Soạn bài Thiên trường vãn vọng trang 43 - Ngắn nhất Ngữ văn 8 Kết nối tri thức

Với soạn bài Thiên trường vãn vọng Ngữ văn lớp 8 Kết nối tri thức sẽ giúp học sinh trả lời câu hỏi từ đó dễ dàng soạn văn 8.

1 897 12/11/2024


Soạn bài Thiên trường vãn vọng

* Trước khi đọc

Câu hỏi (trang 43 sgk Ngữ văn 8 Tập 1): Em có thích ngắm cảnh hoàng hôn không? Vì sao?

Trả lời:

Em rất thích ngắm cảnh hoàng hôn bởi vì cảnh hoàng hôn rất đẹp, thanh bình, yên ả, mang lại cảm giác thư thái, say mê.

* Đọc văn bản

1. Theo dõi: Biện pháp tu từ điệp ngữ và hình thức đối trong hai câu thơ đầu.

- Biện pháp tu từ điệp ngữ: dường có lại dường không

- Hình thức đối: Trước xóm/ sau thôn/ tựa khói lồng.

Bóng chiều/ dường có/ lại dường không.

2. Hình dung: Hình ảnh con người và thiên nhiên.

- Hình ảnh con người: Mục đồng với tiếng sáo lùa trâu về

- Hình ảnh thiên nhiên: Đàn trâu trở về, cò trắng từng đôi liệng xuống đồng

→ Cảnh vật bình dị, gần gũi, quen thuộc với làng quê Việt Nam

- Âm thanh: sáo vẳng – tiếng sao văng vẳng đâu đó nơi chốn làng quê

→ Bức tranh làng quê thanh bình, yên ả và nên thơ

Giữa khung cảnh làng quê ấy, tác giả như chìm đắm vào cảnh vật, non sông mình, tác giả mở rộng tấm lòng đón nhận vẻ đẹp bình dị, yên bình của cuộc sống.

* Sau khi đọc

Nội dung chính: Bài thơ khắc họa bức tranh cuộc sống bình yên, thơ mộng nơi làng quê trong buổi hoàng hôn. Qua đó cảm nhận được vẻ đẹp tâm hồn của tác giả - một vị hoàng đế - thi nhân.

Soạn bài Thiên trường vãn vọng trang 43 - Ngắn nhất Ngữ văn 8 Kết nối tri thức (ảnh 1)

Câu 1 (trang 44 sgk Ngữ văn 8 Tập 1): Hãy xác định thể thơ của bài “Thiên Trường vãn vọng” và cho biết em dựa vào các yếu tố nào để nhận biết thể thơ đó.

Trả lời:

- Thể thơ: Thất ngôn tứ tuyệt Đường luật.

- Yếu tố nhận biết thể thơ:

+ Bài thơ có 4 câu, mỗi câu có bảy chữ.

+ Các câu 1,2,4 hiệp vần với nhau ở chữ cuối (yên, biên, điền – lồng, không, đồng)

Câu 2 (trang 44 sgk Ngữ văn 8 Tập 1): Cảnh vật ở hai câu thơ đầu được tái hiện vào khoảng thời gian nào? Chỉ ra mối liên hệ giữa thời gian và các hình ảnh được miêu tả.

Trả lời:

- Cảnh vật ở hai câu thơ đầu được tái hiện vào buổi hoàng hôn (chiều tà).

- Mối liên hệ giữa thời gian và các hình ảnh được miêu tả:

+ Khung cảnh đặc trưng của buổi chiều muộn nơi làng quê: trước thôn, sau thôn “mờ mờ như khói phủ”. “Khói” ở đây có thể là làn sương mỏng nhẹ buông xuống lúc hoàng hôn; cũng có thể là sương pha cùng khói lam chiều tỏa ra từ những mái rạ tròng thôn.

+ Cảnh hoàng hôn mờ ảo, nơi thì nắng nhạt dần, nơi thì nắng đã tắt khiến cho bóng chiều bảng lảng “nửa như có, nửa như không”. Thời gian vô hình đã được “hữu hình hóa” qua sự biến đổi tinh tế của cảnh vật.

Câu 3 (trang 44 sgk Ngữ văn 8 Tập 1): Những hình ảnh ở hai câu thơ cuối đã gợi lên một bức tranh cuộc sống như thế nào?

Trả lời:

Hình ảnh ở hai câu thơ cuối:

- Tiếng sáo mục đồng và hình ảnh trẻ chăn trâu “lùa trâu về hết”: âm thanh trong trẻo, hồn nhiên; hình ảnh quen thuộc gợi thời gian của buổi hoàng hôn, không gian thanh tĩnh – khi mọi hoạt động dần lắng xuống, con người và loài vật đều tìm về nơi sum vầy, nghỉ ngơi,…

- Từng đôi cò trắng đậu xuống cánh đồng: hình ảnh gần gũi, thân quen nơi những cánh đồng quê Bắc Bộ, gợi nhịp sống đời thường bình yên, ấm áp.

Câu 4 (trang 44 sgk Ngữ văn 8 Tập 1): Bài thơ tái hiện cảnh vật và cuộc sống con người trong nhiều khoảng không gian. Em hãy chỉ ra những khoảng không gian đó theo trình tự được miêu tả trong bài thơ.

Trả lời:

- Không gian trải rộng, từ xa đến gần: nhan đề “vãn vọng” (trông xa), hình ảnh “sau thôn, trước thôn”, từ hoàn cảnh đến cận cảnh.

- Không gian trải dài: theo con đường trẻ mục đồng “lùa trâu về hết”.

- Không gian được nối từ cao xuống thấp: theo những đôi cò trắng bay liệng, đậu xuống cánh đồng.

Câu 5 (trang 44 sgk Ngữ văn 8 Tập 1): Theo em, qua bức tranh thiên nhiên và cuộc sống được tái hiện trong bài thơ, tác giả đã bộc lộ cảm xúc, tâm trạng gì?

Trả lời:

- Tác giả đã bộc lộ cảm xúc, tâm trạng:

+ Tình yêu thương, thái độ trân trọng dành cho thiên nhiên, con người, cuộc sống.

+ Niềm vui, hạnh phúc trước vẻ đẹp thanh bình của cuộc sống đời thường.

Câu 6 (trang 45 sgk Ngữ văn 8 Tập 1): Câu kết trong bài thơ tứ tuyệt Đường luật thường để lại dư âm. Hãy cho biết câu kết trong “Thiên Trường vãn vọng” có thể gợi cho em những cảm xúc, suy nghĩ gì?

Trả lời:

Câu kết: Bạch lộ song song phi hạ điền (Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng).

- Vẻ đẹp của cuộc sống thanh bình: Câu thơ gợi khung cảnh đồng quê bình yên, mở ra liên tưởng về những vụ mùa no ấm, về sự sống sinh sôi, nảy nở, nhịp sống bình yên, quý giá sau những năm tháng chiến tranh chống quân Nguyên xâm lược.

- Vẻ đẹp của tâm hồn tác giả được thể hiện qua tình yêu thương bao trùm vạn vật; thái độ nâng niu, trân trọng vẻ đẹp bình dị của đời thường; niềm hạnh phúc trước cuộc sống thanh bình của nhân dân, đất nước,…

Câu 7 (trang 45 sgk Ngữ văn 8 Tập 1): Tác giả “Thiên Trường vãn vọng” còn là một vị vua. Điều đó gợi cho em những suy nghĩ gì khi đọc bài thơ?

Trả lời:

Tác giả bài thơ là một ông vua. Nhưng thi nhân đã không lựa chọn những chi tiết về lầu son gác tía, bệ ngọc ngai vàng tráng lệ, mà chỉ đem cảnh sắc thiên nhiên bình dị, “quê mùa” vào trong bức tranh của mình. Điều đó cho thấy một tâm hồn thi sĩ giàu tình yêu với thiên nhiên, đất nước, gắn bó, thấu hiểu cuộc sống nơi thôn dã. Tính bình dị, dân dã, hồn nhiên chính là cốt cách, là hồn thơ của ông vua anh hùng này. Đúng như Giáo sư Đặng Thai Mai đã nhận định: “Từ cung điện nhà vua qua dinh thự các quan tới làng mạc nông dân, chưa có những đường hào ngăn cách”. Có lẽ cũng chính vì vua Trần gần dân, yêu dân nên đã tập hợp được sức mạnh đoàn kết của toàn dân làm nên chiến thắng lẫy lừng ba lần chống quân Nguyên – Mông hung bạo.

Viết kết nối với đọc

Câu hỏi (trang 45 sgk Ngữ văn 8 Tập 1): Viết đoạn văn (khoảng 7 – 9 câu) trình bày cảm nhận của em về nhan đề hoặc một hình ảnh đặc sắc trong bài thơ “Thiên Trường vãn vọng”.

Đoạn văn tham khảo

Hai câu thơ đầu bài thơ “Thiên Trường vãn vọng” gợi tả cảnh làng quê Thiên Trường trong ánh chiều tà. Bốn chữ “thôn hậu thôn tiền” và “bán vô bán hữu” liên kết đôi, tạo nên sự cân xứng, hài hòa về ngôn ngữ đã gợi lên cảnh xóm thôn nối tiếp gần xa, đông đúc, trù phú. Trong bóng chiều nhạt nhòa, xóm thôn được phủ mờ khói nhạt càng trở nên mơ màng, mênh mông. Khói của sương chiều quyện vào khói bếp vấn vương, nhẹ bay lên từ những mái nhà tranh sau lũy tre làng. Chỉ bằng ba nét vẽ chọn lọc, lối tả ít mà gợi nhiều của thi pháp cổ, thi sĩ đã làm hiện lên một không gian làng quê trong một buổi chiều phủ đầy sương khói và ánh tà dương rất yên bình, êm đềm, nên thơ. Nét vẽ thanh nhẹ, cảnh vật bao la, tĩnh lặng, không có lấy một âm thanh. Ngoại cảnh và tâm cảnh đồng hiện và hình ảnh so sánh “đạm tự yên” (mờ như khói phủ) đầy thi vị mang chứa một hồn quê man mác, gợi cảm và trữ tình.

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 8 sách Kết nối tri thức hay, ngắn gọn khác:

Thu điếu

Thực hành tiếng Việt trang 42

Thực hành tiếng Việt trang 45

Ca Huế trên sông Hương

Viết bài văn phân tích một tác phẩm văn học (bài thơ thất ngôn bát cú hoặc tứ tuyệt Đường luật)

1 897 12/11/2024


Xem thêm các chương trình khác: