Chương I Thông tư 79/2009/TT-BTC: Hướng dẫn chung về thủ tục hải quan, quản lý thuế
Số hiệu: | 79/2009/TT-BTC | Loại văn bản: | Thông tư |
Nơi ban hành: | Bộ Tài chính | Người ký: | Đỗ Hoàng Anh Tuấn |
Ngày ban hành: | 20/04/2009 | Ngày hiệu lực: | 04/06/2009 |
Ngày công báo: | 08/05/2009 | Số công báo: | Từ số 233 đến số 234 |
Lĩnh vực: | Xuất nhập khẩu, Thuế - Phí - Lệ Phí | Tình trạng: |
Hết hiệu lực
20/01/2011 |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Văn bản tiếng việt
Văn bản tiếng anh
Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu thương mại quy định tại mục 1 chương II Nghị định số 154/2005/NĐ-CP bao gồm:
1. Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu theo hợp đồng mua bán hàng hoá;
2. Hàng hoá kinh doanh theo phương thức tạm nhập tái xuất;
3. Hàng hoá kinh doanh chuyển khẩu;
4. Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu theo loại hình nhập nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu;
5. Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu để thực hiện hợp đồng gia công với thương nhân nước ngoài;
6. Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu để thực hiện các dự án đầu tư;
7. Hàng hoá kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu qua biên giới đường bộ;
8. Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu nhằm mục đích thương mại của tổ chức (không có mã số thuế, mã số kinh doanh xuất nhập khẩu), của cá nhân;
9. Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp chế xuất;
10. Hàng hoá đưa vào, đưa ra kho bảo thuế;
11. Hàng hóa tạm nhập-tái xuất, tạm xuất-tái nhập dự hội chợ, triển lãm;
12. Hàng tạm nhập-tái xuất, tạm xuất-tái nhập là máy móc thiết bị, phương tiện vận tải phục vụ thi công công trình, phục vụ các dự án đầu tư, là tài sản đi thuê, cho thuê.
Thủ tục, trình tự, thẩm quyền phân loại trước đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu thực hiện theo Thông tư hướng dẫn phân loại hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu của Bộ Tài chính.
1. Thủ tục xác nhận trước xuất xứ hàng hoá nhập khẩu quy định tại Điều 14 Nghị định số 19/2006/NĐ-CP ngày 20 tháng 02 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về xuất xứ hàng hoá được thực hiện như sau:
a) Hồ sơ đề nghị xác nhận trước xuất xứ hàng hoá gồm:
a.1) Đơn đề nghị xác nhận trước xuất xứ hàng hoá (mẫu đơn do Tổng cục Hải quan quy định), trong đó mô tả rõ tên hàng, mã số H.S, nước và cơ sở sản xuất hay gia công, lắp ráp, nước xuất khẩu, giá FOB, dự kiến thời gian và hành trình của hàng hoá khi vận chuyển vào Việt Nam;
a.2) Bản kê các nguyên vật liệu dùng để sản xuất ra hàng hoá gồm các thông tin như: tên hàng, mã số H.S, xuất xứ nguyên vật liệu cấu thành sản phẩm, giá CIF của nguyên vật liệu;
a.3) Hoá đơn mua bán các nguyên vật liệu dùng để sản xuất ra hàng hoá;
a.4) Các chứng từ khác: Bản mô tả sơ bộ quy trình sản xuất ra hàng hoá, giấy chứng nhận giám định, giấy chứng nhận gia công lắp ráp, giấy chứng nhận phân tích thành phần, catalogue, mẫu hàng, ảnh chụp được yêu cầu xuất trình trong những trường hợp các giấy tờ trên chưa có đủ thông tin để xác nhận trước xuất xứ.
b) Trong thời gian sớm nhất, không quá một trăm năm mươi ngày làm việc kể từ ngày nhận được bộ hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, Tổng cục Hải quan xem xét, ban hành phiếu xác nhận trước xuất xứ.
2. Phiếu xác nhận trước xuất xứ có hiệu lực trong thời hạn một năm kể từ ngày ban hành và được áp dụng đối với hàng hoá cùng loại, cùng nhà sản xuất và xuất khẩu, do chính người nộp đơn đề nghị xác nhận trước xuất xứ làm thủ tục nhập khẩu.
3. Trong thời hạn hiệu lực của phiếu xác nhận trước xuất xứ hàng nhập khẩu, cơ quan hải quan sẽ xem xét lại hoặc huỷ bỏ giá trị của phiếu này và thông báo cho người nộp đơn đề nghị xác nhận trước xuất xứ khi xảy ra một trong các trường hợp sau:
a) Các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan được bổ sung sửa đổi;
b) Các yếu tố đánh giá xuất xứ hàng hoá đã thay đổi;
c) Có sự khác nhau giữa kết quả xác nhận trước xuất xứ với xuất xứ thực tế của hàng hoá;
d) Người nộp đơn đề nghị xác nhận trước xuất xứ cung cấp thông tin sai lệch, giả mạo;
e) Có sự khác nhau về kết quả xác nhận trước xuất xứ đối với cùng một mặt hàng, cùng một nhà sản xuất.
4. Khi có sự thay đổi về các yếu tố đánh giá xuất xứ hàng hoá, người nộp đơn đề nghị phải kịp thời thông báo cho cơ quan hải quan nơi tiến hành xác nhận trước xuất xứ.
5. Hồ sơ chứng từ xác nhận trước xuất xứ được lưu giữ trong ba năm kể từ ngày cấp phiếu xác nhận trước xuất xứ hàng nhập khẩu.
6. Việc xác nhận trước xuất xứ đối với hàng hoá hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt theo các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết thì thực hiện theo quy tắc xác định xuất xứ để thực hiện Hiệp định đó.
7. Việc thu, nộp lệ phí đối với việc xác nhận trước xuất xứ hàng hoá thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính.
8. Trường hợp người nộp đơn đề nghị xác nhận trước xuất xứ không cung cấp đủ thông tin cần thiết, cơ quan hải quan sẽ từ chối xác định trước xuất xứ và thông báo bằng văn bản.
9. Thông tin về xác nhận trước xuất xứ hàng hoá được cơ quan hải quan lưu giữ và bảo mật theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 19/2006/NĐ-CP.
10. Phiếu xác nhận trước xuất xứ hàng hóa chỉ có giá trị làm thủ tục thông quan, không có giá trị để hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt.
Việc xem hàng hoá trước khi khai hải quan quy định tại điểm b khoản 1 Điều 23 Luật Hải quan được thực hiện như sau:
1. Chủ hàng có đơn đề nghị xem hàng hoá trước khi làm thủ tục hải quan gửi người đang giữ hàng hoá, đồng thời thông báo cho Chi cục Hải quan để giám sát theo quy định.
2. Việc xem trước hàng hoá phải được sự chấp thuận của người đang giữ hàng hóa và chịu sự giám sát của cơ quan hải quan.
3. Khi xem trước hàng hoá, người giữ hàng hoá phải lập biên bản chứng nhận, có xác nhận của người đang giữ hàng hoá, chủ hàng và công chức hải quan giám sát.
4. Hải quan niêm phong hàng hoá sau khi chủ hàng xem hàng hoá.
1. Việc khai hải quan (bao gồm cả khai thuế khi làm thủ tục hải quan) được thực hiện theo mẫu Tờ khai hải quan.
Đối với hàng hoá nhập khẩu, khai hải quan được thực hiện trước hoặc trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày hàng hoá đến cửa khẩu. Ngày hàng hoá đến cửa khẩu là ngày ghi trên dấu của cơ quan hải quan đóng lên bản khai hàng hoá (bản lược khai hàng hoá) trong hồ sơ phương tiện vận tải nhập cảnh (đường biển, đường hàng không, đường sắt) hoặc ngày ghi trên tờ khai phương tiện vận tải qua cửa khẩu hoặc sổ theo dõi phương tiện vận tải.
Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu theo các loại hình khác nhau và/hoặc có thời hạn nộp thuế khác nhau thì phải khai trên tờ khai hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu khác nhau theo từng loại hình tương ứng hoặc từng thời hạn nộp thuế tương ứng.
Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu thuộc diện được giảm mức thuế suất so với quy định thì khi khai thuế suất phải khai cả mức thuế suất trước khi giảm và tỷ lệ phần trăm giảm. Ví dụ: mặt hàng lốp và bộ săm lốp ô tô cỡ từ 900-20 trở lên thuộc diện được giảm 50% mức thuế suất thuế giá trị gia tăng theo hướng dẫn tại Thông tư số 13/2009/TT-BTC ngày 22 tháng 01 năm 2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện giảm thuế giá trị gia tăng đối với một số hàng hoá, dịch vụ doanh nghiệp kinh doanh gặp khó khăn; khi khai hải quan tại cột thuế suất phải ghi đầy đủ là: 10% x 50%.
2. Trách nhiệm của người khai hải quan, người nộp thuế trong việc khai hải quan và sử dụng hàng hoá theo mục đích kê khai:
a) Tự kê khai đầy đủ, chính xác, trung thực các yếu tố làm căn cứ tính thuế hoặc miễn thuế, xét miễn thuế, xét giảm thuế, xét hoàn thuế, không thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng;
b) Tự xác định, chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc kê khai số tiền thuế phải nộp, được miễn thuế, xét miễn thuế, xét giảm thuế, hoàn thuế, không thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng theo đúng quy định của pháp luật;
c) Sử dụng đúng mục đích đối với hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế, được miễn thuế, xét miễn thuế, hoàn thuế, không thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng.
Trường hợp hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu theo hình thức xuất khẩu, nhập khẩu uỷ thác, đấu thầu thì người uỷ thác, mời thầu xuất khẩu, nhập khẩu có trách nhiệm sử dụng đúng mục đích hàng hoá theo qui định tại điểm c Khoản này.
3. Đối với hàng hoá đã được xác định thuộc đối tượng không chịu thuế hoặc đã được miễn thuế, xét miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng nhưng thay đổi mục đích sử dụng hoặc được phép thay đổi mục đích sử dụng (đối với trường hợp phải có sự cho phép thay đổi mục đích sử dụng của cơ quan có thẩm quyền) thì xử lý như sau:
a) Người nộp thuế phải có văn bản thông báo với cơ quan hải quan nơi làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa về số lượng, chất lượng, chủng loại... hàng hóa dự kiến sẽ thay đổi mục đích sử dụng;
b) Trong thời hạn mười ngày kể từ ngày nhận được văn bản thông báo của người nộp thuế, cơ quan hải quan có trách nhiệm kiểm tra, xác định thực tế hàng hóa do người nộp thuế thông báo dự kiến chuyển đổi mục đích sử dụng. Người nộp thuế chỉ được chuyển đổi mục đích sử dụng sau khi cơ quan hải quan kiểm tra, xác định thực tế hàng hoá;
c) Chậm nhất trong thời hạn mười ngày kể từ ngày thực tế chuyển đổi mục đích sử dụng, người nộp thuế có trách nhiệm kê khai số tiền thuế phải nộp, số tiền phạt chậm nộp (nếu có) theo quy định của pháp luật với cơ quan hải quan theo mẫu 01 Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư này;
d) Người nộp thuế có trách nhiệm nộp đủ số tiền thuế, tiền phạt chậm nộp, tiền phạt vi phạm hành chính (nếu có) cho hàng hoá đã được xác định không thuộc đối tượng chịu thuế hoặc đã được miễn thuế, xét miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng nhưng sau đó thay đổi mục đích sử dụng trong thời hạn theo hướng dẫn tại điểm h khoản 3 Điều 18 Thông tư này;
e) Trường hợp người nộp thuế thay đổi mục đích sử dụng nhưng không có văn bản thông báo với cơ quan hải quan hoặc kê khai quá thời hạn quy định hoặc không tự giác kê khai với cơ quan hải quan, cơ quan hải quan hoặc cơ quan chức năng khác kiểm tra, phát hiện thì bị ấn định số tiền thuế, tiền phạt phải nộp và tuỳ theo hành vi, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định hiện hành. Người nộp thuế có trách nhiệm nộp đủ số tiền thuế còn thiếu và số tiền phạt (nếu có) theo quyết định của cơ quan hải quan.
1. Khi làm thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, người khai hải quan nộp, xuất trình cho cơ quan hải quan hồ sơ hải quan, gồm các chứng từ sau:
a) Tờ khai hải quan: nộp 02 bản chính;
b) Hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc các giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương hợp đồng: nộp 01 bản sao (trừ hàng hoá nêu tại khoản 5, khoản 7, khoản 8 Điều 6 Thông tư này); hợp đồng uỷ thác xuất khẩu (nếu xuất khẩu uỷ thác): nộp 01 bản sao;
Hợp đồng mua bán hàng hoá phải là bản tiếng Việt hoặc bản tiếng Anh, nếu là ngôn ngữ khác thì người khai hải quan phải nộp kèm bản dịch ra tiếng Việt và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung bản dịch.
c) Tuỳ trường hợp cụ thể dưới đây, người khai hải quan nộp thêm, xuất trình các chứng từ sau:
c.1) Bản kê chi tiết hàng hoá đối với trường hợp hàng hoá có nhiều chủng loại hoặc đóng gói không đồng nhất: nộp 01 bản chính;
c.2) Giấy phép xuất khẩu đối với hàng hóa phải có giấy phép xuất khẩu theo quy định của pháp luật: nộp 01 bản chính nếu xuất khẩu một lần hoặc bản sao khi xuất khẩu nhiều lần và phải xuất trình bản chính để đối chiếu, lập phiếu theo dõi trừ lùi;
c.3) Các chứng từ khác có liên quan theo quy định của pháp luật: nộp 01 bản chính;
c.4) Trường hợp hàng hoá thuộc đối tượng được miễn thuế xuất khẩu, ngoài các giấy tờ nêu trên, phải có thêm:
c.4.1) Danh mục hàng hóa miễn thuế kèm theo phiếu theo dõi trừ lùi đã được đăng ký tại cơ quan hải quan, đối với các trường hợp phải đăng ký danh mục theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 101 Thông tư này: nộp 01 bản sao, xuất trình bản chính để đối chiếu và trừ lùi;
c.4.2) Giấy báo trúng thầu hoặc giấy chỉ định thầu kèm theo hợp đồng cung cấp hàng hoá, trong đó có quy định giá trúng thầu hoặc giá cung cấp hàng hoá không bao gồm thuế xuất khẩu (đối với trường hợp tổ chức, cá nhân trúng thầu xuất khẩu); hợp đồng uỷ thác xuất khẩu hàng hoá, trong đó có quy định giá cung cấp theo hợp đồng uỷ thác không bao gồm thuế xuất khẩu (đối với trường hợp uỷ thác xuất khẩu): nộp 01 bản sao, xuất trình bản chính để đối chiếu;
c.4.3) Giấy tờ khác chứng minh hàng hóa xuất khẩu thuộc đối tượng miễn thuế;
c.4.4) Bảng kê danh mục, tài liệu của hồ sơ đề nghị miễn thuế.
2. Khi làm thủ tục hải quan đối với hàng hoá nhập khẩu, người khai hải quan nộp, xuất trình cho cơ quan hải quan hồ sơ hải quan, gồm các chứng từ sau:
a) Tờ khai hải quan: nộp 02 bản chính;
b) Hợp đồng mua bán hàng hoá hoặc các giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương hợp đồng: nộp 01 bản sao (trừ hàng hoá nêu tại khoản 5, khoản 7, khoản 8 Điều 6 Thông tư này); hợp đồng uỷ thác nhập khẩu (nếu nhập khẩu uỷ thác): nộp 01 bản sao;
Hợp đồng mua bán hàng hoá phải là bản tiếng Việt hoặc bản tiếng Anh, nếu là ngôn ngữ khác thì người khai hải quan phải nộp kèm bản dịch ra tiếng Việt và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung bản dịch.
c) Hóa đơn thương mại (trừ hàng hoá nêu tại khoản 8 Điều 6 Thông tư này): nộp 01 bản chính;
d) Vận tải đơn (trừ hàng hoá nêu tại khoản 7 Điều 6 Thông tư này, hàng hoá mua bán giữa khu phi thuế quan và nội địa): nộp 01 bản sao chụp từ bản gốc hoặc sao chụp từ bản chính có ghi chữ copy, chữ surrendered;
Đối với hàng hoá nhập khẩu qua bưu điện quốc tế nếu không có vận tải đơn thì người khai hải quan ghi mã số gói bưu kiện, bưu phẩm lên tờ khai hải quan hoặc nộp danh mục bưu kiện, bưu phẩm do Bưu điện lập.
Đối với hàng hóa nhập khẩu phục vụ cho hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí được vận chuyển trên các tàu dịch vụ (không phải là tàu thương mại) thì nộp bản khai hàng hoá (cargo manifest) thay cho vận tải đơn.
e) Tuỳ từng trường hợp cụ thể dưới đây, người khai hải quan nộp thêm, xuất trình các chứng từ sau:
e.1) Bản kê chi tiết hàng hoá đối với hàng hoá có nhiều chủng loại hoặc đóng gói không đồng nhất: nộp 01 bản chính hoặc bản có giá trị tương đương như điện báo, bản fax, telex, thông điệp dữ liệu và các hình thức khác theo quy định của pháp luật;
e.2) Giấy đăng ký kiểm tra hoặc giấy thông báo miễn kiểm tra hoặc giấy thông báo kết quả kiểm tra của tổ chức kỹ thuật được chỉ định kiểm tra chất lượng, của cơ quan kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, của cơ quan kiểm dịch (sau đây gọi tắt là cơ quan kiểm tra) đối với hàng hóa nhập khẩu thuộc danh mục sản phẩm, hàng hoá phải kiểm tra về chất lượng, về vệ sinh an toàn thực phẩm; về kiểm dịch động vật, kiểm dịch thực vật: nộp 01 bản chính;
e.3) Chứng thư giám định đối với hàng hoá được thông quan trên cơ sở kết quả giám định: nộp 01 bản chính;
e.4) Tờ khai trị giá hàng nhập khẩu đối với hàng hoá thuộc diện phải khai tờ khai trị giá theo quy định tại Quyết định số 30/2008/QĐ-BTC ngày 21 tháng 5 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành tờ khai trị giá tính thuế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và hướng dẫn khai báo: nộp 02 bản chính;
e.5) Giấy phép nhập khẩu đối với hàng hóa phải có giấy phép nhập khẩu theo quy định của pháp luật: nộp 01 bản chính nếu nhập khẩu một lần hoặc bản sao khi nhập khẩu nhiều lần và phải xuất trình bản chính để đối chiếu, lập phiếu theo dõi trừ lùi;
e.6) Nộp 01 bản gốc giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) trong các trường hợp:
e.6.1) Hàng hoá có xuất xứ từ nước hoặc nhóm nước nước có thoả thuận về áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt với Việt Nam (trừ hàng hoá nhập khẩu có trị giá FOB không vượt quá 200 USD) theo quy định của pháp luật Việt Nam và theo các Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập, nếu người nhập khẩu muốn được hưởng các chế độ ưu đãi đó;
e.6.2) Hàng hoá nhập khẩu được Việt Nam và các tổ chức quốc tế thông báo đang ở trong thời điểm có nguy cơ gây hại đến an toàn xã hội, sức khoẻ của cộng đồng hoặc vệ sinh môi trường cần được kiểm soát;
e.6.3) Hàng hoá nhập khẩu từ các nước thuộc diện Việt Nam thông báo đang ở trong thời điểm áp dụng thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, thuế chống phần biệt dối xử, các biện pháp về thuế để tự vệ, biện pháp hạn ngạch thuế quan;
e.6.4) Hàng hoá nhập khẩu phải tuân thủ các chế độ quản lý nhập khẩu theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc các Điều ước quốc tế song phương hoặc đa phương mà Việt Nam là thành viên;
C/O đã nộp cho cơ quan hải quan thì không được sửa chữa nội dung hoặc thay thế, trừ trường hợp do chính cơ quan hay tổ chức có thẩm quyền cấp C/O sửa đổi, thay thế trong thời hạn quy định của pháp luật.
e.7) Trường hợp hàng hoá thuộc đối tượng được miễn thuế nhập khẩu nêu tại Điều 100 Thông tư này phải có:
e.7.1) Danh mục hàng hóa miễn thuế kèm theo phiếu theo dõi trừ lùi đã được đăng ký tại cơ quan hải quan, đối với các trường hợp phải đăng ký danh mục theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 101 Thông tư này: nộp 01 bản sao, xuất trình bản chính để đối chiếu và trừ lùi;
e.7.2) Giấy báo trúng thầu hoặc giấy chỉ định thầu kèm theo hợp đồng cung cấp hàng hoá, trong đó có quy định giá trúng thầu hoặc giá cung cấp hàng hoá không bao gồm thuế nhập khẩu (đối với trường hợp tổ chức, cá nhân trúng thầu nhập khẩu); hợp đồng uỷ thác nhập khẩu hàng hoá, trong đó có quy định giá cung cấp theo hợp đồng uỷ thác không bao gồm thuế nhập khẩu (đối với trường hợp uỷ thác nhập khẩu): nộp 01 bản sao, xuất trình bản chính để đối chiếu;
e.7.3) Đối với dự án thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư có sử dụng thường xuyên năm trăm đến năm nghìn lao động phải có:
- Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án khi đi vào hoạt động sử dụng thường xuyên từ năm trăm đến năm nghìn lao động;
- Bản cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc sử dụng thường xuyên từ năm trăm đến năm nghìn lao động.
e.7.4) Giấy tờ khác chứng minh hàng hóa nhập khẩu thuộc đối tượng miễn thuế;
e.7.5) Bảng kê danh mục, tài liệu của hồ sơ đề nghị miễn thuế.
e.8) Tờ khai xác nhận viện trợ không hoàn lại của cơ quan tài chính theo quy định tại Thông tư số 82/2007/TT-BTC ngày 12 tháng 7 năm 2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý tài chính nhà nước đối với viện trợ không hoàn lại của nước ngoài thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước đối với hàng hoá là hàng viện trợ không hoàn lại thuộc đối tượng không chịu thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng: nộp 01 bản chính;
Trường hợp chủ dự án ODA không hoàn lại, nhà thầu chính thực hiện dự án ODA không hoàn lại thuộc đối tượng không chịu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định của pháp luật về thuế thì phải có thêm giấy báo trúng thầu hoặc giấy chỉ định thầu kèm theo hợp đồng cung cấp hàng hoá, trong đó quy định giá trúng thầu hoặc giá cung cấp hàng hoá không bao gồm thuế nhập khẩu (đối với trường hợp tổ chức, cá nhân trúng thầu nhập khẩu); hợp đồng uỷ thác nhập khẩu hàng hoá, trong đó quy định giá cung cấp theo hợp đồng uỷ thác không bao gồm thuế nhập khẩu (đối với trường hợp uỷ thác nhập khẩu): nộp 01 bản sao, xuất trình bản chính để đối chiếu.
e.9) Giấy đăng ký kinh doanh giống vật nuôi, giống cây trồng do cơ quan quản lý nhà nước cấp đối với giống vật nuôi, giống cây trồng thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng: nộp 01 bản sao, xuất trình bản chính để đối chiếu;
e.10) Hàng hoá thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng là máy móc, thiết bị, vật tư thuộc loại trong nước chưa sản xuất được cần nhập khẩu để sử dụng trực tiếp cho hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ; máy móc, thiết bị, phụ tùng thay thế, phương tiện vận tải chuyên dùng và vật tư thuộc loại trong nước chưa sản xuất được cần nhập khẩu để tiến hành hoạt động tìm kiếm, thăm dò, phát triển mỏ dầu, khí đốt; tàu bay, dàn khoan, tàu thuỷ thuộc loại trong nước chưa sản xuất được cần nhập khẩu tạo tài sản cố định của doanh nghiệp, thuê của nước ngoài sử dụng cho sản xuất, kinh doanh và để cho thuê, phải có:
e.10.1) Giấy báo trúng thầu hoặc giấy chỉ định thầu và hợp đồng bán hàng cho các doanh nghiệp theo kết quả đấu thầu (ghi rõ giá hàng hoá phải thanh toán không bao gồm thuế giá trị gia tăng) đối với hàng hoá thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng do cơ sở trúng thầu hoặc được chỉ định thầu nhập khẩu: nộp 01 bản sao, xuất trình bản chính để đối chiếu;
e.10.2) Hợp đồng uỷ thác nhập khẩu hàng hoá, trong đó ghi rõ giá cung cấp theo hợp đồng uỷ thác không bao gồm thuế giá trị gia tăng (đối với trường hợp nhập khẩu uỷ thác): nộp 01 bản sao, xuất trình bản chính để đối chiếu;
e.10.3) Văn bản của cơ quan có thẩm quyền giao nhiệm vụ cho các tổ chức thực hiện các chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ hoặc hợp đồng khoa học và công nghệ giữa bên đặt hàng với bên nhận đặt hàng thực hiện hợp đồng khoa học và công nghệ kèm theo bản xác nhận của đại diện doanh nghiệp hoặc thủ trưởng cơ quan nghiên cứu khoa học và cam kết sử dụng trực tiếp hàng hoá nhập khẩu cho hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ đối với trường hợp nhập khẩu để nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ: nộp 01 bản chính;
e.10.4) Xác nhận và cam kết của đại diện doanh nghiệp về việc sử dụng máy móc, thiết bị, phụ tùng thay thế, phương tiện vận tải chuyên dùng và vật tư thuộc loại trong nước chưa sản xuất được cần nhập khẩu để tiến hành hoạt động tìm kiếm, thăm dò, phát triển mỏ dầu, khí đốt: nộp 01 bản chính;
e.10.5) Xác nhận và cam kết của đại diện doanh nghiệp về việc sử dụng tàu bay, dàn khoan, tàu thuỷ thuộc loại trong nước chưa sản xuất được cần nhập khẩu để tạo tài sản cố định của doanh nghiệp, thuê của nước ngoài sử dụng cho sản xuất, kinh doanh và để cho thuê: nộp 01 bản chính;
e.10.6) Hợp đồng thuê ký với nước ngoài đối với trường hợp thuê tàu bay, giàn khoan, tàu thuỷ; loại trong nước chưa sản xuất được của nước ngoài dùng cho sản xuất, kinh doanh và để cho thuê: xuất trình 01 bản chính;
e.11.) Giấy xác nhận hàng hóa nhập khẩu phục vụ trực tiếp cho quốc phòng của Bộ Quốc phòng hoặc phục vụ trực tiếp cho an ninh của Bộ Công an đối với hàng hoá nhập khẩu là vũ khí, khí tài chuyên dùng phục vụ trực tiếp cho quốc phòng, an ninh thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị giá tăng: nộp 01 bản chính;
e.12.) Bản đăng ký vật tư, nguyên liệu nhập khẩu để trực tiếp sản xuất hàng hoá xuất khẩu của doanh nghiệp (doanh nghiệp nộp khi đăng ký nguyên liệu, vật tư sản xuất hàng hóa xuất khẩu theo hướng dẫn tại Điều 32 Thông tư này. Khi làm thủ tục hải quan, doanh nghiệp không phải nộp bản này, cơ quan hải quan sử dụng bản lưu tại cơ quan hải quan);
e.13) Bản đăng ký vật tư, nguyên liệu nhập khẩu để trực tiếp sản xuất hàng hoá tiêu thụ trong nước đối với trường hợp nhập khẩu hàng hóa thuộc Danh mục hàng tiêu dùng do Bộ Công thương công bố nhưng sử dụng làm vật tư, nguyên liệu để trực tiếp sản xuất hàng hoá tiêu thụ trong nước (doanh nghiệp muốn được áp dụng thời hạn nộp thuế 30 ngày cho hàng hóa này thì phải đăng ký trước khi nhập khẩu với cơ quan hải quan tương tự như cách đăng ký nguyên liệu, vật tư sản xuất hàng hóa xuất khẩu hướng dẫn tại Điều 32 Thông tư này. Khi làm thủ tục hải quan, doanh nghiệp không phải nộp bản này, cơ quan hải quan sử dụng bản lưu tại cơ quan hải quan).
3. Hồ sơ để xác định hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu nhằm mục đích thương mại thuộc đối tượng không chịu thuế là hồ sơ hải quan quy định tại Điều này.
1. Việc sửa chữa tờ khai, khai bổ sung hồ sơ hải quan được thực hiện trong các trường hợp sau đây:
a) Sửa chữa tờ khai hải quan trước thời điểm kiểm tra thực tế hàng hoá hoặc trước khi quyết định miễn kiểm tra thực tế hàng hoá đối với các nội dung có sai sót không gây ảnh hưởng đến số tiền thuế phải nộp;
b) Khai bổ sung hồ sơ hải quan trước thời điểm cơ quan hải quan kiểm tra thực tế hàng hoá hoặc quyết định miễn kiểm tra thực tế hàng hoá;
c) Khai bổ sung hồ sơ hải quan trong thời hạn sáu mươi ngày, kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan đối với các nội dung có sai sót gây ảnh hưởng đến số tiền thuế phải nộp, nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:
c.1) Sai sót do người nộp thuế, người khai hải quan tự phát hiện, tự giác khai báo với cơ quan hải quan;
c.2) Thời điểm khai báo trong thời hạn sáu mươi ngày, kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan nhưng trước khi cơ quan hải quan thực hiện kiểm tra thuế, thanh tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế;
c.3) Có sai sót về tính toán số tiền thuế phải nộp; sai sót về trị giá, xuất xứ, mã số, mức thuế suất, số tiền thuế phải nộp trên hồ sơ hải quan đã nộp cho cơ quan hải quan;
c.4) Người khai hải quan, người nộp thuế phải có đủ cơ sở chứng minh và cơ quan hải quan có đủ cơ sở, điều kiện kiểm tra, xác định tính trung thực, chính xác và hợp pháp của việc khai bổ sung.
2. Nội dung sửa chữa, khai bổ sung bao gồm:
a) Khai bổ sung thông tin làm cơ sở xác định các yếu tố, căn cứ tính thuế hoặc xác định đối tượng không chịu thuế; hoặc xác định đối tượng miễn thuế, xét miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế, không thu thuế;
b) Khai bổ sung số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế đã nộp, số tiền thuế chênh lệch còn phải nộp hoặc số tiền thuế chênh lệch nộp thừa (nếu có), số tiền phạt chậm nộp của số tiền thuế khai bổ sung (nếu người nộp thuế đã nộp tiền thuế khai bổ sung quá thời hạn nộp thuế) đối với từng mặt hàng và của cả tờ khai hải quan; cam kết về tính chính xác, hợp pháp của chứng từ, hồ sơ khai bổ sung;
c) Sửa chữa, khai bổ sung thông tin khác trên tờ khai hải quan.
3. Hồ sơ sửa chữa, khai bổ sung gồm:
a) Văn bản sửa chữa, khai bổ sung (mẫu 02 Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư này): nộp 02 bản chính;
b) Các giấy tờ kèm theo để chứng minh việc sửa chữa, khai bổ sung.
4. Xử lý hồ sơ sửa chữa, khai bổ sung:
a) Trách nhiệm của người khai hải quan:
a.1) Khai chính xác, trung thực, đầy đủ các yếu tố, căn cứ khai bổ sung trong văn bản khai bổ sung;
a.2) Tính số tiền thuế khai bổ sung, số tiền phạt chậm nộp (nếu có) phải nộp do khai bổ sung;
a.3) Nộp đủ hồ sơ cho cơ quan hải quan trong thời hạn được sửa chữa, khai bổ sung theo quy định tại Điều 34 Luật Quản lý thuế, khoản 2 Điều 22 Luật Hải quan;
a.4) Thực hiện thông báo của cơ quan hải quan trên văn bản sửa chữa, khai bổ sung;
a.5) Trường hợp khai bổ sung làm tăng số tiền thuế phải nộp, người nộp thuế phải nộp đầy đủ, đúng thời hạn số tiền thuế, tiền phạt chậm nộp (nếu có) theo đúng quy định;
a.6) Trường hợp khai bổ sung làm giảm số tiền thuế phải nộp, người nộp thuế có quyền đề nghị cơ quan hải quan nơi khai bổ sung xử lý số tiền nộp thừa theo hướng dẫn tại Điều 24 Thông tư này.
b) Trách nhiệm của cơ quan hải quan:
b.1) Ghi rõ ngày, giờ tiếp nhận hồ sơ sửa chữa, khai bổ sung đối với trường hợp sửa chữa, khai bổ sung theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 34 Luật Quản lý thuế, khoản 2 Điều 22 Luật Hải quan. Ghi rõ ngày tiếp nhận hồ sơ khai bổ sung đối với trường hợp khai bổ sung theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 34 Luật quản lý thuế;
b.2) Kiểm tra tính đầy đủ, chính xác của hồ sơ sửa chữa, khai bổ sung và thông báo kết quả kiểm tra trên văn bản sửa chữa, khai bổ sung; trả cho người khai hải quan 01 bản, lưu 01 bản;
b.3) Thông báo kết quả kiểm tra hồ sơ sửa chữa, khai bổ sung trong thời hạn sau đây:
b.3.1) Trong thời hạn tám giờ làm việc kể từ khi tiếp nhận đủ hồ sơ sửa chữa, khai bổ sung đối với trường hợp sửa chữa, khai bổ sung trước thời điểm cơ quan hải quan kiểm tra thực tế hàng hóa hoặc quyết định miễn kiểm tra thực tế hàng hóa;
b.3.2) Trong thời hạn năm ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận đủ hồ sơ khai bổ sung đối với trường hợp khai bổ sung trong thời hạn sáu mươi ngày, kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan nhưng trước khi cơ quan hải quan thực hiện kiểm tra thuế, thanh tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế.
5. Trường hợp người khai hải quan, người nộp thuế tự phát hiện hồ sơ khai thuế đã nộp có sai sót (sai sót về tính toán số tiền thuế phải nộp; sai sót về trị giá, xuất xứ, mã số, mức thuế suất, số tiền thuế phải nộp); tự giác khai báo trước khi cơ quan hải quan thực hiện kiểm tra thuế, thanh tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế nhưng quá thời hạn sáu mươi ngày, kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan; người khai hải quan, người nộp thuế có đủ cơ sở chứng minh và cơ quan hải quan có đủ cơ sở, điều kiện kiểm tra, xác định tính chính xác và hợp pháp của việc khai báo thì xử lý như sau:
a) Người khai hải quan, người nộp thuế thực hiện việc kê khai như trường hợp khai bổ sung hướng dẫn tại khoản 2, khoản 3, điểm a khoản 4 Điều này; nộp đủ số tiền thuế thiếu theo thời hạn nộp thuế như đối với số tiền thuế tự khai, tự tính khi làm thủ tục hải quan, số tiền phạt chậm nộp (nếu có), chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan hải quan;
b) Cơ quan hải quan có trách nhiệm tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ kê khai của người khai hải quan, người nộp thuế như trường hợp khai bổ sung hướng dẫn tại điểm b khoản 4 Điều này; xử lý vi phạm hành chính theo quy định và ghi chú vào văn bản khai bổ sung về việc xử phạt.
Thay tờ khai hải quan chỉ thực hiện khi thay đổi loại hình xuất khẩu, nhập khẩu và phải thực hiện trước thời điểm kiểm tra thực tế hàng hóa hoặc trước thời điểm quyết định miễn kiểm tra thực tế hàng hóa. Thủ tục hải quan thực hiện như sau:
1. Người khai hải quan có văn bản gửi Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai giải trình lý do đề nghị thay tờ khai hải quan khác;
2. Lãnh đạo Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai có trách nhiệm xem xét lý do, giải trình của người khai hải quan; nếu thấy hợp lý và không phát hiện dấu hiệu gian lận thương mại thì chấp nhận đề nghị của người khai hải quan, phân công công chức hải quan thực hiện:
a) Thu hồi tờ khai đã đăng ký;
b) Thực hiện việc huỷ tờ khai hải quan đã đăng ký: gạch chéo bằng mực đỏ, ký tên, đóng dấu công chức lên cả 02 tờ khai hải quan được huỷ;
c) Đăng ký tờ khai hải quan mới. Hồ sơ hải quan mới bao gồm: tờ khai hải quan mới và các chứng từ của lô hàng cùng tờ khai hải quan được huỷ (bản lưu của người khai hải quan);
d) Ghi chú trên hệ thống: tờ khai này đã được thay bằng tờ khai số; ngày, tháng, năm…;
e) Lưu tờ khai hải quan được huỷ (bản lưu của hải quan), văn bản đề nghị thay tờ khai của người khai hải quan theo thứ tự số đăng ký tờ khai hải quan.
1. Kiểm tra trong quá trình làm thủ tục hải quan bao gồm: kiểm tra hồ sơ hải quan, kiểm tra thuế và kiểm tra thực tế hàng hoá.
2. Nội dung kiểm tra trong quá trình làm thủ tục hải quan
a) Kiểm tra tên hàng, mã số hàng hoá theo quy định tại Thông tư của Bộ Tài chính hướng dẫn phân loại hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu.
b) Kiểm tra về lượng hàng hoá. Đối với những mặt hàng mà bằng phương pháp thủ công hoặc thiết bị của cơ quan hải quan không xác định được lượng hàng (như hàng lỏng, hàng rời, lô hàng có lượng hàng lớn...) thì cơ quan hải quan căn cứ vào kết quả giám định của thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định (dưới đây gọi tắt là thương nhân giám định) để xác định.
c) Kiểm tra về chất lượng hàng hoá (bao gồm cả kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm), cụ thể:
c.1) Hàng hoá thuộc Danh mục hàng hoá phải kiểm tra chất lượng
c.1.1) Đối với hàng hoá nhập khẩu: cơ quan hải quan căn cứ giấy đăng ký kiểm tra chất lượng hoặc giấy thông báo miễn kiểm tra lô hàng hoặc giấy thông báo kết luận lô hàng đạt chất lượng hàng nhập khẩu của cơ quan kiểm tra để làm thủ tục hải quan.
c.1.2) Đối với hàng hoá xuất khẩu: cơ quan hải quan căn cứ giấy thông báo kết luận lô hàng đạt chất lượng hàng xuất khẩu của cơ quan kiểm tra để làm thủ tục hải quan.
c.2) Hàng hoá không thuộc Danh mục hàng hoá phải kiểm tra chất lượng
c.2.1) Trường hợp bằng phương tiện và thiết bị của mình, cơ quan hải quan không xác định được chất lượng hàng hoá để thực hiện quản lý xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá thì cùng với chủ hàng lấy mẫu hoặc yêu cầu chủ hàng cung cấp tài liệu kỹ thuật (catalogue…), thống nhất lựa chọn thương nhân giám định thực hiện giám định. Kết luận của thương nhân giám định có giá trị để các bên thực hiện.
c.2.2) Trường hợp người khai hải quan và cơ quan hải quan không thống nhất được trong việc lựa chọn thương nhân giám định thì cơ quan hải quan lựa chọn tổ chức kỹ thuật được chỉ định kiểm tra phục vụ quản lý nhà nước hoặc thương nhân giám định (đối với trường hợp tổ chức kỹ thuật được chỉ định kiểm tra có văn bản từ chối). Kết luận của tổ chức kỹ thuật được chỉ định kiểm tra phục vụ quản lý nhà nước hoặc thương nhân giám định có giá trị để các bên thực hiện. Nếu người khai hải quan không đồng ý với kết luận này thì thực hiện khiếu nại theo quy định của pháp luật.
d) Kiểm tra xuất xứ hàng hoá căn cứ vào thực tế hàng hoá, hồ sơ hải quan, những thông tin có liên quan đến hàng hoá và quy định tại Điều 15 Nghị định số 19/2006/NĐ-CP ngày 20/02/2006 của Chính phủ, các văn bản hướng dẫn có liên quan.
Kết quả kiểm tra xử lý như sau:
d.1) Trường hợp xuất xứ thực tế của hàng hoá nhập khẩu khác với xuất xứ khai báo của người khai hải quan, nhưng vẫn thuộc nước, vùng lãnh thổ thực hiện đối xử tối huệ quốc với Việt Nam thì cơ quan hải quan vẫn áp dụng thuế suất ưu đãi theo quy định, nhưng sẽ tuỳ tính chất, mức độ vi phạm để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật;
d.2) Trong trường hợp có nghi ngờ về xuất xứ hàng hoá, cơ quan Hải quan yêu cầu người khai hải quan cung cấp thêm các chứng từ để chứng minh hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu xác nhận. Việc kiểm tra xác minh xuất xứ hàng hoá phải được hoàn thành trong vòng một trăm năm mươi ngày, kể từ ngày người khai hải quan nộp bộ hồ sơ đầy đủ và hợp lệ. Trong khi chờ kết quả kiểm tra, hàng hoá không được hưởng ưu đãi thuế quan nhưng vẫn được thông quan theo thủ tục hải quan thông thường;
Thời gian xem xét giải quyết các vướng mắc về xuất xứ hàng hoá, xem xét chấp nhận C/O không quá ba trăm sáu mươi lăm ngày kể từ ngày C/O được nộp cho cơ quan hải quan hoặc kể từ ngày cơ quan hải quan nghi ngờ có sự gian lận vi phạm về xuất xứ hàng hoá.
Trường hợp người khai hải quan nộp C/O cấp cho cả lô hàng nhưng chỉ nhập khẩu một phần của lô hàng thì cơ quan hải quan chấp nhận C/O đó đối với phần hàng hoá thực nhập.
e) Kiểm tra thuế, bao gồm các nội dung:
e.1) Kiểm tra điều kiện để áp dụng biện pháp cưỡng chế, thời hạn nộp thuế theo quy định;
e.2) Kiểm tra các căn cứ để xác định hàng hoá không thuộc đối tượng chịu thuế trong trường hợp người khai hải quan khai hàng hoá không thuộc đối tượng chịu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, hoặc thuế giá trị gia tăng, hoặc thuế tiêu thụ đặc biệt;
e.3) Kiểm tra các căn cứ để xác định hàng hoá thuộc đối tượng miễn thuế, xét miễn thuế, giảm thuế trong trường hợp người khai hải quan khai hàng hoá thuộc đối tượng miễn thuế, xét miễn thuế, giảm thuế;
e.4) Kiểm tra các căn cứ tính thuế để xác định số tiền thuế phải nộp, việc tính toán số tiền thuế phải nộp trong trường hợp hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu thuộc đối tượng chịu thuế trên cơ sở kết quả kiểm tra nêu tại điểm a, b, c, d Khoản này, kết quả kiểm tra, xác định trị giá tính thuế theo hướng dẫn tại Thông tư số 40/2008/TT-BTC ngày 21 tháng 5 năm 2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn Nghị định số 40/2007/NĐ-CP ngày 16 tháng 3 năm 2007 của Chính phủ quy định về việc xác định trị giá hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu và các căn cứ khác có liên quan.
3. Thẩm quyền quyết định hình thức và mức độ kiểm tra do Lãnh đạo Cục Hải quan, Lãnh đạo Chi cục Hải quan nơi tiếp nhận và xử lý hồ sơ hải quan quyết định.
4. Trong quá trình làm thủ tục hải quan cho lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu, căn cứ vào tình hình thực tế của lô hàng và thông tin mới thu nhận được, Lãnh đạo Cục Hải quan, Lãnh đạo Chi cục Hải quan quyết định thay đổi hình thức, mức độ kiểm tra đã quyết định trước đó; chịu trách nhiệm về việc thay đổi quyết định hình thức, mức độ kiểm tra.
5. Kết thúc kiểm tra thực tế hàng hoá, công chức hải quan thực hiện kiểm tra ghi kết quả kiểm tra theo hướng dẫn của Tổng cục Hải quan.
1. Việc lấy mẫu hàng hoá nhập khẩu thực hiện trong các trường hợp sau:
a) Người khai hải quan có yêu cầu lấy mẫu để phục vụ việc khai hải quan;
b) Hàng hoá phải lấy mẫu theo yêu cầu quản lý của cơ quan hải quan, gồm: nguyên vật liệu nhập khẩu để gia công, để sản xuất hàng xuất khẩu; sản phẩm gia công xuất khẩu; hàng xuất khẩu bị trả lại để tái chế (trừ hàng hoá không thể lấy mẫu được, hàng tươi sống, kim khí quý, đá quý);
c) Hàng hoá nhập khẩu phải lấy mẫu để phục vụ phân tích, giám định theo yêu cầu của cơ quan hải quan.
2. Việc lấy mẫu do Lãnh đạo Chi cục Hải quan quyết định đối với các trường hợp cụ thể.
3. Thủ tục lấy mẫu
a) Việc lấy mẫu căn cứ vào phiếu yêu cầu của người khai hải quan hoặc cơ quan hải quan. Phiếu lấy mẫu được lập thành hai bản, một bản lưu cùng mẫu, một bản lưu tại đơn vị yêu cầu lấy mẫu. Tổng cục Hải quan quy định mẫu phiếu này.
b) Khi lấy mẫu phải có đại diện chủ hàng và đại diện cơ quan hải quan; mẫu phải được hai bên ký xác nhận và niêm phong.
c) Khi bàn giao mẫu phải có biên bản bàn giao và ký xác nhận.
4. Mẫu chỉ lấy ở mức tối thiểu cần thiết.
5. Nơi lưu mẫu
a) Đối với mẫu do Trung tâm Phân tích, phân loaị hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu tiến hành phân tích thì nơi lưu mẫu là Trung tâm Phân tích, phân loại hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu.
b) Đối với trường hợp Chi cục lấy mẫu để giải quyết các nghiệp vụ có liên quan thì nơi lưu mẫu là Chi cục Hải quan.
c) Đối với mẫu nguyên liệu nhập khẩu để gia công, sản xuất xuất khẩu; hàng tái chế thì doanh nghiệp chịu trách nhiệm lưu mẫu theo quy định.
6. Thời gian lưu mẫu
a) Mẫu lưu tại Trung tâm Phân tích, phân loại hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu và/hoặc Chi cục Hải quan được lưu trong thời hạn chín mươi ngày tính từ ngày thông quan hàng hoá. Trường hợp có tranh chấp, khiếu nại thì lưu đến khi giải quyết xong tranh chấp, khiếu nại.
b) Mẫu nguyên liệu gia công, nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu được lưu tại doanh nghiệp cho đến khi cơ quan hải quan thanh khoản xong hợp đồng gia công, tờ khai nhập khẩu nguyên liệu sản xuất xuất khẩu.
7. Việc lưu ảnh của hàng hoá nhập khẩu do Lãnh đạo Chi cục Hải quan quyết định từng trường hợp cụ thể theo yêu cầu quản lý hải quan. Ảnh lưu phải ghi số tờ khai hải quan, có chữ ký và đóng dấu số hiệu của công chức hải quan và chữ ký của chủ hàng vào mặt sau của ảnh, lưu cùng hồ sơ hải quan.
1. Việc giám sát hải quan đối hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, phương tiện vận tại xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh qua biên giới thực hiện theo quy định tại Điều 26 Luật Hải quan và Điều 13, Điều 14 Nghị định số 154/2005/NĐ-CP.
2. Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan hướng dẫn cụ thể các biện pháp và thời gian giám sát đối với từng loại hình hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh.
Thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu được nộp bằng đồng tiền Việt Nam. Trường hợp nộp thuế bằng ngoại tệ thì người nộp thuế phải nộp bằng loại ngoại tệ tự do chuyển đổi theo quy định. Việc quy đổi từ ngoại tệ ra đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm tính thuế.
1. Đối với hàng hoá xuất khẩu theo hợp đồng mua bán, thời hạn nộp thuế là ba mươi ngày, kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan (trừ thời hạn nộp thuế đối với dầu thô xuất khẩu thực hiện theo Thông tư số 32/2009/TT-BTC ngày 19 tháng 2 năm 2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế đối với các tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí theo quy định của Luật Dầu khí).
a) Hàng hoá nhập khẩu thuộc Danh mục hàng tiêu dùng do Bộ Công thương công bố, phải nộp xong thuế trước khi nhận hàng; trừ các trường hợp sau:
a.1) Người nộp thuế có bảo lãnh về số tiền thuế phải nộp, thì thời hạn nộp thuế là thời hạn bảo lãnh, nhưng không quá ba mươi ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan;
Việc bảo lãnh thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 19 Thông tư này.
a.2) Hàng hoá thuộc Danh mục hàng tiêu dùng do Bộ Công thương công bố nhưng nhập khẩu phục vụ trực tiếp cho an ninh, quốc phòng, nghiên cứu khoa học, giáo dục, đào tạo thuộc đối tượng được xét miễn thuế thì trong thời gian chờ làm thủ tục xét miễn thuế được áp dụng thời hạn nộp thuế là ba mươi ngày kể từ ngày nhận hàng.
Trường hợp kiểm tra, xác định hàng hóa không thuộc đối tượng được xét miễn thuế, người nộp thuế phải tính lại thời hạn nộp thuế kể từ ngày nhận hàng và xác định, nộp số tiền phạt chậm nộp thuế theo quy định.
b) Trường hợp người nộp thuế đáp ứng điều kiện nêu tại khoản 5 Điều 3 Thông tư này
b.1) Vật tư, nguyên liệu nhập khẩu để trực tiếp sản xuất hàng hóa xuất khẩu (bao gồm cả hàng hoá thuộc danh mục hàng tiêu dùng do Bộ Công thương công bố nhưng là vật tư, nguyên liệu để trực tiếp sản xuất hàng hóa xuất khẩu) thời hạn nộp thuế là hai trăm bảy mươi lăm ngày, kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan.
Trường hợp đặc biệt do chu kỳ sản xuất, dự trữ vật tư, nguyên liệu phải kéo dài hơn hai trăm bảy mươi lăm ngày như đóng tàu, sản xuất sản phẩm cơ khí, nuôi trồng thuỷ hải sản, ngọc trai; chế biến các loại nông sản thu hoạch theo mùa vụ, thì thời hạn nộp thuế được kéo dài hơn hai trăm bảy mươi lăm ngày. Thời gian được kéo dài tối đa không quá thời hạn phải giao hàng ghi trên hợp đồng xuất khẩu sản phẩm sản xuất từ nguyên liệu, vật tư nhập khẩu đề nghị kéo dài thời hạn nộp thuế hoặc không quá chu kỳ sản xuất sản phẩm.
Để được áp dụng thời hạn nộp thuế dài hơn hai trăm bảy mươi lăm ngày, ngoài hồ sơ hải quan theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 11 Thông tư này, người nộp thuế phải nộp cho cơ quan hải quan nơi đăng ký tờ khai hải quan, các giấy tờ sau đây:
- Công văn đề nghị áp dụng thời hạn nộp thuế dài hơn hai trăm bảy mươi lăm ngày đối với từng trường hợp cụ thể, phù hợp với thực tế của việc dự trữ nguyên liệu, vật tư; trong đó nêu rõ lý do, số tiền thuế đề nghị, thời hạn đề nghị được kéo dài, mô tả quy trình, thời gian sản xuất: 01 bản chính;
- Giấy tờ chứng minh việc kéo dài thời hạn giao hàng trên hợp đồng xuất khẩu sản phẩm nếu hàng hóa thuộc đối tượng được kéo dài thời hạn nộp thuế dài hơn hai trăm bảy mươi lăm ngày có nguyên nhân do thời hạn giao hàng trên hợp đồng xuất khẩu sản phẩm phải kéo dài hơn: nộp 01 bản sao.
Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai hải quan hàng hóa nhập khẩu tiếp nhận, kiểm tra sơ bộ hồ sơ và xử lý như sau:
- Trường hợp hồ sơ đầy đủ, đúng đối tượng thì báo cáo để Cục Hải quan xem xét, chấp thuận việc kéo dài thời hạn nộp thuế hơn hai trăm bảy mươi lăm ngày. Trường hợp không đủ điều kiện để áp dụng thời hạn nộp thuế dài hơn hai trăm bảy mươi lăm ngày thì có văn bản chính thức thông báo cho người nộp thuế biết;
- Trường hợp cần kiểm tra xác định thực tế chu kỳ sản xuất, dự trữ vật tư, nguyên liệu thì Cục Hải quan tỉnh, thành phố phối hợp với cơ quan thuế, cơ quan có liên quan kiểm tra. Việc kiểm tra phải lập thành biên bản trong đó nêu rõ chu kỳ sản xuất sản phẩm từ nguyên liệu, vật tư đề nghị kéo dài thời hạn nộp thuế.
b.2) Hàng hóa kinh doanh tạm nhập-tái xuất thì thời hạn nộp thuế là mười lăm ngày, kể từ ngày hết thời hạn tạm nhập-tái xuất (áp dụng cho cả trường hợp được phép gia hạn).
b.3) Trường hợp người nộp thuế nhập khẩu nguyên liệu, vật tư để sản xuất hàng xuất khẩu nhưng tái xuất nguyên liệu, vật tư hoặc chuyển sang tiêu thụ nội địa hoặc không xuất khẩu sản phẩm; nhập khẩu theo loại hình kinh doanh tạm nhập-tái xuất nhưng chuyển sang tiêu thụ nội địa; thì tính lại thời hạn nộp thuế như hàng tiêu dùng (nếu là hàng tiêu dùng) hoặc thời hạn nộp thuế là ba mươi ngày đối với các trường hợp khác và phạt chậm nộp (nếu có).
Trường hợp nhập khẩu nguyên liệu, vật tư để sản xuất hàng hoá xuất khẩu nhưng xuất khẩu sản phẩm ngoài thời hạn nộp thuế; nhập khẩu theo loại hình kinh doanh tạm nhập-tái xuất nhưng tái xuất ngoài thời hạn nộp thuế thì tính phạt chậm nộp kể từ ngày quá thời hạn nộp thuế đến ngày thực xuất khẩu sản phẩm/tái xuất hoặc đến ngày thực nộp thuế (nếu ngày thực nộp thuế trước ngày thực xuất khẩu sản phẩm/tái xuất).
b.4) Đối với các trường hợp khác (bao gồm cả hàng hoá thuộc Danh mục hàng tiêu dùng do Bộ Công thương công bố nhưng là vật tư, nguyên liệu nhập khẩu để trực tiếp dùng cho sản xuất) thì thời hạn nộp thuế là ba mươi ngày, kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan.
Điều kiện để xác định hàng hóa nhập khẩu thuộc Danh mục hàng tiêu dùng do Bộ Công thương công bố nhưng là vật tư, nguyên liệu nhập khẩu để trực tiếp dùng cho sản xuất của doanh nghiệp:
- Do doanh nghiệp trực tiếp nhập khẩu;
- Hàng hóa nhập khẩu phải phù hợp với ngành nghề sản xuất, nhu cầu sử dụng để sản xuất về số lượng, chủng loại sản phẩm của doanh nghiệp. Ví dụ doanh nghiệp sản xuất bánh, kẹo nhập khẩu đường, sữa; doanh nghiệp may quần áo nhập khẩu vải.
c) Trường hợp người nộp thuế không đáp ứng điều kiện nêu tại khoản 5 Điều 3 Thông tư này
c.1) Nếu được bảo lãnh về số tiền thuế phải nộp thì thời hạn nộp thuế thực hiện theo thời hạn bảo lãnh, nhưng không quá thời hạn đối với từng trường hợp hướng dẫn tại điểm b Khoản này.
Việc bảo lãnh thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 19 Thông tư này.
c.2) Nếu không được bảo lãnh về số tiền thuế phải nộp, người nộp thuế phải nộp xong thuế trước khi nhận hàng.
c.3) Hàng hoá nhập khẩu phục vụ trực tiếp cho an ninh, quốc phòng, nghiên cứu khoa học và giáo dục đào tạo thuộc đối tượng được xét miễn thuế nhập khẩu thì thời hạn nộp thuế là ba mươi ngày kể từ ngày người nộp thuế đăng ký tờ khai hải quan.
Trường hợp kiểm tra, xác định hàng hóa không thuộc đối tượng được xét miễn thuế, người nộp thuế phải tính lại thời hạn nộp thuế kể từ ngày nhận hàng và xác định, nộp số tiền phạt chậm nộp thuế theo quy định.
3. Đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu trong các trường hợp khác
a) Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu không theo hợp đồng mua bán; hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu của cư dân biên giới, phải nộp xong thuế trước khi xuất khẩu hàng hoá ra nước ngoài hoặc nhập khẩu hàng hoá vào Việt Nam.
b) Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu còn trong sự giám sát của cơ quan hải quan, nhưng bị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tạm giữ để điều tra, chờ xử lý thì thời hạn nộp thuế đối với từng trường hợp thực hiện theo hướng dẫn tương ứng nêu tại Điều này và được tính từ ngày cơ quan nhà nước có thẩm quyền có văn bản cho phép giải toả hàng hoá đã tạm giữ.
c) Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đăng ký tờ khai hải quan một lần để xuất khẩu, nhập khẩu nhiều lần thì thời hạn nộp thuế đối với từng trường hợp thực hiện theo hướng dẫn tương ứng nêu tại Điều này và tính từ ngày hàng hóa thực tế xuất khẩu, nhập khẩu.
d) Đối với trường hợp phải có giám định về tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng, lượng hàng, chủng loại để đảm bảo chính xác cho việc tính thuế (như xác định tên mặt hàng, mã số hàng hoá theo danh mục Biểu thuế, chất lượng, lượng hàng, tiêu chuẩn kỹ thuật, tình trạng cũ, mới của hàng hóa nhập khẩu...), thì thời hạn nộp thuế của số tiền thuế theo khai báo được thực hiện theo hướng dẫn tương ứng nêu tại Điều này.
e) Đối với số tiền thuế do cơ quan hải quan ấn định thuế
e.1) Trường hợp hàng hóa đã được thông quan thì thời hạn nộp thuế của phần chênh lệch giữa số tiền thuế do cơ quan hải quan ấn định với số tiền thuế do người nộp thuế tự tính, tự khai khi làm thủ tục hải quan là mười ngày kể từ ngày cơ quan hải quan ký văn bản ấn định thuế.
e.2) Trường hợp hàng hóa chưa được thông quan thì thời hạn nộp thuế đối với số tiền thuế ấn định (bao gồm cả số tiền thuế chênh lệch giữa số tiền thuế do cơ quan hải quan ấn định với số tiền thuế do người nộp thuế tự tính, tự khai khi làm thủ tục hải quan) thực hiện theo hướng dẫn tương ứng nêu tại Điều này.
g) Trường hợp khai bổ sung hồ sơ khai thuế; khai báo nộp bổ sung tiền thuế thiếu theo hướng dẫn tại Điều 12 Thông tư này thì thời hạn nộp thuế được thực hiện theo hướng dẫn tương ứng nêu tại Điều này như đối với số tiền thuế khai báo khi làm thủ tục hải quan.
h) Đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế (trừ hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài vào khu phi thuế quan sau đó nhập khẩu vào thị trường nội địa áp dụng thời hạn nộp thuế theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều này) hoặc đã được miễn thuế, xét miễn thuế sau đó sử dụng hoặc được phép sử dụng (nếu thuộc diện phải xin phép cơ quan có thẩm quyền) vào mục đích khác với mục đích đã được xác định không chịu thuế, được miễn thuế, xét miễn thuế trước đây; thì thời hạn phải nộp số tiền thuế đã được không thu, miễn, xét miễn, tiền phạt (nếu có) là mười ngày kể từ ngày bắt đầu hết thời hạn phải kê khai số tiền thuế phải nộp do việc thay đổi mục đích sử dụng theo hướng dẫn tại khoản 3 Điều 10 Thông tư này.
Trường hợp không có cơ sở để xác định thời điểm thay đổi mục đích sử dụng của hàng hóa thì thời hạn phải nộp tiền thuế và xác định tiền phạt chậm nộp tính từ ngày đăng ký tờ khai hải quan lần đầu.
Quá thời hạn nộp thuế mà người nộp thuế chưa nộp đủ tiền thuế vào Ngân sách Nhà nước sẽ bị phạt chậm nộp thuế. Trường hợp quá hạn quá chín mươi ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế, ngoài việc bị xử phạt chậm nộp người nộp thuế còn bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo quy định.
1. Việc bảo lãnh số tiền thuế phải nộp được thực hiện theo một trong hai hình thức: bảo lãnh riêng hoặc bảo lãnh chung.
a) Bảo lãnh riêng là việc cam kết bảo lãnh thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp số tiền thuế cho một tờ khai hàng hoá nhập khẩu.
b) Bảo lãnh chung là việc cam kết bảo lãnh thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp số tiền thuế cho 02 tờ khai hàng hoá nhập khẩu trở lên tại một Chi Cục Hải quan.
2. Cơ quan hải quan chấp nhận áp dụng bảo lãnh nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:
a) Tổ chức bảo lãnh là tổ chức tín dụng thành lập và hoạt động theo Luật Các tổ chức tín dụng và phải chịu trách nhiệm về việc đáp ứng đủ điều kiện thực hiện bảo lãnh theo quy định của pháp luật;
b) Có Hợp đồng cấp bảo lãnh số tiền thuế phải nộp (ký giữa tổ chức tín dụng bảo lãnh và người nộp thuế) và Thư bảo lãnh của bên bảo lãnh cam kết với cơ quan hải quan liên quan về việc bảo đảm khả năng thực hiện và chịu trách nhiệm nộp thuế và tiền phạt chậm nộp thay cho người nộp thuế khi hết thời hạn nộp thuế nhưng người nộp thuế chưa nộp xong thuế;
c) Thư bảo lãnh ghi rõ số tiền thuế thực hiện bảo lãnh.
3. Thủ tục đối với hình thức bảo lãnh riêng
a) Khi làm thủ tục cho lô hàng nhập khẩu, người nộp thuế nộp bản sao, xuất trình bản chính Hợp đồng cấp bảo lãnh; nộp bản chính văn bản đề nghị được bảo lãnh và Thư bảo lãnh của bên bảo lãnh.
b) Nội dung Thư bảo lãnh phải bao gồm các nội dung chính sau đây:
b.1) Tên, mã số thuế, địa chỉ, số điện thoại, số fax của người nộp thuế được bảo lãnh, của tổ chức bảo lãnh và của cơ quan hải quan nhận bảo lãnh.
b.2) Mục đích bảo lãnh.
b.3) Phạm vi bảo lãnh: tờ khai hải quan được bảo lãnh hoặc số hợp đồng, hoá đơn, vận tải đơn của lô hàng được bảo lãnh đối với trường hợp thực hiện bảo lãnh trước khi làm thủ tục hải quan.
b.4) Ngày phát hành bảo lãnh, số tiền bảo lãnh.
b.5) Cam kết của tổ chức bảo lãnh, nêu rõ tổ chức bảo lãnh nộp thuế và nộp phạt chậm nộp thay cho người nộp thuế như hướng dẫn tại điểm b khoản 2 Điều này.
b.6) Thời hạn nộp thuế được bảo lãnh.
c) Cơ quan hải quan kiểm tra các điều kiện bảo lãnh theo hướng dẫn tại khoản 2 nêu trên và xử lý việc bảo lãnh như sau:
c.1) Xác định thời hạn nộp thuế cho số hàng hoá được bảo lãnh theo qui định nhưng không được quá thời hạn nộp thuế theo hướng dẫn tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều 18 Thông tư này;
c.2) Trường hợp số tiền thuế bảo lãnh nhỏ hơn số tiền thuế phải nộp, cơ quan hải quan thực hiện thông quan số hàng hóa tương ứng với số tiền thuế được bảo lãnh, trường hợp muốn thông quan cho toàn bộ lô hàng, người nộp thuế phải nộp số tiền thuế chênh lệch chưa được bão lãnh trước khi nhận hàng;
c.3) Trường hợp không đáp ứng đầy đủ các điều kiện bảo lãnh, cơ quan hải quan có văn bản thông báo từ chối áp dụng bảo lãnh cho người nộp thuế biết. Trường hợp nghi ngờ tính trung thực của Thư bảo lãnh, Hợp đồng cấp bảo lãnh thì có văn bản trao đổi với tổ chức tín dụng bảo lãnh để xác minh.
d) Theo dõi, xử lý việc bảo lãnh
d.1) Hết thời hạn nộp thuế nhưng người nộp thuế chưa nộp xong thuế đối với số tiền thuế được bảo lãnh thì tổ chức bảo lãnh có trách nhiệm nộp số tiền thuế và tiền phạt chậm nộp thuế (nếu có) thay cho người nộp thuế.
d.2) Trường hợp tổ chức bảo lãnh không thực hiện nghĩa vụ nộp thuế và nộp phạt (nếu có) thay người nộp thuế, cơ quan hải quan có văn bản gửi tổ chức bảo lãnh yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh (theo mẫu 04 Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư này), đồng thời từ chối chấp nhận áp dụng bảo lãnh của tổ chức bảo lãnh đó đối với các lô hàng nhập khẩu tiếp theo của tất cả các tổ chức, cá nhân trên phạm vi toàn quốc; tổ chức bảo lãnh sẽ bị xử phạt theo quy định.
Cơ quan hải quan nơi phát hiện vi phạm của tổ chức bảo lãnh có trách nhiệm thông báo bằng văn bản hoặc trên hệ thống dữ liệu điện tử (nếu đã có hệ thống dữ liệu điện tử) cho các đơn vị hải quan trên phạm vi toàn quốc để thực hiện theo đúng quy định.
d.3) Trường hợp người nộp thuế và tổ chức bảo lãnh cùng đồng thời nộp thuế, nộp phạt thì tiền thuế nộp thừa được hoàn trả cho tổ chức bảo lãnh.
4. Thủ tục đối với hình thức bảo lãnh chung
a) Trước khi làm thủ tục cho hàng hoá nhập khẩu, người nộp thuế có văn bản gửi Chi cục Hải quan đề nghị được bảo lãnh chung cho hàng hoá nhập khẩu theo mẫu 03 Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư này.
b) Nội dung của Thư bảo lãnh gồm:
b.1) Tên, mã số thuế, địa chỉ, số điện thoại, số fax của người nộp thuế được bảo lãnh, của tổ chức bảo lãnh và của cơ quan hải quan nhận bảo lãnh;
b.2) Mục đích bảo lãnh;
b.3) Số tiền thuế bảo lãnh;
b.4) Phạm vi bảo lãnh: ghi rõ việc bảo lãnh cho các lô hàng nhập khẩu đăng ký tờ khai hải quan từ ngày...đến ngày... của người nộp thuế;
b.5) Ngày phát hành bảo lãnh;
b.6) Chi cục Hải quan nơi thực hiện bảo lãnh;
b.7) Cam kết của tổ chức bảo lãnh như hướng dẫn tại điểm b khoản 2 Điều này.
c) Cơ quan hải quan kiểm tra các điều kiện bảo lãnh hướng dẫn tại khoản 2 Điều này. Trường hợp đáp ứng đầy đủ các điều kiện bảo lãnh thì chấp nhận bảo lãnh chung cho các tờ khai hàng hoá nhập khẩu của người nộp thuế đăng ký trong khoảng thời gian người thuế đề nghị được bảo lãnh ghi trên thư bảo lãnh, xác định thời hạn nộp thuế đối với từng lô hàng theo qui định.
Trường hợp không đáp ứng các điều kiện bảo lãnh, cơ quan hải quan có văn bản từ chối áp dụng bảo lãnh và thông báo cho người nộp thuế biết.
Trường hợp nghi ngờ tính trung thực của Thư bảo lãnh, Hợp đồng cấp bảo lãnh, cơ quan hải quan có văn bản trao đổi với tổ chức tín dụng bảo lãnh để xác minh, xử lý theo quy định.
d) Việc theo dõi, xử lý bảo lãnh thực hiện tương tự như điểm d khoản 3 Điều này và phải theo dõi trừ lùi, cân đối giữa số tiền bảo lãnh và tổng số tiền thuế phải nộp. Trường hợp số tiền bảo lãnh còn lại nhỏ hơn số tiền thuế phải nộp, cơ quan hải quan thực hiện thông quan số hàng hóa tương ứng với số tiền thuế được bảo lãnh, đồng thời dừng việc bảo lãnh chung và thông báo cho người nộp thuế, tổ chức bảo lãnh biết. Nếu muốn thông quan cho toàn bộ lô hàng, người nộp thuế phải nộp số tiền thuế chênh lệch chưa được bão lãnh trước khi nhận hàng.
1. Người nộp thuế nộp tiền thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu trực tiếp vào Kho bạc Nhà nước hoặc thông qua ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng và tổ chức dịch vụ khác theo quy định của Điều 44 Luật Quản lý thuế.
2. Trường hợp người nộp thuế nộp thuế bằng tiền mặt nhưng Kho bạc Nhà nước không tổ chức điểm thu tại địa điểm làm thủ tục hải quan, cơ quan hải quan nơi đăng ký tờ khai hải quan thực hiện thu số tiền thuế do người nộp thuế nộp và chuyển toàn bộ số tiền thuế đã thu vào Kho bạc Nhà nước theo quy định.
3. Trường hợp tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan, người nộp thuế có nợ tiền thuế, nợ tiền phạt tại các cơ quan hải quan khác và muốn nộp ngay số tiền nợ đó tại cơ quan hải quan nơi đang làm thủ tục hải quan; người nộp thuế tự khai báo và nộp tiền tại điểm thu kho bạc hoặc cho cơ quan hải quan nơi làm thủ tục (nếu Kho bạc Nhà nước không bố trí điểm thu).
4. Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng, tổ chức dịch vụ khác có trách nhiệm cấp giấy nộp tiền vào ngân sách nhà nước cho người nộp thuế theo mẫu quy định của Bộ Tài chính.
Cơ quan hải quan có trách nhiệm cấp biên lai thu cho người nộp thuế theo mẫu quy định của Bộ Tài chính trong trường hợp thu thuế bằng tiền mặt. Trường hợp thu hộ tiền thuế, Chi cục Hải quan nơi thu hộ có trách nhiệm fax biên lai thu thuế cho Chi cục Hải quan nơi doanh nghiệp nợ thuế để Chi cục hải quan nơi doanh nghiệp nợ thuế có văn bản nhờ thu hộ và xử lý theo quy định.
5. Trong thời hạn tám giờ làm việc, kể từ khi thu tiền thuế của người nộp thuế; Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng, tổ chức dịch vụ khác, cơ quan hải quan phải thực hiện chuyển số tiền thuế đã thu của người nộp thuế vào tài khoản tiền gửi của cơ quan hải quan tại Kho bạc Nhà nước đối với số tiền thuế của nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu, hàng tạm nhập – tái xuất, hàng tạm xuất – tái nhập, hoặc nộp vào ngân sách nhà nước đối với các trường hợp khác.
Trường hợp thu thuế bằng tiền mặt tại vùng sâu, vùng xa, hải đảo, vùng đi lại khó khăn thì thời hạn nêu trên là năm ngày làm việc, kể từ khi thu tiền thuế của người nộp thuế.
Đối với số tiền thuế đã nộp vào tài khoản tiền gửi của cơ quan hải quan tại Kho bạc Nhà nước, quá một trăm ba mươi lăm ngày kể từ ngày đã thực nộp thuế nhưng người nộp thuế chưa nộp hồ sơ thanh khoản, thì cơ quan hải quan làm thủ tục chuyển tiền vào ngân sách nhà nước theo quy định.
Đối với trường hợp phải có giám định về tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng, lượng hàng, chủng loại để đảm bảo chính xác cho việc tính thuế (như xác định tên hàng, mã số hàng hoá theo danh mục Biểu thuế, chất lượng, lượng hàng, tiêu chuẩn kỹ thuật, tình trạng cũ, mới của hàng hóa nhập khẩu...), thì người nộp thuế vẫn phải nộp thuế theo như khai báo tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan, thời hạn nộp thuế theo hướng dẫn tại điểm d khoản 3 Điều 18 Thông tư này. Nếu kết quả giám định khác so với khai báo của người nộp thuế dẫn đến có thay đổi về số tiền thuế phải nộp thì người nộp thuế phải nộp thuế theo kết quả giám định, thời hạn nộp thuế đối với khoản tiền chênh lệch giữa số tiền thuế phải nộp theo kết quả giám định và số tiền thuế theo khai báo thực hiện theo hướng dẫn tại điểm e khoản 3 Điều 18 Thông tư này.
1. Thứ tự thanh toán tiền thuế được thực hiện như sau:
1.1. Trong thời hạn có hiệu lực của Nghị Quyết số 30/2008/NQ-CP ngày 11 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ về những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, thì thực hiện theo Phụ lục II kèm theo Thông tư này;
1.2. Khi Nghị Quyết số 30/2008/NQ-CP ngày 11 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ về những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội hết hiệu lực thi hành, thì thứ tự thanh toán tiền thuế được thực hiện theo quy định tại Điều 45 Luật Quản lý thuế và được thực hiện đối với các khoản tiền thuế, tiền phạt đã đến hạn nộp.
2. Kho bạc Nhà nước, cơ quan hải quan phối hợp trao đổi thông tin về thu tiền thuế, tiền phạt để xác định thứ tự và thu theo đúng thứ tự quy định, cụ thể như sau:
a) Cơ quan hải quan theo dõi tình hình nợ thuế của người nộp thuế, hướng dẫn người nộp thuế nộp theo đúng thứ tự, xây dựng hệ thống tra cứu dữ liệu để người nộp thuế tự tra cứu và chấp hành nộp thuế theo đúng thứ tự quy định;
b) Căn cứ chứng từ nộp tiền thuế của người nộp thuế, Kho bạc Nhà nước hạch toán thu ngân sách nhà nước và luân chuyển chứng từ, thông tin chi tiết các khoản nộp cho cơ quan hải quan biết để theo dõi và quản lý;
c) Trường hợp người nộp thuế nộp tiền thuế không đúng thứ tự, cơ quan hải quan lập lệnh điều chỉnh số tiền thuế đã thu, gửi Kho bạc Nhà nước để điều chỉnh, đồng thời thông báo cho người nộp thuế biết về số tiền thuế, số tiền phạt được điều chỉnh;
d) Trường hợp người nộp thuế không ghi cụ thể số tiền nộp cho từng loại tiền thuế trên chứng từ nộp thuế, cơ quan hải quan hạch toán số tiền thuế đã thu theo thứ tự, đồng thời thông báo cho Kho bạc Nhà nước biết để hạch toán thu ngân sách nhà nước và thông báo cho người nộp thuế biết.
1. Ấn định thuế theo hướng dẫn tại Thông tư này là việc cơ quan hải quan thực hiện quyền hạn xác định các yếu tố, căn cứ tính thuế và tính thuế, thông báo, yêu cầu người nộp thuế phải nộp số tiền thuế do cơ quan hải quan xác định thuộc các trường hợp nêu tại khoản 2 Điều này.
2. Cơ quan hải quan thực hiện ấn định thuế trong các trường hợp quy định tại Điều 39 Luật Quản lý thuế, bao gồm:
a) Người khai thuế dựa vào các tài liệu không hợp pháp để khai báo căn cứ tính thuế, tính và kê khai số tiền thuế phải nộp; không kê khai hoặc kê khai không đầy đủ, chính xác các căn cứ tính thuế làm cơ sở cho việc tính thuế;
b) Người khai thuế từ chối hoặc trì hoãn, kéo dài quá thời hạn quy định việc cung cấp các tài liệu liên quan cho cơ quan hải quan để xác định chính xác số tiền thuế phải nộp;
c) Cơ quan hải quan có đủ bằng chứng về việc người khai thuế khai báo trị giá không đúng với trị giá giao dịch thực tế;
d) Người khai thuế đã kê khai các yếu tố làm căn cứ tính thuế nhưng không tự tính được số tiền thuế phải nộp và có đề nghị cơ quan hải quan tính thuế.
3. Việc ấn định thuế phải theo đúng các nguyên tắc quy định tại Điều 36 Luật Quản lý thuế.
4. Căn cứ để cơ quan hải quan ấn định thuế là lượng, trị giá tính thuế, xuất xứ hàng hoá, mức thuế suất thuế xuất khẩu, nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng của hàng hóa thực tế xuất khẩu, nhập khẩu; tỷ giá tính thuế; phương pháp tính thuế theo quy định và các thông tin, cơ sở dữ liệu khác quy định tại khoản 2 Điều 39 Luật Quản lý thuế, Điều 27 Nghị định số 85/2007/NĐ-CP, hướng dẫn tại mục 1 Phần V Thông tư này.
5. Thẩm quyền ấn định thuế là Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan; Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố; Chi Cục trưởng Chi cục Hải quan, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm tra sau thông quan.
6. Thủ tục, trình tự ấn định thuế
a) Ấn định thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được thực hiện trong quá trình làm thủ tục hải quan hoặc sau khi hàng hóa đã được thông quan.
b) Khi thực hiện ấn định thuế, cơ quan hải quan phải ấn định số tiền thuế phải nộp hoặc ấn định từng yếu tố liên quan (lượng hàng, trị giá tính thuế, mã số, thuế suất, xuất xứ, tỷ giá, định mức…) làm cơ sở xác định tổng số tiền thuế phải nộp, được miễn, giảm, hoàn của từng mặt hàng, tờ khai hải quan theo quy định tại Điều 25, Điều 26 Nghị định số 85/2007/NĐ-CP.
Trường hợp ấn định từng yếu tố liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp, cơ quan hải quan phải tính số tiền thuế phải nộp tương ứng với yếu tố ấn định và thông báo cho người nộp thuế biết cùng với kết quả ấn định yếu tố liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp.
c) Thủ tục, trình tự cụ thể:
- Xác định hàng hoá thuộc đối tượng phải ấn định thuế theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều này;
- Xác định cách thức ấn định thuế theo quy định tại Điều 25, Điều 26 Nghị định số 85/2007/NĐ-CP và thực hiện tiếp như sau:
c.1) Trường hợp ấn định tổng số tiền thuế phải nộp:
c.1.1) Kiểm tra, xác định các căn cứ tính thuế (lượng hàng, trị giá, tỷ giá, xuất xứ, mã số, thuế suất) theo quy định của pháp luật về thuế và pháp luật khác có liên quan;
c.1.2) Tính tổng số tiền thuế phải nộp; số tiền thuế chênh lệch giữa số tiền thuế phải nộp với số tiền thuế do người khai thuế đã khai, đã tính và đã nộp (nếu đã nộp);
c.1.3) Ban hành quyết định ấn định thuế, ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính (nếu có).
c.2) Trường hợp ấn định từng yếu tố liên quan làm cơ sở xác định tổng số tiền thuế phải nộp:
c.2.1) Kiểm tra, xác định yếu tố liên quan đảm bảo chính xác, hợp pháp;
c.2.2) Xác định thời điểm tính thuế và/hoặc các căn cứ tính thuế (lượng hàng, trị giá, thuế suất…) trên cơ sở yếu tố liên quan được ấn định và quy định của pháp luật về thuế, pháp luật khác có liên quan. Trường hợp không xác định được thời điểm tính thuế và/hoặc các căn cứ tính thuế cho hàng hóa cùng loại chuyển đổi mục đích sử dụng thuộc nhiều tờ khai hải quan khác nhau, thì số tiền thuế ấn định là số tiền thuế trung bình tính theo quy định của các văn bản pháp luật có hiệu lực tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan và thời điểm ấn định thuế;
c.2.3) Tính số tiền thuế phải nộp; số tiền thuế chênh lệch giữa số tiền thuế phải nộp với số tiền thuế do người khai thuế đã khai, đã tính và đã nộp (nếu đã nộp);
c.2.4) Ban hành quyết định ấn định thuế, ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính (nếu có).
7. Trách nhiệm của cơ quan hải quan:
a) Khi ấn định thuế cơ quan hải quan phải ban hành quyết định ấn định thuế theo mẫu 05 Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư này, đồng thời gửi cho người nộp thuế biết trong thời hạn tám giờ làm việc kể từ khi ký quyết định ấn định thuế;
b) Trường hợp số tiền thuế do cơ quan hải quan ấn định lớn hơn số tiền thuế thực tế phải nộp theo quy định, cơ quan hải quan phải hoàn trả lại số tiền nộp thừa và bồi thường thiệt hại cho người nộp thuế theo quy định hoặc quyết định giải quyết khiếu nại của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc bản án, quyết định của Toà án.
8. Trách nhiệm của người nộp thuế:
a) Người nộp thuế có trách nhiệm nộp đủ số tiền thuế thiếu, số tiền thuế trốn, số tiền thuế gian lận do cơ quan hải quan ấn định, không giới hạn thời hiệu theo đúng quy định tại Điều 107, 108 và 110 Luật Quản lý thuế;
Người nộp thuế có hành vi vi phạm pháp luật về thuế thì bị xử phạt theo quy định. Thời hiệu xử phạt vi phạm pháp luật về thuế thực hiện theo quy định tại Điều 110 Luật quản lý thuế và Nghị định số 97/2007/NĐ-CP ngày 07 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ quy định việc xử lý vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan.
b) Trường hợp không đồng ý với quyết định ấn định thuế của cơ quan hải quan, người nộp thuế vẫn phải nộp số tiền thuế đó, đồng thời có quyền yêu cầu cơ quan hải quan giải thích, khiếu nại, hoặc khởi kiện về việc ấn định thuế theo quy định của pháp luật về khiếu nại, khởi kiện.
1. Tiền thuế, tiền phạt đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được coi là nộp thừa trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 22 Nghị định số 85/2005/NĐ-CP.
2. Hồ sơ, thủ tục xử lý đối với số tiền thuế, tiền phạt nộp thừa quy định tại điểm b khoản 1 Điều 22 Nghị định số 85/2005/NĐ-CP thực hiện theo hướng dẫn tại mục 6 phần V Thông tư này.
3. Việc xử lý đối với số tiền thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, tiền phạt nộp thừa trong trường hợp người nộp thuế có số tiền thuế, tiền phạt đã nộp lớn hơn số tiền thuế, tiền phạt phải nộp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 22 Nghị định 85/2005/NĐ-CP được hướng dẫn như sau:
a) Hồ sơ bao gồm:
a.1) Công văn đề nghị xử lý tiền thuế nộp thừa, tiền phạt nêu rõ số tiền thuế, tiền phạt nộp thừa; số tiền thuế, tiền phạt phải nộp, số tiền thuế, tiền phạt thực tế đã nộp; lý do nộp thừa, cách đề nghị xử lý: 01 bản chính;
a.2) Hồ sơ hải quan và các giấy tờ, tài liệu khác liên quan đến số tiền thuế, tiền phạt nộp thừa: 01 bản sao;
a.3) Chứng từ nộp thuế, nộp phạt: 01 bản sao, xuất trình bản chính để đối chiếu.
b) Cơ quan hải quan nơi người nộp thuế có số tiền thuế, tiền phạt nộp thừa có trách nhiệm tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ do người nộp thuế nộp, đối chiếu với hồ sơ hải quan gốc lưu tại đơn vị, xác định tính thống nhất, hợp lệ và tính chính xác, đúng quy định của hồ sơ và xử lý như sau:
b.1) Trường hợp xác định thực tế số tiền thuế, tiền phạt đã nộp lớn hơn số tiền thuế, tiền phạt phải nộp; kê khai của người nộp thuế là chính xác thì ban hành quyết định xử lý tiền thuế, tiền phạt nộp thừa do có số tiền thuế, tiền phạt đã nộp lớn hơn số tiền thuế, tiền phạt phải nộp theo kê khai của người nộp thuế;
b.2) Trường hợp xác định thực tế số tiền thuế, tiền phạt đã nộp lớn hơn số tiền thuế, tiền phạt phải nộp nhưng kê khai của người nộp thuế về số tiền thuế, tiền phạt nộp thừa chưa chính xác thì thông báo bằng văn bản cho người nộp thuế biết và ban hành quyết định xử lý tiền thuế, tiền phạt nộp thừa do có số tiền thuế, tiền phạt đã nộp lớn hơn số tiền thuế, tiền phạt phải nộp phù hợp với số tiền thuế, tiền phạt nộp thừa đúng theo quy định;
b.3) Trường hợp xác định thực tế không có số tiền thuế, tiền phạt đã nộp lớn hơn số tiền thuế, tiền phạt phải nộp; cơ quan hải quan thông báo bằng văn bản cho người nộp thuế biết, nêu rõ cơ sở xác định không có số tiền thuế, tiền phạt nộp thừa.
c) Trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ đề nghị trả lại tiền thuế, tiền phạt nộp thừa; cơ quan hải quan phải ban hành Quyết định xử lý tiền thuế, tiền phạt nộp thừa do có số tiền thuế, tiền phạt đã nộp lớn hơn số tiền thuế, tiền phạt phải nộp; hoặc thông báo cho người nộp thuế biết về việc kê khai số tiền thuế, tiền phạt nộp thừa chưa chính xác hoặc không có số tiền thuế, tiền phạt nộp thừa.
d) Trên cơ sở Quyết định xử lý tiền thuế, tiền phạt nộp thừa do có số tiền thuế, tiền phạt đã nộp lớn hơn số tiền thuế, tiền phạt phải nộp; cơ quan hải quan nơi người nộp thuế có số tiền thuế, tiền phạt nộp thừa phải thanh khoản số tiền thuế, tiền phạt nộp thừa và ghi rõ trên tờ khai hải quan gốc lưu tại đơn vị và tờ khai hải quan gốc người nộp thuế lưu: "Xử lý tiền thuế, tiền phạt nộp thừa... đồng, theo Quyết định số... ngày... tháng... năm... của..." và thực hiện theo trình tự hướng dẫn tại Điều 130 Thông tư này.
4. Việc xử lý đối với số tiền thuế giá trị gia tăng nộp thừa thực hiện theo hướng dẫn tại điểm c khoản 2 Điều 130 Thông tư này.
1. Trường hợp hàng hoá được thông quan theo quy định tại khoản 1 Điều 25 Luật Hải quan, khoản 1 Điều 12 Nghị định số 154/2005/NĐ-CP; công chức hải quan có thẩm quyền (do Tổng cục Hải quan quy định) quyết định thông quan sau khi hàng hoá đã được nộp thuế (đối với hàng hoá phải nộp thuế trước khi thông quan) và làm xong thủ tục hải quan.
Riêng đối với hàng hoá phải kiểm tra chất lượng hàng nhập khẩu:
a) Trường hợp người khai hải quan đã nộp giấy thông báo miễn kiểm tra hoặc thông báo hàng hoá đạt chất lượng nhập khẩu của cơ quan kiểm tra, công chức hải quan có thẩm quyền (theo quy định của Tổng cục Hải quan) ký, đóng dấu “đã làm thủ tục hải quan” lên tờ khai hải quan trước khi thông quan hàng hoá;
b) Trường hợp người khai hải quan mới nộp giấy đăng ký kiểm tra chất lượng, Lãnh đạo Chi cục Hải quan ghi “hàng chờ kết quả kiểm tra chất lượng” lên tờ khai hải quan. Chủ hàng có trách nhiệm giữ nguyên trạng hàng hoá cho đến khi có kết luận của cơ quan kiểm tra về chất lượng hàng hoá, nộp bổ sung vào hồ sơ hải quan kết luận về chất lượng hàng hoá trong vòng ba mươi ngày kể từ ngày đưa hàng về địa điểm kiểm tra (ghi trên giấy đăng ký kiểm tra chất lượng hàng nhập khẩu) để cơ quan kiểm tra thực hiện kiểm tra.
Cơ quan hải quan có trách nhiệm theo dõi, tiếp nhận kết quả kiểm tra; ký, đóng dấu xác nhận hàng hóa “đã làm thủ tục hải quan” lên tờ khai hải quan trên cơ sở kết luận về chất lượng hàng hoá của cơ quan kiểm tra. Quá ba mươi ngày mà chủ hàng chưa nộp hoặc không nộp bổ sung vào hồ sơ hải quan kết luận về chất lượng hàng hoá của cơ quan kiểm tra thì lập biên bản, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
2. Trường hợp thông quan có điều kiện theo quy định tại khoản 2 Điều 25 Luật Hải quan, Khoản 15 Điều 1 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Hải quan và khoản 2, khoản 3 Điều 12 Nghị định 154/2005/NĐ-CP được thực hiện như sau:
a) Hàng hoá nhập khẩu trong thời gian chờ kết quả giám định để xác định có được nhập khẩu hay không mà chủ hàng có yêu cầu đưa hàng hoá về bảo quản thì Lãnh đạo Chi cục Hải quan chỉ chấp nhận trong trường hợp đã đáp ứng các điều kiện về giám sát hải quan;
b) Hàng hoá được xuất khẩu, nhập khẩu nhưng phải xác định giá, trưng cầu giám định, phân tích phân loại để xác định chính xác số tiền thuế phải nộp thì được thông quan với điều kiện chủ hàng thực hiện nộp thuế trên cơ sở tự kê khai, tính thuế và nộp thuế hoặc được tổ chức tín dụng hoặc tổ chức khác được phép thực hiện một số hoạt động ngân hàng bảo lãnh về số tiền thuế phải nộp, trừ trường hợp hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu được áp dụng thời hạn nộp thuế theo hướng dẫn tại khoản 1, điểm b khoản 2 Điều 18 Thông tư này.
3. Trường hợp hàng hoá được thông quan trên cơ sở kết quả giám định thì kết quả giám định này được áp dụng cho các lô hàng của chính loại hàng đó, do các doanh nghiệp làm thủ tục nhập khẩu sau đó tại cùng Chi cục Hải quan. Hướng dẫn này không áp dụng cho việc giám định để xác định lượng hàng.
1. Hàng hoá xuất khẩu qua cửa khẩu đường biển, đường hàng không, đường sắt, đường thuỷ nội địa: Hải quan cửa khẩu xuất căn cứ vận tải đơn xếp hàng lên phương tiện vận tải (B/L), hoá đơn thương mại (commercial invoice) để xác nhận hàng hoá đã thực xuất khẩu.
2. Hàng hoá xuất khẩu qua cửa khẩu đường bộ, đường sông, cảng chuyển tải Vạn Gia - Quảng Ninh (nếu không có vận tải đơn): Hải quan cửa khẩu xuất căn cứ kết quả giám sát việc hàng hoá xuất khẩu qua cửa khẩu để xác nhận hàng hoá đã thực xuất khẩu.
3. Hàng hoá xuất khẩu gửi kho ngoại quan: Hải quan kho ngoại quan xác nhận “Hàng đã đưa vào kho ngoại quan”.
4. Hàng hoá từ nội địa xuất khẩu vào khu chế xuất hoặc xuất khẩu cho doanh nghiệp chế xuất hoặc xuất khẩu vào khu phi thuế quan: Hải quan quản lý khu chế xuất/doanh nghiệp chế xuất/khu phi thuế quan xác nhận “Hàng đã đưa vào khu chế xuất” hoặc “Hàng đã xuất khẩu cho doanh nghiệp chế xuất” hoặc “Hàng đã đưa vào khu phi thuế quan”.
5. Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ, cơ quan hải quan không xác nhận thực xuất; căn cứ để xác định hàng hoá đã thực xuất khẩu là tờ khai xuất nhập khẩu tại chỗ đã làm xong thủ tục hải quan.
1. Các trường hợp huỷ tờ khai hải quan:
a) Tờ khai hải quan đã đăng ký, hàng hoá được miễn kiểm tra thực tế nhưng quá thời hạn mười lăm ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan mà không có hàng xuất khẩu, nhập khẩu. Cụ thể:
a.1) Quá thời hạn mười lăm ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hàng hoá xuất khẩu mà người khai hải quan chưa đưa hàng đến cửa khẩu xuất;
a.2) Quá thời hạn mười lăm ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hàng hoá nhập khẩu mà người khai hải quan chưa nhận hàng.
b) Quá thời hạn mười lăm ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan mà người khai hải quan chưa xuất trình hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải kiểm tra thực tế để cơ quan hải quan kiểm tra.
2. Trình tự thủ tục huỷ tờ khai hải quan thực hiện như sau:
a) Thực hiện việc huỷ tờ khai hải quan: gạch chéo bằng mực đỏ, ký tên, đóng dấu công chức lên tờ khai hải quan được huỷ;
d) Ghi chú trên hệ thống: tờ khai này đã được huỷ;
e) Lưu tờ khai hải quan được huỷ theo thứ tự số đăng ký tờ khai.
Trường hợp người khai hải quan đề nghị huỷ tờ khai hải quan đã đăng ký thì ngoài thủ tục huỷ như trên, cơ quan hải quan thu hồi tờ khai hải quan (bản lưu người khai hải quan) và lưu lại tờ khai này theo thứ tự số đăng ký tờ khai (nếu người khai hải quan không đăng ký tờ khai hải quan mới) hoặc lưu cùng hồ sơ hải quan mới (nếu người khai hải quan đăng ký tờ khai hải quan mới).
Việc phúc tập hồ sơ hải quan được thực hiện sau khi lô hàng đã được thông quan và hoàn thành phúc tập trong vòng sáu mươi ngày kể từ ngày ký thông quan lô hàng.
Việc kiểm tra sau thông quan được thực hiện theo hướng dẫn tại Phần VI Thông tư này.
GENERAL GUIDANCE ON CUSTOMS PROCEDURES AND TAX ADMINISTRATION
Article 6. Commercial imports and exports
Commercial imports and exports defined in Section 1, Chapter II of Decree No. 154/2005/ND-CP include:
1. Goods imported or exported under goods trading contracts;
2. Goods temporarily imported for re-export;
3. Goods transported from or to border gate;
4. Goods imported or exported by mode of importing raw materials for export production;
5. Goods imported or exported for the performance of processing contracts signed with foreign traders;
6. Goods imported or exported for the implementation of investment projects;
7. Goods imported or exported across the land borders;
8. Goods imported or exported for commercial purposes by organizations (without tax identification 9. numbers or import/export business codes) or individuals;
9. Goods imported or exported by export-processing enterprises;
10. Goods brought into or out of tax suspension warehouses;
11. Goods temporarily imported for re-export or temporarily exported for re-import for participation in trade fairs or exhibitions;
12. Goods temporarily imported for re-export or temporarily exported for re-import which are machinery, equipment and means of transport hired or leased for work construction or investment projects.
Article 7. Prior classification of imports and exports
The procedures for, order of, and competence to conduct, prior classification of imports and exports comply with the Finance Ministry's circular guiding the classification of imports and exports.
Article 8. Prior certification of origin of imports
1. Procedures for prior certification of origin of imports specified in Article 14 of the Government's Decree No. 19/2006/ND-CP of February 20, 2006, detailing the implementation of the Commercial Law regarding origin of goods, are guided as follows:
a/ A dossier of application for prior certification of origin comprises:
a.1. An application for prior certification of origin (made according to a form set by the General Department of Customs), indicating goods' appellations and HS codes, the producing, processing or assembling country and establishment, the exporting country, the FOB price, the expected time of arrival to Vietnam and the route of transportation;
a.2. A list of raw materials and supplies used for goods production, covering such information as goods' appellations and HS codes, origin of raw materials and supplies constituting products and C1F prices of raw materials and supplies:
a.3. Invoices on the sale and purchase of raw materials and supplies used for goods production;
a.4. Other documents: the brief description of the goods production process, the survey certificate, the processing and assembly certificate, the certificate of composition analysis, catalogue, goods samples and photographs to be produced if the above papers do not contain sufficient information for prior certification of origin.
b/ The General Department of Customs shall consider and issue the paper of prior certification of origin as soon as possible within one hundred and fifty working days after the receipt of a complete and valid dossier.
2. A paper of prior certification of origin is valid for one year from the date of issuance and may also apply to goods of the same category of the same producer or exporter for which import procedures are carried out by the applicant for prior certification of origin.
3. Within the validity duration of a paper of prior certification of origin of imports, the customs office may re-consider or annul the validity of this paper and notify the applicant in one of the following cases:
a/ Relevant legal documents are amended or supplemented;
b/ Elements for assessment of goods origin are changed;
c/ There is a disparity between the results of prior certification of origin and the actual origin of goods;
d/ The applicant supplies distorted or false information;
dd/ There are different results of prior certification of origin of goods with regard to origin of goods of the same category of the same producer.
4. The applicant shall notify the customs office which has made prior certification of origin of goods of any change of elements used for assessment of goods origin.
5. The dossier and documents of prior certification of origin shall be kept for 3 yeas after the date of issuance of the paper of prior certification of origin of imports.
6. The prior certification of origin of goods eligible for special preferential tax rates under free trade agreements concluded by Vietnam shall be carried out on the principles on identification of origin laid down for the implementation of these agreements.
7. The collection and payment of charges for prior certification of origin of goods comply with the Finance Ministry's regulations.
8. In case applicants for prior certification of origin fail to supply sufficient necessary information, customs offices shall refuse to make prior certification of origin and notifying in writing their refusal.
9. Information on prior certification of origin of goods shall be archived and kept confidential by customs offices under Article 16 of Decree No. 19/2006/ND-CP.
10. Papers of prior certification of goods origin are only valid for carrying out procedures for customs clearance but not valid for enjoying particularly preferential tax rates.
Article 9. Prior look at goods before customs declaration
Prior look at goods before customs declaration specified at Point b. Clause 1, Article 23 of the Customs Law proceeds as follows:
1. The goods owner sends to the goods keeper a written request for prior look before carrying out customs procedures and, at the same time, notify thereof to the district-level Customs Department for supervision as prescribed.
2. The taking of a prior look at goods is subject to approval of the goods keeper and customs supervision.
3. The goods keeper shall make a written record of the prior look at goods and have it certified by himself/herself, the goods owner and the customs supervisor.
4. Custom offices shall seal up goods after goods owners take a look at goods.
Article 10. Customs declaration
1. Customs declaration (including tax declaration upon carrying out customs procedures) shall be made on the customs declaration form.
For imports, customs declaration shall be made before or within 30 days after the date of goods arrival to a border gate. The date of goods arrival to a border gate is the date indicated on the customs office's stamp appended to the goods declaration (manifest) included in the dossier of means of transport on entry (by sea. air or rail) or the date written on the declaration of means of transport running through the border gate or the mean of transport-monitoring book.
Customs declaration for goods imported or exported by different modes and/or subject to different tax payment time limits shall be made on different imports or exports declaration forms corresponding to their importation or exportation modes or tax payment time limits.
For imports or exports eligible for tax rate reduction, when declaring their tax rates, it is required to indicate the tax rate before reduction and the reduction percentage. For example, automobile tires and tube-tire sets of 900-20 or larger in size are eligible for a reduction of 50% of the value-added tax rate under the Finance Ministry's Circular No. 13/2009/TT-BTC of January 22, 2009, guiding the reduction of value-added tax for a number of commodities and services in which enterprises face business difficulties, therefore, when making customs declaration, it is required to write: 10% x 50% in the "tax rate" column.
2. Responsibilities of customs declarants and taxpayers in making customs declaration and using goods for declared purposes:
a/ To make sufficient, accurate and truthful declaration of elements used as grounds for tax calculation, tax exemption, consideration for tax exemption, reduction or refund or non-collection of import duty, export duty, excise tax and value-added tax:
b/ To determine by themselves and take responsibility before law for the declaration of payable tax amounts, exempted tax amounts, tax amounts considered for exemption, reduction or refund and non-collection of import duty, export duty, excise tax and value-added tax in accordance with law;
c/ To properly use goods not liable to tax and goods eligible for tax exemption, consideration for tax exemption, refund or non-collection of import duty, export duty, excise tax or value-added tax.
In case goods are imported or exported by entrustment or export or through bidding, persons entrusting or soliciting bids for import or export shall use goods for proper purposes as prescribed at Point c of this Clause.
3. Goods identified as being not liable to tax or being exempted or considered for exemption from import duty, export duty, excise tax or value-added tax of which the use purpose is changed or is permitted for change (for cases requiring a competent authority's permission for use purpose change) shall be handled as follows:
a/ Taxpayers shall send to customs offices which have carried out import or export procedures a written notification of the quantity, quality and category of goods of which the use purpose is to be changed;
b/ Within 10 days after the receipt of the written notification from taxpayers, customs offices shall conduct physical inspection and check the actual state of goods notified by taxpayers to have their use purpose changed. Taxpayers may only change the use purpose of goods only after customs offices conduct physical inspection and check the actual state of goods;
c/ Within 10 days after the use purpose of goods is actually changed, taxpayers shall declare payable tax and fine amounts for late payment (if any) according to Form No. 01 in Appendix VI to this Circular to customs offices;
d/ Taxpayers shall fully pay taxes and fines for late payment and fines for administrative violations (if any) for goods which have been identified as being not liable to tax, exempted or considered for exemption from import duty, export duty, excise tax or value-added tax but later have their use purpose changed, within the time limit guided at Point h, Clause 3, Article 18 of this Circular.
dd/ In case taxpayers change the use purpose of goods but fail to make a written notification to custom offices, fail to declare the change within the prescribed time limit or deliberately fail to declare the change to customs offices or the use purpose change is detected by customs offices or other functional agencies through examination, taxpayers will be subject to assessment of payable tax and fine amounts and. depending on the severity of their violations, be handled in accordance with current regulations. Taxpayers shall fully pay deficit tax and fine amounts (if any) according to decisions of customs offices.
1. When carrying out customs procedures for exports, customs declarants shall submit or produce to customs offices a customs dossier comprising the following papers:
a/ The customs declaration: to submit 2 originals;
b/ The goods trading contract or papers of equivalent legal validity (except for goods specified in Clauses 5,7 and 8, Article 6 of this Circular): to submit 1 copy; and the export entrustment contract (for cases of entrusted export): to submit 1 copy;
The goods trading contract must be in Vietnamese or English; if it is made in another language, customs declarants shall also submit its Vietnamese version and take responsibility for translation.
c/ In each of the following specific cases, customs declarants shall additionally submit or produce the following documents:
c.1. The detailed list of goods, for goods of different categories or goods packed differently: to submit 1 original;
c.2. The export permit, for goods requiring such permit: to submit 1 original in case of single exportation or to submit 1 copy and produce the original for comparison or making of a reconciliation-monitoring slip, in case of multiple exportation;
c.3. Other relevant documents as prescribed by law: to submit I original each;
c.4. For goods exempt from export duty, apart from the above papers, the following papers are required:
c.4.1. The list of goods exempt from export duty, enclosed with the reconciliation-monitoring slip already registered with the custom office, for cases subject to registration of such list as guided at Point 1, Article 101 of this Circular: to submit 1 copy and produce the original for comparison and reconciliation;
c.4.2. The written notification of the winning bid or contractor designation, enclosed with the goods supply contract, clearly stipulating that the winning price or goods-supplying price is exclusive of export duty (for organizations and individuals with winning bids for export); or the export entrustment contract, clearly stipulating that the price for goods supply under the entrustment contract is exclusive of export duty (for cases of entrusted export): to submit 1 copy and produce the original for comparison;
c.4.3. Other papers evidencing exports' eligibility for duty exemption;
c.4.4. The list of documents included in the dossier of request for duty exemption.
2. When carrying out customs procedures for imports, customs declarants shall submit and produce to customs offices a customs dossier comprising the following documents:
a/ The customs declaration: to submit 2 originals;
b/ The goods trading contract or papers of equivalent legal validity: to submit 1 copy (except for goods specified at Clauses 5, 7 and 8, Article 6 of this Circular); the import entrustment contract (for cases of entrusted import): to submit 1 copy;
The goods trading contract must be in Vietnamese or English, if it is made in another language, customs declarants shall also submit its Vietnamese version and take responsibility before law for the translation.
c/ Commercial invoices (except for goods specified in Clause 8, Article 6, of this Circular): to submit 1 original;
d/ Bill of lading (except for goods specified in Clause 7, Article 6 of this Circular, goods sold and purchased between non-tariff zones and the inland): to submit 1 copy of the original or the master copy bearing the word "copy" or "surrendered";
For goods imported by international post, if no bill of lading is available, customs declarants shall write codes of postal parcels or items on customs declarations or submit the list of postal parcels or items made by the post.
For goods imported for oil and gas exploration and exploitation and transported on service ships (other than commercial ships), the cargo manifest shall be submitted in replacement of the bill of lading.
e/ In each of the following specific cases, customs declarants shall additionally submit or produce the following papers:
e.1. The detailed list of goods, for goods of different categories or goods packed differently: to submit 1 original or copy of equivalent validity such as telegraph, fax, telex, data message or other formats as prescribed by law;
e.2. The written examination registration, notice of examination exemption or notification of examination results issued by a technical organization designated to carry out quality examination, the agency in charge of food hygiene and safety examination or the quarantine agency (below referred to as examination agency), for imports on the list of products and goods subject to examination of quality and food hygiene and safety, animal quarantine or plant quarantine: to submit 1 original;
e.3. The certificate of survey, for goods cleared from customs procedures on the basis of survey results: to submit 1 original;
e.4. The declaration of imports' value, for goods subject to value declaration under the Finance Minister's Decision No. 30/2008/QD-BTC of May 21, 2008, promulgating declaration forms of the dutiable value of imports and exports and providing declaration guidance: to submit 2 originals;
e.5. The import permit, for goods requiring such permit: to submit 1 original, for single importation, or submit 1 copy and produce the original for comparison and making of a reconciliation-monitoring slip, for multiple importation;
e.6. The certificate of origin (C/O): to submit 1 original in the following cases:
e.6.1. Goods originated from countries or groups of countries which have concluded agreements on the application of particularly preferential tax rates with Vietnam (except for imports with an FOB value not exceeding USD 200) as prescribed by Vietnamese laws and treaties which Vietnam has signed or acceded to, if the importer wishes to enjoy these preferential regimes;
e.6.2. Imports which Vietnam and international organizations announce to be presently likely to cause harms to social safety, public health or environmental sanitation and need to be controlled;
e.6.3. Goods imported from countries against which Vietnam announces to apply anti-dumping tax, countervailing duty, anti-discrimination tax, safeguard measures or tariff quotas;
e.6.4. Imports subject to import management prescribed by Vietnamese laws or bilateral or multilateral treaties to which Vietnam is a contracting party;
The C/O already submitted to a customs office may neither be modified nor replaced, except for modification or replacement made by the agency or organization competent to issue this C/O within a law-prescribed time limit.
e.7. For goods exempt from import duty specified in Article 100 of this Circular, the following papers are required:
e.7.1. The list of goods exempt from import duty, enclosed with the reconciliation-monitoring slip already registered with the custom office, for cases subject to registration of such list as guided at Point 1, Article 101 of this Circular: to submit 1 copy and produce the original for comparison and reconciliation;
e.7.2. The written notification of the winning bid or contractor designation, enclosed with the contract on goods supply, clearly stipulating that the winning price or goods-supplying price is exclusive of import duty (for organizations and individuals with winning bid for import); or the import entrustment contract, clearly stipulating that the price for goods supply under the entrustment contract is exclusive of import duty (for cases of entrusted import): to submit 1 copy and produce the original for comparison;
e.7.3. For projects in sectors eligible for investment incentives and employing a regular workforce of between 500 and 5,000 laborers, the following papers are required:
- The project's feasibility study report showing that when the project is put into operation, it will employ a regular workforce of between 500 and 5.000 laborers;
- A commitment to take responsibility before law for the employment of a regular workforce of between 500 and 5,000 laborers.
e.7.4. Other papers evidencing imports' eligibility for duty exemption;
e.7.5. The list of papers and documents included in the dossier of application for duty exemption.
e.8. The declaration for certification of nonrefundable aid. made by a finance agency according to the Finance Ministry's Circular No. 82/2007/TT-BTC of July 12,2007, guiding the state financial management applicable to foreign non-refundable aid belonging to state budget and non-refundable aid goods which are not liable to import duty, excise tax or value-added tax: to submit 1 original:
In cases the owner or principal contractor of a non-refundable ODA-funded project is not liable to import duty, export duty, value-added tax or excise tax as prescribed by law. the written notification of the winning bid or contractor designation, enclosed with the goods supply contract clearly stipulating that the winning price or goods-supplying price is exclusive of import duty (for organizations and individuals with winning bid for import); the import entrustment contract, clearly stipulating that the goods-supplying price under the entrustment contract is exclusive of import duty (for cases of entrusted import): to submit 1 copy and produce the original for comparison.
e.9. The certificate of registration for trading in animal breeds or plant varieties, granted by a state management agency, for animal breeds or plant varieties not liable to value-added tax: to submit 1 copy and produce the original for comparison;
e.10. For goods not liable to value-added tax being domestically unavailable machinery, equipment and supplies which need to be imported for use in scientific research and technological development activities; domestically unavailable machinery, equipment, spare parts, special-use vehicles and supplies which need to be imported to conduct oil and gas survey, exploration and development activities; domestically unavailable aircraft, drilling platforms and ships which need to be imported to create fixed assets of enterprises or hired from foreign countries for use in production and business activities and for lease, the following papers are required:
e.10.1. The written notification of the winning bid or contractor designation and the contract on the sale of goods to enterprises according to bidding results (clearly stating that the payment price is exclusive of value-added tax), for goods not liable to value-added tax and imported by the winning bidder or the establishment designated to supply goods: to submit 1 copy and produce the original for comparison;
e.10.2. The import entrustment contract, clearly stating that the goods-supplying price under the entrustment contract is exclusive of value-added tax (for cases of entrusted import): to submit 1 copy and produce the original for comparison;
e.10.3. The document made by a competent agency assigning the tasks of implementing scientific research and technological development programs, projects or schemes to organizations or the contract between the party ordering the performance of scientific and technological tasks and the party performing these tasks, enclosed with the written certification of the enterprise's representative or the head of the scientific research agency and written commitments on the use of imports for scientific research and technological development, for cases of importing goods for scientific research and technological development: to submit 1 original;
e.10.4. The written certification and commitment of the enterprise's representative on the use of domestically unavailable machinery, equipment, spare parts, special-use vehicles and supplies which need to be imported to conduct oil and gas survey, exploration and development: to submit 1 original;
e.10.5. The written certification and commitment of the enterprise's representative on the use of domestically unavailable aircraft, drilling platforms and ships which need to be imported to create fixed assets of the enterprise or hired from foreign countries for use for production and business and for sub-lease: to submit 1 original;
e.10.6. The lease contract signed with a foreign party, for cases of hiring domestically unavailable aircraft, drilling platforms and ships which need to be hired from foreign countries for production and business activities or for sub-lease: to submit 1 original;
e.11. The certification of the use of imports for defense purposes, made by the Ministry of Defense, or for security purposes, made by the Ministry of Public Security, for weapons and special-use ammunitions imported in direct service of defense or security which are not liable to value-added tax: to submit 1 original;
e.12. The written registration of supplies and materials imported for export production (to be submitted upon registration of materials and supplies used for export production under the guidance in Article 32 of this Circular. When carrying out customs procedures, enterprises are not required to submit this registration; customs offices shall use its copy filed at their offices);
e.13. The written registration of supplies and materials imported for producing goods for domestic consumption, for the case of importing goods on the list of consumer goods promulgated by the Ministry of Industry and Trade but using these goods as supplies and materials for directly producing goods for domestic consumption (if enterprises wishing to apply the tax payment time limit of 30 days for these goods, before importing these goods, they shall make registration with customs offices as for materials and supplies used for export production under the guidance in Article 32 of this Circular. When carrying out customs procedures, enterprises are not required to submit this registration; customs offices shall use its copy filed at their offices).
3. The dossier used for identification of non-dutiable commercial imports or exports is the customs dossier specified in this Article.
Article 12. Modification of customs declarations and making of additional declarations in customs dossiers
1. The modification of customs declarations and making of additional declarations in customs dossiers may be carried out in the following cases:
a/ Modifying customs declarations before the time of conducting physical inspection of goods or making a decision to waive the physical inspection with respect to errors which do not affect payable tax amounts;
b/ Making additional declarations in the customs dossier before the time the customs office conducts physical inspection of goods or making a decision on physical inspection exemption;
c/ Making additional declarations to the customs dossier within 60 days from the date of customs declaration registration with respect to errors which affect payable tax amounts, provided that following conditions are fully met:
c.1. Errors are detected and declared by the taxpayer or customs declarant himself/herself to the customs office;
c.2. Errors are declared within 60 days after the date of customs declaration registration but before the customs office carries out tax examination or inspection at the taxpayer's office;
c.3. There are errors in the calculation of payable tax amounts; errors in the value, origin, code, tax rate and payable tax amounts declared in the customs dossier already submitted to the customs office;
c.4. The customs declarant or taxpayer has sufficient grounds to prove and the customs office has adequate grounds and conditions to examine and certify the truthfulness, accuracy and lawfulness of additional declarations.
2. Contents of modification and additional declarations include:
a/ Additional declaration of information used as grounds for determining tax calculation elements and bases or identifying objects not liable to tax or objects eligible for tax exemption, consideration for tax exemption, reduction, refund or non-collection;
b/ Additional declaration of payable tax amounts, paid tax amounts, deficit tax amounts or overpaid tax amounts (if any), fines for late payment of tax amounts to be paid under additional declaration (if the taxpayer has failed to pay tax under the additional declaration within the prescribed time limit) for each goods item and the whole customs declaration; commitments on the accuracy and lawfulness of documents and the additional declaration dossier;
c/ Modifying and additionally declaring other information on the customs declaration form.
3. A dossier of modification or additional declaration comprises:
a/ A document on modification or additional declaration (made according to Form No. 02 in Appendix VI to this Circular): to submit 2 originals;
b/ Enclosed papers to prove the modification or additional declaration.
4. Processing of modification or additional declaration dossiers:
a/ Responsibilities of customs declarants:
a.1. To accurately, truthfully and adequately declare additional elements and grounds in the additional declaration document;
a.2. To calculate taxes and fines for late payment (if any) to be paid as a result of additional declaration;
a.3. To submit a complete dossier to the customs office within the time limit for modification or additional declaration prescribed in Article 34 of the Law on Tax Administration and Clause 2, Article 22 of the Customs Law;
a.4. To abide by the customs office's request written in the modification or additional declaration document;
a.5. In case the additional declaration leads to an increase in payable tax amounts, taxpayers shall fully pay taxes and fines for late payment (if any) within the prescribed time limit;
a.6. In case the additional declaration leads to an decrease in payable tax amounts, taxpayers may request customs offices to which additional declarations are made to handle the overpaid tax amount under the guidance in Article 24 of this Circular.
b/ Responsibilities of customs offices:
b.1. To clearly write the hour and date of receipt of modification or additional declaration dossiers, for cases of modification or additional declaration under Point a. Clause 2, Article 34 of the Law on Tax Administration and Clause 2, Article 22 of the Customs Law. To clearly write the date of receipt of additional declaration dossiers, for cases of additional declaration under Point b. Clause 2, Article 34 of the Law on Tax Administration:
b.2. To check the completeness and accuracy of modification or additional declaration dossiers and write the results on the modification or the additional declaration document and return one copy thereof to the customs declarant and keep one copy;
b.3. To notify the results of examination of modification or additional declaration dossiers within the following time limits:
b.3.1. Within 8 working hours after the receipt of a complete dossier of modification or additional declaration, for cases of modification or additional declaration before the customs office conducts physical inspection of goods or makes a decision on physical inspection exemption;
b.3.2. Within 5 working days after the receipt of a complete dossier of additional declaration, for cases of making additional declaration within 60 days after the date of customs declaration registration but before the custom office conducts tax examination or inspection at the taxpayer's head office.
5. In case customs declarants or taxpayers detect by themselves errors in the submitted tax declaration dossier (errors in the calculation of the payable tax amount and errors in the value, origin, code, tax rate or payable tax amount); make declaration before customs offices conduct tax examination or inspection at their head offices but beyond the time limit of 60 days from the date of custom declaration registration; or customs declarants or taxpayers have sufficient grounds to evidence and customs offices obtain adequate grounds and conditions to examine and certify the accuracy and lawfulness of the declaration:
a/ Customs declarants or taxpayers shall make declaration as in the case of additional declaration guided in Clauses 2 and 3, and Point a, Clause 4, of this Article; fully pay the deficit tax amount within the time limit as for tax amounts declared and calculated by themselves when carrying out customs procedures and fines for late payment (if any) and comply with the customs-offices decision on sanctioning administrative violations;
b/ Customs offices shall receive and examine declaration dossiers of customs declarants or taxpayers as in the case of additional declaration guided at Point b. Clause 4 of this Article; handle administrative violations under regulations and take notes of the sanctioning on the additional declaration document.
Article 13. Replacement of customs declarations
Customs declarations may only be replaced upon change of the importation or exportation mode and before the time of conducting physical inspection of goods or making a decision or, exemption from the physical inspection of goods Customs procedures shall be carried out as follows:
1. The customs declarant shall send to the district-level Customs Department with which the customs declaration was registered a written explanation on the replacement of the registered declaration;
2. The head of the district-level Customs Department with which the customs declaration was registered shall consider the explanations given by the customs declarant; if considering that they are reasonable and detecting no signs of trade fraud, he/she shall approve the request of the customs declarant and assign a customs officer to:
a/ Withdraw the registered declaration;
b/ Cancel the registered declaration: crossing out the declaration with a red-ink pen. signing and appending his/her seal to 2 copies of the cancelled declaration;
c/ Register a new customs declaration. The new custom dossier comprises the new customs declaration, documents accompanying the goods lot and the cancelled customs declaration (the copy kept by the customs declarant);
d/ Take notes in the system: This declaration is replaced with declaration No... dated...;
e/ File the cancelled customs declaration (the copy filed by the customs office), and the customs declarant's written request for replacement of the customs declaration by registration number of the customs declaration.
Article 14. Customs inspection in the process of carrying out customs procedures
1. Inspecting in the process of carrying out customs procedures includes: examination of customs dossiers, tax examination and physical inspection of goods.
2. Contents of inspection in the process of carrying out customs procedures
a/ Examining goods appellations and codes as prescribed in the Finance Ministry's circular guiding the classification of imports and exports.
b/ Examining the quantity of goods. For goods items of which the quantity cannot be determined by manual methods or equipment of customs offices (such as goods in liquid form, bulk goods or goods lots of large quantity), customs offices shall base themselves on survey results of traders providing survey services (below referred to as survey traders) to identity their quantity.
c/ Examination of goods quality (including examination of food hygiene and safety), specifically:
c.1. For goods on the list of those subject to quality examination
c.1.1 . For imports: Custom offices shall carry out customs procedures on the basis of the written registration for quality examination, the notice of examination exemption for the goods lot or the written conclusion on the goods lot's conformity with import quality standards made by an examination agency.
c.1.2 . For exports: customs offices shall carry out customs procedures on the basis of the written conclusion on the goods lot's conformity with export quality standards made by an examination agency.
c.2 . For goods outside the list of those subject to quality examination
c.2.1 . If customs offices, with their devices and equipment, cannot determine goods quality for the management of imports and exports, they shall, together with goods owners, take samples of goods or request goods owners to supply technical documents (catalogs) and reach agreement with goods owners in the selection of a survey trader to conduct a survey. The conclusions of the survey trader are binding on involved parties.
c.2.2 . If customs declarants and custom offices fail to reach agreement on the selection of a survey trader, customs offices shall select a designated technical organization to conduct examination in service of the state management or a survey trader (in case the technical organization designated to conduct the examination issues a written refusal). Conclusions of the technical organization designated to conduct examination in service of state management or survey trader are binding on involved parties. If customs declarants disagree with such conclusions, they may lodge complaints in accordance with law.
d . Examination of origin of goods on the basis of the actual state of goods, customs dossiers and information on goods under Article 15 of the Government's Decree No. 19/2006/ND-CP of February 20. 2006. and other relevant guiding documents.
Examination results shall be processed as follows:
d.1. If the actual origin of imports differs from that declared by customs declarants but still belongs to the group of countries or territories giving the most favored nation treatment to Vietnam, customs offices shall still apply preferential duty rates as prescribed and. depending on the nature and severity of violations, handle violators in accordance with law;
d.2. If doubting about the origin of goods, customs-offices may request customs declarants to supply more documents to evidence the origin of goods or request a competent agency of the exporting country to give certification. The examination and verification of the origin of goods must be completed within 150 days after customs declarants submit a complete and valid dossier set. Pending the availability of examination results, goods ineligible for tariff incentives but allowed for enjoy customs clearance under ordinary customs procedures;
The time limit for consideration and settlement of problems related to the origin of goods or for consideration and acceptance of a C/O is three hundred and sixty five days after the date of submission of the C/O to customs offices or the date customs offices have doubts about violations related to the origin of goods.
If customs declarants submit a C/O granted for the whole goods lot but import only part of the goods lot, customs offices shall accept this C/O for the volume of actually imported goods.
e/ Tax examination, covering the following contents:
e.1. Examining conditions for application of coercive measures and tax payment time limit as prescribed;
e.2. Examining grounds used to determine that goods are not liable to tax in case customs declarants declare that goods are not liable to import duty, export duty, value-added tax or excise tax;
e.3. Examining grounds used to determine that goods are eligible for tax exemption, consideration for tax exemption or reduction in case customs declarants declare that goods are eligible for tax exemption or consideration for tax exemption or reduction;
e.4. Examining tax bases used for determining payable tax amounts and calculating payable tax amounts in case imports or exports are liable to tax on the basis of examination results specified at Points a. b. c and d of this Clause or the results of examination and determination of tax calculation values under the guidance in the Finance Ministry's Circular No. 40/2008/TT-BTC of May 21, 2008. guiding the implementation of the Government's Decree No. 40/2007/ND-CP of March 16, 2007. providing for customs valuation of imports and exports, and other relevant grounds.
3. The competence to determine the form and level of examination shall be decided by directors of provincial-level Customs Departments or heads of district-level Customs Departments which receive and process customs dossiers.
4. In the process of carrying out customs procedures for an import or export lot, based on the actual state of the goods lot and newly collected information, directors of provincial-level Customs Departments or heads of district-level Customs Departments shall decide to change the form and level of inspection already decided and take responsibility for the change.
5. After the physical inspection of goods completes, customs officers who conduct the inspection shall record inspection results under the guidance of the General Department of Customs.
Article 15. Sampling, sample storage and archival of photographs of imports
1. Samples of imports shall be taken in the following cases:
a/ Customs declarants request the sampling in service of customs declaration;
b/ Goods must be sampled to meet customs management requirements, including: raw materials and supplies imported for export processing or production; processed products for export; exports which are returned for re-processing (except for goods which cannot be sampled, fresh and live goods, precious metals and gems);
c/ Imports of which samples must be taken for analysis or assessment at the request of customs offices.
2. The sampling shall be decided by heads of district-level Customs Departments on a case-by-case basis.
3. Sampling procedures
a/ Samples shall be taken on the basis of written request of the customs declarant or the customs office. A written request for the taking of samples shall be made in two copies, one to be kept together with the sample and the other kept at the requesting unit. The General Department of Customs shall provide for the form of this written request.
b/ Samples shall be taken in the presence of representatives of the goods owner and customs office, and be signed and sealed up by the two parties.
c/When handing over samples, it is required to make a hand-over record signed by involved parties.
4. Samples shall be taken at the minimum necessary level.
5. Places of sample storage
a/ Samples analyzed by the Imports and Exports Analysis and Classification Center shall be stored at this Center.
b/ Samples taken by district-level Customs Departments to serve related professional operations shall be stored at these Customs Departments.
c/ Samples of raw materials imported for export processing or production and samples of reprocessed goods shall be stored by enterprises according to regulations.
6. Duration of sample storage
a/ Samples shall be stored at the Imports and Exports Analysis and Classification Center or district-level Customs Departments for 90 days after the date of customs clearance. If any dispute or complaint arises, samples shall be stored until this dispute or complaint is settled.
b/ Samples of raw materials for export processing or production shall be stored at enterprises until customs offices complete the liquidation of processing contracts and import declarations for raw materials.
7. The archival of photographs of imports shall be decided on a case-by-case basis by heads of district-level Customs Departments in order to meet customs management requirements. Archived photographs must have the numbers of customs declarations, be signed and sealed up by customs officers and signed by goods owners on their back and filed together with customs dossiers.
Article 16. Supervision of imports, exports and goods in transit; and means of transport on entry, exit or in transit
1. Customs supervision of imports, exports and goods in transit; and means of transport on entry and exit or in transit shall be carried out under Article 26 of the Customs Law and Articles 13 and 14 of Decree No. 154/2005/ND-CP.
2. The General Director of Customs shall provide specific guidance on measures and duration of supervision applicable to each type of imports, exports and goods in transit; and means of transport on entry and exit or in transit.
Article 17. Tax payment currencies
Taxes on imports and exports shall be paid in Vietnam dong. In case of paying taxes in a foreign currency, taxpayers shall pay taxes in a freely convertible foreign currency as prescribed. Foreign currencies shall be converted into Vietnam dong at the average exchange rate on the inter-bank foreign currency market announced by the State Bank of Vietnam at the time of tax calculation.
Article 18. Tax payment time limits
1. For goods exported under sale and purchase contracts, the time limit for tax payment is 30 days from the date of customs declaration registration (except for exported crude oil for which the time limit for tax payment complies with the Finance Ministry's Circular No. 32/2009/TT-BTC of February 19. 2009, guiding taxes applicable to organizations and individuals conducting oil and gas survey, exploration and exploitation under the Petroleum Law).
2. For imports
a/ For imports on the list of consumer goods promulgated by the Ministry of Industry and Trade, taxes must be fully paid before receiving goods, except the following cases:
a.1/ If taxpayers have obtained a guarantee for payable tax amounts, the time limit for tax payment coincides with the guarantee term but must not exceed 30 days from the date of customs declaration registration;
The provision of guarantee complies with Article 19 of this Circular.
a.2/ For goods on the list of consumer goods promulgated by the Ministry of Industry and Trade imported for security, defense, scientific research, education or training purposes eligible for tax exemption, pending the performance of tax exemption procedures, the tax payment time limit is 30 days from the date of goods receipt.
In case goods are identified through examination as ineligible for tax exemption, taxpayers shall re-count the tax payment time limit from the date of goods receipt and determine and pay fines for late payment according to regulations.
b/ In case taxpayers satisfy the conditions specified in Clause 5. Article 3 of this Circular
b.1/ For supplies and materials imported for export production (including goods on the list of consumer goods promulgated by the Ministry of Industry and Trade used as supplies and materials for export production), the time limit for tax payment is two hundred and seventy five days, counting from the date of customs declaration registration.
In special cases in which the production circle or the reserve duration of supplies and materials must last for more than two hundred and seventy five days such as shipbuilding; manufacture of mechanical products, rearing of aquatic animals or pearl oysters; and processing of seasonally harvested agricultural products, the tax payment time limit may extend to more than two hundred and seventy five days. The extension duration must not exceed the deadline for goods delivery indicated in the contract on export of products produced from imported materials or supplies for which the tax payment time limit is proposed for extension of the production circle.
To enjoy a tax payment time limit exceeding two hundred and seventy five days, apart from the customs dossier guided in Clause 2, Article 11 of this Circular, taxpayers shall submit to customs offices with which customs declarations have been registered the following papers:
- The original written request for application of a tax payment time limit exceeding two hundred and seventy five days in each specific case in conformity with the practical reserve of materials and supplies, clearly stating the reason, the proposed tax amount, the proposed extension duration, description of the production process and time;
- A copy of the paper evidencing the extension of the time limit for goods delivery stated in the product export contract, if the extension of the tax payment time limit is attributed to the fact that the time limit for goods delivery stated in the product export contract must be prolonged.
District-level Customs Departments with which customs declarations of imports have been registered shall receive, preliminarily examine and process dossiers as follows:
- If the dossier is complete and valid, they shall report the case to the provincial-level Customs Department for the latter to consider and approve the prolongation of the tax payment time limit to more than two hundred and seventy five days. In case of ineligibility for application of a tax payment time limit exceeding two hundred and seventy five days, they shall make a written reply to the taxpayer;
- In case of necessity to carry out examination to identify the production circle or reserve duration of supplies and raw materials, provincial-level Customs Departments shall coordinate with tax offices and relevant agencies in conducting examination. Examination results must be presented in a written record, clearly stating the production circle which necessitates the prolongation of the tax payment time limit.
b.2. For goods imported by mode of temporary import for re-export, the time limit for tax payment is 15 days from the deadline for temporary import for re-export (applicable also to cases of extension).
b.3. In case taxpayers import materials and supplies for export production but re-export or use them for domestic consumption or fail to export products; or import goods by mode of temporary import for re-export but later use them for domestic consumption, they shall pay tax within the time limit as required for consumer goods (if such goods are consumer goods) or within 30 days and pay fines for late payment (if any).
In case taxpayers import materials and supplies for export production but fail to export products within the tax payment time limit or import goods by mode of temporary import for re-export but fail to re-export these goods within the tax payment time limit, fines for late payment shall be imposed for the period from the tax payment deadline to the date of actual export/re-export or to the date of actual tax payment (if the date of actual tax payment preceeds the date of actual export/re-export).
b.4. For other cases (including goods on the list of consumer goods promulgated by the Ministry of Industry and Trade and imported for use as production supplies and materials), the tax payment time limit is 30 days from the date of customs declaration registration.
Conditions for imports to be identified as being on the list of consumer goods promulgated by the Ministry of Industry and Trade and imported for use as production supplies or materials:
- Being imported directly by enterprises themselves;
- Being conformable with enterprises' production lines and demands in terms of product quantity and categories. For example, confectionery enterprises import sugar and milk; garment enterprises import fabrics.
c/ In case taxpayers fail to satisfy the conditions specified in Clause 5. Article 3 of this Circular
c.1. If obtaining a guarantee for the payable tax amount, the tax payment time limit will accord with the guarantee term but must not exceed the time limit prescribed for each case guided at Point b of this Clause.
The provision of guarantee complies with Article 19 of this Circular.
c.2. If obtaining no guarantee for the payable tax amount, taxpayers shall fully pay tax before receiving goods.
c.3. For goods imported in direct service of security, defense, scientific research and education and training and eligible for import duty exemption, the tax-payment time limit is 30 days from the date of customs declaration registration by taxpayers.
In case goods are identified through examination as being ineligible for tax exemption, the tax payment time limit shall be counted from the date of goods receipt and taxpayers shall pay fines for late payment according to regulations.
3. For other imports or exports
a/ For goods imported or exported not under trading contracts and goods imported and exported by border inhabitants, taxes must be fully paid before goods are exported abroad or imported into Vietnam.
b/ For imports or exports still under customs supervision but seized by a competent state agency for investigation and handling, the tax payment time limit in each specific case will comply with this Article and be counted from the date the competent state agency issues a written permission for the lease of temporarily seized goods.
c/ For imports and exports for which customs declarations are registered once for several importations or exportations, the tax payment time limit in each specific case will comply with this Article and be counted from the date goods are actually imported or exported.
d/ In case it is required to survey technical standards, goods quality, quantity and category (identifying goods' appellations and tariff codes, goods quality and quantity, technical standards and current state) to ensure accurate tax calculation, the time limit for payment of tax amounts under declaration will comply with this Article.
e/ For tax amounts assessed by customs offices
e.1/ In case goods have been cleared from customs procedures, the time limit for payment of the difference between the tax amount assessed by customs offices and the tax amount calculated and declared by taxpayers when carrying out customs procedures is 10 days after customs offices sign a document on assessment of the payable tax amount.
e.2/ In case goods have not yet been cleared from customs procedures, the time limit for payment of the assessed tax amount (including the difference between the tax amount assessed by customs offices and the tax amount calculated and declared by taxpayers when carrying out customs procedures) will comply with this Article.
f/ In case of making additional declarations to tax declaration dossiers and declaration and payment of deficit tax amounts under the guidance in Article 12 of this Circular, the tax payment time limit will comply with this Article as for the tax amount declared when carrying out customs procedures.
g/ For non-dutiable imports and exports (except goods imported from abroad into non-tariff zones and then imported into the domestic market which are subject to the tax payment time limit guided in Clause 2 of this Article) or imports or exports exempted from duty or already allowed for duty exemption but later used or permitted for use (in case permission of competent agencies is required) for purposes other than those determined as non-dutiable or eligible for duty exemption or duty exemption consideration, the time limit for payment of tax amounts not yet collected, already exempted or allowed for exemption and fines (if any) is 10 days after the deadline for declaration of payable tax amounts due to use purpose change under Clause 3, Article 10 of this Circular.
If having no grounds to identify the time when the use purpose of goods is changed, the time limit for tax payment and determination of fines for late payment shall be counted from the date of first-time registration of customs declarations.
Past the tax payment time limit, if taxpayers still fail to fully pay taxes into the state budget, they shall be fined for late payment. If, past 90 days from the tax payment deadline, taxpayers still fail to fully pay taxes, they will, apart from being fined for late payment, be subject to coercive measures according to regulations.
Article 19. Guarantee for payable tax amounts
1. Guarantee for payable tax amounts may be provided in either of the following forms: single guarantee or multiple guarantee.
a/ Single guarantee means commitment to make full tax payment for a single import declaration.
b/ Multiple guarantee means commitment to make full tax payment for two or more import declarations registered at a district-level Customs Department.
2. Customs offices shall accept guarantee if the following conditions are fully met:
a/ The guarantor is a credit institution set up and operating under the Law on Credit Institutions which shall take responsibility for its eligibility for guarantee provision as prescribed by law;
b/ Having a contract on the provision of guarantee for the payable tax amount (signed between the guarantor and the taxpayer) and a letter of guarantee issued by the guarantor to the concerned customs office to affirm its capability and commitment to pay tax and fine for late payment for the taxpayer if. past the tax payment deadline, the taxpayer still fails to fully pay tax;
c/ The letter of guarantee clearly states the guaranteed tax amount.
3. Procedures for provision of single guarantee
a/ When carrying out procedures for an import lot, the taxpayer shall submit a copy and produce the original guarantee provision contract and submit the original written request for acceptance of guarantee and the letter of guarantee issued by the guarantor.
b/ The letter of guarantee must have the following principal details:
b.1/ Names, tax identification numbers, addresses, telephone numbers and fax numbers of the guaranteed taxpayer, the guarantor and the guarantee-accepting customs office.
b.2/ Purpose of guarantee.
b.3/ The scope of guarantee: the guaranteed customs declaration or the number of the contract, invoice, bill of lading of the goods lot under guarantee, in case of providing guarantee before customs procedures are carried out.
b.4/ The date of guarantee provision and the guaranteed amount.
b.5/ Commitments of the guarantor, clearly stating that the guarantor shall pay tax and fine for late payment for the taxpayer under the guidance at Point b. Clause 2 of this Article.
b.6/ The time limit for payment of the guaranteed tax amount.
c/ Customs offices shall examine guarantee conditions under the guidance in Clause 2 above and deal with the guarantee as follows:
c.1/ To determine the tax payment time limit for goods under guarantee according to regulations which must not exceed the tax payment time limit guided at Point a or b. Clause 2. Article 18 of this Circular;
c.2/ In case the guaranteed tax amount is smaller than the payable tax amount, the customs office shall effect customs clearance for the goods volume corresponding to the guaranteed tax amount, if the taxpayer wishes to have the whole goods lot cleared from customs procedures, he/she shall pay the difference between the guaranteed tax amount and the payable tax amount before receiving goods;
c.3/ In case the guarantee conditions are not fully met, the customs office shall send to the taxpayer a written notification of the refusal of guarantee. If having doubts about the truthfulness of the letter of guarantee or guarantee provision contract, the customs office shall send a document to the guarantee-providing credit institution for verification.
d/ Monitoring and handling the guarantee
d.1/ Past the tax payment time limit, if the taxpayer still fails to fully pay the guaranteed tax amount, the guarantor shall pay tax and fine for late payment (if any) for the taxpayer.
d.2/ If the guarantor fails to pay tax and fine (if any) for the taxpayer, the customs office shall send a document to the guarantor to request the latter to perform guarantee obligations (made according to Form No. 04. Appendix VI to this Circular) and. at the same time, reject guarantee provided by that guarantor for subsequent import lots of all organizations and individuals nationwide; the guarantor shall be sanctioned according to regulations.
The customs office which detects violations committed by the guarantor shall notify these violations in writing or through the electronic data system (if such a system exists) to other customs units nationwide for handling according to regulations.
d.3/ If both the taxpayer and the guarantor pay tax and fine, the overpaid tax amount shall be refunded to the guarantor.
4. Procedures applicable to multiple guarantees
a/ Before carrying out customs procedures for imports, the taxpayer shall send to the district-level Customs Department a written request for acceptance of multiple guarantee for imports, made according to Form No. 03. Appendix VI to this Circular.
b/ The letter of guarantee must have the following details:
b.1/ Names, tax identification numbers, addresses, telephone numbers and fax numbers of the guaranteed taxpayer, the guarantor and the guarantee-accepting custom office;
b.2/ Purpose of guarantee;
b.3/ The guaranteed tax amount;
b.4/ The scope of guarantee: clearly stating that guarantee is provided for the taxpayer's import lot with customs declarations registered from .. to...:
b.5/ The date of guarantee provision;
b.6/ The district-level Customs Department accepting the guarantee;
b.7/ Commitments of the guarantor as guided at Point b. Clause 2 of this Article.
c/ The customs office shall examine guarantee conditions guided in Clause 2 of this Article, If guarantee conditions are fully met. it shall accept multiple guarantee for imports declarations registered by the taxpayer within the guarantee term stated in the letter of guarantee as proposed by the taxpayer and. at the same time, determine the tax payment time limit for each goods lot as prescribed.
In case guarantee conditions are not fully met, the customs office shall send to the taxpayer a written notification of the refusal of guarantee.
If having doubts about the truthfulness of the letter of guarantee or guarantee provision contract, the customs office may consult in writing the guarantor for verification and handling.
d/ The monitoring and handling of guarantee shall be carried out under Point d. Clause 3 of this Article and reconciliation must be made to ensure the balance between the guaranteed tax amount and the total payable tax amount. If the remaining guaranteed amount is smaller than the payable tax amount, the custom office shall effect customs clearance for the goods volume corresponding to the guaranteed tax amount and. at the same time, suspend the multiple guarantee and notify the taxpayer and the guarantor thereof. If the taxpayer wishes to have the whole goods lot cleared from customs procedures, he/she shall pay the deficit tax amount not yet guaranteed before receiving goods.
Article 20. Places and modes of tax payment
1. Taxpayers shall pay taxes for imports and exports directly to the State Treasury or via commercial banks, credit institutions or other service organizations according to Article 44 of the Law on Tax Administration.
2. In case taxpayers pay taxes in cash but the State Treasury does not set up tax collection counters at places of carrying out customs procedures, customs offices with which customs declarations are registered shall collect taxes from taxpayers and transfer the whole collected tax amounts to the State Treasury according to regulations.
3. In case taxpayers still owe tax or fine arrears to other customs offices at the time of customs declaration registration and wish to pay these arrears at the customs office which is carrying out customs procedures, taxpayers shall make declaration by themselves and remit money at tax collection counters set up by the State Treasury or to the customs office which is carrying out customs procedures (if no tax collection counter is set up by the State Treasury).
4. The State Treasury, commercial banks, credit institutions and other service organizations shall issue papers on remittance into the state budget to taxpayers according to a form issued by the Ministry of Finance.
Customs offices shall issue receipts to taxpayers, made according to a form prescribed by the Ministry of Finance, in case of collecting taxes in cash. In case a district-level Customs Department collects taxes for others, it shall fax tax receipts to district-level Customs Departments to which enterprises owe tax arrears for the latter to make a document to designate the collection and disposal of tax arrears as prescribed.
5. Within 8 working hours after collecting tax from taxpayers, the State Treasury, commercial banks, credit institutions, other service organizations or customs offices shall transfer collected tax amounts into customs offices' deposit accounts opened at the State Treasury, with regard to tax amounts collected for raw materials imported for export production, goods temporarily imported for re-export and goods temporarily exported for re-import, or remit these tax amounts into the State Treasury as for other cases.
For taxes collected in cash in deep-lying and remote areas, islands and areas difficult to access, the above time limit is extended to 5 working days after taxes are collected from taxpayers.
For tax amounts already remitted into customs offices' deposit accounts opened at the State Treasury, past 35 days from the date of actual tax collection, if taxpayers still fail to submit liquidation dossiers, customs offices shall carry out procedures to transfer these amounts into the state budget according to regulations.
Article 21. Tax payment for goods subject to survey
When necessary to survey technical standards or goods quality, quantity and category (identifying goods appellations and tariff codes, quality, quantity, technical standards and current state of imports) to ensure accurate tax calculation, taxpayers shall still pay tax under their declarations at the time of customs declaration registration; the tax payment time limit will comply with Point d, Clause 3, Article 18 of this Circular. If survey results are different from taxpayers" declarations, leading to a change in the payable tax amount, taxpayers shall pay tax according to survey results and the time limit for payment of the difference between the payable tax amount under survey results and the declared tax amount shall comply with Point e. Clause 3, Article 18 of this Circular.
Article 22. Order of tax payment
1. The order of tax payment is prescribed as follows:
1.1. When the Government's Resolution No. 30/2008/NQ-CP of December 11,2008, on some urgent measures to curb economic decline, maintain economic growth and ensure social welfare remains effective, the order of tax payment complies with Appendix II to this Circular;
1.2. When the Government's Resolution No. 30/2008/NQ-CP of December 11.2008. on some urgent measures to curb economic decline, maintain economic growth and ensure social welfare is no longer effective, the order of tax payment complies with Article 45 of the Law on Tax Administration and applies to due tax and fine amounts.
2. The State Treasury and customs offices shall coordinate with one another in sharing information on tax and fine collection in order to determine the order of collection and collect taxes in the prescribed order, specifically as follows:
a/ Customs offices shall monitor tax arrears of taxpayers, guide taxpayers to pay taxes in the prescribed order and develop a data system for reference by taxpayers to pay taxes in the prescribed order;
b/ Based on taxpayers' tax payment vouchers, the State Treasury shall account tax amounts as state budget revenues and transfer vouchers and supply information on paid amounts to customs offices for monitoring and management;
c/ In case taxpayers pay taxes in contravention of the prescribed order, customs offices shall make and send an order on adjustment of the collected tax amounts to the State Treasury for adjustment and, at the same time, notify taxpayers of adjusted tax and fine amounts;
d/ If taxpayers do not clearly write on tax payment vouchers the amount of each tax. customs offices shall account collected tax amounts in the prescribed order and. at the same time, notify the State Treasury thereof for the latter to account them as state budget revenues and inform such to taxpayers.
1. Tax assessment under this Circular means that customs offices exercise their powers to identify tax calculation factors and tax bases, calculate tax and notify and request taxpayers to pay tax amounts determined by customs offices in the cases specified in Clause 2 of this Article.
2. Customs offices shall conduct tax assessment in the cases specified in Article 39 of the Law on Tax Administration, in which:
a/ Taxpayers have based themselves on unlawful documents to declare tax bases or to calculate and declare payable tax amounts; fail to declare or have incompletely and inaccurately declared tax bases;
b/ Taxpayers refuse to supply or delay the supply of documents related to the determination of payable tax amounts to customs offices upon the expiration of the prescribed time limit;
c/ Customs offices have sufficient grounds to believe that the transaction value declared by taxpayers differ from the actual transaction value;
d/ Taxpayers have declared factors used as tax bases but cannot calculate payable tax amounts by themselves and request customs offices to do so.
3. Tax assessment shall be made on the principles prescribed in Article 36 of the Law on Tax Administration.
4. Bases for customs offices to conduct tax assessment are the quantity, taxed value and origin of, import duty, export duty, excise tax and value-added tax rates applicable to, goods actually imported or exported; the exchange rate used for tax calculation; prescribed tax calculation methods and other information and databases prescribed in Clause 2, Article 39 of the Law on Tax Administration, Article 27 of Decree No. 85/2007/ ND-CP and the guidance in Section 1, Part V of this Circular.
5. The competence to conduct tax assessment rests with the General Director of Customs; directors of the Customs Departments of provinces, inter-provinces or centrally run cities, heads of district-level Customs Departments and the director of the Department for Post-Customs Clearance Inspection.
6. Order of and procedures for tax assessment
a/ Assessment of taxes on imports and exports shall be made in the process of carrying out customs procedures or after goods are cleared from customs procedures.
b/ When conducting tax assessment, customs offices shall assess payable tax amount or each relevant factor (goods quantity, taxed value, code, tax rate, origin, exchange rate and norm) which are used as grounds for the determination of the total payable tax amount and tax amounts to be exempted, reduced or refunded for each goods item or customs declaration according to Articles 25 and 26 of Decree No. 85/2007/ND-CP.
In case of assessing each factor related to the determination of the payable tax amount, customs offices shall calculate the payable tax amount corresponding to the assessed factors and notify taxpayers thereof together with the results of assessment of factors related to the determination of the payable tax amount.
c/ Specific procedures and order:
- Identifying goods subject to tax assessment under the guidance in Clause 2 of this Article;
- Determining the method of tax assessment according to Articles 25 and 26 of Decree No. 85,' 2007/ND-CP for taking the following steps:
c.1/ In case of assessment of the total payable tax amount:
c.1.1/ Examining and determining tax bases (goods quantity, value, exchange rate, origin, code and tax rates) according to tax laws and relevant laws;
c.1.2/ Calculating the total payable tax amount: the difference between the payable tax amount and the tax amount declared, calculated and paid by the taxpayer (if tax has been paid);
c.1.3/ Issuing a decision on tax assessment and a decision on sanctioning of administrative violations (if any);
c.2/ In case of assessment of each relevant factor used as a ground for the determination of the total payable tax amount:
c.2.1/ Examining and determining relevant factors in an accurate and lawful manner;
c.2.2/ Determining the time of tax calculation and/or tax bases (goods quantity, value, tax rates) on the basis of relevant factors assessed by themselves or prescribed by tax laws and other relevant laws. If it is impossible to determine the time of tax calculation and/or tax bases for goods of similar categories under different customs declarations of which the use purposes have been changed, the assessed tax amount will be the average tax amount calculated according to legal documents which are effective at the time of customs declaration registration and the time of tax assessment;
c.2.3/ Calculating the payable tax amount and the difference between the payable tax amount and the tax amount declared, calculated and paid by the taxpayer (if tax has been paid);
c.2.4/ Issuing a decision on tax assessment and a decision on sanctioning of administrative violations (if any).
7. Responsibilities of customs offices:
a/ When conducting tax assessment, customs offices shall send to taxpayers a tax assessment decision, made according to Form No. 05, Appendix VI to this Circular (not printed herein), within 8 working hours after its signing;
b/ In case the tax amount assessed by customs offices is larger than the actual payable tax amount as prescribed, customs offices shall return the overpaid amount and pay compensation to taxpayers according to regulations, competent state agencies' decisions on settlement of complaints or court judgments or rulings.
8. Responsibilities of taxpayers:
a/ Taxpayers shall fully pay deficit, evaded and cheated tax amounts as assessed by customs offices, regardless of the statutes of limitations prescribed in Articles 107, 108 and 110 of the Law on Tax Administration;
Taxpayers who commit violations of tax laws shall be sanctioned according to regulations. The statute of limitations for sanctioning violations of tax laws is prescribed in Article 110 of the Law on Tax Administration and Decree No. 97/2007/ND-CP of June 7, 2007, on handling of administrative violations and coercive application of administrative decisions in the customs domain.
b/ If taxpayers disagree with tax assessment decisions of customs offices, they shall still pay the assessed tax amount and, at the same time, may request explanations from customs offices, make a complaint or initiate a lawsuit against tax assessment in accordance with the laws on complaints and initiation of lawsuits.
Article 24. Handling of overpaid tax or fine amounts
1. Tax or fine amounts for imports and exports are considered overpaid in the cases specified in Clause 1. Article 22 of Decree No. 85/2005/ND-CP.
2. The dossier of and procedures for the handling of overpaid tax and fine amounts specified at Point b, Clause 1, Article 22 of Decree No. 85/ 2005/ND-CP are guided in Section 6, Part V of this Circular.
3. In case taxpayers have paid an import duty, export duty, excise tax or fine amount larger than the payable tax or fine amount prescribed at Point a, Clause 1. Article 22 of Decree 85/2005/ND-CP. the overpaid tax or fine amount shall be handled under the following guidance:
a/ A dossier comprises:
a.1/ The written request for the handling of the overpaid tax or fine amount, clearly stating the overpaid tax or fine amount, the payable tax or fine amount, actually paid tax or fine amount, reason for overpaid payment and proposed handling method: to submit 1 original;
a.2/ The customs dossier and other papers and documents related to the overpaid tax or fine amount: to submit 1 copy;
a.3/ Tax and fine payment vouchers: to submit 1 copy and produce the original for comparison.
b/ The customs office to which the taxpayer has overpaid taxes or fines shall receive and check the dossier submitted by the taxpayer and compare it with the original customs dossier kept at its office in order to determine its validity, accuracy and lawfulness, and proceed with the following:
b.1/ If determining that the actually paid tax or fine amount is larger than the payable tax or fine amount and the taxpayer's declarations are correct, the customs office shall issue a decision on handling of the overpaid tax or fine amount as the paid tax or fine amount is larger than the payable tax or fine amount under the taxpayer's declarations;
b.2/ If determining that the actually paid tax or fine amount is larger than the payable tax or fine amount but the taxpayer's declarations of the overpaid tax or fine amount are incorrect, the customs office shall send a written notification to the taxpayer and issue a decision on the handling of the overpaid tax or fine amount as the paid tax or fine amount is larger than the payable tax or fine amount in accordance with regulations:
b.3/ If determining that there is no actually overpaid tax or fine amount, the customs office shall send a written notification to the taxpayer, clearly stating grounds for determining that no tax or fine amount has been overpaid.
c/ Within 5 working days after the receipt of a complete dossier of request for refund of the overpaid tax or fine amount, the customs office shall issue a decision on handling of the overpaid tax or fine amount as the paid tax or fine amount is larger than the payable tax or fine amount or notify the taxpayer of his/her incorrect declarations of the overpaid tax or fine amount or the non-existence of the overpaid tax or fine amount.
d/ On the basis of the decision on handling of the overpaid tax or fine amount as the paid tax or fine amount is larger than the payable tax or fine amount, the customs office to which taxpayers have overpaid taxes or fines shall liquidate the overpaid tax or fine amount and write on the original customs declaration kept at its office and the original customs declaration kept by the taxpayer: "Handling of the overpaid tax or fine amount of VND... under Decision No.... dated... of..." and follow the order guided in Article 30 of this Circular.
4. Overpaid value-added tax amounts shall be handled under the guidance at Point c. Clause 2. Article 130 of this Circular.
1. In case goods are cleared from customs procedures under Clause 1. Article 25 of the Customs Law, and Clause 1. Article 12 of Decree No. 154/2005/ND-CP. competent customs officers (prescribed by the General Director of Customs) shall decide on customs clearance after taxes are fully paid (for goods for which taxes must be fully paid before customs clearance) and complete customs procedures.
Particularly for imports subject to quality examination:
a/ In case the customs declarant has submitted a notice of quality examination exemption or a notice of goods' conformity with import quality standards made by an examination agency, the competent customs officer (as prescribed by the General Director of Customs) shall sign and append the stamp "Cleared from customs procedures" to the customs declaration before customs clearance;
b/ In case the customs declarant has only submitted the written registration for quality examination, the head of the district-level Customs Department shall write "Goods awaiting quality examination results" on the customs declaration. The goods owner shall keep the original state of goods until obtaining the examination agency's conclusions on goods quality and add these conclusions to the customs dossier within 30 days after the date when goods are brought to the place of examination (stated in the written registration for examination of imports quality) for examination.
The customs office shall monitor and receive examination results; sign and append the stamp "Cleared from customs procedures" to the customs declaration on the basis of the examination agency's conclusions on goods quality. Past the 30-day time limit, if the goods owner fails to submit or supplement the examination agency's conclusions on goods quality to the customs dossier, the customs office shall make a written record thereof and handle the violation in accordance with law.
2. Conditional customs clearance cases specified in Clause 2. Article 25. of the Customs Law, Clause 15, Article 1, of the Law Amending and Supplementing a Number of Articles of the Customs Law, and Clauses 2 and 3, Article 12, of Decree No. 154/2005/ND-CP, are guided as follows:
a/ For imports or exports awaiting survey results to determine whether they can be imported or exported, if goods owners request to receive them back for preservation, heads of district-level Customs Departments may accept customs clearance only when they satisfy customs supervision conditions;
b/ For goods permitted for import or export but valuation, survey, analysis and classification need to be conducted to accurately determine payable tax amounts, customs clearance may only be accepted if goods owners pay taxes on the basis of tax self-declaration, calculation and payment or obtain guarantee for the payable tax amount from a credit institution or another institution licensed to conduct some banking activities, except for imports and exports subject to the tax payment time limit guided in Clause 1 and Point b, Clause 2, Article 18, of this Circular.
3. In case goods are cleared from customs procedures on the basis of survey results, these survey results will also apply to goods lots of the same category for which import procedures are carried out by enterprises at the same district-level Customs Department. This guidance does not apply to results of survey conducted to determine goods quantity.
Article 26. Certification of actual exportation of exports
1. For goods exported through border gates by sea, air, rail or inland waterway: Border-gate customs offices shall base themselves on the bills of lading and commercial invoices to certify that goods have been actually exported.
2. For goods exported through land or riverway border gates and Van Gia transshipment port, Quang Ninh province: The border-gate customs offices shall base themselves on the results of supervision of exports through border gates to certify that goods have been actually exported.
3. For exports consigned in bonded warehouses: The bonded warehouse customs offices shall certify as follows "Goods consigned into bonded warehouses."
4. For goods exported from Vietnam inland into export-processing zones, to export-processing enterprises or into non-tariff zones: The customs offices managing export-processing zones/export-processing enterprises/non-tariff zones shall certify as follows "Goods brought into the export-processing zone." "Goods exported to export-processing enterprises" or "Goods brought into non-tariff zone."
5. For on-spot imports or exports, customs offices will not give certification of actual exportation. The actual exportation of goods shall be determined on the basis of the completion of customs procedures for on-spot export declarations.
Article 27. Cancellation of customs declarations
1. Cases of cancellation of customs declarations:
a/ The customs declaration has been registered and goods are exempt from physical inspection but past the time limit of 15 days from the date of customs declaration registration, no imports or exports are available. Specifically:
a.1/ Past the time limit of 15 days from the date of registration of the export declaration, the custom declarant still fails to bring goods to the border gate of exportation:
a.2/ Past the time limit of 15 days from the date of registration of the import declaration, the customs declarant has received no goods.
b/ Past the time limit of 15 days from the date of customs declaration registration but the customs declarant still fails to produce imports or exports which are subject to physical inspection to the customs office for inspection.
2. The order of and procedures for cancellation of a customs declaration are prescribed as follows:
a/ Canceling the custom declaration: The customs officer shall cross out the to-be-cancelled customs declaration with a red-ink pen. sign and seal the cancelled declaration:
b/ Taking notes on the system: This declaration is cancelled.
c/ Filing the cancelled declaration by its registration number.
In case the customs declarant requests cancellation of a registered declaration, apart from the cancellation procedures prescribed above, the customs office shall withdraw the customs declaration (the copy kept by the customs declarant) and file it by its registration number (if the customs declarant does not register a new customs declaration) or file it together with the new customs dossier (if the customs declarant registers a new customs declaration).
Article 28. Review of customs dossiers
The review of customs dossiers may be conducted after goods lots have been cleared from customs procedures, and completed within 60 days from the date of signing the decision on customs clearance for these goods lots.
Article 29. Post-customs clearance inspection
Post-customs clearance inspection complies with Part VI of this Circular.
Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực