Soạn bài Viết bài làm văn số 7: Văn nghị luận | Ngắn nhất Soạn văn 10

Soạn bài Viết bài làm văn số 7: Văn nghị luận lớp 10 ngắn nhất mà vẫn đủ ý giúp học sinh dễ dàng trả lời các câu hỏi trong sách giáo khoa Ngữ văn 10 Tập 2 từ đó soạn văn lớp 10 một cách dễ dàng.

1 641 10/03/2022
Tải về


Soạn bài Viết bài làm văn số 7: Văn nghị luận (ngắn nhất)    

A. Soạn bài Viết bài làm văn số 7: Văn nghị luận ngắn gọn:

Đề 1: Dân tộc ta có truyền thống "Tôn sư trọng đạo". Theo anh (chị), truyền thống ấy được nối tiếp như thế nào trong thực tế cuộc sống hiện nay?

I. Dàn ý

1. Mở bài:Giới thiệu về truyền thống Tôn sư trọng đạo của dân tộc ta.

2. Thân bài:

a Giải thích: Tôn sư trọng đạo có nghĩa là tôn kính người thầy và coi trọng đạo học, đạo lí làm người.

b Tôn sư trọng đạo là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta:

- Tôn sư trọng đạo là truyền thống có từ lâu đời của dân tộc, được lưu truyền qua nhiều thế hệ (dẫn chứng bằng các câu chuyện, bài ca dao…).

- Tôn sư trọng đạo phản ánh sự coi trọng giáo dục, tinh thần hiếu học, thái độ đề cao vai trò của người thầy và định hướng lối ứng xử tôn kính đối với những người truyền dạy tri thức và đối với những đạo lí, chuẩn mực tốt đẹp.

c. Truyền thống Tôn sư trọng đạo trong thời đại ngày nay:

- Ngày nay, truyền thống tôn sư trọng đạo vẫn tiếp tục được gìn giữ, lưu truyền.

- Truyền thống này đã có những thay đổi nhất định bởi hoàn cảnh xã hội, thời đại và con người ngày nay có nhiều khác biệt với truyền thống (VD: giảm bớt những lễ nghi nặng nề, rườm rà; giáo dục coi trọng cả người dạy và người học;…)

d. Lên án, phê phán các hiện tượng tiêu cực trong ứng xử giữa thầy và trò, trong ngành giáo dục nói chung đang rộ lên trong những năm gần đây.

- Những bổ sung cần thiết để phát huy truyền thống tôn sư trọng đạo: truyền thống tôn sư trọng đạo ngoài nền tảng quý trọng đạo lí tốt đẹp và người truyền dạy đạo lí còn phải được xây dựng dựa trên sự tôn trọng, dân chủ, tích cực; cần xóa bỏ bệnh thành tích, bệnh hình thức để truyền thống được lưu giữ, thực hiện một cách thực chất và phát huy được tác dụng.

3. Kết bài: Khẳng định ý nghĩa muôn đời của truyền thống tôn sư trọng đạo.

II. Bài minh hoạ

Dân tộc ta vốn được biết đến là một đất nước hiếu học với truyền thống tôn sư trọng đạo sâu sắc. Và trong hoàn cảnh hiện tại truyền thống đó vẫn được kế thừa và phát huy sâu rộng.

Để hiểu hết ý nghĩa trọn vẹn của câu ca dao này thì chúng ta cần phải đi cắt nghĩa đầy đủ về “tôn sư” và “trọng đạo”. Tôn sư là thái độ tôn trọng người thầy. Còn trọng đạo tức là coi trọng mối quan hệ giữa thầy và trò. Qua đây ông cha ta muốn gửi gắm một ý nghĩa sâu sắc đó chính là phải biết tôn trọng thầy cô giáo, những người đã cho ta kiến thức đồng thời phải trân trọng tình thầy trò. Nó trở thành một truyền thống vô cùng tốt đẹp của dân tộc ta trong suốt chiều dài lịch sử mấy ngàn năm.

Tôn sư trọng đạo là một truyền thống tốt đẹp được lưu truyền từ ngàn năm trước. Khi mà đất nước ta còn là đất nước phong kiến. Việc học đã được đề cao và vai trò của những người làm thầy mà cụ thể là “thầy đồ” đã được chú ý. Hình ảnh những người thầy đồ ngày đêm tận tụy mài mực đọc sách đã trở thành những nguồn cảm hứng dạt dào của biết bao tác phẩm văn học. Chắc hẳn chúng ta ai cũng  biết đến vị thánh hiền người đã đặt nền móng cho nền giáo dục Việt Nam là thầy Chu Văn An. Một người thầy lỗi lạc đã đào tạo nên biết bao nhiêu bậc hiền triết cho đất nước. Tấm gương học trò Phạm Sư Mạnh là một trong những minh chứng điển hình cho truyền thống “tôn sư trọng đạo” mà chúng ta phải noi theo.Sau khi đỗ đạt làm quan to, những dịp lễ tết Phạm Sư Mạnh vẫn thường ghé qua thăm thầy của mình. Thế nhưng dù đứng trên cả vạn người, đức cao vọng trọng nhưng chưa bao giờ người trò đó dám ngồi ngang hàng với thầy mình. Đến nhà thầy vẫn khoanh tay chào từ ngoài cửa, một hai giữ thái độ kính trọng với người thầy của mình. Thế mới thấy truyền thống ấy đã ăn sâu và trở thành gốc rễ vững chắc cho biết bao nhiêu thế hệ người dân Việt Nam.

Hàng năm có rất nhiều các cuộc thi viết về thầy cô, và có rất nhiều những bài văn vô cùng xúc động về tình cảm thầy trò được trao giải. Mỗi dịp 20/11, hay kỉ niệm thành lập trường rất nhiều các thế hệ học sinh dù làm gì hay ở bất cứ đâu vẫn tụ họp đầy đủ về trường cũ để tri ân và bày tỏ sự kính trọng với thầy cô....

Tuy nhiên bên cạnh đó cũng còn rất nhiều những trường hợp “con sâu bỏ dầu nồi canh”, làm xấu đi truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Song nó cũng chỉ là một số ít tồn tại nho nhỏ mà thôi. Điều quan trọng đó là cả dân tộc ta vẫn kế thừa và phát huy truyền thống này một sâu rộng.

Truyền thống tôn sư trọng đạo là một trong những truyền thống vô cùng tốt đẹp của dân tộc,. Dù đến ngàn năm sau đi chăng nữa nó cũng sẽ mãi mãi trường tồn cùng dòng chảy của lịch sử. Trở thành một trong những thước đo sự văn minh của xã hội.

Đề 2: Có ý kiến cho rằng: Những thói xấu ban đầu là người khách qua đường, sau trở nên người bạn thân ở chung nhà và kết cục biến thành ông chủ nhà khó tính. Anh (chị) thấy ý kiến này như thế nào?

I. Dàn ý

1. Mở bài:

- Dẫn dắt, giới thiệu về nhận định "Những thói xấu ban đầu là người khách qua đường sau trở nên người bạn thân ở chung nhà và kết cục biến thành ông chủ nhà khó tính".

 2. Thân bài:

* Giải thích ý nghĩa câu nói:

- Thói hư tật xấu ban đầu chỉ là những người khách qua đường, nghĩa là nó đến một cách ngẫu nhiên, vô tình, không có quan hệ quen biết gì với ta nên gặp rồi quên ngay

- Khi đã gắn bó thì không thể sống xa nhau và khó mà quên được nhau.

- Đến một lúc nào đó, thói xấu sẽ trở thành ông chủ nhà khó tính và biến ta thành kẻ phụ thuộc.

- Câu nói khẳng định lại: Thói quen xấu rất dễ dàng chi phối chúng ta, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của con người. Do vậy, cần tỉnh táo và tránh xa các tật xấu đó.

* Phân tích, chứng minh và bình luận ý kiến:

- Trong mỗi con người bao giờ cũng có những đức tính tốt và những thói tật xấu.

- Nếu con người không biết tự rèn luyện, hướng tới những gì tốt đẹp thì sẽ bị những thói xấu làm chủ.

Ví dụ: Nói tục, chửi bậy... lúc đầu các bạn nói chỉ theo phong trào, cho vui nhưng lâu dần những câu nói bậy, chửi thề được thốt ra vô ý thức gây phản cảm cho người xung quanh.

- Nếu con người biết tự rèn luyện, biết hướng tới những gì tốt đẹp thì họ sẽ ngày càng phát triển và hoàn thiện mình hơn.

Ví dụ: Nhiều bạn thanh niên dù bị bạn bè lôi kéo nhưng cũng không tham gia, các bạn ấy sống lành mạnh nên có sức khỏe tốt, được mọi người yêu mến...

* Hướng rèn luyện của bản thân nói riêng và của mọi người nói chung:

- Cần phải tỏ rõ một thái độ vững vàng, tránh xa các thói hư tật xấu, dù là nhỏ hay lớn.

- Không nên tò mò và làm quen với thói hư tật xấu.

- Thói hư tật xấu có sức hấp dẫn vô cùng mãnh liệt nên cần đề phòng và cảnh giác.

  3. Kết bài:

- Khẳng định tính đúng đắn của ý kiến đã nêu ra ở đề bài.

II. Bài minh hoạ

Trong mỗi con người bao giờ cũng tồn tại hai mặt tốt và xấu, mặt được và mặt chưa được. Suốt cả cuộc đời con người ta sống với mục đích đấu tranh với cái xấu và hướng đến những điều tốt đẹp. Thế nhưng cái tốt thì khó học cái xấu tiếp thu nhanh. Chẳng vì thế mà có ý kiến cho rằng “những thói xấu ban đầu là người khách qua đường, sau trở nên người bạn thân ở chung nhà và kết cục biến thành ông chủ nhà khó tính”.

Thực chất câu nói trên có ý nghĩa hoàn toàn đúng đắn. Như phật đã dạy rằng “Kẻ thù lớn nhất của mỗi người là chính mình”. Trong suốt cuộc đời chúng ta có thể đấu tranh với rất nhiều thế lực thù địch, xấu xa để loại bỏ những mầm mống đen tối ra khỏi xã hội thế nhưng lại rất dễ dàng thỏa hiệp với chính mình. Con  người sinh ra ai cũng có sẵn trong mình một sự ích kỉ, ích kỉ với những người xung quanh nhưng lại dễ dãi với bản thân mình. 

Thật vậy, tật xấu luôn là những cái con người ta rất dễ để dính vào còn cái tốt thì vô cùng khó khăn. Bạn có thể mất cả một năm thậm chí cả một đời để duy trì một thói quen tốt thế nhưng chỉ cần một giờ một phút thôi cái xấu đã có thể len lỏi và xâm nhập vào con người bạn rồi. Thực tế cuộc sống cũng cho ta nhiều ví dụ chứng minh vô cùng chuẩn xác.

Một con người nếu không có sự tự chủ sẽ rất dễ đánh mất mình theo những thói xấu. Ban đầu thói xấu của bạn có thể đến một cách rất vô tình nhưng sau đó sẽ có lần thứ hai, lần thứ ba thậm chí n lần tiếp theo như thế. Và lâu dần nó trở thành người bạn thân thuộc và sẽ điều khiển chính suy nghĩ hành động của bạn. Cũng giống như một bạn học sinh, lần đầu kiểm tra quay cóp mà không bị phát hiện thì lần tiếp theo sẽ tiếp tục như thế và lâu dần bạn trở nên phụ thuộc vào sách vở không còn ý thức tự học tự phấn đấu nữa. Thói xấu có tác hại vô cùng xấu xí đến bản thân và xã hội. Ban đầu nó sẽ làm “đau” chính bản thân của mỗi người. Việc tồn tại những suy nghĩ xấu, hành động xấu sẽ khiến con người thường xuyên ở trong trạng thái lo âu, sợ hãi người khác phát hiện, lâu dần sẽ hình thành suy nghĩ ích kỉ, nhỏ nhen, ganh tị và dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Càng nguy hiểm hơn, nó sẽ khiến con người trở nên thờ ơ vô cảm, sống xa cách nhau, tách biệt với xã hội. Đồng nghĩa với nó sẽ làm cho xã hội trở nên mất văn minh, mất đi sự nhân văn vốn có.

Đấu tranh loại bỏ cái xấu chưa bao giờ là dễ dàng. Nó đòi hỏi con người phải là người biết phân định đúng sai, có hiểu biết và có chính kiến. Mỗi con người ngay từ bây giờ hãy trở thành những người nghiêm khắc với chính mình bởi nó không chỉ giúp bạn hoàn thiện bản thân hơn mà còn giúp xã hội này trở nên văn minh và tốt đẹp hơn.

Đề 3: Hưởng ứng đợt thi đua xây dựng môi trường xanh, sạch đẹp do Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phát động, chi đoàn lớp 10A tổ chức hội thảo với chủ đề: Hãy vì một mái trường xanh, sạch, đẹp.

I. Dàn ý

1. Mở bài: Giới thiệu chủ đề của hội thảo: Hãy vì môi trường xanh- sạch- đẹp

2. Thân bài:

Vì sao phải xây dựng môi trường xanh- sạch- đẹp?

- Môi trường là nơi con người sinh sống, học tập và làm việc

- Môi trường lí tưởng cần đảm bảo ba yếu tố: xanh- sạch- đẹp

- Môi trường xanh- sạch- đẹp sẽ tạo điều kiện cho con người học tập và phát triển

Thực tế trường học của chúng ta:

- Những điểm đã đạt được, cần phát huy

- Những điểm chưa tốt, cần khắc phục

- Nêu nguyên nhân (chủ quan, khách quan)

Một số biện pháp để tạo môi trường xanh- sạch- đẹp trong trường học:

- Trồng và bảo vệ cây xanh

- Giữ gìn vệ sinh chung

- Đẹp trong cả hình thức lẫn hành động, suy nghĩ

3. Kết bài: Tổng kết lại vấn đề, kêu gọi mọi người cùng bảo vệ môi trường

II. Bài minh hoạ

Thưa các bạn!

Hưởng ứng vì môi trường là việc làm vô cùng cần thiết đối với bất kì ai và ở bất kì đâu. Thực trạng môi trường thế giới trong những năm qua đang có những biến động cực kì xấu đối với con người và toàn xã hội. Chính vì thế để hưởng ứng đợt thi đua “Xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp” do Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phát động, chi đoàn lớp 10A xin được gửi tới hội thảo bản tham luận với chủ đề “hãy vì một mái trường xanh, sạch, đẹp”.

Như chúng ta đã biết môi trường được xem là một trong những cái nôi bảo vệ con người. Chúng ta sinh ra lớn lên và sản xuất đều dựa vào môi trường là chính. Nó không chỉ cho chúng ta một môi trường sống có nước, có đất, có không khí,…. Mà còn giúp con người tạo ra được của cải vật chất. Thế nhưng có một thực trạng vô cùng nóng bỏng hiện nay đó chính là môi trường sống của con người đang bị suy thoái.

Biểu hiện vô cùng rõ ràng đó là hiện tượng nhiệt độ trái đất tăng lên, dẫn đến băng tan, bão lụt, hạn hán xảy ra liên miên. Trong đó Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng vô cùng nặng nề của hiện tượng biến đổi khí hậu này. Mỗi năm những cơn bão lịch sử đi qua không chỉ phá hoại mùa màng mà còn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và của. Để lại những nỗi đau tinh thần cực kì lớn lao đối với cộng đồng.

Ngoài những nguyên nhân khách quan trên thì nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng biến đổi khí hậu đó chính là tác động của con người vào thiên nhiên. Với những việc làm như chặt phá rừng bừa bãi, thải nước thải công nghiệp trực tiếp ra sông suối, biển…. Những việc làm đó đã đang và sẽ hủy hoại dần đi môi trường sống của nhân loại. Biến đổi khi hậu gây nên những hậu quả vô cùng nghiêm trọng đối với môi trường và toàn xã hội. Nó không chỉ gây thiệt hại về của cải mà còn về tính mạng và tương lai của thế hệ sau này. Chính vì thế toàn thế giới đang ra sức để tìm cách ngăn chặn biến đổi khí hậu.

Những cuộc họp tầm quốc tế đã diễn ra để bàn về việc ngừng tác động đến môi trường, cải thiện điều kiện sinh thái tiêu biểu là hội nghị COP 21. Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của toàn nhân loại chứ không riêng gì đối với bất kì cá nhân đoàn thể nào. Nhất là mỗi chúng ta những người trẻ đang ngồi trên ghế nhà trường thì vai trò càng nâng cao.

Lứa tuổi ngồi trên ghế nhà trường và đặc biệt là THPT là những người sẽ làm chủ đất nước cần có những hoạt động thiết thực để bảo vệ môi trường sống của mình. Bằng những việc làm vô cùng nhỏ bé mỗi cá nhân hãy nâng cao tầm hiểu biết của mình để bảo vệ nhân loại. Cuộc vận động xây dựng môi trường xanh sạch đẹp là một hoạt động rất thiết thực nhằm nâng cao hiểu biết và nhận thức của học sinh đối với môi trường.

Ngay từ bây giờ các bạn hãy thay đổi suy nghĩ hành động của mình để bảo vệ môi trường bằng những việc làm nhỏ nhất như: giữ gìn vệ sinh lớp học, trường học, không vứt rác bừa bãi, giữ gìn vệ sinh trong khuôn viên trường. Mỗi thành viên, mỗi đoàn viên phải là những người tích cực nhất trong việc tuyên truyền bảo vệ môi trường. Hàng năm, nhà trường nên tổ chức các buổi lễ trồng cây đầu năm. Các học sinh cần phân công chăm sóc vườn cây xanh tốt tạo khuôn viên nhà trường ấn tượng.

Nhà trường cũng nên chú trọng việc phát động xây dựng trường học xanh sạch đẹp định kì hàng năm để nâng cao ý thức của học sinh đồng thời thành lập những đội cờ đỏ giám sát và đánh giá công cuộc bảo vệ môi trường….

Trên đây là bài tham luận của lớp 10A về việc phát động phong trào xây dựng môi trường xanh sạch đẹp. Chúc cho phong trào sẽ thành công rực rỡ. 

Đề 4: Học bài thơ "Thuật hoài" của Phạm Ngũ Lão, có bạn cho rằng: sự hổ thẹn của tác giả là quá đáng, kiêu kì. Ngược lại, có bạn ngợi ca và cho rằng đó là biểu hiện một hoài bão lớn lao của người thanh niên yêu nước.

I. Dàn ý

1. Mở bài: 

- Giới thiệu bài thơ Thuật hoài của Phạm Ngũ Lão và sự hổ thẹn của tác giả thể hiện tập trung trong hai câu thơ cuối bài.

- Dẫn dắt vào vấn đề và trích dẫn hai câu thơ cuối.

2. Thân bài:

Khái quát chug:

- Hoàn cảnh sáng tác

- Bố cục bài thơ

Nội dung chính:

- Giải thích:

+ Giải thích ý kiến thứ nhất: sự hổ thẹn của tác giả là thái quá, kiêu kì

+ Giải thích ý kiến thứ hai: đó là biểu hiện của một hoài bão lớn lao của người thanh niên yêu nước.

- Nhận xét hai ý kiến trên:

+ Theo cách nhìn nhận của cá nhân, ý kiến thứ nhất có phần hơi chủ quan, theo cách nhìn nhận, đánh giá về chủ thể trữ tình của bài thơ.

+ Ý kiến thứ hai: là một cách nhìn nhận đúng đắn và hợp lý. Bởi khi con người ta ý thức cao về hành động, giá trị của mình thì mới cảm thấy "hổ thẹn" với chình bản thân mình.

+ Sự "thẹn" trong hai câu thơ cuối không phải là kiêu kì, thái quá hay một sự thể hiện nhằm mục đích nâng cao giá trị bản thân, mà đó chính là tấm lòng, là hoài bão lớn lao của một tấm lòng yêu nước.

- Ý kiến của bản thân:

+ Đồng tình với ý kiến thứ hai, bỏi hai câu thơ cuối chính là sự tự vấn lương tâm của nhân vật trữ tình về vai trò của mỗi người con đối với dân tộc, đối với đất nước.

+ Đó còn là khát khao, là hoài bão, là ước mơ được cống hiến, xây dựng đất nước.

3. Kết bài:

- Đánh giá, nhìn nhận chung vấn đề

- Mở rộng vấn đề bằng suy nghĩ và cảm nhận của mỗi cá nhân.

II. Bài minh hoạ

Nhắc đến Phạm Ngũ Lão là nhắc đến một vị tướng tài ba, vừa có tài thao lược lại có tài văn chương. Tên tuổi ông đã được lịch sử gọi tên và trở thành một tấm gương cho bao người noi theo. Đọc bài thơ Thuật Hoài của ông có ý kiến cho rằng : “Sự hổ thẹn của tác giả là thái quá, kiêu kì. Ngược lại, có bạn ngợi ca và cho rằng đó là biểu hiện của một hoài bão lớn lao của người thanh niên yêu nước”. Vậy quan điểm của bạn về vấn đề này là gì?

Bài thơ của Phạm Ngũ Lão được viết theo thể đường luật ngắn gọn gồm có bốn câu sau:

“Múa giáo non sông trải mấy thu

Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâi

Công danh nam tử còn vương nợ

Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu”.

Bài thơ đơn giản là tiếng lòng của nhà thơ, ước mơ của trang nam tử hán trong xã hội. Và hai câu thơ cuối đã nhận được rất nhiều những ý kiến trái chiều. Vậy ý kiến nào là đúng?

“Công danh nam tử còn vương nợ

Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu”

Đầu tiên ta cần phải biết đến vị Vũ Hầu được nhắc đến trong câu thơ của Phạm Ngũ Lão là ai? Vũ Hầu hay còn gọi là Gia Cát Lượng một nhân vật nổi tiếng thời tam quốc diễn nghĩa với tài trí và mưu lược hơn người. Cả đời ông hi sinh và cống hiến hết mình cho nhà Hán, ông đã trở thành vị quân sư cố vấn đắc lực cho Lưu Bị. Ông cũng góp phần làm nên những chiến thắng hiển hách của Lưu Bị với các thế lực thù địch và tạo nên nhà Hán vững chắc. Ông được coi như một tấm gương sáng, để ngàn đời sau học tập và noi theo. Việc nhà thơ có mơ ước được như Gia Cát Lượng là điều hoàn toàn bình thường và dễ hiểu. Còn nếu hổ thẹn vì mình không được như Gia Cát Lượng phải chăng là đang thái quá và kiêu kì? Nếu bạn đang tồn tại suy nghĩ như vậy thì quả thực bạn đang áp đặt ý kiến chủ quan của mình lên tác giả rồi. Thứ nhất, Gia Cát Lượng dù tài ba kiệt xuất thật không ai có thể phủ nhận điều đó nhưng suy cho cùng thì ông cũng chỉ là một người bình thường không phải là thần linh hay vua chúa gì hết. Còn mơ được như ông là mơ ước có được lòng trung thành và ái quốc như ông để giúp nước cứu đời. Đây là lí tưởng mà có lẽ tất cả những đấng mày râu trong bất kì thời đại nào kể cả thời bình hay thời loạn đều hướng tới.

Chính vì thế nên ý kiến thứ hai nó biểu hiện một hoài bão lớn tinh thần yêu nước nhận được rất nhiều sự đồng tình của mọi người.

Trong bất kì một thời đại nào thì người làm trai cần phải là người “đầu đội trời chân đạp đất” sinh ra làm kiếp làm trai phải mưu đồ lên nghiệp lớn. Nhất là thời đại phong kiến thì tư tưởng này càng được đề cao và chú trọng. Cũng giống như Phạm Ngũ Lão thì Nguyễn Công Trứ cũng từng viết “Đã mang tiếng ở trong trời đất phải có danh gì với núi sông”.

Công danh ở đây được xem là sự thành đạt hiển vinh. Trả xong nợ công danh tức là hoàn thành nghĩa vụ trách nhiệm đối với tổ quốc, với vua và với nước.  Sự khao khát công danh đó đã góp phần tạo thành động lực thôi thúc con người trong xã hội đứng lên xả thân vì nước cứu đời cứu người. Phạm Ngũ Lão một người cầm ngang ngọn giáo cứu nước thế nhưng ông vẫn cảm thấy hổ thẹn bởi lẽ cái chí của ông quá lớn lao.

Chính vì thế nên tác giả mới cảm thấy “Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu”. Nghĩ đến Vũ Hầu là nhắc đến một vị quân sư tài ba với tài thao lược và binh pháp tinh thông. Nhà thơ cảm thấy hổ thẹn vì chưa được cái tài như ông để có thể trừ giặc cứu đời. Ý nguyện của ông đặt trong thời kì đất nước phong kiến ấy thì đó là một khát vọng hết sức bình thường và có lí. Trên thực tế, Phạm Ngũ Lão đã làm nên một điều vĩ đại đó là khiến lịch sử phải đời đời nhắc tên ông một con người tài ba đã làm nên những chiến công hiển hách cho dân tộc.

Có thể nói “Thuật hoài” là một trong những tác phẩm xuất sắc. Nó không chỉ thể hiện tình yêu nước sâu sắc, mãnh liệt mà còn thể hiện được trách nhiệm của người nam nhi đối với vận mệnh quốc gia dân tộc. Nó như một lời nhắc nhở nhẹ nhàng đối với mỗi chúng ta sống phải biết đóng góp và cống hiến cho đất nước ngày càng giàu mạnh và phát triển hơn.

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 10 ngắn gọn, hay khác:

Soạn bài Ôn tập phần tiếng Việt 

Soạn bài Luyện tập viết đoạn văn nghị luận 

Soạn bài Viết quảng cáo 

Soạn bài Tổng kết phần văn học 

Soạn bài Trả bài làm văn số 7 

1 641 10/03/2022
Tải về