Bài thu hoạch BDTX Giáo viên mầm non Module 2 (Quản lý cảm xúc bản thân)
Vietjack.me tổng hợp, biên soạn giới thiệu đến thầy cô Bài thu hoạch BDTX Giáo viên mầm non Module 2 theo Thông tư 12 với chủ đề Quản lý cảm xúc bản thân. Mời thầy cô và các bạn đón xem:
Bài thu hoạch BDTX Giáo viên mầm non Module 2 (Quản lý cảm xúc bản thân)
MẪU SỐ 1
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Trong đời sống tâm lý, tinh thần của con người, yếu tố xúc cảm, tình cảm chiếm một vị trí vô cùng quan trọng. Cảm xúc là động lực giúp con người hoạt động, là một trong những nhân tố điều khiển hành vi và hoạt động của cá nhân. Cảm xúc đi đúng hướng sẽ là động lực cho con người vươn lên, tìm tòi, sáng tạo. Bên cạnh đó, nó cũng có thể khiển nhận thức và hành động bị sai lệch, ảnh hưởng tiêu cực đến tâm sinh lý cũng như mối quan hệ xã hội khi cường độ quá mạnh. Vincent Van Gogh đã khẳng định “Đừng quên rằng các cảm xúc nhỏ bé là những lãnh đạo của cuộc đời ta. Chúng khiến ta tuân phục mà không hề nhận ra". Vì vậy, quản lý cảm xúc là một trong những kỹ năng quyết định sự thành công trong hoạt động của con người.
Nghề giáo viên mầm non là một nghề có rất nhiều khó khăn và áp lực. Lao động của người giáo viên mầm non có những đặc thù riêng biệt, mang trách nhiệm của người thiết kế và tổ chức các hoạt động bảo vệ, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ, đặt nền móng vững chắc để hình thành và phát triển nhân cách cho con người sau này. Đối tượng mà giáo dục mầm non hướng tới là trẻ nhỏ, lứa tuổi còn rất non nớt và đang trong giai đoạn phát triển với tốc độ nhanh. Đối với trẻ trong giai đoạn mầm non, các hành xứ của trẻ là bản năng, tức là trẻ làm theo tất cả những gì bản thân muốn làm, chưa hình thành suy nghĩ logic, là liệu việc làm đó lợi hay hại. Thường xuyên tiếp xúc với nhóm trẻ này có thể gây nên cảm xúc tiêu cực ở người giáo viên mầm non. Thực tế cho thấy, khả nhiều giáo viên mầm non mất kiểm soát cảm xúc và có những hành động bạo hành đối với trẻ nhỏ. Việc nhận diện những áp lực và khó khăn trong nghề giáo viên mầm non luôn cần thiết để người giáo viên mầm non có thể thực hiện tốt công việc của mình.
Vì thế, để thực hiện tốt công việc của mình ngoài yêu cầu chuyên môn thì người giáo viên mầm non phải luôn tự kiềm chế mình, điều khiển cảm xúc của bản thân, rèn cho mình những kĩ năng quản lý cảm xúc của bản thân. Những căng thẳng, áp lực lớn mà người giáo viên mầm non gặp phải nếu biết quản lý cảm xúc tức là điều chỉnh cảm xúc của bản thân cho phù hợp với hoàn cảnh sẽ giúp cho người giáo viên thành công trong sự nghiệp giáo dục của mình. Bởi, nhân cách của giáo viên sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ. Một mặt người giáo viên phải làm chủ cảm xúc để làm chủ các tình huống sư phạm diễn ra rất đa dạng, phong phú. Mặt khác, người giáo viên phải định hướng và giáo dục cho trẻ kỹ năng quản lý cảm xúc giúp trẻ làm chủ cảm xúc của mình nhằm phát triển nhân cách hài hòa, thuận lợi.
II. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU
1. Quản lý cảm xúc
Daniel Goleman rằng “Quản lý cảm xúc thể hiện năng lực làm việc cho những tình cảm của mình thích nghi với hoàn cảnh...con người tự trấn an tinh thần của mình, thoát ra khỏi sự chi phối của lo âu, buồn rầu và giận dữ thế nào, cũng như thấy được hậu quả tiêu cực của tình trạng ngược lại. Những người không có năng lực tâm lý căn bản này thường xuyên phải đấu tranh chống lại tình cảm nặng nề..."
Khái niệm “Quản lý cảm xúc” được phân tích nhiều trong khái niệm trí tuệ cảm xúc. Theo J. Mayer và P. Salovey: “Quản lý cảm xúc là khả năng hiểu rõ cảm xúc bản thân, thấu hiểu cảm xúc của người khác, phân biệt được chúng và sử dụng những thông tin ấy để hướng dẫn suy nghĩ và hành động của mình”.
Quản lý cảm xúc cần phải có khả năng để định dạng, hiểu được và làm nhẹ đi cảm xúc của mình khi thích hợp. Quản lý cảm xúc có thể liên quan đến việc ức chế hoặc làm dịu bớt các phản ứng cảm xúc. Quản lý cảm xúc có thể liên quan tới việc gia tăng cường độ thức tỉnh cảm xúc nhằm đạt tới mục tiêu. Thực chất, quản lý cảm xúc cho phép con người là “ông chủ của chính mình”.
Như vậy quản lý cảm xúc là khả năng con người hiểu rõ cảm xúc của bản thân để điều chỉnh cho phù hợp nhằm đạt được mục tiêu trong giao tiếp.
2. Kỹ năng quản lý cảm xúc
Kỹ năng quản lý cảm xúc là khả năng điều chỉnh, điều khiển cảm xúc của bản thân và người khác một cách hiệu quả nhằm đạt được những mục tiêu nhất định. Kỹ năng quản lý cảm xúc là sự vận dụng tri thức, kinh nghiệm, hiểu biết vào việc nhận diện, kiểm soát, điều chỉnh và sử dụng những rung động của cá nhân khi có những kích thích tác động nhằm giúp con người đạt được những gì mong muốn.
3. Kỹ năng quản lý cảm xúc của người giáo viên mầm non
Quản lý cảm xúc của người giáo viên mầm non là khả năng kiểm soát những xung động và phản ứng hay nói cách khác là kiềm chế các ham muốn cảm xúc của bản thân; Là kiểm soát những cảm xúc nhất thời và sự bốc đồng, kiềm chế sự bốc đồng và nỗi đau; giữ được bình tĩnh khi xảy ra các sự việc bất ngờ; suy nghĩ kĩ càng và giải quyết sự việc dưới mọi áp lực. Quản lý cảm xúc của người giáo viên mầm non còn được quan niệm là làm chủ cảm xúc để cảm xúc tạo thuận lợi chứ không ngăn cản công việc sắp tiến hành và có khả năng hồi phục kịp thời sau khi bị khủng hoảng về tình cảm và làm chủ trạng thái cảm xúc, kiểm soát, điều khiển cảm xúc cho phù hợp với đối tượng và hoàn cảnh giao tiếp.
Như vậy, quản lý cảm xúc của giáo viên mầm non được hiểu là khả năng tự điều chỉnh trạng thái cảm xúc, trong đó tự làm giảm các cảm xúc tiêu cực và tăng cảm xúc tích cực trong các trường hợp cụ thể.
Kỹ năng quản lý cảm xúc của giáo viên mầm non là khả năng vận dụng những tri thức, kinh nghiệm để nhận diện cảm xúc của bản thân và thấu hiểu cảm xúc của người khác, điều chỉnh cảm xúc và tạo ra môi trường thân thiện nhằm đạt được hiệu quả trong hoạt động nghề nghiệp.Đây là một trong những kỹ năng cơ bản mà người giáo viễn mầm non cần có nhằm thích ứng với công việc của mình.
4. Sự cần thiết phải quản lý cảm xúc của người giáo viên mầm non trong hoạt động nghề nghiệp
Giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, đặt nền móng cho sự phát triển thể chất, nhận thức, tình cảm và thẩm mỹ của trẻ. Những kỹ năng đầu tiên mà trẻ được tiếp thu tại trường mầm non là điều kiện để trẻ phát triển bản thân, hướng tới hoàn thiện những kỹ năng trong cuộc sống sau này. Trong thực tế, giáo dục mầm non vẫn còn tồn tại những yếu kém và bất cập, đặc biệt là tình trạng bạo hành trẻ em tại các cơ sở giáo dục mầm non diễn ra trong thời gian gần đây. Một điều đáng lo ngại là việc bạo hành trẻ em không chỉ xảy ra tại các cơ sở giáo dục mầm non có đội ngũ giáo viên không được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng sư phạm, mà còn diễn ra ở các cơ sở có giáo viên đã qua đào tạo tại các trường sư phạm.
Ở trẻ em lứa tuổi mầm non tình cảm chi phối tất cả các mặt trong hoạt động phát triển tâm lý của trẻ, việc thể hiện cảm xúc của giáo viên mầm non trong quá trình giáo dục sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống tâm lý của trẻ. Vì thế, kỹ năng quản lý cảm xúc bản thân là yếu tố quan trọng trong hoạt động sư phạm. Để làm được việc này ngoài những tri thức, kỹ năng về chuyên môn nghề nghiệp thì giáo viên mầm non cần rèn luyện kĩ năng quản lữ cảm xúc của bản thân - đây là yếu tố vừa mang tính chủ thể vừa mang tính khách quan và có ảnh hưởng trực tiếp tới mối hệ giữa giáo viên và trẻ cũng như giáo viên với các thành phần, tổ chức khác trong trường học. Tuy nhiên hiện nay sự nhạy bén, tinh tế và kĩ năng quản lý cảm xúc của giáo viên trong hoạt động giảng dạy còn nhiều hạn chế, cần có thời gian để giáo viên mầm non nhận thức và tự rèn luyện, nâng cao năng lực tự điều chỉnh cảm xúc. Đây có thể được coi như kiến nghị đổi với toàn thể giáo viên nói chung là giáo viên mầm non nói riêng, để hoàn thành tốt nhiệm vụ dạy học và giáo dục của bản thân.
5. Một số kỹ năng quản lý cảm xúc của người giáo viên mầm non
Kỹ năng nhận diện cảm xúc của bản thân
Giáo viên mầm non muốn tự quản lý được cảm xúc của bản thân thì trước tiên là cần nhận diện được cảm xúc. Khả năng nhận diện cảm xúc tức là cá nhân nhận biết ngay được cảm xúc của chính mình, hiểu rõ cảm xúc hiện tại, nhận biết vai trò quan trọng của cảm xúc đối với kết quả công việc, không để cho cảm xúc lấn át lý trí làm phát sinh những phản ứng tiêu cực. Biết điểm mạnh, điểm yếu của mình để khắc phục và phát huy.
Đối với khả năng này giáo viên mầm non cần phải trả lời được các câu hỏi như:
+ Mình đang ở trạng thái cảm xúc nào? Tích cực hay tiêu cực? + Đối tượng đang ở trạng thái cảm xúc nào? Tích cực hay tiêu cực?
+ Mình và đối tượng đang có những biểu hiện nào trên cơ thể (đỏ mặt, căng cơ, tim đập nhanh, khó thở...)? Giáo viên mầm non phải biết tự đánh giả cảm xúc hiện có của bản thân mình, tức là giáo viên mầm non có thể phân tích cảm xúc hiện có đang ở trạng thái nào, cảm xúc tích cực hay tiêu cực, cá nhân hiểu được điểm mạnh, điểm yếu, mặt có lợi và mặt có hại của cảm xúc hiện tại trong việc duy trì và điều chỉnh cảm xúc của bản thân.
Đối với khả năng tự đánh giá cảm xúc thì giáo viên mầm non cần phải trả lời được những câu hỏi sau:
+ Trạng thái cảm xúc nào đang xâm chiếm bản thân mình nhiều hơn: tích cực hay tiêu cực?
+ Nếu đang ở trạng thái tiêu cực hay tích thì có những biểu hiện sinh lý nào đã bị thể hiện ra bên ngoài?
+ Nếu tiếp tục duy trì trạng thái cảm xúc đó có lợi và có hại như thế nào cho bản thân?
+ Bước đầu tìm cách thoát khỏi trạng thái cảm xúc hiện đang xâm chiếm?
Kỹ năng kiểm soát và điều chỉnh cảm xúc của bản thân
Người giáo viên mầm non có kỹ năng kiểm soát cảm xúc tức là họ có khả năng nhận thức rõ cảm xúc của mình trong một tình huống nào đó, hiểu được ảnh hưởng của cảm xúc đối với bản thân và người khác như thế nào, đồng thời biết cách điều chỉnh và thể hiện cảm xúc một cách phù hợp.
Khi giáo viên mầm non nhận thức và đánh giá được cảm xúc của bản thân thì họ có thể kiểm soát cảm xúc bằng cách đưa ra nhiều phương án giải quyết, hay nói cách khác phải đưa ra nhiều lựa chọn để có thể lựa chọn được phương án tốt nhất cho từng trường hợp cụ thể nhưng theo hướng có lợi và có được cảm xúc tích cực.
Đưa ra nhiều phương án, nhiều sự lựa chọn tức là giáo viên mầm non sẽ suy nghĩ là đưa ra nhiều cách cho một tình huống cụ thể. Ví dụ như tình huống gây cảm xúc tiêu cực - tức giận, giáo viên mầm non sau khi nhận thức được bản thân đang ở trong cảm xúc tiêu cực, đánh giá và gọi tên được cảm xúc tiêu cực đó là tức giận, thì sẽ đưa ra các sự lựa chọn như: cãi nhau, quát tháo, thờ ơ, kiềm chế, bỏ đi, im lặng...
Kỹ năng kiểm soát cảm xúc là cơ sở để người giáo viên mầm non triển khai các kỹ năng điều khiển cảm xúc của mình nhằm mang lại hiệu quả hành động. Điều khiển cảm xúc biểu hiện trước hết ở kỹ năng duy trì cảm xúc ở mức “cân bằng” tránh sự thái quá trong việc thúc đẩy hành động, khi có những kích thích từ bên trong hoặc bên ngoài. Kỹ năng điều khiển cảm xúc là luôn giữ được bình tĩnh trong nhận thức, thái độ và hành vi ứng xử, trước những kích thích có thể gây ra những cảm xúc với cường độ cao và không bị những cảm xúc đó làm biến dạng.
Kỹ năng sử dụng cảm xúc của bản thân
Người giáo viên mầm non sử dụng cảm xúc của mình như là một phương tiện để đạt mục đích nào đó trong nhận thức, thái độ hay hành động là mức độ cao nhất, đồng thời cũng là thành phần quan trọng trong cấu trúc tâm lý của quản lý cảm xúc của cá nhân. Nhận dạng, kiểm soát và điều khiển cảm xúc là cá nhân sử dụng tri thức, ý thức, ý chí để nhận ra và kiểm soát, giám sát và điều khiển những cảm xúc thực của bản thân, duy trì cường độ của nó cho phù hợp với hoàn cảnh cụ thể. Trong khi đó, sử dụng cảm xúc, là cá nhân không chỉ dừng lại ở mức nhận dạng, kiểm soát, giám sát và điều khiển cảm xúc thực đang diễn ra, mà còn biết làm “tăng lên”, hoặc “giảm bớt” cường độ của cảm xúc khi cần thiết. Thậm chí phải biết “tạo ra” những cảm xúc và biết thể hiện” cảm xúc đó một cách “như thật” để đạt mục đích nhất định. Thực chất của “tạo ra cảm xúc" ở đây chính là cá nhân biết sử dụng các biểu cảm tương ứng với mỗi loại cảm xúc để thể hiện ra “cảm xúc của mình” để người khác biết.
Kỹ năng sử dụng cảm xúc của bản thân được ít gắn với các yếu tố thần kinh, khí chất, mà chủ yếu được hình thành qua trải nghiệm của cá nhân hay qua học tập. Hình thành kỹ năng sử dụng cảm xúc là một trong những điều kiện cần thiết của hoạt động gắn với yếu tố con người, trong đó có nghề dạy học.
6. Biện pháp rèn kỹ năng quản lý cảm xúc cho giáo viên
6.1. Nâng cao khả năng nhận diện cảm xúc bản thân của người giáo viên mầm non
Một số phương pháp để nâng cao khả năng nhận diện cảm xúc bản thân cho người giáo viên mầm non:
Xác định và gọi tên các cảm xúc như: sợ hãi, tức giận, lo lắng, khó chịu, ấm ức...Gọi tên các cảm xúc có thể bằng cách duy trì viết ra cảm xúc, đối thoại nội tâm.
Cảm nhận cảm xúc thông qua biểu hiện cơ thể: Tinh thần và cơ thể gắn kết với nhau rất chặt chẽ, vì thế một trong những cách hiệu quả nhất để hiểu cảm xúc khi nó xảy ra là học cách nhận biết những thay đổi trong cơ thể tương ứng với cảm xúc đó. Để hiểu rõ hơn những tác động của cảm xúc với cơ thể, chúng ta có thể thử bằng cách nhắm mắt lại, cảm nhận những thay đổi trên cơ thể của mình như: nhịp tim, hơi thở, các cơ mặt, tay, chân...
Xác định các yếu tố kích thích cảm xúc của bản thân. Nhận thức được yếu tố nào thường khiến chúng ta tức giận là rất cần thiết trong việc phát triển khả năng kiểm soát tình huống, giữ gìn tác phong và tự trấn tính. Để áp dụng phương pháp này, chúng ta sẽ khoanh vùng những đối tượng, trường hợp cụ thể tạo ra kích thích cảm xúc bằng viết ra và ghi nhớ tất cả những tình huống đó - đây là bước quan trọng để chúng ta có thể kiểm soát được cảm xúc không mong muốn.
Tìm hiểm thông tin phản hồi. Giáo viên cần tiếp thu một cách cởi mở những thông tin phản hồi từ phía người khác như: đồng nghiệp, bạn bè, gia đình, phụ huynh.. có thể bằng cách đưa ra những đề nghị, những câu hỏi cho họ về vấn đề của mình. Kết hợp nhiều góc nhìn khác nhau sẽ cho bức tranh toàn cảnh, bao gồm cảm xúc và phản ứng của cơ thể ảnh hưởng tới bản thân và người khác như thế nào.
Nhìn nhận vấn đề thật khách quan. Hầu hết cảm xúc tiêu cực của chúng ta đều phát sinh từ sự thiếu sáng suốt trong việc nhận thức vấn đề. Có thể điều chỉnh nhận thức bằng cách đánh giá lại sự kiện, phân tích lại tình huống để phát hiện những suy luận vô lý của vấn đề. Việc phát hiện ra những ý nghĩ sai lầm dựa sẽ giúp ta nhận thức lại vấn đề, từ đó điều chỉnh lại cảm xúc của mình.
Với người GVMN trong hoạt động nghề nghiệp thường xuyên phải đương đầu với những tình huống đầy khó khăn, thách thức, vì vậy việc nhận diện được cảm xúc của bản thân là cực kỳ quan trọng. Từ việc hiểu rõ cảm xúc của mình đang diễn ra như thế nào giúp họ có thể định hướng cho hành vi của mình.
6.2. Biện pháp kiểm soát và điều chỉnh cảm xúc
Người giáo viên mầm non có thể kiểm soát và điều chỉnh cảm xúc thông qua một số hoạt động sau:
Luyện tập các bài tập thư giãn. Đây là một trong những cách nhanh nhất và hiệu quả nhất để kiểm soát những cảm xúc âm tính như: khó chịu, lo lắng, tức giận..... Luyện tập các bài tập thư giãn thông qua cách thả lỏng toàn bộ cơ thể, điều hoà hơi thở, yoga, ngồi thiền chánh niệm...Học cách điều hoà hơi thở và nhịp tim để đưa cơ thể về trạng thái cân bằng, ổn định.
Sử dụng thời gian tạm lắng. Phương pháp này là cho mình thời gian, không gian riêng, tạm thời cách ly với người và tình huống đưa đến những cảm xúc tiêu cực đến khi tâm trạng bình tĩnh trở lại. Thời gian tạm lắng này, chúng ta có thể đi bộ. đếm từ 1-10, lắng nghe bản thân và suy nghĩ hành động ứng phó tiếp theo.
Thực hành tư duy tích cực.
+ Ngừng lại những suy nghĩ tiêu cực trong đầu, hãy cố suy nghĩ và tìm ra những khía cạnh tích cực của tình huống hiện tại, ví dụ “Trẻ khóc có thể là do trẻ đang cảm thấy khó chịu trong người...
+ Tập trung suy nghĩ giải quyết vấn đề, cải thiện tình huống thay vì lo lắng. ví dụ, thay vì việc trẻ đánh nhau thì phụ huynh sẽ phản đối thì nên tập trung nghĩ cách dạy trẻ tương tác với nhau. Kiểm soát sự giận dữ. Người giáo viên mầm non có thể kiểm soát sự tức giận bằng bốn bước sau:
Bước 1: Mô tả tình huống gây tức giận (Ai? Cái gì? Khi nào? Ở đâu?)
Bước 2: Ghi lại những cảm xúc tiêu cực, sử dụng các từ mô tả trạng thái như khó chịu, cáu tiết, tức giận, nổi khùng.
Bước 3: Chuyển đổi từ suy nghĩ sai lệch sang những suy nghĩ tích cực hơn.
Học cách chấp nhận cảm xúc. Khi người giáo viên thấu hiểu hay chấp nhận những cảm xúc đó và cho phép bản thân trái nghiệm cảm xúc thì chúng ta sẽ biết cách xử lý tình huống tích cực và có tính xây dựng.
Chia sẻ cảm xúc. Khi gặp tình huống nan giai, hãy tìm một người nào đó tin tưởng và cảm thấy dễ chịu khi ở bên cạnh, một người không bị tình cảnh của bạn tác động đến. Chia sẻ cảm xúc với một người quan tâm đến những cảm xúc của chúng ta không những giúp ta giải toả cảm xúc mà còn có thể mở ra nhiều phương hướng giải quyết vấn đề. Những người có thể trò chuyện phải là những người có kỹ năng tốt về quản lý cảm xúc và không bị ảnh hưởng bởi hoàn cảnh quan điểm, những nhu cầu và cảm xúc cá nhân, nếu không sẽ chỉ làm cho chúng ta thêm trầm trọng.
6.3. Nâng cao kỹ năng sử dụng cảm xúc của bản thân
Lắng nghe và quan sát. Đây là một quá trình thiết thực không những cho phép giáo viên tiếp nhận thông tin mà còn giúp họ biết đồng cảm, tôn trọng và thấu hiểu mọi người hơn. Cần phải thực hành để thực sự quan sát người khác khi chúng ta tương tác với họ và hiểu đúng những gì người khác suy nghĩ và cảm nhận. Khi giao tiếp, hãy tập trung lắng nghe một cách chủ động và quan sát ngôn ngữ cơ thể của mọi người để hiểu được thông tin mà họ muốn phản hồi. Việc đọc hiểu ngôn ngữ cơ thể người khác rất quan trọng, nhờ vậy ta sẽ biết người đối diện thật sự đang cảm thấy ra sao và có thể chuẩn bị cách hồi đáp tích cực.
Đặt mình vào hoàn cảnh của người khác. Phương pháp đặt mình vào hoàn cảnh người khác là chúng ta luôn đặt ra câu hỏi “Nếu mình là người này ...” để thấu hiểu hơn cảm xúc đang có ở họ. Đặt mình vào hoàn cảnh của người khác cũng tức là nhìn nhận sự vật từ quan điểm của người khác, phân tích lại tình huống hoặc sự kiện từ góc nhìn khác nhau, để có cái nhìn hợp lý hơn về bản chất tình huống hay sự kiện, về các giải pháp thay thế.
3. KẾT LUẬN
Trong hoạt động nghề nghiệp, dưới áp lực của công việc người giáo viên mầm non phải đối mặt với rất nhiều tình huống khó khăn, căng thẳng có thể gây ra những cảm xúc tiêu cực có hại cho sức khoẻ cũng như công việc của họ. Vì thế người giáo viên mầm non cần phải rèn luyện để làm giảm những áp lực căng thẳng, kiểm soát được sự giận dữ của mình để hoàn thành hiệu quả công việc.Tóm lại, công tác chăm sóc giáo dục trẻ đòi hỏi người giáo viên mầm non phải có những khả năng liên quan đến cảm xúc, phải hiểu chính mình, khéo léo thể hiện cảm xúc để tạo nên hiệu quả giáo dục. Những căng thẳng, áp lực lớn giáo viên mầm non gặp phải nếu biết sử dụng trí tuệ cảm xúc tức biến những cảm xúc thành trí thông minh phục vụ cho công việc sẽ tạo động lực và tình yêu nghề của người giáo viên. Vận dụng các biện pháp rèn kỹ năng quản lý cảm xúc trong các tình huống cụ thể, sẽ người giáo viên giảm áp lực căng thẳng trong công việc và kiểm soát được cảm xúc của mình.
MẪU SỐ 2
Dưới đây là mẫu bài thu hoạch module 2 mầm non theo thông tư 12 về quản lý cảm xúc bản thân của người giáo viên mầm non trong hoạt động nghề nghiệp. Bài đã đưa ra rất nhiều giải pháp hay về việc quản lý cảm xúc người giáo viên. Mời các bạn tham khảo.
1. Đặt vấn đề
Lứa tuổi mầm non từ 0 tuổi cho đến trước 6 tuổi là thời kỳ phát triển đặc biệt quan trọng. Đây là giai đoạn mỗi trẻ em ở lứa tuổi mầm non phát triển rất nhanh tùy thuộc vào môi trường của gia đình, lớp học thế nào. Nếu đó là một môi trường tạo ra những cảm xúc tích cực giúp trẻ được tắm mình trong thế giới ngôn ngữ mẹ đẻ và được cô giáo yêu thương...Môi trường giàu tương tác và trải nghiệm thì trẻ sẽ tích cực khám phá và sẽ phát triển tốt.
Với gần 5 triệu trẻ đang được chăm sóc trong các cơ sở mầm non toàn quốc, việc đảm bảo an toàn cho trẻ trong các cơ sở này là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Đặc biệt, việc chăm sóc, giáo dục trẻ không đúng phương pháp sẽ dẫn tới các sang chấn về tâm lý đối với trẻ, ảnh hưởng tới trẻ đến suốt cuộc đời.
Trẻ em mầm non là đối tượng non nớt cả về sức khỏe, thể chất lẫn kiến thức kinh nghiệm và thiếu khả năng tự bảo vệ mình, khi có yếu tố nguy cơ hay rơi vòa tình huống bị bạo lực thì trẻ em thường có ít khả năng tự phòng vệ hay kháng cự lại…do đó đây là nhóm đối tượng dễ bị bạo hành. Những đối tượng tham gia vào quá trình chăm sóc, giáo dục ở cơ sở giáo dục mầm non đều có thể gây bạo hành cho trẻ: Cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, cũng như các cha, mẹ của trẻ khác.
Trước thực tế ngày càng xuất hiện tình trạng bạo hành trẻ mầm non xuất phát từ sự thiếu kiềm chế, không kiểm xoát được cảm xúc của giáo viên, bạo hành trẻ em là hành vi ứng xử tiêu cực với trẻ em trong những tình huống khác nhau, vượt qua khả năng ứng phó của người chăm sóc, nuôi dưỡng, gây tổn thương về mặt thực thể và tâm lý của trẻ. Giáo viên chưa gần gữi, giám sát và kịp thời đáp ứng nhu cầu đang phát triển của trẻ, im lặng hay ngầm đồng ý thậm chí là tiếp tay cho các hiện tượng bắt nạt trẻ, chưa đối sử công bằng, còn định kiến với trẻ…..Như vậy, thực tế cho thấy tình trạng trẻ em mầm non bị sao nhãng, thờ ơ, bỏ mặc ở nhà trường là khá phổ biến. Đáng ngại hơn chính là những nguy cơ bạo hành trẻ luôn tiềm ẩn ở những người làm công tác giáo dục trẻ. Là cán bộ quản lý, có nhiều năm là giáo viên đứng lớp, trực tiếp chăm sóc, giáo dục trẻ tôi luôn trăn trở và nung nấu và đặt ra câu hỏi: Phải làm gì để giúp giáo viên kiểm soát được cảm xúc trong quá trình chăm sóc, giáo dục trẻ? Nhằm hạn chế tối đa các biểu hiện, hành vi xúc phạm tâm lý, thân thể trẻ.
Thực tế cho thấy, việc bạo hành trẻ xuất phát từ nhà trường, gia đình và xã hội. Nguyên nhân bạo hành trẻ có thể từ người trực tiếp chăm sóc, giáo dục trẻ, từ cá nhân hoặc đồng nghiệp. Để hạn chế điều này, trường Mầm non ......... chúng tôi luôn xác định: Giáo viên mầm non không chỉ quan tâm nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực tự học, tự bồi dưỡng mà còn phải có khả năng điều tiết quản lý cảm xúc của bản thân, nhạy cảm, tinh tế trong giao tiếp, ứng xử với trẻ, hỗ trợ bản thân, trẻ và đồng nghiệp trong việc cân bằng cảm xúc hóa tư duy để đáp ứng hiệu quả những yêu cầu của nghề nghiệp. Để hạn chế những hành vi, ứng xử tiêu cực, thiếu kiềm chế của giáo viên, trong những năm qua nhà trường đã triển khai có hiệu quả những giải pháp cụ thể sau đây:
2. Giải pháp kiểm soát cảm xúc của giáo viên trong quá trình chăm sóc, giáo dục trẻ tại trường Mầm non .........
2.1. Tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng kiềm chế cảm xúc cho đội ngũ giáo viên
Giáo viên mầm non phải nắm vững lí thuyết về giáo dục phát triển trẻ mầm non, có kỹ năng sư phạm, đạo đức nghề nghiệp và phải yêu thích trẻ em. Hơn thế mỗi giáo viên mầm non luôn phải hiểu rằng mỗi sự tức giận, buồn chán, kích động của họ đều có thể ảnh hướng đến sự phát triển của trẻ. Họ phải học cách để kiềm chế các cảm xúc tiêu cực….Để thực hiện có hiệu quả giải pháp trên tôi đã tham mưu với Ban giám hiệu chủ động đưa ra các nội dung bồi dưỡng cho giáo viên, cụ thể:
- Tập huấn, bồi dưỡng, hướng dẫn cho giáo viên nghiên cứu về các văn bản của ngành, trong đó tập trung nghiên cứu các văn bản liên quan đến đạo đức nhà giáo: Các tiêu chuẩn quy định trong Chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non (Thông tư 26/2018/TT-BGDĐT); Điều 40 của điều lệ trường mầm non quy định các hành vi giáo viên và nhân viên không được làm:
+ Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể trẻ em và đồng nghiệp;
+ Xuyên tạc nội dung giáo dục;
+ Bỏ giờ; Bỏ buổi dạy; Tùy tiện cắt xén chương trình nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục;
+ Đối xử không công bằng đối với trẻ em;
+ Ép buộc trẻ học thêm để thu tiền;
+ Bớt xén khẩu phần ăn của trẻ em; Làm việc riêng khi đang tổ chức các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em.
Và các quy định, quy chế của nhà trường áp dụng cụ thể theo tình hình thực tế.
- Bồi dưỡng để giáo viên nhận thức rõ ràng, đầy đủ về phẩm chất nghề nghiệp của của người giáo viên mầm non, cụ thể:
Yêu trẻ là yếu tố quyết định: Chẳng lạ khi nói cô giáo mầm non yêu trẻ là yếu tố then chốt để thành công với nghề sư phạm mầm non vì công việc này diễn ra mỗi ngày, có lúc trở nên ức chế vì trẻ không nghe lời hoặc chịu tác động xung quanh, nếu không yêu và nâng niu con trẻ thì khó để bạn đi đến nghề này lâu dài
Tính kiên nhẫn và kiềm chế bản thân: Làm công việc này sẽ có lúc rất căng thẳng, bạn cần rèn luyện được khả năng kiên nhẫn với trẻ và kiềm chế được tính nóng nảy của bản thân mình, trẻ em dễ tổn thương nên bạn càng cần phải mềm mỏng.
Phải có những kiến thức, kỹ năng sư phạm cần thiết: Giáo viên mầm non cần đảm bảo kỹ năng nghiệp vụ cần thiết cho mình để nuôi dạy trẻ tốt hơn. Phải biết chuẩn bị đồ dùng đồ chơi cho bé như kỹ năng cắt,vẽ, xé dán trang trí lớp sinh động. Phải biết múa, kiêm biên đạo và vừa hát, vừa múa vừa tự biên đạo múa cho các con.
Giáo viên mầm non có cách ứng xử khéo léo cũng rất quan trọng trong việc hình thành nhân cách của trẻ.
- Thảo luận, trao đổi về các tình huống đã xảy ra trong thực tế để đưa ra những bài học, những cách thức giải giải quyết vần đề nhằm kiềm chế cảm xúc.
Đối với một số người khả năng kiềm chế cảm xúc tiêu cực khó đòi hỏi phải có sự giúp đỡ của đồng nghiệp vì khi diễn ra hành vi bạo hành trẻ thì là thời điểm người giáo viên đang rơi vào trạng thái căng thẳng về mặt tâm lý, dẫn đến mất kiểm soát về mặt nhận thức, cảm xúc, hành vi. Lúc này họ cũng không nhận thức được hành vi của mình là đúng hay sai và dẫn tới hậu quả gì? Thường trong một lớp có từ 2 cô trở lên, họ phải luôn chia sẻ học hỏi, hỗ trợ lẫn nhau, kể cả việc kiềm chế cảm xúc của nhau trong quá trình tiếp xúc trực tiếp với trẻ.
Trong thực tế, có rất nhiều tình huống dễ gây bức xúc cho cô giáo, nếu không biết tiết chế cảm xúc thì sẽ có nhiều hành vi không mong muốn xảy ra và mọi thiệt thòi sẽ luôn thuộc về cô giáo. Hàng ngày, giáo viên thường xuyên gần gũi, tiếp xúc với trẻ từ bữa ăn đến giấc ngủ của trẻ, vì công việc của giáo viên mầm non rất vất vả - không giống như những giáo viên ở các bậc học khác, phải làm việc quần quật từ sáng sớm cho đến buổi chiều muộn mới được về khi gặp những tình huống như trên rất dễ bị stress, không kiểm soát được hành vi của mình.
- Định hướng cho giáo viên cách giải thoát tâm lý khi gặp các tình huống khó kiềm chế cảm xúc
Khi trẻ liên tục quấy khóc, nghịch phá, la hét, không nghe lời, không chịu ăn... mà bản thân giáo viên cảm thấy bất lực, không biết cách giải quyết tình huống. Đặc biệt là khi tình trạng này bị lặp đi lặp lại khiến giáo viên bị ức chế khó kiểm soát cảm xúc và hành vi. Có những tình huống thường gặp phải như trẻ đùa với bạn bị ngã, hoặc đánh bạn gây thương tích… giáo viên không nhận được sự thông cảm của phụ huynh, có khi còn nhận những lời nói, hành động xúc phạm… Đây cũng là nguyên nhân tích tụ gây ra những hành vi mất kiểm soát trong quá trình chăm sóc, giáo dục trẻ vì vậy giáo viên luôn phải chủ động điều chỉnh hành vi và thậm chí họ phải biết cách dập tắt cảm xúc đang trỗi dậy có thể bằng một số cách sau đây:
- Rời khỏi vị trí đang tạo ra cho mình áp lực hoặc khó chịu
- Hạn chế cầm các đồ dùng, vật dụng trong tay: Thước, gậy thể dục…
- Hãy nghĩ đến người hoặc điều khiến chúng ta dễ chịu nhất
- Chia sẻ với đồng nghiệp về cảm xúc của mình để giải tỏa sự giận dữ, giải phóng được phần nào sự đè nén.
- Viết suy nghĩ của mình ra giấy hoặc rửa nước lạnh lên mặt để làm “sạch” những ức chế trong lòng.
- Không được hồi tưởng về quá khứ: cháu này hôm trước cũng đánh bạn, cũng vứt đồ chơi, đến lớp hay khóc…..vì điều đó sẽ dễ làm bùng phát cơn giận dữ thành cơn thịnh nộ…
Kỹ năng kiềm chế của giáo viên mầm non rất quan trọng để xử lý được những tình huống xấu nêu trên. Tuy nhiên, kỹ năng này cần phải được rèn luyện lâu dài và có sự hỗ trợ, động viên, chia sẻ kịp thời của đồng nghiệp. Để rèn luyện kỹ năng kiềm chế sự tức giận, tránh xung đột giáo viên cần nuôi dưỡng tư duy, cảm xúc tâm hồn; trau dồi ngôn ngữ giao tiếp tích cực, rèn luyện khả năng chịu áp lực cao…
2.2. Tăng cường công tác kiểm tra giám sát các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ của giáo viên
Nhà trường luôn làm tốt công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ dưới nhiều hình thức:
- Trao đổi, trò chuyện với trẻ để trẻ chia sẻ tình cảm của mình, của các bạn về cô giáo.
- Thường xuyên gặp gỡ, trao đổi với phụ huynh về tình hình của lớp của trẻ, nhất là khi thấy trẻ có biểu hiện quấy khóc, không chịu đi học, sợ cô giáo...để từ đó nắm bắt được suy nghĩ, tâm tư, nguyện vọng của phụ huynh để nếu có vấn đề thì kịp thời chấn chỉnh giáo viên.
- Triển khai gắn camera giám sát ở khắp các vị trí trong trường: Hành lang, sân chơi, lớp học để kịp thời phát hiện những hành vi chưa đúng của giáo viên.
- Nhà trường có hòm thư góp ý đặt ở vị trí thuận lợi, dễ quan sát để giúp cho phụ huynh có thể phản ánh, trao đổi các nội dung liên quan đến chăm sóc giáo dục trẻ của giáo viên, của nhà trường.
Hoạt động giám sát quản lý chất lượng hiệu quả sẽ giảm thiểu rất nhiều hành vi bao lực trẻ. Thực hiện giám sát quản lý chất lượng chặt chẽ nghiêm túc sẽ hạn chế được những hành vi đáng tiếc xảy ra. Trong thực tế, ban đầu việc bị kiểm tra giám sát có thể khiến cho giáo viên khó chịu hoặc không thoải mái, tuy nhiên những hành vi chuẩn mực được diễn ra thường xuyên và có sự giám sát sẽ dần trở thành thói quen, nề nếp và các các cán bộ, giáo viên sẽ quên và thực hiện các hành vi chuẩn mực một cách tự nhiên thoải mái hơn
2.3. Xây dựng quy chế, quy định về việc kiểm soát hành vi, cảm xúc của giáo viên
Phối hợp với các tổ chuyên môn đề ra những chế tài, quy định bắt buộc giáo viên phải thực hiện, nếu gặp khó khăn thì phải nhờ đến chuyên gia tư vấn hỗ trợ...đồng thời phối hợp với gia đình để có xử lí tình huống kịp thời.
- Trẻ khóc, quấy thì không được dọa, nạt...
- Không được giam, hãm trẻ trong phòng kho, phòng vệ sinh, cầu thang máy, tủ…
- Không sao nhãng, thờ ơ với trẻ
- Không được bắt trẻ nhịn ăn
- Không được cấm cho trẻ đi vệ sinh
- Không sử dụng những hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật làm trẻ sợ hãi, tổn thương về tinh thần
- Không sử dụng thước, gậy để trừng phạt, để dạy trẻ làm tổn thương, đau đớn đến thể xác và tinh thần trẻ…
Việc đưa ra các quy định bắt buộc sẽ giúp cho BGH nhà trường có cơ sở để theo dõi, đánh giá giáo viên và giáo viên từ đó phải điều chỉnh cảm xúc, hành vi đảm bảo đáp ứng theo các quy định đã đề ra.
Kỹ năng kiềm chế của giáo viên mầm non rất quan trọng để xử lý được những tình huống xấu nêu trên. Tuy nhiên, kỹ năng này cần phải được rèn luyện lâu dài và có sự hỗ trợ, động viên, chia sẻ kịp thời của đồng nghiệp.
Để rèn luyện kỹ năng kiềm chế sự tức giận, tránh xung đột giáo viên cần nuôi dưỡng tư duy, cảm xúc tâm hồn; trau dồi ngôn ngữ giao tiếp tích cực, rèn luyện khả năng chịu áp lực cao…
3. Kết luận
Có thể thấy rằng, để đáp ứng được trước những yêu cầu rất cao của bậc học, của phụ huynh và xã hội mầm non, giáo viên mầm non phải nâng cao nhận thức, nhu cầu, động cơ rèn luyện kỹ năng điều khiển cảm xúc bản thân, luôn rèn luyện kỹ năng kiềm chế sự tức giận, tránh xung đột . BGH nhà trường phải thường xuyên là tốt công tác kiểm tra, giám sát, luôn đồng hành với giáo viên trong mọi vấn đề, mọi tình huống để kịp thời chấn chỉnh, giải quyết. Việc xây dựng các chế tài bắt buộc sẽ giúp cho giáo viên tự điều chỉnh hành vi của mình, kiềm chế được cảm xúc, hành vi tránh được nóng giận, bạo hành ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ.
MẪU SỐ 3
Sự phát triển với tốc độ nhanh và đầy biến động của nền kinh tế xã hội đã đem đến cho quá trình sống, học tập và rèn luyện của học sinh ngày càng nhiều cơ hội nhưng cũng chứa đựng nhiều yếu tố bất lợi đối với sự phát triển nhân cách của các em. Vì vậy, việc trang bị những chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử, quy tắc sống rất cần thiết với các em – những chủ nhân tương lai của đất nước. Học sinh khi được trang bị những kĩ năng sống cần thiết sẽ giúp các em phát triển toàn diện, ứng phó với những tình huống của cuộc sống, vững vàng đối diện với mọi hoàn cảnh. Bên cạnh những kĩ năng giúp phát triển nhận thức, tư duy thì kĩ năng quản lý cảm xúc là một trong những kĩ năng quan trọng giúp các em làm chủ bản thân, vượt qua những cám dỗ, những thói hư tật xấu để hoàn thiện nhân cách, để dễ dàng lấy được chiếc chìa khóa mở ra cánh cửa thành công.
Theo từ điển Tiếng Việt: Cảm xúc là sự rung động trong lòng về một mặt nhất định của con người đối với các hiện tượng nào đó của hiện thực, với người khác và với bản thân.
Quản lý cảm xúc là khả năng con người nhận thức rõ những cảm xúc của mình trong một tình huống nào đó, hiểu được ảnh hưởng của cảm xúc đó đối với bản thân và người khác như thế nào, đồng thời biết cách điều chỉnh và thể hiện cảm xúc một cách phù hợp.
Đôi khi con người không hành động theo lí trí mà hành động theo cảm xúc. Cảm xúc tích cực sẽ giúp con người lạc quan và hạnh phúc. Còn cảm xúc tiêu cực sẽ dễ dàng phá hủy những mối quan hệ xung quanh và đôi khi làm tổn thương đến chính bạn. Vì vậy, chúng ta rất cần quản lý tốt cảm xúc để chúng ta có thể cân bằng và đem lại những điều tốt đẹp cho cuộc sống.
Một số kĩ năng cơ bản giúp quản lý tốt cảm xúc:
- Nhận thức cảm xúc:
Bản thân chúng ta phải cảm nhận được chính cảm xúc của mình, phải hiểu mình, hiểu được những gì người khác nói về mình, cảm xúc của mình ảnh hưởng đến những người xung quanh.
- Thay đổi suy nghĩ của mình:
Học cách quản lý cảm xúc là học cách thay đổi suy nghĩ về vấn đề mà chúng ta đang gặp phải và tìm một việc hay một hành động nào đó thay thế.
- Ghi lại suy nghĩ của bản thân:
Viết ra giấy những gì bản thân cảm nhận được. Đó có thể là những cảm xúc tiêu cực, khó chịu về bạn bè, học hành hay những mối quan hệ có mâu thuẫn khác,… Đây cũng là một cách giải tỏa tâm lý. Sau khi chúng ta bình tâm trở lại hãy xem lại những gì mình mới vừa viết, chúng ta sẽ có cách giải quyết vấn đề.
Một số kĩ năng quản lý cảm xúc tiêu cực:
1. Cảm xúc tức giận:
Biểu hiện |
Hậu quả |
Cách kiềm chế |
|
|
|
2. Cảm xúc căng thẳng:
Biểu hiện |
Tác hại |
Cách kiểm soát |
|
|
|
3. Cảm xúc sợ hãi:
Biểu hiện |
Cách kiểm soát |
|
|
Đồng thời, giáo viên có thể kể cho học sinh nghe những câu chuyện có liên quan đến kĩ năng quản lý tốt cảm xúc. Ví dụ như mẫu chuyện Đừng hành động khi đang giận dữ; Hai hạt mầm; giá trị của lời động viên;…
Quản lý cảm xúc bản thân của người giáo viên mầm non trong hoạt động nghề nghiệp
Theo các nhà nghiên cứu tâm lý học, có rất nhiều nguyên nhân gây nên bạo hành trẻ, và một trong những nguyên nhân sâu xa là giáo viên (GV) thiếu các kỹ năng quản lý cảm xúc bản thân.
Phương pháp để quản lý cảm xúc còn hạn chế
GV mầm non là người quyết định trực tiếp đến chất lượng đào tạo ở bậc học đầu tiên này. Mỗi đứa trẻ sau này sẽ là ai, sẽ trở thành người như thế nào, nhân cách của trẻ sẽ phát triển ra sao?... Một phần trách nhiệm thuộc về các cô nuôi dạy trẻ, “người mẹ hiền thứ hai” của các em.
ThS. Trần Thị Thảo, khoa tâm lý Giáo dục Trường ĐH Thủ đô Hà Nội cho rằng, kỹ năng quản lý cảm xúc bản thân là yếu tố quan trọng trong hoạt động sư phạm, đặc biệt GV mầm non phải có được kỹ năng này ở mức cao.
GV mầm non rất dễ phải đương đầu với các tình huống liên tục quấy khóc, nghịch phá, la hét, không nghe lời, không chịu ăn…ở trẻ cộng với cả núi công việc chuyên môn khác. Tình trạng này nếu kéo dài khiến họ rơi vào trạng thái căng thẳng về tâm lý, dẫn đến mất kiểm soát về nhận thức, cảm xúc, hành vi gây ảnh hưởng xấu đến môi trường học tập của trẻ.
Từ những năm cuối thế kỷ XX trở lại đây, những nghiên cứu về cảm xúc đã ngày càng được quan tâm ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt đối với các trường học. Hầu hết các tác giả khi nghiên cứu về cảm xúc cũng chỉ ra những biểu hiện cảm xúc và nguyên nhân có những cảm xúc đó một cách chung chung, họ chưa đưa ra những phương pháp để quản lý cảm xúc.
Ở Việt Nam, nghiên cứu vấn đề cảm xúc nói chung, kỹ năng quản lý cảm xúc nói riêng đang trên bước đường hình thành và phát triển, còn là một lĩnh vực mới mẻ cả về lý luận và thực tiễn. Những nghiên cứu về kỹ năng quản lý cảm xúc bản thân của GV mầm non còn chưa nhiều và các nghiên cứu mới chỉ xoay quanh thực trạng nhu cầu, hạn chế của hoạt động này ở tầm khái quát.
Chính vì vậy phải có nhiều công trình nghiên cứu ở tầm sâu hơn về lĩnh vực này để góp phần nâng cao, phát triển hoàn thiện và phong phú hơn về kỹ năng quản lý cảm xúc bản thân của GV mầm non, tạo môi trường học tập lành mạnh, góp phần nâng cao chất lượng GD.
Hiểu được cảm xúc của chính mình
Hiện nay tình trạng bạo hành trẻ ở các có sở GD mầm non có chiều hướng gia tăng với mức độ ngày càng nghiêm trọng. Nhiều trẻ bị bạo hành đã để lại những sang chấn tâm lý nặng nề, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thể chất và tinh thần.
Điều đáng ngại nhất là đối tượng có hành vi bạo hành với các em lại chính là những người có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng các em. Theo các nhà tâm lý, bên cạnh yếu tố nghề nghiệp, năng lực giáo dục thì căng thẳng tâm lý trong quá trình chăm sóc, nuôi dạy trẻ cũng là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến các hành vi bạo lực.
Giáo viên căng thẳng, áp lực, liệu học sinh có được thoải mái, vui vẻ? Hay cảm xúc tiêu cực đó sẽ "lan truyền" tới chính học sinh của mình? Và, lớp học liệu có "hạnh phúc" hay không khi giáo viên trong tâm thái lo lắng, căng thẳng như vậy?
Theo ThS. Hoàng Thế Hải, khoa Tâm lý GD, Trường ĐHSP, ĐH Đà Nẵng, GV mầm non cũng là một trong những đối tượng dễ bị những tác động gây stress, bởi họ phải đương đầu với rất nhiều khó khăn, thách thức trong cuộc sống và trong hoạt động nghề nghiệp.
Trong khi đó, đây là đối tượng chủ yếu là nữ, có tính nhạy cảm cao, dễ xúc động, dễ tổn thương. Những đặc điểm đó khiến giáo viên mầm non dễ nhạy cảm với những thay đổi và trong những hoàn cảnh nhất định, họ dễ chịu tác động của các nhân tố gây stress. Khi không vượt qua được, họ dễ rơi vào trạng thái rối loạn cảm xúc, mức độ nặng hơn có thể là rối nhiều hành vi, bạo hành với trẻ.
Từ câu chuyện bạo hành trẻ ở Trường Mầm non Ecokids, một điều kiện tiên quyết, cần thiết đối với thực tiễn của người giáo viên đó là hiểu được cảm xúc của chính mình. Làm thế nào để tích hợp yếu tố cảm xúc với việc áp dụng kiến thức chuyên môn của mình trong giảng dạy cũng là một câu hỏi cần sự giải đáp của mỗi giáo viên.
Cảm xúc của giáo viên có quan hệ mật thiết trong hầu như mọi khía cạnh của quá trình giảng dạy và học tập, do đó việc người giáo viên biết kiểm soát cảm xúc của mình mỗi khi lên lớp là rất cần thiết. Đây cũng là bài học dành cho những giáo viên đã và đang, sẽ trở thành GV mầm non - “người mẹ hiền thứ hai” của các em.
Xem thêm các chương trình khác:
- Các dạng bài tập Tiếng Anh thông dụng nhất
- 3000 câu hỏi ôn tập môn Tiếng Anh có đáp án
- Toàn bộ kiến thức về cụm động từ | Định nghĩa và cách dùng
- 500 đoạn văn Tiếng Anh thông dụng nhất và cách làm
- 1000 câu hỏi ôn tập môn Công nghệ có đáp án
- 1000 câu hỏi ôn tập Giáo dục công dân
- 15000 câu hỏi ôn tập môn Toán có đáp án
- Wiki Toán | Khái niệm, định lí, tính chất, dạng bài, công thức
- Tuyển tập đề thi + chuyên đề ôn thi Toán Kangaroo các cấp độ (có đáp án 2024)
- 3000 câu hỏi ôn tập môn Vật lí có đáp án
- Tổng hợp Dạng bài - Công thức môn Vật lí
- Phương trình hóa học | Tổng hợp PTHH của các chất hữu cơ, vô cơ chính xác nhất
- Đồng phân & Công thức cấu tạo của các chất hữu cơ
- Nhận biết các chất Hóa học
- Cấu hình electron
- So sánh bán kính nguyên tử và bán kính ion
- 1000 câu hỏi ôn tập môn Hóa có đáp án
- Wiki các chất hóa học | Định nghĩa, tính chất, nhận biết, điều chế, ứng dụng
- Cách đọc danh pháp hóa học (chương trình mới) đầy đủ nhất
- Công thức Lewis của một số chất thường gặp (chương trình mới)
- Công thức electron của một số chất thường gặp (chương trình mới)
- Công thức cấu tạo của một số chất thường gặp (chương trình mới)
- Công thức hợp chất khí với hidro của các nguyên tố (phổ biến) | Cách viết công thức hợp chất khí với hidro
- Công thức hidroxit cao nhất của các nguyên tố (phổ biến) | Cách viết công thức hidroxit cao nhất
- Công thức oxit cao nhất của các nguyên tố (phổ biến) | Cách viết công thức oxit cao nhất
- 2000 câu hỏi ôn tập môn Tin học có đáp án
- 3000 câu hỏi ôn tập môn Lịch sử có đáp án
- 3000 câu hỏi ôn tập môn Địa lí có đáp án
- 2000 câu hỏi ôn tập môn Sinh học có đáp án
- Tổng hợp Dạng bài - Công thức môn Sinh học
- Tổng hợp về các tác giả văn học
- 3000 câu hỏi ôn tập môn Ngữ văn có đáp án
- Tổng hợp kiến thức Ngữ Văn
- Trò chơi Powerpoint | Game Powerpoint