Lý thuyết Sinh học 7 Bài 39: Cấu tạo trong của thằn lằn
Tóm tắt lý thuyết Sinh 7 Bài 39: Cấu tạo trong của thằn lằn ngắn gọn, chi tiết sẽ giúp học sinh nắm vững kiến thức trọng tâm Sinh 7 Bài 39.
Lý thuyết Sinh học 7 Bài 39: Cấu tạo trong của thằn lằn
I. BỘ XƯƠNG
- Bộ xương của thằn lằn có 3 phần:
+ Xương đầu.
+ Xương thân: Có 8 đốt sống cổ, cột sống có nhiều đốt, các xương sườn tạo nên lồng ngực tham gia thông khí ở phổi.
+ Xương chi: Gồm xương đai, các xương chi.
- Bộ xương của thằn lằn có những điểm khác biệt so với bộ xương ếch:
+ Thằn lằn xuất hiện xương sườn tham gia quá trình hô hấp.
+ Số lượng đốt sống cổ nhiều hơn (thằn lằn có 8 đốt sống cổ, ếch chỉ có một đốt sống cổ).
+ Cột sống dài, đốt sống đuôi dài.
+ Có đai vai khớp với cột sống khiến chi trước trở nên linh hoạt hơn.
→ Cấu tạo bộ xương của thằn lằn thích nghi hơn với đời sống trên cạn.
II. CÁC CƠ QUAN DINH DƯỠNG
1. Tiêu hoá
- Ống tiêu hóa phân hóa rõ hơn so với ếch.
- Ruột già chứa phân đặc, có khả năng hấp thụ lại nước giúp giảm sự tiêu hao của nước giúp cơ thể thích nghi với đời sống ở cạn.
2. Tuần hoàn – Hô hấp
Cấu tạo của hệ tuần hoàn và hô hấp ở thằn lằn phù hợp hơn với hoạt động đòi hỏi cung cấp nhiều năng lượng khi di chuyển trên cạn nhưng còn chưa hoàn thiện.
a. Tuần hoàn
+ Tim 3 ngăn: 2 tâm nhĩ và 1 tâm thất (có vách ngăn hụt) → Máu đi nuôi cơ thể ít pha hơn máu của ếch.
+ Có 2 vòng tuần hoàn: vòng tuần hoàn nhỏ (vòng tuần hoàn phổi) và vòng tuần hoàn lớn (vòng tuần hoàn cơ quan).
b. Hô hấp
- Hô hấp bằng phổi. Phổi có nhiều vách ngăn, nhiều mạch máu bao quanh làm tăng diện tích trao đổi khí.
- Sự thông khí ở phổi nhờ các cơ liên sườn co hoặc giãn giúp thay đổi thể tích lồng ngực.
3. Bài tiết
- Xuất hiện thận sau (hậu thận).
- Có khả năng hấp thụ lại nước (nước tiểu đặc).
III. THẦN KINH VÀ GIÁC QUAN
- Hệ thần kinh của thằn lằn phát triển hơn so với ếch: Não trước và tiểu não phát triển → Thích hợp để điều khiển các hoạt động phức tạp.
- Giác quan tương đối phát triển:
+ Mắt: có mi mắt (mi thứ 3 mỏng, linh hoạt) và tuyến lệ đặc trưng cho các động vật sống ở cạn; cử động rất linh hoạt, có thể dễ dàng quan sát con mồi ngay khi đầu không cử động.
+ Tai: có màng nhĩ, nằm sâu trong một hốc nhỏ tương tự ống tai ngoài, chưa có vành tai.
Xem thêm các bài tổng hợp lý thuyết Sinh học lớp 7 đầy đủ, chi tiết khác:
Lý thuyết Bài 40: Đa dạng và đặc điểm chung của lớp bò sát
Lý thuyết Bài 42: Thực hành: Quan sát bộ xương, mẫu mổ chim bồ câu
Xem thêm các chương trình khác: