Tự đọc sách báo (trang 72) Tiếng Việt lớp 4 Tập 2 – Cánh diều

Lời giải Tiếng Việt lớp 4 Tự đọc sách báo trang 72 sách Cánh diều giúp học sinh dễ dàng làm bài tập Tiếng Việt lớp 4 Tập 2.

1 536 27/10/2023


Tự đọc sách báo trang 72 Tiếng Việt lớp 4 Tập 2

Câu 1 trang 72 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 2: Tìm đọc thêm ở nhà :

- 2 câu chuyện hoặc 1 câu chuyện, 1 bài thơ về các phong trào yêu nước của thiếu nhi Việt Nam, các công trình măng non và những tấm gương thiếu nhi chiến đấu, học tập, lao động, rèn luyện.

- 1 bài văn (báo cáo) miêu tả hoặc cung cấp thông tin về các nội dung trên.

Trả lời :

- 2 câu chuyện hoặc 1 câu chuyện, 1 bài thơ về các phong trào yêu nước của thiếu nhi Việt Nam, các công trình măng non và những tấm gương thiếu nhi chiến đấu, học tập, lao động, rèn luyện :

Bài thơ Lượm (Tố Hữu)

Ngày Huế đổ máu

Chú Hà Nội về

Tình cờ chú cháu

Gặp nhau Hàng Bè.

Chú bé loắt choắt

Cái xắc xinh xinh

Cái chân thoăn thoắt

Cái đầu nghênh nghênh

Ca-lô đội lệch

Mồm huýt sáo vang

Như con chim chích

Nhảy trên đường vàng...

- “Cháu đi liên lạc

Vui lắm chú à

Ở đồn Mang Cá

Thích hơn ở nhà!”

Cháu cười híp mí,

Má đỏ bồ quân:

- “Thôi, chào đồng chí!”

Cháu đi xa dần...

Cháu đi đường cháu

Chú lên đường ra

Đến nay tháng sáu

Chợt nghe tin nhà.

Ra thế

Lượm ơi!

Một hôm nào đó

Như bao hôm nào

Chú đồng chí nhỏ

Bỏ thư vào bao

Vụt qua mặt trận

Đạn bay vèo vèo

Thư đề “Thượng khẩn”

Sợ chi hiểm nghèo?

Đường quê vắng vẻ

Lúa trổ đòng đòng

Ca-lô chú bé

Nhấp nhô trên đồng...

Bỗng loè chớp đỏ

Thôi rồi, Lượm ơi!

Chú đồng chí nhỏ

Một dòng máu tươi!

Cháu nằm trên lúa

Tay nắm chặt bông

Lúa thơm mùi sữa

Hồn bay giữa đồng...

Lượm ơi, còn không?

Chú bé loắt choắt

Cái xắc xinh xinh

Cái chân thoăn thoắt

Cái đầu nghênh nghênh

Ca-lô đội lệch

Mồm huýt sáo vang

Như con chim chích

Nhảy trên đường vàng...

1949

- 1 bài văn (báo cáo) miêu tả hoặc cung cấp thông tin về các nội dung trên :

Phân tích bài thơ Lượm (Tố Hữu)

Tố Hữu là một nhà thơ cách mạng nổi tiếng. Trong đó, bài thơ Lượm của ông viết về người chiến sĩ liên lạc nhỏ tuổi - Lượm đầy hồn nhiên, vui tươi nhưng cũng rất hăng hái, dũng cảm.

Mở đầu bài thơ là lời giới thiệu về cuộc gặp gỡ giữa chú bé Lượm với người chiến sĩ ở Hàng Bè vào những ngày tháng thực dân Pháp trở lại xâm lược Huế. Chiến tranh xảy ra, Lượm tham gia cách mạng với tư cách là một chiến sĩ liên lạc. Ngoại hình của Lượm hiện lên với dáng người nhỏ bé, nhanh nhẹn. Cùng với đó là cái xắc đeo trên vai để đựng thư, chiếc ca lô đội lệch trên đầu. Sự hồn nhiên, ngây thơ thể hiện qua hành động huýt sáo, chạy nhảy trên cánh đồng:

“Chú bé loắt choắt

Cái xắc xinh xinh

Cái chân thoăn thoắt

Cái đầu nghênh nghênh

Ca lô đội lệch

Mồm huýt sáo vang

Như con chim chích

Nhảy trên đường vàng…”

Việc sử dụng các từ láy gồm “loắt choắt”, “xinh xinh” “'thoăn thoắt”, “nghênh nghênh” kết hợp với điệp từ “cái” có giá trị gợi tả bức chân dung nhỏ nhắn mà nhanh nhẹn, hoạt bát của Lượm.

Không chỉ ngoại hình, tác giả còn khắc họa nét tính cách của Lượm. Điều đó được thể hiện qua niềm vui khi bản thân được làm liên lạc. Cậu đã bày tỏ với người chiến sĩ:

“Cháu đi liên lạc

Vui lắm chú à

Ở đồn Mang Cá

Thích hơn ở nhà

Cháu cười híp mí

Má đỏ bồ quân

Thôi chào đồng chí

Cháu đi xa dần”

Những từ ngữ trực tiếp miêu tả cảm xúc “vui”, “thích” và hành động “cười híp mí”, “má đỏ” đã diễn tả được cảm giác sung sướng, hạnh phúc khi được tham gia cách mạng của Lượm.

Dù tuổi còn nhỏ nhưng Lượm lại hiện lên thật dũng cảm, gan dạ. Cậu sẵn sàng hy sinh vì nhiệm vụ. Khi nhận được nhiệm vụ giao lá thư đề “thượng khẩn”, Lượm đã không ngại khó khăn, nguy hiểm để hoàn thành. Chiến trường hiện lên thật khốc liệt:

“Vụt qua mặt trận

Đạn bay vèo vèo

Thư đề Thượng khẩn

Sợ chi hiểm nghèo”

Lá thư đề “Thượng khẩn” cần nhanh tới tay người nhận. Chính vì vậy, Lượm đã không quản nguy hiểm để có thể nhanh chóng đưa thư. Cách nói “sợ chi” gợi ra tâm thế chủ động của người chiến sĩ nhỏ, cậu sẵn sàng đối mặt với nguy hiểm mà không hề run sợ. Hình ảnh chiếc mũ ca lô nhấp nhô trên cánh đồng lúa đang làm đòng:

“Đường quê vắng vẻ

Lúa trổ đòng đòng

Ca lô chú bé

Nhấp nhô trên đồng”

Trước đó đầy lạc quan vui tươi, nhưng đến những câu thơ cuối viết về sự hy sinh của Lượm lại gợi đầy ám ảnh, đau thương:

“Bỗng lòe chớp đỏ

Thôi rồi, Lượm ơi!

Chú đồng chí nhỏ

Một dòng mẫu tươi

“Cháu nằm trên lúa

Tay nắm chặt bông

Lúa thơm mùi sữa

Hồn bay giữa đồng”

Hương thơm của cánh đồng lúa đang bao bọc, chở che hồn người chiến sĩ tuổi thiếu niên. Không gian nhẹ nhàng mà thiêng liêng bởi có cái thoáng đãng của cánh đồng quê, có vị thơm ngạt ngào của mùi sữa khi lúa trổ đòng. Lượm đã trở về với mảnh đất của quê hương, nhưng sự hy sinh của em không phải là vô nghĩa mà đáng tự hào.

Với nghệ thuật miêu tả nhân vật kết hợp với kể và biểu hiện cảm xúc, tác giả đã khắc họa thành công nhân vật Lượm. Bài thơ Lượm của Tố Hữu là một trong những bài thơ giàu cảm xúc.

Xem thêm các bài soạn, giải bài tập Tiếng Việt lớp 4 sách Cánh diều hay, chi tiết khác:

Chia sẻ và đọc: Chiến công của những du kích nhỏ trang 70, 71, 72

Tự đọc sách báo trang 72

Viết: Viết báo cáo trang 73, 74

Nói và nghe: Kể chuyện: Lên đường trang 74, 75

Đọc: Em bé Bảo Ninh trang 75, 76

Luyện từ và câu: Luyện tập về lựa chọn từ ngữ trang 76

Viết: Luyện tập viết báo cáo trang 77

Đọc: Phong trào kế hoạch nhỏ trang 77, 78, 79

Viết: Viết hướng dẫn thực hiện một số công việc trang 79, 80

Nói và nghe: Trao đổi: Em đọc sách báo trang 80

Đọc: Mùa xuân em đi trồng cây trang 81, 82

Luyện từ và câu: Mở rộng vốn từ: Ý chí trang 82

Góc sáng tạo: Lập kế hoạch nhỏ trang 83

Tự đánh giá trang 83, 84

1 536 27/10/2023