Soạn bài Quang Trung đại phá quân Thanh trang 17 - Ngắn nhất Ngữ văn 8 Kết nối tri thức

Với soạn bài Quang Trung đại phá quân Thanh Ngữ văn lớp 8 Kết nối tri thức sẽ giúp học sinh trả lời câu hỏi từ đó dễ dàng soạn văn 8.

1 538 lượt xem


Soạn bài Quang Trung đại phá quân Thanh

* Trước khi đọc

Câu hỏi 1 (trang 17 sgk Ngữ văn 8 Tập 1): Hãy kể tên một số nhân vật lịch sử mà em biết. Em thích nhất nhân vật nào? Vì sao?

Trả lời:

- Một số nhân vật lịch sử mà em biết: Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Yết Kiêu, Lê Lợi, Quang Trung, Nguyễn Trãi, Lí Thường Kiệt, Hồ Chí Minh,….

- Em thích nhất nhân vật Yết Kiêu. Ông là một danh tướng của nhà Trần, có biệt tài bơi lặn, nhiều lần đục thủng thuyền giặc Mông – Nguyên, góp phần làm nên những chiến thắng lẫy lừng trong lịch sử như trận Hàm Tử, Tây Kết, Bạch Đằng,…

Câu hỏi 2 (trang 17 sgk Ngữ văn 8 Tập 1): Chia sẻ những hiểu biết của em về người anh hùng Quang Trung – Nguyễn Huệ.

Trả lời:

Quang Trung Nguyễn Huệ là người anh hùng áo vải đã đánh đổ cả hai tập đoàn thống trị phản động ở Đàng Trong và Đàng Ngoài, người đã lập nên những chiến công hiển hách chống quân xâm lược Xiêm và Mãn Thanh, thực hiện được khát vọng thống nhất đất nước của dân tộc vào cuối thế kỷ thứ 18.

* Đọc văn bản

1. Theo dõi: Thời điểm diễn ra các sự kiện và thái độ, phản ứng của Bắc Bình Vương.

- Thời điểm diễn ra sự kiện: Quân Thanh đến Thăng Long.

- Thái độ, phản ứng của Bắc Bình Vương: giận lắm, liền họp các tướng sĩ, định thân chinh cầm quân đi ngay.

2. Theo dõi: Những công việc Quang Trung đã tiến hành và thời điểm nhà vua hạ lệnh xuất quân.

- Những công việc Quang Trung đã tiến hành:

+ Cho đắp đàn ở trên núi Bân, tế cáo trời đất cùng các thần sông, thần núi; chế ra áo cồn mũ miện, lên ngôi hoàng đế, đổi năm thứ 11 niên hiệu Thái Đức của vua Tây Sơn Nguyễn Nhạc làm năm đầu niên hiệu Quang Trung.

+ Lễ xong, hạ lệnh xuất quân.

- Thời điểm nhà vua hạ lệnh xuất quân: 25 tháng Chạp năm Mậu Thân (1788)

3. Theo dõi: Nội dung lời dụ quân lính của vua Quang Trung.

- Khẳng định chủ quyền dân tộc của ta và lên án hành động xâm lăng phi nghĩa, trái đạo của giặc, nêu bật dã tâm của giặc.

- Nhắc lại truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc ta từ xưa; kêu gọi quân sĩ đồng tâm hiệp lực chống giặc.

- Đề ra kỉ luật nghiêm minh.

→ Lời phủ dụ như lời hịch ngắn gọn mà ý tứ phong phú, sâu xa, kích thích lòng yêu nước và truyền thống quật cường của dân tộc.

4. Theo dõi: Lời của vua Quang Trung nói với các tướng lĩnh.

- Sáng suốt, nhạy bén trong việc xét đoán và dùng người, khen chê đều đúng người, đúng việc.

5. Dự đoán: Theo em, kết quả trận đánh giữa quân Tây Sơn và quân Thanh sẽ như thế nào? Dựa vào đâu em dự đoán như vậy?

- Theo em, quân Thanh sẽ bị thua trận.

- Dựa vào phương hướng hành động và lời nói của Quang Trung với binh lính để dự đoán.

6. Đối chiếu: Em có đoán đúng kết quả trận đánh không?

- Kết quả: Quân Thanh thua trận. → Em dự đoán đúng kết quả trận đánh.

7. Theo dõi: Những chi tiết miêu tả hành động, thái độ của Tôn Sĩ Nghị.

- Tôn Sĩ Nghị sợ mất mật, ngựa không kịp đóng yên, người không kịp mặc giáp, dẫn bọn lính kị mã của mình chuồn trước qua cầu phao, rồi nhằm hướng bắc mà chạy.

8. Theo dõi: Hành động, thái độ của vua Lê Chiêu Thống khi nghe tin quân Tây Sơn kéo vào thành.

- Vội vã cùng mấy bề tôi thân tín đưa thái hậu ra ngoài, chạy bán sống bán chết, cướp cả thuyền dân để qua sông, luôn mấy ngày không ăn,…

* Sau khi đọc

Nội dung chính: Đoạn trích miêu tả chiến thắng lẫy lừng của vua Quang Trung, sự thảm bại của quân tướng nhà Thanh và số phận lũ vua quan phản nước, hại dân.

Soạn bài Quang Trung đại phá quân Thanh trang 17 - Ngắn nhất Ngữ văn 8 Kết nối tri thức (ảnh 1)

Câu 1 (trang 23 sgk Ngữ văn 8 Tập 1): Đoạn trích có thể chia thành mấy phần? Nêu nội dung chính của từng phần.

Trả lời:

Đoạn trích có thể chia thành 3 phần:

+ Phần 1 (Từ đầu đến “hôm ấy nhằm vào ngày 25 tháng Chạp năm Mậu Thân (1788)”): Được tin báo quân Thanh đã chiếm Thăng Long, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế và thân chinh cầm quân dẹp giặc.

+ Phần 2 (Tiếp theo đến “rồi kéo vào thành”): Cuộc hành quân thần tốc và chiến thắng lẫy lừng của vua Quang Trung.

+ Phần 3 (Phần còn lại): Sự đại bại của quân tướng nhà Thanh và tình trạng thảm hại của vua tôi Lê Chiêu Thống.

Câu 2 (trang 23 sgk Ngữ văn 8 Tập 1): Em hãy liệt kê những nhân vật và sự kiện lịch sử được tác giả đề cập trong văn bản.

Trả lời:

Nhân vật lịch sử

Sự kiện lịch sử

Vua Quang Trung, Ngô Văn Sở, Nguyễn Văn Tuyết, Nguyễn Thiếp, Hám Hồ Hầu, Trưng Nữ Vương, Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, Trần Hưng Đạo, Lê Thái Tổ, Ngô Thì Nhậm, Sầm Nghi Đống, Tôn Sĩ Nghị, Lê Chiêu Thống,…

+ Tháng 11/1788: Quân Thanh sang xâm lược nước ta.

+ Ngày 25 tháng Chạp năm 1788, Bắc Bình Vương lên ngôi hoàng đế lấy niên hiệu là Quang Trung.

+ Ngày 25 xuất quân, ngày 29 đến Nghệ An.

+ Ngày 30 tháng Chạp mở tiệc khao quân ăn Tết trước.

+ Nửa đêm ngày mồng 3 tháng Giêng năm Kỉ Dậu 1789, vua Quang Trung tới làng Hà Hồi, lặng lẽ vây kín làng.

+ Mờ sáng ngày mồng 5 tiến sát đền Ngọc Hồi → Quân Thanh đại bại.

Câu 3 (trang 23 sgk Ngữ văn 8 Tập 1): Tìm những chi tiết tiêu biểu miêu tả thái độ, lời nói và hành động của Bắc Bình Vương khi nghe tin báo quân Thanh xâm lược nước ta. Những chi tiết đó cho thấy đặc điểm tính cách nào của nhân vật?

Trả lời:

- Khi nghe tin báo quân Thanh xâm lược nước ta:

+ Bắc Bình Vương tiếp được tin báo, giận lắm, liền họp các tướng sĩ, định thân chinh cầm quân đi ngay.

+ Bắc Bình Vương tế cáo trời đất cùng thần sông, thần núi, lên ngôi hoàng đế.

+ Đốc suất đại binh ra bắc.

+ Gặp Nguyễn Thiếp để hỏi cơ mưu.

+ Tuyển mộ quân lính ở Nghệ An, duyệt binh, phủ dụ quân sĩ, lên kế hoạch tiến quân đánh giặc và cả kế hoạch đối phó nhà Thanh sau chiến thắng.

→ Con người yêu nước sục sôi, căm thù giặc, mạnh mẽ, quyết đoán.

Câu 4 (trang 23 sgk Ngữ văn 8 Tập 1): Nêu cảm nhận của em về nhân vật vua Quang Trung được khắc họa trong đoạn trích, qua đó nhận xét cảm hứng của tác giả với vị anh hùng dân tộc này.

Trả lời:

- Nhân vật vua Quang Trung được khắc họa với các đặc điểm:

+ Hành động mạnh mẽ, quyết đoán.

+ Trí tuệ sáng suốt, nhạy bén (trong việc phân tích tình hình thời cuộc, thế tương quan giữa ta và địch và việc xét đoán, dùng người).

+ Ý chí quyết chiến và tầm nhìn xa trông rộng.

+ Tài dụng binh như thần.

+ Lẫm liệt trong chiến trận.

=> Hình ảnh người anh hùng được khắc họa khá đậm nét với tính cách quả cảm, mạnh mẽ, trí tuệ sáng suốt, nhạy bén, tài dụng binh như thần; là người tổ chức và là linh hồn của chiến công vĩ đại → Cảm hứng ca ngợi.

Câu 5 (trang 23 sgk Ngữ văn 8 Tập 1): Nhân vật Lê Chiêu Thống được khắc họa rõ nét qua những chi tiết tiêu biểu nào? Phân tích một chi tiết đặc sắc, thể hiện rõ bản chất của nhân vật Lê Chiêu Thống, qua đó thấy được thái độ của tác giả đối với nhân vật này.

Trả lời:

- Nhân vật Lê Chiêu Thống được khắc họa rõ nét qua những chi tiết:

+ Vội vã cùng mấy bề tôi thân tín “đưa thái hậu ra ngoài”.

+ Chạy bán sống bán chết, cướp cả thuyền dân để qua sông, “luôn mấy ngày không ăn”. May gặp người thổ hào thương tình đón về cho ăn và chỉ đường cho chạy trốn.

+ Đuổi kịp được Tôn Sĩ Nghị, vua tôi chỉ còn biết “nhìn nhau than thở, oán giận chảy nước mắt”.

=> Tình cảnh thảm hại, ê chề của một kẻ đi ngược lại với lợi ích dân tộc, đất nước. Thái độ phê phán.

Câu 6 (trang 23 sgk Ngữ văn 8 Tập 1): Sự đối lập giữa hai nhân vật Quang Trung và Lê Chiêu Thống, giữa quân Tây Sơn và quân Thanh có tác dụng như thế nào trong việc thể hiện chủ đề của đoạn trích? Hãy khái quát chủ đề đó.

Trả lời:

Sự đối lập giữa hai nhân vật Quang Trung và Lê Chiêu Thống, giữa quân Tây Sơn và quân Thanh có tác dụng làm nổi bật chủ đề của truyện:

+ Phản ánh sự sụp đổ không cưỡng nổi của triều đại Lê - Trịnh và sự hỗn loạn của Đàng Ngoài cuối thế kỉ XVIII.

+ Ca ngợi khí thế sấm sét của phong trào nông dân Tây Sơn và tài trí xuất chúng của người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ.

Câu 7 (trang 24 sgk Ngữ văn 8 Tập 1): Ở đoạn trích này, những yếu tố đặc trưng nào của truyện lịch sử đã được tác giả sử dụng? Hãy nhận xét về nghệ thuật kể chuyện lịch sử của tác giả.

Trả lời:

- Những yếu tố đặc trưng của truyện lịch sử đã được tác giả sử dụng là:

+ Truyện tái hiện những sự kiện, nhân vật ở một thời kì, một giai đoạn lịch sử cụ thể.

+ Cốt truyện được xây dựng trên các cơ sở các sự kiện đã xảy ra nhằm thể hiện chủ đề của tác phẩm.

+ Thế giới nhân vật được khắc họa phong phú: vua Quang Trung, Lê Chiêu Thống,…

+ Ngôn ngữ truyện kể và nhân vật phù hợp với thời đại được miêu tả.

- Nghệ thuật kể chuyện: Lối văn trần thuật kết hợp miêu tả chân thực, sinh động, đầy cảm xúc. Chi tiết được chọn lọc tinh tế, gợi cảm. Cảm xúc được bộc lộ qua những hình ảnh nghệ thuật do đó gây ấn tượng mạnh cho người đọc.

* Viết kết nối với đọc

Bài tập (trang 24 sgk Ngữ văn 8 Tập 1): Viết đoạn văn (khoảng 7 – 9 câu) nêu cảm nhận về một chi tiết trong văn bản “Quang Trung đại phá quân Thanh” để lại cho em ấn tượng sâu sắc nhất.

Đoạn văn tham khảo

Trong văn bản “Quang Trung đại phá quân Thanh”, chi tiết lời phủ dụ quân lính ở Nghệ An của Quang Trung đã để lại cho người đọc nhiều ấn tượng sâu sắc. Trong lời dụ, Bắc Bình Vương đã khẳng định chủ quyền dân tộc của ta và lên án hành động xâm lăng phi nghĩa, trái đạo của giặc “đất nào sao ấy, đều đã phân biệt rõ ràng”. Ngài nêu bật dã tâm của giặc “bụng dạ ắt khác, giết hại nhân dân, vơ vét của cải”. Đồng thời người anh hùng áo vải còn nhắc lại truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc ta từ xưa; kêu gọi quân lính “đồng tâm hiệp lực” chống giặc, đề ra kỉ luật nghiêm minh. Lời phủ dụ như lời hịch ngắn gọn mà ý tứ phong phú, sâu xa, kích thích lòng yêu nước và truyền thống quật cường của dân tộc. Chính vì vậy có ý kiến từng cho rằng lời dụ của Quang Trung có sức thuyết phục không kém “Hịch tướng sĩ” của Trần Quốc Tuấn. Lời dụ quân lính càng làm sáng tỏ trí tuệ sáng suốt, nhạy bén của vua Quang Trung trong việc phân tích tình hình thời cuộc và thế tương quan chiến lược giữa ta và địch.

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 8 sách Kết nối tri thức hay, ngắn gọn khác:

Lá cờ thêu sáu chữ vàng

Thực hành tiếng Việt trang 16

Thực hành tiếng Việt trang 24

Ta đi tới

Viết bài văn kể lại một chuyến đi (tham quan một di tích lịch sử, văn hóa)

1 538 lượt xem


Xem thêm các chương trình khác: