Bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 4 (Kết nối tri thức) Tuần 32 có đáp án

Bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 4 Tuần 32 sách Kết nối tri thức có đáp án như là một đề kiểm tra cuối tuần gồm các bài tập từ cơ bản đến nâng cao sẽ giúp học sinh ôn tập để biết cách làm bài tập Tiếng Việt lớp 4.

1 1,321 05/03/2024
Mua tài liệu


Chỉ từ 300k mua trọn bộ Bài tập cuối tuần Tiếng việt lớp 4 Kết nối tri thức bản word có lời giải chi tiết:

B1: Gửi phí vào tài khoản 0711000255837 - NGUYEN THANH TUYEN - Ngân hàng Vietcombank (QR)

B2: Nhắn tin tới zalo Vietjack Official - nhấn vào đây để thông báo và nhận tài liệu.

Xem thử tài liệu tại đây: Link tài liệu

Bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 4 Kết nối tri thức Tuần 32

Bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 4 Tuần 32 - Đề số 1

Đề bài:

I - Bài tập về đọc hiểu

Gấu bông Các-men

Ba năm trước, Át-li, con gái tôi bị ung thư. Sau cuộc đại phẫu thuật, con bé trở nên nhút nhát và đầy nghi ngại với thế giới xung quanh. Một hôm, khi chúng tôi đang cùng xem chương trình ti vi về một phóng viên đã đi vòng quanh nước Mĩ bằng cách đi nhờ xe. Át-li bỗng thốt lên: “Con ước gì có thể làm được như vậy!”. Tôi nhìn vào đôi mắt với ánh lửa nhiệt tình của con gái và chợt nhớ đến con gấu bông Các-men của Át-li. Tại sao không để cho Các-men thay Át-li đi vòng quanh nước Mĩ?

Chúng tôi mua cho Các-men một cuốn sổ xinh xắn để làm nhật kí hành trình và Át-li viết vào trang đầu tiên trong cuốn nhật kí hành trình của Các-men:

“Tên tôi là Át-li và tôi mới lên mười. Tôi xem trên ti vi thấy có một phóng viên đi vòng quanh nước Mĩ bằng cách đi nhờ xe. Tôi rất muốn làm được như vậy, nhưng bố mẹ tôi không đồng ý. Tôi muốn gấu bông Các-men thay tôi làm điều đó. Tiếc là nó không thể tự đi được, bạn có thể giúp nó được không?.... Hãy để Các-men đi cùng bạn và hãy bảo vệ nó. Tôi sẽ nhớ Các-men nhiều lắm.

Những người bạn mới. “Các-men và Át-li.”

Đến khoảng giữa tháng Chín, Các-men trở về nhà trong một cái hộp đóng dấu bưu điện Ha-oai. Cái hộp đựng đầy vật lưu niệm của những vùng đất Các-men đã tới và những con người nó gặp. Một cái mũ rơm vùng Guy-con-sin. Một cái vòng của người da đỏ vùng Che-ro-ki. Một bức ảnh chụp chung với chuột Míc-ki. Một bức ảnh nữa chụp Các-men đang bơi ở một bể bơi A-ri-dô-na. Các-men đã đi tới mười sáu bang, kể cả Ha-oai.

Nhưng Các-men đã mang về nhà còn nhiều hơn thế, nó còn trở về với những người bạn. Những người bạn mà một cô bé mười tuổi sống ở vùng nông thôn I-ô-goa như Át-li đáng lẽ không bao giờ có cơ hội gặp mặt.

(Ma-ri-ta I-guyn)

Khoanh tròn chữ cái trước ý trả lời đúng

1. Át-li mong muốn điều gì khi xem chương trình ti vi?

a- Được đi vòng quanh nước Mĩ như người phóng viên trên ti vi

b- Được bố mẹ đưa đi dạo quanh chơi quanh nước Mĩ cùng với gấu bông

c- Được đi nhờ xe để đến chơi với các bạn khắp nơi trên thế giới

2. Át-li làm thế nào để thực hiện được mong muốn của mình?

a- Xin bố mẹ cho mình tự do dạo quanh nước Mĩ bằng cách đi nhờ xe

b- Cùng với gấu bông Các-men đi nhờ xe để dạo quanh nước Mĩ

c- Cho gấu bông Các-men thay mình đi nhờ xe dạo quanh nước Mĩ

3. Dòng nào dưới đây nêu đúng và đủ những vật lưu niệm mà gấu bông Các-men đem về cho Át-li?

a- Cái hộp đóng dấu bưu điện Ha-oai, mũ rơm vùng Guy-con-sin, cái vòng của người da đỏ vùng Che-ro-ki, ảnh chụp bể bơi A-ri-dô-na.

b- Mũ rơm vùng Guy-con-sin, cái vòng của người da đỏ vùng Che-ro-ki, ảnh chụp với chuột Mic-ki và chụp ở bể bơi A-ri-dô-na.

c- Cái vòng của người da đỏ vùng Che-ro-ki, bức ảnh chụp chung với chuột Míc-ki, ảnh chụp Các-men đang bơi ở bể bơi ở A-ri-dô-na.

4. Em hiểu “những người bạn” trong câu “Nhưng Các-men đã mang về nhà còn nhiều hơn thế, nó còn trở về với những người bạn” là ai?

a- Là những người theo Các-men về nhà sau chuyến vòng quanh nước Mĩ

b- Là những người Các-men gặp gỡ trên đường đi vòng quanh nước Mĩ

c- Là những người bạn tốt bụng đã đưa Các-men đi vòng quanh nước Mĩ

II - Bài tập về Chính tả, Luyện từ và câu, Tập làm văn

Câu 1.

Viết lại các câu thơ cho đúng chính tả sau khi điền vào chỗ trống:

a) s hoặc x

Ai đem con ….áo…ang…ông

Để cho con …áo….ổ lồng bay …a.

b) ong hoặc ông

D….s…..bên lở bên bồi

Cánh đ….vàng….niềm vui đôi bờ.

Câu 2.

a) Gạch dưới bộ phận trạng ngữ trả lời cho câu hỏi “Khi nào?” trong các câu sau:

(1) Đến lúc đường phố lác đác lên đèn, cậu bé mới chịu đứng dậy, lững thững bước ra khỏi công viên.

(2) Cứ vào khoảng năm giờ sáng, tiếng gà lại rộn rã vang lên khắp xóm

(3) Bên bếp lửa bập bùng, các già làng đã kể lại cho con cháu nghe biết bao kỉ niệm vui buồn.

(4) Khi nghe lao xao tiếng bà về chợ, cả lũ cháu chúng tôi đều tíu tít chạy ra đón.

b) Thêm bộ phận trạng ngữ trả lời cho câu hỏi “Khi nào?” cho các vế câu sau:

(1)………………………., trên quảng trường Ba Đình lịch sử, Bác Hồ đã đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

(2)………………………., cậu bé Nguyễn Hiền đã được phong Trạng nguyên.

(3)……………………….. Đác-uyn vẫn không ngừng học.

Câu 3.

a) Gạch dưới bộ phận trạng ngữ trả lời cho câu hỏi “Vì sao?” (hoặc “Nhờ đâu?”) trong các câu sau:

(1) Nhờ chăm chỉ học tập, Minh Trang đạt kết quả tốt tất cả các môn học.

(2) Sau trận mưa rào, mọi vật đều sáng và tươi.

(3) Vì thương con, mẹ tôi không quản thức khuya dậy sớm lo cơm gạo cho anh em tôi ăn học.

(4) Nhờ được chăm bón thường xuyên, vườn rau nhà tôi lúc nào cũng xanh tốt.

b) Thêm bộ phận trạng ngữ trả lời cho câu hỏi “Vì sao?” (hoặc “Nhờ đâu?”) cho các vế câu sau:

(1)………………………., Tuấn Anh bị cảm nắng.

(2)………………………., Lan Anh không trả lời được câu hỏi của cô giáo

(3)………………………….., bé Hoa mặc thêm áo len cho búp bê.

(4)………………………….., Nguyễn Ngọc Ký đã viết chữ rất đẹp.

Câu 4. Viết đoạn mở bài (gián tiếp) và đoạn kết bài (mở rộng) cho bài văn tả con vật nuôi trong nhà hoặc ở vườn thú mà em quan sát được

Mở bài (gián tiếp)

Kết bài (mở rộng)

Đáp án:

I - Bài tập về đọc hiểu

Khoanh tròn chữ cái trước ý trả lời đúng

1. a- Được đi vòng quanh nước Mĩ như người phóng viên trên ti vi

2. c- Cho gấu bông Các-men thay mình đi nhờ xe dạo quanh nước Mĩ

3. b- Mũ rơm vùng Guy-con-sin, cái vòng của người da đỏ vùng Che-ro-ki, ảnh chụp với chuột Mic-ki và chụp ở bể bơi A-ri-dô-na.

4. c- Là những người bạn tốt bụng đã đưa Các-men đi vòng quanh nước Mĩ

II- Bài tập về Chính tả, Luyện từ và câu, Tập làm văn

Câu 1. Điền và viết lại như sau:

a)

Ai đem con sáo sang sông

Để cho con sáo sổ lồng bay xa.

b)

Dòng sông bên lở bên bồi

Cánh đồng vàng óng niềm vui đôi bờ.

Câu 2.

a.

(1) Đến lúc đường phố lác đác lên đèn, cậu bé mới chịu đứng dậy, lững thững bước ra khỏi công viên.

(2) Cứ vào khoảng năm giờ sáng, tiếng gà lại rộn rã vang lên khắp xóm

(3) Bên bếp lửa bập bùng, các già làng đã kể lại cho con cháu nghe biết bao kỉ niệm vui buồn.

(4) Khi nghe lao xao tiếng bà về chợ, cả lũ cháu chúng tôi đều tíu tít chạy ra đón.

b) VD:

(1) Ngày 2 tháng 9 năm 1945, trên quảng trường Ba Đình lịch sử, Bác Hồ đã đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

(2) Năm mười ba tuổi, ậu bé Nguyễn Hiền đã được phong Trạng nguyên.

(3) Khi đã trở thành bác học, Đác-uyn vẫn không ngừng học.

Câu 3:

a)

(1) Nhờ chăm chỉ học tập, Minh Trang đạt kết quả tốt tất cả các môn học.

(2) Sau trận mưa rào, mọi vật đều sáng và tươi.

(3) Vì thương con, mẹ tôi không quản thức khuya dậy sớm lo cơm gạo cho anh em tôi ăn học.

(4) Nhờ được chăm bón thường xuyên, vườn rau nhà tôi lúc nào cũng xanh tốt.

b) Thêm bộ phận trạng ngữ:

(1) Vì mải mê đá bóng giữa trời nắng, Tuấn Anh bị cảm nắng.

(2) Do không ôn bài cũ, Lan Anh không trả lời được câu hỏi của cô giáo

(3) Vì sợ búp bê bị lạnh, bé Hoa mặc thêm áo len cho búp bê.

(4) Nhờ kiên trì luyện tập Nguyễn Ngọc Ký đã viết chữ rất đẹp.

Câu 4:

Mở bài (gián tiếp)

Phương đông vừa ửng hồng, không gian vẫn còn mờ ảo bởi màn sương đêm còn giăng kín. Bỗng một tiếng gáy vang động xé tan màn sương sớm: “Ò! ó! o!” làm cho mọi vật bừng tỉnh giấc. Đó là tiếng gáy của chú gà trống nhà em - chú trống nòi mẹ cho em nuôi kể từ ngày chị em chú bắt đầu sống tự lập. Mới đó mà đã năm, sáu tuần trăng trôi qua.

Kết bài (mở rộng)

Em quý chú gà trống này lắm! Không chỉ vì cái mã của cu cậu lại niềm kiêu hãnh của em đối với bạn bè mà nó còn rất có ích – Tiếng gáy của nó luôn báo thức mọi người dậy đúng giờ để chuẩn bị cho một ngày lao động mới. Cậu ta là như thế đấy! Chăm chỉ chững chạc và thật đáng khen.

Bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 4 Tuần 32 - Đề số 2

Đề bài:

Câu 1: Đọc lại câu chuyện Vương quốc vắng nụ cười và cho biết những chi tiết cho thấy cuộc sống ở vương quốc đó rất buồn?

1. Mặt trời

a. rầu rĩ, héo hon.

2. Chim

b. chưa nở đã tàn.

3. Hoa trong vườn

c. không muốn hót.

4. Gương mặt mọi người

d. tiếng ngựa hí, tiếng sỏi đá lạo xạo dưới

bánh xe, tiếng gió thở dài trên mái nhà

5. Ngay cả kinh đô là nơi nhộn nhịp cũng chỉ nghe thấy

e. không muốn dậy.

Câu 2: Vì sao cuộc sống ở vương quốc ấy lại buồn chán như vậy?

A. Vì nhà vua thường đưa ra những luật lệ hà khắc ép dân làm theo

B. Vì cư dân ở đó ai cũng lười biếng, chỉ thích đóng cửa ngủ trong nhà cả ngày.

C. Vì cư dân ở đó không ai biết cười.

D. Vì nhà vua ra lệnh cho nhân dân không ai được cười đùa, cả ngày phải giữ vẻ mặt lạnh tanh vô cảm

Câu 3: Bài thơ “Ngắm trăng” nói lên điều gì ở Bác Hồ?

A. Bác Hồ là một người rất yêu trẻ nhỏ, yêu thương con người.

B. Bác Hồ là người rất tôn trọng kỉ luật và sống rất nguyên tắc

C. Bác Hồ yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống và lạc quan ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn của chốn lao tù.

D. Bác Hồ lúc nào cũng đau đáu nỗi lo cho nhân dân, cho Tổ quốc

Câu 4: Ý nghĩa của bài thơ Không đề?

A. Tinh thần lạc quan, yêu đời, yêu cuộc sống bất chấp hoàn cảnh kháng chiến đầy gian khổ, thiếu thốn

B. Lối sống nguyên tắc, tôn trọng kỉ luật của Bác Hồ

C. Sự kiên trì và quyết tâm của Bác Hồ trong việc học ngoại ngữ

D. Lòng yêu thể thao, sự quyết tâm, bền bỉ và kiên trì của Bác Hồ trong việc xách bương tưới cây để rèn luyện thân thể

Câu 5: Ý nghĩa của câu chuyện Khát vọng sống?

A. Ca ngợi con người với khát vọng sống mãnh liệt đã vượt qua đói, khát, chiến thắng thú dữ, chiến thắng cái chết.

B. Ca ngợi tình yêu thương, tinh thần đoàn kết giúp con người vượt qua khó khăn, hiểm trở

C. Thất bại là mẹ thành công, đừng nên nản lòng trước thất bại

D. Hướng dẫn con người ta cách sinh tồn nếu phải một mình chống trọi để được sống

Câu 6: Phát hiện lỗi sai trong câu sau và sửa lại

Vườn cây trở lái thì thào

Em nghe đất thở ngọt ngào phù xa

Tháng ba nao nức tháng ba

Ông xấm ông chớp đi xa đã về

Câu 7: Phát hiện lỗi sai trong câu sau và sửa lại

Quê hương là chùm khế ngột

Cho con chèo hái mõi ngày

Quê hương là đường đi học

Con về rợp bướm vàng bay

Câu 8: Tìm trạng ngữ chỉ thời gian có trong các câu sau

Từ ngày còn ít tuổi, tôi đã thích những tranh lợn, gà, chuột, ếch, tranh cây dừa, tranh tố nữ của làng hồ. Mỗi lần Tết đến, đứng trước những cái chiếu bày tranh làng Hồ giải trên các lề phố Hà Nội, lòng tôi thấm thía một nỗi biết ơn đối với những người nghệ sĩ tạo hình của nhân dân.

Câu 9: Tìm trạng ngữ chỉ nguyên nhân trong các câu sau?

a. Chỉ ba tháng sau, nhờ siêng năng, cần cù, cậu vượt lên đầu lớp.

b. Vì rét, những cây lan trong chậu sắt lại.

c. Tại Hoa mà tổ không được khen.

Câu 10: Viết mở bài gián tiếp và kết bài mở rộng cho bài văn miêu tả một con vật mà em đã từng biết hoặc nhìn thấy.

Đáp án:

Câu 1:

1 – e: Mặt trời không muốn dậy.

2 – c: Chim không muốn hót.

3 – b: Hoa trong vườn chưa nở đã tàn.

4 – a: Gương mặt mọi người rầu rĩ, héo hon.

5 – d: Ngay cả kinh đô là nơi nhộn nhịp cũng chỉ nghe thấy tiếng ngựa hí, tiếng sỏi đá lạo xạo dưới bánh xe, tiếng gió thở dài trên mái nhà.

Đáp án đúng: 1 – e, 2 – c, 3 – b, 4 – a, 5 – d

Câu 2:

Cuộc sống ở vương quốc buồn chán kinh khủng vì cư dân ở đó không ai biết cười.

Đáp án đúng: C.

Câu 3:

Bài thơ nói về tình cảm với trăng của Bác trong hoàn cảnh rất đặc biệt. Bị giam cầm trong ngục tù mà Bác vẫn say mê ngắm trăng, xem trăng như một người bạn tâm tình. Bác lạc quan, yêu đời, ngay cả trong những hoàn cảnh tưởng chừng như không thể nào lạc quan được.

Vậy nên bài thơ cho thấy một điều Bác Hồ là người rất yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống và lạc quan ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn của chốn lao tù.

Đáp án đúng: C.

Câu 4:

Ý nghĩa của bài thơ Không đề

Tinh thần lạc quan, yêu đời, yêu cuộc sống bất chấp hoàn cảnh kháng chiến đầy gian khổ, thiếu thốn

Đáp án đúng: A.

Câu 5:

Ý nghĩa câu chuyện Khát vọng sống

Ca ngợi con người với khát vọng sống mãnh liệt đã vượt qua đói, khát, chiến thắng thú dữ, chiến thắng cái chết.

Đáp án đúng: A.

Câu 6:

Phát hiện lỗi sai và sửa lại:

xa -> sa, xấm -> sấm

Câu 7:

Phát hiện lỗi sai và sửa lại:

ngột -> ngọt, mõi -> mỗi

Câu 8:

Từ ngày còn ít tuổi, tôi // đã thích những tranh lợn, gà, chuột, ếch, tranh cây dừa, tranh tố nữ

TrN CN VN

của làng hồ.

Mỗi lần Tết đến, đứng trước những cái chiếu bày tranh làng Hồ giải trên các lề phố Hà

TrN

Nội, lòng tôi // thấm thía một nỗi biết ơn đối với những người nghệ sĩ tạo hình của nhân dân.

CN VN

Các trạng ngữ chỉ thời gian xác định được là: Từ ngày còn ít tuổi, Mỗi lần Tết đến, đứng trước những cái chiếu bày tranh làng Hồ giải trên các lề phố Hà Nội

Câu 9:

a. Chỉ ba tháng sau, nhờ siêng năng, cần cù, cậu // vượt lên đầu lớp.

TrN CN VN

b. Vì rét, những cây lan trong chậu // sắt lại.

TrN CN VN

c. Tại Hoatổ // không được khen.

TrN CN VN

Câu 10:

- Mở bài gián tiếp:

Nhân sinh nhật lần thứ 9 của em, mẹ em tặng cho em một chú mèo bằng bông rất đẹp. Em quý món quà này lắm và thầm ao ước giá như mình có một con mèo thật, cũng xinh xắn và duyên dáng như thế. Một hôm, ba em đi công tác về, mang theo một con mèo xinh ơi là xinh ! Em thích lắm và đặt tên cho chú là Mimi.

- Kết bài mở rộng:

Từ ngày có Mimi trong nhà, lũ chuột dường như biến mất. Con mèo như một vị chúa tể bước đi đầy quyền uy trong lãnh địa của mình. Cả nhà em ai cũng yêu chú. Mẹ em còn gọi đùa chú là “Con hổ nhỏ”. Dường như chú cũng biết mọi người yêu quý mình nên chú dụi đầu hết vào chân người này lại sang chân người khác. Trông chú đáng yêu và đáng quý.

Xem thêm các bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 4 chọn lọc, hay khác:

Bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 4 Tuần 30

Bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 4 Tuần 31

Bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 4 Tuần 33

Bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 4 Tuần 34

Bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 4 Tuần 35

1 1,321 05/03/2024
Mua tài liệu