TOP 28 mẫu Phân tích quan niệm sống vội vàng của Xuân Diệu (2023) SIÊU HAY

Phân tích quan niệm sống vội vàng của Xuân Diệu lớp 11 gồm dàn ý và 28 bài văn mẫu hay nhất, chọn lọc giúp học sinh viết bài tập làm văn lớp 11 hay hơn.

1 1,571 19/03/2023
Tải về


Phân tích quan niệm sống vội vàng của Xuân Diệu - Ngữ văn 11

Bài giảng Ngữ Văn 11 Vội vàng

Dàn ý Phân tích quan niệm sống vội vàng của Xuân Diệu

1. Mở bài

+ Dẫn dắt vấn đề: Tuổi trẻ là khoảng thời gian đẹp nhất của con người và một khi đã trôi đi thì không bao giờ quay trở lại...
Nêu vấn đề: Bài thơ Vội vàng đã thể hiện quan điểm sống tích cực của Xuân Diệu: Trân trọng thực tại, sống hết mình, sống trọn từng phút giây của cuộc đời.

2. Thân bài

30 bài Phân tích quan niệm sống của Xuân diệu trong bài Vội vàng  (ảnh 1)

a) Chân lí sống thể hiện qua nhan đề tác phẩm

- "Vội vàng": Sống hết mình để tận hưởng vẻ đẹp của trời đất, sống mà không chần chừ để phí quá nhiều thời gian nhưng không có nghĩa là sống hời hợt bỏ qua nhiều thứ; sống là phải biết hưởng thụ và biết yêu thương.

b) Phân tích cụ thể tác phẩm

- "Tôi muốn... bay đi": Khao khát mãnh liệt vượt qua giới hạn của con người: "tắt nắng, buộc gió" để giữ lại màu sắc và mùi hương, để tận hưởng trọn vẹn vẻ đẹp của đất trời.

- "Của ong bướm... môi gần: Xuân Diệu vẽ lên cả một thiên đường tràn ngập âm thanh và sắc màu

+ Không gian ngập tràn màu sắc: Xanh của cỏ cây => Màu của sự sống đang ở độ căng tràn nhất.

+ Không gian ngập tràn âm thanh: Khúc hát mời gọi của yến anh.

=> Người thi sĩ bồn chồn, nao nức muốn sống hết mình để tận hưởng vẻ đẹp của trần gian.

+ Điệp từ "này đây": Khát khao được tận hưởng, lời mời gọi không thể chối từ của kẻ si tình trót để quên trái tim khi ghé qua nhân thế.

+ Cái căng mọng, tràn trề nhựa sống của mùa xuân được Xuân Diệu cảm nhận như một "cặp môi gần" đầy quyến rũ

=> Người du khách thêm yêu và trân trọng cuộc đời, trân trọng thanh xuân, nhưng càng hiểu giá trị của tuổi trẻ, ông càng vội vã sống.

- "Tôi sung sướng... chẳng bao giờ nữa": Xuân Diệu thay đổi cách sống

+ Ông vừa mừng vừa lo, vui sướng vì được cảm nhận và thưởng thức vẻ đẹp của đất trời, vậy nhưng cũng đầy buồn tiếc vì tuổi trẻ rồi cũng qua nhanh, cái đẹp rồi cũng có lúc sẽ tàn phai, trời đất là vô hạn còn đời người chỉ thoáng chốc ngắn ngủi...

+ Ông chọn cách chạy đua cùng thời gian, sống nhưng vẫn còn bâng khuâng lo lắng cho tuổi trẻ ngắn ngủi của mình.

+ Ông lại hoài niệm về cuộc đời, về những thứ mà có thể mình không thưởng thức hết được.

=> Nỗi buồn của người nghệ sĩ thấm vào cảnh vật khiến chúng cũng man mác một nỗi buồn chia phôi.

- "Mau đi thôi... cắn vào ngươi!": Càng trân trọng, càng không muốn để mất, con người ta càng trở nên vội vã.

+ Lí trí và con tim lên tiếng mách bảo Xuân Diệu phải sống hết mình để mọi thứ trôi qua không còn gì phải hối tiếc.

+ Khát khao bùng lên mãnh liệt, đỉnh điểm là "cắn" vào mùa xuân đang tràn ngập sự sống.

3. Kết bài

+ Khẳng định quan niệm sống tích cực của Xuân Diệu.

+ Nêu cảm xúc, suy nghĩ của bản thân về quan điểm sống đó.

Dàn ý Phân tích quan niệm sống vội vàng của Xuân Diệu

1. Mở bài

- Giới thiệu tác giả Xuân Diệu

- Giới thiệu chung về bài thơ Vội vàng

2. Thân bài

a. 13 câu đầu – Tình yêu cuộc sống tha thiết, đắm say của Xuân Diệu:

- Đoạn thơ ngũ ngôn:

“Tôi muốn tắt nắng đi

Cho màu đừng nhạt mất

Tôi muốn buộc gió lại

Cho hương đừng bay đi”

- Nghệ thuật:

+ Điệp cấu trúc “tôi muốn, cho”, điệp từ “đừng”: như một lời cầu xin khẩn thiết

=> Tác dụng: Nhấn mạnh khao khát chảy bỏng, tha thiết, được “tắt nắng”, “buộc gió” để giữ màu cho cuộc sống, giữ hương cho đời, lưu giữ mãi khoảnh khắc đẹp nhất của thiên nhiên hiện tại.

Của ong bướm này đây tuần tháng mật;

Này đây hoa của đồng nội xanh rì;

Này đây lá của cành tơ phơ phất;

Của yến anh này đây khúc tình si.

Và này đây ánh sáng chớp hàng mi,

Mỗi sáng sớm, thần vui hằng gõ cửa;

Tháng giêng ngon như một cặp môi gần;

Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa:

Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân.

- Nghệ thuật: điệp cấu trúc, đảo ngữ “của này đây, này đây của”, liệt kê

=> Phơi bày ra vẻ đẹp không kể hết, không tả xiết của cõi trần gian. Nhà thơ căng mở các giác quan để đón nhận vẻ đẹp trần thế. Đây cũng chính là tiêu chí của nhà thơ Xuân Diệu được lặp lại trong rất nhiều bài thơ khác:

“Sống toàn tâm, toàn trí, sống toàn hồn

Sống toàn than và thức nhọn giác quan”

=> Xuân Diệu đã cảm nhận đầy đủ hương vị và thanh sắc của cuộc đời

- Vẻ đẹp thiên nhiên của mùa xuân trần thế:

+ “Của ong bướm này đây tuần tháng mật”: vị ngọt

+ “Này đây hoa của đồng nội xanh rì”: hương thơm, màu sắc

+ “Này đây lá của cành tơ phơ phất”: dáng hình uyển chuyển

+ “Của yến anh này đây khúc tình si”: âm thanh

+ “Này đây ánh sáng chớp hang mi”: ánh sáng của bình minh xuân.

=> Tất cả những vẻ đẹp mỗi ngày như một bữa tiệc đầy đủ, thịnh soạn, bày ra gõ cửa mang niềm vui đến từng nhà.

30 bài Phân tích quan niệm sống của Xuân diệu trong bài Vội vàng  (ảnh 1)

=> Quan điểm mới mẻ, tiến bộ của Xuân Diệu: Cuộc sống xung quang chúng ta đẹp vô cùng. Vẻ đẹp không ở đâu xa mà ở ngay cõi trần thế, xung quanh mình

- Vẻ đẹp của mùa xuân tình yêu: Khu vườn xuân đã biến thành khu vườn yêu, sự vật có đôi, có cặp. Từ thi nhân trước khu vườn mùa xuân tình thế thành tình nhân trong khu vườn tình yêu.

+ Xuân Diệu khái quát lại: “Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”

+ “Tháng giêng” là tháng đầu tiên của mùa xuân, căng mọng đẹp tươi nhất

+ “Cặp môi gần”: căng mọng, tươi đẹp nhất của tuổi trẻ.

+ “Ngon”: nghệ thuật chuyển đổi cảm giác. Tháng giêng chỉ năm tháng, trừu tượng => môi gần: hữu hình, cụ thể

=> Có thể cảm nhận, hưởng thụ vẻ đẹp của mùa xuân rõ nét, cụ thể hơn

- Quan điểm thẩm mĩ mới mẻ, tiến bộ: Trong văn học xưa, coi thiên nhiên là chuẩn mực của cái đẹp thì trong thơ Xuân Diệu, con người là chuẩn mực của cái đẹp, tôn vinh vẻ đẹp của con người.

- Xuân Diệu luôn mang nỗi ám ảnh bởi thời gian, lo sợ thời gian chảy trôi mình sẽ không đón nhận được, tận hưởng từng giây từng phút vẻ đẹp của cuộc sống.

- Suy tư của Xuân Diệu:

“Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nữa”.

=> Dấu chấm ngách đôi câu thơ, diễn tả hai cảm xúc của Xuân Diệu, chuyển từ cảm giác sung sướng sang hoài niệm.Tiếc xuân ngay cả trong lúc xuân đang đẹp nhất, mới có ý thức đón nhận, cảm nhận, căng mở tất cả các giác quan để đón nhận tất cả vẻ đẹp của cuộc đời.

b. 16 câu tiếp: Quan niệm mới về thời gian của Xuân Diệu

* 2 câu thơ đầu:

“Xuân đương tới, nghĩa là xuân đương qua

Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già”

- Thời gian tuyến tính, một đi không trở lại

- Nghệ thuật:

+ Cách ngắt nhịp tuần tự trong cả hai câu thơ ¾, diễn tả bước đi của thời gian

+ Điệp cấu trúc: điệp cấu trúc kiểu câu định nghĩa.

+ Cặp từ đối lập: tới – qua, non – già.

=> Tác giả muốn nhấn mạnh quy luật bước đi, sự vận hành của thời gian, tuần tự, không trở lại.

* 7 câu thơ tiếp theo

“Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất”

- Mùa xuân đi qua mang theo tuổi thanh xuân của con người, quy luật mang tính tác động tiêu cực.

- Nghệ thuật: Dựng lên những cặp đối lập:

+ Rộng >< chật

+ Xuân tuần hoàn >< tuổi trẻ

+ Còn trời đất >< chẳng còn tôi mãi

=> Sự vô hạn, vô cùng của trời đất nhưng đời người thì hữu hạn.

- “Lượng trời chật”: Chật khi lấy đi tuổi trẻ, tuổi xuân của mỗi ngừoi

 

- “Không cho dài tuổi trẻ của nhân gian/ tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại”.

=> Tuổi trẻ là thời đẹp đẽ của mỗi người.

=> Cảm xúc của nhà thơ: bâng khuâng, tiếc nuối

* 7 câu thơ cuối:

“Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi”

- Nghệ thuật chuyển đổi cảm giác: tháng năm có mùi vị, tháng năm được cảm nhận bằng giác quan khứu giác “mùi”, vị giác “chia phôi”, thị giác “rớm”, hữu hình hóa tháng năm vốn trừu tượng.

- Những câu thơ sau là sự giải thích: Khắp sông núi vẫn than thầm tiễn biệt; Con gió xinh thì thào trong lá biếc; Chim rộn rang bỗng đứt tiếng reo thi.

=> Dòng chảy của thời gian khiến vạn vật từng giây phút luôn có những cuộc chia li, vạn vật chia li với một phần đời đã qua của mình.

Chẳng bao giờ, ôi! Chẳng bao giờ nữa…

=> Cảm xúc nuối tiếc, nền tảng khơi dậy những khao khát cháy bỏng ở đoạn sau

c. 10 câu thơ cuối: Giải pháp tận hưởng vẻ đẹp của cuộc đời

- Mùa xuân là mùa đẹp nhất trong năm, tuổi trẻ là gian đoạn đẹp nhất của đời người.

- Nghệ thuật:

+ Thay đổi cách xưng hô: “tôi” sang “ta”

+ Dùng một loạt các động từ mạnh: ôm, riết, say, thâu.

=> Muốn tận hưởng bằng tất cả các giác quan. Vẻ đẹp cuộc đời nhiều vô cùng, đầy ăm ắp, thịnh soạn của bàn tiệc mùa xuân, cuộc đời

+ Sử dụng nhiều tính từ: chếnh choáng, đã đầy, no nê

=> Diễn tả sự thỏa mãn tột cùng khi tận hưởng.

“Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi”

- Nghệ thuật chuyển đổi cảm giác: mùa xuân không còn vô hình, trừu tượng, tác giả hình dung mùa xuân như trái chín ửng hồng, muốn “cắn” => mong muốn được hưởng thụ

- Quan niệm sống của tác giả: Hãy tăng tốc độ sống, tận hưởng và tận hiến

3. Kết bài

- Khái quát lại giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của bài thơ

Văn mẫu phân tích vội vàng khổ 3 của Xuân Diệu giúp đạt điểm cao

Phân tích quan niệm sống vội vàng của Xuân Diệu (mẫu 1)

Xuân Diệu từng được mệnh danh là “ông hoàng của thơ tình”. Đúng vậy, ông viết nhiều thơ và nổi tiếng nhiều với những bài thơ tình. Nhưng có lẽ đến với Vội vàng, bài thơ viết vào năm 1938, in trong tập Thơ Thơ, chúng ta có thể nhận thấy vì sao chẳng cần đến những bài thơ tình thì ông vẫn là một nhà thơ nổi tiếng, một nhà thơ lớn của dân tộc. Bởi tiếng thơ trong Vội vàng là tiếng đời, bộc lộ nhiều rung cảm và những triết lí sâu sắc. Trong đó thi phẩm cũng đã mang đến một quan niệm sống vô cùng ý nghĩa – sống vội vàng.

Nhan đề của bài thơ đã bộc lộ ngay quan niệm sống vội vàng của Xuân Diệu. Đó là một tính từ chỉ sự nhanh chóng, gấp gáp trong một hành động nào đó. Ở đây Xuân Diệu lại đề cao sự vội vàng trong cách sống, thái độ sống. Chẳng lẽ sống vội vàng là phải sống nhanh, sống gấp gáp vậy ư? Không những thế, cả bài thơ tác giả còn giục giã mọi người hãy sống không chờ đợi, sống hết mình, sống căng tràn từng phút, từng giây, sống đến trọn vẹn của “sống” để chống lại quy luật trôi chảy khắc nghiệt của thời gian.

Ngay mở đầu bài thơ, ông đã vội vàng qua hai ước muốn đầy táo bạo: tắt nắng, buộc gió. Đây là sự phi lí, hoang đường. Nào ai can thiệp được vào quy luật của tạo hóa, nhưng quan niệm sống vội vàng của Xuân Diệu lại khẳng định điều đó là có lí. Bởi nếu không ngưng đọng thời gian thì mọi thứ màu sắc, hương vị của cuộc sống sẽ theo nắng, theo gió mà phai nhạt, mà bay đi mất. Con người chẳng thể níu giữ, khóa chặt bên mình. Vậy chỉ còn cách phải sống vội vàng thì mới thỏa được lòng khao khát, mới đắm mình mà tận hưởng, mới không bỏ lỡ một chút nào hương sắc của cuộc đời. Quan niệm sống vội vàng thể hiện ngay qua khát vọng ngạo nghễ, khác thường mà yêu đời mãnh liệt như thế.

Thế nhưng nhà thơ cũng chẳng nói suông, ước muốn của ông hoàn toàn có căn cứ, vì cuộc đời này tươi đẹp và vô cùng đáng sống, nên càng phải vội vàng:

Của ong bướm này đây tuần tháng mật

Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân.

Đoạn thơ vang lên với những niềm reo vui, thích thú. Ông như một một “hướng dẫn viên” đưa người đọc đi khám thính vẻ đẹp của trần thế này. Thi sĩ sung sướng lắm vì đắm chìm trong cảnh sắc tươi non, viên mãn của mùa xuân: ong bướm tuần tháng mật, hoa đồng nội xanh rì, lá cành tơ phơ phất, yến anh khúc tình si, ánh sáng chớp hàng mi, mỗi buổi sớm thần vui hằng gõ cửa, tháng giêng ngon như một cặp môi gần. Cái hay và ý nghĩa của nhà thơ là để mọi người thưởng thức vẻ đẹp ấy không phải ở chốn bồng lai tiên cảnh, mà ở ngay xung quanh mình. Bởi vậy, Xuân Diệu quan niệm sống vội vàng là yêu thiên nhiên, cuộc sống, nhưng là những gì gần gũi nhất, thân thuộc nhất và trong những khoảnh khắc căng tràn sức sống, tràn ngập xuân tình nhất. Nhưng ông chợt nhận ra, dù là ngay quanh mình đi nữa thì chúng chẳng ở mãi bên mình, nhà thơ dẫu yêu, dẫu ham đến đâu thì rồi nó cũng vụt mất. Bởi vậy, lời thơ say mê, tha thiết nhưng bỗng chùng xuống, vì phải vội vàng một nửa. Vừa tận hưởng vừa vội vàng chính là những gì Xuân Diệu quan niệm. Đó cũng chính là cuộc chạy đua với thời gian để hưởng trọn hương sắc cuộc đời.

Cách sống của Xuân Diệu đúng là không chờ đợi. Ông vội vàng đến mức mà ở ngay mùa xuân ông đã thấy nhớ nó, chứ không chờ tới mùa hạ mới nhớ mùa xuân. Yêu thương, nhớ nhung tất thảy những gì đang tồn tại trở thành phương châm sống của thi sĩ. Với ông điều này có căn cứ.

Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua

Chẳng bao giờ! Ôi chẳng bao giờ nữa!

Xuân Diệu chẳng những quá ám ảnh về thời gian mà ông còn nhạy cảm đến lạ lùng về sự trôi chảy của nó. Hầu hết chúng ta cho rằng, mọi thứ đang đến là đến, chứ ít suy nghĩ rằng nó đang dần trôi qua. Nhưng Xuân Diệu thì khác, ông cảm nhận thấy rõ từng bước đi của thời gian. Nên xuân tới là xuân đang qua, non tức là sẽ già, thậm chí còn đến mức sẽ hết… Tại sao nhà thơ lại quá nhạy cảm như vậy? Sự nghiệt ngã ấy bấy lâu nay ai cũng biết, nhưng nhận ra nó để biết rằng nó đang lấy hết đi những gì của cuộc sống này chỉ có Xuân Diệu. Đoạn thơ mang giọng điệu tranh biện rất say sưa. Ông đang minh chứng rằng cuộc sống này đẹp nhưng không bao giờ ở lại, mỗi phút giây trôi qua là sẽ mất đi. Những thứ nhìn thấy tưởng chừng như sẽ tồn tại lâu, nhưng thực chất đang mất mát, hao mòn dần. Cho nên nếu không sống vội vàng thì chỉ còn lại là những gì tiếc nuối, xót xa.

Nhà thơ đưa cả thêm những hình ảnh nhân hóa về sự mất mát, chia lìa bởi thời gian: tháng năm rớm vị chia phôi, núi sông than thầm tiễn biệt, gió xinh hơn dỗi vì phải bay đi, chim đứt tiếng reo thi vì độ phai tàn sắp sửa… để minh chứng cho điều ấy. Đó mới là vạn vật, trời đất, còn nếu là con người thì hỡi ôi, chắc hẳn phải nhiều ngậm ngùi, chua chát lắm. Nên nhà thơ muốn chúng ta hãy sống vội vàng đi để chạy đua với thời gian, để về sau chúng ta không còn phải thốt lên những lời đầy tiếc nuối: Chẳng bao giờ! Ôi chẳng bao giờ nữa! Và rồi có phải chứng kiến những gì chia lìa, đứt gãy ấy cũng không còn là điều tiếc nuối, xót xa. Quan niệm sống vội vàng trong cái nhìn về thời gian như thế của Xuân Diệu chính là thông điệp sống phải biết trân trọng từng phút, từng giây để không bao giờ phải hối tiếc.

Không những chỉ ra cuộc sống này tươi đẹp rất đáng sống vội vàng, thời gian trôi chảy rất nghiệt ngã, vô tình nên càng phải sống vội vàng, nhà thơ còn giục giã và mách chúng ta cách để sống vội vàng.

Mau đi thôi mùa chưa ngả chiều hôm

- Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi

Lời giục giã đầy hối hả, khẩn thiết. Trong bài thơ có tên Giục giã ông cũng viết:

Mau với chứ! Vội vàng lên với chứ

Em em ơi, tình non sắp già rồi.

Chẳng phải đây là lần đầu tiên Xuân Diệu khiến người ta cuống quýt thế, mà sống vội vàng là phải vậy. Hãy sống nhanh lên, gấp gáp lên khi mùa chưa ngả chiều hôm, khi cuộc đời chưa vào lúc bóng xế, lúc mình còn tuổi trẻ. Bởi vậy đừng ngại ngần, hãy ôm, hãy riết, hãy say, hãy thâu, hãy cắn để những khoảnh khắc tuyệt diệu của sự sống mới bắt đầu mơn mởn, mây đưa và gió lượn, cánh bướm với tình yêu, cái hôn nhiều, non nước, cỏ cây và xuân hồng được ta hưởng trọn. Thậm chí phải được ngây ngất, chếnh choáng, đã đầy, no nê mới thực sự vội vàng. Bao nhiêu bút lực của sự nhiệt huyết, sôi trào, Xuân Diệu dồn hết vào đoạn thơ cuối. Lời thơ căng tràn cảm xúc, khiến ai đọc cũng như mở lòng ra, cũng chẳng thể ngồi yên mà sống một cách vô nghĩa. Ý nghĩa nhân sinh cao đẹp trong cách sống vội vàng là sống đúng thời điểm. Khi còn tuổi trẻ, khi trong những khoảnh khắc đẹp đẽ của cuộc sống, đó là lúc ta nên sống hết mình. Không phải cứ nhanh, cứ gấp là vội vàng được mà phải sống sao cho đáng trong từng khoảnh khắc mình bỏ ra.

Xuân Diệu viết bài thơ này khi ông mới 22 tuổi nhưng những lời tranh biện và giàu tính triết lý trong bài thơ không hề non nớt. Để có được một quan niệm sống vội vàng giàu ý nghĩa tích cực như thế phải được bắt nguồn từ một thái độ sống nghiêm túc, một tình yêu với cuộc sống mãnh liệt. Bài thơ Vội vàng và quan niệm sống của nhà thơ thực sự đã trở thành một bài học giá trị với nhiều thế hệ trẻ sau này.

Phân tích quan niệm sống của Xuân diệu trong bài Vội vàng (5 mẫu) (ảnh 1)

Phân tích quan niệm sống vội vàng của Xuân Diệu (mẫu 2)

Nhắc đến phong trào Thơ Mới không thể không nhắc đến nhà thơ Xuân Diệu - nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới. Thơ Xuân Diệu được hun đúc bởi một tâm hồn thiết tha rạo rực, một tâm hồn cháy bỏng với cuộc đời và sự sống. Bởi vậy, trong thơ ông đâu chỉ đẹp thôi mà thơ ông còn tình nữa, nó gửi gắm biết bao tâm sự, bao nỗi lòng, bao khát khao và quan niệm nhân sinh của người thi sĩ. Với bài thơ "Vội vàng" in trong tập Thơ thơ, Xuân Diệu đã viết nên một quan niệm đấy triết lí trong đời sống đó là quan niệm sống vội vàng.

Sống vội vàng nghĩa là sống gấp gáp, nhanh chóng, khẩn trương, sống thúc giục, hối hả. Sống không chần chừ, do dự. Và Xuân Diệu cũng thế, ông muốn mình được sống trọn vẹn trong từng giây phút thực tại của cuộc đời. Triết lí ấy được thể hiện rõ qua chính nhan đề mà ông lựa chọn đặt cho bài thơ - Vội vàng. Đó là cách sống tận hưởng cuộc sống, tận hưởng mọi lúc, mọi thời khắc của đời người, sống cuống quýt hết mình với từng phút giây. Ông khát khao được thoả mình hưởng thụ những tinh hoa của thiên nhiên vạn vật với nét đẹp nao lòng, Ông phải sống vội, bởi Xuân Diệu biết rằng thời gian là hữu hạn, đời người thì ngắn ngủi, không sống vội vàng liệu có bắt kịp tuổi trẻ, thanh xuân:

"Xuân đang tới, nghĩa là xuân đang qua,

Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già,

Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất.

Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật,

Không cho dài thời trẻ của nhân gian,

Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn,

Nếu đến nữa không phải rằng gặp lại."

Thời gian dài thật đấy nhưng đời người ngắn ngủi, ai biết được rồi sẽ ra sao, xuân đến xuân qua như quy luật của tạo hoá, người lại thêm tuổi tác. Bởi vậy, ông chọn cách sống vội để có thể có trọn vẹn những khoảnh khắc tuyệt vời, để khỏi hối tiếc thời gian qua đi. Sự chảy trôi của dòng thời gian khiến con người lại càng ý thức hơn cách sống cho chính mình, bởi vậy mà Xuân Diệu lại càng mãnh liệt hơn, khát khao hơn trong cuộc sống:

"Tôi muốn tắt nắng đi

Cho màu đừng nhạt mất;

Tôi muốn buộc gió lại

Cho hương đừng bay đi."

Điều ước muốn ấy những tưởng phi lý nhưng thực ra rất có lý, rất khác thường có phần kỳ lạ. Nhưng thiên nhiên đẹp tuyệt vời thế kia, người thi sĩ làm sao không khỏi nuối tiếc ngậm ngùi khi lỡ mất, bởi vậy mà ông muốn được tắt ánh nắng giữ màu tươi sáng của mặt trời, muốn buộc làn gió để giữ hương sắc cỏ cây kia được bền lâu mãi mãi. Đó là sự trân quý, yêu thiên nhiên và ham muốn lưu giữ những đẹp đẽ của tạo hoá ban tặng con người.

"Của ong bướm này đây tuần trăng mật;

Này đây hoa của đồng nội xanh rì;

Này đây lá của cành tơ phơ phất;

Của yến anh này đây khúc tình si.

Và này đây ánh sáng chớp hàng mi;

Mỗi sáng sớm, thần vui hằng gõ cửa;

Tháng giêng ngon như một cặp môi gần";

Chốn dương gian như một thiên đường nơi cõi trần tuyệt mỹ, đẹp đến xốn xang. Khúc nhạc hòa ca với vẻ đẹp tròn đầy nhất, viên mãn nhất của mùa xuân với đủ những âm thanh sắc màu tươi đẹp, có ong bướm, có hoa, có lá cành tơ, có nàng yên anh hót khúc tình ca và rợn ngợp hạnh phúc của thần Vui mỗi sáng. Tất cả dường như thật trọn vẹn, hữu tình, như ý. Bởi mùa xuân đẹp đến thế, yêu đến thế mà khiến lòng người thổn thức, sung sướng ngập tràn và mãi mãi không muốn mất đi. Muốn giữ lại tất cả những ngào ngạt của chốn bồng lai nơi mặt đất. Nhưng dù có sung sướng, có mãn nguyện hay nhiệt thành đến đâu tác giả vẫn ý thức được phải sống vội để giữ lấy tất thảy những yêu thương ấy:

"Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa"

Càng sợ hãi trước thời gian, càng lo sợ trước tương lai ông lại càng muốn sống hết mình cho hiện tại, vội vàng nhưng tinh nhạy, vội mà không hư ảo, vội là để giữ tròn đầy nhất những gì tuyệt đẹp cho bản thân, cho đất trời tạo hoá:

" Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân"

Mau đi thôi mùa chưa ngả chiều hôm

Ta muốn ôm

Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;

Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,

Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,

Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều

Và non nước, và cây, và cỏ rạng"

Không chờ ngày mai mới tiếc nuối ngày hôm qua, tiếc nuối dĩ vãng tươi đẹp. Từ ý thức biến thành hành động, tác giả muốn tận hưởng hết ngay bây giờ, ngay lúc này, muốn chiếm hữu hết vẻ đẹp, sức hấp dẫn của mùa xuân xanh, của tuổi trẻ. Muốn được ôm những sự sống mơn mởn, muốn được riết lấy làn làn mây và khúc gió dạo giữa trời xanh, muốn hôn lên ánh nắng buổi chiều hôm cho thoả lòng khao khát. Tận hưởng cho đã đầy dư vị của đời sống thân yêu:

"Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng

Cho no nê thanh sắc của thời tươi;

- Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!"

Mọi giác quan đều được ông thức tỉnh để nếm trọn nét đẹp của mùa xuân, của đời sống. Xuân hồng như một tình nhân bé nhỏ của thi nhân, rực rỡ, dịu ngọt, mà không kém phần đằm thắm, thương yêu. Xuân càng đẹp khiến tác giả lại càng không thể chần chừ hơn, do dự hay đắn đo suy nghĩ nữa mà phải nhanh chóng tận hưởng và sống, sống trọn vẹn nhất ngày hôm nay. Sống cuống quýt, hối hả, rối rít như muốn dang rộng vòng tay nhỏ bé của mình mà ôm lấy vũ trụ tươi đẹp bao la ấy. Xuân Diệu quả thực phải có một tâm hồn rất đời và rất người mới có những vần thơ tràn trề sinh lực và đầy sức sống như thế.

Tôi vẫn thường hay tự hỏi, sống vội để làm gì nhỉ?, liệu khi sống vội ta có đánh mất chính mình hãy không khi ngoài kia đầy rẫy những chông gai, cám dỗ. Nhưng đọc xong Vội vàng của Xuân Diệu, tôi lại càng hiểu hơn sự cần thiết của cách sống ấy, đó là một lối sống lành mạnh và đầy tích cực. Hãy sống, tận hưởng và cống hiến hết mình cho thực tại thân yêu, cho cộng đồng đất nước. Sống trong từng thời khắc phải có ý nghĩa, làm đẹp cho tâm hồn chính mình và cho cuộc sống thân yêu. Sống vội nhưng phải là lối sống mang lại sự tích cực cho bản thân và xã hội.

TOP 15 bài Phân tích Vội vàng siêu hay

Phân tích quan niệm sống vội vàng của Xuân Diệu (mẫu 3)

Tuổi trẻ là khoảng thời gian đẹp nhất của đời người. Thật vậy, thanh xuân như mây trời và một khi đã trôi đi thì không bao giờ có thể trở lại. Có lẽ cũng vì hiểu được quy luật đắng cay ấy mà con người trở nên trân trọng thực tại, họ chọn cách sống vội để chạy đua với thời gian, sống trọn từng phút giây mà không bỏ lỡ. Và đó cũng là nội dung chủ đề được Xuân Diệu gửi gắm trong tác phẩm "Vội Vàng".

Mới ngay từ nhan đề thôi chúng ta cũng có thể hiểu được phần nào chân lí sống của Xuân Diệu. Đó là sống hết mình để tận hưởng vẻ đẹp của trời đất, sống mà không trần trừ để phí quá nhiều thời gian. Thế nhưng, vội vàng cũng không có nghĩa là sống hời hợt bỏ qua nhiều thứ, sống là phải biết hưởng thụ và biết yêu thương.

Và cái khao khát sống ấy cũng rực cháy ngay từ những câu mở đầu tác phẩm:

"Tôi muốn tắt nắng đi

Cho màu đừng nhạt mất;

Tôi muốn buộc gió lại

Cho hương đừng bay đi."

Khao khát vượt qua cả giới hạn của một con người. Đó là khao khát tắt nắng, buộc gió. Chỉ vì muốn giữ lại màu sắc và mùi hương mà con người nhỏ bé kia lại dám mơ ước thay đổi cả vũ trụ, thay đổi cả quy luật của tự nhiên để tận hưởng trọn vẹn vẻ đẹp của đất trời. Thế nhưng đó lại là những mơ ước không tưởng mà chẳng con người nào có thể làm được, không ai có thể tắt nắng đi và buộc gió lại vì chúng là vô hình, cũng như thứ thanh xuân vô hình mà người nghệ sĩ đang cố gắng chạy đua với thời gian.

Rồi với những câu thơ tiếp theo, ông đã vẽ lên cả một thiên đường ngập tràn âm thanh và màu sắc:

"Của ong bướm này đây tuần tháng mật

Này đây hoa của đồng nội xanh rì

Này đây lá của cành tơ phơ phất

Của yến anh này đây khúc tình si

Và này đây ánh sáng chớp hàng mi

Mỗi sáng sớm, thần Vui hằng gõ cửa

Tháng giêng ngon như một cặp môi gần"

Đó chẳng phải là trần gian với chút cỏ cây hoa lá mà dường như với con người tràn ngập nhiệt huyết tuổi trẻ nó lại trở nên thật tuyệt diệu làm sao. Đây là cuộc sống nơi thiên đường rực rỡ màu sắc và ánh sáng, là nơi mà thần tiên thường hay du ngoạn đến. Không gian trong bức tranh ngập tràn màu sắc, đó là màu xanh của cỏ cây, màu xanh của sự sống đang ở độ căng tràn nhất. Và ở trong không gian thơ mộng ấy lại được náo nhiệt, vui tươi hơn nhờ khúc hát mời gọi của các loài chim, âm thanh, ánh sáng, màu sắc, tất cả ngọn nguồn của sự sống đều tụ tập về một nơi để phô diễn ra cái vẻ đẹp của thiên đường trên nhân gian và rồi, khi người nghệ sĩ đa cảm ấy bắt gặp được mỹ cảnh lộng lẫy thì trong lòng lại nao nức, bồn chồn muốn sống hết mình để tận hưởng được vẻ đẹp của trần gian. Khát khao được tận hưởng cũng được bộc lộ qua điệp từ "này đây", nó như một lời mời gọi không thể chối từ dành cho kẻ si tình trót để quên trái tim khi ghé qua nhân thế. Và chưa dừng lại ở đó, khu vườn nhân gian vẫn còn những điều cuốn hút hơn đang chờ đợi du khách mỗi sáng, niềm vui sẽ đến với mọi người.

Mùa xuân là mùa đẹp nhất của một năm, đó là khoảng thời gian trăm hoa khoe sắc, là khi mầm non bật tung khỏi lớp vỏ sần sùi của cành cây để dâng lên đất trời hơi thở của sự sống. Mùa xuân không còn cái lạnh giá, không còn cái vẻ lạnh lẽo và u ám của những ngày đông giá lạnh. Vào thời điểm khởi đầu của một năm cũng là khi sự sống được bắt đầu, có chút se se lạnh cùng chút mưa phùn thoang thoảng hương cỏ cây khiến người ta muốn thả hồn mình vào để ngắm nhìn, để thưởng thức. Thật vậy mùa xuân là mùa của sự sống và cái căng mọng, tràn trề của sự sống ấy được người nghệ sĩ cảm nhận là "cặp môi gần". Có thể đó là đôi bờ môi căng mọng thơm mướt và tràn đầy sự sống của người con gái đôi mươi, đó là tình yêu, là hy vọng và là thứ mà không ai có thể chối từ. Đôi môi của sự sống ấy khiến cho người du khách thêm yêu và trân trọng cuộc đời, trân trọng thanh xuân của mình. Còn trẻ là còn tất cả, khi ấy ta có thể tự tay làm bất cứ điều gì, còn trẻ là còn nhiệt huyết và đam mê, tuổi trẻ chúng ta không ngại khó ngại khổ, không bị giới hạn bởi tuổi tác và sức khỏe, chỉ khi trẻ chúng ta mới theo đuổi được đam mê và mơ ước của mình. Nhưng càng hiểu giá trị của tuổi trẻ thì người nghệ sĩ càng vội vã sống, ông không muốn bỏ lỡ một giây phút nào của cuộc đời con người đầy ngắn ngủi và không biết trước được chuyện gì sẽ xảy ra vào ngày mai ấy.

Người ta thường nói càng trân trọng càng sợ mất, khi con người ta nhận ra được nhiều điều hơn cũng là lúc họ thay đổi cách sống:

"Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa:
........
Chẳng bao giờ, ôi! Chẳng bao giờ nữa..."

Cuộc sống là không ngừng mất đi, thật vậy chẳng có gì có thể nói trước trong cuộc sống. Có lẽ hiểu được quy luật của cuộc đời ngắn ngủi ấy nên người nghệ sĩ vừa mừng vừa lo, ông vui sướng vì được cảm nhận và được thưởng thức vẻ đẹp của đất trời thế nhưng sau cùng thì con người rồi cũng sẽ có một lúc nào đó già đi và không thể tự làm được những điều mình muốn hoặc chẳng may người ta mắc một căn bệnh quái ác nào đó cướp đi tính mạng mà chẳng hề hay biết. Đó là những kết cục buồn và đáng tiếc nhất của một đời người, không ai được chọn nơi mình sinh ra nhưng ta có thể chọn cách sống cho bản thân mình và rồi ông chọn cho mình cách sống vội vã, sống như thể ngày mai không còn được sống để ôm trọn vẻ đẹp của đất trời. Ông chạy đua cùng với thời gian, sống nhưng vẫn còn bâng khuâng lo lắng cho tuổi trẻ ngắn ngủi của mình. Trời đất là vô hạn còn đời người chỉ thoáng chốc ngắn ngủi, mỗi mùa xuân đến cũng là khi con người thêm một tuổi và điều đó cũng đồng nghĩa với việc giảm đi một năm tuổi trẻ, vậy nên mặc dù vui sướng tận hưởng thời khắc xuân xanh căng tràn của cuộc đời nhưng ông cũng không ngừng lo lắng. Ông lại hoài niệm về cuộc đời, về những thứ mà có thể mình sẽ không thưởng thức hết được, nỗi buồn của người nghệ sĩ thấm vào cảnh vật khiến chúng man mác một nỗi buồn chia phôi. Là cơn gió xinh vô tư bay nhảy trên không trung nay cũng biết buồn vì không được tiếp tục ở lại, vì nó phải đi đến một nơi xa nào đó. Là chú chim đang cất tiếng ca nay không hót nữa vì có lẽ loài vật cũng cảm nhận được sự thay đổi của thời gian, cũng biết được thời khắc đang trôi đi không trở lại của đất trời.

"Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm,
.........
- Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!"

Càng trân trọng, càng không muốn để mất thì con người ta lại càng trở nên vội vã. Dường như lúc ấy cả lí trí và con tim đều lên tiếng mách bảo người nghệ phải phải sống hết mình, chỉ có như thế khi mọi thứ qua đi mới không còn gì hối tiếc. Vậy là cái khát khao ấy lại bùng lên dữ dội, nó khiến người nghệ sĩ chìm ngập trong khát vọng của chính mình, sống quên mình với tình yêu và khát vọng. thưởng thức trọn vẹn cho đến khi no nê đã đầy cảnh sắc của nhân gian. Nhưng khát khao của con người có bao giờ dừng lại, và rồi đỉnh điểm của khát vọng ấy là "cắn" vào mùa xuân đang tràn ngập sự sống. Xuân Hồng muốn cảm nhận vị ngọt của đất trời, muốn níu giữ để không có gì có thể trôi đi được, để ông còn được sống mãi với thanh xuân của đời mình.

Khép lại tác phẩm ta chợt thấy một tâm hồn đầy nhiệt huyết và đam mê, đó là một người nghệ sĩ nhưng thấm nhuần triết lí nhân sinh, cũng vì thế mà ông quyết tâm sống hết mình để thưởng thức vẻ đẹp của cuộc sống. Sống để yêu thương và say trong hương vị cuộc sống. Đó cách sống mà người nghệ sĩ chọn để tận hưởng hết thanh xuân của đời mình, và đó cũng là tư tưởng đúng đắn mà thanh niên chúng ta ngày nay phải học tập để sống sao cho ý nghĩa, sống để hòa nhập và cống hiến, cháy hết với đam mê của mình.

Phân tích quan niệm sống vội vàng của Xuân Diệu (mẫu 4)

Xuân Diệu nhà thơ tình của thi ca Việt Nam. Thơ ông tràn ngập tình yêu, không chỉ là tình yêu nam nữ mà còn là tình yêu cuộc sống. Ông sống vội vàng, gấp gáp để nắm bắt trọn vẹn mọi khoảnh khắc của cuộc đời. Triết lí sống vội vàng, gấp gáp đã được ông thể hiện đầy đủ trong bài thơ “Vội vàng” trích trong tập “Thơ thơ” – tập thơ đầu tay của ông.

Trong bài thơ “Giục dã” Xuân Diệu đã từng viết:

Mau với chứ, vội vàng lên với chứ

Em ơi em, tình non sắp già rồi.

Triết lí sống vội vàng gấp gáp đã trở thành một quan niệm sống của Xuân Diệu, nó được thể hiện xuyên suốt trong hành trình sáng tác của ông.

Ngay từ nhan đề của bài thơ triết lí sống vội vàng, gấp gáp đã được nhà thơ thể hiện. Vội vàng có nghĩa là sự vội vã, làm việc luôn gấp gáp, nhanh chóng không thể chần chừ. Đối với Xuân Diệu cũng vậy, ông vội vàng trong từng giây phút. Vậy tại sao Xuân Diệu phải sống vội vàng, gấp gáp như vậy. Bởi ông ý thức được rằng, thời gian đời người thật ngắn ngủi, hữu hạn, còn thời gian vũ trụ lại tuần hoàn, vô hạn.

“Xuân đương tới, nghĩa là xuân đương qua,

Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già

Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất

Không cho dài thời trẻ của nhân gian

Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn

Còn trời đất nhưng chẳng còn tôi mãi

Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời”.

Xuân Diệu rất ám ảnh với những bước đi của thời gian , bởi vậy ông vô cùng nhạy cảm trước sự chảy trôi của nó. Xuân đương tới đồng thời lúc đó cũng là lúc nó đang vụt khỏi bàn tay chúng ta, xuân “non” rồi đến lúc xuân sẽ “già”, thậm chí, và khi xuân hết cũng là lúc tôi sẽ chết. Sự cực đoan ấy của Xuân Diệu là hoàn toàn hợp lí. Cuộc sống này đẹp đẽ, tươi vui là vậy nhưng nó như một dòng sông chảy đi và không bao giờ trở lại nữa. Khoảnh khắc đẹp đẽ, phút giây lãng mạn cũng chỉ đến với ta có một lần. Thiên nhiên có thể đẹp mãi, trường tồn mãi, còn “tôi” thì không, tôi chỉ có một đời này, một khiếp này để tận hưởng trọn vẹn mọi mĩ vị, mọi thắng cảnh trong cuộc sống. Bởi vậy cần phải sống vội, sống gấp, có những khao khát mãnh liệt:

Tôi muốn tắt nắng đi

Cho màu đừng nhạt mất

Tôi muốn buộc gió lại

Cho hương đừng bay đi

Cái khao khát của ông thật khác thường, mà cũng thật mãnh liệt. tắt nắng, buộc gió, hỏi chăng có ai trên cuộc đời này đã làm được. Xuân Diệu muốn tắt nắng để những màu sắc của cuộc sống không bị phai tàn, muốn buộc gió để sắc hương của cỏ cây không bị bay đi. Ý muốn ấy quả thực đẹp đẽ, ông muốn lưu lại những gì đẹp đẽ nhất của thiên nhiên cho cuộc sống con người. Đồng thời ước mơ ấy của ông cũng hoàn toàn có cơ sở, cuộc sống đẹp đẽ dường kia, nếu không sống tận hiến chẳng phải là sẽ uống phí lắm hay sao:

Của ong bướm này đây tuần tháng mật

Này đây hoa của đồng nội xanh rì
….
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần.

Đoạn thơ như một tiếng reo vui, một bản hoan ca trước vẻ đẹp của thiên nhiên vạn vật. Trần thế hiện lên với vẻ đẹp toàn mĩ, tràn đầy nhất: tuần tháng mật, hoa của đồng nội xanh rì, lá của cành tơ phơ phất, yến anh này đây khúc tình si, anh sáng,… Một bức tranh tuyệt đẹp được thi sĩ Xuân Diệu vẽ lên, đó là bức tranh có sự hài hòa của màu sắc (xanh rì), âm thanh (khúc tình si) và ngập tràn ánh sáng. Đây quả là một thiên đường. Vẻ đẹp này không phải ở đâu xa, mà nó ở ngay đây, hiện hữu trong cuộc sống này. Đây cũng là cái đích mà Xuân Diệu muốn hướng người đọc đến, tiên cảnh bồng lai không phải chỉ có ở trong tưởng tượng, mà nó có ở ngay đây, tại mặt đất này. Đang vui sướng, yêu đời, sống hối hả, gấp gáp là vậy, nhưng giọng thơ Xuân Diệu như bị trùng xuống ở câu thơ tiếp theo: “Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa/ Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân”. Câu thơ bị bẻ làm đôi, khi thi nhân nhận ra sự chảy trôi của thời gian, con người lo lắng, sợ hãi trước bước đi của thời gian, nó chẳng đợi chờ tuổi xuân của bất cứ ai, bất cứ sự vật nào: “Con gió xinh thì thào trong lá biếc/ Phải chăng hờn vì nỗi phải bay đi?/ Chim rộn ràng bỗng đứt tiếng reo thi/ Phải chăng sợ độ phai tàn sắp sửa”. Trước bước đi không ngừng của thời gian, ông không còn dừng lại ở khao khát tắt nắng buộc gió mà sống vội sống gấp đã biến thành hành động:

“Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm

- Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!”

Đoạn thơ nồng nàn, cháy bỏng nhất, thể hiện mạnh mẽ nhất khao khát, ước muốn sống vội, sống gấp của thi nhân. Nhịp thơ nhanh, gấp gáp, biểu hiện của cảm xúc dâng trào. Ông muốn ôm tất cả sự sống, dùng hàng loạt động từ mạnh theo cấp độ tăng tiến: ôm, riết, say để tận hưởng cuộc sống bằng mọi giác quan. Từ ôm một cử chỉ thân mật, riết lại mạnh bạo, mạnh mẽ hơn đến say thì đã ở độ quyến luyến, nồng nàn và cuối cùng là thâu hết mọi vẻ đẹp của mùa xuân, tuổi trẻ, tình yêu vào tâm hồn thi nhân. Ông mở tất cả các giác quan để tận hưởng tận độ mọi thanh sắc của đời sống và câu thơ cuối cùng đã thể hiện trọn vẹn cảm xúc của ông: “Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi”.

Tác phẩm Vội vàng đã thể hiện một cách đầy đủ, trọn vẹn nhất lối sống, quan niệm sống “vội vàng” của Xuân Diệu. Ông sống vội vàng để tận hưởng hết vẻ đẹp, để cống hiến hết tuổi xuân cho cuộc đời này. Đó là một nhân sinh quan, lối sống lành mạnh. “Thơ Xuân Diệu là một nguồn sống rào rạt chưa từng thấy ở chốn nước non lặng lẽ này”.

Phân tích quan niệm sống vội vàng của Xuân Diệu | Vnă mẫu 11

Phân tích quan niệm sống vội vàng của Xuân Diệu (mẫu 5)

Một trong số những bài thơ tiêu biểu cho thơ Xuân Diệu là bài Vội vàng in trong tập Thơ thơ - thi phẩm được sáng tác trong những năm mười tám đôi mươi của của nhà thơ. Vội vàng là bài thơ thể hiện tình yêu nồng nàn của Xuân Diệu đối với cuộc sống tươi đẹp mà nhà thơ tự thấy phải gấp gáp nhận lấy. Bài thơ Vội vàng được mở đầu bằng bốn dòng thơ ngũ ngôn ngắn gọn, mạnh mẽ như lời tuyên bố về khát vọng của mình:

Tôi muốn tắt nắng đi,

Cho màu đừng nhạt mất.

Tôi muốn buộc gió lại,

Cho hương đừng bay đi.

“Tắt nắng, buộc gió” là những điều con người không thể làm được, đó là những khát khao phi lí. Nhưng cái phi lí ấy lại có lí với trái tim của nhà thơ, bởi đó là trái tim đầy khao khát mãnh liệt, muốn sống đến trọn vẹn chữ “sống”, muốn giữ mãi cho mình những hương, những sắc của của cuộc đời. Mà cuộc đời trong cảm nhận của nhà thơ lại đẹp đẽ biết chừng nào, quý giá biết bao nhiêu. Nhà thơ thấy rằng trong cuộc sống, mọi thứ đều kì diệu, mỗi sự vật dù nhỏ bé đến đâu cũng đều dâng hiến cho đời những vẻ đẹp tinh túy nhất của mình:

Của ong bướm này đây tuần tháng mật,

Này đây hoa của đồng nội xanh rì,

Này đây lá của cành tơ phơ phất,

Của yến anh này đây khúc tình si

Và này đây ánh sáng chớp hàng mi.

Bướm ong thì có tuần tháng mật đầy ngọt ngào, cuốn hút, đồng nội thì có vẻ đẹp của màu xanh mơn mởn và muôn hoa rực rỡ, cành tơ non thì có muôn lá rung rinh, ánh sáng bình minh như cái chớp mi của người đẹp…Những câu thơ có nhịp điệu thật nhanh, thật gấp gáp, sử dụng phép liệt kê, điệp ngữ, rất nhiều tính từ, cách liên tưởng táo bạo, đa tình. Cuộc sống trần gian hiện lên qua đó thật sống động, tươi tốt, đáng yêu, đáng sống, tràn ngập âm thanh, màu sắc tươi sáng, khai mở ra một thiên đường tồn tại chính trên cõi trần này. Với Xuân Diệu, cuộc đời lúc nào cũng tràn ngập niềm vui, mỗi ngày mới đến là niềm vui cũng gõ cửa ùa vào theo:

Mỗi buổi sớm thần Vui hằng gõ cửa

Niềm vui như một vị thần độ lượng, ban phát hạnh phúc cho từng người. Phải nói rằng trong thơ Việt Nam, chưa ai có cách cảm nhận cuộc sống, mùa xuân như cách cảm nhận của Xuân Diệu:

Tháng Giêng ngon như một cặp môi gần

Xuân Diệu chẳng lấy thiên nhiên làm chuẩn mực của cái đẹp khi so sánh với con người như thơ cổ mà lại lấy con người làm chuẩn mực để so sánh với vẻ đẹp của thiên nhiên. Nếu Nguyễn Du so vẻ đẹp của Thuý Vân - Thuý Kiều “Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da” thì Xuân Diệu lại liên tưởng “ Tháng Giêng ngon như một cặp môi gần”. Một cách so sánh rất riêng, rất táo bạo, đầy tình yêu đời nồng nhiệt rất Xuân Diệu. Ông thấy mùa xuân với bao vẻ đẹp sinh động của nó giống như cặp môi đỏ mọng của thiếu nữ đang kề gần. Cách so sánh này chứa đựng bao rung động tận đáy lòng, vừa có sự khao khát, thèm muốn, háo hức rất thiêng liêng mà cũng rất trần tục. Nhà thơ yêu cuộc sống đến si mê, cháy bỏng! Có một cuộc sống đẹp như thế để sống, có bao hương sắc tuyệt diệu như thế để tận hưởng, con người ta sẽ sung sướng biết bao. Nhưng, tựa như một cung nhạc đang vút cao, đến đây bỗng chùng xuống:

Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa.

Câu thơ bị ngắt làm hai, niềm vui sướng không được trọn vẹn. Bởi Xuân Diệu nhận ra rằng điều sung sướng ấy ngắn ngủi biết bao:

Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua,

Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già

Xưa nay, người ta chỉ tiếc những kỉ niệm khi nó đã trở thành quá khứ, tiếc xuân khi nó đã không còn. Ở đây, Xuân Diệu với sự nhạy cảm lạ lùng của nhà thơ yêu cuộc sống đến đắm say, ông tiếc mùa xuân ngày khi mùa xuân vẫn còn đang phơi phới. Vì nhà thơ biết rằng thời gian sẽ trôi qua nhanh, mà với những gì quý giá, với những vẻ đẹp, thời gian còn tàn nhẫn trôi nhanh hơn gấp bội, nhanh đến khủng khiêp, phũ phàng. Cái non trẻ, thắm tươi rồi sẽ chẳng mấy mà già nua, héo úa. Điều ấy lại ảnh hưởng vô cùng to lớn đến Xuân Diệu:

Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất

Câu thơ đầy cảm giác buồn bã. Nhà thơ phát hiện ra một điều bi thảm cho mình: mùa xuân trôi qua, tuổi trẻ sẽ trôi qua. Mà khi tuổi trẻ đã trôi qua thì cuộc đời nào còn ý nghĩa gì nữa. Bởi quý giá nhất của cuộc đời, đất trời là mùa xuân, quý giá nhất của con người là tuổi trẻ. Con người khao khát vẻ đẹp tồn tại vĩnh cửu, nhưng cuộc đời lại có những quy luật vô cùng chặt chẽ và nghiệt ngã:

Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật,

Không cho dài thời trẻ của nhân gian

Thời gian thì vô hồi vô hạn, nhưng đời người thì hữu hạn. Con người trong cái hữu hạn ấy trở nên thật nhỏ bé, tội nghiệp và mong manh. Bao người lí luận rằng xuân đi xuân đến, nhưng với Xuân Diệu, ông chẳng thể tự an ủi mình mà trái lại, càng xót xa hơn:

Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn,

Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại.

Còn trời đất nhưng chẳng còn tôi mãi,

Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời.

Mùa xuân của đất trời đẹp lắm, quý giá lắm, nhưng mùa xuân chỉ quý giá, chỉ đẹp khi con người biết hưởng, được hưởng vẻ đẹp của nó. Khi con người chẳng còn trẻ mà tận hưởng mùa xuân thì xuân cũng mất hết ý nghĩa. Những câu thơ của Xuân Diệu vì thế mà chuyển sang giọng điệu buồn bã:

Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi,

Khắp sông núi vẫn than thầm tiễn biệt.

Phải chăng hờn vì nỗi phải bay đi

Chim rộn ràng bỗng dứt tiếng reo thi,

Phải chăng sợ độ phai tàn sắp sửa

Tất cả đều buồn bã, đều mất hết ý vị, chỉ còn “rớm vị chia phôi”, chỉ biết “than thầm tiễn biệt”, chỉ còn “hờn dỗi phải bay đi”, chỉ “sợ độ phai tàn sắp sửa”. Trong thơ Việt Nam, ít ai có giọng thơ nuối tiếc thời gian, thương tiếc cuộc sống thiết tha dường ấy. Cũng vẫn gió lá hoa như đạo đầu nhưng đoạn trên rạo rực náo nức, đoạn này lại buồn thương ngậm ngùi, xót xa biết bao nhiêu. Nhà thơ kêu lên một cách tuyệt vọng:

Chẳng bao giờ! Ôi chẳng bao giờ nữa!

Nỗi đau đớn của Xuân Diệu phải sâu sắc lắm, cắt cứa lắm, thấm thía lắm thì mới bộc phát thành tiếng than kêu thống thiết dường ấy. Thời gian cứ mênh mông nhưng mùa xuân và tuổi trẻ của con người cứ ngắn ngủi. Con người chẳng thể làm được gì để biến cái hữu hạn của đời người thành cái vô hạn trường tồn cùng vũ trụ. Chỉ còn mỗi cách, đó là phải hối hả, phải đắm say mãnh liệt hơn, phải vội vàng thâu nhận đến mức độ cao nhất, nhiều nhất những vẻ đẹp nhân gian, những thứ quý giá của đời sống, của tuổi trẻ, mùa xuân. Xuân Diệu giục giã:

Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm

.........

Và non nước, và cây, và cỏ rạng.

Những câu thơ mạnh bạo, gấp gáp, giục giã như một dòng suối ào ạt tuôn chảy, tưởng chừng ngôn từ xô đẩy vào nhau, chen lấn nhau để cho kịp mạch cảm xúc đang bừng lên sôi nổi của nhà thơ. Những tiếng “ta muốn” láy đi láy lại mãi như một điệp khúc bất tận để khẳng định niềm khao khát cháy bỏng muốn sống đến tận cùng cảm giác của Xuân Diệu. Một loạt điệp từ được sử dụng theo mức độ tăng dần của khao khát: muốn ôm – muốn riết – muốn say – muốn thâu – muốn cắn thể hiện tâm trạng si mê đến cuồng nhiệt. Trong một câu thơ mà có đến ba hư từ “và” chứng tỏ Xuân Diệu nồng nhiệt đến rối rít, cuống quýt, như muốn cùng lúc dang tay ôm hết cả vũ trụ, cả cuộc đời, mùa xuân vào lòng mình. Sống như thế với Xuân Diệu mới thực là sống, mới đi đến tận cùng của niềm hạnh phúc được sống.

Cho chuếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng,

Cho no nê thanh sắc của thời tươi

Hạnh phúc của sự sống là mùi thơm, ánh sáng, thanh sắc. Tận hưởng cuộc đời chính là có được cảm nhận về những điều ấy ở độ tràn trề nhất. Xuân Diệu muốn tận hưởng cuộc sống cho đến “no nê”, “chuếnh choáng”, “đã đầy”. Trong niềm cảm hứng ở độ cao nhất, Xuân Diệu nhận ra cuộc đời, mùa xuân như một cái gì quý nhất, trọn vẹn như một trái đời đỏ hồng, chín mọng, thơm ngát, ngọt ngào, để cho nhà thơ tận hưởng trong niềm khao khát cao độ:

Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi

Câu thơ là đỉnh cao của những khao khát sống, của tình yêu sống rạo rực trong con tim nồng cháy của Xuân Diệu.

Bài thơ Vội vàng thể hiện tâm trạng đắm say bồng bột của một tấm lòng ham sống mãnh liệt. Bài thơ còn thể hiện một quan niệm sống sống gấp gáp vội vàng tận hưởng những hạnh phúc trần thế, một quan niệm sống lành mạnh và tích cực so với đương thời. Bài thơ là một sáng tác tiêu biểu cho phong cách thơ trẻ trung tươi mới của “nhà thơ của tình yêu”, bài thơ rất tự do, hình ảnh giàu sức gợi, giàu nhạc điệu và cách liên tưởng rất hiện đại. Tâm trạng yêu đời, yêu sống đến cuồng nhiệt trong tác phẩm khẳng định tư tưởng nhân văn của nhà thơ. Cho đến nay, nội dung thúc giục mọi người sống có nghĩa trong cuộc sống thực tại của bài thơ vẫn còn bao ý nghĩa với thế hệ trẻ.

Qua Vội vàng ta không chỉ thất quan niệm sống tràn ngập tình yêu của Xuân Diệu mà ta qua đó ta còn hiểu thêm về quan niệm nhân sinh của Xuân Diệu trong bài thơ Vội vàng vô cùng sâu sắc nữa.

Phân tích quan niệm sống vội vàng của Xuân Diệu (mẫu 6)

Nhà thơ được Hoài Thanh đánh giá là “Nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới” chính Xuân Diệu không ai khác. Thơ ông là một nguồn sống dào dạt tràn đầy xuân sắc xuân tình của một thi nhân yêu say đắm tình yêu, cuộc đời và biết trân trọng, tận hưởng vẻ đẹp cuộc sống. Tiêu biểu cho phong cách thơ Xuân Diệu là bài thơ “Vội vàng” thể hiện quan niệm sống vội vàng rất mới mẻ, có ý nghĩa. Vậy tại sao Xuân Diệu lại có được điều đó ta cùng tìm hiểu bài thơ để làm rõ lối sống vội của thi nhân.

Vội vàng là một tính từ để chỉ sự nhanh chóng, gấp gáp. Theo Xuân Diệu sống vội là sống nhanh, sống gấp để tận lực cống hiến, tận tâm tận hưởng, thưởng thức vẻ đẹp tạo hóa ban tặng. Sống vội vàng trong quan niệm của ông là lối sống tích cực khác với cách sống gấp của một số bạn trẻ hiện nay vội chạy theo giá trị vật chất, vội sống để hưởng thụ mà quên mất làm việc, vội chạy theo xu thế thời thượng mà sa đà vào lối sống tiêu cực vô nghĩa. Chính quan niệm vội vàng của Xuân Diệu đã thức tỉnh cho ai đã lầm lối, mở đường cho ai đang bơ vơ đi tìm lẽ sống đích thực.

Vậy tại sao Xuân Diệu lại có được lối sống mang ý nghĩa nhân sinh sâu sắc như vậy? Ông là nhà thơ luôn khao khát giao hòa, giao cảm với cuộc đời, yêu tha thiết sự sống xung quanh mình. Xuân Diệu phát hiện ra vẻ đẹp tạo hóa ban tặng cho chúng ta, thi sĩ như người hướng dẫn viên du lịch đưa ta du ngoạn ngắm cảnh đẹp hết chốn nọ đến chỗ kia: là vẻ đẹp của ong bướm trong tuần tháng mật, hoa của đồng nội xanh rì, lá của cành tơ phơ phất, khúc tình si của yến anh, ánh sáng chớp hàng mi, thần Vui gõ của mỗi sáng sớm và tuyệt vời nhất là vẻ đẹp của tháng giêng được thi sĩ so sánh ngon như cặp môi gần của tình yêu. Những vẻ đẹp ấy không phải tìm ở đâu xa mà nó là “bữa tiệc ngon”, là chốn bồng lai tiên cảnh giữa trần gian. Nó không phải là vẻ đẹp đặc trưng cho một vùng quê như thơ Nguyễn Khuyến, Hàn Mặc Tử hay vẻ đẹp “Tràng giang” của Huy Cận mà thiên nhiên trong thơ Xuân Diệu có ở bất cứ nơi nào, vùng quê nào bởi nét đẹp bình dị xung quanh ta. Thi nhân sung sướng tận hưởng, thỏa mãn chìm đắm trong thiên nhiên nhưng ông cũng “vội vàng một nửa”, ông bồi hồi nuối tiếc cảnh sắc đất trời trong những phút giây căng tràn nhựa sống trong khoảnh khắc tươi đẹp khi xuân sang.

Thi sĩ sống vội vàng là bởi ông nhận ra quy luật trôi chảy khắc nghiệt và sự tàn phá của thời gian. Nếu như trong văn học trung đại các nhà thơ quan niệm thời gian là tuần hoàn, xoay vòng còn đối với Xuân Diệu đó là thời gian tuyến tính một đi không trở lại: “Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua/ Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già/ Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất”. Nếu người khác cảm nhận mùa xuân qua đi khi hạ đến còn nhà thơ không cần đợi nắng đến mới hoài xuân mà ông nuối tiếc mùa xuân ngay cả khi nó đang hiện hữu. Đối với ông xuân đang đến nghĩa là đang qua, xuân còn non rồi cũng già, thậm chí là xuân hết nhà thơ cũng mất. Xuân Diệu yêu quý mùa xuân của thiên nhiên đất trời, màu xuân của tuổi trẻ với ông tuổi trẻ qua đi cuộc đời trở nên vô nghĩa. Tuổi trẻ là quãng thời gian tươi đẹp, ý nghĩa, hạnh phúc nhất của đời người. Câu thơ mang ý nghĩa nhân sinh sâu sắc tác giả như muốn gửi gắm lời nhắn nhủ đến bạn đọc hãy biết trân trọng từng khoảnh khắc của thời gian, nhất là mấy năm ngắn ngủi thanh xuân, khoảng thời gian ấy ta có sức khỏe, có ý chí, có niềm tin và có cơ hội để thử thách bản thân, để cho mình được “thất bại” để thấy cuộc đời có ý nghĩa vô cùng. Nhà thơ ám ảnh trước sự tàn phá của thời gian khiến cho mọi vật đều được nhân hóa hiện hữu lên như con người cũng biết buồn vui, tủi hờn, đều biết lo sợ bởi khoảnh khắc qua đi của mùa xuân. Nên kết thúc cho mạch cảm xúc là thán từ ôi và dấu chấm than, cùng với dấu ba chấm biểu đạt ý chưa nói hết thể hiện tâm trạng nuối tiếc đến tột cùng của tác giả: “Chẳng bao giờ, ôi! Chẳng bao giờ nữa…”

 

Vì cảnh sắc trời xuân quá đẹp nên nhà thơ muốn “tắt nắng”, “buộc gió” muốn can thiệp vào quy luật của tạo hóa để lưu giữ hương sắc tươi đẹp của đất trời. Đó là một ước muốn táo bạo, nghe có vẻ phi lí nhưng đứng trong hoàn cảnh, tâm trạng thi nhân ta mới thấy nó có nghĩa có lí vô cùng. Thi nhân đang tiếc nuối cho thanh xuân của đất trời và con người nên cất tiếng kêu gọi “Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm” ta đã từng bắt gặp lời thúc giục ấy trong câu thơ: “Mau với chứ vội vàng lên với chứ/ Em em ơi, tình non sắp già rồi”. Lúc nào trong tâm thức Xuân Diệu cũng muốn hưởng trọn thanh sắc của thiên nhiên, ông muốn ôm, muốn riết, muốn say, muốn thâu và tột đỉnh là muốn cắn vào xuân hồng. Hàng loạt các động từ được sắp xếp theo mức độ tăng tiến cho thấy khao khát cháy bỏng của nhà thơ muốn hòa mình, tan chảy vào thiên nhiên để tận hưởng trọn vẹn. Nếu không phải một con người yêu tha thiết cuộc sống, say đắm trước vẻ đẹp của đất trời làm sao có thể viết nên những vần thơ tuyệt mĩ như vậy. Chưa có một hồn thơ nào mà thiên nhiên lại rạo rực tràn đầy sức sống mãnh liệt như trong bài thơ “Vội vàng”.

Như vậy qua tác phẩm ta có thể thấy được quan niệm sống vội vàng tích cực đáng để ngưỡng mộ và học tập. Qua đó tác giả đã cho em cũng như bạn đọc những giá trị nhân sinh sâu sắc. Học xong bài thơ em nhận thức được giá trị của thời gian, vẻ đẹp của cuộc sống không phải ở chốn thần tiên xa vời mà hiện hữu ngay trong thường nhật. Xuân Diệu cho em biết thế nào là sống có ích, có nghĩa, biết nỗ lực hết mình cho tuổi trẻ ngắn ngủi, biết cống hiến sức mình cho quê hương và biết tận hưởng cuộc sống tươi đẹp.

Quan niệm sống vội vàng của Xuân Diệu có ý nghĩa sâu sắc với cuộc đời, tồn tại lâu bền với thời gian và luôn đúng trong mọi thời đại đặc biệt với các bạn trẻ đúng như nhận xét của Hoài Thanh: “Xuân Diệu mới nhất trong các nhà thơ mới – nên chỉ những người còn trẻ mới thích đọc Xuân Diệu, mà đã thích thì phải mê”.

Phân tích quan niệm sống vội vàng của Xuân Diệu (mẫu 7)

Xuân Diệu nhà thơ tình của thi ca Việt Nam. Thơ ông tràn ngập tình yêu, không chỉ là tình yêu nam nữ mà còn là tình yêu cuộc sống. Ông sống vội vàng, gấp gáp để nắm bắt trọn vẹn mọi khoảnh khắc của cuộc đời. Triết lí sống vội vàng, gấp gáp đã được ông thể hiện đầy đủ trong bài thơ “Vội vàng” trích trong tập “Thơ thơ” – tập thơ đầu tay của ông.

Trong bài thơ “Giục dã” Xuân Diệu đã từng viết:

Mau với chứ, vội vàng lên với chứ
Em ơi em, tình non sắp già rồi.

Triết lí sống vội vàng gấp gáp đã trở thành một quan niệm sống của Xuân Diệu, nó được thể hiện xuyên suốt trong hành trình sáng tác của ông.

Ngay từ nhan đề của bài thơ triết lí sống vội vàng, gấp gáp đã được nhà thơ thể hiện. Vội vàng có nghĩa là sự vội vã, làm việc luôn gấp gáp, nhanh chóng không thể chần chừ. Đối với Xuân Diệu cũng vậy, ông vội vàng trong từng giây phút. Vậy tại sao Xuân Diệu phải sống vội vàng, gấp gáp như vậy. Bởi ông ý thức được rằng, thời gian đời người thật ngắn ngủi, hữu hạn, còn thời gian vũ trụ lại tuần hoàn, vô hạn.

“Xuân đương tới, nghĩa là xuân đương qua,
Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già
Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất
Không cho dài thời trẻ của nhân gian
Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn
Còn trời đất nhưng chẳng còn tôi mãi
Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời”.

Xuân Diệu rất ám ảnh với những bước đi của thời gian , bởi vậy ông vô cùng nhạy cảm trước sự chảy trôi của nó. Xuân đương tới đồng thời lúc đó cũng là lúc nó đang vụt khỏi bàn tay chúng ta, xuân “non” rồi đến lúc xuân sẽ “già”, thậm chí, và khi xuân hết cũng là lúc tôi sẽ chết. Sự cực đoan ấy của Xuân Diệu là hoàn toàn hợp lí. Cuộc sống này đẹp đẽ, tươi vui là vậy nhưng nó như một dòng sông chảy đi và không bao giờ trở lại nữa. Khoảnh khắc đẹp đẽ, phút giây lãng mạn cũng chỉ đến với ta có một lần. Thiên nhiên có thể đẹp mãi, trường tồn mãi, còn “tôi” thì không, tôi chỉ có một đời này, một khiếp này để tận hưởng trọn vẹn mọi mĩ vị, mọi thắng cảnh trong cuộc sống. Bởi vậy cần phải sống vội, sống gấp, có những khao khát mãnh liệt:

Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi

Cái khao khát của ông thật khác thường, mà cũng thật mãnh liệt. tắt nắng, buộc gió, hỏi chăng có ai trên cuộc đời này đã làm được. Xuân Diệu muốn tắt nắng để những màu sắc của cuộc sống không bị phai tàn, muốn buộc gió để sắc hương của cỏ cây không bị bay đi. Ý muốn ấy quả thực đẹp đẽ, ông muốn lưu lại những gì đẹp đẽ nhất của thiên nhiên cho cuộc sống con người. Đồng thời ước mơ ấy của ông cũng hoàn toàn có cơ sở, cuộc sống đẹp đẽ dường kia, nếu không sống tận hiến chẳng phải là sẽ uống phí lắm hay sao:

Của ong bướm này đây tuần tháng mật
Này đây hoa của đồng nội xanh rì
….
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần.

Đoạn thơ như một tiếng reo vui, một bản hoan ca trước vẻ đẹp của thiên nhiên vạn vật. Trần thế hiện lên với vẻ đẹp toàn mĩ, tràn đầy nhất: tuần tháng mật, hoa của đồng nội xanh rì, lá của cành tơ phơ phất, yến anh này đây khúc tình si, anh sáng,… Một bức tranh tuyệt đẹp được thi sĩ Xuân Diệu vẽ lên, đó là bức tranh có sự hài hòa của màu sắc (xanh rì), âm thanh (khúc tình si) và ngập tràn ánh sáng. Đây quả là một thiên đường. Vẻ đẹp này không phải ở đâu xa, mà nó ở ngay đây, hiện hữu trong cuộc sống này. Đây cũng là cái đích mà Xuân Diệu muốn hướng người đọc đến, tiên cảnh bồng lai không phải chỉ có ở trong tưởng tượng, mà nó có ở ngay đây, tại mặt đất này. Đang vui sướng, yêu đời, sống hối hả, gấp gáp là vậy, nhưng giọng thơ Xuân Diệu như bị trùng xuống ở câu thơ tiếp theo: “Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa/ Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân”. Câu thơ bị bẻ làm đôi, khi thi nhân nhận ra sự chảy trôi của thời gian, con người lo lắng, sợ hãi trước bước đi của thời gian, nó chẳng đợi chờ tuổi xuân của bất cứ ai, bất cứ sự vật nào: “Con gió xinh thì thào trong lá biếc/ Phải chăng hờn vì nỗi phải bay đi?/ Chim rộn ràng bỗng đứt tiếng reo thi/ Phải chăng sợ độ phai tàn sắp sửa”. Trước bước đi không ngừng của thời gian, ông không còn dừng lại ở khao khát tắt nắng buộc gió mà sống vội sống gấp đã biến thành hành động:

 

“Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm

- Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!”

Đoạn thơ nồng nàn, cháy bỏng nhất, thể hiện mạnh mẽ nhất khao khát, ước muốn sống vội, sống gấp của thi nhân. Nhịp thơ nhanh, gấp gáp, biểu hiện của cảm xúc dâng trào. Ông muốn ôm tất cả sự sống, dùng hàng loạt động từ mạnh theo cấp độ tăng tiến: ôm, riết, say để tận hưởng cuộc sống bằng mọi giác quan. Từ ôm một cử chỉ thân mật, riết lại mạnh bạo, mạnh mẽ hơn đến say thì đã ở độ quyến luyến, nồng nàn và cuối cùng là thâu hết mọi vẻ đẹp của mùa xuân, tuổi trẻ, tình yêu vào tâm hồn thi nhân. Ông mở tất cả các giác quan để tận hưởng tận độ mọi thanh sắc của đời sống và câu thơ cuối cùng đã thể hiện trọn vẹn cảm xúc của ông: “Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi”.

Tác phẩm Vội vàng đã thể hiện một cách đầy đủ, trọn vẹn nhất lối sống, quan niệm sống “vội vàng” của Xuân Diệu. Ông sống vội vàng để tận hưởng hết vẻ đẹp, để cống hiến hết tuổi xuân cho cuộc đời này. Đó là một nhân sinh quan, lối sống lành mạnh. “Thơ Xuân Diệu là một nguồn sống rào rạt chưa từng thấy ở chốn nước non lặng lẽ này”.

Phân tích quan niệm sống vội vàng của Xuân Diệu (mẫu 8)

Xuân Diệu từng được mệnh danh là “ông hoàng của thơ tình”. Đúng vậy, ông viết nhiều thơ và nổi tiếng nhiều với những bài thơ tình. Nhưng có lẽ đến với Vội vàng, bài thơ viết vào năm 1938, in trong tập Thơ Thơ, chúng ta có thể nhận thấy vì sao chẳng cần đến những bài thơ tình thì ông vẫn là một nhà thơ nổi tiếng, một nhà thơ lớn của dân tộc. Bởi tiếng thơ trong Vội vàng là tiếng đời, bộc lộ nhiều rung cảm và những triết lí sâu sắc. Trong đó thi phẩm cũng đã mang đến một quan niệm sống vô cùng ý nghĩa – sống vội vàng.

Nhan đề của bài thơ đã bộc lộ ngay quan niệm sống vội vàng của Xuân Diệu. Đó là một tính từ chỉ sự nhanh chóng, gấp gáp trong một hành động nào đó. Ở đây Xuân Diệu lại đề cao sự vội vàng trong cách sống, thái độ sống. Chẳng lẽ sống vội vàng là phải sống nhanh, sống gấp gáp vậy ư? Không những thế, cả bài thơ tác giả còn giục giã mọi người hãy sống không chờ đợi, sống hết mình, sống căng tràn từng phút, từng giây, sống đến trọn vẹn của “sống” để chống lại quy luật trôi chảy khắc nghiệt của thời gian.

Ngay mở đầu bài thơ, ông đã vội vàng qua hai ước muốn đầy táo bạo: tắt nắng, buộc gió. Đây là sự phi lí, hoang đường. Nào ai can thiệp được vào quy luật của tạo hóa, nhưng quan niệm sống vội vàng của Xuân Diệu lại khẳng định điều đó là có lí. Bởi nếu không ngưng đọng thời gian thì mọi thứ màu sắc, hương vị của cuộc sống sẽ theo nắng, theo gió mà phai nhạt, mà bay đi mất. Con người chẳng thể níu giữ, khóa chặt bên mình. Vậy chỉ còn cách phải sống vội vàng thì mới thỏa được lòng khao khát, mới đắm mình mà tận hưởng, mới không bỏ lỡ một chút nào hương sắc của cuộc đời. Quan niệm sống vội vàng thể hiện ngay qua khát vọng ngạo nghễ, khác thường mà yêu đời mãnh liệt như thế.

Thế nhưng nhà thơ cũng chẳng nói suông, ước muốn của ông hoàn toàn có căn cứ, vì cuộc đời này tươi đẹp và vô cùng đáng sống, nên càng phải vội vàng:

Của ong bướm này đây tuần tháng mật

Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân.

Đoạn thơ vang lên với những niềm reo vui, thích thú. Ông như một một “hướng dẫn viên” đưa người đọc đi khám thính vẻ đẹp của trần thế này. Thi sĩ sung sướng lắm vì đắm chìm trong cảnh sắc tươi non, viên mãn của mùa xuân: ong bướm tuần tháng mật, hoa đồng nội xanh rì, lá cành tơ phơ phất, yến anh khúc tình si, ánh sáng chớp hàng mi, mỗi buổi sớm thần vui hằng gõ cửa, tháng giêng ngon như một cặp môi gần. Cái hay và ý nghĩa của nhà thơ là để mọi người thưởng thức vẻ đẹp ấy không phải ở chốn bồng lai tiên cảnh, mà ở ngay xung quanh mình. Bởi vậy, Xuân Diệu quan niệm sống vội vàng là yêu thiên nhiên, cuộc sống, nhưng là những gì gần gũi nhất, thân thuộc nhất và trong những khoảnh khắc căng tràn sức sống, tràn ngập xuân tình nhất. Nhưng ông chợt nhận ra, dù là ngay quanh mình đi nữa thì chúng chẳng ở mãi bên mình, nhà thơ dẫu yêu, dẫu ham đến đâu thì rồi nó cũng vụt mất. Bởi vậy, lời thơ say mê, tha thiết nhưng bỗng chùng xuống, vì phải vội vàng một nửa. Vừa tận hưởng vừa vội vàng chính là những gì Xuân Diệu quan niệm. Đó cũng chính là cuộc chạy đua với thời gian để hưởng trọn hương sắc cuộc đời.

Cách sống của Xuân Diệu đúng là không chờ đợi. Ông vội vàng đến mức mà ở ngay mùa xuân ông đã thấy nhớ nó, chứ không chờ tới mùa hạ mới nhớ mùa xuân. Yêu thương, nhớ nhung tất thảy những gì đang tồn tại trở thành phương châm sống của thi sĩ. Với ông điều này có căn cứ.

Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua

Chẳng bao giờ! Ôi chẳng bao giờ nữa!

Xuân Diệu chẳng những quá ám ảnh về thời gian mà ông còn nhạy cảm đến lạ lùng về sự trôi chảy của nó. Hầu hết chúng ta cho rằng, mọi thứ đang đến là đến, chứ ít suy nghĩ rằng nó đang dần trôi qua. Nhưng Xuân Diệu thì khác, ông cảm nhận thấy rõ từng bước đi của thời gian. Nên xuân tới là xuân đang qua, non tức là sẽ già, thậm chí còn đến mức sẽ hết… Tại sao nhà thơ lại quá nhạy cảm như vậy? Sự nghiệt ngã ấy bấy lâu nay ai cũng biết, nhưng nhận ra nó để biết rằng nó đang lấy hết đi những gì của cuộc sống này chỉ có Xuân Diệu. Đoạn thơ mang giọng điệu tranh biện rất say sưa. Ông đang minh chứng rằng cuộc sống này đẹp nhưng không bao giờ ở lại, mỗi phút giây trôi qua là sẽ mất đi. Những thứ nhìn thấy tưởng chừng như sẽ tồn tại lâu, nhưng thực chất đang mất mát, hao mòn dần. Cho nên nếu không sống vội vàng thì chỉ còn lại là những gì tiếc nuối, xót xa.

Nhà thơ đưa cả thêm những hình ảnh nhân hóa về sự mất mát, chia lìa bởi thời gian: tháng năm rớm vị chia phôi, núi sông than thầm tiễn biệt, gió xinh hơn dỗi vì phải bay đi, chim đứt tiếng reo thi vì độ phai tàn sắp sửa… để minh chứng cho điều ấy. Đó mới là vạn vật, trời đất, còn nếu là con người thì hỡi ôi, chắc hẳn phải nhiều ngậm ngùi, chua chát lắm. Nên nhà thơ muốn chúng ta hãy sống vội vàng đi để chạy đua với thời gian, để về sau chúng ta không còn phải thốt lên những lời đầy tiếc nuối: Chẳng bao giờ! Ôi chẳng bao giờ nữa! Và rồi có phải chứng kiến những gì chia lìa, đứt gãy ấy cũng không còn là điều tiếc nuối, xót xa. Quan niệm sống vội vàng trong cái nhìn về thời gian như thế của Xuân Diệu chính là thông điệp sống phải biết trân trọng từng phút, từng giây để không bao giờ phải hối tiếc.

Không những chỉ ra cuộc sống này tươi đẹp rất đáng sống vội vàng, thời gian trôi chảy rất nghiệt ngã, vô tình nên càng phải sống vội vàng, nhà thơ còn giục giã và mách chúng ta cách để sống vội vàng.

Mau đi thôi mùa chưa ngả chiều hôm

- Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi

Lời giục giã đầy hối hả, khẩn thiết. Trong bài thơ có tên Giục giã ông cũng viết:

Mau với chứ! Vội vàng lên với chứ
Em em ơi, tình non sắp già rồi.

Chẳng phải đây là lần đầu tiên Xuân Diệu khiến người ta cuống quýt thế, mà sống vội vàng là phải vậy. Hãy sống nhanh lên, gấp gáp lên khi mùa chưa ngả chiều hôm, khi cuộc đời chưa vào lúc bóng xế, lúc mình còn tuổi trẻ. Bởi vậy đừng ngại ngần, hãy ôm, hãy riết, hãy say, hãy thâu, hãy cắn để những khoảnh khắc tuyệt diệu của sự sống mới bắt đầu mơn mởn, mây đưa và gió lượn, cánh bướm với tình yêu, cái hôn nhiều, non nước, cỏ cây và xuân hồng được ta hưởng trọn. Thậm chí phải được ngây ngất, chếnh choáng, đã đầy, no nê mới thực sự vội vàng. Bao nhiêu bút lực của sự nhiệt huyết, sôi trào, Xuân Diệu dồn hết vào đoạn thơ cuối. Lời thơ căng tràn cảm xúc, khiến ai đọc cũng như mở lòng ra, cũng chẳng thể ngồi yên mà sống một cách vô nghĩa. Ý nghĩa nhân sinh cao đẹp trong cách sống vội vàng là sống đúng thời điểm. Khi còn tuổi trẻ, khi trong những khoảnh khắc đẹp đẽ của cuộc sống, đó là lúc ta nên sống hết mình. Không phải cứ nhanh, cứ gấp là vội vàng được mà phải sống sao cho đáng trong từng khoảnh khắc mình bỏ ra.

 

Xuân Diệu viết bài thơ này khi ông mới 22 tuổi nhưng những lời tranh biện và giàu tính triết lý trong bài thơ không hề non nớt. Để có được một quan niệm sống vội vàng giàu ý nghĩa tích cực như thế phải được bắt nguồn từ một thái độ sống nghiêm túc, một tình yêu với cuộc sống mãnh liệt. Bài thơ Vội vàng và quan niệm sống của nhà thơ thực sự đã trở thành một bài học giá trị với nhiều thế hệ trẻ sau này.

Phân tích quan niệm sống vội vàng của Xuân Diệu (mẫu 9)

Một trong số những bài thơ tiêu biểu cho thơ Xuân Diệu là bài Vội vàng in trong tập Thơ thơ thi phẩm được sáng tác trong những năm mười tám đôi mươi của của nhà thơ. Vội vàng là bài thơ thể hiện tình yêu nồng nàn của Xuân Diệu đối với cuộc sống tươi đẹp mà nhà thơ tự thấy phải gấp gáp nhận lấy. Bài thơ Vội vàng được mở đầu bằng bốn dòng thơ ngũ ngôn ngắn gọn, mạnh mẽ như lời tuyên bố về khát vọng của mình:

Tôi muốn tắt nắng đi,
Cho màu đừng nhạt mất.
Tôi muốn buộc gió lại,
Cho hương đừng bay đi.

Tắt nắng, buộc gió là những điều con người không thể làm được, đó là những khát khao phi lí. Nhưng cái phi lí ấy lại có lí với trái tim của nhà thơ, bởi đó là trái tim đầy khao khát mãnh liệt, muốn sống đến trọn vẹn chữ “sống”, muốn giữ mãi cho mình những hương, những sắc của của cuộc đời. Mà cuộc đời trong cảm nhận của nhà thơ lại đẹp đẽ biết chừng nào, quý giá biết bao nhiêu. Nhà thơ thấy rằng trong cuộc sống, mọi thứ đều kì diệu, mỗi sự vật dù nhỏ bé đến đâu cũng đều dâng hiến cho đời những vẻ đẹp tinh túy nhất của mình:

Của ong bướm này đây tuần tháng mật,
Này đây hoa của đồng nội xanh rì,
Này đây lá của cành tơ phơ phất,
Của yến anh này đây khúc tình si
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi.

Bướm ong thì có tuần tháng mật đầy ngọt ngào, cuốn hút, đồng nội thì có vẻ đẹp của màu xanh mơn mởn và muôn hoa rực rỡ, cành tơ non thì có muôn lá rung rinh, ánh sáng bình minh như cái chớp mi của người đẹp…Những câu thơ có nhịp điệu thật nhanh, thật gấp gáp, sử dụng phép liệt kê, điệp ngữ, rất nhiều tính từ, cách liên tưởng táo bạo, đa tình. Cuộc sống trần gian hiện lên qua đó thật sống động, tươi tốt, đáng yêu, đáng sống, tràn ngập âm thanh, màu sắc tươi sáng, khai mở ra một thiên đường tồn tại chính trên cõi trần này. Với Xuân Diệu, cuộc đời lúc nào cũng tràn ngập niềm vui, mỗi ngày mới đến là niềm vui cũng gõ cửa ùa vào theo:

Mỗi buổi sớm thần Vui hằng gõ cửa

Niềm vui như một vị thần độ lượng, ban phát hạnh phúc cho từng người. Phải nói rằng trong thơ Việt Nam, chưa ai có cách cảm nhận cuộc sống, mùa xuân như cách cảm nhận của Xuân Diệu:

Tháng Giêng ngon như một cặp môi gần

Xuân Diệu chẳng lấy thiên nhiên làm chuẩn mực của cái đẹp khi so sánh với con người như thơ cổ mà lại lấy con người làm chuẩn mực để so sánh với vẻ đẹp của thiên nhiên. Nếu Nguyễn Du so vẻ đẹp của Thuý Vân-Thuý Kiều “Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da” thì Xuân Diệu lại liên tưởng “ Tháng Giêng ngon như một cặp môi gần”. Một cách so sánh rất riêng, rất táo bạo, đầy tình yêu đời nồng nhiệt rất Xuân Diệu. Ông thấy mùa xuân với bao vẻ đẹp sinh động của nó giống như cặp môi đỏ mọng của thiếu nữ đang kề gần. Cách so sánh này chứa đựng bao rung động tận đáy lòng, vừa có sự khao khát, thèm muốn, háo hức rất thiêng liêng mà cũng rất trần tục. Nhà thơ yêu cuộc sống đến si mê, cháy bỏng! Có một cuộc sống đẹp như thế để sống, có bao hương sắc tuyệt diệu như thế để tận hưởng, con người ta sẽ sung sướng biết bao. Nhưng, tựa như một cung nhạc đang vút cao, đến đây bỗng chùng xuống:

Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa.

Câu thơ bị ngắt làm hai, niềm vui sướng không được trọn vẹn. Bởi Xuân Diệu nhận ra rằng điều sung sướng ấy ngắn ngủi biết bao:

Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua,
Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già

Xưa nay, người ta chỉ tiếc những kỉ niệm khi nó đã trở thành quá khứ, tiếc xuân khi nó đã không còn. Ở đây, Xuân Diệu với sự nhạy cảm lạ lùng của nhà thơ yêu cuộc sống đến đắm say, ông tiếc mùa xuân ngày khi mùa xuân vẫn còn đang phơi phới. Vì nhà thơ biết rằng thời gian sẽ trôi qua nhanh, mà với những gì quý giá, với những vẻ đẹp, thời gian còn tàn nhẫn trôi nhanh hơn gấp bội, nhanh đến khủng khiêp, phũ phàng. Cái non trẻ, thắm tươi rồi sẽ chẳng mấy mà già nua, héo úa. Điều ấy lại ảnh hưởng vô cùng to lớn đến Xuân Diệu:

Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất

Câu thơ đầy cảm giác buồn bã. Nhà thơ phát hiện ra một điều bi thảm cho mình: mùa xuân trôi qua, tuổi trẻ sẽ trôi qua. Mà khi tuổi trẻ đã trôi qua thì cuộc đời nào còn ý nghĩa gì nữa. Bởi quý giá nhất của cuộc đời, đất trời là mùa xuân, quý giá nhất của con người là tuổi trẻ. Con người khao khát vẻ đẹp tồn tại vĩnh cửu, nhưng cuộc đời lại có những quy luật vô cùng chặt chẽ và nghiệt ngã:

Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật,
Không cho dài thời trẻ của nhân gian

Thời gian thì vô hồi vô hạn, nhưng đời người thì hữu hạn. Con người trong cái hữu hạn ấy trở nên thật nhỏ bé, tội nghiệp và mong manh. Bao người lí luận rằng xuân đi xuân đến, nhưng với Xuân Diệu, ông chẳng thể tự an ủi mình mà trái lại, càng xót xa hơn:

Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn,
Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại.
Còn trời đất nhưng chẳng còn tôi mãi,
Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời.

Mùa xuân của đất trời đẹp lắm, quý giá lắm, nhưng mùa xuân chỉ quý giá, chỉ đẹp khi con người biết hưởng, được hưởng vẻ đẹp của nó. Khi con người chẳng còn trẻ mà tận hưởng mùa xuân thì xuân cũng mất hết ý nghĩa. Những câu thơ của Xuân Diệu vì thế mà chuyển sang giọng điệu buồn bã:

Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi,
Khắp sông núi vẫn than thầm tiễn biệt.
Phải chăng hờn vì nỗi phải bay đi
Chim rộn ràng bỗng dứt tiếng reo thi,
Phải chăng sợ độ phai tàn sắp sửa

Tất cả đều buồn bã, đều mất hết ý vị, chỉ còn “rớm vị chia phôi”, chỉ biết “than thầm tiễn biệt”, chỉ còn “hờn dỗi phải bay đi”, chỉ “sợ độ phai tàn sắp sửa”. Trong thơ Việt Nam, ít ai có giọng thơ nuối tiếc thời gian, thương tiếc cuộc sống thiết tha dường ấy. Cũng vẫn gió lá hoa như đạo đầu nhưng đoạn trên rạo rực náo nức, đoạn này lại buồn thương ngậm ngùi, xót xa biết bao nhiêu. Nhà thơ kêu lên một cách tuyệt vọng:

Chẳng bao giờ! Ôi chẳng bao giờ nữa!

Nỗi đau đớn của Xuân Diệu phải sâu sắc lắm, cắt cứa lắm, thấm thía lắm thì mới bộc phát thành tiếng than kêu thống thiết dường ấy. Thời gian cứ mênh mông nhưng mùa xuân và tuổi trẻ của con người cứ ngắn ngủi. Con người chẳng thể làm được gì để biến cái hữu hạn của đời người thành cái vô hạn trường tồn cùng vũ trụ. Chỉ còn mỗi cách, đó là phải hối hả, phải đắm say mãnh liệt hơn, phải vội vàng thâu nhận đến mức độ cao nhất, nhiều nhất những vẻ đẹp nhân gian, những thứ quý giá của đời sống, của tuổi trẻ, mùa xuân. Xuân Diệu giục giã:

Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm
.........
Và non nước, và cây, và cỏ rạng.

Những câu thơ mạnh bạo, gấp gáp, giục giã như một dòng suối ào ạt tuôn chảy, tưởng chừng ngôn từ xô đẩy vào nhau, chen lấn nhau để cho kịp mạch cảm xúc đang bừng lên sôi nổi của nhà thơ. Những tiếng “ta muốn” láy đi láy lại mãi như một điệp khúc bất tận để khẳng định niềm khao khát cháy bỏng muốn sống đến tận cùng cảm giác của Xuân Diệu. Một loạt điệp từ được sử dụng theo mức độ tăng dần của khao khát: muốn ôm – muốn riết – muốn say – muốn thâu – muốn cắn thể hiện tâm trạng si mê đến cuồng nhiệt. Trong một câu thơ mà có đến ba hư từ “và” chứng tỏ Xuân Diệu nồng nhiệt đến rối rít, cuống quýt, như muốn cùng lúc dang tay ôm hết cả vũ trụ, cả cuộc đời, mùa xuân vào lòng mình. Sống như thế với Xuân Diệu mới thực là sống, mới đi đến tận cùng của niềm hạnh phúc được sống.

Cho chuếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng,
Cho no nê thanh sắc của thời tươi

Hạnh phúc của sự sống là mùi thơm, ánh sáng, thanh sắc. Tận hưởng cuộc đời chính là có được cảm nhận về những điều ấy ở độ tràn trề nhất. Xuân Diệu muốn tận hưởng cuộc sống cho đến “no nê”, “chuếnh choáng”, “đã đầy”. Trong niềm cảm hứng ở độ cao nhất, Xuân Diệu nhận ra cuộc đời, mùa xuân như một cái gì quý nhất, trọn vẹn như một trái đời đỏ hồng, chín mọng, thơm ngát, ngọt ngào, để cho nhà thơ tận hưởng trong niềm khao khát cao độ:

Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi

Câu thơ là đỉnh cao của những khao khát sống, của tình yêu sống rạo rực trong con tim nồng cháy của Xuân Diệu.

Bài thơ Vội vàng thể hiện tâm trạng đắm say bồng bột của một tấm lòng ham sống mãnh liệt. Bài thơ còn thể hiện một quan niệm sống sống gấp gáp vội vàng tận hưởng những hạnh phúc trần thế, một quan niệm sống lành mạnh và tích cực so với đương thời. Bài thơ là một sáng tác tiêu biểu cho phong cách thơ trẻ trung tươi mới của “nhà thơ của tình yêu”, bài thơ rất tự do, hình ảnh giàu sức gợi, giàu nhạc điệu và cách liên tưởng rất hiện đại. Tâm trạng yêu đời, yêu sống đến cuồng nhiệt trong tác phẩm khẳng định tư tưởng nhân văn của nhà thơ. Cho đến nay, nội dung thúc giục mọi người sống có nghĩa trong cuộc sống thực tại của bài thơ vẫn còn bao ý nghĩa với thế hệ trẻ.

Qua Vội vàng ta không chỉ thất quan niệm sống tràn ngập tình yêu của Xuân Diệu mà ta qua đó ta còn hiểu thêm về quan niệm nhân sinh của Xuân Diệu trong bài thơ Vội vàng vô cùng sâu sắc nữa.

Phân tích quan niệm sống vội vàng của Xuân Diệu (mẫu 10)

Nhắc đến phong trào Thơ Mới không thể không nhắc đến nhà thơ Xuân Diệu - nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới. Thơ Xuân Diệu được hun đúc bởi một tâm hồn thiết tha rạo rực, một tâm hồn cháy bỏng với cuộc đời và sự sống. Bởi vậy, trong thơ ông đâu chỉ đẹp thôi mà thơ ông còn tình nữa, nó gửi gắm biết bao tâm sự, bao nỗi lòng, bao khát khao và quan niệm nhân sinh của người thi sĩ. Với bài thơ "Vội vàng" in trong tập Thơ thơ, Xuân Diệu đã viết nên một quan niệm đấy triết lí trong đời sống đó là quan niệm sống vội vàng.

 

Sống vội vàng nghĩa là sống gấp gáp, nhanh chóng, khẩn trương, sống thúc giục, hối hả. Sống không chần chừ, do dự. Và Xuân Diệu cũng thế, ông muốn mình được sống trọn vẹn trong từng giây phút thực tại của cuộc đời. Triết lí ấy được thể hiện rõ qua chính nhan đề mà ông lựa chọn đặt cho bài thơ - Vội vàng. Đó là cách sống tận hưởng cuộc sống, tận hưởng mọi lúc, mọi thời khắc của đời người, sống cuống quýt hết mình với từng phút giây. Ông khát khao được thoả mình hưởng thụ những tinh hoa của thiên nhiên vạn vật với nét đẹp nao lòng, Ông phải sống vội, bởi Xuân Diệu biết rằng thời gian là hữu hạn, đời người thì ngắn ngủi, không sống vội vàng liệu có bắt kịp tuổi trẻ, thanh xuân:

"Xuân đang tới, nghĩa là xuân đang qua,
Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già,
Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất.
Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật,
Không cho dài thời trẻ của nhân gian,
Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn,
Nếu đến nữa không phải rằng gặp lại."

Thời gian dài thật đấy nhưng đời người ngắn ngủi, ai biết được rồi sẽ ra sao, xuân đến xuân qua như quy luật của tạo hoá, người lại thêm tuổi tác. Bởi vậy, ông chọn cách sống vội để có thể có trọn vẹn những khoảnh khắc tuyệt vời, để khỏi hối tiếc thời gian qua đi. Sự chảy trôi của dòng thời gian khiến con người lại càng ý thức hơn cách sống cho chính mình, bởi vậy mà Xuân Diệu lại càng mãnh liệt hơn, khát khao hơn trong cuộc sống:

"Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất;
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi."

Điều ước muốn ấy những tưởng phi lý nhưng thực ra rất có lý, rất khác thường có phần kỳ lạ. Nhưng thiên nhiên đẹp tuyệt vời thế kia, người thi sĩ làm sao không khỏi nuối tiếc ngậm ngùi khi lỡ mất, bởi vậy mà ông muốn được tắt ánh nắng giữ màu tươi sáng của mặt trời, muốn buộc làn gió để giữ hương sắc cỏ cây kia được bền lâu mãi mãi. Đó là sự trân quý, yêu thiên nhiên và ham muốn lưu giữ những đẹp đẽ của tạo hoá ban tặng con người.

"Của ong bướm này đây tuần trăng mật;
Này đây hoa của đồng nội xanh rì;
Này đây lá của cành tơ phơ phất;
Của yến anh này đây khúc tình si.
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi;
Mỗi sáng sớm, thần vui hằng gõ cửa;
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần";

Chốn dương gian như một thiên đường nơi cõi trần tuyệt mỹ, đẹp đến xốn xang. Khúc nhạc hòa ca với vẻ đẹp tròn đầy nhất, viên mãn nhất của mùa xuân với đủ những âm thanh sắc màu tươi đẹp, có ong bướm, có hoa, có lá cành tơ, có nàng yên anh hót khúc tình ca và rợn ngợp hạnh phúc của thần Vui mỗi sáng. Tất cả dường như thật trọn vẹn, hữu tình, như ý. Bởi mùa xuân đẹp đến thế, yêu đến thế mà khiến lòng người thổn thức, sung sướng ngập tràn và mãi mãi không muốn mất đi. Muốn giữ lại tất cả những ngào ngạt của chốn bồng lai nơi mặt đất. Nhưng dù có sung sướng, có mãn nguyện hay nhiệt thành đến đâu tác giả vẫn ý thức được phải sống vội để giữ lấy tất thảy những yêu thương ấy:

"Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa"

Càng sợ hãi trước thời gian, càng lo sợ trước tương lai ông lại càng muốn sống hết mình cho hiện tại, vội vàng nhưng tinh nhạy, vội mà không hư ảo, vội là để giữ tròn đầy nhất những gì tuyệt đẹp cho bản thân, cho đất trời tạo hoá:

" Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân"
Mau đi thôi mùa chưa ngả chiều hôm
Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng"

Không chờ ngày mai mới tiếc nuối ngày hôm qua, tiếc nuối dĩ vãng tươi đẹp. Từ ý thức biến thành hành động, tác giả muốn tận hưởng hết ngay bây giờ, ngay lúc này, muốn chiếm hữu hết vẻ đẹp, sức hấp dẫn của mùa xuân xanh, của tuổi trẻ. Muốn được ôm những sự sống mơn mởn, muốn được riết lấy làn làn mây và khúc gió dạo giữa trời xanh, muốn hôn lên ánh nắng buổi chiều hôm cho thoả lòng khao khát. Tận hưởng cho đã đầy dư vị của đời sống thân yêu:

"Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng
Cho no nê thanh sắc của thời tươi;
- Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!"

Mọi giác quan đều được ông thức tỉnh để nếm trọn nét đẹp của mùa xuân, của đời sống. Xuân hồng như một tình nhân bé nhỏ của thi nhân, rực rỡ, dịu ngọt, mà không kém phần đằm thắm, thương yêu. Xuân càng đẹp khiến tác giả lại càng không thể chần chừ hơn, do dự hay đắn đo suy nghĩ nữa mà phải nhanh chóng tận hưởng và sống, sống trọn vẹn nhất ngày hôm nay. Sống cuống quýt, hối hả, rối rít như muốn dang rộng vòng tay nhỏ bé của mình mà ôm lấy vũ trụ tươi đẹp bao la ấy. Xuân Diệu quả thực phải có một tâm hồn rất đời và rất người mới có những vần thơ tràn trề sinh lực và đầy sức sống như thế.

Tôi vẫn thường hay tự hỏi, sống vội để làm gì nhỉ?, liệu khi sống vội ta có đánh mất chính mình hãy không khi ngoài kia đầy rẫy những chông gai, cám dỗ. Nhưng đọc xong Vội vàng của Xuân Diệu, tôi lại càng hiểu hơn sự cần thiết của cách sống ấy, đó là một lối sống lành mạnh và đầy tích cực. Hãy sống, tận hưởng và cống hiến hết mình cho thực tại thân yêu, cho cộng đồng đất nước. Sống trong từng thời khắc phải có ý nghĩa, làm đẹp cho tâm hồn chính mình và cho cuộc sống thân yêu. Sống vội nhưng phải là lối sống mang lại sự tích cực cho bản thân và xã hội.

Phân tích quan niệm sống vội vàng của Xuân Diệu (mẫu 11)

Nhắc đến phong trào Thơ Mới không thể không nhắc đến nhà thơ Xuân Diệu – nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới. Thơ Xuân Diệu được hun đúc bởi một tâm hồn thiết tha rạo rực, một tâm hồn cháy bỏng với cuộc đời và sự sống. Bởi vậy, trong thơ ông đâu chỉ đẹp thôi mà thơ ông còn tình nữa, nó gửi gắm biết bao tâm sự, bao nỗi lòng, bao khát khao và quan niệm nhân sinh của người thi sĩ. Với bài thơ “Vội vàng” in trong tập Thơ thơ, Xuân Diệu đã viết nên một quan niệm đấy triết lí trong đời sống đó là quan niệm sống vội vàng.

Sống vội vàng nghĩa là sống gấp gáp, nhanh chóng, khẩn trương, sống thúc giục, hối hả. Sống không chần chừ, do dự. Và Xuân Diệu cũng thế, ông muốn mình được sống trọn vẹn trong từng giây phút thực tại của cuộc đời. Triết lí ấy được thể hiện rõ qua chính nhan đề mà ông lựa chọn đặt cho bài thơ – Vội vàng. Đó là cách sống tận hưởng cuộc sống, tận hưởng mọi lúc, mọi thời khắc của đời người, sống cuống quýt hết mình với từng phút giây. Ông khát khao được thoả mình hưởng thụ những tinh hoa của thiên nhiên vạn vật với nét đẹp nao lòng, Ông phải sống vội, bởi Xuân Diệu biết rằng thời gian là hữu hạn, đời người thì ngắn ngủi, không sống vội vàng liệu có bắt kịp tuổi trẻ, thanh xuân:

“Xuân đang tới, nghĩa là xuân đang qua,
Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già,
Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất.
Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật,
Không cho dài thời trẻ của nhân gian,
Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn,
Nếu đến nữa không phải rằng gặp lại.”

Thời gian dài thật đấy nhưng đời người ngắn ngủi, ai biết được rồi sẽ ra sao, xuân đến xuân qua như quy luật của tạo hoá, người lại thêm tuổi tác. Bởi vậy, ông chọn cách sống vội để có thể có trọn vẹn những khoảnh khắc tuyệt vời, để khỏi hối tiếc thời gian qua đi. Sự chảy trôi của dòng thời gian khiến con người lại càng ý thức hơn cách sống cho chính mình, bởi vậy mà Xuân Diệu lại càng mãnh liệt hơn, khát khao hơn trong cuộc sống:

“Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất;
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi.”

Điều ước muốn ấy những tưởng phi lý nhưng thực ra rất có lý, rất khác thường có phần kỳ lạ. Nhưng thiên nhiên đẹp tuyệt vời thế kia, người thi sĩ làm sao không khỏi nuối tiếc ngậm ngùi khi lỡ mất, bởi vậy mà ông muốn được tắt ánh nắng giữ màu tươi sáng của mặt trời, muốn buộc làn gió để giữ hương sắc cỏ cây kia được bền lâu mãi mãi. Đó là sự trân quý, yêu thiên nhiên và ham muốn lưu giữ những đẹp đẽ của tạo hoá ban tặng con người.

“Của ong bướm này đây tuần trăng mật;
Này đây hoa của đồng nội xanh rì;
Này đây lá của cành tơ phơ phất;
Của yến anh này đây khúc tình si.
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi;
Mỗi sáng sớm, thần vui hằng gõ cửa;
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”;

Chốn dương gian như một thiên đường nơi cõi trần tuyệt mỹ, đẹp đến xốn xang. Khúc nhạc hòa ca với vẻ đẹp tròn đầy nhất, viên mãn nhất của mùa xuân với đủ những âm thanh sắc màu tươi đẹp, có ong bướm, có hoa, có lá cành tơ, có nàng yên anh hót khúc tình ca và rợn ngợp hạnh phúc của thần Vui mỗi sáng. Tất cả dường như thật trọn vẹn, hữu tình, như ý. Bởi mùa xuân đẹp đến thế, yêu đến thế mà khiến lòng người thổn thức, sung sướng ngập tràn và mãi mãi không muốn mất đi. Muốn giữ lại tất cả những ngào ngạt của chốn bồng lai nơi mặt đất. Nhưng dù có sung sướng, có mãn nguyện hay nhiệt thành đến đâu tác giả vẫn ý thức được phải sống vội để giữ lấy tất thảy những yêu thương ấy:

“Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa”

Càng sợ hãi trước thời gian, càng lo sợ trước tương lai ông lại càng muốn sống hết mình cho hiện tại, vội vàng nhưng tinh nhạy, vội mà không hư ảo, vội là để giữ tròn đầy nhất những gì tuyệt đẹp cho bản thân, cho đất trời tạo hoá:

” Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân”
Mau đi thôi mùa chưa ngả chiều hôm
Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng”

Không chờ ngày mai mới tiếc nuối ngày hôm qua, tiếc nuối dĩ vãng tươi đẹp. Từ ý thức biến thành hành động, tác giả muốn tận hưởng hết ngay bây giờ, ngay lúc này, muốn chiếm hữu hết vẻ đẹp, sức hấp dẫn của mùa xuân xanh, của tuổi trẻ. Muốn được ôm những sự sống mơn mởn, muốn được riết lấy làn làn mây và khúc gió dạo giữa trời xanh, muốn hôn lên ánh nắng buổi chiều hôm cho thoả lòng khao khát. Tận hưởng cho đã đầy dư vị của đời sống thân yêu:

“Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng
Cho no nê thanh sắc của thời tươi;
– Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!”

Mọi giác quan đều được ông thức tỉnh để nếm trọn nét đẹp của mùa xuân, của đời sống. Xuân hồng như một tình nhân bé nhỏ của thi nhân, rực rỡ, dịu ngọt, mà không kém phần đằm thắm, thương yêu. Xuân càng đẹp khiến tác giả lại càng không thể chần chừ hơn, do dự hay đắn đo suy nghĩ nữa mà phải nhanh chóng tận hưởng và sống, sống trọn vẹn nhất ngày hôm nay. Sống cuống quýt, hối hả, rối rít như muốn dang rộng vòng tay nhỏ bé của mình mà ôm lấy vũ trụ tươi đẹp bao la ấy. Xuân Diệu quả thực phải có một tâm hồn rất đời và rất người mới có những vần thơ tràn trề sinh lực và đầy sức sống như thế.

Tôi vẫn thường hay tự hỏi, sống vội để làm gì nhỉ?, liệu khi sống vội ta có đánh mất chính mình hãy không khi ngoài kia đầy rẫy những chông gai, cám dỗ. Nhưng đọc xong Vội vàng của Xuân Diệu, tôi lại càng hiểu hơn sự cần thiết của cách sống ấy, đó là một lối sống lành mạnh và đầy tích cực. Hãy sống, tận hưởng và cống hiến hết mình cho thực tại thân yêu, cho cộng đồng đất nước. Sống trong từng thời khắc phải có ý nghĩa, làm đẹp cho tâm hồn chính mình và cho cuộc sống thân yêu. Sống vội nhưng phải là lối sống mang lại sự tích cực cho bản thân và xã hội.

Phân tích quan niệm sống vội vàng của Xuân Diệu (mẫu 12)

Một người rất hiểu và rất yêu thơ Xuân Diệu trước Cách Mạng là nhà phê bình Hoài Thanh đã từng nhận xét rằng “ Nhà thơ ấy đã thể hiện đúng tâm hồn mình, đúng là mình nhất khi viết ra những dòng thơ diễn tả những rung động tinh tế, mong manh, mơ hồ, những rung động không dễ gọi tên và càng không dễ gì nắm bắt “, ví dụ như:

Mây biếc về đâu bay gấp gấp
Con cò trên ruộng cánh phân vân

Những nhận xét ấy chắc hẳn phải có căn cứ, có cơ sở. Tuy nhiên, với phần lớn độc giả, Xuân Diệu trước hết vẫn là thi sĩ của lòng đam mê nồng cháy, của tình yêu cuồng si đối với cuộc đời, một con người muốn được giao cảm, giao hoà hết mình cùng tạo vật. Người đã kêu lên tiếng gọi tha thiết, giục giã về sự sống gấp để tận hưởng hết những lạc thú của cuộc đời. Và nếu phải kể một bài thơ tiêu biểu nhất cho một hồn thơ như thế, thì chắc trong chúng ta không ai không lập tức nhớ ngay đến một bài thơ - “ Vội vàng “.

Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất;
Tôi muốn buộc gió lại,
Cho hương đừng bay đi.
Của ong bướm này đây tuần tháng mật,
Này đây hoa của đồng nội xanh rì,
Này đây lá của cành tơ phơ phất;
Của yến anh này đây khúc tình si,
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi.
Mỗi sáng sớm thần Vui hằng gõ cửa;
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần.
Tôi sung sướng.

Xúc cảm vội vàng dường như đã được thể hiện ở khổ đầu tiên của bài thơ : khổ thơ năm chữ duy nhất trong bài thơ mà phần lớn là những câu thơ tám chữ. Thể loại thơ tám chữ gợi cho ta nghĩ đến cách nói vốn có của ca trù và cách sử dụng của Xuân Diệu cùng thể hiện một nét mới của thơ mới. Còn cách đặt những câu thơ ngắn trong trường hợp này làm nên giọng điệu gấp gáp giống như một hơi thở hối hả của một con người đang tràn đầy cảm xúc. Mặt khác, Xuân Diệu đã đặt ở đầu tiên những câu lẻ hai chữ “ tôi muốn ”, và chủ đề trữ tình lập tức xuất hiện. Nhà thơ thể hiện cái tôi công khai, ngang nhiên không lẩn tránh hay giấu giếm, cái tôi đầy thách thức, đi ngược lại với thơ ca trung đại, nơi rất ít dám thể hiện cái Tôi. Cách nhà thơ công nhiên khiêu khích thẩm mĩ thơ của thời đại trước, chính là để thể hiện cái tôi trong một khao khát lớn lao, cái tôi muốn đoạt quyền tạo hoá để làm những việc mà chỉ tạo hoá mới làm được như “ tắt nắng đi “ và “buộc gió lại “. Nhưng trong cách diễn đạt của nhà thơ thì “tắt nắng” và “buộc gió” không phải là ý muốn cuối cùng, vì những câu chẵn của khổ thơ đều bắt đầu bằng một chữ “cho”.

Cho màu đừng nhạt mất,......
Cho hương đừng bay đi.

Khát vọng ngông cuồng kia cũng xuất phát từ mong muốn giữ lại cái đẹp đẽ cho sự sống. Những câu thơ gợi cảm giác lo âu rằng cái đẹp sẽ giảm hương sắc đi, màu nắng sẽ bớt rực rỡ nếu nắng cứ toả, và làn hương kia sẽ bớt nồng nàn nếu gió cứ bay. Nhưng mong muốn càng trở nên thiết tha hơn khi nhà thơ dùng đến hai lần chữ “đừng” - chứa đựng một nguyện vọng thiết tha. Từng chữ một của bốn câu thơ đều nói lên nỗi ham sống đến vô biên, tột cùng đến trở nên cuồng si, tham lam, muốn giữ lại cho mình và cho đời vẻ đẹp, sự sống ở trong tạo vật.

Câu thơ thứ năm đang từ nhịp điệu gấp gáp của những dòng năm chữ, thì đột ngột đổ tràn ra trong những dòng tám chữ. Một sự chuyển đổi rất đẹp của bài thơ, làm trải ra trước mắt người đọc một bức tranh xuân tuyệt diệu. Trong bốn dòng thơ ấy đầy ắp những tiếng “này đây” rải ra khắp các dòng thơ, vừa trùng điệp vừa biến hoá. Những câu thơ gợi hình dung về một con người đang mê man, đắm đuối, cuống quýt trước mùa xuân đang trải ra cuộc đời. Đó không chỉ là một bức tranh xuân, xuân sắc, xuân tình mà còn là cách để tác giả nói đến cái mê đắm về một mùa xuân của tuổi trẻ, của tình yêu. Vì vậy, không có một loài vật nào khác ngoài “ong bướm, yến anh”, bởi nó gợi ra vẻ lả lơi, tình tứ,và “bướm lả ong lơi “ gợi ý niệm về mùa xuân và tình yêu. Khúc nhạc của tình yêu, và hơn thế, “của tình si”, gợi nên sự mê đắm. Bên cạnh đó, chữ “của” trở đi trở lại cùng với “này đây” như một cặp không thể tách rời. Đó là cách để Xuân Diệu biểu hiện cảm xúc trước thiên nhiên luôn có sự kết đôi, mọi vật quấn quýt lấy nhau, là của nhau không thể tách rời. Tất cả đều mang vẻ đẹp của sự trẻ trung và sức sống. “ Hoa “ nở trên nền “ xanh rì “ của đồng nội bao la, “lá ” của “ cành tơ ” đầy sức trẻ và nhựa sống. Cảm giác non tơ, mơn mởn ấy lại được tôn lên trong sự hiệp vần “ tơ phơ phất ” ở sau. Và như thế, cuộc sống hiện ra trong hình ảnh của một vườn địa đàng, trong xúc cảm của một niềm vui trần thế. Giá trị nhân văn của những câu thơ và cả bài thơ chính là ở đó.

Nếu như bốn câu thơ trên có vẻ như đã cân xứng, hoàn chỉnh rồi, thì câu thơ thứ chín xuất hiện bằng ba chữ “ và này đây ”, như thể một người vẫn còn chưa thỏa, chưa muốn dừng lại, trong cảm xúc đầy tiếc nuối muốn giăng bày cho hết niềm vui được sống. Nhưng đây không còn là những hình sắc cụ thể như “lá, hoa, ong bướm “ mà trừu tượng hơn là ánh sáng, niềm vui, thời gian - những vật thể không hữu hình. Đó cũng là cách để nhà thơ bộc lộ quan điểm thẩm mĩ mới mẻ và thú vị . Thiên nhiên đã thôi không còn là chuẩn mực của vẻ đẹp trong quan niệm của Xuân Diệu. Vẻ đẹp của thiên nhiên chỉ được coi là đẹp khi mang dáng dấp của vẻ đẹp con người. Ánh sáng đẹp vì gợi ra liên tưởng về “hàng mi” của một đôi mắt đẹp. Niềm vui đẹp vì gợi ra liên tưởng về một vị thần, đại diện cho con người. Và xúc cảm thẩm mĩ được nâng lên trong câu thơ về tháng giêng, gợi nên vẻ đẹp của sự táo bạo, cuồng nhiệt, làm người đọc thơ phải sửng sốt.

Tháng giêng ngon như một cặp môi gần.

Mùa xuân hiện ra trong sức gợi cảm kì lạ bởi một vẻ đẹp như đang đợi chờ , đang sẵn sàng dâng hiến. Vì thế, mùa xuân như sinh ra cho con người tận hưởng, cho hạnh phúc đến với con người, làm nên một khía cạnh khác nữa của tinh thần nhân văn của bài thơ. Ở đó, cái quí giá, đẹp đẽ nhất của con người lại là chính con người. Vì vậy, con người là thực thể cao nhất, chứ không phải là thiên nhiên, là tôn giáo hay một chuẩn mực đạo đức nào. Con người trong câu thơ này đã được tôn lên làm chuẩn mực thẩm mĩ, làm cho người đọc ngạc nhiên, sửng sốt. Tác giả đưa ra ý niệm về một tháng trẻ trung nhất của một mùa trẻ trung nhất trong năm : “ tháng giêng “. Nhưng sự bất ngờ lại đến từ chữ thứ ba - “ngon”, điều mà ít ai có thể ngờ. Và càng không ai có thể nghĩ rằng tác giả lại so sánh với “cặp môi gần”. Nhưng có được sự so sánh ấy thì thời gian trừu tượng mới trở nên gần gũi, do vậy mùa xuân hiện lên trong cảm xúc của một tâm hồn đang thèm khát tận hưởng. Vẻ đẹp của mùa xuân như đã bị hoàn toàn chiếm hữu.

Hình ảnh so sánh ấy như một người đang đợi chờ, sẵn sàng dâng hiến cho tình yêu. Và hẳn phải có một tình yêu thật nồng nàn với cuộc đời thì tác giả mới tạo ra được một hình ảnh lạ kì đến thế.

“Tôi sung sướng”

Những tiếng tất yếu được thốt lên sau tất cả những gì viết ở trên. Nhưng sau ba chữ ấy lại là một dấu chấm ở giữa câu, khiến cho niềm sung sướng ấy như bị ngắt lại, chặn lại giữa chừng để trở thành một niềm vui dở dang, không trọn vẹn. Bởi sau dấu chấm là một chữ “ nhưng “ dự báo một cảm xúc hoàn toàn mới lạ. Cái ám ảnh của sự vội vàng xuất hiện ở nửa sau . Nhà thơ dường như không thể tận hưởng hết được mùa xuân vì cái cảm giác hoài xuân ngay khi mùa xuân chưa hết. Và cảm xúc của nhà thơ đã đi sang một phía ngược lại, xuất hiện một phản đề :

Nhưng vội vàng một nửa.

Ai đã được nghe hai câu đầu của sự phản đế cũng đều có ấn tượng sâu sắc.

Xuân đương đến nghĩa là xuân đương qua
Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già.

Sự mới mẻ, táo bạo, sự phát hiện lớn nhất của hai câu thơ lại được nằm ở hai chữ tưởng như rất bình thường “ nghĩa là “, khiến cho câu thơ mang dáng dấp của một đẳng thức nghệ thuật. Tác giả đã mạnh bạo đặt một dấu bằng ở hai vế tưởng như trái ngược nhau :“đang tới” đối với “đang qua”, “non” nghịch với “già”. Cách nói đầy ấn tượng như thế làm nên sự trôi mau vô cùng của thời gian. Điều ấy càng có ý nghĩa với một người mà sự sống đồng nghĩa với tuổi xuân, được thể hiện với đẳng thức thứ ba :

Và xuân hết nghĩa là tôi cũng mất.

Ở đây mùa xuân còn là chỉ mùa của tình yêu, tuổi trẻ. Xúc cảm ấy khơi nguồn cho một loạt những câu tiếp theo. Nhà thơ như muốn đảo ngược lại hết những quan niệm thông thường:

Lòng tôi rộng nhưng lượng trời cứ chật.

Bây giờ đối tượng của “rộng” không còn là trời đất mà là cá nhân “tôi”, và cái bé nhỏ không còn là con người, mà lại là “trời đất”. Song điều đáng nói lại là cái gì đã qua đi thì sẽ không bao giờ trở lại. Nhà thơ đang nhìn cái nhìn nhân danh cái tôi, cất lên lời oán trách, lo lắng đôi với tự nhiên và tạo hoá.

Không cho dài thời trẻ của nhân gian
Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn
Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại.
Còn trời đất nhưng chẳng còn tôi mãi
Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời.

Trời đất có nghĩa gì đâu khi tuổi trẻ của tôi không kéo dài. Mùa xuân tuần hoàn có nghĩa gì đâu khi tuổi xuân của tôi không tuần hoàn. Nhà thơ đã đem cái khát khao vô cùng của tuổi xuân tạo nên cho bài thơ sự mới mẻ.

Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi
Khắp sông núi vẫn than thầm tiễn biệt.
Cơn gió xinh thì thào trong lá biếc.

Phải chăng hờn vì nỗi phải bay đi.Chim rộn ràng bỗng đứt tiếng reo thi.Hình ảnh của gió, của chim quay trở lại, nhưng lại không mang ý nghĩa về vẻ đẹp nồng nàn của sự sống như ở phần đầu. Những hình ảnh ấy bây giờ đều nhuốm vẻ luyến tiếc, chia phôi. Gió vẫn đẹp đến mê hồn - “thì thào trong lá biếc” nhưng vẫn bay đi. Chim vẫn hót như một “khúc cuồng si “ nhưng lại báo trước một sự phai tàn. Những điệp khúc ấy dâng lên thành một nỗi ám ảnh :

Chẳng bao giờ, ôi, chẳng bao giờ nữa...

Nhưng con người ham sống trong Xuân Diệu không dễ dàng khuất phục sự sắp đặt của tạo hoá, chính vì vậy cái “tôi” đã tìm ra được phương hướng để giải quyết một vấn đề không dễ gì giải quyết - đó là cách sống “vội vàng”. Nếu không thể kéo dài được trường độ sống thì nhà thơ đề nghị tăng tốc độ và cường độ sống. Vì thế, đề từ của đoạn thơ bắt đầu bằng một hiệu lệnh của sự giục giã, vội vàng.

Mau đi thôi ! Mùa chưa ngả chiều hôm.
Ta muốn ôm Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và mây, và cỏ rạng;
Cho chuếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng.
Cho no nê thanh sắc của trời tươi;
-Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi.

Những chữ “muốn” ở đầu bài thơ quay lại, nhưng nhiều hơn, dồn dập hơn, cuống quýt hơn. Mà bây giờ “muốn” không còn là của “tôi” mà là của “ta”. Sự vội vàng kích thích con người lớn rộng hơn để có thể ôm choàng cả cuộc đời. Bằng cách ấy, “ta” được hình dung như một cơ thể của một người vô cùng thân thiết, mến yêu, một thân thể mang vẻ trẻ trung đến mơn mởn, đến rạng ngời, nồng thắm, và nhà thơ viết “cỏ rạng, xuân nồng”. Tác giả dường như muốn được tận hưởng hết cuộc đời đẹp đẽ trong những cử chỉ mãnh liệt, nồng nàn nhất, mỗi lúc một tăng lên : “ôm - riết - thâu trong một cái hôn nhiều “.

Điều ấy thể hiện một Xuân Diệu muốn hưởng thụ mùa xuân như một bữa tiệc đời, để được “chuếnh choáng, đã đầy, no nê “. Và câu thơ cuối được xem như táo bạo nhất trong những câu thơ táo bạo :

Hỡi xuân nồng, ta muốn cắn vào ngươi.

Câu thơ biểu lộ một trạng thái tột đỉnh của niềm yêu mến mùa xuân và cuộc sống này. Ý thơ của Xuân Diệu có lẽ cũng chịu ảnh hưởng ít nhiều một ý thơ của nữ thi sĩ Pháp, Anna de Nowai. Bởi nhà thơ như cũng muốn để lại dấu răng của mình trên trái táo thời gian.

Phân tích quan niệm sống vội vàng của Xuân Diệu (mẫu 13)

Nhà thơ được Hoài Thanh đánh giá là “Nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới” chính Xuân Diệu không ai khác. Thơ ông là một nguồn sống dào dạt tràn đầy xuân sắc xuân tình của một thi nhân yêu say đắm tình yêu, cuộc đời và biết trân trọng, tận hưởng vẻ đẹp cuộc sống. Tiêu biểu cho phong cách thơ Xuân Diệu là bài thơ “Vội vàng” thể hiện quan niệm sống vội vàng rất mới mẻ, có ý nghĩa. Vậy tại sao Xuân Diệu lại có được điều đó ta cùng tìm hiểu bài thơ để làm rõ lối sống vội của thi nhân.

Vội vàng là một tính từ để chỉ sự nhanh chóng, gấp gáp. Theo Xuân Diệu sống vội là sống nhanh, sống gấp để tận lực cống hiến, tận tâm tận hưởng, thưởng thức vẻ đẹp tạo hóa ban tặng. Sống vội vàng trong quan niệm của ông là lối sống tích cực khác với cách sống gấp của một số bạn trẻ hiện nay vội chạy theo giá trị vật chất, vội sống để hưởng thụ mà quên mất làm việc, vội chạy theo xu thế thời thượng mà sa đà vào lối sống tiêu cực vô nghĩa. Chính quan niệm vội vàng của Xuân Diệu đã thức tỉnh cho ai đã lầm lối, mở đường cho ai đang bơ vơ đi tìm lẽ sống đích thực.

Vậy tại sao Xuân Diệu lại có được lối sống mang ý nghĩa nhân sinh sâu sắc như vậy? Ông là nhà thơ luôn khao khát giao hòa, giao cảm với cuộc đời, yêu tha thiết sự sống xung quanh mình. Xuân Diệu phát hiện ra vẻ đẹp tạo hóa ban tặng cho chúng ta, thi sĩ như người hướng dẫn viên du lịch đưa ta du ngoạn ngắm cảnh đẹp hết chốn nọ đến chỗ kia: là vẻ đẹp của ong bướm trong tuần tháng mật, hoa của đồng nội xanh rì, lá của cành tơ phơ phất, khúc tình si của yến anh, ánh sáng chớp hàng mi, thần Vui gõ của mỗi sáng sớm và tuyệt vời nhất là vẻ đẹp của tháng giêng được thi sĩ so sánh ngon như cặp môi gần của tình yêu. Những vẻ đẹp ấy không phải tìm ở đâu xa mà nó là “bữa tiệc ngon”, là chốn bồng lai tiên cảnh giữa trần gian. Nó không phải là vẻ đẹp đặc trưng cho một vùng quê như thơ Nguyễn Khuyến, Hàn Mặc Tử hay vẻ đẹp “Tràng giang” của Huy Cận mà thiên nhiên trong thơ Xuân Diệu có ở bất cứ nơi nào, vùng quê nào bởi nét đẹp bình dị xung quanh ta. Thi nhân sung sướng tận hưởng, thỏa mãn chìm đắm trong thiên nhiên nhưng ông cũng “vội vàng một nửa”, ông bồi hồi nuối tiếc cảnh sắc đất trời trong những phút giây căng tràn nhựa sống trong khoảnh khắc tươi đẹp khi xuân sang.

Thi sĩ sống vội vàng là bởi ông nhận ra quy luật trôi chảy khắc nghiệt và sự tàn phá của thời gian. Nếu như trong văn học trung đại các nhà thơ quan niệm thời gian là tuần hoàn, xoay vòng còn đối với Xuân Diệu đó là thời gian tuyến tính một đi không trở lại: “Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua/ Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già/ Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất”. Nếu người khác cảm nhận mùa xuân qua đi khi hạ đến còn nhà thơ không cần đợi nắng đến mới hoài xuân mà ông nuối tiếc mùa xuân ngay cả khi nó đang hiện hữu. Đối với ông xuân đang đến nghĩa là đang qua, xuân còn non rồi cũng già, thậm chí là xuân hết nhà thơ cũng mất. Xuân Diệu yêu quý mùa xuân của thiên nhiên đất trời, màu xuân của tuổi trẻ với ông tuổi trẻ qua đi cuộc đời trở nên vô nghĩa. Tuổi trẻ là quãng thời gian tươi đẹp, ý nghĩa, hạnh phúc nhất của đời người. Câu thơ mang ý nghĩa nhân sinh sâu sắc tác giả như muốn gửi gắm lời nhắn nhủ đến bạn đọc hãy biết trân trọng từng khoảnh khắc của thời gian, nhất là mấy năm ngắn ngủi thanh xuân, khoảng thời gian ấy ta có sức khỏe, có ý chí, có niềm tin và có cơ hội để thử thách bản thân, để cho mình được “thất bại” để thấy cuộc đời có ý nghĩa vô cùng. Nhà thơ ám ảnh trước sự tàn phá của thời gian khiến cho mọi vật đều được nhân hóa hiện hữu lên như con người cũng biết buồn vui, tủi hờn, đều biết lo sợ bởi khoảnh khắc qua đi của mùa xuân. Nên kết thúc cho mạch cảm xúc là thán từ ôi và dấu chấm than, cùng với dấu ba chấm biểu đạt ý chưa nói hết thể hiện tâm trạng nuối tiếc đến tột cùng của tác giả: “Chẳng bao giờ, ôi! Chẳng bao giờ nữa…”

Vì cảnh sắc trời xuân quá đẹp nên nhà thơ muốn “tắt nắng”, “buộc gió” muốn can thiệp vào quy luật của tạo hóa để lưu giữ hương sắc tươi đẹp của đất trời. Đó là một ước muốn táo bạo, nghe có vẻ phi lí nhưng đứng trong hoàn cảnh, tâm trạng thi nhân ta mới thấy nó có nghĩa có lí vô cùng. Thi nhân đang tiếc nuối cho thanh xuân của đất trời và con người nên cất tiếng kêu gọi “Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm” ta đã từng bắt gặp lời thúc giục ấy trong câu thơ: “Mau với chứ vội vàng lên với chứ/ Em em ơi, tình non sắp già rồi”. Lúc nào trong tâm thức Xuân Diệu cũng muốn hưởng trọn thanh sắc của thiên nhiên, ông muốn ôm, muốn riết, muốn say, muốn thâu và tột đỉnh là muốn cắn vào xuân hồng. Hàng loạt các động từ được sắp xếp theo mức độ tăng tiến cho thấy khao khát cháy bỏng của nhà thơ muốn hòa mình, tan chảy vào thiên nhiên để tận hưởng trọn vẹn. Nếu không phải một con người yêu tha thiết cuộc sống, say đắm trước vẻ đẹp của đất trời làm sao có thể viết nên những vần thơ tuyệt mĩ như vậy. Chưa có một hồn thơ nào mà thiên nhiên lại rạo rực tràn đầy sức sống mãnh liệt như trong bài thơ “Vội vàng”.

Như vậy qua tác phẩm ta có thể thấy được quan niệm sống vội vàng tích cực đáng để ngưỡng mộ và học tập. Qua đó tác giả đã cho em cũng như bạn đọc những giá trị nhân sinh sâu sắc. Học xong bài thơ em nhận thức được giá trị của thời gian, vẻ đẹp của cuộc sống không phải ở chốn thần tiên xa vời mà hiện hữu ngay trong thường nhật. Xuân Diệu cho em biết thế nào là sống có ích, có nghĩa, biết nỗ lực hết mình cho tuổi trẻ ngắn ngủi, biết cống hiến sức mình cho quê hương và biết tận hưởng cuộc sống tươi đẹp.

Quan niệm sống vội vàng của Xuân Diệu có ý nghĩa sâu sắc với cuộc đời, tồn tại lâu bền với thời gian và luôn đúng trong mọi thời đại đặc biệt với các bạn trẻ đúng như nhận xét của Hoài Thanh: “Xuân Diệu mới nhất trong các nhà thơ mới – nên chỉ những người còn trẻ mới thích đọc Xuân Diệu, mà đã thích thì phải mê”.

Phân tích quan niệm sống vội vàng của Xuân Diệu (mẫu 14)

Xuân Diệu nhà thơ tình của thi ca Việt Nam. Thơ ông tràn ngập tình yêu, không chỉ là tình yêu nam nữ mà còn là tình yêu cuộc sống. Ông sống vội vàng, gấp gáp để nắm bắt trọn vẹn mọi khoảnh khắc của cuộc đời. Triết lí sống vội vàng, gấp gáp đã được ông thể hiện đầy đủ trong bài thơ “Vội vàng” trích trong tập “Thơ thơ” – tập thơ đầu tay của ông.

Trong bài thơ “Giục dã” Xuân Diệu đã từng viết:

Mau với chứ, vội vàng lên với chứ
Em ơi em, tình non sắp già rồi.

Triết lí sống vội vàng gấp gáp đã trở thành một quan niệm sống của Xuân Diệu, nó được thể hiện xuyên suốt trong hành trình sáng tác của ông.

Ngay từ nhan đề của bài thơ triết lí sống vội vàng, gấp gáp đã được nhà thơ thể hiện. Vội vàng có nghĩa là sự vội vã, làm việc luôn gấp gáp, nhanh chóng không thể chần chừ. Đối với Xuân Diệu cũng vậy, ông vội vàng trong từng giây phút. Vậy tại sao Xuân Diệu phải sống vội vàng, gấp gáp như vậy. Bởi ông ý thức được rằng, thời gian đời người thật ngắn ngủi, hữu hạn, còn thời gian vũ trụ lại tuần hoàn, vô hạn.

“Xuân đương tới, nghĩa là xuân đương qua,
Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già
Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất
Không cho dài thời trẻ của nhân gian
Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn
Còn trời đất nhưng chẳng còn tôi mãi
Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời”.

Xuân Diệu rất ám ảnh với những bước đi của thời gian , bởi vậy ông vô cùng nhạy cảm trước sự chảy trôi của nó. Xuân đương tới đồng thời lúc đó cũng là lúc nó đang vụt khỏi bàn tay chúng ta, xuân “non” rồi đến lúc xuân sẽ “già”, thậm chí, và khi xuân hết cũng là lúc tôi sẽ chết. Sự cực đoan ấy của Xuân Diệu là hoàn toàn hợp lí. Cuộc sống này đẹp đẽ, tươi vui là vậy nhưng nó như một dòng sông chảy đi và không bao giờ trở lại nữa. Khoảnh khắc đẹp đẽ, phút giây lãng mạn cũng chỉ đến với ta có một lần. Thiên nhiên có thể đẹp mãi, trường tồn mãi, còn “tôi” thì không, tôi chỉ có một đời này, một khiếp này để tận hưởng trọn vẹn mọi mĩ vị, mọi thắng cảnh trong cuộc sống. Bởi vậy cần phải sống vội, sống gấp, có những khao khát mãnh liệt:

Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi

Cái khao khát của ông thật khác thường, mà cũng thật mãnh liệt. tắt nắng, buộc gió, hỏi chăng có ai trên cuộc đời này đã làm được. Xuân Diệu muốn tắt nắng để những màu sắc của cuộc sống không bị phai tàn, muốn buộc gió để sắc hương của cỏ cây không bị bay đi. Ý muốn ấy quả thực đẹp đẽ, ông muốn lưu lại những gì đẹp đẽ nhất của thiên nhiên cho cuộc sống con người. Đồng thời ước mơ ấy của ông cũng hoàn toàn có cơ sở, cuộc sống đẹp đẽ dường kia, nếu không sống tận hiến chẳng phải là sẽ uống phí lắm hay sao:

Của ong bướm này đây tuần tháng mật
Này đây hoa của đồng nội xanh rì
….
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần.

Đoạn thơ như một tiếng reo vui, một bản hoan ca trước vẻ đẹp của thiên nhiên vạn vật. Trần thế hiện lên với vẻ đẹp toàn mĩ, tràn đầy nhất: tuần tháng mật, hoa của đồng nội xanh rì, lá của cành tơ phơ phất, yến anh này đây khúc tình si, anh sáng,… Một bức tranh tuyệt đẹp được thi sĩ Xuân Diệu vẽ lên, đó là bức tranh có sự hài hòa của màu sắc (xanh rì), âm thanh (khúc tình si) và ngập tràn ánh sáng. Đây quả là một thiên đường. Vẻ đẹp này không phải ở đâu xa, mà nó ở ngay đây, hiện hữu trong cuộc sống này. Đây cũng là cái đích mà Xuân Diệu muốn hướng người đọc đến, tiên cảnh bồng lai không phải chỉ có ở trong tưởng tượng, mà nó có ở ngay đây, tại mặt đất này. Đang vui sướng, yêu đời, sống hối hả, gấp gáp là vậy, nhưng giọng thơ Xuân Diệu như bị trùng xuống ở câu thơ tiếp theo: “Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa/ Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân”. Câu thơ bị bẻ làm đôi, khi thi nhân nhận ra sự chảy trôi của thời gian, con người lo lắng, sợ hãi trước bước đi của thời gian, nó chẳng đợi chờ tuổi xuân của bất cứ ai, bất cứ sự vật nào: “Con gió xinh thì thào trong lá biếc/ Phải chăng hờn vì nỗi phải bay đi?/ Chim rộn ràng bỗng đứt tiếng reo thi/ Phải chăng sợ độ phai tàn sắp sửa”. Trước bước đi không ngừng của thời gian, ông không còn dừng lại ở khao khát tắt nắng buộc gió mà sống vội sống gấp đã biến thành hành động:

“Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm

- Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!”

Đoạn thơ nồng nàn, cháy bỏng nhất, thể hiện mạnh mẽ nhất khao khát, ước muốn sống vội, sống gấp của thi nhân. Nhịp thơ nhanh, gấp gáp, biểu hiện của cảm xúc dâng trào. Ông muốn ôm tất cả sự sống, dùng hàng loạt động từ mạnh theo cấp độ tăng tiến: ôm, riết, say để tận hưởng cuộc sống bằng mọi giác quan. Từ ôm một cử chỉ thân mật, riết lại mạnh bạo, mạnh mẽ hơn đến say thì đã ở độ quyến luyến, nồng nàn và cuối cùng là thâu hết mọi vẻ đẹp của mùa xuân, tuổi trẻ, tình yêu vào tâm hồn thi nhân. Ông mở tất cả các giác quan để tận hưởng tận độ mọi thanh sắc của đời sống và câu thơ cuối cùng đã thể hiện trọn vẹn cảm xúc của ông: “Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi”.

Tác phẩm Vội vàng đã thể hiện một cách đầy đủ, trọn vẹn nhất lối sống, quan niệm sống “vội vàng” của Xuân Diệu. Ông sống vội vàng để tận hưởng hết vẻ đẹp, để cống hiến hết tuổi xuân cho cuộc đời này. Đó là một nhân sinh quan, lối sống lành mạnh. “Thơ Xuân Diệu là một nguồn sống rào rạt chưa từng thấy ở chốn nước non lặng lẽ này”.

Phân tích quan niệm sống vội vàng của Xuân Diệu (mẫu 15)

Xuân Diệu từng được mệnh danh là “ông hoàng của thơ tình”. Đúng vậy, ông viết nhiều thơ và nổi tiếng nhiều với những bài thơ tình. Nhưng có lẽ đến với Vội vàng, bài thơ viết vào năm 1938, in trong tập Thơ Thơ, chúng ta có thể nhận thấy vì sao chẳng cần đến những bài thơ tình thì ông vẫn là một nhà thơ nổi tiếng, một nhà thơ lớn của dân tộc. Bởi tiếng thơ trong Vội vàng là tiếng đời, bộc lộ nhiều rung cảm và những triết lí sâu sắc. Trong đó thi phẩm cũng đã mang đến một quan niệm sống vô cùng ý nghĩa – sống vội vàng.

Nhan đề của bài thơ đã bộc lộ ngay quan niệm sống vội vàng của Xuân Diệu. Đó là một tính từ chỉ sự nhanh chóng, gấp gáp trong một hành động nào đó. Ở đây Xuân Diệu lại đề cao sự vội vàng trong cách sống, thái độ sống. Chẳng lẽ sống vội vàng là phải sống nhanh, sống gấp gáp vậy ư? Không những thế, cả bài thơ tác giả còn giục giã mọi người hãy sống không chờ đợi, sống hết mình, sống căng tràn từng phút, từng giây, sống đến trọn vẹn của “sống” để chống lại quy luật trôi chảy khắc nghiệt của thời gian.

Ngay mở đầu bài thơ, ông đã vội vàng qua hai ước muốn đầy táo bạo: tắt nắng, buộc gió. Đây là sự phi lí, hoang đường. Nào ai can thiệp được vào quy luật của tạo hóa, nhưng quan niệm sống vội vàng của Xuân Diệu lại khẳng định điều đó là có lí. Bởi nếu không ngưng đọng thời gian thì mọi thứ màu sắc, hương vị của cuộc sống sẽ theo nắng, theo gió mà phai nhạt, mà bay đi mất. Con người chẳng thể níu giữ, khóa chặt bên mình. Vậy chỉ còn cách phải sống vội vàng thì mới thỏa được lòng khao khát, mới đắm mình mà tận hưởng, mới không bỏ lỡ một chút nào hương sắc của cuộc đời. Quan niệm sống vội vàng thể hiện ngay qua khát vọng ngạo nghễ, khác thường mà yêu đời mãnh liệt như thế.

Thế nhưng nhà thơ cũng chẳng nói suông, ước muốn của ông hoàn toàn có căn cứ, vì cuộc đời này tươi đẹp và vô cùng đáng sống, nên càng phải vội vàng:

Của ong bướm này đây tuần tháng mật

Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân.

Đoạn thơ vang lên với những niềm reo vui, thích thú. Ông như một một “hướng dẫn viên” đưa người đọc đi khám thính vẻ đẹp của trần thế này. Thi sĩ sung sướng lắm vì đắm chìm trong cảnh sắc tươi non, viên mãn của mùa xuân: ong bướm tuần tháng mật, hoa đồng nội xanh rì, lá cành tơ phơ phất, yến anh khúc tình si, ánh sáng chớp hàng mi, mỗi buổi sớm thần vui hằng gõ cửa, tháng giêng ngon như một cặp môi gần. Cái hay và ý nghĩa của nhà thơ là để mọi người thưởng thức vẻ đẹp ấy không phải ở chốn bồng lai tiên cảnh, mà ở ngay xung quanh mình. Bởi vậy, Xuân Diệu quan niệm sống vội vàng là yêu thiên nhiên, cuộc sống, nhưng là những gì gần gũi nhất, thân thuộc nhất và trong những khoảnh khắc căng tràn sức sống, tràn ngập xuân tình nhất. Nhưng ông chợt nhận ra, dù là ngay quanh mình đi nữa thì chúng chẳng ở mãi bên mình, nhà thơ dẫu yêu, dẫu ham đến đâu thì rồi nó cũng vụt mất. Bởi vậy, lời thơ say mê, tha thiết nhưng bỗng chùng xuống, vì phải vội vàng một nửa. Vừa tận hưởng vừa vội vàng chính là những gì Xuân Diệu quan niệm. Đó cũng chính là cuộc chạy đua với thời gian để hưởng trọn hương sắc cuộc đời.

Cách sống của Xuân Diệu đúng là không chờ đợi. Ông vội vàng đến mức mà ở ngay mùa xuân ông đã thấy nhớ nó, chứ không chờ tới mùa hạ mới nhớ mùa xuân. Yêu thương, nhớ nhung tất thảy những gì đang tồn tại trở thành phương châm sống của thi sĩ. Với ông điều này có căn cứ.

Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua

Chẳng bao giờ! Ôi chẳng bao giờ nữa!

Xuân Diệu chẳng những quá ám ảnh về thời gian mà ông còn nhạy cảm đến lạ lùng về sự trôi chảy của nó. Hầu hết chúng ta cho rằng, mọi thứ đang đến là đến, chứ ít suy nghĩ rằng nó đang dần trôi qua. Nhưng Xuân Diệu thì khác, ông cảm nhận thấy rõ từng bước đi của thời gian. Nên xuân tới là xuân đang qua, non tức là sẽ già, thậm chí còn đến mức sẽ hết… Tại sao nhà thơ lại quá nhạy cảm như vậy? Sự nghiệt ngã ấy bấy lâu nay ai cũng biết, nhưng nhận ra nó để biết rằng nó đang lấy hết đi những gì của cuộc sống này chỉ có Xuân Diệu. Đoạn thơ mang giọng điệu tranh biện rất say sưa. Ông đang minh chứng rằng cuộc sống này đẹp nhưng không bao giờ ở lại, mỗi phút giây trôi qua là sẽ mất đi. Những thứ nhìn thấy tưởng chừng như sẽ tồn tại lâu, nhưng thực chất đang mất mát, hao mòn dần. Cho nên nếu không sống vội vàng thì chỉ còn lại là những gì tiếc nuối, xót xa.

Nhà thơ đưa cả thêm những hình ảnh nhân hóa về sự mất mát, chia lìa bởi thời gian: tháng năm rớm vị chia phôi, núi sông than thầm tiễn biệt, gió xinh hơn dỗi vì phải bay đi, chim đứt tiếng reo thi vì độ phai tàn sắp sửa… để minh chứng cho điều ấy. Đó mới là vạn vật, trời đất, còn nếu là con người thì hỡi ôi, chắc hẳn phải nhiều ngậm ngùi, chua chát lắm. Nên nhà thơ muốn chúng ta hãy sống vội vàng đi để chạy đua với thời gian, để về sau chúng ta không còn phải thốt lên những lời đầy tiếc nuối: Chẳng bao giờ! Ôi chẳng bao giờ nữa! Và rồi có phải chứng kiến những gì chia lìa, đứt gãy ấy cũng không còn là điều tiếc nuối, xót xa. Quan niệm sống vội vàng trong cái nhìn về thời gian như thế của Xuân Diệu chính là thông điệp sống phải biết trân trọng từng phút, từng giây để không bao giờ phải hối tiếc.

Không những chỉ ra cuộc sống này tươi đẹp rất đáng sống vội vàng, thời gian trôi chảy rất nghiệt ngã, vô tình nên càng phải sống vội vàng, nhà thơ còn giục giã và mách chúng ta cách để sống vội vàng.

Mau đi thôi mùa chưa ngả chiều hôm

- Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi

Lời giục giã đầy hối hả, khẩn thiết. Trong bài thơ có tên Giục giã ông cũng viết:

Mau với chứ! Vội vàng lên với chứ
Em em ơi, tình non sắp già rồi.

Chẳng phải đây là lần đầu tiên Xuân Diệu khiến người ta cuống quýt thế, mà sống vội vàng là phải vậy. Hãy sống nhanh lên, gấp gáp lên khi mùa chưa ngả chiều hôm, khi cuộc đời chưa vào lúc bóng xế, lúc mình còn tuổi trẻ. Bởi vậy đừng ngại ngần, hãy ôm, hãy riết, hãy say, hãy thâu, hãy cắn để những khoảnh khắc tuyệt diệu của sự sống mới bắt đầu mơn mởn, mây đưa và gió lượn, cánh bướm với tình yêu, cái hôn nhiều, non nước, cỏ cây và xuân hồng được ta hưởng trọn. Thậm chí phải được ngây ngất, chếnh choáng, đã đầy, no nê mới thực sự vội vàng. Bao nhiêu bút lực của sự nhiệt huyết, sôi trào, Xuân Diệu dồn hết vào đoạn thơ cuối. Lời thơ căng tràn cảm xúc, khiến ai đọc cũng như mở lòng ra, cũng chẳng thể ngồi yên mà sống một cách vô nghĩa. Ý nghĩa nhân sinh cao đẹp trong cách sống vội vàng là sống đúng thời điểm. Khi còn tuổi trẻ, khi trong những khoảnh khắc đẹp đẽ của cuộc sống, đó là lúc ta nên sống hết mình. Không phải cứ nhanh, cứ gấp là vội vàng được mà phải sống sao cho đáng trong từng khoảnh khắc mình bỏ ra.

Xuân Diệu viết bài thơ này khi ông mới 22 tuổi nhưng những lời tranh biện và giàu tính triết lý trong bài thơ không hề non nớt. Để có được một quan niệm sống vội vàng giàu ý nghĩa tích cực như thế phải được bắt nguồn từ một thái độ sống nghiêm túc, một tình yêu với cuộc sống mãnh liệt. Bài thơ Vội vàng và quan niệm sống của nhà thơ thực sự đã trở thành một bài học giá trị với nhiều thế hệ trẻ sau này.

Phân tích quan niệm sống vội vàng của Xuân Diệu (mẫu 16)

Một trong số những bài thơ tiêu biểu cho thơ Xuân Diệu là bài Vội vàng in trong tập Thơ thơ thi phẩm được sáng tác trong những năm mười tám đôi mươi của của nhà thơ. Vội vàng là bài thơ thể hiện tình yêu nồng nàn của Xuân Diệu đối với cuộc sống tươi đẹp mà nhà thơ tự thấy phải gấp gáp nhận lấy. Bài thơ Vội vàng được mở đầu bằng bốn dòng thơ ngũ ngôn ngắn gọn, mạnh mẽ như lời tuyên bố về khát vọng của mình:

Tôi muốn tắt nắng đi,
Cho màu đừng nhạt mất.
Tôi muốn buộc gió lại,
Cho hương đừng bay đi.

Tắt nắng, buộc gió là những điều con người không thể làm được, đó là những khát khao phi lí. Nhưng cái phi lí ấy lại có lí với trái tim của nhà thơ, bởi đó là trái tim đầy khao khát mãnh liệt, muốn sống đến trọn vẹn chữ “sống”, muốn giữ mãi cho mình những hương, những sắc của của cuộc đời. Mà cuộc đời trong cảm nhận của nhà thơ lại đẹp đẽ biết chừng nào, quý giá biết bao nhiêu. Nhà thơ thấy rằng trong cuộc sống, mọi thứ đều kì diệu, mỗi sự vật dù nhỏ bé đến đâu cũng đều dâng hiến cho đời những vẻ đẹp tinh túy nhất của mình:

Của ong bướm này đây tuần tháng mật,
Này đây hoa của đồng nội xanh rì,
Này đây lá của cành tơ phơ phất,
Của yến anh này đây khúc tình si
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi.

Bướm ong thì có tuần tháng mật đầy ngọt ngào, cuốn hút, đồng nội thì có vẻ đẹp của màu xanh mơn mởn và muôn hoa rực rỡ, cành tơ non thì có muôn lá rung rinh, ánh sáng bình minh như cái chớp mi của người đẹp…Những câu thơ có nhịp điệu thật nhanh, thật gấp gáp, sử dụng phép liệt kê, điệp ngữ, rất nhiều tính từ, cách liên tưởng táo bạo, đa tình. Cuộc sống trần gian hiện lên qua đó thật sống động, tươi tốt, đáng yêu, đáng sống, tràn ngập âm thanh, màu sắc tươi sáng, khai mở ra một thiên đường tồn tại chính trên cõi trần này. Với Xuân Diệu, cuộc đời lúc nào cũng tràn ngập niềm vui, mỗi ngày mới đến là niềm vui cũng gõ cửa ùa vào theo:

Mỗi buổi sớm thần Vui hằng gõ cửa

Niềm vui như một vị thần độ lượng, ban phát hạnh phúc cho từng người. Phải nói rằng trong thơ Việt Nam, chưa ai có cách cảm nhận cuộc sống, mùa xuân như cách cảm nhận của Xuân Diệu:

Tháng Giêng ngon như một cặp môi gần

Xuân Diệu chẳng lấy thiên nhiên làm chuẩn mực của cái đẹp khi so sánh với con người như thơ cổ mà lại lấy con người làm chuẩn mực để so sánh với vẻ đẹp của thiên nhiên. Nếu Nguyễn Du so vẻ đẹp của Thuý Vân-Thuý Kiều “Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da” thì Xuân Diệu lại liên tưởng “ Tháng Giêng ngon như một cặp môi gần”. Một cách so sánh rất riêng, rất táo bạo, đầy tình yêu đời nồng nhiệt rất Xuân Diệu. Ông thấy mùa xuân với bao vẻ đẹp sinh động của nó giống như cặp môi đỏ mọng của thiếu nữ đang kề gần. Cách so sánh này chứa đựng bao rung động tận đáy lòng, vừa có sự khao khát, thèm muốn, háo hức rất thiêng liêng mà cũng rất trần tục. Nhà thơ yêu cuộc sống đến si mê, cháy bỏng! Có một cuộc sống đẹp như thế để sống, có bao hương sắc tuyệt diệu như thế để tận hưởng, con người ta sẽ sung sướng biết bao. Nhưng, tựa như một cung nhạc đang vút cao, đến đây bỗng chùng xuống:

Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa.

Câu thơ bị ngắt làm hai, niềm vui sướng không được trọn vẹn. Bởi Xuân Diệu nhận ra rằng điều sung sướng ấy ngắn ngủi biết bao:

Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua,
Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già

Xưa nay, người ta chỉ tiếc những kỉ niệm khi nó đã trở thành quá khứ, tiếc xuân khi nó đã không còn. Ở đây, Xuân Diệu với sự nhạy cảm lạ lùng của nhà thơ yêu cuộc sống đến đắm say, ông tiếc mùa xuân ngày khi mùa xuân vẫn còn đang phơi phới. Vì nhà thơ biết rằng thời gian sẽ trôi qua nhanh, mà với những gì quý giá, với những vẻ đẹp, thời gian còn tàn nhẫn trôi nhanh hơn gấp bội, nhanh đến khủng khiêp, phũ phàng. Cái non trẻ, thắm tươi rồi sẽ chẳng mấy mà già nua, héo úa. Điều ấy lại ảnh hưởng vô cùng to lớn đến Xuân Diệu:

Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất

Câu thơ đầy cảm giác buồn bã. Nhà thơ phát hiện ra một điều bi thảm cho mình: mùa xuân trôi qua, tuổi trẻ sẽ trôi qua. Mà khi tuổi trẻ đã trôi qua thì cuộc đời nào còn ý nghĩa gì nữa. Bởi quý giá nhất của cuộc đời, đất trời là mùa xuân, quý giá nhất của con người là tuổi trẻ. Con người khao khát vẻ đẹp tồn tại vĩnh cửu, nhưng cuộc đời lại có những quy luật vô cùng chặt chẽ và nghiệt ngã:

Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật,
Không cho dài thời trẻ của nhân gian

Thời gian thì vô hồi vô hạn, nhưng đời người thì hữu hạn. Con người trong cái hữu hạn ấy trở nên thật nhỏ bé, tội nghiệp và mong manh. Bao người lí luận rằng xuân đi xuân đến, nhưng với Xuân Diệu, ông chẳng thể tự an ủi mình mà trái lại, càng xót xa hơn:

Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn,
Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại.
Còn trời đất nhưng chẳng còn tôi mãi,
Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời.

Mùa xuân của đất trời đẹp lắm, quý giá lắm, nhưng mùa xuân chỉ quý giá, chỉ đẹp khi con người biết hưởng, được hưởng vẻ đẹp của nó. Khi con người chẳng còn trẻ mà tận hưởng mùa xuân thì xuân cũng mất hết ý nghĩa. Những câu thơ của Xuân Diệu vì thế mà chuyển sang giọng điệu buồn bã:

Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi,
Khắp sông núi vẫn than thầm tiễn biệt.
Phải chăng hờn vì nỗi phải bay đi
Chim rộn ràng bỗng dứt tiếng reo thi,
Phải chăng sợ độ phai tàn sắp sửa

Tất cả đều buồn bã, đều mất hết ý vị, chỉ còn “rớm vị chia phôi”, chỉ biết “than thầm tiễn biệt”, chỉ còn “hờn dỗi phải bay đi”, chỉ “sợ độ phai tàn sắp sửa”. Trong thơ Việt Nam, ít ai có giọng thơ nuối tiếc thời gian, thương tiếc cuộc sống thiết tha dường ấy. Cũng vẫn gió lá hoa như đạo đầu nhưng đoạn trên rạo rực náo nức, đoạn này lại buồn thương ngậm ngùi, xót xa biết bao nhiêu. Nhà thơ kêu lên một cách tuyệt vọng:

Chẳng bao giờ! Ôi chẳng bao giờ nữa!

Nỗi đau đớn của Xuân Diệu phải sâu sắc lắm, cắt cứa lắm, thấm thía lắm thì mới bộc phát thành tiếng than kêu thống thiết dường ấy. Thời gian cứ mênh mông nhưng mùa xuân và tuổi trẻ của con người cứ ngắn ngủi. Con người chẳng thể làm được gì để biến cái hữu hạn của đời người thành cái vô hạn trường tồn cùng vũ trụ. Chỉ còn mỗi cách, đó là phải hối hả, phải đắm say mãnh liệt hơn, phải vội vàng thâu nhận đến mức độ cao nhất, nhiều nhất những vẻ đẹp nhân gian, những thứ quý giá của đời sống, của tuổi trẻ, mùa xuân. Xuân Diệu giục giã:

Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm
.........
Và non nước, và cây, và cỏ rạng.

Những câu thơ mạnh bạo, gấp gáp, giục giã như một dòng suối ào ạt tuôn chảy, tưởng chừng ngôn từ xô đẩy vào nhau, chen lấn nhau để cho kịp mạch cảm xúc đang bừng lên sôi nổi của nhà thơ. Những tiếng “ta muốn” láy đi láy lại mãi như một điệp khúc bất tận để khẳng định niềm khao khát cháy bỏng muốn sống đến tận cùng cảm giác của Xuân Diệu. Một loạt điệp từ được sử dụng theo mức độ tăng dần của khao khát: muốn ôm – muốn riết – muốn say – muốn thâu – muốn cắn thể hiện tâm trạng si mê đến cuồng nhiệt. Trong một câu thơ mà có đến ba hư từ “và” chứng tỏ Xuân Diệu nồng nhiệt đến rối rít, cuống quýt, như muốn cùng lúc dang tay ôm hết cả vũ trụ, cả cuộc đời, mùa xuân vào lòng mình. Sống như thế với Xuân Diệu mới thực là sống, mới đi đến tận cùng của niềm hạnh phúc được sống.

Cho chuếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng,
Cho no nê thanh sắc của thời tươi

Hạnh phúc của sự sống là mùi thơm, ánh sáng, thanh sắc. Tận hưởng cuộc đời chính là có được cảm nhận về những điều ấy ở độ tràn trề nhất. Xuân Diệu muốn tận hưởng cuộc sống cho đến “no nê”, “chuếnh choáng”, “đã đầy”. Trong niềm cảm hứng ở độ cao nhất, Xuân Diệu nhận ra cuộc đời, mùa xuân như một cái gì quý nhất, trọn vẹn như một trái đời đỏ hồng, chín mọng, thơm ngát, ngọt ngào, để cho nhà thơ tận hưởng trong niềm khao khát cao độ:

Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi

Câu thơ là đỉnh cao của những khao khát sống, của tình yêu sống rạo rực trong con tim nồng cháy của Xuân Diệu.

Bài thơ Vội vàng thể hiện tâm trạng đắm say bồng bột của một tấm lòng ham sống mãnh liệt. Bài thơ còn thể hiện một quan niệm sống sống gấp gáp vội vàng tận hưởng những hạnh phúc trần thế, một quan niệm sống lành mạnh và tích cực so với đương thời. Bài thơ là một sáng tác tiêu biểu cho phong cách thơ trẻ trung tươi mới của “nhà thơ của tình yêu”, bài thơ rất tự do, hình ảnh giàu sức gợi, giàu nhạc điệu và cách liên tưởng rất hiện đại. Tâm trạng yêu đời, yêu sống đến cuồng nhiệt trong tác phẩm khẳng định tư tưởng nhân văn của nhà thơ. Cho đến nay, nội dung thúc giục mọi người sống có nghĩa trong cuộc sống thực tại của bài thơ vẫn còn bao ý nghĩa với thế hệ trẻ.

Qua Vội vàng ta không chỉ thất quan niệm sống tràn ngập tình yêu của Xuân Diệu mà ta qua đó ta còn hiểu thêm về quan niệm nhân sinh của Xuân Diệu trong bài thơ Vội vàng vô cùng sâu sắc nữa.

Phân tích quan niệm sống vội vàng của Xuân Diệu (mẫu 17)

Nhắc đến phong trào Thơ Mới không thể không nhắc đến nhà thơ Xuân Diệu - nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới. Thơ Xuân Diệu được hun đúc bởi một tâm hồn thiết tha rạo rực, một tâm hồn cháy bỏng với cuộc đời và sự sống. Bởi vậy, trong thơ ông đâu chỉ đẹp thôi mà thơ ông còn tình nữa, nó gửi gắm biết bao tâm sự, bao nỗi lòng, bao khát khao và quan niệm nhân sinh của người thi sĩ. Với bài thơ "Vội vàng" in trong tập Thơ thơ, Xuân Diệu đã viết nên một quan niệm đấy triết lí trong đời sống đó là quan niệm sống vội vàng.

Sống vội vàng nghĩa là sống gấp gáp, nhanh chóng, khẩn trương, sống thúc giục, hối hả. Sống không chần chừ, do dự. Và Xuân Diệu cũng thế, ông muốn mình được sống trọn vẹn trong từng giây phút thực tại của cuộc đời. Triết lí ấy được thể hiện rõ qua chính nhan đề mà ông lựa chọn đặt cho bài thơ - Vội vàng. Đó là cách sống tận hưởng cuộc sống, tận hưởng mọi lúc, mọi thời khắc của đời người, sống cuống quýt hết mình với từng phút giây. Ông khát khao được thoả mình hưởng thụ những tinh hoa của thiên nhiên vạn vật với nét đẹp nao lòng, Ông phải sống vội, bởi Xuân Diệu biết rằng thời gian là hữu hạn, đời người thì ngắn ngủi, không sống vội vàng liệu có bắt kịp tuổi trẻ, thanh xuân:

"Xuân đang tới, nghĩa là xuân đang qua,
Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già,
Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất.
Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật,
Không cho dài thời trẻ của nhân gian,
Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn,
Nếu đến nữa không phải rằng gặp lại."

Thời gian dài thật đấy nhưng đời người ngắn ngủi, ai biết được rồi sẽ ra sao, xuân đến xuân qua như quy luật của tạo hoá, người lại thêm tuổi tác. Bởi vậy, ông chọn cách sống vội để có thể có trọn vẹn những khoảnh khắc tuyệt vời, để khỏi hối tiếc thời gian qua đi. Sự chảy trôi của dòng thời gian khiến con người lại càng ý thức hơn cách sống cho chính mình, bởi vậy mà Xuân Diệu lại càng mãnh liệt hơn, khát khao hơn trong cuộc sống:

"Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất;
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi."

Điều ước muốn ấy những tưởng phi lý nhưng thực ra rất có lý, rất khác thường có phần kỳ lạ. Nhưng thiên nhiên đẹp tuyệt vời thế kia, người thi sĩ làm sao không khỏi nuối tiếc ngậm ngùi khi lỡ mất, bởi vậy mà ông muốn được tắt ánh nắng giữ màu tươi sáng của mặt trời, muốn buộc làn gió để giữ hương sắc cỏ cây kia được bền lâu mãi mãi. Đó là sự trân quý, yêu thiên nhiên và ham muốn lưu giữ những đẹp đẽ của tạo hoá ban tặng con người.

"Của ong bướm này đây tuần trăng mật;
Này đây hoa của đồng nội xanh rì;
Này đây lá của cành tơ phơ phất;
Của yến anh này đây khúc tình si.
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi;
Mỗi sáng sớm, thần vui hằng gõ cửa;
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần";

Chốn dương gian như một thiên đường nơi cõi trần tuyệt mỹ, đẹp đến xốn xang. Khúc nhạc hòa ca với vẻ đẹp tròn đầy nhất, viên mãn nhất của mùa xuân với đủ những âm thanh sắc màu tươi đẹp, có ong bướm, có hoa, có lá cành tơ, có nàng yên anh hót khúc tình ca và rợn ngợp hạnh phúc của thần Vui mỗi sáng. Tất cả dường như thật trọn vẹn, hữu tình, như ý. Bởi mùa xuân đẹp đến thế, yêu đến thế mà khiến lòng người thổn thức, sung sướng ngập tràn và mãi mãi không muốn mất đi. Muốn giữ lại tất cả những ngào ngạt của chốn bồng lai nơi mặt đất. Nhưng dù có sung sướng, có mãn nguyện hay nhiệt thành đến đâu tác giả vẫn ý thức được phải sống vội để giữ lấy tất thảy những yêu thương ấy:

"Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa"

Càng sợ hãi trước thời gian, càng lo sợ trước tương lai ông lại càng muốn sống hết mình cho hiện tại, vội vàng nhưng tinh nhạy, vội mà không hư ảo, vội là để giữ tròn đầy nhất những gì tuyệt đẹp cho bản thân, cho đất trời tạo hoá:

" Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân"
Mau đi thôi mùa chưa ngả chiều hôm
Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng"

Không chờ ngày mai mới tiếc nuối ngày hôm qua, tiếc nuối dĩ vãng tươi đẹp. Từ ý thức biến thành hành động, tác giả muốn tận hưởng hết ngay bây giờ, ngay lúc này, muốn chiếm hữu hết vẻ đẹp, sức hấp dẫn của mùa xuân xanh, của tuổi trẻ. Muốn được ôm những sự sống mơn mởn, muốn được riết lấy làn làn mây và khúc gió dạo giữa trời xanh, muốn hôn lên ánh nắng buổi chiều hôm cho thoả lòng khao khát. Tận hưởng cho đã đầy dư vị của đời sống thân yêu:

"Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng
Cho no nê thanh sắc của thời tươi;
- Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!"

Mọi giác quan đều được ông thức tỉnh để nếm trọn nét đẹp của mùa xuân, của đời sống. Xuân hồng như một tình nhân bé nhỏ của thi nhân, rực rỡ, dịu ngọt, mà không kém phần đằm thắm, thương yêu. Xuân càng đẹp khiến tác giả lại càng không thể chần chừ hơn, do dự hay đắn đo suy nghĩ nữa mà phải nhanh chóng tận hưởng và sống, sống trọn vẹn nhất ngày hôm nay. Sống cuống quýt, hối hả, rối rít như muốn dang rộng vòng tay nhỏ bé của mình mà ôm lấy vũ trụ tươi đẹp bao la ấy. Xuân Diệu quả thực phải có một tâm hồn rất đời và rất người mới có những vần thơ tràn trề sinh lực và đầy sức sống như thế.

Tôi vẫn thường hay tự hỏi, sống vội để làm gì nhỉ?, liệu khi sống vội ta có đánh mất chính mình hãy không khi ngoài kia đầy rẫy những chông gai, cám dỗ. Nhưng đọc xong Vội vàng của Xuân Diệu, tôi lại càng hiểu hơn sự cần thiết của cách sống ấy, đó là một lối sống lành mạnh và đầy tích cực. Hãy sống, tận hưởng và cống hiến hết mình cho thực tại thân yêu, cho cộng đồng đất nước. Sống trong từng thời khắc phải có ý nghĩa, làm đẹp cho tâm hồn chính mình và cho cuộc sống thân yêu. Sống vội nhưng phải là lối sống mang lại sự tích cực cho bản thân và xã hội.

Phân tích quan niệm sống vội vàng của Xuân Diệu (mẫu 18)

Tuổi trẻ là khoảng thời gian đẹp nhất của đời người. Thật vậy, thanh xuân như mây trời và một khi đã trôi đi thì không bao giờ có thể trở lại. Có lẽ cũng vì hiểu được quy luật đắng cay ấy mà con người trở nên trân trọng thực tại, họ chọn cách sống vội để chạy đua với thời gian, sống trọn từng phút giây mà không bỏ lỡ. Và đó cũng là nội dung chủ đề được Xuân Diệu gửi gắm trong tác phẩm "Vội Vàng".

Mới ngay từ nhan đề thôi chúng ta cũng có thể hiểu được phần nào chân lí sống của Xuân Diệu. Đó là sống hết mình để tận hưởng vẻ đẹp của trời đất, sống mà không trần trừ để phí quá nhiều thời gian. Thế nhưng, vội vàng cũng không có nghĩa là sống hời hợt bỏ qua nhiều thứ, sống là phải biết hưởng thụ và biết yêu thương.

Và cái khao khát sống ấy cũng rực cháy ngay từ những câu mở đầu tác phẩm:

"Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất;
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi."

Khao khát vượt qua cả giới hạn của một con người. Đó là khao khát tắt nắng, buộc gió. Chỉ vì muốn giữ lại màu sắc và mùi hương mà con người nhỏ bé kia lại dám mơ ước thay đổi cả vũ trụ, thay đổi cả quy luật của tự nhiên để tận hưởng trọn vẹn vẻ đẹp của đất trời. Thế nhưng đó lại là những mơ ước không tưởng mà chẳng con người nào có thể làm được, không ai có thể tắt nắng đi và buộc gió lại vì chúng là vô hình, cũng như thứ thanh xuân vô hình mà người nghệ sĩ đang cố gắng chạy đua với thời gian.

Rồi với những câu thơ tiếp theo, ông đã vẽ lên cả một thiên đường ngập tràn âm thanh và màu sắc:

"Của ong bướm này đây tuần tháng mật
Này đây hoa của đồng nội xanh rì
Này đây lá của cành tơ phơ phất
Của yến anh này đây khúc tình si
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi
Mỗi sáng sớm, thần Vui hằng gõ cửa
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần"

Đó chẳng phải là trần gian với chút cỏ cây hoa lá mà dường như với con người tràn ngập nhiệt huyết tuổi trẻ nó lại trở nên thật tuyệt diệu làm sao. Đây là cuộc sống nơi thiên đường rực rỡ màu sắc và ánh sáng, là nơi mà thần tiên thường hay du ngoạn đến. Không gian trong bức tranh ngập tràn màu sắc, đó là màu xanh của cỏ cây, màu xanh của sự sống đang ở độ căng tràn nhất. Và ở trong không gian thơ mộng ấy lại được náo nhiệt, vui tươi hơn nhờ khúc hát mời gọi của các loài chim, âm thanh, ánh sáng, màu sắc, tất cả ngọn nguồn của sự sống đều tụ tập về một nơi để phô diễn ra cái vẻ đẹp của thiên đường trên nhân gian và rồi, khi người nghệ sĩ đa cảm ấy bắt gặp được mỹ cảnh lộng lẫy thì trong lòng lại nao nức, bồn chồn muốn sống hết mình để tận hưởng được vẻ đẹp của trần gian. Khát khao được tận hưởng cũng được bộc lộ qua điệp từ "này đây", nó như một lời mời gọi không thể chối từ dành cho kẻ si tình trót để quên trái tim khi ghé qua nhân thế. Và chưa dừng lại ở đó, khu vườn nhân gian vẫn còn những điều cuốn hút hơn đang chờ đợi du khách mỗi sáng, niềm vui sẽ đến với mọi người.

Mùa xuân là mùa đẹp nhất của một năm, đó là khoảng thời gian trăm hoa khoe sắc, là khi mầm non bật tung khỏi lớp vỏ sần sùi của cành cây để dâng lên đất trời hơi thở của sự sống. Mùa xuân không còn cái lạnh giá, không còn cái vẻ lạnh lẽo và u ám của những ngày đông giá lạnh. Vào thời điểm khởi đầu của một năm cũng là khi sự sống được bắt đầu, có chút se se lạnh cùng chút mưa phùn thoang thoảng hương cỏ cây khiến người ta muốn thả hồn mình vào để ngắm nhìn, để thưởng thức. Thật vậy mùa xuân là mùa của sự sống và cái căng mọng, tràn trề của sự sống ấy được người nghệ sĩ cảm nhận là "cặp môi gần". Có thể đó là đôi bờ môi căng mọng thơm mướt và tràn đầy sự sống của người con gái đôi mươi, đó là tình yêu, là hy vọng và là thứ mà không ai có thể chối từ. Đôi môi của sự sống ấy khiến cho người du khách thêm yêu và trân trọng cuộc đời, trân trọng thanh xuân của mình. Còn trẻ là còn tất cả, khi ấy ta có thể tự tay làm bất cứ điều gì, còn trẻ là còn nhiệt huyết và đam mê, tuổi trẻ chúng ta không ngại khó ngại khổ, không bị giới hạn bởi tuổi tác và sức khỏe, chỉ khi trẻ chúng ta mới theo đuổi được đam mê và mơ ước của mình. Nhưng càng hiểu giá trị của tuổi trẻ thì người nghệ sĩ càng vội vã sống, ông không muốn bỏ lỡ một giây phút nào của cuộc đời con người đầy ngắn ngủi và không biết trước được chuyện gì sẽ xảy ra vào ngày mai ấy.

Người ta thường nói càng trân trọng càng sợ mất, khi con người ta nhận ra được nhiều điều hơn cũng là lúc họ thay đổi cách sống:

"Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa:
........
Chẳng bao giờ, ôi! Chẳng bao giờ nữa..."

Cuộc sống là không ngừng mất đi, thật vậy chẳng có gì có thể nói trước trong cuộc sống. Có lẽ hiểu được quy luật của cuộc đời ngắn ngủi ấy nên người nghệ sĩ vừa mừng vừa lo, ông vui sướng vì được cảm nhận và được thưởng thức vẻ đẹp của đất trời thế nhưng sau cùng thì con người rồi cũng sẽ có một lúc nào đó già đi và không thể tự làm được những điều mình muốn hoặc chẳng may người ta mắc một căn bệnh quái ác nào đó cướp đi tính mạng mà chẳng hề hay biết. Đó là những kết cục buồn và đáng tiếc nhất của một đời người, không ai được chọn nơi mình sinh ra nhưng ta có thể chọn cách sống cho bản thân mình và rồi ông chọn cho mình cách sống vội vã, sống như thể ngày mai không còn được sống để ôm trọn vẻ đẹp của đất trời. Ông chạy đua cùng với thời gian, sống nhưng vẫn còn bâng khuâng lo lắng cho tuổi trẻ ngắn ngủi của mình. Trời đất là vô hạn còn đời người chỉ thoáng chốc ngắn ngủi, mỗi mùa xuân đến cũng là khi con người thêm một tuổi và điều đó cũng đồng nghĩa với việc giảm đi một năm tuổi trẻ, vậy nên mặc dù vui sướng tận hưởng thời khắc xuân xanh căng tràn của cuộc đời nhưng ông cũng không ngừng lo lắng. Ông lại hoài niệm về cuộc đời, về những thứ mà có thể mình sẽ không thưởng thức hết được, nỗi buồn của người nghệ sĩ thấm vào cảnh vật khiến chúng man mác một nỗi buồn chia phôi. Là cơn gió xinh vô tư bay nhảy trên không trung nay cũng biết buồn vì không được tiếp tục ở lại, vì nó phải đi đến một nơi xa nào đó. Là chú chim đang cất tiếng ca nay không hót nữa vì có lẽ loài vật cũng cảm nhận được sự thay đổi của thời gian, cũng biết được thời khắc đang trôi đi không trở lại của đất trời.

"Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm,
.........
- Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!"

Càng trân trọng, càng không muốn để mất thì con người ta lại càng trở nên vội vã. Dường như lúc ấy cả lí trí và con tim đều lên tiếng mách bảo người nghệ phải phải sống hết mình, chỉ có như thế khi mọi thứ qua đi mới không còn gì hối tiếc. Vậy là cái khát khao ấy lại bùng lên dữ dội, nó khiến người nghệ sĩ chìm ngập trong khát vọng của chính mình, sống quên mình với tình yêu và khát vọng. thưởng thức trọn vẹn cho đến khi no nê đã đầy cảnh sắc của nhân gian. Nhưng khát khao của con người có bao giờ dừng lại, và rồi đỉnh điểm của khát vọng ấy là "cắn" vào mùa xuân đang tràn ngập sự sống. Xuân Hồng muốn cảm nhận vị ngọt của đất trời, muốn níu giữ để không có gì có thể trôi đi được, để ông còn được sống mãi với thanh xuân của đời mình.

Khép lại tác phẩm ta chợt thấy một tâm hồn đầy nhiệt huyết và đam mê, đó là một người nghệ sĩ nhưng thấm nhuần triết lí nhân sinh, cũng vì thế mà ông quyết tâm sống hết mình để thưởng thức vẻ đẹp của cuộc sống. Sống để yêu thương và say trong hương vị cuộc sống. Đó cách sống mà người nghệ sĩ chọn để tận hưởng hết thanh xuân của đời mình, và đó cũng là tư tưởng đúng đắn mà thanh niên chúng ta ngày nay phải học tập để sống sao cho ý nghĩa, sống để hòa nhập và cống hiến, cháy hết với đam mê của mình.

Phân tích quan niệm sống vội vàng của Xuân Diệu (mẫu 19)

Xuân Diệu nhà thơ tình của thi ca Việt Nam. Thơ ông tràn ngập tình yêu, không chỉ là tình yêu nam nữ mà còn là tình yêu cuộc sống. Ông sống vội vàng, gấp gáp để nắm bắt trọn vẹn mọi khoảnh khắc của cuộc đời. Triết lí sống vội vàng, gấp gáp đã được ông thể hiện đầy đủ trong bài thơ “Vội vàng” trích trong tập “Thơ thơ” – tập thơ đầu tay của ông.

Trong bài thơ “Giục dã” Xuân Diệu đã từng viết:

Mau với chứ, vội vàng lên với chứEm ơi em, tình non sắp già rồi.

Triết lí sống vội vàng gấp gáp đã trở thành một quan niệm sống của Xuân Diệu, nó được thể hiện xuyên suốt trong hành trình sáng tác của ông.

Ngay từ nhan đề của bài thơ triết lí sống vội vàng, gấp gáp đã được nhà thơ thể hiện. Vội vàng có nghĩa là sự vội vã, làm việc luôn gấp gáp, nhanh chóng không thể chần chừ. Đối với Xuân Diệu cũng vậy, ông vội vàng trong từng giây phút. Vậy tại sao Xuân Diệu phải sống vội vàng, gấp gáp như vậy. Bởi ông ý thức được rằng, thời gian đời người thật ngắn ngủi, hữu hạn, còn thời gian vũ trụ lại tuần hoàn, vô hạn.

“Xuân đương tới, nghĩa là xuân đương qua,Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ giàMà xuân hết nghĩa là tôi cũng mấtKhông cho dài thời trẻ của nhân gianNói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoànCòn trời đất nhưng chẳng còn tôi mãiNên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời”.

Xuân Diệu rất ám ảnh với những bước đi của thời gian , bởi vậy ông vô cùng nhạy cảm trước sự chảy trôi của nó. Xuân đương tới đồng thời lúc đó cũng là lúc nó đang vụt khỏi bàn tay chúng ta, xuân “non” rồi đến lúc xuân sẽ “già”, thậm chí, và khi xuân hết cũng là lúc tôi sẽ chết. Sự cực đoan ấy của Xuân Diệu là hoàn toàn hợp lí. Cuộc sống này đẹp đẽ, tươi vui là vậy nhưng nó như một dòng sông chảy đi và không bao giờ trở lại nữa. Khoảnh khắc đẹp đẽ, phút giây lãng mạn cũng chỉ đến với ta có một lần. Thiên nhiên có thể đẹp mãi, trường tồn mãi, còn “tôi” thì không, tôi chỉ có một đời này, một khiếp này để tận hưởng trọn vẹn mọi mĩ vị, mọi thắng cảnh trong cuộc sống. Bởi vậy cần phải sống vội, sống gấp, có những khao khát mãnh liệt:

Tôi muốn tắt nắng điCho màu đừng nhạt mấtTôi muốn buộc gió lạiCho hương đừng bay đi

Cái khao khát của ông thật khác thường, mà cũng thật mãnh liệt. tắt nắng, buộc gió, hỏi chăng có ai trên cuộc đời này đã làm được. Xuân Diệu muốn tắt nắng để những màu sắc của cuộc sống không bị phai tàn, muốn buộc gió để sắc hương của cỏ cây không bị bay đi. Ý muốn ấy quả thực đẹp đẽ, ông muốn lưu lại những gì đẹp đẽ nhất của thiên nhiên cho cuộc sống con người. Đồng thời ước mơ ấy của ông cũng hoàn toàn có cơ sở, cuộc sống đẹp đẽ dường kia, nếu không sống tận hiến chẳng phải là sẽ uống phí lắm hay sao:

Của ong bướm này đây tuần tháng mậtNày đây hoa của đồng nội xanh rì….Tháng giêng ngon như một cặp môi gần.

Đoạn thơ như một tiếng reo vui, một bản hoan ca trước vẻ đẹp của thiên nhiên vạn vật. Trần thế hiện lên với vẻ đẹp toàn mĩ, tràn đầy nhất: tuần tháng mật, hoa của đồng nội xanh rì, lá của cành tơ phơ phất, yến anh này đây khúc tình si, anh sáng,… Một bức tranh tuyệt đẹp được thi sĩ Xuân Diệu vẽ lên, đó là bức tranh có sự hài hòa của màu sắc (xanh rì), âm thanh (khúc tình si) và ngập tràn ánh sáng. Đây quả là một thiên đường. Vẻ đẹp này không phải ở đâu xa, mà nó ở ngay đây, hiện hữu trong cuộc sống này. Đây cũng là cái đích mà Xuân Diệu muốn hướng người đọc đến, tiên cảnh bồng lai không phải chỉ có ở trong tưởng tượng, mà nó có ở ngay đây, tại mặt đất này. Đang vui sướng, yêu đời, sống hối hả, gấp gáp là vậy, nhưng giọng thơ Xuân Diệu như bị trùng xuống ở câu thơ tiếp theo: “Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa/ Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân”. Câu thơ bị bẻ làm đôi, khi thi nhân nhận ra sự chảy trôi của thời gian, con người lo lắng, sợ hãi trước bước đi của thời gian, nó chẳng đợi chờ tuổi xuân của bất cứ ai, bất cứ sự vật nào: “Con gió xinh thì thào trong lá biếc/ Phải chăng hờn vì nỗi phải bay đi?/ Chim rộn ràng bỗng đứt tiếng reo thi/ Phải chăng sợ độ phai tàn sắp sửa”. Trước bước đi không ngừng của thời gian, ông không còn dừng lại ở khao khát tắt nắng buộc gió mà sống vội sống gấp đã biến thành hành động:

“Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm…- Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!”

Đoạn thơ nồng nàn, cháy bỏng nhất, thể hiện mạnh mẽ nhất khao khát, ước muốn sống vội, sống gấp của thi nhân. Nhịp thơ nhanh, gấp gáp, biểu hiện của cảm xúc dâng trào. Ông muốn ôm tất cả sự sống, dùng hàng loạt động từ mạnh theo cấp độ tăng tiến: ôm, riết, say để tận hưởng cuộc sống bằng mọi giác quan. Từ ôm một cử chỉ thân mật, riết lại mạnh bạo, mạnh mẽ hơn đến say thì đã ở độ quyến luyến, nồng nàn và cuối cùng là thâu hết mọi vẻ đẹp của mùa xuân, tuổi trẻ, tình yêu vào tâm hồn thi nhân. Ông mở tất cả các giác quan để tận hưởng tận độ mọi thanh sắc của đời sống và câu thơ cuối cùng đã thể hiện trọn vẹn cảm xúc của ông: “Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi”.

Tác phẩm Vội vàng đã thể hiện một cách đầy đủ, trọn vẹn nhất lối sống, quan niệm sống “vội vàng” của Xuân Diệu. Ông sống vội vàng để tận hưởng hết vẻ đẹp, để cống hiến hết tuổi xuân cho cuộc đời này. Đó là một nhân sinh quan, lối sống lành mạnh. “Thơ Xuân Diệu là một nguồn sống rào rạt chưa từng thấy ở chốn nước non lặng lẽ này”.

Phân tích quan niệm sống vội vàng của Xuân Diệu (mẫu 20)

Xuân Diệu từng được mệnh danh là “ông hoàng của thơ tình”. Đúng vậy, ông viết nhiều thơ và nổi tiếng nhiều với những bài thơ tình. Nhưng có lẽ đến với Vội vàng, bài thơ viết vào năm 1938, in trong tập Thơ Thơ, chúng ta có thể nhận thấy vì sao chẳng cần đến những bài thơ tình thì ông vẫn là một nhà thơ nổi tiếng, một nhà thơ lớn của dân tộc. Bởi tiếng thơ trong Vội vàng là tiếng đời, bộc lộ nhiều rung cảm và những triết lí sâu sắc. Trong đó thi phẩm cũng đã mang đến một quan niệm sống vô cùng ý nghĩa – sống vội vàng.

Nhan đề của bài thơ đã bộc lộ ngay quan niệm sống vội vàng của Xuân Diệu. Đó là một tính từ chỉ sự nhanh chóng, gấp gáp trong một hành động nào đó. Ở đây Xuân Diệu lại đề cao sự vội vàng trong cách sống, thái độ sống. Chẳng lẽ sống vội vàng là phải sống nhanh, sống gấp gáp vậy ư? Không những thế, cả bài thơ tác giả còn giục giã mọi người hãy sống không chờ đợi, sống hết mình, sống căng tràn từng phút, từng giây, sống đến trọn vẹn của “sống” để chống lại quy luật trôi chảy khắc nghiệt của thời gian.

Ngay mở đầu bài thơ, ông đã vội vàng qua hai ước muốn đầy táo bạo: tắt nắng, buộc gió. Đây là sự phi lí, hoang đường. Nào ai can thiệp được vào quy luật của tạo hóa, nhưng quan niệm sống vội vàng của Xuân Diệu lại khẳng định điều đó là có lí. Bởi nếu không ngưng đọng thời gian thì mọi thứ màu sắc, hương vị của cuộc sống sẽ theo nắng, theo gió mà phai nhạt, mà bay đi mất. Con người chẳng thể níu giữ, khóa chặt bên mình. Vậy chỉ còn cách phải sống vội vàng thì mới thỏa được lòng khao khát, mới đắm mình mà tận hưởng, mới không bỏ lỡ một chút nào hương sắc của cuộc đời. Quan niệm sống vội vàng thể hiện ngay qua khát vọng ngạo nghễ, khác thường mà yêu đời mãnh liệt như thế.

Thế nhưng nhà thơ cũng chẳng nói suông, ước muốn của ông hoàn toàn có căn cứ, vì cuộc đời này tươi đẹp và vô cùng đáng sống, nên càng phải vội vàng:

Của ong bướm này đây tuần tháng mật…Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân.

Đoạn thơ vang lên với những niềm reo vui, thích thú. Ông như một một “hướng dẫn viên” đưa người đọc đi khám thính vẻ đẹp của trần thế này. Thi sĩ sung sướng lắm vì đắm chìm trong cảnh sắc tươi non, viên mãn của mùa xuân: ong bướm tuần tháng mật, hoa đồng nội xanh rì, lá cành tơ phơ phất, yến anh khúc tình si, ánh sáng chớp hàng mi, mỗi buổi sớm thần vui hằng gõ cửa, tháng giêng ngon như một cặp môi gần. Cái hay và ý nghĩa của nhà thơ là để mọi người thưởng thức vẻ đẹp ấy không phải ở chốn bồng lai tiên cảnh, mà ở ngay xung quanh mình. Bởi vậy, Xuân Diệu quan niệm sống vội vàng là yêu thiên nhiên, cuộc sống, nhưng là những gì gần gũi nhất, thân thuộc nhất và trong những khoảnh khắc căng tràn sức sống, tràn ngập xuân tình nhất. Nhưng ông chợt nhận ra, dù là ngay quanh mình đi nữa thì chúng chẳng ở mãi bên mình, nhà thơ dẫu yêu, dẫu ham đến đâu thì rồi nó cũng vụt mất. Bởi vậy, lời thơ say mê, tha thiết nhưng bỗng chùng xuống, vì phải vội vàng một nửa. Vừa tận hưởng vừa vội vàng chính là những gì Xuân Diệu quan niệm. Đó cũng chính là cuộc chạy đua với thời gian để hưởng trọn hương sắc cuộc đời.

Cách sống của Xuân Diệu đúng là không chờ đợi. Ông vội vàng đến mức mà ở ngay mùa xuân ông đã thấy nhớ nó, chứ không chờ tới mùa hạ mới nhớ mùa xuân. Yêu thương, nhớ nhung tất thảy những gì đang tồn tại trở thành phương châm sống của thi sĩ. Với ông điều này có căn cứ.

Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua…Chẳng bao giờ! Ôi chẳng bao giờ nữa!

Xuân Diệu chẳng những quá ám ảnh về thời gian mà ông còn nhạy cảm đến lạ lùng về sự trôi chảy của nó. Hầu hết chúng ta cho rằng, mọi thứ đang đến là đến, chứ ít suy nghĩ rằng nó đang dần trôi qua. Nhưng Xuân Diệu thì khác, ông cảm nhận thấy rõ từng bước đi của thời gian. Nên xuân tới là xuân đang qua, non tức là sẽ già, thậm chí còn đến mức sẽ hết… Tại sao nhà thơ lại quá nhạy cảm như vậy? Sự nghiệt ngã ấy bấy lâu nay ai cũng biết, nhưng nhận ra nó để biết rằng nó đang lấy hết đi những gì của cuộc sống này chỉ có Xuân Diệu. Đoạn thơ mang giọng điệu tranh biện rất say sưa. Ông đang minh chứng rằng cuộc sống này đẹp nhưng không bao giờ ở lại, mỗi phút giây trôi qua là sẽ mất đi. Những thứ nhìn thấy tưởng chừng như sẽ tồn tại lâu, nhưng thực chất đang mất mát, hao mòn dần. Cho nên nếu không sống vội vàng thì chỉ còn lại là những gì tiếc nuối, xót xa.

Nhà thơ đưa cả thêm những hình ảnh nhân hóa về sự mất mát, chia lìa bởi thời gian: tháng năm rớm vị chia phôi, núi sông than thầm tiễn biệt, gió xinh hơn dỗi vì phải bay đi, chim đứt tiếng reo thi vì độ phai tàn sắp sửa… để minh chứng cho điều ấy. Đó mới là vạn vật, trời đất, còn nếu là con người thì hỡi ôi, chắc hẳn phải nhiều ngậm ngùi, chua chát lắm. Nên nhà thơ muốn chúng ta hãy sống vội vàng đi để chạy đua với thời gian, để về sau chúng ta không còn phải thốt lên những lời đầy tiếc nuối: Chẳng bao giờ! Ôi chẳng bao giờ nữa! Và rồi có phải chứng kiến những gì chia lìa, đứt gãy ấy cũng không còn là điều tiếc nuối, xót xa. Quan niệm sống vội vàng trong cái nhìn về thời gian như thế của Xuân Diệu chính là thông điệp sống phải biết trân trọng từng phút, từng giây để không bao giờ phải hối tiếc.

Không những chỉ ra cuộc sống này tươi đẹp rất đáng sống vội vàng, thời gian trôi chảy rất nghiệt ngã, vô tình nên càng phải sống vội vàng, nhà thơ còn giục giã và mách chúng ta cách để sống vội vàng.

Mau đi thôi mùa chưa ngả chiều hôm…- Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi

Lời giục giã đầy hối hả, khẩn thiết. Trong bài thơ có tên Giục giã ông cũng viết:

Mau với chứ! Vội vàng lên với chứEm em ơi, tình non sắp già rồi.

Chẳng phải đây là lần đầu tiên Xuân Diệu khiến người ta cuống quýt thế, mà sống vội vàng là phải vậy. Hãy sống nhanh lên, gấp gáp lên khi mùa chưa ngả chiều hôm, khi cuộc đời chưa vào lúc bóng xế, lúc mình còn tuổi trẻ. Bởi vậy đừng ngại ngần, hãy ôm, hãy riết, hãy say, hãy thâu, hãy cắn để những khoảnh khắc tuyệt diệu của sự sống mới bắt đầu mơn mởn, mây đưa và gió lượn, cánh bướm với tình yêu, cái hôn nhiều, non nước, cỏ cây và xuân hồng được ta hưởng trọn. Thậm chí phải được ngây ngất, chếnh choáng, đã đầy, no nê mới thực sự vội vàng. Bao nhiêu bút lực của sự nhiệt huyết, sôi trào, Xuân Diệu dồn hết vào đoạn thơ cuối. Lời thơ căng tràn cảm xúc, khiến ai đọc cũng như mở lòng ra, cũng chẳng thể ngồi yên mà sống một cách vô nghĩa. Ý nghĩa nhân sinh cao đẹp trong cách sống vội vàng là sống đúng thời điểm. Khi còn tuổi trẻ, khi trong những khoảnh khắc đẹp đẽ của cuộc sống, đó là lúc ta nên sống hết mình. Không phải cứ nhanh, cứ gấp là vội vàng được mà phải sống sao cho đáng trong từng khoảnh khắc mình bỏ ra.

Xuân Diệu viết bài thơ này khi ông mới 22 tuổi nhưng những lời tranh biện và giàu tính triết lý trong bài thơ không hề non nớt. Để có được một quan niệm sống vội vàng giàu ý nghĩa tích cực như thế phải được bắt nguồn từ một thái độ sống nghiêm túc, một tình yêu với cuộc sống mãnh liệt. Bài thơ Vội vàng và quan niệm sống của nhà thơ thực sự đã trở thành một bài học giá trị với nhiều thế hệ trẻ sau này.

Phân tích quan niệm sống vội vàng của Xuân Diệu (mẫu 21)

Một trong số những bài thơ tiêu biểu cho thơ Xuân Diệu là bài Vội vàng in trong tập Thơ thơ thi phẩm được sáng tác trong những năm mười tám đôi mươi của của nhà thơ. Vội vàng là bài thơ thể hiện tình yêu nồng nàn của Xuân Diệu đối với cuộc sống tươi đẹp mà nhà thơ tự thấy phải gấp gáp nhận lấy. Bài thơ Vội vàng được mở đầu bằng bốn dòng thơ ngũ ngôn ngắn gọn, mạnh mẽ như lời tuyên bố về khát vọng của mình:

Tôi muốn tắt nắng đi,Cho màu đừng nhạt mất.Tôi muốn buộc gió lại,Cho hương đừng bay đi.

Tắt nắng, buộc gió là những điều con người không thể làm được, đó là những khát khao phi lí. Nhưng cái phi lí ấy lại có lí với trái tim của nhà thơ, bởi đó là trái tim đầy khao khát mãnh liệt, muốn sống đến trọn vẹn chữ “sống”, muốn giữ mãi cho mình những hương, những sắc của của cuộc đời. Mà cuộc đời trong cảm nhận của nhà thơ lại đẹp đẽ biết chừng nào, quý giá biết bao nhiêu. Nhà thơ thấy rằng trong cuộc sống, mọi thứ đều kì diệu, mỗi sự vật dù nhỏ bé đến đâu cũng đều dâng hiến cho đời những vẻ đẹp tinh túy nhất của mình:

Của ong bướm này đây tuần tháng mật,Này đây hoa của đồng nội xanh rì,Này đây lá của cành tơ phơ phất,Của yến anh này đây khúc tình siVà này đây ánh sáng chớp hàng mi.

Bướm ong thì có tuần tháng mật đầy ngọt ngào, cuốn hút, đồng nội thì có vẻ đẹp của màu xanh mơn mởn và muôn hoa rực rỡ, cành tơ non thì có muôn lá rung rinh, ánh sáng bình minh như cái chớp mi của người đẹp…Những câu thơ có nhịp điệu thật nhanh, thật gấp gáp, sử dụng phép liệt kê, điệp ngữ, rất nhiều tính từ, cách liên tưởng táo bạo, đa tình. Cuộc sống trần gian hiện lên qua đó thật sống động, tươi tốt, đáng yêu, đáng sống, tràn ngập âm thanh, màu sắc tươi sáng, khai mở ra một thiên đường tồn tại chính trên cõi trần này. Với Xuân Diệu, cuộc đời lúc nào cũng tràn ngập niềm vui, mỗi ngày mới đến là niềm vui cũng gõ cửa ùa vào theo:

Mỗi buổi sớm thần Vui hằng gõ cửa

Niềm vui như một vị thần độ lượng, ban phát hạnh phúc cho từng người. Phải nói rằng trong thơ Việt Nam, chưa ai có cách cảm nhận cuộc sống, mùa xuân như cách cảm nhận của Xuân Diệu:

Tháng Giêng ngon như một cặp môi gần

Xuân Diệu chẳng lấy thiên nhiên làm chuẩn mực của cái đẹp khi so sánh với con người như thơ cổ mà lại lấy con người làm chuẩn mực để so sánh với vẻ đẹp của thiên nhiên. Nếu Nguyễn Du so vẻ đẹp của Thuý Vân-Thuý Kiều “Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da” thì Xuân Diệu lại liên tưởng “ Tháng Giêng ngon như một cặp môi gần”. Một cách so sánh rất riêng, rất táo bạo, đầy tình yêu đời nồng nhiệt rất Xuân Diệu. Ông thấy mùa xuân với bao vẻ đẹp sinh động của nó giống như cặp môi đỏ mọng của thiếu nữ đang kề gần. Cách so sánh này chứa đựng bao rung động tận đáy lòng, vừa có sự khao khát, thèm muốn, háo hức rất thiêng liêng mà cũng rất trần tục. Nhà thơ yêu cuộc sống đến si mê, cháy bỏng! Có một cuộc sống đẹp như thế để sống, có bao hương sắc tuyệt diệu như thế để tận hưởng, con người ta sẽ sung sướng biết bao. Nhưng, tựa như một cung nhạc đang vút cao, đến đây bỗng chùng xuống:

Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa.

Câu thơ bị ngắt làm hai, niềm vui sướng không được trọn vẹn. Bởi Xuân Diệu nhận ra rằng điều sung sướng ấy ngắn ngủi biết bao:

Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua,Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già

Xưa nay, người ta chỉ tiếc những kỉ niệm khi nó đã trở thành quá khứ, tiếc xuân khi nó đã không còn. Ở đây, Xuân Diệu với sự nhạy cảm lạ lùng của nhà thơ yêu cuộc sống đến đắm say, ông tiếc mùa xuân ngày khi mùa xuân vẫn còn đang phơi phới. Vì nhà thơ biết rằng thời gian sẽ trôi qua nhanh, mà với những gì quý giá, với những vẻ đẹp, thời gian còn tàn nhẫn trôi nhanh hơn gấp bội, nhanh đến khủng khiêp, phũ phàng. Cái non trẻ, thắm tươi rồi sẽ chẳng mấy mà già nua, héo úa. Điều ấy lại ảnh hưởng vô cùng to lớn đến Xuân Diệu:

Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất

Câu thơ đầy cảm giác buồn bã. Nhà thơ phát hiện ra một điều bi thảm cho mình: mùa xuân trôi qua, tuổi trẻ sẽ trôi qua. Mà khi tuổi trẻ đã trôi qua thì cuộc đời nào còn ý nghĩa gì nữa. Bởi quý giá nhất của cuộc đời, đất trời là mùa xuân, quý giá nhất của con người là tuổi trẻ. Con người khao khát vẻ đẹp tồn tại vĩnh cửu, nhưng cuộc đời lại có những quy luật vô cùng chặt chẽ và nghiệt ngã:

Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật,Không cho dài thời trẻ của nhân gian

Thời gian thì vô hồi vô hạn, nhưng đời người thì hữu hạn. Con người trong cái hữu hạn ấy trở nên thật nhỏ bé, tội nghiệp và mong manh. Bao người lí luận rằng xuân đi xuân đến, nhưng với Xuân Diệu, ông chẳng thể tự an ủi mình mà trái lại, càng xót xa hơn:

Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn,Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại.Còn trời đất nhưng chẳng còn tôi mãi,Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời.

Mùa xuân của đất trời đẹp lắm, quý giá lắm, nhưng mùa xuân chỉ quý giá, chỉ đẹp khi con người biết hưởng, được hưởng vẻ đẹp của nó. Khi con người chẳng còn trẻ mà tận hưởng mùa xuân thì xuân cũng mất hết ý nghĩa. Những câu thơ của Xuân Diệu vì thế mà chuyển sang giọng điệu buồn bã:

Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi,Khắp sông núi vẫn than thầm tiễn biệt.Phải chăng hờn vì nỗi phải bay điChim rộn ràng bỗng dứt tiếng reo thi,Phải chăng sợ độ phai tàn sắp sửa

Tất cả đều buồn bã, đều mất hết ý vị, chỉ còn “rớm vị chia phôi”, chỉ biết “than thầm tiễn biệt”, chỉ còn “hờn dỗi phải bay đi”, chỉ “sợ độ phai tàn sắp sửa”. Trong thơ Việt Nam, ít ai có giọng thơ nuối tiếc thời gian, thương tiếc cuộc sống thiết tha dường ấy. Cũng vẫn gió lá hoa như đạo đầu nhưng đoạn trên rạo rực náo nức, đoạn này lại buồn thương ngậm ngùi, xót xa biết bao nhiêu. Nhà thơ kêu lên một cách tuyệt vọng:

Chẳng bao giờ! Ôi chẳng bao giờ nữa!

Nỗi đau đớn của Xuân Diệu phải sâu sắc lắm, cắt cứa lắm, thấm thía lắm thì mới bộc phát thành tiếng than kêu thống thiết dường ấy. Thời gian cứ mênh mông nhưng mùa xuân và tuổi trẻ của con người cứ ngắn ngủi. Con người chẳng thể làm được gì để biến cái hữu hạn của đời người thành cái vô hạn trường tồn cùng vũ trụ. Chỉ còn mỗi cách, đó là phải hối hả, phải đắm say mãnh liệt hơn, phải vội vàng thâu nhận đến mức độ cao nhất, nhiều nhất những vẻ đẹp nhân gian, những thứ quý giá của đời sống, của tuổi trẻ, mùa xuân. Xuân Diệu giục giã:

Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm………Và non nước, và cây, và cỏ rạng.

Những câu thơ mạnh bạo, gấp gáp, giục giã như một dòng suối ào ạt tuôn chảy, tưởng chừng ngôn từ xô đẩy vào nhau, chen lấn nhau để cho kịp mạch cảm xúc đang bừng lên sôi nổi của nhà thơ. Những tiếng “ta muốn” láy đi láy lại mãi như một điệp khúc bất tận để khẳng định niềm khao khát cháy bỏng muốn sống đến tận cùng cảm giác của Xuân Diệu. Một loạt điệp từ được sử dụng theo mức độ tăng dần của khao khát: muốn ôm – muốn riết – muốn say – muốn thâu – muốn cắn thể hiện tâm trạng si mê đến cuồng nhiệt. Trong một câu thơ mà có đến ba hư từ “và” chứng tỏ Xuân Diệu nồng nhiệt đến rối rít, cuống quýt, như muốn cùng lúc dang tay ôm hết cả vũ trụ, cả cuộc đời, mùa xuân vào lòng mình. Sống như thế với Xuân Diệu mới thực là sống, mới đi đến tận cùng của niềm hạnh phúc được sống.

Cho chuếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng,Cho no nê thanh sắc của thời tươi

Hạnh phúc của sự sống là mùi thơm, ánh sáng, thanh sắc. Tận hưởng cuộc đời chính là có được cảm nhận về những điều ấy ở độ tràn trề nhất. Xuân Diệu muốn tận hưởng cuộc sống cho đến “no nê”, “chuếnh choáng”, “đã đầy”. Trong niềm cảm hứng ở độ cao nhất, Xuân Diệu nhận ra cuộc đời, mùa xuân như một cái gì quý nhất, trọn vẹn như một trái đời đỏ hồng, chín mọng, thơm ngát, ngọt ngào, để cho nhà thơ tận hưởng trong niềm khao khát cao độ:

Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi

Câu thơ là đỉnh cao của những khao khát sống, của tình yêu sống rạo rực trong con tim nồng cháy của Xuân Diệu.

Bài thơ Vội vàng thể hiện tâm trạng đắm say bồng bột của một tấm lòng ham sống mãnh liệt. Bài thơ còn thể hiện một quan niệm sống sống gấp gáp vội vàng tận hưởng những hạnh phúc trần thế, một quan niệm sống lành mạnh và tích cực so với đương thời. Bài thơ là một sáng tác tiêu biểu cho phong cách thơ trẻ trung tươi mới của “nhà thơ của tình yêu”, bài thơ rất tự do, hình ảnh giàu sức gợi, giàu nhạc điệu và cách liên tưởng rất hiện đại. Tâm trạng yêu đời, yêu sống đến cuồng nhiệt trong tác phẩm khẳng định tư tưởng nhân văn của nhà thơ. Cho đến nay, nội dung thúc giục mọi người sống có nghĩa trong cuộc sống thực tại của bài thơ vẫn còn bao ý nghĩa với thế hệ trẻ.

Qua Vội vàng ta không chỉ thất quan niệm sống tràn ngập tình yêu của Xuân Diệu mà ta qua đó ta còn hiểu thêm về quan niệm nhân sinh của Xuân Diệu trong bài thơ Vội vàng vô cùng sâu sắc nữa.

Phân tích quan niệm sống vội vàng của Xuân Diệu (mẫu 22)

Nhắc đến phong trào Thơ Mới không thể không nhắc đến nhà thơ Xuân Diệu – nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới. Thơ Xuân Diệu được hun đúc bởi một tâm hồn thiết tha rạo rực, một tâm hồn cháy bỏng với cuộc đời và sự sống. Bởi vậy, trong thơ ông đâu chỉ đẹp thôi mà thơ ông còn tình nữa, nó gửi gắm biết bao tâm sự, bao nỗi lòng, bao khát khao và quan niệm nhân sinh của người thi sĩ. Với bài thơ “Vội vàng” in trong tập Thơ thơ, Xuân Diệu đã viết nên một quan niệm đấy triết lí trong đời sống đó là quan niệm sống vội vàng.

Sống vội vàng nghĩa là sống gấp gáp, nhanh chóng, khẩn trương, sống thúc giục, hối hả. Sống không chần chừ, do dự. Và Xuân Diệu cũng thế, ông muốn mình được sống trọn vẹn trong từng giây phút thực tại của cuộc đời. Triết lí ấy được thể hiện rõ qua chính nhan đề mà ông lựa chọn đặt cho bài thơ – Vội vàng. Đó là cách sống tận hưởng cuộc sống, tận hưởng mọi lúc, mọi thời khắc của đời người, sống cuống quýt hết mình với từng phút giây. Ông khát khao được thoả mình hưởng thụ những tinh hoa của thiên nhiên vạn vật với nét đẹp nao lòng, Ông phải sống vội, bởi Xuân Diệu biết rằng thời gian là hữu hạn, đời người thì ngắn ngủi, không sống vội vàng liệu có bắt kịp tuổi trẻ, thanh xuân:

“Xuân đang tới, nghĩa là xuân đang qua,Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già,Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất.Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật,Không cho dài thời trẻ của nhân gian,Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn,Nếu đến nữa không phải rằng gặp lại.”

Thời gian dài thật đấy nhưng đời người ngắn ngủi, ai biết được rồi sẽ ra sao, xuân đến xuân qua như quy luật của tạo hoá, người lại thêm tuổi tác. Bởi vậy, ông chọn cách sống vội để có thể có trọn vẹn những khoảnh khắc tuyệt vời, để khỏi hối tiếc thời gian qua đi. Sự chảy trôi của dòng thời gian khiến con người lại càng ý thức hơn cách sống cho chính mình, bởi vậy mà Xuân Diệu lại càng mãnh liệt hơn, khát khao hơn trong cuộc sống:

“Tôi muốn tắt nắng điCho màu đừng nhạt mất;Tôi muốn buộc gió lạiCho hương đừng bay đi.”

Điều ước muốn ấy những tưởng phi lý nhưng thực ra rất có lý, rất khác thường có phần kỳ lạ. Nhưng thiên nhiên đẹp tuyệt vời thế kia, người thi sĩ làm sao không khỏi nuối tiếc ngậm ngùi khi lỡ mất, bởi vậy mà ông muốn được tắt ánh nắng giữ màu tươi sáng của mặt trời, muốn buộc làn gió để giữ hương sắc cỏ cây kia được bền lâu mãi mãi. Đó là sự trân quý, yêu thiên nhiên và ham muốn lưu giữ những đẹp đẽ của tạo hoá ban tặng con người.

“Của ong bướm này đây tuần trăng mật;Này đây hoa của đồng nội xanh rì;Này đây lá của cành tơ phơ phất;Của yến anh này đây khúc tình si.Và này đây ánh sáng chớp hàng mi;Mỗi sáng sớm, thần vui hằng gõ cửa;Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”;

Chốn dương gian như một thiên đường nơi cõi trần tuyệt mỹ, đẹp đến xốn xang. Khúc nhạc hòa ca với vẻ đẹp tròn đầy nhất, viên mãn nhất của mùa xuân với đủ những âm thanh sắc màu tươi đẹp, có ong bướm, có hoa, có lá cành tơ, có nàng yên anh hót khúc tình ca và rợn ngợp hạnh phúc của thần Vui mỗi sáng. Tất cả dường như thật trọn vẹn, hữu tình, như ý. Bởi mùa xuân đẹp đến thế, yêu đến thế mà khiến lòng người thổn thức, sung sướng ngập tràn và mãi mãi không muốn mất đi. Muốn giữ lại tất cả những ngào ngạt của chốn bồng lai nơi mặt đất. Nhưng dù có sung sướng, có mãn nguyện hay nhiệt thành đến đâu tác giả vẫn ý thức được phải sống vội để giữ lấy tất thảy những yêu thương ấy:

“Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa”

Càng sợ hãi trước thời gian, càng lo sợ trước tương lai ông lại càng muốn sống hết mình cho hiện tại, vội vàng nhưng tinh nhạy, vội mà không hư ảo, vội là để giữ tròn đầy nhất những gì tuyệt đẹp cho bản thân, cho đất trời tạo hoá:

” Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân”Mau đi thôi mùa chưa ngả chiều hômTa muốn ômCả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiềuVà non nước, và cây, và cỏ rạng”

Không chờ ngày mai mới tiếc nuối ngày hôm qua, tiếc nuối dĩ vãng tươi đẹp. Từ ý thức biến thành hành động, tác giả muốn tận hưởng hết ngay bây giờ, ngay lúc này, muốn chiếm hữu hết vẻ đẹp, sức hấp dẫn của mùa xuân xanh, của tuổi trẻ. Muốn được ôm những sự sống mơn mởn, muốn được riết lấy làn làn mây và khúc gió dạo giữa trời xanh, muốn hôn lên ánh nắng buổi chiều hôm cho thoả lòng khao khát. Tận hưởng cho đã đầy dư vị của đời sống thân yêu:

“Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sángCho no nê thanh sắc của thời tươi;- Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!”

Mọi giác quan đều được ông thức tỉnh để nếm trọn nét đẹp của mùa xuân, của đời sống. Xuân hồng như một tình nhân bé nhỏ của thi nhân, rực rỡ, dịu ngọt, mà không kém phần đằm thắm, thương yêu. Xuân càng đẹp khiến tác giả lại càng không thể chần chừ hơn, do dự hay đắn đo suy nghĩ nữa mà phải nhanh chóng tận hưởng và sống, sống trọn vẹn nhất ngày hôm nay. Sống cuống quýt, hối hả, rối rít như muốn dang rộng vòng tay nhỏ bé của mình mà ôm lấy vũ trụ tươi đẹp bao la ấy. Xuân Diệu quả thực phải có một tâm hồn rất đời và rất người mới có những vần thơ tràn trề sinh lực và đầy sức sống như thế.

Tôi vẫn thường hay tự hỏi, sống vội để làm gì nhỉ?, liệu khi sống vội ta có đánh mất chính mình hãy không khi ngoài kia đầy rẫy những chông gai, cám dỗ. Nhưng đọc xong Vội vàng của Xuân Diệu, tôi lại càng hiểu hơn sự cần thiết của cách sống ấy, đó là một lối sống lành mạnh và đầy tích cực. Hãy sống, tận hưởng và cống hiến hết mình cho thực tại thân yêu, cho cộng đồng đất nước. Sống trong từng thời khắc phải có ý nghĩa, làm đẹp cho tâm hồn chính mình và cho cuộc sống thân yêu. Sống vội nhưng phải là lối sống mang lại sự tích cực cho bản thân và xã hội.

Phân tích quan niệm sống vội vàng của Xuân Diệu (mẫu 23)

Tuổi trẻ là khoảng thời gian đẹp nhất của đời người. Thật vậy, thanh xuân như mây trời và một khi đã trôi đi thì không bao giờ có thể trở lại. Có lẽ cũng vì hiểu được quy luật đắng cay ấy mà con người trở nên trân trọng thực tại, họ chọn cách sống vội để chạy đua với thời gian, sống trọn từng phút giây mà không bỏ lỡ. Và đó cũng là nội dung chủ đề được Xuân Diệu gửi gắm trong tác phẩm “Vội Vàng”.

Mới ngay từ nhan đề thôi chúng ta cũng có thể hiểu được phần nào chân lí sống của Xuân Diệu. Đó là sống hết mình để tận hưởng vẻ đẹp của trời đất, sống mà không trần trừ để phí quá nhiều thời gian. Thế nhưng, vội vàng cũng không có nghĩa là sống hời hợt bỏ qua nhiều thứ, sống là phải biết hưởng thụ và biết yêu thương.

Và cái khao khát sống ấy cũng rực cháy ngay từ những câu mở đầu tác phẩm:

“Tôi muốn tắt nắng điCho màu đừng nhạt mất;Tôi muốn buộc gió lạiCho hương đừng bay đi.”

Khao khát vượt qua cả giới hạn của một con người. Đó là khao khát tắt nắng, buộc gió. Chỉ vì muốn giữ lại màu sắc và mùi hương mà con người nhỏ bé kia lại dám mơ ước thay đổi cả vũ trụ, thay đổi cả quy luật của tự nhiên để tận hưởng trọn vẹn vẻ đẹp của đất trời. Thế nhưng đó lại là những mơ ước không tưởng mà chẳng con người nào có thể làm được, không ai có thể tắt nắng đi và buộc gió lại vì chúng là vô hình, cũng như thứ thanh xuân vô hình mà người nghệ sĩ đang cố gắng chạy đua với thời gian.

Rồi với những câu thơ tiếp theo, ông đã vẽ lên cả một thiên đường ngập tràn âm thanh và màu sắc:

“Của ong bướm này đây tuần tháng mậtNày đây hoa của đồng nội xanh rìNày đây lá của cành tơ phơ phấtCủa yến anh này đây khúc tình siVà này đây ánh sáng chớp hàng miMỗi sáng sớm, thần Vui hằng gõ cửaTháng giêng ngon như một cặp môi gần”

Đó chẳng phải là trần gian với chút cỏ cây hoa lá mà dường như với con người tràn ngập nhiệt huyết tuổi trẻ nó lại trở nên thật tuyệt diệu làm sao. Đây là cuộc sống nơi thiên đường rực rỡ màu sắc và ánh sáng, là nơi mà thần tiên thường hay du ngoạn đến. Không gian trong bức tranh ngập tràn màu sắc, đó là màu xanh của cỏ cây, màu xanh của sự sống đang ở độ căng tràn nhất. Và ở trong không gian thơ mộng ấy lại được náo nhiệt, vui tươi hơn nhờ khúc hát mời gọi của các loài chim, âm thanh, ánh sáng, màu sắc, tất cả ngọn nguồn của sự sống đều tụ tập về một nơi để phô diễn ra cái vẻ đẹp của thiên đường trên nhân gian và rồi, khi người nghệ sĩ đa cảm ấy bắt gặp được mỹ cảnh lộng lẫy thì trong lòng lại nao nức, bồn chồn muốn sống hết mình để tận hưởng được vẻ đẹp của trần gian. Khát khao được tận hưởng cũng được bộc lộ qua điệp từ “này đây”, nó như một lời mời gọi không thể chối từ dành cho kẻ si tình trót để quên trái tim khi ghé qua nhân thế. Và chưa dừng lại ở đó, khu vườn nhân gian vẫn còn những điều cuốn hút hơn đang chờ đợi du khách mỗi sáng, niềm vui sẽ đến với mọi người.

Mùa xuân là mùa đẹp nhất của một năm, đó là khoảng thời gian trăm hoa khoe sắc, là khi mầm non bật tung khỏi lớp vỏ sần sùi của cành cây để dâng lên đất trời hơi thở của sự sống. Mùa xuân không còn cái lạnh giá, không còn cái vẻ lạnh lẽo và u ám của những ngày đông giá lạnh. Vào thời điểm khởi đầu của một năm cũng là khi sự sống được bắt đầu, có chút se se lạnh cùng chút mưa phùn thoang thoảng hương cỏ cây khiến người ta muốn thả hồn mình vào để ngắm nhìn, để thưởng thức. Thật vậy mùa xuân là mùa của sự sống và cái căng mọng, tràn trề của sự sống ấy được người nghệ sĩ cảm nhận là “cặp môi gần”. Có thể đó là đôi bờ môi căng mọng thơm mướt và tràn đầy sự sống của người con gái đôi mươi, đó là tình yêu, là hy vọng và là thứ mà không ai có thể chối từ. Đôi môi của sự sống ấy khiến cho người du khách thêm yêu và trân trọng cuộc đời, trân trọng thanh xuân của mình. Còn trẻ là còn tất cả, khi ấy ta có thể tự tay làm bất cứ điều gì, còn trẻ là còn nhiệt huyết và đam mê, tuổi trẻ chúng ta không ngại khó ngại khổ, không bị giới hạn bởi tuổi tác và sức khỏe, chỉ khi trẻ chúng ta mới theo đuổi được đam mê và mơ ước của mình. Nhưng càng hiểu giá trị của tuổi trẻ thì người nghệ sĩ càng vội vã sống, ông không muốn bỏ lỡ một giây phút nào của cuộc đời con người đầy ngắn ngủi và không biết trước được chuyện gì sẽ xảy ra vào ngày mai ấy.

Người ta thường nói càng trân trọng càng sợ mất, khi con người ta nhận ra được nhiều điều hơn cũng là lúc họ thay đổi cách sống:

“Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa:……..Chẳng bao giờ, ôi! Chẳng bao giờ nữa…”

Cuộc sống là không ngừng mất đi, thật vậy chẳng có gì có thể nói trước trong cuộc sống. Có lẽ hiểu được quy luật của cuộc đời ngắn ngủi ấy nên người nghệ sĩ vừa mừng vừa lo, ông vui sướng vì được cảm nhận và được thưởng thức vẻ đẹp của đất trời thế nhưng sau cùng thì con người rồi cũng sẽ có một lúc nào đó già đi và không thể tự làm được những điều mình muốn hoặc chẳng may người ta mắc một căn bệnh quái ác nào đó cướp đi tính mạng mà chẳng hề hay biết. Đó là những kết cục buồn và đáng tiếc nhất của một đời người, không ai được chọn nơi mình sinh ra nhưng ta có thể chọn cách sống cho bản thân mình và rồi ông chọn cho mình cách sống vội vã, sống như thể ngày mai không còn được sống để ôm trọn vẻ đẹp của đất trời. Ông chạy đua cùng với thời gian, sống nhưng vẫn còn bâng khuâng lo lắng cho tuổi trẻ ngắn ngủi của mình. Trời đất là vô hạn còn đời người chỉ thoáng chốc ngắn ngủi, mỗi mùa xuân đến cũng là khi con người thêm một tuổi và điều đó cũng đồng nghĩa với việc giảm đi một năm tuổi trẻ, vậy nên mặc dù vui sướng tận hưởng thời khắc xuân xanh căng tràn của cuộc đời nhưng ông cũng không ngừng lo lắng. Ông lại hoài niệm về cuộc đời, về những thứ mà có thể mình sẽ không thưởng thức hết được, nỗi buồn của người nghệ sĩ thấm vào cảnh vật khiến chúng man mác một nỗi buồn chia phôi. Là cơn gió xinh vô tư bay nhảy trên không trung nay cũng biết buồn vì không được tiếp tục ở lại, vì nó phải đi đến một nơi xa nào đó. Là chú chim đang cất tiếng ca nay không hót nữa vì có lẽ loài vật cũng cảm nhận được sự thay đổi của thời gian, cũng biết được thời khắc đang trôi đi không trở lại của đất trời.

“Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm,………- Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!”

Càng trân trọng, càng không muốn để mất thì con người ta lại càng trở nên vội vã. Dường như lúc ấy cả lí trí và con tim đều lên tiếng mách bảo người nghệ phải phải sống hết mình, chỉ có như thế khi mọi thứ qua đi mới không còn gì hối tiếc. Vậy là cái khát khao ấy lại bùng lên dữ dội, nó khiến người nghệ sĩ chìm ngập trong khát vọng của chính mình, sống quên mình với tình yêu và khát vọng. thưởng thức trọn vẹn cho đến khi no nê đã đầy cảnh sắc của nhân gian. Nhưng khát khao của con người có bao giờ dừng lại, và rồi đỉnh điểm của khát vọng ấy là “cắn” vào mùa xuân đang tràn ngập sự sống. Xuân Hồng muốn cảm nhận vị ngọt của đất trời, muốn níu giữ để không có gì có thể trôi đi được, để ông còn được sống mãi với thanh xuân của đời mình.

Khép lại tác phẩm ta chợt thấy một tâm hồn đầy nhiệt huyết và đam mê, đó là một người nghệ sĩ nhưng thấm nhuần triết lí nhân sinh, cũng vì thế mà ông quyết tâm sống hết mình để thưởng thức vẻ đẹp của cuộc sống. Sống để yêu thương và say trong hương vị cuộc sống. Đó cách sống mà người nghệ sĩ chọn để tận hưởng hết thanh xuân của đời mình, và đó cũng là tư tưởng đúng đắn mà thanh niên chúng ta ngày nay phải học tập để sống sao cho ý nghĩa, sống để hòa nhập và cống hiến, cháy hết với đam mê của mình.

Phân tích quan niệm sống vội vàng của Xuân Diệu (mẫu 24)

Nhà thơ được Hoài Thanh đánh giá là “Nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới” chính Xuân Diệu không ai khác. Thơ ông là một nguồn sống dào dạt tràn đầy xuân sắc xuân tình của một thi nhân yêu say đắm tình yêu, cuộc đời và biết trân trọng, tận hưởng vẻ đẹp cuộc sống. Tiêu biểu cho phong cách thơ Xuân Diệu là bài thơ “Vội vàng” thể hiện quan niệm sống vội vàng rất mới mẻ, có ý nghĩa. Vậy tại sao Xuân Diệu lại có được điều đó ta cùng tìm hiểu bài thơ để làm rõ lối sống vội của thi nhân.

Vội vàng là một tính từ để chỉ sự nhanh chóng, gấp gáp. Theo Xuân Diệu sống vội là sống nhanh, sống gấp để tận lực cống hiến, tận tâm tận hưởng, thưởng thức vẻ đẹp tạo hóa ban tặng. Sống vội vàng trong quan niệm của ông là lối sống tích cực khác với cách sống gấp của một số bạn trẻ hiện nay vội chạy theo giá trị vật chất, vội sống để hưởng thụ mà quên mất làm việc, vội chạy theo xu thế thời thượng mà sa đà vào lối sống tiêu cực vô nghĩa. Chính quan niệm vội vàng của Xuân Diệu đã thức tỉnh cho ai đã lầm lối, mở đường cho ai đang bơ vơ đi tìm lẽ sống đích thực.

Vậy tại sao Xuân Diệu lại có được lối sống mang ý nghĩa nhân sinh sâu sắc như vậy? Ông là nhà thơ luôn khao khát giao hòa, giao cảm với cuộc đời, yêu tha thiết sự sống xung quanh mình. Xuân Diệu phát hiện ra vẻ đẹp tạo hóa ban tặng cho chúng ta, thi sĩ như người hướng dẫn viên du lịch đưa ta du ngoạn ngắm cảnh đẹp hết chốn nọ đến chỗ kia: là vẻ đẹp của ong bướm trong tuần tháng mật, hoa của đồng nội xanh rì, lá của cành tơ phơ phất, khúc tình si của yến anh, ánh sáng chớp hàng mi, thần Vui gõ của mỗi sáng sớm và tuyệt vời nhất là vẻ đẹp của tháng giêng được thi sĩ so sánh ngon như cặp môi gần của tình yêu. Những vẻ đẹp ấy không phải tìm ở đâu xa mà nó là “bữa tiệc ngon”, là chốn bồng lai tiên cảnh giữa trần gian. Nó không phải là vẻ đẹp đặc trưng cho một vùng quê như thơ Nguyễn Khuyến, Hàn Mặc Tử hay vẻ đẹp “Tràng giang” của Huy Cận mà thiên nhiên trong thơ Xuân Diệu có ở bất cứ nơi nào, vùng quê nào bởi nét đẹp bình dị xung quanh ta. Thi nhân sung sướng tận hưởng, thỏa mãn chìm đắm trong thiên nhiên nhưng ông cũng “vội vàng một nửa”, ông bồi hồi nuối tiếc cảnh sắc đất trời trong những phút giây căng tràn nhựa sống trong khoảnh khắc tươi đẹp khi xuân sang.

Thi sĩ sống vội vàng là bởi ông nhận ra quy luật trôi chảy khắc nghiệt và sự tàn phá của thời gian. Nếu như trong văn học trung đại các nhà thơ quan niệm thời gian là tuần hoàn, xoay vòng còn đối với Xuân Diệu đó là thời gian tuyến tính một đi không trở lại: “Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua/ Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già/ Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất”. Nếu người khác cảm nhận mùa xuân qua đi khi hạ đến còn nhà thơ không cần đợi nắng đến mới hoài xuân mà ông nuối tiếc mùa xuân ngay cả khi nó đang hiện hữu. Đối với ông xuân đang đến nghĩa là đang qua, xuân còn non rồi cũng già, thậm chí là xuân hết nhà thơ cũng mất. Xuân Diệu yêu quý mùa xuân của thiên nhiên đất trời, màu xuân của tuổi trẻ với ông tuổi trẻ qua đi cuộc đời trở nên vô nghĩa. Tuổi trẻ là quãng thời gian tươi đẹp, ý nghĩa, hạnh phúc nhất của đời người. Câu thơ mang ý nghĩa nhân sinh sâu sắc tác giả như muốn gửi gắm lời nhắn nhủ đến bạn đọc hãy biết trân trọng từng khoảnh khắc của thời gian, nhất là mấy năm ngắn ngủi thanh xuân, khoảng thời gian ấy ta có sức khỏe, có ý chí, có niềm tin và có cơ hội để thử thách bản thân, để cho mình được “thất bại” để thấy cuộc đời có ý nghĩa vô cùng. Nhà thơ ám ảnh trước sự tàn phá của thời gian khiến cho mọi vật đều được nhân hóa hiện hữu lên như con người cũng biết buồn vui, tủi hờn, đều biết lo sợ bởi khoảnh khắc qua đi của mùa xuân. Nên kết thúc cho mạch cảm xúc là thán từ ôi và dấu chấm than, cùng với dấu ba chấm biểu đạt ý chưa nói hết thể hiện tâm trạng nuối tiếc đến tột cùng của tác giả: “Chẳng bao giờ, ôi! Chẳng bao giờ nữa…”

Vì cảnh sắc trời xuân quá đẹp nên nhà thơ muốn “tắt nắng”, “buộc gió” muốn can thiệp vào quy luật của tạo hóa để lưu giữ hương sắc tươi đẹp của đất trời. Đó là một ước muốn táo bạo, nghe có vẻ phi lí nhưng đứng trong hoàn cảnh, tâm trạng thi nhân ta mới thấy nó có nghĩa có lí vô cùng. Thi nhân đang tiếc nuối cho thanh xuân của đất trời và con người nên cất tiếng kêu gọi “Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm” ta đã từng bắt gặp lời thúc giục ấy trong câu thơ: “Mau với chứ vội vàng lên với chứ/ Em em ơi, tình non sắp già rồi”. Lúc nào trong tâm thức Xuân Diệu cũng muốn hưởng trọn thanh sắc của thiên nhiên, ông muốn ôm, muốn riết, muốn say, muốn thâu và tột đỉnh là muốn cắn vào xuân hồng. Hàng loạt các động từ được sắp xếp theo mức độ tăng tiến cho thấy khao khát cháy bỏng của nhà thơ muốn hòa mình, tan chảy vào thiên nhiên để tận hưởng trọn vẹn. Nếu không phải một con người yêu tha thiết cuộc sống, say đắm trước vẻ đẹp của đất trời làm sao có thể viết nên những vần thơ tuyệt mĩ như vậy. Chưa có một hồn thơ nào mà thiên nhiên lại rạo rực tràn đầy sức sống mãnh liệt như trong bài thơ “Vội vàng”.

Như vậy qua tác phẩm ta có thể thấy được quan niệm sống vội vàng tích cực đáng để ngưỡng mộ và học tập. Qua đó tác giả đã cho em cũng như bạn đọc những giá trị nhân sinh sâu sắc. Học xong bài thơ em nhận thức được giá trị của thời gian, vẻ đẹp của cuộc sống không phải ở chốn thần tiên xa vời mà hiện hữu ngay trong thường nhật. Xuân Diệu cho em biết thế nào là sống có ích, có nghĩa, biết nỗ lực hết mình cho tuổi trẻ ngắn ngủi, biết cống hiến sức mình cho quê hương và biết tận hưởng cuộc sống tươi đẹp.

Quan niệm sống vội vàng của Xuân Diệu có ý nghĩa sâu sắc với cuộc đời, tồn tại lâu bền với thời gian và luôn đúng trong mọi thời đại đặc biệt với các bạn trẻ đúng như nhận xét của Hoài Thanh: “Xuân Diệu mới nhất trong các nhà thơ mới – nên chỉ những người còn trẻ mới thích đọc Xuân Diệu, mà đã thích thì phải mê”.

Phân tích quan niệm sống vội vàng của Xuân Diệu (mẫu 25)

 Lầu thơ của ông xây dựng trên đất của một tấm lòng trần gian. Đã hơn hai mươi năm Xuân Diệu giã từ chúng ta vào cõi hư vô, nhưng “tấm lòng trần gian” của ông dường như vẫn còn ở lại. Cứ mỗi lần xuân tới, những trái tim non trẻ của các thế hệ học sinh lại rung lên những cảm xúc mãnh liệt trước tâm tình của Xuân Diệu gửi gắm với đời trong bài thơ Vội vàng, gắn với niềm khát khao giao cảm với đất trời, con người tràn mê đắm của thi nhân, trong mùa xuân diệu kì!

  Làm thơ xuân vốn là một truyền thống của thi ca Việt Nam, bao nét xuân đi vào thi ca đều mang một dấu ấn cảm xúc riêng. Đặc biệt, trong thơ lãng mạn Việt Nam 1932 – 1945, mùa xuân còn gắn với cái tôi cá nhân cá thể giàu cảm xúc của các nhà thơ mới. Có thể kể đến một Hàn Mặc Tử với “khách xa gặp lúc mùa xuân chín…”, một Nguyễn Bính với “mùa xuân là cả một mùa xanh…”. Nhưng có lẽ Xuân Diệu chính là người đã đem vào trong cảm xúc mùa xuân tất cả cái rạo rực đắm say của tình yêu. Vội vàng là lời tâm tình với mùa xuân của trái tim thơ tuổi hai mươi căng nhựa sống. Bài thơ mở đầu bằng những ước muốn thật kì lạ:

   Tôi muốn tắt nắng đi
   Cho màu đừng nhạt mất
   Tôi muốn buộc gió lại
   Cho hương đừng bay đi

   Con người ở giữa không gian của “nắng” và “hương” này thật lạ! Anh ta có những ước muốn và đòi hỏi thật vô lí, muốn vượt ra khỏi qui luật bình thường của tạo hoá. Nhưng qui luật thời gian vẫn lạnh lùng nghiệt ngã, nắng vẫn chầm chậm trôi về cuối ngày, gió vẫn lang thang hoài không nghỉ, báo hiệu cho tàn phai và phôi pha sắp sửa bắt đầu. Xuất phát từ điểm nhìn của một cái tôi chủ quan, chẳng qua Xuân Diệu chỉ muốn diễn giải đầy đủ hơn sự có lí của tâm hồn: Giữ trọn vẹn hơn những vẻ đẹp cuộc đời, hưởng thụ tận cùng màu sắc và hương vị của sự sống. Điều nhà thơ “muốn” trong một không gian ngập đầy nắng gió đã nói lên ý thức về thời gian trong tâm tưởng con người: Nỗi lo sợ trước viễn cảnh chia li, như có lần Xuân Diệu đã từng chứng kiến:

   Đương lúc hoàng hôn xuống
   Là giờ viễn khách đi
   Nước đượm màu li biệt
   Trời vương hương biệt li
                                (Viễn khách)

   Ý niệm về thời gian ấy còn là nỗi lo sợ cho tương lai “Đời trôi chảy lòng ta không vĩnh viễn” nên trái tim “giục giã” nhà thơ bày tỏ nỗi niềm tha thiết với mùa xuân. Mùa xuân đến, trong sự mong đợi của nhà thơ, cùng với hương và sắc, làm bừng lên sức sống của không gian:

   Của ong bướm này đây tuần tháng mật
   Này đây hoa của đồng nội xanh rì
   Này đây lá của cành tơ phơ phất
   Của yến anh này đây khúc tình si
   Và này đây ánh sáng chớp hàng mi
   Mỗi sáng sớm thần Vui hằng gõ cửa

   Chưa bao giờ, trong thi ca Việt Nam, mùa xuân lại hiện ra xôn xao như thế. Xuân không còn là bóng dáng mà đã hiện hình cụ thể đến từng chi tiết: vẻ đẹp ngọt ngào trong “tuần tháng mật” “của ong bướm”, rực rỡ trong “hoa của đồng nội xanh rì”, mơn mởn trong “lá của cành tơ phơ phất”, mê đắm trong “khúc tình si” “của yến anh” và ngây ngất niềm vui “gõ cửa” cho mọi tâm hồn bừng lên “ánh sáng”. Sức sống của mùa xuân làm vạn vật có linh hồn, quấn quít giao cảm đến độ cuồng nhiệt. Bằng những tiếng “này đây” vồ vập, linh hoạt giữa những hàng thơ, tạo nên điệp khúc, Xuân Diệu háo hức như muốn sờ tận tay, chạm mặt mùa xuân. Bước chuyển của mùa xuân nhờ vậy cũng rõ rệt hơn, bay lên cùng cái náo nức rộn rã, mê mải trong lòng tác giả, nồng nàn và tinh tế. Tuyệt đỉnh của mê say là một niềm hạnh phúc: Tháng Giêng ngon như một cặp môi gần

   Mùa xuân không còn riêng của đất trời vạn vật mà đã hoà vào hồn người. Mùa xuân đến với con người như một người yêu, góp hết sự sống của muôn loài lên “cặp môi gần” hiến dâng, đầy ham muốn của con người. Qua cách cảm của Xuân Diệu, cuối cùng cái đích của sự sống vẫn là con người, chuẩn mực của mọi vẻ đẹp cuộc sống vẫn là con người với tất cả khát khao về hạnh phúc. Hạnh phúc cùng mùa xuân, tận hưởng vị “ngon” của cả một không gian xuân, nhà thơ đã biểu lộ cảm xúc cực điểm của sự sung sướng. Niềm hạnh phúc trần thế ấy đồng nghĩa với sự sống! Mùa xuân đem đến cho chàng trai Xuân Diệu một niềm ham sống và men say của tình yêu. Nhưng nhịp hoan ca bỗng khựng lại giữa chừng trong một câu thơ tách ra hai thái cực:

   Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa

   Nhà thơ cắt nghĩa cái vội vàng ấy bằng những dự cảm của tâm hồn. Trước một niềm khoái lạc vô biên khiến con người như bồng bềnh chao đảo trong cảm giác ngất ngây, linh cảm về một cuộc chia li đã hiện hình rõ nét:

   Xuân đang tới nghĩa là xuân đang qua
   Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già
   Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất

   Những cái “nghĩa là” ấy gắn liền với triết lí về sự sống đã có tự ngàn xưa, không phải là một ý niệm mới mẻ. Cách Xuân Diệu một ngàn năm, trong thế giới của thơ Đường, ta đã gặp nỗi lòng của một Trần Tử Ngang trước vũ trụ bao la:

   Ai người trước đã qua
   Ai người sau chưa lại
   Ngẫm trời đất thật vô cùng
   Riêng lòng đau mà lệ chảy
                   (Bản dịch Đăng U Châu đài ca)

   Suy tư ấy có liên quan đến thân phận con người: cái hữu hạn của đời người - cái vô hạn của đất trời. Với Xuân Diệu, khi mùa xuân đồng nghĩa với tuổi trẻ, sự sống, tình yêu, gắn bó với cái tôi yêu đời của nhà thơ, thì chia li đồng nghĩa với cái chết. Trong khi đồng nhất hoá mùa xuân với con người, Xuân Diệu đã sống đến tận cùng cảm giác, yêu đến tận cùng mê say và gửi cả vào mùa xuân khát vọng của một tâm hồn muốn vươn tới cõi vô biên. Nhưng khi ý thức về thời gian đi liền với tàn phai và hủy diệt, nhà thơ đã cảm nhận sâu sắc bi kịch của con người phải chịu sự chi phối của qui luật khách quan. Đó cũng là nỗi niềm chung của con người khi chôn vùi tuổi trẻ trong một cuộc sống đã mất ý nghĩa. “Ngán nỗi xuân đi, xuân lại lại – Mảnh tình san sẻ tí con con”, Hồ Xuân Hương đã chẳng từng than thở đó sao? Điều đặc biệt là Xuân Diệu không thu gọn cảm xúc trong nỗi niềm ngao ngán cho riêng bản thân. Thi nhân đã dành hẳn một niềm “bâng khuân”, “tiếc cả đất trời” để làm nên một cuộc chia li bi tráng với mùa xuân:

   Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi
   Khắp sông núi đều than thầm tiễn biệt
   Cơn gió xinh thì thào trong lá biếc
   Phải chăng hờn vì nỗi phải bay đi
   Chim vội vàng bỗng đứt tiếng reo thi
   Phải chăng sợ độ phai tàn sắp sửa?
   Chẳng bao giờ, ôi, chẳng bao giờ nữa?

   Những cuộc chia li nổi tiếng trong lịch sử văn chương cổ kim có lẽ cũng chỉ bùi ngùi đến vậy. Nước sông Dịch lạnh theo nỗi niềm thái tử Đan đưa tiễn Kinh Kha sang sông hành thích bạo chúa, người chinh phụ đưa chồng ra chiến trận “nhủ rồi nhủ lại cầm tay- bước đi một bước giây giây lại dừng” (Chinh phụ ngâm), tất cả đều cảm động lưu luyến nhưng đó là cảnh chia li giữa người với người. Tản Đà mượn lời “thề non nước”, “tống biệt”, “cảm thu, tiễn thu” cũng chỉ là mượn cảnh nói người, cảm xúc man mác lặng lẽ. Còn Xuân Diệu đã diễn tả đầy đủ đến từng chi tiết cụ thể không khí của cuộc chia li, từ thời gian “tháng năm”, không gian “sông núi than” đến “cơn gió xinh hờn tủi”, chim “đứt tiếng”… Cảm quan lãng mạn cùng hoà với suy tư về bản thân đã khắc hoạ độc đáo cảm giác tinh tế của nhà thơ. Khung cảnh “rớm vị chia phôi” như san sẻ nỗi niềm của thi nhân, bật thành tiếng than não nuột “chẳng bao giờ, ôi, chẳng bao giờ nữa”, tiếc thương cho vẻ đẹp mùa xuân, tuổi trẻ, sự sống một đi không trở lại.
   Từ cảnh “trong gặp gỡ đã có mầm li biệt” này trước nỗi lo âu, linh cảm về sự tàn phai cùng dòng chảy thời gian, có một giao điểm hội tụ tình cảm và lí trí của nhà thơ, trở thành một niềm thôi thúc cháy bỏng:

   Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm

   Đó là lời kêu gọi của tình yêu, của đam mê và khát khao vượt ra thực tại đáng buồn để tìm đến mùa xuân. Chính vào lúc tưởng như rợn ngợp trong sự hoang mang, nhà thơ đã vượt lên để thể hiện rõ chất Người cao đẹp - tìm về ý nghĩa của sự sống. Không quay về quá khứ để hoài niệm, không tìm kiếm một ngày mai vô vọng, con người ở đây sống cùng thực tại mãnh liệt, dường như cùng với các động tác vội vàng cuống quít kia là sự cuồng nhiệt với đời:

   Ta muốn ôm
   Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn
   Ta muốn riết mây đưa và gió lượn
   Ta muốn say cánh bướm với tình yêu
   Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
   Và non nước và mây và cỏ rạng
   Cho chếnh choáng mùi hương cho đã đầy ánh sáng
   Cho no nê thanh sắc của thời tươi
   - Hỡi Xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!

   Tưởng chừng những cái “ta muốn” là sự lặp lại cảm xúc đầu bài thơ. Nhưng đi liền với các cảm giác và hành động ôm, riết, say, thâu, hôn, chếnh choáng, đã đầy, no nê, cắn, cảm xúc đã phát triển đầy đủ, trẻ trung trong trạng thái ngây ngất. Từ thái độ ban đầu còn có chút e dè đến thái độ vồ vập vội vàng, có chút tham lam là cả một sự chuyển hướng của suy tư. Xuân Diệu không chờ đợi mà muốn chiếm lĩnh sự sống, thâu vào đầy đủ vẻ đẹp cuộc sống, sống thành thật với chính mình, sống hết mình. Thái độ sống ấy đã được nhà thơ tuân thủ suốt cuộc đời mình và ông đã tìm ra ý nghĩa của sự sống trước ranh giới của mất mát, tàn phai và cái chết, chiến thắng nỗi sợ hãi hư vô. Khát khao được sống, được yêu, được giao cảm cùng vũ trụ và cuộc đời, Xuân Diệu đã chiến thắng thời gian, vẫn vẹn nguyên sức sống dồi dào của tuổi hai mươi:

   Trong hơi thở chót dâng trời đất
   Cũng vẫn si tình đến ngất ngư
                        (Không đề – 1983)

   Bài thơ Vội vàng đã thể hiện tinh tế những giác quan nhạy bén của hồn thơ Xuân Diệu trước mùa xuân, gắn với quan niệm sống của ông về ý nghĩa sự sống đời người. Con Người, với những tính cách và cảm xúc độc đáo hiện diện trong từng câu chữ, mang nét đặc trưng của cảm quan lãng mạn. Bài thơ còn đưa ra một quan niệm sống tích cực: phải biết tận hưởng vẻ đẹp cuộc đời. Hiểu một cách đúng đắn quan niệm này có nghĩa là mỗi người cần phải sống hết mình với cuộc sống hôm nay, sôi nổi chân thành và thiết tha với đời. Chính vẻ đẹp của con người sẽ làm nên vẻ đẹp bất tử cho cuộc đời. Lời nhắn nhủ trong Vội vàng cũng là tâm niệm suốt đời của nhà thơ, đã làm ta hiểu hơn về “tấm lòng trần gian” của một người thơ yêu đời mê đắm.

Phân tích quan niệm sống vội vàng của Xuân Diệu (mẫu 26)

Bài thơ Vội vàng được mở đầu bằng bốn dòng thơ ngũ ngôn ngắn gọn, mạnh mẽ như lời tuyên bố về khát vọng của mình:

Tôi muốn tắt nắng đi,
Cho màu đừng nhạt mất.
Tôi muốn buộc gió lại,
Cho hương đừng bay đi.

Tắt nắng, buộc gió là những điều con người không thể làm được, đó là những khát khao phi lí. Nhưng cái phi lí ấy lại có lí với trái tim của nhà thơ, bởi đó là trái tim đầy khao khát mãnh liệt, muốn sống đến trọn vẹn chữ “sống”, muốn giữ mãi cho mình những hương, những sắc của của cuộc đời. Mà cuộc đời trong cảm nhận của nhà thơ lại đẹp đẽ biết chừng nào, quý giá biết bao nhiêu. Nhà thơ thấy rằng trong cuộc sống, mọi thứ đều kì diệu, mỗi sự vật dù nhỏ bé đến đâu cũng đều dâng hiến cho đời những vẻ đẹp tinh tuý nhất của mình:

Của ong bướm này đây tuần tháng mật,
Này đây hoa của đồng nội xanh rì,
Này đây lá của cành tơ phơ phất,
Của yến anh này đây khúc tình si
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi.

Bướm ong thì có tuần tháng mật đầy ngọt ngào, cuốn hút, đồng nội thì có vẻ đẹp của màu xanh mơn mởn và muôn hoa rực rỡ , cành tơ non thì có muôn lá rung rinh, ánh sáng bình minh như cái chớp mi của người đẹp…Những câu thơ có nhịp điệu thật nhanh, thật gấp gáp, sử dụng phép liệt kê, điệp ngữ, rất nhiều tính từ, cách liên tưởng táo bạo, đa tình. Cuộc sống trần gian hiện lên qua đó thật sống động, tươi tốt, đáng yêu, đáng sống, tràn ngập âm thanh, màu sắc tươi sáng, khai mở ra một thiên dường tồn tại chính trên cõi trần này.

Với Xuân Diệu, cuộc đời lúc nào cũng tràn ngập niềm vui, mỗi ngày mới đến là niềm vui cũng gõ cửa ùa vào theo:

Mỗi buổi sớm thần Vui hằng gõ cửa

Niềm vui như một vị thần độ lượng, ban phát hạnh phúc cho từng người. Phải nói rằng trong thơ Việt Nam, chưa ai có cách cảm nhận cuộc sống, mùa xuân như cách cảm nhận của Xuân Diệu:

Tháng Giêng ngon như một cặp môi gần

Xuân Diệu chẳng lấy thiên nhiên làm chuẩn mực của cái đẹp khi so sánh với con người như thơ cổ mà lại lấy con người làm chuẩn mực để so sánh với vẻ đẹp của thiên nhiên. Nếu Nguyễn Du so vẻ đẹp của Thuý Vân-Thuý Kiều “Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da” thì Xuân Diệu lại liên tưởng “ Tháng Giêng ngon như một cặp môi gần”. Một cách so sánh rất riêng, rất táo bào, đầy tình yêu đời nồng nhiệt rất Xuân Diệu. Ông thấy mùa xuân với bao vẻ đẹp sinh động của nó giống như cặp môi đỏ mọng của thiếu nữ đang kề gần. Cách so sánh này chứa đựng bao rung động tận đáy lòng, vừa có sự khao khát, thèm muốn, háo hức rất thiêng liêng mà cũng rất trần tục. Nhà thơ yêu cuộc sống đến si mê, cháy bỏng!

Có một cuộc sống đẹp như thế để sống, có bao hương sắc tuyệt diệu như thế để tận hưởng, con người ta sẽ sung sướng biết bao. Nhưng, tựa như một cung nhạc đang vút cao, đến đâybỗng chùng xuống:

Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa.

Câu thơ bị ngắt làm hai, niềm vui sướng không được trọn vẹn. Bởi Xuân Diệu nhận ra rằng điều sung sướng ấy ngắn ngủi biết bao:

Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua,
Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già

Xưa nay, người ta chỉ tiếc những kỉ niệm khi nó đã trở thành quá khứ, tiếc xuân khi nó đã không còn. Ở đây, Xuân Diệu với sự nhạy cảm lạ lùng của nhà thơ yêu cuộc sống đến đắm say, ông tiếc mùa xuân ngày khi mùa xuân vẫn còn đang phơi phới. Vì nhà thơ biết rằng thời gian sẽ trôi qua nhanh, mà với những gì quý giá, với những vẻ đẹp, thời gian còn tàn nhẫn trôi nhanh hơn gấp bội, nhanh đến khủng khiép, phũ phàng. Cái non trẻ, thắm tươi rồi sẽ chẳng mấy mà già nua, héo úa. Điều ấy lại ảnh hưởng vô cùng to lớn đến Xuân Diệu:

Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất

Câu thơ đầy cảm giác buồn bã. Nhà thơ phát hiện ra một điều bi thảm cho mình: mùa xuân trôi qua, tuổi trẻ sẽ trôi qua. Mà khi tuổi trẻ đã trôi qua thì cuộc đời nào còn ý nghĩa gì nữa. Bởi quý giá nhất của cuộc đời, dất trời là mùa xuân, quý giá nhất của con người là tuổi trẻ.

Con người khao khát vẻ đẹp tồn tại vĩnh cửu, nhưng cuộc đời lại có những quy luật vô cùng chặt chẽ và nghiệt ngã:

Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật,
Không cho dài thời trẻ của nhân gian

Thời gian thì vô hồi vô hạn, nhưng đời người thì hữu hạn. Con người trong cái hữu hạn ấy trở nên thật nhỏ bé, tội nghiệp và mong manh. Bao người lí luận rằng xuân đi xuân đến, nhưng với Xuân Diệu, ông chẳng thể tự an ủi mình mà trái lại, càng xót xa hơn:

Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn,
Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại.
Còn trời đất nhưng chẳng còn tôi mãi,
Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời.

Mùa xuân của đất trời đẹp lắm, quý giá lắm, nhưng mùa xuân chỉ quý giá, chỉ đẹp khi con người biết hưởng, được hưởng vẻ đẹp của nó. Khi con người chẳng còn trẻ mà tận hưởng mùa xuân thì xuân cũng mất hết ý nghĩa. Những câu thơ của Xuân Diệu vì thế mà chuyển sang giọng điệu buồn bã:

Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi,
Khắp sông núi vẫn than thầm tiễn biệt.
Con gió xinh thì thào trong lá biếc,
Phải chăng hờn vì nỗi phải bay đi
Chim rộn ràng bỗng dứt tiếng reo thi,
Phải chăng sợ độ phai tàn sắp sửa

Tất cả đều buồn bã, đều mất hết ý vị, chỉ còn “rớm vị chia phôi”, chỉ biết “than thầm tiễn biệt”, chỉ còn “hờn dỗi phải bay đi”, chỉ “sợ độ phai tàn sắp sửa”. Trong thơ Việt Nam, ít ai có giọng thơ nuối tiếc thời gian, thương tiếc cuộc sống thiết tha dường ấy. Cũng vẫn gió lá hoa như đạon đầu nhưng đoạn trên rạo rực náo nức, đoạn này lại buồn thương ngậm ngùi, xót xa biết bao nhiêu. Nhà thơ kêu lên một cách tuyệt vọng:

Chẳng bao giờ! Ôi chẳng bao giờ nữa!

Nỗi đau đớn của Xuân Diệu phải sâu sắc lắm, cắt cứa lắm, thấm thía lắm thì mới bộc phát thành tiếng than kêu thống thiết dường ấy. Thời gian cứ mênh mông nhưng mùa xuân và tuổi trẻ của con người cứ ngắn ngủi. Con người chẳng thể làm được gì để biến cái hữu hạn của đời người thành cái vô hạn trường tồn cùng vũ trụ. Chỉ còn mỗi cách, đó là phải hối hả, phải đắm say mãnh liệt hơn, phải vội vàng thâu nhận đến mức độ cao nhất, nhiều nhất những vẻ đẹp nhân gian, những thứ ưúy giá của đời sống, của tuổi trẻ, mùa xuân. Xuân Diệu giục giã:

Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm
Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đàu mơn mởn,
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng.

Những câu thơ mạnh bạo, gấp gáp, giục giã như một dòng suối ào ạt tuôn chảy, tưởng chừng ngôn từ xô đẩy vào nhau, chen lấn nhau để cho kịp mạch cảm xúc đang bừng lên sôi nổi của nhà thơ. Những tiếng “ta muốn” láy đi láy lại mãi như một điệp khúc bất tận để khẳng định niềm khao khát cháy bỏng muốn sống đến tận cùng cảm giác của Xuân Diệu. Một loạt điệp từ được sử dụng theo mức độ tăng dần của khao khát: muốn ôm – muốn riết – muốn say – muốn thâu – muốn cắn thể hiện tam trạng si mê đến cuồng nhiệt. Trong một câu thơ mà có đến ba hư từ “và” chứng tỏ Xuân Diệu nồng nhiệt đến rối rít, cuống quýt, như muốn cùng lúc dang tay ôm hết cả vũ trụ, cả cuộc đời, mùa xuân vào lòng mình. Sống như thế với Xuân Diệu mới thực là sống, mới đi đến tạn cùng của niềm hạnh phúc được sống.

Cho chuếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng,
Cho no nê thanh sắc của thời tươi

Hạnh phúc của sự sống là mùi thơm, ánh sáng, thanh sắc. Tận hưởng cuộc đời chính là có dược cảm nhận về những điều ấy ở độ tràn trề nhất. Xuân Diệu muốn tận hưởng cuộc sống cho đến “no nê”, “chuếnh choáng”, “đã đầy”. Trong niềm cảm hứng ở độ cao nhất, Xuân Diệu nhận ra cuộc đời, mùa xuân như một cái gì quý nhất, trọn vẹn như một trái đời đỏ hồng, chín mọng, thơm ngát, ngọt ngào, để cho nhà thơ tận hưởng trong niềm khao khát cao độ:

Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi

Câu thơ là đỉnh cao của những khao khát sống, của tình yêu sống rạo rực trong con tim nồng cháy của Xuân Diệu.

Bài thơ Vội vàng thể hiện tam trạng đắm say bồng bột của một tấm lòng ham sống mãnh liệt. Bài thơ còn thể hiện một quan niệm sống sống gấp gáp vội vàng tận hưởng những hạnh phúc trần thế, một quan niệm sống lành mạnh và tích cực so với đương thời. Bài thơ là một sáng tác tiêu biểu cho phong cách thơ trẻ trung tươi mới của “nhà thơ của tình yêu”, bài thơ rất tự do, hình ảnh giàu sức gợi, giàu nhạc điệu và cách liên tưởng rất hiện đại. Tâm trạng yêu đời, yêu sống đến cuồng nhiệt trong tác phẩm khẳng định tư tưởng nhân văn của nhà thơ. Cho đến nay, nội dung thúc giục mọi người sống có nghĩa trong cuộc sống thực tại của bài thơ vẫn còn bao ý nghĩa với thế hệ trẻ.

Phân tích quan niệm sống vội vàng của Xuân Diệu (mẫu 27)

Xuân Diệu nhà thơ tình của thi ca Việt Nam. Thơ ông tràn ngập tình yêu, không chỉ là tình yêu nam nữ mà còn là tình yêu cuộc sống. Ông sống vội vàng, gấp gáp để nắm bắt trọn vẹn mọi khoảnh khắc của cuộc đời. Triết lí sống vội vàng, gấp gáp đã được ông thể hiện đầy đủ trong bài thơ “Vội vàng” trích trong tập “Thơ thơ” – tập thơ đầu tay của ông.

Trong bài thơ “Giục dã” Xuân Diệu đã từng viết:

Mau với chứ, vội vàng lên với chứ
Em ơi em, tình non sắp già rồi.

Triết lí sống vội vàng gấp gáp đã trở thành một quan niệm sống của Xuân Diệu, nó được thể hiện xuyên suốt trong hành trình sáng tác của ông.

Ngay từ nhan đề của bài thơ triết lí sống vội vàng, gấp gáp đã được nhà thơ thể hiện. Vội vàng có nghĩa là sự vội vã, làm việc luôn gấp gáp, nhanh chóng không thể chần chừ. Đối với Xuân Diệu cũng vậy, ông vội vàng trong từng giây phút. Vậy tại sao Xuân Diệu phải sống vội vàng, gấp gáp như vậy. Bởi ông ý thức được rằng, thời gian đời người thật ngắn ngủi, hữu hạn, còn thời gian vũ trụ lại tuần hoàn, vô hạn.

“Xuân đương tới, nghĩa la xuân đương qua,
Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già
Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất
Không cho dài thời trẻ của nhân gian
Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn
Còn trời đất nhưng chẳng còn tôi mãi
 
Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời”.Xuân Diệu rất ám ảnh với những bước đi của thời gian , bởi vậy ông vô cùng nhạy cảm trước sự chảy trôi của nó. Xuân đương tới đồng thời lúc đó cũng là lúc nó đang vụt khỏi bàn tay chúng ta, xuân “non” rồi đến lúc xuân sẽ “già”, thậm chí, và khi xuân hết cũng là lúc tôi sẽ chết.
 
Sự cực đoan ấy của Xuân Diệu là hoàn toàn hợp lí. Cuộc sống này đẹp đẽ, tươi vui là vậy nhưng nó như một dòng sông chảy đi và không bao giờ trở lại nữa. Khoảnh khắc đẹp đẽ, phút giây lãng mạn cũng chỉ đến với ta có một lần. Thiên nhiên có thể đẹp mãi, trường tồn mãi, còn “tôi” thì không, tôi chỉ có một đời này, một khiếp này để tận hưởng trọn vẹn mọi mĩ vị, mọi thắng cảnh trong cuộc sống.
 
Bởi vậy cần phải sống vội, sống gấp, có những khao khát mãnh liệt:
 
Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi
 
Cái khao khát của ông thật khác thường, mà cũng thật mãnh liệt. tắt nắng, buộc gió, hỏi chăng có ai trên cuộc đời này đã làm được. Xuân Diệu muốn tắt nắng để những màu sắc của cuộc sống không bị phai tàn, muốn buộc gió để sắc hương của cỏ cây không bị bay đi. Ý muốn ấy quả thực đẹp đẽ, ông muốn lưu lại những gì đẹp đẽ nhất của thiên nhiên cho cuộc sống con người. Đồng thời ước mơ ấy của ông cũng hoàn toàn có cở sở, cuộc sống đẹp đẽ dường kia, nếu không sống tận hiến chẳng phải là sẽ uống phí lắm hay sao:
 
Của ong bướm này đây tuần tháng mật
Này đây hoa của đồng nội xanh rì….
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần.
 
Đoạn thơ như một tiếng reo vui, một bản hoan ca trước vẻ đẹp của thiên nhiên vạn vật. Trần thế hiện lên với vẻ đẹp toàn mĩ, tràn đầy nhất: tuần tháng mật, hoa của đồng nội xanh rì, lá của cành tơ phơ phất, yến anh này đây khúc tình si, anh sáng,… Một bức tranh tuyệt đẹp được thi sĩ Xuân Diệu vẽ lên, đó là bức tranh có sự hài hòa của màu sắc (xanh rì), âm thanh (khúc tình si) và ngập tràn ánh sáng.
 
Đây quả là một thiên đường. Vẻ đẹp này không phải ở đâu xa, mà nó ở ngay đây, hiện hữu trong cuộc sống này. Đây cũng là cái đích mà Xuân Diệu muốn hướng người đọc đến, tiên cảnh bồng lai không phải chỉ có ở trong tưởng tượng, mà nó có ở ngay đây, tại mặt đất này. Đang vui sướng, yêu đời, sống hối hả, gấp gáp là vậy, nhưng giọng thơ Xuân Diệu như bị trùng xuống ở câu thơ tiếp theo:
“Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa/ Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân”.
 
Câu thơ bị bẻ làm đôi, khi thi nhân nhận ra sự chảy trôi của thời gian, con người lo lắng, sợ hãi trước bước đi của thời gian, nó chẳng đợi chờ tuổi xuân của bất cứ ai, bất cứ sự vật nào: “Con gió xinh thì thào trong lá biếc/ Phải chăng hờn vì nỗi phải bay đi?/ Chim rộn rang bỗng đứt tiếng reo thi/ Phải chăng sợ độ phai tàn sắp sửa”. Trước bước đi không ngừng của thời gian, ông không còn dừng lại ở khao khát tắt nắng buộc gió mà sống vội sống gấp đã biến thành hành động:“Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm– Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!”Đoạn thơ nồng nàn, cháy bỏng nhất, thể hiện mạnh mẽ nhất khao khát, ước muốn sống vội, sống gấp của thi nhân. Nhịp thơ nhanh, gấp gáp, biểu hiện của cảm xúc dâng trào. Ông muốn ôm tất cả sự sống, dùng hàng loạt động từ mạnh theo cấp độ tăng tiến: ôm, riết, say để tận hưởng cuộc sống bằng mọi giác quan. Từ ôm một cử chỉ thân mật, riết lại mạnh bạo, mạnh mẽ hơn đến say thì đã ở độ quyến luyến, nồng nàn và cuối cùng là thâu hết mọi vẻ đẹp của mùa xuân, tuổi trẻ, tình yêu vào tâm hồn thi nhân. Ông mở tất cả các giác quan để tận hưởng tận độ mọi thanh sắc của đời sống và câu thơ cuối cùng đã thể hiện trọn vẹn cảm xúc của ông: “Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi”.Tác phẩm Vội vàng đã thể hiện một cách đầy đủ, trọn vẹn nhất lối sống, quan niệm sống “vội vàng” của Xuân Diệu. Ông sống vội vàng để tận hưởng hết vẻ đẹp, để cống hiến hết tuổi xuân cho cuộc đời này. Đó là một nhân sinh quan, lối sống lành mạnh. “Thơ Xuân Diệu là một nguồn sống rào rạt chưa từng thấy ở chón nước non lặng lẽ này” (Hoài Thanh)

Phân tích quan niệm sống vội vàng của Xuân Diệu (mẫu 28)

Xuân Diệu là nhà thơ lớn của văn học hiện đại Việt Nam. Ông để lại hàng chục tập thơ với trên dưới 1000 bài thơ thấm thía tình yêu cuộc sống nồng nàn.
Một trong số những bài thơ tiêu biểu cho thơ Xuân Diệu là bài Vội vàng in trong tập Thơ thơ thi phẩm được sáng tác trong những năm mười tám đôi mươi của của nhà thơ. Vội vàng là bài thơ thể hiện tình yêu nồng nàn của Xuân Diệu đối với cuộc sống tươi đẹp mà nhà thơ tự thấy phải gấp gáp nhận lấy. Bài thơ Vội vàng được mở đầu bằng bốn dòng thơ ngũ ngôn ngắn gọn, mạnh mẽ như lời tuyên bố về khát vọng của mình:
 
Tôi muốn tắt nắng đi,
Cho màu đừng nhạt mất.
Tôi muốn buộc gió lại,
Cho hương đừng bay đi.
 
Tắt nắng, buộc gió là những điều con người không thể làm được, đó là những khát khao phi lí. Nhưng cái phi lí ấy lại có lí với trái tim của nhà thơ, bởi đó là trái tim đầy khao khát mãnh liệt, muốn sống đến trọn vẹn chữ “sống”, muốn giữ mãi cho mình những hương, những sắc của của cuộc đời. Mà cuộc đời trong cảm nhận của nhà thơ lại đẹp đẽ biết chừng nào, quý giá biết bao nhiêu. Nhà thơ thấy rằng trong cuộc sống, mọi thứ đều kì diệu, mỗi sự vật dù nhỏ bé đến đâu cũng đều dâng hiến cho đời những vẻ đẹp tinh tuý nhất của mình:
 
Của ong bướm này đây tuần tháng mật,
Này đây hoa của đồng nội xanh rì,
Này đây lá của cành tơ phơ phất,
Của yến anh này đây khúc tình si
 
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi.Bướm ong thì có tuần tháng mật đầy ngọt ngào, cuốn hút, đồng nội thì có vẻ đẹp của màu xanh mơn mởn và muôn hoa rực rỡ, cành tơ non thì có muôn lá rung rinh, ánh sáng bình minh như cái chớp mi của người đẹp…Những câu thơ có nhịp điệu thật nhanh, thật gấp gáp, sử dụng phép liệt kê, điệp ngữ, rất nhiều tính từ, cách liên tưởng táo bạo, đa tình. Cuộc sống trần gian hiện lên qua đó thật sống động, tươi tốt, đáng yêu, đáng sống, tràn ngập âm thanh, màu sắc tươi sáng, khai mở ra một thiên dường tồn tại chính trên cõi trần này. Với Xuân Diệu, cuộc đời lúc nào cũng tràn ngập niềm vui, mỗi ngày mới đến là niềm vui cũng gõ cửa ùa vào theo:
 
Mỗi buổi sớm thần
Vui hằng gõ cửa
 
Niềm vui như một vị thần độ lượng, ban phát hạnh phúc cho từng người. Phải nói rằng trong thơ Việt Nam, chưa ai có cách cảm nhận cuộc sống, mùa xuân như cách cảm nhận của Xuân Diệu:
 
Tháng Giêng ngon như một cặp môi gần
 
Xuân Diệu chẳng lấy thiên nhiên làm chuẩn mực của cái đẹp khi so sánh với con người như thơ cổ mà lại lấy con người làm chuẩn mực để so sánh với vẻ đẹp của thiên nhiên. Nếu Nguyễn Du so vẻ đẹp của Thuý Vân-Thuý Kiều “Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da” thì Xuân Diệu lại liên tưởng “ Tháng Giêng ngon như một cặp môi gần”. Một cách so sánh rất riêng, rất táo bào, đầy tình yêu đời nồng nhiệt rất Xuân Diệu. Ông thấy mùa xuân với bao vẻ đẹp sinh động của nó giống như cặp môi đỏ mọng của thiếu nữ đang kề gần. Cách so sánh này chứa đựng bao rung động tận đáy lòng, vừa có sự khao khát, thèm muốn, háo hức rất thiêng liêng mà cũng rất trần tục.
 
Nhà thơ yêu cuộc sống đến si mê, cháy bỏng! Có một cuộc sống đẹp như thế để sống, có bao hương sắc tuyệt diệu như thế để tận hưởng, con người ta sẽ sung sướng biết bao. Nhưng, tựa như một cung nhạc đang vút cao, đến đây bỗng chùng xuống:
 
Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa.
 
Câu thơ bị ngắt làm hai, niềm vui sướng không được trọn vẹn. Bởi Xuân Diệu nhận ra rằng điều sung sướng ấy ngắn ngủi biết bao:
 
Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua,
Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già
 
Xưa nay, người ta chỉ tiếc những kỉ niệm khi nó đã trở thành quá khứ, tiếc xuân khi nó đã không còn. Ở đây, Xuân Diệu với sự nhạy cảm lạ lùng của nhà thơ yêu cuộc sống đến đắm say, ông tiếc mùa xuân ngày khi mùa xuân vẫn còn đang phơi phới. Vì nhà thơ biết rằng thời gian sẽ trôi qua nhanh, mà với những gì quý giá, với những vẻ đẹp, thời gian còn tàn nhẫn trôi nhanh hơn gấp bội, nhanh đến khủng khiêp, phũ phàng. Cái non trẻ, thắm tươi rồi sẽ chẳng mấy mà già nua, héo úa. Điều ấy lại ảnh hưởng vô cùng to lớn đến Xuân Diệu:
 
Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất
 
Câu thơ đầy cảm giác buồn bã. Nhà thơ phát hiện ra một điều bi thảm cho mình: mùa xuân trôi qua, tuổi trẻ sẽ trôi qua. Mà khi tuổi trẻ đã trôi qua thì cuộc đời nào còn ý nghĩa gì nữa. Bởi quý giá nhất của cuộc đời, dất trời là mùa xuân, quý giá nhất của con người là tuổi trẻ. Con người khao khát vẻ đẹp tồn tại vĩnh cửu, nhưng cuộc đời lại có những quy luật vô cùng chặt chẽ và nghiệt ngã:
 
Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật,
Không cho dài thời trẻ của nhân gian
 
Thời gian thì vô hồi vô hạn, nhưng đời người thì hữu hạn. Con người trong cái hữu hạn ấy trở nên thật nhỏ bé, tội nghiệp và mong manh. Bao người lí luận rằng xuân đi xuân đến, nhưng với Xuân Diệu, ông chẳng thể tự an ủi mình mà trái lại, càng xót xa hơn:
 
Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn,
Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại.
Còn trời đất nhưng chẳng còn tôi mãi,
Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời.
 
Mùa xuân của đất trời đẹp lắm, quý giá lắm, nhưng mùa xuân chỉ quý giá, chỉ đẹp khi con người biết hưởng, được hưởng vẻ đẹp của nó. Khi con người chẳng còn trẻ mà tận hưởng mùa xuân thì xuân cũng mất hết ý nghĩa. Những câu thơ của Xuân Diệu vì thế mà chuyển sang giọng điệu buồn bã:
 
Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi,
Khắp sông núi vẫn than thầm tiễn biệt.
Con gió xinh thì thào trong lá biếc,
Phải chăng hờn vì nỗi phải bay đi
Chim rộn ràng bỗng dứt tiếng reo thi,
Phải chăng sợ độ phai tàn sắp sửa
 
Tất cả đều buồn bã, đều mất hết ý vị, chỉ còn “rớm vị chia phôi”, chỉ biết “than thầm tiễn biệt”, chỉ còn “hờn dỗi phải bay đi”, chỉ “sợ độ phai tàn sắp sửa”. Trong thơ Việt Nam, ít ai có giọng thơ nuối tiếc thời gian, thương tiếc cuộc sống thiết tha dường ấy. Cũng vẫn gió lá hoa như đạo đầu nhưng đoạn trên rạo rực náo nức, đoạn này lại buồn thương ngậm ngùi, xót xa biết bao nhiêu. Nhà thơ kêu lên một cách tuyệt vọng:
 
Chẳng bao giờ!
Ôi chẳng bao giờ nữa!
 
Nỗi đau đớn của Xuân Diệu phải sâu sắc lắm, cắt cứa lắm, thấm thía lắm thì mới bộc phát thành tiếng than kêu thống thiết dường ấy. Thời gian cứ mênh mông nhưng mùa xuân và tuổi trẻ của con người cứ ngắn ngủi. Con người chẳng thể làm được gì để biến cái hữu hạn của đời người thành cái vô hạn trường tồn cùng vũ trụ. Chỉ còn mỗi cách, đó là phải hối hả, phải đắm say mãnh liệt hơn, phải vội vàng thâu nhận đến mức độ cao nhất, nhiều nhất những vẻ đẹp nhân gian, những thứ ưúy giá của đời sống, của tuổi trẻ, mùa xuân. Xuân Diệu giục giã:
 
Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm
Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đàu mơn mởn,
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng.
 
Những câu thơ mạnh bạo, gấp gáp, giục giã như một dòng suối ào ạt tuôn chảy, tưởng chừng ngôn từ xô đẩy vào nhau, chen lấn nhau để cho kịp mạch cảm xúc đang bừng lên sôi nổi của nhà thơ. Những tiếng “ta muốn” láy đi láy lại mãi như một điệp khúc bất tận để khẳng định niềm khao khát cháy bỏng muốn sống đến tận cùng cảm giác của Xuân Diệu. Một loạt điệp từ được sử dụng theo mức độ tăng dần của khao khát: muốn ôm – muốn riết – muốn say – muốn thâu – muốn cắn thể hiện tam trạng si mê đến cuồng nhiệt. Trong một câu thơ mà có đến ba hư từ “và” chứng tỏ Xuân Diệu nồng nhiệt đến rối rít, cuống quýt, như muốn cùng lúc dang tay ôm hết cả vũ trụ, cả cuộc đời, mùa xuân vào lòng mình. Sống như thế với Xuân Diệu mới thực là sống, mới đi đến tạn cùng của niềm hạnh phúc được sống.
 
Cho chuếch choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng,
Cho no nê thanh sắc của thời tươi
 
Hạnh phúc của sự sống là mùi thơm, ánh sáng, thanh sắc. Tận hưởng cuộc đời chính là có dược cảm nhận về những điều ấy ở độ tràn trề nhất. Xuân Diệu muốn tận hưởng cuộc sống cho đến “no nê”, “chuếnh choáng”, “đã đầy”. Trong niềm cảm hứng ở độ cao nhất, Xuân Diệu nhận ra cuộc đời, mùa xuân như một cái gì quý nhất, trọn vẹn như một trái đời đỏ hồng, chín mọng, thơm ngát, ngọt ngào, để cho nhà thơ tận hưởng trong niềm khao khát cao độ:
 
Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi
 
Câu thơ là đỉnh cao của những khao khát sống, của tình yêu sống rạo rực trong con tim nồng cháy của Xuân Diệu.
 
Bài thơ Vội vàng thể hiện tam trạng đắm say bồng bột của một tấm lòng ham sống mãnh liệt. Bài thơ còn thể hiện một quan niệm sống sống gấp gáp vội vàng tận hưởng những hạnh phúc trần thế, một quan niệm sống lành mạnh và tích cực so với đương thời. Bài thơ là một sáng tác tiêu biểu cho phong cách thơ trẻ trung tươi mới của “nhà thơ của tình yêu”, bài thơ rất tự do, hình ảnh giàu sức gợi, giàu nhạc điệu và cách liên tưởng rất hiện đại. Tâm trạng yêu đời, yêu sống đến cuồng nhiệt trong tác phẩm khẳng định tư tưởng nhân văn của nhà thơ. Cho đến nay, nội dung thúc giục mọi người sống có nghĩa trong cuộc sống thực tại của bài thơ vẫn còn bao ý nghĩa với thế hệ trẻ.

Xem thêm các văn mẫu Ngữ văn 11 hay, chi tiết khác:

Phân tích vẻ đẹp cổ điển và hiện đại trong bài Tràng giang

Phân tích Tôi yêu em

Phân tích hình tượng nhân vật Bê-li-cốp trong truyện

Phân tích đoạn trích Người cầm quyền khôi phục uy quyền

Phân tích bài thơ Hầu trời

1 1,571 19/03/2023
Tải về


Xem thêm các chương trình khác: