TOP 10 mẫu Giới thiệu về Thời gian (2024) SIÊU HAY

Giới thiệu về Thời gian gồm 10 bài văn mẫu hay nhất, chọn lọc giúp học sinh viết bài tập làm văn lớp 11 hay hơn.

1 232 11/07/2024


Giới thiệu về Thời gian

Đề bài: Em hãy viết bài giới thiệu về tác phẩm nghệ thuật Thời gian.

TOP 10 mẫu Giới thiệu về Thời gian (2024) SIÊU HAY (ảnh 1)

Giới thiệu về Thời gian - mẫu 1

V. Shklovski cho rằng đặc trưng của nghệ thuật là sự “lạ hóa”. Theo ông, nghệ sĩ đã sáng tạo ra những cách diễn đạt mới lạ để làm cho từ ngữ được “phục sinh” dưới hình thức mới. Nhờ đó, mỗi lần tiếp cận tác phẩm văn chương, bạn đọc khám phá thêm một chân trời ngôn ngữ mới lạ. Ngày nay, thuật ngữ “lạ hóa” được mở rộng nghĩa. Người ta nghiên cứu những cách ngắt nhịp bất thường, lối vắt dòng đặc biệt trong thơ văn, các phương tiện và biện pháp tu từ như hài thanh, chơi chữ, đảo ngữ… Chúng ta cũng có thể thấy rõ thủ pháp này trong bài “Thời gian” của Văn Cao.

Theo hình thức cấu trúc thông thường, mỗi đoạn thơ có bốn câu và tổng số câu trong bài là số chẵn (4, 8, 16…). Nhưng bài “Thời gian” của Văn Cao không theo quy luật chung đó. Số câu trong mỗi đoạn không ổn định, đoạn đầu bốn câu và đoạn cuối ba câu. Số câu trong mỗi đoạn theo hướng giảm dần. Đó là cái lạ của bài thơ, xét về cấu trúc đoạn và văn bản.

Toàn bài thơ có 12 dòng nhưng không hẳn là 12 câu vì nó có những câu vắt qua nhiều dòng. Ví dụ: “Rơi / như tiếng sỏi/ trong lòng giếng cạn” (Ba dòng nhưng chỉ có một câu). Hay “ Riêng những câu thơ / còn xanh” (Hai dòng nhưng chỉ một câu). Cũng có thể hiểu 12 dòng ấy chỉ có một câu vì toàn bộ bài thơ không có dấu chấm cuối câu. Đó là một cấu trúc mơ hồ khó hiểu.

Theo chuẩn ngữ pháp thông thường thì mỗi câu phải đảm bảo được đầy đủ hai thành phần nòng cốt của câu, đó là chủ ngữ và vị ngữ. Nhưng trong bài “Thời gian” của Văn Cao, phần lớn là câu đặc biệt hoặc không xác định được thành phần nòng cốt của câu. Có câu theo cấu trúc đặc biệt như: “ Rơi”. Có câu không xác định được thành phần nòng cốt: “Làm khô những chiếc lá”. Câu này có thể hiểu là chỉ có vị ngữ (cần thêm vào chủ ngữ: “cơn gió…”. Cũng có thể hiểu câu này chỉ có chủ ngữ (cần thêm vị ngữ : “đang xanh tươi”). Tuy nhiên có câu có đầy đủ cả chủ ngữ và vị ngữ nhưng vẫn mơ hồ. Chẳng hạn như câu: “ Thời gian qua kẽ tay”. Đối với Văn Cao thời gian không vô hình mà là một khối vật chất có thể cân đo đong đếm, có thể cầm được trên tay. Đó là hình tượng ẩn dụ có tính khái quát cao, hé mở một góc nhìn về thời gian vào cuộc sống nghiệt ngã của đời người mà ai cũng phải trải qua, đấy là quy luật của sinh và tử.

Nhịp điệu của câu thơ cũng lạ thường và rất linh hoạt. Chẳng hạn như : “Rơi / như / tiếng sỏi / trong lòng giếng cạn.” Có thể ngắt nhịp cho câu này là 2/2/4. Nhưng tác giả lại ngắt câu này thành ba dòng đưa “tiếng sỏi và trong lòng giếng cạn” xuống hàng thành từng dòng riêng nhấn mạnh tiếng rơi của hồi ức khô khốc nặng nề, đó là tiếng rơi kỷ niệm chẳng hề êm dịu nếu như không muốn nói rằng đó là tiếng rơi chát đắng của dĩ vãng xuống nền hiện tại cằn cỗi. Câu “Rơi” chỉ có một âm tiết, đứng thành một dòng riêng để nhấn mạnh ý, tạo ra một nhạc điệu đặc biệt. Mấy câu thơ cứ nặng dần, nặng dần và bị chia cắt bởi lối xuống dòng bất chợt. Hình như có cái gì đó không được trôi chảy, hanh thông và biết đâu trong đấy còn những trắc ẩn chìm khuất chưa được giãi bày.

Ngoài ra Văn Cao còn dùng thủ pháp “lạ hóa” từ ngữ, cú pháp. Cấu trúc của thơ không chỉ thể hiện ở bề mặt văn bản mà còn thể hiện ở tầng sâu ngữ nghĩa của nó. Bài thơ “Thời gian” cũng vậy, điều tác giả muốn nói đều nằm ở bên ngoài con chữ, phía sau những hình ảnh do con chữ tạo ra. Để thấy được cấu trúc phức tạp của bài thơ, ta hãy xem đoạn đầu của bài thơ. Bốn câu thơ đầu nói lên sức mạnh tàn phá của thời gian. Thời gian để lại dấu ấn trên ta với những đổi thay về thể xác, tâm hồn qua mỗi chặng đời tựa sự an bài không gì cưỡng lại được. Điều ấy, được diễn đạt ở bài thơ này thật giản dị với những thi ảnh, âm thanh không hề xa lạ cao siêu với chúng ta: Thời gian qua kẽ tay / Làm khô những chiếc lá / Kỷ niệm trong tôi / Rơi / Như / tiếng sỏi / trong lòng giếng cạn. Thời gian trôi chảy từ từ, nhẹ, im, tưởng như yếu ớt, thời gian cứ từ từ trôi “qua kẽ tay” và âm thầm “làm khô những chiếc lá”. “Chiếc lá” vừa có nghĩa thực, cụ thể vừa có nghĩa bóng, ẩn dụ. Nó vừa là chiếc lá trên cây, mới hôm này còn xanh tươi sự sống thế mà chỉ một thời gian lọt “qua kẽ tay”, là lá đã chết. Nó vừa là những chiếc lá cuộc đời trên cái cây cuộc sống mà khi thời gian trôi đi, sự sống cứ rụng dần như những chiếc lá. Chiếc lá hay chính là những mảnh đời đang trôi đi theo nhịp thời gian ? Những chiếc lá khô, những cuộc đời ngắn ngủi và những kỉ niệm của đời người cũng sẽ bị rơi vào quên lãng (hòn sỏi rơi vào lòng giếng cạn đầy bùn cát thì chẳng có tiếng vang gì cả). Như thế cuộc đời và những kỉ niệm đều nhạt dần và tàn phai theo thời gian. Những kỉ niệm trong đời thì “Rơi / như tiếng sỏi / trong lòng giếng cạn”. Thật nghiệt ngã. Đó là quy luật băng hoại của thời gian.

Cuộc sống của mỗi người có hạn, sự sống luôn tiếp diễn. Ý nghĩa của cuộc sống ở đâu, người đi trước tồn tại ở người đi sau cái gì? Đó là điều trăn trở muôn thuở của nhân loại. Văn Cao gói gọn quan niệm của mình qua 3 câu thơ cuối của bài “ thời gian”.

Thế nhưng trong cuộc sống vẫn có những điều tồn tại mãnh liệt với thời gian, đó là:

Riêng những câu thơ

còn xanh

Riêng những bài hát

còn xanh

Vấn đề ở đây là ai cũng nhận ra quy luật ấy nhưng không phải ai cũng có thể làm cho mình bất tử cùng thời gian. Vậy mà cũng có những giá trị mang sức sống mãnh liệt chọi lại với thời gian, bất tử cùng thời gian. Đó là sức mạnh vượt thời gian của thi ca và âm nhạc (hiểu rộng ra là nghệ thuật). Dĩ nhiên là “những câu thơ”,“những bài hát”, những tác phẩm nghệ thuật đích thực, đó là những hình ảnh ẩn dụ gợi lên những sáng tạo nghệ thuật làm giàu đẹp cho tâm hồn con người, đồng thời khẳng định sự bất tử của nghệ thuật. Tại sao tác giả lại dùng từ “xanh” để lặp lại mà không dùng từ khác chẳng hạn như: đỏ, hồng,…Bởi lẽ “xanh” là sự xanh tươi, luôn mới mẻ và sẽ trường tồn với thời gian. Biện pháp điệp ngữ “xanh” được láy lại như “chọi” lại với chữ “khô” trong câu thứ nhất nhầm nhấn mạnh thái độ thách thức chống lại tác động của thời gian và nói lên sự tồn tại mãi mãi với thời gian. Đó là nghệ thuật khi đã đạt đến độ kết tinh xuất sắc sẽ tươi xanh mãi mãi, bất chấp thời gian.

Bài thơ khép lại bằng câu thơ đầy xúc động:

Và đôi mắt em

như hai giếng nước

Câu kết thật bất ngờ thể hiện vẻ đẹp, ý nghĩa và sức sống của những kỉ niệm tình yêu: Đôi mắt em mang nghĩa ẩn dụ cho những kỉ niệm đẹp của tình yêu được so sánh với hai giếng nước, gợi vẻ đẹp, chiều sâu, sự trong mátngọt lành. Tác giả thật tinh tế khi so sánh đôi mắt như hai giếng nước, điều đó đã gợi lên được sự trong trẻo, trong sáng và sẽ luôn đồng hành cùng với thời gian. Những kỉ niệm đẹp đẽ ấy sẽ còn đọng lại mãi trong tâm hồn và bất chấp thời gian.

Bút pháp “lạ hóa” được sử dụng nhiều trong thơ ca, nó không chỉ lạ hóa ở hình ảnh mà còn ở ngôn ngữ. Cấu trúc của ngôn ngữ thơ đa phần rất khác biệt so với lời nói thông thường. Bài thơ “Thời gian” của Văn Cao gợi cho ta các thủ thuật làm thơ và đọc thơ. Văn Cao đã dùng các hình thức ngôn từ mang nhiều tầng nghĩa tượng trưng kết hợp với rất nhiều biện pháp tu từ và đặc biệt là cách ngắt dòng, ngắt nhịp sáng tạo mới lạ để nêu lên vấn đề về thời gian trong cuộc sống của con người. Thời gian trôi qua rất nhanh và không bao giờ dừng lại, thời gian từ từ lặng lẽ tàn phá dần từng phần cuộc đời của con người. Chỉ có văn học nghệ thuật và những kỉ niệm đẹp về tình yêu là có sức sống lâu dài và không bị thời gian hủy hoại. Và chính cách dùng từ ngữ thể hiện tầng sâu ngữ nghĩa đã làm cho người đọc tham gia khám phá, giả mã và cảm thấy hứng thú. Qua đó người đọc nhận ra rằng, cần phải có niềm tin tưởng và thái độ trân trọng văn học nghệ thuật và tình yêu đôi lứa.

Giới thiệu về Thời gian - mẫu 2

Chào thầy cô và các bạn! Tôi tên là… Sau đây, tôi xin trình bày những ý kiến của mình về bài nói và nghe: Giới thiệu tác phẩm nghệ thuật “Thời gian”.

Bài thơ Thời gian ra đời vào mùa xuân năm 1987. Lúc này nhạc sĩ / thi sĩ Văn Cao đã để lại phía sau cuộc đời mình với biết bao trải nghiệm vui buồn... Dù chỉ có 7 câu, 12 dòng, 42 chữ, nhưng chất triết luận cùng những thông điệp mang ý nghĩa nhân sinh sâu sắc của bài thơ đã lắng lại trong tâm hồn người đọc, gợi nhiều suy ngẫm về con người và cuộc sống, mặc cho dòng thời gian trôi chảy không ngừng.

Mở đầu bài thơ ta bắt gặp một hình ảnh được “lạ hóa”: Thời gian qua kẽ tay – hình ảnh thơ gợi liên tưởng đến sự tương phản giữa cái hữu hình và vô hình, cái hữu hạn và vô hạn. Như một tất yếu, sự hiện hữu của thời gian trong cuộc đời mỗi người là hữu hạn, bởi thời gian ấy so với cái “vô thủy vô chung” của vũ trụ thì hư ảo, mong manh, ngắn ngủi vô cùng! Chính vì vậy, thi nhân tự bao đời đã ngậm ngùi xa xót trước bước đi của thời gian và sự vô nghĩa của phận người... nên Nguyễn Gia Thiều đã cảm nhận đầy chua chát trong Cung oán ngâm khúc nổi tiếng của ông:

“Trăm năm nào có gì đâu

Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì”

Như một quy luật hiện sinh, thời gian qua đi là miên viễn không bao giờ trở lại. Sự nghiệt ngã ấy chính là bi kịch của phận người, con người không thể nào nắm giữ, níu kéo được được thời gian. Triết gia Heraclite đã xác quyết: “không ai có thể tắm hai lần trên cùng dòng sông”, cuộc đời mỗi người không thể sống hai lần…Mỗi bước đi, thời gian luôn làm biến đổi từng sát na hiện hữu, sức tàn phá của thời gian là khôn lường:

Làm khô những chiếc lá

Kỷ niệm trong tôi

Rơi

như tiếng sỏi

trong lòng giếng cạn

Những chiếc lá xanh rồi cũng tàn tạ theo thời gian. Những được mất trong cuộc đời rồi cũng nhạt nhòa theo năm tháng. Có chăng, cái còn lại trong cuộc đời này là giọt giọt những kết tinh kỷ niệm…những kỷ niệm – như hạt ngọc quý giá ngày càng lắng sâu trong tâm thức khi con người ngày càng chạm đến cõi vĩnh hằng. Và những kỷ niệm ấy rồi sẽ theo con người lìa xa cõi sống để sang phía bên kia miền miên viễn…mọi ái, ố, hỉ, nộ rồi cũng sẽ tan biến theo dòng chảy của thời gian… Bài thơ, vì thế, đã thức nhận cho chúng ta cái ý nghĩa nhân sinh tưởng như bình thường mà không phải ai cũng nhận biết được khi con người luôn đắm chìm trong quá nhiều tham vọng của cuộc sống…Ý niệm về thời gian trong bài thơ của Văn Cao, vì thế mang tư tưởng hiện sinh tích cực. Thông điệp toát lên từ hình tượng nghệ thuật của bài thơ mang giá trị nhân văn sâu sắc: khi nhận thức được qui luật nghiệt ngã của thời gian con người phải biết trân quý sự hiện hữu của mình. Chúng ta phải làm thế nào để mỗi phút giây hiện hữu của đời người là mỗi phút giây sống chứ không phải là tồn tại!? Câu hỏi đầy tính chất tự vấn này sẽ không bao giờ là điều xưa cũ trong tâm thức hiện sinh của nhân loại trên con đường khám phá những giá trị vĩnh hằng để vượt qua sự khắc nghiệt của thời gian. Vậy những giá trị vĩnh hằng chỉ có thể là gì? Văn Cao – người nghệ sĩ đích thực, với cảm thức tinh tế trên từng bước đi của thời gian đã khẳng định một hệ giá trị mà ở đó sự tàn phá của thời gian cũng không thể làm mất đi phẩm tính của nó. Đó là:

Riêng những câu thơ

còn xanh

Riêng những bài hát

còn xanh

Và đôi mắt em

như hai giếng nước

Trong dòng chảy nghiệt ngã của thời gian, mọi sự vật, hiện tượng có thể lụi tàn và tan biến vào hư không. Nhưng có những giá trị không thể mất mà mãi mãi “còn xanh”, đó là những giá trị thuộc về nghệ thuật và cái đẹp được kết tinh từ những câu thơ, những bài hát và đặc biệt là từ đôi mắt em. Âm hưởng bài thơ chuyển đổi bất ngờ: từ trầm buồn, u uẩn sang thanh thoát, thổn thức, mơ màng; hình ảnh thơ mang ý nghĩa biểu tượng cao. Từ “riêng” được lặp đi lặp lại vừa như muốn minh định, vừa như muốn xác quyết một chân lý muôn đời không thể phủ định: Nghệ thuật và Tình yêu luôn khác biệt và luôn vượt lên mọi thứ tầm thường, tự thân nó luôn mang một sức mạnh trường tồn, vĩnh cửu bởi nó là hiện thân của cái Đẹp. Điều này quả đúng như Cyprian Norwid đã nói: “Thế giới này rốt cuộc chỉ còn lại hai thứ, chỉ hai thứ thôi: Thi ca và lòng nhân ái... không còn gì khác”...Câu kết của bài thơ để lại một dư âm da diết nhưng không bi lụy: Và đôi mắt em / như hai giếng nước… Đôi mắt em phải chăng là nơi Tình yêu bắt đầu và cũng là nơi Tình yêu mãi mãi lên ngôi…!

Thời gian dẫu vẫn trôi “qua kẽ tay” nhưng bài thơ Thời gian của cố nhạc sĩ / thi sĩ Văn Cao vẫn nguyên xanh trong lòng bạn đọc. Độ nén, sự giản dị, hàm súc của câu chữ trong bài thơ cho thấy sự tài hoa và tinh tế của một thi sĩ tài năng. Vì vậy, tôi tin, những thông điệp nhân văn vang lên từ bài thơ vẫn luôn vẫy gọi các thế hệ bạn đọc tri âm, đồng sáng tạo cùng tác giả. Và đây cũng là một hệ giá trị để bài thơ vượt lên qui luật khắc nghiệt của thời gian, mãi mãi tồn sinh như sự vĩnh hằng của Nghệ Thuật – Tình Yêu và Cái Đẹp....

Bài trình bày của tôi đến đây là kết thúc. Tôi xin cảm ơn cô và các bạn đã lắng nghe.

Giới thiệu về Thời gian - mẫu 3

Bài thơ Thời gian của Văn Cao là một tác phẩm nhỏ gọn nhưng chứa đựng những ý nghĩa sâu sắc về cuộc sống và thời gian. Từng câu chữ, từng dòng thơ, tác giả đã truyền đạt cho người đọc những cảm nhận đầy tình cảm và triết lý.

Bài thơ khởi đầu với hình ảnh "Thời gian qua kẽ tay", tưởng chừng như chỉ là một hình thức tu từ đơn giản, nhưng nó thực sự đậm chất tượng trưng. Thời gian là một yếu tố không thể nắm bắt được, nhưng tác giả đã sử dụng biện pháp so sánh và tương phản để nhấn mạnh sự khắc nghiệt của thời gian đối với cuộc sống con người. Những kỷ niệm, những điều đẹp đẽ trong cuộc sống, dù có bị thời gian làm mờ dần như "chiếc lá khô", nhưng vẫn còn sống mãi trong tâm hồn như "câu thơ" và "bài hát" vẫn còn xanh tươi. Bài thơ tiếp tục tạo ra sự tương phản khi so sánh "đôi mắt em" với "hai giếng nước". Đôi mắt em không chỉ là một hình ảnh đẹp mà còn mang ý nghĩa sâu xa về sự sống và hy vọng. Giếng nước là nguồn sống, là điểm tựa tinh thần của con người, và đôi mắt em như hai giếng nước thể hiện sự tươi sáng, sự trong trẻo và sự đặc biệt của tình yêu. Nhưng đồng thời, nó cũng ám chỉ đến tính chất vĩnh hằng, không thể mất đi của nghệ thuật và cái đẹp.

Tuy nhiên, bài thơ cũng nhấn mạnh rằng không phải tất cả mọi thứ đều chìm vào quên lãng. Nghệ thuật và cái đẹp vẫn còn sống sót, như những "câu thơ còn xanh" và "bài hát còn xanh". Đây là những yếu tố mang tính vĩnh hằng, vượt lên trước thời gian và không thể bị mất đi. Nói cách khác, bài thơ nhấn mạnh sức mạnh và ý nghĩa của nghệ thuật trong việc tạo nên những giá trị vĩnh cửu và truyền cảm hứng cho con người.

Bài thơ "Thời gian" của Văn Cao khiến người đọc cảm nhận được sự nghiệt ngã và vô tình của thời gian, nhưng đồng thời cũng khơi dậy niềm tin và hy vọng về những giá trị vĩnh cửu. Nó nhắc nhở chúng ta về sự quý giá của thời gian, cần trân trọng những điều xưa cũ và ghi nhớ những điều đẹp đẽ trong cuộc sống. Bài thơ không chỉ đơn thuần là một tác phẩm văn chương, mà còn là một thông điệp nhân văn, tác phẩm mang đậm tinh thần triết lý và sâu sắc về sự sống. Nó khơi dậy trong lòng người đọc những suy nghĩ về ý nghĩa cuộc sống và khát khao sống một cách ý nghĩa. Bài thơ "Thời gian" của Văn Cao là một món quà tinh thần, là một lời nhắn nhủ cho chúng ta trước sự trôi qua không thể ngăn cản của thời gian.

Thời gian của Văn Cao là một tác phẩm nghệ thuật tinh tế và sâu sắc, nó không chỉ truyền tải cảm xúc và suy tư của tác giả mà còn đem đến những suy nghĩ và cảm nhận sâu xa về thời gian và cuộc sống cho người đọc. Bài thơ khơi gợi niềm tin và hy vọng rằng dù thời gian trôi qua với tất cả những biến đổi và hao mòn, nhưng nghệ thuật và cái đẹp vẫn sẽ mãi sống mãi trong tâm hồn con người.

Giới thiệu về Thời gian - mẫu 4

Có lẽ ít ai biết nhạc sỹ Văn Cao – tác giả “Tiến quân ca” – còn là một nhà thơ. Thơ và nhạc hợp thành đôi cánh nâng tâm hồn ông bay cao, kể cả khi thể xác ông không còn nữa. Vào tháng 2/1987 khi tuổi đã xế chiều, Văn Cao viết bài thơ “Thời gian” giãi bày tâm sự về cuộc sống, nghệ thuật và tình yêu sau một chặng đường dài buồn vui đã trải qua.

Đối với Văn Cao, thời gian không vô hình mà là một khối vật chất có thể cân đo đong đếm, có thể cầm được trên tay. Cứ cho cuộc sống của mỗi người trung bình là 80 năm, mỗi người đều có thể cầm quỹ thời gian ấy trên tay để sử dụng. Quỹ thời gian như nhiên liệu cho chiếc xe đời người, trái tim còn đập trong lồng ngực là nhiên liệu mất dần. Mỗi ngày thời gian trôi qua kẽ tay một ít. Thời gian càng trôi qua thì thể xác như những chiếc lá sẽ khô, sẽ bị huỷ diệt.

Cuộc sống của mỗi người có hạn, sự sống luôn tiếp diễn. Ý nghĩa của cuộc sống ở đâu, người đi trước tồn tại ở người đi sau cái gì? Đó là điều trăn trở muôn thuở của nhân loại. Văn Cao gói ghém quan niệm của mình qua 3 câu thơ cuối của bài “ thời gian”:

Riêng những câu thơ
còn xanh
Riêng những bài hát
còn xanh
Và đôi mắt em
như hai giếng nước.

Những câu thơ, những bài hát sẽ thoát khỏi thể xác Văn Cao, của những người sáng tạo ra cái đẹp sẽ xanh mãi trên cây đời, toả bóng mát, toả hương thơm trong vô tận của thời gian.

Thời gian làm khô chiếc – lá – đời – người nhưng lại làm tươi xanh chiếc – lá -thơ chiếc – lá – nhạc. Tại sao Thơ và Nhạc (cái đẹp) laị có sức sống vượt thời gian? Có lẽ con người dù sống trong không gian, thời gian nào cũng hướng tới cái đẹp, và cái đẹp được nuôi dưỡng sinh sôi mãi trong những thế hệ đi sau : “và đôi mắt em như hai giếng nước”. Nếu không có những ”giếng nước” của các thế hệ đi sau chăm tưới thì làm sao cây – thơ, cây – nhạc mãi xanh!

Bài thơ “Thời gian” có 7 câu thơ chia thành 12 dòng như một bức tranh thuỷ mặc với những nét chấm phá ngoạn mục. Với tranh Thủy Mạc hồn của bức tranh nằm ở những khoảng trống do nét chấm phá tạo ra. Bài thơ “thời gian” cũng vậy, điều tác giả muốn nói đều nằm ở bên ngoài con chữ, phía sau những hình ảnh do con chữ tạo ra. Mỗi người tự nghiệm lại đời mình, tự cảm đời mình cũng là một cách hiểu thời gian của Văn Cao.

Giới thiệu về Thời gian - mẫu 5

Bài thơ Thời gian được Văn Cao làm vào mùa xuân năm 1987. Một thi phẩm viết về thời gian, cái khái niệm quen thuộc gắn với chúng ta trong quá khứ, đến hiện tại và tương lai. Bài thơ hàm súc mang những trải nghiệm cuộc sống thâm hậu.

Với Văn Cao, thời gian là cái có thể cảm nhận được rất rõ ràng. Cái được đo bằng thiên kỷ, thế kỷ, thập kỷ, năm, tháng, ngày, giờ, phút, giây ấy trong bước đi vô tận của mình đã kịp để lại “cảm giác” qua kẽ tay của một nghệ sỹ đa tài.

Bằng sự nhạy cảm ông đã nhận ra nhịp lưu hành của cái vô hình: thời gian. Và, bước đi của nó trong một cuộc đời nhanh lắm. Thời gian để lại dấu ấn trên ta với những đổi thay về thể xác, tâm hồn qua mỗi chặng đời tựa sự an bài không gì cưỡng lại được. Điều ấy, được diễn đạt ở bài thơ này thật giản dị với những thi ảnh, âm thanh không hề xa lạ cao siêu với chúng ta:

Thời gian qua kẽ tay
Làm khô những chiếc lá
Kỷ niệm trong tôi
Rơi
Như tiếng sỏi
trong lòng giếng cạn.

Mấy câu thơ cứ nặng dần, nặng dần và bị chia cắt bởi lối xuống dòng bất chợt. Hình như có cái gì đó không được trôi chảy, hanh thông và biết đâu trong đấy còn những trắc ẩn chìm khuất chưa được giãi bày.

Thiên nhiên, cảnh vật, tâm hồn không còn xanh tươi, nhẹ nhàng như thuở nào nữa. Những chiếc lá đã bị úa héo…Tiếng rơi của hồi ức khô khốc nặng nề như tiếng sỏi trong lòng giếng cạn. Tiếng rơi kỷ niệm chẳng hề êm dịu nếu như không muốn nói rằng đó là tiếng rơi chát đắng của dĩ vãng xuống nền hiện tại cằn cỗi.

Nếu chỉ như thế, Văn Cao cứ mải mê đuổi theo những héo khô nặng nề dù có thật chăng nữa thì chắc bài thơ không lưu lại trong ta nhiều suy ngẫm đáng kể. Người đọc may ra chỉ chia sẻ cảm thông và có thể cùng ngậm ngùi về thế cuộc, về nhân tình với tác giả mà thôi.

Không, những tâm hồn thoáng đạt, những tầm nghĩ lớn lao như Văn Cao không bao giờ dừng lại ở đó. Ông biết tôn vinh, nâng lên những nét đẹp, nguồn sáng, sự tươi tắn của cuộc sống mà trước hết là của nghệ thuật và tình yêu đích thực. Triết lý nhân sinh, lãng mạn cuộc sống thêm lần nữa được Văn Cao viết lên bằng những thi ảnh lung linh:

Riêng những câu thơ
còn xanh
Riêng những bài hát
còn xanh
Và đôi mắt em như hai giếng nước.

Thế chỗ những chiếc lá khô, lòng giếng cạn là những câu thơ còn xanh và những bài hát còn xanh cùng với đôi mắt em, đôi mắt của tình yêu đẹp đẽ, trong mát như hai giếng nước. Đôi mắt em như hai giếng nước, một sự ví von tuyệt vời; cái đẹp mát rượi sâu đằm nhưng cũng gần gũi thân thuộc làm sao. Đôi mắt ấy, tình yêu ấy sẽ tưới mát tâm hồn ta, sẽ giải thoát ta ra khỏi những héo úa khô khát cằn cỗi của cuộc sống.

Năng lượng thơ được giải phóng từ những hình ảnh, câu chữ đắc địa, ngỡ bình thường mà rất sâu sắc, dễ hiểu nhưng không nông cạn, triết lý nhưng không cần viện cao siêu rườm rà. Thời gian của Văn Cao, một thi phẩm “Ý tại ngôn ngoại”, tôi cho là thế!

Giới thiệu về Thời gian - mẫu 6

Văn Cao tuy nổi tiếng là một nhạc sĩ nhưng ít ai biết rằng ông còn tạo dựng được tên tuổi trong lĩnh vực thơ ca. “Thời gian” là bài thơ nổi bật thể hiện sự đổi mới táo bạo của người nghệ sĩ đa tài này.

Văn Cao (1923-1995) sinh ra ở Nam Định nhưng lớn lên ở Hải Phòng, nơi ông bắt đầu sự nghiệp sáng tạo. Ông là một nhạc sĩ, nhà thơ và họa sĩ. Tuy số lượng thơ không nhiều nhưng phong cách nghệ thuật độc đáo của ông luôn để lại ấn tượng trong lòng người đọc. Với quan niệm“Sự thất bại thường gặp trong một bài thơ là khép lại: Khép tất cả sự muốn nghĩ và muốn nói”, Văn Cao luôn chú trọng làm sao đổi mới thơ cả về hình thức lẫn nội dung, đồng thời phát triển nhiều cấp độ khác nhau để tạo nên ý nghĩa thơ ca phong phú. Bài thơ “Thời gian” được Văn Cao viết vào mùa xuân năm 1987.

Toàn bộ bài thơ là sự suy ngẫm, chiêm nghiệm về thời gian và cuộc sống con người. Người ta thường đo thời gian bằng giây hoặc phút nhưng Văn Cao lại coi thời gian là một sinh thể Hữu hình, có thể chạm vào được:

“Thời gian qua kẽ tay

Làm khô những chiếc lá

Kỷ niệm trong tôi

Rơi

như tiếng sỏi

trong lòng giếng cạn”

Văn Cao cảm nhận thời gian qua xúc giác: “Thời gian qua kẽ tay”. Thời gian chạm vào chúng ta một cách âm thầm và trôi qua cực kỳ nhanh chóng. Người ta cảm thấy trầm ngâm mỗi khi thời gian “đi qua kẽ tay” rồi dừng lại mà ăn năn. Lời thơ mở đầu năm chữ tạo nên những liên tưởng thú vị trong lòng người đọc. Thời gian rất quý giá nhưng lại rất mong manh nên con người luôn khao khát có được nó trong tay. Và khi thời gian trôi qua kẽ tay và thoát khỏi tầm tay con người, thời gian đã vô tình “làm khô những chiếc lá”. Thời gian trôi qua, con người và vạn vật đều biến mất. Những chiếc lá mới tươi một thời đã khô héo. Tuổi thanh xuân của con người cũng vậy, đẹp đẽ và ngắn ngủi nhưng chẳng bao lâu chúng ta đã đặt một chân trước ngưỡng cửa của tuổi già.

Không ngờ, một tiếng “rơi” xuất hiện, giống như một dòng cảm xúc chợt rơi xuống giữa dòng thơ. Bài thơ chỉ dùng một từ để nhấn mạnh diễn biến của cảnh. “Rơi” ở đây có nghĩa là bỏ đi, quên lãng. Trong cuộc đấu tranh giành sự sống, con người bỗng trở nên sợ hãi, buồn bã và thất vọng khi mọi thứ mình yêu quý đều tuột khỏi tầm tay. “Như tiếng sỏi” là một sự tương tự độc đáo để mô tả một âm thanh nặng nề và khô khan. Sỏi rơi “trong lòng giếng cạn”. Những thứ vô hồn và cô đơn lần lượt xuất hiện. Từ “canh” ám chỉ sự cằn cỗi, thiếu sức sống. Càng về sau bài thơ càng nặng nề, bài thơ bị ngắt dòng đột ngột, thể hiện những cảm xúc tự nhiên của con người khi đứng trước sự khắc nghiệt của thời gian.

Nhận thức sâu sắc về thời gian và khao khát nắm bắt hạnh phúc không phải là điều xa lạ đối với các nhà thơ. Cũng có những nhà thơ kết thúc tác phẩm của mình bằng sự bi quan và cay đắng. Nhưng Văn Cao thì khác. Những câu thơ tiếp theo lấp lánh vẻ đẹp trữ tình nhẹ nhàng với sự xuất hiện của “những câu thơ”, “những bài hát” và “đôi mắt em”.

“Riêng những câu thơ

còn xanh

Riêng những bài hát

còn xanh

Và đôi mắt em

như hai giếng nước.”

Thơ ca là biểu tượng của sự sáng tạo nghệ thuật và những rung động của trái tim con người. điệp khúc “Những câu thơ”, “những bài hát”” được lặp lại hai lần, nhấn mạnh sự trường tồn của nghệ thuật chân chính. Và điều đẹp nhất trên thế giới này không ai khác chính là “đôi mắt em”. Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, tượng trưng cho tình yêu và tuổi trẻ vĩnh cửu. Đôi mắt sâu thẳm của em sáng “như hai giếng nước” và tràn đầy sức sống. Nhà thơ không chỉ lay động chúng ta bằng những giá trị cao đẹp, vĩnh cửu mà còn gợi cho chúng ta một lối sống ý nghĩa, cho chúng ta thấy giá trị của nghệ thuật và tình yêu. Nhịp điệu và hình ảnh thơ của khổ thơ thứ hai tương tự như khổ thơ thứ nhất, tạo hiệu ứng vòng tròn nhưng thay vì thể hiện cảm xúc thất vọng nói trên thì không khí lại nồng nàn, đắm đuối hơn được thể hiện.

Bài thơ được viết theo thể thơ tự do, có những xuống dòng và ngắt nhịp đầy sáng tạo. Nhịp điệu uyển chuyển của bài thơ tạo nên một giai điệu đặc biệt. Ngoài ra, Văn Cao còn sử dụng ngôn ngữ chứa đựng nhiều tầng nghĩa biểu tượng, tương phản, đối lập, so sánh, ám chỉ, ẩn dụ để thể hiện quan điểm sống của mình.

Bài thơ thể hiện sự suy ngẫm sâu sắc về mối quan hệ giữa thời gian, cuộc sống, con người và nghệ thuật. “Thời gian” của Văn Cao là “chiếc lá” của nghệ thuật xanh mãi.

Giới thiệu về Thời gian - mẫu 7

Trong bài thơ “Thơ bình phương, đời lập phương”, nhà thơ Chế Lan Viên từng viết:

“Cái kết tinh của vần thơ và muối bể

Muối lắng ở ô nề, thơ đọng ở bề sâu”.

Quả thực, những gì đẹp đẽ nhất, quý giá nhất, tinh diệu nhất của thơ ca luôn “lắng ở bề sâu”, bề sâu của tình cảm, cảm xúc, của tư tưởng, ngôn ngữ… Nếu những gì quý giá nhất của nước biển kết tinh trong những hạt muối “lắng ở ô nề” dễ thấy thì những gì tinh túy nhất của thơ lại “đọng ở bề sâu”, bề sau, bề xa không dễ thấy, không dễ cảm, “không thể lấy mắt thường mà xem, miệng thường mà nếm được” (Hoàng Đức Lương).

Đến với bài thơ “Thời gian” của Văn Cao, người đọc thêm một lần cảm nhận được sự dồn nén cô đọng của cảm xúc, của tư tưởng qua những vần thơ đầy ám ảnh, hàm súc. Cảm thức về thời gian, suy tư, cắt nghĩa về thời gian là một trong những chủ đề lớn trong văn học. Tiếp nối mạch suy tưởng về thời gian, bài thơ Thời gian của Văn Cao được chia thành hai khổ liền mạch, tạo ra một cấu tứ tương phản. Sáu câu thơ đầu là những suy tư của nhà thơ – nhạc sĩ tài danh về tác động khủng khiếp của thời gian với con người, cuộc đời.

Thời gian vốn là đại lượng vô hình, vô ảnh, nhưng trong cảm nhận của Văn Cao, thời gian có thể trôi chảy, lọt “qua kẽ tay”. Câu thơ 5 chữ, gợi ra liên tưởng con người với khao khát muốn nắm giữ, cầm nắm được thời gian vĩnh viễn trong lòng bàn tay. Đằng sau khát vọng mãnh liệt ấy là nỗi đau, là sự bất lực của con người trước dòng chảy miên viễn của thời gian.

Khi “thời gian qua kẽ tay”, nó sẽ làm sự sống tàn phai, “làm khô” những chiếc lá xanh tươi giàu nhựa sống ngày nào. Nhưng tác động khủng khiếp của thời gian đâu chỉ dừng lại ở những thứ hữu hình như chiếc lá kia. Thời gian còn làm phai nhạt, làm mờ đi những giá trị vô hình nhưng rất đẹp đẽ, quý giá của đời người, ấy là kỷ niệm.

Kỷ niệm là một trong những ký ức quý giá nhất mà người ta có thể lưu giữ lại trong tâm trí về những người, những vật, những việc đã qua trong đời. Nhờ kỉ niệm, đời sống của con người không bị biến thành hư vô, không trở nên vô nghĩa. Ấy vậy mà dưới tác động của thời gian khắc nghiệt, ngay cả những giá trị tinh thần ấy cũng bị mài mòn, phai nhạt.

Khổ thơ đầu gợi ra ý niệm mang tính triết học bi quan về tác động nghiệt ngã của thời gian với con người, sự sống. Ngỡ như ta sẽ gặp lại “nỗi sầu nhân thế” ngày nào trong thơ ca, nhưng đến khổ thơ tiếp theo, Văn Cao lại cho người đọc thấy có những điều sẽ bất chấp qui luật khắc nghiệt đó của thời gian, đó là “những câu thơ”, “những bài hát” và “đôi mắt em”:

Riêng những câu thơ

còn xanh

Riêng những bài hát

còn xanh

Và đôi mắt em

như hai giếng nước

Điệp từ “riêng”, điệp ngữ “còn xanh” được lặp lại hai lần, như một sự khẳng định mạnh mẽ, thể hiện thái độ bướng bỉnh, thách thức chống lại tác động của thời gian. “Câu thơ”, “bài hát” là hình ảnh ẩn dụ để chỉ những sáng tạo nghệ thuật làm giàu đẹp cho tâm hồn con người.

Chỉ có những câu thơ, bài hát ấy là đi cùng năm tháng, “nằm ngoài định luật của sự băng hoại”, “không thừa nhận cái chết”. Nghệ thuật ra đời là một trong những cách thức màu nhiệm để con người cưỡng lại sự khốc liệt của lưỡi hái thời gian.

Cùng với nghệ thuật, con người còn tìm được một thứ “vũ khí” hữu hiệu nữa để chọi lại thời gian, ấy là “đôi mắt em”:

Và đôi mắt em

như hai giếng nước

Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, là biểu tượng của tình yêu. Tình yêu lại chính là cội nguồn làm nên những điều kì diệu, làm nên sự thăng hoa trong nghệ thuật. “Thế giới không có tình yêu thì mặt trời sẽ tắt” (V.Hugo).

Bất chấp tất cả những đắng cay, nghiệt ngã của số phận, của thời gian, con người vẫn sáng tạo được, vì có “đôi mắt em” “như hai giếng nước” trong trẻo, tràn đầy mến thương. Đó là gì nếu không phải là sự bất tử của cái đẹp trước tác động khốc liệt của thời gian?

Thời gian làm khô những chiếc lá đời người nhưng lại làm xanh chiếc lá của thơ ca nhạc họa. Thời gian làm rơi những kỷ niệm trong lòng giếng cạn nhưng không thể làm khô đôi mắt của tình yêu như hai giếng nước ngọt lành. Với những cảm xúc, suy tư “đọng ở bề sâu” như thế, với niềm tin mãnh liệt mà sâu sắc như thế, bài thơ “Thời gian” của Văn Cao sẽ như chiếc lá mãi “còn xanh”, như sự vĩnh hằng, bất tử của Nghệ thuật – Tình yêu và cái đẹp!

Giới thiệu về Thời gian - mẫu 8

Văn Cao - một nhạc sĩ lớn của Việt Nam. Ông là tác giả của hai bài hát nổi tiếng là Tiến quân ca và quốc ca, đồng thời cũng là một trong số những gương mặt tiêu biểu, quan trọng nhất của tân nhạc. Không chỉ tài năng trong lĩnh vực âm nhạc, Văn Cao còn được công chúng biết đến với tư cách là một họa sĩ, một nhà thơ với rất nhiều tác phẩm giá trị. Tiêu biểu trong sự nghiệp thơ ca của ông, không thể không nhắc đến bài thơ “Thời gian”, qua những vần thơ mang đầy hàm súc, người đọc dường như đã cảm nhận được rõ nét sự dồn nén cô đọng của tư tưởng, cảm xúc:

“Thời gian qua kẽ tay

Làm khô những chiếc lá

Kỷ niệm trong tôi

Rơi

như tiếng sỏi

trong lòng giếng cạn

Riêng những câu thơ

còn xanh

Riêng những bài hát

còn xanh

Và đôi mắt em

như hai giếng nước”

Văn Cao tên đầy đủ là Nguyễn Văn Cao, ông sinh ngày 15 tháng 11 năm 1923 tại tỉnh Hải Phòng. Quê gốc ở xã Liên Minh, huyện Vụ Bản thuộc tỉnh Nam Định. Văn Cao xuất thân từ một gia đình viên chức, có cha là giám đốc của nhà máy nước Hải Phòng. Sau khi lên trung học, ông lần đầu được tiếp xúc với âm nhạc. Năm 1938, gia đình gặp nhiều biến cố, Văn Cao đã bỏ học khi mới 15 tuổi. Ông được biết đến là một nhạc sĩ có sức ảnh hưởng rất lớn trong nền Tân nhạc của Việt Nam. Không chỉ dừng lại ở mảng âm nhạc, Văn Cao còn được nhận xét là hình mẫu thiên tài, bởi tài năng nghệ thuật của ông rất đa dạng và phong phú mang tính tổng hợp cao giữa hội họa- âm nhạc- văn chương. Ông đã để lại cho đời rất nhiều các tác phẩm có giá trị, và được lưu truyền rộng rãi cho thế hệ con cháu sau này.

Bài thơ Thời gian được nhà văn sáng tác vào mùa xuân năm 1987. Lúc này người thi sĩ Văn Cao đã bỏ lại sau lưng với biết bao trải nghiệm vui buồn khác nhau. Dù tác phẩm chỉ vỏn vẹn có 7 câu, 12 dòng và 42 chữ, nhưng sâu bên trong ẩn chứ tính chất triết luận và những thông điệp giàu ý nghĩa nhân sinh cực kì sâu sắc. Qua đó đã gợi cho tâm hồn người đọc biết bao suy ngẫm về cuộc đời, về con người trong cuộc sống này, mặc cho thời gian vẫn không ngừng chảy trôi:

“Thời gian qua kẽ tay”

“Thời gian qua kẽ tay” là một hình ảnh thơ giàu hàm xúc, gợi liên tưởng tới sự tương phản giữa cái vô hình và cái hữu hình, giữa cái vô hạn và cái hữu hạn. Như một điều tất yếu, sự hiện diện của thời gian trên thế giới này là hư ảo, nó rất mong manh và vô cùng ngắn ngủi vô cùng. Có lẽ vì thế mà người thi nhân khi chứng kiến sự chảy trôi của thời gian không khỏi ngậm ngùi xa xót trước sự vô nghĩa của đời người... Cũng như Văn Cao, Nguyễn Gia Thiều đã từng có cảm nhận đầy chua chát qua tác phẩm Cung oán ngâm khúc nổi tiếng:

“Trăm năm nào có gì đâu

Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì”

Thời gian là thứ quà tặng kì diệu mà tạo hóa ban cho con người, và chẳng có một ai nắm giữ được thời gian. Thời gian đi qua lấy đi vô số thứ, thanh xuân, tuổi trẻ, những tháng ngày hạnh phúc, những thứ chúng ta trân trọng và thương yêu nhất… và một khi qua đi sẽ không bao giờ trở lại. Đó là một quy luật tất yếu của thời gian, nhưng cũng là sự nghiệt ngã, tàn nhẫn đối với con người

"Làm khô những chiếc lá

Kỷ niệm trong tôi

Rơi

như tiếng sỏi

trong lòng giếng cạn"

Theo thời gian những chiếc lá xanh tươi rồi cũng sẽ úa. Những được mất trong cuộc đời rồi cũng phai nhạt theo năm tháng. Có chăng, cái ở lại trong cuộc đời này chỉ là là những hồi ức nhớ hoài về kỷ niệm ngày xưa ấy. Bài thơ đã giúp bạn đọc nhận thức được cái ý nghĩa nhân sinh tưởng như rất bình thường nhưng không phải ai cũng nhận biết được bởi họ vẫn con đang chìm đắm trong quá nhiều tham vọng, vinh hoa của cuộc sống. Bài thơ mang giá trị nhân văn thật sâu sắc, đồng thời cũng gửi gắm tới bạn đọc thông điệp: khi đã nhận thức được qui luật vận động của dòng chay thời gian, con người chúng ta càng nên biết trân quý sự hiện hữu của bản thân trên thế giớ này. Chúng ta phải làm hành động, phải biết tận dụng thời gian một cách triệt để, có ích, để mỗi phút giây hiện hữu trong đời người là những giây phút sống chứ không phải chỉ là tồn tại

“Riêng những câu thơ

còn xanh

Riêng những bài hát

còn xanh

Và đôi mắt em

như hai giếng nước"

Trong dòng chảy của thời gian, mọi sự vật, mọi hiện tượng trên thế giới này đều có thể lụi tàn và tan biến mãi mãi vào hư không. Nhưng tất nhiên có những giá trị sẽ chẳng thể mất mà mãi mãi mà qua hàng nghìn đời nó sẽ vẫn “còn xanh”, đó chính là những giá trị đẹp đẽ được được kết tinh từ những bài hát, vần thơ, và đặc biệt là từ đôi mắt em. Câu kết của tác phẩm đã để lại trong lòng người đọc một dư âm tha thiết nhưng không hề bi lụy:

“Và đôi mắt em

như hai giếng nước”

… Phải chăng, đôi mắt em chính là nơi mà tình yêu đôi ta bắt đầu và hay đó sẽ là nơi mà tình yêu ta mãi mãi lên ngôi…!

Dẫu sao, theo tháng năm, thời gian vẫn sẽ trôi “qua kẽ tay” nhưng tác phẩm Thời gian của cố thi sĩ Văn Cao vẫn “nguyên xanh” như thủa nào trong lòng mỗi bạn đọc. Sự giản dị, mộc mạc, ẩn chứa hàm súc trong từng câu chữ đã cho thấy sự tinh tế, tài hoa của một thi sĩ thật tài năng.

1 232 11/07/2024


Xem thêm các chương trình khác: