Sách bài tập KHTN 9 Bài 40 (Chân trời sáng tạo): Từ gene đến tính trạng

Với giải sách bài tập Khoa học tự nhiên 9 Bài 40: Từ gene đến tính trạng sách Chân trời sáng tạo hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh dễ dàng làm bài tập trong SBT KHTN 9 Bài 40.

1 8 01/11/2024


Giải SBT KHTN 9 Bài 40: Từ gene đến tính trạng

Câu 40.1 trang 107 Sách bài tập KHTN 9: Trình tự các nucleotide trên gene quy định trình tự các nucleotide trên phân tử mRNA thông qua quá trình

A. dịch mã.

B. tái bản.

C. phiên mã.

D. biểu hiện.

Lời giải:

Đáp án đúng là: C

Phiên mã là quá trình tổng hợp phân tử mRNA từ gene → Trình tự các nucleotide trên gene quy định trình tự các nucleotide trên phân tử mRNA thông qua quá trình phiên mã.

Câu 40.2 trang 107 Sách bài tập KHTN 9: Chọn từ/cụm từ thích hợp điền vào chỗ trống trong câu sau: Trình tự các nucleotide trên phân tử mRNA được ......... thành trình tự các amino acid trên phân tử protein.

A. dịch mã.

B. tái bản.

C. phiên mã.

D. biểu hiện.

Lời giải:

Đáp án đúng là: A

Trình tự các nucleotide trên phân tử mRNA được dịch mã thành trình tự các amino acid trên phân tử protein.

Câu 40.3 trang 107 Sách bài tập KHTN 9: Sự xuất hiện nhiều allele khác nhau của cùng một gene là do

A. biến dị.

B. đột biến gene.

C. tái bản.

D. di truyền.

Lời giải:

Đáp án đúng là: B

Đột biến gene là những biến đổi đột ngột trong cấu trúc của gene, tạo nên các allele khác nhau của cùng một gene.

Câu 40.4 trang 107 Sách bài tập KHTN 9: Các gene khác nhau có thể quy định các tính trạng khác nhau là do

A. các gene có kích thước khác nhau.

B. các gene có thể bị đột biến.

C. các gene có vị trí khác nhau trong các tế bào khác nhau.

D. các gene có trình tự các nucleotide khác nhau.

Lời giải:

Đáp án đúng là: D

Trình tự các nucleotide trong gene quy định trình tự mã di truyền trên mRNA, trình tự mã di truyền trên mRNA quy định trình tự sắp xếp các amino acid trên chuỗi polypeptide, từ đó quy định nên các tính trạng của cơ thể → Các gene khác nhau có thể quy định các tính trạng khác nhau là do các gene có trình tự các nucleotide khác nhau.

Câu 40.5 trang 107 Sách bài tập KHTN 9: Có bao nhiêu phát biểu sau đây là đúng khi nói về cơ sở sự đa dạng về tính trạng của các loài?

(1) Các cá thể sinh vật thuộc các loài khác nhau có hệ gene khác nhau.

(2) Các cá thể sinh vật trong cùng một loài có các gene quy định các tính trạng giống nhau.

(3) Các gene khác nhau quy định các protein khác nhau nhưng biểu hiện ra những tính trạng gần giống nhau.

(4) Các cá thể cùng loài có thể mang các allele khác nhau của cùng một gene.

A. 1.

B. 2.

C. 3.

D. 4.

Lời giải:

Đáp án đúng là: B

Các phát biểu đúng là: (1), (4).

(2) Sai. Các cá thể sinh vật trong cùng một loài có thể mang các allele khác nhau của cùng một gene, từ đó có sự biểu hiện khác nhau của tính trạng.

(3) Sai. Các gene khác nhau quy định các protein khác nhau thì sẽ biểu hiện ra các tính trạng khác nhau.

Câu 40.6 trang 107 Sách bài tập KHTN 9: Ví dụ nào sau đây là đúng khi nói về sự đa dạng tính trạng ở các loài? Giải thích.

a) Ở người, tùy theo mỗi cá thể mà tóc có độ dài, ngắn khác nhau.

b) Các loài thực vật khác nhau có kích thước và hình thái của lá không giống nhau.

c) Các loài động vật ăn thịt như hổ, sư tử, báo hoa mai, gấu nâu có cách săn mồi khác nhau.

d) Hoa phù dung thay đổi màu sắc vào các thời điểm khác nhau trong ngày.

Lời giải:

- Ví dụ về sự đa dạng tính trạng ở các loài: b, c, d.

- Giải thích:

+ Kích thước và hình thái của lá ở các loài thực vật khác nhau, tập tính săn mồi ở các loài động vật khác nhau là do kiểu gene quy định, các loài sinh vật khác nhau có kiểu gene khác nhau nên biểu hiện tính trạng khác nhau.

+ Sự thay đổi màu sắc của hoa phù dung là do sự tác động của môi trường dẫn đến sự biến đổi kiểu hình của cùng một kiểu gene (thường biến), tập hợp tất cả các kiểu hình của cùng một kiểu gene dưới tác động của điều kiện môi trường được gọi là mức phản ứng, mức phản ứng do kiểu gene quy định.

+ Chiều dài tóc ở người không do kiểu gene quy định mà do thời gian nuôi tóc, việc cắt tóc thường xuyên hay không,… Như vậy, đây không phải sự đa dạng tính trạng.

Câu 40.7 trang 108 Sách bài tập KHTN 9: Sự đa dạng về tính trạng ở các loài sinh vật có thể thay đổi không? Giải thích.

Lời giải:

Sự đa dạng về tính trạng ở các loài sinh vật có thể thay đổi vì tính trạng do gene quy định, khi trình tự các nucleotide trên gene bị thay đổi có thể tạo ra chuỗi polypeptide có trình tự amino acid mới, dẫn đến protein biểu hiện thành tính trạng mới.

Câu 40.8 trang 108 Sách bài tập KHTN 9: Tại sao một số loài sinh vật (nấm sợi, vi khuẩn,...) có thể tổng hợp được enzyme cellulase để phân giải cellulose trong khi đa số các loài động vật lại không thể tổng hợp được loại enzyme này?

Lời giải:

Một số loài sinh vật (nấm sợi, vi khuẩn,...) có thể tổng hợp được enzyme cellulase để phân giải cellulose trong khi đa số các loài động vật lại không thể tổng hợp được loại enzyme này vì ở các loài như nấm sợi, vi khuẩn,... có gene mã hoá cho enzyme cellulase trong khi ở đa số động vật không có gene mã hóa enzyme này.

Câu 40.9 trang 108 Sách bài tập KHTN 9: Ở người, dê và cừu đều có gene mã hoá cho hormone insulin. Khi nghiên cứu về cấu trúc và chức năng của hormone này, người ta nhận thấy hormone insulin ở người, dê và cừu tuy có chức năng giống nhau nhưng lại có thành phần các amino acid khác nhau. Hãy cho biết:

a) Hormone insulin có vai trò gì?

b) Tại sao khi sử dụng hormone insulin ở dê, cừu để chữa bệnh cho con người thì có thể gây ra hiện tượng dị ứng?

Lời giải:

a) Hormone insulin có vai trò điều hòa hàm lượng đường trong máu, kích thích chuyển hóa glucose trong máu thành glycogen dự trữ trong gan và cơ.

b) Vì gene mã hoá cho insulin ở người, dê và cừu có số lượng, thành phần và trình tự các nucleotide khác nhau nên hormone insulin cũng có số lượng, thành phần và trình tự các amino acid khác nhau. Khi tiêm hormone insulin ở dê, cừu vào cơ thể người có thể gây ra hiện tượng dị ứng là do sự khác nhau trong cấu tạo chuỗi polypeptide dẫn đến cơ thể người nhận biết insulin của động vật là các protein lạ nên xảy ra phản ứng dị ứng.

Câu 40.10 trang 108 Sách bài tập KHTN 9: Tại sao tất cả các loại tế bào trong một cơ thể sinh vật đa bào đều có kiểu gene giống nhau nhưng lại có chức năng khác nhau, mỗi loại tế bào chỉ thực hiện một hoặc một số chức năng nhất định?

Lời giải:

Các loại tế bào trong một cơ thể sinh vật đa bào tuy có kiểu gene giống nhau nhưng có chức năng khác nhau là do kết quả của sự điều hòa biểu hiện gene, mỗi tế bào chỉ đóng/mở một số gene nhất định dẫn đến biểu hiện các tính trạng nhất định. Khi các gene mở, chúng sẽ được phiên mã tạo mRNA và dịch mã tạo chuỗi polypeptide (sự biểu hiện gene), ngược lại, khi các gene đóng thì chúng không được biểu hiện. Ví dụ: Tế bào da, tế bào tuyến tụy ngoại tiết và tế bào ở tuyến nước bọt đều có gene mã hoá enzyme amylase nhưng gene này chỉ được biểu hiện ở tế bào tuyến tụy ngoại tiết và tế bào ở tuyến nước bọt.

Lý thuyết KHTN 9 Bài 40: Từ gene đến tính trạng

Nội dung đang được cập nhật ...

1 8 01/11/2024