành công bức tranh mùa thu độc đáo mang màu sắc dân dã, bình dị, trong trẻo, thấm đượm nỗi buồn, trở thành điển hình cho “thơ ca mùa thu của làng cảnh Việt Nam” (Xuân Diệu).

Bức tranh thu trong “Câu cá mùa thu” được tái hiện thông qua vẻ đẹp dân dã, bình dị, tĩnh lặng và trong trẻo. Tác giả đã sử dụng những đường nét, màu sắc quen thuộc, đặc trưng nhất của thiên nhiên làng cảnh Bắc Bộ để tạo nên sự sống động, trong trẻo của cảnh sắc mùa thu.

“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,

Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.

Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,

Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo”

Vẻ đẹp thanh sơ, dịu nhẹ của hồn thu đã được tái hiện thông qua những gam màu nhẹ nhàng: “nước trong veo”, “sóng biếc”, trời xanh ngắt”, “lá vàng”. Bức tranh mùa thu không chỉ hiện lên thông qua sự hài hòa về sắc màu mà còn mang nét sống động. Bằng cảm nhận sâu sắc cùng sự quan sát tỉ mỉ, tác giả đã tái hiện thành công sự thay đổi rất khẽ và rất nhẹ của thiên nhiên qua sự chuyển động “hơi gợn tí” của sóng biếc và “khẽ đưa vèo” của lá vàng. Mỗi một sự biến chuyển đều mang đậm dấu ấn đặc trưng của mùa thu. Đặc biệt, thanh âm của tiếng cá “đớp động dưới chân bèo” xuất hiện ở cuối bài thơ đã tô đậm hơn nữa vẻ đẹp tĩnh lặng, trong trẻo của hồn thu, đồng thời thể hiện rõ tài năng của tác giả Nguyễn Khuyến trong việc sử dụng biện pháp “lấy động tả tĩnh”.

Tựa gối, ôm cần lâu chẳng được,

Cá đâu đớp động dưới chân bèo

Bức tranh thu của nhà thơ Nguyễn Khuyến thấm đượm nỗi buồn man mác, mang đậm phong vị mùa thu của những cơn gió heo may se lạnh. Không gian được mở rộng theo chiều cao và chiều sâu. Bằng tình yêu thiên nhiên cùng tâm hồn nhạy cảm trước vẻ đẹp của tạo vật, tác giả Nguyễn Khuyến đã phác họa bức tranh thu toàn cảnh qua sự thay đổi về điểm nhìn. Khung cảnh mùa thu được mở ra từ nhiều hướng, tạo nên những nét vẽ độc đáo về chiếc “thuyền câu bé tẻo teo” đến “ao thu” và mở rộng theo chiều cao của những “tầng mây lơ lửng”. Từ khoảng không bao la của “trời xanh ngắt”, điểm nhìn của tác giả tiếp tục hướng về không gian hẹp của chiếc thuyền thu và ao thu. Trong khoảng không “Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt”, bức tranh thiên nhiên vốn tĩnh lặng đã được bao phủ chiếc áo của nỗi buồn nhẹ nhàng, miên man cùng sự vắng vẻ “Ngõ trúc quanh co khách vắng teo”. Như vậy, dưới đôi mắt và cách cảm nhận tinh tế của cụ Tam Nguyên Yên Đổ, “hồn thu” với phong vị buồn man mác đã lan tỏa và thấm đượm vào từng khoảnh khắc.

Thông qua bức tranh mùa thu với vẻ đẹp bình di, trong trẻo và thấm đượm nỗi buồn, chúng ta có thể thấy được hình tượng nhân vật trữ tình hiện lên qua tình yêu thiên nhiên tha thiết cùng những nỗi buồn chất chứa trong tâm trạng. Đó chính là tiếng lòng yêu nước thầm kín nhưng da diết và mãnh liệt, chân thành của cụ Tam Nguyên Yên Đổ trước tình cảnh của đất nước thời bấy giờ.

Phân tích Câu cá mùa thu (mẫu 17)

Cuối thế kỉ XVIII đầu thế kỉ XIX, tưởng chừng như cùng với sự kết thúc của chế độ xã hội phong kiến suy tàn, lạc hậu, nền văn học Việt Nam trung đại sẽ rơi vào ngõ cụt của sự bế tắc với một phương thức phản ánh đã lỗi thời. Nhưng thật kì lạ là trong sự suy thoái tưởng chừng đã đến đỉnh điểm ấy lại xuất hiện một tài năng thơ ca vào hàng xuất chúng như Nguyễn Khuyến. Ông giống như một dấu cảm thán khẳng định tính cổ điển có sức lay động lòng người của văn học trung đại vào giai đoạn cuối cùng của thời kì văn học dài hàng chục thế kỉ này. Ông để lại cho quê hương, cho đất nước một di sản văn chương phong phú, đồ sộ. Nhưng nói đến nhà thơ Nguyễn Khuyến, người đọc mệnh danh ông là nhà thơ của quê hương làng cảnh Việt Nam, vì ông đã viết nhiều bài thơ hay về cảnh làng quê. Đặc biệt là chùm thơ thu của ông, trong đó có bài thơ Thu điếu (Câu cá mùa thu).

Chùm thơ ba bài Thu vịnh, Thu ẩm và Thu điếu. Bài nào cũng hay, cũng đẹp cho thấy một tình quê dạt dào. Riêng Thu điếu, mà nhà thơ Xuân Diệu đã khẳng định là điển hình hơn cả cho mùa thu của làng cảnh Việt Nam, là bài thơ tả cảnh ngụ tình đặc sắc: Cảnh mùa thu quê hương, tình yêu thiên nhiên, yêu mùa thu đẹp gắn liền với tình yêu quê hương tha thiết.

Bài thơ được viết bằng thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật, ngôn ngữ tinh tế, hình tượng là biểu cảm. Cảnh thu, trời thu của làng quê Việt Nam như hiện lên trong dáng vẻ và màu sắc tuyệt vời dưới ngòi bút thần tình của Nguyễn Khuyến.

Hai câu đầu:

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo

Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo

Nhà thơ hầu như không hứng thú gì với chuyện câu cá mà đắm say với không khí cảnh sắc mùa thu, ngay câu đầu nhà thơ đã gọi cái ao của mình là ao thu, và với tính chất lạnh lẽo nước trong veo thì đó đúng là ao thu chứ không phải là môi trường thích hợp cho việc câu cá, bên cạnh đó cảm hứng của nhà thơ hoàn toàn đắm chìm trong cảnh sắc mùa thu, một cảnh trong và tĩnh gần như tuyệt đối, nước trong veo, trời xanh ngắt, khách vắng teo, giác quan của nhà thơ cực kì tinh nhậy và phải hết sức chăm chú thì mới nhận ra được những biểu hiện nhỏ nhặt tinh vi chỉ làm tôn thêm cho cái trong và tĩnh của một khung cảnh đầy màu sắc:

Sóng biếc theo làn hơi gợn tí

Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo.

Màu biếc của sóng hòa hợp với sắc vàng của lá vẽ nên bức tranh quê đơn sơ mà lộng lẫy. Nghệ thuật trong phần thực rất điêu luyện, lá vàng với sóng biếc, tốc độ vèo của lá bay tương ứng với mức độ tí của gợn sóng. Nhà thơ Tản Đà đã hết lời ca ngợi chữ "vèo" trong thơ Nguyễn Khuyến. Ông đã nói một đời thơ của mình may ra mới có được câu thơ vừa ý trong bài Cảm thu, tiễn thu:

Vèo trông lá rụng đầy sân

Đến câu luận:

Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt

Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.

Không gian được mở rộng, bức tranh thu có thêm chiều cao của bầu trời xanh ngắt với những tầng mây lơ lửng trôi theo chiều gió nhẹ. Trong chùm thơ thu, Nguyễn Khuyến nhận diện sắc trời thu là xanh ngắt. Ở Thu vịnh là "Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao", Thu ẩm là "Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt", và Thu điếu là "Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt."

Xanh ngắt là xanh mà có chiều sâu. Trời thu không mây (xám) mà xanh ngắt, thăm thẳm. Xanh ngắt đã gợi ra cái sâu, cái lắng của không gian, cái nhìn vời vợi của nhà thơ, của ông lão đang câu cá. Thế rồi ông lơ đãng đưa mắt nhìn về bốn phía làng quê. Xóm thôn vắng lặng, tĩnh mịch, con đường quanh co, heo hút, không một bóng người qua lại.

Ngõ trúc quanh co khách vắng teo

Cảnh vật êm đềm, thoáng một nỗi buồn cô tịch, hiu hắt. Người câu cá như đang chìm trong giấc mộng thu. Tất cả cảnh vật, từ mặt nước, "ao thu lạnh lẽo" đến "chiếc thuyền câu bé tí teo", từ "sóng biếc" đến "lá vàng", từ "tầng mây lơ lửng" đến "ngõ trúc"... đều hiện lên với đường nét, màu sắc, âm thanh thoáng chút bâng khuâng, man mác, rất gần gũi, thân thiết với mọi người Việt Nam.

Biết bao thời gian trôi qua trong không gian của sáng tĩnh mịch ấy, tư thế ngồi câu cá của ông như cũng bất động trong thời gian:

Tựa gối buông cần lâu chẳng được

Cá đâu đớp động dưới chân bèo

Tựa gối buông cần là tư thế đợi chờ mòn mỏi của người câu cá. Người xưa có kẻ lấy câu cá làm việc đợi thời, đợi người xứng đáng để phò tá. Văn thơ truyền thống lấy việc câu cá để từ chối việc làm quan và coi câu cá là việc câu người, câu quạnh, câu lưỡi. Bài thơ Thu điếu này cũng thể hiện khát vọng câu thanh, câu vắng cho tâm hồn của một nhà thơ có phẩm chất thanh cao. Cái âm thanh cá đớp động gợi lên sự mơ hồ xa vắng, đánh thức tỉnh.

Bài thơ Câu cá mùa thu là một bài thơ tả cảnh ngụ tình đặc sắc của Nguyễn Khuyến. Cảnh sắc mùa thu quê hương được miêu tả bằng những gam màu đậm nhạt, nét vẽ xa gần tinh tế gợi cảm. Âm thanh của tiếng lá rơi đưa vèo trong làn gió thu, tiếng cá đớp động chân bèo - đó là tiếng thu dân dã, thân thuộc của đồng quê đã khơi gợi trong lòng chúng ta bao hoài niệm đẹp về quê hương đất nước.

Thơ là sự cách điệu tâm hồn, Nguyễn Khuyến yêu thiên nhiên mùa thu, yêu cảnh sắc đồng quê với tất cả tình đồng quê nồng hậu. Ông là nhà thơ của làng cảnh Việt Nam. Đọc Thu điếu, Thu ẩm, Thu vịnh, chúng ta thêm yêu quê hương, thêm yêu xóm thôn, đồng nội, đất nước. Với Nguyễn Khuyến, tả mùa thu, yêu mùa thu đẹp cũng là yêu quê hương đất nước. Nguyễn Khuyến là nhà thơ kiệt xuất đã chiếm một địa vị vẻ vang trong nền thơ ca cổ điển Việt Nam.

Phân tích Câu cá mùa thu (mẫu 18)

Mùa thu là đề tài quen thuộc của thơ ca Việt Nam. Thơ thu của văn học trung đại thường miêu tả cảnh đẹp vắng vẻ úa tàn và u buồn. Cảnh thu được ghi lại một cách ước lệ tượng trưng với những nét chấm phá, chớp lấy cái hồn của tạo vật. Thu điếu của Nguyễn Khuyến cũng mang nét thư pháp ấy. Khi vị Tam Nguyên Yên Đổ được coi là quán quân về thơ thu, thì chùm ba bài Thu vịnh, Thu điếu, Thu ẩm được đánh giá là tam tuyệt của thơ thu Việt nam. Trong đó đặc sắc nhất có lẽ là bài Thu điếu. Nhận xét về bài thơ này, Xuân Diệu có viết: “ Bài Thu vịnh là có hồn hơn hết, nhưng ta vẫn phải công nhận bài Thu điếu là điển hình hơn cả cho mùa thu của làng cảnh Việt Nam”. Không phải là Thu vịnh với không gian mênh mông bát ngát, mà là một Thu điếu được “gói gọn” trong một chiếc ao thu – ao chuôm đặc trưng vùng chiêm trũng Bắc Bộ – quê hương của cụ Tam Nguyên. Đằng sau cảnh thu vắng lặng là những nỗi niềm thầm kín của vị cao nhân:

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,
Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo.
Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt,
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.
Tựa gối, ôm cần lâu chẳng được,
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.

Thu điếu cũng như Thu vịnh, Thu ẩm chỉ có thể được Nguyễn Khuyến viết vào thời gian sau khi ông đã từ quan về sống ở quê nhà. Thu điếu là bài thơ tả cảnh ngụ tình đặc sắc. Cảnh đẹp mùa thu quê hương, tình yêu thiên nhiên, yêu mùa thu đẹp luôn gắn liền với tình yêu quê hương tha thiết. Cảnh thu, trời thu xinh đẹp của làng quê Việt Nam như hiện lên trong dáng vẻ và màu sắc tuyệt vời dưới ngọn bút thần tình của Nguyễn Khuyến.

Bối cảnh của toàn bài dường như được hiện hữu trong hai câu đầu. Khung cảnh trong bức tranh được bao trùm bởi cái lạnh lẽo của mùa thu và sự cô đơn trong lòng thi sĩ:

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo

Ấn tượng đầu tiên của người đọc với bài thơ, chắc hẳn là cách gieo vần “eo” đặc sắc, tinh tế và có chút mạo hiểm. Hai câu thơ trên thể hiện sự co lại, đọng lại cho ta cảm giác lạnh lẽo bao trùm toàn cảnh cùng sự yên tĩnh, lẻ loi. Sách Gia Ngữ nói: “Thuỷ chí thanh tắc vô ngư” nghĩa là nước trong quá thì không có cá. Ấy thế mà, Nguyễn Khuyến lại nhè đúng lúc “nước trong veo” để mà ngồi thuyền đi câu. Vậy, đặt tựa bài thơ là Câu cá mùa thu âu chẳng phải là làm một việc dường như không thể. Hay điều này thể hiện cái tình cảnh ngặt nghèo của nhà thơ? Nhà Nho Nguyễn Khuyến đỗ đạt bậc nhất thời đó, làm quan to nhưng trước cảnh nước nhà nhiều biến động, ông đã phải từ quan về quê dạy học. Vua quan bạc nhược, chỉ biết theo Pháp cầu an, kẻ sĩ đã thấy rõ, cái hoài bão giúp dân giúp nước thật quá khó khăn, chẳng khác gì “câu cá nước trong” được đề ngay từ câu đầu vậy. Sự so sánh vô lí giữa con thuyền với cái ao chẳng phải là thân phận của Nguyễn Khuyến đối với thời thế thiên nan vạn nan đang trùm lên ông? Câu thơ được chọn lọc từ ngữ, gieo vần bình dị, thân mật mang tính gợi cảm cao và hàm ý sâu sắc, ắt hẳn cụ Tam Nguyên phải là một người có tầm nhìn sâu rộng và lòng yêu quê hương vô bờ bến mới lột tả được cảnh vật từ tâm đến diện.

Xuân Diệu: “Cái thú của bài Thu điếu ở cái điệu xanh: xanh ao, xanh bờ, xanh sóng, xanh trúc, xanh trời, xanh bèo”. Không chỉ xanh, ở hai câu thực bức tranh thiên nhiên ấy còn được tô một nét vàng:

Sóng biếc theo làn hơi gợn tí
Lá vàng trước ngõ khẽ đưa vèo

Mùa thu tiếp tục được hiện lên với hình ảnh “sóng biếc”, “lá vàng”. Cảnh vật động một cách khẽ khàng. Tác giả đã rất nhạy cảm, tinh tế khi chớp được những biến động tinh vi của tạo vật. Đó là sự chuyển động “hơi gợn tí” của sóng, là sự đưa nhẹ khẽ khàng của lá vàng, là sự mong manh uốn lượn của hơi nước mờ ảo trên mặt ao. Hai câu thơ đối nhau rất chỉnh, các sự vật có mối liên hệ với nhau chặt chẽ: gió thổi làm sóng gợn, làm lá rơi. Các tính từ, trạng từ “biếc”, “tí”, “vàng”, “khẽ”, “vèo” được sử dụng hợp lí, giàu tạo hình, vừa tạo ra bức tranh thanh nhã vừa có xanh vừa có vàng, vừa gợi được sự uyển chuyển của tạo vật. Nghệ thuật đặc sắc lấy động tả tĩnh của tác giả đã khiến cái tình nay càng tĩnh hơn. Cái tĩnh nó nhẹ đến vô hình, vị thi sĩ này quả là một người có tâm hồn yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống sâu sắc thì mới có thể cảm nhận được sự im lặng đến thế.

Như trên đã nói, mở đầu bài thơ tác giả sử dụng vần “eo” nhưng khung cảnh lại không bị giới hạn mà đã mở rộng theo chiều cao, tạo nên sự khoáng đạt, rộng rãi cho cảnh vật:

Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo

Bầu trời xanh ngắt xưa nay vẫn là biểu tượng đẹp của mùa thu. Chiều cao được cụ thể bằng sự “lơ lửng” của tầng mây và thăm thẳm của da trời xanh ngắt. Màu da trời mùa thu dường như ám ảnh sâu đậm trong lòng Nguyễn Khuyến nên trong các bài thơ thu, ông thường nhắc tới: “Trời thu xanh ngắt mấy từng cao” – Thu vịnh hay “Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt” – Thu ẩm. Bởi vậy, màu xanh ngắt của da trời không chỉ đơn thuần là một màu sắc mà có lẽ đó còn chính là tâm trạng nhiều ẩn ức, là chiều sâu tâm hồn đầy trăn trở của thi nhân. Trước đây, Nguyễn Du đã từng viết về mùa thu với:

Long lanh đáy nước in trời
Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng

Ngay Nguyễn Khuyến cũng thế. Mở ra không gian riêng, cảm hứng Nguyễn Khuyến trở về với khung cảnh làng quê quen thuộc, cũng vẫn hình ảnh cây tre, cây trúc; vẫn bầu trời ngày nào cùng ngõ xóm quanh co…, tất cả đều thân thương đượm màu làng cảnh Bắc Bộ. nếu như chiều cao được đo bằng trời thì chiều sâu ắt là độ “quanh co” uốn lượn của ngõ trúc. Từ “vắng teo” cho thấy sự vắng lặng không một bóng người, không chút động tĩnh, âm thanh. Bởi thế, hai câu thơ gợi ra sự trống vắng, nỗi cô đơn trong lòng người.

Xuyên suốt sáu câu thơ đầu, tác giả cho ta thấy bức tranh mùa thu với điểm nhìn từ gần đến cao xa, từ cao xa trở về gần gụi. Bức vẽ mang màu sắc xanh thẳm, buồn bã, cô đơn và đầy tâm sự của thi sĩ. Chung quay lại, không gian thu cũng chính là không gian của tâm trạng: cõi lòng nhà thơ yên tĩnh, vắng lặng. mọi tâm tư, giãi bàu được dồn nén vào hai câu kết:

Tựa gối ôm cần lâu chẳng được
Cá đâu đớp động dưới chân bèo

Hình ảnh con người xuất hiện với tư thế ngồi ôm gối, trong trạng thái trầm tư mặc tưởng. Nhà thơ ngồi câu cá nhưng chẳng hề chú tâm đến việc câu, bởi vậy mới giật mình trước tiếng cá “đớp động dưới chân bèo”. Không gian phải yên tĩnh lắm, lòng người phải trong trẻo lắm mới nghe được âm thanh nhỏ nhẹ như vậy. Nói chuyện câu cá nhưng thực tế là để đón nhận cảnh thu, trời thu vào cõi lòng. Một tâm thế nhẫn: “tựa gối ôm cần”; một sự chờ đợi: “lâu chẳng được”; một cái chợt tỉnh mơ hồ: “cá đâu đớp động”. Nhà thơ mượn cảnh để tả tình. Câu cá chỉ là cái cớ để tìm sự thư thái trong tâm hồn. Âu cũng là cái sự vì nước vì dân. Đất nước ta đẹp thế, ấy vậy mà nhân dân lầm than. Cái hoài bão giúp dân từ đó mà mỗi ngày đều thêm khó khăn, và cũng tạo ra trong lòng cụ Tam Nguyên một rào cản; tạo sự buồn tẻ, cô đơn. Lòng người quạnh hiu chẳng cớ nào cảnh lại nhộn nhịp, vui tươi:

Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ.

Thu điếu không chỉ đơn giản là một bài thơ thu. Từng câu chữ được nảy nở từ cảm nhận của các giác quan của vị thi nhân tài tình, lột tả được bức tranh thiên nhiên làng quê tươi đẹp của Việt Nam. Ai mà biết được quê hương mình đẹp và bình dị đến thế? Càng đọc, càng thấy được lòng yêu nước đang trào dâng. Từ đó, trong ta càng trỗi dậy mạnh mẽ hơn với cái ham muốn bảo vệ và phát triển đất nước này.

Không chỉ thế, Thu điếu còn để lại trong ta bài học quý giá bao đời nay. Lòng tự tôn dân tộc không cho phép ta đầu hàng trước kẻ địch. Hãy như cụ Tam nguyên, không ham hư vinh cái chốn quan trường mục nát mà ở lại làm quan; hay bán rẻ lương tâm, bán rẻ đồng bào vì một vài chức vụ, chỉ hận bản thân chưa làm được gì cho đất nước, cho Tổ quốc. Dù chỉ một chút, mong rằng bản thân con và toàn thể các thanh thiếu niên được sống trong hòa bình hiện nay sẽ ngày một cố gắng xây dựng đất nước.

Tất cả các tác phẩm trong chùm thơ thu của Nguyễn Khuyến, có thể nói là vô cùng tuyệt vời. Tuy nhiên, nếu để chọn một bài thơ tâm đắc nhất thì chắc chắn đó là Thu điếu. Tác phẩm này có thể coi là kiệt tác trong nền văn học cổ điển nước nhà. Bài thơ như vẽ ra một bức tranh mùa thu ở trước mắt tá vô cùng chân thực. Nhạc điệu độc đáo, cách gieo vần có phần mạo hiểm mà tự nhiên, không bị gò bó. Theo Xuân Diệu, Nguyễn Khuyến quả thực là một nghệ sĩ cao tay. Cái tình của nhà thơ đi đôi với cái tài. Với một tình yêu quê hương, đất nước và con người Việt Nam, từng câu từng chữ mà tác giả nhắc đến đều tạo ra những cảm xúc trong tâm hồn rất Việt của chúng ta. Cụ Tam Nguyên quả đúng là một nhà thơ của làng quê Việt Nam bình dị và gần gũi.

Phân tích Câu cá mùa thu (mẫu 19)

Mùa thu luôn là một đề tài muôn thuở của các thi sĩ. Trong nền văn học Việt Nam từ thơ Trung đại cho đến thơ Hiện đại, từ thể thơ cổ cho đến thơ tự do, đã có rất nhiều tác phẩm hay viết về mùa thu, nhưng nhắc đến đề tài mùa thu, ta vẫn không thể không nhắc đến nhà thơ Nguyễn Khuyến. Với ông, dường như mùa thu là nguồn cảm hứng đặc biệt, chẳng vậy mà ông có cả một chùm thơ hay viết về mùa thu, trong đó nổi bật nhất là bài “Thu Điếu”, hay còn gọi “Câu cá mùa thu”.

Chùm thơ thu của nhà thơ Nguyễn Khuyến gồm có ba bài thơ: “Thu vịnh”, “Thu ẩm” và “Thu điếu”. Bài thơ nào cũng hay, cũng đẹp, cũng dạt dào tình quê, cảnh quê. Tuy nhiên, như Ông hoàng thơ tình Xuân Diệu từng khẳng định bài thơ “thu điếu” là “bài thơ điển hình hơn cả cho mùa thu của làng cảnh Việt Nam”. Đây quả là lời nhận xét vừa chính xác, vừa tinh tế!

“Thu điếu” được viết bằng thể thơ Thất ngôn bát cú Đường luật, ngôn ngữ tinh tế, giàu tính hình tượng và biểu cảm. Cảnh thu, trời thu, khí thu xinh đẹp của làng quê Việt Nam hiện lên trong dáng vẻ và màu sắc tuyệt vời dưới ngòi bút Nguyễn Khuyến qua bốn câu thơ đầu:

“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí
Lá vàng theo gió khẽ đưa vèo.”

Với “Thu điếu” cảnh thu được đón nhận theo hướng mở rộng về không gian từ gần ra xa, từ thấp lên cao, rồi sau đó lại từ cao xa quay trở lại gần. Cụ thể là từ chiếc thuyền câu nhìn ra mặt ao rồi sau đó nhìn lên bầu trời, nhìn ra ngõ trúc rồi lại trở về với ao thu, với chiếc thuyền câu. Từ một khung ao nhỏ bé, không gian mùa thu được mở rộng ra nhiều hướng thật sinh động, gần gũi đến chân thực, nhưng vẫn không mất đi nét đẹp tinh tế.

Ở câu thơ đầu, không khí của mùa thu được gợi lên từ sự dịu nhẹ, thanh sơ của cảnh vật. Nhà thơ không bắt đầu bằng việc tả cảnh sắc mùa thu qua màu sắc như thông thường, mà ông vẽ những nét đầu cho bức tranh thu bằng những nét chấm phá mơ hồ từ không khí thu rất dịu nhẹ, pha chút lạnh se se:

“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo”

Nước ao “trong veo” tỏa hơi thu “lạnh lẽo”. Sương khói mùa thu như bao trùm lên toàn bộ cảnh vật xung quanh. Nước ao thu trong vắt, khí thu lành lạnh lại càng tô điểm, khiến nước thu đã trong lại càng trong. Có cảm giác như chúng ta có thể nhìn thấy vài chú cá chậm rãi bơi lưng chừng trên những đám rêu xanh mướt dưới đáy ao vậy! Nước ao trong nhờ khí lạnh, khí lại càng thêm lạnh khi kết hợp với sự trong đến lặng của ao thu. Quả là sự kết hợp tuyệt vời!

Trên bề mặt của nước ao thu trong như ngọc ấy có thấp thoáng hình ảnh một chiếc thuyền câu bé nhỏ:

“Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo”

Chỉ có duy nhất một chiếc thuyền, không những bé mà lại còn là “bé tẻo teo”. Cái ao và chiếc thuyền chính là hình ảnh trung tâm của bài thơ, nhưng cũng chính là hình ảnh bình dị, dân dã nhất nơi thôn quê. Tác giả không hề đặc tả độ rộng của ao thu, thậm chí khi đọc câu thơ đầu, người đọc có thể liên tưởng rằng ao thu ở đây rất nhỏ, vì theo như nhà thơ từng nhắc tới, vùng đồng chiêm trũng Bình Lục, Hà Nam quê nhà có cơ man nào là ao, vì nhiều ao nên ao nhỏ, ao nhỏ thì theo đó mà thuyền câu cũng “bé tẻo teo”. Nhưng đọc câu thơ thứ hai, đột nhiên ta có cảm giác ao thu như rộng hơn lên, chính cái nhỏ bé đến “tẻo teo” của thuyền câu lại càng làm cho ao thu nhỏ bé trở nên mênh mông biết mấy. Hai câu thơ đầu với các từ ngữ “lạnh lẽo”, “trong veo”, “bé tẻo teo” khắc họa đường nét, dáng hình, màu sắc của cảnh vật, của nước mùa thu một cách tinh tế. Cách gieo vần “eo” trong miêu tả không chỉ làm tăng mức độ thanh lặng, quạnh vắng của cảnh vật, mà còn tạo nên nhịp thơ âm vang như thể tiếng thu, như thể hồn thu vọng về.

Nếu như hai câu thơ đầu là những nét chấm phá phác họa bức tranh mùa thu thì đến hai câu thơ sau, nhà thơ tiếp tục dùng ngòi bút tài ba, vẽ lên một bức tranh thủy mặc đẹp đến thanh bình:

“Sóng biếc theo làn hơi gợn tí
Lá vàng theo gió khẽ đưa vèo”

Màu “biếc” của sóng nước hòa hợp với màu “vàng” của lá đã khắc lên bức tranh quê đơn sơ đấy mà không kém phần lộng lẫy. Nghệ thuật đối trong phần thực quả thực rất điêu luyện, “lá vàng” đối với “sóng biếc”; tốc độ “vèo” của lá bay tương ứng với mức độ “tí” của sóng gợn. Ở hai câu đề, chúng ta đã thấy được độ trong của nước, nhưng đến đây, ta nhận ra nước thu không những trong mà còn rất xanh, xanh trong đến độ “biếc” như thể ánh lên màu lấp lánh như ngọc vậy!. Gió thu trong thơ Nguyễn Khuyến cũng rất độc đáo, không phải nhè nhẹ thổi theo khí se lạnh mà lại đủ mạnh để cuốn lá “đưa vèo”. Tưởng chừng như nghịch lý nhưng lại rất hợp lý với cảnh sắc đang được miêu tả ở phần trên.

Hai câu luận tiếp tục mở rộng không gian mùa thu qua miêu tả của nhà thơ. Bức tranh thu có thêm chiều cao của bầu trời nhuộm màu “xanh ngắt” với những tầng mây “lơ lửng” trôi theo chiều gió nhẹ:

“Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo”

Dường như trời thu trong thơ của Nguyễn Khuyến luôn có màu xanh, mà còn là một màu “xanh ngắt”:

“Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao” trong “Thu Vịnh”

hay “Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt” trong “Thu ẩm”.

Màu “xanh ngắt” là không chỉ có sắc xanh mà còn có cả chiều sâu, đối với trời thu, xanh ngắt là không chỉ xanh mà còn trong, tạo cảm giác bầu trời trở nên cao và rộng. Trời thu xanh ngắt, bao la một màu thăm thẳm gợi ra cái sâu, cái lặng của không gian,cái nhìn vời vợi của nhà thơ, của ông lão đang câu cá trên chiếc thuyền “ bé tẻo teo”. Thế rồi ông lão ấy lơ đãng nhìn ra bốn phía làng quê, đột nhiên nhận ra không chỉ bầu trời trên cao hay mặt nước bên dưới, thậm chí ngay cả không gian xung quanh cũng trở nên vắng lặng, vắng lặng đến yên bình, thậm chí đến cô đơn. Cô đơn khi thấy xung quanh không một bóng người, xóm thôn vắng lặng, con đường nhỏ phía trước chỉ có mấy khóm trúc khẽ đưa trong gió nhẹ, ngõ vắng quanh co lại càng thêm im lìm. Cảnh vật êm đềm, thoáng một nỗi buồn cô tịch, hiu hắt. Người câu cá như đang chìm trong giấc mộng tĩnh lặng của mùa thu, tất cả cảnh vật đều tạo nên cảm giác bâng khuâng, man mác nhưng không vì vậy mà trở nên xa lạ, ngược lại rất thanh bình, gần gũi đúng chất làng quê Việt Nam.

Khung cảnh ấy càng trở nên thôn dã, giản dị khi xuất hiện rõ nét hình ảnh cả một người ngồi trên thuyền câu cá ở hai câu kết:

Tựa gối ôm cần lâu chẳng được
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.”

Tư thế “tựa gối ôm cần” xuất hiện trong thơ Nguyễn Khuyến là một hình ảnh đẹp, đẹp đến bình dị. Phải chăng đó là tâm thế nhàn của một thi sĩ đã thoát khỏi vòng danh lợi.? Hình ảnh con người xuất hiện trực tiếp với tư thế bó gối càng tô điểm cho bức tranh thu thêm sinh động.Tuy nhiên, nhà thơ ngồi câu cá đấy mà lại chẳng chú tâm đến việc câu , chẳng vậy mà lại bị giật mình trước tiếng “cá đớp động dưới chân bèo”. Phải chăng nhà thơ còn mải thả hồn thi sĩ nhìn ngắm trời xanh, còn ngắm làn nước hơi gợn tí, đưa mắt nhìn lá vàng trước gió khẽ đưa vèo, rồi lại bất chợt vu vơ buồn trước ngõ trúc vặng lạnh quanh co nên mới bị giật mình trước thanh âm nhỏ bé ấy? Không gian hẳn phải yên tĩnh lắm, tâm hồn hẳn phải trong trẻo, lắng đọng lắm mới có thể nghe, có thể cảm thụ âm thanh như vậy! Tuy nhiên, dù có xuất hiện âm thanh nhưng không gian mùa thu vẫn hoàn toàn yên tĩnh, vì quá tĩnh nên mới nghe thấy thứ âm thanh mỏng và nhẹ như vậy, nghe được cả tiếng lá rơi, tiếng cá động mà vẫn thấy tĩnh, đó mới chính là cái tài trong nghệ thuật lấy động tả tĩnh của hồn thơ quê Nguyễn Khuyến.

Đến cả sự bất ngờ trước âm thanh cá đớp động chân bèo của Nguyễn Khuyến cũng rất lạ, rất hay. Hay ở chỗ nhà thơ sử dụng từ “cá đâu”. “Cá đâu” là cách hỏi vừa tạo nên sự mơ hồ trong không gian vừa gợi ra sự ngỡ ngàng của lòng người. Nhà thơ dường như nhất thời mất đi cảm nhận về không gian thực tại mà chìm đắm trong không gian suy tưởng nên không thể lập tức xác định được hướng gây ra tiếng động mặc dù đang ở trong một chiếc ao rất nhỏ. Vì sao ư? Vì nhà thơ câu cá mà không phải để bắt cá! Câu cá chỉ là cái cớ để tìm sự tư thái trong tâm hồn, để tĩnh tâm, để thu hút hết hương sắc mùa thu vào trái tim nhạy cảm của người thi sĩ. Vậy mới nói bài thơ không phải kể chuyện câu cá vào mùa thu mà chính là mượn việc câu cá để tả trời thu, để khen ngợi trời thu.

Trước Nguyễn Khuyến có rất nhiều thi sĩ viết về mùa thu,sau Nguyễn Khuyến thơ hay viết về mùa thu cũng không phải là không có, tuy nhiên, “Thu Điếu” vẫn luôn mang trong mình một sắc thu riêng, không lẫn lộn. Cảnh thu trong bài thơ là cảnh đẹp nhưng tĩnh lặng và buồn, không gian vắng lặng nhưng không tạo cảm giác cô độc, sầu não. Ngược lại, còn nhờ đó mà mở ra một bức tranh sống động tuyệt đẹp về làng quê cổ Việt Nam, rất gần gũi, rất thanh bình.

Phân tích Câu cá mùa thu (mẫu 20)

Mùa thu, mùa của hoa sữa thoang thoảng, mùa của rơm rạ vàng thơm, mùa được các nhà thơ yêu và đưa vào trong những trang thơ nhiều nhất.Với Nguyễn Thỉnh nhẹ nhàng mùi hương ổi ông đã cảm nhận được thu về: “Bỗng nhận ra hương ổi – phả vào trong gió se- sương chùng chình qua ngõ -hình như thu đã về”.Nhưng mùa thu trong mắt Nguyễn Khuyến thì lại khác.Qua bài thu điếu ta thấy đằng sau cảnh thu tĩnh lặng thì lại là nỗi niềm tâm sự sâu kín của người thi sĩ

Thu điếu viết bằng chữ Nôm theo thể thất ngôn bát cú,hầu hết tám câu thơ đều tả cảnh, hình ảnh con người chỉ xuất hiện ở hai câu cuối.Cảnh của bài thơ vẫn là trời, nước gió, trúc.. những hình ảnh quen thuộc trong thơ xưa

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo

Hình ảnh “ao thu” miêu tả với tính từ “lạnh lẽo”.Có lẽ cái lạnh của mùa thu cũng ngấm dần vào làn nước và ngấm dần vào tâm hồn nhà thơ.Tính từ “trong veo” miêu tả làn nước, không gian tĩnh lặng.Nước trong veo chứ không phải là lăn tăn gợn sóng, hai âm “eo” được lặp liên tiếp ở câu trên và câu dưới khiến cho cảm giác về sự tĩnh lặng càng trở nên thật hơn

Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo

Không gian lạnh lẽo của mùa thu ấy xuất hiện chiếc thuyền cô đơn lẻ loi.Tác giả dùng từ “bé tẻo teo” khiến cho chiếc thuyền càng trở nên nhỏ bé hơn,đơn độc hơn.Nhà thơ Nguyễn Du đã từng nói: người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”.Thật đúng cảnh dưới con mắt nhà thơ sao mà buồn tẻ, sao mà cô đơn đến lạ.Cuộc sống bây giờ tĩnh lặng đến nghẹt thở chẳng có âm thanh để chứng tỏ cuộc sống ồn ã vẫn đang tiếp diễn

Sóng biếc theo làn hơi gợn tí
Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo

Bức tranh thu tiếp tục hiện lên hình ảnh “Sóng và lá vàng”.Mọi vận động đều khẽ khàng và nhẹ nhàng như thế “sóng lăn tăn gợn tí”, “lá vàng đưa vèo”.Tác giả thật tinh tế về việc sử dụng từ tượng hình và từ tượng thanh.Cảnh vật miêu tả theo chiều hướng lấy động tả tĩnh, dù bức tranh ấy có âm thanh nhưng âm thanh khẽ khàng quá lại càng toát lên vẻ tĩnh lặng của mùa thu

Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo

Không gian được mở rộng ra cả tầm cao và tầm rộng. “Tầng mây lơ lửng” mây cứ chùng chình lơ lửng, mây cũng chẳng muốn bay.Cuộc sống chẳng hối hả hay tâm hồn nhà thơ đang sâu đầy tâm tư.Bầu trời thu “xanh ngắt”, màu sắc đậm nét của bức tranh thu,mỗi nét vẽ của Nguyễn Khuyến đều rất dứt khoát để tả cảnh vật “ đưa vèo”, “hơi gợn tí”, “xanh ngắt”.Mây trời đơn điệu và tẻ nhạt.Còn ngõ trúc “quanh co”,“vắng teo”.Nguyên từ “vắng” đã nói rõ sự tĩnh lặng rồi nhưng tác giả lại còn sử dụng “ vắng teo” thì có nghĩa không gian thu ấy không âm thanh,không chút cử động,không bóng người chỉ có màu sắc ơ thờ không hòa quyện

Bởi thế hai câu thơ cuối bài là một sự trống vắng, là nỗi cô đơn đến thắt lòng

Tựa Gối ôm cần lâu chẳng được
Cá đâu đớp động dưới chân bèo

Đến đây hình ảnh con người đã xuất hiện nhưng lại với tư thế “ ngồi tựa gối”, “ôm cần”. Trong trạng thái trầm tư và sâu cảm, cảnh vật đã cô đơn con người lại càng cô đơn hơn.Nhà thơ ngồi câu lâu chẳng được.Từ “cá đâu” là cách hỏi mơ hồ không định hướng,nhưng cũng có thể là sự ngỡ ngàng trong lòng người.Nhà thơ chìm sâu trong suy nghĩ miên man,mất cảm giác ở thực tại nên mới “cá đâu đớp động dưới chân bèo”.Nhà thơ muốn tìm sự thư thái trong tâm hồn nên mới đi câu. Nhưng cảnh vật tĩnh lặng đến nghẹt thở lại càng làm nhà thơ chìm sâu trong nỗi cô đơn.

Cảnh thu đẹp và buồn trong bài thu điếu đã được Nguyễn Khuyến miêu tả thật khéo léo và tinh tế.Cảm xúc, tâm tư của nhà thơ được dồn nén qua từng câu thơ, trong cảnh vật thu ấy.Thu điếu đi vào lòng người nhẹ nhàng và buồn man mác, khiến người đọc biết thêm về làng quê Việt Nam với những nét đẹp khác.

Phân tích Câu cá mùa thu (mẫu 21)

Nguyễn Khuyến là một nhà thơ nổi tiếng của Việt Nam, ông là nhà thơ của quê hương, những sáng tác mà ông viết lên đậm chất vùng quê Nam Bộ. Thơ của ông nói lên tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu gia đình, bạn bè, phản ánh cuộc sống thuần khổ, chất phác của nông dân, châm biếm đả kích tầng lớp thống trị, bọn thực dân xâm lược, đồng thời bộc lộ tấm lòng ưu ái với dân, với nước. Trong số những tác phẩm đặc sắc đó có bài thơ “Câu cá mùa thu”. Đây là bài thơ hay về mùa thu của đất nước, trong bài thơ tác giả đã nói lên những cung bậc cảm xúc của mùa thu đất nước.

Mở đầu bài thơ là điểm nhìn bao quát của tác giả:

“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo”

Bài thơ trong điểm nhìn của tác giả, từ gần đến cao xa, rồi từ cao xa trở lại gần. Từ chiếc thuyền câu nhìn ra mặt ao, nhìn lên bầu trời, nhìn ra ngõ trú rồi lại trở về ao thu, với chiếc thuyền câu. Từ ao thu hẹp nhòa thơ mở ra không gian mùa thu, cảnh sắc mùa thu quen thuộc. Chiếc ao thu nước trong veo đến mức có thể nhìn xuống được tận đáy và lạnh lẽo vô cùng,cái lạnh nó ôm trọn toàn bộ không gian, và giữa ao thu lại xuất hiện một chiếc thuyền, một chiếc gợi sự cô đơn, mà lại còn bé tẻo teo, thật nhỏ bé giữa không gian thu rộng lớn.

Hai câu thơ tiếp theo, nói lên không gian thu tĩnh lặng và phảng phất buồn.

“Sóng biếc theo làn hơi gợn tí
Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo”

“Hơi gợn tí”, “khẽ đưa vèo” là những hình ảnh miêu tả trong trạng thái ngưng kết chuyển động hoặc sự chuyển động rất nhẹ nhàng tạo nên sự tĩnh lặng vô cùng. Sự hòa hợp vô cùng đáng yêu ở câu thơ “sóng biếc” và “lá vàng”. Cơn gió thu nhẹ nhàng làm khuấy động mặt nước hơi gợn tí, làm chiếc lá trên cành khẽ khàng rơi.

Câu thơ thứ ba, bức tranh thu đang được lột tả:

“Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo”

Bầu trời thu trong xanh, nhưng ẩn chứa một nỗi buồn khó tả. Không có một bóng người qua lại trên con đường làng, không một tiếng nói, một âm thanh, không gian yên tĩnh như muốn bóp nghẹt tất cả. Cảnh làng quê trong trẻo nhưng tĩnh lặng bởi cảm nhận của một con người đang đầy những suy tư trăn trở. Không gian được mở rộng, bức tranh thu có chiều cao của bầu trời xanh ngắt với những đám mây lơ lửng bay. Xanh ngắt gợi cho ta cái sâu, cái lắng của không gian, cái nhìn vời vợi của nhà thơ.Ta bắt gặp vần “eo” gợi lên sự nhỏ bé và có phần buồn tủi, “Ngõ trúc quanh co” càng làm tăng sự vắng lặng của mùa thu chốn quê thanh bình mà tĩnh lặng. Và rồi ông nhận ra mình đang câu cá:

“Tựa gối ôm cần lâu chẳng được,
Cá đâu đớp động dưới chân bèo”

Câu cá đớp động dưới chân bèo không thể hiểu theo nghĩa cá đâu có đớp, nghĩa là không đớp. Một tiếng động duy nhất, là tiếng cá đớp mồi càng làm tăng thêm sự yên ắng, tĩnh mịch của cảnh vật. Nói là câu cá nhưng nhà thơ đâu có chú tâm vào việc câu cá. Chỉ là câu cá để cảm nhận được hết hương vị của mùa thu một cách trọn vẹn nhất. Cõi lòng của nhà thơ yên tĩnh, vắng lặng. Tĩnh lặng trong việc cảm nhận độ trong veo của nước, cái hơi gợn tí của sóng, cái độ rơi khe khẽ của lá. Đặc biệt là sự tĩnh lặng trong tâm hồn thi nhân được gợi lên một cách sâu sắc từ tiếng động duy nhất của bài thơ: tiếng cá đớp mồi dưới chân bèo”. Cái động nhỏ xíu như thế lại gây ảnh hưởng rất lớn. Sự tĩnh lặng mang đến sự cảm nhận nỗi cô quạnh và u uẩn trong lòng nhà thơ.

Bài thơ một phần nào đã thể hiện được vẻ đẹp tâm hồn của tác giả, một con người bình dị, gắn bó sâu sắc với quê hương và con người, biết rung động trước những cái đẹp của tạo hóa, hướng về những điều thanh sạch từ cuộc sống và luôn có tinh thần trách nhiệm với cuộc sống.

Bài thơ câu cá mùa thu là một bài thơ hay và ý nghĩa. Không gian thu thật là ảm đạm và buồn, hiện trong đó là hình ảnh con người với đầy những nỗi lo toan bộn bề từ cuộc sống.

Phân tích Câu cá mùa thu (mẫu 22)

Nguyễn Khuyến là một trong những nhà thơ lớn, có đóng góp không nhỏ trong nền văn học trung đại Việt Nam. Ông thường mang vào trang thơ của mình những cảnh sắc đẹp đẽ, bình dị của làng quê yên bình. Thu điếu là một trong những bài thơ đặc sắc nằm trong chùm thơ thu (Thu điếu – Thu vịnh – Thu ẩm) của Nguyễn Khuyến. Bài thơ là một bức tranh thiên nhiên mùa thu vắng lặng, lạnh lẽo và đượm buồn, đồng thời cũng thể hiện tình yêu thiên nhiên trong tâm hồn người thi sĩ.

Mở đầu bài thơ, nhà thơ đã giới thiệu khái quát không gian, địa điểm thân thuộc và yên tĩnh của một buổi câu cá mùa thu:

“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẹo teo”

Hình ảnh “ao thu” đặc trưng của làng quê Việt Nam bước vào trang thơ Nguyễn Khuyến thật chân thực. Mở ra trước mắt người đọc là cái ao mùa thu vùng chiêm trũng đất Bắc. Nhà thơ dùng tính từ “trong veo” để miêu tả “ao thu” ấy, trong veo chỉ sự trong vắt, trong đến mức mà người ta có thể nhìn xuống tận đáy hồ. Có lẽ, thời điểm này không còn là thời điểm chớm thu nữa mà là thời điểm giữa mùa thu hoặc cuối thu nên mới “lạnh lẽo” đến thế, chứ không se lạnh hay lành lạnh. Câu thơ gợi ra một khung cảnh với ao thu trong veo, trong vắt, tĩnh lặng nhưng lại lạnh lẽo, quạnh hiu. Giữa khung cảnh của một ao thu rộng và lạnh lẽo ấy lại xuất hiện thêm một chiếc thuyền nhỏ, càng làm cho không gian trở nên lạnh lẽo. Giữa cái rộng của ao thu đối lập với chiếc thuyền câu đã bé lại còn “bé tẹo teo” khiến cho hình ảnh chiếc thuyền trở nên nhỏ bé hơn, cô đơn hơn. Hai câu thơ mở đầu đều được nhà thơ gieo vần “eo” khiến không gian câu cá mùa thu trở nên lạnh lẽo mang một chút buồn.

Nếu như hai câu thơ đầu, nhà thơ giới thiệu cảnh sắc buổi câu cá mùa thu thật tĩnh lặng, thì ở những câu thơ tiếp theo, cảnh sắc mùa thu lần lượt hiện lên sống động hơn:

“Sóng biếc theo làn hơi gợn tí
Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo”

Câu thơ bắt đầu xuất hiện sự chuyển động của vạn vật mùa thu, dù sự lay động ấy chỉ nhẹ nhàng, khe khẽ. Người thi sĩ vẽ lên những hình ảnh “sóng biếc” chỉ “hơi gợn tí” còn “lá vàng” cũng chỉ “khẽ đưa vèo”. Hai từ “hơi” và “khẽ” thể hiện sự chuyển động rất nhẹ nhàng trong cảnh sắc mùa thu. Hẳn là thi nhân Nguyễn Khuyến phải tinh tế lắm mới nhận ra sự khe khẽ đó của thiên nhiên. Hình ảnh “sóng biếc” gợi cho người đọc một màu xanh biếc trên mặt ao trong, một màu xanh rất đẹp mắt và có sắc thái biểu cảm. Không chỉ có sóng biếc mà “lá vàng” cũng được đưa vào thơ Nguyễn Khuyến một cách tinh tế. Người ta thường nói mùa thu là mùa thay lá, mùa lá vàng và rụng xuống. Bởi thế mà lá vàng đã từng bước vào rất nhiều trang thơ thu. Trong thơ về mùa thu, Lưu Trọng Lư có viết:

“Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô”

Nhà thơ tiếp tục miên man tả cảnh sắc mùa thu êm đềm khi hướng tầm mắt ra xa hơn với bầu trời thu:

“Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo”

Đọc câu thơ, người đọc hình dung ra một bầu trời mùa thu cao vời vợi. Bởi lẽ một bầu trời cao trong vời vợi mới có một màu xanh ngắt. Nếu bên dưới ao thu được điểm tô là màu “biếc” của sóng thu, màu vàng của “lá” thu, thì ở ý thơ này lại là một màu “xanh ngắt” bao la, ngút ngàn. Và trên bầu trời thu ấy là những “tầng mây” đang “lơ lửng”. Từ láy “lơ lửng” diễn tả trạng thái dùng dằng, có trôi nhưng lại rất khẽ, rất thờ ơ của những đám mây. Dường như mùa thu cả không gian đất trời, cảnh sắc đều như trôi chậm lại. Nhà thơ trở lại với cảnh vật bên dưới, phía xa xa của những con ngõ nhỏ. Hình ảnh “ngõ trúc” hiện lên thật hoang vắng. Từ láy “quanh co” cùng “vắng teo” thể hiện một con ngõ ngoằn ngèo, quanh co và không một bóng khách, gợi sự cô đơn, heo hút, man mác buồn.

Trước khung cảnh tĩnh lặng, quạnh quẽ và lạnh lẽo của mùa thu, nhà thơ trở lại với buổi câu cá mùa thu:

“Tựa gối ôm cần lâu chẳng được
Cá đâu đớp động dưới chân bèo”

Xung quanh cái u buồn, vắng lặng của mùa thu, thi sĩ trở lại tập trung câu cá để khiến tâm hồn thêm thư thái. Hình ảnh “tựa gối” chỉ sự chăm chú nhưng đầy nghĩ suy thật lâu trước cảnh sắc đượm buồn mùa thu. Miên man trong những dòng cảm xúc buồn, cô đơn ấy nên khiến nhà thơ giật mình khi có chú cá nhỏ “đớp động dưới chân bèo”. Câu thơ cho thấy tâm trạng suy tư của nhà thơ, cảm giác buồn, một nỗi buồn xa vắng. Nhà thơ sáng tác bài thơ này khi ông về ở ẩn nơi thôn quê. Nếu đặt vào hoàn cảnh sáng tác bài thơ, người đọc càng hiểu hơn cái tình trong Thu điếu. Bởi bài thơ còn chất chứa cả một nỗi buồn thời thế, nhà thơ buồn cho thời buổi loạn lạc, lầm than lúc bấy giờ nhưng có ai để sẻ chia, giãi bày.

Thu điếu là một bài thơ đặc sắc của nhà thơ Nguyễn Khuyến. Bài thơ là một trong những tác phẩm tiêu biểu khi viết về mùa thu. Đọc bài thơ người đọc ấn tượng bởi cảnh sắc mùa thu đẹp và tĩnh lặng cùng tình yêu thiên nhiên của Nguyễn Khuyến, đồng thời cũng cho thấy những nỗi niềm thời đại, tình yêu nước thương dân dạt dào trong trái tim thi sĩ.

Phân tích Câu cá mùa thu (mẫu 23)

"Thu điếu" cho thấy cái thần thái riêng của mùa thu ở nông thôn vùng đồng bằng Bắc Bộ mà Nguyễn Khuyến đã thực sự nắm bắt và thể hiện được một cách tài tình, nên thơ.

Một không gian êm đềm, tĩnh lặng. Ao thu "lạnh lẽo" bởi khí thu bao trùm. Nước ao thu "trong veo" có thể nhìn thấy tận đáy ao. Chiếc thuyền câu, thuyền nan "bé tẻo teo". Vùng đồng chiêm trũng Yên Đổ thuộc huyện Bình Lục, Hà Nam, quê hương cụ Tam nguyên, hầu như nhà nào cũng có một cái ao nhỏ trong vườn; ao nhỏ nên chiếc thuyền câu cũng "bé tẻo teo".

Gió thu lành lạnh, nhè nhẹ thổi nên làn sóng biếc trên mặt ao thu chỉ xao động lăn tăn "hơi gợn tí". Và chiếc lá thu, lá vàng "khẽ đưa vèo". Cảnh vật từ sóng biếc đến lá vàng "khẽ đưa vèo" vừa đẹp thơ mộng, vừa êm đềm tĩnh lặng. Tác giả tả ít mà gợi nhiều, chỉ chấm phá, lấy động tả tĩnh làm nổi bật cái thần thái mùa thu trên vùng đồng bằng sông Hồng.

Không gian nghệ thuật được mở rộng về các chiều cao, chiều xa, chiều dài và chiều rộng. Bầu trời thu "xanh ngắt", tầng mây nhẹ trôi "lơ lửng" như khách thơ lang thang du nhàn. Ai cũng cảm thấy bầu trời thu thoáng đãng, bao la, mênh mông, mỏng như dải lụa xinh xắn.

Nhìn về bốn phía làng quê, chỉ thấy "ngõ trúc quanh co". Không một bóng người qua lại, "khách vắng teo". Lấy cảnh để ngụ tình, nhà thơ tinh tế thể hiện tâm hồn cô đơn của mình.

Cảnh vật trong "Thu điếu" được chấm phá bằng đường nét tài hoa: bé tẻo teo, hơi gợn tí, khẽ đưa vèo, lơ lửng, quanh co; được điểm nhãn bằng màu sắc: nước trong veo, sóng biếc, lá vàng, trời xanh ngắt. Đó là sắc thu quê hương nhà thơ, sắc thu của vùng nông thôn Bắc Bộ. Cảnh vật êm đềm, thơ mộng, mơ hồ, xa xăm. Nét thu nào cũng đẹp, thân thuộc, đáng yêu. Nguyễn Khuyến đã trang trải tâm hồn trên từng cảnh thu, nét thu, biểu lộ một tình thu, tình quê nồng hậu, đằm thắm, thiết tha.

Hai câu kết biểu lộ một tâm thế nhàn:

"Tựa gối ôm cần lâu chẳng được,
Cá đâu đớp động dưới chân bèo".

Cái tư thế "ôm cần" của Nguyễn Khuyến được người đọc liên tưởng đến Lã Vọng câu cá bên bờ sông Vị để chờ thời hơn mấy nghìn năm về trước. Có điều, cụ Tam nguyên không chờ thời mà bất lực trước thời cuộc, cáo quan về ở ẩn tại quê nhà: "Rằng quan nhà Nguyễn cáo về đã lâu".

"Cá đâu đớp động dưới chân bèo" là một nét vẽ lấy động để tả tĩnh, lấy ngoại cảnh để phô diễn tâm hồn nhà thơ, đồng thời làm nổi bật bức tranh tâm cảnh mùa thu câu cá.

Qua "Thu điếu", ta cảm nhận được vẻ đẹp tâm hồn của Tam nguyên Yên Đổ: yêu mùa thu đẹp gắn liền với tình yêu quê hương, một phong thái thanh cao, nhàn tản và thanh bạch.

Phân tích Câu cá mùa thu (mẫu 24)

Nhắc tới Nguyễn Khuyến người ta nhớ đến những sáng tác của ông về mùa thu. Trong đó có nhiều bài thơ viết về mùa thu bằng chữ Hán và chữ Nôm.Bài thơ “Thu vịnh” là một trong ba bài thơ Nôm nổi tiếng: Thu điếu, Thu ẩm và Thu vịnh. Chính chùm thơ về mùa thu này đã giúp Nguyễn Khuyến bước lên vị trí hàng đầu trong các nhà thơ viết về mùa thu. Những câu thơ nhẹ nhàng dễ đi vào lòng người, sẽ không ai có thể quên, khi nhắc tới thơ về mùa thu Việt Nam, Thu Điếu là một trong 3 bài thơ đặc sản của thơ văn viết về mùa thu.

Mọi cảnh vật quen thuộc hiện ra, vùng đồng chiêm trũng Bình Lục, ngập nước với ao hồ, bờ tre bao bọc-một biểu tượng quen thuộc của làng quê Việt Nam.

Được mệnh danh là một nhà thơ của làng cảnh Việt Nam,ba bài thơ về mùa thu của Nguyễn Khuyến đặc biệt là Thu điếu đã trở thành một trong những bức tranh mùa thu đặc sắc của văn học Việt Nam. Vẻ đẹp của mùa thu được thi vị hóa, trở thành một bức tranh độc đáo. Giống như mọi thứ đang diễn ra trước mắt, hình ảnh nước trong veo, mặt hồ phẳng lặng là những đặc trưng của mùa thu

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí
Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo
Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo
Tựa gối ôm cần, lâu chẳng được
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.

Mỗi khung cảnh mỗi nét thơ cho ta một vẻ độc đáo riêng,mỗi cảnh có một sự thể hiện riêng nhưng có một sự thật không thể phủ nhận đó chính là mỗi bài thơ thu của Nguyễn Khuyến đều mang một dáng vẻ riêng. Riêng Thu điếu, mà nhà thơ Xuân Diệu đã khẳng định là điển hình hơn cả cho mùa thu của làng cảnh Việt Nam, là bài thơ tả cảnh ngụ tình đặc sắc: Cảnh mùa thu quê hương, tình yêu thiên nhiên, yêu mùa thu đẹp gắn liền với tình yêu quê hương tha thiết. Những hình ảnh trong sáng những đường nét mang chi tiết gợi rất lớn khiến cho bài thơ càng thêm có hồn.

Mở đầu bài thơ là hình ảnh nước và con người pha trộn giữa cảnh thiên nhiên đó. Tuy không chủ động nói tới con người giữa khung cảnh mùa thu đó, nhưng với “ thuyền câu giữa làn nước ao thu” khiến chúng ta có thể liên tưởng tới khung cảnh của một người đang thư thái ngồi câu cá

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo

Cả ao được nhuộm bởi sắc thu và không khí của mùa thu, ao thu đó có chút lạnh lẽo không một chút gợn để chúng ta thấy được nước mùa thu nó có thể xuyên tận đáy. Cảnh sắc mùa thu có thể hiển hiện rõ nhất là màu nước và khung cảnh thiên nhiên từ đó mà lan tỏa. Bên cạnh đó cảm hứng của nhà thơ hoàn toàn đắm chìm trong cảnh sắc mùa thu, một cảnh trong và tĩnh gần như tuyệt đối, hình ảnh nước trong veo, trời xanh ngắt, khách vắng teo, giác quan của nhà thơ cực kì tinh nhậy và hết sức chăm chú thì mới nhận ra được những biểu hiện nhỏ nhặt tinh vi chỉ làm tôn thêm cho cái trong và tĩnh của một khung cảnh đầy màu sắc:

Sóng biếc theo làn hơi gợn tí
Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo.

Mọi thứ chỉ hơi gợn không một chút biến đổi mạnh nào, màu của sóng biếc pha trộn với sắc vàng của lá vẽ nên bức tranh quê đơn sơ mà lộng lẫy. Nghệ thuật trong phần thực rất điêu luyện, lá vàng với sóng biếc, tốc độ vèo của lá bay tương ứng với mức độ tí của gợn sóng. Cách hiệp vần ở mỗi cuối câu khiến cho ta đọc lên cảm thấy không gian vừa rất tĩnh lại vừa thu hẹp lại,tâm điểm của bài thơ được nổi bật và tập trung điểm nhìn hơn.

Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.

Không gian dường như được mở rộng, bức tranh thu có thêm chiều cao của bầu trời xanh ngắt với những từng mây lơ lửng trôi theo chiều gió nhẹ. Bầu trời xanh ngắt là một đặc trưng của thơ miêu tả thu của Nguyễn Khuyến. Xanh ngắt là xanh mà có chiều sâu và thăm thẳm. Xanh ngắt đã gợi ra cái sâu, cái lắng của không gian, cái nhìn vời vợi của nhà thơ, của ông lão đang câu cá. Không gian thu hẹp lại khi ông lơ đãng đưa mắt nhìn về bốn phía làng quê. Xóm thôn vắng lặng, tĩnh mịch, con đường quanh co, heo hút, không một bóng người qua lại.

 

Ngõ trúc quanh co khách vắng teo

Cảnh vật càng trở nên êm đềm, thoáng một nỗi buồn cô tịch, hiu hắt chìm vào không khí vắng lặng của mùa thu. Tất cả cảnh vật, từ mặt nước đến ao thu lạnh lẽo đến chiếc thuyền câu bé tí teo, từ sóng biếc đến lá vàng, từ tầng mây lơ lửng đến ngõ trúc… đều hiện lên với đường nét, màu sắc, âm thanh có chút bâng khuâng, man mác, rất gần gũi, thân thiết với mọi người Việt Nam. Những hình ảnh đó dường như đã quá quen thuộc với người dân Việt Nam mỗi khi nhớ về kỉ niệm tuổi thơ, và nó cũng gắn liền với nỗi buồn không đáy.Biết bao thời gian trôi qua trong không gian của sáng tĩnh mịch ấy, nhưng tư thế ngồi của người buông cần câu như cũng bất động trong thời gian:

Tựa gối ôm cần lâu chẳng được
Cá đâu đớp động dưới chân bèo

Tư thế của người câu cá là tư thế tựa gối ôm cần, và không có chút gì là thay đổi tư thế,như ông đang chờ đợi điều gì xảy ra rất lâu và cứt thế, bình tĩnh để nhìn thấy kết quả. Hình ảnh này cũng mang dáng dấp của những người vui thú khi về ở ẩn, sống một cuộc sống đạm bạc. Bài thơ Thu điếu này cũng thể hiện khát vọng câu thanh, câu vắng cho tâm hồn của một nha thơ có phẩm chất thanh cao.Cái âm thanh cá đớp động gợi lên sự mơ hồ xa vắng, đánh thức tỉnh.

“Thu điếu“ là một bài thơ mùa thu đặc sắc với nghệ thuật tả cảnh ngụ tình độc đáo. Cảnh sắc mùa thu quê hương được miêu tả bằng những gam màu đậm nhạt, nét vẽ xa gần tinh tế gợi cảm. Âm thanh của những sự vật cũng trở nên tinh tế dưới tài quan sát và sự nhạy bén của tác giả. Hình ảnh quen thuộc dân giã những chính là chất liệu để dệt nên những hồn thơ hay như thế

Với tình yêu thiên nhiên tha thiết, yêu cảnh sắc và những sự thay đổi của đất trời vào Thu,mọi thứ trong “ Thu điếu”là một cách thể hiện tâm hồn của ông. Ông là nhà thơ của làng cảnh Việt Nam. Ngâm Thu điếu, Thu ẩm, Thu vịnh, chúng ta thêm yêu quê hương, thêm yêu xóm thôn đồng nội, đất nước. Vẻ đẹp quê hương đất nước và tâm hồn của Nguyễn Khuyến cũng được gợi mở trên từng con chữ.

Phân tích Câu cá mùa thu (mẫu 25)

Trong nền thơ ca dân tộc có nhiều bài thơ tuyệt hay nói về mùa thu. Riêng Nguyễn Khuyến đã có chùm thơ ba bài: Thu vịnh, Thu ẩm và Thu điếu. Bài thơ nào cũng hay, cũng đẹp cho thấy một tình quê dào dạt. Riêng bài "Thu điếu", nhà thơ Xuân Diệu đã khẳng định là "điển hình hơn cả cho mùa thu của làng cảnh Việt Nam". "Thu điếu" là bài thơ tả cảnh ngụ tình đặc sắc: Cảnh đẹp mùa thu quê hương, tình yêu thiên nhiên, yêu mùa thu đẹp gắn liền với tình yêu quê hương tha thiết.

"Thu điếu" được viết bằng thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật, ngôn ngữ tinh tế, hình tượng và biểu cảm. Cảnh thu, trời thu xinh đẹp của làng quê Việt Nam như hiện lên trong dáng vẻ và màu sắc tuyệt vời dưới ngọn bút thần tình của Nguyễn Khuyến.

Hai câu đầu nói về ao thu và chiếc thuyền câu. Nước ao "trong veo" toả hơi thu "lạnh lẽo". Sương khói mùa thu như bao trùm cảnh vật. Nước ao thu đã trong lại trong thêm, khí thu lành lạnh lại trở nên"lạnh lẽo". Trên mặt nước hiện lên thấp thoáng một chiếc thuyền câu rất bé nhỏ -"bé tẻo teo". Cái ao và chiếc thuyền câu là hình ảnh trung tâm của bài thơ, cũng là hình ảnh bình dị, thân thuộc, đáng yêu của quê nhà. Theo Xuân Diệu cho biết vùng đồng chiêm trũng Bình Lục, Hà Nam có rất nhiều ao cho nên ao to, ao nhỏ thì thuyền câu cũng theo đó mà "bé tẻo teo":

"Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo".

Các từ ngữ: "lạnh lẽo", "trong veo","bé tẻo teo" gợi tả đường nét, dáng hình, màu sắc của cảnh vật, sắc nước mùa thu; âm vang lời thơ như tiếng thu, hồn thu vọng về.

Hai câu thơ tiếp theo trong phần thực là những nét vẽ tài hoạ làm rõ thêm cái hồn của cảnh thu:

"Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,
Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo".

Màu "biếc" của sóng hòa hợp với sắc "vàng" của lá vẽ nên bức tranh quê đơn sơ mà lộng lẫy. Nghệ thuật đối trong phần thực rất điêu luyện, "lá vàng" với "sóng biếc", tốc độ "vèo" của lá bay tương ứng với mức độ "tí" của sóng gợn. Nhà thơ Tản Đà đã hết lời ca ngợi chữ "vèo" trong thơ của Nguyễn Khuyến. Ông đã nói một đời thơ của mình may ra mới có được một câu thơ vừa ý trong bài "Cảm thu, tiễn thu", "Vèo trông lá rụng đầy sân".

Hai câu luận mở rộng không gian miêu tả. Bức tranh thu có thêm chiều cao của bầu trời "xanh ngắt" với những tầng mây "lơ lửng" trôi theo chiều gió nhẹ. Trong chùm thơ thu, Nguyễn Khuyến nhận diện sắc trời thu là "xanh ngắt":

"Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao

(Thu vịnh)

"Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt".

(Thu ẩm)

"Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt".

(Thu điếu)

"Xanh ngắt" là xanh mà có chiều sâu. Trời thu không mây (mây xám), mà xanh ngắt một màu thăm thẳm. Xanh ngắt đã gợi ra cái sâu, cái lắng của không gian, cái nhìn vời vợi của nhà thơ, của ông lão đang câu cá. Thế rồi, ông lơ đãng đưa mắt nhìn về bốn phía làng quê. Hình như người dân quê đã ra đồng hết. Xóm thôn vắng lặng, vắng teo. Mọi con đường quanh co, hun hút, không một bóng người qua lại:

"Ngõ trúc quanh co khách vắng teo".

Cảnh vật êm đềm, thoáng một nỗi buồn cô tịch, hiu hắt. Người câu cá như đang chìm trong giấc mộng mùa thu. Tất cả cảnh vật từ mặt nước "ao thu lạnh lẽo" đến "chiếc thuyền câu bé tẻo teo", từ "sóng biếc" đến "lá vàng", từ"tầng mây lơ lửng đến "ngõ trúc quanh co" hiện lên với đường nét, màu sắc, âm thanh, có khi thoáng chút bâng khuâng, man mác, nhưng rất gần gũi, thân thiết với mỗi con người Việt Nam. Phong cảnh thiên nhiên của mùa thu quê hương sao đáng yêu thế!

Cái ý vị của bài thơ "Thu điếu" là ở hai câu kết:

"Tựa gối ôm cần lâu chẳng được,
Cá đâu đớp động dưới chân bèo".

"Tựa gối ôm cần" là tư thế của người câu cá cũng là một tâm thế nhàn của nhà thơ đã thoát vòng danh lợi. Cái âm thanh"cá đâu đớp động", nhất là từ "đâu" gợi lên sự mơ hồ, xa vắng và chợt tỉnh. Người câu cá ở đây chính là nhà thơ, một ông quan to triều Nguyễn, yêu nước thương dân nhưng bất lực trước thời cuộc, không cam tâm làm tay sai cho thực dân Pháp đã cáo bệnh, từ quan. Đằng sau câu chữ hiện lên một nhà nho thanh bạch trốn đời đi ở ẩn. Đang ôm cần đi câu cá nhưng tâm hồn nhà thơ đang đắm chìm trong giấc mộng mùa thu, bỗng chợt tỉnh trở về thực tại khi"Cá đâu đớp động dưới chân bèo". Cho nên cảnh vật ao thu, trời thu êm đềm, vắng lặng như chính nỗi lòng của nhà thơ vậy - buồn cô đơn và trống vắng.

Âm thanh tiếng cá"đớp động dưới chân bèo" đã làm nổi bật khung cảnh tịch mịch của chiếc ao thu. Cảnh vật như luôn luôn quấn quýt với tình người. Thiên nhiên đối với Nguyễn Khuyến như một bầu bạn tri kỷ. Ông đã trang trải tình cảm, gửi gắm tâm hồn, tìm lời an ủi ở thiên nhiên, ở sắc "vàng" của lá thu, ở màu"xanh ngắt" của bầu trời thu, ở làn "sóng biếc" trên mặt ao thu "lạnh lẽo"...

Thật vậy, "Thu điếu" là một bài thơ tả cảnh ngụ tình rất đặc sắc của Nguyễn Khuyến. Cảnh sắc mùa thu quê hương được miêu tả bằng những gam màu đậm nhạt, những nét vẽ xa gần, tinh tế gợi cảm. Âm thanh của tiếng lá rơi đưa"vèo" trong làn gió thu, tiếng cá"đớp động" chân bèo - đó là tiếng thu dân dã, thân thuộc của đồng quê đã khơi gợi trong lòng chúng ta bao hoài niệm đẹp về quê hương đất nước.

Nghệ thuật gieo vần của Nguyễn Khuyến rất độc đáo. Vần "eo" đi vào bài thơ rất tự nhiên thoải mái, để lại ấn tượng khó quên cho người đọc; âm hưởng của những vần thơ như cuốn hút chúng ta: trong veo - bé tẻo teo - đưa vèo - vắng teo - chân bèo. Thi sĩ Xuân Diệu đã từng viết: "Cái thú vị của bài "Thu điếu" ở các điệu xanh, xanh ao, xanh bờ, xanh sóng, xanh tre, xanh trời, xanh bèo, có một màu vàng đâm ngang của chiếc lá thu rơi"...

Thơ là sự cách điệu tâm hồn. Nguyễn Khuyến yêu thiên nhiên mùa thu, yêu cảnh sắc đồng quê với tất cả tình quê nồng hậu. Ông là nhà thơ của làng cảnh Việt Nam. Đọc"Thu điếu","Thu vịnh","Thu ẩm", chúng ta yêu thêm mùa thu quê hương, yêu thêm xóm thôn đồng nội, đất nước. Với Nguyễn Khuyến, tả mùa thu, yêu mùa thu đẹp cũng là yêu quê hương đất nước. Nguyễn Khuyến là nhà thơ kiệt xuất đã chiếm một địa vị vẻ vang trong nền thơ ca cổ điển Việt Nam.

Phân tích Câu cá mùa thu (mẫu 26)

Trời vào thu với màu sắc thê lương ảm đạm, với gió heo may se sắt lạnh lùng và những chiếc lá vàng nhẹ rơi bỏ lại thân cây trơ trọi, não nề. Mùa thu có lẽ làm cho người ta bâng khuâng hoài cảm nhiều nhất và là nguồn cảm hứng bất tận cho người nghệ sĩ. Quay ngược bánh xe lịch sử ta sẽ bắt gặp những mùa thu tuyệt vời ngập tràn trong những trang thơ của bao thế hệ. Nhắc đến mùa thu không thế không nhắc đến “Câu cá mùa thu” của Nguyễn Khuyến – một bức tranh mùa thu mà Xuân Diệu đã từng nhận xét: “Là điển hình hơn cả cho mùa thu của làng cảnh Việt Nam”.

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí
Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo
Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo
Tựa gối buông cần lâu chẳng được
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.

Tiếp xúc với bài thơ điều đầu tiên cho ta ấn tượng là mật độ xuất hiện vần “eo” trong bài thơ. Chúng ta hãy đếm xem: có tất cả bảy tiếng sử dụng vần “eo”. Nếu để ý khảo sát trong tiếng Việt thì ta sẽ phát hiện ra một điều thú vị là vần “eo” trong ngôn ngữ của ta thường làm cho không gian, sự vật bị dồn nén, co lại, kết tinh lại trong cái khuôn khổ nhỏ nhất của nó. Trời thu đã mang sẵn cái khí lạnh trong nó lại càng lạnh thêm trong cái từ “lạnh lẽo” ấy. Nước hồ thu đã trong rồi nay lại càng trong thêm nữa bởi từ “trong veo”. Khoảng trống rộng lớn làm cho chiếc thuyền câu nhỏ bé lại càng nhỏ bé thêm khi nó được tác giả thấy rằng “bé tẻo teo”. Hình ảnh “Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo” làm chúng ta chợt nhớ đến hai câu thơ của Trần Đăng Khoa:

Ngoài thềm rơi chiếc lá đa
Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng.

Trở về câu thơ của Nguyễn Khuyến động từ “vèo” gợi cảm giác rơi nghiêng của lá. “Khẽ đưa vèo” câu thơ có cấu trúc động từ thật là lạ, làm cho ta thấy dường như tiếng rơi ấy nó không là hiện thực mà nó đang diễn ra trong tâm thức của nhà thơ. Chiếc lá ấy của nhà thơ làng Yên Đỗ và Trần Đăng Khoa như là ảo ảnh. Trong cái ảo ảnh đó, người đọc và cả tác giả dường như không kiểm soát kịp nó có thật hay không nữa. Bức tranh mùa thu đến đây khẽ lay động dưới nét phác họa của nhà thơ.
Qua hai câu đề của bài thơ bức tranh mùa thu không được đặt trong không gian rộng lớn như ở “Thu vịnh” mà nó bị giới hạn lại trong cái phạm vi nhỏ bé của “ao thu”. “Ao thu” hai tiếng ấy có vẻ gì đó là lạ, đặc thù. Hình ảnh “ao thu” như muốn chứng minh sự nhỏ bé khác thường của nó.
Toàn bộ khung ảnh được vẽ lên như một bức tranh tí hon có thể đặt trọn trong lòng bàn tay ta vậy. Nó có một cái gì đó ngồ ngộ, dễ thương và cuốn hút lạ thường. Nó thu tóm toàn bộ không gian, làng cảnh Việt Nam im lìm, vắng lặng nhưng lại ẩn chứa một sức sống mãnh liệt.
Đến đây không gian được mở rộng ra, nhà thơ đã di chuyển điểm nhìn từ khoảng gian nhỏ bé của “ao thu” hướng về không gian lớn của bầu trời. Ở đấy nhà thơ bắt gặp:

“Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt”

Cái động từ “lơ lửng” như gợi cho ta một cảm giác về một chuyển động mà ngỡ như là đứng yên. Những đám mây mùa thu như khẽ nhích từng tí một, bồng bềnh trong bầu trời thu xanh ngắt. Cái chuyển động của chiếc thuyền câu cũng vậy, nó như hơi khẽ lắc trong sóng nước mùa thu.

Trở lại câu thơ:

“Sóng biếc theo làn hơi gợn tí”

Ta thấy nó có một cái gì đó dễ gây ấn tượng. Chữ “làn” xuất hiện làm cho cảnh vật nó như mơ hồ, khó mà nắm bắt được. “Hơi gợn tí” nó gợi lên trước mắt chúng ta một hình dáng của sóng. Nó không ồn ào dữ dội như sóng biển mà có nó lăn tăn lan ra trên mặt hồ. Bức tranh mùa thu như trầm mình trong cái yên ả, tĩnh mịch ấy.
Có một câu châm ngôn cho rằng: không có một vẻ đẹp xuất sắc nào mà không mang đôi nét kì quặc. Cho nên câu thơ:

"Ngõ trúc quanh co khách vắng teo"

Tuy gợi cho ta cảm giác rờn rợn da thịt nhưng bức tranh mùa thu ở đây vẫn có một nét đẹp rất nên thơ, bình yên và trong sáng. Con người nhà thơ ở đây có phần nào lộ diện hơn:

"Tựa gối buông cần lâu chẳng được
Cá đâu đớp động dưới chân bèo"

Thế câu "Tựa gối ôm cần" thật lạ. Nó như thú nhận rằng nhà thơ đang lo nghĩ về một việc gì đó rất dữ dội, nó như đang giằng xé lấy ông. Phải chăng đó chính là nỗi buồn thời cuộc, nỗi buồn mà đến cuối đời nhà thơ vẫn không nguôi ngoai được phần nào. Kết thúc bài thơ cảnh vật mùa thu im lìm như bị đánh thức dậy trước cái âm thanh bật hơi thật mạnh của cụm từ "đâu đớp động". Tạo ra một nét đối nghịch trong bài thơ: Cảnh vật ở trên được miêu tả là một bức tranh tĩnh lặng đến hoang vắng thì đến cuối bài thơ nó như bắt đầu tiếp nhận được sức sống, bức tranh như sinh động hẳn lên. Nhưng nó lại cũng khiến cho bài thơ im ắng vô cùng. Ba tiếng "đâu đớp động" chõi lên một chút rồi lại đè xuống dưới sự áp chế mãnh liệt của vần "eo". Cách sử dụng nghệ thuật, dùng cái động để diễn tả cái tĩnh làm cho cảnh vật trong bài thơ càng vắng lặng hơn, nỗi buồn như bao trùm cả một khung cảnh rộng lớn.

Bài thơ còn mang trong nó một sắc điệu xanh sắc xanh của mây trời, của lá cây, của nước mùa thu. Tất cả như hòa quyện vào nhau làm cho bài thơ tạo nên một bức tranh hài hòa cân đối, có một màu sắc rất riêng của Việt Nam. Một chiếc lá vàng đâm ngang tô thêm cho bức tranh mùa thu một vẻ đẹp mới lạ.

Đọc "Câu cá mùa thu" ta càng yêu thêm non sông xứ sở đất Việt này. Bức tranh mùa thu đậm chất vẻ đẹp thiên nhiên của Việt Nam trong bao biến động xô bồ của cuộc đời này. Có cần chăng nhiều lúc lòng chúng ta nên lắng lại để thưởng thức "Thu điếu" để thanh lọc lại hồn mình, để yêu quê hương đất nước, yêu tiếng Việt trong sáng và giàu đẹp này hơn nữa ..

Phân tích Câu cá mùa thu (mẫu 27)

Riêng bài "Thu điếu", nhà thơ Xuân Diệu đã khẳng định là "điển hình hơn cả cho mùa thu của làng cảnh Việt Nam", “Thu điếu” là bài thơ tả cảnh ngụ tình đặc sắc: cảnh đẹp mùa thu quê hương, tình yêu thiên nhiên, yêu mùa thu đẹp gắn liền với tình yêu quê hương tha thiết.

"Thu điếu" được viết bằng thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật, ngôn ngữ tinh tế, hình tượng và biểu cảm. Cảnh thu, Trời thu xinh đẹp của làng quê Việt Nam như hiện lên trong dáng vẻ và màu sắc tuyệt vời dưới ngọn bút thần tình của Nguyễn Khuyến.

Hai câu đầu nói về ao thu và chiếc thuyền câu. Nước ao “trong veo” toả hơi thu "lạnh lẽo". Sương khói mùa thu như bao trùm cảnh vật. Nước ao thu đã trong lại trong thêm, khí thu lành lạnh lại trở nên "lạnh lẽo". Trên mặt nước hiện lên thấp thoáng một chiếc thuyền câu rất bé nhỏ - "bé tẻo teo". Cái ao và chiếc thuyền câu là hình ảnh trung tâm của bài thơ, cũng là hình ảnh bình dị, thân thuộc, đáng yêu của quê nhà. Theo Xuân Diệu cho biết vùng đồng chiêm trũng Bình Lục, Hà Nam có cơ man nào là ao, nhiều ao cho nên ao nhỏ, ao nhỏ thì thuyền câu cũng theo đó mà "bé tẻo teo"

"Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo"

Các từ ngữ; "lạnh lẽo", "trong veo", "bé tẻo teo" gợi tả đường nét, dáng hình, màu sắc của cảnh vật, sắc nước mùa thu; âm vang lời thơ như tiếng thu, hồn thu vọng về.

Hai câu thơ tiếp theo trong phần thực là những nét vẽ tài ba làm rõ thêm cái hồn của cảnh thu:

"Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,
Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo"

Màu "biếc" của sóng hoà hợp với sắc "vàng " của lá vẽ nên bức tranh quê đơn sơ mà lộng lẫy. Nghệ thuật đối trong phần thực rất điêu luyện, “lá vàng” với “sóng biếc”, tốc độ "vèo" của lá bay tương ứng với mức độ “tí” của gợn sóng. Nhà thơ Tản Đà đã hết lời ca ngợi chữ “vèo” trong thơ của Nguyễn Khuyến. Ông đã nói một đời thơ của mình may ra mới có được một câu thơ vừa ý trong bài "Cảm thu, tiễn thu”: "Vèo trông lá rụng đầy sân".

Hai câu luận mở rộng không gian miêu tả. Bức tranh thu có thêm chiều cao của bầu Trời "xanh ngắt" với những tầng mây “lơ lửng” trôi theo chiều gió nhẹ. Trong chùm thơ thu, Nguyễn Khuyến nhận diện sắc Trời thu là "xanh ngắt".

"Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao"
(Thu vịnh)
"Da Trời ai nhuộm mà xanh ngắt"
(Thụ ẩm)
"Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt"
(Thu điếu)

"Xanh ngắt" là xanh mà có chiều sâu. Trời thu không mây (mây xám), mà xanh ngắt một màu thăm thẳm. Xanh ngắt đã gợi ra cái sâu, cái lắng của không gian, cái nhìn vời vợi của nhà thơ, của ông lão đang câu cá. Thế rồi, ông lơ đãng đưa mắt nhìn về bốn phía làng quê. Hình như người dân quê đã ra đồng hết. Xóm thôn vắng lặng, vắng teo. Mọi con đường quanh co, hun hút, không một bóng người qua lại:
"Ngõ trúc quanh co khách vắng teo"

Cảnh vật êm đềm, thoáng một nỗi buồn cô tịch, hiu hắt. Người câu cá như đang chìm trong một giấc mộng mùa thu. Tất cả cảnh vật từ mặt nước "ao thu lạnh lẽo" đến "chiếc thuyền câu bé tẻo teo", từ "sóng biếc" đến "lá vàng", từ "tầng mây lơ lửng" đến "ngõ trúc quanh co" hiện lên với đường nét, màu sắc, âm thanh, ... có khi thoáng chút bâng khuâng, man mác, nhưng rất gần gũi, thân thiết với mỗi con người Việt Nam. Phong cảnh thiên nhiên của mùa thu quê hương sao đáng yêu thế!
Cái ý vị của bài thơ "Thu điếu" là ở hai câu kết:

"Tựa gối ôm cần lâu chẳng được,
Cá đâu đớp động dưới chân bèo"

"Tựa gối ôm cần" là tư thế của người câu cá cũng là một tâm thế nhàn của một nhà thơ đã thoát vòng danh lợi. Cái âm thanh “cá đâu đớp động”, nhất là từ "đâu" gợi lên sự mơ hồ, xa vắng và chợt tỉnh. Người câu cá ở đây chính là nhà thơ, một ông quan to triều Nguyễn, yêu nước thương dân nhưng bất lực trước thời cuộc, không cam tâm làm tay sai cho thực dân Pháp đã cáo bệnh, từ quan. Đằng sau câu chữ hiện lên một nhà nho thanh sạch trốn đời đi ở ẩn.
Đang ôm cần đi câu cá nhưng tâm hồn nhà thơ như đang đắm chìm trong giấc mộng mùa thu, bỗng chợt tỉnh trở về thực tại khi “cá đâu đớp động dưới chân bèo”. Cho nên cảnh vật ao thu, Trời thu êm đềm, vắng lặng như chính nỗi lòng của nhà thơ vậy: ''buồn, cô đơn và trống vắng".
Âm thanh tiếng cá "đớp động dưới chân bèo" đã làm nổi bật khung cảnh tịch mịch của chiếc ao thu. Cảnh vật như luôn luôn quấn quýt với tình người. Thiên nhiên đối với Nguyễn Khuyến như một bầu bạn tri kỷ. Ông đã trang trải tình cảm, gửi gắm tâm hồn, tìm lời an ủi ở thiên nhiên, ở sắc vàng của lá thu, ở màu "xanh ngắt" của bầu Trời thu, ở làn “sóng biếc” trên mặt ao thu "lạnh lẽo "…
Thật vậy, bài thơ “Câu cá mùa thu " là một bài thơ tả cảnh ngụ tình rất đặc sắc của Nguyễn Khuyến. Cảnh sắc mùa thu quê hương được miêu tả bằng những gam màu đậm nhạt, những nét vẽ xa gần, tinh tế gợi cảm. Âm thanh của tiếng lá rơi đưa "vèo " trong làn gió thu, tiếng cá "đớp động" chân bèo - đó là tiếng thu dân dã, thân thuộc của đồng quê đã khơi gợi trong lòng chúng ta bao hoài niệm đẹp về quê hương đất nước.
Nghệ thuật gieo vần của Nguyễn Khuyến rất độc đáo. Vần “eo” đi vào bài thơ rất tự nhiên thoải mái, để lại ấn tượng khó quên cho người đọc; âm hưởng của những vần thơ như cuốn hút chúng ta: trong veo - bé tẻo teo - đưa vèo - vắng teo - chân bèo. Thi sĩ Xuân Diệu đã từng viết: "Cái thú vị của bài "Thu điếu " ở các điệu xanh, xanh ao, xanh bờ, xanh sóng, xanh tre, xanh Trời, xanh bèo, có một màu vàng đâm ngang của chiếc lá thu rơi"…
Thơ là sự cách điệu tâm hồn. Nguyễn Khuyến yêu thiên nhiên mùa thu, yêu cảnh sắc đồng quê với tất cả tình quê nồng hậu. Ông là nhà thơ của làng cảnh Việt Nam. Đọc "Thu điếu", "Thu vịnh", "Thu ẩm", chúng ta yêu thêm mùa thu quê hương, yêu thêm xóm thôn đồng nội, đất nước. Với Nguyễn Khuyến tả mùa thu, yêu mùa thu đẹp cũng là yêu quê hương đất nước. Nguyễn Khuyến là nhà thơ kiệt xuất đã chiếm một địa vị vẻ vang trong nền thơ ca cổ điển Việt Nam.

Phân tích Câu cá mùa thu (mẫu 28)

Cuối thế kỉ XVIII đầu thế kỉ XIX, tưởng chừng như cùng với sự kết thúc của chế độ xã hội phong kiến suy tàn lạc hậu, nền văn học Việt Nam trung đại sẽ rơi vào ngõ cụt của sự bế tắc với một phương thức phản ánh đã lỗi thời. Nhưng thật kì lạ là trong sự suy thoái tưởng chừng đã đến đỉnh điểm ấy lại xuất hiện một tài năng thơ ca vào loại xuất chúng như Nguyễn Khuyến. Ông giống như một dấu chấm cảm thán khẳng định tính cổ điển có sức lay động lòng người của văn học trung đại vào giai đoạn cuối cùng của thời kì văn học dài hàng chục thế kỷ này. Ông để lại cho quê hương, cho đất nước một di sản văn chương phong phú, đồ sộ. Nhưng nói đến nhà thơ Nguyễn Khuyến, người đọc mệnh danh ông là nhà thơ của quê hương làng cảnh Việt Nam, vì ông đã viết nhiều bài thơ hay về cảnh làng quê. Đặc biệt là chùm thơ thu của ông, trong đó có bài thơ Thu điếu:

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí
Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo
Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo
Tựa gối ôm cần, lâu chẳng được
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.

Chùm thơ ba bài Thu vịnh, Thu ẩm và Thu điếu. Bài nào cũng hay, cũng đẹp cho thấy một tình quê dạt dào. Riêng Thu điếu, mà nhà thơ Xuân Diệu đã khẳng định là điển hình hơn cả cho mùa thu của làng cảnh Việt Nam, là bài thơ tả cảnh ngụ tình đặc sắc: Cảnh mùa thu quê hương, tình yêu thiên nhiên, yêu mùa thu đẹp gắn liền với tình yêu quê hương tha thiết.

Bài thơ được viết bằng thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật, ngôn ngữ tinh tế, hình tượng là biểu cảm. Cảnh thu, trời thu của làng quê Việt Nam như hiện lên trong dáng vẻ và màu sắc tuyệt vời dưới ngòi bút thần tình của Nguyễn Khuyến.

Hai câu đầu:

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo

Nhà thơ hầu như không hứng thú gì với chuyện câu cá mà đắm say với không khí cảnh sắc mùa thu, ngay câu đầu nhà thơ đã gọi cái ao của mình là ao thu, và với tính chất lạnh lẽo nước trong veo thì đó đúng là ao thu chứ không phải là môi trường thích hợp cho việc câu cá, bên cạnh đó cảm hứng của nhà thơ hoàn toàn đắm chìm trong cảnh sắc mùa thu, một cảnh trong và tĩnh gần như tuyệt đối, nước trong veo, trời xanh ngắt, khách vắng teo, giác quan của nhà thơ cực kì tinh nhậy và phải hết sức chăm chú thì mới nhận ra được những biểu hiện nhỏ nhặt tinh vi chỉ làm tôn thêm cho cái trong và tĩnh của một khung cảnh đầy màu sắc:

Sóng biếc theo làn hơi gợn tí
Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo.

Màu biếc của sóng hòa hợp với sắc vàng của lá vẽ nên bức tranh quê đơn sơ mà lộng lẫy. Nghệ thuật trong phần thực rất điêu luyện, lá vàng với sóng biếc, tốc độ vèo của lá bay tương ứng với mức độ tí của gợn sóng. Nhà thơ Tản Đà đã hết lời ca ngợi chữ vèo trong thơ Nguyễn Khuyến. Ông đã nói một đời thơ của mình may ra mới có được câu thơ vừa ý trong bài Cảm thu, tiễn thu:

Vèo trông lá rụng đầy sân

Đến câu luận:

Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.

Không gian được mở rộng, bức tranh thu có thêm chiều cao của bầu trời xanh ngắt với những từng mây lơ lửng trôi theo chiều gió nhẹ. Trong chùm thơ thu, Nguyễn Khuyến nhận diện sắc trời thu là xanh ngắt. Ở Thu vịnh là Trời thu xanh ngắt mấy từng cao, Thu ẩm là Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt, và Thu điếu là Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt.

Xanh ngắt là xanh mà có chiều sâu. Trời thu không mây (xám) mà xanh ngắt, thăm thẳm. Xanh ngắt đã gợi ra cái sâu, cái lắng của không gian, cái nhìn vời vợi của nhà thơ, của ông lão đang câu cá. Thế rồi ông lơ đãng đưa mắt nhìn về bốn phía làng quê. Xóm thôn vắng lặng, tĩnh mịch, con đường quanh co, heo hút, không một bóng người qua lại.

Ngõ trúc quanh co khách vắng teo

Cảnh vật êm đềm, thoáng một nỗi buồn cô tịch, hiu hắt. Người câu cá như đang chìm trong giấc mộng thu. Tất cả cảnh vật, từ mặt nước Ao thu lạnh lẽo đến chiếc thuyền câu bé tí teo, từ sóng biếc đến lá vàng, từ tầng mây lơ lửng đến ngõ trúc... đều hiện lên với đường nét, màu sắc, âm thanh thoáng chút bâng khuâng, man mác, rất gần gũi, thân thiết với mọi người Việt Nam.

Phân tích Câu cá mùa thu (mẫu 29)

Nguyễn Khuyến là người có cốt cách thanh cao và giàu lòng yêu nước, ông một lòng không hợp tác với kẻ thù. Ông được mệnh danh là “nhà thơ của dân tình, làng cảnh Việt Nam”. Ông để lại cho hậu thế nhiều tác phẩm thơ hay và đặc biệt là chùm ba bài thơ thu điển hình cho làng quê, phong cảnh Việt Nam. Trong đó nổi bật hơn cả là bài Câu cá mùa thu.

Nếu như ở bài Thu vịnh cảnh thu được đón nhận từ cao xa rồi mới đến gần thì bài Câu cá mùa thu khung cảnh thiên nhiên mùa thu lại được đón nhận ở một chiều kích khác: từ gần rồi tiến ra cao xa và từ cao xa trở về gần. Khung cảnh được mở ra với nhiều chiều hướng vô cùng sinh động.

Cảnh thu được mở ra với hình ảnh không gian hết sức trong trẻo:

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo

Không khí mùa thu được gợi nên từ sự dịu nhẹ, nguyên sơ nhất của cảnh vật với làn nước trong veo, không một gợn đục. Mùa hè đã đi qua, những cơn mưa lớn với dòng nước đỏ đục đã không còn thay vào đó là cái thanh tĩnh, trong trẻo của làn nước, của cảnh vật. Trong không gian nhỏ hẹp ấy là hình ảnh của chiếc thuyền câu nhưng nó không hề lọt thỏm giữa không gian thiên nhiên mà lại rất hài hòa, cân xứng. Tác giả vẽ ra khung cảnh tưởng như đối lập ao thu – thuyền câu, nhưng kì thực chúng lại hòa quyện với nhau đến kì lạ. Bởi vật tác giả chọn là ao thu chứ không phải hồ thu – gợi cảm giác rộng lớn, choáng ngợp. Ao thu ấy khi có thuyền câu bên cạnh trở nên hài hòa, cân xứng và đậm chất khung cảnh làng quê Bắc Bộ Việt Nam. Hai câu thơ đầu gieo vần eo nhưng không hề gợi lên cảm giác eo hẹp, nhỏ bé, tù túng mà ngược lại gợi nên cái nhỏ nhắn, thanh thoát của cảnh vật.

Bức tranh thu tiếp tục được Nguyễn Khuyến phác họa ở cặp câu thơ tiếp theo:

Sóng biếc theo làn hơi gợn tí
Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo

Những đường nét của khung cảnh cũng hết sức mảnh mai với sóng hơi gợn tí, lá khẽ đưa vèo, dường như mọi chuyển động đều vô cùng nhẹ nhàng, thanh thoát. Vận dụng thủ pháp lấy động tả tĩnh Nguyễn Khuyến đã làm nổi bật sự tĩnh lặng tuyệt đối của không gian, của cảnh vật. Phải là không gian vô cùng yên tĩnh thì thi nhân mới có thể cảm nhận tiếng động thật khẽ, thật êm của cảnh vật, dù là sóng có gợn hay chiếc lá khẽ đưa, bằng giác quan tinh tế, nhạy cảm Nguyễn Khuyến đã nắm trọn từng khoảnh khắc của thiên nhiên. Sắc vàng nếu như ở những bài thơ khác chính là sắc màu chủ đạo, là điểm nhấn để gợi nhắc mùa thu thì trong câu thơ của Nguyễn Khuyến sắc vàng ấy cũng như bao sắc màu khác trong bức tranh: xanh của trời, trong veo của nước,… nó chỉ góp phần tạo nên đường nét hài hòa cho bức tranh, tuyệt nhiên không gợi cảm giác buồn bã của tâm trạng, hay héo úa của cảnh vật. Không chỉ vậy, cái hồn dân dã, vẻ đẹp mùa thu của làng quê Bắc Bộ còn được gợi lên từ những ngõ trúc quanh co:

Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo

Không gian được mở rộng ở chiều cao, tác giả hướng ánh mắt lên bầu trời để cảm nhận được cái “xanh ngắt” của bầu trời, và rất tự nhiên thu tầm nhìn về với ngõ trúc quanh co. Không gian mùa thu vô cùng tĩnh lặng. Mọi chuyển động đều quá nhẹ nhàng, êm ái không đủ để gợi nên âm thanh, duy chỉ có tiếng động của tiếng cá đớp mồi: “Cá đâu khẽ động dưới chân bèo”. Nhưng cái động đó kết hợp với từ “khẽ” lại chỉ càng nhấn mạnh, tô đậm hơn cái yên ắng, tĩnh mịch của cảnh vật. Với nghệ thuật lấy động tả tĩnh, Nguyễn Khuyến đã cho thấy cái thanh tĩnh tuyệt đối của làng quê Việt Nam trong cảnh thu thanh bình, dịu nhẹ.

Bài thơ có nhan đề là Câu cá mùa thu, nói về chuyện câu cá mà thực lại không phải vậy. Mượn chuyện câu cá để cảm nhận hết trời thu, cảnh thu vào cõi lòng mình. Hẳn Nguyễn Khuyến phải có tâm hồn thanh tĩnh đến tuyệt đối mới có thể có nhận đầy đủ vẻ đẹp của mùa thu: trong veo, cái hơi gợn tí của nước, độ rơi khẽ khàng của lá. Đặc biệt sự tĩnh lặng trong tâm hồn thi nhân được gợi lên một cách sâu sắc từ tiếng động duy nhất trong bài thơ là tiếng cá đớp mồi dưới chân bèo. Sự tĩnh lặng trong cảnh vật gợi cho người đọc cảm nhận về sự cô đơn, uẩn khúc trong tâm hồn nhà thơ. Trong bài các gam màu lạnh xuất hiện nhiều: trong veo, xanh ngắt,… dường như cái lạnh của thu thấm vào tâm hồn nhà thơ hay chính tâm hồn cô đơn của tác giả lan tỏa sang cảnh vật. Đặt trong bối cảnh đất nước đầy biến thiên lúc bấy giờ, có thể thấy bài thơ thể hiện tâm trạng đau buồn của Nguyễn Khuyến trước hiện tình đất nước đầy đau thương.

Bài thơ thể hiện tài năng sử dụng ngôn ngữ bậc thầy của Nguyễn Khuyến. Tiếng Việt trong sáng, giản dị nhưng lại diễn tả được tất cả những gì tinh tế, đẹp đẽ nhất của cảnh vật, diễn tả được tâm trạng và tấm lòng của nhà thơ. Gieo vần “eo” – từ vận tài tình góp phần miêu tả không gian nhỏ hẹp và tâm trạng đầy uẩn khúc của tác giả. Nghệ thuật lấy động tả tĩnh gợi lên cái tĩnh lặng tuyệt đối của thiên nhiên.

Bài thơ Câu cá mùa thu với ngôn ngữ bậc thầy không chỉ cho người đọc thấy tài năng của Nguyễn Khuyến trong việc dùng từ. Mà đằng sau đó ta còn cảm nhận được một tâm hồn gắn bó tha thiết với thiên nhiên, đất nước, tấm lòng yêu nước thầm lặng nhưng không kém phần sâu nặng.

Phân tích Câu cá mùa thu (mẫu 30)

Viết về đề tài mùa thu nếu như ở văn học Trung Quốc có “Thu hứng” của Đỗ Phủ là tiêu biểu và đặc sắc thì nền văn học dân tộc Việt không thể không nhắc đến chùm thơ thu của cụ Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến. Chùm thơ thu gồm ba bài “Thu vịnh”, “Thu điếu”, “Thu ẩm” mùa thu hiện lên qua cái nhìn đa tình của nhà thơ. Đặc biệt là bài thơ“Thu điếu” (Câu cá mùa thu) mang nét đặc sắc riêng “điển hình hơn cả cho mùa thu của làng cảnh Việt Nam”, đằng sau cảnh thu, tình thu là tâm trạng, nỗi niềm thầm kín của tác giả.

Nguyễn Khuyến là người học rộng tài cao ba lần đỗ tú tài và ra làm quan dưới triều vua Tự Đức, chứng kiến “từng bước cơn hấp hối” của chế độ phong kiến thối nát. Ông không chịu hợp tác với giặc, muốn giữ mình thanh sạch mà đã về ở ẩn sau hơn mười năm làm quan. Chùm thơ thu được Nguyễn Khuyến sáng tác sau khi về ẩn cư nơi quê nhà.

“Thu điếu” cũng như hai bài thơ thu đều được viết theo thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật bằng ngôn ngữ dân tộc chữ Nôm. Toàn bộ cảnh thu, tình thu được miêu tả hiện lên rõ nét trong tám câu thơ.

Mở đầu bài thơ là không gian, thời gian của mùa thu ở làng quê Bắc Bộ:

“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo”

Không gian ở đây là ao thu. Ao là đặc trưng của vùng quê chiêm trũng quê hương của tác giả. Thời gian không phải là đầu thu có chút oi ả xen lẫn của mùa hạ mà có lẽ là lúc phân thu nên mới có hơi lạnh của sự “lạnh lẽo”. Tính từ “Trong veo” đặc tả độ trong của nước dường như có thể nhìn xuyên thấu xuống bên dưới, nó gợi ra sự thanh sạch và tĩnh lặng trên bề mặt ao. Tính từ “lạnh lẽo” như càng làm cho sự vắng lặng tăng thêm. Không chỉ vậy “một chiếc thuyền câu” số từ chỉ số ít “một chiếc” cùng với tính từ “bé tẻo teo” gợi sự nhỏ bé đến vô cùng. Chiếc thuyền câu như co lại là một chấm trên nền của ao thu. Tác giả sử dụng nghệ thuật chấm phá điểm nhãn. Trên cái nền yên tĩnh của mặt ao xuất hiện một chiếc thuyền câu bé tẻo teo. Hai câu thơ đầu đã mở ra một không gian thu với cảnh sắc rất mộc mạc, giản dị mang nét đặc trưng chất thu, khí thu của làng quê Bắc Bộ.

Nếu như ở hai câu đề nổi bật lên là sự tĩnh lặng thì hai câu thực đã mang những nét vận động nhưng nó lại động để tĩnh. Lấy cái động của cảnh vật mà tả cái tĩnh của mùa thu chốn thôn quê.

“Sóng biếc theo làn hơi gợn tí
Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo”

Hai hình ảnh “sóng biếc”, “lá vàng” tưởng chừng như không có mối liên hệ mà có một sự logic, chặt chẽ với nhau. Vì gió thổi làm cho sóng gợn, lá rơi. Cảnh vật chuyển động chẳng phải ào ạt của lá mùa thu như trong thơ Đỗ Phủ mà nó thật khẽ khàng, nhẹ nhàng sóng chỉ hơi gợn tí, lá chỉ khẽ đưa vèo. Các tính từ, trạng từ “biếc”, “tí”, “vàng”, “khẽ” được sử dụng thật tài tình, kết hợp với nhau tạo nên màu sắc, hình ảnh làm cho cảnh thu trở nên sống động có hồn. Chữ “vèo”khiến cho Tản Đà khâm phục, tâm đắc vô cùng. Ông thổ lộ một đời thơ, ông mới có được một câu thơ vừa ý “Vèo trông lá rụng đầy sân”. Nguyễn Khuyến phải là một con người có một tâm hồn tinh tế, nhạy cảm mới có thể cảm nhận được sự chuyển động mà như tĩnh tại. Nghệ thuật lấy động tả tĩnh đã được sử dụng thành công đem lại hiệu quả cao.

Không gian cảnh vật không chỉ bó hẹp trong khoảng không của mặt nước, của ao thu mà được mở rộng ra hai chiều với một tầm nhìn cao hơn, xa hơn. Đó là cái nhìn toàn cảnh bao quát lên cả bầu trời với nhiều đường nét, màu sắc thoáng đạt:

“Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo”

Bầu trời xanh ngắt vẫn luôn là biểu tượng đẹp của mùa thu, có lần Nguyễn Du đã từng viết: “Long lanh đáy nước in trời/ Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng” Bầu trời xanh trong, cao thẳm của “Thu điếu” có sự nhất quán với không gian mây trời của “Thu vịnh” “Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao” hay trong “Thu ẩm” với “Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt”. Mây trời trong “Thu điếu” không trôi mà “lơ lửng” gợi một cảnh thu đẹp và yên tĩnh như ngưng đọng lại trên khoảng không bao la, rộng lớn. Chiều sâu không gian được cụ thể hóa bằng độ “quanh co” của ngõ trúc. Hình ảnh cây trúc xuất hiện khá nhiều trong thơ của ông, nhìn khái quát nó mang một nét vắng lặng và đượm buồn mà Nguyễn Khuyến đã viết: “Dặm thế ngõ trúc đâu từng ấy/Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu”. Màu xanh của da trời, màu xanh của trúc bao trùm lên sắc màu của không gian. Cảnh vật trở nên u tịch, cô liêu, hiu hắt với tính từ “vắng teo” tức là vắng tanh, vắng ngắt không một bóng người đồng thời cũng cho thấy sự thoáng đãng, trong lành của không gian nơi đây.

Sự tác động của ngoại cảnh làm cho con người không khỏi chạnh lòng mà cô đơn. Nguyễn Khuyến có lần đã từng tự thán về nỗi cô độc của đời mình: “Đời loạn đưa về như hạc độc/Tuổi già hình bóng tựa mây côi” (Cảm hứng).

Sáu câu thơ đầu là sự miêu tả về cảnh vật, về mây trời non nước mùa thu. Đến hai câu kết ta mới thấy sự xuất hiện của con người. Cái ý vị nhất của bài “Thu điếu” nằm ở hai câu cuối: “Tựa gối buông cần lâu chẳng được

Cá đâu đớp động dưới chân bèo”

Hình ảnh cụ Tam Nguyên Yên Đổ xuất hiện với tư thế ngồi bó gối buông cần thả câu tạo nên một đường nét bất động trên bức tranh thu tĩnh lặng. Nhà thơ ngồi câu cá mà tâm thế như đặt ở nơi nào không chú tâm đến việc câu để rồi giật mình trước tiếng cá “đớp động dưới chân bèo”. Một lần nữa nghệ thuật lấy động tả tĩnh được sử dụng thành công. Tiếng cá đớp tạo nên chuyển động nhỏ cũng khiến cho nhà thơ giật mình tỉnh giấc tựa chiêm bao nó gợi lên sự tĩnh lặng, tĩnh mịch đến vô cùng. Cách hỏi “cá đâu” thật đặc sắc tạo nên sự mơ hồ trong không gian và sự ngỡ ngàng trong lòng của người điếu ngư. Hình ảnh ấy khiến cho ta liên tưởng đến cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm ung dung ngồi uống rượu dưới gốc cây:

“Rượu đến cội cây ta sẽ uống
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao”

Thực ra, câu cá chỉ là cái cớ để Nguyễn Khuyến miêu tả bức tranh thu, qua đó nhà thơ bộc lộ tâm hồn và tâm trạng của mình. Hình ảnh người đi câu cá có thể khiến ta liên tưởng tới con người thi sĩ, nho sĩ trước tình hình đất nước lúc bấy giờ. Theo kinh nghiệm của dân gian nước trong thì không có cá nhưng tiếng cá đớp động chân bèo đã tiếp thêm động lực cho người điếu ngư không nản chí mà tiếp tục công việc của mình. Cũng giống như vậy chính trị nước ta bấy giờ rối ren, thực dân Pháp xâm lược, triều đình nhà Nguyễn chống cự yếu ớt mà nhanh chóng thỏa hiệp để hồn nước rơi vào tay giặc. Nhà thơ vì muốn bảo toàn khí tiết nên lựa chọn con đường về ở ẩn noi gương tiền nhân Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm hay cụ Đào Tiềm Đào Uyên Minh bên Trung Quốc một đời quyết giữ để mình thanh sạch. Tuy nhiên, âm thanh cá đớp động như đánh thức nhà Nho, nhà chí sĩ yêu nước như thức tỉnh thôi thúc ông đứng lên đấu tranh bảo vệ nền độc lập dân tộc. Nhưng âm thanh ấy thật mơ hồ cũng như trăn trở trong lòng nhà thơ liệu rằng mình có thể góp sức giúp đời hay là bất hợp tác với giặc lánh mình ẩn cư.

Như vậy Nguyễn Khuyến không chỉ bộc lộ những tình cảm yêu mến thiên nhiên, quê hương đất nước mà còn kín đáo bày tỏ nỗi buồn trong sáng nhưng cô đơn của một ẩn sĩ, tuy nặng lòng yêu nước nhưng cam phận đành bất lực trước thời thế lựa chọn con đường lánh đục về trong.

Nguyễn Khuyến là một trong những đại diện lớn nhất và cuối cùng của văn học trung đại Việt Nam ở giai đoạn cuối thế kỉ XIX. Thơ ông là sự kết hợp tài tình giữa tinh hoa văn học bác học với văn học dân gian. “Thu điếu” là một trong những bài thơ hay và đặc sắc với sự thành công của bút pháp nghệ thuật lấy động tả tĩnh, chấm phá điểm nhãn, sử dụng các từ láy có tính gợi hình, gợi cảm cao đặc biệt là cách gieo vần “eo” thật tài tình. Bài thơ được làm theo đúng niêm, đúng luật của thể thơ vừa mang tính quy phạm của thơ ca trung đại cũng thực hiện giải quy phạm với những sáng tạo mới không còn sử dụng những hình ảnh ước lệ, tượng trưng mà thay vào đó là sự mộc mạc, chất phác của đời sống nông thôn.

“Thu điếu” cùng với hai bài thơ trong chùm thơ thu của Nguyễn Khuyến đã góp phần làm nên sự phong phú và đặc sắc cho đề tài viết về mùa thu của nền văn học dân tộc với nét đặc trưng là sự tĩnh lặng, thanh bình với những hình ảnh bình dị của làng quê.

Xem thêm các văn mẫu Ngữ văn 11 hay, chi tiết khác:

Phân tích bức tranh mùa thu trong bài thơ Câu cá mùa thu

Phân tích 6 câu đầu bài thơ Câu cá mùa thu

Phân tích truyện ngắn Chí Phèo

Phân tích bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người của Chí Phèo

Phân tích ý nghĩa chi tiết bát cháo hành trong tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao

1 6,539 06/06/2023
Tải về


Xem thêm các chương trình khác: