TOP 10 mẫu Bàn luận một vấn đề xã hội có ý nghĩa được đặt ra trong các tác phẩm văn xuôi hoặc truyện thơ Nôm (2024) SIÊU HAY

Bàn luận một vấn đề xã hội có ý nghĩa được đặt ra trong các tác phẩm văn xuôi hoặc truyện thơ Nôm lớp 11 gồm 10 bài văn mẫu hay nhất, chọn lọc giúp học sinh viết bài tập làm văn lớp 11 hay hơn.

1 673 17/07/2024


Bàn luận một vấn đề xã hội có ý nghĩa được đặt ra trong các tác phẩm văn xuôi hoặc truyện thơ Nôm

Đề bài: Bàn luận một vấn đề xã hội mà em thấy có ý nghĩa được đặt ra trong các tác phẩm văn xuôi hoặc truyện thơ Nôm đã học trong Ngữ văn 11, tập một.

Bàn luận một vấn đề xã hội có ý nghĩa được đặt ra trong các tác phẩm văn xuôi hoặc truyện thơ Nôm (mẫu 1)

TOP 10 mẫu Bàn luận một vấn đề xã hội có ý nghĩa được đặt ra trong các tác phẩm văn xuôi hoặc truyện thơ Nôm (2023) SIÊU HAY (ảnh 1)

Tình yêu là một trong những đề tài mà có lẽ dù có đo đếm đến hết chiều dài của thời gian người ta cũng không thể khai thác được cho đến cùng kiệt. Trong văn chương, tình yêu là đề tài nhận được rất nhiều tình cảm của giới sáng tác qua nhiều giai đoạn. Và tác giả Nam Cao cũng hướng ngòi út của mình vào tình yêu. Trong tác phẩm Chí Phèo ông không lý tưởng hóa tình yêu bằng sự lãng mạn, thơ mộng và thi vị mà ông tập trung ngòi bút vào miêu tả tình yêu chân thực, ca ngợi sức mạnh tình yêu thương giữa con người với con người.

Tình yêu thương của Thị Nở với một bát cháo hành nóng hổi, ngọt thơm hương vị của tình yêu thương con người đã khiến cho một con người bị tha hóa, biến chất như Chí Phèo thất tỉnh, thay đổi và hồi sinh. Chưa bao giờ hắn lại khao khát được sống lương thiện đến như thế, ý chí muốn được sống cho ra người, tử tế lương thiện đã khơi dậy mạnh mẽ trong hắn một con người từng được xem là một con quỷ của làng Vũ Đại nhưng chính sự hắt hủi, vô tâm của người đời đã lần nữa hắt hủi Chí Phèo ra khỏi xã hội loài người, dồn hắn vào bước đường cùng không lối thoát trên hành trình đi kiếm tình yêu thương đó. Phải chăng con người biết sống vị tha hơn, thấu hiểu hơn, biết yêu thương nhau hơn thì Chí Phèo có lẽ đã được sống hạnh phúc với tình yêu thương của Thị Nở, cuộc đời này trở nên nhẹ nhàng và dễ chịu hơn biết bao nhiêu.

Ngày nay, tình yêu thương trong xã hội hiện đại lại càng thêm quý trọng, nhất là khi con người ta đang phải chịu nhiều áp lực của công việc, của cơm áo gạo tiền, sự bùng nổ của công nghệ thông tin thì lại càng cần đến sự yêu thương, một sợi dây để gắn kết lại với nhau để con người gần gũi, gắn bó với nhau hơn thể hiện sự đồng cảm chia sẻ, không ngại hy sinh để cứu vớt lẫn nhau. Nó cũng sẽ mang đến cho ta sức mạnh, ý chí to lớn để vượt qua mọi nghịch cảnh, khó khăn, thử thách của cuộc đời, giúp ta bù đắp, rèn luyện, tu dưỡng tâm hồn, hoàn thiện nhân cách, được mọi người ngưỡng mộ, quý trọng, yêu mến từ đó giúp xã hội tốt đẹp, văn minh tiến bộ hơn, tình yêu thương chính là cội nguồn cứu vớt chúng ta khỏi những bất hạnh trong cuộc sống.

Lòng yêu thương con người với nhau thật giản dị hiện diện mọi ngày, mọi nơi, mọi thời điểm nhưng chúng lại có những sức mạnh phi thường. Đó là tình cảm gia đình, tình yêu thương của ông bà cha mẹ dành cho con cái, lòng biết ơn sâu sắc của con cháu đối với ông bà cha mẹ. Những người hàng xóm láng giềng luôn giúp đỡ lẫn nhau khi gặp khó khăn. Thầy cô luôn cố gắng dành trọn vẹn kiến thức mình có cho học sinh, luôn đồng cảm giúp đỡ các em khi vấp ngã. Ngày nay, tuy đã hòa bình nhưng đất nước ta vẫn phải chịu đựng thiên tai hoành hành, lòng yêu thương ấy lại được thể hiện qua những cuộc từ thiện từ chiếc quần áo, sách vở hay gói đồ ăn... Chỉ cần có lòng yêu thương, quan tâm, sẻ chia, giúp đỡ lẫn nhau, mọi chuyện đều có thể vượt qua được.

Hiểu được rõ ý nghĩ, giá trị của lòng thương người, mỗi cá nhân chúng ta cần phải trau dồi đức tính ấy, hãy yêu thương con người nhiều hơn, bởi khi ta cho đi tình yêu thương bao nhiêu thì chính bản thân ta sẽ nhận lại được bấy nhiêu. Trong xã hội hiện nay, có rất nhiều tổ chức được mở ra vì con người, vì nhân quyền tất cả đều xuất phát từ lợi ích của mọi người, vì tình yêu thương giữa con người với nhau.

Hãy biết yêu quý bản thân một cách đúng đắn, rồi yêu thương con người khác, cùng giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta như ông cha ta từ xưa đã dạy:

“Nhiễu điều phủ lấy giá gương

Người trong một nước phải thương nhau cùng.”

Bàn luận một vấn đề xã hội có ý nghĩa được đặt ra trong các tác phẩm văn xuôi hoặc truyện thơ Nôm (mẫu 2)

Tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao từ xưa và nay vẫn được xem là một truyện ngắn tiêu biểu, xuất sắc của văn học sáng tác theo khuynh hướng hiện thực phê phán, thể hiện tài năng nghệ thuật của Nam Cao. Cũng từ sáng tác này, chúng ta còn được chứng kiến một điều kì diệu trong cuộc sống, sức mạnh của tình yêu giữa con người với con người.

Đọc những đoạn đầu tiên của tác phẩm, người đọc khó có thể hình dung được sẽ có kế nhân vật chính của truyện – một con người bao nhiêu năm đắm mình trong men rượu, một con quỷ dữ của làng Vũ Đại lại có thể thức tỉnh cả phần và linh hồn nhờ vào tình yêu chớm nở. Khó hình dung hơn nữa khi Chí lại được đánh thức bởi mụ đàn bà xấu ma chê qủy hờn, một người ba mươi tuổi mà chưa trót đời. Và không thể tin nổi khi chính người đàn bà xấu xí ấy lại mang trong mình lòng tốt bình thường mà cả làng Vũ Đại không ai khác có được. Bát cháo hành nóng hổi với những cử chỉ của thị Nở đã đánh thức trong Chí phần “người” lương thiện bị vùi lấp lâu nay. Con người ấy mới hôm qua còn đi uống rượu say, chửi cả làng, chửi cả đứa sinh ra, rạch mặt ăn vạ, la làng khắp xòm mà lại có thể tỉnh táo nhận ra được những điều đơn giản, nhịp sống thường ngày, có thể khóc, có thể sống dậy những cảm xúc tê dại bấy lâu nay, có thể yêu và khao khát, mong muốn được trở lại cuộc sống lương thiện, mơ về một gia đình hạnh phúc. Điều đáng nói hơn, đánh thức Chí không phải là sức mạnh của quyền lực từ bá Kiến, cũng không phải là sức mạnh được mang đến từ những người dân làng Vũ Đại mà là lòng yêu thương ngây thơ, thuần phác trong con người thị Nở.

Từ câu chuyện thức tỉnh của Chí Phèo, có thể thấy tình yêu thương giữa người với người là sức mạnh có khả năng cảm hoá, giáo dục con người một cách nhanh chóng, mạnh mẽ. Trong thực tế cuộc sống, nhiều lần chúng ta đã bắt gặp sức mạnh đó, ở người thầy hết lòng yêu thương học trò, dù đó là đứa học trò ngỗ ngược, ở người cảnh sát trại giam luôn cảm thông và sẵn sàng giúp đỡ các phạm nhân cải tạo. Tình cảm yêu thương chân thành đã lay động và kêu gọi thức tỉnh phần lương tri bị vùi khuất phía sau bao tội lỗi, cứu vớt bao con người khỏi sa xuống vực thẳm đau thương. Tình yêu thương đưa thế giới này thoát khỏi bao thảm họa diệt chủng, ươm lại trong con người niềm tin vào tương lai tươi sáng. . . .

Có nhiều cách để giành lại hạnh phúc, công bằng cho con người nhưng nếu yêu thương có thể hàn gắn mọi đau thương, xoá mờ mọi tội lỗi thì tại sao chúng ta không nhân nó lên trong mọi trái tim, không phát huy sức mạnh của nó? Cũng như nhà thơ Tố Hữu đã từng viết rằng:

Có gì đẹp trên đời hơn thế?

Người yêu người, sống để yêu nhau

Tồn tại và ngày càng phát triển – đó là quy luật của sự sống. Để phát triển, trong cuộc chiến giữa chính và tà, những thế lực phi nghĩa sẽ phải đầu hàng trước sức mạnh chính nghĩa. Nhấn con người chìm đắm trong khổ đau là bóng tối, cái ác. Vậy thì kéo con người lên khỏi bờ vực, đưa con người ra ánh sáng, lương thiện phải là tình yêu thương. Như vậy, sự tồn tại của tình yêu thương, sức mạnh của tình yêu giữa con người với con người là tất yếu, là vô địch. Chúng ta có quyền tin vào sự trường tồn mãi mãi của sức mạnh này.

Có thể thấy tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao không lý tưởng hóa tình yêu bằng sự lãng mạn, thơ mộng và thi vị mà ông tập trung ngòi bút vào miêu tả tình yêu rất đỗi chân thực. Cũng chính nhờ ngòi bút ấy, mà ta thấy được sức mạnh của tình yêu được thể hiện theo một cách khác, một tình yêu lên một bậc cao mới ý nghĩa hơn, cao thượng hơn và có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ hơn. Tình yêu ấy không những làm cho Chí Phèo – Thị Nở bừng tỉnh giữa cuộc đời đầy mê muội mà còn làm cho người đọc có cái nhìn mới tình yêu. Rằng tình yêu rất cao đẹp nhưng luôn đi liền với thực tế hiện tại. Tình yêu và cuộc sống phải hài hòa với nhau mới có thể tạo thành một tình yêu viên mãn và trọn vẹn.

Bàn luận một vấn đề xã hội có ý nghĩa được đặt ra trong các tác phẩm văn xuôi hoặc truyện thơ Nôm (mẫu 3)

TOP 10 mẫu Bàn luận một vấn đề xã hội có ý nghĩa được đặt ra trong các tác phẩm văn xuôi hoặc truyện thơ Nôm (2023) SIÊU HAY (ảnh 1)

Con người ta sinh ra, được sống trên đời đã là một hạnh phúc lớn. Nhưng có lẽ được sống trong lòng của người khác còn là hạnh phúc lớn hơn. Đó chính là khi có cảm giác yêu thương và được yêu thương. Nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm của nhà văn Nam Cao cũng vậy.

Chí Phèo từng là một đứa trẻ bị bỏ rơi. Vốn là người thật thà, tốt tính đi làm thuê cho nhà Bá Kiến. Thế nhưng vì sự ghen tuông vô lí của mình, Bá Kiến đã đẩy Chí Phèo vào tù. Bảy, tám năm sau Chí Phèo ra tù nhưng giờ đây hắn không còn là con người như trước. Hắn tìm đến nhà Bá Kiến để trả thù. Hắn trở thành một tên lưu manh, biến chất, nó thể hiện rõ nét qua đoạn mở đầu câu chuyện “Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cùng thể, cứ rượu xong là hắn chửi. Bắt đầu hắn chửi trời có hề gì trời có của riêng nhà nào?. Rồi hắn chửi đời. Thế cũng chẳng sao: đời là tất cả nhưng chẳng là ai. Tức mình hắn chửi ngay tất cả làng Vũ Đại. Nhưng làng Vũ Đại ai cũng tự nhủ: “Chắc nó trừ mình ra! Không ai lên tiếng cả. Tức thật!, Ờ! thế này thì tức thật!. Tức chết đi được mất. Đã thế, hắn phải chửi cha đứa nào không chửi nhau với hắn... ”

Từ cái dáng hình đáng sợ: “trông đặc như thằng săng đá! Cái đầu thì trọc lốc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt đen mà rất cơng cơng, hai mắt gườm gườm trông gớm chết. Hắn mặc cái quần nái đen với cái áo tây vàng. Cái ngực phanh, đầy những vét chạm trổ rồng phượng với một ông tướng cầm chuỳ, cả hai cánh tay cũng thế, trông gớm chết... Đến cách ăn vạ thật đáng sợ: lấy mảnh chai vỡ mà cào vào mặt, vừa cào vừa lăn lộn. Từ một thằng lưu manh, chế độ phong kiến mà đại diện là Bá Kiến đã hoàn thành nốt quá trình tha hoá để biến Chí thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại.

Cùng với những chuỗi ngày dài chìm trong men say là những ngày hẳn đã phá đi biết bao ngôi nhà, làm chảy máu và nước mắt của biết bao người lương thiện. Hắn làm tất cả những việc đó trong khi say, hắn không nhận thức được rằng mình đang trượt dài xuống vực thẳm và người ta đang lảng tránh hắn như lảng tránh một con vật đáng sợ nào đó. Cuộc đời Chí tưởng cứ thế diễn ra, tối tăm, mù mịt. Không ai có thể tin hay nghĩ rằng có thể một lần con quỷ dữ ấy lột xác trở lại thành con người. Vậy mà điều kì diệu đã xảy ra, dù ngẳn ngủi, dù bất thường nhưng vẫn là một điều kì diệu vĩ đại, điều kì diệu có thể thay đổi một con người.

Thị Nở với tình yêu thương của một người đàn bà đã kéo Chí Phèo từ vực sâu của tội lỗi trở lại làm người với khát vọng lương thiện cháy bỏng. Nhiều tướng cướp hoàn lương cũng bởi vì có sự khoan hồng của pháp luật, sự yêu thương của con người trong cộng đồng. Song trong cuộc sống hiện đại ngày nay, còn có những kẻ sống lạnh lùng như một cỗ máy, vô hồn vô cảm, chỉ biết sống cho mình, luôn đố kị ganh ghét, xung đột, cướp đoạt, là mối hiểm họa lớn cho xã hội mà ta cần lên án và bài trừ.

Tình yêu thương là thứ tình cảm tốt đẹp mà con người dành cho nhau. Tình thương là những nét đẹp bình dị, trong sáng của tình người, lòng nhân hậu, sự khoan dung, cao thượng, vị tha và công lí. Đó có thể là tình cảm gia đình, tình bằng hữu, tình yêu lứa đôi, tình người nói chung. Nó có thể là thứ tình cảm vun đắp, xây dựng trong một thời gian dài nhưng cũng có thể chỉ là một niềm thương cảm chực trào dâng khi ta gặp một hoàn cảnh đáng thương nào đó. Yêu thương chính là khi ta cảm thông quan tâm giúp đỡ người có cảnh ngộ bất hạnh, khó khăn trong cuộc sống. Tình yêu thương góp phần xoa dịu nỗi đau, hàn gắn vết thương, xóa bỏ hận thù.

Một xã hội ngập tràn tình yêu thương thì đó là một xã hội bình đẳng, văn minh, bác ái. Khi lòng yêu thương trở thành chuẩn mực của xã hội thì cái ác sẽ bị đẩy lùi, chiến tranh sẽ không còn và lửa hòa bình sẽ ấm áp thắp lên trong mỗi căn nhà bình dị. Nhưng dù với bất cứ biểu hiện nào thì tình yêu thương cũng luôn mang lại những điều kì diệu riêng cho cả người cho đi và nhận về nó. Bên cạnh đó, yêu thương còn là lực hấp dẫn kéo con người ta xích lại gần nhau, tạo thành khối thống nhất, gây dựng những mối quan hệ tốt đẹp giữa người với người.

Yêu thương đem lại hạnh phúc cho nhân loại, chỉ có yêu thương mới xoa dịu những ngăn cách giàu nghèo, những bất đồng đố kị, làm cho xã hội văn minh tươi đẹp. Vì vậy hãy dành tình thương của mình cho mọi người thật nhiều. Hạnh phúc thật sự chỉ đến khi ta biết mạnh dạn cho đi, hãy đem tình thương của mình gửi đến muôn nơi như cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã nhắn nhủ: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi”.

Bàn luận một vấn đề xã hội có ý nghĩa được đặt ra trong các tác phẩm văn xuôi hoặc truyện thơ Nôm (mẫu 4)

Nguyễn Tuân là một nhà văn suốt đời đi tìm cái đẹp. Ông khám phá thiên nhiên trên phương diện thẩm mĩ, khám phá con người trên phương diện tài hoa nghệ sĩ. Vận dụng điều đó, nhà văn đã viết tác phẩm “Chữ người tử tù”, văn bản đã gợi cho người đọc những suy nghĩ về cái “đẹp” và cái “thiện” trong cuộc sống.

Con người và những vẻ đẹp Người bao giờ cũng là trung tâm cảm hứng của văn học lãng mạn, chữ của Huấn Cao thực chất là sự lí giải một góc tâm hồn Huấn Cao, là lời ca tụng cái đẹp Con Người trong hoàn cảnh tưởng chừng chỉ tồn tại những điều xấu xa. Xem Huấn Cao là nhân vật đại diện cho cái Tài – cái Đẹp – cái Thiên Lương theo quan niệm Nguyễn Tuân cũng cần phải xét đến vai trò của viên quản ngục và thầy thơ lại. Bởi, cái đẹp chỉ thật sự có ý nghĩa khi có người biết thưởng thức. Đó cũng là một khía cạnh chủ đề của tác phẩm mà nhà văn muốn thông qua những nhân vật của mình phát biểu. Sẽ không ai biết đến Huấn Cao vào những thời khắc khốc liệt nhất của đời ông nếu như không có những người như quản ngục, thơ lại. Hai nhân vật này cùng Huấn Cao làm nên “ba đốm sáng đặc biệt” trên nền hiện thực tăm tối. Từ đó, gợi cho người đọc suy nghĩ về mối quan hệ giữa cái “đẹp” và cái “thiện” trong cuộc sống.

Cái đẹp là biểu trưng cho một giá trị, đáp ứng nhu cầu khát vọng sống của con người, đem lại cho con người cảm xúc tích cực và thôi thúc con người sáng tạo. Cái đẹp là một phạm trù mỹ học, trong đó phản ánh và đánh giá những hiện tượng của hiện thực và những tác phẩm nghệ thuật đem lại cho con người một cảm giác khoái lạc về mặt thẩm mỹ biểu hiện dưới hình thức cảm tính đồng thời xác định giá trị thẩm mỹ của đối tượng theo quan điểm về sự hoàn thiện xem chúng là những hiện tượng có giá trị thẩm mỹ cao nhất. Cái đẹp hiện ra thiên hình vạn trạng với tính chất khác nhau. Nghệ thuật là nơi tập trung cao nhất mối quan hệ của con người đối với hiện thực. Nếu con người bao giờ cũng sáng tạo theo qui luật của cái đẹp thì nghệ thuật chính là nơi tập trung cao nhất của qui luật này. Mặt khác, cái gì đẹp thì luôn luôn gắn liền với cái tốt, cái thiện (do đó mà chúng ta thường gắn liền thành hai chữ ‘tốt đẹp’).

Theo nghĩa triết học, Thiện là “điều tốt về phạm vi đạo đức, là lý tưởng thỏa mãn ý chí con người, cũng như chân thỏa mãn lý trí và mỹ, thỏa mãn tình cảm”. Mạnh tử thì cho rằng “Ai cũng có lòng thương người… Nếu thình lình thấy một đứa nhỏ sắp ngã xuống giếng, ai cũng có lòng bồn chồn thương xót”. Đó là minh chứng cho một trong tứ đoan (mầm thiện) gồm: lòng trắc ẩn, lòng tu ố, lòng từ nhượng, lòng thị phi.

Cuộc sống luôn gắn liền buộc chặt cái đẹp và cái thiện. Nếu thiếu đi một trong hai cuộc sống sẽ dần trở nên vô nghĩa. Mỗi người cần phải khám phá cuộc sống bằng con mắt thẩm mĩ và trái tim rung cảm với đời. Trong văn học, cái đẹp và cái thiện cũng luôn đi liền với nhau. Một trong những nhiệm vụ của nhà văn, nhà thơ là tái hiện lại cuộc sống vào trang sách, phát hiện cái đẹp và thâm nhập những mảnh đời. Bởi“văn học luôn gắn liền với cái đẹp và cái thiện”. Nhờ đó ta tìm ra chân lý, cho ta lòng yêu cuộc sống và biết đồng cảm, yêu thương. Nói như Gamzatov thì nhà thơ, nhà văn đã góp phần nuôi dưỡng cái đẹp trong mỗi chúng ta, làm nên diện mạo đẹp đẽ của thế giới. “Tuy nhiên, nhiều tác phẩm văn học lại miêu tả cái xấu, cái ác”.

Tóm lại, chúng ta không thể tách rời cái đẹp và cái thiện. Bởi “suy cho cùng cái đẹp là đứa con ruột của đời sống. Hư vô tuyệt đối không có gạch đá và vôi vữa, không có hạnh phúc lẫn bi ai, thì lấy gì để mà làm chất liệu tạo hình nên cái gọi là “Cái đẹp”?” (Miên Di).

Bàn luận một vấn đề xã hội có ý nghĩa được đặt ra trong các tác phẩm văn xuôi hoặc truyện thơ Nôm (mẫu 5)

Tấm Cám là một câu truyện cổ tích kinh điển của dân tộc Việt Nam. Nó mang đậm tính chất giáo dục con người. Thông qua câu chuyện cuộc đời của Tấm, câu chuyện đã đánh bật lên mâu thuẫn giữa thiện và ác trong xã hội. Tôi đã nghe bà kể từ lâu nhưng giờ đây khi có cơ hội ngồi suy nghĩ và phân tích tôi mới có thể cảm nhận được bài học đạo lý mà câu chuyện này muốn truyền đạt. Sớm mồ côi cha mẹ, cô Tấm sống trong sự ghẻ lạnh của dì ghẻ và Cám. Hằng ngày cô phải làm mọi công việc chỉ để đổi lấy đòn roi của dì và những câu mắng chửi của em. Cuộc sống cứ như thế trôi qua để lại cho cô gái hiền lành những vết thương khó có thể lành. Không ai biết về cô, không ai làm bạn cùng cô trong những đêm buồn tủi cô Tấm chỉ biết khóc. Dù nỗi đau nối tiếp nỗi đau, vết thương in thêm nhưng vết thương nhưng cô vẫn giữ trọn chữ hiếu cùng dì và nghĩa với đứa em cay ác. Nếu tôi được nói một câu cùng cô, tôi sẽ nói rằng cô yêu đuối quá cô Tấm à! Hạnh phúc thật sự chỉ do bản thân mình tự mang lại mà thôi, vậy tại sao cô không thử đừng dậy đấu tranh cho bản thân mình?

Từ xưa đến nay, hình ảnh cô Tấm đã trở thành một khuôn mẫu để đánh giá nét đẹp của người phụ nữ. Cô Tấm xinh đẹp, nhân hậu, chăm chỉ và cô rất hiếu thảo. Nhưng cô không được sống trong hạnh phúc thứ mà đáng lẽ cô phải có được nhận để xứng đáng với nhân cách tốt đẹp của mình.

Việc hằng ngày dì ghé và Cám luôn ngược đãi cô Tấm đã thể hiện rõ cho chúng ta thấy được mâu thuẫn xã hội đã hình thành từ rất lâu. Từ khi con người hình thành tri thức, cái thiện và cái ác đã cùng song hành trong xã hội. Không nơi nào tổn tại toàn những người tốt, và cũng sẽ chẳng thể có một xã hội với tất cả nhưng công dân xấu cả. Cái tốt, cái xấu đã và đang hiện hữu trong mỗi chúng ta, thật sai lầm khi chúng ta sống mà chỉ cố gắng làm điều tốt! Người tốt thật sự là người biết tự nhìn nhận ra những sai lầm của bản thân và tránh lập lại chúng.

Trở lại cùng câu chuyện của cô Tấm, ở đoạn kết chúng ta thấy được một kết thúc đẹp cho nhân vật chính của chúng ta nhưng ít ai nhận ra rằng để đạt được hạnh phúc đó thì cô Tấm đã phải đứng đấu tranh vô cùng vất vả. Cô chết đi và sống lại bao nhiêu lần để có được cái hạnh phúc ấy? Giả sử câu chuyện ấy kết thúc tại thời điểm cô Tấm chết, Cám làm hoàng hậu và hạnh phúc sống cùng vua và người mẹ độc ác của mình đến cuối đời thì sao? Lúc đó bạn sẽ không thể 1 lần nhìn thấy 2 tiếng "hòa bình" trong xã hội này đâu. Khi ấy những gì mà trẻ con đến trường nhận được là lòng thù hận, sự ích kỷ và đố kỵ. Hãy tưởng tượng một buối sáng bạn bước ra đường, vô tình bạn thấy một bà cụ vấp ngã và tất cả mọi người chung quanh bạn vẫn dửng dưng bước đi? Tưởng tượng rằng bạn phải đến viện bảo tàng để đọc được cuốn tiểu thuyết "Những người khốn khổ" của H.Way mà lúc này nó bị xem là tư tưởng phát-xít ???

Và thử tường tượng rằng một ngày nọ... Đèn đỏ, xe cộ đậu chỉnh tề ngay sau vạch trắng. Một va chạm xảy ra và hai thanh niên rối rít xin lỗi nhau. Anh cảnh sát giao thông nhìn cả hai trìu mến rồi tặng mỗi người một cái nón bảo hiểm.

Sếp đứng ở cổng, dịu dàng bắt tay từng người và hỏi lương có đủ sống không làm chị lao công xúc động nấc lên từng chập. Bản tin trên đài truyền hình cho biết giá cả đang giảm trong khi mỗi người ai cũng được tăng hai bậc lương khiến mấy chị nhà bếp vui mừng khôn xiết.

Ở các khu phố, người ta gõ cửa từng nhà để tặng sách giáo khoa cho trẻ. Chỉ cần một tiếng ho là xe cấp cứu chạy đến tức thời. Mưa, người dân mở cửa cho khách bộ hành trú nhờ. Tụi nhỏ thích nghịch nước khóc râm rứt vì không tìm đâu ra một đoạn đường ngập nước. Ông giám đốc công ty giải trí tức thức lên ti vi hứa sẽ xây thật nhiều công viên nước miễn phí cho bọn trẻ...

Cái ác có thể mạnh nhưng không thể tồn tại vĩnh viễn, cái thiện có thể yếu nhưng sẽ vẫn luôn tồn tại để đấu tranh chống lại cái ác. Và như thế là một chân lý, người ở hiền thì sẽ gặp lành và kẻ gieo gió ắt cũng có ngày gặp bão.

Bàn luận một vấn đề xã hội có ý nghĩa được đặt ra trong các tác phẩm văn xuôi hoặc truyện thơ Nôm (mẫu 6)

Nhà văn Nguyễn Khải tên thật là Nguyễn Mạnh Khải, ông sinh ra tại Hà Nội. Là một nhà văn sớm nhận được giải thưởng Hồ Chí Minh, nhà văn Nguyễn Khải đã để lại nhiều dấu ấn trong lòng người đọc qua các tác phẩm như Mùa lạc, Đường trong mây, Ra đảo, Một người Hà Nội. Trong đó, Một người Hà Nội đã thể hiện những cái nhìn rất tinh tế của tác giả về những nét văn hóa rất riêng của người Hà Nội. Tuy nhiên nó cũng bao hàm sự nuối tiếc, xót xa về sự mai một của những nét văn hóa xưa kia để lại trong chúng ta nhiều suy ngẫm về vai trò của việc giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc trong thế hệ trẻ ngày nay.

Có thể nói, “Một người Hà Nội" là một truyện ngắn thành công của Nguyễn Khải. Tác phẩm xoay quanh nhân vật chính là bà Hiền trong mối quan hệ với sự biến đối của thời cuộc. Những nét đẹp tính tuý nhất của người Tràng An dường như đã được hội tụ ở nhân vật này. Một trong những nét đặc sắc của tác phẩm là ở chỗ tác giả không đi sâu vào những sự kiện lớn, ngược lại ông dùng ngòi bút của mình vào những điều hết sức bình thường, giản dị hằng ngày của cuộc sống nhưng qua đó vẫn làm nổi bật được những nét tính cách độc đáo của nhân vật. Những nét đẹp trong suy nghĩ của bà Hiền được thể hiện trước tiên qua cái cách mà bà chọn chồng là một ông giáo tiểu học hết sức bình thường "khiến cả Hà Nội phải kinh ngạc", cái quyết định dừng sinh con ở tuổi bốn mươi, trái hoàn toàn với quan niệm "Trời sinh voi, trời sinh cỏ" của xã hội ta lúc bây giờ,... Là một người phụ nữ nhưng bà luôn chủ động, tự tin việc quản lí gia đình bởi bà ý thức rất rõ vai trò quan trọng của một người vợ, người mẹ: "người đàn bà mà không là nội tướng thì cái gia đình ấy chả ra sao". Không những thế, là một người mẹ, bà uốn nắn con từ cái nhỏ nhất như ngồi ăn, chuyện cầm bát, cầm đũa, múc canh,... Rồi khi hai đứa con trai lần lượt xin ra chiến trường, người mẹ ấy "cũng đau đớn mà bằng lòng" vì không muốn con sống bám vào sự hi sinh của bạn bè. Ở bà người ta vẫn thấy sáng lên một niềm tin mãnh liệt vào vẻ đẹp trường tồn vĩnh cửu của Hà Nội: "Mỗi thế hệ đều có một thời vàng son của họ. Hà Nội thì không thế. Thời nào nó cũng đẹp, một vẻ đẹp riêng cho mỗi lứa tuổi". Có thể nói cái cốt cách của Hà Nội còn được thể hiện rất rõ trong cách ứng xử nhân vật này. Đó là sự linh hoạt đầy bản lĩnh trước những đổi thay của cuộc sống, trong bất cứ hoàn cảnh nào vẫn luôn dám sống là mình, thẳng thắn, chân thành, giàu lòng tự trọng nhưng cũng hết sức khéo léo, thông minh. Con người ấy vẫn luôn giữ gìn những nét đặc trưng trong lối sông của người Hà Nội lộ cái quý phái, sang trọng, lịch lãm của ngưòi Hà Thành từ cách ăn mặc bài trí nhà cửa, từ cái cảm nhận hết sức tinh tế "trời rét, mưa rây lả lướt dù đủ làm ẩm áo chứ không làm ướt" đến cái cách lau chùi bát hoa thuỳ rong ngày giáp Tết một cách hết sức tỉ mi,... đã cho thấy nét đẹp văn hoá trường tồn vĩnh cửu ở một người Hà Nội hết sức bình dị nơi mảnh đất văn hiến này. Trong nhân vật bà Hiền vừa có một Hà Nội trí tuệ, hiện đại, thức thời lại vừa tồn tại một Hà Nội đài các kiêu sa, cổ kính, với chiều sâu văn hoá. Dù đã có tuổi, bà Hiền vẫn là "hạt bụi vàng của Hà Nội".

Thế nhưng câu chuyện của Nguyễn Khải đâu chỉ dành cho con người của Hà Nội mà còn hướng đến tất cả những người Việt Nam nói chung để gửi đến thông điệp về ý thức giữ gìn bản sắc văn hoá của dân tộc. Văn hoá có thể một cách đơn giản là tất cr những giá trị, những nét đẹp về vật chất và tinh thần của xã hội, chừng nào con người còn tổn tại thi văn hoá cũng sẽ vẫn còn. Dù ở bất kì thời đại nào thì văn hoá cũng đóng vai trò hết sức quan trọng. Bản sắc văn hoá là những đặc điểm riêng của mỗi dân tộc, góp phần không vào việc hình thành nên một quốc gia độc lập. Và có lẽ cũng không phải vô cớ mà Nguyễn Trãi khi xưa đã nhắc đến truyền thống văn hoá của dân tộc ngay sau khi tư tưởng nhân nghĩa ở phần mở đầu của "áng thiên cổ hùng văn Đại cáo bình Ngô:

Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân

Quân điếu phạt trước lo trừ bạo

Như nước Đại Việt ta từ trước

Vốn xưng nền văn hiến đã lâu

Mỗi dân tộc cần phải có một nền văn hoá riêng cũng giông như mỗi ca nhân trong cuộc đời phải có cá tính riêng để làm nên cái "tôi" của chính mình phân biệt mình với người khác. Một đất nước làm sao có thể tồn tại bền vững khi mà nhắc đến nó, người ta chăng có cớ gì để nhớ, chẳng có gì để nói Văn hóa là một trong những yếu tố quan trọng nhất làm nên truyền thông của một dân tộc. Những giá trị văn hoá phi vật thể cũng phần nào phản ánh tâm tư, tình cảm, suy nghĩ, tâm hồn con người. Văn hoá Việt giản dị nhung có chiều sâu và có bản sắc riêng, con người Việt Nam bình dị, hết sức tinh tế nhưng cũng vô cùng anh dũng, kiên cường. Chính truyền thống văn hoá tạo nên cội nguồn, gốc rễ cho dân tộc, từ đó hình thành nên ở con người Việt Nam lòng tự hào, tự tôn dân tộc, một niềm tin mãnh liệt vào tương lai. Tôi chợt nghĩ đến hình ảnh cây si ở đền Ngọc Sơn mà Nguyễn Khải đã từng nhắc đến trong "Một người Hà Nội". Gió bão có thể thế làm nghiêng cả tán, bật cả rễ nhưng qua bao phong ba bão táp, bao biến cố thăng trầm của lịch sử, nó lại hồi sinh, trổ lộc non. Văn hoá góp phần làm nên cái "vàng son" cho quá khứ, còn quá khứ góp phần hun đúc nên những phẩm chất tốt đẹp của con người bởi văn hoá thường hướng con người ta đến những giá trị đẹp đẽ của cuộc sống, hướng con người ta đến cái chân, thiện, mĩ, làm cho con người sống tốt hơn. Bên cạnh đó, những công trình kiến trúc, những danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử,... không chỉ cho thấy những nét văn hoá rất riêng của đất nước Việt Nam mà còn đóng góp không nhỏ vào việc quảng bá hình ảnh của Việt Nam đến bạn bè thế giới. Chưa kể đến doanh thu không nhỏ cho ngành dịch vụ từ du lịch nội địa và quốc tế từ việc quảng bá hình ảnh đó, vị thế của Việt Nam chắc chắn sẽ được cải thiện, được nâng cao trên trường quốc tế, rất nhiều cơ hội mở ra cho việc giao lưu cả về mặt kinh tế, chính trị phục vụ cho sự phát triển của đất nước, vì thế nếu chúng ta không có ý thức giữ gìn bản sắc văn hoá của chính dân tộc mình thì tự chúng ta sẽ làm mất đi vị thế riêng của mình, sẽ bị hoà tan trong những nền văn hoá khác trên thế giới. Có những thứ khi đã mất đi ta vẫn có thể lầy lại được nhưng có những điều nêu không níu giữ thì nó sẽ tuột khỏi tay ta mãi mãi.

Trong bối cảnh xã hội hiện nay, có rất nhiều thuận lợi khi chúng ta mở cửa, giao lưu với các nước trên thế giới, mở ra nhiều cơ hội để quáng bá cho văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế nhưng nếu như chúng ta không có ý thức giữ bản sắc văn hoá dân tộc thì sẽ làm mất dần đi những giá trị văn hoá độc đáo. Làm sao để hoà nhập mà không hoà tan là một vấn để không đơn giản không phải là không thể làm được nếu như mỗi người chúng ta đều có ý thức giữ gìn những nét đẹp văn hoá của dân tộc mình, đặc biệt là thế hệ trẻ nay. Mỗi người hãy tự trau dồi cho mình vốn hiểu biết về văn hoá dân tộc làm sao để bạn bè quốc tế hiểu và yêu thích văn hóa của đất nước chúng ta cũng là một cách để giữ gìn bản sắc văn hoá bởi ai đó đã từng nói rằng: cho đi cũng là cái còn lại mãi mãi". Việc giữ gìn truyền thông văn hoá phải bắt đầu từ việc giữ gìn truyền thống của mỗi gia đình, mỗi địa phương, vùng miền cụ thể. Và mỗi nét đặc sắc trong văn hoá của hơn năm mươi dân tộc sẽ làm nên một nền văn hoá Việt Nam đa dạng, đậm đà bản sắc. Mỗi người dân phải tự có ý thức bảo vệ những giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể của vùng miền mình, của đất nước mình. Nhà nước cần có những biện pháp thích đáng đối với những hành vi gây tác động xấu đến văn hoá, song song với những chính sách hợp lí để trùng tu, bảo tổn những di tích, danh lam và giữ gìn những giá trị văn hoá phi vật thể. Có thể nói, việc giữ gìn những giá trị văn hoá không phải là trách nhiệm của riêng ai mà cần có sự tham gia của tất cả mọi người, không phải bằng khẩu hiệu, bằng lời nói mà những việc làm hết sức cụ thể.

Không phải lúc nào chúng ta cũng có thể giữ gìn được những giá trị văn hóa của mình bởi lẽ cuộc sống cũng có những biến cố (chiến tranh, thiên tai,...) có thể làm cho những công trình văn hoá bị xuống cấp nghiêm trọng. Tuy nhiên, chúng ta vẫn đang hằng ngày cố gắng tìm mọi cách để có thể giữ gìn được phố cổ Hà Nội, chùa Một Cột,... Việt Nam vinh dự được UNESCO công nhận một số công trình văn hoá vật thể và phi vật thể là di sản văn hoá thế giới chứng tỏ sự cố gắng, nỗ lực không ngừng của chúng ta trong việc phát huy những giá trị văn hoá dân tộc. Cuộc sống hiện đại hối hả hơn, con ngươi ta bận rộn hơn, điểu kiện giao lưu quốc tế mở rộng hơn bao giờ hết nhưng sâu thẳm trong mỗi chúng ta là một tâm hồn Việt, một cốt cách Việt.Tuy nhiên, giữ gìn bản sắc văn hoá không có nghĩa là không có sự giao lưu, học hỏi. Mỗi nên văn hoá đều có những thế mạnh riêng của nó. Tiếp thu một cách hợp lí có chọn lọc sẽ là điều kiện để làm giàu có thêm vốn văn hoá của dân tộc. Ngoài ra, cũng chính từ sự giao lưu ấy mà ta có thế biết được điểm mạnh điểm yêu trong nền văn hoá của mình, từ đó có thể phát huy những điểm mạnh đồng thời học hỏi những kinh nghiệm để có thê khắc phục những chỗ còn khiếm khuyết.

Có thể nói giữ gìn bản sắc văn hoá không chỉ có ý nghĩa với cộng đồng dân nhân loại mà còn rất ý nghĩa đối với mỗi con người vì những giá trị văn hóa được thể hiện trong nếp sống, nếp nghĩ hằng ngày của mỗi con người.

Cảm ơn Nguyễn Khải với "Một người Hà Nội" bởi lẽ, với truyện ngắn ta nhận ra rằng văn hoá là một nét đẹp của cuộc sống và dù có những đổi thay thì "nếp sống tốt đẹp của cha ông vẫn lặng lẽ chảy trong cuộc sống ồ ạt hôm nay".

Bàn luận một vấn đề xã hội có ý nghĩa được đặt ra trong các tác phẩm văn xuôi hoặc truyện thơ Nôm (mẫu 7)

Trong cuộc sống, có những con người không may mắn khi chào đời. Tạo hóa đã thật bất công với họ. Trong số ấy không ít người chấp nhận số phận, thở ngắn than dài ngậm ngùi cho qua ngày tháng. Nhưng, vẫn có rất nhiều người trong số họ đã ko chấp nhập sự bằng lòng, họ đã dũng cảm và bền bỉ vượt lên sự an bài của tạo hóa. Thật đáng quý!

Lá xanh tươi rồi cũng sẽ về với cội, cuộc sống con người hối hả rồi cũng sẽ lắng vào dòng cát bụi thời gian. Nên lá kia đâu thể mãi màu xanh tháng năm. Nên tuổi đời con người đâu thể “Hai lần thắm lại”. Cho nên là người thì phải sống một cuộc đời có ý nghĩa. Phải có ý chí, nghị lực để vượt lên hoàn cảnh, vượt lên những khó khăn, gian nan phía trước. Giống như anh Nguyễn Ngọc Ký, anh Hoa Xuân Tứ, anh Đỗ Trọng Khôi… họ đều là những người không may mắn nhưng họ vẫn tự mình vươn lên. Họ là “những người không chịu thua số phận”, là những tấm gương sáng cho tất cả chúng ta học tập.

“Số phận” ở đây được hiểu là những nỗi khốn khổ về hoàn cảnh hoặc bất hạnh (tàn tật, khiếm khuyết…) về thể xác của một ai đó. Xưa nay, số phận thường được nhiều người coi là sự an bài của ông trời, do trời định đoạt “Ngẫm hay muôn sự tại trời” (Nguyễn Du, “Truyện Kiều”) nên người có số phận bất hạnh thường có tâm lí cam chịu, trời phạt đành chịu… “Những người không chịu thua số phận” là những con người có ý chí, nghị lực, niềm tin vào cuộc sống. Họ không đầu hàng trước số phận mà mạnh mẽ vươn lên để sống một cuộc sống có ích và ý nghĩa.

Những con người không chịu thua số phận là những con người có nhận thức đúng đắn về số phận, họ nhận ra rằng số phận nằm trong tay mỗi con người và họ quyết tâm vượt lên hoàn cảnh, vượt lên chính mình để tạo dựng cuộc sống tốt đẹp cho mình và người thân, để trở thành người có ích….Họ là những người có nhiều đóng góp cho xã hội, họ tự phục vụ mình, làm ra của cải nuôi sống bản thân, giảm bớt gánh nặng cho gia đình, cho xã hội, cống hiến cho xã hội…Họ là những tấm gương sáng, tấm gương vươn lên trên nỗi bất hạnh của mình để cất lên những tiếng ca ca ngợi cuộc đời, nhen lên niềm tin lẽ sống cho mọi người…

Nếu như chim mang tiếng hót cho đời thêm vui, nếu như hoa mang vẻ đẹp cho đời thêm sắc, thì nghị lực, không chịu thua số phận đã mang lại cho họ những điều đáng quý. “Không chịu thua số phận” giúp họ có tinh thần, quyết tâm vượt lên hoàn cảnh, vượt lên chính mình để sống có ích, sống có cống hiến cho xã hội, giảm bớt gánh nặng cho gia đình… “Tàn” nhưng không “phế”, bằng khả năng của mình họ đã có nhiều thành công và khẳng định được mình trong xã hội. Hơn hết, họ là những tấm gương sáng để lại trong chúng ta bài học sâu sắc về nghị lực và ý chí vươn lên. Chính những tấm gương về họ dạy cho chúng ta phải biết vượt qua những khó khăn trong cuộc sống để thực hiện hoài bão ước mơ. Không ai khác, họ là thần tượng của mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ ngày hôm nay. Không đao to búa lớn, chính cuộc đời họ - “những người không chịu thua số phận” là thông điệp cao cả về lối sống có ích. Làm thơ, viết văn, dạy học… bằng những công việc thầm lặng, họ đã cống hiến cho xã hội như cây xanh làm đẹp cho đời, điểm tô cho cuộc sống. Họ là bài học lớn cho thể hệ trẻ hôm nay, trong hoàn cảnh đầy đủ tiện nghi sung túc, được sống trong sự yêu thương, quan tâm của cha mẹ, xã hội thì không ít học sinh, thanh niên tự đánh mất mình, lao vào tệ nạn xã hội, lối sống vô nghĩa ăn chơi, hưởng thụ, không biết cố gắng phấn đấu, để trở thành người cho ích cho xã hội, đất nước.

Hiểu vậy, biết để mỗi người trong chúng ta, nhất là thế hệ trẻ càng phải hiểu mình phải sống ra sao, sống thế nào cho xứng với chân giá trị làm người. Soi vào những tấm gương cao cả ấy để không ngừng hoàn thiện bản thân. Con đừơng dẫn đến thành công không bằng phẳng bao giờ. Vậy nên, càng phải thấm rằng: “Trên đường dẫn đến thành công không có vết chân của kẻ lười biếng” . Trên vạn dặm, hãy biết chọn một dặm đường và đi cho đến. Để một lúc nào đó quay lại nhìn lại ta hiểu rằng, cuộc đời này đã có gương mặt của ta.

Tương lai đang đợi chờ ta phía trước. Để có một tương lai rạng rỡ, mỗi chúng ta hãy sống nhiệt tình và trọn vẹn với hiện tai. Dẫu những ngày ta đang sống còn gian khổ, khó khăn đến mức nào thì cũng hãy vững tin mà sống. Bạn hãy tự đi trên đôi bàn chân của chính mình, chắc chắn bạn sẽ tới cái đích mà bạn muốn!

Bàn luận một vấn đề xã hội có ý nghĩa được đặt ra trong các tác phẩm văn xuôi hoặc truyện thơ Nôm (mẫu 8)

Tích góp được nhiều của cải chưa hẳn sẽ mang tới cho con người hạnh phúc. Mưa nhiều chưa chắc mùa màng sẽ bội thu. Bồi bổ nhiều chất dinh dưỡng chưa chắc làm cho cơ thể cường tráng. Học hành thật cao chưa chắc được xếp vào những người có trí thức. Ngược lại, vấn đề nào cũng ở một mức độ vừa phải. Học hành nhiều mà không mang kiến thức để giúp ích cho đời thì cũng trở nên vô nghĩa. Bồi bổ quá nhiều chất bổ dưỡng mà không hiểu sự thích nghi của cơ thể thì cũng chẳng ích chi. Mưa nhiều sẽ sinh ra lụt lội. Của cải nhiều mà không biết chia sẻ chỉ khư khư giữ cho riêng mình thì sẽ bị người đời khinh chê. Trong chiều hướng đó, nhà văn Nam Cao đã nói: “Kẻ mạnh là kẻ không phải giẫm lên vai người khác để thỏa mãn lòng ích kỷ. Kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ người khác trên đôi vai mình”. Vậy ta hiểu câu nói này thế nào? Triết lý nhân sinh mà nhà văn Nam Cao lồng vào ở câu nói là tư tưởng nào?

Trong cuộc sống, ai cũng muốn tích góp được nhiều của cải, ai cũng muốn được người khác tôn trọng. Trong công việc ai cũng muốn là người lãnh đạo. Trong học hành ai cũng muốn mình là người đứng đầu. Trong các cuộc thi ai cũng muốn mình là người đoạt được giải quán quân. Quả thật, những quan niệm như thế thường diễn ra ở hai mức độ khác nhau. Mức độ thứ nhất, dùng mọi thủ đoạn, bất chấp luân thường – đạo lý để chiếm hữu. Mức độ thứ hai dùng chính khả năng của bản thân để đạt được. Và một khi chiếm được vị trí cao nhất thì người ta gọi họ là “kẻ mạnh”.

Xét ở mức độ thứ nhất thì những người này bất chấp tất cả để trở thành kẻ mạnh. Trong chừng mực nào đó, có thể nói ở mức độ này con người ngày nay gặp phải rất nhiều, nghĩa là cái tôi, sự ích kỷ của con người ngày nay đang len lỏi vào trong mọi ngõ ngách của cuộc sống. Những người này chỉ biết mưu cầu cho bản thân hơn hướng đến tha nhân, tìm kiếm tư lợi cho mình hơn đi phục vụ người khác. Điều này được thể hiện rõ trong mọi lãnh vực. Trong công việc thì người ta mua vị trí. Trong học hành thì người ta mua điểm. Trong buôn bán thì người ta gian xảo. Trong kinh doanh thì người ta lạm phát. Trong chăn nuôi người ta dùng thức ăn tăng trọng. Trong trồng trọt người ta sử dụng chất kích thích. Đó là chưa kể đến vấn nạn tham nhũng, sử dụng quỹ công để bỏ vào quỹ tư. Tất cả những hành động như thế nhằm tạo cho bản thân thật nhiều của cải để xếp được vào “tóp ten” những kẻ mạnh. Tuy nhiên, chúng ta không thể “vơ đũa cả nắm”, bởi bên cạnh tốp người vừa nêu ở mức độ thứ nhất thì đâu đó trong cuộc sống vẫn có những người xếp vào “tóp ten” những kẻ mạnh qua con đường cố gắng cũng như những nỗ lực của mình nhằm khẳng định giá trị của bản thân. Qua con đường chính nghĩa này họ bỏ ra chính mồ hôi cũng như nước mắt, sức lao động để tạo nên “kẻ mạnh”. Đây cũng chính là cách hiểu theo mức độ thứ hai.

Người ta thường “định giá” một “kẻ mạnh” theo hai mức độ vừa nêu trên. Còn nhà văn Nam Cao lại cho rằng: “Kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ người khác trên đôi vai mình”. Nếu hiểu theo mức độ thứ nhất hướng tiêu cực thì các động từ như: “giẫm” “mua” là những hành động yếu thế và có một chút tàn nhẫn thì động từ “giúp đỡ” thấy gần gũi và thân thương. Bởi ý nghĩa của “giúp đỡ” thường mang ích lợi cho tha nhân hơn là mưu cầu cho bản thân. Như thế, phải chăng ý hướng của nhà văn Nam Cao “kẻ mạnh” phải là người giàu tình thương và tràn đầy lòng trắc ẩn? Còn kẻ mạnh giẫm lên vai người người khác thì không có giá trị và bị người đời khinh chê?

Trở về quá khứ, ngược dòng thời gian, hai nhân vật nổi tiếng trong thế kỷ XX là những “kẻ mạnh” nhưng được nhìn ở hai bộ mặt khác nhau. Nếu Hitler dùng tiền để mua sắm vũ khí, củng cố quân đội nhằm “giẫm lên vai” quân địch, thì mẹ Têrêxa Canculta dùng tình yêu để băng bó vết thương những người khốn cùng, bao bọc những người không nơi tựa nương. Nếu Hitler dùng bạo lực để gây nên chiến tranh thì mẹ Têrêxa dùng tình thương để xây dựng hòa bình. Nếu Hitler xem nước Đức là dân tộc hùng mạnh nhất thì mẹ Têrêxa coi hết thảy mọi người là anh em với nhau. Qua hai nhân vật vừa nêu trên có thể nói Hitler và mẹ Têrêxa đều là những “kẻ mạnh”. Nhưng điểm khác biệt ở chỗ cái mạnh nơi Hitler mang tính ích kỷ, phá hoại nền hòa bình và đang bị con người ngày nay lên án, phẫn nộ. Còn cái mạnh nơi mẹ Têrêxa có sự hiện hữu của tấm lòng bao dung, giúp đỡ người khác, tạo nên một nền văn minh tình thương và được người đời ngưỡng mộ, biết ơn. Hay khi đọc lại tác phẩm “Đời Thừa” của Nam Cao cũng phản ánh cho ta rõ nét ở điểm này. Những lúc nhậu say về nhân vật Hộ vẫn thường đuổi vợ con ra khỏi nhà bởi những người trong gia đình đã làm cho anh quá mệt mỏi, không thể thực hiện được ước mơ của riêng mình. Nhưng mỗi lúc tỉnh dậy, thấy khuôn mặt khắc khổ trên nhân vật Từ cùng sự đói nghèo trong gia đình thì Hộ lại ân hận vì đã xử sự như thế. Cũng chính lúc Hội xin lỗi vợ con và thấy niềm vui được thể hiện nơi khuôn mặt nhân vật Từ thì một niềm hạnh phúc len lỏi trong trái tim bé nhỏ của Hộ, đó chính là động lực để anh tiếp tục sống và làm việc vì gia đình bé nhỏ của mình. Rồi Hội nhận ra rằng cuộc sống không phải lo tìm kiếm hạnh phúc cho riêng mình nhưng còn hệ tại ở thái độ giúp cho người khác được vui vẻ. Qua đó thấy được rằng, kẻ mạnh giúp đỡ người khác trên đôi vai của mình có một giá trị rất lớn trong cuộc sống. Nghĩa là, những người có hành động như thế thì sẽ làm cho cuộc sống vơi đi những niềm đau, nỗi khổ của bao kiếp người đang vất vả, lầm than trong kiếp nhân sinh.

Nếu nhạc sĩ Phanxicô đã dùng những ca từ rất hay trong bài hát “Kinh Hòa bình” để diễn tả một triết lý cao sâu “chính lúc cho đi là khi được nhận lãnh, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân, và khi biết thứ tha là khi được tha thứ….” mà ngày nay nhiều người đang mang triết lý này áp dụng trong cuộc sống, thì nhà văn Nam Cao cũng đưa ra một triết lý không thua kém “Kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ người khác trên đôi vai mình”. Nó không chỉ phản ánh đúng sự thật với xã hội đương thời mà còn đúng cho tận hôm nay. Xã hội ngày nay cung ứng đầy đủ cho con người đủ mọi tiện nghi, ngay cả chuyện “phòng the” người ta cũng có thể tạo ra những người mẫu búp bê tình dục nam cũng như nữ để thỏa mãn nhu cầu tính dục của xác thân. Vì thế, lối sống ích kỷ dường như trở thành một chuyện bình thường không đáng để quan tâm, thực trạng đặt lợi ích của bản thân lên ích lợi của người khác là chuyện không xa lạ, chiếm đoạt những thứ không phải do mình làm ra trở nên bình thường. Nhất là khi nhìn vào số bạn trẻ ngày nay, dường như họ đã quên đi trách nhiệm của mình với cộng đồng, suốt ngày chỉ lao mình vào những trò chơi vô bổ, những trang website đen trên mạng internet nhằm thỏa mãn cho cái tôi ưa thích hưởng thụ của mình. Đành rằng, không ai ngăn cấm những trò chơi như thế nhưng phải biết sử dụng ở mức độ cho phép, bởi tuổi trẻ cần phải trau dồi những đức tính như lòng trắc ẩn, sự chân thành, lòng bao dung….Vì thế, quan niệm của nhà văn Nam Cao mang một chân lý cao vời trong cuộc sống. Nó thúc đẩy con người sống đúng với tính cách được phú bẩm thuở ban đầu “nhân chi sơ tính bản thiện”. Giá trị của một con người mạnh thực sự không phải giẫm đạp lên kẻ khác để tích góp được nhiều của cải, chà đạp lên tha nhân để nâng tầm ảnh hưởng của bản thân. Ngược lại giá trị đích thực của một con người hệ tại ở chỗ giúp đỡ người với tất cả khả năng của mình. Chắc chắn chúng ta chẳng ai muốn mình là một Hitler thứ hai, nhưng với tất cả lòng thành cùng, sự bao dung của con tim và lòng trắc ẩn luôn có sẵn trong con người ta hãy tin chắc rằng mình sẽ là Têrêxa thứ hai nếu biết hạ mình xuống để phục vụ mọi người mà không cần mưu cầu cho bản thân.

Cuộc sống sẽ buồn biết mấy nếu ai cũng cứ lo tích góp của cải, kiếm cái lợi cho bản thân nhằm tạo nên những “kẻ mạnh” chiến đấu không ngừng. Nhưng sẽ hạnh phúc nếu ai cũng biết giúp đỡ và trao ban cho người khác để tạo nên những “kẻ mạnh” ngập tràn niềm vui. Bởi hiện hữu của con người trên trần gian chỉ một lần là hết. Một đời người chỉ như bóng câu vụt qua cửa sổ, như cánh hoa sáng nở chiều tàn một cơn gió thoảng là xong, chỗ xưa mình ở nay cũng chẳng biết mình. Vì thế, lựa chọn cảm giác hạnh phúc hay buồn sầu đều do quyết định của mỗi người. Thiết nghĩ triết lý kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ người khác trên đôi vai mình là một kim chỉ nan để ta lựa chọn.

Bàn luận một vấn đề xã hội có ý nghĩa được đặt ra trong các tác phẩm văn xuôi hoặc truyện thơ Nôm (mẫu 9)

Cụ Nguyễn Tuân, một nghệ sĩ tài hoa bậc thầy trong nền văn học hiện đại Việt Nam, từng chỉ rõ: Có ba thứ trên đời để người ta kính nể: cái đẹp, cái tài và cái thiên lương (Theo Chữ người tử tù). Thiên lương giảng giải ra chính là tâm hồn trong sáng và hướng thiện của con người. Thế thì ta lại đi tìm hiểu: trong ba thứ mà cụ vừa chỉ, đâu mới là điều quan trọng nhất trong mỗi con người. Suy xét ra, cái đẹp trên đời không phải của tự nhiên ban tặng thì là do bàn tay tài hoa của con người làm ra, vì thế xin tạm xếp cái đẹp sau cái tâm và cái tài. Còn lại hai chữ “tâm”, “tài”, cái nào hơn, thực khó nghĩ. Câu hỏi ấy, hình như hai trăm năm về trước, cụ Nguyễn Du trong “Truyện Kiều” đã trả lời hộ ta:

“Thiện căn ở tại lòng ta

Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”

Cụ đã đề cao tấm lòng của con người như thế, coi cái tâm là quý giá nhất của cuộc đời. Cách nghĩ ấy đúng chăng, và dẫu có đúng, thì có còn thích hợp trong thời đại ngày nay không?

Trước hết xin nói về vị trí của hai câu thơ trên trong Truyện Kiều, nhiều người đọc qua thường nghĩ rằng: đó là lời kết luận, là chân lí sống được rút ra từ ba ngàn hai trăm năm mươi câu thơ phía trên. Hoặc nhiều khi người đọc còn nghĩ rằng: hình như những gì người viết ra, về cảnh ngộ, cuộc đời và nhân cách của nàng Thúy Kiều tài hoa bạc mệnh, là để chứng tỏ cho hai câu gần cuối này. Xin nhắc lại với bạn đọc Truyện Kiều rằng: Nguyễn Du là một đại thi hào, và cũng là một con người từng trải, chiêm nghiệm ra bao nhiêu triết lí của cuộc sống. Ông có sự tin tưởng kì lạ vào thuyết Tài mệnh tương đố mà ngay từ đầu chúng ta đã thấy được “Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau”. Nguyễn Du cũng đã có lần viết:

Cổ kim hận sự thiên nan vấn

Phong vận kì oan ngã tự cư.

(Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi – Cái án phong lưu khách tự mang, Đọc Tiểu Thanh kí) Thế ra, Nguyễn Du cho rằng người tài thì bạc mệnh. Văn chương của nàng Tiểu Thanh là vậy mà còn bị đốt bỏ, cái tài của con người tất không thể tồn tại lâu dài trong cõi vũ trụ này; và cũng như khi họ chết đi thì chẳng ai còn là tri kỉ, tri âm của họ. Đến một thời gian đủ dài thì chẳng ai còn vì mến mộ tài năng của họ mà khóc, mà thương. “Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?” – câu thơ ấy như lời nhận định chung về chữ tài của Nguyễn Du, rằng cái tài dù giỏi giang mấy, thì cũng chỉ là một thời, chẳng thế là vĩnh cửu được; vì thế cái tài chỉ là thứ yếu và không quyết định cho tiếng thơm của một con người dài lâu.

Nhận định như thế về chữ tài, Nguyễn Du đã đề cao chữ tâm trong lòng con người, xem nó như viên ngọc lung linh vượt qua mọi thứ ganh ghét, đố kị của cuộc sống, giông như Nguyễn Tuân cũng ca ngợi cái thiên lương của con người như một thứ thanh âm trong trẻo chen vào một bản nhạc mà tất cả mọi nhạc luật đều hỗn tạp, xô bồ. Vì thế mà cũng là tự nhiên khi ta xem hai câu lục bát trên, đặc biệt là câu dưới “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” là một tuyên ngôn về lẽ sống của nhân vật của toàn bộ tác phẩm.

Thế nhưng nhìn kĩ lại, đó là quan niệm của một con người bị ảnh hưởng nặng của thuyết “Tài mệnh tương đố'’. Vậy thì để có cái nhìn khách quan hơn, chính xác hơn về hai chữ tâm, tài mà ta đang đi so sánh, hãy tìm ý kiến của những con người khác. Trước hết ta xét văn, thơ thời trung đại trước, đi tìm những quan niệm của những tác giả trước Nguyễn Du, cũng như sau Nguyễn Du. Tìm quan niệm của các tác giả, ta sẽ đi sâu vào văn thơ của họ, những minh chứng cụ thể nhất cho ý kiến của mỗi người.

Ngay từ thời Lí Trần mở đầu một nền văn minh Đại Việt, ta đã thấy sức mạnh của hào khí Đông A qua những dòng đầu tiên của bài thơ Thuật hoài (Phạm Ngũ Lão). Phạm Ngũ Lão trước hết là một vị tướng, nên văn thơ mang đầy khí phách thời đại là chuyện tất nhiên. Nhưng độc giả đánh giá rằng: hai câu đầu không mang lại một dấu ấn sâu sắc như những câu sau:

“Nam nhi vị liễu công danh trái

Tu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu”

(Công danh nam tử còn vương nợ – Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu)

Điểm thắt của bài thơ là nỗi thẹn, mà thẹn phải xuất phát từ tâm. Vị tướng dũng mãnh đã dồi dào chữ tài, nhưng đặt chữ tài ra sau để bộc lộ tâm huyết của mình muôn công hiến cho đất nước, cho quân vương. Như thế chẳng phải đã chứng tỏ rằng, từ buổi đầu của văn thơ nưức nhà (Ta tạm lấy thời Lý – Trần là buổi đầu của văn học viết trung đại Việt Nam), chữ tâm đã có một chỗ đứng rất rõ trong lòng tác giả văn học hay sao?

Lại nhớ Nguyễn Trãi là một nhà thao lược, một quân sư, danh nhân kiệt xuất của dân tộc, đã phải ra đi oan ức trong thảm án Lệ Chi Viên. Hơn hai mươi năm sau, nhà vua Lê Thánh Tông, vị hiền quân của thời Lê sơ, đã xuống chiếu minh oan cho ông, và còn ứng tác một câu thơ rằng:

“ức Trai tâm thương quang khuê tảo”

(Lòng ức Trai sáng như sao Khuê).

Vậy là điều mà nhà vua hướng đến, là minh oan cho cái tâm của Nguyễn Trãi, điều mà nhà vua cho là sáng lung linh như ánh tinh tú trên trời cao. Tài năng của Nguyễn Trãi, không còn bàn cãi, có thể cho là kiệt xuất của cả một thời đại, người người khó sánh. Nhiừig đức độ và tâm hồn mới là những điều có thể cảm hóa được lòng người. Vị vua anh minh vào bậc nhất của nước ta thế kỉ mười lăm đã nhận thức rõ điều ấy, và điều đó càng khẳng định vị trí của chữ tâm trong quan niệm của người xưa.

Vì sao Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm phải “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ”, mặc dù tài năng của cụ chưa công hiến hết cho đời, chẳng phải vì cụ cần có một tâm hồn thanh tịnh, lánh xa chốn loạn lạc của cuộc đời sao? Vì sao Nguyễn Đình Chiểu viết Dương Từ Hà Mậu và Truyện Lục Vân Tiên dài hơn nghìn câu, đâu phải vì cụ muốn kể việc này chuyện kia đơn thuần, mà vì cụ muôn truyền cái lương thiện, cái phẩm giá của những nhân vật trong truyện cho người đương thời và người đời sau, chẳng hạn những điều cụ răn dạy người đời trong Truyện Lục Vân Tiên thực chỉ cần hai trong số những câu đầu tiên của tác phẩm:

“Trai thời trung hiếu làm đầu

Gái thời tiết hạnh làm câu trao mình”

Các bậc tiền nhân, những người được đương thời và muôn đời trọng vọng, đều có cốt cách trong sáng thanh cao, tâm hồn cao thượng thiện lương. Giả dụ có vị có tài mà không có tâm hồn trong sáng, làm việc hại dân hại nước, thì làm sao tài năng của các vị được ca ngợi đến bây giờ. Nhờ thế ta mới nhận ra, truyền thông xưa nay của dân tộc Việt Nam luôn coi trọng chữ tâm hơn chữ tài, con người có đức luôn được kính trọng hơn những kẻ văn nhiều võ giỏi mà tâm hồn không sáng.

Luận với ngày nay, chân lí đó còn đúng đắn chăng?

Bàn về câu hỏi ấy, bạn hãy tự trả lời vài câu hỏi sau. Trước tiên bạn hãy kể tên vài nhà khoa học vừa nhận giải Nô-ben, vài vận động viên vừa phá kỉ lục thế giới, vài diễn viên được trao thưởng tại giải Oscar. Sau đó bạn hãy thay đổi một chút bằng cách thử kể tên vài thầy cô giáo từng quan tâm đến bạn, vài người đã giúp đỡ bố mẹ bạn, hay một số người mà bạn từng cảm ơn họ một cách chân thành… Thế nào? Có phải những câu hỏi sau dễ trả lời hơn rất nhiều không. Thật đấy, tôi tin nếu bạn không thuộc chuyên ngành điện ảnh, thể thao hay khoa học, bạn chỉ kể được không quá mười người trong hệ câu hỏi đầu. Nhưng với câu hỏi sau thì có khi bạn sẽ nói được rất nhiều và không cần động não suy nghĩ gì thêm.

Bàn luận một vấn đề xã hội có ý nghĩa được đặt ra trong các tác phẩm văn xuôi hoặc truyện thơ Nôm (mẫu 10)

Mối quan hệ giữa người với người luôn được thiết lập và tạo dựng dựa trên cách nhìn nhận, đánh giá về người khác. Như vậy, cách nhìn đời, nhìn người luôn có tầm ảnh hưởng quan trọng và chi phối những hành động giữa người với người. Bàn về vấn đề này, nhà văn Nam Cao từng bộc bạch quan điểm của mình qua dòng độc thoại của nhân vật ông giáo trong tác phẩm “Lão Hạc”: “Chao ôi! Đối với những người ở quanh ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu họ, thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi… toàn những cớ để cho ta tàn nhẫn; không bao giờ ta thấy họ là những người đáng thương; không bao giờ ta thương…”.

Như chúng ta đã biết, “cố tìm mà hiểu” là hành động thể hiện việc con người biết thấu hiểu, đồng cảm trước những hành động, thậm chí là cảm thông trước những sai lầm của người khác để phát hiện ra những điều tốt đẹp, những vẻ đẹp vốn bị cuộc sống bon chen, toan tính thường ngày che lấp; còn “chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi…” là kết quả của hành vi đánh giá con người một theo bề nổi một cách phiến diện. Như vậy, câu nói của nhà văn Nam Cao đã thể hiện một bài học mang tính triết lý và có ý nghĩa giáo dục về cách nhìn đời, nhìn người và đánh giá người khác bằng đôi mắt của tình thương, lòng nhân ái và thái độ thấu hiểu, sẻ chia, đồng cảm, quan tâm để phát hiện ra những vẻ đẹp ẩn chứa trong tâm hồn con người.

Trong tác phẩm “Lão Hạc”, nhà văn Nam Cao đã xây dựng các nhân vật trong các điểm nhìn tâm lí để thể hiện quan điểm mang ý nghĩa triết lí nhân sinh. Lão Hạc vốn là một người cố nông nghèo, vì để giữ lại mảnh vườn và căn nhà, lão đã lừa bán Cậu Vàng – con chó do người con trai để lại trước khi đi phu đồn điền cao su. Mặc cảm tội lỗi đã khiến cho lão Hạc quyết định xin bả chó của Binh Tư để tự tử. Tuy nhiên, hành động của lão khiến cho Binh Tư hả hê cho rằng người lương thiện như lão “cũng chẳng vừa đâu”; thậm chí đến ông giáo cũng hoài nghi và buồn bã cho rằng lão Hạc đã bị tha hóa. Đặc biệt, trong tác phẩm, nhân vật vợ ông giáo là người luôn có cái nhìn không tích cực về lão Hạc, thị luôn cho rằng lão Hạc là người gàn dở và không hề mong muốn ông giáo qua lại, tiếp xúc với lão. Chính ông giáo cũng đã từng bộc bạch về điều này: “Vợ tôi không ác, nhưng thị khổ quá rồi. Một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu? Khi người ta khổ quá thì người ta chẳng còn nghĩ gì đến ai được nữa. Cái bản tính tốt của người ta bị những nỗi lo lắng, buồn đau, ích kỉ che lấp mất. Tôi biết vậy, nên tôi chỉ buồn chứ không nỡ giận.” Như vậy, ngay trong những trang văn về cuộc đời của nhân vật lão Hạc, nhà văn Nam Cao đã thể hiện quan điểm của mình về vai trò của sự thấu hiểu, đồng cảm, sẻ chia khi nhìn nhận và đánh giá con người.

Trong thực tế đời sống, sự đồng cảm, sẻ chia, thấu hiểu là một trong những đức tính quý báu và cần thiết đối với cuộc sống của con người. Khi “cố tìm mà hiểu” – hiểu thấu người khác, chúng ta sẽ tìm thấy những vẻ đẹp trong tâm hồn người khác; đồng thời tránh được cái nhìn phiến diện một chiều và tìm ra vẻ đẹp tiềm ẩn đằng sau những điều tưởng chừng vô cùng xấu xa như “gàn dở, ngu ngốc, bần tiện”. Đây cũng chính là cơ sở để xây dựng tình yêu thương và xác lập, duy trì mối quan hệ tốt đẹp giữa người với người. Ngược lại, khi không biết thấu hiểu, đồng cảm và nhìn nhận con người qua một mặt của vấn đề, những gì mà chúng ta nhìn thấy qua đôi mắt chỉ là những điều tầm thường và xấu xa, dẫn đến việc sống trong sự lạnh lùng, tàn nhẫn. Video mang tên “Người ăn xin và ông chủ cửa hàng” được chia sẻ rộng rãi trong thế giới cộng đồng mạng cũng là một trong những minh chứng thể hiện rõ điều này. Trong bộ phim, khi mở cửa tiệm mỗi ngày và nhìn thấy người ăn xin với bộ dạng điên khùng và rách rưới, ông chủ cửa hàng đã dùng những lời lẽ, hành động xúc phạm, tàn nhẫn, lạnh lùng xua đuổi. Mặc dù rất sợ hãi nhưng ở những buổi sáng hôm sau, người ăn xin vẫn ngủ trước cửa tiệm của ông chủ đó; và rồi những hành động đuổi đánh của ông vẫn tái diễn, dù cho con gái và người chủ của hàng bên cạnh tỏ ý không đồng tình. Tuy nhiên, đến một ngày nọ, ông không còn nhìn thấy người ăn xin xuất hiện. Khi xem lại những hình ảnh trích xuất từ camera, ông mới cay đắng nhận ra vào mỗi tối, anh ta là người đã xua đuổi những kẻ có hành vi xấu trước cửa tiệm của mình, thậm chí dũng cảm đánh đuổi hai tên trộm muốn đột nhập vào cửa hàng của ông. Lúc này, ông hoàn toàn ân hận về những suy nghĩ, hành động của bản thân nhưng đã muộn màng. Câu chuyện trên đã thể hiện rõ bài học sâu sắc về vấn đề nhìn nhận và đánh giá con người.

Như vậy, trong cuộc sống, chúng ta cần nâng cao nhận thức về ý nghĩa của thái độ sống đồng cảm, thấu hiểu, sẻ chia trong tình yêu thương và sự nhân ái. Đồng thời, khi nhìn nhận, dùng quan điểm đa chiều, biết phân biệt phải – trái, đúng – sai trong cách đánh giá người khác để nhìn thấy những điểm tích cực cùng những điều tốt đẹp trong phẩm chất của mỗi một con người. Từ đó, biết lên án, phê phán cách nhìn đời, nhìn người một cách phiến diện cùng những hành động tàn nhẫn, lạnh lùng trong cách hành xử giữa người với người.

Nói tóm lại, quan niệm của nhà văn Nam Cao đã thể hiện một bài học có tính triết lí và ẩn chứa một bài học nhân sinh sâu sắc về đôi mắt nhìn đời, nhìn người và thái độ đánh giá đối với người khác. Đó là cách nhìn tràn đầy tình yêu thương và lòng nhân đạo qua sự thấu hiểu, sẻ chia để khám phá, phát hiện những vẻ đẹp của con người.

1 673 17/07/2024


Xem thêm các chương trình khác: