TOP 15 mẫu Phân tích quá trình bị tha hóa của Chí Phèo (2023) SIÊU HAY
Phân tích quá trình bị tha hóa của Chí Phèo lớp 11 gồm dàn ý và 15 bài văn mẫu hay nhất, chọn lọc giúp học sinh viết bài tập làm văn lớp 11 hay hơn.
Phân tích quá trình bị tha hóa của Chí Phèo – Ngữ văn 11
Bài giảng Ngữ văn 11 Chí Phèo
Dàn ý Phân tích quá trình bị tha hóa của Chí Phèo
I. Mở bài
- Đôi nét về tác giả Nam Cao và tác phẩm Chí Phèo.
- Trong tác phẩm, quá trình bị tha hóa của Chí Phèo từ một nông dân hiền lành, chất phác thành con người tha hóa cả tâm hồn lẫn ngoại hình, mặc dù vậy anh vẫn còn nhân tính được ngòi bút Nam Cao tập trung khắc họa một cách chân thực và rõ nét.
II. Thân bài
1. Sơ lược về nhân vật Chí Phèo - một nông dân hiền lành, chất phác
- Hoàn cảnh xuất thân: không cha, không mẹ, không nhà, không cửa, một tấc đất cắm dùi cũng không có.
- Tuy vậy, Chí vẫn giữ những phẩm chất tốt đẹp:
· Là một con người lương thiện: đi ở hết nhà này đến nhà khác, cày thuê cuốc mướn để kiếm sống làm ăn chân chính.
· Từng mơ ước giản dị về cuộc sống gia đình: có một ngôi nhà nho nhỏ, cày thuê cuốc mướn Chí Phèo là một người lương thiện.
· Có lòng tự trọng: Bà ba Bá Kiến gọi lên đấm lưng, bóp chân, Chí cảm thấy nhục. Là người có ý thức về nhân phẩm.
2. Quá trình bị tha hóa về cả tâm hồn lẫn ngoại hình
- Sự kiện Chí Phèo bị bắt vào tù:
· Vì Bá Kiến ghen với vợ hắn.
· Chế độ nhà tù thực dân đã biến Chí trở thành “con quỷ dữ của làng Vũ Đại”.
- Hậu quả của những ngày ở tù:
+ Hình dạng: “Cái đầu trọc lốc, hàm răng cạo trắng hớn, cái mặt thì câng câng đầy những vết sứt sẹo, hai con mắt gườm gườm”.
⇒ Sự tha hóa về nhân hình.
+ Nhân tính: du côn, du đãng, triền miên trong cơn say, đập đầu, chửi bới, phá phách và làm công cụ cho Bá Kiến.
⇒ Sự tha hóa về nhân tính.
- Quá trình tha hóa của Chí Phèo: Đến nhà Bá Kiến trả thù ⇒ Chí mắc mưu, trở thành tay sai cho Bá Kiến.
⇒ Chí đã bị cướp đi cả nhân hình lẫn nhân tính, là điển hình cho hình ảnh người nông dân bị đè nén đến cùng cực.
3. Tuy vậy, Chí Phèo vẫn còn nhân tính
- Nhân tính: Tính người.
- Chí Phèo vẫn còn tình người, tính người sau cuộc gặp gỡ và mấy ngày chung sống ngắn ngủi với Thị Nở.
- Sau cuộc gặp gỡ với Thị Nở, nhân tính của Chí Phèo quay trở lại.
· Bâng khuâng như tỉnh dậy sau một cơn say rất dài.
· Tỉnh để cảm thấy miệng đắng và “lòng mơ hồ buồn”.
· Cảm thấy “sợ rượu” ⇒ dấu hiệu của sự thức tỉnh rõ ràng nhất.
· Cảm nhận những thanh âm của cuộc sống: âm thanh của tiếng chim hót, tiếng người cười nói…
· Hắn đủ tỉnh để nhận thức hoàn cảnh của mình, để thấy mình cô độc.
⇒ Cuộc gặp với Thị Nở đã làm Chí Phèo thực sự tỉnh táo sau những cơn say triền miên.
- Niềm hi vọng của thời trẻ quay trở lại: mong muốn một gia đình nho nhỏ, chồng cuốc mướn, cày thuê, vợ dệt vải; nuôi lợn, khá giả thì mua dăm ba sào ruộng.
- Tình yêu với Thị Nở khiến hắn đủ hy vọng và mong ước có một gia đình: “Hay là mình sang ở với tớ một nhà cho vui”.
⇒ Gặp Thị Nở, Chí Phèo đã trải qua những cảm xúc chưa hề có trong đời, đã thực sự “tỉnh” để yêu, để hi vọng, để mong ước.
- Ngay cả khi bị từ chối, chính bởi Chí Phèo còn nhân tính, còn nhân tính để đau đớn, tuyệt vọng cho số phận mình:
+ Tình yêu bị ngăn cấm bởi bà cô Thị Nở, nói vậy, khi Thị Nở từ chối, Chí Phèo thất vọng và đau đớn: Hắn tìm đến rượu rồi “ôm mặt khóc rưng rức”.
⇒ Mong muốn trở về làm người lương thiện không còn nữa, Chí đau đớn, tuyệt vọng.
· Hắn quyết định đến nhà thị Nở “để đâm chết cả nhà nó, đâm chết cái con khọm già nhà nó”.
· Nhưng “hắn không rẽ vào nhà Thị Nở mà thẳng đường đến nhà Bá Kiến và nói thẳng với Bá Kiến: Chí Phèo xác định đúng kẻ thù của mình.
· Câu hỏi “Ai cho tao lương thiện”: thể hiện sự ý thức trỗi dậy mạnh mẽ nhất của nhân tính nhưng cũng là đau đớn nhất, Chí Phèo nhận ra rằng mình mong muốn trở về thành người lương thiện nhưng không thể nào được nữa.
III. Kết bài
- Khái quát những nét đặc sắc nghệ thuật góp phần thể hiện quá trình bị tha hóa nhưng nhân tính vẫn còn của Chí Phèo: nghệ thuật khắc họa tâm lí, bút pháp hiện thực…
- Liên hệ trình bày cảm nhận bản thân.
Bài giảng Ngữ văn 11 Chí PhèPhân tích quá trình bị tha hóa của Chí Phèo (mẫu 1)
Nam Cao là một trong những cây bút xuất sắc nhất của trào lưu văn học hiện thực Việt Nam. Những tác phẩm của ông không chỉ chứa đựng làm lượng hiện thực lớn mà còn sâu sắc về nhân đạo. Trong đời văn, ông để lại nhiều tác phẩm, nổi bật nhất là tác phẩm Chí Phèo viết về đề tài người nông dân. Tác phẩm vừa cho thấy sự tha hóa vừa cho thấy sự thức tỉnh của họ. Cho nên tác phẩm chứa được giá trị nhân văn, nhân đạo to lớn.
Trước hết về quá trình tha hóa của Chí Phèo được Nam Cao mô tả hết sức logic và chi tiết : Chí Phèo từ người nông dân lương thiện, trở thành kẻ lưu manh và cuối cùng là con quỷ dữ của làng Vũ Đại.
Chí Phèo vốn là một đứa con hoang, bị mẹ bỏ rơi ở lò gạch cũ ngay từ khi mới sinh ra. Hắn lớn lên bơ vơ, đi ở hết nhà này đến nhà khác. Trưởng thành là một thanh niên cường tráng, Chí làm canh điền cho Bá Kiến – một cường hào trong vùng, nổi tiếng độc ác, nham hiểm. Bấy giờ Chí là một người lương thiện, hiền như đất và là người giàu lòng tự trọng. Bà ba bắt bóp chân hắn chỉ thấy nhục mà không hề thích thú. Bấy giờ mơ ước của Chí thật giản dị, nhỏ bé : chồng cày thuê cuốc mướn, vợ dệt vải. Tuy nhiên, trong một lần Ba Kiến nổi cơn ghen vu vơ đã khiến Chí bị bắt vào tù. Nhà tù thực dân đã biến một người lương thiện trở thành một kẻ khác hắn, Chí rơi vào quá trình tha hóa, khi phần người bị nhà tù thực dân giết chết, tạo tác nên một tên lưu manh với hình hài gớm ghiếc. Bảy, tám năm ở tù đã khiến Chí biến đổi về nhân hình: cái đầu trọc lóc, cái răng cạo trắng hớn, hắn mặc chiếc quần nái đen, phanh trước ngực là những hình xăm trổ. Ai nhìn thấy hắn cũng xa lánh, những lời hắn chửi mọi người vẫn luôn tự nhủ chắc nó chừa mình ra. Hắn làm tan nát biết bao gia đình, hắn sẵn sàng chửi bớt, đốt quán, rạch mặt ăn vạ,.. Tất cả mọi người đều xa lánh hắn.
Không chỉ dừng lại là một kẻ lưu manh, dưới bàn tay quỷ quyệt của Bá Kiến, Chí Phèo còn trở thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại. Bá Kiến đã từng bước một biến Chí Phèo thành công cụ giúp hắn gây thêm tội ác, chỉ cần Chí Phèo có hơi men trong người thì bất cứ việc gì hắn cũng có thể làm. Hắn tác quái cho bao nhiêu dân làng, phá bao nhiêu cơ nghiệp, đập nát bao nhiêu cảnh yên vui, đạp đổi bao nhiêu hạnh phúc… . Chí Phèo trượt dài trong vũng bùn tha hóa, tự tay Chí Phèo đã hủy hoại cả nhân hình và nhân tính của chính mình. Với quá trình tha hóa của Chí Phèo Nam Cao đã vạch trần bộ mặt độc ác, nham hiểm, nhẫn tâm của bọn địa chủ cường hào ở nông thôn, của nhà tù thực dân đã hủy hoại cuộc đời của một con người, đã đẩy Chí vào con đường lưu manh, tha hóa.
Nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó, thì tác phẩm của Nam Cao lại không thành công và có giá trị sâu sắc đến vậy. Nam Cao đã tiếp tục dùng con mắt tin yêu của mình để nhận thấy bản chất lương thiện ẩn sâu bên trong lốt quỷ dữ kia. Sau đêm gặp gỡ với thị Nở, sáng tỉnh dậy lần đầu tiên sau khi ra tù Chí mới lắng lòng cảm nhận âm thanh của cuộc sống : tiếng chim hót, tiếng người đi chợ,… những âm thanh vui vẻ đó đã đánh thức, kéo hắn ra khỏi chuỗi ngày dài trong u mê, tăm tối. Nhắc Chí nhớ về ngày trước và giúp Chí nhận ra sự thê thảm của bản thân trong hiện tại và tương lai là sự đói rét và cô độc. Sự nhận thức ấy chính là mốc đánh dấu sự thức tỉnh ý thức, nhân tính trong con người Chí.
Để phần người ấy có thể thực sự trỗi dậy, sống lại còn phải cần đến một chất xúc tác quan trọng hơn nữa, đó chính là tình yêu thương thị Nở dành cho Chí Phèo. Chỉ là một bát cháo giản dị, nhưng Chí Phèo đi từ ngạ nhiên, đấy xúc động, đến hạnh phúc, bởi đời Chí Phèo chưa được ai cho cái gì bao giờ, và hắn cũng chưa từng được chăm sóc bởi bàn tay của một người đàn bà. Bát cháo hành đã đánh thức trong Chí khát khao lành mạnh, chân chính: Trời ơi ! Hắn thèm lương thiện, hắn muốn làm hòa với mọi người biết bao và Chí gửi gắm mọi niềm tin vào thị Nở, đó sẽ là người mở đường cho Chí quay về hòa nhập với cộng đồng. Quả thật bằng sự yêu thương chân thành, mà thật giản dị cũng có thể cảm hóa một con người tưởng như đã ở đáy của sự tha hóa. Đó là niềm tin của Nam Cao vào sức mạnh cảm hóa của con người bằng tình yêu thương và sự chân thành.
Nhưng sự xuất hiện của thị Nở chỉ như cầu vồng sau mưa, niềm tin tưởng của Chí không được bao lâu thì bị dập tắt hoàn toàn, khi Chí bị thị Nở cự tuyệt. Chí Phèo bấy giờ mới cay đắng nhận ra không thể làm mất đi những vết sẹo trên mặt và cũng không thể làm người lương thiện được nữa. Chí Phèo ý thức sâu sắc bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người của mình. Không còn con đường nào khác, hắn giết Bá Kiến và tự kết liễu chính mình. Cái chết ấy là sự hủy diệt con quỷ ở nhân hình và để giữ lại phần nhân tính trong sâu thẳm Chí Phèo. Đồng thời cái chết của Chí Phèo cũng cho thấy khao khát mãnh liệt của người nông dân bị tha hóa muốn trở về làm người lương thiện.
Quá trình tha hóa và thức tỉnh của Chí Phèo cho thấy giá trị hiện thực nhân đạo sâu sắc của tác phẩm. Vừa là tiếng nói tố cáo đanh thép xã hội vô nhân đạo, vừa là sự cảm thương cho số phận của những người nông dân lương thiện khi bị đẩy vào bước đường cùng. Đồng thời, thể hiện quá trình tha hóa của nhân vật cũng cho thấy nội lực sáng tạo nghệ thuật già dặn, cây bút sắc sảo, tạo nên một hình tượng nhân vật đa dạng, nhiều chiều, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc.
Phân tích quá trình bị tha hóa của Chí Phèo (mẫu 2)
“- Ai cho tao lương thiện? Làm sao để xóa hết được những mảnh chai trên khuôn mặt này…?”Trước khi đâm chết Bá Kiến và tự kết liễu đời mình, Chí Phèo - nhân vật trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Nam Cao, đã hét lên như thế. Câu chuyện của một con người đi đòi lương thiện, đòi xóa những mảnh chai trên khuôn mặt chính mình trong thiên truyện đã khiến bao thế hệ bạn đọc thổn thức trong rất nhiều thập kỉ qua. Nông nỗi nào đẩy con người ấy vào tình cảnh trớ trêu ấy? Trong truyện ngắn được coi là kiệt tác của Nam Cao – Chí Phèo, người đọc đã tìm thấy câu trả lời. Đó chính là quá trình tha hóa của nhân vật Chí Phèo, từ một anh nông dân hiền lành chất phác thành con người tha hóa cả về tâm hồn lẫn ngoại hình, tuy vậy Chí vẫn còn nhân tính.
Chí Phèo ra đời vào năm 1941, khi mà những tác phẩm về đề tài người nông dân đã trở nên quá cũ. Thậm chí để tăng sự hấp dẫn, tò mò đối với người đọc, một nhà xuất bản còn thay đổi nó với cái tên hợp thời hơn Đôi lứa xứng đôi. Nhưng không, bằng tài năng và sự sáng tạo độc đáo của mình, Nam Cao đã viết nên số phận của người nông dân với những nét riêng và khác biệt. Ngay từ tên nhan đề sau này ông đặt lại là Chí Phèo cũng đã gợi cho người đọc về một hiện tượng của xã hội nông thôn Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám – 1945. Từ Chí biến thành Chí Phèo là cả một câu chuyện về cuộc đời của một con người trượt dài trên cái dốc của tha hóa. Đến khi muốn dừng lại, muốn quay đầu mà không thể được nữa.
Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu con người ta sinh ra trong hoàn cảnh thiệt thòi, thiếu may mắn để rồi sa ngã, biến chất. Đó là do hoàn cảnh sinh ra không có cha mẹ, không có người dạy bảo, nuôi dưỡng tử tế. Rất nhiều định kiến như thế đã hình thành trong tư duy của mỗi chúng ta từ lâu. Nhưng với trường hợp của Chí trong tác phẩm này thì khác. Bất hạnh ngay từ lúc sinh ra. Trong bộ dạng trần truồng, xám xịt ở cái lò gạch cũ, Chí cứ từng ngày lớn lên bằng cách truyền tay nhau của người làng. Lúc thì anh bị đem cho, khi thì bị đem bán rồi cũng lớn lên trở thành một thanh niên hai mươi tuổi vạm vỡ, khỏe khoắn và làm canh điền cho nhà Bá Kiến. Nhìn nhận ở năng lực vươn lên của con người trong hoàn cảnh như thế, Chí là chàng trai đầy nghị lực. Không gia đình, không nhà cửa, không tấc đất cắm dùi, thân phận thì ở đợ, làm nô bộc cho nhà giàu. Vậy mà tâm tính lại tốt. Biết ước mơ về một cuộc sống bình dị, giản đơn mà hạnh phúc: chồng cày thuê, cuốc mướn, vợ dệt vải. Biết nhục nhã, xấu hổ khi bị bà ba – vợ Bá Kiến, dụ dỗ, sàm sỡ. Trước khi bước vào tác phẩm với bộ dạng say khướt, vừa đi vừa chửi, Chí đã là một anh cố nông hiền lành, chất phác, lương thiện như thế.
Nhưng thói đời cơ cực lại thường hay giơ vuốt, con người tốt tính đến đâu nếu không tự mình gian trá, lọc lừa mà sống trong hoàn cảnh ấy thì cũng sẽ bị nó xô cuốn đi mà vùi dập cho đến khi còn chẳng nhận ra là người. Đánh giá một cách khách quan, xã hội thực dân nửa phong kiến ở nông thôn Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám – 1945 là thói đời như thế. Người đọc vẫn bàn tán rằng, cơn ghen vu vơ của Bá Kiến sẽ rất đỗi bình thường nếu ông ta cũng chỉ là một người nông dân của làng Vũ Đại. Nhưng nó lại trở thành cơn thịnh nộ cùng cực của một kẻ háo sắc đã làm đến chức vụ cao nhất ở nơi đây. Vậy là quyền sinh, quyền sát trong tay, muốn cho ai sống thì sống, muốn cho ai chết thì chết, hoặc tàn nhẫn hơn thì có kẻ còn sống không bằng chết. Cơn ghen ấy trở thành hiểm họa, bàn đạp để đẩy Chí lao vào guồng quay của sự tha hóa. Mà trước hết là tha hóa về nhân hình.
Nhà tù thực dân đã nhanh chóng biến anh Chí ngày nào trở thành một tên côn đồ, một tên lưu manh ngay từ dáng vẻ bên ngoài. Chính nhà văn Nam Cao phải hai lần thốt lên trông gớm chết khi miêu tả bộ dạng của anh ta sau bảy, tám năm ở tù về. Cái đầu trọc lóc, cái răng cạo trắng hớn, cái mắt gườm gườm, cái mặt rất cơng cơng, mặc cái áo tây vàng, cái quần nái đen, ngực và cánh tay trạm trổ đầy những ông tướng cầm chùy. Người ta không còn nhận ra anh canh điền hiền lành, lương thiện ngày nào nữa. Nhưng đã là gì, dáng vẻ ấy còn chưa khiến họ cảm thấy bắt đầu sợ Chí, kinh hãi Chí và hoàn toàn xa lánh Chí cho đến khi hắn dần dần có những hành động mất hết nhân tính.
Mới ở tù về mà hắn đã ngồi uống rượu với thịt chó suốt từ trưa đến chiều. Và rồi từ đấy, ngày nào người ta cũng thấy hắn say. Chí làm náo loạn cả làng Vũ Đại với những trận say điên cuồng, lảo đảo xách chai đến nhà Bá Kiến mà chửi bới, mà ăn vạ. Hành động uống rượu say đã đẩy hắn đi xa hơn người ta tưởng. Ban đầu Chí chỉ làm trong vô thức, say để chửi Bá Kiến nhưng dần dần say để vòi vĩnh, để đòi lợi ích cho bản thân. Muốn vậy Chí tình nguyện biến mình trở thành tay sai cho Bá Kiến. Bao nhiêu gia đình tan hoang bởi Chí, máu cũng đã đổ, Chí đã trở nên ngang ngược, hung hãn trong những cơn say triền miên. Chẳng biết tự lúc nào Chí đã bán linh hồn cho quỷ dữ. Từ việc bị đẩy nhưng rồi Chí tự trượt dài trên cái dốc của sự tha hóa. Chí mất hết tính người và người làng Vũ Đại cũng chẳng ai coi Chí là người. Chí trở thành Chí Phèo – một phần thừa thãi, bỏ đi của xã hội. Vậy nên những gì Chí Phèo làm ngay từ khi mở đầu tác phẩm đó là chửi nhưng cũng chẳng ai thèm đáp trả. Tiếng hắn chửi cũng chỉ như tiếng những con vật bình thường của cuộc sống, chẳng ai buồn nghe, buồn đáp lại.
Đó cũng là lúc Chí đã hoàn toàn rơi xuống vực sâu của sự tha hóa. Nỗi cô độc tuyệt cùng ấy Chí không thể giải tỏa được cùng ai, Chí đã bị đẩy ra khỏi thế giới loài người, ra ngoài rìa của xã hội. Sự tha hóa của Chí là một sự phản ánh chân thực, nghiệt ngã nhất về xã hội nông thôn Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám. Đồng thời cũng là lời tố cáo mạnh mẽ những kẻ tàn nhẫn, độc ác đã cố tình đẩy Chí và lợi dụng Chí để biến anh thành con quỷ của làng Vũ Đại. Chân dung ấy của anh chính là hiện thân cho nỗi thống khổ lớn nhất của người nông dân trong xã hội lúc bây giờ.
Nhưng dưới ngòi bút nhân đạo của Nam Cao, Chí Phèo không hề đơn độc. Trong cơn cùng cực của cuộc đời, Chí được nhà văn khơi dậy phần người ít ỏi còn sót lại. Tiếng chửi trong hình hài của con quỷ dữ ấy ẩn chứa những thèm khát vô cùng được trở về thế giới loài người. Đó là tiếng gào thét của một con người đã chót bán linh hồn cho quỷ dữ. Nam Cao như đồng cảm, thấu hiểu điều ấy dù giọng văn có phần sắc lạnh. Đây chính là căn nguyên để Chí hoàn toàn thức tỉnh, trỗi dậy khát vọng hoàn lương sau cái đêm định mệnh gặp Thị Nở. Thực chất bản tính lương thiện của Chí không hề mất đi, mà nó chỉ tạm thời bị vùi sâu, âm ỉ. Nếu không còn nhân tính, Chí chẳng thể nhận ra một cuộc đời đắng cay với quá khứ tưởng như bình yên mà đầy nhục nhã, với hiện tại già nua, cô độc và với tương lai mờ mịt, đáng sợ bởi sự cô độc. Chí cũng chẳng thể nghe được những âm thanh, cảm nhận được những hương vị của cuộc sống nếu vẫn cứ triền miên trong những cơn say. Chí càng không thể cảm nhận được vị ngon của tình người qua bát cháo hành…
Bao cảm xúc, suy tư của một con người lại trỗi dậy, Chí ao ước, khao khát được quay về xã hội bằng phẳng của loài người. Rồi ngay cả khi niềm hi vọng ngắn ngủi ấy nhanh chóng bị dập tắt bởi định kiến, Chí vẫn mơ tưởng. Hành động đòi lương thiện, đòi xóa những mảnh chai trên mặt trước Bá Kiến là một việc làm đầy dũng cảm. Không phải là con người sao Chí dám dõng dạc mà cất tiếng như thế. Thực chất, đó là nỗi đau của đời Chí. Bi kịch không được làm người đẩy Chí đến một hành vi quả quyết, giết kẻ thù và tự kết liễu đời mình. Đó là cách duy nhất Chí có thể làm lúc này để minh chứng cho khát vọng làm người của anh là có thật. Đây không phải là hành vi của một con quỷ, mà đó là sự bế tắc, đau đớn không có sự lựa chọn nào khác của một con người. Phần nhân tính của Chí đã trỗi dậy mạnh mẽ, Chí đã hồi sinh.
Quá trình tha hóa của Chí Phèo là bước miêu tả quá chân thực về số phận người nông dân Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám – 1945. Từ một người nông dân hiền lành, chất phác, Chí biến thành một con quỷ của làng Vũ Đại. Đó là tiếng chuông tiếp tục cảnh tỉnh con người về một xã hội tàn nhẫn, bất công và vô nhân đạo. Nhưng Nam Cao đã để ngòi bút chan chứa tình yêu thương của mình khai thác, khám phá và khẳng định bản chất lương thiện trong con người anh. Dù Chí Phèo chết trên ngưỡng cửa trở về với cuộc đời, nhưng chắc chắn người ta đã cảm thông, đã tin về phần nhân tính vẫn còn trong con người anh.
Phân tích quá trình bị tha hóa của Chí Phèo (mẫu 3)
Nam Cao một nhà văn lớn của dân tộc đã để lại bao tác phẩm hay, mang cả giá trị nội dung và giá trị nhân đạo sâu sắc. Ông là người có tấm lòng đôn hậu chan chứa tình yêu thương và gắn bó với quê hương. Vì vậy, ta có thể thấy cảm hứng chủ đạo của ông qua nhiều tác phẩm đó là hình tượng người nông dân. Một trong những tác phẩm để lại ấn tượng nhất trong lòng người đọc đó là "Chí Phèo", tác phẩm đã khái quát lại một thời kỳ đầy biến động của đất nước ở những vùng nông thôn nghèo, nơi có những con người thấp cổ bé họng đã bị đày đến đường cùng. Ta có thể thấy rõ điều đó qua quá trình tha hóa của nhân vật chính Chí Phèo của tác phẩm cùng tên.
Tác phẩm "Chí Phèo" được viết vào năm 1936, thuộc đề tài nông dân ở thời kì trước Cách mạng tháng Tám. Tác phẩm đã được đổi tên rất nhiều lần để phù hợp với nội dung. Đến năm 1946, khi truyện ngắn này được in trong "Luống cày" với tên gọi "Chí Phèo" đã thể hiện khái quát nhất và đầy đủ nhất tư tưởng của tác phẩm. Chí Phèo là nhân vật chính của câu chuyện. Hắn có một số phận bất hạnh bị bỏ rơi từ khi còn bé tại một lò gạch cũ, rồi được người dân trong làng Vũ Đại truyền tay nhau nuôi dưỡng. Đến khi trưởng thành, hắn chăm chỉ lao động làm ăn nhưng bị buộc tội oan và đày đi ở tù. Sau khi ra tù, những năm tháng ở nhà tù thực dân phong kiến đã biến Chí từ một con người lương thiện thành một tên hách dịch, rồi làm tay sai cho Bá Kiến. Cuộc sống của Chí bừng sáng hơn khi gặp được Thị Nở, và được thức tỉnh làm người, nhưng rồi bị cự tuyệt bởi Thị Nở khi Thị Nở nghe lời bà cô của mình. Chí tức giận, rồi tìm Bá Kiến trả thù, giết Bá Kiến rồi tự sát.
Nam Cao đã diễn tả quá trình tha hóa của Chí Phèo đầy chua xót bởi từ một con người thiện lương lại trở thành một con quỷ dữ của cả làng Vũ Đại. Sự xuất hiện ngay từ đầu câu chuyện đã rất độc đáo - tiếng chửi của Chí Phèo. Hắn say rượu, hắn chửi tất cả mọi người "chửi đời", "chửi trời", "chửi cả làng Vũ Đại", "chửi cả đứa nào đẻ ra hắn". Khi say rượu, có lẽ người ta sẽ nghĩ rằng người đó không được tỉnh táo, nên không ai chấp với hắn, người ta kệ hắn, hay người ta cũng quen với việc đó rồi, mọi người cứ cho rằng hắn không chửi mình. Nhưng vì sao Chí lại chửi? Tất cả đều có nguyên do của nó, càng say rượu thì Chí càng nhận ra số phận của mình, làm người mà không có một đến ai công nhận. Hắn đau khổ tức giận khi nhận ra được hoàn cảnh của mình, không ai trò chuyện với hắn, đáp lại hắn chỉ là những tiếng sủa của những con chó. Chí là một con người cô độc, sống như không là một con người trên chính mảnh đất mình lớn lên.
Mở màn bằng tiếng chửi của Chí, chắc cũng có người cho rằng hắn từ bé đã là người xấu, được dạy dỗ không đàng hoàng. Nhưng không, Nam Cao đã tiết lộ rằng trước khi đi ở tù hắn là một con người tốt. Hắn có một tuổi thơ đặc biệt, không cha, không mẹ, không một tấc đất cắm dùi, bị bỏ rơi trong cái lò gạch hoang, rồi được người dân trong làng Vũ Đại nuôi dưỡng. Khi lớn lên, Chí làm canh điền cho Bá Kiến, Chí bỏ sức lao động của mình ra để nuôi bản thân, tính tình hắn tốt lắm "hiền như đất". Hắn còn rất giàu lòng tự trọng, hắn ghê tởm hành động của mình, cảm thấy nhục nhã khi bị bà ba nhà Bá Kiến bắt làm những việc "không chính đáng". Hắn cũng là một con người có ước mơ, một ước mơ bình dị như bao người khác "có một gia đình nhỏ", "chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải", "chung lại bỏ một con lợn nuôi để làm vốn liếng, khá giả thì mua dăm ba sào ruộng làm". Khi còn là chàng trai thanh niên tuổi 20, Chí vẫn được coi là một con người, có tấm lòng lương thiện, có hoài bão ước mơ, nhưng chế độ thực dân phong kiến thối nát đã đẩy một con người tốt ấy đến bờ vực - bị cự tuyệt làm người.
Sau bảy, tám năm ra tù, con người hiền lành như đất ấy đâu còn, Chí tha hóa và trở thành con quỷ dữ trên hai phương diện cả ngoại hình lẫn tính cách. Về ngoại hình, hắn mang dáng vẻ của một tên lưu manh "cái đầu trọc lốc", "răng cạo trắng hớn", cái mặt thì lúc nào cũng "câng câng", hai con mắt "gườm gườm" trông gớm chết. Trang phục thì bắt chước bọn thực dân, mặc quần nái đen, áo tây vàng, ngực thì phanh ra, trên đó còn chạm trổ những hình thù quái dị... Không chỉ ngoại hình, nhân tính của hắn cũng biến chất. Hắn hung hăng liều lĩnh, hành động lời nói như của một tên cố cùng liều thân. Hắn chỉ suốt ngày làm bạn với rượu chè, say khướt, rồi đến nhà Bá Kiến mà chửi. Thay vì đi làm lao động, hắn lại chìm đắm trong những cơn say, phá hoại gia đình lương thiện khác. Hắn chịu làm tay sai cho Bá Kiến, bị hắn lợi dụng để đổi lấy những cơn say hết ngày.
Chí đã trở thành một tên quỷ dữ của làng Vũ Đại lúc nào không hay, tất cả mọi người trong làng sợ hắn, tránh xa hắn. Một cuộc đời thật vô nghĩa khi được sinh ra làm người mà lại không được công nhận làm người. Hắn cũng nhận thức được lỗi lầm của bản thân, tìm ra được nguyên nhân đã gây ra bi kịch cho cuộc đời mình. Bá Kiến và nhà tù thực dân phong kiến đã đẩy Chí đến bước đường cùng. Hắn đã trả thù Bá Kiến và tự sát, hắn tìm đến cái chết cũng như là để giải thoát cho chính mình. Từ nhân vật Chí, Nam Cao đã dựng lên một hình tượng mang ý nghĩa điển hình, tiêu biểu cho một bộ phận cố nông bị cướp đi cả về nhân hình lẫn nhân tính.
Nam Cao đã rất thành công trong việc xây dựng hình tượng nhân vật Chí Phèo bằng nghệ thuật khắc họa nhân vật, tính cách thật độc đáo, mỗi nhân vật đều mang một tính cách riêng và đều được bộc lộ rõ nét, tạo ấn tượng mạnh với người đọc. Không chỉ vậy, lối kể chuyện của Nam Cao còn gây bất ngờ khi thì hiện tại, quá khứ, rồi tương lai. Giọng văn ông tỉnh táo sắc lạnh, chua chát nhưng có lúc đằm thắm, yêu thương kết hợp với ngôn ngữ sống động tinh tế vô cùng gần gũi, bình dị với lời ăn tiếng nói của nhân dân.
Chí Phèo - một tác phẩm văn học hiện thực sống mãi với thời gian. Tác phẩm đã tố cáo một xã hội thực dân phong kiến tàn bạo cướp đi của người nông dân cả nhân hình lẫn nhân tính. Đồng thời, qua đó, Nam Cao còn muốn gửi tới người đọc, hãy trân trọng, quan tâm đến những người xung quanh mình, phát hiện ra những bản chất tốt đẹp trong con người, để rồi tất cả mọi người sẽ có một cuộc đời ý nghĩa và hạnh phúc của một con người.
Phân tích quá trình bị tha hóa của Chí Phèo (mẫu 4)
Nam Cao là một nhà văn hiện thực lớn có tư tưởng nhân đạo vừa sâu sắc, mới mẻ, vừa độc đáo. Ông là nhà văn hiện thực xuất sắc tràn đầy tinh thần nhân đạo, chuyên viết về hai đề tài: người trí thức nghèo sống mòn mỏi, bế tắc trong xã hội cũ và người nông dân bị bần cùng hóa, lưu manh hóa trước Cách mạng tháng Tám. Trong đó, Chí Phèo là một kiệt tác trong văn xuôi Việt Nam hiện đại của nhà văn Nam Cao viết vào năm 1941. Truyện kể lại cuộc đời của một người dân cùng khổ tên là Chí Phèo. Chí Phèo là biểu hiện sống động của bi kịch sinh ra là người mà không được làm người. Câu chuyện có nhiều bi kịch, nhưng đặc biệt, trong đó quá trình thức tỉnh hồi sinh và bi kịch cự tuyệt của Chí Phèo trong tác phẩm là một trong những đoạn thể hiện sâu sắc ý nghĩa nhân văn và giá trị nhân đạo của tác phẩm.
Chí Phèo, nguyên là một đứa con hoang, bị bỏ rơi nơi lò gạch cũ khi vừa mới lọt lòng, vốn là người nông dân hiền lành, lương thiện nhưng đã bị xã hội phong kiến bóc lột, đè nén, áp bức trở thành “con quỷ dữ làng Vũ Đại”. Bá Kiến đã đẩy Chí Phèo vào tù, biến Chí từ một người nông dân hiền lành trở thành một thằng lưu manh và trở thành tay sai đắc lực cho bọn cường hào trong làng. Chí gần như sống trong vô thức, bị xã hội ruồng bỏ, bị cướp mất quyền làm người, bị cướp đi cả nhân hình lẫn nhân tính. Và cứ thế Chí Phèo say triền miên. Say để quên đi quyền làm người, say để làm những việc mà người ta giao cho hắn làm, đốt phá, cướp giật, dọa nạt của bao người dân lương thiện. Những cơn say của hắn tràn cơn này sang cơn khác, thành một cơn dài, mênh mông, hắn ăn trong lúc say, thức dậy hãy còn say. Chưa bao giờ hắn tỉnh, và có lẽ hắn chưa bao giờ tỉnh táo, để nhớ có hắn ở đời.
Cứ tưởng Chí Phèo mãi mãi sống kiếp thú vật, rồi sẽ kết thúc bằng cách vùi xác ở một bờ bụi nào đó, nhưng bằng tài năng và nhất là bằng trái tim nhân đạo của một nhà văn lớn, Nam Cao đã để Chí Phèo trở về sống kiếp người một cách tự nhiên. Ông đã soi rọi ánh sáng của tình yêu thương vào tận đáy tâm hồn đen tối của con quỷ dữ làng Vũ Đại. Trong một đêm say, hắn tình cờ gặp Thị Nở – người đàn bà dở hơi xấu xí và quá lứa lỡ thì. Đêm hôm ấy, họ ăn nằm với nhau, sự chung đụng ngẫu nhiên ấy, mang tính bản năng của người đàn ông trong cơn say. Những phẩm chất của người nông dân lao động tiềm tàng sâu trong con người hắn bất chợt đc khơi dậy. Chút tình yêu thương mộc mạc, tự nhiên cộng với sự quan tâm chăm sóc giản dị của Thị Nở đã đánh thức lương tri, đánh thức bản chất lương thiện vốn có trong con người Chí. Chính nhờ cuộc gặp gỡ đó, đã thức tỉnh phần người trong Chí, giúp Chí cởi bỏ cái vỏ quỷ dữ để sống lại làm người, khao khát hoàn lương, lương thiện.
Đoạn văn miêu tả tâm trạng Chí Phèo sau đêm gặp Thị Nở chứng tỏ Nam Cao xứng đáng bậc thầy về phân tích tâm lí nhân vật. Tỉnh rượu, Chí thấy lòng chợt bâng khuâng "mơ hồ buồn". Những lần trước, mỗi khi tỉnh rượu, hắn lại uống, vì thế say kế tiếp say. Còn lần này, Chí Phèo tỉnh rượu với trạng thái khác hẳn “người thì bủn rủn, chân tay không buồn nhấc; hay là đói rượu, hắn hơi rùng mình. Ruột gan lại nôn nao lên một tí. Hắn sợ rượu như những người ốm sợ cơm”. Sau bao năm, lần đầu tiên trong cuộc đời Chí tỉnh dậy, chợt nhận ra nơi căn lều ẩm thấp là ánh nắng ngoài kia rực rỡ biết bao, nghe thấy mọi âm thanh của cuộc sống: tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá, tiếng anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá trên sông, tiếng lao xao của người đi chợ bán vải về. Những âm thanh quen thuộc ấy hôm nào mà chả có, nhưng hôm nay Chí mới cảm nhận và nghe thấy, vì hôm nay Chí đã hết say. Phải chăng, những âm thanh ấy chính là tiếng gọi náo nức, thiết tha, tiếng gọi thôi thúc của cuộc sống đã vang lên rộn ràng trong tâm hồn vừa được khơi dậy của Chí.
Sau đó Chí tỉnh ngộ, nhìn lại cuộc đời mình cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Hơn hết, cái ước mơ bình dị ngày nào "có một gia đình nho nhỏ, chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải" bỗng dưng trở lại với Chí. Chí đã tỉnh rượu và thức tỉnh về tình cảm và nhận thức. Chí thấy hiện tại của mình thật đáng buồn bởi “hắn đã tới cái dốc bên kia của cuộc đời”. Tương lai đối với hắn, còn đáng buồn hơn, hắn còn lo sợ bởi hắn đã trông thấy trước “tuổi già, đói rét và ốm đau” và nhất là “cô độc”. Sau những tháng ngày sống gần như vô thức, Chí đã tỉnh táo và triền miên trong suy nghĩ và xúc động. Như vậy, với sự trở lại của lí trí và nhận thức về chính mình, cùng những tình cảm, cảm xúc của một con người, Chí đang thức tỉnh một cách toàn diện cả về nhận thức và ý thức và bắt đầu hồi sinh để trở về với kiếp người.
Ngòi bút Nam Cao ở đây thật ấm áp, thể hiện từng biểu hiện của sự thức tỉnh ở Chí Phèo. Ông thật sự rất yêu quý những người lao động chân chính. Vì hoàn cảnh mà họ bị đẩy vào con đường tội lỗi. Nhưng ngay cả khi bị cuộc đời làm biến dạng nhân hình và làm méo mó nhân tính thì Nam Cam vẫn nhìn thấy vẻ đẹp trong sáng luôn tiềm ẩn trong con người họ. Họ chỉ cần gặp điều kiện thuận lợi thì phần người sẽ bừng dậy một cách mạnh mẽ.
Đúng lúc ấy thì Thị Nở bưng đến cho Chí Phèo bát cháo hành đang nghi ngút khói. Và nếu như Thị Nở không qua, chắc là hắn đã khóc được mất. Việc làm này của thị khiến hắn từ "hết sức ngạc nhiên" đến xúc động "thấy mắt mình như ươn ướt" bởi vì một lẽ hết sức đơn giản “lần đầu tiên hắn được người ta cho…”, “đời hắn chưa bao giờ được săn sóc bởi bàn tay đàn bà". Hắn còn cảm nhận về hương vị cháo hành, nó thơm và ngon lắm. Thị Nở còn cảm nhận thấy hắn rất hiền. Dưới ánh sáng của tình yêu, thị Nở bỗng trở thành một người đàn bà có duyên, cũng biết lườm yêu, biết e lệ, biết "ngượng ngùng mà thinh thích khi nghe hai tiếng "vợ chồng". Bát cháo hành của thị Nở làm hắn suy nghĩ nhiều. Trái tim tưởng chừng như chai đá của Chí Phèo đã dần dần sống dậy. Cái phần người trong hắn cũng hồi sinh. Chí đã sống đúng với con người thật của mình, trở lại nguyên hình của anh canh điền ngày xưa. Hành động chăm sóc đầy tình cảm yêu thương ấy làm tâm trạng Chí đi từ xúc động đến ăn năn, hồi tỉnh. Tình yêu của Thị Nở đã mở đường cho Chí Phèo trở lại làm người: “Trời ơi! Hắn thèm lương thiện, hắn muốn làm hòa với mọi người biết bao.
"Thị có thể sống yên ổn với hắn thì sao người khác lại không thể được". Cùng với mong ước được làm người lương thiện, Chí khao khát hạnh phúc và một mái ấm gia đình. Và hắn nói “Giá cứ thế này mãi thì thích nhỉ?”. Lúc này nội tâm của Chí đã bừng tỉnh, lương tri của hắn đã trỗi dậy mà thôi thúc tình cảm hắn. Hắn thật sự muốn "thế này" đó là muốn được ăn cháo hành, được sống bên cạnh thị Nở, được thị quan tâm, chăm sóc, yêu thương và được làm nũng với thị... “Hay là mình sang đây ở với tớ một nhà cho vui” một mái ấm gia đình vui vẻ, hạnh phúc, câu nói này giống như một lời cầu hôn của Chí với thị Nở - một lời cầu hôn rất canh điền, chất phác, giản dị. Hắn muốn sống như một con người đúng nghĩa, khao khát được trở lại với cuộc sống bình thường, được làm hòa với mọi người. Thị Nở sẽ là cây cầu nối giữa hắn với cuộc đời. Chí Phèo bâng khuâng, háo hức nghĩ tới một tương lai tốt đẹp. Chính tình người của Thị Nở đã thức tỉnh hồi sinh tình người trong Chí Phèo, thế mới biết sức cảm hóa của tình thương kỳ diệu biết nhường nào! Phát hiện và miêu tả quá trình thức tỉnh của Chí Phèo là một thành công nghệ thuật đặc sắc của Nam Cao. Tác giả đã khéo lựa chọn những chi tiết rất chân thực thể, miêu tả tâm lí nhân vật sắc sảo hiện cho nên ý nghĩa của sự hồi sinh là sự khẳng định sức sống của thiên lương, của lòng lương thiện.
Nhưng, bi kịch và đau đớn thay, cánh cửa cuộc đời vừa hé mở thì cũng ngay lập tức đóng sầm lại trước mắt Chí Phèo, rốt cuộc thì ngay chút tình thương yêu của Thị Nở không đủ mạnh để cứu hắn. Lời nói của bà cô Thị Nở như một gáo nước lạnh tạt thẳng vào mặt Chí Phèo làm tắt ngúm ngọn lửa lòng vừa được nhen lên trong Chí. “Ai lại đâm đầu đi lấy một thằng không cha không mẹ như cái thằng Chí Phèo” đã trở thành định kiến khắc nghiệt lấp mất lối về của Chí. Cũng như mọi người dân làng Vũ Đại khác, bà đã quen coi Chí là một thằng lưu manh, hơn thế nữa là một con quỷ dữ. Rồi cả Thị Nở, người đàn bà mà hắn đặt trọn lòng hi vọng đó nghe lời bà cô cũng "rướn cái môi vĩ đại mà ném vào hắn bao lời chửi mắng".
Như thế, Chí Phèo thật sự rơi vào một bi kịch tinh thần đau đớn. Đó chính là bi kịch của một con người chết trên ngưỡng cửa trở về với cuộc sống lương thiện. Chút hạnh phúc nhỏ nhoi, mong ước được trở lại cuộc sống lương thiện cuối cùng vẫn không đến được với Chí Phèo. Và thật là khắc nghiệt, khi bản tính người nơi Chí Phèo trỗi dậy, cũng là lúc Chí Phèo hiểu rằng mình không còn trở về với lương thiện được nữa. Định kiến xã hội thông qua bà cô thị Nở không cho hắn đặt chân lên nhịp cầu hy vọng. Nói xa hơn, cái xã hội thực dân nửa phong kiến đó đã cướp đi của Chí quyền làm người và vĩnh viễn không trả lại. Nó đã tiêu hủy và đã bẻ gãy chiếc cầu nối Chí với cuộc đời.
Chí Phèo một lần nữa bị hắt hủi, ruồng bỏ phũ phàng. Chí Phèo lại uống rượu trong nỗi tuyệt vọng, đau đớn tột cùng "ôm mặt khóc rưng rức". Chí Phèo uống thật say, nhưng lần này không như mọi lần, càng say thì Chí lại càng tỉnh, càng tỉnh càng nhận ra bi kịch của cuộc đời mình. Phẫn uất, tuyệt vọng Chí xách dao đi định đến nhà Thị Nở. Trong ý định, Chí định đến nhà đâm chết con “khọm già”, con “đĩ Nở” nhưng sự thức tỉnh ý thức về thân phận và bi kịch đã đẩy chệch hướng đi của Chí dẫn Chí đến thẳng nhà Bá Kiến. Hơn ai hết lúc này Chí thấm thía tội ác của kẻ đã cướp đi quyền làm người của mình rằng: kẻ đã làm cho mình phải mang lốt quỷ, kẻ đã làm mình ra nông nỗi khốn cùng này chính là Bá Kiến. Anh càng thấm thía tội ác kẻ đã cướp đi quyền làm người, cướp đi cả bộ mặt và linh hồn của mình.
Chí Phèo đến nhà Bá Kiến với tư cách là một nô lệ thức tỉnh, đòi quyền làm người. Thống thiết thay là tiếng kêu của Chí Phèo cuối tác phẩm: "Tao muốn làm người lương thiện! Ai cho tao lương thiện? Làm thế nào cho mất được những mảnh vết chai trên mặt này? Tao không thể làm người lương thiện nữa! Biết không! Chỉ có một cách… biết không!" Đó là những câu hỏi vút lên đầy cay đắng và không lời giải đáp. Câu hỏi chất chứa nỗi đau đớn đầy phẫn uất của một con người thấm thía được nỗi đau khôn cùng của bi kịch cá nhân. Câu hỏi đánh thẳng vào bộ mặt của xã hội bất lương. Câu hỏi như cứa vào tâm can người đọc về một thân phận con người đầy đắng cay trong xã hội cũ. Căm thù cao độ và không còn lối thoát.
Chí Phèo đã giết bá Kiến rồi tự sát, lấy sự hủy diệt đời mình để giải quyết sự bế tắc của số phận. Chí đã chết khi cánh cửa cuộc đời đã đóng chặt trước mặt anh không cho anh trở lại. Đó là sự thức tỉnh về quyền sống, không chấp nhận được cuộc sống của một con quỷ dữ nữa, anh muốn hoàn lương mà xã hội đâu cho, bởi cái khát khao mãnh liệt được làm người đã bị dập tắt. Lương thiện có ngay trong mỗi con người là di sản tinh thần của mỗi người. Tại sao phải đi đòi lương thiện? À, thì ra Chí đã bị cái xã hội vô nhân tính ấy cướp mất. Khốn nạn thay cho Chí, ngay cả cái quyền được làm một con người cũng bị xã hội người ăn thịt người ấy bóp nát. Cái chết bi thảm của Chí Phèo là lời tố cáo mãnh liệt cái xã hội vô nhân đạo, xã hội thực dân nửa phong kiến. Cái chết ấy là cái chết của con người trong bi kịch đau đớn trước ngưỡng cửa về cuộc sống làm người, là tiếng kêu cứu về quyền làm người, cũng là tiếng gọi của nhà văn: Hãy cứu lấy con người! Hãy yêu thương con người!
Với nhân vật Chí phèo, Nam Cao đã đặt ra bi kịch của người nông dân trước cách mạng: đó là bi kịch con người sinh ra là người mà không được làm người. Điều này thể hiện sự cảm thông sâu sắc của Nam Cao với khát vọng lương thiện trong con người và sự bế tắc của những khát vọng trong hiện thực xã hội ấy. Tác phẩm mang ý nghĩa triết lí sâu sắc được thể hiện dưới hình thức nghệ thuật vô cùng độc đáo. Tác giả đã khéo lựa chọn những chi tiết rất chân thực, miêu tả tâm lí nhân vật, xây dựng nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình cộng với cốt truyện với các tình tiết hấp dẫn, biến hóa bất ngờ.
Tác phẩm Chí Phèo thông qua quá trình thức tỉnh hồi sinh và bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người của nhân vật chính, nhà văn đã mang đến những giá trị nhân văn cao đẹp. Tác phẩm đã lên án, tố cáo tội ác của chế độ thực dân nửa phong kiến đã đàn áp và bóc lột nhân dân lao động. Qua đó nhà văn đồng cảm với những nỗi khổ đau, bị đày đọa và sự bế tắc của những khát vọng của người nông dân. Đồng thời nhà văn cũng kịp thời phát hiện và trân trọng trước vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật và khao khát thay đổi thực tại để mang đến một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Phân tích quá trình bị tha hóa của Chí Phèo (mẫu 5)
Có ý kiến cho rằng: Nếu không viết: “Chí Phèo”, Nam Cao đã để lại cho Văn học Việt Nam một khoảng trống lớn. Chí Phèo là tác phẩm đầu tay của Nam Cao trình làng với bạn đọc, ngay từ khi xuất hiện nó đã trở thành một vấn đề, một kiệt tác của trào lưu văn học hiện thực. Đây là tác phẩm tiêu biểu viết về người nông dân bởi đến đây người đọc mới hiểu thế nào là tận cùng nỗi khổ của người nông dân Việt Nam trong xã hội phong kiến. Nếu như ở những tác phẩm của các nhà văn hiện thực khác: Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan… hình ảnh người nông dân chỉ hiện lên với những áp bức bất công, bị dồn đến bước đường cùng, nhưng họ vẫn còn giữ được con người mình, nhưng đến với Nam Cao thì đã có những khám phá phát hiện mới mẻ, ông không chỉ phát hiện ra bi kịch bị bần cùng hóa mà còn khám phá phát hiện ra bi kịch bị lưu manh tha hóa bị cự tuyệt quyền làm người của người nông dân.
Mở đầu trang văn, Nam Cao đã để cho Chí Phèo xuất hiện bằng một hình ảnh hết sức sống động độc đáo: Chí Phèo khập khiễng vừa đi vừa chửi: tiếng chửi của Chí Phèo ngay lập tức cho người đọc hình dung về một sự việc bất bình thường. Vì lẽ gì mà một con người phải cất lên những tiếng chửi như vậy? Tại sao những tiếng chửi đó lại không được đáp trả…? Nhưng chúng ta sẽ thấy tiếng chửi này không phải là bâng quơ, không đơn giản mà nó rất logic, rất có dụng ý. Ban đầu hắn chửi trời đến chửi đời rồi chửi ngay tất cả làng Vũ Đại… nhưng đối tượng của những tiếng chửi này là mơ hồ không xác định đến khi hắn chửi không biết đứa nào đẻ ra thân hắn cho hắn khổ thế này… thì đối tượng đã được xác định.
Chí Phèo chửi để nhận thức nguyên nhân dẫn đến bi kịch của bản thân. Nhưng ngay lập tức hắn hiểu rằng tiếng chửi của hắn là vô vọng, hắn thấy thấm thía nỗi khốn khổ của số phận, hắn đã phải cất tiếng chửi để thèm mong có ai đó chửi lại hắn, để hắn có thể được giao tiếp với đời, với người. Vậy mà không người nào chịu chửi lại hắn, có nghĩa là tất cả mọi người đã dứt khoái không coi hắn là người. Chửi lại hắn nghĩa là còn thừa nhận hắn là người, còn bằng lòng giao tiếp đối thoại với hắn. Chí chửi cả làng Vũ Đại với hy vọng sẽ có ai đó chửi lại. Nhưng hắn chỉ nhận lại một sự im lặng đáng sợ, và Chí vẫn còn lại một mình Chí trong sa mạc cô đơn: hắn cứ chửi rồi lại nghe, chỉ có ba con chó dữ với một thằng say rượu.
Bằng cách mở đầu truyện độc đáo thế này, tác giả không chỉ giới thiệu mà còn bắt đầu hé mở cho người đọc thấy tình trạng bi đát của một số phận, đó là số phận người nông dân bị xã hội tàn phá về tâm hồn, hủy diệt cả nhân tính, do đó bị phủ nhận giá trị, tư cách làm người. Nỗi thống khổ của Chí Phèo ban đầu tất cả là con số không: không nhà, không cửa, không cha mẹ, không họ hàng thân thích, không một tấc đất cắm dùi. Nhưng đó mới chỉ là mở đầu, nỗi khổ đau đớn nhất của Chí Phèo là bị cả xã hội quay lưng lại, bị cướp mất linh hồn người, bị loại ra khỏi xã hội loài người, phải sống kiếp sống tối tăm của thú vật. Từ quá khứ đến hiện tại, từ bản chất đến hiện tượng Chí Phèo đã biến đổi. Trong quá khứ Chí Phèo là một con người hiền như cục đất, có bản chất lương thiện, từ khi vào làm canh điền cho nhà Bá Kiến, rồi bị Bá Kiến đẩy vào tù, sau 7-8 năm ở tù ra, Chí Phèo đã rơi vào vô thức và bị lưu manh tha hóa, tất cả mọi hành động của Chí Phèo đều phải thông qua rượu, đều diễn ra trong vô thức: đâm thuê, chém mướn, cướp bóc, rạch mặt ăn vạ. Những tội ác của Chí cứ đầy lên trong con mắt người dân làng Vũ Đại.
Tưởng như số phận cuộc đời của Chí Phèo sẽ mãi mãi trượt dài trên cái dốc lưu manh tha hóa và rơi vào vực sâu của kiếp sống tội lỗi; nhưng sự xuất hiện Thị Nở đã đưa Chí Phèo từ vực sâu của kiếp sống lưu manh tha hóa đến bến bờ của cõi đời lương thiện. Đây có thể xem là một sự kiện trọng đại, một biến cố mở ra một bước ngoặt của cuộc đời Chí Phèo, đưa Chí Phèo trở lại với kiếp người. Sự xuất hiện của Thị Nở cùng bát cháo hành đã biểu hiện cho sự đồng cảm và tình người nhân hậu. Người đàn bà xấu đến ma chê quỷ hờn kia lại là người duy nhất ở làng Vũ Đại biết được sao có lúc nó hiền đến thế. Hơi ấm của bát cháo hành chính là hơi ấm của tình người nhân hậu đã làm cho con người lương thiện bấy lâu chìm khuất trong hình ảnh của con quỷ dữ, thằng đầu bò đã phục sinh, giờ đây sức sống tâm hồn đã trỗi dậy trong Chí Phèo.
Sau khi con người lương thiện phục sinh, tính cách tâm hồn con người Chí Phèo đã tỉnh dậy lắng nghe những âm thanh bình dị mộc mạc hàng ngày mà lâu nay Chí quên lãng. Chí bỗng hồi tưởng về những kỉ niệm của thời êm đẹp: Ao ước có một gia đình nho nhỏ, chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải, chúng lại bỏ một con lợn để làm vốn liếng, khá giả thì mua dăm ba sào ruộng làm. Đáng lẽ ra hắn cũng sẽ có được một cuộc sống bình thường như bao người khác nhưng giờ đây khi hắn tỉnh dậy hắn mới thấy hắn đã già mà vẫn còn cô độc hắn vẫn đang sống bên lề cuộc đời một cách khốn nạn, hắn cảm thấy buồn, cảm thấy tủi nhục. Hơn lúc nào hết, lúc này hắn mong ước được làm người, được trò chuyện.
Nhưng những giây phút được yêu của cuộc sống lứa đôi Chí Phèo – Thị Nở thật ngắn ngủi, hạnh phúc vừa hé mở đã khép lại. Chí Phèo và Thị Nở đã dắt tay nhau tới ngưỡng cửa cuộc đời nhưng bị từ chối phũ phàng bởi định kiến xã hội mà bà cô Thị Nở là đại diện. Khi tỉnh dậy và đối diện với hiện thực, Chí Phèo mới giật mình và nhận thức một cách sâu sắc hơn, rằng hắn đã bị từ chối khỏi cộng đồng và không thể trở thành người lương thiện trong con mắt mọi người được nữa.
Khi con người lương thiện trong Chí Phèo đã phục sinh thì hắn lại càng khao khát được làm người hơn bao giờ hết. Nhưng khao khát vẫn chỉ là khao khát, như ánh cầu vồng vụt tắt sau cơn mưa, như ngọn lửa nhỏ bị dập tắt khi mới vừa được nhen nhóm khát vọng làm người của hắn đã bị cự tuyệt hoàn toàn. Chí lại trở về với sự cô độc, và đau đớn, xót xa khi nhận ra mình đã không còn đường về quay trở lại: Không được! Ai cho tao lương thiện? Làm thế nào để mất những vết mảnh chai trên mặt này? Đây chính là sự tự ý thức cao độ của Chí Phèo về bi kịch của bản thân mình. Hình ảnh những vết mảnh chai trên mặt chính là dấu vết của những năm tháng tội đồ. Hình ảnh này đã hằn sâu trong tâm trí của người dân làng Vũ Đại và trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với họ. Trong con mắt của mọi người, Chí Phèo là con quỷ dữ. Thằng đầu bò và hình ảnh này không thể tẩy xóa đi được nữa. Chính định kiến đã ngăn cản bước chân của Chí Phèo tìm về với cõi đời lương thiện.
Hơn ai hết, Thị Nở là người đem lại cho Chí Phèo sự đồng cảm về tình người nhân hậu, nhưng chính Thị Nở cũng là người đẩy Chí Phèo đến bờ vực của cái chết. Thị vừa là phương tiện, là công cụ lại vừa là nạn nhân của định kiến.
Đến đây, Chí Phèo rơi vào bi kịch của sự lựa chọn giữa sự sống và nhân cách cái Và cuối cùng, Chí Phèo đã tìm đến cái chết để khẳng định nhân cách của mình Chí Phèo cầm dao đâm chết Bá Kiến – kẻ thù lớn nhất của đời mình rồi tự sát. Chí Phèo đã lựa chọn – một sự lựa chọn nghiệt ngã, nhưng đó là cách duy nhất để con người lương thiện trong Chí được sống, để nhân cách con người của hắn được tồn lại.
Hành động tự sát của Chí Phèo là cuộc chiến đấu mạnh mẽ nhất, dữ đội nhất và là cuộc chiến đấu cuối cùng giữa con người hiền như cục đất và con quỷ dữ thằng đầu bò. Trong cuộc quyết đấu này, Chí Phèo đã chết, nhưng nhân cách lương thiện đã trỗi dậy và tỏa sáng, đó cũng chính là chiến thắng tất yếu của cái thiện đối với cái ác, đồng thời cũng là sự thể hiện rõ ràng nhất của tư tưởng nhân đạo và tinh thần nhân văn của ngòi bút Nam Cao.
Phân tích quá trình bị tha hóa của Chí Phèo (mẫu 6)
Chưa bao giờ trên những trang văn học lại thấm đẫm cái ứa nước mắt của rượu, cái chát chúa của những câu chửi và cả tấn bi kịch cho một kiếp người không ra người, quỷ không ra quỷ như trong “Chí Phèo” của Nam Cao. Bằng biệt tài miêu tả tâm lí, khả năng lách sâu vào những diễn biến trong nội tâm nhân vật, tác giả Nam Cao đã xây dựng thành công nhân vật Chí Phèo với quá trình tha hóa từ người nông dân lương thiện thành một tên lưu manh, “con quỷ dữ” đầy ám ảnh và quằn quại trong bi kịch bị từ chối quyền làm người.
Cũng như bao người nông dân khác, Chí Phèo xuất hiện trong trang văn của Nam Cao với hoàn cảnh xuất thân và lai lịch đáng thương. Chí vốn là một đứa con hoang bị cha mẹ bỏ rơi nơi “cái lò gạch cũ” và được một bác đi thả ống lươn nhặt về. Đến năm hai mươi tuổi, không một tấc đất cắm dùi, hắn phải đi ở để kiếm tiền nuôi thân. Khi vào làm thuê tại nhà Bá Kiến, vì ghen với chàng trai khỏe mạnh, lực lưỡng, lão địa chủ đã rắp tâm đẩy anh canh điền chất phác, lương thiện vào vòng tù tội. Bi kịch tha hóa và bị từ chối quyền làm người đầy đau đớn của Chí Phèo chính thức bắt đầu.
Qua dòng hồi ức mà Chí Phèo nhớ lại sau khi gặp Thị Nở thì trước lúc vào tù, Chí Phèo giản đơn chỉ là một người nông dân lương thiện, hiền lành, chất phác với ước mơ chân chính “một gia đình nho nhỏ. Chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải. Chúng lại bỏ một con lợn nuôi để làm vốn liếng. Khá giả thì mua dăm ba sào ruộng”. Anh canh điền dù nghèo khó nhưng vẫn có ý thức về lòng tự trọng, khi bị bà ba - vợ Bá Kiến gọi lên bóp chân, hắn chỉ thấy nhục nhã.
Nhưng rồi, khát vọng nhỏ bé, bình dị về một mái ấm gia đình của Chí đã bị tên cường hào Bá Kiến tước đoạt. Nhà tù trở thành cánh cửa khép lại cuộc sống của một con người và đưa Chí gia nhập thế giới của quỷ. Sau khi ra tù, từ anh canh điền lương thiện, Chí hóa thành “con quỷ dữ của làng Vũ Đại” với sự tha hóa về cả nhân hình và nhân tính. Về nhân hình, y đã bị tước đoạt hình hài của một con người với “Cái đầu thì trọc lóc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt thì đen đen mà rất cơng cơng, hai mắt gườm gườm….”. Chỉ bằng vài ba nét vẽ, tác giả đã phác họa thành công hình hài của một tên “săng - đá” khiến ai bắt gặp cũng đều sợ hãi và né tránh. Nhưng ám ảnh hơn cả là sự tha hóa về nhân tính: bản chất hiền lành, chất phác bị thay thế bởi sự lưu manh, tàn nhẫn. Chí trở thành một kẻ liều mạng với những công việc như kêu làng, đập phá, đâm chém, rạch mặt ăn vạ,...
Mở đầu tác phẩm, Nam Cao đã đưa chi tiết tiếng chửi xuất hiện để làm nổi bật rõ nét bị kịch bị loại khỏi xã hội con người của Chí: “Hắn vừa đi vừa chửi…”. Trong cơn say, hắn chửi cả làng Vũ Đại nhưng không một ai lên tiếng, chỉ có tiếng sủa của vài ba con chó dữ đáp trả bởi ai cũng nghĩ “Chắc nó trừ mình ra”. Chí cứ thế trượt dài trên con đường lưu manh hóa, đến lúc gặp Thị Nở, những khát vọng về cuộc sống lương thiện ngày xưa ùa về thì đã quá muộn. Dù muốn trở lại làm người nhưng cánh cửa quay về đã bị khép lại. Cuối cùng, việc Thị Nở rời bỏ y đã nhận ra rằng: tấm vé quay trở về làm người lương thiện không dành cho hắn. Chí không thể xóa đi những vết sẹo trên mặt, không thể thay đổi những định kiến về “con quỷ dữ” trong anh. Để rồi Chí chát chúa, cay đắng trong bi kịch của con người nhưng bị khai trừ ra khỏi thế giới con người: “Ai cho tao lương thiện”, “Tao không thể làm người lương thiện được nữa rồi”. Và cuối cùng, y chết tức tưởi, đớn đau, vật vã trong hành trình lưu manh hóa.
Quá trình tha hóa của nhân vật Chí Phèo đã thể hiện sự thành công của tác giả trong việc xây dựng nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình. Bằng quan niệm văn chương tiến bộ, sắc sảo, nhà văn Nam Cao đã nhận ra hành trình bị bần cùng hóa, lưu manh hóa mang tính quy luật của số phận người nông dân trước Cách mạng tháng Tám. Đồng thời, thông qua cuộc đời của Chí, chúng ta còn thấy được giá trị hiện thực sâu sắc của tác phẩm. Đó là tiếng nói tố cáo xã hội phong kiến tàn bạo, bất nhân đã cướp đi cuộc sống chân chính của con người. Qua đó, chúng ta thấy được sự cảm thông, thương xót của nhà văn Nam Cao đối với người số phận người nông dân trong hành trình bị bần cùng hóa và lưu manh hóa.
Gấp trang sách lại nhưng ám ảnh về một anh canh điền lương thiện cuối cùng chết đau đớn, bi thảm trong bi kịch bị tước đoạt, bị chối bỏ và bị khai trừ khỏi xã hội loài người vẫn còn đó. Điều này được tạo nên bởi tài năng của nhà văn Nam Cao trong việc xây dựng hình tượng nhân vật cùng biệt tài miêu tả tâm lí nhân vật sắc nét và tinh tế.
Phân tích quá trình bị tha hóa của Chí Phèo (mẫu 7)
Khi đọc Chí Phèo của Nam Cao, giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh đã nhận thấy một điều thật sâu sắc: Chí Phèo là hiện thân đầy đủ những gì gọi là khốn khổ, tủi nhục nhất của người dân cày ở một nước thuộc địa, bị cào xé, bị huỷ hoại từ nhân tính đến nhân hình. Chị Dậu bán con, bán chó, bán sữa nhưng chị vẫn còn được là con người. Chí Phèo phải bán cả diện mạo và linh hồn của mình để trở thành con “quỷ dữ”. Trong muôn vàn nỗi khốn khổ tủi nhục mà Chí đã nếm trải, nỗi đau khổ lớn nhất có lẽ chính là cái bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người thật xót xa, nhức buốt của Chí cứ mãi hoài cắn xé trên từng câu chữ của Nam Cao.
“Bi kịch là tình cảnh éo le đầy đau thương, bế tắc chưa có lối thoát mà con người phải chịu đựng”. Hiểu theo nghĩa ấy, số phận Chí Phèo là một chuỗi dài bi kịch mà bi kịch sau bao giờ cũng đau đớn hơn bi kịch trước. Đọc những dòng đầu tiên của tác phẩm, độc giả đã thật sự bị ám ảnh bởi tiếng chửi rất lạ của một nhân vật chưa được nêu tên: “Hắn vừa đi vừa chửi… Bắt đầu hắn chửi trời… Rồi hắn chửi đời… Hắn chửi tất cả làng Vũ Đại… Hắn chửi cha đứa nào không chửi nhau với hắn… Hẳn chửi đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn, đẻ ra cái thằng Chí Phèo”. Đấy là tiếng chửi của một tên say rượu, một tiếng chửi vô thức. Nhưng nhiều khi trong vô thức, con người lại thể hiện chính mình nhiều hơn khi tỉnh. Nhờ biện pháp nghệ thuật tăng cấp, nhờ những câu văn ngắn, nhịp văn gấp tưởng chừng như các câu văn bị xé rách, bị cắt vụn mà người đọc có cảm giác được chứng kiến tận mắt sự quằn quại, của Chí trong cơn đau bi cự tuyệt quyền làm người. Chí chửi trời (đấng tối cao của muôn loài). Chí chửi làng (cái cộng đồng gần gũi, thiêng liêng của con người)…
Nhưng không ai lên tiếng cả. Người ta không lên tiếng vì người ta không công nhận Chí là người. Cả làng Vũ Đại không ai hiểu Chí. Chí một mình đối diện với sa mạc cô đơn. Giá có một người để chửi nhau, có lẽ Chí còn đỡ khổ. Bởi vì người ta sống, dù để chửi nhau cũng không thể chửi một mình. Chí chỉ còn biết chửi người đẻ ra y. Chửi người đẻ ra mình thì cũng là chửi chính bản thân. Tiếng chửi của Chí thể hiện sự vật vã, dẫu là vô thức, để tìm ra căn nguyên của khổ đau. Nhưng khốn khổ thay, Chí càng chửi càng bế tắc. Giá như ngày ấy ở làng Vũ Đại có một người lên tiếng, cũng như sau đó, Thị Nở “không chỉ biết cho mà còn biết giữ”… Giá như… giá như… chỉ cần một lần giá như xảy ra, chỉ cần một trong hàng nghìn người ở làng Vũ Đại coi Chí là người thì tấn bi kịch của đời Chí sẽ có cơ hội không xảy ra. Nhưng chuyện gì xảy ra thì nó đã xảy ra… Nam Cao ngược dòng thời gian trở lại với quá khứ để dẫn dắt người đọc, giúp họ thấu hiểu quá trình bị cự tuyệt quyền làm người từ thấp đến cao của Chí, đồng thời, ông cũng chỉ rõ căn nguyên dẫn Chí đến tình trạng ấy.
Chí là một “đứa con hoang”, “một anh đi thả ống lươn, một buổi sáng tinh sương đã thấy hắn trần truồng và xám ngắt trong cái váy đụp để bên một lò gạch bỏ không, anh ta rước lấy và mang cho một người đàn bà goá bụa”. Năm từ “một” tồn tại trong một câu văn dài, dường như đã báo trước cuộc đời cô độc triền miên của Chí. Ngay từ khi cất tiếng khóc chào đời, Chí đã bị người mẹ, người đời cự tuyệt quyền làm người. Chí trở thành kẻ không cha, không mẹ. Suốt quãng đời niên thiếu, Chí Phèo không có tuổi thơ. Hắn phải sống kiếp bơ vơ “đi ở cho hết nhà này sang nhà nọ”. Đến tuổi trưởng thành, hắn làm canh điền cho nhà Bá Kiến, một tên địa chủ cường hào lọc lõi khét tiếng độc ác, gian hùng. Cũng may cho đời Chí, có lẽ vì lớn lên cùng với những người lao động, Chí trở thành người nông dân lương thiện khoẻ mạnh về thể xác, lành mạnh về tâm hồn. Anh canh điền giàu lòng tự trọng ây “biết không thích những cái gì mà người ta khinh”, từng khát khao “có một gia đình nho nhỏ, chồng cuốc mướn, cày thuê, vợ dệt vải”. Vậy mà, nghiệt ngã thay, cuộc đời đã không dành cho Chí những cái rất đỗi dung dị, bình thường ấy.
Chỉ vì cơn ghen tuông vu vơ, Bá Kiến đã đẩy Chí Phèo vào tù. Mỉa mai thay, nhà tù, cái công cụ cải tạo con người của chế độ thực dân đã tiếp tay cho bọn phong kiến, cường hào địa chủ giết chết phần người trong Chí Phèo, biến hắn từ một người nông dân lương thiện thành tên lưu manh, bị loại bỏ ra ngoài xã hội con người. Đây là lần thứ hai Chí bị cự tuyệt quyền làm người.
Trở về làng Vũ Đại, Chí Phèo xuất hiện trong một bộ dạng thật kì quái: “cái đầu thì trọc lóc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt đen mà lại rất câng câng, hai con mắt gườm gườm trông gớm chết”. Đó là mặt của “một con vật lạ”. Lại nữa, “hắn mặc quần nái đen với cái áo tây vàng, cái ngực phanh ra đầy những nét chạm trổ rồng phượng với một ông tướng cầm chuỳ trông gớm chết”. Đó là hình hài của một kẻ côn đồ, hung hãn, chỉ biết gây gổ, đâm chém, về làng hôm trước, hôm sau, Chí đã điên cuồng lao vào trả thù Bá Kiến bằng cách ăn vạ, chửi đểu. Nhưng, cụ Bá khôn róc đời đã ma mãnh cướp luôn của Chí cái quyền được trả thù kẻ có thù với mình. Chí Phèo lại từng bước trở thành tay sai cho kẻ thù, trở thành công cụ của Bá Kiến. Hắn chỉ còn biết rạch mặt, ăn vạ để đòi tiền, để đâm chém những ai không cùng phe cánh với cụ Bá.
Từ đó, hắn chìm trong cơn say. Hắn ăn trong lúc say, ngủ trong lúc say và đánh nhau trong cơn say, “Hắn đã phá tan bao nhiêu gia đình, đập vỡ bao nhiêu hạnh phúc, làm chảy máu và nước mắt bao nhiêu người lương thiện”. Những năng lực vốn có của con người: năng lực cảm xúc, ý thức, hầu như bị tiêu huỷ, chỉ còn lại một năng lực đầm chém, phá phách trong những cơn say không bao giờ dứt. Cứ như thế đời hắn trượt dài. Nhìn vào mặt hắn người ta không biết hắn bao nhiêu tuổi. Đời hắn đã xem như đời bỏ đi, nhân hình bị huỷ hoại, nhân tính bị xói mòn. Cả làng Vũ Đại “đều sợ và tránh mặt hắn mỗi lần hắn đi qua”. Ngay bản thân hắn cũng đã quên sự có mặt của hắn ở trên đời. Có thể nói, trước khi gặp Thị Nở, Chí đã bị cự tuyệt quyền làm người đến cao độ.
Người ta sẽ đỡ khổ nếu không biết mình sống trong cái khổ. Người ta sẽ đỡ đau đớn khi bị tước quyền làm người mà không hề hay biết. Trước khi gặp Thị Nở, Chí Phèo chưa nhận thức được tấn bi kịch của đời mình. Chí đâu biết chính xã hội thực dân phong kiến chẳng những đã sinh ra Chí mà còn nuôi dưỡng tính côn đồ hung hãn của Chí bằng cách tước đoạt dần quyền làm người của Chí. Đúng lúc Chí dấn thân đến chỗ tột cùng của sự tha hoá, đúng lúc người ta tưởng Chí sẽ triền miên trong cuộc đời một con quỷ dữ thì Nam Cao đã phát hiện trong chiều sâu tâm linh của nhân vật một đốm lửa nhỏ nhoi bừng sáng. Chí ao ước được trở lại làm người lương thiện. Vai trò, vị trí của Thị Nở trong tác phẩm là rất quan trọng. Con người “dở hơi, xấu ma chê quỷ hờn” lại là nguồn sáng duy nhất còn lại ở làng Vũ Đại có thể chiếu sáng cõi đời tăm tối của Chí. Cơ thể đàn bà của Thị không khơi gợi bản năng thú vật ở y. Tình thương của Thị Nở đã gợi dậy cái tính người mà lâu nay Chí đã đánh mất.
Sau cuộc tình ngắn ngủi với Thị Nở, Chí đã nghe được âm thanh của cuộc sống mà lâu nay hắn không để ý. Sau bao nhiêu năm, bây giờ hắn mới nghe thấy tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá, tiếng cười nói của người đi chợ, tiếng thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá. Những âm thanh ấy gợi nhớ trong Chí những ước mơ rất người đã có từ thuở xa xưa. Lần đầu tiên Chí cảm thấy buồn, rồi hắn “sợ tuổi già, đói rét, ốm đau và cô độc, cô độc còn sợ hơn đói rét và ốm đau. Bát cháo hành của Thị Nở đã đánh thức trong Chí những tình cảm lành mạnh. Ăn cháo mà hắn thấy mắt ươn ướt. Vậy đó, chỉ cần một sự thương yêu – dù chỉ là tình thương yêu của kẻ dở hơi, của một người con gái quá lứa lỡ thì, có dòng giống mả hủi, cũng đủ làm sống lại bản tính người đã chết. Sức cảm hoá của tình thương quả là vô biên. Nam Cao đã thực sự hoá thân vào nhân vật để cảm thông, để chia sẻ những giây phút hạnh phúc rất người của Chí. Thế là sau hơn hai mươi năm bị cự tuyệt quyền làm người, Chí Phèo đã tự tìm cho mình con đường trở lại làm người. Tình yêu của Thị Nở đã mở đường cho Chí trở lại làm người. Tình yêu của Thị Nở đã xây cho Chí một chiếc cầu nối để làm hoà với thế giới người.
Nhưng bi kịch và đau đớn thay, rốt cuộc thì ngay Thị Nở cũng không thể thuộc về Chí. Một chút hạnh phúc nhỏ nhoi cuối cùng vẫn không đến được với Chí. Thị Nở là chiếc cầu vồng sau cơn mưa. Chí đau đớn nhận ra rằng chẳng có chiếc cầu nào đưa Chí trở về với cuộc sống con người. Xã hội đã cướp đi quyền được sống, được làm người của Chí và vĩnh viễn không trả lại. Những vết dọc ngang trên mặt, kết quả của bao nhiêu cơn say, bao nhiêu lần đâm chém, rạch mặt ăn vạ…đã bẻ gãy chiếc cầu nối Chí với cuộc đời. Chí đau xót nhận thấy: “Không được nữa rồi chỉ còn cách này”. Lưỡi dao của Chí đã vung lên để tiêu diệt Bá Kiến và sau đó là kết liễu đời mình. Vậy là cuối cùng Chí cũng trả được mối thù. Nhưng cái giá phải trả của Chí là quá đắt. Cái chết thê thảm như một con vật của Chí là bi kịch lớn nhất của nhân vật này và cũng là lời tố cáo mạnh mẽ xã hội vô nhân, là lời kêu cứu khẩn thiết về quyền con người.
Từ số phận nhân vật Chí Phèo, Nam cao muốn khái quát một hiện tượng phổ biến ở nông thôn ta trước Cách mạng: một bộ phận nông dân lao động lương thiện bị đẩy vào con đường lưu manh hoá. Đồng thời, qua đó, Nam Cao còn tỏ rõ sự đồng tinh với khát vọng lương thiện và lên án xã hội vô nhân đã vùi dập nhân tính làm tha hoá con người. Hơn nữa, nhà ván đã tìm thấy dưới đáy tâm hồn tưởng như cằn cỗi của người lao động của người lao động vẫn lấp lánh ánh sáng nhân phẩm. Từ đấy, vút lên một tiếng kêu khẩn thiết hãy cứu lấy con người. Điều ấy làm cho Nam Cao trở thành một trong những nhà nhân đạo lớn nhất, sâu sắc nhất của văn học hiện thực phê phán. Và “Chí Phèo” trở thành kiệt tác của nền văn học thế kỉ này.
Chí Phèo đã chết trên ngưỡng cửa trở về với “xã hội bằng phẳng của những con người lương thiện”. Đó cũng là lúc người đọc thấm thìa đến tận cùng bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người thật quá phũ phàng, xa xót của Chí. Nỗi đau ấy cứ âm ỉ mãi khi mà cùng với thời gian, khi quyền con người còn bị xúc phạm thì bi kịch của đời Chí Phèo còn được nhắc mãi. Nỗi đau của Chí Phèo đã trở thành nỗi đau của toàn nhân loại. Ngòi bút của Nam Cao cứ sắc nhọn mãi cho đến tận bây giờ.
Phân tích quá trình bị tha hóa của Chí Phèo (mẫu 8)
Trong giai đoạn văn học 1930-1945, chủ yếu các tác giả đều viết về số phận những người nông dân, nhưng mỗi người đều có lối viết, lối khai thác các nhân vật của riêng mình. Còn riêng Nam Cao, ông lại muốn tìm tòi, khai thác về nỗi khổ của những người nông dân lương thiện. Nam Cao sinh ra trong 1 gia đình nông dân ở làng Đại Hoàng, cả cuộc đời ông vất vả lận đận, ông là người giàu tình yêu thương, nặng ân tình đặc biệt là đối với những người nông dân nghèo khổ bị áp bức. Năm 1951, Nam Cao hy sinh, ông xứng đáng là 1 nhà văn- chiến sĩ, có thể coi là ngòi bút đại thụ của nền văn học Việt Nam. Tác phẩm “Chí Phèo“ đã trải qua 3 lần đổi tên, nhan đề đầu tiên là "Cái lò gạch cũ“, sau khi được in thành sách nhà xuất bản đã tự ý đổi tên thành “Đôi lứa xứng đôi“, sau này, Nam Cao mới đổi lại tên thành “ Chí Phèo“, tác phẩm được coi là kiệt tác của nhà văn
Để hiểu rõ được bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người của Chí phèo, người đọc phải hiểu được bi kịch là gì? Bi kịch là nỗi buồn, các nhà văn thường khai thác từ những mâu thuẫn xung đột gay gắt và thường kết thúc bằng cái chết của nhân vật chính. Trong truyện ngắn “Chí phèo“, tác giả không chỉ đi sâu vào khai thác mâu thuẫn giai cấp mà còn khai thác cả mâu thuẫn trong chính nhân vật. Chí phèo được sinh ra là con người với đầy đủ các bản chất của 1 người bình thường, có dự định, ước mơ, là 1 người nông dân hiền lành lương thiện, biết phân biệt tốt xấu đúng sai. Nhưng rồi sau đó, Chí bị đẩy vào con đường bần cùng hóa, tha hóa, bị tước đoạt mất nhân tính, bị loại ra khỏi xã hội loài người. Để rồi sau đó, khi hắn muốn quay trở lại làm 1 con người lương thiện thì lại bị từ chối phũ phàng và cuối cùng hắn chết trên ngưỡng cửa trở về với cuộc đời
Ngay từ khi sinh ra, Chí đã bị bỏ rơi, được 1 anh thả ống lươn nhặt được trong buổi sáng sớm tinh sương ở lò gạch bị bỏ không ngoài đồng vắng. Con người đến với cuộc đời như bị quăng ra đấy, bơ vơ, trơ trọi. May thay, nhờ sự cưu mang, đùm bọc của người dân làng Vũ Đại mà hắn đã được sống, được trở thành người nông dân hiền lành lương thiện, giàu tự trọng. Nhưng vì ghen tuông vu vơ mà lí Kiến đã đẩy hắn đi tù, nhà tù thực dân đã biến hắn trở thành kẻ “trông đặc như 1 thằng săng đá“ rồi sau đó bá Kiến thực hiện tốt công đoạn cuối cùng là biến Chí trở thành tay sai của mình. Chí Phèo bị lợi dụng, trở thành kẻ chuyên đi đâm thuê chém mướn, mỗi ngày hẳn bán rẻ linh hồn mình cho quỷ bằng vài đồng vài hào để rồi cuối cùng hắn biến mình thành 1 con quỷ thật sự “Nhìn mặt hắn người ta không đoán được là bao nhiêu tuổi, nó vàng vàng mà lại sạm màu gio, nó lằn ngang lằn dọc không biết bao nhiêu là vết sẹo“ rồi hắn còn suốt ngày sau rượu “cứ rượu vào là hắn chửi“.
Trong tiếng chửi lảm nhảm của Chí còn lã nỗi cô độc, hắn khao khát được giao tiếp với mọi người dù chỉ là tiếng chửi, nhưng chẳng ai đáp lại hẳn, chẳng đi chấp nhận hẳn, bởi vì “hắn đã đạp đổ bao nhiêu hạnh phúc, đập nát biết bao cảnh yên vui, làm chảy máu và nước mắt của biết bao nhiêu con người lương thiện“ Nhưng hắn làm nhiều điều ác như vậy bởi vì hắn lúc nào cũng say. Cũng viết về những người nông dân nhưng Nam Cao không khai thác theo lối mòn cũ là khổ vì sưu cao thuế nặng, khổ vì nghèo đói mà Nam Cao khai thác nỗi đau tinh thần của con người. Bị tàn phá mất nhân hình, bị tước đoạt mất nhân tính, bị loại ra khỏi xã hội loài người.
Và có lẽ, cuộc đời hắn sẽ cứ như vậy nếu như không gặp thị Nở. Thị Nở đã đến với hắn, cho hắn cảm nhận được tình yêu thương, cho hắn biết yêu và được yêu, lần đầu tiên hắn được “1 người đàn bà cho“. Hắn yêu thị, muốn làm nũng với thị như với mẹ, và lúc này hắn đã hoàn toàn tỉnh táo, phần linh hồn người của hắn đã trở về nhờ có thị Nở. “Chao ôi! Muốn làm hòa với mọi người biết bao“ hắn lập luận rất đơn giản là lại chặt chẽ, hắn hi vọng Thị nở sẽ là cầu nối cho hắn trở về với cuộc đời bằng phẳng lương thiện. “Thị Nở có thể sống yên ổn với hắn thì tại sao mọi người lại không thể, rồi mọi người sẽ thấy hắn chả làm hại ai rồi sẽ từ từ tiếp nhận hắn trở về với cuộc sống bằng phẳng“.
Hắn lại hy vọng, lại ước mơ về 1 gia đình hạnh mà có thị Nở. Nhưng hy vọng chẳng kéo dài được lâu, thị chợt nhớ ra ở nhà còn có 1 bà cô và thị muốn quay trở về để hỏi ý kiến bà cô. Nhưng bà cô đã không chấp nhận Chí bởi nghĩ hắn là thằng không cha không mẹ, suốt ngày chỉ đi ăn vạ, đâm thuê chém mướn. Cầu nối đưa hắn đến với cuộc đời đã gãy, cánh của cuộc đời đóng sầm lại ngay trước mặt hắn. Ở đây, Nam Cao đã khéo léo lồng bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người vào bị kịch bị cự tuyệt tình yêu. Nếu như lúc trước hắn khổ nhưng ít nhất lúc đó hẳn cũng say, không nhận thức được. Còn bây giờ hắn đã tỉnh, nỗi khổ nhân lên thành niềm thống khổ, chẳng còn 1 ai có thể đón hắn đến với cuộc đời nữa rồi
Tác giả đã sử dụng ngòi bút diễn tả tâm lí nhân vật bậc thầy, tác giả còn đưa cả ngòi bút của mình cho chính nhân vật, để nhân vật có thể tự nói lên được sự đau khổ. Lúc nghe thị trút hết tức giận lên đầu hắn, hẳn từ từ hiểu rồi “ngẩn người“, hắn hụt hẫng bàng hoàng, thoáng thấy 1 hương cháo hành thoảng qua mũi. Rồi khi thị đi, hắn đã nắm tay níu kéo thị, hắn níu kéo sợi dây cuối cùng cứu vớt cuộc đời hắn nhưng thị Nở lại dứt khoát tuyệt tình, hắn rơi vào tình trạng tuyệt vọng, hắn đau đớn mà khóc lóc. Rồi hắn lại tìm tới rượu, nhưng càng uống hắn lại càng tỉnh, hương rượu hòa lẫn mới mùi thơm cháo hành khiến hắn càng đau đớn.
Rồi hắn quyết định vác dao ra đi, hăn lảm nhảm là sẽ đi tới nhà thị để giết bà cô nhưng cuối cùng hắn lại đi tới nhà bá Kiến, có lẽ bởi vì hắn ý thức được ai mới là người đẩy hắn tới nước này. Trước mặt tên cáo già bá Kiến, Chí đã nói những lời hoàn toàn tỉnh táo, dõng dạc “Tao muốn làm người lương thiện“, câu nói thể hiện được khát vọng muốn hoàn lương, trở về với xã hội loài người. Tuy nhiên, chính lúc này, Chí đã thấm thía được bi kịch của cuộc đời mình rằng hắn sẽ không bao giờ có thể quay trở về cuộc đời lương thiện được nữa rồi. Ai sẽ cho hắn lương thiện? Ai sẽ giúp hắn làm người lương thiện? Đau đớn căm thù kẻ đã hại mình, Chí rút dao ra, “chém túi bụi vào người bá Kiến“ rồi hắn cũng tự tử, Chí Phèo đã chết trên ngưỡng cửa trở về với cuộc đời.
Có thể nói, Nam Cao đã rất thành công trong việc khai thác nỗi khổ về mặt tinh thần, nỗi đau về thể xác của những người nông dân xưa. Kết hợp với nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật, ngôn ngữ giản dị, tự nhiên mà sống động càng làm tôn lên tài năng của Nam Cao. Qua tác phẩm, tác giả muốn gửi gắm lòng đồng cảm sâu sắc với bi kịch của nhân vật, niềm tin về bản chất hiền lành lương thiện của con người sẽ luôn còn đó. Hơn nữa, tác phẩm được viết lên như 1 lời kêu cứu, cứu lấy quyền làm người, cứu lấy quyền sống, quyền được hưởng hạnh phúc lứa đôi của con người.
Phân tích quá trình bị tha hóa của Chí Phèo (mẫu 9)
Chí Phèo – một tấn bi kịch của một người nông dân nghèo bị tha hóa trong xã hội cũ, một con người điển hình. Bản chất của Chí Phèo là một con người lương thiện, luôn khao khát được sống như một người bình thường, muốn sống lương thiện nhưng lại bị xã hội lúc bấy giờ biến thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại. Bi kịch này bắt đầu diễn ra trong nội tâm Chí Phèo khi hắn gặp Thị Nở với “bát cháo hành”. Chính tình yêu Chí Phèo – Thị Nở đã đánh thức con người lương thiện của hắn. Hay nói cách khác chính sự xuất hiện của Thị đã cứu Chí Phèo thoát khỏi tấn bi kịch đó dù chỉ là trong phút chốc.
Chí Phèo là kiệt tác của Nam Cao. Trên cơ sở người thật, việc thật ở quê mình, tác giả đã hư cấu, sáng tạo nên bức tranh hiện thực sống động về xã hội nông thôn Việt Nam trước CMT8 với tất cả sự tăm tối, ngột ngạt cùng bao nhiêu bi kịch đau đớn, kinh hoàng… Dù có được đặt tên là Cái lò gạch cũ, Đôi lứa xứng đôi hay Chí Phèo thì tác phẩm ấy vẫn được nhận ra bởi giá trị hiện thực và nhân đạo vô cùng to lớn của nó.
Nhân vật chính Chí Phèo là đại diện điển hình cho bi kịch của những người nông dân bị tha hoá trong xã hội cũ. Nhưng những cảnh ngộ cùng quẫn, bi đát trong cái xã hội ấy đã không thể làm cho những người dân quê khốn khổ như Chí Phèo mất đi niềm khao khát được sống tốt đẹp và lương thiện. Trong con người họ lúc nào cũng luôn âm ỉ một sự phản ánh vô cùng mạnh mẽ.
Một chút về Chí Phèo, ta có thể thấy hắn là một đưa con rơi, ra đời trong cái lò gạch cũ, lớn lên bằng tình thương bố thí của những người nghèo. Khi lớn lên làm canh điền trong nhà Bá Kiến lại bị vợ ba Bá Kiến gọi lên “bóp chân”; Bá Kiến sanh long ghen tuông nên đưa đi tù. Thời gian sau, Chí Phèo lại trở thành “con quỷ dữ của làng “Vũ Đại” tác oai tác quái dân lành. Chí Phèo chìm trong cơn say, chỉ có một lần hắn tỉnh thật sự vào một buổi sáng (đã được Thị Nở đánh thức). Nhưng rồi tình yêu bị đổ vỡ. Bế tắc, đi tìm lương thiện, hắn giết Bá Kiến rồi tự giết mình. Chí Phèo chết nhưng chưa hết truyện. Thị Nở “nhìn nhanh xuống bụng” và “và thoáng hiện ra cái lò gạch cũ”. Một “Chí Phèo con” sắp ra đời. Cách sắp xếp khá tinh tế độc đáo. Cứ mỗi lần Chí Phèo ngoi lên thì lại bị cuộc đời này đè xuống. Khiến người đọc phải theo dõi liên tục không thể rời được.
Hay cho Nam Cao khi xây dựng được một chiều diễn biến tâm lý nhân vật thật xuất sắc. Ta có thể nhận thấy dễ dàng nhất ở đoạn Chí Phèo mở mắt thì trời đã sang… Một lần hắn tỉnh. Những thanh sắc cuộc sống “mặt trời chắc đã cao”, “tiếng chim ríu rít” lại hiện lên mặc dù hắn đang ở trong cái lều ẩm thấp. Lần đầu tiên hắn tỉnh, và cũng là lần đầu tiên hắn có những rung động với trước cuộc sống. Hắn nghe “tiếng cười nói của những người đi chợ”, “nghe tiếng thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá”.
– Rồi những kỉ niệm xưa lại hiện về. Có lần hắn ước ao “một gia đình nho nhỏ. Chồng cày thuê cuốc mướn, vợ dệt vải…mặc dù chỉ là mơ hồ.
– Từ đấy hắn cảm thấy buồn cô độc.
+ Cái diễn biến tâm lí của một con quỷ đang hướng về lương thiện.
Trong truyện ngắn Chí Phèo, quá trình bị cự tuyệt quyền làm người thật ra đã bắt đầu từ lâu, diễn ra đồng thời với quá trình bị tha hoá. Tiếng chửi ngay từ đầu tác phẩm đã thể hiện điều đó. Chí cất lên tiếng chửi trời, chửi đời, chửi làng xóm, tất cả mọi người – những kẻ không chửi lại, cả những kẻ đã đẻ ra hắn. Tiếng chửi ấy như là tiếng hát để được giải thoát, vu vơ, ngẩn ngơ của một thằng say. Vậy mà nó thật trừu tượng mà cụ thể, xa đến gần, có thứ tự và vô cùng văn vẻ. Tiếng chửi là khao khát được giao tiếp với đời dù là hình thức giao tiếp hạ đẳng nhất. Nhưng nó lại không được ai đáp lại cả. Nhưng phải từ khi gặp Thị Nở, tức là từ khi Chí Phèo thức tỉnh, bi kịch mới thật sự bắt đầu. Chí Phèo ngạc nhiên, xúc động khi Thị Nở bê bát cháo hành sang cho Chí Phèo. Hương vị cháo hành là hương vị của tình yêu chân thành, hạnh phúc giản dị mà to lớn.
Rồi liên tiếp, Chí Phèo đều cảm thấy hơi cháo hành thoang thoảng trong mũi. Lần đầu là khi Thị từ chối, hắn nghĩ ngợi một tí, rồi hình như hiểu, hiểu mình đã có quá nhiều tội lỗi, ngẩn người ra để tự hỏi làm sao để trở lại làm một con người bình thường?! Lần thứ hai là lần quyết định hành động, hắn uống thật nhiều rượu nhưng càng uống lại càng tình, tình ra lại buồn, lúc đó hơi cháo hành lại thoang thoảng xuất hiện, đó là ý nghĩa biểu trưng, hắn lại nghĩ đến Thị, phân vân giữa việc làm người và một con quỷ, đó chính là ước mơ lương thiện, làm một con người như mọi người! Rồi đến lúc gặp mặt Bá Kiên, những hành động đó mới là tư thế làm người cuối cùng trước khi chết của Chí Phèo.
Một Chí Phèo tỉnh đã giết chết 1 Chí Phèo say. Chí Phèo bằng xương, bằng thịt đã chết nhưng còn lại trong lọng người đọc là Chí Phèo đòi quyền sống, đang dõng dạc đòi làm người lương thiện. Như vậy, khi ý thức nhân phẩm đã trở về, Chí Phèo không bằng lòng sống như trước nữa. Và Chí Phèo chết trong bi kịch đau đớn, chết trên ngưỡng cửa trở về cuộc sống. Đây không thể là hành động lưu manh mà là sự vùng lên tuyệt vọng của người nông dân khi thức tỉnh cuộc sống. Mang đậm giá trị tố cáo rất cao, lên án giai cấp phong kiến thống trị tha hoá, những bị kịch như vậy sẽ còn tiếp diễn.
Phân tích quá trình bị tha hóa của Chí Phèo (mẫu 10)
“Không được! Ai cho tao lương thiện!”, chính là câu nói đầy đớn đau kết thúc một số phận con người bị tha hóa dưới chế độ phong kiến, kết thúc một tác phẩm truyện ngắn đầy ám ảnh về xã hội và người nông dân Việt Nam dưới chế độ cũ. Trước cách mạng tháng 8, đề tài người nông dân và trí thức tiểu tư sản cũ luôn là một đề tài có nhiều sức hút với nhiều các tác giả, trở thành chủ đề chính làm nên tên tuổi của nhiều tác giả nổi tiếng ví như Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng, Kim Lân,… Trong đó người ta đặc biệt chú ý đến một nhà văn có vóc người mảnh khảnh, nhỏ bé, khuôn mặt hiền từ, thế nhưng ngòi bút, giọng văn thì lại sắc bén, lạnh lùng và đau đớn ấy là Nam Cao. Chí Phèo của Nam Cao không đơn thuần là những cái khổ nạn do sưu thuế, không phải cái sự thiếu ăn thiếu mặc thông thường, mà nó là bi kịch của cả cuộc đời người nông dân vốn hiền lành, tốt tính, cuối cùng lại bị cái xã hội thối nát đày đọa, giày xéo cả về thể xác lẫn tâm hồn, giết chết cái bản chất thiên lương và trả lại cho con người khốn khổ ấy hình hài và nhận thức của một con gì không giống người – con quỷ dữ của làng Vũ Đại.
Thiết nghĩ sự sa đọa và tha hóa của Chí Phèo, hay nói đúng hơn là bi kịch của hắn vốn dĩ đã bắt đầu kể từ khi hắn lọt lòng. Chí Phèo chưa từng được sống những ngày tháng sung sướng, ấm áp thật sự kể cả trước và sau tha hóa. Mang thân phận một đứa trẻ mồ côi, bị người ta nhẫn tâm bỏ lại cái lò gạch cũ vì không nuôi nấng được, cuối cùng bị trao tay, bị bán cho hết người này đến người kia, rồi lớn lên trong sự chung tay đùm bọc của cả làng Vũ Đại. Đó chẳng phải là cảnh gì sung sướng, bởi cuối cùng đối với mọi người anh Chí vẫn là đứa trẻ không có cha mẹ dạy dỗ, là giống nghiệt chủng. Còn với anh đó là sự tổn thương, lạnh lẽo từ tấm bé, chẳng biết sữa mẹ cũng chẳng thấm hơi cha, Chí Phèo đã phải vật lộn với cuộc đời từ lúc mới mở mắt, đó thực là một bất hạnh lớn. Thế nhưng thật may mắn làm sao khi cái cuộc đời chông chênh, hay cái khốn khổ mồ côi nó vẫn không thể chiến thắng được bản tính thiên lương trong con người Chí. 20 năm sau, anh đã trở thành một người nông dân chất phác, hiền lành, lại chăm chỉ làm ăn, anh cũng có những cái ước mơ thật dung dị, đời thường, mong cảnh điền viên gia đình chồng cày cuốc, vợ dệt vải, tậu vài mảnh đất, nuôi lấy con lợn. Chỉ nhiêu đấy thôi cũng đủ khiến anh ham muốn phấn đấu lao động, nhưng vì nghèo khó, không ruộng đất nên anh đành đi làm canh điền thuê cho nhà Bá Kiến. Khốn khổ, chính cái vẻ trẻ khỏe, sung sức, sự hiền lành, tốt tính của anh đã trở thành cái họa cho anh, một bà ba lẳng lơ luôn tìm cách gạ gẫm, một tên Bá Kiến bất lực trước sự ngang ngược của vợ, lại có máu ghen tuông điên cuồng, đã hại một đời anh Chí. Anh có làm gì sai đâu, vợ của người ta anh nào dám đụng vào, mà cũng chẳng thèm đụng vào, bởi“Hai mươi tuổi, người ta không là đá, nhưng cũng không hoàn toàn là xác thịt. người ta không thích cái gì người ta khinh”. Thế nhưng cái tâm tính tốt đẹp, cái lòng tự trọng ấy của Chí, hình như nó chẳng có tác động gì đến sự tàn ác của tầng lớp trên, Bá Kiến vẫn tống anh vào tù, bà ba vẫn thản nhiên như không. Cuộc đời của Chí và những ước mơ tầm thường, dung dị đến bây giờ có lẽ đã hoàn toàn vô vọng. Đôi lúc người ta bảo, chẳng phải chỉ là vào tù dăm ba năm rồi lại ra, vô đó người ta được cải tạo để tốt hơn ấy chứ. Nhưng không! Đây là nhà tù thực dân, là cái nhà tù ăn thịt người không bỏ lại xương, nó đã bằng cách nào ấy nuốt chửng lấy cái lương thiện, đẹp đẽ của anh Chí, rồi trả lại cho đời một thằng Chí Phèo, lưu manh cả về nhân hình lẫn nhân phẩm.
Ngày anh trở về người dân làng Vũ Đại đã không còn nhận ra một anh Chí hiền lành, chất phác nữa, người ta cứ ngờ ngợ, cứ chỉ trỏ, người ta không nắm chắc, nhưng người ta thấy khiếp sợ, kinh hãi với bộ dạng của một con người vừa bước chân ra khỏi nhà tù “trông đặc như thằng săng đá! Cái đầu thì trọc lóc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt thì đen mà rất câng câng, hai mắt gườm gườm trông gớm chết! Hắn mặc quần áo nái đen với cái áo tây vàng. Cái ngực phanh đầy những nét chạm trổ rồng, phượng với một ông tướng cầm chùy, cả hai cánh tay cũng thế. Trông gớm chết!”. Thật khủng khiếp khi có cái nhà tù nào mà lại khiến người ta từ một người tử tế, sáng sủa, biết liêm sỉ, tự trọng và luôn ấp ủ những ước mơ cao đẹp trở thành một kẻ đặc những dáng hình lưu manh, đầu đường xó chợ, cái sự “cải tạo” của nhà tù thực dân khi ấy phải cắt nghĩa thành tha hóa thì nó mới lại đúng với bản chất thật. Nếu như sự tha hóa về nhân hình của Chí Phèo mới chỉ khiến người ta lắc đầu ái ngại hay e dè, thì ôi thôi cái sự tha hóa về nhân phẩm mới lại khiến người ta cảm thấy sụp đổ, Chí Phèo thực sự là một tên lưu manh không nghi ngờ gì nữa. Anh Chí của 7, 8 năm về trước chỉ biết chăm chỉ làm ăn, còn Chí Phèo ngày nay vừa mới ra tù đã đi thẳng tới chợ oánh chén thịt chó và say khướt với rượu chè từ trưa tới tận chiều tối. Nhưng nếu anh chỉ thích ăn thịt chó hay uống rượu, thì nó hãy còn là phúc, đằng này người ta còn bất ngờ hơn khi anh dẫn cơn say của mình tới nhà Bá Kiến – kẻ đã tống anh vào tù, để ăn vạ. Thoạt đầu anh chửi “gọi tận tên tục ra mà chửi”, cả nhà với đám đàn bà chỉ biết lấp ló nghe hắn chửi sau cánh cửa, “thành thử chỉ có ba con chó dữ với một thằng say rượu”, Chí Phèo thế mà khốn đốn đến mức chỉ được sánh ngang với loài chó, tiếng người và tiếng chó ngang sau, nghĩ mà thấy đau đớn, xót xa. Chửi mãi, rồi một vị chủ nhân cũng về là Lý Cường, con trai Bá Kiến, tên này còn trẻ, lại háo thắng làm gì được khôn ngoan như ông cha của hắn, thành ra hắn đâm đầu vào đánh nhau với Chí Phèo. Bản thân Chí Phèo thì làm gì có cửa tay đôi với Lý Cường, thế nên hắn đã làm ra một hành động gây sửng sốt và bàng hoàng cho cả một đám người vây xem. Chí Phèo đập nát chai rượu rồi lấy mảnh sành cứa từng nhát lên mặt mình, để máu me chảy lênh láng mà chẳng biết đau là gì rồi lăn lộn ăn vạ “Ối làng nước ơi! Cứu tôi với... Ối làng nước ôi! Bố con thằng bá Kiến nó đâm chết tôi! Thằng lý Cường nó đâm chết tôi rồi, làng nước ôi!...”. Một anh Chí quân tử, đi tù 7, 8 năm về bỗng chốc biến thành kẻ tiểu nhân ti tiện và cũng biết chút thủ đoạn, nhưng cái thủ đoạn này nó lại tàn nhẫn và ghê gớm với bản thân hắn quá. Cuối cùng cái sự ăn vạ của anh cũng lọt vào mắt Bá Kiến, một tên gian manh, cáo già, hắn lại quá hiểu những con người như Chí Phèo, bởi trước đây cái làng này cũng đã từng có những tên cứng đầu cứng cổ như thế, nhưng cuối cùng cũng một tay lão dàn xếp nào Năm Thọ, binh Chức,… Với những tên thích làm liều, dốt học và cốt chỉ cần mấy đồng tiền tiêu sài uống rượu thì Bá Kiến có nhiều cách để trị lắm. Và tốt nhất là biến chúng thành tay sai cho lão, chính vì vậy cái sự ít học, căm tức, bất mãn của Chí Phèo đã trở thành thứ dầu mỡ bôi trơn, đẩy Chí Phèo trượt dài trên con đường tha hóa. Bằng vào lời dỗ ngon ngọt, và mấy đồng xu lẻ, Bá Kiến đã dễ dàng mua chuộc Chí Phèo trở thành kẻ đâm thuê chém mướn cho hắn. Còn bản thân Chí thì ngu ngơ, quên hết cả những tội ác mà Bá Kiến đã gây ra cho mình năm xưa, để dấn thân vào con đường tội lỗi, bán rẻ nhân cách lấy vài đồng tiền lẻ uống rượu. Từ ngày ấy trở đi, người ta không còn thấy một Chí Phèo lưu manh nữa, mà người ta thấy một thứ còn khủng khiếp hơn, một con quỷ dữ của làng Vũ Đại. Trong mắt người đời Chí Phèo chẳng phải là con người nữa, mà là một “con vật lạ”, với cái khuôn mặt “vàng vàng mà lại muốn xạm màu gio; nó vằn dọc vằn ngang, không thứ tự, biết bao nhiêu là sẹo”, nghĩ mà xót xa, bởi trước đây Chí Phèo vốn đâu có đổ đốn thế, một chàng trai được bà ba để ý thì rõ ràng cái nhân hình nó cũng phải tốt đẹp lắm chứ. Thật đáng hận, không phải chỉ bởi sự mù quáng của Chí Phèo, mà còn là cái thế lực tàn ác của chế độ phong kiến tay sai đã rắp tâm dồn hắn vào con đường không lối thoát, tước đoạt đi của Chí cái quyền được sống như một con người. Biến hắn thành một kẻ triền miên với rượu chè “cơn say của hắn tràn cơn này qua cơn khác, thành một cơn dài, mênh mông, hắn ăn trong lúc say, ngủ trong lúc say, thức dậy vẫn còn say, đập đầu rạch mặt chửi bới, dọa nạt trong lúc say, uống rượu trong lúc say, để rồi say nữa, say vô tận”. Rồi trong cơn say không tỉnh suốt mười mấy năm trời ấy Chí Phèo đã làm bao nhiêu cái việc thất đức, tay hắn đã nhuốm máu của bao nhiêu người, chắc chính bản thân hắn cũng chẳng biết, chẳng đếm và cũng chẳng dám đếm bởi “bao nhiêu việc ức hiếp, phá phách, đâm chém, mưu hại, người ta giao cho hắn làm!”. Sự gian xảo, độc ác của Bá Kiến đã lấy đi của Chí Phèo gần 20 năm cuộc đời trong sạch và lương thiện sau đó lại giả vờ đền bù cho anh bằng những đồng tiền bẩn thỉu, những ca rượu đầy, cùng những lời sai khiến ma quỷ. Mà người ta được có mấy lần 20 năm ấy đâu, Chí Phèo đã sống 20 năm đầu trong sự mồ côi, đơn độc, 20 năm sau trong sự tha hóa, ghê sợ của người làng, liệu 20 năm tiếp sẽ là gì? Chưa ai biết, người ta chỉ biết rằng, thằng Chí Phèo ấy là một thứ đáng kinh tởm, nó lại còn thích chửi bới, riết rồi người ta chẳng còn thèm quan tâm nó chửi cái gì nữa. Nhưng đọc mãi những tiếng chửi của Chí Phèo, người ta mới biết rằng hắn sống 20 năm ấy đã lạnh lẽo, cô độc như thế nào, hắn thèm khát được giao tiếp, thèm khát được nói những thứ chuyện mà người ta vẫn nói với nhau, nhưng ai cũng xa lánh hắn, ai cũng sợ hãi trốn như trốn hủi. Bí quá hắn đành chửi, một là xả hết cái uất ức, căm phẫn trong lòng về cái cuộc đời khốn nạn, hai là mong sao có ai đó đứng ra chửi nhau với hắn cũng tốt, để ít ra rằng hắn còn biết được mình vẫn đang sống trong thế giới loài người, chứ chẳng phải là “con vật lạ” nào hết!
Cuộc gặp gỡ định mệnh với Thị Nở là bước ngoặt lớn mà Chí Phèo không thể ngờ tới, đồng thời nó cũng là cánh cửa dẫn Chí Phèo đến tột cùng của tuyệt vọng. Một người đàn bà tuy xấu xí, ế chồng và dở hơi thế nhưng lại có những tình thương rất mộc mạc chân thành, như một người mẹ, một người yêu, cho Chí cảm nhận được sự ấm áp từ tình người. Từ ấy Chí Phèo thức tỉnh, hắn khao khát làm sao một mái ấm, một cuộc đời bình yên lương thiện và Thị Nở chính là người sẽ dắt hắn ra khỏi cái thế giới u tối và đưa hắn về lại thế giới loài người. Có thể nói rằng mãi sau 20 năm Chí Phèo mới lại có những ngày tỉnh rượu và bừng lên những hy vọng mạnh mẽ, tươi sáng đến thế. Nhưng thật đớn đau, xã hội đầy định kiến và những sai lầm của hắn trong quá khứ nào có thể vì một tình yêu mới nảy nở mà bỗng chốc được xóa tan. Lời bà cô của Thị Nở, lời của một người đàn bà ế chỏng trơ, thật cay nghiệt và thấm thía “Đàn ông đã chết hết hay sao mà lại đâm đầu đi lấy một thằng không cha. Ai lại đi lấy chồng chỉ có một nghề rạch mặt ăn vạ”. Đấy họ đã nhẫn tâm vạch ra cái tha hóa ghê tởm của hắn và cắt đứt hết mọi hy vọng hoàn lương của hắn, Chí Phèo nhận thức rõ ràng rằng, cái xã hội này vốn đã không còn chốn dung thân cho hắn nữa, người ta đã khinh ghét và đẩy hắn đến chỗ loài súc sinh chứ không coi hắn là người cần được yêu thương, chung sống nữa. Mà nguyên nhân tất cả là tại tên Bá Kiến độc ác, kẻ đã từng bước đưa hắn đến bờ vực tuyệt vọng như ngày hôm nay. Kết truyện Chí Phèo giết Bá Kiến rồi tự tử,cái chết của hai kẻ ấy khiến cả làng thở phào nhẹ nhõm, không một sự bồi hồi, thương tiếc. Mà câu nói “Không được!Ai cho tao lương thiện” của Chí trước lúc lìa đời lại khiến người ta phải ám ảnh, đau đớn không thôi.
Đã gần 80 năm qua đi, nhưng những trang sách của Nam Cao, những bi kịch của Chí Phèo vẫn khiến người ta không khỏi thổn thức đau đớn. Rõ ràng đó không phải là bi kịch của riêng một mình nhân vật này mà là bi kịch của cả một tầng lớp, một giai cấp giữa cái thời buổi tây ta lẫn lộn. Lưng người nông dân phải gánh một lúc cả sự chèn ép của phong kiến lẫn đế quốc, ép đến nỗi người ta phải tha hóa, phải từ bỏ lương thiện, từ bỏ lương tâm, phải chấp nhận trượt dài trên con đường tội lỗi. Để rồi đến khi họ muốn quay lại, thì đã không còn đường nữa, chẳng khác nào kẻ dưới vực thẳm ngước nhìn trời cao trong tuyệt vọng và đớn đau.
Phân tích quá trình bị tha hóa của nhân vật Chí Phèo (mẫu 11)
Chí Phèo một trong những đỉnh cao của Nam Cao, cũng như của văn học hiện thực Việt Nam viết về đề tài người nông dân. Nhân vật chính của truyện ngắn là Chí Phèo, từ một người nông dân lương thiện, hiền lành, chất phác, Chí Phèo đã bị tầng lớp thống trị và nhà tù thực dân làm cho tha hóa cả về nhân hình lẫn nhân tính. Nhưng bản chất lương thiện trong chí vẫn luôn tồn tại. Quá trình đó đã được Nam Cao mô tả bằng ngòi bút hết sức tinh tế và tài hoa.
Chí Phèo sinh ra đã là một đứa trẻ bất hạnh, vừa cất tiếng khóc chào đời đã bị mẹ bỏ rơi ở cái lò gạch cũ, Chí được anh thả ống lươn mang về nuôi, sau đó chuyển qua bà góa mù, rồi bác phó cối. Chí Phèo lớn lên trong sự yêu thương, đùm bọc của dân làng. Mặc dù phải sống lang bạt, nhưng Chí Phèo khi lớn lên vẫn là con người hết sức lương thiện. Chí đi làm thuê ở gia đình bá Kiến, và trong cuộc sống thanh bình đó, Chí đã từng mang trong mình mơ ước, có một gia đình nhỏ, chồng cày thuê cuốc mướn, vợ dệt vải, nếu có tiền thì mua mảnh đất để làm. Mơ ước thật bình dị, nhỏ bé, đó là mơ ước của bất cứ người nông dân nào. Họ chỉ mong muốn có cuộc sống bình yên, giản dị.
Nhưng cuộc đời đối với Chí lại không bằng phẳng như thế. Làm việc tại nhà bá Kiến, Chí bị bà ba để ý, bắt bóp chân, điều đó làm Bá Kiến vô cùng căm hận, hắn ta từng mong muốn bỏ tù tất cả những thằng trai trẻ ở làng. Và Chí Phèo là một trong những nạn nhân của cơn ghen cuồng mù quáng ấy. Chính bọn cầm quyền và nhà tù thực dân đã nhào nặn, biến hóa một người nông dân chân chất, hiền lành trở thành một kẻ tha hóa cả về nhân hình và nhân tính.
Sau bảy tám năm đi tù về, Chí Phèo biến đổi hẳn về ngoại hình, trông hắn như thằng săng đá, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt câng câng, người xăm trổ đầy hình trông đến gớm. Hình hài hiền lành của Chí đã bị phá hủy. Không chỉ vậy, nhân tính của hắn cũng bị đập nát. Hắn trở về lấy nghề rạch mặt ăn vạ để sống qua ngày. Ngày đầu tiên ra tù, hắn đến ngay nhà bá Kiến để ăn vạ, nhưng nào ngờ lại bị những lời phỉnh nịnh của tên cáo già ru ngủ, Chí Phèo trở thành tay sai của bá Kiến. Chỉ cần có hơi men Chí Phèo có thể làm bất cứ việc gì được sai khiến: đốt nhà, giết người,… Chí Phèo đã phá hủy hạnh phúc biết bao gia đình, hắn ta trở thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại. Người ta tránh Chí như tránh hủi, mọi lời hắn chửi người ta luôn tự nhủ thầm hắn chừa mình ra. Tiếng chửi phẫn uất của Chí là một hình thức giao tiếp đặc biệt, một niềm khao khát tột cùng được giao tiếp, được hòa nhập cùng với cuộc sống của con người. Sự tha hóa của Chí Phèo không phải là một điều ngẫu nhiên mà nó là hệ quả tất yếu, là con đẻ của xã hội thực dân phi nhân tính đã hủy hoại không chỉ hình dáng mà còn hủy hoại nhân phẩm của con người.
Nhưng cuộc đời Chí chưa dừng lại ở đó, gặp Thị Nở như một cột mốc đánh dấu và cho Chí biết rằng bản thân mình vẫn chưa tha hóa đến độ mất đi hoàn toàn nhân tính. Trong một lần say rượu, tình yêu giữa Chí Phèo và thị Nở nảy sinh, Chí Phèo ốm và nhận thức ra rất nhiều điều về cuộc sống về chính bản thân mình. Chí nghe thấy những âm thanh quen thuộc, mà bấy lâu nay trong hơi men hắn không còn nghe thấy nữa, hắn nhớ về mơ ước nhỏ bé giản dị của mình và đau đớn nhận ra mình đã đi sang cái dốc bên kia của cuộc đời mà vẫn cô đơn. Nào chỉ cô đơn không thôi, hắn còn bị cả xã hội gạt ra ngoài lề, coi như một con quỷ chứ không phải là một con người. Lần đầu tiên hắn biết đến vị cháo hành và nhận ra nó ngon đến kì lạ: “những người suốt đời không ăn cháo hành không biết rằng cháo hành rất ngon. Nhưng tại sao mãi đến tận bây giờ hắn mới nếm mùi vị cháo hành?”. Hắn nhìn thị Nở bằng đôi mắt thật hiền, đôi mắt hàm ơn và đôi mắt rơm rớm nước. Giọt nước mắt này chính là giọt nước mắt đánh dấu sự trở về của nhân tính trong Chí. Chí không chỉ nhận thức được về bản thân mà còn dấy lên khao khát hạnh phúc, thèm được làm hòa với mọi người: “Trời ơi hắn thèm lương thiện, hắn muốn làm hòa với mọi người biết bao, thị Nở sẽ mở đường cho hắn”. Và chính Thị Nở sẽ là người mở đường cho hắn được trở về hòa nhập với cộng đồng. Như vậy phần nhân tính trong Chí chưa bao giờ bị mất đi, nó chỉ bị những cái độc ác, xấu xa của xã hội che khuất mất, chỉ cần có tình yêu thương, sự bao dung tất yếu phần người ấy sẽ quay trở về. Khao khát được làm người lương thiện, được hòa nhập với mọi người là khát khao, mong ước chính đáng của Chí Phèo.
Nhưng cuộc đời thật biết trêu đùa với Chí, ngay khi phần nhân tính trở về thì Chí một lần nữa bị cự tuyệt quyền làm người. Thị Nở nghe lời của bà cô, đã đến nhà Chí mà sỗ sàng nói thẳng vào mặt, nó như một gáo nước lạnh, dội thẳng vào ngọn lửa hi vọng của Chí. Đau đớn, tuyệt vọng Chí xách dao vào mục đích ban đầu đến giết chết cả nhà con Nở, nhưng vì quen chân, vì Chí đã mơ hồ nhận ra kẻ thù của mình, nên Chí Phèo đã đến nhà bá Kiến. Hắn cao giọng đòi lương thiện, nhưng đồng thời Chí cũng nhận thức rõ: “Ai cho tao lương thiện? Làm thế nào cho mất được những vết mảnh chai trên mặt này? Tao không thể làm người lương thiện nữa?”. Rồi hắn rút dao giết chết bá Kiến và tự kết liễu chính mình. Cái chết của Chí là biểu hiện cao nhất khi nhân tính không bị mất đi. Nhân tính khi đã quay trở lại không cho phép Chí Phèo tiếp tục làm nghề rạch mặt ăn vạ, không cho phép Chí làm con quỷ dữ của làng Vũ Đại nữa. Nhưng đồng thời Chí cũng không thể quay trở lại với xã hội, vì đã bị mọi người cự tuyệt. Cái chết là lựa chọn duy nhất để bảo tồn chút nhân tính ít ỏi không bị ăn mòn bởi những bất công của cuộc đời. Cái chết của Chí là một đòn mạnh mẽ, lên án, tố cáo xã hội thực dân nửa phong kiến đương thời đã đẩy con người vào bước đường cùng.
Xây dựng quá trình từ lương thiện đến tha hóa đến sự trở về của nhân tính trong nhân vật Chí Phèo cho thấy nghệ thuật xây dựng nhân vật và nghệ thuật miêu tả tâm lí bậc thầy trong ngòi bút của Nam Cao. Nghệ thuật trần thuật đảo ngược thời gian gây ấn tượng sâu sắc cho bạn đọc. Ngôn ngữ giản dị mà hàm súc, sâu sắc.
Qua quá trình tha hóa của nhân vật Chí Phèo, Nam Cao đã bộc lộ niềm cảm thương sâu sắc với số phận của những người nông dân bất hạnh, bị đẩy đến bước đường cùng bị tha hóa. Nhưng đồng thời cũng thể hiện niềm tin tưởng của Nam Cao vào nhân cách, thiện tính trong người nông dân hiền lành, chất phác. Không chỉ vậy, còn là tiếng nói phê phán sâu sắc với chế độ thực dân nửa phong kiến đương thời đã đẩy con người đến bước đường cùng. Tác phẩm để lại giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc.
Phân tích quá trình bị tha hóa của nhân vật Chí Phèo (mẫu 12)
Nam Cao là cây bút vàng trong làng truyện ngắn của nền văn học hiện đại Việt Nam. Ông nổi tiếng với những tác phẩm viết về người nông dân trước cách mạng tháng Tám. Nếu như đến với hình ảnh người nông dân trong các tác phẩm của các nhà văn hiện thực khác như Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan … nông dân chỉ hiện lên với những áp bức bất công, bị dồn đến bước đường cùng, nhưng sau cùng họ vẫn còn giữ được bản chất tốt đẹp trong con người mình. Nhưng ở Nam, người nông dân đã bi kịch đến mức bần cùng hóa, lưu manh hóa, bị cự tuyệt quyền làm người của người nông dân. Và bi kịch đến mức lưu manh hoá, bị cự tuyệt quyền làm người ấy được thể hiện rõ nét qua nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao.
Mở đầu tác phẩm, Chí Phèo xuất hiện bằng một hình ảnh vô cùng độc đáo “hắn vừa đi vừa chửi”. Tiếng chửi của một kẻ say rượu như vô tình mà lại hữu ý. Ban đầu hắn chửi trời rồi đến chửi đời, tức mình, hắn chửi ngay làng Vũ Đại… nhưng đối tượng của những tiếng chửi này là mơ hồ không xác định đến khi hắn chửi không biết đứa nào đẻ ra thân hắn cho hắn khổ thế này… thì đối tượng đã được xác định.
Chí Phèo chửi để nhận thức nguyên nhân dẫn đến bi kịch của bản thân. Hắn cấy tiếng chửi để khát khao, thèm mong có ai đó chửi lại hắn, để hắn có thể được giao tiếp với đời, với người. Vậy mà, đau đớn thay, không người nào chịu chửi lại hắn. Điều ấy có nghĩa là tất cả mọi người đã không còn coi hắn là con người nữa. Chửi lại hắn nghĩa là còn thừa nhận hắn là người, còn bằng lòng giao tiếp đối thoại với hắn nhưng ở đây lại không một ai tiếp lời hắn.
Thế nhưng “hắn cứ chửi rồi lại nghe, chỉ có ba con chó dữ với một thằng say rượu”. Bằng cách mở đầu truyện độc đáo thế này, tác giả không chỉ giới thiệu mà còn bắt đầu hé mở cho người đọc thấy số phận bi thảm của nhân vật, đó là số phận người nông dân bị xã hội tàn phá về tâm hồn, hủy diệt cả nhân tính, bị phủ nhận giá trị, tư cách làm người.
Chí Phèo là một con người bất hạnh. Hắn là một đứa trẻ mồ côi không cha, không mẹ được người dân làng Vũ Đại truyền tay nhau nuôi lớn. Nhưng đó mới chỉ là khởi đầu cho số phận bất hạnh của anh Chí. Khi lớn lãnh đi ở cho nhà Bá Kiến rồi vì ghen tuông mù quáng, Bá Kiến đã đẩy anh vào tù hơn nữa, “trong cái xã hội ấy, người ta có thể bị đẩy vào tù bằng bất cứ lí do gì”.
Nhà tù thực dân đã nhanh chóng biến anh Chí ngày nào trở thành một tên côn đồ, một tên lưu manh ngay từ dáng vẻ bên ngoài mà nhà văn Nam Cao đã viết “trông gớm chết”. Khi miêu tả bộ dạng của anh ta sau bảy, tám năm ở tù về, tác giả Nam Cao viết ”Cái đầu trọc lóc, cái răng cạo trắng hớn, cái mắt gườm gườm, cái mặt rất câng câng, mặc cái áo tây vàng, cái quần nái đen, ngực và cánh tay trạm trổ đầy những ông tướng cầm chùy…” Người ta không còn nhận ra anh canh điền hiền lành, lương thiện ngày nào nữa.
Nhưng đó mới chỉ là sự biến đổi ở nhân hình của anh, dáng vẻ ấy còn chưa khiến họ cảm thấy bắt đầu sợ Chí, kinh hãi Chí và hoàn toàn xa lánh Chí cho đến khi hắn dần dần có những hành động mất hết nhân tính. Ngày nào người ta cũng thấy hắn say. Hắn lảo đảo xách chai đến nhà Bá Kiến mà chửi bới, mà ăn vạ. Ban đầu, Chí chỉ làm trong vô thức, say để chửi Bá Kiến nhưng dần dần say để vòi vĩnh, để đòi lợi ích cho bản thân.
Và rồi dần dần, Chí Phèo trở thành tay sai đắc lực cho Bá Kiến. Bao nhiêu gia đình tan hoang bởi Chí. Hắn chìm trong những cơn say triền miên với những tiếng chửi bới và đặc biệt nổi tiếng bởi cái nghề rạch mặt ăn vạ.. Chẳng biết tự lúc nào Chí đã bán linh hồn cho quỷ dữ. Từ việc bị đẩy nhưng rồi Chí tự trượt dài trên cái dốc của sự tha hóa. Chí mất hết tính người và người làng Vũ Đại cũng chẳng ai coi Chí là người nữa, hắn như con quỷ dữ của cái làng Vũ đại này vậy.
Vì thế cho nên những gì Chí Phèo làm ngay từ khi mở đầu tác phẩm đó là chửi nhưng cũng chẳng ai thèm đáp trả tiếng chửi của hắn. Sự tha hóa của Chí Phèo là một sự phản ánh chân thực, nghiệt ngã nhất về xã hội nông thôn Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám. Đồng thời cũng là lời tố cáo mạnh mẽ những kẻ tàn nhẫn, độc ác đã cố tình đẩy Chí và lợi dụng Chí để biến anh thành con quỷ của làng Vũ Đại. Chân dung ấy của anh chính là hiện thân cho nỗi thống khổ lớn nhất của người nông dân trong xã hội lúc bây giờ.
Tưởng rằng cuộc đời Chí Phèo sẽ mãi đắm chìm trong bóng tối của kiếp sống tội lỗi, nhưng không. sự xuất hiện Thị Nở đã đưa Chí Phèo từ vực sâu của kiếp sống lưu manh tha hóa đến bến bờ của sự hoàn lương. Thị Nở cùng bát cháo hành của Thị đã biểu hiện cho sự đồng cảm và tình người nhân hậu.
Người đàn bà xấu đến ma chê quỷ hờn kia lại là người duy nhất ở làng Vũ Đại biết được một con người khác mà mọi người không thấy ở Chí Phèo “sao có lúc nó hiền đến thế”. Hơi ấm của bát cháo hành chính là hơi ấm của tình người đã làm cho con người lương thiện bấy lâu đã ngủ quên dần trỗi dậy trong Chí Phèo.
Sau khi con người lương thiện trong hắn được đánh thức, Chí Phèo bỗng nghe thấy được những âm thanh bình dị mộc mạc ngày nào cũng có mà mãi đến hôm nay hắn mới nghe thấy được. Chí bỗng hồi tưởng về ngày xưa, khi mà hắn cũng có những ước mơ nhỏ “Ao ước có một gia đình nho nhỏ, chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải, chúng lại bỏ một con lợn để làm vốn liếng, khá giả thì mua dăm ba sào ruộng làm…”.
Đáng lẽ ra hắn phải có được một cuộc sống bình thường như bao người khác chứ không phải bây giờ ngồi mới thấy bản thân đã già, đã sang đến cái dốc bên kia của cuộc đời rồi mà vẫn còn cô độc. Rồi hắn nghĩ về tuổi ra, đói rét và cô đơn, hắn sợ sự cô đơn hơn cả. Nhưng những giây phút được yêu của Chí Phèo thật ngắn ngủi, hạnh phúc vừa hé mở đã phải khép lại.
Chí Phèo đã bị từ chối phũ phàng bởi định kiến xã hội mà bà cô Thị Nở hay cũng chính là những định kiến mà xã hội này dành cho hắn. Đối diện với hiện thực nghiệt ngã, Chí Phèo mới giật mình và nhận thức một cách sâu sắc hơn, rằng hắn đã bị tất cả mọi người quay lưng và hắn không thể trở thành người lương thiện trong con mắt mọi người được nữa.
Khi con người lương thiện trong Chí Phèo đã thức tỉnh thì hắn lại càng khao khát được làm người hơn bao giờ hết. Nhưng khao khát vẫn chỉ là khao khát, khát vọng làm người trong hắn vừa được nhen nhóm lên đã bị cự tuyệt hoàn toàn. Chí lại trở về với sự cô độc, đau đớn, xót xa khi nhận ra mình đã không còn đường về quay trở lại: “Không được! Ai cho tao lương thiện? Làm thế nào để mất những vết mảnh chai trên mặt này?”.
Đó chính là sự tự ý thức của Chí Phèo về bi kịch của bản thân mình. Hình ảnh những vết mảnh chai trên mặt chính là dấu vết của những năm tháng tội lỗi của hắn. Những vết sẹo hằn sâu trên mặt hắn cũng như một thằng Chí chuyên rạch mặt anh vạ đã hằn sâu trong tâm trí của người dân làng Vũ Đại và trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với họ. Trong con mắt của mọi người, Chí Phèo là con quỷ dữ.
Chính những định kiến đã ngăn cản bước chân của Chí Phèo tìm về với cõi đời lương thiện.Hơn ai hết, Thị Nở là người đem lại cho Chí Phèo hơi ấm của tình người, tình yêu, nhưng chính Thị Nở cũng là người đẩy Chí Phèo đến bờ vực của cái chết. Và cuối cùng, Chí Phèo đã tìm đến cái chết để khẳng định nhân cách của mình Chí Phèo cầm dao đâm chết Bá Kiến – kẻ thù lớn nhất của đời mình, người đã khiến hắn ra nông nỗi này rồi tự sát. Chí Phèo đã lựa chọn một sự lựa chọn nghiệt ngã, nhưng đó lại là cách duy nhất để con người lương thiện trong Chí được sống, để nhân cách con người của hắn được tồn lại.
Quá trình lưu manh hoá của Chí Phèo hay cũng chính là bi kịch bần cùng hoá của những người nông dân Việt Nam trước cách mạng tháng Tám đã tố cáo sâu sắc xã hội nửa phong kiến, nửa thực dân áp bức bóc lột. Chí Phèo đã chết, nhưng nhân cách lương thiện đã trỗi dậy và tỏ sáng, đó cũng chính là chiến thắng tất yếu của cái thiện đối với cái ác, đồng thời cũng là sự thể hiện rõ ràng nhất của tư tưởng nhân đạo và tinh thần nhân văn của ngòi bút Nam Cao.
Phân tích quá trình bị tha hóa của nhân vật Chí Phèo (mẫu 13)
Nam Cao là một nhà văn lớn của dân tộc đã để lại bao tác phẩm hay mang cả giá trị nội dung và giá trị nhân đạo sâu sắc. Ông là người có tấm lòng nhân hậu chan chứa tình yêu thương và gắn bó với quê hương. Vì vậy, ta có thể thấy cảm hứng chủ đạo của ông qua nhiều tác phẩm đó là hình tượng người nông dân. Một trong những tác phẩm để lại ấn tượng nhất trong lòng người đọc là Chí Phèo. Tác phẩm đã nói lên một thời kì biến động của đất nước, những người thấp cổ bé họng đã bị đày vào bước đường cùng, từ một người lương thiện bị tha hóa trở thành lưu manh như nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên. Nam Cao đã diễn tả quá trình tha hóa của Chí Phèo từ anh nông dân lương thiện trở thành “con quỷ dữ của làng Vũ Đại”.
Chí Phèo có số phận bất hạnh khi còn nhỏ, hắn bị bỏ rơi ở một lò gạch cũ, rồi được người dân trong làng truyền tay nhau nuôi. Sau khi trưởng thành hắn là người nông dân lương thiện, làm canh điền cho Bá Kiến. Khi bị bà Ba gọi vào bóp chân hắn cảm thấy nhục nhã chứ chẳng vui sướng gì. Rồi văn bị Bá Kiến ghen đẩy vào tù oan. Sau khi ra tù thì lại trở thành một con quỷ dữ.
Mở đầu cho tác phẩm đã nghe được tiếng chửi của Chí Phèo, hắn “chửi trời” rồi “chửi đời”, chửi tất cả làng Vũ Đại”, “chửi cha đứa nào không chửi nhau với hắn”, hắn chửi cả “đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn”. Hắn uống rượu rồi ăn vạ rồi chửi, nhưng không ai quan tâm, ai cũng tự nhủ “chắc nó trừ mình ra”
Sau 7, 8 năm thì Chí Phèo ra tù, nhà tù Phong Kiến đã làm hắn trở thành một con quỷ dữ mất nhân hình lẫn nhân tình. Về nhân hình thì hắn “trông như thằng săng đá! cái đầu thì trọc lóc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt thì đen mà rất cơng cơng, hai mắt gườm gườm trông gớm chết!. Hắn mặc quần nái đen với cái áo tây vàng. Cái ngực phanh, đầy những nét chạm trổ rồng phượng với một ông tướng cầm chùy, cả hai cánh tay cũng thế. Trông gớm chết!”. Không những nhân hình mà nhân tình hắn cũng mất, hắn suốt ngày uống say rồi vạch mặt ăn vạ, hắn làm bạn với rượu chè. Những người trong làng vì thế cũng sợ hắn và xa lánh hắn. Hắn trở thành “con quỷ dữ của làng Vũ Đại” lúc nào mà không hay. Hắn luôn đến nhà Bá Kiến ăn vạ, sau hai lần ăn vạ hắn đã làm tay sai cho Bá Kiến, hắn càng ngày càng hung hãn, ngang ngược và triền miên say. Chí Phèo đánh mất nhân hình lẫn nhân tính, điển hình cho hình ảnh người nông dân lao động bị đè nén là nhân chứng tố cáo chế độ thực dân phong kiến cướp đi quyền làm người của Chí.
Sau khi Chí Phèo rẽ vào nhà Tự Lãng cùng uống rượu, hắn đi ra bờ sông gần nhà. Ở đó, hắn đã gặp Thị Mở và họ cùng ăn nằm với nhau. Sự xuất hiện của Thị Nở làm sống dậy những cảm xúc con người trong Chí Phèo. Sau khi thức tỉnh hắn đã nhận thức được mọi âm thanh trong cuộc sống “tiếng chim hát ngoài kia vui vẻ quá! Có tiếng cười nói của người đi chợ. Anh thuyền chài gõ mái chèo đưa cá”. Hắn lại nao nao buồn, hắn nhớ có một thời hắn đã mơ ước rất giản dị “có một gia đình nho nhỏ. Chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải. Chúng lại bỏ một con lợn nuôi để làm vốn liếng. Khá giả thì mua dăm ba sào ruộng làm”. Hắn đã thấy hắn già mà vẫn cô độc, tương lai đối với hắn đáng buồn hơn, hắn còn lo sợ bởi hắn đã trông thấy trước “tuổi già, đói rét và ốm đau” và nhất là “cô độc”. Hắn cũng đã ý thức được việc mình làm là sai, hắn thèm lương thiện và muốn làm hòa với mọi người và Thị chính là cánh tay đưa Chí trở về.
Nồi cháo hành là hình ảnh độc đáo, chân thật và giàu ý nghĩa trong tác phẩm. Nồi cháo hành đã giúp Chí thức tỉnh hoàn toàn cùng chính nồi cháo hành là chứng minh cho tình yêu của hai người. Tình yêu mộc mạc và chân thành của người đàn dở hơi, xấu ma chê quỷ hờn đã đánh thức bản chất lương thiện của Chí Phèo. Chí đang đứng trước tình huống có lối thoát là con đường trở về với cuộc sống loài người. Đây là cái nhìn đầy chiều sâu của nhân đạo của Nam Cao.
Nhưng rồi Chí Phèo bị Thị Nở cự tuyệt bởi bà cô của Thị Nở không đồng ý. Hắn đã ngạc nhiên trước thái độ của Thị Nở sau đó ngẩn người, chạy theo nắm lấy tay Thị nhưng lại bị Thị xô ngã, lúc này Chí thấy hơi cháo hành nhưng tuyệt vọng. Trong cơn tuyệt vọng, Chí uống rượu xách dao đến nhà Bá Kiến đòi lương thiện. Câu nói của hắn hằn lên thù hận “Không được! Ai cho tao lương thiện? làm thế nào cho mất được những vết mảnh chai trên mặt này? tao không thể là người lương thiện nữa. Biết không! chỉ còn một cách… Biết không!… Chỉ còn một cách là… cái này! Biết không!…” và hắn đã đâm chết Bá Kiến rồi tự vẫn. Hành động này là hành động lấy máu rửa thù của người nông dân thức tỉnh về quyền sống. Cái chết của Chí Phèo là cái chết của con người trong bi kịch đau đớn trên ngưỡng cửa trở về cuộc sống con người.
Nam Cao đã xây dựng nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình. Nghệ thuật miêu tâm lí nhân vật sắc sảo. Ngôn ngữ giản dị, diễn đạt độc đáo. “Chí Phèo” tố cáo mạnh mẽ xã hội thuộc địa phong kiến tàn bạo đã cướp đi nhân hình lẫn nhân tính của người nông dân lương thiện. Đồng thời nhà văn phát hiện và khẳng định bản chất tốt đẹp của con người ngay cả khi họ đã biến thành quỷ dữ
Phân tích quá trình bị tha hóa của nhân vật Chí Phèo (mẫu 14)
Nam Cao là một nhà văn lớn của dân tộc đã để lại bao tác phẩm hay mang cả giá trị nội dung và giá trị nhân đạo sâu sắc. Ông là người có tấm lòng nhân hậu chan chứa tình yêu thương và gắn bó với quê hương. Vì vậy, ta có thể thấy cảm hứng chủ đạo của ông qua nhiều tác phẩm đó là hình tượng người nông dân. Một trong những tác phẩm để lại ấn tượng nhất trong lòng người đọc là Chí Phèo. Tác phẩm đã nói lên một thời kì biến động của đất nước, những người thấp cổ bé họng đã bị đày vào bước đường cùng, từ một người lương thiện bị tha hóa trở thành lưu manh như nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên. Nam Cao đã diễn tả quá trình tha hóa của Chí Phèo từ anh nông dân lương thiện trở thành “con quỷ dữ của làng Vũ Đại”.
Chí Phèo có số phận bất hạnh khi còn nhỏ, hắn bị bỏ rơi ở một lò gạch cũ, rồi được người dân trong làng truyền tay nhau nuôi. Sau khi trưởng thành hắn là người nông dân lương thiện, làm canh điền cho Bá Kiến. Khi bị bà Ba gọi vào bóp chân hắn cảm thấy nhục nhã chứ chẳng vui sướng gì. Rồi văn bị Bá Kiến ghen đẩy vào tù oan. Sau khi ra tù thì lại trở thành một con quỷ dữ.
Mở đầu cho tác phẩm đã nghe được tiếng chửi của Chí Phèo, hắn “chửi trời” rồi “chửi đời”, chửi tất cả làng Vũ Đại”, “chửi cha đứa nào không chửi nhau với hắn”, hắn chửi cả “đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn”. Hắn uống rượu rồi ăn vạ rồi chửi, nhưng không ai quan tâm, ai cũng tự nhủ “chắc nó trừ mình ra”
Sau 7, 8 năm thì Chí Phèo ra tù, nhà tù Phong Kiến đã làm hắn trở thành một con quỷ dữ mất nhân hình lẫn nhân tình. Về nhân hình thì hắn “trông như thằng săng đá! cái đầu thì trọc lóc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt thì đen mà rất cơng cơng, hai mắt gườm gườm trông gớm chết!. Hắn mặc quần nái đen với cái áo tây vàng. Cái ngực phanh, đầy những nét chạm trổ rồng phượng với một ông tướng cầm chùy, cả hai cánh tay cũng thế. Trông gớm chết!”. Không những nhân hình mà nhân tình hắn cũng mất, hắn suốt ngày uống say rồi vạch mặt ăn vạ, hắn làm bạn với rượu chè. Những người trong làng vì thế cũng sợ hắn và xa lánh hắn. Hắn trở thành “con quỷ dữ của làng Vũ Đại” lúc nào mà không hay. Hắn luôn đến nhà Bá Kiến ăn vạ, sau hai lần ăn vạ hắn đã làm tay sai cho Bá Kiến, hắn càng ngày càng hung hãn, ngang ngược và triền miên say. Chí Phèo đánh mất nhân hình lẫn nhân tính, điển hình cho hình ảnh người nông dân lao động bị đè nén là nhân chứng tố cáo chế độ thực dân phong kiến cướp đi quyền làm người của Chí.
Sau khi Chí Phèo rẽ vào nhà Tự Lãng cùng uống rượu, hắn đi ra bờ sông gần nhà. Ở đó, hắn đã gặp Thị Mở và họ cùng ăn nằm với nhau. Sự xuất hiện của Thị Nở làm sống dậy những cảm xúc con người trong Chí Phèo. Sau khi thức tỉnh hắn đã nhận thức được mọi âm thanh trong cuộc sống “tiếng chim hát ngoài kia vui vẻ quá! Có tiếng cười nói của người đi chợ. Anh thuyền chài gõ mái chèo đưa cá”. Hắn lại nao nao buồn, hắn nhớ có một thời hắn đã mơ ước rất giản dị “có một gia đình nho nhỏ. Chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải. Chúng lại bỏ một con lợn nuôi để làm vốn liếng. Khá giả thì mua dăm ba sào ruộng làm”. Hắn đã thấy hắn già mà vẫn cô độc, tương lai đối với hắn đáng buồn hơn, hắn còn lo sợ bởi hắn đã trông thấy trước “tuổi già, đói rét và ốm đau” và nhất là “cô độc”. Hắn cũng đã ý thức được việc mình làm là sai, hắn thèm lương thiện và muốn làm hòa với mọi người và Thị chính là cánh tay đưa Chí trở về.
Nồi cháo hành là hình ảnh độc đáo, chân thật và giàu ý nghĩa trong tác phẩm. Nồi cháo hành đã giúp Chí thức tỉnh hoàn toàn cùng chính nồi cháo hành là chứng minh cho tình yêu của hai người. Tình yêu mộc mạc và chân thành của người đàn dở hơi, xấu ma chê quỷ hờn đã đánh thức bản chất lương thiện của Chí Phèo. Chí đang đứng trước tình huống có lối thoát là con đường trở về với cuộc sống loài người. Đây là cái nhìn đầy chiều sâu của nhân đạo của Nam Cao.
Nhưng rồi Chí Phèo bị Thị Nở cự tuyệt bởi bà cô của Thị Nở không đồng ý. Hắn đã ngạc nhiên trước thái độ của Thị Nở sau đó ngẩn người, chạy theo nắm lấy tay Thị nhưng lại bị Thị xô ngã, lúc này Chí thấy hơi cháo hành nhưng tuyệt vọng. Trong cơn tuyệt vọng, Chí uống rượu xách dao đến nhà Bá Kiến đòi lương thiện. Câu nói của hắn hằn lên thù hận “Không được! Ai cho tao lương thiện? làm thế nào cho mất được những vết mảnh chai trên mặt này? tao không thể là người lương thiện nữa. Biết không! chỉ còn một cách… Biết không!… Chỉ còn một cách là… cái này! Biết không!…” và hắn đã đâm chết Bá Kiến rồi tự vẫn. Hành động này là hành động lấy máu rửa thù của người nông dân thức tỉnh về quyền sống. Cái chết của Chí Phèo là cái chết của con người trong bi kịch đau đớn trên ngưỡng cửa trở về cuộc sống con người.
Nam Cao đã xây dựng nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình. Nghệ thuật miêu tâm lí nhân vật sắc sảo. Ngôn ngữ giản dị, diễn đạt độc đáo. “Chí Phèo” tố cáo mạnh mẽ xã hội thuộc địa phong kiến tàn bạo đã cướp đi nhân hình lẫn nhân tính của người nông dân lương thiện. Đồng thời nhà văn phát hiện và khẳng định bản chất tốt đẹp của con người ngay cả khi họ đã biến thành quỷ dữ.
Phân tích quá trình bị tha hóa của nhân vật Chí Phèo (mẫu 15)
Nam Cao là một trong những cây bút tiêu biểu của văn học hiện thực Việt Nam, bằng ngòi bút phân tích tâm lý sâu sắc, mới mẻ, Nam Cao đã thể hiện được các cung bậc đa dạng, lưỡng phân phức tạp của nhân vật. trong đó, tên tuổi của Nam Cao dường như gắn liền với cái tên “Chí Phèo”. Ở đây, với tài năng bậc thầy của mình, quá trình tha hóa của Chí Phèo đã thể hiện rõ nhất tài năng khắc họa của Nam Cao.
Chí Phèo vốn là một người nông dân hiền lành, lương thiện. Hắn được một người đi bắt lươn tìm thấy ở một lò gạch hoang, phải chăng vì thế, nên trong người Chí Phèo đã chứa đầy cả một sự bi kịch và nghiệt ngã. Tội nghiệp và cô đơn. Lớn lên Chí đi làm thuê cho tên địa chủ giàu có khét tiếng nham hiểm là Bá Kiến. bà vợ thứ của lão lại cứ mê mệt Chí, thấy vậy Bá Kiến ghen lắm và tìm cách đẩy Chí Phèo vào tù. Nhà tù thực dân với những thủ đoạn bẩn thỉu, nham hiểm đã ăn mòn phần người trong Chí, cũng từ đây quá trình tha hóa dẫn đến lưu manh hóa bắt đầu.
Đầu tiên là sự tha hóa về ngoại hình. Trước kia Chí hiền như cục đất, chỉ lo làm ăn, lương thiện, ấy vậy mà sau khi ra tù về, hắn khác hẳn. cái đầu trọc lóc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt câng câng, mình đầy xăm xổ trông đến là gớm ghiếc. Chính ngoại hình dị dạng ấy đã báo hiệu một sự thay đổi khủng khiếp của Chí, từ một người nông dân hiền lành Chí trở thành một lên lưu manh sẵn sàng rạch mặt ăn vạ, làm những trò hèn hạ và bẩn thỉu để được đồng tiền uống rượu. Dường như hắn đã bán linh hồn mình cho quỷ dữ.
Nhưng sự tha hóa về ngoại hình không đáng sợ bằng sự tha hóa về nhân tính . hắn nghe theo lời dụ dỗ ngon ngọt của lão Bá, sẵn sàng rạch mặt ăn vạ, đâm thuê chém mướn. lúc nào hắn cũng trong tình trạng say khướt. cứ rượu xong là hắn chửi. Bắt đầu hắn chửi trời, có hề gì, trời là tất cả nhưng chẳng của riêng ai, rồi hắn chửi đời, chửi cả làng Vũ Đại, chửi người sinh thành ra hắn. như thế, Chí Phèo đã đấm nát tay trước cánh cửa cuộc đời mà cửa đời vẫn đóng im lìm quá. Bởi những định kiến cố hữu đến từ phía làng Vũ Đại hắn càng không tìm được lối thoát. Hắn bị dụ dỗ, đưa từ người xa lạ đến thân quen, từ thấp bé đến ngang hàng với Bá Kiến, từ kẻ đến đòi nợ thuê thành người bạn thân tình mắc nợ Bá Kiến. Bá Kiến đã biến Chí trở thành công cụ nham hiểm, tàn độc giúp hắn thanh toán những món nợ giang hồ. Chí nát rượu, đập nát bao nhiêu cơ nghiệp, phá hoại hạnh phúc bao nhiêu gia đình, làm tan vỡ bao nhiêu cửa nhà. Chị Dậu bán chó, bán con còn được gọi là người, nhưng Chí Phèo đã bán cả linh hồn mình cho quỷ dữ mất rồi. Sự tha hóa của Chí Phèo được gián tiếp tác động bởi lão Bá cộng với nhà tù thực dân, rồi những gánh nặng cơm áo gạo tiền khiến Chí không còn con đường lui, nên hắn buộc phải đi rạch mặt ăn vạ người ta mà kiếm miếng nhét vào bụng. qua đây Nam Cao cho thấy sự tàn độc và bộ mặt xấu xa, bỉ ổi của giai cấp thống trị đương thời, xé toang lớp mặt nạ giả nhân giả nghĩa của chúng. Đồng thời bày tỏ tấm lòng đồng cảm, sự xót đau của ông khi phải chứng kiến sự tha hóa trở thành lưu manh hóa của người nông dân lương thiện. như vậy quá trình tha hóa của Chí Phèo chính là một thông điệp Nam Cao muốn nhắn gửi đến bạn đọc, rằng nỗi khổ của người nông dân đâu chỉ là cơm áo, gạo tiền, hà hiếp áp bức mà đáng sợ hơn đó còn là nỗi khổ bị mất quyền làm người lương thiện, bị tha hóa, bần cùng hóa đến lưu manh hóa, để từ đây lên tiếng kêu gọi sự đổi thay sâu sắc của xã hội.
Bằng cách khắc họa tài tình của Nam Cao, quá trình tha hóa của Chí Phèo được thể hiện qua những mạch ngầm của chi tiết nhưng rất sinh động và giàu kịch tính, qua đây thấy được bi kịch của người nông dân trong xã hội cũ mới đau đớn kiệt cùng biết chừng nào.
Xem thêm các bài tóm tắt Ngữ văn 11 hay, chi tiết khác:
TOP 30 bài Một cảnh tượng xưa nay chưa từng có trong truyện "Chữ người tử tù" của Nguyễn Tuân (2022)
TOP 30 bài Phân tích bút pháp lãng mạn trong "Chữ người tử tù" của Nguyễn Tuân (2022)
TOP 30 bài Phân tích lòng yêu cái đẹp của đoạn văn tả cảnh Huấn Cao cho chữ? (2022)
TOP 30 bài Phân tích nhân vật Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao (2022)
TOP 30 bài Phân tích tâm trạng của Chí Phèo khi bị Thị Nở từ chối sống chung (2022)
Xem thêm các chương trình khác:
- Giải sgk Hóa học 11 | Giải bài tập Hóa học 11 Học kì 1, Học kì 2 (Sách mới)
- Lý thuyết Hóa học 11(sách mới) | Kiến thức trọng tâm Hóa 11
- Giải sbt Hóa học 11 (sách mới) | Sách bài tập Hóa học 11
- Các dạng bài tập Hóa học lớp 11
- Giáo án Hóa học lớp 11 mới nhất
- Giải sgk Toán 11 | Giải bài tập Toán 11 Học kì 1, Học kì 2 (sách mới)
- Các dạng bài tập Toán lớp 11
- Lý thuyết Toán lớp 11 (sách mới) | Kiến thức trọng tâm Toán 11
- Giáo án Toán lớp 11 mới nhất
- Bài tập Toán lớp 11 mới nhất
- Chuyên đề Toán lớp 11 mới nhất
- Giải sgk Tiếng Anh 11 (thí điểm)
- Giải sgk Tiếng Anh 11 | Giải bài tập Tiếng anh 11 Học kì 1, Học kì 2 (sách mới)
- Giải sbt Tiếng Anh 11 (sách mới) | Sách bài tập Tiếng Anh 11
- Giải sbt Tiếng Anh 11 (thí điểm)
- Giải sgk Lịch sử 11 | Giải bài tập Lịch sử 11 Học kì 1, Học kì 2 (sách mới)
- Lý thuyết Lịch Sử 11(sách mới) | Kiến thức trọng tâm Lịch Sử 11
- Giải Tập bản đồ Lịch sử 11
- Giải sgk Vật Lí 11 | Giải bài tập Vật lí 11 Học kì 1, Học kì 2 (sách mới)
- Giải sbt Vật Lí 11 (sách mới) | Sách bài tập Vật Lí 11
- Lý thuyết Vật Lí 11 (sách mới) | Kiến thức trọng tâm Vật Lí 11
- Các dạng bài tập Vật Lí lớp 11
- Giáo án Vật lí lớp 11 mới nhất
- Giải sgk Sinh học 11 | Giải bài tập Sinh học 11 Học kì 1, Học kì 2 (sách mới)
- Lý thuyết Sinh học 11 (sách mới) | Kiến thức trọng tâm Sinh 11
- Giải sgk Giáo dục công dân 11
- Lý thuyết Giáo dục công dân 11
- Lý thuyết Địa Lí 11 (sách mới) | Kiến thức trọng tâm Địa lí 11
- Giải Tập bản đồ Địa Lí 11
- Giải sgk Giáo dục quốc phòng - an ninh 11