TOP 10 mẫu Nghe và tóm tắt nội dung thuyết trình về một vấn đề đặt ra trong tác phẩm văn học (2024) SIÊU HAY

Nghe và tóm tắt nội dung thuyết trình về một vấn đề đặt ra trong tác phẩm văn học gồm 10 bài văn mẫu hay nhất, chọn lọc giúp học sinh viết bài tập làm văn lớp 8 hay hơn.

1 671 21/08/2024


Nghe và tóm tắt nội dung thuyết trình về một vấn đề đặt ra trong tác phẩm văn học

Đề bài: Em hãy nghe và tóm tắt nội dung thuyết trình về một vấn đề đặt ra trong tác phẩm văn học

TOP 10 mẫu Nghe và tóm tắt nội dung thuyết trình về một vấn đề đặt ra trong tác phẩm văn học (2024) SIÊU HAY (ảnh 1)

Dàn ý: Nghe và tóm tắt nội dung thuyết trình về một vấn đề đặt ra trong tác phẩm văn học

1. Mở bài:

- Giới thiệu tác phẩm văn học

- Giới thiệu được vấn đề nghị luận ở dạng khái quát nhất và định hướng đi, phạm vi của bài viết.

2. Thân bài:

Bài viết cho dạng này, ở phần thân bài thường gồm hai nội dung lớn:

- Phần một:

Phân tích, giới thiệu và nêu vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học.

+ Nếu đề văn nêu sẵn vấn đề rút ra từ một tác phẩm đã học, thì phân tích qua vấn đề ấy đã được thể hiện như thế nào trong tác phẩm.

+ Nếu đề nêu một văn bản chưa học, không cho sẵn vấn đề, thì cần đọc hiểu, phân tích để rút ra vấn đề xã hội và ý nghĩa của vấn đề trước khi vào phần hai.

- Phần hai (trọng tâm):

Nghị luận về vấn đề xã hội rút ra từ tác phẩm văn học (câu chuyện). Khi đã có vấn đề (đề tài, chủ đề) cần bàn bạc rồi, thì mới bắt đầu làm bài nghị luận xã hội, nêu lên suy nghĩ của bản thân mình về vấn đề ấy. Tùy thuộc kiểu bài (nghị luận về tư tưởng đạo lí, hay nghị luận về hiện tượng xã hội) mà xác địnhcác bước làm bài phù hợp.

3. Kết bài:

Phần kết bài có nhiệm vụ tổng kết, đánh giá vấn đề đặt ra ở mở bài và đã giải quyết ở thân bài, góp phần tạo tính hoàn chỉnh, trọn vẹn cho bài văn.

Nghe và tóm tắt nội dung thuyết trình về một vấn đề đặt ra trong tác phẩm văn học - mẫu 1

Cuộc đời mỗi con người bao giờ cũng gắn liền với một quê hương, xứ sở, một đất nước. Có thể nào sống giữa xứ sở, quê hương đó mà không hề gắn bó, yêu thương? Ngày bé thơ, chúng ta còn ngây ngô chưa hiểu:

"Quê hương là gì hả mẹ

Mà cô giáo dạy phải yêu?

Quê hương là gì hả mẹ

Ai đi xa cũng nhớ nhiều?"

Nhưng khi đã lớn khôn, có lẽ ai cũng có thể cảm nhận một cách sâu sắc về tình yêu đất nước trong mình.

Đất Nước - hai tiếng ấy gợi nhắc chúng ta biết bao điều thiêng liêng, ấm áp. Tổ tiên, nguồn cội chúng ta ở đâu? Chúng ta sinh ra, lớn lên, già yếu và chết đi ở đâu? Nơi nào cho ta cuộc sống của chính bản thân mình?

Đó chính là Đất Nước. Yêu nước, yêu Tổ quốc là tình cảm quý báu luôn thường trực trong mỗi trái tim Việt Nam. Tự nó đã đan dệt thành lịch sử, và có thể nói, lịch sử dân tộc Việt cũng chính là lịch sử của lòng yêu nước. Tình yêu đất nước là tình cảm gắn bó sâu nặng giữa con người với quê hương, dân tộc. Nó không chỉ là sự cố kết giữa con người với nơi “chôn nhau cắt rốn", với mảnh đất mình sinh ra, lớn lên mà nó còn là sự giao kết giữa tâm hồn mỗi người dân với linh hồn dân tộc.

Nếu đột nhiên có ai đó hỏi bạn có yêu nước không? Hãy tự tin trả lời bằng một câu khẳng định, bởi lẽ yêu nước không nhất thiết là cầm súng, gươm tranh đấu với kẻ thù. Thời bình người ta thể hiện lòng yêu nước khác với thời chiến.

Thời phong kiến yêu nước là phải gắn liền với “trung quân”, “tề gia trị quốc” thì ngày nay yêu nước lại gắn liền với yêu lý tưởng Xã Hội Chủ Nghĩa. Tình yêu đất nước như một viên đá ngũ sắc, mỗi cạnh mỗi mặt của nó có một màn lung linh khác nhau. Mỗi thời đại sẽ làm cho viên đá đó mang những màu sắc khác biệt.

Khi bạn say mê trước một thắng cảnh của đất nước, khi bạn tích cực bình chọn để Vịnh Hạ Long trở thành một trong bảy kỳ quan thiên nhiên của thế giới hiện đại hay khi bạn biết và trăn trở trước vấn đề biển Đông - một trong những vấn đề đang từng ngày, từng giờ nóng dần trên các diễn đàn, trang mạng hay báo chí và cầm bút để viết lên những dòng cảm xúc của mình để gửi đến Trường Sa thân yêu… thì chính lúc đó tình yêu đất nước trong bạn đang hiện rõ. Khi Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến, khi các nhà Thơ mới viết những câu thơ, bài thơ thật hay ngợi ca vẻ đẹp quê hương Việt Nam, đó cũng đúng là lúc cảm hứng nghệ thuật của các nghệ sĩ đang thăng hoa trong tình yêu đất nước. Không yêu, không gắn bó với mùa thu đồng bằng Bắc Bộ, làm sao cụ Tam Nguyên có thế viết chùm thơ thu tuyệt bút, phác nên khung cảnh tuyệt đẹp của miền quê Việt Nam:

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo

Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo

Sóng biếc theo làn hơi gợn tí

Lá vàng trước ngõ khẽ đưa vèo

Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt

Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.

(Thu điếu)

Nếu chỉ thuần túy là tài năng, liệu rằng nữ sĩ Anh Thơ có thể phát được bức họa thiên nhiên bằng ngôn từ đẹp thế này:

Ngoài bờ đê cỏ non tràn biếc cỏ

Bầy sáo đen sà xuống mổ vu vơ

Mấy cánh bướm rập rờn trôi trước gió

Những trâu bò thong thả cúi ăn mưa.

(Chiều xuân)

Yêu thiên nhiên chính là biểu hiện của lòng yêu nước - một biểu hiện không cầu kì, ồn ào mà hết sức giản dị, tự nhiên.

Nhưng tình yêu đất nước không chỉ được đan dệt bằng tình yêu thiên nhiên. Yêu nước còn được biểu hiện bằng niềm tự hào dân tộc. Người Việt Nam có rất nhiều điều đáng tự hào về quê hương, đất nước mình. Chúng ta vẫn nhắc lại cho nhau nghe những chiến công oanh liệt trong công cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước. Bằng chứng là chúng ta có rất nhiều câu chuyện, nhiều áng văn thơ ngợi ca tinh thần đấu tranh ngoan cường của nhân dân, dân tộc. Bằng chứng là chúng ta có rất nhiều bảo tàng lưu giữ những kỷ vật khắc ghi chiến công của các anh hùng, nghĩa sĩ, chiến sĩ đã đấu tranh vì độc lập tự do cho dân tộc... Niềm tự hào không chỉ in dấu trong các chiến công oanh liệt mà còn in đậm ở truyền thống văn hoá. Đọc Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm, người đọc bắt gặp rất nhiều di tích văn hoá – lịch sử lâu đời của dân tộc: những ngôi chùa, mái đình, những làng nghề cổ truyền... Gắn với mỗi di tích ấy là bao truyền thuyết lịch sử, lễ hội đầu xuân, lời ca điệu hát truyền lại từ đời này sang đời khác... Mạch thơ tuôn trào không đứt cùng với niềm tự hào khốn tả:

Bên kia sông Đuống

Quê hương ta lúa nếp thơm nồng

Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong

Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp.

Càng yêu mến, càng tự hào về quê hương giàu đẹp, trù phú bao nhiêu, người Việt Nam càng căm thù bè lũ cướp nước, bán nước bấy nhiêu. Đất nước bốn nghìn tuổi cũng là đất nước bốn nghìn năm kiên cường đấu tranh giữ nước:

Khi có giặc người con trai ra trận

Người con gái trở về nuôi cái cùng con

Ngày giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh.

(Đất Nước- Nguyễn Khoa Điềm)

Bốn nghìn năm đó biết bao người đã ngã xuống "Để Đất Nước này là đất Nước của nhân dân". Hi sinh cả tính mạng của mình để bảo vệ từng gốc lúa, bờ tre cho Tổ quốc, ý chí chiến đấu đó đã đưa mỗi người con đất Việt đi tới chiến thắng trước mọi bè lũ xâm lăng hung hãn nhất.

Đất nước hoà bình, "súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa” viên ngũ sắc yêu nước lại mang sắc màu lung linh khác. Ý thức về vận mệnh dân tộc vẫn được giương cao nhưng mỗi người tự khắc nhận thức được vai trò của minh đối với sự nghiệp canh tân đất nước. Học sinh thi đua học tốt, giáo viên thi đua dạy tốt, nông dân thi đua canh tác vụ mùa bội thu, công nhân thi đua lao động sản xuất, các chiến sĩ nơi biên thùy vẫn chắc tay súng... Ai ai cũng cố gắng hết sức để góp phần nhỏ bé trong công cuộc dựng xây đất nước. Những huy chương từ các cuộc thi Olympic Vật lý, Toán học quốc tế, từ các đại hội thể thao khu vực, những thành tựu trên các mặt trận kinh tế, văn hoá, khoa học kĩ thuật… các năm gần đây chẳng phải được xây dựng nên từ lòng yêu nước, từ ý chí, tinh thần chiến đấu, lao động vì màu cờ sắc áo của dân tộc sao? Đất nước bốn nghìn năm tuổi nhưng ngày càng trẻ ra, ngày càng hiện đại, văn minh hơn. Đó là nhờ bao bàn tay yêu nước không ngừng chung sức đắp xây đất nước. Sự nỗ lực của mỗi cá nhân đã góp phần vinh danh cho dân tộc, góp phần đưa Việt Nam vững bước trên con đường hội nhập quốc tế.

Như vậy, có thể hiểu một cách nôm na, yêu đất nước là yêu tất cả những gì đẹp đẽ thuộc về xứ sở quê hương, là không ngừng giữ gìn, xây đắp cho tổ quốc thêm giàu mạnh, là không ngừng chiến đấu chống lại cái xấu, cái ác có nguy cơ xâm hại đến quốc; gia...

Tình yêu đất nước là tình yêu muôn màu. Nó thường trực trong mỗi con người và không nhất thiết phải được bộc lộ, biểu hiện như nhau. Tình yêu đất nước tiềm chứa trong nó sức mạnh cực kỳ to lớn. Nó là bệ đỡ tinh thần cho mỗi người trong cuộc sống này. Tại sao “đất nước” vẫn là chủ đề bất tận để các nhạc sĩ, hoạ sĩ, các nhà thơ, nhà văn mọi thời đại, mọi thế hệ nối tiếp nhau sáng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật? Tại sao kiều bào Việt Nam sóng ở nước ngoài luôn hướng về đất nước? Tại sao những người con xa Tổ quốc đó, lúc về già luôn ao ước được yên nghỉ tại quê hương bản quán? Chính tình yêu đất nước đã nuôi dưỡng tâm hồn họ, dẫn bước cho họ vững vàng trong hành trình sống.

Không chỉ nâng đỡ tinh thần con người, lòng yêu nước còn là đòn bẩy khiến mỗi chúng ta sống có trách nhiệm hơn với cộng đồng, với quê hương, dân tộc và với chính bản thân mình. Thực ra, ở mỗi người, khát vọng vinh danh cho quê hương đất nước không khi nào tách rời khát vọng vinh danh cho chính bản thân cá nhân. Chúng ta say mê học tập, lao động vì chính mình nhưng những thành quả mà ta đạt được sẽ điểm tô cho non sông đất nước. Học thức, tài năng của những sứ thần như Mạc Đỉnh Chi chẳng phải đã khiến vua quan Trung Quốc phải kinh ngạc, nể phục đó sao? Mỗi tấm bia khắc tên tuổi các vị trạng nguyên trong Văn Miếu Quốc Tử Giám đâu chỉ có ý nghĩa tôn vinh tài học của họ? Nguyên khí quốc gia là ở đó, Lòng yêu nước đã thôi thúc họ say mê học tập, thôi thúc họ làm rạng danh cho đất nước. Lòng yêu nước của người dân Việt Nam đã khiến các nước đế quốc phải chùn nhụt bước chân xâm lược. Nó là yếu tố cốt lõi nhất mang lại sự trường tồn vĩnh cửu cho giang sơn, tổ quốc này. Sức mạnh của tình yêu đất nước là vô biên, tuyệt đích, là bất khả xâm phạm. Nhận thức được điều đó, chúng ta càng nên gìn giữ, vun đắp để tình yêu đất nước mãi cháy sáng trong ta, để sức mạnh này càng nhân lên gấp bội trong cộng đồng dân tộc.

Nhận thức được sức mạnh của tình yêu đất nước, mỗi chúng ta sẽ dễ dàng hơn trong việc xác định cho mình ý thức bồi dưỡng tình cảm đó. Với nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn, anh “tự nguyện” dâng hiến cuộc đời mình: "Nếu là chim, tôi sẽ là loài bồ câu trắng. Nếu là hoa, tôi sẽ là một đóa hướng dương. Nếu là mây, tôi sẽ là một vầng mây ấm. Là người tôi sẽ chết cho quê hương. Tất nhiên, chết cho quê hương là cách nói hình ảnh, thể hiện sự cống hiến trọn vẹn cho đất nước, cho dân tộc. Thế hệ trẻ chúng ta có muôn vàn cách để chứng tỏ tình yêu quê hương, tổ quốc trong mình. Vũ khí trong tay chúng ta là sức mạnh tuổi trẻ, nhiệt huyết thanh xuân, là tri thức vững vàng, là nhân cách đạo đức trong sáng. Không có lý do gì để chúng ta không noi gương tinh thần yêu nước của cha anh. Không có lý do gì để chúng ta không hoàn thành tốt vai trò, nhiệm vụ học tập của mình. Không có lý do gì để chúng ta không làm giàu cho quê hương, đất nước bằng sức lao động chân chính. Và càng không có lý do gì để chúng ta không thể đối diện chiến đấu với những tệ nạn đang nảy nở trong cuộc sống hôm nay.

Chắc chắn mỗi người dân Việt Nam ai cũng mang trong mình tình yêu đất nước. Nhưng làm thế nào để tình yêu đó ngày càng nồng nàn, tha thiết, ngày càng mãnh liệt hơn - đó là điều ai cũng cần tự giác nhận thức và tìm cho ra câu trả lời. "Đừng hỏi tổ quốc đã làm gì cho ta mà hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay" - lời ca ấy cũng chính là thông điệp nhắc nhở chúng ta nên quên đi “cái tôi” ích kỷ của mình để sum vầy cùng dựng xây đất nước.

Nghe và tóm tắt nội dung thuyết trình về một vấn đề đặt ra trong tác phẩm văn học - mẫu 2

Tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao từ xưa và nay vẫn được xem là một truyện ngắn tiêu biểu, xuất sắc của văn học sáng tác theo khuynh hướng hiện thực phê phán, thể hiện tài năng nghệ thuật của Nam Cao. Cũng từ sáng tác này, chúng ta còn được chứng kiến một điều kì diệu trong cuộc sống, sức mạnh của tình yêu giữa con người với con người.

Đọc những đoạn đầu tiên của tác phẩm, người đọc khó có thể hình dung được sẽ có kế nhân vật chính của truyện – một con người bao nhiêu năm đắm mình trong men rượu, một con quỷ dữ của làng Vũ Đại lại có thể thức tỉnh cả phần và linh hồn nhờ vào tình yêu chớm nở. Khó hình dung hơn nữa khi Chí lại được đánh thức bởi mụ đàn bà xấu ma chê qủy hờn, một người ba mươi tuổi mà chưa trót đời. Và không thể tin nổi khi chính người đàn bà xấu xí ấy lại mang trong mình lòng tốt bình thường mà cả làng Vũ Đại không ai khác có được. Bát cháo hành nóng hổi với những cử chỉ của thị Nở đã đánh thức trong Chí phần “người” lương thiện bị vùi lấp lâu nay. Con người ấy mới hôm qua còn đi uống rượu say, chửi cả làng, chửi cả đứa sinh ra, rạch mặt ăn vạ, la làng khắp xòm mà lại có thể tỉnh táo nhận ra được những điều đơn giản, nhịp sống thường ngày, có thể khóc, có thể sống dậy những cảm xúc tê dại bấy lâu nay, có thể yêu và khao khát, mong muốn được trở lại cuộc sống lương thiện, mơ về một gia đình hạnh phúc. Điều đáng nói hơn, đánh thức Chí không phải là sức mạnh của quyền lực từ bá Kiến, cũng không phải là sức mạnh được mang đến từ những người dân làng Vũ Đại mà là lòng yêu thương ngây thơ, thuần phác trong con người thị Nở.

Từ câu chuyện thức tỉnh của Chí Phèo, có thể thấy tình yêu thương giữa người với người là sức mạnh có khả năng cảm hoá, giáo dục con người một cách nhanh chóng, mạnh mẽ. Trong thực tế cuộc sống, nhiều lần chúng ta đã bắt gặp sức mạnh đó, ở người thầy hết lòng yêu thương học trò, dù đó là đứa học trò ngỗ ngược, ở người cảnh sát trại giam luôn cảm thông và sẵn sàng giúp đỡ các phạm nhân cải tạo. Tình cảm yêu thương chân thành đã lay động và kêu gọi thức tỉnh phần lương tri bị vùi khuất phía sau bao tội lỗi, cứu vớt bao con người khỏi sa xuống vực thẳm đau thương. Tình yêu thương đưa thế giới này thoát khỏi bao thảm họa diệt chủng, ươm lại trong con người niềm tin vào tương lai tươi sáng. . . .

Có nhiều cách để giành lại hạnh phúc, công bằng cho con người nhưng nếu yêu thương có thể hàn gắn mọi đau thương, xoá mờ mọi tội lỗi thì tại sao chúng ta không nhân nó lên trong mọi trái tim, không phát huy sức mạnh của nó? Cũng như nhà thơ Tố Hữu đã từng viết rằng:

Có gì đẹp trên đời hơn thế?

Người yêu người, sống để yêu nhau

Tồn tại và ngày càng phát triển – đó là quy luật của sự sống. Để phát triển, trong cuộc chiến giữa chính và tà, những thế lực phi nghĩa sẽ phải đầu hàng trước sức mạnh chính nghĩa. Nhấn con người chìm đắm trong khổ đau là bóng tối, cái ác. Vậy thì kéo con người lên khỏi bờ vực, đưa con người ra ánh sáng, lương thiện phải là tình yêu thương. Như vậy, sự tồn tại của tình yêu thương, sức mạnh của tình yêu giữa con người với con người là tất yếu, là vô địch. Chúng ta có quyền tin vào sự trường tồn mãi mãi của sức mạnh này.

Có thể thấy tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao không lý tưởng hóa tình yêu bằng sự lãng mạn, thơ mộng và thi vị mà ông tập trung ngòi bút vào miêu tả tình yêu rất đỗi chân thực. Cũng chính nhờ ngòi bút ấy, mà ta thấy được sức mạnh của tình yêu được thể hiện theo một cách khác, một tình yêu lên một bậc cao mới ý nghĩa hơn, cao thượng hơn và có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ hơn. Tình yêu ấy không những làm cho Chí Phèo – Thị Nở bừng tỉnh giữa cuộc đời đầy mê muội mà còn làm cho người đọc có cái nhìn mới tình yêu. Rằng tình yêu rất cao đẹp nhưng luôn đi liền với thực tế hiện tại. Tình yêu và cuộc sống phải hài hòa với nhau mới có thể tạo thành một tình yêu viên mãn và trọn vẹn.

Nghe và tóm tắt nội dung thuyết trình về một vấn đề đặt ra trong tác phẩm văn học - mẫu 3

Trong cuộc sống, có những con người không may mắn khi chào đời. Tạo hóa đã thật bất công với họ. Trong số ấy không ít người chấp nhận số phận, thở ngắn than dài ngậm ngùi cho qua ngày tháng. Nhưng, vẫn có rất nhiều người trong số họ đã ko chấp nhập sự bằng lòng, họ đã dũng cảm và bền bỉ vượt lên sự an bài của tạo hóa. Thật đáng quý!

Lá xanh tươi rồi cũng sẽ về với cội, cuộc sống con người hối hả rồi cũng sẽ lắng vào dòng cát bụi thời gian. Nên lá kia đâu thể mãi màu xanh tháng năm. Nên tuổi đời con người đâu thể “Hai lần thắm lại”. Cho nên là người thì phải sống một cuộc đời có ý nghĩa. Phải có ý chí, nghị lực để vượt lên hoàn cảnh, vượt lên những khó khăn, gian nan phía trước. Giống như anh Nguyễn Ngọc Ký, anh Hoa Xuân Tứ, anh Đỗ Trọng Khôi… họ đều là những người không may mắn nhưng họ vẫn tự mình vươn lên. Họ là “những người không chịu thua số phận”, là những tấm gương sáng cho tất cả chúng ta học tập.

“Số phận” ở đây được hiểu là những nỗi khốn khổ về hoàn cảnh hoặc bất hạnh (tàn tật, khiếm khuyết…) về thể xác của một ai đó. Xưa nay, số phận thường được nhiều người coi là sự an bài của ông trời, do trời định đoạt “Ngẫm hay muôn sự tại trời” (Nguyễn Du, “Truyện Kiều”) nên người có số phận bất hạnh thường có tâm lí cam chịu, trời phạt đành chịu… “Những người không chịu thua số phận” là những con người có ý chí, nghị lực, niềm tin vào cuộc sống. Họ không đầu hàng trước số phận mà mạnh mẽ vươn lên để sống một cuộc sống có ích và ý nghĩa.

Những con người không chịu thua số phận là những con người có nhận thức đúng đắn về số phận, họ nhận ra rằng số phận nằm trong tay mỗi con người và họ quyết tâm vượt lên hoàn cảnh, vượt lên chính mình để tạo dựng cuộc sống tốt đẹp cho mình và người thân, để trở thành người có ích….Họ là những người có nhiều đóng góp cho xã hội, họ tự phục vụ mình, làm ra của cải nuôi sống bản thân, giảm bớt gánh nặng cho gia đình, cho xã hội, cống hiến cho xã hội…Họ là những tấm gương sáng, tấm gương vươn lên trên nỗi bất hạnh của mình để cất lên những tiếng ca ca ngợi cuộc đời, nhen lên niềm tin lẽ sống cho mọi người…

Nếu như chim mang tiếng hót cho đời thêm vui, nếu như hoa mang vẻ đẹp cho đời thêm sắc, thì nghị lực, không chịu thua số phận đã mang lại cho họ những điều đáng quý. “Không chịu thua số phận” giúp họ có tinh thần, quyết tâm vượt lên hoàn cảnh, vượt lên chính mình để sống có ích, sống có cống hiến cho xã hội, giảm bớt gánh nặng cho gia đình… “Tàn” nhưng không “phế”, bằng khả năng của mình họ đã có nhiều thành công và khẳng định được mình trong xã hội. Hơn hết, họ là những tấm gương sáng để lại trong chúng ta bài học sâu sắc về nghị lực và ý chí vươn lên. Chính những tấm gương về họ dạy cho chúng ta phải biết vượt qua những khó khăn trong cuộc sống để thực hiện hoài bão ước mơ. Không ai khác, họ là thần tượng của mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ ngày hôm nay. Không đao to búa lớn, chính cuộc đời họ - “những người không chịu thua số phận” là thông điệp cao cả về lối sống có ích. Làm thơ, viết văn, dạy học… bằng những công việc thầm lặng, họ đã cống hiến cho xã hội như cây xanh làm đẹp cho đời, điểm tô cho cuộc sống. Họ là bài học lớn cho thể hệ trẻ hôm nay, trong hoàn cảnh đầy đủ tiện nghi sung túc, được sống trong sự yêu thương, quan tâm của cha mẹ, xã hội thì không ít học sinh, thanh niên tự đánh mất mình, lao vào tệ nạn xã hội, lối sống vô nghĩa ăn chơi, hưởng thụ, không biết cố gắng phấn đấu, để trở thành người cho ích cho xã hội, đất nước.

Hiểu vậy, biết để mỗi người trong chúng ta, nhất là thế hệ trẻ càng phải hiểu mình phải sống ra sao, sống thế nào cho xứng với chân giá trị làm người. Soi vào những tấm gương cao cả ấy để không ngừng hoàn thiện bản thân. Con đừơng dẫn đến thành công không bằng phẳng bao giờ. Vậy nên, càng phải thấm rằng: “Trên đường dẫn đến thành công không có vết chân của kẻ lười biếng” . Trên vạn dặm, hãy biết chọn một dặm đường và đi cho đến. Để một lúc nào đó quay lại nhìn lại ta hiểu rằng, cuộc đời này đã có gương mặt của ta.

Tương lai đang đợi chờ ta phía trước. Để có một tương lai rạng rỡ, mỗi chúng ta hãy sống nhiệt tình và trọn vẹn với hiện tai. Dẫu những ngày ta đang sống còn gian khổ, khó khăn đến mức nào thì cũng hãy vững tin mà sống. Bạn hãy tự đi trên đôi bàn chân của chính mình, chắc chắn bạn sẽ tới cái đích mà bạn muốn!

Nghe và tóm tắt nội dung thuyết trình về một vấn đề đặt ra trong tác phẩm văn học - mẫu 4

Xin chào thầy cô và các bạn. Tôi là ……………… học sinh lớp …., trường …………..

Tấm Cám là một câu truyện cổ tích kinh điển của dân tộc Việt Nam. Nó mang đậm tính chất giáo dục con người. Thông qua câu chuyện cuộc đời của Tấm, câu chuyện đã đánh bật lên mâu thuẫn giữa thiện và ác trong xã hội. Tôi đã nghe bà kể từ lâu nhưng giờ đây khi có cơ hội ngồi suy nghĩ và phân tích tôi mới có thể cảm nhận được bài học đạo lý mà câu chuyện này muốn truyền đạt. Sớm mồ côi cha mẹ, cô Tấm sống trong sự ghẻ lạnh của dì ghẻ và Cám.

Hằng ngày cô phải làm mọi công việc chỉ để đổi lấy đòn roi của dì và những câu mắng chửi của em. Cuộc sống cứ như thế trôi qua để lại cho cô gái hiền lành những vết thương khó có thể lành. Không ai biết về cô, không ai làm bạn cùng cô trong những đêm buồn tủi cô Tấm chỉ biết khóc. Dù nỗi đau nối tiếp nỗi đau, vết thương in thêm nhưng vết thương nhưng cô vẫn giữ trọn chữ hiếu cùng dì và nghĩa với đứa em cay ác. Nếu tôi được nói một câu cùng cô, tôi sẽ nói rằng cô yêu đuối quá cô Tấm à! Hạnh phúc thật sự chỉ do bản thân mình tự mang lại mà thôi, vậy tại sao cô không thử đừng dậy đấu tranh cho bản thân mình?

Từ xưa đến nay, hình ảnh cô Tấm đã trở thành một khuôn mẫu để đánh giá nét đẹp của người phụ nữ. Cô Tấm xinh đẹp, nhân hậu, chăm chỉ và cô rất hiếu thảo. Nhưng cô không được sống trong hạnh phúc thứ mà đáng lẽ cô phải có được nhận để xứng đáng với nhân cách tốt đẹp của mình.

Việc hằng ngày dì ghé và Cám luôn ngược đãi cô Tấm đã thể hiện rõ cho chúng ta thấy được mâu thuẫn xã hội đã hình thành từ rất lâu. Từ khi con người hình thành tri thức, cái thiện và cái ác đã cùng song hành trong xã hội. Không nơi nào tổn tại toàn những người tốt, và cũng sẽ chẳng thể có một xã hội với tất cả nhưng công dân xấu cả. Cái tốt, cái xấu đã và đang hiện hữu trong mỗi chúng ta, thật sai lầm khi chúng ta sống mà chỉ cố gắng làm điều tốt! Người tốt thật sự là người biết tự nhìn nhận ra những sai lầm của bản thân và tránh lập lại chúng.

Trở lại cùng câu chuyện của cô Tấm, ở đoạn kết chúng ta thấy được một kết thúc đẹp cho nhân vật chính của chúng ta nhưng ít ai nhận ra rằng để đạt được hạnh phúc đó thì cô Tấm đã phải đứng đấu tranh vô cùng vất vả. Cô chết đi và sống lại bao nhiêu lần để có được cái hạnh phúc ấy? Giả sử câu chuyện ấy kết thúc tại thời điểm cô Tấm chết, Cám làm hoàng hậu và hạnh phúc sống cùng vua và người mẹ độc ác của mình đến cuối đời thì sao? Lúc đó bạn sẽ không thể 1 lần nhìn thấy 2 tiếng "hòa bình" trong xã hội này đâu. Khi ấy những gì mà trẻ con đến trường nhận được là lòng thù hận, sự ích kỷ và đố kỵ. Hãy tưởng tượng một buối sáng bạn bước ra đường, vô tình bạn thấy một bà cụ vấp ngã và tất cả mọi người chung quanh bạn vẫn dửng dưng bước đi? Tưởng tượng rằng bạn phải đến viện bảo tàng để đọc được cuốn tiểu thuyết "Những người khốn khổ" của H.Way mà lúc này nó bị xem là tư tưởng phát-xít ???

Và thử tường tượng rằng một ngày nọ... Đèn đỏ, xe cộ đậu chỉnh tề ngay sau vạch trắng. Một va chạm xảy ra và hai thanh niên rối rít xin lỗi nhau. Anh cảnh sát giao thông nhìn cả hai trìu mến rồi tặng mỗi người một cái nón bảo hiểm.

Trên đây là phần trình bày của tôi, rất mong được sự đóng góp ý kiến từ tất cả các bạn. Cảm ơn các bạn đã chú ý lắng nghe.

Nghe và tóm tắt nội dung thuyết trình về một vấn đề đặt ra trong tác phẩm văn học - mẫu 5

Trần Quốc Tuấn là một vị tướng văn võ song toàn, người đã có công lớn trong hai cuộc kháng chiến chống giặc Mông. Tên của ông luôn mãi được khắc sâu trong tâm trí mỗi người dân Việt Nam cùng với những trang sử vàng của dân tộc. Hịch tướng sĩ từ xưa đã được xem là một "thiên cổ hùng văn" bất hủ của dân tộc. Bài hịch là sự kết tinh sâu sắc của truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm, là kết tinh của ý chí và sức mạnh quật cường của dân tộc qua mấy trăm năm lịch sử. Qua bài hịch, Trần Quốc Tuấn đã thể hiện mạnh mẽ lòng yêu nước thiết tha và căm thù giặc sâu sắc của vị chủ tướng một lòng vì nước vì dân.

Hịch tướng sĩ được Trần Quốc Tuấn viết vào năm 1282 và trước hội nghị quân sự Bình Than của các vương hầu. Đó là một luận văn quân sự nổi tiếng trong lịch sử dân tộc, là lời kêu gọi chiến đấu quyết tâm đánh thắng quân xâm lược để bảo vệ sơn hà xã tắc của ông cha ta hơn bảy trăm năm về trước từng làm sôi sục lòng người. Có ý kiến cho rằng: Hịch tướng sĩ là khúc tráng ca anh hùng sáng ngời hào khí Đông – A. Hịch tướng sĩ đã đạt thành công đầu tiên của mình bằng cách sử dụng chất giọng hùng hồn, thuyết phục hiếm có. Chất hùng văn của ông được tạo nên từ nghệ thuật trữ tình hùng biện và tình cảm mãnh liệt, nồng cháy trong tim người anh hùng dân tộc. Đó là ngọn lửa của tình yêu nước thiết tha và ý chí quyết tâm chống giặc cứu nước.

Bài hịch của ông là sự kết hợp tuyệt vời giữa sức mạnh của từng từ và tình cảm cháy bỏng, ý chí quyết chiến quyết thắng giặc thù. Tất cả những điều này đã tạo nên chất nhân văn cao đẹp của bài hịch. Trong bài hịch, vị chủ tướng đã nêu cao gương sáng của các anh hùng nghĩa sĩ đã quên mình vì chúa Kỷ Tín, Do Vu, Dự Nhượng, Thân Khoái, Kính Đức, Cảo Khanh hay anh dũng chống giặc hy sinh vì nước. Đó là những tấm gương tiêu biểu, được lưu truyền trong nhân gian, không ai mà không biết. Tuy nhiên, dưới lời văn của Trần Quốc Tuấn, các tấm gương này lại được nâng cao lên nhiều lần, trở thành điều tâm niệm mà mỗi tướng sĩ nên có. Tình yêu nước theo vị chủ tường, trước hết là phải biết sống anh hùng và lập nên những chiến công hiển hách, lưu danh thiên cổ. Bằng lời văn ngắn gọn, súc tích, Trần Quốc Tuấn đã đánh động được nỗi lòng của các tướng sĩ, khiến họ nhìn lại bản thân mình và thấy được giá trị của tình yêu nước và tấm gương các anh hùng nghĩa sĩ.

Tình yêu quê hương được Hưng Đạo Vương thể hiện bằng sự căm thù đối với kẻ thù. Ngọn lửa yêu nước mãnh liệt bao trùm, khiến lòng căm phẫn trước sự tàn ác của quân giặc càng cháy bỏng hơn. Hưng Đạo Vương đã lộ ra tội ác của quân thù, đó là sự ngang ngược, huênh hoang và tàn bạo. Quân giặc đầy tham lam, hành động tàn ác như bọn cầm thú, gian mãnh, hung tàn. Họ có những hành động đáng xấu hổ như lén nhìn sứ ngụy đi lại, lăng nhục triều đình bằng cách uốn éo lưỡi và khinh rẻ tổ phụ bằng cách lăng nhục đồng bào. Họ còn đòi ngọc lụa để phục vụ lòng tham khảo cùng, đeo bằng hiệu Vân Nam Vương để tích trữ kho báu vô giá. Tinh thần đó còn được thể hiện qua nỗi lòng của một vị tướng luôn lo lắng cho vận mệnh của dân tộc đang đối mặt với nguy cơ hiểm nghèo, và quê hương đang đứng trước một hiểm họa lớn, khó lòng giữ vững độc lập và toàn vẹn.

Tác giả thương xót và lo lắng, trăn trở cho tình hình đất nước lúc này. Quân giặc phá phách trên quê hương, dân chúng lầm than, chết chóc thảm hại, khiến nỗi lòng kẻ sĩ không yên: “ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa”. Nỗi căm tức biến thành hành động, mạnh mẽ và dứt khoát: “Dẫu cho trăm thân ta phơi ngoài nội cỏ, nghìn thây ta bọc trong da ngựa, cũng nguyện xin làm”. Một nỗi căm phẫn đến tột cùng của một trái tim thấm đẫm tình yêu nước, yêu nhân dân. Một ý chí quyết tâm tột độ, dẫu cho phải có hi sinh tất cả cũng phải giết được lũ giặc bất nhân, phi nghĩa. Trần Quốc Tuấn không khỏi băn khoăn lo lắng, đến độ quên ăn, mất ngủ, xót xa như đứt từng khúc ruột. Nỗi niềm ấy được chuyển hóa, nâng lên thành niềm uất hận ngàn thâu, chứa chan trong lòng khi chưa rửa được nhục cho tổ quốc, quyết không đội trời chung với giặc: “xả thịt lột da, nuốt gan, uống máu quân thù.” Không chỉ căm thù giặc mà trần Quốc Tuấn còn nguyện hy sinh thân mình cho sự nghiệp đánh đuổi ngoại xâm, giành lại độc lập cho dân tộc. Trần Quốc Tuấn quả là một con người yêu nước thương dân, ông đúng là tấm gương sáng cho binh sĩ noi theo để mà biết hy sinh bản thân vì nước vì dân. Một vị tướng tài ba, ngoài lòng yêu nước, họ còn phải biết yêu thương binh sĩ. Và Trần Quốc Tuấn đã hội tụ đủ những yếu tố đó. Ông luôn quan tâm, chia sẻ, xem binh sĩ như những người anh em khi xông pha trận mạc cũng như khi thái bình: “không có mặc thì ta cho cơm, không có ăn thì ta cho cơm, quan nhỏ thì ta thăng chức, lương ít thì ra cấp bổng, đi thủy thì cho thuyền, đi bộ thì ta cho ngựa”. Thật là cảm động thay cho tình sâu nghĩa nặng của ông đối với binh sĩ. Cũng chính nhờ tình cảm đó đã thắp lên ngọn lửa yêu nước trong lòng họ.

Tinh thần yêu nước được thể hiện thông qua đoàn kết và khích lệ đồng bào, đặc biệt trong việc chống giặc cứu nước. Những lời chân tình thắm thiết ghi lại những tình cảm yêu thương và lo lắng của vua đối với binh sĩ. Vua không chỉ đưa ra những lời khuyên nhẹ nhàng, mà còn phê phán quyết liệt những hành động sai trái của binh sĩ, như thờ ơ, bàng quan trước vận mệnh của đất nước. Ông nói rằng: "Nếu thấy nước nhục mà không lo, thấy chủ nhục mà không thẹn, thì làm sao tướng triều đình có thể hầu quân giặc mà không tức giận". Những hành động hưởng lạc, ham vui, và quên mất trách nhiệm đối với vận mệnh của đất nước, như chơi đùa, đánh bạc, vui chơi, hoặc quá mải mê với gia đình và công việc riêng, đều làm giảm chất lượng và hiệu quả của binh sĩ trong việc bảo vệ đất nước. Những lời giáo huấn của vua có ý nghĩa rất sâu sắc, nó giúp đánh thức những binh lính lạc lối và lầm đường trở lại con đường đúng đắn, đồng thời rèn luyện ý thức về độc lập dân tộc. Vua cũng chỉ ra rằng, trong bối cảnh nguy cơ bị xâm lược từ nước ngoài, việc đoàn kết và cảnh giác là rất quan trọng, và việc học "Binh thư yếu lược" do trần Quốc Tuấn biên soạn cũng là một cách để rèn luyện kỹ năng và chiến thắng quân thù.

Bài Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn phản ánh tinh thần yêu nước nồng nàn của dân tộc ta nói chung và Trần Quốc Tuấn nói riêng trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Nó được thể hiện qua lòng căm thù giặc, ý chí quyết chiến, quyết thắng kẻ thù xâm lược và những tình cảm dành cho tướng sĩ dưới trướng. Hịch tướng sĩ là một áng văn nghị luận mẫu mực, bất hủ với kết cấu chặt chẽ, lập luận sắc sảo, lý lẽ sắc bén, dẫn chứng phong phú, sinh động và lời văn khi hùng hồn đanh thép, khi thống thiết chân thành có sức lôi cuốn và sức thuyết phục mạnh mẽ. Với bài hịch ngắn gọn, súc tích, Trần Quốc Tuấn đã viết nên một bản hùng ca vang mãi đến muôn đời.

Nghe và tóm tắt nội dung thuyết trình về một vấn đề đặt ra trong tác phẩm văn học - mẫu 6

Lòng yêu nước là một trong những cảm hứng lớn xuyên suốt chiều dài văn học. Qua thời gian, truyền thống ấy đã thành sợi chỉ đỏ gắn kết các tác phẩm văn chương ở mọi thời đại. Trích đoạn "Nước Đại Việt ta" là một áng văn giàu tinh thần yêu nước như thế, nó đã khơi gợi biết bao tình cảm mãnh liệt vẫn nằm ở nơi sâu kín nhất trong mỗi con người.

"Nước Đại Việt ta" trích "Bình Ngô đại cáo" được viết sau thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống quân Minh xâm lược. Tác phẩm là bản anh hùng ca tổng kết cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược gian khổ mà hào hùng của dân tộc ta. Bên cạnh đó, tác giả còn thể hiện tình yêu nước và lòng tự hào dân tộc thể hiện tập trung ở tư tưởng nhân nghĩa xuyên suốt bài cáo.

Lòng yêu nước trước hết thể hiện ở tư tưởng nhân nghĩa, vì nhân dân mà chống quân xâm lược:

"Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân

Quân điếu phạt trước lo trừ bạo"

Nhân nghĩa vốn là một tư tưởng tốt đẹp có nguồn gốc từ Nho giáo, quy định cách ứng xử giữa người với người dựa trên cơ sở tình thương và đạo lí. Không chỉ kế thừa tư tưởng đó, Nguyễn Trãi còn phát triển nó lên một tầm cao mới: nhân nghĩa là yên dân, vì nhân dân mà trừ gian diệt bạo. Đây cũng chính là cơ sở làm nên tính chính nghĩa của cuộc khởi nghĩa, vạch trần bộ mặt xảo trá của quân xâm lược khi chúng lấy cớ "phò Trần diệt Hồ" hòng cướp nước ta.

Lòng yêu nước còn gắn với niềm tự hào dân tộc, ý thức rõ về sự tồn tại độc lập của đất nước:

"Như nước Đại Việt ta từ trước

Vốn xưng nền văn hiến đã lâu

Núi sông bờ cõi đã chia

Phong tục Bắc Nam cũng khác

Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập

Cùng Hán, Dường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương

Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau

Song hào kiệt đời nào cũng có"

Xưa kia, trong bài thơ thần "Nam Quốc Sơn Hà", vốn được coi là bản tuyên ngôn độc lập thứ nhất của nhân dân ta, Lý Thường Kiệt đã khẳng định nền độc lập của dân tộc về lãnh thổ, chủ quyền, song mới chủ yếu dựa nhiều vào yếu tố tâm linh là "thiên thư"- sách trời. Đến thế kỉ XV, Nguyễn Trãi tiếp tục bổ sung những yếu tố để làm nên một quốc gia độc lập. Nguyễn Trãi tự hào khẳng định đất nước ta có nền văn hiến lâu đời. Văn hiến vốn là những giá trị tinh thần được tạo nên qua các thời đại. Điều ấy chứng tỏ đất nước ta có một bề dày về lịch sử và trầm tích văn hóa. Không dừng lại ở đó, một nhà nước tự chủ là một nhà nước có chủ quyền riêng, lãnh thổ riêng: "Núi sông bờ cõi đã chia". Ở điểm này, Nguyễn Trãi đã gặp gỡ với Lí Thường Kiệt: "Nam quốc sơn hà Nam đế cư/ Tiệt nhiên định phận tại thiên thư". Vì chủ quyền, lãnh thổ riêng, cho nên phong tục phương Nam cũng không thể giống phương Bắc. Phong tục là những thói quen, tập quán lâu đời trong đời sống sinh hoạt, ăn sâu vào cách sống, cách nghĩ của mỗi người dân, làm nên bản sắc của một dân tộc. Không chỉ thế, tác giả còn đặt ngang hàng các triều đại của ta với các triều đại phong kiến bên Trung Quốc như một cách ngầm khẳng định vị thế ngang hàng, không hề thua kém của dân tộc ta. Nguyễn Trãi cũng vô cùng đề cao yếu tố con người, cụ thể là "hào kiệt đời nào cũng có".

"Bởi vậy:

Lưu Cung tham công nên thất bại

Triệu Tiết thích lớn phải tiêu vong

Cửa Hàm Tử bắt sống Toa Đô

Sông Bạch Đằng giết tươi Ô Mã

Việc xưa xem xét

Chứng cớ còn ghi"

Những dẫn chứng cụ thể về thất bại nhục nhã của quân giặc như muốn cảnh cáo bất kì thế lực ngoại bang nào nung nấu ý đồ xâm lược nước ta đều sẽ gặp kết cục thảm khốc.

Tác phẩm đã làm bùng cháy tình cảm đối với quê hương, đất nước trong trái tim mỗi người. Lòng yêu nước chính là sức mạnh để dân tộc ta vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, đi đến thắng lợi trong các cuộc kháng chiến.

Nghe và tóm tắt nội dung thuyết trình về một vấn đề đặt ra trong tác phẩm văn học - mẫu 7

Yêu nước là nguồn cảm hứng lớn và xuyên suốt trong văn học dân tộc. Bời vậy, không khó để tìm thấy tình cảm yêu nước được thể hiện trong các tác phẩm văn chương. Chiếu dời đô (Lí Công Uẩn) và Hịch tướng sĩ (Trần Quốc Tuấn) chính là hai trong số những văn bản thể hiện tình yêu đất nước và niềm tự hào dân tộc như thế!

Lí Công Uẩn là một vị vua anh minh và có tầm nhìn xa trông rộng, chính bởi vậy, ông thấy được sự cần thiết phải dời đô, vì thế “Chiếu dời đô” ra đời. Tình cảm yêu nước thương dân được thể hiện trong nhiều khía cạnh.

Xuất phát từ nỗi lo lắng cho đất nước, Lí Công Uẩn đã chỉ ra được sự không phù hợp của việc tiếp tục đóng đô ở Hoa Lư, Ông lo lắng và “đau xót về điều đó”. Ông cũng bày tỏ ý nguyện dời đô về Đại La vì đó là nơi “trung tâm trời đất, mưu toan nghiệp lớn, tính kế muôn đời cho con cháu”, “trên vâng mệnh trời, dưới hợp lòng dân”. Có thể nói tư tưởng yêu nước ở đây đã gắn liền với mong muốn bền vững của triều đại. Ông cũng bày tỏ ước nguyện muốn xây dựng chốn hạnh phúc, bình an cho muôn dân, theo Lí Công Uẩn, nếu dời đô về chốn ấy, một nơi “trung tâm trời đất”, được thế “rồng cuộn hổ ngồi”, “địa thế rộng mà bằng; đất đai cao mà thoáng”, dân cư sẽ tránh được lụt lội mà “muôn vật cũng rất mực phong phú tốt tươi”. Khát khao trên hết của Lí Công Uẩn chính là non sông thu về một mối và nhân dân an cư lạc nghiệp, có một chốn yên ổn làm ăn sinh sống. Ông khẳng định chắc nịch “đây quả thật là chốn hội tụ trọng yếu của bốn phương đất nước,cũng là nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời” thể hiện quyết tâm dời đô, cũng là quyết tâm thực hiện trách nhiệm của một bậc đế vương với đất nước là để cho triều đại phồn thịnh lâu dài. Việc ông trưng cầu ý kiến của các quan thể hiện sự tôn trọng quần thần, cũng thể hiện sự tôn trọng nhân dân.

Có thể thấy, việc dời đô đã khẳng định ý chí độc lập, tự cường của vua Lí Thái Tổ, cũng thể hiện sự phát triển lớn mạnh của dân tộc Đại Việt có thể tự dựa vào sức mạnh của mình để đương đầu với thách thức.

Tiếp nối Chiếu dời đô, Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn cũng thể hiện lòng yêu nước thương dân của vị chủ tướng.

Lòng yêu nước thể hiện trước hết ở sự căm thù giặc đến tận cùng. Ông đã thẳng thắn vach trần tội ác và sự ngang ng¬ược của giặc: Đi lại nghênh ngang, sỉ mắng triều đình, bắt nạt tể phụ, đòi ngọc lụa, thu bạc vàng…giọng văn mỉa mai châm biếm gợi cảm xúc căm phẫn, khinh bỉ của tác giả trước bộ mặt vô lại của giặc

Trong bài Hịch, Trần Quốc Tuấn cũng bày tỏ nỗi lòng của mình với vận mệnh non sông đang bị kẻ thù chà đạp một vách chân thành, tha thiết: “Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối; ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ căm tức chưa được xả thịt lột da, nuốt gan uống máu quân thù”. Trần Quốc Tuấn yêu đất nước đến độ, ông chấp nhận hi sinh tất cả: Dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa, ta cũng vui lòng. Với nỗi đau trước tình cảnh đất nước, ông đã có một tinh thần hi sinh cao cả vì dân, chấp nhận hi sinh vì non sông xã tắc. Những lời tâm huyết ấy, sự căm thù giặc tột cùng ấy, chỉ có thể có ở một người yêu đất nước tột cùng.

Đối với binh lính, những người cũng xuất phát từ nhân dân, ông bày tỏ tấm lòng: “Các ngươi ở cùng ta coi giữ binh quyền đã lâu ngày, … lúc trận mạc xông pha thì cùng nhau sống chết, lúc ở nhà nhàn hạ thì cùng nhau vui cười”, thế nhưng ông cũng thẳng thắn phê phán những sai lầm trong hàng ngũ mình, đó là những hành động hưởng lạc, thái độ bàng quan trước vận mệnh đất nước, ham thú vui tầm thường: chọi gà, cờ bạc, săn bắn, ruợu ngon…Từ đó, Trần Quốc Tuấn kêu gọi binh sĩ hãy phân định chính tà, dốc sức vì dân vì nước. Tại sao ông phải làm điều này, đó là bởi ông mong muốn đất nước không còn bóng giặc, cũng mong muốn nhân dân sống một đời an yên hạnh phúc.

Văn bản là biểu hiện sâu sắc nhất tấm lòng yêu nước của một vị chủ tướng có tâm, suốt đời tận tụy vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Tựu trung lại, cả hai văn bản đều thể hiện một cách sâu sắc nhất tấm lòng yêu nước thương dân của mỗi tác giả. Điều này khơi gợi lên trong lòng mỗi độc giả, đặc biệt là thế hệ trẻ lòng yêu nước và tinh thần quốc gia sâu sắc mà từ tình yêu thương thiêng liêng ấy, nhiều hành động ý nghĩa sẽ trở thành hiện thực, để quê hương ta, non sông gấm vóc ta ngày càng giàu đẹp yên ấm.

Nghe và tóm tắt nội dung thuyết trình về một vấn đề đặt ra trong tác phẩm văn học - mẫu 8

Xin chào thầy cô và các bạn. Tôi là ……………… học sinh lớp …., trường …………..

Các bạn thân mến! Nhắc đến các vẻ đẹp truyền thống của những người con đất Việt, ta không thể không kể đến lòng yêu nước nồng nàn. Yêu nước không phải một khái niệm xa xôi, trừu tượng. Đó là tình cảm giản dị, gần gũi nhưng vô cùng thiêng liêng bắt nguồn từ sự trân trọng, nâng niu mà ta dành cho những sự vật quanh mình, cho những con người ta yêu thương, gắn bó.

Biểu hiện của lòng yêu nước cũng nằm ngay trong ý thức, hành động hàng ngày của mỗi chúng ta. Trong thời chiến, nó sục sôi và cuộn trào cùng các cuộc khởi nghĩa, cùng lớp lớp thanh niên sẵn sàng hi sinh tính mạng khi lên đường nhập ngũ. Trong thời bình, mỗi người thể hiện tình yêu nước bằng cách chăm chỉ trau dồi tri thức, cần cù lao động và rèn luyện đạo đức với ước mong đem đến cuộc sống tươi đẹp hơn cho bản thân, gia đình và dân tộc mình. Cứ như vậy, lòng yêu nước đã truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, trở thành nguồn sức mạnh vô giá, thành sợi dây nối kết trái tim của những “con Lạc cháu Hồng”, giúp ta có thể lập nên những chiến công “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Sống có lòng yêu nước sẽ làm giàu đẹp thêm cho tâm hồn của mỗi người. Người có lòng yêu nước sẽ được mọi người xung quanh trân trọng, nể phục. Chính tình yêu nước là yếu tố khơi bừng lý tưởng sống, khát vọng sống và cống hiến của con người. Bảo vệ đất nước, làm cho đất nước giàu đẹp trở thành niềm tự hào của con người, nhất là đối với tuổi trẻ, những con người giàu nhiệt huyết, năng động, sáng tạo. người sống vì đất nước, vì lợi ích chung của cộng đồng, xã hội luôn được người khác yêu quý, ca ngợi và tôn vinh.

Mỗi người đều yêu nước, góp một phần dù nhỏ bé để xây dựng đất nước, đem lại lợi ích cho đất nước, cho cộng đồng, làm quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp, lớn mạnh. Đất nước là một ngôi nhà chung. Đất nước có bình yên và lớn mạnh hay không chính là do mỗi cá nhân biết xây dựng.

Nếu cá nhân không có lòng yêu nước, nghĩa là không tiếp nối truyền thống của dân tộc, sống ngoài dòng chảy chung của muôn người, tâm hồn người đó sẽ trở nên khô khan. Người không có lòng yêu nước sẽ trở nên lạc lõng với những người xung quanh. Đó là những người ích kỷ, không muốn góp phần xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Những người như thế thật đáng lên án.

Chính tình yêu nước của thế hệ đi trước đã tạo dựng niềm tin cho thế hệ mai sau. Dù thế hệ trẻ có lập nghiệp nơi đâu trên địa cầu rộng lớn, những con người Việt Nam ta vẫn luôn giữ trong trái tim mình tình yêu nước nồng nàn, để nhớ, để ngưỡng vọng và cũng để khao khát được làm điều gì đó cho mảnh đất hình chữ S thân thương Việt Nam.

Trên đây là phần trình bày của tôi, rất mong được sự đóng góp ý kiến từ tất cả các bạn. Cảm ơn các bạn đã chú ý lắng nghe.

Nghe và tóm tắt nội dung thuyết trình về một vấn đề đặt ra trong tác phẩm văn học - mẫu 9

Trong bài thơ “Tôi yêu em”, Puskin đã chọn miêu tả một phẩm chất vô cùng đặc biệt của con người khi đứng trước tình yêu - sự cao thượng. Từ đó, tác phẩm cho ta thấy ý nghĩa của lòng cao thượng đối với tình yêu đôi lứa ngay trong cuộc sống thực.

Nhân vật trữ tình trong bài thơ “Tôi yêu em” có một tình yêu tha thiết, mãnh liệt đến vô cùng. Nhà thơ khắc họa sức mạnh của tình yêu thông qua mọi cung bậc từ yêu thương, nhớ nhung đến hờn ghen, thậm chí cả những phút giây tuyệt vọng:

Tôi yêu em âm thầm không hy vọng
Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen

Dẫu cho đó là tình yêu đơn phương không được đáp lại thì nhân vật trữ tình vẫn một mực thủy chung. Từng lời thơ đều toát lên sự chân thành, dịu dàng của con người khi đứng trước tình yêu. Điều đau khổ nhất trong tình yêu cũng là yêu mà không được đáp lại. Nỗi buồn trong tình yêu có thể dẫn đến muôn vàn những xúc cảm tiêu cực. Sự cô đơn, tuyệt vọng, ghen tuông có thể bóp nghẹt chính ta và thậm chí cả người mà ta yêu. Thế nhưng, ở đây, từ khi ý thức được tình yêu của mình dành cho cô gái, chàng trai đã chọn một cách yêu vô cùng lý trí:

Tôi yêu em đến nay chừng có thể
Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai
Nhưng không để em bận lòng thêm nữa
Hay hồn em phải gợn bóng u hoài

Sự cao thượng được thể hiện một cách rõ ràng. Chàng trai ý thức được bản thân rất yêu người con gái cũng như thái độ, tình cảm của cô đối với anh. Anh kìm nén ngọn lửa tình yêu trong mình vì “không để em bận lòng thêm nữa”. Tình yêu không chỉ có những cảm xúc mãnh liệt mà còn cần cả sự tinh tế cùng đức hi sinh.

Đến khổ thơ cuối, sự cao thượng được đẩy lên cao hơn khi chàng trai dành cho người con gái mình yêu lời chúc phúc:

Tôi yêu em, yêu chân thành đằm thắm
Cầu em được người tình như tôi đã yêu em

Điệp khúc “Tôi yêu em” được lặp lại để nhấn mạnh tình yêu vô bờ. Thế nhưng, tình yêu cũng trở nên vô nghĩa nếu ta ích kỉ, biến tình cảm của mình thành sợi dây trói buộc đối phương. Chính vì thế, anh đã dành cho cô gái lời cầu chúc: “Cầu em được người tình như tôi đã yêu em”. Tình yêu chân thành, đằm thắm ấy không đối lập với sự hi sinh mà nó chính là khởi nguồn cho tấm lòng cao thượng. Chàng trai đã chọn lùi bước để cô gái hạnh phúc với tình yêu của riêng mình, hy vọng rằng cô gặp được người yêu cô như cách anh đã yêu. Sự cao thượng vừa cho thấy tình yêu sâu sắc, đức hi sinh cùng sự tự trọng của con người trong tình yêu.

Không chỉ trên trang sách mà ở trong đời sống thực, cao thượng cũng là phẩm chất mà con người cần có trong tình yêu đôi lứa. Nếu những ngọt ngào hay hờn ghen là gia vị của tình yêu thì tấm lòng cao thượng là điều tiên quyết làm nên tình yêu chân chính. Cao thượng được thể hiện ở việc bao dung trước những lỗi lầm của đối phương, thấu hiểu những khó khăn mà người kia phải trải qua, không vì những ham muốn ích kỉ của bản thân mà làm ảnh hưởng đến người mình yêu,… Hơn hết, cao thượng còn là hạnh phúc khi người mình yêu được hạnh phúc.

Cao thượng mang lại rất nhiều giá trị thiết thực cho tình yêu của mỗi con người. Đức tính này đề ra cho chúng ta một phương cách sống và yêu vô cùng đúng đắn và văn minh. Nhờ có sự cao thượng mà ta biết quan tâm, hi sinh vì người mình yêu. Lòng cao thượng xóa bỏ sự ích kỉ của cái tôi, giúp gắn kết con người. Từ đó mà những người yêu nhau sẽ thấu hiểu và cảm thông cho nhau. Không chỉ vậy, khi bước vào tình yêu với một tâm thế cao thượng, ta sẽ luôn gìn giữ được lòng tự tôn của chính mình, biết cách giữ cho lòng mình thanh thản. Những trái tim cao thượng sẽ tạo ra một tình yêu có giá trị vững bền. Kể cả khi tình yêu không được như ta hy vọng, ta cũng không đánh mất chính mình. Ngược lại, thiếu đi sự cao thượng, tình yêu trong sáng sẽ bị biến chất, trở thành những toan tính hẹp hòi hoặc sự bi lụy đớn hèn.

Có lẽ, suy nghĩ và hành động cao thượng chính là lời tuyên ngôn trong sáng, chân thành nhất mà mỗi chúng ta có thể dành cho tình yêu của mình. Đó cũng là một cách để trao đi yêu thương và yêu thương chính mình trong cuộc sống.

Nghe và tóm tắt nội dung thuyết trình về một vấn đề đặt ra trong tác phẩm văn học - mẫu 10

Tình yêu là một trong những đề tài mà có lẽ dù có đo đếm đến hết chiều dài của thời gian người ta cũng không thể khai thác được cho đến cùng kiệt. Trong văn chương, tình yêu là đề tài nhận được rất nhiều tình cảm của giới sáng tác qua nhiều giai đoạn. Và tác giả Nam Cao cũng hướng ngòi út của mình vào tình yêu. Trong tác phẩm Chí Phèo ông không lý tưởng hóa tình yêu bằng sự lãng mạn, thơ mộng và thi vị mà ông tập trung ngòi bút vào miêu tả tình yêu chân thực, ca ngợi sức mạnh tình yêu thương giữa con người với con người.

Tình yêu thương của Thị Nở với một bát cháo hành nóng hổi, ngọt thơm hương vị của tình yêu thương con người đã khiến cho một con người bị tha hóa, biến chất như Chí Phèo thất tỉnh, thay đổi và hồi sinh. Chưa bao giờ hắn lại khao khát được sống lương thiện đến như thế, ý chí muốn được sống cho ra người, tử tế lương thiện đã khơi dậy mạnh mẽ trong hắn một con người từng được xem là một con quỷ của làng Vũ Đại nhưng chính sự hắt hủi, vô tâm của người đời đã lần nữa hắt hủi Chí Phèo ra khỏi xã hội loài người, dồn hắn vào bước đường cùng không lối thoát trên hành trình đi kiếm tình yêu thương đó. Phải chăng con người biết sống vị tha hơn, thấu hiểu hơn, biết yêu thương nhau hơn thì Chí Phèo có lẽ đã được sống hạnh phúc với tình yêu thương của Thị Nở, cuộc đời này trở nên nhẹ nhàng và dễ chịu hơn biết bao nhiêu.

Ngày nay, tình yêu thương trong xã hội hiện đại lại càng thêm quý trọng, nhất là khi con người ta đang phải chịu nhiều áp lực của công việc, của cơm áo gạo tiền, sự bùng nổ của công nghệ thông tin thì lại càng cần đến sự yêu thương, một sợi dây để gắn kết lại với nhau để con người gần gũi, gắn bó với nhau hơn thể hiện sự đồng cảm chia sẻ, không ngại hy sinh để cứu vớt lẫn nhau. Nó cũng sẽ mang đến cho ta sức mạnh, ý chí to lớn để vượt qua mọi nghịch cảnh, khó khăn, thử thách của cuộc đời, giúp ta bù đắp, rèn luyện, tu dưỡng tâm hồn, hoàn thiện nhân cách, được mọi người ngưỡng mộ, quý trọng, yêu mến từ đó giúp xã hội tốt đẹp, văn minh tiến bộ hơn, tình yêu thương chính là cội nguồn cứu vớt chúng ta khỏi những bất hạnh trong cuộc sống.

Lòng yêu thương con người với nhau thật giản dị hiện diện mọi ngày, mọi nơi, mọi thời điểm nhưng chúng lại có những sức mạnh phi thường. Đó là tình cảm gia đình, tình yêu thương của ông bà cha mẹ dành cho con cái, lòng biết ơn sâu sắc của con cháu đối với ông bà cha mẹ. Những người hàng xóm láng giềng luôn giúp đỡ lẫn nhau khi gặp khó khăn. Thầy cô luôn cố gắng dành trọn vẹn kiến thức mình có cho học sinh, luôn đồng cảm giúp đỡ các em khi vấp ngã. Ngày nay, tuy đã hòa bình nhưng đất nước ta vẫn phải chịu đựng thiên tai hoành hành, lòng yêu thương ấy lại được thể hiện qua những cuộc từ thiện từ chiếc quần áo, sách vở hay gói đồ ăn... Chỉ cần có lòng yêu thương, quan tâm, sẻ chia, giúp đỡ lẫn nhau, mọi chuyện đều có thể vượt qua được.

Hiểu được rõ ý nghĩ, giá trị của lòng thương người, mỗi cá nhân chúng ta cần phải trau dồi đức tính ấy, hãy yêu thương con người nhiều hơn, bởi khi ta cho đi tình yêu thương bao nhiêu thì chính bản thân ta sẽ nhận lại được bấy nhiêu. Trong xã hội hiện nay, có rất nhiều tổ chức được mở ra vì con người, vì nhân quyền tất cả đều xuất phát từ lợi ích của mọi người, vì tình yêu thương giữa con người với nhau.

Hãy biết yêu quý bản thân một cách đúng đắn, rồi yêu thương con người khác, cùng giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta như ông cha ta từ xưa đã dạy:

“Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng.”

1 671 21/08/2024