TOP 10 mẫu Suy nghĩ về câu nói Ta thà làm ma nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc (2024) SIÊU HAY

Suy nghĩ về câu nói Ta thà làm ma nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc gồm 10 bài văn mẫu hay nhất, chọn lọc giúp học sinh viết bài tập làm văn lớp 8 hay hơn.

1 1,022 28/08/2024


Suy nghĩ về câu nói Ta thà làm ma nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc

Đề bài: Suy nghĩ về câu nói của danh tướng Trần Bình Trọng: “Ta thà làm ma nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc.”

TOP 10 mẫu Suy nghĩ về câu nói Ta thà làm ma nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc (2024) SIÊU HAY (ảnh 1)

Suy nghĩ về câu nói "Ta thà làm ma nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc" - mẫu 1

Trần Bình Trọng – người góp công lớn trong cuộc kháng chiến chống giặc Mông - Nguyên xâm lược lần 2 (1285) và đã hy sinh vì tổ quốc. Tinh thần bất khuất, hiên ngang của ông được thể hiên mạnh mẽ, đầy đủ qua câu nói: “Ta thà làm ma nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc…”. Đây là câu nói bất hủ của ông đươc mọi người dân Đại Việt nhớ mãi và nó cũng đã trở thành biểu tượng của tinh thần yêu nước chống ngoại xâm của dân tộc. Tinh thần bất khuất của Trần Bình Trọng toát ra từ câu nói đó đã làm cho toàn quân dân nhà Trần nức lòng chiến đấu, đánh đuổi giặc Mông-Nguyên ra khỏi bờ cõi dành lại dộc lập bền vững cho non sông đất nước. Khí tiết và cái chết oanh liệt của Trần Bình Trọng đã thổi thêm ngọn lửa căm thù giặc vào toàn thể quân dân Đại Việt thời Trần, góp phần làm nên chiến thắng Mông-Nguyên vĩ đại trong lịch sử nước nhà. Ông mãi mãi là tấm gương soi sáng về tinh thần bất khuất trước mọi uy lực, không bị mua chuộc bởi vinh hoa phú quý, sẵn sàng hy sinh tính mạng vì tổ quốc. Ý chí lớn lao đó đã được con cháu đời sau của Trần Bình Trọng noi theo, nổi bật hơn cả là Trần Khát – người đã đánh thắng binh lực hùng mạnh của Chiêm Thành dưới thời Chế Bồng Nga, giải cứu Thăng Long thoát khỏi những đợt tấn công của quân Chiêm Thành vào cuối thế kỷ XIV.

Tấm gương của Trần Bình Trong đã được ngợi ca trong tác phẩm“Đại Nam quốc sử diễn ca” của Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái như sau:

“Trần Bình Trọng là tôi trung,

Thà làm Nam quỷ, chẳng lòng Bắc vương”

Trần Bình Trọng là một trong những bậc anh hùng ưu tú, chói sáng trong trang sử vàng của lịch sử dân tộc. Hiện nay, để tưởng nhớ đến công lao to lớn ấy mà nhiều phong trào thanh niên được phát động noi theo tinh thần của tuổi trẻ Trần Bình Trọng, tinh thần của tuổi trẻ Đại Việtvà những bậc danh nhân ở những thời kỳ khác. Dân tộc Việt Nam luôn có truyền thống hào hùng, bất khuất trong đấu tranh bảo vệ đất nước: “có cái chết hóa thành bất tử, có những lời hơn mọi lời ca“ (trích “Hãy nhớ lấy lời tôi” của Tố Hữu ngợi ca tinh thần bất tử của người thanh niên yêu nước Nguyễn Văn Trỗi). Đúng như thế, Trần Bình Trọng vẫn sẽ sống cùng lịch sử dân tộc Việt Nam, vẫn in dấu trong thơ ca văn học Việt Nam, đồng thời Trần Bình Trọng góp phần tô điểm cho non sông đất nước Việt Nam này một tươi đẹp hơn, rạng rỡ hơn, là tấm gương kiên cường, dũng cảm, gan dạ cho tuổi trẻ Việt Nam trong thời đại mới hôm nay.

Suy nghĩ về câu nói "Ta thà làm ma nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc" - mẫu 2

Trong lịch sử nước Việt ta còn ghi lại rất nhiều câu nói bất hủ của các bậc anh hùng dân tộc, làm rạng danh nước nhà. Một trong những câu nói bất hủ phải kể đến là lời mắng: "Ta thà làm ma nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc" của danh tướng Trần Bình Trọng thời nhà Trần.

Trần Bình Trọng sinh năm Kỷ Mùi (1259), là người xã Bảo Thái (nay thuộc huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam). Ông vốn là hậu duệ của vua Lê Đại Hành. Do cha Trần Bình Trọng làm quan dưới triều Trần Thánh Tông lập được nhiều công trạng lớn, nên được nhà vua ân sủng ban cho quốc thích (cho mang theo họ vua). Bởi vậy, Trần Bình Trọng mới có họ Trần, thay vì mang họ Lê. Về chuyện này, sách Toàn thư, quyển V, kỷ Nhân Tông hoàng đế có đoạn viết: "Bình Trọng dòng dõi Lê Đại Hành, chồng sau của công chúa Thụy Bảo, do ông cha làm quan đời Trần Thái Tông, nên được cho quốc tính nhà họ Trần".

Câu chuyện Trần Bình Trọng hy sinh oanh liệt sau lời mắng nhiếc lũ giặc ngoại xâm xảy ra dưới thời vua Trần Nhân Tông, trong cuộc chiến chống quân Nguyên - Mông lần thứ 2 do sự chênh lệch quá lớn về quân số, mũi quân đánh chặn của Trần Bình Trọng thất bại, Trần Bình Trọng bị bắt sống. Tuy nhiên, Trần Bình Trọng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cầm chân địch khi chúng hoàn toàn mất dấu vết nhà Trần sau trận đánh này.

Để moi móc thông tin, tướng giặc đã dùng mọi cách với Trần Bình Trọng, từ dọa dẫm tới mềm mỏng. Nhưng Trần Bình Trọng quyết không nói nửa lời. Cuối cùng, tướng giặc dụ dỗ sẽ xin phong vương nếu Trần Bình Trọng quy hàng, nhưng ông đã khẳng khái thét mắng vào mặt chúng: "Ta thà làm ma nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc". Lời thét mắng ấy thể hiện rõ quan điểm khẳng định Đại Việt là một nước độc lập và có ý coi thường triều đình phương Bắc khi ông chỉ gọi nhà Nguyên Mông là "đất Bắc". Lời thét mắng ấy của Trần Bình Trọng khiến quân giặc giận tím mặt. Chúng giết ông ngay tức khắc. Sử sách còn ghi lại thời điểm ấy là tháng Chạp năm Ất Dậu (1285). Năm ấy, Trần Bình Trọng mới có 26 tuổi. Câu nói của ông đã thể hiện tinh thần bất khuất và tấm lòng yêu nước to lớn của một vị chính nhân quân tử. Câu nói ấy đến ngày nay vẫn còn truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ thanh niên Việt Nam, để học biết sống và cống hiến cho Tổ quốc.

Nhờ sự chiến đấu anh dũng và sự hy sinh oanh liệt, thà chết chứ không chịu làm lộ thông tin quân sự của triều đình, của Trần Bình Trọng, triều đình nhà Trần mới có thời gian và điều kiện để chuẩn bị lực lượng phản công. Sau đó chỉ vài tháng, quan quân nhà Trần đã dốc toàn lực phản công, đập tan quân Nguyên Mông. Nhiều tướng giặc bị chém đầu tại trận, trong đó có Toa Đô, Lý Hằng, Lý Quán. Riêng Thoát Hoan hoảng sợ phải chui vào ống đồng để tránh tên bắn, bắt quân lính khiêng chạy chối chết về nước.

Cuộc chiến chống giặc Nguyên Mông lần thứ 2 thắng lợi ròn rã nhờ công đóng góp không nhỏ của Trần Bình Trọng. Bởi thế, khi xét công trạng, vua Nhân Tông đã truy phong ông là Bảo nghĩa vương.

Tưởng nhớ công ơn và cảm khí tiết của Bảo nghĩa vương Trần Bình Trọng, ngày nay, tên của ông được đặt cho nhiều đường, phố ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Riêng ở Hà Nội, tên của Trần Bình Trọng được đặt cho tuyến phố nối từ phố Trần Hưng Đạo tới phố Trần Nhân Tông - hai nhân vật anh hùng cùng thời với Trần Bình Trọng gắn liền với chiến thắng vang dội trong 2 cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông, lần thứ 2 và lần thứ 3.

Suy nghĩ về câu nói "Ta thà làm ma nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc" - mẫu 3

Trần Bình Trọng là một danh tướng nhà Trần, có công lớn trong hộ giá bảo vệ cho Trần Nhân Tông và Trần Thánh Tông trong cuộc chiến với quân Mông Nguyên năm 1285. Ông bị quân giặc bắt khi chặn quân Nguyên ở bãi Thiên Mạc do sự chênh lệch quá lớn về lực lượng chiến đấu. Khi bị quân giặc tra khảo, ông đã có câu nói được lưu danh sử sách muôn đời "Ta thà làm ma nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc"

Hình ảnh "làm ma nước Nam" có nghĩa là chết, hy sinh ở ngay tại tổ quốc của mình. Nước Nam là đất nước Việt Nam, toàn thể dân tộc ta, đất nước ta lúc bấy giờ. Hình ảnh "làm vương đất Bắc" có nghĩa là được về phương Bắc của quân Mông Nguyên làm chúa làm quan và đề bạt chức vị. Vì vậy, câu nói này chính là lời đáp trả khảng khái của Trần Bình Trọng với quân giặc là ông thà được chết trong vinh quang của tổ quốc, thà được hy sinh vì độc lập của dân tộc trong vinh quang còn hơn là trở thành một kẻ phản quốc, sống sung sướng trong nhục nhã hoen ố danh dự theo lời dụ dỗ của quân giặc. Lời của quân giặc dù có doạ nạt cứng rắn dù có dụ dỗ ngon ngọt thì cũng không thể nào lay chuyển được lập trường vững vàng và tinh thần dân tộc tổ quốc của Trần Bình Trọng.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư và Việt Nam sử lược, nguyên văn câu nói nổi tiếng này của ông là "Ta thà làm quỷ nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc. Ta đã bị bắt thì chỉ có chết mà thôi, can gì mà phải hỏi lôi thôi". Đối với em, câu nói này có gây ấn tượng mạnh mẽ và sâu sắc. Câu nói này đã khẳng định được tinh thần chiến đấu vì dân tộc đến hơi thở cuối cùng của ông, bất khuất kiên cường không sợ cái chết, tuyệt đối trung thành với tổ quốc chứ không bao giờ vì danh vọng mà phản bội lại tổ quốc trong ô nhục. Chính vì không thể khuất phục được ông, giặc Nguyên đã đành phải giết ông vào ngày 21 tháng Giêng năm Ất Dậu. Trong lịch sử dân tộc của nhân dân ta, ta cũng chứng kiến nhiều tấm gương bất khuất, kiên cường vì độc lập tổ quốc của nhiều vị anh hùng dân tộc. Tiêu biểu như người anh hùng Võ Thị Sáu, nữ tướng Hai Bà Trưng, Đặng Dung, Nguyễn Cảnh Dị, Trần Quý Khoáng, Nguyễn Trung Trực,...

Tóm lại, câu nói nổi tiếng của Trần Bình Trọng đã lưu danh sử sách muôn đời. Câu nói này là một trong những tấm gương ngời sáng của truyền thống chống giặc ngoại xâm, thà chết không hàng giặc của đất nước ta.

Suy nghĩ về câu nói "Ta thà làm ma nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc" - mẫu 4

Trần Bình Trọng được biết đến với câu nói nổi tiếng: “Ta thà làm ma nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc”.

Đầu tiên, cần hiểu được ý nghĩa của câu nói. Cụm từ “làm ma” có ý chỉ cái chết, “làm vương” ý chỉ có được quyền lực, vinh hoa phú quý. Từ đó, có thể hiểu là Trần Bình Trọng muốn khẳng định rằng thà hi sinh cho đất nước, chứ không chịu làm tay sai cho kẻ thù phương Bắc để hưởng vinh hoa phú quý, có được quyền lực. Ngoài ra, Trần Bình Trọng cũng muốn nhắn nhủ rằng con người cần phải giữ trọn khí tiết, chết vinh còn hơn sống nhục.

Dân tộc Việt Nam đã trải qua quá trình dựng nước và giữ nước. Trong suốt những năm tháng đó, chúng ta đã phải đối mặt với biết bao kẻ thù xâm lược. Nhưng nhân dân Việt Nam vẫn kiên cường đấu tranh, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền, lãnh thổ của dân tộc. Biết bao thế hệ đã ngã xuống khi tuổi đời còn quá trẻ. Ở hiện tại, đất nước đã có được độc lập, tự do. Con người được sống trong bình yên. Tinh thần yêu nước được thể hiện qua nhiều hành động. Ví dụ như các bạn trẻ cố gắng học tập để cống hiến, xây dựng đất nước phát triển. Việc hội nhập văn hóa nước ngoài diễn ra nhưng vẫn dựa trên tinh thần giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống. Những hoạt động quảng bá du lịch, bảo vệ môi trường tự nhiên cũng thể hiện được lòng yêu nước. Ngoài ra, khi xảy ra tranh chấp chủ quyền, mỗi công dân cũng đều thể hiện được quan điểm cá nhân, yêu cầu tôn trọng chủ quyền lãnh thổ dân tộc.

Dù vậy, một số người lại chạy theo lối sống vật chất, quên đi nguồn cội của bản thân. Họ có những hành vi chống phá, gây tổn hại đến đất nước. Điều này thật đáng lên án và phê phán. Học sinh - thế hệ tương lai của đất nước phải tự ý thức trách nhiệm của bản thân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Việc làm quan trọng nhất là cố gắng học tập và rèn luyện tốt để trở thành một chủ nhân giàu tiềm năng kiến thiết đất nước cường thịnh “sáng vai với các cường quốc năm châu”. Đồng thời, chúng ta cũng cần tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện như thăm hỏi gia đình thương binh liệt sĩ, giúp đỡ những bà mẹ Việt Nam anh hùng, ủng hộ cho nạn nhân chất độc màu gia cam. Hay các hoạt động thuyết trình về vấn đề nền bảo vệ hòa bình thế giới, chủ quyền biển đảo, quyền lợi dân tộc…

Như vậy, câu nói của danh tướng Trần Bình Trọng giàu tính biểu tượng, gửi gắm thông điệp ý nghĩa cho thế hệ hôm nay và mai sau. Mỗi người hãy ghi nhớ để sống sao cho xứng đáng.

Suy nghĩ về câu nói "Ta thà làm ma nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc" - mẫu 5

Trần Bình Trọng là một danh tướng nổi tiếng của thời Trần. Ông được biết đến với câu nói: “Ta thà làm ma nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc”. Câu nói là lời khẳng định đanh thép về tinh thần yêu nước, ý chí quyết tâm chống lại kẻ thù xâm lược.

Trước hết, chúng ta cần hiểu được ý nghĩa của câu nói. “Làm ma” có nghĩa chỉ cái chết, “làm vương” ý chỉ có được quyền lực, vinh hoa phú quý. Ý của cả câu nói là Trần Bình Trọng thà hi sinh cho đất nước, chứ không chịu làm tay sai cho kẻ thù phương Bắc để hưởng vinh hoa phú quý, có được quyền lực. Suy rộng ra, ông cũng muốn khẳng định làm người phải giữ trọn khí tiết, chết vinh còn hơn sống nhục. Đối với ông, trách nhiệm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của dân tộc, đánh đuổi kẻ thù khỏi bờ cõi còn quan trọng hơn cả giữ gìn mạng sống. Ông sẵn sàng hi sinh để bảo vệ đất nước, nhân dân và không chịu khuất phục trước kẻ thù. Câu nói của Trần Bình Trọng thể hiện một khí phách hiên ngang, anh dũng thật đáng ngưỡng mộ, tự hào.

Lịch sử dân tộc đã trải qua nhiều năm tháng đấu tranh bảo vệ đất nước. Bất cứ thời đại nào cũng có những bậc anh hùng đứng lên lãnh đạo nhân dân đoàn kết chống lại kẻ thù. Theo dòng chảy lịch sử của dân tộc, song hành với việc dựng nước cũng là việc giữ nước. Chúng ta đã từng đánh Tống đuổi Minh trừ Thanh diệt Pháp thắng Mỹ. Trang sử nào cũng vẻ vang, trang sử nào cũng chói lọi và đáng tự hào. Đó chính là minh chứng hùng hồn cho khát vọng bảo vệ chủ quyền quốc gia dân tộc.

Trong di chúc của vua Trần Nhân Tông có lời căn dặn dành cho thế hệ con cháu thật sâu sắc: “Một tấc đất của tiền nhân để lại cũng không để lọt vào tay kẻ khác. Ta muốn lời nhắn nhủ này như một lời di chúc trọn muôn đời cho con cháu.”. Niềm tự hào, tự tôn dân tộc vẫn còn âm vang trong lời thơ của Nguyễn Trãi khi đặt các triều đại của Việt Nam ngang hàng với các triều đại của Trung Quốc trong Bình Ngô đại cáo:

“Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương”

Và đến thời đại Hồ Chí Minh, có thể nói khát vọng về chủ quyền dân tộc thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ luôn cháy bỏng mãnh liệt hơn bao giờ hết: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Kế thừa tinh thần đó, nguyên thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã từng khẳng định trước dư luận và truyền thông quốc tế: “Chúng tôi không đánh đổi lãnh thổ lấy tình hữu nghị viển vông”. Có thể thấy rằng, dù trong quá khứ hay hiện tại thì nhân dân Việt Nam luôn sẵn sàng đấu tranh để bảo vệ chủ quyền của quốc gia dân tộc.

Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận nhỏ trong đời sống thờ ơ, vô cảm với thời cuộc không có trách nhiệm đối với đất nước, bản lĩnh chính trị yếu kém, dễ dàng bị xúi giục, kích động a dua theo đám đông làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia dân tộc. Với bản thân, tôi luôn thức được việc cần tu dưỡng phẩm chất đạo đức tích lũy tri thức để đóng góp cả vật chất lẫn tinh thần cho công cuộc giữ vững chủ quyền dân tộc.

Câu nói của danh tướng Trần Bình Trọng giàu tính biểu tượng, gửi gắm thông điệp ý nghĩa cho thế hệ muôn đời sau. Mỗi người cần phải ghi nhớ để nhắc nhở bản thân sống sao cho xứng đáng với thế hệ ông cha đã hy sinh để giành lại nền độc lập cho đất nước ngày hôm nay.

Suy nghĩ về câu nói "Ta thà làm ma nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc" - mẫu 6

Chắc hẳn, các bạn đều biết đến danh tướng Trần Bình Trọng. Ông nổi tiếng với câu nói: “Ta thà làm ma nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc”.

Để hiểu được ý nghĩa của câu nói, chúng ta cần hiểu được “làm ma” có nghĩa chỉ cái chết, “làm vương” ý chỉ có được quyền lực, vinh hoa phú quý. Trần Bình Trọng muốn khẳng định rằng ông chấp nhận cái chết để bảo vệ chủ quyền đất nước, chứ không chịu làm tay sai cho kẻ thù để có quyền lực lớn trong tay hay hưởng vinh hoa phú quý. Câu nói của Trần Bình Trọng đã thể hiện khí phách của một bậc anh hùng hết lòng trung thành với đất nước. Đó cũng là lời nhắc nhở sâu sắc cho thế hệ sau.

Yêu nước vốn là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định rằng: “Nhân dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của ta.”. Quả vậy, từ trong quá khứ, nhân dân Việt Nam đã cùng nhau đoàn kết để đánh bại biết bao kẻ thù xâm lược, giành lại độc lập, tự do cho đất nước. Đến khi hòa bình lập lại, yêu nước lại được thể hiện qua những hành động khác nhau. Thế hệ trẻ khi tiếp thu văn minh hiện đại của nước ngoài dựa trên nguyên tắc “hòa nhập chứ không hòa tan”. Nhiều thanh niên tài năng với những phát minh khoa học được thế giới công nhận lại nguyện trở về Việt Nam xây dựng sự nghiệp. Nhiều sinh viên vừa mới tốt nghiệp, tình nguyện trở về quê hương để xây dựng cho quê hương mình. Chúng ta luôn kiên quyết trong việc bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ của đất nước.

Vậy nhưng, một bộ phận nhỏ lại có lối sống vô ơn, bội bạc. Họ quên đi nguồn cội, có những hành động gây tổn hại đến đất nước. Chúng ta cần phải tỉnh táo để nhận thức được và tránh xa. Và câu nói của danh tướng Trần Bình Trọng giàu tính biểu tượng, gửi gắm thông điệp ý nghĩa cho thế hệ muôn đời sau.

Tóm lại, câu nói “Ta thà làm ma nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc” giàu tính biểu tượng, vô cùng sâu sắc. Mỗi người cần ghi nhớ để có thể tu dưỡng, rèn luyện bản thân và sống sao cho ý nghĩa.

Suy nghĩ về câu nói "Ta thà làm ma nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc" - mẫu 7

Đất nước ta đã trải qua hơn bốn ngàn năm lịch sử với những trang vàng chói lọi với những chiến công oai hùng, với những trận chiến ghi dấu son sử vàng với cả những câu nói đầy dấu ấn khiến nhân dân nhớ mãi muôn đời. Một trong những câu nói nổi tiếng nhất là câu nói của danh tướng Trần Bình Trọng:' ''Ta thà làm ma nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc''. Câu nói ấy chính là biểu tượng sáng chói cho lòng yêu nước thiết tha, sự bất khuất của những người con yêu nước và cả sự kiên quyết, không bị lu mờ bởi danh lợi. Dẫu trong hoàn cảnh có bị địch bắt, dẫu địch có dụ hàng ông, dẫu địch có vẽ ra trước mắt ông những danh lợi mà ông sẽ có khi hàng nhưng ông vẫn khẳng khái, vẫn gan dạ, vẫn yêu nước mà thể hiện rõ ràng mong muốn rằng ông thà làm ma nước Nam đất nước mà ông sinh ra và lớn lên, đất nước mà ông đã chiến đấu hết mình vì nó, đất nước mà có người thân ông ở đó chứ ông chẳng cần quyền cao chức trọng khi phải bán nước, ông chẳng cần làm vương đất Bắc để rồi lại thấy cảnh nước mất nhà tan trong tay lũ giặc Nguyên. Câu nói ấy đã thể hiện sự hiên ngang, sự bất khuất lẫn lòng yêu nước da diết của vị danh tướng Trần Bình Trọng và thể hiện đạo lí xưa nay ''Thà chết chứ quyết không chịu làm nô lệ cho giặc''. Qua câu nói ấy, ta có thể thấy rằng ta có quyền tự hào về lịch sử vẻ vang nước nhà, có quyền tự hào vì ông cha ta đã từng bất khuất và kiên cường ra sao và chúng ta những mầm non đang sống trong sinh khí đỏ rực của đất trời cần phải có trách nhiệm với công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc và hơn thế nước trong tim mỗi chúng ta cần phải có tình yêu nước hệt như thế hệ đời trước.

Suy nghĩ về câu nói "Ta thà làm ma nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc" - mẫu 8

Lịch sử Việt Nam ghi dấu nhiều trang vàng chói lọi về lòng yêu nước, tinh thần quật cường chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta. Trong đó, câu nói của danh tướng Trần Bình Trọng: “Ta thà làm ma nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc” đã trở thành biểu tượng cho khí phách hiên ngang, bất khuất của người Việt Nam. Câu nói được thốt ra trong hoàn cảnh khi Trần Bình Trọng bị quân Nguyên bắt giữ sau trận chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ hai. Giặc dụ dỗ ông hàng phục và hứa sẽ phong cho ông chức tước cao quý. Tuy nhiên, Trần Bình Trọng đã khảng khái từ chối và thà chết chứ không chịu khuất phục. Câu nói thể hiện khí phách hiên ngang, bất khuất của người anh hùng dân tộc Trần Bình Trọng, cũng như tinh thần yêu nước nồng nàn của người Việt Nam. Nó đã trở thành biểu tượng cho tinh thần bất khuất của người Việt Nam. Cha ông ta thà chịu chết chứ không chịu làm nô lệ cho giặc. Chúng ta có một đất nước với truyền thống lịch sử hào hùng, có một dân tộc kiên cường, bất khuất. Chúng ta có quyền tự hào về những người anh hùng dân tộc như Trần Bình Trọng. Đồng thời, câu nói của ông cungx là là lời nhắc nhở cho mỗi người Việt Nam về lòng yêu nước, tinh thần bất khuất và niềm tự hào dân tộc. Chúng ta cần phải học tập và noi theo tấm gương của những người anh hùng dân tộc để bảo vệ và xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp.

Suy nghĩ về câu nói "Ta thà làm ma nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc" - mẫu 9

Trần Bình Trọng (1259 – 1285), xuất thân từ dòng họ Lê Đại Hành, là một trong danh tướng kiệt xuất. Ông nổi tiếng với tinh thần dũng cảm, hy sinh cho đất nước và lòng trung thành với triều đình. Ông được biết đến với những chiến công vĩ đại trong cuộc chiến chống lại quân Nguyên – Mông. Góp phần lớn trong việc bảo vệ đất nước khỏi sự xâm lược của các thế lực ngoại xâm. Danh tướng Trần Bình Trọng đã có câu nói rất nổi tiếng rằng " Tà thà làm ma nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc". Câu nói đã đã thể hiện được phần nào ý chí, tư tưởng của ông. Ông cho rằng thà chết cũng sẽ chết ở quê hương, hi sinh cho Tổ Quốc còn hơn là sống trong vinh hoa phú quý nhưng lại làm tay sai cho kẻ thù. Trần Bình Trọng đã thể hiện được khí phách của một bậc anh hùng hết lòng trung thành với đất nước. Nêu cao tình thần chống giặc ngoại xâm, đánh đuổi quân thù ra khỏi bờ cõi dành lại độc lập cho dân tộc. Câu nói là biểu tượng của tinh thần yêu nước, lòng trung thành và quyết tâm vươn lên của một dân tộc. Khích lệ mọi người không ngừng chiến đấu và phấn đấu vì tự do và chủ quyền quốc gia.

Suy nghĩ về câu nói "Ta thà làm ma nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc" - mẫu 10

Trần Bình Trọng là một danh tướng kiệt xuất của thời nhà Trần, góp công lớn trong trận chiến với quân Mông - Nguyên lần thứ nhất. Ông nổi danh với câu nói bất hủ ''Ta thà làm ma nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc''. Đầu tiên chúng ta cần phải hiểu câu nói ''Ta thà làm ma nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc.'' có nghĩa là gì? Trong câu nói, cụm từ ''làm ma'' có nghĩa là chết, ''làm vương'' tức là xưng vương, làm vua. Câu nói trên được hiểu theo nghĩa đen là ông thà chết chứ không đời nào làm vua ở nước Bắc, tuyệt đối không phản bội nước nhà đi làm tay sai cho quân thù để hưởng giàu sang, phú quý. Câu nói cũng được hiểu theo nghĩa bóng là phải giữ khí tiết trong sạch, ''chết trong còn hơn sống đục'', điều đó có nghĩa Trần Bình Trọng muốn nói ông thà chết trong vinh quang còn hơn sống một cuộc sống giàu sang ô nhục, lăng mạ dân tộc bằng cách trở thành tay sai của kẻ thù.Qua câu nói ''Ta thà làm ma nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc.'', danh tướng Trần Bình Trọng muốn nhắc nhở chúng ta rằng ''chết vinh còn hơn sống nhục'', thà hi sinh thân mình để giành lấy độc lập cho Tổ quốc còn hơn quyền lực và sự giàu sang, phú quý bằng việc phản bội nước nhà. Câu nói này đã thể hiện Trần Bình Trọng là một danh tướng một mực trung thành và yêu nước, tinh thần dũng cảm và khí phách ngang tàng của một tướng quân nhà Trần.

1 1,022 28/08/2024