TOP 10 mẫu Giới thiệu một cuốn sách văn học hoặc khoa học mà em thấy có ý nghĩa với bản thân (2024) SIÊU HAY

Giới thiệu một cuốn sách văn học hoặc khoa học mà em thấy có ý nghĩa với bản thân gồm 10 bài văn mẫu hay nhất, chọn lọc giúp học sinh viết bài tập làm văn lớp 8 hay hơn.

1 514 04/09/2024


Giới thiệu một cuốn sách văn học hoặc khoa học mà em thấy có ý nghĩa với bản thân

Đề bài: Em hãy viết một bài văn giới thiệu một cuốn sách văn học hoặc khoa học mà em thấy có ý nghĩa với bản thân

TOP 10 mẫu Giới thiệu một cuốn sách văn học hoặc khoa học mà em thấy có ý nghĩa với bản thân (2024) SIÊU HAY (ảnh 1)

Giới thiệu một cuốn sách văn học hoặc khoa học mà em thấy có ý nghĩa với bản thân - mẫu 1

Từ xa xưa, sách luôn được coi là kho tàng tri thức vô tận và quý giá của nhân loại. Việc đọc sách mang lại cho con người nhiều lợi ích, không chỉ giúp chúng ta tiếp nhận thêm kiến thức mới mà còn giúp phát triển và hoàn thiện nhân cách của con người.

Trong buổi giới thiệu sách hôm nay, thư viện nhà trường trân trọng giới thiệu tới quý thầy cô và các bạn học sinh một cuốn sách vô cùng ý nghĩa, thấm đẫm tính nhân văn mang tựa đề “Chuyện con mèo dạy hải âu bay” của nhà văn Luis Sepúlveda.

Luis Sepúlveda sinh vào tháng 10 năm 1949 tại Chile. Ông mất vào ngày 16 tháng 4 năm 2020, tại Tây Ban Nha do đại dịch quái ác mang tên Covid-19. Luis Sepúlveda là nhà văn, nhà báo, đạo diễn, nhà cách mạng nổi tiếng của Chile. Với giọng văn giản dị nhưng truyền cảm, các tác phẩm của Luis Sepúlveda đều mang đến cho độc giả nhiều bài học sâu sắc. Vì lẽ đó , ông được mệnh danh là “người kể chuyện ngụ ngôn cho mọi lứa tuổi” và thu hút đông đảo bạn đọc trên toàn thế giới. Ở Việt Nam, nhiều tác phẩm của ông đã được phát hành và được đông đảo bạn đọc yêu thích như: Lão già mê đọc truyện tình, Chuyện con mèo dạy hải âu bay, Chuyện con ốc sên muốn biết tại sao nó chậm chạp, Chuyện con chó tên là Trung Thành, Hoa hồng sa mạc.

Tác phẩm “Chuyện con mèo dạy hải âu bay” có lẽ là một trong những cuốn sách được thiếu nhi Việt Nam yêu thích nhất. Cuốn sách do nhà xuất bản Hội nhà văn phối hợp cùng Công ty Văn hóa & Truyền thông Nhã Nam phát hành với độ dày 144 trang, trên khổ giấy 14x20,5cm. Tác phẩm không chỉ là một câu chuyện ấm áp, dễ thương về loài vật mà còn truyền tải thông điệp về trách nhiệm với môi trường, về sự sẻ chia và yêu thương.

Mở đầu câu chuyện là hình ảnh đàn chim hải âu tiến về vịnh Biscay để tham dự đại hội dành cho chúng. Trong đó, có một cô hải âu xinh đẹp tên là Kengah với bộ lông màu bạc vô cùng quyến rũ; nhưng chỉ vì một chút sơ ý mà cô đã bị thụt lùi so với đồng đội của mình. Tuy nhiên, nguy hiểm chưa dừng lại ở đó, khi dang cánh định bay lên thì cô bị mắc vào lớp váng dầu được thải ra nhày nhụa trên biển tưởng chừng như không thể thoát ra được. Nhưng với một ý chí một quyết tâm nào đó đã khiến cô nàng hải âu của chúng ta dùng hết sức lực để bay đến một ban công nơi chú mèo Zorba đang tắm nắng. Với chút sức lực của mình Kengah đã hạ sinh ra một quả trứng và đưa ra ba lời hứa và yêu cầu chú mèo Zorba phải thực hiện. Đầu tiên là “không ăn quả trứng”; thứ hai là “sẽ chăm lo cho quả trứng đến khi chim non ra đời” và cuối cùng là “dạy cho nó biết bay”. Ba điều tưởng chừng như không thể với loài mèo và càng không thể hơn với một chú mèo lười vô cùng to béo như Zorba. Nhưng với lòng tự trọng và danh dự của một con mèo tại cảng Hamburg, chú ta đã bắt đầu thực hiện lời hứa của mình với đầy sự tận tâm và trách nhiệm. Cùng với sự giúp đỡ của những người bạn, Zorba đã thực hiện được tất cả các lời hứa của mình

Không chỉ dừng lại ở những ý nghĩa nhân văn trong cốt truyện, tác phẩm còn mang lại những bài học nhân văn vô cùng sâu sắc. Đầu tiên, là bài học về lời hứa. Trong cuộc sống, chúng ta phải luôn luôn tôn trọng lời hứa. Khi đã hứa là phải làm dù có khó khăn đến mấy. Thêm vào đó, Luis Sepúlveda đã cho ta thấy được sự cao cả của tình mẫu tử. Biết được mình sắp ra đi và bằng tất cả sự yêu thương, lo lắng cho đứa con sắp chào đời của mình, cô hải âu Kengah đã bay lên mặc dù đôi cánh vẫn còn dính dầu để đi tìm sự giúp đỡ dù cho đó có là tia hi vọng mỏng manh nhất. Và đó cũng là hình ảnh thấm đẫm nước mắt khắc sâu trong tâm trí của người đọc về vẻ đẹp cao quý của tình mẫu tử; càng làm cho chúng ta thêm căm phẫn tận cùng về hình ảnh ô nhiễm môi trường đang diễn ra.

“Chúng ta đã bảo vệ con từ khoảnh khắc con mổ lớp vỏ trứng ra đời. Chúng ta đã dành cho con sự chăm sóc mà không hề nghĩ tới việc biến con thành một con mèo. Chúng ta yêu con như yêu một con hải âu… Thật dễ dàng để chấp nhận và yêu thương một kẻ nào đó giống mình, nhưng để yêu thương ai đó khác mình thực sự rất khó khăn, và con đã giúp chúng ta làm được điều đó. Con là chim hải âu, và con phải sống cuộc đời của một con hải âu. Con phải bay”. Chính những câu nói ấy đã khiến chúng ta nhận ra rằng tình yêu thương không chỉ tới cùng những con người có cùng chủng tộc mà tình yêu thương chính là một món quà được sinh ra từ những gì đẹp đẽ nhất. Ai trong chúng ta cũng có sự khác biệt kể cả loài vật cũng vậy. Chính vì điều ấy, tạo hóa đã ban cho chúng ta tình yêu thương như để dang rộng đôi tay một tình yêu không có giới hạn.

“Chuyện con mèo dạy hải âu bay” không chỉ là một câu chuyện nhẹ nhàng, trong sáng mà tác phẩm còn đề cao sự tự tin, quyết tâm cố gắng vượt qua mọi thử thách và điều quan trọng là luôn phấn đấu thay đổi bản thân để theo đuổi và thực hiện ước mơ của chính mình. Mặc dù nhà văn Luis Sepúlveda đã đi xa, nhưng chắc chắn rằng chú mèo Zorba cùng với bạn bè của mình sẽ viết tiếp những trang sách để đời in dấu những giá trị nhân văn cao cả.

Giới thiệu một cuốn sách văn học hoặc khoa học mà em thấy có ý nghĩa với bản thân - mẫu 2

Quanh chúng ta là cả vũ trụ mênh mông, gần bên chúng ta là thế giới vật chất quen thuộc, vừa cần thiết vừa thân thiết với cuộc sống mỗi người. Ngay bản thân con người ai cũng nghĩ: có gì mà phải nói! Ấy thế nhưng, bắt gặp cái gì chưa rõ trong đầu chúng ta lại bật ra câu hỏi: “Tại sao vậy?” “Vì sao thế?”. Ví dụ, tại sao lại dùng mũi để thở, tai để nghe, vì sao con cái giống cha mẹ,... Trong thế giới bao la có biết bao điều kì lạ, chính sự kì lạ đó đã khơi dậy trong lòng mỗi con người sự tìm tòi khám phá những huyền bí quanh ta. Điều này từng là nguồn động lực cho tất cả những người vĩ đại bước lên đỉnh cao của khoa học. Những sự vật hiện tượng trước đây nằm ngoài nhận thức của con người thì ngày nay đã trở thành những vấn đề hấp dẫn khích lệ chúng ta tiếp tục đi tìm hiểu nó. Để khám phá những điều bí ẩn đó mời thầy cô và các em đến với cuốn sách mang tên: “10 vạn câu hỏi vì sao” do tác giả Đặng Minh Dũng biên soạn do nhà xuất bản Văn hóa thông tin ấn hành.

Sách “10 vạn câu hỏi vì sao” bố cục theo phong cách mở, tạo không gian tự do cho tư duy liên kết các hiện tượng, sự kiện một cách ngẫu hứng, nhằm mục đích duy nhất là giúp bạn đọc có thể liên tưởng, đối chiếu, so sánh để lĩnh hội kiến thức. Bằng cách trả lời hàng loạt câu hỏi thế nào, tại sao để trình bày một cách đơn giản, dễ hiểu khối lượng lớn các khái niệm, các phạm trù khoa học, các sự vật hiện tượng, quá trình tự nhiên xã hội và con người.

Chúng ta sống trong một thế giới muôn màu sắc, vậy phải làm thế nào để nhận thức thế giới? Chúng ta có thể quan sát bằng mắt, nhìn thấy vẻ bên ngoài của sự vật, dùng tai để đón nhận mọi âm thanh của thế giới tự nhiên. Chúng ta dùng tay, chân và các bộ phận khác trên cơ thể để tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Tất cả cảm giác đều hội tụ vào thần kinh, truyền đến trung khu não, khiến cho chúng ta nhận thức khái quát về thế giới.

Đến với cuốn sách các em sẽ được khám phá nhiều kiến thức như: Tìm hiểu những câu chuyện về vũ trụ kỳ ảo, những bí ẩn của trái đất, kết cấu phức tạp và kỳ diệu của con người, những quy luật của khoa học trong thế giới hàng ngày, xã hội loài người đa dạng. Ngoài việc tìm hiểu về vũ trụ bí hiểm các em còn được khám phá chủ đề về học tập như: Mặt trời có thể phát sáng, phát nhiệt như thế nào? Vì sao bốn mùa trong năm dài ngắn khác nhau? Vì sao nước biển có màu xanh? Vì sao cầu vồng xuất hiện sau cơn mưa? Vì sao núi lửa phun trào? Vì sao máy tính cũng nhiễm “vi rút”? Ngoài ra các em còn phát hiện được nhiều bí mật thú vị về thiên nhiên, động vật như: Vì sao có xoáy nước trong dòng sông? Trên thế giới có nàng tiên cá không? Vì sao cá sấu khóc? Vì sao có loài thực vật biết ăn thịt côn trùng? Vì sao tàu ngầm lại lặn được? Vì sao trên trời có sấm sét?

Giới thiệu một cuốn sách văn học hoặc khoa học mà em thấy có ý nghĩa với bản thân - mẫu 3

Có ai đó đã nói rằng: “Mỗi cuốn sách là một bức tranh kì diệu, mở ra trước mắt chúng ta những chân trời tri thức. Quả thật như vậy, qua mỗi cuốn sách, ta sẽ bắt gặp những câu chuyện, những con người với từng mảnh đời, số phận khác nhau. Đó là nàng Kiều với thân phận chìm nổi, bấp bênh cùng 15 năm phiêu bạt vì phải chịu đựng những hủ tục của một giai cấp thống trị thối nát; là cậu bé Hồng với một tuổi thơ bất hạnh cùng hoàn cảnh sống chật vật. Qua những câu chuyện ấy, mỗi người sẽ tự rút ra những bài học cho riêng mình. Với tôi, cuốn sách đã để lại trong tôi nhiều xúc cảm và ấn tượng nhất là cuốn “Lời chia tay đẹp nhất thế gian” của tác giả Noh Hee Kyung.

Dù có viết nhiều và được khai thác ở khía cạnh nào thì có lẽ, những câu chuyện về gia đình vẫn luôn là chủ đề không bao giờ xưa cũ. Bởi nó luôn chạm đến sâu thẳm trong lòng mỗi người, và bởi chúng ta, hầu hết ai cũng có một gia đình để nhớ về. “Thật kỳ lạ, khi còn trên đời, mẹ chỉ đơn giản là mẹ thôi, chẳng có gì hơn. Thế nhưng khi bà qua đời, tôi bỗng có suy nghĩ rằng bà chính là cả cuộc đời của mình.” Chỉ với trang sách đầu tiên, tác giả đã đem đến một nỗi buồn man mác cùng sự day dứt đến đau lòng của những người ở lại, báo trước về một cuộc chia tay buồn bã và đầy tiếc nuối.

Lời chia tay đẹp nhất thế gian là câu chuyện kể về bà nội trợ Kim In Hee và gia đình của bà. Kim In Hee là một người mẹ, người vợ, người con dâu tảo tần, chịu thương chịu khó. Bà đã dành cả cuộc đời để chăm sóc, vun vén hạnh phúc cho gia đình nhỏ của mình. Bà có một người chồng làm bác sĩ, tính tình cộc cằn, vô tâm; một người mẹ chồng già đã mất trí nhớ, khi thì đánh đập, buông những lời chửi bới, mắng nhiếc thậm tệ, một đứa con gái luôn mải mê chạy theo công việc và tình cảm sai trái của mình mà chẳng mấy khi quan tâm đến mẹ; một đứa con trai luôn thất bại trong việc thi cử nên lúc nào cũng chán chường và một người em trai luôn đắm mình trong cờ bạc, rượu chè. Họ bận bịu với công việc, với cuộc sống ngoài kia, với những con người xa lạ mà quên đi một người vẫn hằng ngày lo cho họ từng bữa cơm, từng bộ quần áo. Cuộc sống của bà cứ trôi qua một cách bình dị và lặng lẽ, với căn bếp nhỏ, với những công việc đang dang dở của mình.

Cả cuộc đời bà chưa từng mưu cầu một điều gì lớn lao, ước mong duy nhất của bà chỉ là cả nhà có thể kịp dọn đến ngôi nhà mới đang xây để tránh những cơn gió rét của mùa đông. Ấy vậy mà, ước mong nhỏ bé, bình dị ấy chưa kịp thực hiện, bà đã phải bỏ lại tất cả. Trong một lần đi kiểm tra sức khỏe, bà được chẩn đoán mắc căn bệnh ung thư giai đoạn cuối không thể chữa trị. Căn bệnh này chắc hẳn đã có từ lâu, nó len lỏi vào trong những cơn tiểu rắt cùng sự đau đớn, thế nhưng bà nào quan tâm tới những điều ấy. Sự bận bịu với công việc đã khiến bà chẳng màng đến bản thân mình nữa. Đối mặt với cái chết sắp đến của bà, các thành viên trong gia đình mới dần nhận ra giá trị cùng sự vô tâm, bạc bẽo của mình, để rồi trong họ dâng lên nỗi xót xa, ân hận vô cùng. Người chồng tuy là một bác sĩ những giờ đây cũng chỉ biết đứng nhìn vợ mình ngày ngày bị cơn đau giày xé. Mặc dù biết người vợ mình sẽ không qua khỏi nhưng trong ông vẫn nhen nhóm những tia hy vọng. Người con gái vốn mải mê chạy theo công việc và tình yêu, nay đã gác lại tất cả để phụ giúp mẹ việc nhà. Người con trai giờ đây luôn tha thiết cầu xin thời gian trôi chậm lại để mẹ nhận được tờ giấy báo đại học mà bà hằng ao ước. Ngay cả người em trai ngày ngày chỉ biết rượu chè giờ đây cũng đã thay đổi, tu chí làm ăn.

Và cũng chính vào những ngày cuối đời, bà cũng được cùng gia đình quây quần, hạnh phúc trong ngôi nhà mới. Bà ra đi trong vòng tay yêu thương của cả gia đình, trong nụ cười mãn nguyện. Cuộc chia tay của họ hiện lên thật xót xa, buồn bã nhưng cũng đẹp nhất thế gian. Chắc hẳn, ai đọc cuốn sách cũng cảm thấy ngỡ ngàng, giật mình vì bản thân bấy lâu nay “nhận” tình yêu thương, sự chăm sóc của mẹ như một lẽ thường tình mà chẳng hề để tâm. Và chỉ khi rời xa mẹ, ta mới nhận ra, những điều ấy thật đáng trân quý biết nhường nào. Thật sự cảm ơn tác giả Noh Hee Kyung đã đem đến cho độc giả cuốn tiểu thuyết vô cùng ý nghĩa và đầy sự xúc động. “Lời chia tay đẹp nhất thế gian” cũng chính là lời tri ân cuối cùng mà tác giả gửi đến người mẹ quá cố của mình và đã trở thành cuốn sách biểu tượng về tình cảm gia đình, kiệt tác lay động trái tim của biết bao thế hệ người Hàn Quốc trong suốt 22 năm qua.

Giới thiệu một cuốn sách văn học hoặc khoa học mà em thấy có ý nghĩa với bản thân - mẫu 4

Nguyễn Nhật Ánh lại đưa chúng ta trở về thế giới tuổi thơ, trở về với những loài vật ngộ nghĩnh và thân thuộc. "Chúc một ngày tốt lành" là câu chuyện xảy ra trong vườn nhà bà Đỏ với nhân vật chính là 2 con heo, 1 con chó và một đàn gà, với trò chơi ngôn ngữ kỳ thú. Câu chuyện bắt đầu với heo nói tiếng gà, chó kêu tiếng heo, gà vừa kêu gâu gâu vừa kêu ủn ỉn. Sau đó là cuộc cách tân ngôn ngữ đầy thú vị, một ngoại ngữ mới được ra đời mà thu hút cả chính con người và loài vật cũng tham gia học thứ ngôn ngữ cách tân này.

Chỉ là một câu chuyện nhỏ xảy ra trong vườn bà Đỏ nhưng đó là cả những câu chuyện lớn về suy nghĩ, cách ứng xử của những người bình thường cho tới những người mang trọng trách trong xã hội như ông an ninh, bà kế hoạch đầu tư, các nhà báo, ông thuế vụ, ông du lịch, bà y tế..

Trong câu chuyện thú vị hơn cả là chuyện tình cảm giữa chú heo Lọ Nồi với cô nàng Đeo Nơ, của thằng Cu và bé Hà, những rung động ngô ngê của trẻ con. Chúng ta phám khá thêm được một chân lý rằng: "Ra chuyện tình cảm tức là nhìn 1 ai đó rồi quay đi rồi quay lại nhìn rồi quay đi rồi quay lại nhìn rồi quay đi.. đến chừng nào mỏi cổ thì thôi. Chán ngắt".

Một câu chuyện gợi lại tuổi thơ với những trò chơi và mong muốn ngô nghê được nói chuyện với động vật hay được sáng tạo nên thứ mật ngữ của riêng mình. Một câu chuyện mà đọc xong ai cũng sẽ phải lật lại sách trang 112 để học thuộc "bảng cửu chương" ngôn ngữ gồm các câu hội thoại đơn giản:

"Un un gô - gô un un" : Chào buổi sáng

"Chiếp un un" : Bạn có khỏe không

"Un un - chiếp un un?" : Tôi khỏe, còn bạn?

"Chiếp chiếp gô" : Cảm ơn

"Ăng gô gô" : Chúc một ngày tốt lành

"Un gô gô" : Chúc ngủ ngon

Và còn một số những vốn từ ít dùng nhưng không kém phần thú vị thỉnh thoảng mới được các nhân vật của chúng ta thốt lên như:

"Gố gồ.. gồ un.. ủn gô.. ô.. ô.. ô.." : Thế là tình ta vỡ tan

Và: "Un ún ủn.. Un gô.. chiếp gồ.. ồ.. ồ.." : Tôi muốn ở bên em suốt đời.

Cũng vì câu nói này mà Ông An ninh trong truyện đã bị Bà Kế hoạch Đầu tư chỉ thẳng mặt mà chửi như tát nước, chỉ vì ông nghĩ rằng tối rồi thì không được "Chúc một ngày tốt lành", nên trong lúc bối rối ông đã rống đại lên câu kia.

Một câu chuyện cho thấy rằng thế giới chỉ vui nếu như chúng ta có trí tưởng tượng. Sở dĩ cuộc sống của bọn trẻ con và các bác nông dân trong truyện vui đến thế là bởi vì họ hòa mình được với thứ ngôn ngữ mới mà bọn động vật nghĩ ra. Nó chẳng gây hại gì mà lại mua vui cho cuộc sống buồn tẻ của họ. Thế nhưng khi chúng được truyền đến tai Ông An ninh, Bà Y tế, hay Ông Chủ tịch Tỉnh.. những người đã "trót lớn" thì thứ ngôn ngữ vui nhộn ấy lại hóa ra những mầm họa đe dọa an ninh quốc gia.

Có lẽ những con chó, con lợn, con gà.. trong câu chuyện đã gặp rắc rối to nếu một ngày đẹp trời, đứa con 5 tuổi của Ông Chủ tịch Tỉnh không đột nhiên gợi ông nhớ về hồi nhỏ với những ước mơ, sự hào hứng con trẻ. Và ông nhớ lại có một thời nhìn con chó, con mèo ông cũng từng háo hức như thế.. Còn Ông An ninh, giá như lúc đấy ông đã nghĩ ít đi, bớt phức tạp đi, thì có phải ông đã nói béng câu "Chúc một ngày tốt lành" rồi không, chỉ tiếc là ông lại nghĩ nhiều quá, nên mới bị Bà Kế hoạch Đầu tư trợn mắt quát: "Tôi một chồng hai con rồi, ông đừng có lộn xộn!"

Một câu chuyện khiến ai đọc xong cũng thấy đúng là mình đang có "một ngày tốt lành" thật.

Giới thiệu một cuốn sách văn học hoặc khoa học mà em thấy có ý nghĩa với bản thân - mẫu 5

Đảo mộng mơ là một lát cắt đời sống của những đứa trẻ lên 10 giàu trí tưởng tượng như tất cả mọi đứa trẻ. Chúng mơ mộng, tưởng tượng, và tự làm “hiện thực hóa” những khao khát của mình.

Câu chuyện bắt đầu từ một đống cát để chuẩn bị xây nhà kho trong sân nhà mình. Nhưng đối với Tin, một cậu bé học lớp 6, thì đó thực sự là một hòn đảo thật ý nghĩa và thú vị. Trên đảo có chúa đảo là Tin, có phu nhân chúa đảo là con Thắm, chàng phó chúa đảo là Thứ Bảy. Chúng đều là hàng xóm và là bạn cùng lớp. Hằng ngày vợ chồng chúa đảo và Thứ Bảy vẫn phải đi học, nhưng sau giờ học, cả 3 lại trở về với một thế giới hoàn toàn khác, thế giới của đảo, của biển đầy quyến rũ. Ở đó có cãi vã, có cai trị, có ẩu đả, và có cả yêu thương.

Với lối kể chuyện dí dỏm pha lẫn hài hước, một phong cách rất riêng, rất đặc sắc của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, Đảo Mộng Mơ thực sự là một thiên đường để bọn trẻ thỏa sức tưởng tượng. Vậy bọn trẻ đã tưởng tượng ra những gì? À,Chúng tưởng tượng ra trên đảo nào là hải tặc, nào là cá mập, nào là thú dữ mặc dù đó chỉ là một con chó cảnh.

Trong lúc xã hội đang lo âu trước sự cằn cỗi của tâm hồn trẻ thơ, từng ngày từng giờ đối mặt với màn hình vi tính, với những game bạo lực, kinh dị thì Đảo Mộng Mơ đã cung cấp một liều thuốc dự phòng hiệu quả và kì diệu đối với tâm hồn tuổi thơ của các em. Đó chính là một ốc đảo tươi xanh đang bị sa mạc hóa bởi tính thực dụng và sự thờ ơ với xung quanh.

Đảo Mộng Mơ cuốn hút người đọc không phải ở sự phiêu lưu kì bí mà chỉ đơn giản lãng mạn hóa những câu chuyện thường ngày. Ví như chuyện đống cát của ba sẽ trở thành hòn đảo vĩnh viễn. Ước mơ con trẻ tưởng như giản đơn nhưng sẽ không bao giờ thành hiện thực, bởi người lớn thường bỏ ngoài tai những thứ mà họ cho là trò trẻ con.

Kết thúc có hậu như chuyện cổ tích, khi hòn đảo cát của 3 đứa sắp biến mất để xây nhà thì bất ngờ… ba Tin quyết định giữ lại đống cát ấy cho con mình. Ông giữ lại cho con trai của mình cả một niềm tin về thiên đường tuổi thơ trong trẻo.

Truyện dành cho con trẻ nhưng nhiều bậc phụ huynh đã đọc liền một mạch “ Đảo mộng mơ” một cách thích thú, bởi người lớn sẽ tìm thấy bóng dáng tuổi thơ của mình ở đó, một tuổi thơ trong veo và ngọt ngào khi được mặc sức vui chơi những trò chơi con trẻ. Để hiểu được rằng, đối với con trẻ, nhu cầu được tôn trọng càng lớn gấp bội lần so với nhu cầu được yêu thương. Phải chăng Nguyễn Nhật Ánh đã thành công khi gửi đi bức thông điệp “ Hãy nuôi dưỡng và nâng niu những giấc mơ con trẻ trong đời sống hiện đại”.

Giới thiệu một cuốn sách văn học hoặc khoa học mà em thấy có ý nghĩa với bản thân - mẫu 6

“Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội”. Quả thật, ai đã từng sinh ra và lớn lên ở Hà Nội thì không thể nào quên được tình yêu dành cho Hà Nội - một tình yêu không dễ để gọi tên, chỉ biết ngắm nhìn, trân trọng và nâng niu. Cuốn sách “Hà Nội băm sáu phố phường” chính là tác phẩm giúp ta hiểu hơn về một Hà Nội như thế, hiểu thêm về những nét đẹp của thủ đô yêu dấu.

“Hà Nội băm sáu phố phường” là tập bút kí nổi tiếng của nhà văn Thạch Lam, tập hợp lại những bài viết in trên báo sau khi ông qua đời, do Nhà xuất bản Văn học phát hành.

Thạch Lam (1910 – 1942) tên thật là Nguyễn Tường Lân, sinh tại Cẩm Giàng, Hải Dương. Ông là cây bút tiêu biểu thuộc nhóm Tự lực văn đoàn.

“Hà Nội băm sáu phố phường” chủ yếu viết về chuyện phố, chuyện phường, đời sống dân sinh, đặc biệt là đi sâu vào những thức quà chỉ riêng nơi đây mới có. Trên mỗi trang viết giản dị, mộc mạc là hình ảnh một Hà Nội xưa quyến rũ lạ kì, níu chân bất cứ vị khách nào lại qua. Đó là hình ảnh những mái nhà cổ kính bên những con đường quanh co, mềm mại, là nét văn hoá ẩm thực tinh tế... giữa không gian êm ả, thanh bình. Đọc xong cuốn sách, đọc giả sẽ cảm nhận được toàn bộ vóc dáng và tâm hồn Hà Nội xưa.

Cuốn sách là tập hợp hai mươi mốt bài kí nhỏ như hai mươi mốt bức họa đầy hoài niệm, dựng nên hình bóng Hà Nội xưa với nhiều cảnh đời khác nhau. Đó có thể là những người phụ nữ tần tảo, sống một cuộc đời lầm lũi, vất vả với gánh nặng cơm áo gạo tiền. Nhưng thấp thoáng giữa các số phận éo le đó lại ẩn hiện tình yêu đôi lứa trong sáng và thuần khiết. Tất cả đều là những câu chuyện về những con người Hà Nội, nép mình dưới những khu phố khác nhau, với những mảnh ghép cuộc đời khác nhau, hiện lên đơn sơ bằng ngòi bút chân thực của tác giả. Ông đã nhắc đến “nghệ thuật biển hàng” đang dần biến mất vì sự Tây hóa, học đòi của các chủ quán khiến văn hóa tiếng việt của dân tộc bị lu mờ.

Với “Hà Nội băm sáu phố phường”, tác giả cũng bày tỏ niềm thương cảm tới những người bán rong – những thân phận bé nhỏ, lam lũ kiếm sống, mưu sinh trong đêm.

Chỉ qua một tập tùy bút nhỏ, độc giả đã có thể thấy tâm hồn một Thạch Lam như đồng điệu với Thăng Long cổ kính, thanh tao. Nhà văn phố huyện Cẩm Giàng đôi khi chỉ cần vài ba dòng, vài ba câu mà gợi được cả hình ảnh về Hà Nội, không phải ở những khung cảnh sôi động, ồn ào, không phải ở những vấn đề xã hội gay gắt mà như một góc khuất lặng lẽ và chỉ người nào yêu Hà Nội lắm mới có thể nhận ra. Với một lối hành văn nhẹ nhàng, thanh thoát, Thạch Lam đã bất tử hóa những cái bình thường, làm rung động con tim người mến thương Hà Nội. Giọng văn của Thạch Lam không gay gắt, khoa trương, mà nhỏ nhẹ như một lời thủ thỉ của thiếu nữ đang tâm tình với người thương.

Tác phẩm là lời nhắc nhở chúng ta cần gìn giữ văn hóa, cội nguồn dân tộc, xây dựng thủ đô ngày càng giàu đẹp hơn.

“Hà Nội băm sáu phố phường” đã thể hiện tấm lòng trân trọng của Thạch Lam đối với văn hoá và quá khứ của Hà Nội. Ai trong chúng ta cũng nên có trong tay cuốn sách này để tự mình thả hồn vào dòng lịch sử mênh mang của thủ đô yêu dấu và cảm nhận thực sự những nét đẹp của Hà Nội.

Giới thiệu một cuốn sách văn học hoặc khoa học mà em thấy có ý nghĩa với bản thân - mẫu 7

“Chúc một ngày tốt lành” là tác phẩm của nhà văn chuyên viết cho thiếu nhi -Nguyễn Nhật Ánh. Tác phẩm kể về cuộc sống hằng ngày của con người cũng như các con vật nuôi ở một làng quê. Truyện được chính thức phát hành vào ngày 6/3/2014 bởi nhà xuất bản Trẻ. Với kích thước nhỏ gọn 13 cm x 20cm, cuốn sách sẽ là cuốn sổ tay gối đầu giường của các độc giả nhỏ tuổi.

"Chúc một ngày tốt lành" được nhà văn lấy cảm hứng từ ngôn ngữ và cách giao tiếp của những động vật nuôi ở thôn quê. Bà Đỏ trong quyển sách là chủ của khu vườn và căn nhà nơi mà các con vật trong truyện sinh sống cùng cậu chủ tên Cu của chúng, là con của bà Đỏ. Câu chuyện được bắt đầu khi một ngày nọ, bà Đỏ cùng một người hàng xóm vô tình phát hiện ra những tiếng kêu không bình thường của những vật nuôi nhà mình.

Heo không kêu "ụt ịt ụt ịt" mà lại kêu "cục cục cục", "chiếp chiếp chiếp" của gà thật kì lạ phải không các bạn. . Chó không sủa "gâu gâu" mà lại kêu "ụt ịt ụt ịt", "ủn ỉn ủn ỉn" của heo. Chi tiết này được tác giả miêu tả một cách hài hước, hóm hỉnh. Bằng giọng văn gần gũi và sáng tạo của mình, tác giả đã sáng tạo nên những tình huống hài hước khiến người đọc phải phì cười vì sự tinh nghịch của đàn vật nuôi, với sự giúp sức đắc lực của thằng Cu - con bà Đỏ.

Thời gian sau đó, dù bằng một sự quyết tâm để bảo vệ danh tiếng của gia đình (mà cũng có một phần vì kinh tế!) nhưng bà Đỏ cũng không thể bán được đàn vật nuôi với những tiếng kêu quái dị của mình. Hai chú heo Lọ Nồi và Đuôi Xoăn đã đánh lừa và đùa giỡn với các con vật khác trong vườn bằng tiếng kêu kì lạ của mình.

Bọn trẻ trước khi đi ngủ, vẫn có thể hào hứng chúc nhau một ngày tốt lành, dẫu ngày hôm đó chỉ còn có một mẩu. Ờ, một mẩu có khi chừng ba mươi phút thôi nhưng nếu đó là một mẩu tốt lành thì cuộc sống vẫn vô cùng tươi đẹp…

Đọc tựa cuốn sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh là muốn mở ngay trang sách. Bạn sẽ thấy một thứ ngôn ngữ lạ của Hàn Quốc hay của nước nào tuỳ bạn đoán. Chiếp un un bạn có biết là gì không? Đó là Bạn có khoẻ không? Còn Un gô gô là chúc ngủ ngon hay Ăng gô gô là Chúc một ngày tốt lành

Qua tác phẩm, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã nói lên những suy nghĩ và ước mơ của trẻ em rằng thế giới luôn tươi đẹp, những con vật nuôi luôn có cảm xúc và hiểu được con người, một ngày nào đó các em sẽ được nói chuyện với những con vật mà mình yêu thương bằng một loại ngôn ngữ đặc biệt.

Giới thiệu một cuốn sách văn học hoặc khoa học mà em thấy có ý nghĩa với bản thân - mẫu 8

Mỗi cuốn sách là một kho tàng quý giá của nhân loại. Mỗi người hẳn sẽ có những cuốn sách mà bản thân cảm thấy tâm đắc. Và cuốn sách yêu thích của tôi là Dế Mèn phiêu lưu kí của nhà văn Tô Hoài.

Dế Mèn phiêu lưu kí được in lần đầu năm 1941, là tác phẩm đặc sắc nhất và nổi tiếng nhất của nhà văn Tô Hoài dành cho lứa tuổi thiếu nhi. Truyện gồm mười chương, kể về cuộc phiêu lưu của nhân vật chính là chú Dế Mèn. Chương một kể về bài học đường đời đầu tiên của Dế Mèn. Từ chương hai tới chương chín kể về những cuộc phiêu lưu của Mèn, cùng người bạn đường là Dế Trũi. Chương mười kể về việc Mèn cùng Trũi về nhà và nghỉ ngơi, dự tính cho những cuộc phiêu lưu trong tương lai.

Khi đọc tác giả, tôi rất yêu thích nhân vật Dế Mèn. Đó là một chú dế cường tráng, khỏe mạnh. Tuy nhiên, cậu chàng lại có tính kiêu căng, luôn nghĩ mình “có thể sắp đứng đầu thiên hạ”. Dế Mèn luôn coi thường những người xung quanh, đặc biệt là Dế Choắt - người bạn hàng xóm gầy gò và yếu ớt. Một lần, Dế Mèn bày trò trêu chị Cốc khiến cho Dế Choắt phải chịu oan. Hậu quả là Choắt bị chị Cốc mổ đến kiệt sức. Trước khi chết, Choắt khuyên Dế Mèn bỏ thói kiêu căng của mình. Dế Mèn vô cùng ân hận và nhận ra bài học đường đời đầu tiên của mình. Sau này, Dế Mèn gặp gỡ và quen Dế Trũi, cậu đã bắt đầu hành trình phiêu lưu với người bạn đường của mình. Cả hai đã trải qua nhiều thử thách, gặp gỡ thêm được nhiều bạn mới và nhận ra những bài học bổ ích cho bản thân. Khi trở về, Dế Mèn đã có những suy nghĩ về hành trình phiêu lưu mới trong tương lai.

Dế Mèn phiêu lưu kí được coi là một trong những cuốn sách yêu thích của trẻ thơ. Cuốn sách đem đến cho người đọc nhiều bài học quý giá về cuộc sống.

Giới thiệu một cuốn sách văn học hoặc khoa học mà em thấy có ý nghĩa với bản thân - mẫu 9

Thương Nhớ Mười Hai của Vũ Bằng là một Việt Nam Danh Tác, được ông chắp bút từ tháng Giêng năm 1960 cho đến năm 1971 mới hoàn thành. Nói về Thương Nhớ Muời Hai là nói về 12 tháng trong năm của Hà Nội, có cảnh vật, ẩm thực, phong tục sinh hoạt của người Bắc Việt. Đó là tình yêu, nỗi nhớ của tác giả dành cho quê hương khi xa cách và thấp thoáng trong đó luôn là hình ảnh một người vợ dịu hiền…

Thương Nhớ Mười Hai là góp nhặt nhiều kí ức, tình yêu về đất Bắc của Vũ Bằng khi xa quê hương nhiều năm, có lẽ vào Nam sinh sống không làm ông quên đi Hà Nội mà chỉ làm những điều đó trở nên sâu đậm hơn. Đứng trước một ngày nắng oi ả của Sài Gòn lại thèm cái se lạnh của gió Bấc ngoài Hà Nội, ăn trái cây miền Nam mà lại cứ nghe mùi vị của mận Thất khê, nhãn Hưng Yên,…Dù không nói ra nhưng những gì Vũ Bằng viết đều thấy một niềm tự hào dành cho quê hương, đất nước và một tình yêu da diết cho một Hà Nội trong ký ức đẹp đến nao lòng….

Mỗi tháng trong năm Hà Nội lại khoác trên mình một màu áo khác nhau, mười hai tháng mang mười hai màu áo khác nhau. Tháng Giêng “nghe thấy rạo rực nhựa sống trong cành mai, gốc đào, chồi mận” cùng những cơn mưa rả rích, gió lành lạnh ngày xuân. Những ngày bầu trời mát mẻ, “trong vắt như lọc qua một tấm vải màu xanh” đó là những ngày tháng Năm. Sang những ngày tháng Tám trời lại “buồn se sắt, đẹp não nùng” làm sao mà không nhớ hình ảnh những chiếc lá vàng chỉ chờ một cơn gió nhẹ lay rụng xuống hai bên đường đi, tháng Mười gió bấc, mưa phùn mà chỉ ở Hà Nội những ngày đó mới cảm nhận hết được không khí ấy. Từng câu chữ đều len lỏi vào đó những cảnh vật thiên nhiên rất riêng của Hà Nội. Ví đất trời Hà Nội như một cô gái ẩm ương, thất thường nhưng vẫn đáng yêu thật là đúng! Tất cả đều được Vũ Bằng ghi lại bằng ngôn từ chân thật, phong phú của mình.

Nhắc đến Bắc Việt thì không thể không nhắc đến vô vàn những thức quà ngon, những thú vui ẩm thực. Đơn giản là tháng Ba lượm mấy quả bàng quế, bàng đực ăn mà thích mê cái mùi thơm thơm, vị ngọt nhiều khi còn hơn cả cam hay táo. Đọc đến đây cả tuổi thơ lại ùa về len lỏi trong mỗi kí ức. Dù bây giờ ở đâu cũng có đủ loại trái cây lại còn quanh năm nhưng cùng không bằng những loại trái cây theo mùa ngon nức tiếng như vải Cầu Họ, nhãn thì có nhãn Hưng Yên, mận thì có mận Thất Khê, na thì có na Láng, na Phủ Lý từng mùa ở ngoài Bắc Việt được. Còn món rượu nếp thơm ngon rất riêng để làm ra cũng là quá trình kì công của những bà nội trợ, thu về lại có thức quà ngày thu món chuối chín vàng ăn kèm với cốm non xanh dẻo thơm. Một trong những món quà mà đất trời dành cho nơi đây chính là ẩm thực, từ bao giờ nhắc đến từ ăn không còn là để no mà là để cảm nhận sự tinh túy trong từng thức quà.

Thời gian trôi qua là lớp bụi phủ đi những thứ xưa cũ nhưng những phong tục tập quán tốt đẹp từ đời ông cha ta để lại thì nay vẫn vẹn nguyên, nhất là trong những gia đình Bắc Việt. Vũ Bằng đã minh chứng điều ấy qua việc miêu tả không khí ngày Tết cổ truyền của dân tộc ta. Nào là kiêng không quét nhà vào những ngày Tết vì sợ đuổi đi mất thần Tài, kiêng không làm vỡ chén, ly,… đọc đến đây thấy sẽ thấy gần gũi, lòng lại nôn nao Tết về….

Không ai có thể hiểu hết tình yêu mà bà Qùy dành cho chồng mình lớn thế nào đến mức có thể đưa Vũ Bằng ra khỏi những cám dỗ cuộc đời, vực lại đời ông. Ngay cả đến lúc sắp mất cũng lo không biết chồng ở miền Nam sống thế nào… Và cũng không biết Vũ Bằng thương “ người bạn chiếu chăn ” nhiều bao nhiêu để mà có thể viết ra những lời tình đến vậy, chỉ biết mỗi câu chuyện viết ra đều nhớ về bà Qùy, nhớ những món ăn bà nấu chan chứa tình yêu thương, nhớ những đêm hai vợ chồng cùng dắt nhau đi tản bộ, nhớ chuyện bà kể về sự tích lễ Vu Lan,… tất cả đều ẩn trong đó là bóng hình một người vợ dịu dàng, đảm đang, luôn chăm lo cho chồng con.

Có thể nói hơn cả một cuốn tùy bút chứa đựng nỗi nhớ da diết, “Thương nhớ mười hai” của nhà văn Vũ Bằng còn là tác phẩm văn học mang đậm giá trị văn hóa, lịch sử, nhân văn để mỗi một gia đình, mỗi người con khi tìm đến lại có cơ hội đi ngược miền kí ức, trở về với những giá trị văn hóa đáng tự hào của mảnh đất Kinh Kỳ tinh tế, tài hoa.

Giới thiệu một cuốn sách văn học hoặc khoa học mà em thấy có ý nghĩa với bản thân - mẫu 10

“Chiếc lá cuối cùng” có lẽ là tác phẩm đặc biệt từ cái tên cho đến nét ấm nóng đặc biệt mà nhà văn O Henry muốn gửi gắm đến bạn đọc. Trong tiết học hôm nay, tôi sẽ giới thiệu cho các bạn nghe về tác phẩm ấn tượng này nhé!

Nói đến văn học Mỹ, người đọc thế giới thường nhắc tới O.Henry như một trong những tác giả viết truyện ngắn có duyên nhất. Với một vốn sống phong phú, O.Henry đã sáng tác hơn 400 truyện ngắn và góp vào nền văn học Mỹ một tiếng nói rất riêng. Văn chương của O.Henry nhẹ nhàng, ngắn gọn đến mức sắc sảo.

Giọng văn hài hước, dí dỏm, đôi khi giấu sau những nụ cười là một sự nghiệt ngã đến không ngờ của cuộc sống. Rất nhiều tác phẩm của O.Henri có những kết thúc bất ngờ, gây sửng sốt cho người đọc. Nhiều độc giả yêu quý nhà văn này đã rất ngạc nhiên vì một nhà văn không có học vấn cao (ông chỉ học ở một trường tư cho đến năm 15 tuổi) nhưng lại rất thành công với mảng truyện ngắn và đã đưa vào tác phẩm của mình một xã hội đa dạng và rộng lớn của nước Mỹ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.

Bạn có thể tìm thấy trong văn chương O.Henri những tội phạm, thế giới của người vô gia cư, cuộc sống phiêu lưu của những kẻ cao bồi hay dòng người đi tìm vàng cho đến cuộc sống giàu sang của thành phố New York... Đặc biệt, chúng ta bắt gặp trong truyện của ông một lối viết văn giàu kịch tính. ó là một chuỗi liên tiếp và sự đan cài khéo léo phức tạp các yếu tố bất ngờ mà chỉ đến câu cuối cùng của tác phẩm, cái nút ấy mới được tháo gỡ.

Tiếp xúc với thiên truyện ngắn Chiếc lá cuối cùng, ta sẽ được nhà văn đưa đến phía Tây công viên Oa-sinh-tơn của nước Mĩ. Đó là một địa điểm nhỏ, phố xá nhằng nhịt không có lối ra rõ ràng. Hầu như khu công viên nhỏ này bị một màn xám bao phủ, vây quanh. Nó đã làm cho cuộc sống của những con người như Xiu, Giôn-xi và bác Ba-men thiếu sinh khí: “Hãy tưởng tượng một tay thu ngàn nào đó mang hoá đơn đòi tiền sơn hay giấy và vải vẽ đi qua con đường này, đột nhiên lại gặp ngay chính mình quay trở ra, tiền nự không thu một xu nhỏ”. Cách nói rất hình ảnh của tác giả đã cho ta cảm nhận được cái nghèo nàn, đạm bạc của những con người ở đây.

Ở đây hầu hết là giới nghệ sĩ chung sống với nhau. Họ phải bỏ tiền ra thuê những căn phòng tối om và vẽ những bức vẽ bình thường đổ kiếm sống. Họ chăm chỉ làm ăn là thế mà nghèo vẫn hoàn nghèo, thiếu thốn vẫn hoàn thiếu thốn. Ta tưởng như họ sống trong hôm nay mà chẳng đến hết ngày mai. Những hoạ sĩ (Giôn-xi, Xiu, Bơ-men) trong ý thức họ vẫn muốn hẹn một cuộc sống tốt đẹp, một tương lai sáng lạn. Thế nhưng cơ hội lại chưa mỉm cười với họ. Thành ra họ chỉ còn biết chờ đợi với tình cảm mông lung, huyễn tưởng. Rõ ràng ta nhận thấy O. Hen-ri không thi vị hoá cuộc sống. Ngòi bút của ông hướng về hiện thực, tái hiện chân thực những cảnh đời đói khổ.

Câu chuyện xoay quanh một chiếc lá có lẽ không quá nhỏ nhưng chẳng lớn lao gì mấy để cho người ta, qua một cái sân rộng chúng sáu thước có thể quan sát được dễ dàng, Đó là chiếc lá cuối cùng của “một cây leo già cỗi, tàn héo, cạn nhựa sống, rễ đầy những bướu” khẳng khiu trơ trụi bám víu vào cái cây leo gầy guộc kia được bao lâu nữa mới gánh nặng của những cơn gió bấc rét cắt ruột. Những trận mưa đập ào ạt, dai dẳng trên của sổ, trên mái hiên những đợt tuyết rơi..? Trong thực tế, thì chỉ qua bốn ngày gần đây hằng tram chiếc lá lắt lẻo trên một dây leo héo hắt khiến tôi nghĩ đến một cuộc sống tàn lụi, mong manh, bị vùi dập phũ phàng mà gắng chịu đựng dũng cảm tồn tại.

1 514 04/09/2024