Mẫu giấy đề nghị điều chỉnh điểm học phần và hướng dẫn viết giấy chi tiết nhất năm 2024

Giấy đề nghị điều chỉnh điểm học phần là gì? Mẫu giấy đề nghị điều chỉnh điểm học phần? Hướng dẫn viết giấy đề nghị điều chỉnh điểm học phần chi tiết nhất? Các vấn đề về điều chỉnh điểm học phần ra sao? Cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây của Vietjack.me nhé!

1 77 lượt xem
Tải về


Mẫu giấy đề nghị điều chỉnh điểm học phần và hướng dẫn viết giấy chi tiết nhất năm 2024

1. Giấy đề nghị điều chỉnh điểm học phần là gì?

Giấy đề nghị điều chỉnh điểm học phần là văn bản do sinh viên, giảng viên của sinh viên gửi tới chủ thể có thẩm quyền (trưởng phòng công tác sinh viên, trường phòng đào tạo) nhằm yêu cầu chủ thể này điều chỉnh điểm học phần vì có một số lý do nhất định.

Giấy đề nghị điều chỉnh điểm học phần dùng để làm căn cứ để chủ thể có quyền điều chỉnh thực hiện nghĩa vụ của mình trong việc thay đổi điểm phù hợp với điểm thực tế mà sinh viên được nhận.

2. Mẫu giấy đề nghị điều chỉnh điểm học phần

TRƯỜNG ……….

KHOA:…..

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

———————

GIẤY ĐỀ NGHỊ

Về việc điều chỉnh điểm học phần

Kính gửi: Phòng Đào tạo

Tôi tên:……….. Số điện thoại liên hệ:………..

Là giảng viên giảng dạy thuộc Khoa:…….

Tôi xin được điều chỉnh điểm học phần môn:……..

Mã học phần:………. Số tín chỉ:…………

Tại học kỳ:……….. Năm học:………… Lần kiểm tra:………..

Của sinh viên:……… MSSV:………… Lớp:………..

Thuộc Khoa:…………….

Cụ thể như sau:

Điểm học phần nhập trên phần mềm

Quản lý đào tạo

Điểm học phần đề nghị điều chỉnh

Lý do:………..

Điều chỉnh điểm ở cột thứ: ………

Tôi xin chân thành cảm ơn!

……., ngày…tháng…năm….

Ý KIẾN CỦA PHÒNG ĐÀO TẠO

(Ký, ghi rõ họ tên)

KHOA GIẢNG DẠY

(Ký, ghi rõ họ tên)

NGƯỜI ĐỀ NGHỊ

(Ký, ghi rõ họ tên)

3. Hướng dẫn viết giấy đề nghị điều chỉnh điểm học phần chi tiết nhất

Ở phần trên cùng bên trái, người viết giấy đề nghị ghi tên trường, khoa quản lý.

Người viết giấy đề nghị ghi đầy đủ các thông tin cá nhân (nếu người làm đơn là giảng viên thì phải ghi đầy đủ thông tin của sinh viên cần điều chỉnh điểm).

Các thông tin quan trọng của tờ đơn bao gồm tên học phần, số tín chỉ, kỳ học, điểm trước đó xuất hiện trên phần mềm và điểm đề nghị điều chỉnh.

Cuối giấy, người viết giấy ghi địa danh, ngày tháng năm viết giấy đề nghị và các chủ thể ký và ghi rõ họ tên.

Mẫu giấy đề nghị điều chỉnh điểm học phần và hướng dẫn viết giấy chi tiết nhất năm 2024 (ảnh 1)

4. Các vấn đề về điều chỉnh điểm học phần

Học phần là khối lượng kiến thức tương đối trọn vẹn, thuận tiện cho sinh viên tích lũy trong quá trình học tập. Phần lớn học phần có khối lượng từ 2 đến 4 tín chỉ, nội dung được bố trí giảng dạy trọn vẹn và phân bố đều trong một học kỳ. Kiến thức trong mỗi học phần phải gắn với một mức trình độ theo năm học thiết kế và được kết cấu riêng như một phần của môn học hoặc được kết cấu dưới dạng tổ hợp từ nhiều môn học. Từng học phần phải được ký hiệu bằng một mã số riêng do trường quy định.

4.1. Đánh giá và tính điểm học phần

– Đối với mỗi học phần, sinh viên được đánh giá qua tối thiểu hai điểm thành phần, đối với các học phần có khối lượng nhỏ hơn 02 tín chỉ có thể chỉ có một điểm đánh giá. Các điểm thành phần được đánh giá theo thang điểm 10. Phương pháp đánh giá, hình thức đánh giá và trọng số của mỗi điểm thành phần được quy định trong đề cương chi tiết của mỗi học phần. Hình thức đánh giá trực tuyến được áp dụng khi đảm bảo trung thực, công bằng và khách quan như đánh giá trực tiếp, đồng thời đóng góp không quá 50% trọng số điểm học phần; riêng việc tổ chức bảo vệ và đánh giá đồ án, khóa luận được thực hiện trực tuyến với trọng số cao hơn khi đáp ứng thêm các điều kiện sau đây:

+ Việc đánh giá được thực hiện thông qua một hội đồng chuyên môn gồm ít nhất 3 thành viên;

+ Hình thức bảo vệ và đánh giá trực tuyến được sự đồng thuận của các thành viên hội đồng và người học;

+ Diễn biến của buổi bảo vệ trực tuyến được ghi hình, ghi âm đầy đủ và lưu trữ.

– Sinh viên vắng mặt trong buổi thi, đánh giá không có lý do chính đáng phải nhận điểm 0. Sinh viên vắng mặt có lý do chính đáng được dự thi, đánh giá ở một đợt khác và được tính điểm lần đầu.

– Điểm học phần được tính từ tổng các điểm thành phần nhân với trọng số tương ứng, được làm tròn tới một chữ số thập phân và xếp loại điểm chữ như dưới đây, trừ các trường hợp được quy định tại điểm d khoản này.

+ Loại đạt có phân mức, áp dụng cho các học phần được tính vào điểm trung bình học tập, bao gồm:

A: từ 8,5 đến 10,0;

B: từ 7,0 đến 8,4;

C: từ 5,5 đến 6,9;

D: từ 4,0 đến 5,4.

+ Loại đạt không phân mức, áp dụng cho các học phần chỉ yêu cầu đạt, không tính vào điểm trung bình học tập:

P: từ 5,0 trở lên.

+ Loại không đạt:

F: dưới 4,0.

+ Một số trường hợp đặc biệt sử dụng các điểm chữ xếp loại, không được tính vào điểm trung bình học tập:

I: Điểm chưa hoàn thiện do được phép hoãn thi, kiểm tra;

X: Điểm chưa hoàn thiện do chưa đủ dữ liệu;

R: Điểm học phần được miễn học và công nhận tín chỉ.

– Học lại, thi và học cải thiện điểm:

+ Sinh viên có điểm học phần không đạt phải đăng ký học lại theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 3 của Quy chế này, trừ trường hợp quy định tại điểm đ khoản 5 Điều này; điểm lần học cuối là điểm chính thức của học phần;

+ Sinh viên đã có điểm học phần đạt được đăng ký học lại để cải thiện điểm theo quy định của cơ sở đào tạo.

– Quy chế của cơ sở đào tạo quy định:

+ Việc tổ chức đánh giá quá trình học tập, trải nghiệm của sinh viên, bao gồm cả các hoạt động thí nghiệm, thực hành, làm bài tập, trình bày báo cáo như một thành phần của học phần;

+ Việc tổ chức thi, kiểm tra, bao gồm quy định về thời gian ôn thi và thời gian thi, việc làm đề thi, coi thi, chấm thi, phúc tra (nếu có), bảo quản bài thi, việc hoãn thi và miễn thi;

+ Việc tổ chức đánh giá các học phần, đồ án, khóa luận, thực hành và thực tập và các học phần đặc thù khác;

+ Việc có yêu cầu ngưỡng điểm đạt phải cao hơn quy định tại điểm a khoản 3 Điều này; việc áp dụng nhiều mức điểm chữ xếp loại hơn quy định tại khoản 3 Điều này;

+ Việc cho phép thi lại, đánh giá lại một điểm thành phần để cải thiện điểm học phần từ không đạt thành đạt; trong trường hợp này, điểm học phần sau khi thi lại, đánh giá lại chỉ được giới hạn ở mức điểm D hoặc điểm C;

+ Việc cho phép học lại để cải thiện điểm và quy tắc tính điểm chính thức của học phần trong trường hợp điểm học lần sau thấp hơn.

– Quy định của cơ sở đào tạo về đánh giá và tính điểm học phần phải phù hợp các nguyên tắc và yêu cầu như sau:

+ Nghiêm túc, khách quan, tin cậy và trung thực;

+ Công bằng đối với tất cả sinh viên trong lớp, giữa các lớp, các khóa học và các hình thức đào tạo.

4.2. Đánh giá kết quả học tập theo học kỳ, năm học

– Kết quả học tập của sinh viên được đánh giá sau từng học kỳ hoặc sau từng năm học, dựa trên kết quả các học phần nằm trong yêu cầu của chương trình đào tạo mà sinh viên đã học và có điểm theo các tiêu chí sau đây:

+ Tổng số tín chỉ của những học phần mà sinh viên không đạt trong một học kỳ, trong một năm học, hoặc nợ đọng từ đầu khoá học;

+ Tổng số tín chỉ của những học phần mà sinh viên đã đạt từ đầu khóa học (số tín chỉ tích lũy), tính cả các học phần được miễn học, được công nhận tín chỉ;

+ Điểm trung bình của những học phần mà sinh viên đã học trong một học kỳ (điểm trung bình học kỳ), trong một năm học (điểm trung bình năm học) hoặc tính từ đầu khóa học (điểm trung bình tích lũy), tính theo điểm chính thức của học phần và trọng số là số tín chỉ của học phần đó.

– Để tính điểm trung bình, điểm chữ của học phần được quy đổi về điểm số như dưới đây, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này. Điểm chữ nhiều mức hơn do cơ sở đào tạo quy định (nếu có) cũng được quy đổi sang điểm số tương ứng theo thang từ 0 tới 4.

A quy đổi thành 4;

B quy đổi thành 3;

C quy đổi thành 2;

D quy đổi thành 1;

F quy đổi thành 0.

– Những điểm chữ không được quy định tại khoản 2 Điều này không được tính vào các điểm trung bình học kỳ, năm học hoặc tích lũy. Những học phần không nằm trong yêu cầu của chương trình đào tạo không được tính vào các tiêu chí đánh giá kết quả học tập của sinh viên.

– Cơ sở đào tạo đang đào tạo theo niên chế và sử dụng thang điểm 10 thì tính các điểm trung bình dựa trên điểm học phần theo thang điểm 10, không quy đổi các điểm chữ về thang điểm 4. Trong trường hợp này, quy chế của cơ sở đào tạo quy định cụ thể các mức xử lý kết quả học tập để tương đương và thay thế cho các quy định tại Điều 12 của Quy chế này.

– Sinh viên được xếp loại học lực theo điểm trung bình học kỳ, điểm trung bình năm học hoặc điểm trung bình tích lũy như sau:

+ Theo thang điểm 4:

Từ 3,6 đến 4,0: Xuất sắc;

Từ 3,2 đến cận 3,6: Giỏi;

Từ 2,5 đến cận 3,2: Khá;

Từ 2,0 đến cận 2,5: Trung bình;

Từ 1,0 đến cận 2,0: Yếu;

Dưới 1,0: Kém.

+ Theo thang điểm 10:

Từ 9,0 đến 10,0: Xuất sắc;

Từ 8,0 đến cận 9,0: Giỏi;

Từ 7,0 đến cận 8,0: Khá;

Từ 5,0 đến cận 7,0: Trung bình;

Từ 4,0 đến cận 5,0: Yếu;

Dưới 4,0: Kém.

– Sinh viên được xếp trình độ năm học căn cứ số tín chỉ tích lũy được từ đầu khóa học (gọi tắt là N) và số tín chỉ trung bình một năm học theo kế hoạch học tập chuẩn (gọi tắt là M), cụ thể như sau:

+ Trình độ năm thứ nhất: N < M;

+ Trình độ năm thứ hai: M ≤ N < 2M;

+ Trình độ năm thứ ba: 2M ≤ N < 3M;

+ Trình độ năm thứ tư: 3M ≤ N < 4M;

+ Trình độ năm thứ năm: 4M ≤ N < 5M.

4.3. Xử lý kết quả học tập theo tín chỉ

– Cuối mỗi học kỳ chính, sinh viên được cảnh báo học tập dựa trên một số điều kiện như sau:

+ Tổng số tín chỉ không đạt trong học kỳ vượt quá 50% khối lượng đã đăng kí học trong học kỳ, hoặc tổng số tín chỉ nợ đọng từ đầu khóa học vượt quá 24;

+ Điểm trung bình học kỳ đạt dưới 0,8 đối với học kỳ đầu của khóa học, dưới 1,0 đối với các học kỳ tiếp theo;

+ Điểm trung bình tích lũy đạt dưới 1,2 đối với sinh viên trình độ năm thứ nhất, dưới 1,4 đối với sinh viên trình độ năm thứ hai, dưới 1,6 đối với sinh viên trình độ năm thứ ba dưới 1,8 đối với sinh viên các năm tiếp theo.

– Sinh viên bị buộc thôi học trong các trường hợp sau:

+ Số lần cảnh báo học tập hoặc mức cảnh báo học tập vượt quá giới hạn theo quy định của cơ sở đào tạo;

+ Thời gian học tập vượt quá giới hạn theo quy định tại khoản 5 Điều 2 của Quy chế này.

– Quy chế của cơ sở đào tạo quy định cụ thể:

+ Việc lựa chọn áp dụng một số điều kiện cảnh báo học tập, giới hạn số lần hoặc mức cảnh báo học tập nhưng không vượt quá 2 lần cảnh báo liên tiếp;

+ Quy trình, thủ tục cảnh báo học tập, buộc thôi học; việc thông báo hình thức áp dụng tới sinh viên;

+ Việc bảo lưu kết quả học tập đã tích lũy trong trường hợp sinh viên bị buộc thôi học.

4.4. Công nhận kết quả học tập và chuyển đổi tín chỉ

– Kết quả học tập của người học đã tích lũy từ một trình độ đào tạo khác, một ngành đào tạo hoặc một chương trình đào tạo khác, một khóa học khác hoặc từ một cơ sở đào tạo khác được cơ sở đào tạo xem xét công nhận, chuyển đổi sang tín chỉ của những học phần trong chương trình đào tạo theo học.

– Hội đồng chuyên môn của cơ sở đào tạo xem xét công nhận, chuyển đổi tín chỉ trên cơ sở đối sánh chuẩn đầu ra, nội dung và khối lượng học tập, cách thức đánh giá học phần và các điều kiện bảo đảm chất lượng thực hiện chương trình theo các cấp độ:

+ Công nhận, chuyển đổi theo từng học phần;

+ Công nhận, chuyển đổi theo từng nhóm học phần;

+ Công nhận, chuyển đổi theo cả chương trình đào tạo.

– Cơ sở đào tạo công khai quy định việc công nhận kết quả học tập và chuyển đổi tín chỉ. Khối lượng tối đa được công nhận, chuyển đổi không vượt quá 50% khối lượng học tập tối thiểu của chương trình đào tạo; riêng đối với ngành đào tạo giáo viên thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

1 77 lượt xem
Tải về