Bài 15: Ôn tập giữa học kì 2 Tiếng Việt lớp 4 Tập 2 – Cánh diều

Lời giải Tiếng Việt lớp 4 Bài 15: Ôn tập giữa học kì 2 sách Cánh diều giúp học sinh dễ dàng làm bài tập Tiếng Việt lớp 4 Tập 2 Bài 15.

1 641 lượt xem


Bài 15: Ôn tập giữa học kì 2 – Tiếng Việt lớp 4

Tiết 1 (trang 63, 64)

A, Đánh giá kĩ năng đọc thành tiếng, học thuộc lòng

Mỗi học sinh đọc một đoạn văn, đoan thơ khoảng 85-90 tiếng hoặc đọc thuộc lòng một đoạn thơ (bài thơ) đã học.

B, Đọc và làm bài tập

Tiết 1 trang 63, 64 lớp 4 | Cánh diều Giải Tiếng Việt lớp 4

Chúng tôi ra bờ moong. Ở đây, tôi nhìn được toàn cảnh của công trường trong một vòng cung cực lớn hình phễu. Những đám mây trắng mỏng và nhẹ bay phất phơ ngang sườn núi trước mặt làm cho những cỗ máy khoan khi ẩn khi hiện, trông giống như con thuyền đã hạ buồm...

Dưới đây moong, có đến chín cái máy xúc, nhác trông có thể vì chúng như những con vịt bầu khó tính hay động

cựa, luôn luôn quay cổ từ bên này sang bên kia. Từ những chiếc máy xúc dưới đáy lên đến những cỗ máy khoan trên cùng là con đường vòng xoáy tròn ốc. Không ngớt xe lên, xe xuống. Những chiếc xe ben la màu xanh lá mạ trông như con cảo cảo, chạy rất nhanh, chở đất đá bóc trên tầng đổ ra bãi thải. Những chiếc xe gấu màu đen trũi trông như những con kiến đất, cần cù và chắc chắn chở than từ dưới đáy moong đổ ra mảng ga, rồi từ mảng ga trút xuống những toa xe lửa chở ra cảng. Hoàn toàn không thấy bóng người. Nhưng tôi biết con người có mặt ở khắp mọi nơi trong cái vòng cung hình phễu này.

Theo Trần Nhuận Minh

Câu 1 trang 64 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 2: Tác giả quan sát được toàn cảnh công trường từ đâu?

Trả lời:

Tác giả quan sát được toàn cảnh công trường từ bờ moong

Câu 2 trang 64 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 2: Tìm những hình ảnh phản ánh cảnh lao động nhộn nhịp trên công trường.

Trả lời:

Những hình ảnh phản ánh cảnh lao động nhộn nhịp trên công trường là: Không ngớt xe lên, xe xuống. Những chiếc xe ben la màu xanh lá mạ trông như con cào cào, chạy rất nhanh...

Câu 3 trang 64 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 2: Vì sao tác giả không thấy một bóng người nhưng vẫn biết con người đang có mặt ở khắp mọi nơi trên công trường? Điều đó nói lên đặc điểm gì của công trường này?

Trả lời:

Vì máy móc cần phải có người điều khiển nên mặc dù tác giả không thấy một bóng người nhưng vẫn biết con người đang có mặt ở khắp mọi nơi trên công trường. Điều đó nói lên công trường này rất to và rộng lớn nên con người đã hòa lẫn vào máy móc.

Câu 4 trang 64 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 2: Xác định chủ ngữ, vị ngữ, trạng ngữ trong các câu sau:

Chúng tôi ra bờ moong. Ở đây, tôi nhìn được toàn cảnh của công trường.

Trả lời:

Chủ ngữ là: chúng tôi, tôi

Trạng ngữ là: Ở đây

Tiết 2 (trang 64)

A, Đánh giá kĩ năng đọc thành tiếng, học thuộc lòng

B, Trả bài viết

Trả bài văn tả con vật:

Tiết 2 trang 64 lớp 4 | Cánh diều Giải Tiếng Việt lớp 4

Câu 1 trang 64 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 2: Nghe cô giáo ( thầy giáo) nhận xét chung về bài viết của cả lớp.

Câu 2 trang 64 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 2: Tham gia sửa bài cùng cả lớp: sửa các lỗi chung về cấu tạo và nội dung của bài văn, lỗi dùng từ, đặt câu, chính tả,....

Câu 3 trang 64 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 2: Đọc kĩ lời nhận xét của cô giáo (thầy giáo), tự sửa bài văn của mình

Câu 4 trang 64 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 2: Đổi bài cho bạn để kiểm tra việc sửa lỗi.

Trả lời:

Học sinh tự thực hiện sửa bài dựa trên nhận xét của cô giáo.

Nghe cô giáo ( thầy giáo) nhận xét chung về bài viết của cả lớp.

Tham gia sửa bài cùng cả lớp: sửa các lỗi chung về cấu tạo và nội dung của bài văn, lỗi dùng từ, đặt câu, chính tả,....

Đọc kĩ lời nhận xét của cô giáo (thầy giáo), tự sửa bài văn của mình

Đổi bài cho bạn để kiểm tra việc sửa lỗi.

Tiết 3 (trang 65, 66)

A, Đánh giá kĩ năng đọc thành tiếng, học thuộc lòng

B, Đọc và làm bài tập

Tiết 3 trang 65, 66 lớp 4 | Cánh diều Giải Tiếng Việt lớp 4

Sau cơn mưa, cành chanh bên cửa sổ đung đưa, xanh mát. Mấy quả chanh non mới đậu nom đáng yêu lạ. Bỗng một sự việc xảy ra khiến tôi phải đặc biệt chú ý: Trứng bọ ngựa nở.

Tôi đến tận gốc chanh chăm chú theo dõi. Từng đợt, từng đợt, bảy tám con một lúc, những chú bọ ngựa bé tí ti như con muỗi, màu xanh cốm, ló cái đầu tinh nghịch có đôi mắt thô lỗ lách khỏi kẽ hở trên ổ trứng mẹ, cố trườn ra, thoát được cái đầu, cái mình,... rồi nhẹ nhàng lọt khỏi ổ trứng, treo lơ lửng trên một sợi tơ rất mảnh bay bay theo chiều gió. Mới ra khỏi ổ trứng, các chú nằm đờ một lát, rồi ngọ ngoạy. Các chú càng cựa quậy thì sợi tơ càng dài ra, từ từ thả các chủ xuống phía dưới.

Chú bọ ngựa con đầu đàn “nhảy dù” trúng một quả chanh non. Chú đứng hiên ngang trên quả chanh tròn xinh, giương giương đôi tay kiếm nhỏ xíu, mình lắc lư theo kiểu võ sĩ, ngước nhìn từng loạt, từng loại đàn em mình đang “đổ bộ” xuống hết sức chính xác và mau lẹ. Đàn bọ ngựa mới nở chạy tíu tít, lập tức dàn quân ra khắp cây chanh, mỗi con mỗi ngả, bắt đầu một cuộc sống dũng cảm, tự lập.

Theo Vũ Tú Nam

Câu 1 trang 66 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 2: Tìm từ ngữ, hình ảnh miêu tả hình dáng các chú bọ ngựa con khi mới trườn ra khỏi trứng.

Trả lời:

Từ ngữ, hình ảnh miêu tả hình dáng các chú bọ ngựa con khi mới trườn ra khỏi trứng là: những chú ngựa con bé ti tí như con muỗi, màu xanh cốm, ló cái đầu tinh nghịch có đôi mắt thô lố.....

Câu 2 trang 66 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 2: Các chú bọ ngựa làm cách nào để tuột xuống dưới cành chanh?

Trả lời:

Các chú bọ ngựa cựa quậy cho sợi tơ dài ra để tuột xuống dưới cành chanh.

Câu 3 trang 66 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 2: Hình ảnh chú bọ ngựa con đầu đàn gợi cho em suy nghĩ gì?

Trả lời:

Hình ảnh chú bọ ngựa con đầu đàn gợi cho em suy nghĩ chú thật là dũng cảm, dám đương đầu với những thứ mới lạ.

Câu 4 trang 66 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 2: Tìm hình ảnh nhân hóa được tác giả sử dụng để tả các chú bọ ngựa.

Trả lời:

Hình ảnh nhân hóa được tác giả sử dụng để tả các chú bọ ngựa là: giương giương đôi tay kiếm nhỏ xíu, mình lắc lư theo kiểu võ sĩ...

Câu 5 trang 66 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 2: Vì sao tác giả dùng các từ dũng cảm, tự lập để nói về các chú bọ ngựa?

Trả lời:

Tác giả dùng các từ dũng cảm, tự lập để nói về các chú bọ ngựa vì đây là những chú bọ ngựa mới ra đời nhưng tự mình khám phá cuộc sống mới lạ.

Tiết 4 (trang 66)

A, Đánh giá kĩ năng đọc thành tiếng, học thuộc lòng

B, Nghe - viết

Tiết 4 trang 66 lớp 4 | Cánh diều Giải Tiếng Việt lớp 4

Trả lời:

Em nghe giáo viên đọc và viết bài, lưu ý viết đúng chính tả, khoảng cách đều giữa các chữ.

C, Trả lời câu hỏi

Dấu gạch ngang và dấu ngoặc đơn trong đoạn văn Hang Sơn Đoòng được dùng làm gì?

Trả lời:

Dấu gạch ngang dùng để nối tên hai địa điểm có mối quan hệ với nhau và dấu ngoặc đơn trong đoạn văn Hang Sơn Đoòng được dùng để chú thích.

Tiết 5 (trang 66, 67)

A, Đánh giá kĩ năng đọc thành tiếng, học thuộc lòng

B, Luyện từ và câu

Câu 1 trang 66 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 2: Tìm trạng ngữ trong các đoạn văn dưới đây:

a, Mùa xuân, lá bàng mới nảy trông như những ngọn lửa xanh. Sang hè, lá lên thật dày, ánh sáng xuyên qua chỉ còn là màu ngọc bích. Khi lá bàng ngả sang màu lục, ấy là mùa thu. Sang đến những ngày cuối đông, mùa của lá rụng, nó lại có vẻ đẹp riêng.

Đoàn Giỏi

b, Sau cơn mưa, con đường trước cửa nhà em đang khô dần. Trên đường, xe đạp, xe máy, ô tô đi lại đông như mắc cửi. Ở vỉa hè bên kia, bác Cường đang dọn đồ nghề ra để chữa xe cho khách qua đường. Góc phố, một đám trẻ chơi nhảy dây. Những bím tóc tun ngủn vung vẩy theo từng nhịp chân và tiếng cười giòn tan.

Theo Dương Quỳnh Liên

Trả lời:

Trạng ngữ trong các đoạn văn:

a, Mùa xuân, Sang hè, Khi lá bàng ngả sang màu lục, Sang đến những ngày cuối đông.

b, Sau cơn mưa, Trên đường, Ở vỉa hè bên kia,Góc phố

Câu 2 trang 67 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 2: Những trạng ngữ em tìm được ở bài tập 1 có tác dụng gì? Tìm các ý đúng:

a, Bổ sung thông tin về thời gian, địa điểm cho câu

b, Giúp đoạn văn miêu tả sự vật theo trình tự thời gian.

c, Giúp đoạn văn miêu tả hoạt động theo trình tự không gian.

d, Biểu thị tình cảm, cảm xúc của người viết.

Trả lời:

Những trạng ngữ em tìm được ở bài tập 1 có tác dụng:

a, Bổ sung thông tin về thời gian, địa điểm cho câu

b, Giúp đoạn văn miêu tả sự vật theo trình tự thời gian.

c, Giúp đoạn văn miêu tả hoạt động theo trình tự không gian.

Câu 3 trang 67 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 2: Bổ sung trạng ngữ trong ngoặc đơn vào chỗ thích hợp trong các đoạn văn dưới đây:

a, Ở Trường Sơn, mỗi khi trời nổi gió, cảnh tượng thật là dữ dội. Những cây đại thụ có khi cũng bật gốc cuốn tung xuống vực thẳm. Cánh chim đại bàng vẫn bay lượn trên trời. Có lúc, chim cụp cánh lao vút đi như một mũi tên. Chim lại vẫy cánh, đạp gió vút lên cao.

Theo Thiên Lương

(Trạng ngữ: có lúc, giữa lúc gió đang gào thét ấy)

b) Sân trường đang vắng lặng bỗng chốc ồn lên những tiếng cười, tiếng nói vui vẻ. Chỗ này, các bạn nam rủ nhau đá cầu. Mấy bạn đang ríu rít trò chuyện. Phía các bạn nữ, cuộc nhảy dây đang trở nên hấp dẫn. Xế bên cạnh, một nhóm bạn cả nữ lẫn nam chơi trò bịt mắt bắt dê. Mấy bạn đang túm tụm xem chung một tờ báo Thiếu niên.

Theo Vũ Thanh Quang

(Trạng ngữ: dưới bóng cây, chỗ kia)

Trả lời:

a, Ở Trường Sơn, mỗi khi trời nổi gió, cảnh tượng thật là dữ dội. Những cây đại thụ có khi cũng bật gốc cuốn tung xuống vực thẳm. Giữa lúc gió đang gào thét ấy, Cánh chim đại bàng vẫn bay lượn trên trời. Có lúc, chim cụp cánh lao vút đi như một mũi tên. Có lúc, chim lại vẫy cánh, đạp gió vút lên cao.

b) Sân trường đang vắng lặng bỗng chốc ồn lên những tiếng cười, tiếng nói vui vẻ. Chỗ này, các bạn nam rủ nhau đá cầu. Chỗ kia, mấy bạn đang ríu rít trò chuyện. Phía các bạn nữ, cuộc nhảy dây đang trở nên hấp dẫn. Xế bên cạnh, một nhóm bạn cả nữ lẫn nam chơi trò bịt mắt bắt dê. Dưới bóng cây, mấy bạn đang túm tụm xem chung một tờ báo Thiếu niên.

Tiết 6 (trang 68, 69)

(Bài luyện tập đọc hiểu)

Con chim chiền chiện

Con chim chiền chiện

Bay vút, vút cao

Lòng đầy yêu mến

Khúc hát ngọt ngào.

Cánh đập trời xanh

Cao hoài, cao vợi

Tiếng hót long lanh

Như cành sương chói

Chim ơi, chim nói

Chuyện chi, chuyện chi?

Lòng vui bối rối

Đời lên đến thì...

Tiếng ngọc trong veo

Chim gieo từng chuỗi

Lòng chim vui nhiều

Hát không biết mỏi.

Chim bay, chim sà

Lúa tròn bụng sữa

Đồng quê chan chứa

Những lời chim ca.

Bay cao, cao vút

Chim biến mất rồi

Chỉ còn tiếng hót

Làm xanh da trời...

Con chim chiền chiện

Hồn xanh quê nhà

Sáng nay lại hót

Tưng bừng lòng ta.

Huy Cận

Câu 1 trang 69 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 2: Tìm những dòng thơ tả con chim chiền chiện đang bay lượn giữa không gian cao rộng?

Trả lời:

Những dòng thơ tả con chim chiền chiện đang bay lượng giữa không gian cao rộng:

Bay vút, vút cao

Cánh đạp trời xanh

Cao hoài cao vợi

Bay cao, cao vút

Chim biến mất rồi

Câu 2 trang 69 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 2: Em thích những từ ngữ nào tả tiếng chim trong bài thơ? Vì sao?

Trả lời:

Em thích những từ ngữ tả tiếng chim trong bài thơ như: tiếng hót long lanh, tiếng ngọc trong veo.... Vì nó thể hiện sự trong lành và yên bình của cảnh vật mới có thể khiến chim có thể cất tiếng hót trong veo như thế.

Câu 3 trang 69 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 2: Những khổ thơ nào tả đan xen cánh chim bay lượn và tiếng hót của chim?

Trả lời:

Những khổ thơ 2,4,6 tả đan xen cánh chim bay lượn và tiếng hót của chim.

Câu 4 trang 69 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 2: Tiếng hót của chim chiền chiện gợi cho tác giả cảm xúc gì và những cảm nhận gì (về đồng quê, bầu trời)?

Trả lời:

Tiếng hót của chim chiền chiện gợi cho tác giả cảm xúc yêu mến và ngọt ngào với bầu trời và lòng vui bối rối và nhớ nhà nhớ quê, nhớ đồng

Câu 5 trang 69 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 2: Nêu cảm nghĩ của em về bài thơ.

Trả lời:

Những hình ảnh độc đáo của chim chiền chiện cùng tiếng hót long lanh, sáng chói làm lòng người rộn vàng, xao xuyến. Tác giả đã rất tinh tế khi so sánh tiếng hót như "tiếng ngọc trong veo" gieo thành từng chuỗi âm thanh như một bản nhạc đồng quê. Cánh chim cùng tiếng ca của chim chiền chiện vang giữa không trung, trên những cánh đồng xanh gợi ra một bầu không gian thật yên bình. Bức tranh quê hương được tô điểm bởi những hình ảnh, âm thanh bình dị của tiếng chim chiền chiện cùng trời xanh cao vút, cây lúa trổ bông và cánh đồng quê hương. Tất thảy tạo nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp làm làm lòng người tưng bừng. Bằng thể thơ bốn chữ cùng các biện pháp tu từ so sánh "Tiếng hót long lanh/ Như cành sương chói" và cách gieo vần chân quen thuộc, bài thơ đã khắc họa tài tình hình ảnh chú chim chiền chiện dù nhỏ bé nhưng lại vô cùng nổi bật trong không gian rộng lớn của đất trời. Qua bài thơ, em càng cảm nhận rõ hơn tình cảm thiết tha của tác giả dành cho thiên nhiên. Chắc hẳn, Huy Cận phải là người có tâm hồn nhạy cảm, tinh tế thì mới có thể viết nên những vần thơ đẹp, trong ngần như vậy. Bài thơ đã giúp em biết yêu thương và trân quý thiên nhiên quanh mình, biết lắng nghe và giao hòa cảm nhận những vẻ đẹp mà thiên nhiên ban tặng.

Tiết 7 (trang 69)

(Bài tập luyện viết)

Đề bài: Chọn 1 trong 2 đề sau:

Câu 1 trang 69 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 2: Tưởng tượng của em là cô Hiền trong câu chuyện Bức ảnh ( trang 57), hãy viết một bức thư gửi bà Mùi sau cuộc gặp giữa hai cô cháu.

Trả lời:

Cao Bằng, ngày…. tháng …..năm……..

Cô Mùi kính mến!

Khi cháu viết bức thư này, thì cháu đã về đến nhà sau khi được đến thăm bác. Dù đã vài ngày trôi qua, nhưng những cảm xúc hạnh phúc vỡ òa của cuộc hội ngộ hôm ấy vẫn lâng lâng trong lồng ngực cháu bác ạ.

Khi được biết địa chỉ của bác, cháu đã ngay lập tức đi xe suốt đêm để được gặp bác. Bước chân được vào ngôi nhà nhỏ, nhìn thấy bác nằm trên giường bệnh mà nước mắt cháu cứ trào ra. Đối với cháu, bác vừa là một ân nhân, vừa là một người mẹ thứ hai của mình. Nếu không có bác thì đã không thể có cháu của ngày hôm nay. Suốt bao năm qua, cháu luôn mong được gặp lại bác để đền đáp công ơn năm nào. Giây phút gặp lại cháu hạnh phúc ngỡ như mình đang nằm mơ. Vậy là cháu lại được cầm tay bác, được gối đầu lên lồng ngực của bác. Và được cất “tiếng gọi mẹ” luôn ấp ủ trong lòng bấy lâu nay.

Qua lời tâm sự của bác và mọi người, cháu biết được hoàn cảnh của bác hiện nay rất vất vả. Vì vậy, cháu nén lại nỗi sướng vui khi được đoàn tụ với bác để trở lại nhà. Cháu trở về để chuẩn bị một mái ấm nhỏ để được đón “mẹ Mùi” về với cháu. Để cháu được làm một người con đúng nghĩa, được đền đáp công ơn trời bể của bác. Vì vậy, bác hãy giữ gìn sức khỏe và vui vẻ chờ cháu trở lại nhé!

Con gái của bác Mùi

Hiền

Hoàng Thị Hiền

Câu 2 trang 69 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 2: Tả một con vật được nuôi ở nhà em (hoặc trường em, ở vườn thú)

Tiết 7 trang 69 lớp 4 | Cánh diều Giải Tiếng Việt lớp 4

Trả lời:

Ôi, đáng yêu làm sao! Một chú khỉ con đang làm trò, khiến mọi người cười thích thú! Hôm nay là chủ nhật, mẹ đưa anh em tôi đến vườn bách thú, để tận mắt được xem những con vật vốn ở tận rừng xanh, mà tôi mới chỉ được thấy qua ti-vi. Đi thăm rất nhiều chuồng thú, nhưng với tôi, những chú khỉ – nhà biểu diễn xiếc tài ba – là đáng yêu nhất.

Chú khỉ con này nổi bật nhất trong đàn, với bộ lông màu nâu vàng. Lông của chú không mượt, trái lại nó hơi xù lên, trông ngộ ghê! Khuôn mặt chú gần giống hình tam giác, má hóp lại, gò má nhô cao như người già. Đôi mắt chú tròn xoe, liến láu nhìn quanh, trông thật tinh ranh. Mũi nó rất cao, nhưng hơi hếch lên, nhìn rõ cả hai lỗ mũi, trông rất nghịch ngợm. Miệng nó rộng đến tận mang tai, nhất là những lúc nó ngoác miệng ra cười, trông càng rộng hơn. Nó rất hay cười, nhưng vì hàm của nó chìa ra, nên trông lúc nào cũng nhăn nhở. Những chiếc răng nhỏ hơn răng người, nhưng trắng như sữa. Thân hình chú khỉ này hơi gầy, nó ngồi trên cành cây trông rúm ró. Tuy vậy, nhưng nó nhanh lắm đó. Với đôi tay dài lòng khòng, những ngón tay gần giống tay người và đầy lông lá, nó có thể đu bám chắc và chuyền cành nhanh thoăn thoắt. Trong chuồng của những chú khỉ, có một cái cây to, để cho các chú chơi đùa như khi ở trong rừng. Thấy mọi người đứng xem, nó có vẻ thích chí, nên trổ tài biểu diễn, mua vui cho mọi người. Đang đứng trên nóc bể, thoắt cái, nó lấy đà, rồi bật nhanh lên một cành cây, một tay bám vào cành, tay kia gãi gãi làm trò. Lúc này, tôi mới nhìn rõ một mảng đỏ dưới mông chú. Thảo nào, ở tấm biển gắn trên chuồng, người ta ghi là “Khỉ đít đỏ”. Mọi người vỗ tay cổ vũ, nó càng khoái chí, buông cả hai tay, dùng đuôi cuốn chặt cành cây, đu mình xuống, miệng kêu “khẹc, khẹc…”. Bỗng chú tuột đuôi rơi xuống, ai nấy đều giật mình, nhưng nhanh như cắt, chú nhảy sang bám vào một cành cây gần đó, rất điêu luyện như diễn viên xiếc. Làm trò chán, nó nhảy xuống, giơ tay ra ngoài hàng song sắt, để xin ăn. Tôi ném cho nó mấy cái bim bim, cả bầy xô lại cướp. Nhưng nó rất nhanh, lúc nào cũng cướp được nhiều nhất, và đưa hết vào mồm, nhai nhồm nhoàm, trông thật tham ăn. Mặc kệ chú đùa nghịch, bên cạnh đó, con khỉ mẹ vẫn đang chăm chỉ bắt giận cho khỉ con – chắc là em của nó. Trông gia đình khỉ cũng rất tình cảm.

Những chú khỉ trong vườn thú, đặc biệt là chú khỉ con tinh nghịch kia thật dễ mến! Tạm biệt những chú khỉ đáng yêu, em mong sao những chú khỉ này sẽ được chăm sóc tốt hơn, để lần sau trở lại thăm vườn thú, em sẽ được gặp lại những chú khỉ tinh nghịch, thông minh, nhưng khoẻ mạnh và xinh xắn hơn

Xem thêm các bài soạn, giải bài tập Tiếng Việt lớp 4 sách Cánh diều hay, chi tiết khác:

Bài 15: Ôn tập giữa học kì 2

Bài 16: Tuổi nhỏ chí lớn

Bài 17: Khám phá thế giới

Bài 18: Vì cuộc sống con người

Bài 19: Ôn tập cuối năm học

1 641 lượt xem