Doanh nghiệp có bắt buộc lập thẻ tính giá sản phẩm và lập hóa đơn không?

1. Doanh nghiệp có bắt buộc lập thẻ tính giá thành sản phẩm không?

Thẻ tính giá thành sản phẩm, dịch vụ là một loại tài liệu được kế toán viên sử dụng để theo dõi và tính toán giá thành sản xuất của từng loại sản phẩm, dịch vụ trong kỳ hạch toán nhất định. Căn cứ vào quy định tại Điều 122 Thông tư 200/2014/TT-BTC:

  • Sổ kế toán dùng để ghi chép, hệ thống và lưu giữ toàn bộ các nghiệp vụ kinh tế, tài chính đã phát sinh theo nội dung kinh tế và theo trình tự thời gian có liên quan đến doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp chỉ có một hệ thống sổ kế toán cho một kỳ kế toán. Doanh nghiệp phải thực hiện các quy định về sổ kế toán trong Luật Kế toán, Nghị định số 129/2004/NĐ-CP ngày 31/5/2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Kế toán trong lĩnh vực kinh doanh, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Kế toán và các văn bản hướng dẫn sửa đổi, bổ sung Luật kế toán.
  • Doanh nghiệp được tự xây dựng biểu mẫu sổ kế toán cho riêng mình nhưng phải đảm bảo cung cấp thông tin về giao dịch kinh tế một cách minh bạch, đầy đủ, dễ kiểm tra, dễ kiểm soát và dễ đối chiếu. Trường hợp không tự xây dựng biểu mẫu sổ kế toán, doanh nghiệp có thể áp dụng biểu mẫu sổ kế toán theo hướng dẫn tại phụ lục số 4 Thông tư 200/2014/TT-BTC nếu phù hợp với đặc điểm quản lý và hoạt động kinh doanh của mình.
  • Tùy theo đặc điểm hoạt động và yêu cầu quản lý, doanh nghiệp được tự xây dựng hình thức ghi sổ kế toán cho riêng mình trên cơ sở đảm bảo thông tin về các giao dịch phải được phản ánh đầy đủ, kịp thời, dễ kiểm tra, kiểm soát và đối chiếu. Trường hợp không tự xây dựng hình thức ghi sổ kế toán cho riêng mình, doanh nghiệp có thể áp dụng các hình thức sổ kế toán được hướng dẫn trong phụ lục số 4 Thông tư 200/2014/TT-BTC để lập Báo cáo tài chính nếu phù hợp với đặc điểm quản lý và hoạt động kinh doanh của mình.

Như vậy, doanh nghiệp không bắt buộc phải lập thẻ tính giá thành sản phẩm. Thẻ tính giá thành sản phẩm được quy định mẫu tại Phụ lục 4 Thông tư 200/2014/TT-BTC.

2. Doanh nghiệp có bắt buộc xuất hóa đơn không?

Căn cứ khoản 1 Điều 4 Nghị định 123/2020/NĐ-CP thì nguyên tắc lập, quản lý, sử dụng hóa đơn, chứng từ như sau:

  • Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn để giao cho người mua (bao gồm cả các trường hợp hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động và tiêu dùng nội bộ (trừ hàng hóa luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất); xuất hàng hóa dưới các hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả hàng hóa) và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định tại Điều 10 Nghị định 123/2020/NĐ-CP, trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử thì phải theo định dạng chuẩn dữ liệu của cơ quan thuế theo quy định tại Điều 12 Nghị định 123/2020/NĐ-CP.

Theo đó, khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn để giao cho người mua. không phân biệt giá trị bao nhiêu. Doanh nghiệp phải thực hiện đúng quy định về việc xuất hóa đơn khi kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trên thị trường.

Doanh nghiệp có bắt buộc lập thẻ tính giá sản phẩm và lập hóa đơn không?

3. Hóa đơn là gì?

Căn cứ vào khoản 1 Điều 3 Nghị định 123/2020/NĐ-CP thì Hóa đơn là chứng từ kế toán do tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ lập, ghi nhận thông tin bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ. Hóa đơn được thể hiện theo hình thức hóa đơn điện tử hoặc hóa đơn do cơ quan thuế đặt in.

Theo quy định tại khoản 4, khoản 5 Điều 10 Nghị định 123/2020/NĐ-CP thì nội dung của hóa đơn bao gồm:

  • Tên, địa chỉ, mã số thuế của người bán: Trên hóa đơn phải thể hiện tên, địa chỉ, mã số thuế của người bán theo đúng tên, địa chỉ, mã số thuế ghi tại giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký thuế, thông báo mã số thuế, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã.
  • Tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua: Trường hợp người mua là cơ sở kinh doanh có mã số thuế thì tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua thể hiện trên hóa đơn phải ghi theo đúng tại giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký thuế, thông báo mã số thuế, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã.
    • Trường hợp tên, địa chỉ người mua quá dài, trên hóa đơn người bán được viết ngắn gọn một số danh từ thông dụng như: "Phường" thành "P"; "Quận" thành "Q", "Thành phố" thành "TP", "Việt Nam" thành "VN" hoặc "Cổ phần" là "CP", "Trách nhiệm Hữu hạn" thành "TNHH", "khu công nghiệp" thành "KCN", "sản xuất" thành "SX", "Chi nhánh" thành "CN"… nhưng phải đảm bảo đầy đủ số nhà, tên đường phố, phường, xã, quận, huyện, thành phố, xác định được chính xác tên, địa chỉ doanh nghiệp và phù hợp với đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế của doanh nghiệp.
    • Trường hợp người mua không có mã số thuế thì trên hóa đơn không phải thể hiện mã số thuế người mua. Một số trường hợp bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ đặc thù cho người tiêu dùng là cá nhân quy định tại khoản 14 Điều này thì trên hóa đơn không phải thể hiện tên, địa chỉ người mua. Trường hợp bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ cho khách hàng nước ngoài đến Việt Nam thì thông tin về địa chỉ người mua có thể được thay bằng thông tin về số hộ chiếu hoặc giấy tờ xuất nhập cảnh và quốc tịch của khách hàng nước ngoài.

4. Các câu hỏi thường gặp

4.1. Tại sao phải xuất hóa đơn GTGT?

Việc xuất hóa đơn đỏ là trách nhiệm của người bán hàng hóa, dịch vụ. Vì hóa đơn là căn cứ để người mua hàng hóa, dịch vụ xác định số tiền thuế cần nộp khi kê khai thuế GTGT. Căn cứ để người bán hàng hóa, dịch vụ hạch toán chi phí sản xuất kinh doanh, xác định số tiền thuế GTGT phải nộp vào ngân sách nhà nước.

4.2. Ai là người xuất hóa đơn?

Người lập hóa đơn là người bán, các trường hợp cần lập hóa đơn theo hợp đồng là khi phát sinh việc bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ bao gồm cả những hàng hóa, dịch vụ được dùng để quảng cáo, khuyến mãi, hàng mẫu, biếu tặng, cho, trao đổi, bồi dưỡng hiện vật cho người lao động, ngoại trừ trường hợp hàng hóa, dịch vụ dùng ...

4.3. Hóa đơn hộ kinh doanh là gì?

Hóa đơn đầu vào của hộ kinh doanh cá thể là các hóa đơn chứng từ mà hộ kinh có được khi mua hàng hóa, dịch vụ từ các nhà cung cấp khác. Đây là các chứng từ quan trọng dùng để ghi nhận chi phí đầu vào và xác định nghĩa vụ thuế của hộ.

4.4. Khi nào dùng hóa đơn bán lẻ?

Hóa đơn bán lẻ là loại hóa đơn thông dụng nhất thường được sử dụng ở các cửa hàng lẻ, shop bán nhỏ, hộ kinh doanh, cơ sở kinh doanh và không do Bộ tài chính phát hành. Chính vì thế loại hóa đơn này chỉ được sử dụng trực tiếp giữa người bán và mua hàng khi thanh toán.