Đăng kiểm ô tô lần đầu: Thủ tục và mức phí chi tiết mới nhất 2025
Đăng kiểm ô tô lần đầu: Thủ tục và mức phí chi tiết mới nhất 2025

1. Đăng kiểm ô tô lần đầu: Thủ tục và mức phí chi tiết mới nhất 2025

1.1. Thủ tục đăng kiểm ô tô lần đầu

Căn cứ Thông tư 47/2024/TT-BGTVT, trình tự, thủ tục thực hiện kiểm định ô tô như sau:

  • Bước 1: Nộp hồ sơ

Chủ xe nộp trực tiếp tại cơ sở đăng kiểm hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc qua hệ thống trực tuyến 01 bộ hồ sơ đề nghị kiểm định gồm các giấy tờ phải nộp và xuất trình.

  • Bước 2: Tiếp nhận, kiểm tra, đánh giá hồ sơ
    • Trường hợp nhận hồ sơ trực tiếp: cơ sở đăng kiểm tiến hành kiểm tra, đánh giá hồ sơ ngay trong ngày nhận được hồ sơ, cụ thể như sau:
      • Kiểm định tại cơ sở đăng kiểm: trường hợp không đầy đủ thì hướng dẫn chủ xe hoàn thiện hồ sơ; trường hợp xe bị từ chối kiểm định thì lập thông báo theo mẫu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 47/2024/TT-BGTVT gửi cho chủ xe; trường hợp hồ sơ đầy đủ, xe không bị từ chối kiểm định thì lập phiếu kiểm soát kiểm định theo mẫu quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư 47/2024/TT-BGTVT ; tiến hành kiểm tra, đánh giá xe;
      • Kiểm định ngoài cơ sở đăng kiểm: trường hợp không đầy đủ thì hướng dẫn chủ xe hoàn thiện hồ sơ; đối với xe bị từ chối kiểm định, xe không thuộc đối tượng kiểm định, địa điểm kiểm định ngoài cơ sở đăng kiểm không đáp ứng quy định tại điểm c khoản 2 Điều 4 Thông tư 47/2024/TT-BGTVT, lập thông báo theo mẫu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm Thông tư này gửi cho chủ xe;

Trường hợp hồ sơ đầy đủ, xe không bị từ chối kiểm định, xe thuộc đối tượng kiểm định ngoài cơ sở đăng kiểm, địa điểm kiểm định ngoài cơ sở đăng kiểm đáp ứng quy định, lập giấy hẹn lịch kiểm định theo mẫu số 03 quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm Thông tư 47/2024/TT-BGTVT gửi cho chủ xe; lập phiếu kiểm soát kiểm định theo mẫu quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư 47/2024/TT-BGTVT tiến hành kiểm tra, đánh giá xe theo lịch.

    • Trường hợp nhận hồ sơ qua hệ thống bưu chính hoặc hệ thống trực tuyến: cơ sở đăng kiểm thực hiện theo quy định nêu trên và gửi thông báo kết quả kiểm tra, đánh giá hồ sơ hoặc lịch hẹn đưa xe đến kiểm định cho chủ xe qua hệ thống bưu chính hoặc trên hệ thống trực tuyến.
    • Trường hợp xe chưa có dữ liệu trong cơ sở dữ liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam thì cơ sở đăng kiểm lập bản xác nhận thông số kỹ thuật của xe theo quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư 47/2024/TT-BGTVT để làm căn cứ lập hồ sơ phương tiện.
  • Bước 3: Thực hiện kiểm tra, đánh giá xe cơ giới

Cơ sở đăng kiểm kiểm tra, đối chiếu xe thực tế với giấy tờ về đăng ký xe: trường hợp có sự sai khác, thông báo cho chủ xe nêu rõ lý do theo mẫu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 47/2024/TT-BGTVT ; trường hợp không có sự sai khác, lập phiếu hồ sơ phương tiện theo mẫu số 1 Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 47/2024/TT-BGTVT đối với trường hợp kiểm định lần đầu và thực hiện việc kiểm tra, đánh giá xe.

Việc kiểm tra, đánh giá tình trạng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới phải được thực hiện đầy đủ các hạng mục quy định tại Quy chuẩn về kiểm định xe cơ giới và thực hiện theo 05 công đoạn sau:

    • Công đoạn 1: kiểm tra nhận dạng, tổng quát;
    • Công đoạn 2: kiểm tra phần trên của phương tiện;
    • Công đoạn 3: kiểm tra hiệu quả phanh và trượt ngang;
    • Công đoạn 4: kiểm tra môi trường;
    • Công đoạn 5: kiểm tra phần dưới của phương tiện.

Việc kiểm tra, đánh giá hạng mục kiểm tra hiệu quả phanh, trượt ngang đối với trường hợp kiểm định ngoài cơ sở đăng kiểm được thực hiện trên đường, cơ sở đăng kiểm ghi nhận kết quả trong phiếu kiểm tra phanh, trượt ngang theo mẫu số 04 quy định tại Phụ lục VIII ban hành kèm theo Thông tư 47/2024/TT-BGTVT và đính kèm cùng với phiếu kiểm định xe cơ giới khi kết thúc kiểm tra.

    • Cơ sở đăng kiểm thực hiện chụp ảnh xe cơ giới tại địa điểm thực hiện kiểm định, đảm bảo ảnh chụp có độ phân giải tối thiểu 1280x720 pixels, rõ nét, thể hiện thời gian thực khi chụp (gồm ngày, tháng, năm, giờ, phút chụp ảnh).
    • Kết quả kiểm định được thể hiện trên phiếu kiểm định xe cơ giới theo mẫu số 01 quy định tại Phụ lục VIII ban hành kèm theo Thông tư 47/2024/TT-BGTVT và được xử lý như sau:
      • Xe được thực hiện các quy trình để cấp giấy chứng nhận kiểm định khi không có khiếm khuyết hoặc chỉ có khiếm khuyết, hư hỏng không quan trọng (MiD);
      • Xe phải sửa chữa để kiểm định lại khi có khiếm khuyết, hư hỏng quan trọng (MaD);
      • Xe không được tham gia giao thông và phải sửa chữa để kiểm định lại khi có khiếm khuyết, hư hỏng nguy hiểm (DD).
  • Bước 4: Trả kết quả: Cấp giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định hoặc thông báo kết quả không đạt.

1.2. Mức phí đăng kiểm ô tô mới nhất 2025

Chi tiết mức phí đăng kiểm xe ô tô tại Biểu giá dịch vụ ban hành kèm theo Thông tư 55/2022/TT-BTC như sau:

Đơn vị tính: 1.000 đồng/xe

TT

Loại xe cơ giới

Mức giá

1

Xe ô tô tải có khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông trên 20 tấn, xe ô tô đầu kéo có khối lượng kéo theo cho phép tham gia giao thông trên 20 tấn và các loại xe ô tô chuyên dùng

570

2

Xe ô tô tải có khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông trên 7 tấn đến 20 tấn, xe ô tô đầu kéo có khối lượng kéo theo cho phép tham gia giao thông đến 20 tấn và các loại máy kéo

360

3

Xe ô tô tải có khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông trên 2 tấn đến 7 tấn

330

4

Xe ô tô tải có khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông đến 2 tấn

290

5

Máy kéo, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ và các loại phương tiện vận chuyển tương tự

190

6

Rơ moóc, sơ mi rơ moóc

190

7

Xe ô tô chở người trên 40 ghế (kể cả lái xe), xe buýt

360

8

Xe ô tô chở người từ 25 đến 40 ghế (kể cả lái xe)

330

9

Xe ô tô chở người từ 10 ghế đến 24 ghế (kể cả lái xe)

290

10

Xe ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi, xe ô tô cứu thương

250

11

Xe ba bánh và các loại phương tiện vận chuyển tương tự

110

Cũng theo Thông tư 55/2022/TT-BTC, cần lưu ý những vấn đề sau về mức giá kiểm định xe:

  • Những xe cơ giới kiểm định không đạt tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phải bảo dưỡng sửa chữa để kiểm định lại. Giá các lần kiểm định lại được tính như sau:
    • Nếu việc kiểm định lại được tiến hành cùng ngày (trong giờ làm việc) với lần kiểm định đầu tiên thì: miễn thu đối với kiểm định lại lần 1 và 2; kiểm định lại từ lần thứ 3 trở đi mỗi lần kiểm định lại thu bằng 50% mức giá quy định nêu trên.
    • Nếu việc kiểm định lại được tiến hành sau 01 ngày và trong thời hạn 07 ngày (không kể ngày nghỉ theo chế độ) tính từ ngày kiểm định lần đầu, mỗi lần kiểm định lại thu bằng 50% giá nêu trên.
    • Nếu việc kiểm định lại được tiến hành sau 7 ngày (không kể ngày nghỉ theo chế độ) tính từ ngày kiểm định lần đầu thì giá kiểm định được tính như kiểm định lần đầu.
  • Trường hợp kiểm định xe cơ giới để cấp Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (có thời hạn không quá 15 ngày) thu bằng 100% giá nêu trên.
  • Kiểm định mang tính giám định kỹ thuật, đánh giá chất lượng theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân được thu với mức giá thỏa thuận nhưng không vượt quá 3 lần mức giá nêu trên.

2. Hồ sơ đăng kiểm ô tô lần đầu gồm những gì?

Căn cứ Điều 7 Thông tư 47/2024/TT-BGTVT, hồ sơ kiểm định lần đầu gồm có:

(1) Giấy tờ phải nộp

  • Văn bản đề nghị kiểm định ngoài cơ sở đăng kiểm theo mẫu số 02 của Phụ lục VII ban hành kèm theo Thông tư này (đối với trường hợp chủ xe có đề nghị);
  • Bản chà số khung, số động cơ của xe;
  • Bản sao phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng (đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước);
  • Bản chính giấy chứng nhận cải tạo của xe (đối với xe cải tạo).

(2) Giấy tờ phải xuất trình

  • Giấy tờ về đăng ký xe gồm một trong các giấy tờ sau: bản chính chứng nhận đăng ký xe; bản sao có chứng thực hoặc bản sao điện tử được chứng thực từ bản chính chứng nhận đăng ký xe; bản chính giấy hẹn cấp chứng nhận đăng ký xe;
  • Giấy chứng nhận kết quả kiểm định còn hiệu lực (bản chính hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao điện tử được chứng thực từ bản chính) đối với: thiết bị nâng hàng có sức nâng theo thiết kế từ 1.000 (kg) trở lên; thiết bị nâng người có chiều cao nâng lớn nhất lớn hơn 2,0 (m); xi téc chở khí hóa lỏng, khí dầu mỏ hóa lỏng, khí thiên nhiên nén hoặc các chất lỏng có áp suất làm việc cao hơn 0,7 (bar) hoặc chất lỏng hay chất rắn dạng bột không có áp suất nhưng khi tháo ra dùng khí có áp suất cao hơn 0,7 (bar).
Hồ sơ đăng kiểm ô tô lần đầu gồm những gì?
Hồ sơ đăng kiểm ô tô lần đầu gồm những gì?

3. Các câu hỏi thường gặp

3.1. Làm sao biết xe hết đăng kiểm?

Cách đơn giản nhất để tài xế và chủ xe có thể kiểm tra thời hạn đăng kiểm của ôtô chính là nhìn vào tem kiểm định được dán trên kính lái, hoặc xem trong giấy kiểm định được cấp cho xe. Khi xe cơ giới kiểm định đạt yêu cầu thì sẽ được cấp giấy chứng nhận kiểm định cùng tem kiểm định.

3.2. Khi nào phải đi đăng kiểm xe?

Xe phải đi đăng kiểm khi giấy chứng nhận kiểm định hiện tại hết hạn. Thời hạn này được ghi rõ trên tem đăng kiểm dán trên kính lái của xe. Ngoài ra, bạn cũng cần theo dõi lịch trình đăng kiểm định kỳ dựa trên loại xe và thời gian sử dụng để đảm bảo tuân thủ quy định.

3.3. Làm sao để biết xe mình được gia hạn đăng kiểm?

Có thể tra cứu thông tin trên website của Cục Đăng kiểm Việt Nam hoặc các ứng dụng hỗ trợ kiểm tra đăng kiểm. Chỉ cần nhập biển số xe và số khung, hệ thống sẽ thông báo liệu xe có đủ điều kiện gia hạn hay không.

3.4. Có cần kiểm tra gì trước khi đi đăng kiểm không?

Trước khi đi đăng kiểm, bạn nên kiểm tra kỹ các bộ phận sau: hệ thống phanh, đèn chiếu sáng, còi, gạt nước, lốp xe, và kính chắn gió. Đồng thời, cần chuẩn bị đầy đủ giấy tờ như bảo hiểm trách nhiệm dân sự và giấy tờ xe hợp lệ.

3.5. Xe có dán phim cách nhiệt, thay đổi màu sơn có ảnh hưởng đến đăng kiểm không?

Xe dán phim cách nhiệt thường không ảnh hưởng đến kết quả đăng kiểm. Tuy nhiên, nếu xe thay đổi màu sơn mà chưa cập nhật trong giấy đăng ký, bạn cần thực hiện thủ tục đổi màu sơn trước khi đi đăng kiểm để tránh bị từ chối.

3.6. Xe bị trầy xước, móp méo có ảnh hưởng đến kết quả đăng kiểm không?

Nếu xe chỉ bị trầy xước nhẹ hoặc móp méo nhỏ ở phần không ảnh hưởng đến an toàn kỹ thuật, kết quả đăng kiểm thường không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, nếu có hư hỏng nghiêm trọng ở khung gầm, hệ thống đèn, hoặc các thiết bị an toàn, xe có thể không đạt yêu cầu.

3.7. Có cần đặt lịch hẹn trước khi đi đăng kiểm không?

Đặt lịch hẹn trước không phải là yêu cầu bắt buộc, nhưng việc này giúp tiết kiệm thời gian và tránh tình trạng chờ đợi lâu tại các trung tâm đăng kiểm. Nhiều trung tâm hiện nay hỗ trợ đặt lịch hẹn qua website hoặc điện thoại.