Soạn bài Thực hành tiếng Việt trang 68 Tập 1 - Ngắn nhất Ngữ văn 8 Kết nối tri thức

Với soạn bài Thực hành tiếng Việt trang 68 Ngữ văn lớp 8 Kết nối tri thức sẽ giúp học sinh trả lời câu hỏi từ đó dễ dàng soạn văn 8.

1 1,509 12/11/2024


Soạn bài Thực hành tiếng Việt trang 68

* Đoạn văn song song và đoạn văn phối hợp

Câu 1 (trang 68 sgk Ngữ văn 8 Tập 1): Xác định kiểu đoạn văn của những trường hợp sau. Phân tích tác dụng của cách thức tổ chức đoạn văn.

a. Nay ta chọn binh pháp các nhà hợp làm một quyển gọi là “Binh thư yếu lược”. Nếu các ngươi biết chuyên tập sách này, theo lời dạy bảo của ta, thì mới phải đạo thần chủ; nhược bằng khinh bỏ sách này, trái lời dạy bảo của ta, tức là kẻ nghịch thù.

(Trần Quốc Tuấn, Hịch tướng sĩ)

b. Đồng bào ta ngày nay cũng rất xứng đáng với tổ tiên ta ngày trước. Từ các cụ già tóc bạc đến các cháu nhi đồng trẻ thơ, từ những kiều bào ở nước ngoài đến những đồng bào ở vùng tạm bị chiếm, từ nhân dân miền ngược dến miền xuôi, ai cũng một lòng nồng nàn yêu nước, ghét giặc. Từ những chiến sĩ ngoài mặt trận chịu đói mấy ngày để bám sát lấy giặc đặng tiêu diệt giặc, đến những công chức ở hậu phương nhịn ăn để ủng hộ bộ đội, từ những phụ nữ khuyên chồng con đi tòng quân mà mình thì xung phong giúp việc vận tải, cho đến các bà mẹ chiến sĩ săn sóc yêu thương bộ đội như con đẻ của mình. Từ những nam nữ công nhân và nông dân thi đua tăng gia sản xuất, không quản khó nhọc để giúp một phần vào kháng chiến, cho đến những đồng bào điền chủ quyên đất ruộng cho Chính phủ,… Những cử chỉ cao quý đó, tuy khác nhau nơi việc làm, nhưng đều giống nhau nơi lòng nồng nàn yêu nước.

(Hồ Chí Minh, Tinh thần yêu nước của nhân ta)

Trả lời:

a. Kiểu đoạn văn song song

- Đoạn văn có hai câu, mỗi câu nêu một nội dung khác nhau, nhưng cùng thể hiện chủ đề: nhiệm vụ cụ thể, cấp bách, khích lệ tinh thần chiến đấu của tướng sĩ.

b. Kiểu đoạn văn phối hợp

- Đoạn văn có câu mở đầu nêu chủ đề của đoạn. Ba câu văn ở giữa nêu dẫn chứng cụ thể. Câu cuối đoạn khái quát điểm chung của những cử chỉ, việc làm: đều giống nhau nơi nồng nàn yêu nước.

Câu 2 (trang 68 sgk Ngữ văn 8 Tập 1): Đoạn văn sau được tổ chức theo kiểu nào? Chủ đề của đoạn văn là gì? Dựa vào đâu em nhận biết được điều đó?

Không gian yên tĩnh bỗng bừng lên những âm thanh của dàn hòa tấu, bởi bốn nhạc khúc lưu thủy, kim tiền, xuân phong, long hổ du dương trầm bổng, réo rắt mở đầu đêm ca Huế. Nhạc công dùng các ngón đàn trau chuốt như ngón nhấn, mổ, vỗ, vả, ngón bấm, day, chớp, búng, ngón phi, ngón rãi. Tiếng đàn lúc khoan lúc nhặt làm nên tiết tấu xao động tận đáy hồn người.

(Hà Ánh Minh, Ca Huế trên sông Hương)

Trả lời:

- Kiểu đoạn văn song song.

- Chủ đề: Cảnh ca Huế trong đêm trăng trên sông Hương.

- Đoạn văn không có câu chủ đề, mỗi câu nêu một khía cạnh khác nhau của đêm ca Huế như các khúc nhạc, các ngón đàn hay âm thanh tiết tấu. Nhưng tất cả đều góp phần thể hiện chung 1 chủ đề cảnh ca Huế độc đáo trên sông Hương.

Câu 3 (trang 69 sgk Ngữ văn 8 Tập 1): Hãy viết một đoạn văn song song và một đoạn văn phối hợp (mỗi đoạn khoảng 7 – 9 câu) theo chủ đề tự chọn.

- Đoạn văn song song:

“Hịch tướng sĩ” do Trần Quốc Tuấn viết vào khoảng trước cuộc kháng chiến chống Mông – Nguyên lần thứ hai (1285). Đối tượng người nghe trực tiếp của bài hịch này là tì tướng (các viên tướng giúp việc cho chủ tướng). Bài hịch được làm để khích lệ tướng sĩ học tập cuốn “Binh thư yếu lược” do chính Trần Quốc Tuấn soạn. Tác phẩm được nhiều học giả xưa nay đánh giá là “áng thiên cổ hùng văn”. “Hịch tướng sĩ” đã phản ánh tinh thần yêu nước nồng nàn của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, thể hiện qua lòng căm thù giặc, ý chí quyết chiến, quyết thắng kẻ thù xâm lược. Đây là một áng văn chính luận xuất sắc, có sự kết hợp giữa lập luận chặt chẽ, sắc bén với lời văn thống thiết, có sức lôi cuốn mạnh mẽ, ngôn ngữ không nặng về khoa trương mà gần gũi, thân tình. Sức lay động lòng người trong bối cảnh đất nước lâm nguy đã khiến bài hịch được lan tỏa rộng khắp và lưu truyền cho đến ngày nay.

- Đoạn văn phối hợp:

Lòng biết ơn là cơ sở của đạo làm người. Hiện nay trên khắp đất nước ta đang phát động phong trào đền ơn đáp nghĩa đối với thương binh, liệt sĩ, những bà mẹ anh hùng, những gia đình có công với cách mạng. Đảng và Nhà nước cùng toàn dân thực sự quan tâm, chăm sóc các đối tượng chính sách. Thương binh được học nghề, được trợ vốn làm ăn; các gia đình liệt sĩ, các bà mẹ Việt Nam anh hùng được tặng nhà tình nghĩa, được các cơ quan đoàn thể phụng dưỡng, săn sóc tận tình. Rồi những cuộc hành quân về chiến trường xưa tìm hài cốt đồng đội, những nghĩa trang liệt sĩ đẹp đẽ với đài Tổ quốc ghi công sừng sững, uy nghiêm, luôn nhắc nhở mọi người, mọi thế hệ hãy nhớ ơn các liệt sĩ đã hi sinh anh dũng vì độc lập, tự do…Không thể nào kể hết những biểu hiện sinh động, phong phú của đạo lí uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta. Đạo lí này là nền tảng vững vàng để xây dựng một xã hội thực sự tốt đẹp.

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 8 sách Kết nối tri thức hay, ngắn gọn khác:

Hịch tướng sĩ

Thực hành Tiếng Việt trang 64

Tinh thần yêu nước của nhân dân ta

Nam quốc sơn hà

Viết bài văn nghị luận về một vấn đề đời sống (con người trong mối quan hệ với xã hội, cộng đồng, đất nước)

1 1,509 12/11/2024


Xem thêm các chương trình khác: