TOP 10 mẫu Giới thiệu về bài hát Tiến quân ca (2024) SIÊU HAY

Giới thiệu về bài hát Tiến quân ca gồm 10 bài văn mẫu hay nhất, chọn lọc giúp học sinh viết bài tập làm văn lớp 11 hay hơn.

1 3,204 11/07/2024


Giới thiệu về bài hát Tiến quân ca

Đề bài: Em hãy viết bài giới thiệu về một tác phẩm nghệ thuật: bài hát Tiến quân ca của nhạc sĩ Văn Cao.

TOP 10 mẫu Giới thiệu về bài hát Tiến quân ca (2024) SIÊU HAY (ảnh 1)

Giới thiệu về bài hát Tiến quân ca - mẫu 1

Chào thầy cô và các bạn! Tôi tên là… Sau đây, tôi xin trình bày những ý kiến của mình về bài nói và nghe: Giới thiệu tác phẩm nghệ thuật bài hát “Tiến quân ca”.

“Tiến lên! Cùng tiến lên! Nước non Việt Nam ta vững bền…” đó là những giai điệu thân thuộc được ca vang trong không khí trang nghiêm thuộc phần nghi thức của vô vàn những sự kiện diễn ra ở khắp mọi nơi mà chúng ta thường hay thấy. Mỗi khi âm hưởng bài Quốc ca vang lên hùng tráng ấy là lúc mọi người dân Việt Nam yêu nước đều dường như cùng hòa chung một niềm đồng cảm - niềm đồng cảm về sự thiêng liêng và lòng tự hào.

Quốc ca Việt Nam là bài “Tiến quân ca” do Nhạc sĩ Văn Cao sáng tác, với những giai điệu thiêng liêng, hào hùng. Bài hát ra đời gắn với những ký ức Việt Nam thời kỳ tiền khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám cùng những kỷ niệm khó quên của tác giả.

Theo lời kể lại vào năm 1976 của tác giả về hoàn cảnh ra đời của bài Quốc ca, đó là vào những ngày mùa đông năm 1944, khi cuộc đấu tranh cách mạng của dân tộc đang sục sôi khí thế. Ông gặp Vũ Quý, là một cán bộ Việt Minh, cũng là một người vẫn theo dõi những hoạt động nghệ thuật của ông. Ông Vũ Quý hỏi như đề nghị ông Văn Cao thoát ly hoạt động cách mạng và giao nhiệm vụ đầu tiên cho ông là sáng tác một bài hát cho quân đội cách mạng.

Lúc ấy, chưa biết đến chiến khu, chỉ biết những con đường Phố Ga, đường Hàng Bông, đường Bờ Hồ (Hà Nội) theo thói quen đi và cũng chưa gặp các chiến sĩ quân đội cách mạng trong khóa quân chính đầu tiên và không biết họ hát như thế nào... tác giả “đang nghĩ cách viết một bài hát thật giản dị cho họ có thể hát được…”.

Ông đã trăn trở, tìm kiếm những âm thanh, hình ảnh trong buổi chiều đi dọc các con phố Hà Nội… và ông đã viết được những nét nhạc đầu tiên của bài “Tiến quân ca”. Ông đã chỉnh sửa và hoàn thiện bài hát nhiều ngày sau đó tại căn gác số 45 Nguyễn Thượng Hiền, Hà Nội trong những ngày đông ảm đạm, đói, rét, khổ cực.

“Đoàn quân Việt Nam đi,

Chung lòng cứu quốc

Bước chân rộn vang trên đường gập ghềnh xa…”.

“…Nhịp điệu ngân dài của bài hát mở đầu cho một tiếng cồng vang vọng”… Nhạc sĩ Văn Cao nhớ lại, khi bài hát viết xong, ông Vũ Quý đã rất hài lòng: “Da mặt anh đen sạm. Đôi mắt và nụ cười của anh lấp lánh”

Bài hát “không những chỉ là một bản nhạc hay so với nhiều bài quốc ca của các nước khác mà nó còn có đầy đủ giá trị tiêu biểu, vì nó đã gắn bó tình cảm với nhiều thế hệ nối tiếp nhau trải qua nhiều chặng đường gian nan và vinh quang của lịch sử dân tộc Việt Nam”. Và hơn hết, nó được ra đời trong hoàn cảnh hết sức đặc biệt, không chỉ với cá nhân tác giả và dân tộc Việt Nam, những người học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường như chúng ta đây.

Nhiều năm trôi qua, bài hát trở thành hành khúc, đồng hành cùng nhân dân Việt Nam trong suốt những năm tháng đấu tranh giành và bảo vệ độc lập dân tộc, xây dựng Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa và là niềm tự hào của nhân dân Việt Nam.

Bài trình bày của tôi đến đây là kết thúc. Tôi xin cảm ơn cô và các bạn đã lắng nghe.

Giới thiệu về bài hát Tiến quân ca - mẫu 2

Đầu tiên cho phép em được gửi lời chào đến thầy cô và tất cả các bạn. Hôm nay em xin phép được trình bày những hiểu biết của mình đến với thầy cô và các bạn về bài hát "Tiến quân ca".

“Tiến quân ca” là một bài hát do nhạc sĩ Văn Cao (1923–1995) sáng tác vào năm 1944 và được sử dụng làm quốc ca của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam kể từ năm 1976. Trước đó, bài Tiến quân ca được chọn làm quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ năm 1945 đến năm 1976.

Trước Cách mạng tháng 8, lá cờ đỏ sao vàng và bài hát ‘Tiến quân ca’ chỉ có một mục đích là cổ vũ tinh thần đấu tranh, khơi gợi lòng yêu nước của người Việt Nam cùng đứng lên giành độc lập. Ngày 13/8/1945, trước khi Tổng khởi nghĩa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chính thức chọn “Tiến quân ca” làm Quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

“Tiến quân ca” có hai lời, kết cấu, khúc thức đơn giản, dễ hát, dễ thuộc. So với thời điểm ra đời (1944), giai đoạn sau này, nhất là khi trở thành Quốc ca, nhạc phẩm “Tiến quân ca” được nhạc sĩ Văn Cao chỉnh sửa đôi chỗ về ca từ cho phù hợp hơn. Trong bản gốc khi mới ra đời, ở khổ đầu lời một, ca từ “Đoàn quân Việt Minh đi” sau này được sửa thành “Đoàn quân Việt Nam đi”; trong đoạn tiếp theo, ca từ “Thề phanh thây, uống máu quân thù” được đổi thành “Đường vinh quang xây xác quân thù”; và lời kết “Tiến lên! Cùng thét lên!/ Chí trai là nơi đây ước nguyền!” được sửa thành “Tiến lên! Cùng tiến lên!/ Nước non Việt Nam ta vững bền”.

Ở phần lời hai, đoạn cuối “Từ bao lâu ta nuốt căm hờn/ Vũ trang đâu lên đường/ Hỡi ai! Lòng chớ quên/ Bắc Sơn cùng Đô Lương, Thái Nguyên” cũng được nhạc sĩ Văn Cao sửa thành: “Vì nhân dân chiến đấu không ngừng/ Tiến mau ra sa trường/ Tiến lên! Cùng tiến lên/ Nước non Việt Nam ta vững bền”.

Quốc ca là bài ca vĩ đại, là biểu tượng của mỗi quốc gia, gắn với lịch sử đặc biệt, vận mệnh thiêng liêng và ý chí, khát vọng của mỗi dân tộc. Quốc ca Việt Nam là niềm tự hào của người dân Việt Nam, khi tiếng hát “Tiến quân ca” cất lên từ trái tim mỗi người Việt Nam cũng là lúc niềm tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước trào dâng mạnh mẽ. Và như vậy, mỗi lần hát Quốc ca là một lần người Việt Nam tự bồi đắp tinh thần yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc để nhận thức rõ hơn trách nhiệm của mỗi công dân đối với đất nước. Việc hát Quốc ca trong nghi thức chào cờ Tổ quốc và sinh hoạt dưới cờ vào mỗi sáng thứ hai hằng tuần có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Cảm xúc thiêng liêng, tự hào khi trang nghiêm chào cờ Tổ quốc, khi cất tiếng hát Quốc ca trong ngày đầu tuần sẽ tạo nên một khí thế mới để mỗi công dân Thủ đô hoàn thành trách nhiệm công việc của chính mình.

Phần trình bày của em đến đây là kết thúc. Xin cảm ơn thầy cô và các bạn đã lắng nghe.

Giới thiệu về bài hát Tiến quân ca - mẫu 3

Mỗi chúng ta ai cũng đã rất nhiều lần nghe và hát bài Quốc ca mỗi khi chào cờ, một bản nhạc như hồn đất nước. Đó chính là bài Tiến quân ca của Nhạc sỹ Văn Cao. Tiến quân ca là quốc ca của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam kể từ năm 1946 khi Việt Nam còn là chính thể Dân Chủ Cộng Hòa.

Ngày 17/8/1945, bài hát Tiến quân ca lần đầu tiên được vang lên giữa trời thu Hà Nội lộng gió. Ngày 19/8/1945, một cuộc mít tinh lớn diễn ra tại quảng trường Nhà hát lớn, dàn đồng ca Thiếu niên Tiền phong đã hát vang Tiến quân ca dưới lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới...

Ngày 2/9/1945, Hồ Chủ tịch trịnh trọng tuyên bố trước thế giới và quốc dân đồng bào bản Tuyên ngôn độc lập, Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Bài hát Tiến quân ca chính thức được cử hành trong buổi lễ thiêng liêng đó.

Một lời hát giản dị trong giai điệu hào hùng không biết tự lúc nào đến với Văn Cao, chỉ biết lời ca cứ thế bật ra cùng cảm xúc: “Đoàn quân Việt Minh đi (sau này đổi là Đoàn quân Việt Nam đi)/ Chung lòng cứu quốc/ Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa…”. Và ngọn cờ đỏ sao vàng bay giữa màu xanh của núi rừng. Nhịp điệu ngân dài của bài hát, mở đầu cho một tiếng cồng vang vọng: “Đoàn quân Việt Minh đi/ Sao vàng phấp phới/ Dắt giống nòi quê hương qua nơi lầm than…”. Để kết thúc cùng với tiếng thét ở đoạn cao trào, mang dấu ấn từ “Thăng Long hành khúc ca”, một bài ca yêu nước ông đã từng sáng tác trước đó, ông tiếp tục: “Tiến lên! Cùng thét lên!/ Chí trai là nơi đây ước nguyền!”.

Quốc ca vang lên ấy là hồn nước vang lên, trầm hùng, tha thiết, tự hào khôn xiết. Âm hưởng ấy không hề đổi thay, hao khuyết dù là chiến tranh hay thời bình. Tiến lên! Cùng tiến lên! Nước non Việt Nam ta vững bền. Bài hát ngân rung trên những chặng đường đánh giặc, sau từng trận đánh khốc liệt, trong mỗi chiến thắng vang dội và trên mỗi đau thương mất mát to lớn mà dân tộc này phải chịu đựng, gánh gồng. Người chiến sĩ hát khi tuyên thệ trước Quốc kỳ. Có thương binh đã hát trên giường bệnh, hát trong ca mổ không có thuốc gây mê. Bài hát cất cao trong mỗi công trình mới, âm điệu tự hào thiêng liêng tỏa lan trong mỗi xóm mạc phố phường, từ núi cao trập trùng đến biển rộng bao la, 54 dân tộc anh em cùng hát. Lòng ta rưng rưng khi thấy lá cờ đỏ sao vàng được trang trọng kéo lên cùng với Quốc ca Việt Nam được cử hành trên các sân đấu thể thao quốc tế. Quốc ca được cất lên không chỉ bằng lời mà cả bằng tay, bằng cơ thể và tâm hồn của mỗi người dân Việt Nam.

Giá trị lịch sử, giá trị nghệ thuật, giá trị thời đại của Tiến quân ca - Quốc ca đến hôm nay vẫn sáng tỏa, không hề bị lu mờ, khuất lấp. Một vài người nào đó, vin vào nội dung ca từ để hòng hạ thấp, bôi lem Quốc ca Việt Nam chỉ chứng tỏ dã tâm xấu xa của họ với cách mạng, với đất nước ta mà thôi. Cả dân tộc này vẫn sát cánh bên nhau, khi an hòa bình yên hay lúc dữ dằn giông bão hòa chung giai điệu thiêng liêng, giai điệu tự hào. Bài hát ra đời trong bão táp chiến tranh không chỉ phản ánh khí phách, bản lĩnh, tâm hồn Việt Nam mà còn thể hiện khát vọng, niềm tin yêu hòa bình, hướng tới tương lai của dân tộc. Nước non Việt Nam ta vững bền, lời bài hát cũng là ước mong đẹp đẽ của ngàn xưa, bây giờ và cả mai sau của dân tộc này.

Giới thiệu về bài hát Tiến quân ca - mẫu 4

"Bài hát Tiến quân ca" là biểu tượng của lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết dân tộc của người Việt Nam. Được sáng tác vào năm 1944 bởi nhạc sĩ Văn Cao, bài hát này đã trở thành quốc ca của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam từ năm 1976 và tiếp tục giữ vị trí đặc biệt trong lòng người dân nước ta cho đến ngày nay.

Lời bài hát Tiến quân ca thể hiện lý tưởng cách mạng, khát vọng của dân tộc Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống đế quốc phương Tây và những thế lực thực dân. Đặc biệt, giai điệu của bài hát mang một nét trầm ấm, trang nghiêm, khiến người nghe không thể không cảm nhận được sự cương quyết và sức mạnh của tinh thần dân tộc.

Bài hát mở đầu bằng những câu chữ đầy hào hùng: "Đoàn quân Việt Nam đi / Chung lòng cứu quốc." Những lời này gợi lên hình ảnh một quân đội đoàn kết, quyết tâm đi lên đánh tan kẻ thù, để giành lại tự do cho dân tộc.

Tiếp đó, "Sông núi Việt Nam ta / Vững bước chân dân ta." Đây là lời ca ngợi sự vững mạnh của đất nước Việt Nam và sự kiên định, không ngừng tiến lên của nhân dân ta trong con đường độc lập, tự do.

Với sự ấm áp, uy nghiêm và ý nghĩa sâu sắc, Tiến quân ca không chỉ là biểu tượng của sự tự hào dân tộc mà còn là nguồn cảm hứng, làn sóng nâng đỡ tinh thần cho các thế hệ người Việt Nam trong cuộc sống và trong những thử thách của lịch sử. Bài hát đã trở thành một phần không thể thiếu của văn hóa âm nhạc dân tộc và là biểu tượng vững chắc của sự đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam.

Giới thiệu về bài hát Tiến quân ca - mẫu 5

“Tiến quân ca” là bài ca cách mạng, với âm hưởng hào hùng, thôi thúc, cổ vũ tinh thần, nhiệt huyết và lòng yêu nước của bộ đội, nhân dân Việt Nam cùng đứng lên đấu tranh giành độc lập dân tộc.

Về ca khúc, Văn Cao nói rằng, tên bài hát và lời ca của nó là một sự tiếp tục từ ca khúc Thăng Long hành khúc ca trước đó:

“Cùng tiến bước về phương Thăng Long thành cao đứng”

và bài Đống Đa:

“Tiến quân hành khúc ca, thét vang rừng núi xa”…

Và ông đã rút lại những ca từ trong bài hát đó thành Tiến quân ca.

Phần ca từ trong bài hát ở thời điểm mới ra đời có nhiều khác biệt so với sau này, như câu đầu Đoàn quân Việt Nam đi, thì ban đầu là Đoàn quân Việt Minh đi,câu thứ sáu của bài hát ở phiên bản đầu là “Thề phanh thây uống máu quân thù” thể hiện sự căm phẫn, đau đớn của Văn Cao trước sự tàn bạo của thực dân Pháp và trước nạn đói đang xảy ra, về sau được nhiều người góp ý, tác giả đã sửa thành Đường vinh quang xây xác quân thù. Câu kết: “Tiến lên! Cùng thét lên! Chí trai là nơi đây ước nguyền!” được Văn Cao sửa thành (…) Núi sông Việt Nam ta vững bền, nhưng đến khi xuất bản thành Quốc ca, ai đó đã sửa thành (…) Nước non Việt Nam ta vững bền, việc này, theo Văn Cao, “Với một ca khúc đòi hỏi trang nghiêm, chữ nước non hát lên bị yếu. Chữ núi sông hát khỏe và hùng tráng”.

Cứ đến mỗi ngày lễ kỷ niệm của đất nước, bài hát Tiến quân ca lại vang lên đầy hào sảng, thiêng liêng. Quốc ca mang hồn thiêng sông núi, là tiếng đồng vọng của lịch sử, là lời hiệu triệu xốc tới, là mạch đập của đất nước và dân tộc, mạch đập của trái tim mỗi người dân Việt.

Quốc ca phải được hát lên bằng lời, vì mỗi khi hát lên thì từng câu, từng chữ như ngấm vào máu của mỗi công dân, tạo nên cảm xúc rất đặc biệt, làm bừng lên lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, khơi dậy ý thức trách nhiệm của hậu thế với các bậc tiền nhân, với Tổ quốc.

Đã bao lần, trong những phút giây trang nghiêm, trước cờ đỏ sao vàng, mỗi chúng ta đã cất lên lời hát ấy. Mỗi lần hát là mỗi lần trái tim rung lên cùng non sông đất nước, cùng những tháng năm bi tráng chưa đi qua, đã đi qua đầm đìa mồ hôi và máu của dân tộc. Bài hát mang giai điệu tự hào, thiêng liêng nhất của Tổ quốc này. Bởi đó là Quốc ca nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Giới thiệu về bài hát Tiến quân ca - mẫu 6

Tác phẩm “Tiến quân ca” là sự xuất thần của nhạc sỹ Văn Cao cả về nội dung, hình thức thể hiện, tư tưởng và nghệ thuật, như một “mốc son” của âm nhạc Việt Nam trong dòng chảy lịch sử của dân tộc.

Ngay khi xuất hiện, ca khúc đã được các tầng lớp nhân dân Việt Nam đón nhận, bởi dự cảm của ông cũng là điều mong mỏi của cả dân tộc.

Bài Tiến quân ca được Văn Cao viết nhiều ngày trong mùa đông giá rét năm 1944 tại căn gác số 45 Nguyễn Thượng Hiền, Hà Nội. Nhân dân Việt Nam đang sống trong những ngày cùng cực, đói khổ nhất. Sau đó vài tháng, nạn đói khủng khiếp năm Ất Dậu 1945 đã xảy ra.

Lòng căm thù giặc ngút cao, điều ấy lý giải một phần vì sao trong bài hát Tiến quân ca khi mới viết ra có những ca từ bừng bừng “sát khí” như Thề phanh thây uống máu quân thù... Tuy nhiên, sau đó câu này đã được sửa lại thành Đường vinh quang xây xác quân thù như chúng ta đang hát. Bản đầu tiên câu kết của Tiến quân ca, Văn Cao viết Núi sông Việt Nam ta vững bền nhưng sau đó được chữa lại thành Nước non Việt Nam ta vững bền.

Bài hát mở đầu bằng những câu chữ đầy hào hùng: "Đoàn quân Việt Nam đi / Chung lòng cứu quốc." Những lời này gợi lên hình ảnh một quân đội đoàn kết, quyết tâm đi lên đánh tan kẻ thù, để giành lại tự do cho dân tộc.

Và có lẽ điều đặc biệt làm cho bài hát trở thành độc nhất phải nói đến phần điệp khúc đầy hùng tráng:

Vì nhân dân chiến đấu không ngừng,

Tiến mau ra sa trường,

Tiến lên, cùng tiến lên.

Nước non Việt Nam ta vững bền.

Những câu hát trên không chỉ thể hiện sức mạnh đoàn kết của nhân dân Việt Nam những con người cùng chung lí tưởng cứu nước và chung sức phấn đấu giải phóng đất nước mà còn thể hiện tinh thần quyết tâm không ngừng chiến đấu vì một đất nước Việt Nam vững bền.

Ra đời và đồng hành suốt chiều dài lịch sử cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân cũng như sự nghiệp bảo vệ, xây dựng, phát triển đất nước, Quốc ca - “Tiến quân ca” đã trở thành biểu tượng cho ý chí, khát vọng và niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. Hôm nay, trên chặng đường hội nhập, phát triển, trong không khí hào hùng của những ngày kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 – 2/9/2020), âm hưởng của Quốc ca - “Tiến quân ca” như càng thêm ngân vọng, lan tỏa, nhân lên niềm tự hào về truyền thống lịch sử cách mạng, lịch sử dân tộc.

1 3,204 11/07/2024


Xem thêm các chương trình khác: