Bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 4 (Kết nối tri thức) Tuần 22 có đáp án

Bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 4 Tuần 22 sách Kết nối tri thức có đáp án như là một đề kiểm tra cuối tuần gồm các bài tập từ cơ bản đến nâng cao sẽ giúp học sinh ôn tập để biết cách làm bài tập Tiếng Việt lớp 4.

1 2,146 05/03/2024
Mua tài liệu


Chỉ từ 300k mua trọn bộ Bài tập cuối tuần Tiếng việt lớp 4 Kết nối tri thức bản word có lời giải chi tiết:

B1: Gửi phí vào tài khoản 0711000255837 - NGUYEN THANH TUYEN - Ngân hàng Vietcombank (QR)

B2: Nhắn tin tới zalo Vietjack Official - nhấn vào đây để thông báo và nhận tài liệu.

Xem thử tài liệu tại đây: Link tài liệu

Bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 4 Kết nối tri thức Tuần 22

Bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 4 Tuần 22 - Đề số 1

Đề bài:

I- Bài tập về đọc hiểu

Mùa thu trong tôi

Sáng sớm buổi đầu thu, không khí khác lạ thường. Cái lành lạnh thoáng qua làm tôi giật mình nhận ra. Không có cái nóng bức sớm sủa của buổi sáng mùa hè. Đường chân trời không xa thẳm, bình minh không còn vẻ gắt gỏng. Từng tia nắng nhẹ nhàng và yếu ớt còn trốn sau những đám sương mù, vẫn muốn đùa nghịch trên ngọn cây nơi sườn đồi xa xa. Từng cơn gió nhẹ thoảng qua. Một mùa thu nữa lại đến.

Suốt mười một năm trôi qua, đây là lần đầu tiên tôi cảm nhận được từng ngày mùa thu đến. Phải chăng mình đã lớn. Thời gian trôi nhanh thật đấy! Mới ngày nào, khi lần đầu tiên đượcnghe thấy từ “mùa thu’, tôi còn hỏi mẹ:

- Mẹ ơi mùa thu là gì? Nó thế nào hả mẹ?

Vậy mà bây giờ tôi đã có thẻ giải thích thế nào là mùa thucho em nhỏ rồi.

Mùa thu. Mùa của tựu trường, mùa đi xây những ước mơ, mùa mà rừng bắt đầu chuyển sang màu vàng ối. Mùa thu cũng là mùa thôi thúc cái gọi là ý chí trong tôi, nó nhắc cho tôi nhớ đến nhiệm vụ mà mình phải cố gắng trong năm học tới.

Mẹ ơi, con làm được mẹ ạ! Con sẽ nuôi ước mơ của con và cả của mẹ nữa, không chỉ trong mùa thu mà cả mùa đông, mùa xuân, mùa hạ. Suốt cả bốn mùa mẹ ơi.

(Khuất Minh Quyên)

Khoanh tròn chữ cái trước ý trả lời đúng

1. Bài văn miêu tả thời điểm nào của mùa thu?

a- Đầu mùa thu

b- Giữa mùa thu

c- Cuối mùa thu

2. Sáng ớm mùa thu được miêu tả bằng hình ảnh nào?

a- Không có cái nóng bức sớm sủa của buổi sáng mùa hè

b- Đường chân trời trở nên xa thẳm, bình minh vẫn còn vẻ gắt gỏng

c- Từng tia nắng nhẹ nhàng, yếu ớt trốn sau những đám sương mù, từng cơn gió nhẹ thoảng qua.

3. Hai dòng nào dưới đây nêu đúng cảm nhận của tác giả về mùa thu vào năm mười một tuổi?

a- Mùa thu kế tiếp sau mùa hè làm cho ta biết kì vui chơi đã hết

b- Mùa thu là mùa tựu trường, mùa đi xây những ước mơ

c- Mùa thu là mùa thôi thúc ý chí, tinh thần cố gắng học tập của tác giả

4. Trong đoạn cuối bài, tác giả thầm hứa với mẹ điều gì?

a- Vào mùa thu sẽ quyết tâm học tốt

b- Quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ học tập của mình trong suốt bốn mùa

c- Sẽ làm cho mẹ rõ ước mơ của mình và của mẹ trong suốt bốn mùa.

II- Bài tập về Chính tả, Luyện từ và câu, Tập làm văn

Câu 1. Gạch dưới các chữ viết sai chính tả (l /n, ut/ uc) trong mỗi câu tục ngữ, ca dao rồi chép lại các câu đó cho đúng:

a) Trông cho chân cứng đá mềm

Trời yên bể nặng mới yên tấm nòng.

b) Nời nói chẳng mất tiền mua

Nựa nời mà nói cho vừa nòng nhau.

c) Nước lục thì lúc cả làng

Muốn cho khỏi lục, thiếp chàng cùng lo.

d) Giữ quần áo lút mới may, giữ thanh danh lút còn trẻ.

Câu 2.

a) Dùng dấu gạch chéo (/) tách bộ phận chủ ngữ và bộ phận vị ngữ của các câu sau:

(1) Mặt trời cuối thu nhọc nhằn chọc thủng màn sương từ từ nhô lên ngàn cây trên dãy núi đồi lẹt xẹt. (2) Bầu trời dần tươi sáng. (3) Tất cả thung lũng đều hiện màu vàng. (4) Hương vị thôn quê đầy vẻ quyến rũ của mùi lúa chín ngào ngạt.

b) Nối từng câu ở cột trái với những nhận xét về chủ ngữ của câu ở cột phải cho thích hợp:

(a) Câu 1

(1) Chủ ngữ do danh từ tạo thành

(b) Câu 2

(2) Chủ ngữ do cụm danh từ tạo thành

(c) Câu 3

(3) Chủ ngữ chỉ sự vật có đặc điểm, tính chất nêu ở vị ngữ

(d) Câu 4

(4) Chủ ngữ chỉ sự vật có trạng thái được nêu ở vị ngữ

Câu 3. Tìm 3 từ khác nhau có tiếng tuyệt điền vào 3 chỗ trống trong các câu sau cho thích hợp:

a) Nàng Bạch Tuyết đẹp……………………………………………

b) Vịnh Hạ Long là một món quà………………..thiên nhiên dành cho đất nước ta.

c) Bức tượng Thần Vệ nữ quả là một …………………………..

Câu 4. Viết đoạn văn (khoảng 8 câu) tả một bộ phận của cây mà em thích

Gợi ý: Khi tả cần nêu cụ thể, chân thực những nét tiêu biểu về bộ phận đã chọn tả (gốc hoặc thân, cành, lá, hoa….) dùng từ ngữ gợi tả, sử dụng cách so sánh, nhân hóa thích hợp để đoạn văn thêm sinh động, hấp dẫn.

Đáp án:

I- Bài tập về đọc hiểu

1. a- Đầu mùa thu

2. c- Từng tia nắng nhẹ nhàng, yếu ớt trốn sau những đám sương mù, từng cơn gió nhẹ thoảng qua.

3. b- Mùa thu là mùa tựu trường, mùa đi xây những ước mơ

và c- Mùa thu là mùa thôi thúc ý chí, tinh thần cố gắng học tập của tác giả

(4). b- Quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ học tập của mình trong suốt bốn mùa

II – Bài tập về Chính tả, Luyện từ và câu, Tập làm văn

Câu 1:

Giải đáp

a)

Trông cho chân cứng đá mềm

Trời yên bể lặng mới yên tấm lòng.

b)

Lời nói chẳng mất tiền mua

Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.

c)

Nước lụt thì lút cả làng

Muốn cho khỏi lụt, thiếp chàng cùng lo.

d) Giữ quần áo lúc mới may, giữ thanh danh lúc còn trẻ.

Câu 2.

a) Đáp án (gạch chéo):

- (1) Mặt trời cuối thu // nhọc nhằn chọc thủng màn sương từ từ nhô lên ngàn cây trên dãy núi đồi lẹt xẹt.

- (2) Bầu trời // dần tươi sáng.

- (3) Tất cả thung lũng // đều hiện màu vàng.

- (4) Hương vị thôn quê // đầy vẻ quyến rũ của mùi lúa chín ngào ngạt.

b) Nối (a) – (2), (4) (b)-(1),(3) (c)-(2),(4) (d)-(2),(3)

Câu 3.

a) tuyệt trần

b) tuyệt diệu

c) tuyệt tác

Câu 4. Tham khảo:

- Đoạn văn tả hoa cúc:

Đầu mỗi cành là một chùm nụ với hàng chục chiếc xinh xinh như những cúc áo màu xanh nhạt. Dăm ba chiếc nụ hé nở với những cánh vàng e ấp. Hoa cúc đẹp nhất lúc mãn khai. Cánh xòe tròn, xếp thành nhiều lớp bao quanh nhụy.Hoa lớn, bông nọ sát bông kia tạo thành một mảng vàng rực nổi bật trên nền lá xanh, trông tuyệt đẹp. Nắng càng lên, sắc hoa càng lộng lẫy, hương thơm càng ngào ngạt. Mấy chú ong rúc đầu vào hút mật hoa. Trên cao, cánh bướm dập dờn đùa với những bông hoa tươi xinh như gương mặt ngời sáng niềm vui…

- Đoạn văn tả quả bưởi:

Lúc hoa bưởi rụng trắng xóa một khoảng vườn nhà cũng là lúc trái non đã điểm trên những cành cây. Ban đầu, đó chỉ là những chấm xanh non nớt, mơ hồ ở đầu cành. Rồi trái lớn dần lên: lúc đầu như những chiếc cúc màu lục nhạt, sau như một quả cầu nhỏ. Đến tháng Tám, trái bưởi chín vàng chiu chít trên cây như những chiếc đèn lồng thắp giữa tán lá của mùa thu. Có thể nghe thấy những tiếng thủ thỉ dịu dàng,tiếng thầm thì âu yếm như những lời yêu thương thốt lên từ trong tán lá: “Ôi! Đây là món quà của ánh sáng, của đất trời chắt chiu suốt cả mùa xuân mướt mát, mùa hạ chói chang và mùa thu rực rỡ!”. Lúc này, một mùi hương như được chưng cất từ rất lâu ngày, thoang thoảng tỏa ra từ trái bưởi vàng ươm. Hương thơm không còn choáng váng nữa mà như lặn sâu vào trong vị ngọt êm ái của trái cây mùa thu. Thứ trái cây ấy làm ta xao xuyến nhớ đến vầng trăng lơ lửng giữa bầu trời đêm rằm…

Bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 4 Tuần 22 - Đề số 2

Đề bài:

Câu 1: Em hãy đọc bài Sầu riêng và cho biết nội dung của từng đoạn là gì?

1. Đoạn văn 1

a. Miêu tả hương vị của trái sầu riêng

2. Đoạn văn 2

b. Miêu tả dáng cây sầu riêng

3. Đoạn văn 3

c. Miêu tả hoa và quả sầu riêng

Câu 2: Ý nghĩa của bài Sầu riêng?

A. Hiểu được nguồn gốc hình thành cây sầu riêng

B. Biết được rằng sầu riêng là thức quả rất phù hợp cho việc phát triển kinh tế

C. Hiểu giá trị và vẻ đặc sắc của cây sầu riêng

D. Biết được những thông tin quý giá về địa phương có truyền thống trồng sầu riêng

Câu 3: Trong bài Chợ Tết, người các ấp đi chợ Tết trong khung cảnh đẹp như thế nào?

1. Mặt trời lên

a. Nhảy nhót ngoài ruộng lúa

2. Núi cũng làm duyên

b. làm ửng hồng những dải mây trắng và làn sương sớm

3. Những giọt sương đầu cành

c. như được thoa son, phơi mình dưới ánh bình minh

4. Những tia nắng

d. uốn mình trong chiếc áo the xanh

5. Những quả đồi

e. như những giọt sữa thỉnh thoảng rỏ xuống

Câu 4: Trong bài Chợ Tết, mỗi người đến chợ Tết với những dáng vẻ ra sao?

1. Những thằng cu

a. gánh lợn chạy đi đầu

2. Vài cụ già

b. che môi lặng lẽ cười

3. Cô yếm thắm

c. áo đỏ chạy lon xon

4. Em bé

d. chống gậy bước lom khom

5. Hai người trong thôn

e. nép đầu bên yếm mẹ

Câu 5: Giải câu đố sau biết rằng tên của sự vật cần tìm có vần ut hoặc uc

Không phải bò, không phải trâu

Uống nước ao sâu, lên cày ruộng cạn

Đáp án là cái ….

Câu 6: Trong các trường hợp sau, những trường hợp nào mắc lỗi chính tả?

a) Nói năng

b) Lăng lổ

c) Loang lổ

d) Ní nuận

e) Nóng nảy

f) Lăn lỉ

Câu 7: Tìm các chủ ngữ của câu kể Ai thế nào? trong đoạn văn dưới đây?

Tay mẹ không trắng đâu. Bàn tay mẹ rám nắng, các ngón tay gầy gầy, xương xương. Hai bàn tay xoa vào má cứ ram ráp nhưng không hiểu sao Bình rất thích. Hằng ngày, đôi bàn tay của mẹ phải làm biết bao nhiêu là việc.

Câu 8: Dưới đây là một đoạn văn nói về một loại trái cây trong đoạn văn có sử dụng một số câu kể Ai thế nào? Em hãy tìm ra câu kể đó?

Mùa hè nóng nực đã đến rồi! Giá như được ngồi trên biển tắm mát và ăn dưa hấu thì thật tuyệt. Dưa hấu vỏ ngoài xanh bóng. Ruột bên trong đỏ mịn. Những chiếc hạt đen nhánh như điểm tô thêm phần hấp dẫn. Thật là thức quả của mùa hè!

Câu 9: Tìm những từ ngữ thể hiện vẻ đẹp của thiên nhiên, cảnh vật hoặc con người có trong những câu sau

Chị Lan vừa dịu dàng lại còn thùy mị, nết na.

Cảnh vật thật tráng lệ và hùng vĩ.

Câu 10: Ý nghĩa câu chuyện Con vịt xấu xí?

A. Từ xưa đến nay, loài vịt có truyền thống nuôi con cho thiên nga

B. Không lấy mình ra làm mẫu để đánh giá người khác, mỗi người đều có một vẻ đẹp riêng. Cần biết sống yêu thương những người xung quanh mình.

C. Biết sống dũng cảm và theo đuổi ước mơ của mình

D. Vào mùa đông, thiên nga thường bay về phương nam tránh rét và bỏ các con ở lại

Câu 11: Viết một đoạn văn từ 5 – 7 câu miêu tả về thân, lá, gốc (hoặc hoa, quả) của một cây mà em biết. (Chú ý sử dụng mẫu câu Ai thế nào?)

Đáp án:

Câu 1:

- Đoạn văn thứ nhất (Từ đầu đến “…quyến rũ đến kì lạ”): Miêu tả hương vị của trái sầu riêng

- Đoạn văn thứ hai (Tiếp đến “…tháng tư, tháng năm ta”): Miêu tả hoa và quả sầu riêng

- Đoạn văn thứ ba (còn lại): Miêu tả dáng cây sầu riêng

Vậy nên: 1 – a, 2 – c, 3 – b

Đáp án đúng: 1 – a, 2 – c, 3 – b

Câu 2:

Ý nghĩa của bài Sầu riêng:

Hiểu giá trị và vẻ đặc sắc của cây sầu riêng

Đáp án đúng: C.

Câu 3:

1 – b: Mặt trời lên – làm ửng hồng những dải mây trắng và làn sương sớm

2 – d: Đồi núi cũng làm duyên – uốn mình trong chiếc áo the xanh

3 – e: Những giọt sương đầu cành – như những giọt sữa thỉnh thoảng rỏ xuống

4 – a: Những tia nắng – nhảy nhót ngoài ruộng lúa

5 – c: Những quả đồi – như được thoa son, phơi mình dưới ánh bình minh

Đáp án đúng: 1 – b, 2 – d, 3 – e, 4 – a, 5 – c

Câu 4:

1 – c: Những thằng cu – áo đỏ chạy lon xon

2 – d: Vài cụ già – chống gậy bước lom khom

3 – b: Cô yếm thắm – che môi cười lặng lẽ

4 – e: Em bé – nép đầu bên yếm mẹ

5 – a: Hai người trong thôn – gánh lợn chạy đi đầu

Đáp án đúng: 1 – c, 2 – d, 3 – b, 4 – e, 5 – a

Câu 5:

Đáp án là cái bút

“uống nước ao sâu”là chỉ khi bơm mực, “lên cày ruộng cạn” chỉ khi bút được viết trên giấy.

Câu 6:

Trong các trường hợp đã cho, trường hợp mắc lỗi chính tả là:

- Lăng lổ

- Ní nuận

- Lăn lỉ

Sửa lỗi sai: lăng lổ -> năng nổ, ní nuận -> lí luận, lăn lỉ -> năn nỉ

Câu 7:

- Xác định các câu kể Ai thế nào? có trong đoạn văn:

Tay mẹ không trắng đâu.

Bàn tay mẹ rám nắng, các ngón tay gầy gầy, xương xương.

- Phân tích các thành phần C – V có trong các câu vừa tìm được:

Tay mẹ // không trắng đâu.

CN VN

Bàn tay mẹ // rám nắng, các ngón tay // gầy gầy, xương xương.

CN1 VN1 CN2 VN2

Vậy nên các chủ ngữ tìm được là: Tay mẹ, Bàn tay mẹ

Câu 8:

Những câu kể ai thế nào? có trong đoạn văn là:

Dưa hấu vỏ ngoài xanh bóng.

Ruột bên trong đỏ mịn.

Những chiếc hạt đen nhánh như điểm tô thêm phần hấp dẫn.

Câu 9:

Các từ ngữ thể hiện vẻ đẹp của thiên nhiên, cảnh vật hoặc con người là: dịu dàng, thùy mị, nết na, tráng lệ, hùng vĩ

Câu 10:

Ý nghĩa câu chuyện Con vịt xấu xí?

Không lấy mình ra làm mẫu để đánh giá người khác, mỗi người đều có một vẻ đẹp riêng. Cần biết sống yêu thương những người xung quanh mình.

Đáp án đúng: B.

Câu 11:

Thân cây hoa hồng nhỏ, thấp, chia làm nhiều cành, nhánh mảnh mai. Lá hồng nhỏ, màu xanh thẫm, có răng cưa viền quanh mép lá. Ở thân và cành mọc ra những chiếc gai ngắn nhưng nhọn sắc. Hồng thường nhú nụ ở đầu cành. Nụ hoa lúc đầu có màu xanh nhạt và chỉ bé bằng cái hạt chanh. Nụ hoa lớn dần lên và hé nở để lộ ra màu đỏ của cánh hoa. Khi hoa đã nở bung, những cánh hoa đỏ thắm xếp chồng lên nhau. Giữa hoa có nhị hoa màu vàng. Hoa hồng mềm mại và mong manh, dịu dàng và kiêu sa. Buổi sáng sớm, khi ngắm những bông hoa còn long lanh một vài giọt sương đêm, thì em thích thú vô cùng. Từ những cánh hồng, một mùi thơm dịu nhẹ bay ra thơm ngát.

Xem thêm các bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 4 chọn lọc, hay khác:

Bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 4 Tuần 23

Bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 4 Tuần 24

Bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 4 Tuần 25

Bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 4 Tuần 26

Bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 4 Tuần 27

1 2,146 05/03/2024
Mua tài liệu