TOP 10 mẫu Giới thiệu bài thơ Tình ca ban mai (2024) SIÊU HAY

Giới thiệu bài thơ Tình ca ban mai  gồm 10 bài văn mẫu hay nhất, chọn lọc giúp học sinh viết bài tập làm văn lớp 11 hay hơn.

1 1,082 19/07/2024


Giới thiệu bài thơ Tình ca ban mai

Đề bài: Em hãy viết bài văn giới thiệu về tác phẩm thơ "Tình ca ban mai".

TOP 10 mẫu Giới thiệu bài thơ Tình ca ban mai  (2024) SIÊU HAY (ảnh 1)

Giới thiệu bài thơ Tình ca ban mai - mẫu 1

Chào mọi người, em tên là… học sinh lớp… Phải chăng khi nhắc về tinh yêu, người ta sẽ thường chỉ quan tâm tới cảm xúc, tới trái tim mách bảo mà thường bỏ quên đi lý trí, suy nghĩ. Hay ta sợ rằng chỉ một chút ý nghĩ tỉnh táo thôi, tình yêu có thể sẽ bị bỏ lỡ đúng khoảnh khắc rung động của trái tim. Điều đó không sai, nhưng cũng không hoàn toàn đúng. Với nhà thi sĩ Chế Lan Viên, ông đã cho người đọc cảm nhận một hành trình tình yêu với đủ thi vị. Một chút lý trí, một chút tỉnh táo hòa quyện làm nên hương sắc riêng trong “Tình ca ban mai”.

Mở đầu bài thơ đã là những tâm sự chân thật của những người đang yêu:

“Em đi như chiều đi

Gọi chim vườn bay hết.”

Sự vận động không phải của riêng em, nó đã nhuốm màu sang cả cảnh vật xung quanh. Sự sống dường như đang dần mất đi bởi “em đi”. Em là vầng sáng trong cuộc đời của anh, em bước đi khiến lòng anh thêm da diết nhớ nhung. Từng câu chữ như khắc khoải, như đong đầy niềm thương nhớ. Có thể nói, ngay ở câu thơ đầu tiên, tác giả đã nhấn mạnh sâu sắc vai trò của hình bóng em.

“Em về, tựa mai về,

Rừng non xanh lộc biếc”

Ngược lại với xúc cảm khi em đi, khi có em, nỗi niềm trong anh bỗng hóa thành sự sung sướng vô cùng. “Em về” sự sống trong anh như đang vươn đầy trên cảnh vật. Không còn là niềm khắc khoải, nỗi nhớ thiết tha, mà nó đã được anh kết lại thành niềm vui sướng vô bờ. Mọi thứ bỗng trở nên đẹp hơn trong niềm hạnh phúc của anh. Tất cả như đang chờ mong em ở lại:

“Em ở, trời chưa ở,

Nắng sáng màu xanh che”

Quả thực là không có gì đẹp hơn dưới ánh mắt của những con người đang yêu. Mọi vật như tỏa sáng hơn khi “em về”, “em ở”. Em là ánh sáng tinh tú nhất của cuộc đời anh. Em giúp xua tan đi mọi sự u buồn, tối tăm và mờ mịt. Trong mắt anh, vẻ đẹp hiện hữu là “màu xanh che”, là “nắng sáng”. Mọi thứ tưởng như là những điều rất đỗi bình thường, nhưng khi “em ở” mọi thứ đều trở nên đẹp hơn.

Sức mạnh của em không chỉ là bóng hình, mà nó còn từ chính tâm hồn dịu dàng của em:

“Tình em như sao khuya

Rải hạt vàng chi chít”

Đã không chỉ là “em” mà giờ đây đã hóa “tình em”. Sự tồn tại của em chính là sự tồn tại của “sao khuya”. Sự hiện diện của em là ánh sáng sao khuya trong buổi đêm tối tăm, dù cho chỉ là những đốm sáng bé nhỏ “rải hạt vàng chi chít” nhưng cũng đủ để biết tình yêu của em sâu đậm tới nhường nào. Em tựa như quầng sáng chứa biết bao niềm hy vọng trong anh. Để anh tìm thấy niềm hạnh phúc vô bờ khi em về, em ở. Khó mà cắt nghĩa được hết nỗi lòng anh:

“Sợ gì chim bay đi,

Mang bóng chiều bay hết”

Sự “sợ” được đặt ngay đầu câu là anh đã lấy hết lòng can đảm bật lên thành lời. Cách nói ngập ngừng, nửa vời của anh như đang cố tạo cho mình sự tĩnh tâm nếu như “em đi”. Bao nhiêu nỗi hụt hẫng, nhớ nhưng anh ghim chặt trong lòng tạo nên một niềm tin vững chắc trong anh:

“Tình ta như lộc biếc

Gọi ban mai lại về

Dù nắng trưa không ở

Ta vẫn còn sao khuya”

Anh càng cố quên đi sự nhớ nhung, hình bóng anh lại càng hiện rõ. Càng coi nhẹ em thì lại càng thấy em quan trọng tới nhường nào. Nếu như ở những câu thơ trước, chỉ là “em” hay “tình em” thì đến đây, thứ tình cảm ấy đã nâng cao lên thành “tình ta”. Tình yêu có cả anh và em chứ không đơn lẻ bóng hình riêng nữa. Tình yêu từ hai phía sẽ vượt lên tất cả như những ánh mai buổi sáng:

“Hạnh phúc trên đầu ta

Mọc sao vàng chi chít”

Nhà thơ đã nói hộ biết bao tiếng lòng, bao niềm khắc khoải nỗi nhớ trong tim cũng những con người trong tình yêu. Thứ tình cảm ấy khiến ta hướng đến sự sống, để không chỉ tình em như sao khuya mà anh còn quên đi sự cô đơn, trống vắng. Và để rồi cuối cùng, tác giả kết bài bằng một câu lửng lơ:

“Mai, hoa em lại về…”

Thông qua Tình ca ban mai, nhà thơ Chế Lan Viên đã cho độc giả thấy được tài năng sáng tạo cùng sự khéo léo trong xoay chuyển các thủ pháp nghệ thuật của mình. Chỉ với những dòng thơ nhẹ nhàng, đầy chất tình đã làm nên nét riêng ấn tượng cho tài năng của nhà thơ. Cái “tôi” trong bài là nỗi đồng cảm sâu sắc của nhà thơ với thế hệ trẻ khao khát tình yêu. Chỉ với vài dòng thơ, Chế Lan Viên đã ngân lên cho đời những tiếng rung dịu dàng, đầy sâu lắng.

Giới thiệu bài thơ Tình ca ban mai - mẫu 2

Chào mọi người, em tên là… học sinh lớp… “Tình ca ban mai” của chàng thi sĩ Chế Lan Viên đã để lại cho độc giả rất nhiều ấn tượng sâu sắc, về một bản nhạc lòng tấu lên những giai điệu ngọt ngào, dịu êm giữa muôn vàn thanh điệu của bản ca tình yêu.

“Làm sao được tan ra

Thành trăm con sóng nhỏ

Giữa biển lớn tình yêu

Để ngàn năm còn vỗ”

Ngay từ nhan đề của bài thơ đã gợi cho độc giả về sự sâu lắng, dịu ngọt rất đỗi êm đềm: “Tình ca ban mai”. Có lẽ bởi đây không chỉ là một bài thơ mà còn là một bài ca về thứ tình yêu của một thời tuổi trẻ đầy nhiệt huyết, tràn đầy sức sống cùng những đam mê cháy bỏng. “Tình ca ban mai” phải chăng là một khúc nhạc du dương cất lên từ tiếng lòng rạo rực nỗi yêu thương, của một tình yêu hồn nhiên, trong sáng, nồng đượm như một buổi sáng của sớm mai, của một trái tim tin yêu tha thiết vào sự vĩnh cửu của một tình yêu thủy chung, đẹp đẽ?.

Bóng dáng nhà thơ Chế Lan Viên thấp thoáng ẩn sau những vần thơ tâm sự rất đỗi chân thật của một người đang yêu:

“Em đi như chiều đi,

Gọi chim vườn bay hết”

Sự vận động giờ đây không phải chỉ là của riêng mình em nữa mà đã lan sang cả cảnh vật: Em đi “như chiều đi” và chim vườn thì “bay hết”. Em đã “đánh cắp” trái tim anh, làm cho lòng anh cứ hoài nhớ nhung tha thiết. Câu chữ như khắc khoải nhưng cũng đong đầy niềm thương yêu. “Em đi - như chiều đi”. Em là ánh sáng, là hơi thở, là trung tâm của sự sống, em đi rồi chỉ còn niềm cô đơn bao vây lấy tâm hồn anh. Có thể nói ngay từ những câu thơ đầu tiên tác giả đã nói về vai trò và sức mạnh quan trọng của “em” đối với anh, không biết từ lúc nào, bóng dáng em đã in hằn trong tâm trí và trái tim của anh.

“Em về, tựa mai về,

Rừng non xanh lộc biếc”

Sang đến khổ thơ thứ hai nỗi buồn và sự cô đơn đã không còn nữa, bởi giở đây em đã “về”. Khi có em lòng anh bỗng thấy thật vui, em mang một sức sống tươi mới, làm cho cảnh vật cũng vì thề mà đâm trồi nảy nở. Không còn là nỗi buồn, niềm khắc khoải, bao nhiêu nỗi nhớ trong anh đã kết lại thành niềm vui sướng khôn siết.

“Em ở, trời chưa ở,

Nắng sáng màu xanh che”

Trong đôi mắt của người người đang yêu, vạn vật trở nên thật đẹp đẽ, tất cả dường như bừng sáng lên từ lúc “em về” đến khi “em ở”. Em chính là vầng sáng tinh tú nhất thế gian xua tan đi màn đêm u tối, mờ mịt. “màu xanh che” của “nắng sáng” đây chỉ là những cảnh tượng thường ngày vẫn trông thấy, nhưng sao từ khi có em mọi vật đều trở nên tươi xinh, thanh tao biết bao.

“Tình em như sao khuya

Rải hạt vàng chi chít”

Đã không chỉ là em giờ đây đã là “tình em” , em mang theo một trái tình nồng cháy, chân thành, nhất mực thuỷ chung giống như những đốm “sao khuya”. Dù cho chỉ là những đốm sáng nhỏ bé, li ti như “rải hạt vàng chi chít” nhưng chỉ thể thôi anh cũng cảm nhận được tình cảm em dành cho sâu đậm đến nhường nào. Điều đặc biệt ở đây là Chế Lan Viên đã không so sánh “tình em” với hình ảnh “vầng trăng”, bởi có lẽ trăng dù sáng đến mấy nhưng cũng có lúc mờ; còn cánh đồng bạt ngàn sao “chi chít” kia thì đêm nào chúng cũng nhấp nháy, lung linh một khoảng trời rộng lớn.

“Sợ gì chim bay đi,

Mang bóng chiều bay hết”

Tác giả đặt hai chữ “sợ gì” lên đầu câu thơ dường như khẳng định cho việc anh đã quyết định lấy hết can đảm để bày tỏ với nàng.

“Tình ta như lộc biếc

Gọi ban mai lại về

Dù nắng trưa không ở

Ta vẫn còn sao khuya”

Anh càng ép bản thân quên em, nhưng chẳng hiểu sao lại thấy nhớ em hơn, càng muốn buông bỏ, coi nhẹ tầm quan trọng của em thì lại càng nhận ra em quan trọng đến nhường nào. Nếu như ở bốn khổ thơ trước ta chỉ thấy xuất hiện của “em” và “tình em” thì với bốn khổ thơ sau, ta nhận thấy được sự chuyển biến rõ rệt khi tác giả đã nâng chuyện tình cảm của mình lên một bước cao hơn đó là “tình ta”. Giờ đây tình yêu song phương đã được hợp nhất, đã có đủ cả anh và em.

Niềm tin vào tình cảm của đôi ta đã gieo cho anh niềm tin vững chãi để xua tan những nỗi sợ hãi, lo âu. Tình cảm nồng thắm, đồng điệu đều từ cả hai phía sẽ giúp đôi ta vượt qua tất cả để đến với ánh sáng của buổi sớm mai và ngập tràn “rải hạt vàng chi chít”:

“Hạnh phúc trên đầu ta,

Rải hạt vàng chi chít”

Câu thơ cuối cùng được tác giả tách ra thành một khổ riêng biệt:

“Mai, hoa em lại về”

Tác giả đặt dấu phẩy ở sau chữ “mai” dường như là sức mạnh để, tiếp thêm động lực về niềm tin sắt đá trong anh. Và có lẽ, chỉ có riêng nhà thơ Chế Lan Viên mới lựa chọn cách nói “hoa em” thật hay, thật khéo léo và tài tình đến như vậy.

Với thiên phú và tài năng trong các mảng thơ về đề tài tình yêu kết hợp cùng những thủ pháp nghệ thuật được sử dụng một cách tài hoa, cấu trúc các dòng thơ tương xứng, hài hòa... Chế Lan Viên đã tạo nên một Tình ca bạn mai với nét riêng biệt đầy ấn tượng.

Giới thiệu bài thơ Tình ca ban mai - mẫu 3

Chế Lan Viên, một tên tuổi văn chương nổi tiếng, đã sáng tác một tác phẩm vô cùng nổi bật và sâu sắc mang tên "Tình ca ban mai". Tác phẩm này không chỉ đơn thuần là một bài thơ về tình yêu, mà còn là một tác phẩm nghệ thuật đầy tình cảm và ý nghĩa.

"Tình ca ban mai" được ví như một bản hòa tấu, khiến cho những giai điệu ngọt ngào và nồng ấm vang lên, mang lại cảm giác êm đềm và sâu lắng giữa vô vàn những thanh điệu của bản ca tình yêu. Chế Lan Viên đã dùng từ ngữ tinh tế và hài hòa để thể hiện một tình yêu trong sáng, ngây thơ nhưng cũng đầy nhiệt huyết và đam mê.

Ngay từ nhan đề của bài thơ, chúng ta đã cảm nhận được sự sâu lắng và dịu ngọt đầy êm đềm. Tác giả muốn truyền tải thông điệp rằng "Tình ca ban mai" không chỉ là một bài thơ về tình yêu bình thường, mà còn là một bài ca về sự nhiệt huyết và sự cháy bỏng theo đuổi tình yêu của một thời tuổi trẻ tràn đầy sức sống.

"Tình ca ban mai" như một khúc nhạc du dương, cất lên từ chính tiếng lòng rạo rực và những cung bậc yêu thương của một tình yêu trong trẻo, trong sáng và nồng đượm. Nó mang trong mình những điều tinh túy và tươi tắn nhất của buổi sáng một ngày mới, của một trái tim luôn tin tưởng vào sự vĩnh hằng của tình yêu trung thành và đẹp đẽ.

Bóng dáng của nhà thơ Chế Lan Viên thoáng qua những câu thơ, khiến cho chúng ta cảm nhận được nỗi tâm sự chân thành và yêu thương sâu sắc. Mỗi từ, mỗi câu đều tràn đầy tình yêu và cảm xúc. Với tài năng và thiên phú của mình, Chế Lan Viên đã kết hợp những phương pháp nghệ thuật một cách thành công và tài hoa, tạo nên một bản "Tình ca ban mai" độc đáo, ấn tượng và đầy độc đáo.

Giới thiệu bài thơ Tình ca ban mai - mẫu 4

Sinh ra ở trên đời, không ai lại không có một lần nguyện ước cho riêng mình điều chân thành như thế. Lạc vào thế giới huyền diệu trăm màu trăm sắc ấy, ta như ngợp đi giữa những yêu thương, giữa niềm khát khao hạnh phúc, giữa biết bao nỗi nhớ ngập tràn. “Tình ca ban mai” của Chế Lan Viên là bản nhạc lòng luôn tấu lên giai điệu ngọt ngào giữa muôn vàn thanh điệu của tình yêu.

“Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ”
(Sóng - Xuân Quỳnh)

Ngay tên để bài thơ đã gợi cho ta sự sâu lắng, cái dịu ngọt và rất đỗi êm đềm: “Tình ca ban mai”. Chế Lan Viên không chọn một tiêu đề nào khác, nhà thơ viết bài thơ như một bài ca ca ngợi tình yêu của một thời tuổi trẻ đầy sôi nổi, đầy niềm đam mê cháy bỏng. “Tình ca ban mai” phải chăng là khúc ca của một tiếng lòng rạo rực nỗi yêu thương, của một tình yêu sáng trong nồng đượm như một buổi sáng sớm mai, của một niềm tin tha thiết vào sự vĩnh cửu của tình yêu đẹp đẽ?.

Bài thơ tự nó đã chia thành hai phần, mà trong đó bóng dáng nhà thơ Chế Lan Viên ẩn sau những tâm sự chân thật của người đang yêu:

“Em đi như chiều đi,

Gọi chim vườn bay hết.”

Sự vận động không phải là của riêng em nữa mà đã nhuốm cả sang cảnh vật. Em đi “như chiều đi” để “chim vườn bay hết”. Sự sống như đang mất dần, đang bị tàn lụi bởi em là quầng sáng duy nhất có thể tạo nên sự sống. Em bước đi “đánh cắp” trong lòng anh niềm yêu và nỗi nhớ da diết. Câu chữ như khắc khoải và như đong đầy niềm thương nhớ. “Em đi - như chiều đi”. Em là trung tâm của sự sống, vắng bóng em chỉ còn niềm cô đơn choán ngợp tâm hồn, trong mỗi ánh nhìn của anh sự vật như không còn tồn tại. Có thể nói ngay ở câu thơ đầu tiên vai trò và sức mạnh của bóng hình em đã hằn in trong tâm khảm của anh. Em đi thì chan chứa nỗi nhớ da diết đến thế, khi em về liệu anh có vui hơn?.

“Em về, tựa mai về,

Rừng non xanh lộc biếc”

Khổ thơ thứ hai khác hẳn với khổ thơ thứ nhất, khi có em niềm vui ào vào trong lòng anh rợn ngợp và sự sống thì đang vươn đầy trên cảnh vật. Không còn là niềm khắc khoải, không còn là nỗi buồn tê tái; bao nhiêu nỗi nhớ trong anh kết lại thành niềm vui, niềm sung sướng dâng tràn.

Em về mang theo ánh sáng của buổi bình minh ùa về, gieo những mầm xanh trên cây cỏ, sự sống đang tái sinh khi có bóng em. Thật tuyệt làm sao mỗi khi em về không chỉ xoá nỗi nhớ và niềm cô đơn trong anh, còn khiến cỏ cây cũng vươn mình đón những giọt nhựa sống.

Khi em đi, khi em về đều tạo những biến chuyển; như cung đàn im tiếng bỗng thánh thót khúc nhạc vui. Tất cả đang trở nên đẹp hơn trong niềm hạnh phúc của anh; tất cả đang chào mừng em đấy và chờ mong em ở lại:

“Em ở, trời chưa ở,

Nắng sáng màu xanh che”

Đúng là không gì đẹp hơn dưới con mắt của người đang yêu, mọi vật như bừng sáng từ khi “em về” đến “em ở”. Em chính là quầng sáng tinh tú nhất xua tan màn đêm mờ mịt. Cái đẹp đang hiện hữu trước mắt anh là “màu xanh che” của “nắng sáng”, vẫn là cảnh vật thường ngày, vẫn là màu nắng quen thuộc, nhưng “em ở” mọi vật trở nên đẹp hơn thanh tao hơn.
Sự vận động của em: “em đi” - “em về” - “em ở” kéo theo sự vận động của thời gian: chiều - sáng - trưa. Em mang theo ánh sáng của sự sống, thổi tắt ngọn nến le lói cháy khi em đi và nhóm lên ngọn lửa niềm tin khi em về và em ở. Sức mạnh mà em có đâu chỉ là bóng hình mà từ chính tâm hồn dịu dàng của em:

“Tình em như sao khuya

Rải hạt vàng chi chít”

Từ đầu bài thơ, Chế Lan Viên sử dụng một loạt các hình ảnh so sánh để nâng cao vị trí của em trong tình yêu thương nồng đượm của anh. Đã không chỉ là em mà là “tình em” , sự tồn tại của em chính là sự tồn tại của một trái tim nhất mực thuỷ chung “như sao khuya”. Đúng là lúc nào cũng là quầng sáng khi có em, dù chỉ là những đốm sáng bé nhỏ “rải hạt vàng chi chít” cũng đủ để biết tình yêu của em sâu đậm biết nhường nào. Chế Lan Viên không chọn so sánh “tình em” với “vầng trăng”; bởi trăng dù sáng đến mấy cũng có khi mờ; còn cánh đồng sao “chi chít” thì hàng đêm vẫn nhấp nháy, âm thầm mà lan toả như chính tâm hồn em vậy.

Bốn khổ thơ đầu là sức mạnh của em, sức mạnh dịu dàng mà thiêu đốt trái tim anh; là tình yêu và nỗi nhớ chân thành của anh dành cho em. Chế Lan Viên đã chọn cho mình cách nói riêng, cách bày tỏ tình cảm riêng, qua một loạt các biện pháp so sánh, ẩn dụ. Câu thơ ngắn gọn, lời lẽ cô đọng, đúc kết mà sao tình dàn trải, thắm đượm mênh mông. Em là quầng sáng chứa bao niêm tin và hy vọng của anh, để anh thấy nhớ cồn cào và mãnh liệt khi em đi, để anh tìm thấy niềm sung sướng và hạnh phúc khi em về và em ở. Khó mà cắt nghĩa được hết nỗi lòng của anh, có những lúc lòng ngập buồn khi thiếu vắng em, nhưng có những lúc lại thấy vững một niêm tin:

“Sợ gì chim bay đi,
Mang bóng chiều bay hết”

Đặt “sợ gì” lên đầu câu thơ là anh đã lấy hết sự can đảm trong lòng để bật thành lời; nhưng nói “sợ gì” dường như lại là “sợ hơn”. Cách nói nửa vời, ngập ngừng ấy là anh đang cố tạo cho mình sự tĩnh tâm nếu “em đi”. Hầu hết, bốn khố thơ sau đều là sự lặp lại tương phản, đối lập với bốn khổ thơ đầu tiên. Bao nhiêu hụt hẫng vắng em, bao nhiêu nỗi nhớ thương anh gắng ghìm nén chặt trong lòng, anh đang tự tạo cho mình một niềm tin vững chắc:

“Tình ta như lộc biếc
Gọi ban mai lại về
Dù nắng trưa không ở
Ta vẫn còn sao khuya”

Anh càng cố quên em mà thấy nhớ em hơn, càng cố coi nhẹ tầm quan trọng của em mà thấy em càng quan trọng bao nhiêu. Nếu như ở bốn khổ thơ trước chỉ thấy xuất hiện “em” , “tình em” thì ở bốn khổ thơ sau đã nâng cao lên một bước “tình ta”. Tình yêu song phương có anh và em, chứ không còn đơn lẻ bóng dáng và tình cảm của riêng em nữa. Thực ra, anh xuất đầu lộ diện ngay từ những mất mát, hụt hẫng khi “em đi” ở đầu bài thơ, chỉ bây giờ anh mới dám khẳng định chắc chắn “tình ta”.

Vẫn là một loạt những hình ảnh của đoạn thơ đầu: “chim, bóng chiều, lộc biếc, ban mai, nắng trưa, sao khuya” cùng với cách nói phủ định lấp lửng: “sợ gì; tình ta ... gọi; dù ... ta vẫn còn” ta càng thấy tình yêu của anh và em sâu đậm và mãnh liệt biết bao. Niềm tin vào em và niềm tin em gieo cho anh đã xua đi những nỗi sợ hãi, lo âu mơ hồ. Tình yêu nồng thắm từ hai phía sẽ vượt lên tất cả như những ánh mai buổi sáng, như trời cao “rải hạt vàng chi chít”:

“Hạnh phúc trên đầu ta,
Rải hạt vàng chi chít”

Chế Lan Viên đã nói hộ biết bao nhiêu tiếng lòng, bao nhiêu những nhịp đập nồng say của những con tim luôn khắc khoải nỗi chờ mong. Tình yêu chân thành, đằm thắm là kim chỉ nam xuyên suốt hạnh phúc của anh và em. Tình yêu hướng ta đến sự sống, niềm tin và ánh sáng, để không chỉ riêng tình em như sao khuya, mà anh cũng quên đi nỗi buồn, sự cô đơn, trống vắng.
Bốn khổ thơ đầu tiên và bốn khổ thơ sau tưởng chừng đối lập hoàn toàn nhau, nhưng lại bổ sung và hoàn thiện cho nhau, nói cái phủ định để khẳng định thêm vững vàng và chắc chắn. Chính bởi cách kết cấu như thế đã kết lại câu thơ cuối cùng đứng riêng thành một khổ:

“Mai/ hoa em lại về”

Đặt dấu phẩy sau chữ “mai” là tiếp thêm niềm tin sắt đá trong anh. Và cũng chỉ riêng nhà thơ Chế Lan Viên mới chọn cách nói “hoa em” hay và tài tình đến thế. Ta mới chỉ nhắc đến gót hoa, lệ hoa, mắt hoa, mặt hoa ... mà chưa hề có ai nói tới “hoa em” . Cách viết của Chế Lan Viên cho ta thấy sự khéo léo trong câu chữ của nhà thơ, chỉ một chữ thôi mà gói ghém nhiều điều. Em là sự kết tinh của cái đẹp, sự sống, nguồn sáng nên anh gọi là “hoa em” .
Em là bông hoa đẹp giữa cuộc đời thực, không bao giờ tàn lụi mà luôn nở rộ. Anh vẫn chất chứa niềm tin “hoa em” sẽ chắp cánh cho sự sống ngày mai tươi đẹp hơn. Cái đẹp của “hoa em” là cái đẹp sáng trong bình dị, tồn tại vĩnh cửu cùng với sức mạnh của tình yêu.

Bài thơ thể hiện được sức sáng tạo của Chế Lan Viên trong mảng thơ tình yêu thiên phú với các thủ pháp nghệ thuật, cấu trúc các dòng thơ tương xứng, nhẹ nhàng... đã tạo được nét riêng đầy ấn tượng. Cái “tôi” trữ tình sâu lắng của nhà thơ là mối đồng cảm vói những thế hệ trẻ luôn khát khao yêu thương và hạnh phúc.

Chỉ với một bài thơ xinh xắn viết về tình yêu, “Tình ca ban mai” của Chế Lan Viên đã ngân lên những tiếng tơ rung dịu dàng sâu lắng mãi khuôn nguôi.

Giới thiệu bài thơ Tình ca ban mai - mẫu 5

Có người đã từng nói: Mỗi tình nhân cũng đồng thời là một thi nhân. Phải chăng vì cảm xúc dạt dào, mãnh liệt của con người khi yêu đã chắp cánh cho những vần thơ bay bổng, lãng mạn! Và cũng phải chăng vì vậy khi nói về tình yêu, người ta thường chỉ đề cập đến xúc cảm mà coi nhẹ lí trí, suy nghĩ, sợ rằng chỉ một chút ý nghĩ tỉnh táo thôi có thể tiêu tan, lỡ nhịp rung động của trái tim rồi? Thế nhưng có một thi sĩ đã chỉ cho chúng ta thấy rằng: một chút lý trí, một chút tỉnh táo cũng góp phần làm nên hương sắc riêng. Ấy là Chế Lan Viên với những vần thơ tình không bốc lên ở bề mặt mà lắng ở bề sâu: “Tình ca ban mai”.

Nhớ tới Chế Lan Viên, người ta thường nhớ những vần thơ kinh dị từ thuở “Điêu tàn”, những vần thơ sám hối từ “Ánh sáng và phù sa” hay “Những bài thơ đánh giặc” trong những năm tháng kháng chiến chống Mĩ... Thế nhưng như chính Chế Lan Viên tự nói, ông là “tháp Bay-on bốn mặt”, đâu chỉ có những vần thơ triết luận chính trị. Dù viết không nhiều nhưng thơ về đề tài tình yêu vẫn có vị trí riêng trong sự nghiệp sáng tác của Chế Lan Viên và góp thêm hương sắc mới cho thơ ca viết về tình yêu. Không dào dạt, bốc lửa như thơ tình Xuân Diệu, không dè dặt, da diết như thơ tình Nguyễn Bính; không hồn nhiên, sôi nổi khát vọng như thơ tình Xuân Quỳnh,... thơ tình Chế Lan Viên dù cũng rất thành thật, thiết tha nhưng vẫn chứa đựng chất trí tuệ, màu sắc suy không đi sâu thể hiện vẻ đẹp rực rỡ của tình yêu trong hình thức biểu hiện của nó mà nặng về biểu hiện cái trầm cái xao xuyến bên trong. Phải chăng vì vậy ông hay nói về nỗi nhớ tình yêu trong xa cách?

Bài thơ “Tình ca ban mai” cũng được khơi nguồn từ những nhung nhớ của tác giả khi thiếu vắng em bên cạnh. “Tình ca ban mai” - nhan đề bài thơ tuy ngắn gọn nhưng lại gợi biết bao liên tưởng trong lòng độc giả. Phải chăng là bài ca tình yêu trong buổi ban mai hay trong trẻo như không gian ban mai? Có lẽ nên hiểu ở cả hai nghĩa đó. Bởi lẽ bài thơ là khúc ca tình yêu trong không gian và thời gian trong trẻo, kì diệu. Nhà thơ đã nhận ra sự đồng nhất giữa tình yêu và ban mai. Có thể đây là tình yêu thuở ban đầu, hãy còn tinh khiết, tinh khôi như ban mai trong lành?

Chính điều đó đã góp phần tạo nên vẻ đẹp về tình yêu lứa đôi rất riêng trong bài thơ này. Có thể thấy rõ bài thơ chia làm hai phần gắn liền với sự xuất hiện của các đại từ nhân xưng “em” ở khúc điệu một và “ta” ở khúc điệu thứ hai. Điều đó phù hợp với sự phát triển của mạch cảm xúc giữa hai khúc điệu thơ. Đọc nhan đề có thể người đọc sẽ nghĩ bài thơ mở đầu bằng thời gian, không gian sớm mai. Thế nhưng Chế Lan Viên lại mở đầu bài thơ bằng hai câu thơ gợi cảnh chiều:

“Em đi như chiều đi

Gọi chim vườn bay hết”

Một sự mở đầu rất khác thường với nhan đề bài thơ. Như vậy, tác giả đã bắt ngay về hiện thực xa cách, hiện thực biệt ly. Cho nên có thể thấy mạch cảm xúc sẽ bao trùm bài thơ là nỗi nhớ tình yêu trong xa cách. Tại sao Chế Lan Viên không viết “Chiều xuống”, “Chiều tàn” mà lại là “Chiều đi”? Có lẽ các từ “Chiều xuống”, “Chiều tàn” gợi khoảng thời gian ảm đạm, úa tàn không phù hợp với màu sắc tình yêu trong trẻo mà nhà thơ muốn thể hiện trong bài thơ này. Cũng gợi ra thời gian chiều phù hợp với các cuộc chia tay muôn đời này nhưng cách nói của Chế Lan Viên thật độc đáo. Có thể em ra đi vào buổi chiều hoặc cũng có thể không như sự ra đi ấy đọng lại trong lòng anh một ấn tượng như “Chiều đi”. Hiện tại là chưa xa, lẽ dĩ nhiên nhà thơ sẽ hướng tới tương lai - ngày em về:

“Em về tựa mai về

Rừng non xanh lộc biếc”

rồi liên tưởng lại những kỉ niệm ngọt ngào bên em:

“Em ở trời trưa ở

Nắng sáng màu xanh che

Tình em như sao khuya

Rải hạt vàng chi chít”

Mỗi câu thơ mở đầu một khổ thơ (gồm hai câu và bốn câu) đều ngắt nhịp 2/3:

“Em đi/như chiều đi”

“Em về/tựa mai về”

“Em ở/trời trưa ở”

“Tình em/như sao khuya”

Cách ngắt nhịp ấy trong thể thơ ngũ ngôn tạo âm hưởng trầm, buồn vắng, chậm, vừa gợi ấn tượng về sự dài dặc hun hút cách xa; vừa gợi tâm trạng thảng thốt của nhân vật trữ tình khi không có hình bóng em bên cạnh trong cuộc đời. Cứ thế, từng khoảnh khắc thời gian, từng miền không gian cứ trôi đi qua miền tâm tưởng của nhân vật trữ tình và đều gắn với “em”. Em đi”, “Em về”, “Em ở”, “Tình em” toàn là em, đầy ắp em trong tâm hồn nhân vật trữ tình. Em lấp đầy các dòng thơ, khổ thơ, đoạn thơ. Tác giả so sánh “em với hàng loạt hình ảnh “chiều”, “mai”, “trưa”, “sao khuya” các hình ảnh so sánh ấy một mặt gợi ra các khoảnh khắc thời gian trong một ngày. Thế là em có mặt mọi lúc. Mặt khác đó cũng là các từ chỉ không gian. Thế là em có mặt khắp mọi nơi. Các hình ảnh đi theo bước chân em đều gặp gỡ ở một điểm rất thú vị. “Chiều”, “mai”, “trời trưa”, “sao khuya” đều chứa ánh sáng, đều là nguồn sáng.

Như thế em vừa là hiện thân của thời gian, em vừa là hiện thân của ánh sáng. Có ánh chiều như vương vấn màu nắng nhạt “Mình cây nắng nhuộm bóng chiều không đi”. Có tia nắng ban mai làm cả khu rừng ánh lên sắc xanh. Có ánh nắng “màu xanh che” sáng mát chứ không gay gắt. Có cả ánh sao đêm lấp lánh trên vòm trời. Tất cả đều là em. Em xuất hiện ở nơi nào, nơi ấy có ánh sáng. Cho nên khi em đi, đó là một nỗi cô đơn sâu thẳm, tựa như khu vườn quạnh hiu, thưa vắng những cánh chim khi hoàng hôn buông xuống. “Em về”, cả rừng non “xanh lộc biếc”, cảnh sắc hồi sinh, tươi tốt hay chăng chính tâm hồn anh đang được hồi sinh, dào dạt những xúc cảm tuổi xanh - ngày xanh... Dường như em là linh hồn, là sức sống của tạo vật. Vô tình hay hữu ý, gợi người đọc nhớ tới những vần thơ của Paul Eluard:

“Em đã đến, bếp lửa tàn lại đỏ

Bóng tối lui sao mọc giữa lạnh lùng

Em đã đến và cô đơn đã bại

Anh có người dẫn dắt ở trên đời”.

Như vậy hàng loạt các hình ảnh so sánh đã tạo nên sự đồng điệu giữa em và thời gian, em và ánh sáng. Sự đồng điệu ấy đã ký thác một chân lý của tình yêu trong nghĩ suy của Chế Lan Viên: không gian vũ trụ không vận hành theo quy luật của tự nhiên mà theo sự hiện diện hay vắng mặt của em. Và đến đây em đã trở thành trung tâm của vũ trụ, là linh hồn, trái tim của anh. Em hiện lên như vầng mặt trời chói lòa:

“Thấy em như thấy mặt trời

Chói chang khó ngó, trao lời khó trao”

Bao yêu thương liên tưởng về em rồi sẽ qua đi, đọng lại trong anh lúc này sẽ là cảm giác thiếu vắng em. Cho nên từ đây, bài thơ có sự chuyển đổi mạch cảm xúc đột ngột:

“Sợ gì chim bay đi

Mang bóng chiều bay hết

Tình ta như lộc biếc

Gọi ban mai lại về

Dù nắng trưa không ở

Ta vẫn còn sao khuya

Hạnh phúc trên đầu ta

Mọc sao vàng chi chít”

Các hình ảnh “chim bay đi”, “bóng chiều”... tạo ra sự tiếp nối với câu thơ mở đầu. Thế nhưng nếu hai câu thơ:

“Em đi như chiều đi

Gọi chim vườn bay hết”

gợi ra hiện thực xa cách thì ở khúc điệu hai này lại là suy nghĩ của nhân vật trữ tình về sự ra đi của em. Và như thế, một cách rất tự nhiên, em đã nhập vào khúc điệu thơ thứ hai này. Dường như mạch thơ đọc lên có sự đối lập. Đã biết “em đi như chiều đi” cả khu vườn sẽ trống trải, quạnh hiu thì sao lại “sợ gì chim bay đi”. Nhân vật trữ tình đang nói với em hay độc thoại với chính mình. Tưởng như một lời nói vu vơ bâng quơ, buột miệng thì "nhưng" đặt bên cạnh các từ “dù”, “vẫn còn” ta có thể hiểu được tâm trạng ấy của nhân vật trữ tình. Có thật lời anh hùng hổ, tự tin? Chắc chắn là không rồi. Nói không sợ mà vẫn sợ, vẫn lo âu, thấp thỏm. Thế nên phải mạnh lời như vậy để tự trấn an, tự an ủi mình. Mỗi câu thơ cũng như muốn vượt lên chính mình.

Ở một bài thơ khác, Chế Lan Viên đã nói trực tiếp cái “sợ” khi phải đối mặt với sự thiếu vắng em:

“Không em anh chẳng qua vườn

Sợ mùi hương... sợ mùi hương nhắc mình”

Phải chăng Chế Lan Viên không muốn “hóa dại khờ”:

“Người đi một nửa hồn tôi mất

Một nửa hồn tôi hóa dại khờ”

như Hàn Mặc Tử? Đó là nỗ lực vượt lên chính mình hay dấu ấn trí tuệ đã in đậm vào hồn thơ ông? Khó có thể có câu trả lời đích đáng, chỉ biết rằng nhân vật trữ tình đang phải một mình chống chọi với nỗi cô đơn vì vắng em, thiếu em. Vậy làm sao anh có thể vượt qua nó? Cứ nhắc đến em hoài? Không - điều đó càng làm nỗi nhớ cồn cào da diết. Cho nên Chế Lan Viên tìm đến giải pháp khác. Ấy là cách xưng hô: “ta”. “Ta” ở đây đâu chỉ đơn thuần là anh. “Ta” còn là cả sự gắn bó giữa anh và em nữa. Như thế không nói em mà vẫn hiện diện, hơn thế nữa, còn khẳng định được tình cảm đôi ta. Em ra đi nhưng tình em thì ở lại, tình ta vẫn còn. Điều khiến nhân vật trữ tình vượt qua nỗi nhớ em, sự trống trải, cô đơn vì vắng em ấy chính là tình yêu của em, tình yêu của chúng ta. Anh tin tưởng vào tình ta, và hạnh phúc sẽ như muôn vì sao “chi chít” trên cảnh trời đêm kia.

Dường như các hình ảnh thơ trong khúc điệu này có sự đối lập với khúc điệu mở đầu và trật tự của các hình ảnh thơ cũng đã có sự đảo ngược trong từng khổ thơ. Ở trên vì em đi, chiều đi mà “chim vườn bay hết”, vì em về - mai về nên “rừng non xanh lộc biếc” còn ở đây vì chim bay đi nên “mang bóng chiều bay hết”, vì “lộc biếc”nên mới “Gọi ban mai về”. Điều đó có nghĩa là ở khổ trên, tác giả muốn nhấn mạnh vào vị trí, vai trò của em - em là tất cả. Còn ở khúc điệu này, tác giả lại nhấn mạnh vào tình ta, tình ta sẽ làm hồi sinh tất cả. “Tình ta” cũng là cứu cánh để nhà thơ vượt qua nỗi cô đơn, mong nhớ da diết trong lòng.

Xuân Quỳnh ở đâu đó, để vượt qua nỗi nhớ đã “đan áo mong chờ”:

“Khi anh vắng bàn tay em biết nhớ

Lấy thời gian đan thành áo mong chờ

Lấy thời gian em viết những dòng thơ

Để thấy được chúng mình trong cách trở”

Vượt qua bằng cách nào, tự an ủi, trấn an, quả quyết như Chế Lan Viên hay đan áo, làm thơ như Xuân Quỳnh đều là một nỗ lực rất lớn của con người khi yêu mà phải xa cách. Nếu như bài thơ mở đầu bằng hiện thực biệt ly thì kết thúc bài thơ lại là tương tươi sáng:

“Mai, hoa em lại về”.

Nhân vật trữ tình hi vọng, mong chờ vào sự trở về chói lọi của em. Hi vọng ấy có xu hướng biến thành một niềm tin, một hiện thực vì “mai” là khoảng thời gian rất gần so với hiện tại. Chỉ một câu thơ năm chữ mà như một lời thông báo hân hoan vui sướng của nhân vật trữ tình: thời gian (mai), đối tượng (hoa em), hành động (lại về). Lời thơ như có gì rất phấn chấn, háo hức chờ mong. Chỉ ngày mai nữa thôi là em đã trở về, đã hiện diện bên anh. Nếu ở khúc điệu mở đầu, em hiện lên như sự hóa thân, hiện diện của ánh sáng, em là trung tâm của vũ trụ thì trong câu thơ kết thúc bài thơ này, em lại đồng hiện với “hoa”, hóa thân vào “hoa”. Tại sao Chế Lan Viên lại không viết “Mai, em yêu lại về”, dù cách nói đằm thắm, trìu mến, thiết tha hơn? Có lẽ bởi cách nói đó thiên về tình cảm mà phong cách Chế Lan Viên, dù là thơ tình cũng nghiêng về trí tuệ.

“Hoa em” là cách nói vừa độc đáo, vừa mới lạ, lại đậm chất trí tuệ. Dù ta đã bắt gặp sự liên tưởng vẻ đẹp thiếu nữ với hoa trong các sáng tác thơ ca cổ điển. Nhưng dường như các nhà thơ xưa mới chỉ nói đến “mặt hoa”, “gót hoa”,”lệ hoa” mà chưa ai ví chỉnh thể “hoa em” như Chế Lan Viên. Thế là em đã trở thành những gì hoàn mĩ nhất, hoàn thiện nhất trong cảm nhận của riêng anh. Bài thơ kết lại bằng mơ ước, bằng niềm tin em sẽ trở về trong ban mai trong lành, tinh khiết, trình khôi, trong tình yêu và sự trân trọng nâng niu của anh. Và như vậy có thể hiểu cả bài thơ là sự chờ đợi cho sự trở về này.

Cũng như trong một bài thơ khác, Chế Lan Viên đã dồn nén sự mong nhớ đó trong ba câu thơ để rồi bật tung trong niềm hân hoan ở câu kết bài:

Chỉ một ngày nữa thôi. Em sẽ

trở về. Nắng sớm cũng mong. Cây

cũng nhớ. Ngõ cũng chờ. Và bướm

cũng thêm màu trên cánh đang bay.

(Tập qua hàng, Chế Lan Viên)

Cả bài thơ là nỗi nhớ dằng dặc, da diết của nhân vật trữ tình. Thế nhưng ta không hề bắt gặp một chữ “nhớ”. Nó khác hẳn với thơ Xuân Diệu, nhớ đến muốn trào dâng ra cả ngoài câu chữ:

“Anh nhớ tiếng. Anh nhớ hình. Anh nhớ ảnh

Anh nhớ em. Anh nhớ lắm em ơi!”

Thơ Chế Lan Viên không phải vì thế mà kém sâu sắc, xúc động. Người ta vẫn thấy nỗi nhớ ẩn hiện sau mỗi dòng thơ, khổ thơ, đoạn thơ. Vì nhớ nên mới nhận ra vị trí của “em” trong trái tim anh. Vì nhớ nên phải tìm mọi cách vượt qua nỗi cô đơn, thiếu vắng em. Và cũng vì nhớ nên mới háo hức đợi chờ, mong mỏi, tin tưởng em về.

“Tình ca ban mai” nằm trong số các bài thơ viết về tình yêu trong xa cách của Chế Lan Viên. Thơ tình yêu của Chế Lan Viên không bộc trực, sôi nổi, mãnh liệt mà sâu sắc, thâm trầm. Ở đây ta bắt gặp sự quyện hòa giữa lí trí và cảm xúc, giữa trữ tình và trí tuệ trong các hình ảnh chắt lọc, độc đáo mang dấu ấn một tài năng đạt đến độ tài hoa. Bài thơ dù dùng nhiều hình ảnh so sánh, ẩn dụ nhưng không gợi cảm giác “sáng choang những vòng vàng, xuyến bạc”, đến thô kệch, ít giá trị thẩm mỹ. Trí tuệ mà vẫn đạt đến chiều sâu cảm xúc; hình ảnh thơ đẹp, mĩ lệ mà không khoa trương… ấy chính là thành công riêng của bài thơ. Có những bài ông tạo ra sự độc đáo về hình thức đã biểu đạt nỗi nhớ da diết như trong bài “Tập qua hàng”. Có những bài ông lại có những suy nghĩ sâu sắc như bài “Cái rét đầu mùa nhớ người đi về phía bể”:

“Một đắp cho em ở vùng sóng bể

Một đắp cho mình ở phía không em”

“Tình ca ban mai” là bài thơ trung hòa được hai sắc thái đó và đã trở thành bài thơ tình yêu đặc sắc của đời thơ Chế Lan Viên và của thơ ca hiện đại.

Có một nhà văn nước ngoài đã nói: “Tình yêu trong xa cách ví như lửa trong gió. Gió thổi tắt ngọn lửa nhỏ và thổi bùng ngọn lửa lớn”. “Tình ca ban mai” gợi nên một tình yêu đẹp không hề bị lụi tàn mà trái lại, cứ bừng cháy dù cho mưa gió của thời gian. Ai đã một lần sống trong phút giây chờ đợi ngọt ngào, hẳn yêu lắm những vần thơ của Chế Lan Viên: “Mai, hoa em lại về”.

Giới thiệu bài thơ Tình ca ban mai - mẫu 6

Chế Lan Viên không làm nhiều thơ tình nên Tình ca ban mai là trường hợp đặc biệt hiếm hoi. Đúng theo cái bản chất coi trọng chất lượng chứ không coi trọng số lượng. Đây là một bài thơ tình đặc sắc, không chỉ so với chính các sáng tác của ông mà còn so với các sáng tác về tình yêu của các nhà thơ khác.

Xét về mặt cấu trúc, bài thơ như chuỗi hạt ngọc với lối ghép đôi và những khoảng giãn cách đăng đối. Điều này khiến cho hình thức của bài thơ trở nên hài hòa và dễ thương như một tặng vật của tình yêu. Nó dễ dàng thể hiện được cái cảm xúc của bài thơ là đề cao tới mức gần như tuyệt đối vai trò của người con gái trong đời sống tinh thần của nhân vật trữ tình. Em là có tất cả và em đi rồi, tất cả hư vô

“Em đi như chiều đi

Gọi chim vườn bay hết”.

“Em đi” là cái cụ thể. “Chiều đi” là cái trừu tượng. Lấy cái trừu tượng để diễn tả cái cụ thể là một tín hiệu ngược. Thường thì người ta nói “chiều đi” như “em đi”. Buổi chiều đi, tức là sang đêm, mang theo bầy chim trong vườn bay hết. Vậy trong vườn còn lại gì? Chỉ còn lại đêm tối. Không còn âm thanh (tiếng chim), không có màu sắc. Cuộc sống như vậy thì tẻ ngắt, u tối. Đó là vì “em đi”. Hai câu thơ đầu gợi âm điệu như một nguồn ánh sáng vụt tắt.

Cặp hình ảnh ghép đôi, cũng là tín hiệu tình yêu đầu tiên hiện lên bất ngờ, đẹp lung linh nhưng chính nó tạo ra một vấn đề lớn cho tư duy. Hình ảnh so sánh “Em đi như chiều đi” và “Gọi chim vườn bay hết” gắn bó chặt chẽ với nhau như “anh và em sẽ chết nếu quanh mình là khoảng trống hư vô” lại được dùng để diễn tả chính sự cô đơn, thiếu hụt, sự vô nghĩa của cuộc đời anh khi không có em giống như cách mà Nguyễn Tuân dùng nước để tả lửa và dùng lửa để tả nước trong tùy bút Người lái đò sông Đà. Được giãn cách bằng một khoảng trắng như để ngừng nghỉ sau một chặng tư duy và lấy lại phương hướng để tiếp tục cuộc hành trình đến ngọn nguồn của tình yêu, hai câu tiếp ánh sáng bừng lên khi ban “mai về”:

“Em về tựa mai về

Rừng non xanh lộc biếc”

Em ra đi, tất cả chỉ còn lại đêm tối, cô đơn và lạnh lẽo như chìm trong địa ngục thì ngược em về, bình minh kỳ diệu cũng theo về. “Rừng non xanh” thảng thốt giật mình sau cơn dị mộng chia ly bỗng bừng lên sức sống bằng triệu triệu “lộc biếc”. Tình yêu như một vị linh dược có khả năng hồi sinh tất cả, hồi sinh cả những thứ tưởng như đã chết Mỗi cặp câu như hai mảnh ván ghép thành một nhịp cầu đến với yêu thương, đi qua nhịp cầu ấy cũng lắm gian nan và biết bao thử thách còn ở phía trước. Em ra đi, em quay về và biết em có ở lại mãi hay không? “Hỏi thế gian tình là gì” mà có thể mang đến cho người ta bao điều kỳ diệu và cũng gây cho người ta bao đau đớn, lo âu?

“Em ở, trời trưa ở

Nắng sáng màu xanh che”

Tình em như sao khuya

Rãi hạt vàng chi chít

Sợ gì chim bay đi

Mang bóng chiều đi hết”

Bài thơ, có cấu tứ đều đặn nhưng lại diễn tả mạch cảm xúc liên tục tăng tiến. Em ở bên anh thì cuộc đời anh sẽ yên ổn, dịu mát như mỗi buổi trưa nắng được chở che bởi tán lá xanh. Có lá xanh che, nắng sẽ dịu, anh sẽ thấy mát. Ở trên, tác giả đã nói đến buổi chiều – buổi chiều phải sống trong sự vô nghĩa bởi “em đi” mang theo bầy chim, rồi nói buổi ban mai khi “em về” thì đời anh lại bừng lên, tràn sức sống. Chàng trai đề cao vai trò của cô gái trong đời sống tinh thần của mình đến nỗi miêu tả tình yêu của nàng đẹp ngoạn mục, huyền diệu như những ngôi sao khuya trên bầu trời, tựa hồ muôn hạt vàng được rắc xuống trần gian.

Tình yêu đích thực bao giờ cũng lạc quan, tràn đầy niềm tin cho dù người trong cuộc có thể buồn, nhớ, giận hờn, thậm chí có lúc tưởng như bế tắc, tuyệt vọng do hiểu lầm nhau. Bởi vì bản chất của tình yêu là luôn hy vọng vào những điều tốt đẹp nhất. Không phải ngẫu nhiên Chế Lan Viên xây dựng tứ thơ tình gắn với thời gian buổi sáng, lúc ban mai. Và tên bài thơ là Tình ca ban mai, âm hưởng toàn bài toát lên vẻ sáng sủa, quang đãng, long lanh, rực rỡ của nắng, của màu xanh, của lộc biếc – toàn những hình ảnh chứa chan sức sống. Có lẽ mọi hy vọng tốt đẹp nhất của hai người trong cuộc được dồn vào hai câu thơ có thể coi như đỉnh điểm của toàn bài:

“Tình ta như lộc biếc

Gọi ban mai lại về”

Và cuối cùng, tác giả kết bài bằng một câu buông lửng: “Mai, hoa em lại về” Cả bài chẳng hề nói gì đến hoa mà cuối cùng lại nhắn gửi như vậy có chút gì đó rất riêng tây, “bí mật” của nhà thơ chăng? Em tên là Mai, là Hoa – thật cụ thể – một cô gái nào đó ngoài đời bước vào thơ của thi sĩ chăng? Có thể lắm. Và cũng có thể không phải. Chỉ là một chút mập mờ, úp mở cho có vẻ hư hư, thực thực, gây sự chú ý cuối cùng cho người đọc lúc khép lại bài thơ. Tất cả những điều đó không quan trọng. Chỉ biết bài thơ mở ra rất nhiều hướng cảm nhận về tình yêu.

Giới thiệu bài thơ Tình ca ban mai - mẫu 7

Chế Lan Viên (1920 - 1989) là nhà thơ không làm nhiều thơ tình so với các nhà thơ khác. “Tình ca ban mai” là trường hợp hiếm hoi. Ông làm ít thơ tình, nhưng hay, gây được ấn tượng đặc biệt cho người đọc. Bài này có thể nói là một bài thơ tình đặc sắc, chẳng phải chỉ so với các bài khác của ông mà so với thơ tình trong nền thơ hiện đại Việt Nam.

Chủ thể cảm xúc của bài thơ là anh, là chàng trai, là người đàn ông. Chàng trai đã đề cao tới mức như là tuyệt đối hóa vai trò của người con gái trong đời sống tinh thần của mình. Có em như là có tất cả. Em đi rồi cũng đồng thời mang theo cả sự sống đi luôn:

Em đi như chiều đi
Gọi chim vườn bay hết.

“Em đi” là cụ thể. “Chiều đi” là trừu tượng. Lấy cái trừu tượng để ví với cái cụ thể là ngược. Thường thì người ta phải nói ngược lại, tức là “chiều đi” như “em đi”. Buổi chiều đi, tức là sang đêm, mang theo bầy chim trong vườn bay hết. Vậy trong vườn còn lại gì? Một cái vườn không chim, chỉ còn là vườn cây trong đêm tối. Không còn âm thanh (tiếng chim), không có màu sắc (đêm tối không nhìn thấy gì dù trong vườn có cây, hoa - chỉ là một màu đen của đêm). Cuộc sống như vậy thì tẻ ngắt, u tối. Đó là vì “em đi”. Hai câu thơ đầu, nhất là cái âm trắc ở tiếng “hết” gợi âm điệu như một nguồn ánh sáng vụt tắt. Nhưng đến hai câu thơ sau thì ánh sáng lại bừng lên bởi “mai về” - tức là ban mai trở lại, cũng là bởi “em về” đã mang theo điều đó:

Em về tựa mai về
Rừng non xanh lộc biếc.

Nếu “em đi” khiến anh mất tất cả, khiến anh cảm thấy cuộc sống như vô nghĩa thì khi “em về”, anh lại như thu lượm được tất cả, mà đầy đặn, tràn trề hứa hẹn, bởi sự sống dồi dào. Đó là cả một “rừng non xanh lộc biếc”. Trẻ trung, căng tràn nhựa, mơn mởn, non tơ. Đó là sức trẻ, là tình yêu. Dẫu những người đang yêu nhau có thể đã qua tuổi trẻ - với nghĩa đen - thì họ vẫn cứ đầy sức trẻ.

Em đi. Em về. Nhưng em có lại đi nữa không? Đó là băn khoăn, là nỗi lo lắng của chàng trai. Khi ấy:

Em ở, trời trưa ở
Nắng sáng màu xanh che.

Đến nay, tôi vẫn băn khoăn không hiểu Chế Lan Viên viết “xanh tre” hay “xanh che”? Vì bài này in ở nhiều chỗ. Có văn bản in "tre", lại cũng có nhiều văn bản in "che". Hồi Chế Lan Viên chưa qua đời, trong một lần gặp ông ở thành phố Hồ Chí Minh, líu tíu thăm hỏi, chuyện trò, tôi đã quên khuấy không hỏi ông sự thể thế nào. Bởi tôi thấy cả hai từ đều có nghĩa. Tre với nghĩa danh từ là ánh nắng rực rỡ làm sáng thêm màu xanh những cây tre. Còn “che” với nghĩa động từ là che chở. Nhưng tôi cảm thấy “xanh che” hay hơn. Có lẽ đây mới là ý của tác giả. Hy vọng điều này sẽ có dịp được sáng tỏ nếu tìm được bút tích bản thảo viết tay của nhà thơ.

Chàng trai đề cao vai trò của cô gái trong đời sống tinh thần của mình đến nỗi miêu tả tình yêu của nàng đẹp, ngoạn mục, huyền diệu như những ngôi sao khuya trên bầu trời tựa hồ dày đặc muôn hạt vàng được rắc:

Tình em như sao khuya
Rải hạt vàng chi chít.

Một bầu trời đầy sao, chi chít những sao. Càng về khuya, sao càng chi chít. Nhà thơ đã biểu hiện tình yêu của em như cái bầu trời khuya chi chít sao kia. Còn gì đẹp, ngoạn mục, cả chiều cao lẫn bề rộng của bầu trời như thế. Hai câu thơ tôn thêm vẻ trang trọng, thánh thiện của tình yêu lên biết bao nhiêu!

Tình yêu đích thực, cao đẹp, cao thượng bao giờ cũng lạc quan, tràn đầy niềm tin cho dù người trong cuộc có thể buồn, nhớ, giận hờn, thậm chí có lúc tưởng như bế tắc, tuyệt vọng do hiểu lầm nhau. Bởi vì bản chất của tình yêu là luôn hy vọng vào những điều tốt đẹp nhất. Không phải ngẫu nhiên Chế Lan Viên xây dựng tứ thơ tình gắn với thời gian buổi sáng, lúc ban mai. Và tên bài thơ là “Tình ca ban mai”. Âm hưởng toàn bài toát lên vẻ sáng sủa, quang đãng, long lanh, rực rỡ của nắng, của màu xanh, của lộc biếc - toàn những hình ảnh chứa chan sức sống. Có lẽ mọi hy vọng tốt đẹp nhất của hai người trong cuộc được dồn vào hai câu thơ có thể coi như đỉnh điểm của toàn bài:

Tình ta như lộc biếc
Gọi ban mai lại về…

Cả bài chẳng nói gì đến hoa mà cuối cùng lại nhắn gửi “Mai, hoa em lại về…”. Có chút gì đó rất riêng tây, “bí mật” của nhà thơ chăng? Em tên là Mai, là Hoa - thật cụ thể - một cô gái nào đó ngoài đời bước vào thơ của thi sĩ chăng? Có thể lắm. Và cũng có thể không phải. Chỉ là một chút mập mờ, úp mở, cho có vẻ hư hư, thực thực. Chẳng sao, lại còn rất gây sự chú ý, tô thêm ấn tượng độc đáo cuối cùng cho người đọc lúc khép lại bài thơ. Tất cả những điều đó không quan trọng. Chỉ biết bài thơ mở ra rất nhiều. Và tình yêu của đôi lứa như được chắp cánh từ ba dấu chấm lửng cuối cùng của bài thơ.

1 1,082 19/07/2024


Xem thêm các chương trình khác: