TOP 10 mẫu Thảo luận về hiện tượng háo danh và bệnh thành tích trong đời sống (2024) SIÊU HAY

Thảo luận về hiện tượng háo danh và bệnh thành tích trong đời sống gồm 10 bài văn mẫu hay nhất, chọn lọc giúp học sinh viết bài tập làm văn lớp 8 hay hơn.

1 1,457 26/08/2024


Thảo luận về hiện tượng háo danh và bệnh thành tích trong đời sống

Đề bài: Em hãy viết bài văn thảo luận về hiện tượng háo danh và "bệnh" thành tích trong đời sống

TOP 10 mẫu Thảo luận về hiện tượng háo danh và bệnh thành tích trong đời sống (2024) SIÊU HAY (ảnh 1)

Thảo luận về hiện tượng háo danh và bệnh thành tích trong đời sống - mẫu 1

Ai cũng đều thích đạt được thành tích tốt, có danh tiếng tốt và nhận được sự khen ngợi của mọi người xung quanh. Thế nhưng hiện nay, xã hội đã xuất hiện hiện tượng háo danh và “bệnh” thành tích đang gây ra nhiều tác hại.

Trước hết, “háo danh” là một hiện tượng tiêu cực, chỉ việc coi trọng danh tiếng trên mức cần thiết cũng như trên mức mà chúng ta có. Còn “bệnh” thành tích là là chỉ chăm lo đến vẻ bề ngoài nhằm được khen ngợi nhưng thực chất bên trong không được như vậy. Hiện tượng háo danh đôi khi chính là nguyên nhân gây ra căn “bệnh” thành tích, bởi chúng ta chỉ quan tâm đến bên ngoài - cốt sao cho danh tiến được tốt đẹp mà không chú trọng đến bên trong.

Xét về hướng tích cực, mọi người đều mong muốn trở một một người có giá trị. Lập danh là một khát vọng chính đáng nếu xuất phát từ năng lực cá nhân, được xã hội công nhận. Danh tiếng đem đến cho chúng ta nhiều lợi ích. Nhưng ngược lại, nếu danh tiếng trở thành phương tiện thay vì mục tiêu, nó trở thành một thứ hàng hóa, từ đó lệch lạc giá trị đích thực. Điều đó sẽ dẫn đến hiện tượng háo danh. Chúng ta có thể kể đến nhiều ví dụ trong cuộc sống, một nam ca sĩ đã trở thành tâm điểm phê phán khi tổ chức sự kiện quảng bá bộ phim tiểu sử về cuộc đời mình lấy tên là Hào quang rực rỡ - The King. Khán giả cho rằng nam ca sĩ đã ngạo mạn khi tự xưng mình là The King - tạm dịch là vua. Năm 2019, một người đàn ông gây xôn xao dư luận khi nhận mình là một nhà báo quốc tế, Tổng biên tập tạp chí chống tham nhũng và hợp tác quốc tế, tiến sĩ danh dự từ Vương quốc Anh… Nhưng sau đó, người ta phát hiện ra rằng mọi thứ chỉ là khai man, không được xác thực…

Cũng như vậy, thành tích chính là kết quả từ sự nỗ lực không ngừng của con người. Nhưng khi con người trở nên quá coi trọng thành tích, nó sẽ trở thành một căn bệnh. Và “bệnh” thành tích đang xuất hiện trong hầu hết các ngành nghề. Nhưng đáng báo động nhất là ngành giáo dục - khi đây là ngành đào tạo nên những chủ nhân tương lai của đất nước. Việc tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục sẽ gây ra sự đối lập giữa hình thức và thực tế, vấn đề bản chất không được quan tâm mà chủ yếu tập trung vào “bề nổi”. Học sinh - những đối tượng chính của hoạt động giáo dục sẽ dần trở nên lười biếng, không chịu cố gắng học tập mà chỉ chạy theo những điểm số không có thật, trong khi kiến thức của bản thân vô cùng hạn hẹp. Thầy cô giáo chỉ biết chạy theo thành tích sẽ dẫn đến đánh mất đi nhiệt huyết với nghề nghiệp, không còn những bài giảng say sưa, tâm huyết. Đó còn là nguồn gốc của những sai trái, gian lận trong kiểm tra, đánh giá tiếp tay cho tham nhũng, quan liêu trong xã hội.

Hiện tượng háo danh và “bệnh” thành tích gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng cho xã hội. Nó sẽ làm mất đi sự trung thực của bản thân, đánh mất niềm tin của mọi người xung quanh. Chúng ta đều biết rằng một xã hội muốn phát triển thì cần có nhân tài, mà nhân thì phải có năng lực thực sự. Hiện tượng háo danh và “bệnh” thành tích khiến cho người ta chỉ xem trọng lượng mà không có chất. Ngoài ra, con người sẵn sàng lừa dối mọi người xung quanh và dần trở nên thoái hóa nhân cách, đánh mất đi những giá trị đạo đức tốt đẹp của bản thân.

Tục ngữ có câu “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” đã cho thấy rõ một điều rằng con người ta quan trọng chất lượng chứ không thể lấy cái bề ngoài, cái số lượng để đánh giá giá trị của một vấn đề. Do đó chúng ta cần có những biện pháp để ngăn chặn, đẩy lùi hiện tượng háo danh cũng như “bệnh” thành tích. Các bộ, ngành và cơ quan chức năng cần có những cuộc thanh tra, kịp thời phát hiện và ngăn chặn những thành tích ảo. Nếu cố ý vi phạm thì cần có biện pháp xử lý đích đáng. Bên cạnh đó, chúng ta cần tăng cường những biện pháp tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức của mỗi người.

Đất nước chúng ta đang trên đường hội nhập và phát triển, mỗi người cần tự khẳng định được giá trị của bản thân mình để giành lấy một chỗ đứng nhất định. Mỗi người cần đi lên bằng chính khả năng của bản thân, tránh xa hiện tượng háo danh và “bệnh” thành tích.

Thảo luận về hiện tượng háo danh và bệnh thành tích trong đời sống - mẫu 2

Trong thực tế, ai cũng thích, cũng mong muốn được khen ngợi, được ghi nhận, được thành danh. Có người vì thế mà nỗ lực phấn đấu để biến đổi về chất. Song đáng buồn lại có những người muốn rút ngắn con đường bước đến vinh quang mà tin xổi ở thì, không chăm lo cho thực tế chỉ cố tô vẽ bề ngoài để được khen được thưởng. Đáng buồn hơn, chúng ngày càng phổ biến và trở thành một hiện tượng “háo danh” và mắc bệnh thành tích

Thực chất, thành tích là kết quả được đánh giá tốt do nỗ lực mà đạt được. Như vậy, thành tích là nhóm để biểu dương, nêu gương những kết quả thực tế tốt đẹp. Điều đó động viên cố gắng của người được nêu gương, thúc đẩy họ tiếp tục cố gắng. Mặt khác thành tích của người này còn là “cú hích” cho người khác cùng “chạy đua” để tiếp tục đi lên. Rõ ràng, thành tích là điều tốt đẹp và nó cũng mang lại những điều tương tự cho cuộc sống.

Tuy nhiên, khi đặt trước từ “thành tích” một chữ “bệnh” – bệnh thành tích thì vấn đề đã khác. Bởi từ “bệnh” không gợi đến điều gì tốt đẹp. “Bệnh thành tích” là thói a dua, là chỉ chăm lo đến vẻ bề ngoài nhằm được tuyên dương khen thưởng nhưng thực chất bên trong vấn đề không đạt mong muốn. Nói khác đi, bệnh thành tích là tên gọi của sự không phù hợp giữa hình thức và bản chất: hình thức rất hào nhoáng, sáng bóng, lẫy lừng nhưng bản chất thì xuống cấp, gỉ sét, cong vênh.

Bệnh thành tích đã tồn tại từ lâu trong đời sống xã hội, đục sâu lan rộng vào nhiều ngành nghề, lĩnh vực. Trong giáo dục, bệnh thành tích còn được gọi là bệnh hình thức. Có những trường vì thành tích mà luôn cố gắng tập trung luyện “gà” – luyện học sinh giỏi, tạo mọi điều kiện để các em có thời gian tập trung học môn mình thi nhằm đạt kết quả cao mang vinh dự cho trường. Hay trong mỗi kỳ thi tốt nghiệp, có những trường huy động giáo viên cùng làm với học sinh rồi ném bài cho các em. Trong các cơ quan, công ty, nhà máy, bệnh thành tích nằm ở những bản báo cáo được mài cho nhẵn viết cho đẹp. Trong thực tế người ta không màng đến chất lượng, chỉ chạy theo số lượng để đạt chỉ tiêu. Họ chỉ sung sướng khi nghe đến những con số 100%, 99%. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT những năm trước, trường nào chỉ đạt 95%, 96% là đã lo lắng căng thẳng rồi. Nhưng một hai năm trở lại đây khi công tác kiểm tra, giám sát được thắt chặt hơn, trung bình cả nước chỉ đỗ khoảng 60% – 70%.

Rõ ràng kết quả xa nhau, nó phản ánh thực tế chất lượng giáo dục trong một thời gian dài bị o bế, làm nhiễu. Rõ ràng, bệnh thành tích sẽ để lại hậu quả vô cùng tai hại. Trước hết, nó khiến mỗi cá nhân tổ chức không hiểu rõ về thực lực của mình, tự mãn về thành tích, không có xu hướng vận động phát triển. Bệnh thành tích do đó tiếp tục “được” duy trì, phát triển. Dần dần nó sẽ ăn sâu, đeo bám vào tư tưởng, lối sống cách thức làm việc của xã hội, làm cho chất lượng thực bị bỏ bê, xuống dốc, chỉ có cái vẻ bề ngoài là hào nhoáng, đẹp đẽ. Nó thực chẳng khác nào một trái bí đỏ bị thối rữa bên trong. Dân gian ta nhắc nhở nhau tốt gỗ hơn tốt nước sơn vì sơn có thể tróc nhưng gỗ không được phép mục, gỗ mục sẽ làm sụp đổ cả một hệ thống quan trọng. Nhưng bệnh thành tích đã làm đảo lộn truyền thống đạo lý ấy và mỗi hệ thống xã hội đang có nguy cơ lung lay, suy sụp vì chất gỗ bên trong đang mối mọt dần.

Bệnh thành tích gây hại cho mọi ngành nghề, lĩnh vực. Và hậu quả dễ thấy nhất, tai hại nhất thể hiện ở ngành giáo dục. Có những trường lớp, vì thành tích mà cho học sinh lên lớp hàng loạt, bất chấp kết quả thực tế. Hậu quả là hàng trăm học sinh ngồi nhầm lớp, nhầm trường. Có em đã học lớp 7 mà chưa đọc thông viết thạo! Cũng vì thành tích mà các thầy cô “cấy điểm” cho học sinh giỏi ở những môn các em không thi học sinh giỏi, giúp các em tập trung ôn luyện cho thi cử. Và hàng trăm học sinh sa vào tình cảnh đạt giải học sinh giỏi quốc gia nhưng trượt tốt nghiệp, trượt đại học. Hậu quả trực tiếp học sinh là người gánh chịu. Nhưng hậu quả lâu dài là tương lai đất nước phải chấp nhận sự thui chột về đạo đức, tài năng của nhiều thế hệ.

Bệnh thành tích có căn nguyên sâu xa từ một thói xấu của con người: thói ghen ăn tức ở, “con gà tức nhau tiếng gáy”. Thấy cá nhân, đơn vị khác được nêu gương, cá nhân đơn vị mình cũng muốn được như vậy. Song, thay vì tập trung nâng cao chất lượng họ lại đốt cháy giai đoạn, đánh bóng hình thức để được tuyên dương. Nhưng công bằng mà đánh giá, bệnh cũng có nguyên nhân từ những sai lầm trong công tác quản lý tổ chức của nhiều cấp, ngành: trọng giấy tờ, hình thức, không gần gũi sâu sát thực tế và chỉ tiêu hoá, kế hoạch hóa cao độ mọi vấn đề thi đua. Bởi vậy, các tổ chức, cá nhân chỉ cốt lo sao cho bản báo cáo, cuốn sổ của mình được sạch sẽ đẹp đẽ. Rồi lo sao để chỉ tiêu kế hoạch trên giao ta “trăm phần trăm” hoàn thành.

Rõ ràng, để xảy ra căn bệnh ấy lỗi thuộc về tất cả chúng ta. Nhận rõ hậu quả của bệnh thành tích, xã hội cần đẩy mạnh công cuộc loại trừ nó. Các nhà lãnh đạo cần kiểm tra, giám sát sát sao hơn hoạt động của các tổ chức cá nhân trực thuộc, đồng thời điều chỉnh hệ thống, cơ chế quản lý tổ chức. Các cơ quan đoàn thể vì tương lai bản thân xóa bỏ bệnh hình thức để đi vào chất lượng thực tế. Chỉ khi nào làm được điều đó, xã hội ta mới thực sự trong sạch và đi lên.

Thảo luận về hiện tượng háo danh và bệnh thành tích trong đời sống - mẫu 3

Ai cũng mong muốn được khen ngợi, được ghi nhận, được thành danh. Bởi vậy mà trong xã hội hiện đã xuất hiện hiện tượng háo danh và bệnh thành tích.

“Háo danh” có nghĩa là coi trọng danh tiếng trên mức cần thiết cũng như trên mức mà chúng ta có. Còn “bệnh thành tích” là à thói a dua, chỉ chăm lo đến vẻ bề ngoài nhằm được tuyên dương khen thưởng nhưng thực chất bên trong lại không đạt được như mong muốn. Nói khác đi, bệnh thành tích là tên gọi của sự không phù hợp giữa hình thức và bản chất: hình thức rất hào nhoáng, sáng bóng, lẫy lừng nhưng bản chất thì xuống cấp, gỉ sét, cong vênh.

Xét về hướng tích cực, con người mong muốn có được danh tiếng, ghi nhận thành tích để xứng đáng với những nỗ lực, công sức của bản thân. Nhưng nếu danh tiếng là phương tiện thay vì là mục tiêu, nó sẽ trở thành một thứ hàng hóa, từ đó làm lệch lạc giá trị đích thực. Cũng như vậy, thành tích được giúp con người nỗ lực, cố gắng hơn nhưng nếu trở thành “bệnh thành tích” sẽ thật nguy hiểm.

Hiện tượng háo danh và bệnh thành tích sẽ để lại hậu quả vô cùng lớn. Trước hết, nó khiến mỗi cá nhân tổ chức không hiểu rõ về thực lực của mình, tự mãn về thành tích, không có xu hướng vận động phát triển. Không chỉ vậy, con người còn hình thành thói “ghen ăn tức ở”, “con gà tức nhau tiếng gáy”. Thấy cá nhân, đơn vị khác được nêu gương, cá nhân đơn vị mình cũng muốn được như vậy. Song, thay vì tập trung nâng cao chất lượng họ lại đốt cháy giai đoạn, đánh bóng hình thức để được tuyên dương.

Nhận rõ hậu quả của hiện tượng háo danh và bệnh thành tích, chúng ta cần có những giải pháp khắc phục. Các nhà lãnh đạo cần kiểm tra, giám sát sát sao hơn hoạt động của các tổ chức cá nhân trực thuộc, đồng thời điều chỉnh hệ thống, cơ chế quản lý tổ chức. Các cơ quan đoàn thể vì tương lai bản thân xóa bỏ bệnh hình thức để đi vào chất lượng thực tế. Mỗi cá nhân cần nâng cao trí tuệ, đạo đức của bản thân thay vì chạy theo danh vọng, thành tích.

Để xã hội ngày càng văn minh và phát triển hơn, mỗi người cần nhận thức được tác hại của hiện tượng háo danh, bệnh thành tích. Từ đó, chúng ta có những giải pháp để tránh xa, khắc phục.

Thảo luận về hiện tượng háo danh và bệnh thành tích trong đời sống - mẫu 4

Thế giới ngày càng trở nên hiện đại và xô bồ. Để thỏa mãn lòng tham và nhu cầu khẳng định bản thân, đôi khi con người chọn từ bỏ những giá trị sống tích cực để chạy theo lối sống phù phiếm, giả dối. Điều này đã tạo nên một căn bệnh mới cho xã hội: bệnh thành tích.

Vốn dĩ, thành tích chỉ những kết quả tốt đẹp mà con người đạt được sau quá trình nỗ lực phấn đấu. Có thành tích đồng nghĩa với việc ta chứng minh được năng lực của bản thân, nhận được sự tôn vinh từ cộng đồng. Đối lập với điều này, bệnh thành tích lại mang là cụm từ mang nghĩa tiêu cực. Bệnh thành tích là lối sống chạy theo danh vọng, đặt danh lợi lên trên tất cả. Nó được thể hiện cụ thể ở việc chỉ quan tâm đến kết quả cuối cùng mà không quan tâm quá trình phấn đấu, không từ mọi thủ đoạn để đánh bóng tên tuổi, ám ảnh về việc phải nhận được sự tán dương từ mọi người xung quanh…

Bệnh thành tích mang lại rất nhiều tác hại cho cá nhân và cộng đồng. Trước hết, chạy theo thành tích khiến con người trở thành những kẻ ích kỉ, vô cảm. Ta sẵn sàng chà đạp lên người khác, vứt bỏ những giá trị đạo đức để thỏa mãn sự tham lam. Hám thành tích bao giờ cũng đi liền với sự dối trá, lừa lọc, dốt nát. Thật kinh hoàng biết bao khi xã hội tràn ngập những kẻ đạo đức giả, những tấm bằng đại học giả, những tên “ngụy tri thức” … Tri thức bị coi rẻ, dễ dàng mua – bán nên việc học sẽ không còn giá trị. Không chỉ vậy, chính vì sự ám ảnh với thành tích mà con người luôn sống trong sự căng thẳng, áp lực. Bệnh thành tích không giết chết chúng ta trong đau đớn như những căn bệnh thể chất nhưng sẽ khiến ta mục ruỗng từ bên trong. Xã hội sẽ diệt vong nếu căn bệnh này kéo dài.

Ta dễ dàng nhận thấy rằng trong nhiều trường học, lễ tổng kết cuối năm dường như trở thành lễ tuyên dương thành tích. Điểm số, phần trăm học sinh đạt loại Khá/Giỏi được đề cập rất nhiều. Trong khi đó, không ai thống kê có bao nhiêu học sinh cảm thấy tự hào hoặc hạnh phúc về môi trường học tập, bao nhiêu học sinh còn gặp khó khăn khi tới trường hay liệu có học sinh nào mắc phải trở ngại tâm lí hay không… Thậm chí, để bảo toàn thành tích, nhiều trường học sẵn sàng “tạo điều kiện” lên lớp cho những học sinh không đạt đủ yêu cầu về học lực. Vụ việc gian lận điểm thi Đại học gây xôn xao cả nước năm 2018 tại các tỉnh Hà Giang, Sơn La là hồi chuông báo động về tình trạng bệnh thành tích.

Để loại bỏ căn bệnh nguy nan này, mỗi cá nhân cần có ý thức tự giác học tập, rèn luyện, giữ cho mình ý chí kiên cương, không ham hư vinh mà bán rẻ nhân phẩm. Cộng đồng cần chung tay lên án những kẻ mắc bệnh thành tích. Có như vậy, xã hội mới trở nên trong sạch và văn minh.

Thảo luận về hiện tượng háo danh và bệnh thành tích trong đời sống - mẫu 5

Mỗi khi nói đến thành tích thì bất kể ai cũng muốn mình có được thành tích cao. Trong mỗi con người luôn tiềm ẩn sự ganh đua. Khi chúng ta còn nhỏ, hẳn bạn nhớ là nếu có cuộc thi giữa bố mẹ và con cái xem ai ăn nhanh hơn thì chúng ta sẽ ăn rất nhanh để được khen ngợi. Cạnh tranh để có thành tích tốt không phải là xấu nhưng nếu bất chấp tất cả để có thành tích tốt thì lại khác. Hiện nay có một vấn nạn gọi là “bệnh thành tích” ý chỉ những người chạy đua để đạt thành tích cao mà không màng đến điều gì khác. Căn bệnh này gây nên những tác hại không nhỏ đối với sự phát triển của xã hội ta ngày nay.

Vốn dĩ, thành tích là một thước đo dùng để đánh giá một người. Nhưng khi đặt chữ bệnh ở trước nó thì ta hiểu rằng đó là một điều chẳng tốt đẹp gì. Con người ta cứ mải chạy theo căn bệnh thành tích, chỉ chăm chăm nhìn vào cái kết quả cuối cùng mà bỏ qua hành trình để đạt được nó. Và đôi khi để đạt được thành tích cao, người ta thực hiện những hành vi xấu. Chẳng hạn như trong giáo dục căn bệnh thành tích thể hiện ở chỗ quay cóp để có được điểm cao mà không quan tâm đến việc mình thu nạp được kiến thức gì.

Thực ra căn bệnh thành tích không phải đến bây giờ mới xuất hiện. Nó có từ thời xa xưa và dường như mỗi lúc lại một nhân rộng hơn lên. Cũng không phải chỉ xuất hiện ở lĩnh vực giáo dục nhưng giáo dục là cái nôi phát triển của mỗi con người. Vì vậy, căn bệnh thành tích trong giáo dục vẫn được nói đến nhiều nhất. Hiện có không ít các trường học vẫn còn chạy theo thành tích với những chỉ tiêu 100% đạt thành tích cao trong các cuộc thi này, các cuộc thi khác. Để đạt được những thành tích như đã đề ra đó, họ tìm mọi cách để rèn học sinh. Chẳng hạn như mở các “lò” luyện thi. Học sinh đến trường lẽ ra phải được học đều các môn thi để đạt được thành tích cho nhà trường, học sinh được đặc cách chỉ tập trung học đúng 1 môn để thi còn các môn khác sẽ được thầy cô nâng đỡ. Chính điều đó đã khiến học sinh cũng bị cuốn theo căn bệnh đó. Trong các kì thi tốt nghiệp phổ thông, nhiều trường còn ngang nhiên cho học sinh quay cóp, ném phao vào cho học sinh để không em nào bị trượt. Bởi nếu có học sinh không vượt qua kì thi thì thành tích của trường sẽ bị giảm sút.

Có một câu chuyện vui nhưng cười ra nước mắt mà thầy giáo dạy Toán của tôi năm cấp 2 đã kể thế này. Một cậu học sinh của thầy không thể đọc được một đoạn định nghĩa trong sách giáo khoa. Khi được hỏi một phép cộng đơn giản trong phạm vi 10, cậu học sinh của thầy không trả lời được. Thầy dẫn cậu sang gặp cô hiệu trưởng trường cấp 1 và hỏi vì sao học sinh như vậy lại có thể lên lớp. Cô hiệu trưởng đáp lại thầy rằng “Nó không giỏi nhưng bố mẹ nó giỏi”. Câu chuyện thầy kể khiến tôi suy nghĩ mãi. Phải chăng bây giờ người ta đi học không phải để lấy kiến thức cho mình mà chỉ để lấy thành tích thôi sao? Một đất nước mà chỉ nhìn vào những thành tích ảo thì đất nước ấy sẽ đi đâu và về đâu?

Khi mà giáo dục không thể đào tạo ra những nhân tài đích thực sẽ kéo theo những hệ lụy vô cùng xấu. Những học sinh ấy khi ra đời sẽ không biết năng lực thật của mình đến đâu, không biết mình làm được những việc gì. Rồi họ sẽ loay hoay với chính cuộc sống của mình. Thực tế cho thấy có không ít những trường hợp học sinh đạt giải học sinh giỏi quốc gia nhưng lại thi trượt tốt nghiệp.

Để xã hội không bị tụt lùi, giáo dục cần phải có sự thay đổi. Chỉ khi giáo dục thay đổi, đẩy lùi bệnh thành tích thì xã hội cũng sẽ thay đổi. Những lĩnh vực khác cũng theo đó mà tốt hơn lên. Bản thân mỗi học sinh cũng nên tự ý thức vào việc học. Rằng việc học là để có kiến thức cho chính mình chứ không phải để lấy thành tích.

Thảo luận về hiện tượng háo danh và bệnh thành tích trong đời sống - mẫu 6

Trong cuộc sống này có ai không thích thành tích tốt, mình được khen ngợi, thế nhưng bản thân mỗi người cần nhận thức được thành tích thật sự là như thế nào. Ngày nay chỉ cần có được một thành thích tốt người ta bất chấp mọi thứ, chạy theo thành tích ảo, bằng những thứ không đúng sự thật. Có lẽ vì đó mà căn bệnh thành tích ngày càng lây lan và đang gây ra những tác hại không nhỏ với sự phát triển xã hội.

“Bệnh thành tích” được hiểu là con người luôn muốn mình có một thành tích tốt đẹp, bất kể có phải là thành tích thật hay không. Vì điều đó họ sẵn sàng làm mọi điều kể cả những gian lận, những việc trái với đạo lý. Nó ăn vào tâm trí họ như một căn bệnh.

Khi xã hội ngày càng phát triển thì thành tích là điều rất đáng để được công nhận. Thế nhưng cũng thật đáng buồn khi xã hội ngày càng phát triển, những nỗ lực, cố gắng để đạt một thành tích tốt đẹp của con người lại trở thành một căn bệnh đang là mối đe dọa trong xã hội.

Một biểu hiện dễ thấy nhất đó là Bệnh thành tích trong giáo dục. Các thầy cô muốn thành tích cao cho trường, cha mẹ muốn thành tích tốt cho con mình. Khi còn đương nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục, ông Nguyễn Thiện Nhân đã từng nói: “Các thầy cô, các trường ham muốn thành tích bằng kết quả thi cử cao và hàng chục triệu phụ huynh, gia đình học sinh chính là đồng tác giả của bệnh thành tích”.

Phụ huynh muốn con em mình điểm cao mà sẵn sàng đưa tiền bồi dưỡng các thầy cô, thầy cô vì muốn học trò được điểm cao lấy thành tích cho trường mà mua chuộc giám thị. Chúng ta biết rằng kết quả thi cử của học sinh sẽ là một trong những tiêu chí đánh giá chất lượng giảng dạy của giáo viên và nhà trường. Từ đó nếu có một kết quả thi tốt của học sinh, thầy cô sẽ được khen thưởng, nâng lương. Và những phụ huynh học sinh cũng có được một bảng điểm đẹp cho con em mình. Ai cũng được lợi. Bên cạnh những phụ huynh thực sự muốn con em mình đi lên bằng chính sức lực của chúng không ít những phụ huynh vẫn đang tìm mọi cách giúp con có một bảng điểm đẹp, với hy vọng con có một tương lai tươi sáng sau này. Điều đó từ sâu xa đều xuất phát từ lòng thương con của cha mẹ. Ai mà không muốn con mình có một tương lai tốt đẹp hơn. Cứ tới mỗi kỳ thi, chúng ta lại bắt gặp những cuộc trò chuyện như “Đã lo chỗ nào chưa?”, “Đã đi thầy/cô này chưa?”. Chính tình thương quá đáng của bậc cha mẹ đã vô tình trở thành công cụ cho bệnh thành tích ngày càng lây lan rộng hơn.

Chúng ta hàng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng đều đọc được những bản tin như học sinh ngồi nhầm lớp, học sinh lớp 6 vẫn chưa thuộc hết bảng cửu chương, chưa đọc thông viết thạo vậy mà các em vẫn được lên lớp đều đều. Chúng ta hẳn thấy thật chua xót khi sau mỗi năm thi đại học, cao đẳng lại xuất hiện những bài thi được chép kín những mặt giấy nhưng hoàn toàn không đúng nội dung đề bài. Sau mỗi ngày thi, sân trường phủ kín bằng phao trắng xóa. Hình ảnh thật xót xa.

Bệnh thành tích trong giáo dục đã trở thành một căn bệnh khó chữa. Nó không chỉ là căn bệnh của ngành giáo dục mà nó còn xuất hiện trong các lĩnh vực khác của xã hội nữa. Bệnh thành tích không còn giới hạn ở một con người cụ thể, một lĩnh vực riêng lẻ nào. Nhớ trước đây số xã nghèo ở nước ta chỉ khoảng 1700. Sau khi có các chương trình của Chính phủ, hỗ trợ tiền để xóa nghèo thì rất nhiều địa phương đã đăng ký thoát nghèo. Để rồi khi báo chí vào cuộc phanh phui thì vẫn có hàng trăm hộ trong tình trạng cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc mà đã được thoát nghèo. Âu cũng là bệnh thành tích mà ra.

Cấp trên thích nghe thành tích tất nhiên sẽ có cấp dưới tạo ra những thành tích ảo. Từ nhỏ thành lớn, từ ít đến nhiều, căn bệnh thành tích từ đó ngày càng lây lan rộng. Những câu chuyện về những công trình, dự án trên giấy, vấn đề giải quyết việc làm, câu chuyện xóa đói giảm nghèo, với những báo cáo xa rời thực tế là vấn đề muôn thuở.

Bệnh thành tích gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng cho xã hội. Bệnh thành tích sẽ làm mất đi sự trung thực, niềm tin và sự phát triển của xã hội. Chúng ta đều biết rằng một xã hội muốn phát triển thì cần có nhân tài, mà nhân thì phải tài thực sự, có năng lực thực sự. Trong cuộc sống hiện đại nếu bạn không có năng lực thực sự thì sẽ không thể có một chỗ đứng. Căn bệnh thành tích khiến cho người ta chỉ xem trọng lượng mà không có chất. Một tập thể mắc bệnh thành tích sẽ cho ra những sản phẩm không có giá trị. Bệnh thành tích khiến người ta dễ ảo tưởng, lọc lừa dối trá. Dần dần họ sẽ thoái hóa nhân cách, đánh mất đi những giá trị đạo đức tốt đẹp của bản thân.

Người xưa có câu “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” đã cho thấy rõ một điều rằng con người ta quan trọng chất lượng chứ không thể lấy cái bề ngoài, cái số lượng để đánh giá giá trị của một vấn đề. Căn bệnh thành tích ngày nay đã đảo lộn mọi giá trị tốt đẹp ấy, đã phá vỡ đi những truyền thống văn hóa của dân tộc. Căn bệnh ấy sẽ khiến những cá nhân tự mãn về bản thân, cho mình luôn giỏi giang nhưng thực chất là không phải. Và ảo tưởng thì thường sẽ không có thật, không thể tồn tại lâu dài.

Do đó chúng ta cần có những biện pháp để ngăn chặn, đẩy lùi căn bệnh này. Các bộ, ngành và cơ quan chức năng cần có những cuộc thanh tra, kịp thời phát hiện và ngăn chặn những thành tích ảo. Nếu cố ý vi phạm thì cần có biện pháp xử lý đích đáng. Bên cạnh đó, chúng ta cần tăng cường những biện pháp tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức của mỗi người cần tránh xa và đẩy lùi căn bệnh này. Thiết nghĩ rằng dù nó là căn bệnh có tính lây lan nhưng có để mình bị lây hay không là hoàn toàn phụ thuộc vào bản thân mỗi người. Chúng ta cần phải là những người có lòng tự trọng, có nhân cách và đó mới là điều cần lan tỏa trong xã hội này.

Đất nước chúng ta đang trên đường hội nhập và phát triển, mỗi người cần tự khẳng định được giá trị của bản thân mình để giành lấy một chỗ đứng nhất định. Nhưng không thể vì điều đó mà bất chấp để có thành tích. Chúng ta cần đi lên bằng chính khả năng của bản thân mình. Chắc chắn đó không phải là một điều quá khó khăn nếu như chúng ta luôn có tự trọng và giữ đúng nhân cách của mình.

Thảo luận về hiện tượng háo danh và bệnh thành tích trong đời sống - mẫu 7

Thành tích là kết quả có thể đánh giá được của nỗ lực con người. Kết quả không chỉ là một lợi ích vật chất hay tinh thần cá nhân, tuy rằng phần lớn yếu tố tạo nên động lực khiến con người phải nỗ lực nhiều hơn, tốt hơn để thành tích chính là lợi ích cho mình. Nhưng con người vẫn có thể làm hết mình vì lợi ích chung, lợi ích của xã hội, của đất nước.

Theo định nghĩa đó, nỗ lực đạt thành tích của một cá nhân hay một tập thể là một phẩm chất đạo đức tốt, đáng biểu dương và nhân rộng. Hãy tưởng tượng một xã hội mà trong đó mọi thành viên đều nỗ lực để đạt những thành tích cao hơn trên các lĩnh vực hoạt động: thể thao, văn hóa, nghệ thuật, giáo dục, sản xuất, thương mại, công nghệ vì lợi ích cho mình và cho cả cộng đồng. Xã hội đó chắc chắn tiến bộ, nền kinh tế nước đó chắc chắn phát triển dân nước đó chắc chắn giàu có, quốc gia đó chắc chắn cường thịnh.

Nhưng đến khi nào thì những nỗ lực đạt thành tích, một phẩm chất tốt cần thiết của mỗi thành viên trong xã hội, lại trở thành một bệnh, mà ngày chúng ta gọi tên nó là bệnh thành tích? Suy cho cùng, nếu diễn dịch bằng thuật ngữ thông thường, sự khác nhau căn bản giữa thành tích và bệnh thành tích chỉ là sự khác nhau giữa hàng thật và hàng giả, hàng nhái. Và yếu tố then chốt làm nên sự khác biệt đó chính là sự có mặt hay không của lòng trung thực.

Điều lo ngại chung hiện nay là căn bệnh thành tích đang lan tràn trong ngành giáo dục của nước ta. Không phải chỉ lây nhiễm cho một bộ phận những người công tác trong ngành mà còn cho nhiều gia đình trong xã hội. Ông Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo, người được kỳ vọng rất nhiều trong công tác chấn hưng nền giáo dục nước nhà, đã nhận xét rằng không chỉ “các thầy cô, các trường ham muốn thành tích bằng kết quả thi cử cao" mà "hàng chục triệu phụ huynh và học sinh chính là đồng tác giả của bệnh thành tích".

Tuy nhiên, muốn khắc phục căn bệnh nguy hiểm này, có nhiều vấn đề được phân tích thêm và làm sáng tỏ. Tại sao các trường và các thầy cô ham muốn kết quả thi cao? Phải chăng vì kết quả cao đó - dù là kết quả không phản ánh đúng thực chất - là tiêu chí được Sở hay Bộ sử dụng để đánh giá thành tích điều hành và giảng dạy của ban giám hiệu, các thầy cô? Phải chăng với thành tích được đánh giá cao theo cách đó, chắc chắn ban giám hiệu và thầy cô sẽ có lợi là nâng lương, khen thưởng và tiếp tục "sự nghiệp” nhân lên căn bệnh thành tích? Và nếu tất cả các trường trên cả nước đều có những kết quả xuất sắc tương tự, phải chăng Bộ Giáo dục và đào tạo sẽ được đánh giá là có thành tích tốt trong công tác điều hành giáo dục trên cả nước? Tại sao các phụ huynh muốn con em có điểm cao hơn thực chất. Ở đây cũng cần có hai cách nhìn: thực chất và tác dụng. Xét về thực chất, không có phụ huynh học sinh nào muốn con em mình là học "giả". Họ là những người đã bỏ ra tiền thật, công sức thật, thời gian thật và hy vọng thật về một tương lai tốt đẹp thật của con em mình. Không có lý do gì họ lại mong muốn nhận được một môn hàng giả. Tuy nhiên, đứng trên điểm thực dụng, họ sẵn sàng làm mọi cách, kể cả những cách tệ hại nhất chúng ta đã được biết để con em họ qua được các kỳ thi, có một tấm bằng. Như vậy, suy cho cùng, phụ huynh học sinh và học sinh chính là nạn nhân của bệnh thành tích hơn là "đồng tác giả”. Khi sự lây nhiễm của bệnh thành tích đã thành phổ biến, làm gì có ai được miễn dịch? Cuối cùng, không có ai khác là xã hội phải gánh chịu rủi ro và chi phí cao hơn. Một sự lãng phí nghiêm trọng về thời gian và tiền bạc, hậu quả của bệnh thành tích. Khi nguồn nhân lực thiết yếu cho sự phát triển kinh tế bị méo mó nghiêm trọng cả về số lượng lẫn chất lượng, các doanh nghiệp đành phải chấp nhận "hàng giả" lẫn lộn với "hàng thật” và phải thêm ngân sách để đào tạo và đào tạo lại sau khi tuyển dụng, bệnh thành tích là hậu quả của chủ nghĩa hình thức và chính nó là mẹ đẻ của bệnh sao chép, học thuộc lòng. Với bệnh thành tích, các phương pháp đánh giá, kiểm tra kết quả học tập trở nên dày đặc, nặng nề, phức tạp nhưng mang tính chất rập khuôn, không có chỗ dành cho sự sáng tạo của người. Hơn nữa, hàng rào thì có quá nhiều và tập trung càng làm nặng thêm tinh thần học tủ, học rập khuôn, sao chép của học sinh.

Chúng ta đều nhận thức rõ ràng, một xã hội muốn phát triển tiến bộ phải có nhiều nhân tài, mà nhân tài phải là người thực học, được tiếp thu những kiến thức và các phẩm chất đạo đức tinh hoa của nhân loại và của dân tộc thông qua hệ thống giáo dục của cộng đồng. Giáo dục chính là xuất phát điểm, là nơi sản sinh ra nguồn năng lực cho sự cường thịnh của một nước, một cộng đồng dân tộc. Một nền giáo dục tốt và thành thục sẽ tạo nên những con người đạt những thành tích tốt và trung thực. Những thành tích tốt và trung thực sẽ tạo nên những bước tiến mạnh mẽ cho cộng đồng dân tộc trên con đường phát triển.

Đất nước chúng ta đang tiến bước trên con đường đổi mới, mở cửa, hội nhập và tranh đua với thế giới để giành lấy một vị trí xứng đáng trên hành tinh. Đất nước này có cường thịnh hay không tùy thuộc vào việc nền giáo dục của chúng ta có đổi mới để có thể sản sinh ra những nhân tài thực học hay không. Trên tiến trình đổi mới giáo dục bệnh thành tích phải được xóa bỏ. Đó không phải là một việc quá khó, nhưng chắc chắn cũng không dễ dàng.

Thảo luận về hiện tượng háo danh và bệnh thành tích trong đời sống - mẫu 8

Từ xưa tới nay, danh và thực là đề tài luôn được quan tâm. Nhiều khi cái danh không đi liền cái thực và ngược lại hữu danh, vô thực trở thành vấn đề bức xúc, lo âu cho cả xã hội. Vậy danh và thực là gì? Vì sao lại có hiện tượng hám danh, háo danh?

Danh ngày xưa là chức tước được vua ban, xứng với tiếng thơm được mọi người tôn vinh, quý trọng. Ngày nay được hiểu là bằng cấp, chức vụ được Nhà nước trao cho. Còn thực là năng lực, trí tuệ, việc làm, hành động của mỗi người. Những đóng góp của họ mang lại lợi ích thực sự cho cá nhân, cộng đồng, cho quê hương, đất nước.

Theo lẽ thường tình, muốn có được danh thì phải có thực tài, có trí tuệ, năng lực mới được cất nhắc. Đúng nghĩa danh và thực phải gắn liền với nhau, bởi thực là bản chất, cốt lõi còn danh là hình thức, bên ngoài. Thực tỏa sáng cho danh, vì thế danh và thực luôn phải thống nhất chứ không thể chênh lệch.

Nhưng danh cũng thường gắn với lợi, bởi thế xưa nay chữ danh và chữ lợi đã trở thành miếng mồi vinh hoa để bao người đua chen, giành giật. Người ta chỉ nghĩ có danh là có lợi, có chức tước là có quyền, có quyền là có tất cả, nên chẳng ngại ngần làm mọi điều để đạt được nó. Nhưng khi đã có chức tước, có vị trí thì chỉ là "tiến sĩ giấy" – hữu danh, vô thực, là trò cười cho thiên hạ

Trong cuộc sống, không phải ai cũng háo danh, hám danh. Từ xưa đã có bao danh nhân nổi tiếng và cả những người bình thường không tên tuổi được mọi người tôn vinh, kính trọng vì thực tài. Bởi họ đã cống hiến vì lợi ích của mọi người: Nguyễn Trãi, Phạm Ngũ Lão, Chu Văn An....Tuy nhiên, thời đại nào xã hội cũng có vô số kẻ hám danh.

"Mảnh giấy làm nên thân giáp bảng

Tưởng rằng đồ thật hóa đồ chơi”

Chỉ vì cái danh có lợi nên khiến nhiều kẻ dốt nát, vô tài phải cố chạy vạy không chỉ bằng tiền mà có khi bằng cả nhân cách để đổi lấy tấm bằng thạc sĩ, tiến sĩ hay chiếm được vị trí quan trọng nào đó để leo cao, chui sâu đục khoét của dân của nước. Khiến cho xã hội đảo điên, trắng đen, thật giả lẫn lộn.

Bệnh háo danh, hám lợi bất chấp thực tại là căn bệnh thâm căn cố đế của xã hội từ bao đời nay. Xã hội hiện đại đòi hỏi con người phải có thực tài, có trí tuệ. Trí tuệ là nền tảng của con người, hiền tài là nguyên khí quốc gia. Vậy tại sao nạn háo danh vẫn còn tồn tại mà còn tinh vi hơn, thủ đoạn hơn?

Nhiều cha mẹ học sinh cũng phải chạy vạy cho con được cái giấy khen loại giỏi để khoe với mọi người, được mang đến cơ quan lĩnh thưởng nhưng thực chất chỉ là cái đầu rỗng tuếch. Rồi nhiều học sinh đi thi nhờ quay cóp, chạy chọt nhưng rồi chứng nào tật nấy, vẫn cứ lười học, ham chơi vậy cha mẹ lại phải mất tiền để có được tấm bằng hữu danh vô thực.

Nhiều sinh viên ra trường học cao học, người đi làm tóc "hoa râm" vẫn cố phải đi học lấy tấm bằng thạc sĩ, tiến sĩ nhưng không phải để nâng cao trình độ, tay nghề mà để tiếp tục leo cao, để kiếm danh.

Sự kém cỏi của bộ máy lãnh đạo còn đáng sợ hơn cả thảm họa thiên tai, địch họa. Bởi đã là thảm họa không lường, ảnh hưởng tới mọi mặt của cuộc sống xã hội, làm tiêu tan hy vọng, thực tài của bao người, làm mất lòng tin của lớp trẻ, làm rối loạn xã hội, gây bức xúc và bất bình.

Vì thế, cần nhận thức được những mặt sáng – tối của xã hội để từ đó xây dựng được nhân cách của mình. Đừng sa lầy vào bệnh hữu danh, vô thực.

Thảo luận về hiện tượng háo danh và bệnh thành tích trong đời sống - mẫu 9

Con người luôn muốn có được danh tiếng, thành tích. Bởi vậy mà trong xã hội hiện đã xuất hiện hiện tượng háo danh và bệnh thành tích.

Đầu tiên, “háo danh” có nghĩa là coi trọng danh tiếng trên mức cần thiết cũng như trên mức mà chúng ta có. Còn “bệnh thành tích” là à thói a dua, chỉ chăm lo đến vẻ bề ngoài nhằm được tuyên dương khen thưởng nhưng thực chất bên trong lại không đạt được như mong muốn.

Con người mong muốn có được danh tiếng, ghi nhận thành tích để xứng đáng với những nỗ lực, công sức của bản thân. Nhưng nếu danh tiếng là phương tiện thay vì là mục tiêu, nó sẽ trở thành một thứ hàng hóa, từ đó làm lệch lạc giá trị đích thực. Cũng như vậy, thành tích được giúp con người nỗ lực, cố gắng hơn nhưng nếu trở thành “bệnh thành tích” sẽ thật nguy hiểm.

Hiện tượng háo danh và bệnh thành tích sẽ khiến mỗi cá nhân tổ chức không hiểu rõ về thực lực của mình, tự mãn về thành tích, không có xu hướng vận động phát triển. Không chỉ vậy, con người còn hình thành thói “ghen ăn tức ở”, “con gà tức nhau tiếng gáy”. Song, thay vì tập trung nâng cao chất lượng họ lại đốt cháy giai đoạn, đánh bóng hình thức để được tuyên dương.

Xã hội cần có biện pháp khắc phục hiện tượng háo danh và bệnh thành tích. Các nhà lãnh đạo cần kiểm tra, giám sát sát sao hơn hoạt động của các tổ chức cá nhân trực thuộc, đồng thời điều chỉnh hệ thống, cơ chế quản lý tổ chức. Các cơ quan đoàn thể vì tương lai bản thân xóa bỏ bệnh hình thức để đi vào chất lượng thực tế. Mỗi cá nhân cần nâng cao trí tuệ, đạo đức của bản thân thay vì chạy theo danh vọng, thành tích.

Chúng ta cần nhân thức được tác hại của hiện tượng háo danh và bệnh thành tích để tránh xa. Hãy hoàn thiện bản thân ngày càng trở nên tốt đẹp hơn.

Thảo luận về hiện tượng háo danh và bệnh thành tích trong đời sống - mẫu 10

Con người ai cũng mong muốn đạt được một thành công nhất định trong cuộc sống. Nhưng cũng vì mong muốn đó mà trong xã hội hiện nay đã xảy ra hiện tượng xấu hay căn bệnh tiêu cực, đó là hiện tượng háo danh và bệnh thành tích.

“Háo danh” ý chỉ việc coi trọng danh tiếng trên mức cần thiết cũng như trên mức mà chúng ta có. “Bệnh thành tích” có thể được hiểu là thói a dua, chạy theo những thành tích, nhằm được tuyên dương, khen thưởng. Giữa hiện tượng háo danh và bệnh thành tích có mối liên hệ. Con người vì mong muốn có được danh tiếng mà chạy theo thành tích.

Nếu theo chiều hướng tích cực, việc con người nỗ lực để có được danh tiếng hay đạt được thành tích là hoàn toàn đúng đắn. Bởi danh tiếng và thành tích chính là sự công nhận cho những cống hiến, cố gắng của họ. Nhưng ngược lại, nếu quá coi trọng danh tiếng và thành tích mà làm những điều sai trái, dối trá lại dẫn đến chiều hướng tiêu cực.

Nguyên nhân của hiện tượng và căn bệnh này xuất phát từ lòng trung thực của con người. Cùng với đó là lòng ham muốn đạt được sự công nhận của người khác. Cũng có thể xuất phát từ tật xấu “con gà tức nhau tiếng gáy” - sự ghen tị, đố kị với thành công của người khác nhưng không chịu cố gắng để đạt được kết quả bằng chính năng lực của bản thân mà tìm cách đốt cháy giai đoạn, muốn có thành tích một cách nhanh chóng.

Hiện tượng háo danh và bệnh thành tích gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng cho xã hội. Con người dần mất đi tính trung thực, đánh mất niềm tin từ những người xung quanh. Chúng ta chỉ chú trọng đến việc đạt được danh tiếng, thành tích mà không chú trọng đầu tư vào trí tuệ, tâm hồn. Nhiều người khi có được danh tiếng, thành tích thì trở nên kiêu ngạo, coi thường mọi người xung quanh.

Để xây dựng một xã hội tốt đẹp, chúng ta cần có biện pháp đẩy lùi hiện tượng háo danh và bệnh thành tích. Các bộ, ngành và cơ quan chức năng cần có những cuộc thanh tra, kịp thời phát hiện và ngăn chặn những thành tích ảo. Nếu cố ý vi phạm thì cần có biện pháp xử lý đích đáng. Bên cạnh đó, chúng ta cần tăng cường những biện pháp tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức của mỗi người cần tránh xa và đẩy lùi.

1 1,457 26/08/2024