Luật thủy sản 2017 số 18/2017/QH14
Số hiệu: | 18/2017/QH14 | Loại văn bản: | Luật |
Nơi ban hành: | Quốc hội | Người ký: | Nguyễn Thị Kim Ngân |
Ngày ban hành: | 21/11/2017 | Ngày hiệu lực: | 01/01/2019 |
Ngày công báo: | 28/12/2017 | Số công báo: | Từ số 1059 đến số 1060 |
Lĩnh vực: | Tài nguyên - Môi trường | Tình trạng: | Còn hiệu lực |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Tăng 10 lần mức xử phạt VPHC tối đa trong lĩnh vực thủy sản
Đây là nội dung mới đáng chú ý tại Luật Thủy sản số 18/2017/QH14 (Luật Thủy sản 2017) vừa được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2017.
Theo đó, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực quản lý nhà nước về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, hải sản đối với cá nhân bắt đầu áp dụng từ ngày 01/01/2019 là 1 tỷ đồng.
(Hiện nay, mức phạt tiền đối với cá nhân quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 24 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 tối đa là 100 triệu đồng; như vậy, quy định mới đã tăng mức phạt tối đa lên gấp 10 lần)
Ngoài ra, kể từ ngày Luật Thủy sản 2017 có hiệu lực thi hành (từ 01/01/2019) thì:
- Các loại giấy phép, giấy chứng nhận, giấy xác nhận, chứng chỉ, văn bản chấp thuận trong lĩnh vực thủy sản đã được cấp trước ngày 01/01/2019 thì được sử dụng cho đến khi hết thời hạn.
- Các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế - kỹ thuật đã được ban hành trước ngày 01/01/2019 thì tiếp tục được áp dụng cho đến khi bị bãi bỏ hoặc thay thế.
Văn bản tiếng việt
Văn bản tiếng anh
QUỐC HỘI |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Luật số: 18/2017/QH14 |
Hà Nội, ngày 21 tháng 11 năm 2017 |
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Quốc hội ban hành Luật Thủy sản.
Luật này quy định về hoạt động thủy sản; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động thủy sản hoặc có liên quan đến hoạt động thủy sản; quản lý nhà nước về thủy sản.
Luật này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động thủy sản hoặc có liên quan đến hoạt động thủy sản trong nội địa, đảo, quần đảo và vùng biển Việt Nam; tổ chức, cá nhân Việt Nam khai thác thủy sản ngoài vùng biển Việt Nam.
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Hoạt động thủy sản là hoạt động bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; nuôi trồng thủy sản; khai thác thủy sản; chế biến, mua, bán, xuất khẩu, nhập khẩu thủy sản.
2. Nguồn lợi thủy sản là tài nguyên sinh vật trong vùng nước tự nhiên có giá trị kinh tế, khoa học, du lịch, giải trí.
3. Tái tạo nguồn lợi thủy sản là quá trình tự phục hồi hoặc hoạt động phục hồi, gia tăng nguồn lợi thủy sản.
4. Đồng quản lý là phương thức quản lý, trong đó Nhà nước chia sẻ quyền hạn, trách nhiệm với tổ chức cộng đồng tham gia quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
5. Tổ chức cộng đồng tham gia đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản (sau đây gọi là tổ chức cộng đồng) là tổ chức do các thành viên tự nguyện tham gia, cùng nhau quản lý, chia sẻ lợi ích, bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại khu vực địa lý xác định, có tư cách pháp nhân hoặc không có tư cách pháp nhân, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận và giao quyền tham gia đồng quản lý.
6. Khu bảo tồn biển là loại hình khu bảo tồn thiên nhiên, được xác lập ranh giới trên biển, đảo, quần đảo, ven biển để bảo vệ đa dạng sinh học biển.
7. Loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm là loài thủy sản có phần lớn hay cả vòng đời sống trong môi trường nước, có giá trị đặc biệt về kinh tế, khoa học, y tế, sinh thái, cảnh quan và môi trường, số lượng còn ít trong tự nhiên hoặc có nguy cơ tuyệt chủng.
8. Loài thủy sản bản địa là loài thủy sản có nguồn gốc và phân bố trong môi trường tự nhiên ở khu vực địa lý xác định.
9. Giống thủy sản là loài động vật thủy sản, rong, tảo dùng để sản xuất giống, làm giống cho nuôi trồng thủy sản, bao gồm bố mẹ, trứng, tinh, phôi, ấu trùng, mảnh cơ thể, bào tử và con giống.
10. Giống thủy sản thuần chủng là giống thủy sản có tính ổn định về di truyền và năng suất, giống nhau về kiểu gen, kiểu hình.
11. Ương dưỡng giống thủy sản là việc nuôi ấu trùng thủy sản qua các giai đoạn phát triển, hoàn thiện thành con giống.
12. Khảo nghiệm giống thủy sản là việc chăm sóc, nuôi dưỡng, theo dõi giống thủy sản trong điều kiện và thời gian nhất định nhằm xác định tính khác biệt, tính ổn định, tính đồng nhất về năng suất, chất lượng, khả năng kháng bệnh và đánh giá tác hại của giống đưa vào khảo nghiệm.
13. Kiểm định giống thủy sản là việc kiểm tra, đánh giá lại năng suất, chất lượng, khả năng kháng bệnh, đặc tính của giống thủy sản.
14. Thức ăn thủy sản là sản phẩm cung cấp dinh dưỡng, thành phần có lợi cho sự phát triển của động vật thủy sản, bao gồm thức ăn hỗn hợp, chất bổ sung, thức ăn tươi sống và nguyên liệu.
15. Chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hóa chất, chất xử lý cải tạo môi trường trong nuôi trồng thủy sản (sau đây gọi là sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản) là sản phẩm để điều chỉnh tính chất vật lý, hóa học, sinh học của môi trường theo hướng có lợi cho nuôi trồng thủy sản.
16. Khảo nghiệm thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản là quá trình kiểm tra, đánh giá, xác định đặc tính, công dụng, tác động của thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản đến môi trường nuôi, an toàn thực phẩm thủy sản nuôi.
17. Khu vực biển để nuôi trồng thủy sản là khu vực biển bao gồm khối nước, đáy biển; có ranh giới xác định tính từ đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm trở ra để nuôi trồng thủy sản.
18. Khai thác thủy sản là hoạt động đánh bắt hoặc hoạt động hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản.
19. Hoạt động hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản là hoạt động thăm dò, tìm kiếm, dẫn dụ, vận chuyển nguồn lợi thủy sản đánh bắt trong vùng nước tự nhiên.
20. Tàu cá là phương tiện thủy có lắp động cơ hoặc không lắp động cơ, bao gồm tàu đánh bắt nguồn lợi thủy sản, tàu hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản.
21. Tàu công vụ thủy sản là phương tiện thủy chuyên dụng để thực hiện công vụ trong điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản; thanh tra, tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, giám sát hoạt động thủy sản.
22. Thuyền viên là thuyền trưởng, máy trưởng, người có chức danh theo quy định được bố trí làm việc trên tàu cá và tàu công vụ thủy sản.
23. Người làm việc trên tàu là người được chủ tàu, thuyền trưởng bố trí làm việc trên tàu cá, tàu công vụ thủy sản nhưng không phải là thuyền viên của tàu.
24. Cảng cá là cảng chuyên dụng cho tàu cá, bao gồm vùng đất cảng cá và vùng nước cảng cá.
25. Vùng đất cảng cá là khu vực được giới hạn để xây dựng cầu cảng, kho, bãi, nhà xưởng, trụ sở, cơ sở dịch vụ, hệ thống giao thông, thông tin liên lạc, điện, nước và công trình phụ trợ khác phục vụ cho hoạt động của cảng cá.
26. Vùng nước cảng cá là vùng nước được giới hạn để thiết lập vùng nước trước cầu cảng, vùng quay trở tàu, khu neo đậu, khu chuyển tải, luồng vào cảng cá và công trình phụ trợ khác.
27. Truy xuất nguồn gốc thủy sản là theo dõi, nhận diện một đơn vị sản phẩm thủy sản qua từng công đoạn của quá trình khai thác, nuôi trồng, chế biến và thương mại.
28. Tạp chất là chất không phải thành phần tự nhiên của thủy sản.
29. Tổ chức quản lý nghề cá khu vực là tổ chức có trách nhiệm điều phối quản lý và thiết lập các biện pháp quản lý, bảo tồn đàn cá di cư và các loài tại vùng biển quốc tế.
Nguồn lợi thủy sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Tổ chức, cá nhân có quyền khai thác nguồn lợi thủy sản theo quy định của pháp luật.
1. Kết hợp chặt chẽ với bảo đảm quốc phòng, an ninh.
2. Khai thác nguồn lợi thủy sản phải căn cứ vào trữ lượng nguồn lợi thủy sản, gắn với bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, không làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản, không ảnh hưởng đến đa dạng sinh học; tiếp cận thận trọng, dựa vào hệ sinh thái và các chỉ số khoa học trong quản lý hoạt động thủy sản để bảo đảm phát triển bền vững.
3. Thích ứng với biến đổi khí hậu; chủ động phòng, chống thiên tai; bảo đảm an toàn cho người và phương tiện hoạt động thủy sản; phòng, chống dịch bệnh thủy sản, bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường.
4. Bảo đảm chia sẻ lợi ích, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc hưởng lợi từ khai thác, sử dụng nguồn lợi thủy sản hoặc hoạt động trong ngành, nghề có ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn lợi thủy sản.
5. Đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; tuân thủ điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
1. Nhà nước có chính sách đầu tư cho các hoạt động sau đây:
a) Nghiên cứu, điều tra, đánh giá, bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản và phục hồi hệ sinh thái thủy sinh; lưu giữ giống gốc của loài thủy sản bản địa, đặc hữu có giá trị kinh tế, loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm;
b) Xây dựng cảng cá loại I, loại II, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá; hạng mục hạ tầng thiết yếu của khu bảo tồn biển; hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, vùng sản xuất giống thủy sản tập trung;
c) Xây dựng hệ thống theo dõi, giám sát hoạt động của tàu cá trên biển; hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản; hệ thống quan trắc, cảnh báo môi trường, dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản.
2. Trong từng thời kỳ và khả năng của ngân sách, Nhà nước hỗ trợ cho các hoạt động sau đây:
a) Phát triển khoa học và công nghệ, trong đó ưu tiên công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới trong lĩnh vực tạo giống thủy sản; sản xuất sản phẩm thủy sản quốc gia, sản phẩm thủy sản chủ lực; sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản; công nghệ chế biến phụ phẩm thành thực phẩm hoặc làm nguyên liệu cho ngành kinh tế khác;
b) Phát triển nguồn nhân lực, đào tạo nghề trong hoạt động thủy sản;
c) Thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản;
d) Xây dựng trung tâm nghề cá lớn;
đ) Mua bảo hiểm nuôi trồng thủy sản trên biển và hải đảo; bảo hiểm thuyền viên; bảo hiểm thân tàu, trang thiết bị cho tàu cá khai thác thủy sản trên biển từ vùng khơi trở ra;
e) Phát triển hoạt động thủy sản từ vùng khơi trở ra; khôi phục sản xuất khi có sự cố môi trường, thiên tai, dịch bệnh; hỗ trợ ngư dân trong thời gian cấm khai thác thủy sản, chuyển đổi nghề nhằm giảm cường lực khai thác thủy sản ven bờ;
g) Xây dựng thương hiệu sản phẩm quốc gia, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm thủy sản.
3. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư cho hoạt động quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này và hoạt động sau đây:
a) Tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, mô hình liên kết, hợp tác;
b) Đầu tư công nghệ tiên tiến trong chế biến thủy sản để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch; xây dựng chợ đầu mối thủy sản, quảng bá thương hiệu sản phẩm thủy sản;
c) Đầu tư nuôi trồng thủy sản trên biển; nuôi trồng thủy sản hữu cơ;
d) Áp dụng hệ thống quản lý chất lượng trong sản xuất, kinh doanh thủy sản; truy xuất nguồn gốc thủy sản.
1. Hủy hoại nguồn lợi thủy sản, hệ sinh thái thủy sinh, khu vực tập trung sinh sản, khu vực thủy sản còn non tập trung sinh sống, nơi cư trú của các loài thủy sản.
2. Cản trở trái phép đường di cư tự nhiên của loài thủy sản.
3. Lấn, chiếm, gây hại khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, khu bảo tồn biển.
4. Khai thác, nuôi trồng thủy sản, xây dựng công trình và hoạt động khác ảnh hưởng đến môi trường sống, nguồn lợi thủy sản trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và phân khu phục hồi sinh thái của khu bảo tồn biển.
5. Tàu cá, tàu biển và phương tiện thủy khác hoạt động trái phép trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn biển, trừ trường hợp bất khả kháng.
6. Khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (sau đây gọi là khai thác thủy sản bất hợp pháp); mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, sơ chế, chế biến thủy sản từ khai thác thủy sản bất hợp pháp, thủy sản có tạp chất nhằm mục đích gian lận thương mại.
7. Sử dụng chất, hóa chất cấm, chất độc, chất nổ, xung điện, dòng điện, phương pháp, phương tiện, ngư cụ khai thác có tính hủy diệt, tận diệt để khai thác nguồn lợi thủy sản.
8. Sử dụng ngư cụ làm cản trở hoặc gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân đang khai thác; thả neo, đậu tàu tại nơi có ngư cụ của tổ chức, cá nhân đang khai thác hoặc nơi tàu cá khác đang khai thác, trừ trường hợp bất khả kháng.
9. Vứt bỏ ngư cụ xuống vùng nước tự nhiên, trừ trường hợp bất khả kháng.
10. Đưa tạp chất vào thủy sản nhằm mục đích gian lận thương mại.
11. Sử dụng kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản; hóa chất, chế phẩm sinh học, vi sinh vật cấm sử dụng trong sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản; sử dụng giống thủy sản nằm ngoài Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam để nuôi trồng thủy sản.
12. Phá hủy, tháo dỡ gây hư hại, lấn chiếm phạm vi công trình của cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá; xả chất thải không đúng nơi quy định trong khu vực cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá.
13. Lợi dụng việc điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản làm ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác; cung cấp, khai thác thông tin, sử dụng thông tin dữ liệu về nguồn lợi thủy sản trái quy định của pháp luật.
1. Ký kết, thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế trong lĩnh vực thủy sản.
2. Hỗ trợ, đầu tư nguồn lực trong lĩnh vực thủy sản.
3. Đào tạo phát triển nguồn nhân lực; nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, chuyển giao công nghệ; trao đổi thông tin, thương mại, kinh nghiệm trong lĩnh vực thủy sản.
4. Bảo tồn và quản lý tài nguyên sinh vật trong vùng biển quốc tế, loài cá di cư theo quy định của tổ chức nghề cá khu vực và Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
5. Phối hợp kiểm tra, xử lý hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
1. Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản được xây dựng thống nhất từ trung ương đến địa phương; được chuẩn hóa để cập nhật, khai thác và quản lý bằng công nghệ thông tin.
2. Tổ chức, cá nhân cập nhật, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản theo quy định của pháp luật.
3. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định việc cập nhật, khai thác và quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản.
1. Tổ chức cộng đồng được công nhận và giao quyền quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản khi đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Thành viên là các hộ gia đình, cá nhân sinh sống và được hưởng lợi từ nguồn lợi thủy sản tại khu vực đó;
b) Đăng ký tham gia đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại một khu vực địa lý xác định chưa được giao quyền quản lý cho tổ chức, cá nhân khác;
c) Có phương án bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản, quy chế hoạt động của tổ chức cộng đồng.
2. Thẩm quyền công nhận và giao quyền quản lý cho tổ chức cộng đồng như sau:
a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công nhận và giao quyền quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại khu vực thuộc địa bàn từ hai huyện trở lên;
b) Ủy ban nhân dân cấp huyện công nhận và giao quyền quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại khu vực thuộc địa bàn quản lý;
c) Việc công nhận và giao quyền quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại khu vực thuộc địa bàn từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hiệp thương quyết định.
3. Nội dung chủ yếu của quyết định công nhận và giao quyền quản lý cho tổ chức cộng đồng bao gồm:
a) Tên tổ chức và tên người đại diện của tổ chức cộng đồng;
b) Phạm vi quyền quản lý được giao;
c) Vị trí, ranh giới khu vực địa lý được giao;
d) Phương án bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản; quy chế hoạt động của tổ chức cộng đồng.
4. Cơ quan nhà nước có quyền và trách nhiệm sau đây:
a) Quyết định công nhận và giao quyền quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản;
b) Hỗ trợ tổ chức cộng đồng thực hiện đồng quản lý;
c) Kiểm tra, giám sát hoạt động của tổ chức cộng đồng;
d) Sửa đổi, bổ sung, thu hồi quyết định công nhận và giao quyền quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản;
đ) Thực hiện quyền và trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.
5. Tổ chức cộng đồng có quyền sau đây:
a) Tổ chức, quản lý hoạt động nuôi trồng thủy sản, bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản, du lịch giải trí gắn với hoạt động thủy sản trong khu vực được giao quyền quản lý;
b) Thực hiện tuần tra, kiểm tra hoạt động nuôi trồng thủy sản, khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trong khu vực được giao quyền quản lý; yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm;
c) Ngăn chặn hành vi vi phạm trong khu vực được giao quyền quản lý theo quy định của pháp luật và quy chế hoạt động của tổ chức cộng đồng;
d) Được tham vấn đối với dự án, hoạt động có liên quan trực tiếp đến hệ sinh thái hoặc nguồn lợi thủy sản trong khu vực được giao quản lý;
đ) Hưởng chính sách ưu đãi, hỗ trợ theo quy định của pháp luật;
e) Thành lập quỹ cộng đồng.
6. Tổ chức cộng đồng có trách nhiệm sau đây:
a) Thực hiện đúng các nội dung được ghi trong quyết định công nhận và giao quyền quản lý quy định tại khoản 3 Điều này;
b) Chấp hành quy định của pháp luật về hoạt động thủy sản; việc thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;
c) Phối hợp với cơ quan chức năng thực hiện tuần tra, kiểm tra, thanh tra, điều tra, ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm trong khu vực được giao;
d) Báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền về hoạt động của tổ chức cộng đồng theo quy định.
7. Quyết định công nhận và giao quyền quản lý bị thu hồi khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Bị tẩy, xóa, sửa chữa nội dung của quyết định;
b) Tổ chức cộng đồng giải thể theo quy chế hoạt động của tổ chức cộng đồng hoặc theo quy định của pháp luật;
c) Tổ chức cộng đồng không thực hiện đúng phương án bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản hoặc quy chế hoạt động của tổ chức cộng đồng;
d) Phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh hoặc công cộng theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
đ) Có hành vi vi phạm khác mà pháp luật quy định phải thu hồi quyết định.
8. Quyết định công nhận và giao quyền quản lý được sửa đổi, bổ sung trong trường hợp có thay đổi nội dung.
9. Cơ quan có thẩm quyền công nhận, giao quyền quản lý có thẩm quyền thu hồi, sửa đổi, bổ sung nội dung quyết định.
1. Căn cứ lập quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản bao gồm:
a) Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; quốc phòng, an ninh;
b) Chiến lược phát triển ngành thủy sản;
c) Chiến lược khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên biển và hải đảo, bảo vệ môi trường; chiến lược về bảo tồn đa dạng sinh học;
d) Quy hoạch tổng thể quốc gia;
đ) Quy hoạch không gian biển quốc gia;
e) Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất;
g) Quy hoạch bảo vệ môi trường; Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học;
h) Kết quả điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản;
i) Thực trạng và dự báo nhu cầu khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản;
k) Căn cứ khác theo quy định của pháp luật về quy hoạch.
2. Nội dung chủ yếu của quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản bao gồm:
a) Đánh giá hiện trạng quản lý, khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản;
b) Xác định mục tiêu, định hướng và xây dựng phương án tổng thể quản lý, khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản;
c) Vị trí địa lý, diện tích, ranh giới và bản đồ khu vực dự kiến thành lập khu bảo tồn biển, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản;
d) Phân vùng khai thác thủy sản; số lượng tàu cá của từng loại nghề; biện pháp quản lý, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản;
đ) Giải pháp, chương trình, kế hoạch thực hiện; nguồn lực, tổ chức thực hiện quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản;
e) Nội dung khác theo quy định của pháp luật về quy hoạch.
3. Lập, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản được quy định như sau:
a) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ, cơ quan ngang Bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan tổ chức xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản;
b) Việc lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, thực hiện, điều chỉnh quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản được thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch.
1. Mục đích điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của loài thủy sản được quy định như sau:
a) Cung cấp thông tin, dữ liệu, cơ sở khoa học phục vụ công tác quản lý, sử dụng nguồn lợi thủy sản bền vững;
b) Xác định trữ lượng, sản lượng cho phép khai thác, đánh giá sự biến động của nguồn lợi thủy sản, chất lượng môi trường sống của loài thủy sản.
2. Chương trình điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của loài thủy sản bao gồm:
a) Điều tra, đánh giá tổng thể nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của loài thủy sản trên phạm vi cả nước định kỳ 05 năm;
b) Điều tra, đánh giá nghề cá thương phẩm hằng năm;
c) Điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của loài thủy sản theo chuyên đề.
3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm sau đây:
a) Chủ trì xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện chương trình điều tra, đánh giá tổng thể nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của loài thủy sản trên phạm vi cả nước định kỳ 05 năm;
b) Tổ chức điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản theo chuyên đề;
c) Công bố kết quả điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của loài thủy sản.
4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm sau đây:
a) Tổ chức thực hiện điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của loài thủy sản theo chuyên đề, nghề cá thương phẩm trên địa bàn theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
b) Phối hợp điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của loài thủy sản theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều này.
5. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành quy trình, hướng dẫn thực hiện điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của loài thủy sản.
1. Đối tượng bảo vệ nguồn lợi thủy sản bao gồm các loài thủy sản, môi trường sống của loài thủy sản, khu vực tập trung sinh sản, khu vực thủy sản còn non tập trung sinh sống và đường di cư của loài thủy sản.
2. Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm sau đây:
a) Thực hiện bảo vệ và khai thác thủy sản theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan;
b) Tạo đường di cư hoặc dành hành lang di chuyển cho loài thủy sản khi xây dựng mới, thay đổi hoặc phá bỏ công trình hoặc có hoạt động liên quan đến đường di cư của loài thủy sản;
c) Dành hành lang cho loài thủy sản di chuyển khi khai thác thủy sản bằng nghề cố định ở các sông, hồ, đầm, phá;
d) Khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại do hành vi của mình gây ra khi xả thải, thăm dò, khai thác tài nguyên, xây dựng, phá bỏ công trình dưới mặt nước, lòng đất dưới nước làm suy giảm hoặc mất đi nguồn lợi thủy sản hoặc gây tổn hại đến môi trường sống, khu vực tập trung sinh sản, khu vực thủy sản còn non tập trung sinh sống và đường di cư của loài thủy sản;
đ) Tuân theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan khi tiến hành hoạt động thủy sản hoặc có hoạt động ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống, đường di cư, sinh sản của loài thủy sản.
3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm sau đây:
a) Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tổ chức thực hiện chương trình quốc gia bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản;
b) Xây dựng, trình Chính phủ ban hành Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm; tiêu chí xác định loài, chế độ quản lý, bảo vệ và trình tự, thủ tục khai thác loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm;
c) Xây dựng, ban hành kế hoạch và biện pháp quản lý nguồn lợi thủy sản;
d) Tổ chức điều tra, khảo sát, thu thập, thực hiện bảo tồn, lưu giữ giống gốc của loài thủy sản bản địa, loài thủy sản đặc hữu có giá trị kinh tế, loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm;
đ) Công bố đường di cư tự nhiên của loài thủy sản.
4. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định tiêu chí và ban hành Danh mục nghề, ngư cụ cấm sử dụng khai thác thủy sản; Danh mục khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn.
5. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm sau đây:
a) Quy định bổ sung nghề, ngư cụ, khu vực cấm khai thác chưa có tên trong danh mục quy định tại khoản 4 Điều này phù hợp với thực tế hoạt động bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản trên địa bàn, sau khi được sự đồng ý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
b) Xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn phù hợp với chương trình quốc gia bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
1. Hoạt động tái tạo nguồn lợi thủy sản và phục hồi môi trường sống của loài thủy sản bao gồm:
a) Nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong tái tạo nguồn lợi thủy sản, phục hồi môi trường sống của loài thủy sản;
b) Thả bổ sung loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm; loài thủy sản có giá trị kinh tế, khoa học; loài thủy sản bản địa; loài thủy sản đặc hữu vào vùng nước tự nhiên;
c) Hình thành khu vực cư trú nhân tạo cho loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm; loài thủy sản có giá trị kinh tế, khoa học; loài thủy sản bản địa; loài thủy sản đặc hữu;
d) Quản lý khu vực, loài thủy sản được tái tạo, phục hồi.
2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát hoạt động tái tạo nguồn lợi thủy sản và phục hồi môi trường sống của loài thủy sản trên phạm vi cả nước.
3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện hoạt động tái tạo nguồn lợi thủy sản và phục hồi môi trường sống của loài thủy sản trên địa bàn.
4. Khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động tái tạo nguồn lợi thủy sản và phục hồi môi trường sống của loài thủy sản.
1. Khu bảo tồn biển bao gồm vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài - sinh cảnh, khu bảo vệ cảnh quan. Việc phân cấp khu bảo tồn biển thực hiện theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học.
2. Tiêu chí xác lập khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo vệ cảnh quan thực hiện theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học.
3. Tiêu chí xác lập vườn quốc gia bao gồm:
a) Có hệ sinh thái biển quan trọng đối với quốc gia, quốc tế, đặc thù hoặc đại diện cho một vùng sinh thái tự nhiên;
b) Là nơi sinh sống tự nhiên thường xuyên hoặc theo mùa của ít nhất một loài thủy sản thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc thuộc nhóm loài thủy sản cấm khai thác trong Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm;
c) Có giá trị đặc biệt về khoa học, giáo dục;
d) Có cảnh quan môi trường, nét đẹp độc đáo của tự nhiên, có giá trị du lịch sinh thái.
4. Tiêu chí xác lập khu bảo tồn loài - sinh cảnh bao gồm:
a) Khu bảo tồn loài - sinh cảnh cấp quốc gia là nơi sinh sống tự nhiên thường xuyên hoặc theo mùa của ít nhất một loài thủy sản thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc thuộc nhóm loài thủy sản cấm khai thác trong Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm; có giá trị đặc biệt về khoa học, giáo dục;
b) Khu bảo tồn loài - sinh cảnh cấp tỉnh là nơi sinh sống tự nhiên thường xuyên hoặc theo mùa của ít nhất một loài thủy sản đặc hữu hoặc loài thủy sản bản địa có giá trị đặc biệt về khoa học, kinh tế; có giá trị đặc biệt về sinh thái, môi trường.
1. Việc thành lập khu bảo tồn biển cấp quốc gia được thực hiện theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học.
2. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định trình tự, thủ tục lập, thẩm định dự án thành lập, nội dung quyết định thành lập khu bảo tồn biển cấp tỉnh.
3. Trách nhiệm trình dự án thành lập khu bảo tồn biển cấp quốc gia như sau:
a) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập khu bảo tồn biển có diện tích thuộc địa bàn từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên;
b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập khu bảo tồn biển có diện tích thuộc địa bàn quản lý sau khi có ý kiến đồng ý bằng văn bản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
4. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng, trình Chính phủ ban hành quy chế quản lý khu bảo tồn biển; hằng năm gửi báo cáo về công tác quản lý bảo tồn biển đến Bộ Tài nguyên và Môi trường.
1. Khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản là nơi cư trú, tập trung sinh sản, nơi thủy sản còn non tập trung sinh sống thường xuyên hoặc theo mùa của ít nhất một loài thủy sản thuộc Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm hoặc loài thủy sản bản địa hoặc loài thủy sản di cư xuyên biên giới.
2. Việc điều tra, xác định khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản được quy định như sau:
a) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức điều tra, xác định, ban hành danh mục khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên phạm vi cả nước;
b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức điều tra, xác định bổ sung khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn, báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, bổ sung danh mục khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức quản lý khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn.
4. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn về quản lý khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
1. Tổ chức quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ có trách nhiệm sau đây:
a) Xây dựng nội dung về bảo vệ, bảo tồn nguồn lợi thủy sản, hệ sinh thái thủy sinh trong kế hoạch quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ;
b) Thực hiện chế độ quản lý nguồn lợi thủy sản, hệ sinh thái thủy sinh trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan;
c) Bố trí người có chuyên môn về thủy sản làm công tác quản lý nguồn lợi thủy sản và hệ sinh thái thủy sinh;
d) Đánh giá hiện trạng nguồn lợi thủy sản, hệ sinh thái thủy sinh trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, thực hiện bảo tồn nguồn lợi thủy sản, hệ sinh thái thủy sinh;
đ) Báo cáo hằng năm hoặc đột xuất về công tác quản lý nguồn lợi thủy sản và hệ sinh thái thủy sinh cho cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản.
2. Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra công tác quản lý nguồn lợi thủy sản và hệ sinh thái thủy sinh trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ.
1. Cơ quan lập dự án thành lập khu bảo tồn đất ngập nước có nguồn lợi thủy sản phải lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
2. Tổ chức quản lý khu bảo tồn đất ngập nước có trách nhiệm sau đây:
a) Xây dựng nội dung về bảo vệ, bảo tồn nguồn lợi thủy sản trong kế hoạch quản lý khu bảo tồn đất ngập nước;
b) Thực hiện chế độ quản lý nguồn lợi thủy sản trong khu bảo tồn đất ngập nước theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan;
c) Bố trí người có chuyên môn về thủy sản làm công tác quản lý nguồn lợi thủy sản;
d) Đánh giá hiện trạng nguồn lợi thủy sản trong khu bảo tồn đất ngập nước;
đ) Báo cáo hằng năm hoặc đột xuất về công tác quản lý nguồn lợi thủy sản cho cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản.
3. Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra công tác quản lý nguồn lợi thủy sản trong khu bảo tồn đất ngập nước.
1. Ngân sách nhà nước.
2. Quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.
3. Quỹ cộng đồng.
4. Các nguồn tài chính khác theo quy định của pháp luật.
1. Quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, được thành lập ở trung ương và cấp tỉnh để huy động các nguồn lực của xã hội cho công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.
2. Thẩm quyền thành lập quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản được quy định như sau:
a) Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định thành lập quỹ ở trung ương;
b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập quỹ ở cấp tỉnh căn cứ nhu cầu và nguồn lực huy động của địa phương.
3. Nguyên tắc hoạt động của quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản được quy định như sau:
a) Hoạt động không vì mục đích lợi nhuận;
b) Hỗ trợ cho các chương trình, dự án hoặc các hoạt động phi dự án về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản mà ngân sách nhà nước chưa đầu tư hoặc chưa đáp ứng yêu cầu đầu tư;
c) Bảo đảm công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả, sử dụng đúng mục đích và phù hợp với quy định của pháp luật.
4. Nguồn tài chính hình thành quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản được quy định như sau:
a) Tiền đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân làm ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản, môi trường sống, khu vực tập trung sinh sản, khu vực thủy sản còn non tập trung sinh sống và đường di cư của loài thủy sản;
b) Tài trợ, từ thiện, vốn nhận ủy thác của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài;
c) Các nguồn tài chính khác theo quy định của pháp luật.
5. Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức; cơ chế hoạt động, quản lý, sử dụng tài chính của quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.
1. Quỹ cộng đồng là quỹ xã hội được thành lập để hỗ trợ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; Nhà nước khuyến khích thành lập quỹ cộng đồng.
2. Quỹ cộng đồng được tiếp nhận hỗ trợ từ quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản và các nguồn tài chính hợp pháp khác.
3. Tổ chức và hoạt động của quỹ cộng đồng thực hiện theo quy định của pháp luật về quỹ.
1. Giống thủy sản trước khi lưu thông trên thị trường phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:
a) Thuộc Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam;
b) Được công bố tiêu chuẩn áp dụng và công bố hợp quy theo quy định;
c) Có chất lượng phù hợp tiêu chuẩn công bố áp dụng;
d) Được kiểm dịch theo quy định của pháp luật.
2. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm sau đây:
a) Ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về giống thủy sản; quy định về thời hạn sử dụng giống thủy sản bố mẹ; trình Chính phủ ban hành Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam;
b) Hướng dẫn kiểm tra về điều kiện của cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản; chất lượng giống thủy sản trong sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định của Luật này và pháp luật về chất lượng sản phẩm hàng hóa; quy định trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp kỹ thuật xử lý vi phạm chất lượng giống thủy sản; hướng dẫn cập nhật thông tin giống thủy sản vào cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản.
1. Tổ chức, cá nhân sản xuất giống thủy sản được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện khi đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ sản xuất phù hợp với loài thủy sản; có nơi cách ly theo dõi sức khỏe giống thủy sản mới nhập;
b) Có nhân viên kỹ thuật được đào tạo về nuôi trồng thủy sản, bệnh học thủy sản hoặc sinh học;
c) Áp dụng hệ thống kiểm soát chất lượng, an toàn sinh học;
d) Trường hợp sản xuất giống thủy sản bố mẹ phải có giống thủy sản thuần chủng hoặc giống thủy sản được công nhận thông qua khảo nghiệm hoặc kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã được công nhận hoặc được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
2. Tổ chức, cá nhân ương dưỡng giống thủy sản được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện khi đáp ứng các điều kiện quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này.
1. Thẩm quyền cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản được quy định như sau:
a) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản đối với giống thủy sản bố mẹ;
b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản trên địa bàn, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản này.
2. Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản thực hiện kiểm tra duy trì điều kiện của cơ sở.
3. Cấp lại Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Bị mất, hư hỏng;
b) Thay đổi thông tin của tổ chức, cá nhân trong giấy chứng nhận.
4. Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản bị thu hồi khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Bị tẩy, xóa, sửa chữa nội dung của giấy chứng nhận;
b) Cơ sở không còn đủ điều kiện theo quy định tại Điều 24 của Luật này;
c) Cơ sở có hành vi vi phạm khác mà pháp luật quy định phải thu hồi giấy chứng nhận.
5. Chính phủ quy định chi tiết điều kiện, thời gian kiểm tra duy trì điều kiện cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản; nội dung, trình tự, thủ tục cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản.
1. Tổ chức, cá nhân sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản có quyền sau đây:
a) Sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản theo nội dung của Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản;
b) Được tham gia tập huấn về quy định liên quan đến giống thủy sản;
c) Quảng cáo giống thủy sản theo quy định của pháp luật về quảng cáo;
d) Khiếu nại, tố cáo, bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
2. Tổ chức, cá nhân sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản có nghĩa vụ sau đây:
a) Thực hiện công bố tiêu chuẩn áp dụng, công bố sự phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng theo quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; bảo đảm và chịu trách nhiệm về chất lượng giống thủy sản đã công bố;
b) Áp dụng hệ thống kiểm soát chất lượng để bảo đảm chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn đã công bố;
c) Sản xuất giống thủy sản có tên trong Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam; bảo đảm an toàn sinh học trong quá trình sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản;
d) Thực hiện ghi nhãn giống thủy sản theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa;
đ) Cập nhật thông tin, báo cáo trong quá trình sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản vào cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản theo quy định;
e) Thực hiện ghi chép, lưu giữ hồ sơ trong quá trình sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản phục vụ truy xuất nguồn gốc;
g) Chấp hành việc thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;
h) Tuân thủ quy định về thời hạn sử dụng giống thủy sản bố mẹ.
1. Giống thủy sản nhập khẩu phải được kiểm tra chất lượng theo quy định của pháp luật.
2. Tổ chức, cá nhân được nhập khẩu giống thủy sản có tên trong Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam; trường hợp nhập khẩu giống thủy sản không có tên trong Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam để khảo nghiệm, nghiên cứu khoa học, trưng bày tại hội chợ, triển lãm phải được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp phép.
3. Tổ chức, cá nhân được xuất khẩu giống thủy sản trong các trường hợp sau đây:
a) Không có tên trong Danh mục loài thủy sản cấm xuất khẩu;
b) Đáp ứng điều kiện trong Danh mục loài thủy sản xuất khẩu có điều kiện;
c) Trường hợp vì mục đích nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế cần xuất khẩu giống thủy sản có tên trong Danh mục loài thủy sản cấm xuất khẩu hoặc Danh mục loài thủy sản xuất khẩu có điều kiện nhưng không đáp ứng đủ điều kiện phải được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp phép trên cơ sở chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.
4. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, quyết định kiểm tra hệ thống quản lý, sản xuất giống thủy sản tại nước xuất khẩu theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên trong trường hợp sau đây:
a) Đánh giá để thừa nhận lẫn nhau;
b) Phát hiện nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng, môi trường, an toàn sinh học đối với giống thủy sản nhập khẩu vào Việt Nam.
1. Giống thủy sản phải được khảo nghiệm trong trường hợp sau đây:
a) Giống thủy sản lần đầu được tạo ra trong nước thông qua việc chọn, lai, thụ tinh hoặc sử dụng biện pháp kỹ thuật khác, trừ giống thủy sản được tạo ra từ kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã được công nhận hoặc được cơ quan có thẩm quyền cho phép;
b) Giống thủy sản nhập khẩu để đưa vào sản xuất, kinh doanh chưa có tên trong Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam.
2. Cơ sở khảo nghiệm giống thủy sản phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Có ít nhất hai nhân viên kỹ thuật trình độ đại học trở lên về nuôi trồng thủy sản, bệnh học thủy sản hoặc sinh học;
b) Có cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật phù hợp với loài thủy sản khảo nghiệm;
c) Đáp ứng điều kiện về an toàn sinh học, bảo vệ môi trường.
3. Cơ sở khảo nghiệm giống thủy sản có quyền và nghĩa vụ sau đây:
a) Được tham gia vào hoạt động khảo nghiệm giống thủy sản theo quy định của pháp luật;
b) Được thanh toán chi phí khảo nghiệm theo thỏa thuận với tổ chức, cá nhân có nhu cầu khảo nghiệm;
c) Từ chối cung cấp thông tin liên quan đến kết quả khảo nghiệm giống thủy sản cho bên thứ ba, trừ trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu;
d) Chịu trách nhiệm về kết quả khảo nghiệm;
đ) Bảo đảm an toàn sinh học, bảo vệ môi trường trong quá trình khảo nghiệm;
e) Chấp hành việc thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
4. Chính phủ quy định chi tiết khoản 2 Điều này; quy định việc đặt tên giống, nội dung, trình tự, thủ tục khảo nghiệm giống thủy sản.
1. Giống thủy sản được kiểm định trong trường hợp sau đây:
a) Khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
b) Khi có yêu cầu của tổ chức, cá nhân trong trường hợp có khiếu nại, tố cáo.
2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố cơ sở khảo nghiệm giống thủy sản đủ điều kiện kiểm định giống thủy sản.
3. Cơ sở thực hiện việc kiểm định giống thủy sản có quyền và nghĩa vụ sau đây:
a) Được tham gia vào hoạt động kiểm định giống thủy sản theo quy định của pháp luật;
b) Được thanh toán chi phí kiểm định theo quy định;
c) Từ chối cung cấp thông tin liên quan đến kết quả kiểm định giống thủy sản cho bên thứ ba, trừ trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu;
d) Chịu trách nhiệm về kết quả kiểm định;
đ) Bảo đảm an toàn sinh học, bảo vệ môi trường trong quá trình kiểm định.
1. Giống thủy sản khi vận chuyển phải ghi nhãn theo quy định của pháp luật về ghi nhãn hàng hóa.
2. Tổ chức, cá nhân khi vận chuyển giống thủy sản phải có hồ sơ về chất lượng, kiểm dịch giống thủy sản theo quy định của pháp luật.
1. Thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản trước khi lưu thông trên thị trường phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:
a) Công bố tiêu chuẩn áp dụng và công bố hợp quy theo quy định;
b) Có chất lượng phù hợp tiêu chuẩn đã được công bố áp dụng;
c) Thông tin về sản phẩm đã được gửi đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định.
2. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm sau đây:
a) Ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản;
b) Ban hành Danh mục hóa chất, chế phẩm sinh học, vi sinh vật cấm sử dụng trong thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản;
c) Ban hành Danh mục hóa chất, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, nguyên liệu sản xuất thức ăn được phép sử dụng trong nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam căn cứ kết quả khảo nghiệm hoặc kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã được công nhận hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc kết quả rà soát, điều tra, đánh giá thực tiễn;
d) Hướng dẫn kiểm tra về điều kiện cơ sở sản xuất, mua bán, nhập khẩu thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản; chất lượng thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản trong sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định của Luật này và pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa; quy định trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp kỹ thuật để xử lý thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản vi phạm quy định về chất lượng;
đ) Quy định chi tiết điểm c khoản 1 Điều này; quy định việc đặt tên, sai số cho phép trong phân tích chất lượng, chỉ tiêu kỹ thuật phải công bố trong tiêu chuẩn công bố áp dụng của thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản.
1. Tổ chức, cá nhân được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản khi đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Địa điểm sản xuất nằm trong khu vực không bị ô nhiễm bởi chất thải nguy hại, hóa chất độc hại;
b) Khu sản xuất có tường, rào ngăn cách với bên ngoài;
c) Nhà xưởng, trang thiết bị phù hợp với từng loại sản phẩm;
d) Có điều kiện phân tích chất lượng trong quá trình sản xuất;
đ) Áp dụng hệ thống kiểm soát chất lượng, an toàn sinh học;
e) Có nhân viên kỹ thuật được đào tạo về nuôi trồng thủy sản, bệnh học thủy sản, sinh học, hóa học hoặc công nghệ thực phẩm.
Cơ sở mua bán, nhập khẩu thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
1. Nơi bày bán, nơi bảo quản cách biệt với thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, hóa chất độc hại;
2. Có thiết bị, dụng cụ để bảo quản thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản theo hướng dẫn của nhà sản xuất, nhà cung cấp.
1. Thẩm quyền cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản được quy định như sau:
a) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản đối với nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài;
b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản trên địa bàn, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản này.
2. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản thực hiện kiểm tra duy trì điều kiện của cơ sở.
3. Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản được cấp lại trong trường hợp sau đây;
a) Bị mất, hư hỏng;
b) Thay đổi thông tin của tổ chức, cá nhân trong giấy chứng nhận.
4. Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản bị thu hồi trong trường hợp sau đây:
a) Bị tẩy, xóa, sửa chữa nội dung của giấy chứng nhận;
b) Cơ sở không còn đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 32 của Luật này;
c) Cơ sở có hành vi vi phạm khác mà pháp luật quy định phải thu hồi giấy chứng nhận.
5. Chính phủ quy định chi tiết điều kiện cơ sở mua bán, nhập khẩu thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản; nội dung, thời gian kiểm tra duy trì điều kiện; nội dung, trình tự, thủ tục cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản.
1. Thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản phải được khảo nghiệm trong trường hợp có hóa chất, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, nguyên liệu sản xuất thức ăn thủy sản không có tên trong danh mục quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều 31 của Luật này.
2. Cơ sở khảo nghiệm thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Có nhân viên kỹ thuật trình độ đại học trở lên về nuôi trồng thủy sản, bệnh học thủy sản hoặc sinh học;
b) Có cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật phù hợp với việc khảo nghiệm thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản;
c) Đáp ứng điều kiện về an toàn sinh học, bảo vệ môi trường.
3. Nội dung khảo nghiệm thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản như sau:
a) Phân tích thành phần, chất lượng sản phẩm;
b) Đánh giá đặc tính, công dụng của sản phẩm;
c) Đánh giá độc tính, độ an toàn đối với thủy sản nuôi trồng, môi trường và người sử dụng;
d) Nội dung khác theo đặc thù của từng sản phẩm.
4. Cơ sở khảo nghiệm thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản có quyền và nghĩa vụ sau đây:
a) Được tham gia vào hoạt động khảo nghiệm theo quy định của pháp luật;
b) Được thanh toán chi phí khảo nghiệm theo quy định;
c) Từ chối cung cấp thông tin liên quan đến kết quả khảo nghiệm cho bên thứ ba, trừ trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu;
d) Chịu trách nhiệm về kết quả khảo nghiệm;
đ) Bảo đảm an toàn sinh học, bảo vệ môi trường trong quá trình khảo nghiệm;
e) Chấp hành việc thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
5. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện giám sát hoạt động khảo nghiệm trên địa bàn.
6. Chính phủ quy định chi tiết khoản 2 và khoản 3 Điều này; quy định trình tự, thủ tục khảo nghiệm thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản.
1. Thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản khi nhập khẩu phải được kiểm tra chất lượng.
2. Tổ chức, cá nhân được nhập khẩu thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản có hóa chất, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, nguyên liệu sản xuất thức ăn thủy sản thuộc Danh mục hóa chất, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, nguyên liệu sản xuất thức ăn được phép sử dụng trong nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam; trường hợp nhập khẩu thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản có hóa chất, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, nguyên liệu sản xuất thức ăn thủy sản không thuộc danh mục quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều 31 của Luật này để khảo nghiệm, nghiên cứu khoa học, trưng bày tại hội chợ, triển lãm phải được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp phép.
3. Thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản khi xuất khẩu phải đáp ứng yêu cầu của pháp luật nước nhập khẩu và pháp luật Việt Nam.
4. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, quyết định kiểm tra hệ thống quản lý, sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản tại nước xuất khẩu theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên trong trường hợp sau đây:
a) Đánh giá để thừa nhận lẫn nhau;
b) Phát hiện nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, môi trường đối với sản phẩm nhập khẩu vào Việt Nam.
1. Tổ chức, cá nhân sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản có nghĩa vụ sau đây:
a) Thực hiện kiểm soát chất lượng trong quá trình sản xuất theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa;
b) Thực hiện công bố tiêu chuẩn áp dụng; công bố sự phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng theo quy định;
c) Thực hiện ghi nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật về ghi nhãn hàng hóa; ghi chép, lưu giữ hồ sơ trong quá trình sản xuất phục vụ truy xuất nguồn gốc;
d) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng sản phẩm do mình sản xuất; xử lý, thu hồi hoặc tiêu hủy sản phẩm không bảo đảm chất lượng theo quy định của pháp luật; bồi thường thiệt hại gây ra cho người mua, người nuôi trồng thủy sản;
đ) Gửi thông tin sản phẩm đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định trước khi lưu thông sản phẩm trên thị trường;
e) Chấp hành việc thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
2. Tổ chức, cá nhân mua bán, nhập khẩu thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản có nghĩa vụ sau đây:
a) Kiểm tra nguồn gốc xuất xứ, thời hạn sử dụng, độ nguyên vẹn của sản phẩm; dấu hợp chuẩn, dấu hợp quy nếu có;
b) Thực hiện biện pháp bảo quản chất lượng sản phẩm theo hướng dẫn của nhà sản xuất nhằm duy trì chất lượng sản phẩm;
c) Gửi thông tin về sản phẩm khi nhập khẩu lần đầu đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định trước khi lưu thông sản phẩm trên thị trường và thực hiện công bố tiêu chuẩn áp dụng;
d) Chấp hành việc thanh tra, kiểm tra về điều kiện cơ sở, chất lượng sản phẩm theo quy định của pháp luật; xử lý, thu hồi, tiêu hủy sản phẩm vi phạm chất lượng, an toàn thực phẩm, bồi thường thiệt hại gây ra cho người nuôi trồng thủy sản theo quy định của pháp luật.
3. Tổ chức, cá nhân sử dụng thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản có nghĩa vụ sau đây:
a) Tuân thủ các quy định của pháp luật và hướng dẫn của nhà cung cấp, nhà sản xuất sản phẩm liên quan đến vận chuyển, lưu giữ, bảo quản, sử dụng sản phẩm;
b) Chấp hành việc thanh tra, kiểm tra về chất lượng sản phẩm của cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản; tiêu hủy thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản và thủy sản nuôi trồng không bảo đảm về chất lượng, an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.
1. Cơ sở nuôi trồng thủy sản phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Địa điểm xây dựng cơ sở nuôi trồng thủy sản phải tuân thủ quy định về sử dụng đất, khu vực biển để nuôi trồng thủy sản theo quy định của pháp luật;
b) Có cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật phù hợp với đối tượng và hình thức nuôi;
c) Đáp ứng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, thú y và an toàn lao động;
d) Đáp ứng quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm;
đ) Phải đăng ký đối với hình thức nuôi trồng thủy sản lồng bè và đối tượng thủy sản nuôi chủ lực.
2. Cơ sở nuôi trồng thủy sản dùng làm cảnh, giải trí, mỹ nghệ, mỹ phẩm phải tuân theo quy định tại các điểm a, b, c và đ khoản 1 Điều này.
3. Tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản trên biển phải lập dự án nuôi trồng thủy sản và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép nuôi trồng thủy sản, trừ đối tượng quy định tại điểm a khoản 2 Điều 44 của Luật này.
4. Thủ tướng Chính phủ quy định đối tượng thủy sản nuôi chủ lực.
5. Chính phủ quy định chi tiết điều kiện cơ sở nuôi trồng thủy sản; thẩm quyền, nội dung, trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện nuôi trồng thủy sản; thẩm quyền, nội dung, trình tự, thủ tục đăng ký đối với hình thức nuôi trồng thủy sản lồng bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực; nội dung, trình tự, thủ tục cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển.
1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển cho tổ chức, cá nhân Việt Nam trong phạm vi vùng biển tính từ đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm đến 06 hải lý thuộc phạm vi quản lý.
2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển cho tổ chức, cá nhân Việt Nam trong khu vực biển ngoài 06 hải lý, khu vực biển giáp ranh giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, khu vực biển nằm đồng thời trong và ngoài 06 hải lý.
3. Chính phủ quy định việc cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển đối với nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 44 của Luật này.
1. Tổ chức, cá nhân được phép nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng, trồng cấy nhân tạo loài thủy sản thuộc Phụ lục của Công ước quốc tế về buôn bán các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp; các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm theo quy định của Công ước quốc tế về buôn bán các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp và pháp luật Việt Nam.
2. Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh quản lý, xác nhận nguồn gốc loài thủy sản thuộc Phụ lục của Công ước quốc tế về buôn bán các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp; các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm có nguồn gốc từ nuôi trồng hoặc khai thác từ tự nhiên.
3. Chính phủ quy định trình tự, thủ tục xác nhận nguồn gốc loài thủy sản quy định tại khoản 2 Điều này; điều kiện, thẩm quyền, trình tự và thủ tục chứng nhận cơ sở đủ điều kiện nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng, cơ sở trồng cấy nhân tạo loài thủy sản thuộc Phụ lục của Công ước quốc tế về buôn bán các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp; các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm.
Việc quan trắc, cảnh báo môi trường, phòng, chống dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản thực hiện theo quy định của pháp luật về thú y và quy định khác của pháp luật có liên quan.
1. Tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản có quyền sau đây:
a) Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi được giao đất, cho thuê đất để nuôi trồng thủy sản theo quy định tại Điều 43 của Luật này, quyết định giao quyền sử dụng khu vực biển để nuôi trồng thủy sản theo quy định tại Điều 44 của Luật này;
b) Được Nhà nước bảo vệ khi tổ chức, cá nhân khác xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp trong quá trình nuôi trồng thủy sản; được bồi thường thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất, khu vực biển vì mục đích công cộng, quốc phòng, an ninh trong thời hạn được giao quyền sử dụng đất, quyền sử dụng khu vực biển theo quy định của pháp luật;
c) Được thông báo về tình hình môi trường, dịch bệnh vùng nuôi trồng thủy sản, hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, thông tin về thị trường thủy sản;
d) Được Nhà nước hỗ trợ khôi phục sản xuất trong trường hợp bị thiệt hại do dịch bệnh, thiên tai theo quy định;
đ) Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện nuôi trồng thủy sản khi có yêu cầu.
2. Tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản có nghĩa vụ sau đây:
a) Sử dụng diện tích đất, khu vực biển được giao đúng mục đích, ranh giới để nuôi trồng thủy sản và bảo vệ các công trình phục vụ chung cho nuôi trồng thủy sản;
b) Thực hiện nghĩa vụ tài chính về sử dụng đất, khu vực biển để nuôi trồng thủy sản theo quy định của pháp luật;
c) Thực hiện theo dõi, giám sát chỉ tiêu môi trường nuôi trồng thủy sản theo quy định của pháp luật;
d) Tuân thủ quy định về phòng, chống thiên tai; bảo đảm an toàn cho người và tài sản trong quá trình nuôi trồng thủy sản; tuân thủ quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, an toàn sinh học, bảo vệ môi trường;
đ) Sử dụng trang thiết bị, giống thủy sản, thức ăn, thuốc thú y thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản theo quy định;
e) Lưu giữ hồ sơ về giống thủy sản, thức ăn, thuốc thú y thủy sản và sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản dùng trong quá trình nuôi trồng thủy sản và các tài liệu khác về toàn bộ quá trình nuôi trồng thủy sản để bảo đảm truy xuất nguồn gốc;
g) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động nuôi trồng thủy sản, chất lượng, an toàn thực phẩm của sản phẩm nuôi trồng thủy sản do cơ sở cung cấp; chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quá trình nuôi trồng thủy sản;
h) Cập nhật thông tin, báo cáo tình hình nuôi trồng thủy sản vào cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản;
i) Trả lại đất, khu vực biển nuôi trồng thủy sản khi có quyết định thu hồi theo quy định của pháp luật.
Việc giao, cho thuê, thu hồi đất để nuôi trồng thủy sản thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai.
1. Việc giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản phải căn cứ quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch tỉnh và quy định của pháp luật về biển, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
2. Thẩm quyền giao khu vực biển không thu tiền sử dụng để nuôi trồng thủy sản như sau:
a) Ủy ban nhân dân cấp huyện giao khu vực biển cho cá nhân Việt Nam có hồ sơ đăng ký khi cá nhân đó phải chuyển đổi từ nghề khai thác ven bờ sang nuôi trồng thủy sản theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc thường trú trên địa bàn mà nguồn sống chủ yếu dựa vào thu nhập từ nuôi trồng thủy sản được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú xác nhận. Phạm vi giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản tính từ đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm đến 03 hải lý thuộc phạm vi quản lý;
b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao khu vực biển cho tổ chức, cá nhân Việt Nam thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ nuôi trồng thủy sản được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Phạm vi giao khu vực biển tính từ đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm đến 06 hải lý thuộc phạm vi quản lý;
c) Bộ Tài nguyên và Môi trường giao khu vực biển cho tổ chức, cá nhân Việt Nam thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ nuôi trồng thủy sản được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Phạm vi giao khu vực biển ngoài 06 hải lý, khu vực biển nằm đồng thời trong và ngoài 06 hải lý tính từ đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm; khu vực biển giáp ranh giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
3. Thẩm quyền giao khu vực biển có thu tiền sử dụng để nuôi trồng thủy sản như sau:
a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản đối với trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 39 của Luật này;
b) Bộ Tài nguyên và Môi trường giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản đối với trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 39 của Luật này;
4. Thời hạn giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản không quá 30 năm, được tính từ ngày quyết định giao khu vực biển có hiệu lực. Khi hết thời hạn giao, tổ chức, cá nhân có nhu cầu tiếp tục sử dụng khu vực biển đã được giao để nuôi trồng thủy sản được Nhà nước xem xét gia hạn, có thể gia hạn nhiều lần nhưng tổng thời gian gia hạn không quá 20 năm. Thời hạn giao khu vực biển cho tổ chức, cá nhân Việt Nam thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ nuôi trồng thủy sản không quá thời hạn nhiệm vụ khoa học và công nghệ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
5. Quyết định giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản được sửa đổi, bổ sung trong các trường hợp sau đây:
a) Thay đổi thông tin của tổ chức, cá nhân được giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản;
b) Thay đổi nội dung hồ sơ đăng ký, nhiệm vụ khoa học và công nghệ, dự án nuôi trồng thủy sản dẫn đến thay đổi nội dung quyết định giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản.
6. Chính phủ quy định việc giao, gia hạn, hạn mức, khung giá tiền sử dụng khu vực biển; sửa đổi, bổ sung quyết định giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản.
1. Nhà nước thực hiện việc thu hồi toàn bộ hoặc một phần khu vực biển đã giao cho tổ chức, cá nhân để nuôi trồng thủy sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Sử dụng khu vực biển trái với nội dung quyết định giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản; vi phạm quy định về bảo vệ công trình phục vụ chung cho nuôi trồng thủy sản;
b) Không sử dụng một phần hoặc toàn bộ khu vực biển được giao để nuôi trồng thủy sản quá 24 tháng liên tục, trừ trường hợp có lý do chính đáng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận;
c) Vì mục đích công cộng, quốc phòng, an ninh;
d) Vi phạm nghĩa vụ quy định tại khoản 1 Điều 47 của Luật này;
đ) Không chấp hành nghĩa vụ tài chính quy định tại điểm b khoản 2 Điều 42 của Luật này và đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà không chấp hành;
e) Quyết định giao khu vực biển trái với quy hoạch không gian biển đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
g) Không còn đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 38 của Luật này mà không được khắc phục kịp thời.
2. Nhà nước quyết định trưng dụng khu vực biển trong trường hợp cần thiết để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh hoặc trong tình trạng khẩn cấp; sự cố môi trường; phòng, chống thiên tai. Việc trưng dụng khu vực biển thực hiện theo quy định của pháp luật về trưng mua, trưng dụng tài sản.
3. Cơ quan có thẩm quyền giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản có thẩm quyền thu hồi khu vực biển đã giao.
4. Chính phủ quy định trình tự, thủ tục thu hồi khu vực biển đã giao để nuôi trồng thủy sản.
1. Tổ chức, cá nhân được giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản có quyền quy định tại khoản 1 Điều 42 của Luật này và quyền sau đây:
a) Sử dụng khu vực biển được giao để nuôi trồng thủy sản;
b) Trả lại toàn bộ hoặc một phần diện tích khu vực biển được giao;
c) Sử dụng các thông tin, dữ liệu liên quan đến khu vực biển được giao theo quy định của pháp luật.
2. Cá nhân Việt Nam được Nhà nước giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản không thu tiền sử dụng khu vực biển quy định tại điểm a khoản 2 Điều 44 của Luật này có quyền quy định tại khoản 1 Điều này và có quyền thế chấp tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với khu vực biển được giao tại tổ chức tín dụng Việt Nam theo quy định của pháp luật.
3. Tổ chức, cá nhân Việt Nam được Nhà nước giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản có thu tiền sử dụng khu vực biển mà đã trả tiền sử dụng hằng năm có quyền quy định tại khoản 1 Điều này và quyền sau đây:
a) Thế chấp tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với khu vực biển được giao tại tổ chức tín dụng Việt Nam theo quy định của pháp luật;
b) Chuyển nhượng tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với khu vực biển được giao; tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng nếu tiếp tục nuôi trồng thủy sản thì có quyền như tổ chức, cá nhân chuyển nhượng.
4. Tổ chức, cá nhân Việt Nam được Nhà nước giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản có thu tiền sử dụng khu vực biển mà đã trả trước toàn bộ tiền sử dụng theo thời hạn giao có quyền quy định tại khoản 1 Điều này và quyền sau đây:
a) Thế chấp giá trị quyền sử dụng khu vực biển được giao và tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền vơi khu vực biển được giao trong thời hạn giao tại tổ chức tín dụng Việt Nam theo quy định của pháp luật;
b) Chuyển nhượng quyền sử dụng khu vực biển được giao và tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với khu vực biển được giao. Cá nhân được để lại quyền sử dụng khu vực biển được giao cho người thừa kế trong thời hạn giao theo quy định của pháp luật. Người nhận chuyển nhượng, người được thừa kế quyền sử dụng khu vực biển đã giao để nuôi trồng thủy sản có quyền quy định tại khoản này;
c) Góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng khu vực biển được giao và tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với khu vực biển được giao theo quy định của pháp luật;
d) Cho thuê quyền sử dụng khu vực biển và tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với khu vực biển trong thời hạn được giao. Việc cho thuê chỉ được thực hiện khi khu vực biển đó đã được đầu tư theo dự án và người thuê phải sử dụng khu vực biển đó đúng mục đích.
5. Chính phủ quy định việc trả lại khu vực biển, thế chấp quyền sử dụng khu vực biển; việc cho thuê, góp vốn, chuyển nhượng quyền sử dụng khu vực biển được giao giữa các tổ chức, cá nhân Việt Nam; việc tổ chức, cá nhân Việt Nam cho thuê, góp vốn, chuyển nhượng quyền sử dụng khu vực biển được giao cho nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài để nuôi trồng thủy sản; quyền của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được giao khu vực biển, được thuê, nhận góp vốn, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng khu vực biển từ tổ chức, cá nhân Việt Nam để nuôi trồng thủy sản; việc bồi thường khi bị thu hồi khu vực biển vì mục đích công cộng, quốc phòng, an ninh.
Tổ chức, cá nhân được giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản có nghĩa vụ quy định tại khoản 2 Điều 42 của Luật này và nghĩa vụ sau đây:
1. Không được tiến hành hoạt động ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, chủ quyền, lợi ích quốc gia trên biển;
2. Không cản trở hoạt động điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học về tài nguyên, môi trường biển và hoạt động hợp pháp khác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép;
3. Nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được giao khu vực biển để nuôi trông thủy sản hoặc được thuê, nhận vốn góp, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng khu vực biển từ tổ chức, cá nhân Việt Nam để nuôi trồng thủy sản thực hiện theo quy định của Chính phủ.
1. Chính phủ quy định vùng biển khai thác thủy sản bao gồm vùng ven bờ, vùng lộng và vùng khơi; hoạt động của tàu cá trên các vùng biển.
2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý khai thác thủy sản tại vùng khơi.
3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý khai thác thủy sản tại vùng ven bờ, vùng lộng và khai thác thủy sản nội địa trên địa bàn.
1. Căn cứ xác định hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản trên biển bao gồm:
a) Kết quả điều tra, đánh giá trữ lượng nguồn lợi thủy sản;
b) Xu hướng biến động nguồn lợi thủy sản;
c) Tổng sản lượng thủy sản tối đa cho phép khai thác bền vững;
d) Cơ cấu nghề, đối tượng khai thác, vùng biển khai thác;
đ) Trường hợp khai thác loài thủy sản di cư xa hoặc loài thủy sản có tập tính theo đàn phải căn cứ quy định tại các điểm a, b, c và d khoản này và sản lượng cho phép khai thác theo loài. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định loài được quy định tại điểm này.
2. Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định, giao hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản, sản lượng cho phép khai thác theo loài tại vùng khơi cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
3. Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều này, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác định hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản, sản lượng cho phép khai thác theo loài tại vùng ven bờ và vùng lộng thuộc phạm vi quản lý.
4. Hạn ngạch giấy phép được công bố, điều chỉnh 60 tháng một lần. Trong trường hợp có biến động về nguồn lợi thủy sản trên cơ sở kết quả điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản theo chuyên đề, điều tra, đánh giá nghề cá thương phẩm hằng năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh điều chỉnh sản lượng cho phép khai thác theo loài.
1. Tổ chức, cá nhân khai thác thủy sản bằng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 06 mét trở lên phải có Giấy phép khai thác thủy sản.
2. Tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 1 Điều này được cấp Giấy phép khai thác thủy sản khi đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Trong hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản, đối với khai thác thủy sản trên biển;
b) Có nghề khai thác thủy sản không thuộc Danh mục nghề cấm khai thác;
c) Có Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá, đối với tàu cá phải đăng kiểm;
d) Tàu cá có trang thiết bị thông tin liên lạc theo quy định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
đ) Có thiết bị giám sát hành trình đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên theo quy định của Chính phủ;
e) Có Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá;
g) Thuyền trưởng, máy trưởng phải có văn bằng, chứng chỉ theo quy định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
h) Trường hợp cấp lại do giấy phép hết hạn phải đáp ứng điều kiện quy định tại các điểm b, c, d, đ, e và g khoản này, đã nộp nhật ký khai thác theo quy định và tàu cá không thuộc danh sách tàu cá khai thác thủy sản bất hợp pháp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố.
3. Nội dung chủ yếu của Giấy phép khai thác thủy sản được quy định như sau:
a) Tên tổ chức, cá nhân được cấp phép;
b) Số đăng ký tàu cá; tên tàu, hô hiệu, mã số của Tổ chức Hàng hải quốc tế (nếu có);
c) Nghề, vùng biển hoặc khu vực được phép khai thác;
d) Thời gian hoạt động khai thác của từng nghề;
đ) Sản lượng cho phép khai thác theo loài (nếu có);
e) Cảng cá đăng ký;
g) Thời hạn của giấy phép.
4. Giấy phép khai thác thủy sản được cấp lại khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Bị mất, hư hỏng;
b) Thay đổi thông tin của tổ chức, cá nhân trong giấy phép; cảng cá đăng ký;
c) Giấy phép hết hạn.
5. Giấy phép khai thác thủy sản bị thu hồi khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Bị tẩy, xóa, sửa chữa nội dung của giấy phép;
b) Khai thác thủy sản trái phép ngoài vùng biển Việt Nam;
c) Tàu cá đã xóa đăng ký;
d) Không còn đủ điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này.
6. Thời hạn của giấy phép khai thác thủy sản được quy định như sau:
a) Thời hạn của giấy phép cấp lần đầu, cấp lại thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản 4 Điều này không quá thời hạn còn lại của hạn ngạch kể từ ngày cấp;
b) Thời hạn của giấy phép được cấp lại thuộc trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 4 Điều này bằng thời hạn còn lại của giấy phép đã được cấp.
7. Nội dung của Giấy phép khai thác thủy sản được điều chỉnh khi có biến động về nguồn lợi thủy sản theo quy định tại khoản 4 Điều 49 của Luật này. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thông báo việc điều chỉnh nội dung Giấy phép khai thác thủy sản cho chủ tàu.
1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp, gia hạn, cấp lại, thu hồi Giấy phép khai thác thủy sản, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp, gia hạn, cấp lại, thu hồi Giấy phép khai thác thủy sản đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động khai thác thủy sản trong vùng biển Việt Nam; tổ chức, cá nhân Việt Nam khai thác thủy sản ngoài vùng biển Việt Nam.
3. Chính phủ quy định nội dung, trình tự, thủ tục cấp, gia hạn, cấp lại, thu hồi Giấy phép khai thác thủy sản.
1. Tổ chức, cá nhân khai thác thủy sản có quyền sau đây:
a) Khai thác thủy sản theo đúng nội dung ghi trong giấy phép;
b) Được thông tin về nguồn lợi thủy sản, hoạt động thủy sản, thị trường thủy sản và hướng dẫn về công nghệ, kỹ thuật khai thác thủy sản;
c) Được Nhà nước bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trong khai thác thủy sản.
2. Tổ chức, cá nhân khai thác thủy sản có nghĩa vụ sau đây:
a) Thực hiện các quy định ghi trong Giấy phép khai thác thủy sản, duy trì điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 50 của Luật này;
b) Thực hiện quy định về bảo đảm an toàn cho người, tàu cá và an toàn thực phẩm đối với sản phẩm khai thác; chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống thiên tai; phải cứu nạn khi gặp người, tàu bị nạn;
c) Phải treo Quốc kỳ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên tàu cá khi hoạt động; đánh dấu tàu cá theo vùng biển, đánh dấu ngư cụ đang sử dụng tại ngư trường theo quy định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
d) Tuân thủ việc thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;
đ) Tham gia cứu hộ, bảo vệ chủ quyền, an ninh, trật tự trên vùng khai thác; tố giác hành vi vi phạm pháp luật về thủy sản;
e) Tuân thủ các quy định quản lý vùng, nghề, kích cỡ loài, ngư cụ khai thác thủy sản; chấp hành việc điều chỉnh nội dung ghi trong giấy phép khi có thông báo của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về điều chỉnh sản lượng khai thác theo loài;
g) Trong quá trình hoạt động khai thác thủy sản phải mang theo bản chính hoặc bản sao chứng thực Giấy phép khai thác thủy sản đối với trường hợp phải có giấy phép, Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá đối với tàu cá phải đăng kiểm, Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá, sổ danh bạ thuyền viên, văn bằng, chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân, hộ chiếu hoặc giấy tờ tùy thân khác theo quy định đối với thuyền viên và người làm việc trên tàu cá;
h) Ghi, nộp báo cáo, nhật ký khai thác thủy sản theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
1. Tổ chức, cá nhân khai thác thủy sản ngoài vùng biển Việt Nam được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chấp thuận đối với tàu cá khai thác thủy sản tại vùng biển của quốc gia, vùng lãnh thổ khác hoặc cấp phép đối với khai thác thủy sản tại vùng biển thuộc quyền quản lý của tổ chức nghề cá khu vực khi đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Được cơ quan có thẩm quyền của quốc gia, vùng lãnh thổ có biển cho phép hoặc được tổ chức quản lý nghề cá khu vực cấp hạn ngạch cho Việt Nam;
b) Tàu cá có đủ điều kiện hoạt động; đã được đăng ký, có Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá còn hiệu lực ít nhất 06 tháng; có đủ trang thiết bị an toàn cho người và tàu cá; thiết bị giám sát hành trình, thông tin liên lạc phù hợp;
c) Thuyền trưởng, máy trưởng phải có văn bằng hoặc chứng chỉ do cơ quan có thẩm quyền cấp; thuyền viên và người làm việc trên tàu cá phải có bảo hiểm, hộ chiếu; trên tàu hoặc một nhóm tàu phải có ít nhất một người biết sử dụng tiếng Anh hoặc ngôn ngữ thông dụng của quốc gia, vùng lãnh thổ mà tàu cá đến khai thác; không thuộc trường hợp cấm xuất cảnh theo quy định của pháp luật;
d) Đáp ứng điều kiện khác theo quy định của tổ chức nghề cá khu vực, quốc gia và vùng lãnh thổ khác.
1. Tàu cá Việt Nam khai thác thủy sản ngoài vùng biển Việt Nam khi được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chấp thuận hoặc cấp phép.
2. Thực hiện thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định của pháp luật Việt Nam, pháp luật của quốc gia, vùng lãnh thổ có biển mà tàu cá đến khai thác.
3. Tuân thủ pháp luật Việt Nam, quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, pháp luật của quốc gia, vùng lãnh thổ có biển và quy định của tổ chức quản lý nghề cá khu vực mà tàu cá đến khai thác.
4. Khi có sự cố tai nạn hoặc tình huống nguy hiểm cần sự giúp đỡ, thuyền viên, người làm việc trên tàu cá phải phát tín hiệu cấp cứu, kịp thời liên hệ với cơ quan chức trách của quốc gia, vùng lãnh thổ gần nhất; thông báo cho cơ quan đại diện Việt Nam nơi quốc gia, vùng lãnh thổ gần nhất, cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh hoặc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
5. Trong quá trình hoạt động khai thác thủy sản trên biển, thuyền trưởng phải mang theo bản chính hoặc bản sao chứng thực giấy tờ liên quan do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp, giấy tờ liên quan do quốc gia, vùng lãnh thổ có biển cấp khi tàu cá đến hoạt động trên vùng biển của quốc gia, vùng lãnh thổ đó.
6. Phối hợp với cơ quan chức năng để giải quyết và xử lý vụ việc xảy ra có liên quan đến người và tàu cá do tổ chức, cá nhân đưa đi khai thác thủy sản ngoài vùng biển Việt Nam.
7. Chủ tàu, thuyền trưởng hướng dẫn, phổ biến cho thuyền viên tàu cá về quyền và trách nhiệm khi tiến hành khai thác thủy sản ngoài vùng biển Việt Nam.
8. Chủ tàu cá phải mua bảo hiểm cho thuyền viên và người làm việc trên tàu cá; chịu mọi chi phí trong quá trình đưa tàu cá đi khai thác ngoài vùng biển Việt Nam.
Tổ chức, cá nhân nước ngoài có tàu được cấp phép hoạt động thủy sản trong vùng biển Việt Nam khi đáp ứng các điều kiện sau đây:
1. Có thỏa thuận quốc tế hoặc điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; giấy phép hoặc chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền của nước có tàu cho phép hoạt động tại vùng biển Việt Nam;
2. Có Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc dự án hợp tác về khai thác thủy sản được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hoặc dự án hợp tác điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản, huấn luyện kỹ thuật, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực thủy sản, thu mua, vận chuyển thủy sản trong vùng biển Việt Nam được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.
Việc phê duyệt dự án về khai thác thủy sản trong vùng biển Việt Nam phải căn cứ vào điều kiện quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 50 của Luật này và tàu không có tên trong danh sách tàu cá hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hoặc tổ chức quản lý nghề cá khu vực hoặc tổ chức quốc tế được công nhận xác lập và công bố;
3. Có Giấy chứng nhận đăng ký tàu do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của quốc gia mà tàu mang quốc tịch cấp, Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật của tàu do cơ quan có thẩm quyền của quốc gia mà tàu mang quốc tịch cấp còn thời hạn ít nhất là 06 tháng, Giấy phép sử dụng tần số và thiết bị thu phát sóng vô tuyến điện do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp;
4. Có danh sách thuyền viên và người làm việc trên tàu; thuyền trưởng, máy trưởng có văn bằng, chứng chỉ phù hợp với loại tàu. Thuyền viên và người làm việc trên tàu nước ngoài hoạt động thủy sản trong vùng biển Việt Nam là người nước ngoài phải được sự đồng ý của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng; có hộ chiếu và bảo hiểm thuyền viên;
5. Có thiết bị giám sát hành trình theo quy định;
6. Trên tàu phải có ít nhất một người thông thạo tiếng Việt hoặc tiếng Anh.
1. Nội dung chủ yếu của giấy phép được quy định như sau:
a) Tên, địa chỉ của chủ tàu;
b) Số đăng ký tàu; tên tàu, hô hiệu, mã số của Tổ chức Hàng hải quốc tế (nếu có);
c) Thông tin về tần số liên lạc;
d) Vùng, nghề, lĩnh vực hoạt động của tàu;
đ) Địa điểm làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh;
e) Cảng đăng ký;
g) Thời hạn của giấy phép.
2. Thời hạn của giấy phép căn cứ vào thời hạn của Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc dự án hợp tác nhưng không quá 12 tháng.
3. Giấy phép hoạt động thủy sản của tổ chức, cá nhân nước ngoài được gia hạn nhiều lần, mỗi lần gia hạn không quá 12 tháng khi đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc dự án hợp tác trong lĩnh vực thủy sản còn hiệu lực;
b) Đã nộp nhật ký khai thác thủy sản hoặc báo cáo hoạt động theo quy định.
4. Tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động trong vùng biển Việt Nam được xét cấp lại giấy phép trong trường hợp giấy phép bị mất, hư hỏng, có thay đổi thông tin khi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc dự án hợp tác trong lĩnh vực thủy sản còn hiệu lực.
5. Giấy phép hoạt động thủy sản của tổ chức, cá nhân nước ngoài bị thu hồi khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Bị tẩy, xóa, sửa chữa nội dung của giấy phép;
b) Hoạt động không đúng với nội dung ghi trong giấy phép;
c) Giấy chứng nhận đầu tư hoặc dự án hợp tác kết thúc trước thời hạn của giấy phép;
d) Không còn đủ điều kiện quy định tại Điều 55 của Luật này;
đ) Tàu bị hủy, chìm đắm không thể trục vớt, mất tích;
e) Thủy sản trên tàu có nguồn gốc từ khai thác thủy sản bất hợp pháp.
6. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp, gia hạn, cấp lại, thu hồi giấy phép đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài có tàu hoạt động thủy sản trong vùng biển Việt Nam.
7. Chính phủ quy định trình tự, thủ tục cấp, gia hạn, cấp lại, thu hồi giấy phép đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài có tàu hoạt động thủy sản trong vùng biển Việt Nam.
1. Tổ chức, cá nhân nước ngoài có tàu hoạt động thủy sản trong vùng biển Việt Nam có quyền sau đây:
a) Hoạt động thủy sản trong vùng biển Việt Nam theo nội dung ghi trong giấy phép;
b) Được cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động thủy sản theo quy định của pháp luật Việt Nam khi có yêu cầu;
c) Được Nhà nước Việt Nam bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trong quá trình hoạt động thủy sản tại Việt Nam.
2. Tổ chức, cá nhân nước ngoài có tàu hoạt động thủy sản trong vùng biển Việt Nam có nghĩa vụ sau đây:
a) Nộp đủ phí, lệ phí theo quy định của pháp luật Việt Nam; mua bảo hiểm cho giám sát viên;
b) Chỉ được đưa tàu vào cảng đăng ký, phải thông báo bằng văn bản cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ít nhất 07 ngày làm việc trước khi đưa tàu vào Việt Nam, thực hiện thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định của pháp luật Việt Nam;
c) Khi hoạt động trong vùng biển Việt Nam phải mang đủ bản chính hoặc bản sao chứng thực giấy phép hoạt động thủy sản do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp, Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu, Giấy phép sử dụng tần số của thiết bị thu phát sóng vô tuyến điện do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp, sổ danh bạ thuyền viên, hộ chiếu của thuyền viên và người làm việc trên tàu;
d) Ghi, nộp nhật ký khai thác thủy sản theo chuyến biển đối với tàu hoạt động khai thác thủy sản; báo cáo hoạt động theo chuyến biển đối với tàu điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản, huấn luyện kỹ thuật, chuyển giao công nghệ về thủy sản, thu mua, vận chuyển thủy sản theo quy định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nhật ký khai thác thủy sản hoặc báo cáo hoạt động của tàu phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh;
đ) Tuân thủ yêu cầu của giám sát viên; bảo đảm điều kiện làm việc, sinh hoạt cho giám sát viên; tiếp nhận, trả giám sát viên đúng địa điểm đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chấp thuận;
e) Chấp hành việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng theo quy định của pháp luật Việt Nam;
g) Khi có sự cố, tai nạn hoặc tình huống nguy hiểm cần sự giúp đỡ thì thuyền viên, người làm việc trên tàu phải phát tín hiệu cấp cứu và phải thông báo ngay cho cơ quan hữu quan của Việt Nam nơi gần nhất;
h) Tàu khai thác thủy sản chỉ được phép tiêu thụ sản phẩm tại Việt Nam, trừ trường hợp có hợp đồng xuất khẩu;
i) Trong trường hợp tàu cá nước ngoài ngừng hoạt động khi giấy phép vẫn còn hiệu lực, chủ tàu phải báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bằng văn bản ít nhất trước 07 ngày làm việc trước khi ngừng hoạt động;
k) Treo cờ theo quy định của Chính phủ;
l) Chấp hành quy định khác của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
1. Tàu nước ngoài hoạt động thủy sản trong vùng biển Việt Nam phải có giám sát viên trong trường hợp sau đây:
a) Khai thác thủy sản;
b) Điều tra nguồn lợi thủy sản;
c) Huấn luyện kỹ thuật, chuyển giao công nghệ về thủy sản.
2. Giám sát viên phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Là công chức, viên chức kiêm nhiệm do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cử;
b) Có đủ sức khỏe và khả năng đi biển;
c) Có trình độ chuyên môn về lĩnh vực giám sát;
d) Thông thạo tiếng Anh hoặc ngôn ngữ thông dụng của quốc gia, vùng lãnh thổ có tàu nước ngoài hoạt động thủy sản trong vùng biển Việt Nam.
3. Trường hợp có công chức, viên chức, người lao động thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc trên tàu nước ngoài hoạt động thủy sản trong vùng biển Việt Nam theo dự án hoặc hợp đồng đã được phê duyệt thì không cử giám sát viên.
1. Giám sát viên có quyền sau đây:
a) Yêu cầu thuyền viên và người làm việc trên tàu thực hiện đúng quy định của pháp luật Việt Nam và các quy định ghi trong giấy phép;
b) Yêu cầu thuyền trưởng đưa tàu về cảng gần nhất trong trường hợp phát hiện người và tàu nước ngoài có hành vi vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam;
c) Kiểm tra, giám sát hoạt động trên tàu; thiết bị dò cá, thông tin liên lạc của tàu;
d) Sử dụng các thiết bị thông tin liên lạc của tàu để làm việc khi cần thiết;
đ) Được mua bảo hiểm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giám sát trên tàu;
e) Được chủ tàu bảo đảm điều kiện làm việc, sinh hoạt trên tàu;
g) Hưởng chế độ lương, công tác phí, bồi dưỡng đi biển và các chế độ khác theo quy định của Chính phủ;
h) Hưởng các chế độ bồi dưỡng, thù lao khác từ đối tác hợp tác nếu có ghi trong hiệp định, dự án hoặc hợp đồng hợp tác.
2. Giám sát viên có trách nhiệm sau đây:
a) Giám sát các hoạt động và việc tuân thủ pháp luật Việt Nam của người và tàu nước ngoài hoạt động thủy sản trong vùng biển Việt Nam;
b) Báo cáo đầy đủ, kịp thời về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các thông tin liên quan đến hoạt động của tàu nước ngoài theo nhiệm vụ được giao.
1. Hành vi được coi là khai thác thủy sản bất hợp pháp bao gồm:
a) Khai thác thủy sản không có giấy phép;
b) Khai thác thủy sản trong vùng cấm khai thác, trong thời gian cấm khai thác; khai thác, vận chuyển thủy sản cấm khai thác; khai thác loài thủy sản có kích thước nhỏ hơn quy định; sử dụng nghề, ngư cụ khai thác bị cấm;
c) Khai thác trái phép loài thủy sản thuộc Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm;
d) Khai thác thủy sản trái phép trong vùng biển thuộc quyền quản lý của tổ chức quản lý nghề cá khu vực, quốc gia và vùng lãnh thổ khác;
đ) Khai thác thủy sản vượt sản lượng theo loài, khai thác sai vùng, quá hạn ghi trong giấy phép;
e) Che giấu, giả mạo hoặc hủy chứng cứ vi phạm quy định liên quan đến khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản;
g) Ngăn cản, chống đối người có thẩm quyền thực hiện kiểm tra, giám sát sự tuân thủ các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản;
h) Chuyển tải hoặc hỗ trợ cho tàu đã được xác định có hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp, trừ trường hợp bất khả kháng;
i) Không trang bị hoặc trang bị không đầy đủ hoặc không vận hành thiết bị thông tin liên lạc và thiết bị giám sát hành trình theo quy định;
k) Không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định;
l) Tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, chuyển khẩu, quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam thủy sản, sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác thủy sản bất hợp pháp;
m) Không ghi, ghi không đầy đủ, không đúng, không nộp nhật ký khai thác thủy sản, không báo cáo theo quy định;
n) Sử dụng tàu cá không quốc tịch hoặc mang quốc tịch của quốc gia không phải là thành viên để khai thác thủy sản trái phép trong vùng biển quốc tế thuộc thẩm quyền quản lý của tổ chức quản lý nghề cá khu vực;
o) Sử dụng tàu cá để khai thác thủy sản không theo quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong vùng biển quốc tế không thuộc thẩm quyền quản lý của tổ chức quản lý nghề cá khu vực.
2. Tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định tại khoản 1 Điều này thì tùy theo mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
3. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định việc công bố danh sách tàu cá khai thác thủy sản bất hợp pháp.
1. Cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam xác nhận nguyên liệu, chứng nhận sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác tại vùng biển Việt Nam không vi phạm quy định khai thác bất hợp pháp cho tổ chức, cá nhân khi có yêu cầu.
2. Nguyên liệu thủy sản nhập khẩu được cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu chứng nhận có nguồn gốc từ khai thác không vi phạm quy định khai thác thủy sản bất hợp pháp khi có yêu cầu của tổ chức, cá nhân nhập khẩu.
3. Sản phẩm thủy sản xuất khẩu có nguồn gốc từ nguyên liệu thủy sản nhập khẩu được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam xác nhận khi có yêu cầu của tổ chức, cá nhân xuất khẩu trên cơ sở nguyên liệu sản xuất sản phẩm thủy sản đó được cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu chứng nhận có nguồn gốc không vi phạm quy định khai thác thủy sản bất hợp pháp.
4. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về nội dung, thẩm quyền, trình tự, thủ tục xác nhận nguyên liệu, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác; xác nhận nguyên liệu thủy sản nhập khẩu hoặc sản phẩm thủy sản được sản xuất từ nguyên liệu thủy sản nhập khẩu không có nguồn gốc từ khai thác thủy sản bất hợp pháp.
1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công khai hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản, số lượng Giấy phép khai thác thủy sản trên biển được cấp mới của địa phương; cấp văn bản chấp thuận đóng mới, cải hoán, thuê, mua tàu cá trên biển căn cứ vào hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản; xây dựng, công khai tiêu chí đặc thù của địa phương và quy trình xét duyệt hồ sơ đề nghị cấp văn bản chấp thuận đóng mới, cải hoán, thuê, mua tàu cá trên biển; quy định về đóng mới, cải hoán, thuê, mua tàu cá hoạt động trong nội địa thuộc phạm vi quản lý.
2. Tổ chức, cá nhân đóng mới, cải hoán, thuê, mua tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 06 mét trở lên hoạt động trên biển phải được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận.
Cơ sở được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện đóng mới, cải hoán tàu cá khi đáp ứng các điều kiện sau đây:
1. Có cơ sở vật chất, trang thiết bị phù hợp; có phương án tổ chức sản xuất, kinh doanh phù hợp với chủng loại, kích cỡ tàu cá được đóng mới, cải hoán;
2. Có bộ phận giám sát, quản lý chất lượng để bảo đảm sản phẩm đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, điều kiện về chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định;
3. Có nhân lực đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh;
4. Có hệ thống quản lý chất lượng, quy trình công nghệ đáp ứng yêu cầu.
1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đóng mới, cải hoán tàu cá.
2. Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đóng mới, cải hoán tàu cá được cấp lại khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Bị mất, hư hỏng;
b) Thay đổi thông tin của tổ chức, cá nhân trong giấy chứng nhận.
3. Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đóng mới, cải hoán tàu cá bị thu hồi khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Bị tẩy, xóa, sửa chữa nội dung của giấy chứng nhận;
b) Cơ sở không còn đủ điều kiện theo quy định tại Điều 63 của Luật này;
c) Cơ sở có hành vi vi phạm khác mà pháp luật quy định phải thu hồi giấy chứng nhận.
4. Chính phủ quy định chi tiết điều kiện cơ sở, trình tự, thủ tục cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đóng mới, cải hoán tàu cá.
1. Cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá có quyền sau đây:
a) Đóng mới, cải hoán tàu cá theo quy định;
b) Thu chi phí đóng mới, cải hoán tàu cá theo thỏa thuận;
c) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
2. Cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá có nghĩa vụ sau đây:
a) Chỉ được đóng mới, cải hoán tàu cá thuộc diện phải có Giấy phép khai thác thủy sản khi tổ chức, cá nhân đề nghị đóng mới, cải hoán tàu cá có văn bản chấp thuận do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp;
b) Chịu sự giám sát kỹ thuật của tổ chức đăng kiểm;
c) Đóng mới, cải hoán tàu cá theo đúng thiết kế được tổ chức đăng kiểm thẩm định, phê duyệt;
d) Chịu trách nhiệm về chất lượng tàu cá đóng mới, cải hoán;
đ) Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất về đóng mới, cải hoán tàu cá theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
1. Việc xuất khẩu tàu cá thực hiện theo yêu cầu của nước nhập khẩu.
2. Tổ chức, cá nhân được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp phép nhập khẩu tàu cá để khai thác thủy sản khi đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Trong hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản đã được xác định;
b) Tàu cá có nguồn gốc hợp pháp;
c) Tàu cá vỏ thép hoặc vỏ vật liệu mới;
d) Tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 mét trở lên;
đ) Đối với nhập khẩu tàu cá, tuổi vỏ tàu không quá 05 năm, tuổi máy chính của tàu không quá 07 năm, tính từ năm sản xuất đến thời điểm nhập khẩu;
e) Có Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá còn hiệu lực từ 06 tháng trở lên do tổ chức đăng kiểm của nước có tàu cấp.
3. Tổ chức, cá nhân được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp phép thuê tàu trần khi đáp ứng các điều kiện quy định tại các điểm a, b, c, d và e khoản 2 Điều này; tuổi vỏ tàu không quá 08 năm, tuổi máy chính của tàu không quá 10 năm, tính từ năm sản xuất đến thời điểm thuê; thời hạn thuê không quá 05 năm.
4. Chính phủ quy định trình tự, thủ tục cấp phép nhập khẩu tàu cá, thuê tàu trần; quy định việc tặng cho, viện trợ tàu cá.
1. Tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12 mét trở lên phải được đăng kiểm, phân cấp và cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật.
2. Tàu cá quy định tại khoản 1 Điều này đóng mới, cải hoán phải được tổ chức đăng kiểm giám sát an toàn kỹ thuật, chất lượng phù hợp với hồ sơ thiết kế được thẩm định và cấp giấy tờ theo quy định.
3. Tàu cá không thuộc quy định tại khoản 1 Điều này phải lắp đặt trang thiết bị bảo đảm an toàn kỹ thuật tàu cá khi hoạt động.
4. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết Điều này.
1. Tổ chức, cá nhân được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đăng kiểm tàu cá khi đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Được thành lập theo quy định của pháp luật;
b) Có cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật đáp ứng yêu cầu;
c) Có đội ngũ đăng kiểm viên đáp ứng yêu cầu;
d) Có hệ thống quản lý chất lượng phù hợp.
1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đăng kiểm tàu cá; định kỳ 24 tháng thực hiện kiểm tra duy trì điều kiện cơ sở.
2. Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đăng kiểm tàu cá được cấp lại khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Bị mất, hư hỏng;
b) Thay đổi thông tin của tổ chức, cá nhân trong giấy chứng nhận.
3. Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đăng kiểm tàu cá bị thu hồi khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Bị tẩy, xóa, sửa chữa nội dung của giấy chứng nhận;
b) Cơ sở thực hiện đăng kiểm tàu cá trái quy định của pháp luật;
c) Cơ sở không còn đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 68 của Luật này;
d) Cơ sở có hành vi vi phạm khác mà pháp luật quy định phải thu hồi giấy chứng nhận.
4. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy phạm phân cấp và đóng tàu cá; trình tự, thủ tục công nhận cơ sở đủ điều kiện đăng kiểm tàu cá; quy định tiêu chuẩn, công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ đăng kiểm viên tàu cá; cấp, thu hồi thẻ, dấu kỹ thuật đăng kiểm viên tàu cá.
1. Cơ sở đăng kiểm tàu cá có quyền và nghĩa vụ sau đây:
a) Thực hiện đăng kiểm tàu cá theo quy định của pháp luật;
b) Yêu cầu chủ tàu cá hoặc cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá cung cấp hồ sơ thiết kế kỹ thuật, tạo điều kiện cần thiết tại hiện trường để đăng kiểm viên giám sát, kiểm tra kỹ thuật, bảo đảm an toàn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ;
c) Nhận chi phí đăng kiểm theo quy định của pháp luật;
d) Thực hiện giám sát kỹ thuật đối với tàu cá đóng mới, cải hoán theo quy định;
đ) Người đứng đầu cơ sở đăng kiểm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả đăng kiểm, cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá;
e) Chấp hành hướng dẫn và chịu sự thanh tra, kiểm tra theo quy định của pháp luật;
g) Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất về đăng kiểm tàu cá theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
2. Đăng kiểm viên tàu cá có quyền và nghĩa vụ sau đây:
a) Ký và sử dụng con dấu, ấn chỉ nghiệp vụ khi lập hồ sơ đăng kiểm cho tàu cá và trang thiết bị lắp đặt trên tàu cá theo quy định;
b) Từ chối thực hiện yêu cầu kiểm tra kỹ thuật khi chưa đủ điều kiện đăng kiểm theo quy định;
c) Bảo lưu ý kiến khác với quyết định của người đứng đầu tổ chức đăng kiểm về kết luận đánh giá trạng thái kỹ thuật của tàu cá và trang thiết bị lắp đặt trên tàu cá;
d) Thực hiện đăng kiểm theo đúng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy phạm phân cấp và đóng tàu;
đ) Chịu trách nhiệm về kết quả kiểm tra an toàn kỹ thuật, phân cấp tàu cá.
1. Tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 06 mét trở lên phải được đăng ký vào sổ đăng ký tàu cá quốc gia và cấp Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá theo quy định. Tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 06 mét do Ủy ban nhân dân cấp xã thống kê phục vụ công tác quản lý.
2. Thời hạn của Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá được quy định như sau:
a) Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá được cấp không thời hạn đối với tàu cá đóng mới, cải hoán, nhập khẩu, mua bán, tặng cho, viện trợ;
b) Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá được cấp có thời hạn bằng thời hạn thuê đối với trường hợp thuê tàu trần.
3. Tàu cá được cấp Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá khi đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Có giấy tờ chứng minh về sở hữu hợp pháp tàu cá;
b) Có Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá đối với tàu cá quy định phải đăng kiểm;
c) Có giấy chứng nhận tạm ngừng đăng ký tàu cá đối với trường hợp thuê tàu trần; giấy chứng nhận xóa đăng ký tàu cá đối với trường hợp nhập khẩu, mua bán, tặng cho hoặc chuyển tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
d) Chủ tàu cá có trụ sở hoặc nơi đăng ký thường trú tại Việt Nam.
4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp đăng ký tàu cá trên địa bàn.
5. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định trình tự, thủ tục đăng ký, xóa đăng ký tàu cá.
1. Tàu cá bị xóa đăng ký thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Tàu cá bị hủy, phá dỡ hoặc chìm đắm không thể trục vớt;
b) Tàu cá bị mất tích sau 01 năm kể từ ngày thông báo chính thức trên phương tiện thông tin đại chúng;
c) Tàu cá được xuất khẩu, bán, tặng cho, viện trợ;
d) Theo đề nghị của chủ tàu cá.
2. Khi xóa đăng ký, cơ quan có thẩm quyền đăng ký thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá, xóa tên tàu cá trong sổ đăng ký tàu cá quốc gia và cấp Giấy chứng nhận xóa đăng ký tàu cá cho chủ tàu.
1. Được lựa chọn cơ sở đăng kiểm có đủ điều kiện để đăng kiểm tàu cá.
2. Tuân thủ quy định về đăng kiểm tàu cá.
3. Bảo đảm điều kiện làm việc, sinh hoạt, an toàn, chế độ lao động, quyền và lợi ích hợp pháp của thuyền viên, người làm việc trên tàu cá.
4. Bố trí thuyền viên theo định biên an toàn tối thiểu của tàu cá theo quy định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
5. Mua bảo hiểm tai nạn và các loại bảo hiểm bắt buộc khác cho thuyền viên và người làm việc trên tàu cá theo quy định. Thanh toán chi phí sinh hoạt và đi đường cần thiết để thuyền viên, người làm việc trên tàu hồi hương trong trường hợp thuyền trưởng yêu cầu phải rời tàu cá.
6. Chịu trách nhiệm trong trường hợp tàu cá vi phạm quy định về khai thác thủy sản bất hợp pháp.
1. Thuyền viên, người làm việc trên tàu cá khi làm việc trên tàu cá phải có các điều kiện sau đây:
a) Là công dân Việt Nam, người nước ngoài được phép làm việc trên tàu cá;
b) Có Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân, hộ chiếu hoặc giấy tờ tùy thân khác theo quy định;
c) Đáp ứng yêu cầu về sức khỏe, tuổi lao động;
d) Có văn bằng hoặc chứng chỉ chuyên môn phù hợp với chức danh.
2. Thuyền viên, người làm việc trên tàu cá có quyền sau đây:
a) Được bảo đảm chế độ lao động, quyền và lợi ích hợp pháp khi làm việc trên tàu cá theo quy định của pháp luật về lao động;
b) Từ chối làm việc trên tàu cá nếu tàu đó không đủ điều kiện bảo đảm an toàn;
c) Được bố trí đảm nhận chức danh phù hợp trên tàu cá.
3. Thuyền viên, người làm việc trên tàu cá có nghĩa vụ sau đây:
a) Chấp hành quy định của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
b) Chấp hành mệnh lệnh của thuyền trưởng; chủ động phòng ngừa tai nạn cho mình, cho thuyền viên, người làm việc trên tàu cá và sự cố đối với tàu cá;
c) Phải báo ngay cho thuyền trưởng hoặc người trực ca khi phát hiện tình huống nguy hiểm trên tàu cá;
d) Tuân thủ quy định của pháp luật về lao động.
4. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chức danh và nhiệm vụ theo chức danh; định biên thuyền viên tàu cá; tiêu chuẩn chuyên môn và chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên; đăng ký thuyền viên và sổ danh bạ thuyền viên; tiêu chuẩn thuyền viên là người nước ngoài làm việc trên tàu cá Việt Nam.
1. Thuyền trưởng là người chỉ huy cao nhất ở trên tàu cá, chỉ huy tàu theo chế độ thủ trưởng.
2. Thuyền trưởng có quyền quy định tại khoản 2 Điều 74 của Luật này và quyền sau đây:
a) Đại diện cho chủ tàu cá và những người có lợi ích liên quan đến tài sản hoặc sản phẩm thủy sản trong quá trình hoạt động hoặc khai thác thủy sản;
b) Không cho tàu cá hoạt động trong trường hợp xét thấy chưa đủ điều kiện an toàn cho người và tàu cá, an toàn thực phẩm, an toàn hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường;
c) Từ chối tiếp nhận hoặc buộc phải rời khỏi tàu cá đối với thuyền viên, người làm việc trên tàu cá không đủ trình độ chuyên môn theo chức danh hoặc có hành vi vi phạm pháp luật;
d) Yêu cầu cứu nạn, cứu hộ trong trường hợp tàu cá gặp nguy hiểm;
đ) Quyết định sử dụng biện pháp cấp bách để đưa tàu cá đến nơi an toàn trong tình thế cấp thiết.
3. Thuyền trưởng có nghĩa vụ quy định tại khoản 3 Điều 74 của Luật này và nghĩa vụ sau đây:
a) Phổ biến, hướng dẫn, phân công, đôn đốc thuyền viên, người làm việc trên tàu cá thực hiện quy định an toàn hàng hải, an toàn lao động, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường;
b) Kiểm tra thuyền viên, người làm việc trên tàu cá và trang thiết bị, giấy tờ của tàu cá, thuyền viên, người làm việc trên tàu cá trước khi tàu cá rời bến;
c) Cập nhật thông tin về vị trí tàu cá, số thuyền viên, người làm việc trên tàu cá theo quy định của pháp luật; xuất trình giấy tờ với cơ quan có thẩm quyền khi có yêu cầu;
d) Trường hợp thiên tai xảy ra phải đôn đốc thuyền viên, người làm việc trên tàu cá sẵn sàng ứng phó, điều động tàu tránh trú an toàn;
đ) Trường hợp tàu cá bị tai nạn phải có biện pháp ứng phó kịp thời và thông báo cho đài thông tin duyên hải gần nhất hoặc cơ quan có thẩm quyền;
e) Trên tàu cá có người bị nạn phải tìm mọi biện pháp cứu chữa; trường hợp có người chết phải giữ gìn tài sản, di chúc, đồng thời thông báo với đài thông tin duyên hải gần nhất, chủ tàu cá, gia đình người bị nạn hoặc cơ quan có thẩm quyền;
g) Chỉ cho tàu cá cập cảng có tên trong danh sách cảng cá chỉ định do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố đối với tàu cá hoạt động từ vùng khơi trở ra;
h) Trường hợp bất khả kháng phải bỏ tàu cá, thuyền trưởng phải là người cuối cùng rời tàu;
i) Trường hợp phát hiện tàu cá khác bị tai nạn, phải đưa tàu cá đến hỗ trợ ứng cứu kịp thời và thông báo cho đài thông tin duyên hải gần nhất hoặc cơ quan có thẩm quyền; chấp hành lệnh điều động tàu thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn của cơ quan có thẩm quyền;
k) Ghi, nộp nhật ký khai thác thủy sản; nộp báo cáo khai thác thủy sản; xác nhận sản lượng thủy sản khai thác;
l) Chịu trách nhiệm trong trường hợp tàu cá vi phạm quy định về khai thác thủy sản bất hợp pháp.
4. Trường hợp phát hiện hành vi phạm tội quả tang, người đang bị truy nã trên tàu khi tàu cá đã rời cảng, thuyền trưởng có quyền và nghĩa vụ sau đây:
a) Bắt hoặc ra lệnh bắt người phạm tội quả tang hoặc người đang bị truy nã;
b) Áp dụng các biện pháp ngăn chặn cần thiết, lập hồ sơ theo quy định của pháp luật;
c) Bảo vệ chứng cứ; chuyển giao người bị bắt, hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền khi cập cảng cá Việt Nam đầu tiên hoặc cho tàu công vụ của Việt Nam đang thực thi nhiệm vụ trên biển hoặc thông báo cho cơ quan đại diện của Việt Nam nơi gần nhất và thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan này nếu tàu hoạt động thủy sản ngoài vùng biển Việt Nam.
1. Tàu công vụ thủy sản phải được đăng ký, đăng kiểm theo quy định.
2. Tổ chức được giao quản lý tàu công vụ thủy sản được lựa chọn cơ sở đăng kiểm phù hợp.
3. Thuyền viên và người làm việc trên tàu công vụ thủy sản phải tuân thủ quy định của pháp luật về công chức, viên chức, hàng hải, lao động.
4. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định đăng ký tàu công vụ thủy sản, chức danh, nhiệm vụ theo chức danh, định biên thuyền viên tàu công vụ thủy sản.
1. Quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá cấp quốc gia phải phù hợp với chiến lược phát triển thủy sản, quy hoạch khác có liên quan và bảo đảm quốc phòng, an ninh.
2. Đầu tư xây dựng cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá phải căn cứ quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá cấp quốc gia đã được phê duyệt; phù hợp với quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng và quy định khác của pháp luật có liên quan.
3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá cấp quốc gia; công bố và tổ chức hướng dẫn, kiểm tra thực hiện quy hoạch đã được phê duyệt; quản lý hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá cấp quốc gia theo quy định của pháp luật.
1. Cảng cá loại I phải đáp ứng các tiêu chí sau đây:
a) Vị trí là nơi thu hút tàu cá của nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, tàu nước ngoài vào bốc dỡ thủy sản và thực hiện các dịch vụ nghề cá khác; là đầu mối phân phối hàng thủy sản của khu vực;
b) Các trang thiết bị chủ yếu phục vụ cho bốc dỡ hàng hóa của cảng được cơ giới hóa tối thiểu 90%;
c) Có diện tích vùng nước cảng tối thiểu từ 20 ha trở lên;
d) Có độ sâu luồng vào cảng và vùng nước trước cầu cảng theo quy định của Chính phủ;
đ) Có diện tích vùng đất cảng từ 04 ha trở lên; đối với cảng cá tại đảo, diện tích vùng đất cảng phải từ 01 ha trở lên; có nhà làm việc, công trình hạ tầng kỹ thuật đáp ứng quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và phòng, chống cháy, nổ;
e) Lượng hàng thủy sản qua cảng từ 25.000 tấn/năm trở lên; đối với cảng cá tại đảo, lượng hàng thủy sản qua cảng từ 3.000 tấn/năm trở lên.
2. Cảng cá loại II phải đáp ứng các tiêu chí sau đây:
a) Vị trí là nơi thu hút tàu cá của một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đến bốc dỡ thủy sản và thực hiện các dịch vụ nghề cá khác; là đầu mối phân phối hàng thủy sản của địa phương;
b) Các trang thiết bị chủ yếu phục vụ cho bốc dỡ hàng hóa của cảng được cơ giới hóa tối thiểu 70%;
c) Có diện tích vùng nước cảng tối thiểu từ 10 ha trở lên;
d) Có độ sâu luồng vào cảng và vùng nước trước cầu cảng theo quy định của Chính phủ;
đ) Có diện tích vùng đất cảng từ 2,5 ha trở lên; đối với cảng cá tại đảo, diện tích vùng đất cảng phải từ 0,5 ha trở lên; có nhà làm việc, công trình hạ tầng kỹ thuật đáp ứng quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và phòng, chống cháy, nổ;
e) Lượng hàng thủy sản qua cảng từ 15.000 tấn/năm trở lên; đối với cảng cá tại đảo, lượng hàng thủy sản qua cảng từ 1.000 tấn/năm trở lên.
3. Cảng cá loại III phải đáp ứng các tiêu chí sau đây:
a) Vị trí là nơi thu hút tàu cá của các địa phương trong tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
b) Có diện tích vùng đất cảng từ 0,5 ha trở lên; đối với cảng cá tại đảo, diện tích vùng đất cảng phải từ 0,3 ha trở lên; có nhà làm việc, công trình hạ tầng kỹ thuật đáp ứng quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và phòng, chống cháy, nổ.
1. Mở cảng cá khi có các điều kiện sau đây:
a) Đáp ứng các tiêu chí được quy định tại Điều 78 của Luật này;
b) Đã thành lập tổ chức quản lý cảng cá;
c) Có phương án khai thác, sử dụng cảng cá.
2. Đóng cảng cá khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Tổ chức quản lý cảng cá bị đình chỉ hoạt động hoặc tự chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật;
b) Độ sâu luồng vào cảng và vùng nước trước cầu cảng không đáp ứng được tiêu chí theo quy định đối với cảng cá loại I và loại II;
c) Đối với cảng cá loại I không còn đáp ứng tiêu chí quy định tại các điểm b, c và đ khoản 1 Điều 78 của Luật này mà không có biện pháp khắc phục kịp thời;
d) Đối với cảng cá loại II không còn đáp ứng tiêu chí quy định tại các điểm b, c và đ khoản 2 Điều 78 của Luật này mà không có biện pháp khắc phục kịp thời;
đ) Đối với cảng cá loại III không còn đáp ứng tiêu chí quy định tại điểm b khoản 3 Điều 78 của Luật này mà không có biện pháp khắc phục kịp thời.
3. Thẩm quyền công bố mở, đóng cảng cá như sau:
a) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố mở, đóng cảng cá loại I;
b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công bố mở, đóng cảng cá loại II;
c) Ủy ban nhân dân cấp huyện công bố mở, đóng cảng cá loại III.
4. Chính phủ quy định nội dung, trình tự, thủ tục công bố mở, đóng cảng cá.
1. Tổ chức quản lý cảng cá được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật.
2. Tổ chức quản lý cảng cá được giao quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng cảng cá, vùng đất cảng cá, vùng nước cảng cá; quản lý dịch vụ hậu cần nghề cá trong cảng cá.
3. Việc cho thuê, khai thác một phần hoặc toàn bộ cảng cá được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước hoặc hợp tác công tư thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và quy định khác của pháp luật có liên quan.
1. Tổ chức quản lý cảng cá có quyền sau đây:
a) Cho tổ chức, cá nhân thuê cơ sở hạ tầng để sản xuất, kinh doanh tại vùng đất cảng cá, vùng nước cảng cá theo phương án khai thác cảng cá đã được phê duyệt và theo quy định của pháp luật;
b) Không cho vào cảng cá hoặc yêu cầu rời cảng cá đối với người và tàu cá không tuân thủ nội quy của cảng cá;
c) Không cho thuê hoặc yêu cầu rời khỏi vùng đất cảng cá, vùng nước cảng cá đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tại vùng đất cảng cá, vùng nước cảng cá không tuân thủ nội quy của cảng cá, hợp đồng đã ký kết;
d) Thu phí, giá dịch vụ hoạt động tại cảng cá theo quy định của pháp luật;
đ) Xử lý hoặc đề nghị cơ quan chức năng của địa phương giải quyết vụ việc để bảo đảm an ninh trật tự, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và phòng chống cháy, nổ trong khu vực cảng cá.
2. Tổ chức quản lý cảng cá có nghĩa vụ sau đây:
a) Ban hành nội quy của cảng cá và thông báo công khai tại cảng cá;
b) Hướng dẫn, sắp xếp phương tiện ra, vào cảng, neo đậu trong vùng nước cảng cá; bảo đảm an toàn, thuận tiện cho người và phương tiện trong khu vực cảng cá;
c) Phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, kiểm soát hoạt động của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tại cảng cá, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và phòng chống cháy, nổ trong khu vực cảng cá; chủ động khắc phục, giải quyết hậu quả tai nạn, ô nhiễm môi trường tại cảng cá;
d) Thường xuyên cung cấp thông tin về tình hình thời tiết trên hệ thống thông tin của cảng cá; tổ chức trực ban và treo tín hiệu cảnh báo khi có thiên tai theo quy định; thông báo danh sách tàu cá, số người trên tàu neo đậu tại vùng nước cảng cá cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
đ) Chấp hành việc thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, an ninh trật tự, phòng chống cháy, nổ và các lĩnh vực khác có liên quan trong khu vực cảng cá;
e) Phối hợp và bố trí địa điểm làm việc để cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện thanh tra, kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành quy định của pháp luật về quản lý khai thác thủy sản, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, kiểm soát hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, an toàn thực phẩm và các lĩnh vực khác có liên quan trên tàu cá, tại cảng cá;
g) Người đứng đầu tổ chức quản lý cảng cá tổ chức thực hiện thống kê sản lượng thủy sản qua cảng, xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác theo quy định, thu nhận nhật ký, báo cáo khai thác thủy sản của tàu cá vào cảng, tổng hợp báo cáo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo định kỳ hoặc đột xuất theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
h) Từ chối không cho bốc dỡ sản phẩm tại cảng đối với tàu cá khai thác thủy sản bất hợp pháp và thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xem xét, xử lý theo quy định;
i) Trường hợp có tàu nước ngoài cập cảng, phải thông báo ngay cho cơ quan chức năng của địa phương để phối hợp quản lý;
k) Phối hợp với Cơ quan Bảo đảm an toàn hàng hải thông báo tình hình luồng lạch, phao tiêu báo hiệu, bảo đảm an toàn cho tàu cá ra, vào cảng cá;
l) Xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện duy tu, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng cảng cá bảo đảm an toàn cho người và phương tiện hoạt động trong cảng cá.
1. Thuyền trưởng phải thông báo ít nhất trước 01 giờ khi tàu vào cảng cá cho tổ chức quản lý cảng cá về số đăng ký của tàu, cỡ loại tàu, các yêu cầu về dịch vụ và yêu cầu khác nếu có, trừ trường hợp bất khả kháng.
2. Thuyền trưởng phải tuân thủ sự điều động tàu của tổ chức quản lý cảng cá và nội quy của cảng cá khi tàu vào cảng cá.
3. Chủ tàu, thuyền trưởng phải tuân thủ việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, chấp hành quy định của pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, phòng chống cháy, nổ; bảo đảm an toàn cho người và tàu cá.
4. Khi tàu rời cảng, thuyền trưởng phải thông báo ít nhất trước 01 giờ cho tổ chức quản lý cảng cá.
5. Tàu cá không được rời cảng cá trong các trường hợp sau đây:
a) Không bảo đảm điều kiện an toàn cho người và tàu cá;
b) Có hành vi vi phạm pháp luật thuộc trường hợp bị tạm giữ phương tiện theo quy định của pháp luật;
c) Có lệnh bắt giữ, tạm giữ tàu cá theo quyết định của Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền.
1. Tàu nước ngoài chỉ được vào cảng cá đã được ghi trong giấy phép hoạt động thủy sản hoặc cảng cá được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chấp thuận.
2. Trước khi vào cảng cá, thuyền trưởng phải thông báo ít nhất trước 24 giờ cho tổ chức quản lý cảng cá về tên tàu, hô hiệu, số đăng ký tàu, cỡ loại tàu, cơ quan cấp giấy phép khai thác, sản lượng, loài thủy sản trên tàu, thời gian dự kiến cập cảng và yêu cầu trợ giúp nếu có.
3. Khi vào cảng cá, thuyền trưởng phải tuân thủ nội quy của cảng cá và sự điều động tàu của tổ chức quản lý cảng cá, xuất trình và khai báo các thông tin, giấy tờ sau đây:
a) Sổ danh bạ thuyền viên và hộ chiếu của người đi trên tàu;
b) Giấy phép hoạt động thủy sản trong vùng biển Việt Nam;
c) Mục đích vào cảng cá;
d) Thời gian chuyến biển;
đ) Khối lượng, thành phần loài thủy sản khai thác hoặc được chuyển tải trên tàu cá đối với tàu khai thác và tàu vận chuyển thủy sản;
e) Vị trí, vùng biển khai thác, sản lượng thủy sản trên tàu đối với tàu khai thác thủy sản.
4. Trường hợp thuyền trưởng xuất trình giấy tờ khai thác thủy sản được xác nhận bởi cơ quan thẩm quyền nước ngoài thì không phải khai báo nội dung quy định tại các điểm d, đ và e khoản 3 Điều này.
5. Thuyền trưởng, thuyền viên và người trên tàu phải thực hiện thủ tục về xuất cảnh, nhập cảnh, hải quan, kiểm dịch theo quy định của pháp luật.
6. Khi tàu rời cảng cá, thuyền trưởng phải thông báo ít nhất trước 12 giờ cho tổ chức quản lý cảng cá.
7. Đối với tàu vào cảng cá trong trường hợp bất khả kháng, thuyền trưởng hoặc người điều khiển tàu ngay khi cập cảng cá phải thực hiện như sau:
a) Thông báo cho tổ chức quản lý cảng cá về tình trạng của tàu và số người trên tàu; chứng minh về tình trạng bất khả kháng; nêu rõ yêu cầu cần giúp đỡ;
b) Tuân thủ quy định tại khoản 5 Điều này.
8. Chủ tàu, thuyền trưởng phải tạo điều kiện thuận lợi và tuân thủ việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, chấp hành quy định của pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, phòng chống cháy, nổ; bảo đảm an toàn cho người và tàu.
9. Chủ tàu, thuyền trưởng phải chịu chi phí theo quy định.
1. Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá cấp vùng đáp ứng các tiêu chí sau đây:
a) Có vị trí là nơi gần ngư trường, tập trung tàu cá của nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đáp ứng thời gian di chuyển nhanh nhất cho tàu cá vào neo đậu tránh trú bão;
b) Có điều kiện tự nhiên thuận lợi, bảo đảm an toàn cho tàu cá neo đậu tránh trú bão;
c) Có khả năng neo đậu tối thiểu 1.000 tàu cá.
2. Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá cấp tỉnh đáp ứng các tiêu chí sau đây:
a) Có vị trí là nơi gần ngư trường truyền thống của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đáp ứng thời gian di chuyển nhanh nhất cho tàu cá vào neo đậu tránh trú bão;
b) Có điều kiện tự nhiên thuận lợi, bảo đảm an toàn cho tàu cá vào neo đậu tránh trú bão;
c) Có khả năng neo đậu tối thiểu 600 tàu cá.
1. Trong thời gian sử dụng cho tàu cá neo đậu tránh trú bão, khu neo đậu tránh trú bão do Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của địa phương quản lý, điều hành.
2. Trong thời gian không sử dụng cho tàu cá neo đậu tránh trú bão, việc quản lý, sử dụng khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá theo quy định sau đây:
a) Khu neo đậu tránh trú bão có vùng nước liền kề với vùng nước của cảng cá thì giao tổ chức quản lý cảng cá quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật;
b) Khu neo đậu tránh trú bão có vùng nước không liền kề với vùng nước của cảng cá thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao cho tổ chức phù hợp quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật.
3. Tổ chức được giao quản lý, sử dụng khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá có trách nhiệm xây dựng kế hoạch duy tu, bảo dưỡng công trình và được sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước để tổ chức thực hiện.
4. Quy định đối với tàu cá ra, vào khu neo đậu tránh trú bão như sau:
a) Trường hợp có thiên tai, tàu cá và các loại tàu thuyền khác vào khu neo đậu tránh trú bão không phải nộp phí;
b) Thuyền trưởng hoặc người điều khiển tàu cá khi vào khu neo đậu tránh trú bão phải chấp hành sự điều hành và hướng dẫn của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn;
c) Khi đã neo đậu an toàn, thuyền trưởng hoặc người điều khiển tàu cá phải thông báo cho Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn về tên, số đăng ký, tình trạng của tàu, số người trên tàu và yêu cầu khác nếu có;
d) Tàu cá chỉ được rời khu neo đậu tránh trú bão khi có thông báo hoặc có lệnh của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn;
đ) Trường hợp không có thiên tai, tàu, thuyền vào neo đậu phải nộp phí và các chi phí khác theo quy định; chấp hành sự điều hành, hướng dẫn của tổ chức được giao quản lý, sử dụng khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá.
1. Trước ngày 01 tháng 02 hằng năm, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh rà soát, thống kê báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn danh sách khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đủ điều kiện hoạt động để công bố trên phạm vi cả nước.
2. Nội dung chủ yếu công bố bao gồm:
a) Tên, loại khu neo đậu tránh trú bão;
b) Địa chỉ, vị trí tọa độ của khu neo đậu tránh trú bão;
c) Độ sâu vùng nước khu neo đậu tàu;
d) Sức chứa tàu cá tại vùng nước khu neo đậu tàu;
đ) Cỡ, loại tàu cá được vào khu neo đậu tránh trú bão;
e) Vị trí bắt đầu vào luồng, hướng của luồng, chiều dài luồng;
g) Số điện thoại, tần số liên lạc của thường trực Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của địa phương tại khu neo đậu tránh trú bão.
3. Trước ngày 31 tháng 3 hằng năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gửi văn bản đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng danh sách khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đủ điều kiện hoạt động trên phạm vi cả nước.
4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thông báo danh sách khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá trên địa bàn.
Kiểm ngư là lực lượng chuyên trách của Nhà nước, thực hiện chức năng thực thi pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
1. Kiểm ngư có nhiệm vụ sau đây:
a) Thực hiện tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, thanh tra, điều tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, áp dụng các biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật;
b) Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật Việt Nam, pháp luật quốc tế, pháp luật các nước có liên quan trong lĩnh vực thủy sản; hướng dẫn ngư dân và tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về thủy sản;
c) Điều động lực lượng phối hợp tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn theo quy định của pháp luật; tham gia công tác phòng, chống thiên tai;
d) Tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam trên các vùng biển theo quy định của pháp luật;
đ) Triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế về kiểm ngư;
e) Chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, huấn luyện chuyên môn, nghiệp vụ cho công chức, viên chức, kiểm ngư viên, thuyền viên tàu kiểm ngư;
g) Phối hợp với cơ quan khác có liên quan trong hoạt động kiểm ngư.
2. Kiểm ngư có quyền hạn sau đây:
a) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết cho công tác thanh tra, tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, điều tra, phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản;
b) Quản lý, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật, các biện pháp nghiệp vụ để thực hiện nhiệm vụ kiểm ngư theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và quy định khác của pháp luật có liên quan;
c) Truy đuổi, bắt, giữ và áp dụng các biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật trong trường hợp người và phương tiện vi phạm pháp luật không tuân theo hiệu lệnh, chống đối hoặc cố tình bỏ chạy.
1. Tổ chức Kiểm ngư bao gồm:
a) Kiểm ngư trung ương;
b) Kiểm ngư tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển được tổ chức trên cơ sở yêu cầu bảo vệ nguồn lợi thủy sản và nguồn lực của địa phương.
2. Chính phủ quy định chi tiết tổ chức Kiểm ngư, quản lý nhà nước, chế độ, chính sách đối với Kiểm ngư.
1. Kiểm ngư viên là công chức được bổ nhiệm vào ngạch Kiểm ngư viên.
2. Kiểm ngư viên được cấp thẻ kiểm ngư, trang phục, phù hiệu, cấp hiệu, biển hiệu kiểm ngư và trang thiết bị chuyên dụng.
3. Kiểm ngư viên có quyền hạn, trách nhiệm sau đây:
a) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết cho công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, điều tra, phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản;
b) Xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật;
c) Được sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện và trang thiết bị chuyên dụng theo quy định của pháp luật;
d) Khi thi hành công vụ phải mặc trang phục, mang phù hiệu, cấp hiệu, biển hiệu kiểm ngư theo quy định;
đ) Phải tuân thủ pháp luật, chịu trách nhiệm trước thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp và trước pháp luật về thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
1. Thuyền viên tàu kiểm ngư bao gồm:
a) Công chức được bổ nhiệm vào ngạch Thuyền viên tàu kiểm ngư;
b) Viên chức được tuyển dụng theo vị trí việc làm trên tàu kiểm ngư;
c) Người làm việc theo hợp đồng lao động trên tàu kiểm ngư.
2. Thuyền viên tàu kiểm ngư khi thi hành công vụ phải mặc trang phục, mang phù hiệu, cấp hiệu, biển hiệu kiểm ngư theo quy định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
3. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của thuyền viên tàu kiểm ngư và định biên thuyền viên tàu kiểm ngư.
1. Cộng tác viên kiểm ngư là công dân Việt Nam cung cấp thông tin, hỗ trợ hoạt động của kiểm ngư.
2. Cộng tác viên kiểm ngư được cơ quan Kiểm ngư thanh toán chi phí hoạt động và hưởng chế độ về cung cấp tin báo theo quy định của pháp luật; được bảo đảm bí mật về nguồn tin cung cấp; được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp theo quy định của pháp luật.
1. Kiểm ngư được trang bị tàu kiểm ngư, phương tiện thông tin liên lạc chuyên dùng, thiết bị đặc thù, vũ khí, công cụ hỗ trợ để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm ngư theo quy định của pháp luật.
2. Công chức, viên chức và người lao động theo hợp đồng làm việc trong cơ quan Kiểm ngư có trang phục thống nhất.
3. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về trang phục của Kiểm ngư; màu sơn, số hiệu, định mức hoạt động của tàu kiểm ngư; đăng ký, đăng kiểm tàu kiểm ngư.
1. Kinh phí đầu tư và kinh phí hoạt động của Kiểm ngư được bố trí từ ngân sách nhà nước theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành và các nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật.
2. Tiền thu được từ xử phạt vi phạm hành chính của Kiểm ngư được nộp vào ngân sách nhà nước. Cơ quan Kiểm ngư được cấp lại một phần kinh phí thu được từ xử phạt vi phạm hành chính để phục vụ cho hoạt động kiểm ngư.
1. Trong trường hợp khẩn cấp, việc điều động, huy động lực lượng, phương tiện trong hoạt động kiểm ngư được quy định như sau:
a) Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành lệnh điều động lực lượng, phương tiện thuộc quyền quản lý; đề nghị Bộ trưởng các Bộ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan huy động lực lượng, phương tiện;
b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành lệnh điều động, huy động lực lượng, phương tiện của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn.
2. Tổ chức, cá nhân được huy động lực lượng, phương tiện phải chấp hành lệnh điều động của người có thẩm quyền.
3. Cơ quan điều động, huy động phải thanh toán chi phí cho tổ chức, cá nhân được điều động, huy động theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính; tổ chức, cá nhân khi thực hiện lệnh điều động, huy động mà bị thiệt hại thì được đền bù; cá nhân hy sinh, bị thương thì được xem xét hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng.
1. Cơ sở mua, bán, sơ chế, chế biến thủy sản, sản phẩm thủy sản phải đáp ứng các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, phòng chống cháy, nổ.
2. Thủy sản, sản phẩm thủy sản được mua, bán, sơ chế, chế biến phải có hồ sơ nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm.
3. Mua, bán thủy sản tại vùng công bố dịch bệnh phải thực hiện theo quy định của pháp luật về thú y, bảo vệ và kiểm dịch thực vật.
1. Bảo quản thủy sản, sản phẩm thủy sản trên tàu cá, phương tiện vận chuyển thủy sản; cảng cá, chợ thủy sản đầu mối; kho lạnh thủy sản, cơ sở mua, bán, sơ chế, chế biến thủy sản được thực hiện theo quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm.
2. Không sử dụng phụ gia, chất hỗ trợ chế biến thủy sản đã quá thời hạn sử dụng, ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc trong danh mục được phép sử dụng nhưng vượt quá giới hạn cho phép; hóa chất không rõ nguồn gốc, hóa chất bị cấm sử dụng để bảo quản thủy sản, sản phẩm thủy sản.
1. Tổ chức, cá nhân nhập khẩu thủy sản, sản phẩm thủy sản phải có hồ sơ nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đáp ứng chất lượng, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh theo quy định của pháp luật.
2. Tổ chức, cá nhân xuất khẩu thủy sản, sản phẩm thủy sản thực hiện theo yêu cầu của nước nhập khẩu và quy định tại khoản 3 Điều này.
3. Tổ chức, cá nhân được phép xuất khẩu thủy sản sống trong các trường hợp sau đây:
a) Không có tên trong Danh mục loài thủy sản cấm xuất khẩu;
b) Có tên trong Danh mục loài thủy sản xuất khẩu có điều kiện khi đáp ứng các điều kiện quy định trong Danh mục loài thủy sản xuất khẩu có điều kiện;
c) Có tên trong Danh mục loài thủy sản cấm xuất khẩu hoặc không đáp ứng điều kiện quy định trong Danh mục loài thủy sản xuất khẩu có điều kiện vì mục đích nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế phải được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp phép trên cơ sở chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.
4. Tổ chức, cá nhân nhập khẩu thủy sản sống chưa có tên trong Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam để làm thực phẩm, làm cảnh, giải trí phải được đánh giá rủi ro theo quy định và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp phép. Đối với nhập khẩu thủy sản sống chưa có tên trong Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam để trưng bày tại hội chợ, triển lãm, nghiên cứu khoa học phải được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp phép.
5. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, quyết định kiểm tra hệ thống quản lý, sản xuất, kinh doanh thủy sản tại nước xuất khẩu theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên trong trường hợp sau đây:
a) Đánh giá để thừa nhận lẫn nhau;
b) Phát hiện nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, môi trường đối với thủy sản, sản phẩm thủy sản nhập khẩu vào Việt Nam.
6. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định trình tự, thủ tục đánh giá rủi ro, cấp phép nhập khẩu thủy sản sống.
7. Chính phủ ban hành Danh mục loài thủy sản cấm xuất khẩu, Danh mục loài thủy sản xuất khẩu có điều kiện.
1. Hoạt động chế biến, xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển, quá cảnh loài thủy sản hoang dã nguy cấp, quý, hiếm thuộc Phụ lục của Công ước quốc tế về buôn bán các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp; loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm phải tuân thủ quy định của Công ước quốc tế về buôn bán các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp và quy định của pháp luật Việt Nam.
2. Mẫu vật các loài thủy sản thuộc Phụ lục của Công ước quốc tế về buôn bán các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp; loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm được chế biến phải bảo đảm các quy định sau đây:
a) Mẫu vật có nguồn gốc hợp pháp từ cơ sở nuôi sinh trưởng, nuôi sinh sản và trồng cấy nhân tạo;
b) Mẫu vật có nguồn gốc khai thác hợp pháp từ tự nhiên;
c) Mẫu vật sau xử lý tịch thu theo quy định của pháp luật.
3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
1. Chợ thủy sản đầu mối được bố trí ở vùng sản xuất thủy sản tập trung hoặc nơi tiêu thụ thủy sản với khối lượng lớn, bao gồm hoạt động giao dịch, mua, bán, đấu giá thủy sản.
2. Phát triển chợ thủy sản đầu mối phải phù hợp với quy hoạch.
3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện kiểm soát an toàn thực phẩm tại chợ thủy sản đầu mối trên địa bàn.
4. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống nhất quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm thủy sản, hướng dẫn kiểm tra tại chợ thủy sản đầu mối, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm của chợ thủy sản đầu mối.
1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về thủy sản trong phạm vi cả nước.
2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về thủy sản và có trách nhiệm sau đây:
a) Quản lý nhà nước về hoạt động thủy sản trong phạm vi cả nước; xây dựng, chỉ đạo thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, đề án về hoạt động thủy sản;
b) Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật trong lĩnh vực thủy sản;
c) Chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện quan trắc, cảnh báo môi trường, phòng, chống dịch bệnh thủy sản, khai thác thủy sản trên biển; quản lý chế biến, thương mại thủy sản; chất lượng, an toàn thực phẩm thủy sản theo quy định của pháp luật; xây dựng, quản lý, hướng dẫn cập nhật, truy cập hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản;
d) Quản lý nhà nước về kiểm ngư; chỉ đạo thống nhất về chuyên môn, nghiệp vụ kiểm ngư;
đ) Tổ chức thực hiện việc cấp, cấp lại, gia hạn, thu hồi các loại giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ thuộc phạm vi quản lý trong hoạt động thủy sản; ủy quyền, phân cấp quản lý theo quy định của pháp luật;
e) Tổ chức điều tra, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, chuyển giao công nghệ; thẩm định, đánh giá tác động các hoạt động kinh tế gây ảnh hưởng đến hoạt động thủy sản;
g) Tổ chức hướng dẫn, kiểm tra quản lý nhà nước về cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá trên phạm vi cả nước; tổ chức tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ về quản lý cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá theo quy định của pháp luật; công bố danh sách cảng chỉ định có đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác;
h) Quản lý nhà nước đối với khu bảo tồn biển, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong phạm vi cả nước;
i) Quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện đào tạo, tập huấn, huấn luyện, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ trong lĩnh vực thủy sản; tổ chức thực hiện, hướng dẫn thống kê, thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, giáo dục pháp luật trong lĩnh vực thủy sản;
k) Quy định về chỉ tiêu, chất lượng nước cho nuôi trồng thủy sản, quy định quản lý kỹ thuật chuyên ngành trong hoạt động thủy sản;
l) Quản lý, chỉ đạo, xây dựng kế hoạch và tổ chức thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về thủy sản theo thẩm quyền; là cơ quan đầu mối thực hiện hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thủy sản;
m) Chủ trì, phối hợp với Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản;
n) Tổ chức thực hiện lưu giữ giống gốc, loài thủy sản bản địa có giá trị kinh tế.
3. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện quản lý nhà nước về thủy sản.
1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm sau đây:
a) Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản hướng dẫn tổ chức thi hành pháp luật về thủy sản;
b) Chỉ đạo, tổ chức quản lý hoạt động thủy sản trên địa bàn; tổ chức sản xuất khai thác thủy sản;
c) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tập huấn kiến thức, về thủy sản; xây dựng cơ sở dữ liệu về thủy sản trên địa bàn và cập nhật hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản;
d) Tổ chức thực hiện việc cấp, cấp lại, gia hạn, thu hồi các loại giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ thuộc phạm vi quản lý trong hoạt động thủy sản theo phân công, phân cấp;
đ) Chỉ đạo xây dựng kế hoạch, tổ chức thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về thủy sản theo thẩm quyền;
e) Bảo đảm chế độ, kinh phí, các điều kiện hoạt động cho Kiểm ngư địa phương theo quy định của pháp luật;
g) Tổ chức quản lý cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá theo phân cấp; thực hiện thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, chấp hành quy định của pháp luật về khai thác thủy sản, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, an toàn thực phẩm trên tàu cá, tại cảng cá, bảo vệ môi trường, phòng chống cháy, nổ tại cảng cá; thu thập, tổng hợp báo cáo số liệu về thủy sản qua cảng cá theo quy định;
h) Quản lý nhà nước đối với khu bảo tồn biển, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn.
2. Ủy ban nhân dân cấp huyện và cấp xã trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm sau đây:
a) Thực hiện nội dung, biện pháp quản lý trong hoạt động thủy sản trên địa bàn theo quy định của pháp luật;
b) Thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thủy sản theo phân cấp hoặc ủy quyền của Ủy ban nhân dân cấp trên trực tiếp;
c) Tổ chức, thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thủy sản trên địa bàn.
1. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm tuyên truyền, vận động thực hiện chính sách, pháp luật về thủy sản; tham gia ý kiến xây dựng pháp luật, thực hiện giám sát, phản biện xã hội trong lĩnh vực thủy sản theo quy định của pháp luật.
2. Tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội tham gia ý kiến xây dựng pháp luật trong lĩnh vực thủy sản; tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về thủy sản; tư vấn, tập huấn kỹ thuật về thủy sản; tham gia thực hiện hoạt động bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản.
1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2019.
2. Luật Thủy sản số 17/2003/QH11 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.
1. Sửa đổi mức xử phạt vi phạm hành chính tối đa trong lĩnh vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản, hải sản quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 24 của Luật Xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13 như sau: mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực quản lý nhà nước về thủy sản đối với cá nhân là 1.000.000.000 đồng.
2. Các loại giấy phép, giấy chứng nhận, giấy xác nhận, chứng chỉ, văn bản chấp thuận trong lĩnh vực thủy sản đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thì được sử dụng cho đến khi hết thời hạn.
3. Các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế - kỹ thuật đã được ban hành trước ngày Luật này có hiệu lực thì tiếp tục được áp dụng cho đến khi bị bãi bỏ hoặc thay thế.
Luật này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 21 tháng 11 năm 2017.
|
CHỦ TỊCH QUỐC HỘI |
NATIONAL ASSEMBLY |
SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM |
Law No.: 18/2017/QH14 |
Hanoi, November 21, 2017 |
Pursuant to the Constitution of the Socialist Republic of Vietnam;
The National Assembly promulgates Law on Fishery
This Law deals with fishery activities; rights and responsibilities of organizations and individuals involved in fisheries and state administration of fishery.
This Law applies to Vietnamese organizations and individuals, foreign individuals engaged in fishery in land, islands, archipelago and sea of Vietnam; Vietnamese individuals engaged in commercial fishing activities outside the Vietnam’s maritime boundary.
For the purpose of this law, the terms below will be construed as follows:
1. “fishery activities” means protection and development of aquatic resources, aquaculture, commercial fishing; processing, sale, purchase, export and import of aquatic products.
2. “aquatic resources” means organisms that live in natural water and have economic, scientific, tourism and entertainment value.
3. “recreation of aquatic resources” means a process of self-recovery, recovery of and increase in aquatic resources.
4. “co-management” means a management method in which the State shares its power and responsibilities with communities in protection of aquatic resources.
5. “community" means an organization established by voluntary members who manage and share their benefits and protect aquatic resources in a certain area. This organization may be a legal entity or not and shall be recognized and assigned to engage in co-management by a competent authority.
6. “marine protected area (MPA)”means a protected area that is established at sea, islands, archipelagos or in coastal waters to preserve marine biodiversity.
7. “endangered, precious and rare aquatic species” mean aquatic species that spend majority of or the whole life cycle living in water, are valuable to economy, science, health, ecology, scenery and environment; these species have a small population size or are facing extinction.
8. “native aquatic species” means an aquatic originating from and living in the natural environment of a certain geographical region.
9. “aquatic breed" means a species of aquatic animals or seaweeds used for breeding in aquaculture, including animal parents, eggs, sperms, embryos, larvae, body pieces, spores and offspring.
10. “aquatic purebred" means an aquatic breed whose heredity and capacity are stable and having the same genes and phenotypes.
11. “aquatic breed raising” means raising of aquatic larvae through development stages and finishing when they become breeders.
12. “testing of aquatic breeds” means caring, raising and monitoring of aquatic breeds in certain conditions and periods to determine differences, stability and consistency of capacity, quality, resistance and harmful effects of the breeds.
13. “assessment of aquatic breeds” means inspection and re-appraisal of capacity, quality, resistance and characteristics of the aquatic breeds.
14. “aquatic feed” means a product providing nutrients and useful components for growth of aquatic animals, including compound feeds, supplemental substances, fresh feeds and materials.
15. “product for adjusting aquaculture environment" means a product used for adjusting physical, chemical and biological properties of the environment in favor of aquaculture.
16. “testing of aquatic feeds and products for adjusting aquaculture environment” means a process of inspection, assessment and determination of characteristics, uses and effects of aquatic feed and products for adjusting aquaculture environment on the aquaculture environment and aquatic feed safety.
17. “marine aquaculture waters” means an area of sea which includes seawater and seabed determined from the lowest average edge of seawater in multiple years seawards for aquaculture.
18. “commercial fishing” means catching or fishing logistics for catching aquatic resources.
19. "fishing logistics" means exploration and search for, enticement, transport of caught aquatic resources in natural water.
20. "commercial fishing vessels " means watercrafts with engine or not, including vessel for catching aquatic resources and fishing logistics vessels.
21. “ship of fishery authority” means a watercraft for carrying out missions during aquatic resource investigation and assessment; inspecting, patrolling, controlling and supervising fishery activities.
22. “ship officers” means the master, chief engineer officer and title holders as prescribed that are assigned to work on a commercial fishing vessel or a ship of.
23. “crewmembers” means people who are assigned to work on commercial fishing vessels and ships of fishery authorities by the shipowner or master other than ship officers.
24. “fishing port” means a port for commercial fishing vessels, including port land areas and port waters.
25. “land area of fishing port” mean an area used for building quays, warehouses, workshops, head offices, service facilities, systems of traffic, communication, electricity and water and auxiliary works serving the port’s operation
26. “fishing port waters” means an area of water used for creating waters in front of quays, turning basins, anchorages, transshipment areas, channels leading to fishing ports and other auxiliary works.
27. “tracing of aquatic product” means monitoring and identification of an aquatic product through each stage of commercial fishing, aquaculture, processing and trading.
28. “impurities” means substances which is not natural component of aquatic products,
29. “regional fisheries management organization (RFMO)” means an organization which is responsible for regulating and taking measures for managing and preserving migratory fishes and aquatic species in international waters.
Article 4. Ownership of aquatic resources
Aquatic resources are owned by the entire people and managed by the State. Organizations and individuals have the right to catch aquatic resources in accordance with regulations of law.
Article 5. Principles of fishery activities
1. Fishery activities shall ensure national defense and security.
2. Commercial fishing shall depend on reserve of aquatic resources in combination with protection, recreation and development thereof and shall not exhaust aquatic resources and affect biodiversity; according to ecosystems and scientific indicators, carefully approach to ensure sustainable development.
3. Fishery activities shall adapt to climate change, actively prevent and control natural disasters, ensure safety for people and means of fishery activities; prevent and control aquatic epidemics, ensure food safety and environment safety.
4. Organizations and individuals that enjoy benefits from catching and use of aquatic resources or are involved in sectors producing direct effects on aquatic resources shall their interests and responsibilities ensured.
5. Fishery activities shall meet requirements of international integration and comply with international treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory.
Article 6. The State’s policies related to fishery activities
1. The State introduces investment policies on:
a) Research into, investigation, assessment, protection and recreation of aquatic resources and recovery of aquatic ecosystem; reservation of original breeds of native and endemic aquatic species having economic value and endangered, precious and rare aquatic species;
b) Building class-1 and class-2 fishing ports, sheltering anchorages, necessary infrastructure of MPAs, infrastructure of concentrated aquaculture areas and concentrated areas for producing aquatic breeds;
c) Building a system for monitoring and supervising activities of commercial fishing vessels at sea; a system of information and national database on fishery activities; a system for monitoring the environment and warning about epidemics in aquaculture environment.
2. According to each period and capacity of the state budget, the State provides assistance in:
a) Developing science and technologies, especially high, advanced and new technologies applied in generation of aquatic breeds; manufacture of national aquatic products and key aquatic products; manufacture of aquatic feed, products for adjusting aquaculture environment and technologies for processing by-products into food or materials for other economic sectors.
b) Developing human resources and providing vocational training in fishery;
c) Co-management in aquatic resource protection;
d) Building a large fishery center;
dd) Buying insurance for aquaculture at sea and island; crew accident insurance; insurance for hull and equipment of commercial fishing vessels extracting marine aquatic resources from the inshore route to the outer boundary of Vietnam's exclusive economic zone;
e) Developing fishery activities from the from the inshore route to the outer boundary of Vietnam’s exclusive economic zone; recovering production in case of environmental incidents, natural disasters and epidemics; providing assistance for fishermen when they are prohibited from extraction of aquatic resources or modify their vocations to reduce the coastal commercial fishing;
g) Building a national brand name, trade promotion and developing consumer market of aquatic products.
3. The State encourages domestic and foreign individuals and organizations to invest in activities prescribed in Clauses 1 and 2 of this Article and the following activities:
a) Organizing production according to value chain and model of association and cooperation;
b) Investing in advanced technologies applied in processing of aquatic products to improve value added of these products and reduce post-harvesting loss; building wholesale markets of aquatic products and promote brand names of aquatic products;
c) Investing in marine aquaculture and organic aquaculture;
d) Applying the quality management system to production and business of aquatic products; tracing of aquatic products.
Article 7. Prohibited actions in fishery activities
1. Destruction of aquatic resources, aquatic ecosystem, reproductive areas, areas where offspring live and residence of aquatic species.
2. Obstruction of natural migration patterns of aquatic species.
3. Encroachment of or damage to protected zones of aquatic resource and MPAs.
4. Catching of aquatic products, aquaculture and construction and other activities that affect the living environment and aquatic resources in subdivisions under strict protection and subdivisions of ecological recovery of MPAs.
5. Illegal operation of commercial fishing vessels and other watercrafts in subdivisions under strict protection of MPAs except for force majeure.
6. Illegal commercial fishing, failure to report and comply with regulations of law (hereinafter referred to as “illegal commercial fishing”); purchase, sale, transport, storage, preliminary processing and processing of aquatic products originating from illegal commercial fishing, aquatic products with impurities for commercial fraud purposes.
7. Use of banned substances or chemicals, toxins, explosives, electric impulses, electric currents, destructive methods, means and fishing tackle for extracting aquatic resources.
8. Use of fishing tackle for obstructing or causing damage to organizations or individuals that are engaged in fishing; anchoring or mooring vessels at places where commercial fishing tackle of organization or individuals that are engaged in fishing are located or places where other commercial fishing vessels are engaged in fishing, except for force majeure.
9. Throwing the fishing tackle in natural waters, except for force majeure.
10. Putting impurities into aquatic products for commercial frauds.
11. Use of antibiotics, veterinary drugs and plant protection drugs banned from use in aquaculture; chemicals, biological preparations and microorganisms banned from use in the production of aquatic feeds and products for adjusting aquaculture environment; use of aquatic breeds not included in the list of aquatic species permitted for trading in Vietnam for aquaculture.
12. Destruction and demolition causing damage to or encroachment of works in fishing ports and anchorages for avoiding storms; discharge of wastes into improper places in fishing ports and anchorages for avoiding storms.
13. Abuse of inspection, assessment of aquatic resources to cause damage to national defense, security, national interests, legal rights and interests of other organization and individuals; illegal provision and use of information and data on aquatic resources.
Article 8. International cooperation in fishery activities
1. Conclusion of and compliance with international treaties related to fishery activities.
2. Provision of assistance and investment in resources in fishery activities.
3. Provision of training in human resources; scientific research, technological development and technology transfer; exchange of information, trade and experience related to fishery activities.
4. Conservation and management of organism resources in international waters in accordance with regulations issued by regional fishery organizations and United Nations Convention on the law of the Sea 1982.
5. Cooperation in inspecting and taking actions against illegal commercial fishing inside and outside the territory of Vietnam in accordance with regulations of international treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory.
Article 9. Fishery national database
1. The fishery national database shall be established consistently from central authorities to local authorities, be standardized for update, use and management thereof using information technology.
2. Organizations and individuals shall update and use the fishery national database in accordance with regulations of law.
3. The Minister of Agriculture and Rural Development shall prescribe update, use and management of the fishery national database.
Article 10. Co-management in aquatic resource protection
1. A community will be recognized and assigned to management in aquatic resource protection if it satisfies the following conditions:
a) its members are households and individuals living and benefiting from aquatic resources in this area;
b) It has submitted application for co-management in protection of aquatic resource protection in a certain geographical area which has not been managed by other organizations or individuals;
c) It has its own plans for protecting and extracting aquatic resources and operating regulations
2. Power to recognize and assign management to communities shall be specified as follows:
a) The People’s Committee of each province has power to recognize and assign management in aquatic resource protection in areas located in at least 2 districts;
b) The People’s Committee of each district has power to recognize and assign management in aquatic resource protection in areas under its management;
c) Recognition and assignment of management in aquatic resource protection in areas located in at least 2 provinces or central-affiliated cities shall be negotiated by People’s Committees of these provinces or cities.
3. Contents of a decision on recognizing and assigning management to communities includes:
a) Name of the community and its representative;
b) Scope of assigned management;
c) Location and boundary of the assigned geographical area;
d) Plans for protecting and extracting aquatic resources and operating regulations of the community.
4. Regulatory authorities have the following rights and responsibilities:
a) Make decisions on recognizing and assigning management in aquatic resource protection;
b) Provide assistance for communities involved in co-management;
c) Inspect and supervise activities of communities;
d) Amend and revoke decisions on recognizing and assigning management in aquatic resource protection;
dd) Exercise rights and carry out responsibilities prescribed by law.
5. A community is entitled to:
a) Organize and manage aquaculture, protection and extraction of aquatic resources, tourism in combination with fishery activities in areas under its management;
b) Patrol and inspect aquaculture, catching, protection and development of aquatic resources in areas under its management; request competent authorities to take actions against violations;
c) Prevent violations committed in areas under its management in accordance with regulations of law and its operating regulations;
d) Be consulted about projects and activities directly related to ecosystem or aquatic resources in the areas under its management;
dd) Preferential and supporting policies in accordance with regulations of law;
e) Establish a community fund.
6. A community shall:
a) Comply with contents specified in the decision on recognizing and assigning management prescribed in Clause 3 of this Article;
b) Comply with regulations of law on fishery activities and follow inspections carried out by the competent authority in accordance with regulations of law;
c) Cooperate with competent authority in patrolling, inspecting, investigating, preventing and taking actions against violations committed in the area under its management;
d) Submit reports on its operation to the competent authority in accordance with regulations of law.
7. A decision on recognizing and assigning management in aquatic resource protection will be revoked if:
a) Its contents are erased or changed;
b) The community is dissolved according to its operating regulations or regulations of law;
c) The community fails to implement the plan for protecting and extracting aquatic resources or comply with it operating regulations;
d) The decision is revoked for national defense and security or public purposes according to a decision issued by the competent authority;
dd) There are other violations in which the decision shall be revoked.
8. A decision on recognizing and assigning management will be adjusted if there are changes in its contents
9. The authority recognizing and assigning management has power to revoke and adjust the decision's contents.
10. The Government shall provide detailed guidelines for this Article.
PROTECTION AND DEVELOPMENT OF AQUATIC RESOURCES
Article 11. The master plan for protecting and extracting aquatic resources
1. Bases for formulating the master plan for protecting and extracting aquatic resources include:
a) Strategies for socio-economic development; national defense and security;
b) Strategies for fishery development;
c) Strategies for sustainable extraction and use of marine and island resources and environmental safety; strategies for preserving biodiversity;
d) The national master plan;
dd) The national marine spatial planning;
e) The master plans and plans for using land;
g) The master plan for environmental protection; the master plan for preserving biodiversity;
h) Results of investigation into and assessment of aquatic resources;
i) Reality and demand for extracting and protecting aquatic resources;
k) Other bases prescribed by regulations of law on planning.
2. Main contents of the master plan for protecting and extracting aquatic resources include:
a) Assessment of management, extraction, protection and development of aquatic resources;
b) Determination of objectives and orientations; formulation of the master plan for management, extraction, protection and development of aquatic resources;
c) Geographical location, area, boundary and map of places where MPAs or protected area of aquatic resources are expected to be built.
d) Zoning for commercial fishing activities; quantity of commercial fishing vessels of each type of vocation; methods for managing, protecting and developing aquatic resources;
dd) Measures, programs and plans for implementing the master plan; resources and implementation of the master plan for protecting and extracting aquatic resources;
e) Other contents prescribed by regulations of law on planning.
3. The master plan for protecting and extracting aquatic resources shall be formulated approved and adjusted as follows:
a) The Ministry of Agriculture and Rural Development shall take charge and cooperate with Ministries, ministerial agencies and relevant People’s Committees of provinces in requesting the Prime Minister to approve the master plan for protecting and extracting aquatic resources;
b) The master plan for protecting and extracting aquatic resources shall be formulated, approved, published, implemented and adjusted in accordance with regulations of law on planning.
Article12. Investigation into and assessment of aquatic resources and living environment of aquatic species
1. Investigation into and assessment of aquatic resources and living environment of aquatic species aim to:
a) Provide information, data and scientific bases for management and sustainable use of aquatic resources;
b) Determine reserves and production of aquatic resources allowed to be caught, assess fluctuation of aquatic resources and living environment of aquatic species.
2. Investigation into and assessment of aquatic resources and living environment of aquatic species shall include the following activities:
a) Overall investigation into and assessment of aquatic resources and living environment in the whole country carried out every 5 years;
b) Annual inspection and assessment of commercial fishing;
c) Investigation into and assessment of aquatic resources and living environment of aquatic species according to each subject.
3. The Ministry of Agriculture and Rural Development shall:
a) Design and request the Prime Minister to approval and organize execution of the program for carrying out the overall investigation into and assessment of aquatic resources and living environment in the whole country every 5 years;
b) Carry out the investigation into and assessment of aquatic resources and living environment of aquatic species according to each subject;
c) Publish results of investigation into and assessment of aquatic resources and living environment of aquatic species.
4. The People’s Committee of each province shall:
a) Carry out investigation into and assessment of aquatic resources and living environment according to each subject, commodity fishery in its province according to instructions given by the Ministry of Agriculture and Rural Development;
b) Cooperate in investigation into and assessment of aquatic resources and living environment of aquatic species in accordance with regulations of Point a Clause 2 of this Article.
5. The Minister of Agriculture and Rural Development shall provide procedures and guidelines for carry out investigation into and assessment of aquatic resources and living environment of aquatic species.
Article 13. Aquatic resource protection
1. Aquatic species and their living environment, reproductive areas, areas where offspring live and migration patterns of aquatic species are entitled to aquatic resource protection.
2. Organizations and individuals shall:
a) Protect and extract aquatic resources in accordance with regulations of this Law and other relevant regulations of law;
b) Create migration patterns or corridors for moving by aquatic species when constructing, changing or demolishing construction works or carry out other activities related migration patterns of aquatic species;
c) Leave corridors for moving by aquatic species when they are engaged in fixed fishery activities in rivers and lagoons;
d) Take remedy and pay compensation for damage caused by their actions when they discharge, explore and extract natural resources, construct or demolish underwater works or works within subaqueous soil causing decline or extinction of aquatic resources or damage to living environment, reproductive areas, areas where offspring live and migration patterns of aquatic species;
dd) Comply with this Law and other relevant regulations of law when carrying out fishery activities or other activities causing direct effects on living environment, migration patterns and recreation of aquatic species.
3. The Ministry of Agriculture and Rural Development shall:
a) Design and request the Prime Minister to approve and organize execution of national programs for protecting and developing aquatic resources;
b) Make and request the Prime Minister to issue the list of endangered, precious and rare aquatic species; criteria on determining, regulations on managing and protecting and procedures for extracting endangered, precious and rare aquatic species;
c) Formulate and issue plans and measures for managing aquatic resources;
d) Organize investigation, collection, conservation of and survey on original breeds of native and endemic aquatic species having economic value and endangered, precious and rare aquatic species;
dd) Publish natural migration patterns of aquatic species.
4. The Minister of Agriculture and Rural Development shall specify criteria and issue the list of fisheries and fishing tackle banned from use in commercial fishing and the list of areas banned from commercial fishing for a fixed term.
5. The People’s Committee of each province shall:
a) Specify banned industries, commercial fishing tackle and areas not included in the lists prescribed in Clause 4 of this Article in conformity with protection and extraction of aquatic resources in its province after getting permission from the Ministry of Agriculture and Rural Development;
b) Formulate and organize the implementation of plans for protecting and developing aquatic resources in its province in conformity with the national program for protecting and developing aquatic resources that has been approved by the Prime Minister.
Article14. Recreation of aquatic resources and recovery of living environment of aquatic species
1. Recreation of aquatic resources and recovery of living environment of aquatic species include the following activities:
a) Research into and application of science and technology to recreation of aquatic resources and recovery of living environment of aquatic species;
b) Releasing endangered, precious and rare aquatic species; aquatic species having economic and scientific value, native aquatic species and endemic aquatic species into natural waters;
b) Building artificial habitats for endangered, precious and rare aquatic species; aquatic species having economic and scientific value, native aquatic species and endemic aquatic species into natural waters;
d) Managing recovered areas and recreated aquatic species.
2. The Ministry of Agriculture and Rural Development shall manage and organize inspection and supervision of recreation of aquatic resources and recovery of living environment of aquatic species in the whole country.
3. The People’s Committee of each province shall organize the recreation of aquatic resources and recovery of living environment of aquatic species in its province.
4. Organizations and individuals are encouraged to recreate aquatic resources and recover living environment of aquatic species.
1. MPAs include national parks, nature reserves, species and habitat conservation areas and landscape protection zones. MPAs shall be classified in accordance with regulations of law on biodiversity.
2. Requirements for nature reserves and landscape conservation areas shall be established in accordance with regulations of law on biodiversity.
3. Requirements for a national park include:
a) Its marine ecosystem is significant to Vietnam and the world, is special or represents a natural ecoregion.
b) The park is a regular or seasonal natural habitat of at least an aquatic species included in the list of endangered, precious and rare aquatic species that are entitled to prior protection or included in the group of aquatic species banned from extraction of the abovementioned list;
c) It has special values to science and education;
d) It has environmental landscapes, unique beauty of nature and ecotourism values.
4. Requirements for a species and habitat conservation include:
a) A national species and habitat conservation is a regular or seasonal natural habitat of at least one aquatic species included in the list of endangerd, precious and rare aquatic species that are entitled to prior protection or included in the group of aquatic species banned from extraction of the abovementioned list and has special values to science and education;
b) A species and habitat conservation of a province is a regular or seasonal natural habitat of at least one endemic aquatic species or native aquatic species that have special values to science and economy and has special values to ecology and environment.
Article 16. Establishment of MPAs
1. National MPAs shall be established in accordance with regulations of law on biodiversity.
2. The Minister of Agriculture and Rural Development shall prescribed procedures for planning and appraising projects on establishment of MPAs and contents of decisions on establishment of MPAs of provinces.
3. Responsibilities for submitting projects on establishment of national MPAs are specified as follows:
a) The Ministry of Agriculture and Rural Development shall request the Prime Minister to issue decisions on establishment of MPAs located in at least 2 provinces or central-affiliated cities;
b) The People’s Committee of each province shall request the Prime Minister to issue decisions on establishment of MPAs located in the province after getting written permission from the Ministry of Agriculture and Rural Development.
4. The Ministry of Agriculture and Rural Development shall request the Government to issue regulations on managing MPAs and submit annual reports on management of marine conservation to the Ministry of Natural Resources and Environment.
Article 17. Aquatic resource protected areas
1. An aquatic resource protected area is a habitat, reproductive area or a place where offspring live regularly or seasonally of at least one aquatic species included in the list of endangerd, precious and rare aquatic species, native aquatic species or transboundary aquatic species.
2. Aquatic resource protected areas shall be investgated and determined as follows:
a) The Ministry of Agriculture and Rural Development shall investigate and determine aquatic resource protected areas and issue the list thereof in the whole country;
b) The People’s Committee of each province shall investigate and determine additional aquatic resource protected areas in the province and submit a report to the Ministry of Agriculture and Rural Development for considering and making additions to the list of aquatic resource protected areas.
3. The People’s Committee of each province shall manage aquatic resource protected areas in the country.
4. The Minister of Agriculture and Rural Development shall provide guidelines for managing aquatic resource protected areas.
Article 18. Management of aquatic resources and aquatic ecosystem in reserve forests and protection forests
1. The organization managing reserve forests and protection forests shall:
a) Specify contents of management and conservation of aquatic resources and aquatic ecosystem in the plan for managing reserve forests and protection forests;
b) Manage aquatic resources and aquatic ecosystem in reserve forests and protection forests in accordance with regulations of this Law and other relevant regulations of law;
c) Assign qualified people to manage aquatic resources and aquatic ecosystem;
d) Assess condition of aquatic resources and aquatic ecosystems in reserve forests and protection forests and conserve aquatic resources and aquatic ecosystems;
dd) Submit annual or ad hoc reports on management of aquatic resources and aquatic ecosystem to the regulatory authority in charge of fishery (hereinafter referred to as “fishery authority”).
2. Fishery authorities shall provide guidelines for and inspect the management of aquatic resources and aquatic ecosystem in reserve forests and protection areas.
Article 19. Management of aquatic resources in wetland reserves
1. The authority setting up projects on establishment of wetland reserves having aquatic resources shall get written permissions from the Ministry of Agriculture and Rural Development.
2. The organization managing wetland reserves shall:
a) Specify contents of conservation of aquatic resources in plans for managing wetland reserves;
b) Manage aquatic resources and aquatic ecosystem in wetland reserves in accordance with regulations of this Law and other relevant regulations of law;
c) Assign qualified people to manage aquatic resources;
d) Assess condition of aquatic resources in wetland reserves;
dd) Submit annual or ad hoc reports on management of aquatic resources to fishery authorities.
3. Fishery authorities shall provide guidelines for and inspect the management of aquatic resources and aquatic ecosystem in wetland reserves.
Article 20. Funding for protection and development of aquatic resources
1. State budget
2. Funds for protection and development of aquatic resources
3. Community funds
4. Other sources of finance prescribed by regulations of law on planning
Article 21. Fund for protection and development of aquatic resources
1. Fund for protection and development of aquatic resources is an off-budget fund, including central funds and provincial funds used for raising social resources for protection and development of aquatic resources.
2. Power to establish funds for protection and development of aquatic resources is specified as follows:
a) The Minister of Ministry of Agriculture and Rural Development shall decide to establish central funds;
b) Chairman/Chairwoman of People’s Committee of each province shall decide to establish provincial funds based on demand and raised resources of the province.
3. Operating principles of funds for protection and development of aquatic resources are specified as follows:
a) The funds are non-profit;
b) The funds are used for assisting programs, projects or non-project activities related to protection and development of aquatic resources that have not been funded by the state budget or have not satisfied investment requirements;
c) The funds are used transparently and effectively for proper purposes and in accordance with regulations of law.
4. Sources of finance used for establishing funds for protection and development of aquatic resources include:
a) Voluntary contributions by organizations and individuals causing effects on aquatic resources, living environment, reproductive areas, areas where offspring live and migration patterns of aquatic species.
b) Money from sponsor, charity and trustee by domestic and foreign organizations and individuals;
c) Other sources of finance prescribed by law.
5. The Government shall prescribe functions, duties, organizational structure; operation, management and use of funds for protection and development of aquatic resources.
1. Community fund is a fund established for providing assistance in protecting and developing aquatic resources. The State encourages organizations and individuals to establish community funds.
2. Community funds shall be granted by funds for protection and development of aquatic resources and other legal sources of finance.
3. Community funds shall be organized and operated in accordance with regulations of law on funds
Article 23. Management of aquatic breeds
1. An aquatic breed shall satisfy the following requirements after being launched:
a) The breed is included in the list of aquatic species allowed to be traded in Vietnam;
b) It has declaration of applied standards and declaration of conformity in accordance with regulations of law;
c) Its quality is conformable with applied standards;
d) It has undergone quarantine in accordance with regulations of law.
2. The Minister of Agriculture and Rural Development shall:
a) Issue national technical regulations on aquatic breeds; regulations on useful life of parent aquatic breeds and request the Government to issue the list of aquatic species allowed to be traded in Vietnam;
b) Provide instructions on inspecting conditions of establishments manufacturing and raising aquatic breeds; quality of produced, imported and exported aquatic breeds prescribed in this Law and law on quality of goods and products; procedures for applying technical methods for dealing with violations of quality of aquatic breeds and provide instructions on updating information about aquatic breeds.
Article 24. Conditions of producers and raisers of aquatic breeds
1. A producer of aquatic breed will be issued with the certificate of eligibility if it satisfies the following conditions:
a) Facilities for production are conformable with aquatic species; there are isolation wards for monitoring the health of new-come aquatic species;
b) There are technicians who are trained in aquaculture, aquatic pathology or biology;
c) A system for controlling quality and biological safety is applied;
d) In case of production of parent aquatic breeds, the producer shall have aquatic purebreds or aquatic breeds that have been recognized through testing or results of science and technology missions that have been recognized or approved by competent authorities.
2. Raisers of aquatic breeds will be issued with certificates of eligibility if they satisfy all conditions prescribed in Points a, b and c Clause 1 of this Article.
Article 25. Issuance, reissuance and revocation of certificates of eligibility for producing or raising aquatic breeds
1. Power to issue, reissue and revoke certificates of eligibility for producing or raising aquatic breeds shall be specified as follows:
a) The Ministry of Agriculture and Rural Development has power to issue, reissue and revoke certificates of eligibility for producing or raising parent aquatic breeds;
b) The People’s Committee of each province has power to issue, reissue and revoke certificates of eligibility for producing or raising aquatic breeds in the province, except for the cases prescribed in Point a of this Clause.
2. Authorities issuing certificates of eligibility for producing or raising aquatic breeds shall inspect the maintenance of eligibility.
3. A certificate of eligibility for producing or raising aquatic breeds will be reissued if:
a) It is lost or damaged; or
b) The producer’s or raiser’s information specified in the certificate is changed.
4. A certificate of eligibility for producing or raising aquatic breeds will be revoked if:
a) Its contents are erased or changed;
b) The applicant fails to satisfy the conditions prescribed in Article 24 of this Law;
c) There are other violations in which the certificate shall be revoked.
5. The Government provide detailed guidelines for conditions, the time when inspection of eligibility maintenance is carried out; Contents of and procedures for issuance, reissuance and revocation of certificates of eligibility for producing or raising aquatic breeds.
Article 26. Rights and responsibilities of producers and raisers of aquatic breeds
1. A producer or raiser of aquatic breeds is entitled to:
a) Produce or raise aquatic breed in accordance with the certificate of eligibility for producing or raising aquatic breeds.
b) Receive training in regulations on aquatic breeds;
c) Advertise the aquatic breeds in accordance with regulations on advertisement;
d) Make complaints, denunciations and receive compensations in accordance with regulations of law.
2. A producer or raiser of aquatic breeds shall:
a) Make declaration of conformity in accordance with regulations of law on standards, technical regulations and law on quality of goods and products; ensure and take responsibility for quality of aquatic breeds having declaration of conformity;
b) Apply the quality management system to ensure quality of products prescribed in the applied standards;
c) Produce aquatic species included in the list of aquatic species allowed to be traded in Vietnam; ensure biosafety during the production or raising of aquatic species;
c) Label aquatic breeds in accordance with regulations of law on labels;
dd) Update information and submit reports during the production and raising of aquatic breeds to national database on fishery in accordance with regulations of law;
e) Keep a log and retain documents during the production and raising of aquatic resources for traceability;
g) Comply with inspection by competent authorities in accordance with regulations of law;
h) Comply with regulations and law on useful life of parent aquatic breeds.
Article 27. Import and export of aquatic breeds
1. Imported aquatic breeds shall have their quality inspected in accordance with regulations of law.
2. Organizations and individuals are allowed to import aquatic breeds included in the list of aquatic species allowed to be traded in Vietnam. The import of aquatic breeds that are not included in the abovementioned list for testing, scientific research, display and exhibition shall be licensed by the Ministry of Agriculture and Rural Development.
3. An organization or individual is allowed to export aquatic breeds if:
a) The breed is not included in the list of aquatic species banned from export;
b) The breeds satisfy the conditions prescribed in the list of exported aquatic species requiring certain conditions;
c) Export of aquatic breeds included in the list of aquatic breeds banned from export or aquatic breeds failing to satisfy the conditions prescribed in the list of aquatic species requiring certain conditions for scientific research and international cooperation shall be licensed by the Ministry of Agriculture and Rural Development according to the Prime Minister’s approval.
4. The Ministry of Agriculture and Rural Development will consider inspecting systems for managing and producing aquatic breeds in the exporting country in accordance with regulations of Vietnam law and international treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory if:
a) The assessment is made for mutual recognition;
b) There are risks to quality, environment and biosafety caused by aquatic species imported to Vietnam.
5. The Government shall provide detailed guidelines for this Article.
Article 28. Testing of aquatic breeds
1. Testing of an aquatic breed will be carried out if:
a) The breed is created domestically for the first time through artificial selection, hybridization or other technical methods other than aquatic species created from results of science and technology missions that have been recognized or approved by competent authorities;
b) The breed imported for production or trading is not included in the list of aquatic species allowed to be traded in Vietnam.
2. Organizations carrying out testing of aquatic species (hereinafter referred to as “testing organization”) shall satisfy the following requirements:
a) At least 2 technicians have bachelor degree or higher decree in aquaculture, aquatic pathology or biology;
b) Facilities and equipment for production are conformable with the aquatic species subject to testing;
c) The organization satisfies requirements for biosafety and environmental safety.
3. A testing organization has the following rights and responsibilities:
a) It may be involved in testing of aquatic species in accordance with regulations of law.
b) It may have its testing costs paid according to agreement with organizations and individuals in need of testing;
c) It may refuse to provide information related to testing results for the third party unless it is requested by competent authority;
d) It shall take responsibility for testing results;
c) It shall ensure biosafety and environmental safety during the testing;
e) Comply with inspection by competent authorities in accordance with regulations of law;
4. The Government shall provide detailed guidelines for Clause 2 of this Article, naming aquatic breeds and procedures for testing of aquatic breeds.
Article 29. Assessment of aquatic breeds
1. An aquatic breed shall be assessed:
a) At the request of competent authorities;
b) At the request of organizations and individuals in case of complaints or denunciation.
2. The Ministry of Agriculture and Rural Development shall publish testing organizations eligible for assessing aquatic breeds.
3. An assessing organization has the following rights and responsibilities:
a) It may assess aquatic species in accordance with regulations of law.
b) It may be paid for assessment in accordance with regulations of law;
c) It may refuse to provide information related to assessment results for the third party unless it is requested by competent authority;
d) It shall take responsibility for assessment results;
dd) It shall ensure biosafety and environmental safety during the assessment of aquatic breeds.
Article 30. Labels of and documents on transporting aquatic breeds
1. Aquatic breeds shall be labeled in accordance with regulations of law on labeling in case of transportation.
2. Transporters of aquatic species shall have documents on quality and quarantine of aquatic species in accordance with regulations of law.
Section 2. AQUATIC FEEDS AND PRODUCTS FOR ADJUSTING AQUACULTURE ENVIRONMENT
Article 31. Management of aquatic feeds and products for adjusting aquaculture environment
1. Aquatic feeds and products for adjusting aquaculture environment shall satisfy the following requirements before being launched:
a) They have declaration of conformity in accordance with regulations of law;
b) Their quality is conformable with applied standards;
c) Their information has been sent to the Ministry of Agriculture and Rural Development in accordance with regulations of law.
2. The Minister of Agriculture and Rural Development shall:
a) Issue national technical regulations on aquatic feeds and products for adjusting aquaculture environment;
b) Issue the list of chemicals, biological preparations and microorganisms banned from use in aquatic feeds and products for adjusting aquaculture environment;
c) Issue the list of chemicals, biological preparations, microorganisms and materials for manufacturing aquatic feeds allowed to be used in aquaculture in Vietnam based on testing results or results of science and technology missions that have been recognized or approved by the competent authorities or results of review, investigation and realistic assessment;
d) Provide instructions on inspecting conditions of producers, traders and importers of aquatic feeds and products for adjusting aquaculture environment; quality of produced, imported and exported aquatic feeds and products for adjusting aquaculture environment prescribed in this Law and law on quality of goods and products; procedures for applying technical methods for dealing with violations of quality of aquatic feeds and products for adjusting aquaculture environment;
dd) Provide detailed guidelines for Point c Clause 1 of this Article; prescribe naming and allowable errors in analysis of quality of and technical criteria on aquatic feeds and products for adjusting aquaculture environment that shall have declaration of standard conformity
Article 32. Conditions for producers of aquatic feeds and products for adjusting aquaculture environment
1. A producer of aquatic feeds and products for adjusting aquaculture environment will be issued with the certificate of eligibility if it satisfies the following conditions:
a) Place of production is located in an area not polluted by hazardous wastes and toxic chemicals;
b) The producer’s factory is encompassed by walls or fences for separation from outside;
c) Workshops and equipment are suitable for each type of products;
d) The producer is eligible for analyzing quality of products during the production;
dd) A system for controlling quality and biological safety is applied;
e) There are technicians who are trained in aquaculture, aquatic pathology, biology, chemistry or food technology;
1. The Government shall provide detailed guidelines for this Article.
Article 33. Conditions for traders and importer of aquatic feeds and products for adjusting aquaculture environment
A trader or importer of aquatic feeds and products for adjusting aquaculture environment shall satisfy the following conditions:
1. Place of sale and place of maintenance are separated from pesticides, fertilizers and toxic chemicals;
2. There is equipment for maintaining aquatic feeds and products for adjusting aquaculture environment according to instructions provided by their producers or providers.
Article 34. Issuance, reissuance and revocation of certificates of eligibility for producing aquatic feeds and products for adjusting aquaculture environment
1. Power to issue, reissue and revoke certificates of eligibility for producing aquatic feeds and products for adjusting aquaculture environment shall be specified as follows:
a) The Ministry of Agriculture and Rural Development has power to issue, reissue and revoke certificates of eligibility for producing aquatic feeds and products for adjusting aquaculture environment of foreign investors and foreign invested business entities;
b) The People’s Committee of each province has power to issue, reissue and revoke certificates of eligibility for producing aquatic feeds and products for adjusting aquaculture environment in the province, except for the cases prescribed in Point a of this Clause.
2. Authorities issuing certificates of eligibility for producing aquatic feeds and products for adjusting aquaculture environment shall inspect the maintenance of eligibility .
3. The certificate of eligibility for producing aquatic feeds and products for adjusting aquaculture environment will be reissued if:
a) It is lost or damaged; or
b) The producer’s information specified in the certificate is changed.
4. The certificate of eligibility for producing aquatic feeds and products for adjusting aquaculture environment will be revoked if:
a) Its contents are erased or changed;
b) The producer fails to satisfy the conditions prescribed in Clause 1 Article 32 of this Law;
c) There are other violations in which the certificate shall be revoked.
5. The Government shall provide detailed guidelines for conditions of producers and importers of aquatic feeds and products for adjusting aquaculture environment; contents and time of inspection of maintenance; contents of and procedures for issuance, reissuance and revocation of certificates of eligibility for producing aquatic feeds and products for adjusting aquaculture environment.
Article 35. Testing of aquatic feeds and products for adjusting aquaculture environment
1. Aquatic feeds and products for adjusting aquaculture environment shall be undergone testing if they contain chemicals, biological preparations, microorganisms and materials not included in the lists prescribed in Points b and c Clause 2 Article 31 of this Law.
2. An organization carrying out testing of aquatic feeds and products for adjusting aquaculture environment shall satisfy the following conditions:
a) At least 2 technicians have bachelor degrees or higher decrees in aquaculture, aquatic pathology or biology;
b) There are facilities serving the testing of aquatic feeds and products for adjusting aquaculture environment;
c) The organization satisfies requirements for biosafety and environmental safety.
3. Testing of aquatic feeds and products for adjusting aquaculture environment shall include the following activities:
a) Analysis of components and quality of products;
b) Analysis of characteristics and uses of products;
c) Analysis of toxicity and safety of the products to raised aquatic species, environment and users;
d) Other activities depending on specific characteristics of each product.
4. The organization carrying out testing of aquatic feeds and products for adjusting aquaculture environment has the following rights and responsibilities:
a) It may carry out testing of aquatic feeds and products for adjusting aquaculture environment in accordance with regulations of law.
b) It may be paid for testing activities in accordance with regulations of law;
c) It may refuse to provide information related to testing results for the third party unless it is requested by competent authority;
d) It shall take responsibility for testing results;
dd) It shall ensure biosafety and environmental safety during the testing;
e) It shall comply with inspection by competent authorities in accordance with regulations of law;
5. The People’s Committee of each province shall carry out testing in the province.
6. The Government shall provide detailed guidelines for Clauses 2 and 3 of this Article and prescribe procedures for testing of aquatic feeds and products for adjusting aquaculture environment.
Article 36. Import and export of aquatic feeds and products for adjusting aquaculture environment
1. Quality of imported quatic feeds and products for adjusting aquaculture environment shall be inspected.
2. Organizations and individuals may import quatic feeds and products for adjusting aquculture environment containing chemicals, biological preparations, microorganisms and materials of aquatic feeds included in the list of chemicals, biological preparations, microorganisms and materials of aquatic feeds allowed to be used in aquaculture in Vietnam. Import of quatic feeds and products for adjusting aquculture environment containing chemicals, biological preparations, microorganisms and materials of aquatic feeds included in the lists prescribed in Points b and c Clause 2 Article 31 of this Law for testing, scientific research, display in fairs and exhibitions shall be licensed by the Ministry of Agriculture and Rural Development.
3. Exported quatic feeds and products for adjusting aquaculture environment shall satisfy the requirements prescribed in law of the exporting country and Vietnam law.
4. The Ministry of Agriculture and Rural Development will consider inspecting systems for managing and producing aquatic feeds and products for adjusting aquaculture environment in the exporting country in accordance with regulations of Vietnam law and international treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory if:
a) The assessment is made for mutual recognition;
b) There are risks of food quality, food safety, epidemic or environmental issues caused by products imported to Vietnam.
5. The Government shall provide detailed guidelines for this Article.
Article 37. Responsibilities of producers, traders, importers and users of aquatic feeds and products for adjusting aquaculture environment
1. A producer of aquatic feeds and products for adjusting aquaculture environment shall:
a) Control quality of products during the production in accordance with regulations of law on quality of goods and products;
b) Make declarations of conformity in accordance with regulations of law.
c) Label products in accordance with regulations of law on labeling; keep a log and retain documents during the production for traceability;
d) Take legal responsibility for quality of its products; handle, recall or destroy products whose quality fails to satisfy requirements prescribed by law and pay compensations for damages to sellers and aquaculture farmers;
dd) Send information on its products to the Ministry of Agriculture and Rural Development in accordance with regulations of law before they are launched;
e) Comply with inspection by competent authorities in accordance with regulations of law;
2. A trader or importer of aquatic feeds and products for adjusting aquaculture environment shall:
a) Inspect origins, useful life and intactness of products, standard conformity marking and technical-regulation conformity marking (if any);
b) Take measures for maintaining quality of products according to instructions given by their producers;
c) Send information on the products imported for the first time to the Ministry of Agriculture and Rural Development in accordance with regulations of law before they are launched and make a declaration of standard conformity.
d) Comply with inspections of eligibility and quality of products in accordance with regulations of law; handle, revoke and destroy products violating regulations on food quality and safety and pay compensations for damage to aquaculture farmers in accordance with regulations of law.
3. A user of aquatic feeds and products for adjusting aquaculture environment shall:
a) Comply with regulations of law and instructions given by providers and producers related to transport, storage, maintenance and use of products;
b) Comply with inspections of quality of products carried out by fishery authorities; destroy aquatic feeds and products for adjusting aquaculture environment and raised aquatic species that fail to ensure food quality and safety in accordance with regulations of law.
Article 38. Conditions for organizations and individuals engaged in aquaculture
1. An organization or individual engaged in aquaculture shall satisfy the following requirements:
a) Place of aquaculture shall comply with regulations on using land and marine aquaculture waters in accordance with regulations of law;
b) Facilities are conformable with aquatic species and raising methods;
c) Regulations of law on environment safety, veterinary medicines and occupational safety are complied;
d) Regulations of law on food safety are complied;
dd) Cage culture and main aquatic species are registered.
2. Organizations and individuals raising aquatic species for ornamental purposes, entertainment, fine arts and cosmetics shall comply with regulations in Points a, b, c and dd Clause 1 of this Article.
3. Organizations and individuals engaged in mariculture shall formulate mariculture projects and be licensed by competent authorities, except for the individuals prescribed in Point a Clause 2 Article 44 of this Article.
4. The Prime Minister shall specify main aquatic species.
5. The Government shall provide detailed guidelines for conditions of organizations and individuals engaged in aquaculture; power, contents of and procedures for issuance of certificates of eligibility for aquaculture; power, contents of and procedures for registration of cage culture and main aquatic species; contents of and procedures for issuing licenses for mariculture activities.
Article 39. Power to issue licenses for mariculture
1. The People’s Committee of each province has power to issue licenses for mariculture to Vietnamese organizations and individuals within the waters extending 6 nautical miles from the lowest average edge of seawater in multiple years.
2. The Ministry of Agriculture and Rural Development has power to issue licenses for mariculture to Vietnamese organizations and individuals in waters with a distance of 6 nautical miles from the lowest average edge of seawater, border waters between provinces or central-affiliated cities and waters located in both outside and inside the waters extending 6 nautical miles from the lowest average edge of seawater in multiple years
3. The Government shall prescribe the issuance of licenses for mariculture to foreign investors and foreign invested business entities in accordance with regulations in Clause 1 Article 44 of this Article.
Article 40. Breeding, raising and artificial propagation of aquatic species prescribed in Appendices of Convention on International Trade in Endangered Species of Wild Fauna and Flora and endangered, precious and rare aquatic species
1. Organizations and individuals are allowed to breed, raise or carry out artificial propagation of aquatic species prescribed in Appendices of Convention on International Trade in Endangered Species of Wild Fauna and Flora (CITES) and endangered, precious and rare aquatic species in accordance with regulations of CITES and Vietnam law.
2. Fishery authorities of provinces shall manage and trace origins of aquatic species prescribed in Appendices of CITES and endangered, precious and rare aquatic species originating from aquaculture or nature.
3. The Government shall prescribe procedures for tracing origins of aquatic species prescribed in Clause 2 of this Article; conditions and power of and procedures for issuance of certificate of eligibility for breeding, raising and artificial propagation of aquatic species prescribed in Appendices of CITES and endangered, precious and rare aquatic species
Article 41. Environmental monitoring and warning and epidemic prevention in aquaculture
Environmental monitoring and warning and epidemic prevention in aquaculture shall be carried out in accordance with regulations of law on veterinary medicines and other relevant regulations.
Article 42. Rights and responsibilities organizations and individuals engaged in aquaculture
1. Organizations and individuals engaged in aquaculture are entitled to:
a) Be issued with the land use right certificates by the competent authorities in case of allocation or lease of land for aquaculture in accordance with regulations in Article 43 of this Law or decisions on allocating the right to use marine aquaculture waters in accordance with regulations in Article 44 of this Law;
b) Have their legal rights and interests protected from infringement committed by other organizations and individuals by the State during the aquaculture; receive compensations when the State expropriates land or marine waters for public, national defense and security purposes in the term of land or marine water allocation in accordance with regulations of law;
c) Receive notifications of environment and epidemics in aquaculture area and instructions on aquaculture techniques and information on market of aquatic products;
d) Be provided with assistance in production restoration by the State in case of damage caused by epidemics and natural disasters in accordance with regulations of law;
dd) Be issued with certificates of eligibility for aquaculture by competent authorities if required.
2. Organization and individuals engaged in aquaculture shall:
a) Use allocated land and waters for proper purposes and not beyond the prescribed boundary for aquaculture and protect common works for aquaculture;
b) Fulfill financial obligations to use land and marine aquaculture waters in accordance with regulations of law;
c) Monitor and supervise criteria on aquaculture environment in accordance with regulations of law;
d) Comply with regulations on prevention of natural disasters; ensure safety of people and property during the aquaculture; comply with regulations on food safety, biosafety and environmental safety;
dd) Use equipment, aquatic breeds, aquatic feeds, veterinary medicines for aquatic species and products for adjusting aquaculture environment in accordance with regulations of law;
e) Retain documents on aquatic breeds, veterinary medicines for aquatic species and products for adjusting aquaculture environment that are used during the aquaculture and other documents on the process of aquaculture to ensure traceability;
g) Take legal responsibility for aquaculture activities, food quality and safety of their aquatic products; be under inspection and supervision by competent authorities during the aquaculture;
h) Update information and report on the aquaculture on fishery national database;
i) Return land and marine aquaculture waters when being issued with decisions on land allocation in accordance with regulations of law.
Section 4. ALLOCATION, LEASE AND EXPROPRIATION OF LAND AND MARINE AQUACULTURE WATERS
Article 43. Land allocation, lease and expropriation for aquaculture
Land shall be allocated, leased or expropriated for aquaculture in accordance with regulations of law on land.
Article 44. Allocation of marine aquaculture waters
1. Marine waters shall be allocated for aquaculture according to the national marine spatial planning, planning of provinces and regulations of law on sea and ensure national defense and security.
2. Power to allocate marine waters without levy for aquaculture is specified as follows:
a) The People’s Committee of each district has power to allocate marine waters to Vietnamese individuals who shall modify from inshore commercial fishing to aquaculture according to decisions issued by competent authorities or the individuals permanently reside in the district, have their major incomes earned from aquaculture and are certified by People’s Committees of the communes where they reside. The People’s Committee of each district has power to allocate marine waters under its management extending 3 nautical miles from the lowest average edge of seawater in multiple years;
b) The People’s Committee of each province has power to allocate marine waters to Vietnamese organizations and individuals that carry out science and technology missions for aquaculture approved by competent authorities. The People’s Committee of each province has power to allocate marine waters under its management extending 6 nautical miles from the lowest average edge of seawarter in multiple years;
c) The Ministry of Natural Resources and Environment has power to allocate marine waters to Vietnamese organizations and individuals that carry out science and technology missions for aquaculture approved by competent authorities. The Ministry of Natural Resources and Environment has power to allocate marine waters under its management exceeding 6 nautical miles from the lowest average edge of seawarter in multiple years and border waters of provinces and central-affiliated cities.
3. Power to allocate marine waters with levy for aquaculture is specified as follows:
a) The People’s Committee of each province has power to allocate marine waters in the case prescribed in Clause 1 Article 39 of this Law;
b) The Ministry of Natural Resources and Environment has power to allocate marine waters in the cases prescribed in Clauses 2 and 3 Article 39 of this Law;
4. Period of allocation of marine aquaculture waters shall not exceed 30 years from the day on which the decision on allocating marine waters comes into force. When the abovementioned period expires, the State considers extending the allocation of marine waters for organizations or individuals wishing to continue using allocated marine waters. The allocation period may be extended more than once but total extension period shall not exceed 20 years. Period of allocation of marine waters for science and technology missions shall not exceed the period of these missions approved by competent authorities.
5. A decision on allocating marine aquaculture waters will be adjusted if:
a) Information on the organization or individual receiving marine aquaculture waters is changed;
b) Changes in contents of applications, science and technology missions or aquaculture projects cause changes in contents of the decision on allocating marine aquaculture waters.
6. The Government shall provide guidelines for allocation, extension, limit of and levies on marine waters and amendment to decisions on allocating marine aquaculture waters.
Article 45. Expropriation and requisition of marine waters that have been allocated for aquaculture
1. The State will expropriate the entire or partial marine waters that have been allocated for aquaculture if:
a) The organization or individual fails to use the marine waters in accordance with the decision on allocating marine aquaculture waters or violates regulations on protecting common works for aquaculture;
b) The organization or individual fails to use the entire or partial allocated marine aquaculture waters for more than 24 continuous months unless this organization or individual has reasonable purposes approved by the competent authority;
c) The marine waters are expropriated for public, national defense or security purposes;
d) The responsibilities prescribed in Clause 1 Article 47 of this Law are violated;
dd) The organization or individual fails to fulfill financial obligations prescribed in Point b Clause 2 Article 42 of this Law and fails to comply with penalties for administrative violations;
e) The decision is not conformable with the national marine spatial planning that has been approved by the competent authority;
g) The organization or individual no longer satisfies the conditions prescribed in Article 38 of this Law and fails to take remedial measures promptly.
2. The State decides to requisition marine waters if necessary for performance of national defense or security duties or in case of emergency, environmental incidents or prevention of natural disasters. Marine waters shall be requisitioned in accordance with regulations on compulsory purchase and requisition of property.
3. Authorities allocating marine aquaculture waters have power to expropriate the allocated waters.
4. The Government shall prescribe procedures for expropriation and requisition of marine waters that have been allocated for aquaculture.
Article 46. Rights of users of marine waters allocated by the State for aquaculture
1. Users of marine waters allocated by the State for aquaculture have the rights prescribed in Clause 1 Article 42 of this Law and are entitled to:
a) Use allocated marine aquaculture waters;
b) Return the entire or partial allocated marine waters;
c) Use information and data related to allocated marine waters in accordance with regulations of law.
2. Vietnamese individuals using marine waters allocated without levy by the State for aquaculture mentioned in Point a Clause 2 Article 44 of this Law have the rights prescribed in Clause 1 of this Article and may pledge their property on allocated marine waters in Vietnamese credit institutions in accordance with regulations of law.
3. Vietnamese individuals who use marine waters allocated with levy for aquaculture by the State and have paid annual levies have the rights prescribed in Clause 1 of this Article and are entitled to:
a) Mortgage their property on allocated sea water in Vietnamese credit institutions in accordance with regulations of law;
b) Transfer their property on allocated marine waters. Transferees that continue being engaged in aquaculture will have the rights as those of transferors.
4. Vietnamese users of marine waters allocated with levy by the State for aquaculture that have paid lump sum levies for the entire allocation period have the rights prescribed in Clause 1 of this Article and are entitled to:
a) Mortgage the right to use allocated marine waters and their property on these waters in Vietnamese credit institutions within the period of allocation in accordance with regulations of law;
b) Transfer the right to use marine waters and their property on these waters. Individuals may leave the right to use the allocated marine waters to their heirs in accordance with regulations of law. Transferees and heirs of the right to use allocated sea water for aquaculture have the rights prescribed in this Clause;
c) Use the right to use allocated marine waters and their property on these waters as stakes in accordance with regulations of law;
d) Lease the right to use marine waters and their property on these waters within the term of allocation. The marine waters shall only be leased if they have been invested in under the projects and are used for proper purposes by lessees.
5. The Government shall provide detailed guidelines for return of marine waters, pledge of the right to use marine waters; lease, use as stakes and transfer of the right to use allocated sea water between Vietnamese organizations and individuals; lease, use as stakes and transfer of the right to use allocated sea water between Vietnamese organizations and individuals and foreign investors and foreign invested business entities for aquaculture; rights of foreign investors and foreign invested business entities using marine waters allocated, leased, used as stakes or transferred by Vietnamese organizations and individuals for aquaculture and compensations for expropriating marine waters for public, national defense or security purposes.
Article 47. Rresponsibilities of users of allocated marine aquaculture waters
Users of marine aquaculture waters allocated by the State have the responsibilities prescribed in Clause 2 Article 42 of this Law and shall not:
1. Carry out activities affecting national defense, security, national sovereignty and interests at sea;
2. Obstruct basic investigations and scientific research related to natural resources, marine environment and other legal activities approved by competent authorities;
3. Foreign investors, foreign invested business entities using allocated marine aquaculture waters or marine waters whose use right is leased, received as stakes or transferred from Vietnamese organizations and individuals for aquaculture shall comply with the Government’s regulations
Section 1. DOMESTIC COMMERCIAL FISHING AND FISHING WITHIN THE VIETNAM’S MARITIME BOUNDARY
Article 48. Management of fishing areas
1. The Government shall prescribe fishing areas including the coastal waters, inshore waters and waters from the inshore route to the outer boundary of Vietnam’s exclusive economic zone and activities of commercial fishing vessels in the abovementioned areas.
2. The Ministry of Agriculture and Rural Development shall manage the commercial fishing in the waters from the inshore route to the outer boundary of Vietnam’s exclusive economic zone.
3. The People’s Committee of each province shall manage the commercial fishing in coastal and inshore waters and domestic commercial fishing in the province.
Article 49. Quota on issuance of marine fishing licenses
1. Bases for determining quota on issuance of marine fishing licenses include:
a) Results of aquatic resources investigation and assessment;
b) Variable trend of aquatic resources;
c) The maximum production of aquatic species allowed to be caught sustainably;
d) Structure of fishery vocations, aquatic species to be caught and fishing areas;
dd) The bases for catching aquatic migratory aquatic species or aquatic species living in shoals shall include those prescribed in Points a, b, c and d of this Clause and production allowed to be caught of each species. The Ministry of Agriculture and Rural Development shall determine the aquatic species prescribed in this Point.
2. Pursuant to Clause 1 of this Article, the Ministry of Agriculture and Rural Development shall determine and assign quotas on issuance of marine fishing licenses and production allowed to be caught of each species in the waters from the inshore route to the outer boundary of Vietnam’s exclusive economic zone of provinces.
3. Pursuant to Clause 1 of this Article, the People’s Committee of each province shall determine and assign quotas on issuance of marine fishing licenses and the production allowed to be caught of each species in the coastal waters and inshore water under it management.
4. The quota on issuance marine fishing licenses shall be published and adjusted every 60 months. If there is any variation in aquatic resources, according to results of investigation into and assessment of aquatic resources in each subject, annual investigation into and assessment of commercial fisheries, the Ministry of Agriculture and Rural Development and People’s Committees of provinces shall adjust the production allowed to be caught of each species.
Article 50. Commercial fishing licenses
1. Organizations and individuals using commercial fishing vessels with the maximum length of at least 6 meters for engaging in fishing shall have commercial fishing licenses.
2. The organization or individual prescribed in Clause 1 of this Article will be issued with the commercial fishing license if:
a) The marine fishing does not exceed the quota on issuance of marine fishing licenses;
b) The commercial fishing is not included in the list of banned vocations;
c) The commercial fishing vessel requiring inspection is issued with the certificate of technical safety;
d) The commercial fishing vessel is provided with communication equipment as prescribed by the Ministry of Agriculture and Rural Development;
dd) The commercial fishing vessel with the maximum length of at least 15 meters is equipped with the vehicle tracking device in accordance with the Government's regulations;
e) The organization or individual has obtained the registration certificate of commercial fishing vessels;
g) The master and chief engineer officer have degrees or certificates precribed by the Ministry of Agriculture and Rural Development;
h) In case of reissuance of the expired license, the organization or individual satisfy the requirements prescribed in Points b, c, d, dd, e and g of this Clause and have submitted extraction log in accordance with regulations of law and the commercial fishing vessel is not included in the list of illegal commercial fishing vessels published by the Ministry of Agriculture and Rural Development.
3. Main contents of the commercial fishing license include:
a) Name of the organization or individual;
b) Registration number, name and call sign of the commercial fishing vessel and the International Maritime Organization (IMO) number (if any);
c) Fishing vocations and areas;
d) Fishing period of each vocation;
dd) The production allowed to be caught of each species (if any);
e) The registered fishing port;
g) Expiry date
4. A commercial fishing license will be reissued if:
a) It is lost or damaged; or
b) The license holder’s information specified in the license or the registered fishing port is changed;
c) The license expires.
5. A commercial fishing license will be revoked if:
a) Its contents are erased or changed;
b) Aquatic species are extracted outside the Vietnam’s maritime boundary;
c) The registration of commercial fishing vessel has been cancelled;
d) The conditions prescribed in Clause 2 of this Article are no longer satisfied.
6. The period of a commercial fishing license is specified as follows:
a) The period of the license issued for the first time or reissued in accordance with regulations of Point c Clause 4 of this Article shall not exceed the remaining period of the fishing quota from the day on which it is issued;
b) The period of the license reissued in accordance with regulations in Points a and b Clause 4 of this Article shall be the same as the remaining period of the issued license.
7. Contents of a commercial fishing license will be adjusted if there is any variation in aquatic resources as prescribed in Clause 4 Article 49 of this Law. The Ministry of Agriculture and Rural Development and People’s Committees of provinces shall notify adjustments to licenses to extract aquatic resources to shipowners.
Article 51. Issuance, extension, reissuance and revocation of commercial fishing licenses
1. The People’s Committees of province have power to issue, extend, reissue or revoke commercial fishing licenses, except for the cases prescribed in Clause 2 of this Article.
2. The Ministry of Agriculture and Rural Development shall issue, extend and revoke commercial fishing licenses regarding foreign organizations and individuals engaged in commercial fishing activities within the Vietnam’s maritime boundary and Vietnamese organizations and individuals engaged in commercial fishing activities outside the Vietnam’s maritime boundary.
3. The Government shall provide guidelines for procedures for issuance, extension, reissuance and revocation of commercial fishing licenses.
Article 52. Rights and responsibilities organizations and individuals engaged in fishing activities
1. Organizations and individuals engaged in fishing activities are entitled to:
a) Be engaged in fishing activities in accordance with contents of their licenses;
b) Receive information on aquatic resources, fishery activities, markets of aquatic products and instructions on fishing technologies and techniques;
c) Have their legal rights and interests protected by the State during the fishing.
2. Organizations and individuals engaged in fishing shall:
a) Comply with regulations specified in commercial fishing licenses and maintain the conditions prescribed in Clause 2 Article 50 of this Law;
b) Comply with regulations on ensuring safety of people, commercial fishing vessels and food safety of caught aquatic species; actively take measures for preventing natural disasters and rescue people and ships in distress;
c) Fly the national flag of the Socialist Republic of Vietnam on their commercial fishing vessels; mark their commercial fishing vessels according to each fishing area, mark their fishing tackle that used at fisheries in accordance with regulations issued by the Ministry of Agriculture and Rural Development;
d) Comply with inspections carried out by competent authorities in accordance with regulations of law;
dd) Be involved in rescue and protection of sovereignty, security and order in fishing areas; denounce violations of law on fishery;
e) Comply with regulations on management of fishing areas, fishery vocations, size of aquatic species to be extracted and commercial fishing tackle; comply with adjustments to contents of commercial fishing licenses in case of notifications of adjustment to the production allowed to be caught of each species given by People’s Committees of provinces;
g) During the commercial fishing, the following documents shall be carried: the original copy or copy of the commercial fishing license in the case where this license is required, the certificate of technical safety in case of the commercial fishing vessel requiring inspection, the registration certificate of the commercial fishing vessel, the directory of ship officers, decrees and certificates of the master and chief engineer officer; ID cards, passports or other identity papers as prescribed by law on crewmembers;
h) Record and submit reports and fishing logbooks according to instructions provided by the Ministry of Agriculture and Rural Development.
Section 2. COMMERCIAL FISHING OUTSIDE THE VIETNAM’S MARITIME BOUNDARY
Article 53. Conditions for commercial fishing outside the Vietnam’s maritime boundary
1. Organizations and individuals engaged in fishing activities outside the Vietnam’s maritime boundary will be approved regarding commercial fishing in the maritime boundary of other countries or territories or licensed regarding commercial fishing in the waters under management of RFMOs by the Ministry of Agriculture and Rural Development if they satisfy the following conditions:
a) They are approved by competent authorities of the countries or territories owning fishing areas or issued with fishing quotas by the RFMOs;
b) Commercial fishing vessels are eligible for operation, have been registered, issued with certificates of technical safety whose remaining period is at least 6 months; have sufficient equipment for ensuring safety of people and commercial fishing vessels, suitable vehicle tracking devices and communication equipment;
c) Masters and chief engineer officers have degrees or certificates issued by competent authorities. Crewmembers have insurance and passports. At least one person working on the vessel or group of vessels can use English or a common language of the country or territory where the commercial fishing vessels extract aquatic species. The cross-border departure of commercial fishing vessels is not banned in accordance with regulations of law;
d) Other conditions prescribed by the RMFO, countries or territories are satisfied.
2. The Government shall provide detailed guidelines for this Article.
Article 54. Responsibilities of organizations and individuals engaged in commercial fishing outside the Vietnam’s maritime boundary
Organizations and individuals engaged in commercial fishing outside the Vietnam’s maritime boundary shall:
1. Be approved or licensed by the Ministry of Agriculture and Rural Development.
2. Go through procedures for exit and entry in accordance with regulations of Vietnam law and laws of the countries or territories where they extract aquatic species.
3. Comply with regulations of Vietnam law, regulations of international treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory, laws of countries and territories where aquatic species are extracted and regulations issued by the RFMOs managing the waters where aquatic species are extracted.
4. In case of accidents or dangers requiring assistance, crewmembers shall give emergency signals or and promptly contact the nearest competent authorities of the countries or territories; notify the nearest representative authorities of Vietnam in the countries or territories, fishery authorities of provinces or the Ministry of Agriculture and Rural Development.
5. During the commercial fishing, the masters shall carry original copies or certified copies of relevant documents issued by Vietnamese competent authorities and relevant documents issued by the countries or territories when the commercial fishing vessels operate in the waters under their management.
6. Cooperate with competent authorities in dealing with cases related to people and commercial fishing vessels used for fishing outside the territory of Vietnam.
7. The shipowners and masters shall provide ship officers with guidance on rights and responsibilities related to commercial fishing outside the Vietnam’s maritime boundary;
8. The shipowners shall buy insurance for crewmembers and cover all costs arising during the commercial fishing outside the Vietnam’s maritime boundary.
Section 3. COMMERCIAL FISHING BY FOREIGN COMMERCIAL FISHING VESSELS WITHIN THE VIETNAM’S MARITIME BOUNDARY
Article 55. Conditions for issuing licenses to foreign organizations and individuals engaged in commercial fishing within the Vietnam’s maritime boundary
Foreign organizations or individuals will be issued with commercial fishing licenses within the Vietnam’s maritime boundary if all of the following conditions are satisfied:
1. There are international agreements or international treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory; licenses or approvals granted by competent authorities of the country owning the commercial fishing vessels specifying that the commercial fishing within the Vietnam’s maritime boundary is allowed;
2. There are investment registration certificates issued by competent authorities or cooperation projects on engaged in fishing approved by the Prime Minister or cooperation projects on investigating and assessing aquatic resources, technical training, transferring technologies in fishery, collecting and transporting aquatic species within the Vietnam’s maritime boundary that have been approved by the Ministry of Agriculture and Rural Development or Chairmen/Chairwomen of People’s Committees of provinces.
Projects on fishing within the Vietnam’s maritime boundary are approved in accordance with regulations in Points a and b Clause 2 Article 50 of this Law. The commercial fishing vessels are not included in the list of illegal commercial fishing vessels made and published by Vietnamese competent authorities or RFMOs or international authorities;
3. There are registration certificates of commercial fishing vessels and certificates of technical safety whose remaining period is at least 6 months issued by the competent authorities of the flag state and certificates of use of frequency and radio transmitters issued by Vietnamese competent authorities;
4. There is a list of crewmembers. Masters and chief engineer officers have degrees or certificates suitable for types of vessels. Foreign crewmembers of foreign commercial fishing vessels operating within the Vietnam’s maritime boundary are approved by the Ministry of Public Security and Ministry of National Defense. Ship officers have passports and insurance;
5. There are vehicle tracking devices as prescribed by regulations and law;
6. At least one person working on the vessel is proficient in Vietnamese or English.
Article 56. Issuance, extension, reissuance and revocation of licenses of foreign organizations and individuals engaged in commercial fishing activities within the Vietnam’s maritime boundary
1. Main contents of the license include:
a) Name and address of the shipowner;
b) Registration number, name and call sign of the commercial fishing vessel and IMO number (if any);
c) Information on radio frequency;
d) Fishing areas, fishery vocations and operating fields of the commercial fishing vessels;
dd) Places where procedures for cross-border departure and arrival are gone through;
e) The registered port;
g) Expiry date
2. The period of the license shall depend on the period of investment registration or cooperation projects but shall not exceed 12 months.
3. The commercial fishing license issued to a foreign organization or individual will be extended more than once but each extension period shall not exceed 12 months if the following conditions are satisfied:
a) The investment registration certificate or cooperation project on fishery is valid;
b) Fishing logbooks or operating reports are submitted in accordance with regulations of law.
4. Foreign organizations or individuals will be reissued with commercial fishing licenses within the Vietnam’s maritime boundary if their licenses are lost, damaged or changed in the validity period of their investment registration certificates or cooperation projects on fishery.
5. The commercial fishing license issued to a foreign organization or individual will be revoked if:
a) Its contents are erased or changed;
b) The foreign organization or individual fails to comply with the contents specified in the license;
c) The investment registration certificate or cooperation project finishes before the expiry date of the license;
d) The conditions prescribed in Article 55 of this Law are no longer satisfied.
dd) The commercial fishing vessel is destroyed, sunk and cannot be salvaged or missing;
e) Aquatic species on the commercial fishing vessels originating from illegal commercial fishing.
6. The Ministry of Agriculture and Rural Development has power to issue, extend, reissue and revoke licenses to foreign organizations and individuals engaged in commercial fishing activities within the Vietnam’s maritime boundary.
7. The Government shall provide guidelines for issuance, extension, reissuance and revocation of licenses to foreign organizations and individuals engaged in commercial fishing activities within the Vietnam’s maritime boundary.
Article 57. Rights and responsibilities of foreign organizations and individuals engaged in commercial fishing activities within the Vietnam’s maritime boundary
1. Foreign organizations and individuals engaged in commercial fishing activities within the Vietnam’s maritime boundary are entitled to:
a) Be engaged in commercial fishing activities within the Vietnam’s maritime boundary in accordance with contents of their licenses;
b) Receive information related to fishery activities in accordance with regulations of Vietnam law if requested;
c) Have their legal rights and interests protected by the Vietnamese Government during the commercial fishing in Vietnam.
2. Foreign organizations and individuals engaged in commercial fishing activities within the Vietnam’s maritime boundary shall:
a) Pay sufficient fees and charges in accordance with regulations of Vietnam law and buy insurance for supervisor;
b) Only anchor the commercial fishing vessels in registered ports and send written notifications to the Ministry of Agriculture and Rural Development at least 7 working days from the day on which the vessels arrive in Vietnam; go through procedures for cross border departure and arrival in accordance with regulations of Vietnam law;
c) Carry sufficient original copies or certified copies of licenses for fishery activities issued by Vietnamese competent authorities, certificates of technical safety, licenses to use frequency of radio transmitters issued by Vietnamese competent authorities, directories of crewmembers;
d) Keep and submit fishing logbooks of every voyage regarding commercial fishing vessels; operating reports of every voyage regarding ships used for investigating and assessing aquatic resources, providing technical training, transferring fishery technologies, collect and transporting aquatic species in accordance with regulations issued by the Minister of Agriculture and Rural Development. Fishing logbooks or operating reports shall be made in Vietnamese or English;
dd) Comply with requirements of supervisors; ensure working and living conditions for supervisors; pick supervisors up and return them to places approved by the Ministry of Agriculture and Rural Development;
e) Comply with inspection and control by competent authorities in accordance with regulations of Vietnam law;
g) In case of accidents or dangers requiring assistance, crewmembers shall give emergency signals or and immediately notify the nearest Vietnamese relevant authorities;
h) Only sell aquatic products in Vietnam unless there is an export contract;
i) If a foreign vessel is shut down when its license is still valid, the shipowner shall send a written report to the Ministry of Agriculture and Rural Development at least 7 working days before it is shut down;
k) Fly national flags in accordance with the Government’s regulations
l) Comply with other regulations of Vietnam law and international treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory.
Article 58. Supervisors working on foreign commercial fishing vessels operating within the Vietnam’s maritime boundary
1. A foreign commercial fishing vessel operating within the Vietnam’s maritime boundary shall have supervisor(s) if it is used for:
a) Commercial fishing;
b) Investigating aquatic resources;
c) Providing technical training and transferring fishery technologies.
2. A supervisor shall satisfy the following requirements:
a) He/she is a part-time official or public employee appointed by the Ministry of Agriculture and Rural Development shall:
b) He/she satisfies health requirement for going out to sea;
c) He/she is qualified for supervision;
d) He/she is proficient in English or another common language of the country or territory having vessels engaged in fishery activities within the Vietnam’s maritime boundary.
3. If there are official(s), public employee(s) or employee(s) of the Ministry of Agriculture and Rural Development working on a foreign vessel engaged in fishery activities within the Vietnam’s maritime boundary under an approved project or contract, supervisor(s) are not required.
Article 59. Rights and responsibilities of supervisors
1. A supervisor is entitled to:
a) Request crewmembers to comply with regulations of Vietnam law and regulations specified in the licenses;
b) Request the master to take the vessel to the nearest port if it is found that the foreign crew and vessel commit serious violations of Vietnam law;
c) Inspect and supervise activities on the vessel, fish finders and communication equipment of the vessel;
d) Use communication equipment of the vessel for working if necessary;
dd) Have insurance during the supervision of the vessel;
e) Have his/her working and living conditions on the vessel ensured by the shipowner;
g) Receive salary, per diem and allowances in accordance with the Government's regulations
h) Receive other allowances and wages from partners if it is specified in a cooperation convention, projects or contract.
2. A supervisor shall:
a) Supervise activities and compliance with regulations of Vietnam law by foreigners and foreign vessels engaged in fishery activities within the Vietnam’s maritime boundary;
b) Submit sufficient and timely reports on information related to activities of foreign vessels according to assigned duties to the Ministry of Agriculture and Rural Development.
Section 4. ILLEGAL COMMERCIAL FISHING
Article 60. Illegal commercial fishing
1. Illegal commercial fishing activities include:
a) Commercial fishing without licenses;
b) Commercial fishing in the areas where it is banned, commercial fishing in the period when it is banned; catching and transporting aquatic species banned from commercial fishing; catching aquatic species whose sizes are smaller than those prescribed by law; being engaged in banned fisheries or using banned fishing tackle;
c) Illegally catch of endangered, precious and rare aquatic species;
d) Illegal commercial fishing in the waters under management of RFMOs, other countries or territories;
dd) Illegal commercial fishing exceeding the production of each aquatic species, failure to catch aquatic species in the areas and within the period specified in the licenses;
e) Concealment, counterfeiting or destruction of evidence for violations of regulations related to catching and protection of aquatic resources;
g) Stopping and resisting persons carrying out inspections and supervision of compliance with regulations on extracting and protecting aquatic resources;
h) Transshipping or providing assistance for vessels determined to be involved in illegal commercial fishing, except for force majeure;
i) Failure to have sufficient communication equipment and vehicle tracking devices or operate them in accordance with regulations of law;
k) Failure to have certificates of eligibility for food safety as prescribed by law;
l) Temporary importation, temporary exportation, merchanting trade and transit of aquatic species and aquatic products originating from illegal commercial fishing;
m) Failure to keep fishing logbooks, failure to keep sufficient and proper logbooks, failure to submit fishing logbooks or reports in accordance with regulations of law;
n) Use of stateless commercial fishing vessels or vessels obtaining nationality of non-member countries for illegal commercial fishing in the international waters under the management of RFMOs;
o) Failure to use commercial fishing vessels in accordance with regulations on extracting and protecting aquatic resources in the international waters not under the management of RFMOs;
2. Organizations and individuals violating regulations prescribed in Clause 1 of this Article, depending on extent of violations, shall face administrative penalties or criminal prosecution in accordance with regulations of law.
3. The Minister of Agriculture and Rural Development shall provide guidelines for publishing the list of commercial fishing vessels engaged in illegal commercial fishing.
Article 61. Confirmation and certification of origins of aquatic products derived from commercial fishing activities
1. Vietnamese competent authorities shall certify that materials and aquatic products are not derived from illegal commercial fishing activities within the Vietnam’s maritime boundary at the requests of organizations and individuals.
2. Competent authorities of the exporting country shall certify that imported aquatic materials are not derived from illegal commercial fishing activities at the requests of importers.
3. Aquatic products derived from imported aquatic materials shall be certified by Vietnamese competent authorities at the request of exporters if these materials are certified to be derived from legal commercial fishing activities by the competent authority of the exporting country.
4. The Minister of Agriculture and Rural Development shall provide guidelines for contents of and procedures for confirming aquatic material and certifying aquatic products derived from commercial fishing activities; confirming that imported aquatic materials or aquatic products manufactured from imported aquatic materials are not derived from illegal commercial fishing.
MANAGEMENT OF COMMERCIAL FISHING VESSELS, SHIPS OF FISHERY AUTHORITIES AND SHELTERING ANCHORAGES FOR COMMERCIAL FISHING VESSELS
Section 1: MANAGEMENT OF COMMERCIAL FISHING VESSELS AND SHIPS OF FISHERY AUTHORITIES
Article 62. Management of building, modification, chartering and purchase of commercial fishing vessels
1. The People’s Committees of each province shall publish quotas on issuance of commercial fishing licenses, quantity of issued marine commercial fishing licenses of the province; issue written approval for building, modification, chartering and purchase of commercial fishing vessels according to the quotas on issuance of commercial fishing licenses; establish and publish specific criteria of the province and procedures for processing applications for approving building, modification, chartering and purchase of commercial fishing vessels operating in the sea, issue and publish regulations on building, modification, chartering and purchase of commercial fishing vessels operating in inland waters under it management.
2. Organizations and individuals engaged in building, modification, chartering or purchase of commercial fishing vessels whose maximum length is at least 6 meters operating in the sea shall be approved by People’s Committees of provinces.
Article 63. Conditions for building, modification, chartering and purchase of commercial fishing vessels
A facility will be issued with the certificate of eligibility for building and modifying commercial fishing vessels if the following conditions are satisfied:
1. There are suitable facilities. Production and business plans are conformable with types and sizes of built or modified commercial fishing vessels;
2. There is a department of quality supervision and management to ensure that its products meet standards and conditions for quality, technical safety and environmental safety prescribed by law;
3. Human resources satisfy requirements for production and business;
4. System(s) for managing product quality and technology processes meet the prescribed requirements.
Article 64. Issuance, reissuance and revocation of certificates of eligibility for building and modifying commercial fishing vessels
1. People’s Committees of provinces have power to issue, reissue and revoke certificates of eligibility for building and modifying commercial fishing vessels.
2. The certificate of eligibility for building and modifying commercial fishing vessels will be reissued if:
a) It is lost or damaged; or
b) The holder’s information specified in the certificate is changed.
3. The certificate of eligibility for building and modifying commercial fishing vessels will be revoked if:
a) Its contents are erased or changed;
b) The shipyard fails to satisfy the conditions prescribed in Article 63 of this Law;
c) There are other violations in which the certificate shall be revoked.
4. The Government shall provide detailed guidelines for conditions and procedures for issuing, reissuing and revoking certificates of eligibility for building and modifying commercial fishing vessels.
Article 65. Rights and responsibilities of shipbuilders and modifying facilities of commercial fishing vessels
1. A shipbuilder or modifying facility of commercial fishing vessels is entitled to:
a) Build or modify commercial fishing vessels in accordance with regulations of law;
b) Receive fees for building and modification of commercial fishing vessels under agreements;
c) Exercise other rights prescribed by law.
2. A shipbuilder or modifying facility of commercial fishing vessels shall:
a) Only build or modify commercial fishing vessels requiring commercial fishing licenses in case of written approval of the People’s Committee of the province;
b) Be under technical supervision of the inspecting organization;
c) Build or modify commercial fishing vessels according to designs appraised and approved by the inspecting organization;
d) Take responsibility for quality of built and modified commercial fishing vessels;
dd) Submit regular or ad hoc reports on building and modification of commercial fishing vessel according to instructions given by the Ministry of Agriculture and Rural Development.
Article 66. Export and import of commercial fishing vessels and bareboat charter
1. Commercial fishing vessels shall be exported at the request of the importing countries.
2. An importer will be issued with licenses to import commercial fishing vessels for commercial fishing activities if the following conditions are satisfied:
a) The commercial fishing production does not exceed quota on issuance of commercial fishing license that has been determined;
b) The commercial fishing vessel has a legal origin;
c) The fishing vessel is covered by steel plates or new-material plates;
d) The maximum length of the commercial fishing vessel is at least 24 meters;
dd) The commercial fishing vessel's plates is produced for 5 years or less and the main engine is produced for 7 years or less from the production year to time of import;
e) The commercial fishing vessel is issued with the certificate of technical safety whose remaining period is at least 06 months by the inspecting organization of the flag state.
3. Organizations and individuals will be issued with licenses for bareboat charter if the conditions prescribed in Point a, b, c, d and e Clause 2 of this Article; ship plate has been produced for 8 years or less and the main engine has been produced for 10 years or less counted from the production year to time of charter. Charter period is not more than 5 years.
4. The Government shall provide guidelines for procedures for issuing licenses for import of commercial fishing vessels and bareboat charter and guidelines for giving commercial fishing vessels
Article 67. Technical safety of commercial fishing vessels
1. Commercial fishing vessels whose maximum length is at least 12 meters shall be inspected, classified and issued with the certificate of technical safety.
2. If the commercial fishing vessels prescribed in Clause 1 of this Article are built or modified, the inspecting organization shall supervise the conformity of their technical safety and quality with appraised vessel designs and issue documents prescribed by law.
3. The commercial fishing vessels that are not mentioned in Clause 1 of this Article shall be provided with equipment for ensuring their technical safety before they are operated.
4. The Minister of Agriculture and Rural Development shall provide detailed guidelines for this Article.
Article 68. Conditions for inspecting organizations
1. Organizations and individuals will be issued with the certificates of eligibility for inspecting commercial fishing vessels if:
a) They are established in accordance with regulations of law.
b) Facilities meet the requirements;
c) Inspectors meet the requirements;
d) There is a suitable quality management system.
2. The Government shall provide detailed guidelines for this Article.
Article 69. Issuance, reissuance and revocation of certificates of eligibility for inspecting commercial fishing vessels
1. The Ministry of Agriculture and Rural Development has power to issue, reissued and revoke certificates of eligibility for inspecting commercial fishing vessels and inspect the maintenance of eligibility every 24 months.
2. The certificate of eligibility for inspecting commercial fishing vessels will be reissued if:
a) It is lost or damaged; or
b) The holder’s information specified in the certificate is changed.
3. The certificate of eligibility for inspecting commercial fishing vessels will be revoked if:
a) Its contents are erased or changed;
b) The inspecting organization or individual fails to inspect commercial fishing vessels in accordance with regulations of law;
c) The organization or individual fails to satisfy the conditions prescribed in Clause 1 Article 68 of this Law;
d) There are other violations in which the certificate shall be revoked.
4. The Minister of Agriculture and Rural Development shall promulgate national technical regulations on classification and construction of commercial fishing vessels; procedures for recognizing the eligibility for inspecting commercial fishing vessels; prescribe standards of competence and provision of professional training for inspectors; issue and revoke cards or seals of inspectors.
Article 70. Rights and responsibilities of inspecting organizations and inspectors
1. An inspecting organization has the following rights and responsibilities:
a) It is entitled to inspect commercial fishing vessels in accordance with regulations of law;
b) It is entitled to request shipowners, shipbuilders or modifying facilities of commercial fishing vessels to provide documents on technical designs and facilitate the supervision, technical inspection by inspectors and ensure the safety of inspectors during their performance of tasks;
c) It is entitled to receive inspection fees in accordance with regulations of law;
d) It shall exercise technical supervision of commercial fishing vessels in accordance with regulations of law;
dd) The head of the inspecting organization shall take legal responsibility for inspection results and issue certificates of technical safety;
e) It shall comply with instructions and be subject to inspections in accordance with regulations of law;
g) It shall submit regular or ad hoc reports on inspecting commercial fishing vessel according to instructions given by the Ministry of Agriculture and Rural Development.
2. An inspector has the following rights and responsibilities:
a) He/she is entitled to sign and use special seals or prints when making documents on registration of commercial fishing vessels and equipment thereon in accordance with regulations of law;
b) He/she may refuse to carry out technical inspection if the conditions for inspection prescribed by law have not been satisfied.
c) He/she may reserve opinions other than decisions of the heads of inspecting organizations related to conclusions of assessment of technical status of commercial fishing vessels and equipment installed thereon;
d) He/she shall inspect commercial fishing vessels in accordance with national technical regulations on classification and construction of ships
dd) He/she shall take responsibility for results of technical safety inspection and classification of commercial fishing vessels.
Article 71. Registration of commercial fishing vessels
1. Commercial fishing vessels whose maximum length of at least 06 meters shall be entered in the national register of commercial fishing vessels and be issued with the certificate of technical safety in accordance with regulations of law. Commercial fishing vessel whose maximum length is less than 6 meters shall be totaled up by the People’s Committees of communes for management.
2. The period of the registration certificate of commercial fishing vessels (“hereinafter referred to as “registration certificate”) shall be specified as follows:
a) The period of the registration certificate issued for commercial fishing vessels that are built, modified, imported, sold, given and aided is permanent;
b) In case of bareboat charter, the period of the registration certificate shall be equal to the charter period.
3. A commercial fishing vessel will be issued with the registration certificate if:
a) There are documents proving the legal ownership of the commercial fishing vessel;
b) The commercial fishing vessel requiring registration is issued with the certificate of technical safety;
c) There is a certificate of suspension from registration in case of bareboat charter; the certificate of cancellation of registration in case of import, trading, giving of commercial fishing vessels or change of the province of registration;
d) The shipowner has head office or permanent place of residence located in Vietnam.
4. The People’s Committee of each province shall be in charge of registration of commercial fishing vessels in the province.
5. The Minister of Agriculture and Rural Development shall prescribe procedures for registration and cancellation of registration of commercial fishing vessels.
Article 72. Cancellation of registration of commercial fishing vessels
1. The registration of a commercial fishing vessel will be cancelled if:
a) The commercial fishing vessel is destroyed or sunk and cannot be salvaged;
b) The commercial fishing vessel is missing for 1 year from the date of official notification on mass media;
c) The commercial fishing vessel is exported, sold, given or aided;
d) The registration is cancelled at the request of the shipowner.
2. Competent authorities shall revoke registration certificates, remove names of the commercial fishing vessels from the national register of commercial fishing vessels and issue the certificates of cancellation of regulation to the shipowners
Article 73. Rights and responsibilities of shipowners
1. Shipowners are entitled to choose eligible inspecting organizations or individual for commercial fishing vessel registration.
2. Shipowners shall comply with regulations on inspecting commercial fishing vessels.
3. Shipowners shall ensure working and living conditions, safety, legal rights and interests of and labor allowances for crewmembers.
4. Shipowners shall assign ship officers according to the minimum safe manning levels in accordance with regulations issued by the Minister of Agriculture and Rural Development.
5. Shipowners shall buy accident insurance and other compulsory insurance for crewmembers in accordance with regulations of law. And cover necessary travel and subsistence expenses arising from the repatriation of ship owners and crewmembers that are requested to leave their commercial fishing vessels by the masters.
6. Shipowners shall take responsibility for violations of regulations on illegal commercial fishing.
1. Crewmembers shall satisfy the following requirements:
a) They are Vietnamese citizens or foreigners allowed to work on commercial fishing vessels;
b) They have ID cards, passports or other identity documents as prescribed by law;
c) They satisfy health and working age requirements;
d) They have degrees or certificates suitable for their positions.
2. Crewmembers are entitled to:
a) Have their labor allowances and legal rights and benefits ensured when they work on commercial fishing vessels in accordance with regulations of labor law;
b) Refuse to work on commercial fishing vessels which are ineligible for ensuring safety;
c) Hold appropriate positions on commercial fishing vessels.
3. Crewmembers shall:
a) Comply with regulations of Vietnam law and international treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory.
b) Follow the masters’ orders; actively prevent accidents happened to themselves and other crewmembers and incidents happened to commercial fishing vessels;
c) Immediately notice the masters or people on watch of dangers on their commercial fishing vessels;
d) Comply with regulations on labor law.
4. The Minister of Agriculture and Rural Development shall prescribe positions and duties of each position; manning level of ship officers on commercial fishing vessels; standards of competence and certificates of ship officers’ competency; registration of ship officers and directories of ship officers; standards of foreign ship officers working on Vietnamese commercial fishing vessels.
Article 75. Masters of commercial fishing vessels
1. Master is the person having supreme command of a ship and works under the regime of head ship.
2. A shipowner has the rights prescribed in Clause 2 Article 74 of this Article and is entitled to:
a) Represent the shipowner and people having benefits related to property or aquatic products during the operation of the commercial fishing vessel or commercial fishing;
b) Refuse to operate the commercial fishing vessel if it fails to satisfy conditions for ensuring safety of people and the vessel, food safety, maritime safety and preventing environmental pollution;
c) Refuse to recruit unqualified crewmembers or crewmembers committing violations of law or force them to leave the commercial fishing vessel;
d) Request the rescue if the commercial fishing vessel is in distress;
dd) Decide to use urgent methods for taking the commercial fishing vessel to a safe place in case of emergency.
3. A shipowner has the responsibilities prescribed in Clause 3 Article 74 of this Article and shall:
a) Instruct, assign and urge crewmembers to comply with regulations on maritime safety, occupational safety, food safety and environmental safety;
b) Check crewmembers, equipment and documents of the commercial fishing vessel, crewmembers before the commercial fishing vessel leaves the port;
c) Update information on position of the commercial fishing vessel, quantity of crewmembers in accordance with regulations of law; present documents at the request of competent authorities;
d) In case of natural disasters, accelerate the response to disaster by crewmembers and take the commercial fishing vessel to a safe refuge;
dd) If the commercial fishing vessel meet with accidents, make timely responses and notify it to the nearest coastal radio station or competent authorities;
e) If there are people in danger, take all methods for curing these people. If a person is dead, keep his/her property and will and concurrently notify it to the nearest coastal radio station, the ship owner, the dead person's family or competent authority;
g) If the commercial fishing vessel operates from the inshore route to the outer boundary of Vietnam’s exclusive economic zone seawards; direct it to reach the fishing ports included in the list of appointed fishing ports published by the Ministry of Agriculture and Rural Development;
h) If the commercial fishing vessel must be left due to force majeure, the master shall be the last person to leave the vessel;
i) If other commercial fishing vessels meet with accidents, take timely rescue methods and notify it to the nearest coastal radio station or competent authority; follow the order to use the commercial fishing vessel for search and rescue issued by the competent authority;
k) Keep and submit fishing logbooks; submits fishing reports; confirm the production of caught aquatic species;
l) Take responsibility for violations of regulations on illegal commercial fishing.
4. If crimes in flagrante or wanted fugitives are found on the commercial fishing vessel when it has left the port, the master will have the following rights and responsibilities:
a) He is entitled to arrest or give an order to arrest criminals in flagrante or wanted fugitives;
b) He shall take necessary methods and make documents in accordance with regulations of law;
c) He shall protect evidence, transfer arrested people and documents to the competent authority when the commercial fishing vessel reaches the first fishing port in Vietnam or Vietnamese ships of fishery authorities which is performing duties at sea or notify the nearest representative authority of Vietnam and follow instructions of this authority if the commercial fishing vessel operates outside the Vietnam’s maritime boundary.
Article 76: Management of watercrafts on duty
1. Ships of fishery authorities shall be registered and inspected in accordance with regulations of law.
2. Organizations assigned to manage ships of fishery authorities may choose suitable inspecting organizations.
3. Crewmembers of ships of fishery authorities shall comply with regulations of law on officials and public employees, maritime and labor codes.
4. The Minister of Agriculture and Rural Development shall prescribe the registration of watercrafts on duty, positions, tasks of each position, manning levels of ship officers working on watercrafts on duty.
Section 2. FISHING PORTS AND SHELTERING ANCHORAGES FOR COMMERCIAL FISHING VESSELS
Article 77. Planning for and investment in building a system of fishing ports and sheltering anchorages for commercial fishing vessels
1. The planning for building a national system of fishing ports and sheltering anchorages for commercial fishing vessels shall be conformable with strategies for developing aquatic species and other planning and ensure national defense and security.
2. Fishing ports and sheltering anchorages for commercial fishing vessels shall be constructed according to the approved planning for building a national system of fishing ports and sheltering anchorages and in accordance with regulations of law on investment and construction and other relevant regulations of law.
3. The Ministry of Agriculture and Rural Development shall formulate the planning for building a national system of fishing ports and sheltering anchorages and request the Prime Minister to approve it; publish, provide instructions on and inspect the implementation of the approved planning; manage the national system of fishing ports and sheltering anchorages in accordance with regulations of law.
Article 78. Classification of fishing ports
1. A class 1 fishing port shall satisfy the following criteria:
a) It is a place where commercial fishing vessels of multiple provinces, central-affiliated cities and foreign vessels come into to carry out handling of aquatic products and provide other fishery services and is the main distribution point of aquatic products in the region;
b) At least 90% of main equipment for material handling of the port is mechanized;
c) The minimum area of port waters is 20 ha;
d) Depth of channels to the fishing port and waters in front of the quay complies with the Government’s regulations;
dd) The minimum land area of the port is 4 ha or 1 ha applicable to fishing ports on islands. Offices and technical infrastructure comply with regulation of law on food safety, environmental safety and fire safety;
e) The minimum quantity of aquatic products passing the port is 25,000 metric tons per year or 3,000 metric tons per year, applicable to fishing ports on islands.
2. A class 2 fishing port shall satisfy the following criteria:
a) It is a place where commercial fishing vessels of several provinces and central-affiliated cities come into to carry out handling of aquatic products and provide other fishery services and is the main distribution point of aquatic products in the province;
b) At least 70% of main equipment for material handling of the port is mechanized;
c) The minimum area of port waters is 10 ha;
d) Depth of channels leading to the fishing port and waters in front of the quay complies with the Government’s regulations;
dd) The minimum land area of the port is 2.5 ha or 0.5 ha applicable to fishing ports on islands. Offices and technical infrastructure comply with regulations of law on food safety, environmental safety and fire saty;
e) The minimum quantity of aquatic products passing the port is 15,000 metric tons per year or 1,000 metric tons per year, applicable to fishing ports on islands.
3. A class 3 fishing port shall satisfy the following criteria:
a) It is a place where commercial fishing vessels of a province or central-affiliated city anchor;
b) The minimum land area of the port is 0.5 ha or 0.3 ha applicable to fishing ports on islands. Offices and technical infrastructure comply with regulations of law on food safety, environmental safety and fire saty;
Article 79. Opening and closing of fishing ports
1. A fishing port will be opened if:
a) The conditions prescribed in Article 78 of this Law are satisfied;
b) The organization managing the fishing port (hereinafter referred to as “supervisory organization”) has been established;
c) There is a plan for using the fishing port.
2. A fishing port will be closed if:
a) The supervisory organization is suspended from operation or shut down in accordance with regulations of law;
b) Depth of channels leading to the class 1 or class 2 fishing port and waters in front of the quay fails to comply with the Government’s regulations;
c) The class 1 fishing port no longer satisfies the criteria prescribed in Points b, c and dd Clause 1 Article 78 of this Law without any timely remedy;
d) The class 2 fishing port no longer satisfies the critera prescribed in Points b, c and dd Clause 2 Article 78 of this Law without any timely remedy;
dd) The class 3 fishing port no longer satisfies the critera prescribed in Point b Clause 3 Article 78 of this Law without any timely remedy;
3. Power to open and close fishing ports is specified as follows:
a) The Ministry of Agriculture and Rural Development has power to open and close class 1 commercial fishing vessels;
b) The People’s Committees of provinces have power to open and close class 2 fishing ports;
c) The People’s Committees of districts have power to open and close class 3 fishing ports;
4. The Government shall provide guidelines for contents of and procedures for publishing the opening and closing of fishing ports.
Article 80. Management of fishing ports
1. Supervisory organizations shall be established and operate in accordance with regulations of law.
2. Supervisory organizations shall be assigned to manage and use infrastructure of fishing ports, fishing ports’ land, port waters and manage fishing logistics services in the fishing ports.
3. Leasing or use of partial or entire fishing ports invested by the state budget or public-private partnership shall comply with regulations of law on managing and using public property and other relevant regulations of law.
Article 81. Rights and responsibilities of supervisory organizations
1. A supervisory organization is entitled to:
a) Lease the infrastructure to organizations and individuals for production and business in the fishing port land areas and port waters in accordance with the approved plan for using the fishing port and regulations of law;
b) Refuse or compel people and commercial fishing vessels that fail to comply with internal regulations of the port to leave;
c) Refuse the lease, or compel the producers and traders in the port land areas and port waters that fail to comply with the regulation of the fishing port or the concluded contracts to leave;
d) Charge the services in the port as prescribed by law;
dd) Handle, or request local competent authority to handle the cases in order to ensure the security, food safety, environment safety and fire safety within the fishing port area.
2. A supervisory organization shall:
a) Issue and publish regulations of the fishing port;
b) Instruct and dispose vehicles to come into, leave and anchor in the port waters; ensure safety and convenience for people and vehicles in the fishing port area;
c) Cooperate with competent authority in inspecting and controlling activities of producers and traders in the fishing port, ensure security and order, food safety, environmental safety and fire safety in the fishing port area; actively repair and deal with accident consequences and environmental pollution in the fishing port;
d) Regularly provide information on weather on the information system of the fishing port; assign people to be on watch and hang warning signs in case of natural disasters in accordance with regulations of law; notice the list of commercial fishing vessels anchoring in the port waters and quantity of people thereon to the competent authority;
dd) Comply with the inspection and supervision by competent authorities in term of food safety, environmental safety, security and order, fire prevention and other relevant fields in the fishing port area;
e) Cooperate with and arrange working places for competent authorities inspecting and controlling the compliance with regulations of law on commercial fishing actives, aquatic resource protection, control of illegal commercial fishing, food safety and other relevant fields on commercial fishing vessels and in the fishing port;
g) The head of the supervisory organization shall total up the production of aquatic products passing the fishing port, certify origins of caught aquatic species in accordance with regulations and law, collect fishing logbooks and reports of the commercial fishing vessels coming into the port, consolidate and submit regular or ad hoc reports to competent authorities according to instructions provided by the Ministry of Agriculture and Rural Development;
h) Refuse the handling of aquatic products of commercial fishing vessels engaged in illegal commercial fishing and notify the competent authorities for considering and dealing with this problem in accordance with regulations of law;
i) Notify the entering by foreign commercial fishing vessels to the local competent authority for cooperating in management;
k) Cooperate with the nautical safety authority in notifying the status of channels, marking buoys and ensure safety of commercial fishing vessels entering and leaving the fishing port.
l) Formulate plans for and organize the maintenance of infrastructure of the fishing port to ensure safety of people and vehicles operating in the fishing port.
Article 82. Vietnamese commercial fishing vessels entering and leaving fishing ports
1. At least 1 hour before the commercial fishing vessel enters the fishing port, the master shall notify the supervisory organization of registration number, size and type of the commercial fishing vessel, services required and other requirements (if any), except for force majeure.
2. When entering a fishing port, the master shall comply with control by the supervisory organization and regulations of the fishing port.
3. Shipowners and masters shall comply with inspection and control and regulations of law on extracting and protecting aquatic resources, food safety, environmental safety and fire safety; ensure safety of people and commercial fishing vessels.
4. The master shall notify the supervisory organization at least 1 hour before the commercial fishing vessel leaves the fishing port.
5. A commercial fishing vessel is not allowed to leave a fishing port if:
a) The safety of people and the commercial fishing vessel is not ensured;
b) There is a violation of law in which the commercial fishing vessel shall be temporarily seized in accordance with regulations of law;
c) There is an order to capture or temporarily seize the commercial fishing vessel issued by a court or competent authority.
Article 83. Foreign commercial fishing vessels entering and leaving fishing ports
1. A foreign commercial fishing vessel may only enter the fishing port specified in the commercial fishing license or the fishing ports approved by the Ministry of Agriculture and Rural Development.
2. At least 24 hours before entering a fishing port, the master of the commercial fishing vessel must notify the supervisory organization of the name, call sign, registration number, size and type of the vessel, the authority issuing the commercial fishing license, production and aquatic species on the vessel, estimated time of arrival and demand for assistance (if any).
3. When entering a fishing port, the master of the commercial fishing vessel shall comply with regulations of the fishing port and the control of the supervisory organization; declare and present the following information and papers:
a) Directory of ship officers and passports of crewmembers;
b) The commercial fishing license within the Vietnam’s maritime boundary;
c) Purposes of entering the fishing port;
d) Time of the voyage;
dd) Volume and components of aquatic species caught or under transshipment on board, applicable to commercial fishing vessels and vessels used for transporting aquatic species;
e) Position and fishing areas, production of onboard aquatic species applicable to commercial fishing vessels.
4. The master who presents commercial fishing documents confirmed by foreign competent authorities is not required to declare the information mentioned in Points d, dd and e Clause 3 of this Article.
5. The master and crewmembers of a commercial fishing vessel shall go through procedures for exit and entry, customs and quarantine procedures in accordance with regulations of law.
6. The master shall notify the supervisory organization at least 12 hour before the commercial fishing vessel leaves the fishing port.
7. For vessels entering a fishing port in force majeure cases, immediate after docking, the master or helmsman shall:
a) Notify the supervisory organization of the status of the vessel and quantity of people aboard; prove the force majeure and specify the request for help;
d) Comply with regulations prescribed in Clause 5 of this Article.
8. Shipowners and masters shall facilitate and comply with inspection and control and regulations of law on extracting and protecting aquatic resources, food safety, environmental safety and fire safety; ensure safety of people aboard and vessels.
9. Shipowners and master shall pay costs as prescribed by law.
Article 84. Classification of sheltering anchorages for commercial fishing vessels
1. A regional sheltering anchorage for commercial fishing vessel shall satisfy the following criteria:
a) It is near fisheries and gathers commercial fishing vessels of multiple provinces, ensure the shortest time for commercial fishing vessels to anchor and shelter from storms;
b) Natural conditions are convenient and the safety of sheltering commercial fishing vessels is ensured;
c) The minimum capacity is 1,000 commercial fishing vessels.
2. A sheltering anchorage for commercial fishing vessels of a province shall satisfy the following criteria:
a) It is near traditional fisheries of multiple provinces, ensure the shortest time for commercial fishing vessels to anchor and shelter from storms;
b) Natural conditions are convenient and the safety of sheltering commercial fishing vessels is ensured;
c) The minimum capacity is 600 commercial fishing vessels.
Article 85. Classification of sheltering anchorages
1. Sheltering anchorages shall be managed and operated by the local steering committee on natural disaster prevention and rescue (hereinafter referred to as “the steering committee”) during the time of sheltering.
2. During the period in which a sheltering anchorage is not used for sheltering purpose, it shall be managed and used as follows:
a) The anchorage whose waters are adjacent to a fishing port waters shall be managed and used by the supervisory organization of this port in accordance with regulations of law;
b) The anchorage whose waters are not adjacent to a fishing port waters shall be managed and used in accordance with regulations of law by an eligible organization assigned by the People’s Committee of the province.
3. Organizations assigned to manage and use sheltering anchorages shall formulate plans for repairing and maintaining construction works of the anchorages and may use the state budget for implementing these plans.
4. Regarding commercial fishing vessel entering and leaving sheltering anchorages:
a) In case of natural disasters, commercial fishing vessels and other kinds of vessels may take shelter without being charged;
b) When entering the harbor, the master or the helmsman of a commercial fishing vessel shall comply with the control and instructions of the steering committee;
c) When a commercial fishing vessel is safely anchored, its master or helmsman shall notify the steering committee of the name, registration number, status of the ship, quantity of people aboard, and other requirements (if any).
d) Commercial fishing vessels shall only leave the sheltering anchorage in case of notifications or orders issued by the steering committee;
dd) If natural disasters do not occur, the commercial fishing vessels anchored in a sheltering anchorage shall pay fees and other costs as prescribed by law; comply with control and instruction of the organization assigned to manage and use this sheltering anchorage.
Article 86. Publishing the list of sheltering anchorages
1. Before February 01 every year, the People’s Committee of each people shall review and submit the list of eligible sheltering anchorages to the Ministry of Agriculture and Rural Development for publishing nationwide.
2. Published information of a sheltering anchorage includes:
a) Name and type of the sheltering anchorage;
b) Address and coordinates of the sheltering anchorage;
c) Depth of the anchorage waters;
d) Capacity of the sheltering anchorage
dd) Sizes and types of commercial fishing vessels allowed to enter the sheltering anchorage;
e) Starting positions, direction and length of channels leading to the anchorage;
g) Phone number and radio frequency of the local steering committee;
3. Before March 31 every year, the Ministry of Agriculture and Rural Development shall send the list of eligible sheltering anchorages to the People’s Committees of provinces and nationwide notify it on mass media.
4. The People’s Committee of each province shall be notify the list of sheltering anchorages to commercial fishing vessels in the province.
FISHERIES RESOURCES SURVEILLANCE
Article 87. Functions of the fisheries resources surveillance force
Fisheries resources surveillance force is a state force which exercises Vietnam law and relevant international treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is signatory related to extraction and protection of aquatic resources.
Article 88. Duties and power of the Fisheries Resources Surveillance force
1. The fisheries resources surveillance force shall:
a) Patrol, inspect, control, investigate and take action against violations of laws, apply measures for preventing violations in accordance with regulations of law;
b) Propagandize, popularize and provide education about Vietnam laws, international laws and laws of relevant countries on fisheries; instruct fishers and relevant organizations and individuals to implement regulations of law on fisheries;
c) Appoint force to cooperate in rescue in accordance with regulations of laws; be engaged in natural disaster prevention and control;
d) Protect Vietnamese sovereignty, sovereign rights and jurisdiction over the waters in accordance with regulations of law;
dd) Promote international cooperation in fisheries resources surveillance;
e) Take charge and cooperate with relevant organizations in providing training for officials, public employees, members of the fisheries resources surveillance (hereinafter referred to as “surveillance members”), ship officers on fishery surveillance ships;
g) Cooperate with other relevant authorities in fisheries resources surveillance.
2. The fisheries resources surveillance has power to:
a) Request relevant organizations and individuals to provide necessary information and documents for inspecting, patrolling, controlling, investigating, detecting and taking actions against violations of law on extracting and protecting aquatic resources;
b) Manage and use weapons, combat gears, technical equipment and professional methods for carry out fisheries resources surveillance in accordance with regulations of law on management and use of weapons, explosives and combat gears and other relevant regulations of law;
c) Chase, arrest and apply prevention methods for people and vehicles failing to comply with orders, resisting or deliberately running away in accordance with regulations of law.
Article 89. Organization of the fisheries resources surveillance force
1. The fisheries resource surveillance force includes:
a) Central fisheries surveillance force;
b) Fisheries surveillance force of coastal provinces that shall be organized to ensure the protection of aquatic resources and local resources.
2. The Government shall provide detailed guidelines for organization of the fisheries resources surveillance force, state administration, allowances and policies applicable to the fisheries resources surveillance.
Article 90. Surveillance members
1. Surveillance members are officials that are appointed to payroll of the fisheries resources surveillance.
2. Surveillance members shall be issued with fisheries surveillance cards, uniforms, insignias, fisheries surveillance signage and specialized equipment.
3. A surveillance member has the following powers and responsibilities:
a) He/she has power to request relevant organizations and individuals to provide necessary information and documents for inspecting, patrolling, controling, invetisgating, detecting and taking actions against violations of law on extracting and protecting aquatic resources;
b) He/she has power to impose penalties for administrative violations and apply methods for preventing administrative violations in accordance with regulations of law;
c) He/she may use weapons, combat gears, specialized vehicles and equipment in accordance with regulations of law;
d) He/she shall wear uniform, insignia and fisheries surveillance signage in accordance with regulations of law;
dd) He/she shall comply with regulations of law, be accountable to the head of the supervisory authority and take legal responsibilities for assigned duties and powers.
Article 91. Fisheries surveillance ship officers
1. Fisheries surveillance ship officers include:
a) Officials appointed to the payroll of fisheries surveillance ship officers;
b) Public employees who are employed to work on the fisheries surveillance ship;
c) Employees who work under labor contracts on the fisheries surveillance ship.
2. Fisheries surveillance ship officers shall wear uniforms, insignias and fisheries surveillance signages when performing their duties in accordance with regulations issued by the Minister of Agriculture and Rural Development.
3. The Minister of Agriculture and Rural Development shall prescribe functions, duties and powers of fisheries surveillance ship officers and manning levels thereof.
Article 92. Fisheries surveillance collaborators
1. Fisheries surveillance collaborators are Vietnamese citizens who provide information for and assistance in the fisheries resources surveillance activities.
2. Fisheries surveillance collaborators may be paid for their activities and receive allowances for providing information in accordance with regulations of law; have their security of information sources ensured and have their legal rights and interests protected in accordance with regulations of law.
Article 93. Vehicles, equipment and uniforms of the fisheries resources surveillance
1. The fisheries resources surveillance shall be equipped with fisheries surveillance ships, specialized communication media, specialized equipment, weapons and combat gears to perform their functions and duties and exercise their powers in accordance with regulations of law.
2. Officials, public employees and employees under labor contracts working in a fishery surveillance authority shall wear consistent uniforms.
3. The Minister of Agriculture and Rural Development shall prescribe uniforms of the fisheries resources surveillance; paint color, code and operation limit of fishery surveillance ships; registration of fishery surveillance ships.
Article 94. Sources of funding for fisheries resources surveillance activities
1. Investment in and operation of the fisheries resources surveillance shall be funded by the state budget according to applicable distribution thereof and other sources of funding in accordance with regulations of law.
2. Amounts of money collected from people under penalties for administrative violations by the fisheries resources surveillance shall be paid to the state budget. Fishery surveillance authorities shall be provided with a part of the abovementioned amounts to serve its operation.
3. The Government shall provide detailed guidelines for Clause 2 of this Article.
Article 95. Appointment and mobilization of people and vehicles in fisheries resources surveillance activities
1. In case of emergency, the appointment and mobilization of people and vehicles in fisheries resources surveillance activities shall be specified as follows:
a) The Minister of Agriculture and Rural Development has power to issue orders to appoint people and vehicles under their management and request the relevant Ministers and Chairmen/Chairwomen of People’s Committees of provinces to mobilize people and vehicles;
b) Chairmen/Chairwomen of shall issue orders to appoint people and vehicles under their management and request relevant Ministers and Chairmen/Chairwomen of People’s Committees of provinces to mobilize people and vehicles;
2. Organizations and individuals that are mobilized or have their vehicles mobilized shall comply with appointment orders issued by competent persons.
3. Authorities in charge of appointment and mobilization shall pay mobilized organizations and individuals in accordance with regulations issued by the Ministry of Finance. Damage arising during the appointment and mobilization shall be compensated. Died or injured individuals are considered to receive allowances or policies in accordance with regulations of law on preferential treatment of people with meritorious services to the revolution.
PURCHASE, SALE, PRELIMINARY PROCESSING, PROCESSING, EXPORT AND IMPORT OF AQUATIC PRODUCTS
Article 96. Purchase, sale, preliminary processing and processing of aquatic products
1. Purchasers, ssellers, preliminary processors and processors of aquatic products shall comply regulations of law on food safety, environmental safety and fire safety.
2. Aquatic products that are purchased, sold, preliminary processed and processed shall have obvious origins and ensure food quality and safety.
3. Aquatic products in areas under epidemic announcement shall be purchased and sold in accordance with regulations of law on veterinary medicine, plant protection and quarantine.
Article 97. Preservation of aquatic products
1. Aquatic products on commercial fishing vessels, means of transport; fishing ports and in wholesale markets of aquatic products; aquatic cold storages and premises of purchasers, sellers, preliminary processors and processors of aquatic products shall be preserved in accordance with regulations of law on food safety.
2. Additives and supporting substances used in processing of aquatic products that are overdue or not included in the list of additives and supporting substances allowed to be used or included in this list but exceed allowable limits; chemicals whose origins are obscure and chemicals banned from use shall not be used for preserving aquatic products.
Article 98. Import and export of aquatic products
1. Importers of aquatic products shall have documents on obvious origins of aquatic products and satisfy requirements for food quality, food safety and epidemic safety as prescribed by law.
2. Exporters of aquatic products shall comply with requirements of importing countries and regulations in Clause 3 of this Article.
3. An organization or individual is allowed to export living aquatic species in the following cases:
a) The species are not included in the list of aquatic species banned from export;
b) The aquatic species included in the list of exported aquatic species requiring certain conditions satisfy the conditions prescribed in this list;
c) Export of aquatic products included in the list of aquatic breeds banned from export or aquatic species failing to satisfy the conditions prescribed in the list of aquatic species requiring certain conditions for scientific research and international cooperation shall be licensed by the Ministry of Agriculture and Rural Development on the basic of the Prime Minister’s approval.
4. Organizations and individuals are allowed to import aquatic species not included in the list of aquatic species allowed to be traded in Vietnam for food, decoration and entertainment shall be subject to risk analysis and licensed by the Ministry of Agriculture and Rural Development. The import of aquatic species that are not included in the list of aquatic species allowed to be traded in Vietnam for scientific research, display and exhibition shall be licensed by the Ministry of Agriculture and Rural Development.
5. The Ministry of Agriculture and Rural Development will consider inspecting systems for managing and producing and trading aquatic species in the exporting countries in accordance with regulations of Vietnam law and international treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory if:
a) The assessment is made for mutual recognition;
b) There are risks of food quality, food safety, epidemic or environmental issues caused by aquatic products imported to Vietnam.
6. The Minister of Agriculture and Rural Development shall prescribe procedures for risk analysis of and issuance of licenses to living aquatic species.
7. The Government shall issue the list of aquatic species banned from export and the list of exported aquatic species requiring certain conditions;
Article 99. Processing, export, import, re-export, introduction from the sea and transit of aquatic species prescribed in Appendices of Convention on International Trade in Endangered Species of Wild Fauna and Flora and endangered, precious and rare aquatic species
1. The processing, export, import, re-export, introduction from the sea and transit of endangered, precious and rare wild aquatic species prescribed in Appendices of CITES and endangered, precious and rare aquatic species shall comply with regulation of CITES and Vietnam law.
2. Processed specimens of aquatic species prescribed in Appendices of CITES and endangered, precious and rare aquatic species shall satisfy the following requirements:
a) The specimens have legal origins and taken from facilities breeding, raising or carry out artificial propagation of aquatic species.
b) The specimens are derived from legal commercial fishing in nature;
c) After being processed, the specimens are seized in accordance with regulations of law.
3. The Government shall provide detailed guidelines for this Article.
Article 100. Wholesale markets of aquatic products
1. Wholesale market of aquatic products shall be located in concentrated aquaculture areas or places where large quantities of aquatic products are consumed, including exchange, purchase, sale and auction of aquatic products.
2. Wholesale markets of aquatic products shall be developed in conformity with the planning.
3. The People’s Committee of each province shall control food safety in wholesale markets of aquatic products in the province.
4. The Ministry of Agriculture and Rural Development shall ensure consistency in the state administration of aquatic food safety and provide instructions on wholesale markets of aquatic products, promulgate national technical regulations on conditions for ensuring food safety in wholesale markets of aquatic products.
STATE ADMINISTRATION OF FISHERIES
Article 101. Responsibilities of the Government, Ministries and ministerial agencies
1. The Government shall ensure consistency in state administration of fisheries in the whole country.
2. The Ministry of Agriculture and Rural Development shall work as a contact point to assist the Government in the state administration and shall:
a) Be in charge of state administration of fishery activities in the whole country; make and provide directions on implementing strategies, plans and schemes for fishery activities;
b) Promulgate or request competent authorities to promulgate and implement policies, legislative documents, standards, technical regulations and economic and technical norms in fishery fields;
c) Provide directions and instructions on and carry out environmental monitoring and warning, aquatic epidemic prevention and commercial fishing at sea; manage processing and trading of aquatic products; ensure quality and aquatic food safety as prescribed by law; set up, manage and provide instructions on updating and accessing to the national fisheries database;
d) Be in charge of state administration of fisheries resources surveillance; provide consistent directions on fisheries resources surveillance;
dd) Organize the issuance, reissuance, extension and revocation of licenses and certificates in fishery activities under it management; authorize or assign the administration in accordance with regulations of law;
e) Organize the investigation, scientific research and technological development, technology transfer; assess and analyze impacts of economic activities on fishery activities;
g) Provide instructions on and carry out state inspections of fishing ports and sheltering anchorages for commercial fishing vessels in the whole country; provide professional training in managing fishing ports and sheltering anchorages for commercial fishing vessels in accordance with regulations of law and announce the list of appointed fishing ports having sufficient systems for certifying origins of caught aquatic species;
h) Be in charge of state administration applicable to marine protected areas and aquatic resources protected areas in the whole country;
i) Be in charge of state administration and provide professional training in fisheries; organize and provide instructions on statistics, information, propagation and popularization of knowledge and legal education in fisheries;
k) Prescribe criteria on and quality of waters used for aquaculture and specialized technical management in fishery activities;
l) Manage, provide directions on, formulate plans for and organize inspection, handling of complaints and denunciation, taking actions against violations of law o fisheries within it power; work as a contact point to join international cooperation in fisheries;
m) Take charge and cooperate with Ministries, ministerial agencies and People’s Committees of provinces in developing software for managing the national fishery database
n) Reserve original breeds and native and endemic aquatic species having economic value.
3. Ministries and ministerial agencies, within their duties and powers, shall cooperate with the Ministry of Agriculture and Rural Development in state administration of fisheries.
Article 102. Responsibilities of People’s Committee of provinces
1. The People’s Committee of each province, within its duties and powers, shall:
a) Promulgate or request competent authorities to promulgate documents provide guidelines for implementation of law on fisheries;
b) Provide directions on and organize management of fishery activities in the province; organize production and catching of aquatic species;
c) Organize the propagation, popularization of and education about laws and knowledge related to fisheries; set up fishery database in the province and update the national fishery database;
d) Organize the issuance, reissuance, extension and revocation of licenses and certificates in fishery activities under it management according to the assignment;
dd) Provide directions on, formulate plans for and organize inspection, handling of complaints and denunciation, taking actions against violations of law on fisheries within its power;
e) Ensure allowances, funding and working conditions for the local fisheries resources surveillance force in accordance with regulations of law;
g) Organize the management of fishing ports and sheltering anchorages for commercial fishing vessels according to assignment; inspect, control and comply with regulations of law on catching and protecting aquatic resources, food safety, environmental safety and fire safety at fishing ports; collect, consolidate and report statistics of aquatic products passing commercial fishing vessels in accordance with regulations and law;
h) Be in charge of state administration applicable to marine protected areas and aquatic resources protected areas in the province;
2. The People’s Committee of a district or a commune, within its duties and powers, shall:
a) Carry out activities and implement methods for managing fishery activities in the district or commune in accordance with regulations of law.
b) Carry out tasks of state administration of fisheries according to assignment or authorization by the supervisory People’s Committee;
c) Propagandize, popularize and provide education about law on fisheries in the district or commune.
Article 103. Responsibilities of Vietnamese Fatherland Front and its affiliated organizations, socio-professional organizations and social organizations
1. The Vietnamese Fatherland Front and its affiliated organizations, within their duties and powers, shall propagandize, mobilize the implementation of policies and law on fisheries; give opinions about promulgating regulations of law, carry out supervision and social criticism in fishery in accordance with regulations of law.
2. Socio-professional organizations and social organizations shall give opinions on promulgating regulations of law on fisheries; propagandize and popularize knowledge of and laws on fisheries; provide consultancy on and technical training in fisheries; protect, regenerate and develop aquatic resources.
1. This Law comes into force from January 01, 2019.
2. The Law No. 17/2003/QH11 on fisheries shall be invalid from the date on which this Law comes into force.
Article 105. Transition clause
1. The maximum penalty for administrative violations applicable to individuals in protection of aquatic resources and marine species prescribed in Point dd Clause 1 Article 24 of Law No. 15/2012/QH13 on handling of administrative violations shall be amended into 1,000,000,000 VND.
2. Licenses, certificates, degrees and written approval related to fisheries issued before the day on which this Law comes into force may be used until their expiry date.
3. National technical regulations and economic and technical norms issued before the day on which this Law comes into force will be applicable until they are annulled or superseded.
This Law is approved by the 14th National Assembly of Socialist Republic of Vietnam on November 21, 2017 during the 4th session
|
CHAIRWOMAN OF NATIONAL ASSEMBLY |
NATIONAL ASSEMBLY |
SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM |
Law No.: 18/2017/QH14 |
Hanoi, November 21, 2017 |
Pursuant to the Constitution of the Socialist Republic of Vietnam;
The National Assembly promulgates Law on Fishery
This Law deals with fishery activities; rights and responsibilities of organizations and individuals involved in fisheries and state administration of fishery.
This Law applies to Vietnamese organizations and individuals, foreign individuals engaged in fishery in land, islands, archipelago and sea of Vietnam; Vietnamese individuals engaged in commercial fishing activities outside the Vietnam’s maritime boundary.
For the purpose of this law, the terms below will be construed as follows:
1. “fishery activities” means protection and development of aquatic resources, aquaculture, commercial fishing; processing, sale, purchase, export and import of aquatic products.
2. “aquatic resources” means organisms that live in natural water and have economic, scientific, tourism and entertainment value.
3. “recreation of aquatic resources” means a process of self-recovery, recovery of and increase in aquatic resources.
4. “co-management” means a management method in which the State shares its power and responsibilities with communities in protection of aquatic resources.
5. “community" means an organization established by voluntary members who manage and share their benefits and protect aquatic resources in a certain area. This organization may be a legal entity or not and shall be recognized and assigned to engage in co-management by a competent authority.
6. “marine protected area (MPA)”means a protected area that is established at sea, islands, archipelagos or in coastal waters to preserve marine biodiversity.
7. “endangered, precious and rare aquatic species” mean aquatic species that spend majority of or the whole life cycle living in water, are valuable to economy, science, health, ecology, scenery and environment; these species have a small population size or are facing extinction.
8. “native aquatic species” means an aquatic originating from and living in the natural environment of a certain geographical region.
9. “aquatic breed" means a species of aquatic animals or seaweeds used for breeding in aquaculture, including animal parents, eggs, sperms, embryos, larvae, body pieces, spores and offspring.
10. “aquatic purebred" means an aquatic breed whose heredity and capacity are stable and having the same genes and phenotypes.
11. “aquatic breed raising” means raising of aquatic larvae through development stages and finishing when they become breeders.
12. “testing of aquatic breeds” means caring, raising and monitoring of aquatic breeds in certain conditions and periods to determine differences, stability and consistency of capacity, quality, resistance and harmful effects of the breeds.
13. “assessment of aquatic breeds” means inspection and re-appraisal of capacity, quality, resistance and characteristics of the aquatic breeds.
14. “aquatic feed” means a product providing nutrients and useful components for growth of aquatic animals, including compound feeds, supplemental substances, fresh feeds and materials.
15. “product for adjusting aquaculture environment" means a product used for adjusting physical, chemical and biological properties of the environment in favor of aquaculture.
16. “testing of aquatic feeds and products for adjusting aquaculture environment” means a process of inspection, assessment and determination of characteristics, uses and effects of aquatic feed and products for adjusting aquaculture environment on the aquaculture environment and aquatic feed safety.
17. “marine aquaculture waters” means an area of sea which includes seawater and seabed determined from the lowest average edge of seawater in multiple years seawards for aquaculture.
18. “commercial fishing” means catching or fishing logistics for catching aquatic resources.
19. "fishing logistics" means exploration and search for, enticement, transport of caught aquatic resources in natural water.
20. "commercial fishing vessels " means watercrafts with engine or not, including vessel for catching aquatic resources and fishing logistics vessels.
21. “ship of fishery authority” means a watercraft for carrying out missions during aquatic resource investigation and assessment; inspecting, patrolling, controlling and supervising fishery activities.
22. “ship officers” means the master, chief engineer officer and title holders as prescribed that are assigned to work on a commercial fishing vessel or a ship of.
23. “crewmembers” means people who are assigned to work on commercial fishing vessels and ships of fishery authorities by the shipowner or master other than ship officers.
24. “fishing port” means a port for commercial fishing vessels, including port land areas and port waters.
25. “land area of fishing port” mean an area used for building quays, warehouses, workshops, head offices, service facilities, systems of traffic, communication, electricity and water and auxiliary works serving the port’s operation
26. “fishing port waters” means an area of water used for creating waters in front of quays, turning basins, anchorages, transshipment areas, channels leading to fishing ports and other auxiliary works.
27. “tracing of aquatic product” means monitoring and identification of an aquatic product through each stage of commercial fishing, aquaculture, processing and trading.
28. “impurities” means substances which is not natural component of aquatic products,
29. “regional fisheries management organization (RFMO)” means an organization which is responsible for regulating and taking measures for managing and preserving migratory fishes and aquatic species in international waters.
Article 4. Ownership of aquatic resources
Aquatic resources are owned by the entire people and managed by the State. Organizations and individuals have the right to catch aquatic resources in accordance with regulations of law.
Article 5. Principles of fishery activities
1. Fishery activities shall ensure national defense and security.
2. Commercial fishing shall depend on reserve of aquatic resources in combination with protection, recreation and development thereof and shall not exhaust aquatic resources and affect biodiversity; according to ecosystems and scientific indicators, carefully approach to ensure sustainable development.
3. Fishery activities shall adapt to climate change, actively prevent and control natural disasters, ensure safety for people and means of fishery activities; prevent and control aquatic epidemics, ensure food safety and environment safety.
4. Organizations and individuals that enjoy benefits from catching and use of aquatic resources or are involved in sectors producing direct effects on aquatic resources shall their interests and responsibilities ensured.
5. Fishery activities shall meet requirements of international integration and comply with international treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory.
Article 6. The State’s policies related to fishery activities
1. The State introduces investment policies on:
a) Research into, investigation, assessment, protection and recreation of aquatic resources and recovery of aquatic ecosystem; reservation of original breeds of native and endemic aquatic species having economic value and endangered, precious and rare aquatic species;
b) Building class-1 and class-2 fishing ports, sheltering anchorages, necessary infrastructure of MPAs, infrastructure of concentrated aquaculture areas and concentrated areas for producing aquatic breeds;
c) Building a system for monitoring and supervising activities of commercial fishing vessels at sea; a system of information and national database on fishery activities; a system for monitoring the environment and warning about epidemics in aquaculture environment.
2. According to each period and capacity of the state budget, the State provides assistance in:
a) Developing science and technologies, especially high, advanced and new technologies applied in generation of aquatic breeds; manufacture of national aquatic products and key aquatic products; manufacture of aquatic feed, products for adjusting aquaculture environment and technologies for processing by-products into food or materials for other economic sectors.
b) Developing human resources and providing vocational training in fishery;
c) Co-management in aquatic resource protection;
d) Building a large fishery center;
dd) Buying insurance for aquaculture at sea and island; crew accident insurance; insurance for hull and equipment of commercial fishing vessels extracting marine aquatic resources from the inshore route to the outer boundary of Vietnam's exclusive economic zone;
e) Developing fishery activities from the from the inshore route to the outer boundary of Vietnam’s exclusive economic zone; recovering production in case of environmental incidents, natural disasters and epidemics; providing assistance for fishermen when they are prohibited from extraction of aquatic resources or modify their vocations to reduce the coastal commercial fishing;
g) Building a national brand name, trade promotion and developing consumer market of aquatic products.
3. The State encourages domestic and foreign individuals and organizations to invest in activities prescribed in Clauses 1 and 2 of this Article and the following activities:
a) Organizing production according to value chain and model of association and cooperation;
b) Investing in advanced technologies applied in processing of aquatic products to improve value added of these products and reduce post-harvesting loss; building wholesale markets of aquatic products and promote brand names of aquatic products;
c) Investing in marine aquaculture and organic aquaculture;
d) Applying the quality management system to production and business of aquatic products; tracing of aquatic products.
Article 7. Prohibited actions in fishery activities
1. Destruction of aquatic resources, aquatic ecosystem, reproductive areas, areas where offspring live and residence of aquatic species.
2. Obstruction of natural migration patterns of aquatic species.
3. Encroachment of or damage to protected zones of aquatic resource and MPAs.
4. Catching of aquatic products, aquaculture and construction and other activities that affect the living environment and aquatic resources in subdivisions under strict protection and subdivisions of ecological recovery of MPAs.
5. Illegal operation of commercial fishing vessels and other watercrafts in subdivisions under strict protection of MPAs except for force majeure.
6. Illegal commercial fishing, failure to report and comply with regulations of law (hereinafter referred to as “illegal commercial fishing”); purchase, sale, transport, storage, preliminary processing and processing of aquatic products originating from illegal commercial fishing, aquatic products with impurities for commercial fraud purposes.
7. Use of banned substances or chemicals, toxins, explosives, electric impulses, electric currents, destructive methods, means and fishing tackle for extracting aquatic resources.
8. Use of fishing tackle for obstructing or causing damage to organizations or individuals that are engaged in fishing; anchoring or mooring vessels at places where commercial fishing tackle of organization or individuals that are engaged in fishing are located or places where other commercial fishing vessels are engaged in fishing, except for force majeure.
9. Throwing the fishing tackle in natural waters, except for force majeure.
10. Putting impurities into aquatic products for commercial frauds.
11. Use of antibiotics, veterinary drugs and plant protection drugs banned from use in aquaculture; chemicals, biological preparations and microorganisms banned from use in the production of aquatic feeds and products for adjusting aquaculture environment; use of aquatic breeds not included in the list of aquatic species permitted for trading in Vietnam for aquaculture.
12. Destruction and demolition causing damage to or encroachment of works in fishing ports and anchorages for avoiding storms; discharge of wastes into improper places in fishing ports and anchorages for avoiding storms.
13. Abuse of inspection, assessment of aquatic resources to cause damage to national defense, security, national interests, legal rights and interests of other organization and individuals; illegal provision and use of information and data on aquatic resources.
Article 8. International cooperation in fishery activities
1. Conclusion of and compliance with international treaties related to fishery activities.
2. Provision of assistance and investment in resources in fishery activities.
3. Provision of training in human resources; scientific research, technological development and technology transfer; exchange of information, trade and experience related to fishery activities.
4. Conservation and management of organism resources in international waters in accordance with regulations issued by regional fishery organizations and United Nations Convention on the law of the Sea 1982.
5. Cooperation in inspecting and taking actions against illegal commercial fishing inside and outside the territory of Vietnam in accordance with regulations of international treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory.
Article 9. Fishery national database
1. The fishery national database shall be established consistently from central authorities to local authorities, be standardized for update, use and management thereof using information technology.
2. Organizations and individuals shall update and use the fishery national database in accordance with regulations of law.
3. The Minister of Agriculture and Rural Development shall prescribe update, use and management of the fishery national database.
Article 10. Co-management in aquatic resource protection
1. A community will be recognized and assigned to management in aquatic resource protection if it satisfies the following conditions:
a) its members are households and individuals living and benefiting from aquatic resources in this area;
b) It has submitted application for co-management in protection of aquatic resource protection in a certain geographical area which has not been managed by other organizations or individuals;
c) It has its own plans for protecting and extracting aquatic resources and operating regulations
2. Power to recognize and assign management to communities shall be specified as follows:
a) The People’s Committee of each province has power to recognize and assign management in aquatic resource protection in areas located in at least 2 districts;
b) The People’s Committee of each district has power to recognize and assign management in aquatic resource protection in areas under its management;
c) Recognition and assignment of management in aquatic resource protection in areas located in at least 2 provinces or central-affiliated cities shall be negotiated by People’s Committees of these provinces or cities.
3. Contents of a decision on recognizing and assigning management to communities includes:
a) Name of the community and its representative;
b) Scope of assigned management;
c) Location and boundary of the assigned geographical area;
d) Plans for protecting and extracting aquatic resources and operating regulations of the community.
4. Regulatory authorities have the following rights and responsibilities:
a) Make decisions on recognizing and assigning management in aquatic resource protection;
b) Provide assistance for communities involved in co-management;
c) Inspect and supervise activities of communities;
d) Amend and revoke decisions on recognizing and assigning management in aquatic resource protection;
dd) Exercise rights and carry out responsibilities prescribed by law.
5. A community is entitled to:
a) Organize and manage aquaculture, protection and extraction of aquatic resources, tourism in combination with fishery activities in areas under its management;
b) Patrol and inspect aquaculture, catching, protection and development of aquatic resources in areas under its management; request competent authorities to take actions against violations;
c) Prevent violations committed in areas under its management in accordance with regulations of law and its operating regulations;
d) Be consulted about projects and activities directly related to ecosystem or aquatic resources in the areas under its management;
dd) Preferential and supporting policies in accordance with regulations of law;
e) Establish a community fund.
6. A community shall:
a) Comply with contents specified in the decision on recognizing and assigning management prescribed in Clause 3 of this Article;
b) Comply with regulations of law on fishery activities and follow inspections carried out by the competent authority in accordance with regulations of law;
c) Cooperate with competent authority in patrolling, inspecting, investigating, preventing and taking actions against violations committed in the area under its management;
d) Submit reports on its operation to the competent authority in accordance with regulations of law.
7. A decision on recognizing and assigning management in aquatic resource protection will be revoked if:
a) Its contents are erased or changed;
b) The community is dissolved according to its operating regulations or regulations of law;
c) The community fails to implement the plan for protecting and extracting aquatic resources or comply with it operating regulations;
d) The decision is revoked for national defense and security or public purposes according to a decision issued by the competent authority;
dd) There are other violations in which the decision shall be revoked.
8. A decision on recognizing and assigning management will be adjusted if there are changes in its contents
9. The authority recognizing and assigning management has power to revoke and adjust the decision's contents.
10. The Government shall provide detailed guidelines for this Article.
PROTECTION AND DEVELOPMENT OF AQUATIC RESOURCES
Article 11. The master plan for protecting and extracting aquatic resources
1. Bases for formulating the master plan for protecting and extracting aquatic resources include:
a) Strategies for socio-economic development; national defense and security;
b) Strategies for fishery development;
c) Strategies for sustainable extraction and use of marine and island resources and environmental safety; strategies for preserving biodiversity;
d) The national master plan;
dd) The national marine spatial planning;
e) The master plans and plans for using land;
g) The master plan for environmental protection; the master plan for preserving biodiversity;
h) Results of investigation into and assessment of aquatic resources;
i) Reality and demand for extracting and protecting aquatic resources;
k) Other bases prescribed by regulations of law on planning.
2. Main contents of the master plan for protecting and extracting aquatic resources include:
a) Assessment of management, extraction, protection and development of aquatic resources;
b) Determination of objectives and orientations; formulation of the master plan for management, extraction, protection and development of aquatic resources;
c) Geographical location, area, boundary and map of places where MPAs or protected area of aquatic resources are expected to be built.
d) Zoning for commercial fishing activities; quantity of commercial fishing vessels of each type of vocation; methods for managing, protecting and developing aquatic resources;
dd) Measures, programs and plans for implementing the master plan; resources and implementation of the master plan for protecting and extracting aquatic resources;
e) Other contents prescribed by regulations of law on planning.
3. The master plan for protecting and extracting aquatic resources shall be formulated approved and adjusted as follows:
a) The Ministry of Agriculture and Rural Development shall take charge and cooperate with Ministries, ministerial agencies and relevant People’s Committees of provinces in requesting the Prime Minister to approve the master plan for protecting and extracting aquatic resources;
b) The master plan for protecting and extracting aquatic resources shall be formulated, approved, published, implemented and adjusted in accordance with regulations of law on planning.
Article12. Investigation into and assessment of aquatic resources and living environment of aquatic species
1. Investigation into and assessment of aquatic resources and living environment of aquatic species aim to:
a) Provide information, data and scientific bases for management and sustainable use of aquatic resources;
b) Determine reserves and production of aquatic resources allowed to be caught, assess fluctuation of aquatic resources and living environment of aquatic species.
2. Investigation into and assessment of aquatic resources and living environment of aquatic species shall include the following activities:
a) Overall investigation into and assessment of aquatic resources and living environment in the whole country carried out every 5 years;
b) Annual inspection and assessment of commercial fishing;
c) Investigation into and assessment of aquatic resources and living environment of aquatic species according to each subject.
3. The Ministry of Agriculture and Rural Development shall:
a) Design and request the Prime Minister to approval and organize execution of the program for carrying out the overall investigation into and assessment of aquatic resources and living environment in the whole country every 5 years;
b) Carry out the investigation into and assessment of aquatic resources and living environment of aquatic species according to each subject;
c) Publish results of investigation into and assessment of aquatic resources and living environment of aquatic species.
4. The People’s Committee of each province shall:
a) Carry out investigation into and assessment of aquatic resources and living environment according to each subject, commodity fishery in its province according to instructions given by the Ministry of Agriculture and Rural Development;
b) Cooperate in investigation into and assessment of aquatic resources and living environment of aquatic species in accordance with regulations of Point a Clause 2 of this Article.
5. The Minister of Agriculture and Rural Development shall provide procedures and guidelines for carry out investigation into and assessment of aquatic resources and living environment of aquatic species.
Article 13. Aquatic resource protection
1. Aquatic species and their living environment, reproductive areas, areas where offspring live and migration patterns of aquatic species are entitled to aquatic resource protection.
2. Organizations and individuals shall:
a) Protect and extract aquatic resources in accordance with regulations of this Law and other relevant regulations of law;
b) Create migration patterns or corridors for moving by aquatic species when constructing, changing or demolishing construction works or carry out other activities related migration patterns of aquatic species;
c) Leave corridors for moving by aquatic species when they are engaged in fixed fishery activities in rivers and lagoons;
d) Take remedy and pay compensation for damage caused by their actions when they discharge, explore and extract natural resources, construct or demolish underwater works or works within subaqueous soil causing decline or extinction of aquatic resources or damage to living environment, reproductive areas, areas where offspring live and migration patterns of aquatic species;
dd) Comply with this Law and other relevant regulations of law when carrying out fishery activities or other activities causing direct effects on living environment, migration patterns and recreation of aquatic species.
3. The Ministry of Agriculture and Rural Development shall:
a) Design and request the Prime Minister to approve and organize execution of national programs for protecting and developing aquatic resources;
b) Make and request the Prime Minister to issue the list of endangered, precious and rare aquatic species; criteria on determining, regulations on managing and protecting and procedures for extracting endangered, precious and rare aquatic species;
c) Formulate and issue plans and measures for managing aquatic resources;
d) Organize investigation, collection, conservation of and survey on original breeds of native and endemic aquatic species having economic value and endangered, precious and rare aquatic species;
dd) Publish natural migration patterns of aquatic species.
4. The Minister of Agriculture and Rural Development shall specify criteria and issue the list of fisheries and fishing tackle banned from use in commercial fishing and the list of areas banned from commercial fishing for a fixed term.
5. The People’s Committee of each province shall:
a) Specify banned industries, commercial fishing tackle and areas not included in the lists prescribed in Clause 4 of this Article in conformity with protection and extraction of aquatic resources in its province after getting permission from the Ministry of Agriculture and Rural Development;
b) Formulate and organize the implementation of plans for protecting and developing aquatic resources in its province in conformity with the national program for protecting and developing aquatic resources that has been approved by the Prime Minister.
Article14. Recreation of aquatic resources and recovery of living environment of aquatic species
1. Recreation of aquatic resources and recovery of living environment of aquatic species include the following activities:
a) Research into and application of science and technology to recreation of aquatic resources and recovery of living environment of aquatic species;
b) Releasing endangered, precious and rare aquatic species; aquatic species having economic and scientific value, native aquatic species and endemic aquatic species into natural waters;
b) Building artificial habitats for endangered, precious and rare aquatic species; aquatic species having economic and scientific value, native aquatic species and endemic aquatic species into natural waters;
d) Managing recovered areas and recreated aquatic species.
2. The Ministry of Agriculture and Rural Development shall manage and organize inspection and supervision of recreation of aquatic resources and recovery of living environment of aquatic species in the whole country.
3. The People’s Committee of each province shall organize the recreation of aquatic resources and recovery of living environment of aquatic species in its province.
4. Organizations and individuals are encouraged to recreate aquatic resources and recover living environment of aquatic species.
1. MPAs include national parks, nature reserves, species and habitat conservation areas and landscape protection zones. MPAs shall be classified in accordance with regulations of law on biodiversity.
2. Requirements for nature reserves and landscape conservation areas shall be established in accordance with regulations of law on biodiversity.
3. Requirements for a national park include:
a) Its marine ecosystem is significant to Vietnam and the world, is special or represents a natural ecoregion.
b) The park is a regular or seasonal natural habitat of at least an aquatic species included in the list of endangered, precious and rare aquatic species that are entitled to prior protection or included in the group of aquatic species banned from extraction of the abovementioned list;
c) It has special values to science and education;
d) It has environmental landscapes, unique beauty of nature and ecotourism values.
4. Requirements for a species and habitat conservation include:
a) A national species and habitat conservation is a regular or seasonal natural habitat of at least one aquatic species included in the list of endangerd, precious and rare aquatic species that are entitled to prior protection or included in the group of aquatic species banned from extraction of the abovementioned list and has special values to science and education;
b) A species and habitat conservation of a province is a regular or seasonal natural habitat of at least one endemic aquatic species or native aquatic species that have special values to science and economy and has special values to ecology and environment.
Article 16. Establishment of MPAs
1. National MPAs shall be established in accordance with regulations of law on biodiversity.
2. The Minister of Agriculture and Rural Development shall prescribed procedures for planning and appraising projects on establishment of MPAs and contents of decisions on establishment of MPAs of provinces.
3. Responsibilities for submitting projects on establishment of national MPAs are specified as follows:
a) The Ministry of Agriculture and Rural Development shall request the Prime Minister to issue decisions on establishment of MPAs located in at least 2 provinces or central-affiliated cities;
b) The People’s Committee of each province shall request the Prime Minister to issue decisions on establishment of MPAs located in the province after getting written permission from the Ministry of Agriculture and Rural Development.
4. The Ministry of Agriculture and Rural Development shall request the Government to issue regulations on managing MPAs and submit annual reports on management of marine conservation to the Ministry of Natural Resources and Environment.
Article 17. Aquatic resource protected areas
1. An aquatic resource protected area is a habitat, reproductive area or a place where offspring live regularly or seasonally of at least one aquatic species included in the list of endangerd, precious and rare aquatic species, native aquatic species or transboundary aquatic species.
2. Aquatic resource protected areas shall be investgated and determined as follows:
a) The Ministry of Agriculture and Rural Development shall investigate and determine aquatic resource protected areas and issue the list thereof in the whole country;
b) The People’s Committee of each province shall investigate and determine additional aquatic resource protected areas in the province and submit a report to the Ministry of Agriculture and Rural Development for considering and making additions to the list of aquatic resource protected areas.
3. The People’s Committee of each province shall manage aquatic resource protected areas in the country.
4. The Minister of Agriculture and Rural Development shall provide guidelines for managing aquatic resource protected areas.
Article 18. Management of aquatic resources and aquatic ecosystem in reserve forests and protection forests
1. The organization managing reserve forests and protection forests shall:
a) Specify contents of management and conservation of aquatic resources and aquatic ecosystem in the plan for managing reserve forests and protection forests;
b) Manage aquatic resources and aquatic ecosystem in reserve forests and protection forests in accordance with regulations of this Law and other relevant regulations of law;
c) Assign qualified people to manage aquatic resources and aquatic ecosystem;
d) Assess condition of aquatic resources and aquatic ecosystems in reserve forests and protection forests and conserve aquatic resources and aquatic ecosystems;
dd) Submit annual or ad hoc reports on management of aquatic resources and aquatic ecosystem to the regulatory authority in charge of fishery (hereinafter referred to as “fishery authority”).
2. Fishery authorities shall provide guidelines for and inspect the management of aquatic resources and aquatic ecosystem in reserve forests and protection areas.
Article 19. Management of aquatic resources in wetland reserves
1. The authority setting up projects on establishment of wetland reserves having aquatic resources shall get written permissions from the Ministry of Agriculture and Rural Development.
2. The organization managing wetland reserves shall:
a) Specify contents of conservation of aquatic resources in plans for managing wetland reserves;
b) Manage aquatic resources and aquatic ecosystem in wetland reserves in accordance with regulations of this Law and other relevant regulations of law;
c) Assign qualified people to manage aquatic resources;
d) Assess condition of aquatic resources in wetland reserves;
dd) Submit annual or ad hoc reports on management of aquatic resources to fishery authorities.
3. Fishery authorities shall provide guidelines for and inspect the management of aquatic resources and aquatic ecosystem in wetland reserves.
Article 20. Funding for protection and development of aquatic resources
1. State budget
2. Funds for protection and development of aquatic resources
3. Community funds
4. Other sources of finance prescribed by regulations of law on planning
Article 21. Fund for protection and development of aquatic resources
1. Fund for protection and development of aquatic resources is an off-budget fund, including central funds and provincial funds used for raising social resources for protection and development of aquatic resources.
2. Power to establish funds for protection and development of aquatic resources is specified as follows:
a) The Minister of Ministry of Agriculture and Rural Development shall decide to establish central funds;
b) Chairman/Chairwoman of People’s Committee of each province shall decide to establish provincial funds based on demand and raised resources of the province.
3. Operating principles of funds for protection and development of aquatic resources are specified as follows:
a) The funds are non-profit;
b) The funds are used for assisting programs, projects or non-project activities related to protection and development of aquatic resources that have not been funded by the state budget or have not satisfied investment requirements;
c) The funds are used transparently and effectively for proper purposes and in accordance with regulations of law.
4. Sources of finance used for establishing funds for protection and development of aquatic resources include:
a) Voluntary contributions by organizations and individuals causing effects on aquatic resources, living environment, reproductive areas, areas where offspring live and migration patterns of aquatic species.
b) Money from sponsor, charity and trustee by domestic and foreign organizations and individuals;
c) Other sources of finance prescribed by law.
5. The Government shall prescribe functions, duties, organizational structure; operation, management and use of funds for protection and development of aquatic resources.
1. Community fund is a fund established for providing assistance in protecting and developing aquatic resources. The State encourages organizations and individuals to establish community funds.
2. Community funds shall be granted by funds for protection and development of aquatic resources and other legal sources of finance.
3. Community funds shall be organized and operated in accordance with regulations of law on funds
Article 23. Management of aquatic breeds
1. An aquatic breed shall satisfy the following requirements after being launched:
a) The breed is included in the list of aquatic species allowed to be traded in Vietnam;
b) It has declaration of applied standards and declaration of conformity in accordance with regulations of law;
c) Its quality is conformable with applied standards;
d) It has undergone quarantine in accordance with regulations of law.
2. The Minister of Agriculture and Rural Development shall:
a) Issue national technical regulations on aquatic breeds; regulations on useful life of parent aquatic breeds and request the Government to issue the list of aquatic species allowed to be traded in Vietnam;
b) Provide instructions on inspecting conditions of establishments manufacturing and raising aquatic breeds; quality of produced, imported and exported aquatic breeds prescribed in this Law and law on quality of goods and products; procedures for applying technical methods for dealing with violations of quality of aquatic breeds and provide instructions on updating information about aquatic breeds.
Article 24. Conditions of producers and raisers of aquatic breeds
1. A producer of aquatic breed will be issued with the certificate of eligibility if it satisfies the following conditions:
a) Facilities for production are conformable with aquatic species; there are isolation wards for monitoring the health of new-come aquatic species;
b) There are technicians who are trained in aquaculture, aquatic pathology or biology;
c) A system for controlling quality and biological safety is applied;
d) In case of production of parent aquatic breeds, the producer shall have aquatic purebreds or aquatic breeds that have been recognized through testing or results of science and technology missions that have been recognized or approved by competent authorities.
2. Raisers of aquatic breeds will be issued with certificates of eligibility if they satisfy all conditions prescribed in Points a, b and c Clause 1 of this Article.
Article 25. Issuance, reissuance and revocation of certificates of eligibility for producing or raising aquatic breeds
1. Power to issue, reissue and revoke certificates of eligibility for producing or raising aquatic breeds shall be specified as follows:
a) The Ministry of Agriculture and Rural Development has power to issue, reissue and revoke certificates of eligibility for producing or raising parent aquatic breeds;
b) The People’s Committee of each province has power to issue, reissue and revoke certificates of eligibility for producing or raising aquatic breeds in the province, except for the cases prescribed in Point a of this Clause.
2. Authorities issuing certificates of eligibility for producing or raising aquatic breeds shall inspect the maintenance of eligibility.
3. A certificate of eligibility for producing or raising aquatic breeds will be reissued if:
a) It is lost or damaged; or
b) The producer’s or raiser’s information specified in the certificate is changed.
4. A certificate of eligibility for producing or raising aquatic breeds will be revoked if:
a) Its contents are erased or changed;
b) The applicant fails to satisfy the conditions prescribed in Article 24 of this Law;
c) There are other violations in which the certificate shall be revoked.
5. The Government provide detailed guidelines for conditions, the time when inspection of eligibility maintenance is carried out; Contents of and procedures for issuance, reissuance and revocation of certificates of eligibility for producing or raising aquatic breeds.
Article 26. Rights and responsibilities of producers and raisers of aquatic breeds
1. A producer or raiser of aquatic breeds is entitled to:
a) Produce or raise aquatic breed in accordance with the certificate of eligibility for producing or raising aquatic breeds.
b) Receive training in regulations on aquatic breeds;
c) Advertise the aquatic breeds in accordance with regulations on advertisement;
d) Make complaints, denunciations and receive compensations in accordance with regulations of law.
2. A producer or raiser of aquatic breeds shall:
a) Make declaration of conformity in accordance with regulations of law on standards, technical regulations and law on quality of goods and products; ensure and take responsibility for quality of aquatic breeds having declaration of conformity;
b) Apply the quality management system to ensure quality of products prescribed in the applied standards;
c) Produce aquatic species included in the list of aquatic species allowed to be traded in Vietnam; ensure biosafety during the production or raising of aquatic species;
c) Label aquatic breeds in accordance with regulations of law on labels;
dd) Update information and submit reports during the production and raising of aquatic breeds to national database on fishery in accordance with regulations of law;
e) Keep a log and retain documents during the production and raising of aquatic resources for traceability;
g) Comply with inspection by competent authorities in accordance with regulations of law;
h) Comply with regulations and law on useful life of parent aquatic breeds.
Article 27. Import and export of aquatic breeds
1. Imported aquatic breeds shall have their quality inspected in accordance with regulations of law.
2. Organizations and individuals are allowed to import aquatic breeds included in the list of aquatic species allowed to be traded in Vietnam. The import of aquatic breeds that are not included in the abovementioned list for testing, scientific research, display and exhibition shall be licensed by the Ministry of Agriculture and Rural Development.
3. An organization or individual is allowed to export aquatic breeds if:
a) The breed is not included in the list of aquatic species banned from export;
b) The breeds satisfy the conditions prescribed in the list of exported aquatic species requiring certain conditions;
c) Export of aquatic breeds included in the list of aquatic breeds banned from export or aquatic breeds failing to satisfy the conditions prescribed in the list of aquatic species requiring certain conditions for scientific research and international cooperation shall be licensed by the Ministry of Agriculture and Rural Development according to the Prime Minister’s approval.
4. The Ministry of Agriculture and Rural Development will consider inspecting systems for managing and producing aquatic breeds in the exporting country in accordance with regulations of Vietnam law and international treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory if:
a) The assessment is made for mutual recognition;
b) There are risks to quality, environment and biosafety caused by aquatic species imported to Vietnam.
5. The Government shall provide detailed guidelines for this Article.
Article 28. Testing of aquatic breeds
1. Testing of an aquatic breed will be carried out if:
a) The breed is created domestically for the first time through artificial selection, hybridization or other technical methods other than aquatic species created from results of science and technology missions that have been recognized or approved by competent authorities;
b) The breed imported for production or trading is not included in the list of aquatic species allowed to be traded in Vietnam.
2. Organizations carrying out testing of aquatic species (hereinafter referred to as “testing organization”) shall satisfy the following requirements:
a) At least 2 technicians have bachelor degree or higher decree in aquaculture, aquatic pathology or biology;
b) Facilities and equipment for production are conformable with the aquatic species subject to testing;
c) The organization satisfies requirements for biosafety and environmental safety.
3. A testing organization has the following rights and responsibilities:
a) It may be involved in testing of aquatic species in accordance with regulations of law.
b) It may have its testing costs paid according to agreement with organizations and individuals in need of testing;
c) It may refuse to provide information related to testing results for the third party unless it is requested by competent authority;
d) It shall take responsibility for testing results;
c) It shall ensure biosafety and environmental safety during the testing;
e) Comply with inspection by competent authorities in accordance with regulations of law;
4. The Government shall provide detailed guidelines for Clause 2 of this Article, naming aquatic breeds and procedures for testing of aquatic breeds.
Article 29. Assessment of aquatic breeds
1. An aquatic breed shall be assessed:
a) At the request of competent authorities;
b) At the request of organizations and individuals in case of complaints or denunciation.
2. The Ministry of Agriculture and Rural Development shall publish testing organizations eligible for assessing aquatic breeds.
3. An assessing organization has the following rights and responsibilities:
a) It may assess aquatic species in accordance with regulations of law.
b) It may be paid for assessment in accordance with regulations of law;
c) It may refuse to provide information related to assessment results for the third party unless it is requested by competent authority;
d) It shall take responsibility for assessment results;
dd) It shall ensure biosafety and environmental safety during the assessment of aquatic breeds.
Article 30. Labels of and documents on transporting aquatic breeds
1. Aquatic breeds shall be labeled in accordance with regulations of law on labeling in case of transportation.
2. Transporters of aquatic species shall have documents on quality and quarantine of aquatic species in accordance with regulations of law.
Section 2. AQUATIC FEEDS AND PRODUCTS FOR ADJUSTING AQUACULTURE ENVIRONMENT
Article 31. Management of aquatic feeds and products for adjusting aquaculture environment
1. Aquatic feeds and products for adjusting aquaculture environment shall satisfy the following requirements before being launched:
a) They have declaration of conformity in accordance with regulations of law;
b) Their quality is conformable with applied standards;
c) Their information has been sent to the Ministry of Agriculture and Rural Development in accordance with regulations of law.
2. The Minister of Agriculture and Rural Development shall:
a) Issue national technical regulations on aquatic feeds and products for adjusting aquaculture environment;
b) Issue the list of chemicals, biological preparations and microorganisms banned from use in aquatic feeds and products for adjusting aquaculture environment;
c) Issue the list of chemicals, biological preparations, microorganisms and materials for manufacturing aquatic feeds allowed to be used in aquaculture in Vietnam based on testing results or results of science and technology missions that have been recognized or approved by the competent authorities or results of review, investigation and realistic assessment;
d) Provide instructions on inspecting conditions of producers, traders and importers of aquatic feeds and products for adjusting aquaculture environment; quality of produced, imported and exported aquatic feeds and products for adjusting aquaculture environment prescribed in this Law and law on quality of goods and products; procedures for applying technical methods for dealing with violations of quality of aquatic feeds and products for adjusting aquaculture environment;
dd) Provide detailed guidelines for Point c Clause 1 of this Article; prescribe naming and allowable errors in analysis of quality of and technical criteria on aquatic feeds and products for adjusting aquaculture environment that shall have declaration of standard conformity
Article 32. Conditions for producers of aquatic feeds and products for adjusting aquaculture environment
1. A producer of aquatic feeds and products for adjusting aquaculture environment will be issued with the certificate of eligibility if it satisfies the following conditions:
a) Place of production is located in an area not polluted by hazardous wastes and toxic chemicals;
b) The producer’s factory is encompassed by walls or fences for separation from outside;
c) Workshops and equipment are suitable for each type of products;
d) The producer is eligible for analyzing quality of products during the production;
dd) A system for controlling quality and biological safety is applied;
e) There are technicians who are trained in aquaculture, aquatic pathology, biology, chemistry or food technology;
1. The Government shall provide detailed guidelines for this Article.
Article 33. Conditions for traders and importer of aquatic feeds and products for adjusting aquaculture environment
A trader or importer of aquatic feeds and products for adjusting aquaculture environment shall satisfy the following conditions:
1. Place of sale and place of maintenance are separated from pesticides, fertilizers and toxic chemicals;
2. There is equipment for maintaining aquatic feeds and products for adjusting aquaculture environment according to instructions provided by their producers or providers.
Article 34. Issuance, reissuance and revocation of certificates of eligibility for producing aquatic feeds and products for adjusting aquaculture environment
1. Power to issue, reissue and revoke certificates of eligibility for producing aquatic feeds and products for adjusting aquaculture environment shall be specified as follows:
a) The Ministry of Agriculture and Rural Development has power to issue, reissue and revoke certificates of eligibility for producing aquatic feeds and products for adjusting aquaculture environment of foreign investors and foreign invested business entities;
b) The People’s Committee of each province has power to issue, reissue and revoke certificates of eligibility for producing aquatic feeds and products for adjusting aquaculture environment in the province, except for the cases prescribed in Point a of this Clause.
2. Authorities issuing certificates of eligibility for producing aquatic feeds and products for adjusting aquaculture environment shall inspect the maintenance of eligibility .
3. The certificate of eligibility for producing aquatic feeds and products for adjusting aquaculture environment will be reissued if:
a) It is lost or damaged; or
b) The producer’s information specified in the certificate is changed.
4. The certificate of eligibility for producing aquatic feeds and products for adjusting aquaculture environment will be revoked if:
a) Its contents are erased or changed;
b) The producer fails to satisfy the conditions prescribed in Clause 1 Article 32 of this Law;
c) There are other violations in which the certificate shall be revoked.
5. The Government shall provide detailed guidelines for conditions of producers and importers of aquatic feeds and products for adjusting aquaculture environment; contents and time of inspection of maintenance; contents of and procedures for issuance, reissuance and revocation of certificates of eligibility for producing aquatic feeds and products for adjusting aquaculture environment.
Article 35. Testing of aquatic feeds and products for adjusting aquaculture environment
1. Aquatic feeds and products for adjusting aquaculture environment shall be undergone testing if they contain chemicals, biological preparations, microorganisms and materials not included in the lists prescribed in Points b and c Clause 2 Article 31 of this Law.
2. An organization carrying out testing of aquatic feeds and products for adjusting aquaculture environment shall satisfy the following conditions:
a) At least 2 technicians have bachelor degrees or higher decrees in aquaculture, aquatic pathology or biology;
b) There are facilities serving the testing of aquatic feeds and products for adjusting aquaculture environment;
c) The organization satisfies requirements for biosafety and environmental safety.
3. Testing of aquatic feeds and products for adjusting aquaculture environment shall include the following activities:
a) Analysis of components and quality of products;
b) Analysis of characteristics and uses of products;
c) Analysis of toxicity and safety of the products to raised aquatic species, environment and users;
d) Other activities depending on specific characteristics of each product.
4. The organization carrying out testing of aquatic feeds and products for adjusting aquaculture environment has the following rights and responsibilities:
a) It may carry out testing of aquatic feeds and products for adjusting aquaculture environment in accordance with regulations of law.
b) It may be paid for testing activities in accordance with regulations of law;
c) It may refuse to provide information related to testing results for the third party unless it is requested by competent authority;
d) It shall take responsibility for testing results;
dd) It shall ensure biosafety and environmental safety during the testing;
e) It shall comply with inspection by competent authorities in accordance with regulations of law;
5. The People’s Committee of each province shall carry out testing in the province.
6. The Government shall provide detailed guidelines for Clauses 2 and 3 of this Article and prescribe procedures for testing of aquatic feeds and products for adjusting aquaculture environment.
Article 36. Import and export of aquatic feeds and products for adjusting aquaculture environment
1. Quality of imported quatic feeds and products for adjusting aquaculture environment shall be inspected.
2. Organizations and individuals may import quatic feeds and products for adjusting aquculture environment containing chemicals, biological preparations, microorganisms and materials of aquatic feeds included in the list of chemicals, biological preparations, microorganisms and materials of aquatic feeds allowed to be used in aquaculture in Vietnam. Import of quatic feeds and products for adjusting aquculture environment containing chemicals, biological preparations, microorganisms and materials of aquatic feeds included in the lists prescribed in Points b and c Clause 2 Article 31 of this Law for testing, scientific research, display in fairs and exhibitions shall be licensed by the Ministry of Agriculture and Rural Development.
3. Exported quatic feeds and products for adjusting aquaculture environment shall satisfy the requirements prescribed in law of the exporting country and Vietnam law.
4. The Ministry of Agriculture and Rural Development will consider inspecting systems for managing and producing aquatic feeds and products for adjusting aquaculture environment in the exporting country in accordance with regulations of Vietnam law and international treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory if:
a) The assessment is made for mutual recognition;
b) There are risks of food quality, food safety, epidemic or environmental issues caused by products imported to Vietnam.
5. The Government shall provide detailed guidelines for this Article.
Article 37. Responsibilities of producers, traders, importers and users of aquatic feeds and products for adjusting aquaculture environment
1. A producer of aquatic feeds and products for adjusting aquaculture environment shall:
a) Control quality of products during the production in accordance with regulations of law on quality of goods and products;
b) Make declarations of conformity in accordance with regulations of law.
c) Label products in accordance with regulations of law on labeling; keep a log and retain documents during the production for traceability;
d) Take legal responsibility for quality of its products; handle, recall or destroy products whose quality fails to satisfy requirements prescribed by law and pay compensations for damages to sellers and aquaculture farmers;
dd) Send information on its products to the Ministry of Agriculture and Rural Development in accordance with regulations of law before they are launched;
e) Comply with inspection by competent authorities in accordance with regulations of law;
2. A trader or importer of aquatic feeds and products for adjusting aquaculture environment shall:
a) Inspect origins, useful life and intactness of products, standard conformity marking and technical-regulation conformity marking (if any);
b) Take measures for maintaining quality of products according to instructions given by their producers;
c) Send information on the products imported for the first time to the Ministry of Agriculture and Rural Development in accordance with regulations of law before they are launched and make a declaration of standard conformity.
d) Comply with inspections of eligibility and quality of products in accordance with regulations of law; handle, revoke and destroy products violating regulations on food quality and safety and pay compensations for damage to aquaculture farmers in accordance with regulations of law.
3. A user of aquatic feeds and products for adjusting aquaculture environment shall:
a) Comply with regulations of law and instructions given by providers and producers related to transport, storage, maintenance and use of products;
b) Comply with inspections of quality of products carried out by fishery authorities; destroy aquatic feeds and products for adjusting aquaculture environment and raised aquatic species that fail to ensure food quality and safety in accordance with regulations of law.
Article 38. Conditions for organizations and individuals engaged in aquaculture
1. An organization or individual engaged in aquaculture shall satisfy the following requirements:
a) Place of aquaculture shall comply with regulations on using land and marine aquaculture waters in accordance with regulations of law;
b) Facilities are conformable with aquatic species and raising methods;
c) Regulations of law on environment safety, veterinary medicines and occupational safety are complied;
d) Regulations of law on food safety are complied;
dd) Cage culture and main aquatic species are registered.
2. Organizations and individuals raising aquatic species for ornamental purposes, entertainment, fine arts and cosmetics shall comply with regulations in Points a, b, c and dd Clause 1 of this Article.
3. Organizations and individuals engaged in mariculture shall formulate mariculture projects and be licensed by competent authorities, except for the individuals prescribed in Point a Clause 2 Article 44 of this Article.
4. The Prime Minister shall specify main aquatic species.
5. The Government shall provide detailed guidelines for conditions of organizations and individuals engaged in aquaculture; power, contents of and procedures for issuance of certificates of eligibility for aquaculture; power, contents of and procedures for registration of cage culture and main aquatic species; contents of and procedures for issuing licenses for mariculture activities.
Article 39. Power to issue licenses for mariculture
1. The People’s Committee of each province has power to issue licenses for mariculture to Vietnamese organizations and individuals within the waters extending 6 nautical miles from the lowest average edge of seawater in multiple years.
2. The Ministry of Agriculture and Rural Development has power to issue licenses for mariculture to Vietnamese organizations and individuals in waters with a distance of 6 nautical miles from the lowest average edge of seawater, border waters between provinces or central-affiliated cities and waters located in both outside and inside the waters extending 6 nautical miles from the lowest average edge of seawater in multiple years
3. The Government shall prescribe the issuance of licenses for mariculture to foreign investors and foreign invested business entities in accordance with regulations in Clause 1 Article 44 of this Article.
Article 40. Breeding, raising and artificial propagation of aquatic species prescribed in Appendices of Convention on International Trade in Endangered Species of Wild Fauna and Flora and endangered, precious and rare aquatic species
1. Organizations and individuals are allowed to breed, raise or carry out artificial propagation of aquatic species prescribed in Appendices of Convention on International Trade in Endangered Species of Wild Fauna and Flora (CITES) and endangered, precious and rare aquatic species in accordance with regulations of CITES and Vietnam law.
2. Fishery authorities of provinces shall manage and trace origins of aquatic species prescribed in Appendices of CITES and endangered, precious and rare aquatic species originating from aquaculture or nature.
3. The Government shall prescribe procedures for tracing origins of aquatic species prescribed in Clause 2 of this Article; conditions and power of and procedures for issuance of certificate of eligibility for breeding, raising and artificial propagation of aquatic species prescribed in Appendices of CITES and endangered, precious and rare aquatic species
Article 41. Environmental monitoring and warning and epidemic prevention in aquaculture
Environmental monitoring and warning and epidemic prevention in aquaculture shall be carried out in accordance with regulations of law on veterinary medicines and other relevant regulations.
Article 42. Rights and responsibilities organizations and individuals engaged in aquaculture
1. Organizations and individuals engaged in aquaculture are entitled to:
a) Be issued with the land use right certificates by the competent authorities in case of allocation or lease of land for aquaculture in accordance with regulations in Article 43 of this Law or decisions on allocating the right to use marine aquaculture waters in accordance with regulations in Article 44 of this Law;
b) Have their legal rights and interests protected from infringement committed by other organizations and individuals by the State during the aquaculture; receive compensations when the State expropriates land or marine waters for public, national defense and security purposes in the term of land or marine water allocation in accordance with regulations of law;
c) Receive notifications of environment and epidemics in aquaculture area and instructions on aquaculture techniques and information on market of aquatic products;
d) Be provided with assistance in production restoration by the State in case of damage caused by epidemics and natural disasters in accordance with regulations of law;
dd) Be issued with certificates of eligibility for aquaculture by competent authorities if required.
2. Organization and individuals engaged in aquaculture shall:
a) Use allocated land and waters for proper purposes and not beyond the prescribed boundary for aquaculture and protect common works for aquaculture;
b) Fulfill financial obligations to use land and marine aquaculture waters in accordance with regulations of law;
c) Monitor and supervise criteria on aquaculture environment in accordance with regulations of law;
d) Comply with regulations on prevention of natural disasters; ensure safety of people and property during the aquaculture; comply with regulations on food safety, biosafety and environmental safety;
dd) Use equipment, aquatic breeds, aquatic feeds, veterinary medicines for aquatic species and products for adjusting aquaculture environment in accordance with regulations of law;
e) Retain documents on aquatic breeds, veterinary medicines for aquatic species and products for adjusting aquaculture environment that are used during the aquaculture and other documents on the process of aquaculture to ensure traceability;
g) Take legal responsibility for aquaculture activities, food quality and safety of their aquatic products; be under inspection and supervision by competent authorities during the aquaculture;
h) Update information and report on the aquaculture on fishery national database;
i) Return land and marine aquaculture waters when being issued with decisions on land allocation in accordance with regulations of law.
Section 4. ALLOCATION, LEASE AND EXPROPRIATION OF LAND AND MARINE AQUACULTURE WATERS
Article 43. Land allocation, lease and expropriation for aquaculture
Land shall be allocated, leased or expropriated for aquaculture in accordance with regulations of law on land.
Article 44. Allocation of marine aquaculture waters
1. Marine waters shall be allocated for aquaculture according to the national marine spatial planning, planning of provinces and regulations of law on sea and ensure national defense and security.
2. Power to allocate marine waters without levy for aquaculture is specified as follows:
a) The People’s Committee of each district has power to allocate marine waters to Vietnamese individuals who shall modify from inshore commercial fishing to aquaculture according to decisions issued by competent authorities or the individuals permanently reside in the district, have their major incomes earned from aquaculture and are certified by People’s Committees of the communes where they reside. The People’s Committee of each district has power to allocate marine waters under its management extending 3 nautical miles from the lowest average edge of seawater in multiple years;
b) The People’s Committee of each province has power to allocate marine waters to Vietnamese organizations and individuals that carry out science and technology missions for aquaculture approved by competent authorities. The People’s Committee of each province has power to allocate marine waters under its management extending 6 nautical miles from the lowest average edge of seawarter in multiple years;
c) The Ministry of Natural Resources and Environment has power to allocate marine waters to Vietnamese organizations and individuals that carry out science and technology missions for aquaculture approved by competent authorities. The Ministry of Natural Resources and Environment has power to allocate marine waters under its management exceeding 6 nautical miles from the lowest average edge of seawarter in multiple years and border waters of provinces and central-affiliated cities.
3. Power to allocate marine waters with levy for aquaculture is specified as follows:
a) The People’s Committee of each province has power to allocate marine waters in the case prescribed in Clause 1 Article 39 of this Law;
b) The Ministry of Natural Resources and Environment has power to allocate marine waters in the cases prescribed in Clauses 2 and 3 Article 39 of this Law;
4. Period of allocation of marine aquaculture waters shall not exceed 30 years from the day on which the decision on allocating marine waters comes into force. When the abovementioned period expires, the State considers extending the allocation of marine waters for organizations or individuals wishing to continue using allocated marine waters. The allocation period may be extended more than once but total extension period shall not exceed 20 years. Period of allocation of marine waters for science and technology missions shall not exceed the period of these missions approved by competent authorities.
5. A decision on allocating marine aquaculture waters will be adjusted if:
a) Information on the organization or individual receiving marine aquaculture waters is changed;
b) Changes in contents of applications, science and technology missions or aquaculture projects cause changes in contents of the decision on allocating marine aquaculture waters.
6. The Government shall provide guidelines for allocation, extension, limit of and levies on marine waters and amendment to decisions on allocating marine aquaculture waters.
Article 45. Expropriation and requisition of marine waters that have been allocated for aquaculture
1. The State will expropriate the entire or partial marine waters that have been allocated for aquaculture if:
a) The organization or individual fails to use the marine waters in accordance with the decision on allocating marine aquaculture waters or violates regulations on protecting common works for aquaculture;
b) The organization or individual fails to use the entire or partial allocated marine aquaculture waters for more than 24 continuous months unless this organization or individual has reasonable purposes approved by the competent authority;
c) The marine waters are expropriated for public, national defense or security purposes;
d) The responsibilities prescribed in Clause 1 Article 47 of this Law are violated;
dd) The organization or individual fails to fulfill financial obligations prescribed in Point b Clause 2 Article 42 of this Law and fails to comply with penalties for administrative violations;
e) The decision is not conformable with the national marine spatial planning that has been approved by the competent authority;
g) The organization or individual no longer satisfies the conditions prescribed in Article 38 of this Law and fails to take remedial measures promptly.
2. The State decides to requisition marine waters if necessary for performance of national defense or security duties or in case of emergency, environmental incidents or prevention of natural disasters. Marine waters shall be requisitioned in accordance with regulations on compulsory purchase and requisition of property.
3. Authorities allocating marine aquaculture waters have power to expropriate the allocated waters.
4. The Government shall prescribe procedures for expropriation and requisition of marine waters that have been allocated for aquaculture.
Article 46. Rights of users of marine waters allocated by the State for aquaculture
1. Users of marine waters allocated by the State for aquaculture have the rights prescribed in Clause 1 Article 42 of this Law and are entitled to:
a) Use allocated marine aquaculture waters;
b) Return the entire or partial allocated marine waters;
c) Use information and data related to allocated marine waters in accordance with regulations of law.
2. Vietnamese individuals using marine waters allocated without levy by the State for aquaculture mentioned in Point a Clause 2 Article 44 of this Law have the rights prescribed in Clause 1 of this Article and may pledge their property on allocated marine waters in Vietnamese credit institutions in accordance with regulations of law.
3. Vietnamese individuals who use marine waters allocated with levy for aquaculture by the State and have paid annual levies have the rights prescribed in Clause 1 of this Article and are entitled to:
a) Mortgage their property on allocated sea water in Vietnamese credit institutions in accordance with regulations of law;
b) Transfer their property on allocated marine waters. Transferees that continue being engaged in aquaculture will have the rights as those of transferors.
4. Vietnamese users of marine waters allocated with levy by the State for aquaculture that have paid lump sum levies for the entire allocation period have the rights prescribed in Clause 1 of this Article and are entitled to:
a) Mortgage the right to use allocated marine waters and their property on these waters in Vietnamese credit institutions within the period of allocation in accordance with regulations of law;
b) Transfer the right to use marine waters and their property on these waters. Individuals may leave the right to use the allocated marine waters to their heirs in accordance with regulations of law. Transferees and heirs of the right to use allocated sea water for aquaculture have the rights prescribed in this Clause;
c) Use the right to use allocated marine waters and their property on these waters as stakes in accordance with regulations of law;
d) Lease the right to use marine waters and their property on these waters within the term of allocation. The marine waters shall only be leased if they have been invested in under the projects and are used for proper purposes by lessees.
5. The Government shall provide detailed guidelines for return of marine waters, pledge of the right to use marine waters; lease, use as stakes and transfer of the right to use allocated sea water between Vietnamese organizations and individuals; lease, use as stakes and transfer of the right to use allocated sea water between Vietnamese organizations and individuals and foreign investors and foreign invested business entities for aquaculture; rights of foreign investors and foreign invested business entities using marine waters allocated, leased, used as stakes or transferred by Vietnamese organizations and individuals for aquaculture and compensations for expropriating marine waters for public, national defense or security purposes.
Article 47. Rresponsibilities of users of allocated marine aquaculture waters
Users of marine aquaculture waters allocated by the State have the responsibilities prescribed in Clause 2 Article 42 of this Law and shall not:
1. Carry out activities affecting national defense, security, national sovereignty and interests at sea;
2. Obstruct basic investigations and scientific research related to natural resources, marine environment and other legal activities approved by competent authorities;
3. Foreign investors, foreign invested business entities using allocated marine aquaculture waters or marine waters whose use right is leased, received as stakes or transferred from Vietnamese organizations and individuals for aquaculture shall comply with the Government’s regulations
Section 1. DOMESTIC COMMERCIAL FISHING AND FISHING WITHIN THE VIETNAM’S MARITIME BOUNDARY
Article 48. Management of fishing areas
1. The Government shall prescribe fishing areas including the coastal waters, inshore waters and waters from the inshore route to the outer boundary of Vietnam’s exclusive economic zone and activities of commercial fishing vessels in the abovementioned areas.
2. The Ministry of Agriculture and Rural Development shall manage the commercial fishing in the waters from the inshore route to the outer boundary of Vietnam’s exclusive economic zone.
3. The People’s Committee of each province shall manage the commercial fishing in coastal and inshore waters and domestic commercial fishing in the province.
Article 49. Quota on issuance of marine fishing licenses
1. Bases for determining quota on issuance of marine fishing licenses include:
a) Results of aquatic resources investigation and assessment;
b) Variable trend of aquatic resources;
c) The maximum production of aquatic species allowed to be caught sustainably;
d) Structure of fishery vocations, aquatic species to be caught and fishing areas;
dd) The bases for catching aquatic migratory aquatic species or aquatic species living in shoals shall include those prescribed in Points a, b, c and d of this Clause and production allowed to be caught of each species. The Ministry of Agriculture and Rural Development shall determine the aquatic species prescribed in this Point.
2. Pursuant to Clause 1 of this Article, the Ministry of Agriculture and Rural Development shall determine and assign quotas on issuance of marine fishing licenses and production allowed to be caught of each species in the waters from the inshore route to the outer boundary of Vietnam’s exclusive economic zone of provinces.
3. Pursuant to Clause 1 of this Article, the People’s Committee of each province shall determine and assign quotas on issuance of marine fishing licenses and the production allowed to be caught of each species in the coastal waters and inshore water under it management.
4. The quota on issuance marine fishing licenses shall be published and adjusted every 60 months. If there is any variation in aquatic resources, according to results of investigation into and assessment of aquatic resources in each subject, annual investigation into and assessment of commercial fisheries, the Ministry of Agriculture and Rural Development and People’s Committees of provinces shall adjust the production allowed to be caught of each species.
Article 50. Commercial fishing licenses
1. Organizations and individuals using commercial fishing vessels with the maximum length of at least 6 meters for engaging in fishing shall have commercial fishing licenses.
2. The organization or individual prescribed in Clause 1 of this Article will be issued with the commercial fishing license if:
a) The marine fishing does not exceed the quota on issuance of marine fishing licenses;
b) The commercial fishing is not included in the list of banned vocations;
c) The commercial fishing vessel requiring inspection is issued with the certificate of technical safety;
d) The commercial fishing vessel is provided with communication equipment as prescribed by the Ministry of Agriculture and Rural Development;
dd) The commercial fishing vessel with the maximum length of at least 15 meters is equipped with the vehicle tracking device in accordance with the Government's regulations;
e) The organization or individual has obtained the registration certificate of commercial fishing vessels;
g) The master and chief engineer officer have degrees or certificates precribed by the Ministry of Agriculture and Rural Development;
h) In case of reissuance of the expired license, the organization or individual satisfy the requirements prescribed in Points b, c, d, dd, e and g of this Clause and have submitted extraction log in accordance with regulations of law and the commercial fishing vessel is not included in the list of illegal commercial fishing vessels published by the Ministry of Agriculture and Rural Development.
3. Main contents of the commercial fishing license include:
a) Name of the organization or individual;
b) Registration number, name and call sign of the commercial fishing vessel and the International Maritime Organization (IMO) number (if any);
c) Fishing vocations and areas;
d) Fishing period of each vocation;
dd) The production allowed to be caught of each species (if any);
e) The registered fishing port;
g) Expiry date
4. A commercial fishing license will be reissued if:
a) It is lost or damaged; or
b) The license holder’s information specified in the license or the registered fishing port is changed;
c) The license expires.
5. A commercial fishing license will be revoked if:
a) Its contents are erased or changed;
b) Aquatic species are extracted outside the Vietnam’s maritime boundary;
c) The registration of commercial fishing vessel has been cancelled;
d) The conditions prescribed in Clause 2 of this Article are no longer satisfied.
6. The period of a commercial fishing license is specified as follows:
a) The period of the license issued for the first time or reissued in accordance with regulations of Point c Clause 4 of this Article shall not exceed the remaining period of the fishing quota from the day on which it is issued;
b) The period of the license reissued in accordance with regulations in Points a and b Clause 4 of this Article shall be the same as the remaining period of the issued license.
7. Contents of a commercial fishing license will be adjusted if there is any variation in aquatic resources as prescribed in Clause 4 Article 49 of this Law. The Ministry of Agriculture and Rural Development and People’s Committees of provinces shall notify adjustments to licenses to extract aquatic resources to shipowners.
Article 51. Issuance, extension, reissuance and revocation of commercial fishing licenses
1. The People’s Committees of province have power to issue, extend, reissue or revoke commercial fishing licenses, except for the cases prescribed in Clause 2 of this Article.
2. The Ministry of Agriculture and Rural Development shall issue, extend and revoke commercial fishing licenses regarding foreign organizations and individuals engaged in commercial fishing activities within the Vietnam’s maritime boundary and Vietnamese organizations and individuals engaged in commercial fishing activities outside the Vietnam’s maritime boundary.
3. The Government shall provide guidelines for procedures for issuance, extension, reissuance and revocation of commercial fishing licenses.
Article 52. Rights and responsibilities organizations and individuals engaged in fishing activities
1. Organizations and individuals engaged in fishing activities are entitled to:
a) Be engaged in fishing activities in accordance with contents of their licenses;
b) Receive information on aquatic resources, fishery activities, markets of aquatic products and instructions on fishing technologies and techniques;
c) Have their legal rights and interests protected by the State during the fishing.
2. Organizations and individuals engaged in fishing shall:
a) Comply with regulations specified in commercial fishing licenses and maintain the conditions prescribed in Clause 2 Article 50 of this Law;
b) Comply with regulations on ensuring safety of people, commercial fishing vessels and food safety of caught aquatic species; actively take measures for preventing natural disasters and rescue people and ships in distress;
c) Fly the national flag of the Socialist Republic of Vietnam on their commercial fishing vessels; mark their commercial fishing vessels according to each fishing area, mark their fishing tackle that used at fisheries in accordance with regulations issued by the Ministry of Agriculture and Rural Development;
d) Comply with inspections carried out by competent authorities in accordance with regulations of law;
dd) Be involved in rescue and protection of sovereignty, security and order in fishing areas; denounce violations of law on fishery;
e) Comply with regulations on management of fishing areas, fishery vocations, size of aquatic species to be extracted and commercial fishing tackle; comply with adjustments to contents of commercial fishing licenses in case of notifications of adjustment to the production allowed to be caught of each species given by People’s Committees of provinces;
g) During the commercial fishing, the following documents shall be carried: the original copy or copy of the commercial fishing license in the case where this license is required, the certificate of technical safety in case of the commercial fishing vessel requiring inspection, the registration certificate of the commercial fishing vessel, the directory of ship officers, decrees and certificates of the master and chief engineer officer; ID cards, passports or other identity papers as prescribed by law on crewmembers;
h) Record and submit reports and fishing logbooks according to instructions provided by the Ministry of Agriculture and Rural Development.
Section 2. COMMERCIAL FISHING OUTSIDE THE VIETNAM’S MARITIME BOUNDARY
Article 53. Conditions for commercial fishing outside the Vietnam’s maritime boundary
1. Organizations and individuals engaged in fishing activities outside the Vietnam’s maritime boundary will be approved regarding commercial fishing in the maritime boundary of other countries or territories or licensed regarding commercial fishing in the waters under management of RFMOs by the Ministry of Agriculture and Rural Development if they satisfy the following conditions:
a) They are approved by competent authorities of the countries or territories owning fishing areas or issued with fishing quotas by the RFMOs;
b) Commercial fishing vessels are eligible for operation, have been registered, issued with certificates of technical safety whose remaining period is at least 6 months; have sufficient equipment for ensuring safety of people and commercial fishing vessels, suitable vehicle tracking devices and communication equipment;
c) Masters and chief engineer officers have degrees or certificates issued by competent authorities. Crewmembers have insurance and passports. At least one person working on the vessel or group of vessels can use English or a common language of the country or territory where the commercial fishing vessels extract aquatic species. The cross-border departure of commercial fishing vessels is not banned in accordance with regulations of law;
d) Other conditions prescribed by the RMFO, countries or territories are satisfied.
2. The Government shall provide detailed guidelines for this Article.
Article 54. Responsibilities of organizations and individuals engaged in commercial fishing outside the Vietnam’s maritime boundary
Organizations and individuals engaged in commercial fishing outside the Vietnam’s maritime boundary shall:
1. Be approved or licensed by the Ministry of Agriculture and Rural Development.
2. Go through procedures for exit and entry in accordance with regulations of Vietnam law and laws of the countries or territories where they extract aquatic species.
3. Comply with regulations of Vietnam law, regulations of international treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory, laws of countries and territories where aquatic species are extracted and regulations issued by the RFMOs managing the waters where aquatic species are extracted.
4. In case of accidents or dangers requiring assistance, crewmembers shall give emergency signals or and promptly contact the nearest competent authorities of the countries or territories; notify the nearest representative authorities of Vietnam in the countries or territories, fishery authorities of provinces or the Ministry of Agriculture and Rural Development.
5. During the commercial fishing, the masters shall carry original copies or certified copies of relevant documents issued by Vietnamese competent authorities and relevant documents issued by the countries or territories when the commercial fishing vessels operate in the waters under their management.
6. Cooperate with competent authorities in dealing with cases related to people and commercial fishing vessels used for fishing outside the territory of Vietnam.
7. The shipowners and masters shall provide ship officers with guidance on rights and responsibilities related to commercial fishing outside the Vietnam’s maritime boundary;
8. The shipowners shall buy insurance for crewmembers and cover all costs arising during the commercial fishing outside the Vietnam’s maritime boundary.
Section 3. COMMERCIAL FISHING BY FOREIGN COMMERCIAL FISHING VESSELS WITHIN THE VIETNAM’S MARITIME BOUNDARY
Article 55. Conditions for issuing licenses to foreign organizations and individuals engaged in commercial fishing within the Vietnam’s maritime boundary
Foreign organizations or individuals will be issued with commercial fishing licenses within the Vietnam’s maritime boundary if all of the following conditions are satisfied:
1. There are international agreements or international treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory; licenses or approvals granted by competent authorities of the country owning the commercial fishing vessels specifying that the commercial fishing within the Vietnam’s maritime boundary is allowed;
2. There are investment registration certificates issued by competent authorities or cooperation projects on engaged in fishing approved by the Prime Minister or cooperation projects on investigating and assessing aquatic resources, technical training, transferring technologies in fishery, collecting and transporting aquatic species within the Vietnam’s maritime boundary that have been approved by the Ministry of Agriculture and Rural Development or Chairmen/Chairwomen of People’s Committees of provinces.
Projects on fishing within the Vietnam’s maritime boundary are approved in accordance with regulations in Points a and b Clause 2 Article 50 of this Law. The commercial fishing vessels are not included in the list of illegal commercial fishing vessels made and published by Vietnamese competent authorities or RFMOs or international authorities;
3. There are registration certificates of commercial fishing vessels and certificates of technical safety whose remaining period is at least 6 months issued by the competent authorities of the flag state and certificates of use of frequency and radio transmitters issued by Vietnamese competent authorities;
4. There is a list of crewmembers. Masters and chief engineer officers have degrees or certificates suitable for types of vessels. Foreign crewmembers of foreign commercial fishing vessels operating within the Vietnam’s maritime boundary are approved by the Ministry of Public Security and Ministry of National Defense. Ship officers have passports and insurance;
5. There are vehicle tracking devices as prescribed by regulations and law;
6. At least one person working on the vessel is proficient in Vietnamese or English.
Article 56. Issuance, extension, reissuance and revocation of licenses of foreign organizations and individuals engaged in commercial fishing activities within the Vietnam’s maritime boundary
1. Main contents of the license include:
a) Name and address of the shipowner;
b) Registration number, name and call sign of the commercial fishing vessel and IMO number (if any);
c) Information on radio frequency;
d) Fishing areas, fishery vocations and operating fields of the commercial fishing vessels;
dd) Places where procedures for cross-border departure and arrival are gone through;
e) The registered port;
g) Expiry date
2. The period of the license shall depend on the period of investment registration or cooperation projects but shall not exceed 12 months.
3. The commercial fishing license issued to a foreign organization or individual will be extended more than once but each extension period shall not exceed 12 months if the following conditions are satisfied:
a) The investment registration certificate or cooperation project on fishery is valid;
b) Fishing logbooks or operating reports are submitted in accordance with regulations of law.
4. Foreign organizations or individuals will be reissued with commercial fishing licenses within the Vietnam’s maritime boundary if their licenses are lost, damaged or changed in the validity period of their investment registration certificates or cooperation projects on fishery.
5. The commercial fishing license issued to a foreign organization or individual will be revoked if:
a) Its contents are erased or changed;
b) The foreign organization or individual fails to comply with the contents specified in the license;
c) The investment registration certificate or cooperation project finishes before the expiry date of the license;
d) The conditions prescribed in Article 55 of this Law are no longer satisfied.
dd) The commercial fishing vessel is destroyed, sunk and cannot be salvaged or missing;
e) Aquatic species on the commercial fishing vessels originating from illegal commercial fishing.
6. The Ministry of Agriculture and Rural Development has power to issue, extend, reissue and revoke licenses to foreign organizations and individuals engaged in commercial fishing activities within the Vietnam’s maritime boundary.
7. The Government shall provide guidelines for issuance, extension, reissuance and revocation of licenses to foreign organizations and individuals engaged in commercial fishing activities within the Vietnam’s maritime boundary.
Article 57. Rights and responsibilities of foreign organizations and individuals engaged in commercial fishing activities within the Vietnam’s maritime boundary
1. Foreign organizations and individuals engaged in commercial fishing activities within the Vietnam’s maritime boundary are entitled to:
a) Be engaged in commercial fishing activities within the Vietnam’s maritime boundary in accordance with contents of their licenses;
b) Receive information related to fishery activities in accordance with regulations of Vietnam law if requested;
c) Have their legal rights and interests protected by the Vietnamese Government during the commercial fishing in Vietnam.
2. Foreign organizations and individuals engaged in commercial fishing activities within the Vietnam’s maritime boundary shall:
a) Pay sufficient fees and charges in accordance with regulations of Vietnam law and buy insurance for supervisor;
b) Only anchor the commercial fishing vessels in registered ports and send written notifications to the Ministry of Agriculture and Rural Development at least 7 working days from the day on which the vessels arrive in Vietnam; go through procedures for cross border departure and arrival in accordance with regulations of Vietnam law;
c) Carry sufficient original copies or certified copies of licenses for fishery activities issued by Vietnamese competent authorities, certificates of technical safety, licenses to use frequency of radio transmitters issued by Vietnamese competent authorities, directories of crewmembers;
d) Keep and submit fishing logbooks of every voyage regarding commercial fishing vessels; operating reports of every voyage regarding ships used for investigating and assessing aquatic resources, providing technical training, transferring fishery technologies, collect and transporting aquatic species in accordance with regulations issued by the Minister of Agriculture and Rural Development. Fishing logbooks or operating reports shall be made in Vietnamese or English;
dd) Comply with requirements of supervisors; ensure working and living conditions for supervisors; pick supervisors up and return them to places approved by the Ministry of Agriculture and Rural Development;
e) Comply with inspection and control by competent authorities in accordance with regulations of Vietnam law;
g) In case of accidents or dangers requiring assistance, crewmembers shall give emergency signals or and immediately notify the nearest Vietnamese relevant authorities;
h) Only sell aquatic products in Vietnam unless there is an export contract;
i) If a foreign vessel is shut down when its license is still valid, the shipowner shall send a written report to the Ministry of Agriculture and Rural Development at least 7 working days before it is shut down;
k) Fly national flags in accordance with the Government’s regulations
l) Comply with other regulations of Vietnam law and international treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory.
Article 58. Supervisors working on foreign commercial fishing vessels operating within the Vietnam’s maritime boundary
1. A foreign commercial fishing vessel operating within the Vietnam’s maritime boundary shall have supervisor(s) if it is used for:
a) Commercial fishing;
b) Investigating aquatic resources;
c) Providing technical training and transferring fishery technologies.
2. A supervisor shall satisfy the following requirements:
a) He/she is a part-time official or public employee appointed by the Ministry of Agriculture and Rural Development shall:
b) He/she satisfies health requirement for going out to sea;
c) He/she is qualified for supervision;
d) He/she is proficient in English or another common language of the country or territory having vessels engaged in fishery activities within the Vietnam’s maritime boundary.
3. If there are official(s), public employee(s) or employee(s) of the Ministry of Agriculture and Rural Development working on a foreign vessel engaged in fishery activities within the Vietnam’s maritime boundary under an approved project or contract, supervisor(s) are not required.
Article 59. Rights and responsibilities of supervisors
1. A supervisor is entitled to:
a) Request crewmembers to comply with regulations of Vietnam law and regulations specified in the licenses;
b) Request the master to take the vessel to the nearest port if it is found that the foreign crew and vessel commit serious violations of Vietnam law;
c) Inspect and supervise activities on the vessel, fish finders and communication equipment of the vessel;
d) Use communication equipment of the vessel for working if necessary;
dd) Have insurance during the supervision of the vessel;
e) Have his/her working and living conditions on the vessel ensured by the shipowner;
g) Receive salary, per diem and allowances in accordance with the Government's regulations
h) Receive other allowances and wages from partners if it is specified in a cooperation convention, projects or contract.
2. A supervisor shall:
a) Supervise activities and compliance with regulations of Vietnam law by foreigners and foreign vessels engaged in fishery activities within the Vietnam’s maritime boundary;
b) Submit sufficient and timely reports on information related to activities of foreign vessels according to assigned duties to the Ministry of Agriculture and Rural Development.
Section 4. ILLEGAL COMMERCIAL FISHING
Article 60. Illegal commercial fishing
1. Illegal commercial fishing activities include:
a) Commercial fishing without licenses;
b) Commercial fishing in the areas where it is banned, commercial fishing in the period when it is banned; catching and transporting aquatic species banned from commercial fishing; catching aquatic species whose sizes are smaller than those prescribed by law; being engaged in banned fisheries or using banned fishing tackle;
c) Illegally catch of endangered, precious and rare aquatic species;
d) Illegal commercial fishing in the waters under management of RFMOs, other countries or territories;
dd) Illegal commercial fishing exceeding the production of each aquatic species, failure to catch aquatic species in the areas and within the period specified in the licenses;
e) Concealment, counterfeiting or destruction of evidence for violations of regulations related to catching and protection of aquatic resources;
g) Stopping and resisting persons carrying out inspections and supervision of compliance with regulations on extracting and protecting aquatic resources;
h) Transshipping or providing assistance for vessels determined to be involved in illegal commercial fishing, except for force majeure;
i) Failure to have sufficient communication equipment and vehicle tracking devices or operate them in accordance with regulations of law;
k) Failure to have certificates of eligibility for food safety as prescribed by law;
l) Temporary importation, temporary exportation, merchanting trade and transit of aquatic species and aquatic products originating from illegal commercial fishing;
m) Failure to keep fishing logbooks, failure to keep sufficient and proper logbooks, failure to submit fishing logbooks or reports in accordance with regulations of law;
n) Use of stateless commercial fishing vessels or vessels obtaining nationality of non-member countries for illegal commercial fishing in the international waters under the management of RFMOs;
o) Failure to use commercial fishing vessels in accordance with regulations on extracting and protecting aquatic resources in the international waters not under the management of RFMOs;
2. Organizations and individuals violating regulations prescribed in Clause 1 of this Article, depending on extent of violations, shall face administrative penalties or criminal prosecution in accordance with regulations of law.
3. The Minister of Agriculture and Rural Development shall provide guidelines for publishing the list of commercial fishing vessels engaged in illegal commercial fishing.
Article 61. Confirmation and certification of origins of aquatic products derived from commercial fishing activities
1. Vietnamese competent authorities shall certify that materials and aquatic products are not derived from illegal commercial fishing activities within the Vietnam’s maritime boundary at the requests of organizations and individuals.
2. Competent authorities of the exporting country shall certify that imported aquatic materials are not derived from illegal commercial fishing activities at the requests of importers.
3. Aquatic products derived from imported aquatic materials shall be certified by Vietnamese competent authorities at the request of exporters if these materials are certified to be derived from legal commercial fishing activities by the competent authority of the exporting country.
4. The Minister of Agriculture and Rural Development shall provide guidelines for contents of and procedures for confirming aquatic material and certifying aquatic products derived from commercial fishing activities; confirming that imported aquatic materials or aquatic products manufactured from imported aquatic materials are not derived from illegal commercial fishing.
MANAGEMENT OF COMMERCIAL FISHING VESSELS, SHIPS OF FISHERY AUTHORITIES AND SHELTERING ANCHORAGES FOR COMMERCIAL FISHING VESSELS
Section 1: MANAGEMENT OF COMMERCIAL FISHING VESSELS AND SHIPS OF FISHERY AUTHORITIES
Article 62. Management of building, modification, chartering and purchase of commercial fishing vessels
1. The People’s Committees of each province shall publish quotas on issuance of commercial fishing licenses, quantity of issued marine commercial fishing licenses of the province; issue written approval for building, modification, chartering and purchase of commercial fishing vessels according to the quotas on issuance of commercial fishing licenses; establish and publish specific criteria of the province and procedures for processing applications for approving building, modification, chartering and purchase of commercial fishing vessels operating in the sea, issue and publish regulations on building, modification, chartering and purchase of commercial fishing vessels operating in inland waters under it management.
2. Organizations and individuals engaged in building, modification, chartering or purchase of commercial fishing vessels whose maximum length is at least 6 meters operating in the sea shall be approved by People’s Committees of provinces.
Article 63. Conditions for building, modification, chartering and purchase of commercial fishing vessels
A facility will be issued with the certificate of eligibility for building and modifying commercial fishing vessels if the following conditions are satisfied:
1. There are suitable facilities. Production and business plans are conformable with types and sizes of built or modified commercial fishing vessels;
2. There is a department of quality supervision and management to ensure that its products meet standards and conditions for quality, technical safety and environmental safety prescribed by law;
3. Human resources satisfy requirements for production and business;
4. System(s) for managing product quality and technology processes meet the prescribed requirements.
Article 64. Issuance, reissuance and revocation of certificates of eligibility for building and modifying commercial fishing vessels
1. People’s Committees of provinces have power to issue, reissue and revoke certificates of eligibility for building and modifying commercial fishing vessels.
2. The certificate of eligibility for building and modifying commercial fishing vessels will be reissued if:
a) It is lost or damaged; or
b) The holder’s information specified in the certificate is changed.
3. The certificate of eligibility for building and modifying commercial fishing vessels will be revoked if:
a) Its contents are erased or changed;
b) The shipyard fails to satisfy the conditions prescribed in Article 63 of this Law;
c) There are other violations in which the certificate shall be revoked.
4. The Government shall provide detailed guidelines for conditions and procedures for issuing, reissuing and revoking certificates of eligibility for building and modifying commercial fishing vessels.
Article 65. Rights and responsibilities of shipbuilders and modifying facilities of commercial fishing vessels
1. A shipbuilder or modifying facility of commercial fishing vessels is entitled to:
a) Build or modify commercial fishing vessels in accordance with regulations of law;
b) Receive fees for building and modification of commercial fishing vessels under agreements;
c) Exercise other rights prescribed by law.
2. A shipbuilder or modifying facility of commercial fishing vessels shall:
a) Only build or modify commercial fishing vessels requiring commercial fishing licenses in case of written approval of the People’s Committee of the province;
b) Be under technical supervision of the inspecting organization;
c) Build or modify commercial fishing vessels according to designs appraised and approved by the inspecting organization;
d) Take responsibility for quality of built and modified commercial fishing vessels;
dd) Submit regular or ad hoc reports on building and modification of commercial fishing vessel according to instructions given by the Ministry of Agriculture and Rural Development.
Article 66. Export and import of commercial fishing vessels and bareboat charter
1. Commercial fishing vessels shall be exported at the request of the importing countries.
2. An importer will be issued with licenses to import commercial fishing vessels for commercial fishing activities if the following conditions are satisfied:
a) The commercial fishing production does not exceed quota on issuance of commercial fishing license that has been determined;
b) The commercial fishing vessel has a legal origin;
c) The fishing vessel is covered by steel plates or new-material plates;
d) The maximum length of the commercial fishing vessel is at least 24 meters;
dd) The commercial fishing vessel's plates is produced for 5 years or less and the main engine is produced for 7 years or less from the production year to time of import;
e) The commercial fishing vessel is issued with the certificate of technical safety whose remaining period is at least 06 months by the inspecting organization of the flag state.
3. Organizations and individuals will be issued with licenses for bareboat charter if the conditions prescribed in Point a, b, c, d and e Clause 2 of this Article; ship plate has been produced for 8 years or less and the main engine has been produced for 10 years or less counted from the production year to time of charter. Charter period is not more than 5 years.
4. The Government shall provide guidelines for procedures for issuing licenses for import of commercial fishing vessels and bareboat charter and guidelines for giving commercial fishing vessels
Article 67. Technical safety of commercial fishing vessels
1. Commercial fishing vessels whose maximum length is at least 12 meters shall be inspected, classified and issued with the certificate of technical safety.
2. If the commercial fishing vessels prescribed in Clause 1 of this Article are built or modified, the inspecting organization shall supervise the conformity of their technical safety and quality with appraised vessel designs and issue documents prescribed by law.
3. The commercial fishing vessels that are not mentioned in Clause 1 of this Article shall be provided with equipment for ensuring their technical safety before they are operated.
4. The Minister of Agriculture and Rural Development shall provide detailed guidelines for this Article.
Article 68. Conditions for inspecting organizations
1. Organizations and individuals will be issued with the certificates of eligibility for inspecting commercial fishing vessels if:
a) They are established in accordance with regulations of law.
b) Facilities meet the requirements;
c) Inspectors meet the requirements;
d) There is a suitable quality management system.
2. The Government shall provide detailed guidelines for this Article.
Article 69. Issuance, reissuance and revocation of certificates of eligibility for inspecting commercial fishing vessels
1. The Ministry of Agriculture and Rural Development has power to issue, reissued and revoke certificates of eligibility for inspecting commercial fishing vessels and inspect the maintenance of eligibility every 24 months.
2. The certificate of eligibility for inspecting commercial fishing vessels will be reissued if:
a) It is lost or damaged; or
b) The holder’s information specified in the certificate is changed.
3. The certificate of eligibility for inspecting commercial fishing vessels will be revoked if:
a) Its contents are erased or changed;
b) The inspecting organization or individual fails to inspect commercial fishing vessels in accordance with regulations of law;
c) The organization or individual fails to satisfy the conditions prescribed in Clause 1 Article 68 of this Law;
d) There are other violations in which the certificate shall be revoked.
4. The Minister of Agriculture and Rural Development shall promulgate national technical regulations on classification and construction of commercial fishing vessels; procedures for recognizing the eligibility for inspecting commercial fishing vessels; prescribe standards of competence and provision of professional training for inspectors; issue and revoke cards or seals of inspectors.
Article 70. Rights and responsibilities of inspecting organizations and inspectors
1. An inspecting organization has the following rights and responsibilities:
a) It is entitled to inspect commercial fishing vessels in accordance with regulations of law;
b) It is entitled to request shipowners, shipbuilders or modifying facilities of commercial fishing vessels to provide documents on technical designs and facilitate the supervision, technical inspection by inspectors and ensure the safety of inspectors during their performance of tasks;
c) It is entitled to receive inspection fees in accordance with regulations of law;
d) It shall exercise technical supervision of commercial fishing vessels in accordance with regulations of law;
dd) The head of the inspecting organization shall take legal responsibility for inspection results and issue certificates of technical safety;
e) It shall comply with instructions and be subject to inspections in accordance with regulations of law;
g) It shall submit regular or ad hoc reports on inspecting commercial fishing vessel according to instructions given by the Ministry of Agriculture and Rural Development.
2. An inspector has the following rights and responsibilities:
a) He/she is entitled to sign and use special seals or prints when making documents on registration of commercial fishing vessels and equipment thereon in accordance with regulations of law;
b) He/she may refuse to carry out technical inspection if the conditions for inspection prescribed by law have not been satisfied.
c) He/she may reserve opinions other than decisions of the heads of inspecting organizations related to conclusions of assessment of technical status of commercial fishing vessels and equipment installed thereon;
d) He/she shall inspect commercial fishing vessels in accordance with national technical regulations on classification and construction of ships
dd) He/she shall take responsibility for results of technical safety inspection and classification of commercial fishing vessels.
Article 71. Registration of commercial fishing vessels
1. Commercial fishing vessels whose maximum length of at least 06 meters shall be entered in the national register of commercial fishing vessels and be issued with the certificate of technical safety in accordance with regulations of law. Commercial fishing vessel whose maximum length is less than 6 meters shall be totaled up by the People’s Committees of communes for management.
2. The period of the registration certificate of commercial fishing vessels (“hereinafter referred to as “registration certificate”) shall be specified as follows:
a) The period of the registration certificate issued for commercial fishing vessels that are built, modified, imported, sold, given and aided is permanent;
b) In case of bareboat charter, the period of the registration certificate shall be equal to the charter period.
3. A commercial fishing vessel will be issued with the registration certificate if:
a) There are documents proving the legal ownership of the commercial fishing vessel;
b) The commercial fishing vessel requiring registration is issued with the certificate of technical safety;
c) There is a certificate of suspension from registration in case of bareboat charter; the certificate of cancellation of registration in case of import, trading, giving of commercial fishing vessels or change of the province of registration;
d) The shipowner has head office or permanent place of residence located in Vietnam.
4. The People’s Committee of each province shall be in charge of registration of commercial fishing vessels in the province.
5. The Minister of Agriculture and Rural Development shall prescribe procedures for registration and cancellation of registration of commercial fishing vessels.
Article 72. Cancellation of registration of commercial fishing vessels
1. The registration of a commercial fishing vessel will be cancelled if:
a) The commercial fishing vessel is destroyed or sunk and cannot be salvaged;
b) The commercial fishing vessel is missing for 1 year from the date of official notification on mass media;
c) The commercial fishing vessel is exported, sold, given or aided;
d) The registration is cancelled at the request of the shipowner.
2. Competent authorities shall revoke registration certificates, remove names of the commercial fishing vessels from the national register of commercial fishing vessels and issue the certificates of cancellation of regulation to the shipowners
Article 73. Rights and responsibilities of shipowners
1. Shipowners are entitled to choose eligible inspecting organizations or individual for commercial fishing vessel registration.
2. Shipowners shall comply with regulations on inspecting commercial fishing vessels.
3. Shipowners shall ensure working and living conditions, safety, legal rights and interests of and labor allowances for crewmembers.
4. Shipowners shall assign ship officers according to the minimum safe manning levels in accordance with regulations issued by the Minister of Agriculture and Rural Development.
5. Shipowners shall buy accident insurance and other compulsory insurance for crewmembers in accordance with regulations of law. And cover necessary travel and subsistence expenses arising from the repatriation of ship owners and crewmembers that are requested to leave their commercial fishing vessels by the masters.
6. Shipowners shall take responsibility for violations of regulations on illegal commercial fishing.
1. Crewmembers shall satisfy the following requirements:
a) They are Vietnamese citizens or foreigners allowed to work on commercial fishing vessels;
b) They have ID cards, passports or other identity documents as prescribed by law;
c) They satisfy health and working age requirements;
d) They have degrees or certificates suitable for their positions.
2. Crewmembers are entitled to:
a) Have their labor allowances and legal rights and benefits ensured when they work on commercial fishing vessels in accordance with regulations of labor law;
b) Refuse to work on commercial fishing vessels which are ineligible for ensuring safety;
c) Hold appropriate positions on commercial fishing vessels.
3. Crewmembers shall:
a) Comply with regulations of Vietnam law and international treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory.
b) Follow the masters’ orders; actively prevent accidents happened to themselves and other crewmembers and incidents happened to commercial fishing vessels;
c) Immediately notice the masters or people on watch of dangers on their commercial fishing vessels;
d) Comply with regulations on labor law.
4. The Minister of Agriculture and Rural Development shall prescribe positions and duties of each position; manning level of ship officers on commercial fishing vessels; standards of competence and certificates of ship officers’ competency; registration of ship officers and directories of ship officers; standards of foreign ship officers working on Vietnamese commercial fishing vessels.
Article 75. Masters of commercial fishing vessels
1. Master is the person having supreme command of a ship and works under the regime of head ship.
2. A shipowner has the rights prescribed in Clause 2 Article 74 of this Article and is entitled to:
a) Represent the shipowner and people having benefits related to property or aquatic products during the operation of the commercial fishing vessel or commercial fishing;
b) Refuse to operate the commercial fishing vessel if it fails to satisfy conditions for ensuring safety of people and the vessel, food safety, maritime safety and preventing environmental pollution;
c) Refuse to recruit unqualified crewmembers or crewmembers committing violations of law or force them to leave the commercial fishing vessel;
d) Request the rescue if the commercial fishing vessel is in distress;
dd) Decide to use urgent methods for taking the commercial fishing vessel to a safe place in case of emergency.
3. A shipowner has the responsibilities prescribed in Clause 3 Article 74 of this Article and shall:
a) Instruct, assign and urge crewmembers to comply with regulations on maritime safety, occupational safety, food safety and environmental safety;
b) Check crewmembers, equipment and documents of the commercial fishing vessel, crewmembers before the commercial fishing vessel leaves the port;
c) Update information on position of the commercial fishing vessel, quantity of crewmembers in accordance with regulations of law; present documents at the request of competent authorities;
d) In case of natural disasters, accelerate the response to disaster by crewmembers and take the commercial fishing vessel to a safe refuge;
dd) If the commercial fishing vessel meet with accidents, make timely responses and notify it to the nearest coastal radio station or competent authorities;
e) If there are people in danger, take all methods for curing these people. If a person is dead, keep his/her property and will and concurrently notify it to the nearest coastal radio station, the ship owner, the dead person's family or competent authority;
g) If the commercial fishing vessel operates from the inshore route to the outer boundary of Vietnam’s exclusive economic zone seawards; direct it to reach the fishing ports included in the list of appointed fishing ports published by the Ministry of Agriculture and Rural Development;
h) If the commercial fishing vessel must be left due to force majeure, the master shall be the last person to leave the vessel;
i) If other commercial fishing vessels meet with accidents, take timely rescue methods and notify it to the nearest coastal radio station or competent authority; follow the order to use the commercial fishing vessel for search and rescue issued by the competent authority;
k) Keep and submit fishing logbooks; submits fishing reports; confirm the production of caught aquatic species;
l) Take responsibility for violations of regulations on illegal commercial fishing.
4. If crimes in flagrante or wanted fugitives are found on the commercial fishing vessel when it has left the port, the master will have the following rights and responsibilities:
a) He is entitled to arrest or give an order to arrest criminals in flagrante or wanted fugitives;
b) He shall take necessary methods and make documents in accordance with regulations of law;
c) He shall protect evidence, transfer arrested people and documents to the competent authority when the commercial fishing vessel reaches the first fishing port in Vietnam or Vietnamese ships of fishery authorities which is performing duties at sea or notify the nearest representative authority of Vietnam and follow instructions of this authority if the commercial fishing vessel operates outside the Vietnam’s maritime boundary.
Article 76: Management of watercrafts on duty
1. Ships of fishery authorities shall be registered and inspected in accordance with regulations of law.
2. Organizations assigned to manage ships of fishery authorities may choose suitable inspecting organizations.
3. Crewmembers of ships of fishery authorities shall comply with regulations of law on officials and public employees, maritime and labor codes.
4. The Minister of Agriculture and Rural Development shall prescribe the registration of watercrafts on duty, positions, tasks of each position, manning levels of ship officers working on watercrafts on duty.
Section 2. FISHING PORTS AND SHELTERING ANCHORAGES FOR COMMERCIAL FISHING VESSELS
Article 77. Planning for and investment in building a system of fishing ports and sheltering anchorages for commercial fishing vessels
1. The planning for building a national system of fishing ports and sheltering anchorages for commercial fishing vessels shall be conformable with strategies for developing aquatic species and other planning and ensure national defense and security.
2. Fishing ports and sheltering anchorages for commercial fishing vessels shall be constructed according to the approved planning for building a national system of fishing ports and sheltering anchorages and in accordance with regulations of law on investment and construction and other relevant regulations of law.
3. The Ministry of Agriculture and Rural Development shall formulate the planning for building a national system of fishing ports and sheltering anchorages and request the Prime Minister to approve it; publish, provide instructions on and inspect the implementation of the approved planning; manage the national system of fishing ports and sheltering anchorages in accordance with regulations of law.
Article 78. Classification of fishing ports
1. A class 1 fishing port shall satisfy the following criteria:
a) It is a place where commercial fishing vessels of multiple provinces, central-affiliated cities and foreign vessels come into to carry out handling of aquatic products and provide other fishery services and is the main distribution point of aquatic products in the region;
b) At least 90% of main equipment for material handling of the port is mechanized;
c) The minimum area of port waters is 20 ha;
d) Depth of channels to the fishing port and waters in front of the quay complies with the Government’s regulations;
dd) The minimum land area of the port is 4 ha or 1 ha applicable to fishing ports on islands. Offices and technical infrastructure comply with regulation of law on food safety, environmental safety and fire safety;
e) The minimum quantity of aquatic products passing the port is 25,000 metric tons per year or 3,000 metric tons per year, applicable to fishing ports on islands.
2. A class 2 fishing port shall satisfy the following criteria:
a) It is a place where commercial fishing vessels of several provinces and central-affiliated cities come into to carry out handling of aquatic products and provide other fishery services and is the main distribution point of aquatic products in the province;
b) At least 70% of main equipment for material handling of the port is mechanized;
c) The minimum area of port waters is 10 ha;
d) Depth of channels leading to the fishing port and waters in front of the quay complies with the Government’s regulations;
dd) The minimum land area of the port is 2.5 ha or 0.5 ha applicable to fishing ports on islands. Offices and technical infrastructure comply with regulations of law on food safety, environmental safety and fire saty;
e) The minimum quantity of aquatic products passing the port is 15,000 metric tons per year or 1,000 metric tons per year, applicable to fishing ports on islands.
3. A class 3 fishing port shall satisfy the following criteria:
a) It is a place where commercial fishing vessels of a province or central-affiliated city anchor;
b) The minimum land area of the port is 0.5 ha or 0.3 ha applicable to fishing ports on islands. Offices and technical infrastructure comply with regulations of law on food safety, environmental safety and fire saty;
Article 79. Opening and closing of fishing ports
1. A fishing port will be opened if:
a) The conditions prescribed in Article 78 of this Law are satisfied;
b) The organization managing the fishing port (hereinafter referred to as “supervisory organization”) has been established;
c) There is a plan for using the fishing port.
2. A fishing port will be closed if:
a) The supervisory organization is suspended from operation or shut down in accordance with regulations of law;
b) Depth of channels leading to the class 1 or class 2 fishing port and waters in front of the quay fails to comply with the Government’s regulations;
c) The class 1 fishing port no longer satisfies the criteria prescribed in Points b, c and dd Clause 1 Article 78 of this Law without any timely remedy;
d) The class 2 fishing port no longer satisfies the critera prescribed in Points b, c and dd Clause 2 Article 78 of this Law without any timely remedy;
dd) The class 3 fishing port no longer satisfies the critera prescribed in Point b Clause 3 Article 78 of this Law without any timely remedy;
3. Power to open and close fishing ports is specified as follows:
a) The Ministry of Agriculture and Rural Development has power to open and close class 1 commercial fishing vessels;
b) The People’s Committees of provinces have power to open and close class 2 fishing ports;
c) The People’s Committees of districts have power to open and close class 3 fishing ports;
4. The Government shall provide guidelines for contents of and procedures for publishing the opening and closing of fishing ports.
Article 80. Management of fishing ports
1. Supervisory organizations shall be established and operate in accordance with regulations of law.
2. Supervisory organizations shall be assigned to manage and use infrastructure of fishing ports, fishing ports’ land, port waters and manage fishing logistics services in the fishing ports.
3. Leasing or use of partial or entire fishing ports invested by the state budget or public-private partnership shall comply with regulations of law on managing and using public property and other relevant regulations of law.
Article 81. Rights and responsibilities of supervisory organizations
1. A supervisory organization is entitled to:
a) Lease the infrastructure to organizations and individuals for production and business in the fishing port land areas and port waters in accordance with the approved plan for using the fishing port and regulations of law;
b) Refuse or compel people and commercial fishing vessels that fail to comply with internal regulations of the port to leave;
c) Refuse the lease, or compel the producers and traders in the port land areas and port waters that fail to comply with the regulation of the fishing port or the concluded contracts to leave;
d) Charge the services in the port as prescribed by law;
dd) Handle, or request local competent authority to handle the cases in order to ensure the security, food safety, environment safety and fire safety within the fishing port area.
2. A supervisory organization shall:
a) Issue and publish regulations of the fishing port;
b) Instruct and dispose vehicles to come into, leave and anchor in the port waters; ensure safety and convenience for people and vehicles in the fishing port area;
c) Cooperate with competent authority in inspecting and controlling activities of producers and traders in the fishing port, ensure security and order, food safety, environmental safety and fire safety in the fishing port area; actively repair and deal with accident consequences and environmental pollution in the fishing port;
d) Regularly provide information on weather on the information system of the fishing port; assign people to be on watch and hang warning signs in case of natural disasters in accordance with regulations of law; notice the list of commercial fishing vessels anchoring in the port waters and quantity of people thereon to the competent authority;
dd) Comply with the inspection and supervision by competent authorities in term of food safety, environmental safety, security and order, fire prevention and other relevant fields in the fishing port area;
e) Cooperate with and arrange working places for competent authorities inspecting and controlling the compliance with regulations of law on commercial fishing actives, aquatic resource protection, control of illegal commercial fishing, food safety and other relevant fields on commercial fishing vessels and in the fishing port;
g) The head of the supervisory organization shall total up the production of aquatic products passing the fishing port, certify origins of caught aquatic species in accordance with regulations and law, collect fishing logbooks and reports of the commercial fishing vessels coming into the port, consolidate and submit regular or ad hoc reports to competent authorities according to instructions provided by the Ministry of Agriculture and Rural Development;
h) Refuse the handling of aquatic products of commercial fishing vessels engaged in illegal commercial fishing and notify the competent authorities for considering and dealing with this problem in accordance with regulations of law;
i) Notify the entering by foreign commercial fishing vessels to the local competent authority for cooperating in management;
k) Cooperate with the nautical safety authority in notifying the status of channels, marking buoys and ensure safety of commercial fishing vessels entering and leaving the fishing port.
l) Formulate plans for and organize the maintenance of infrastructure of the fishing port to ensure safety of people and vehicles operating in the fishing port.
Article 82. Vietnamese commercial fishing vessels entering and leaving fishing ports
1. At least 1 hour before the commercial fishing vessel enters the fishing port, the master shall notify the supervisory organization of registration number, size and type of the commercial fishing vessel, services required and other requirements (if any), except for force majeure.
2. When entering a fishing port, the master shall comply with control by the supervisory organization and regulations of the fishing port.
3. Shipowners and masters shall comply with inspection and control and regulations of law on extracting and protecting aquatic resources, food safety, environmental safety and fire safety; ensure safety of people and commercial fishing vessels.
4. The master shall notify the supervisory organization at least 1 hour before the commercial fishing vessel leaves the fishing port.
5. A commercial fishing vessel is not allowed to leave a fishing port if:
a) The safety of people and the commercial fishing vessel is not ensured;
b) There is a violation of law in which the commercial fishing vessel shall be temporarily seized in accordance with regulations of law;
c) There is an order to capture or temporarily seize the commercial fishing vessel issued by a court or competent authority.
Article 83. Foreign commercial fishing vessels entering and leaving fishing ports
1. A foreign commercial fishing vessel may only enter the fishing port specified in the commercial fishing license or the fishing ports approved by the Ministry of Agriculture and Rural Development.
2. At least 24 hours before entering a fishing port, the master of the commercial fishing vessel must notify the supervisory organization of the name, call sign, registration number, size and type of the vessel, the authority issuing the commercial fishing license, production and aquatic species on the vessel, estimated time of arrival and demand for assistance (if any).
3. When entering a fishing port, the master of the commercial fishing vessel shall comply with regulations of the fishing port and the control of the supervisory organization; declare and present the following information and papers:
a) Directory of ship officers and passports of crewmembers;
b) The commercial fishing license within the Vietnam’s maritime boundary;
c) Purposes of entering the fishing port;
d) Time of the voyage;
dd) Volume and components of aquatic species caught or under transshipment on board, applicable to commercial fishing vessels and vessels used for transporting aquatic species;
e) Position and fishing areas, production of onboard aquatic species applicable to commercial fishing vessels.
4. The master who presents commercial fishing documents confirmed by foreign competent authorities is not required to declare the information mentioned in Points d, dd and e Clause 3 of this Article.
5. The master and crewmembers of a commercial fishing vessel shall go through procedures for exit and entry, customs and quarantine procedures in accordance with regulations of law.
6. The master shall notify the supervisory organization at least 12 hour before the commercial fishing vessel leaves the fishing port.
7. For vessels entering a fishing port in force majeure cases, immediate after docking, the master or helmsman shall:
a) Notify the supervisory organization of the status of the vessel and quantity of people aboard; prove the force majeure and specify the request for help;
d) Comply with regulations prescribed in Clause 5 of this Article.
8. Shipowners and masters shall facilitate and comply with inspection and control and regulations of law on extracting and protecting aquatic resources, food safety, environmental safety and fire safety; ensure safety of people aboard and vessels.
9. Shipowners and master shall pay costs as prescribed by law.
Article 84. Classification of sheltering anchorages for commercial fishing vessels
1. A regional sheltering anchorage for commercial fishing vessel shall satisfy the following criteria:
a) It is near fisheries and gathers commercial fishing vessels of multiple provinces, ensure the shortest time for commercial fishing vessels to anchor and shelter from storms;
b) Natural conditions are convenient and the safety of sheltering commercial fishing vessels is ensured;
c) The minimum capacity is 1,000 commercial fishing vessels.
2. A sheltering anchorage for commercial fishing vessels of a province shall satisfy the following criteria:
a) It is near traditional fisheries of multiple provinces, ensure the shortest time for commercial fishing vessels to anchor and shelter from storms;
b) Natural conditions are convenient and the safety of sheltering commercial fishing vessels is ensured;
c) The minimum capacity is 600 commercial fishing vessels.
Article 85. Classification of sheltering anchorages
1. Sheltering anchorages shall be managed and operated by the local steering committee on natural disaster prevention and rescue (hereinafter referred to as “the steering committee”) during the time of sheltering.
2. During the period in which a sheltering anchorage is not used for sheltering purpose, it shall be managed and used as follows:
a) The anchorage whose waters are adjacent to a fishing port waters shall be managed and used by the supervisory organization of this port in accordance with regulations of law;
b) The anchorage whose waters are not adjacent to a fishing port waters shall be managed and used in accordance with regulations of law by an eligible organization assigned by the People’s Committee of the province.
3. Organizations assigned to manage and use sheltering anchorages shall formulate plans for repairing and maintaining construction works of the anchorages and may use the state budget for implementing these plans.
4. Regarding commercial fishing vessel entering and leaving sheltering anchorages:
a) In case of natural disasters, commercial fishing vessels and other kinds of vessels may take shelter without being charged;
b) When entering the harbor, the master or the helmsman of a commercial fishing vessel shall comply with the control and instructions of the steering committee;
c) When a commercial fishing vessel is safely anchored, its master or helmsman shall notify the steering committee of the name, registration number, status of the ship, quantity of people aboard, and other requirements (if any).
d) Commercial fishing vessels shall only leave the sheltering anchorage in case of notifications or orders issued by the steering committee;
dd) If natural disasters do not occur, the commercial fishing vessels anchored in a sheltering anchorage shall pay fees and other costs as prescribed by law; comply with control and instruction of the organization assigned to manage and use this sheltering anchorage.
Article 86. Publishing the list of sheltering anchorages
1. Before February 01 every year, the People’s Committee of each people shall review and submit the list of eligible sheltering anchorages to the Ministry of Agriculture and Rural Development for publishing nationwide.
2. Published information of a sheltering anchorage includes:
a) Name and type of the sheltering anchorage;
b) Address and coordinates of the sheltering anchorage;
c) Depth of the anchorage waters;
d) Capacity of the sheltering anchorage
dd) Sizes and types of commercial fishing vessels allowed to enter the sheltering anchorage;
e) Starting positions, direction and length of channels leading to the anchorage;
g) Phone number and radio frequency of the local steering committee;
3. Before March 31 every year, the Ministry of Agriculture and Rural Development shall send the list of eligible sheltering anchorages to the People’s Committees of provinces and nationwide notify it on mass media.
4. The People’s Committee of each province shall be notify the list of sheltering anchorages to commercial fishing vessels in the province.
FISHERIES RESOURCES SURVEILLANCE
Article 87. Functions of the fisheries resources surveillance force
Fisheries resources surveillance force is a state force which exercises Vietnam law and relevant international treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is signatory related to extraction and protection of aquatic resources.
Article 88. Duties and power of the Fisheries Resources Surveillance force
1. The fisheries resources surveillance force shall:
a) Patrol, inspect, control, investigate and take action against violations of laws, apply measures for preventing violations in accordance with regulations of law;
b) Propagandize, popularize and provide education about Vietnam laws, international laws and laws of relevant countries on fisheries; instruct fishers and relevant organizations and individuals to implement regulations of law on fisheries;
c) Appoint force to cooperate in rescue in accordance with regulations of laws; be engaged in natural disaster prevention and control;
d) Protect Vietnamese sovereignty, sovereign rights and jurisdiction over the waters in accordance with regulations of law;
dd) Promote international cooperation in fisheries resources surveillance;
e) Take charge and cooperate with relevant organizations in providing training for officials, public employees, members of the fisheries resources surveillance (hereinafter referred to as “surveillance members”), ship officers on fishery surveillance ships;
g) Cooperate with other relevant authorities in fisheries resources surveillance.
2. The fisheries resources surveillance has power to:
a) Request relevant organizations and individuals to provide necessary information and documents for inspecting, patrolling, controlling, investigating, detecting and taking actions against violations of law on extracting and protecting aquatic resources;
b) Manage and use weapons, combat gears, technical equipment and professional methods for carry out fisheries resources surveillance in accordance with regulations of law on management and use of weapons, explosives and combat gears and other relevant regulations of law;
c) Chase, arrest and apply prevention methods for people and vehicles failing to comply with orders, resisting or deliberately running away in accordance with regulations of law.
Article 89. Organization of the fisheries resources surveillance force
1. The fisheries resource surveillance force includes:
a) Central fisheries surveillance force;
b) Fisheries surveillance force of coastal provinces that shall be organized to ensure the protection of aquatic resources and local resources.
2. The Government shall provide detailed guidelines for organization of the fisheries resources surveillance force, state administration, allowances and policies applicable to the fisheries resources surveillance.
Article 90. Surveillance members
1. Surveillance members are officials that are appointed to payroll of the fisheries resources surveillance.
2. Surveillance members shall be issued with fisheries surveillance cards, uniforms, insignias, fisheries surveillance signage and specialized equipment.
3. A surveillance member has the following powers and responsibilities:
a) He/she has power to request relevant organizations and individuals to provide necessary information and documents for inspecting, patrolling, controling, invetisgating, detecting and taking actions against violations of law on extracting and protecting aquatic resources;
b) He/she has power to impose penalties for administrative violations and apply methods for preventing administrative violations in accordance with regulations of law;
c) He/she may use weapons, combat gears, specialized vehicles and equipment in accordance with regulations of law;
d) He/she shall wear uniform, insignia and fisheries surveillance signage in accordance with regulations of law;
dd) He/she shall comply with regulations of law, be accountable to the head of the supervisory authority and take legal responsibilities for assigned duties and powers.
Article 91. Fisheries surveillance ship officers
1. Fisheries surveillance ship officers include:
a) Officials appointed to the payroll of fisheries surveillance ship officers;
b) Public employees who are employed to work on the fisheries surveillance ship;
c) Employees who work under labor contracts on the fisheries surveillance ship.
2. Fisheries surveillance ship officers shall wear uniforms, insignias and fisheries surveillance signages when performing their duties in accordance with regulations issued by the Minister of Agriculture and Rural Development.
3. The Minister of Agriculture and Rural Development shall prescribe functions, duties and powers of fisheries surveillance ship officers and manning levels thereof.
Article 92. Fisheries surveillance collaborators
1. Fisheries surveillance collaborators are Vietnamese citizens who provide information for and assistance in the fisheries resources surveillance activities.
2. Fisheries surveillance collaborators may be paid for their activities and receive allowances for providing information in accordance with regulations of law; have their security of information sources ensured and have their legal rights and interests protected in accordance with regulations of law.
Article 93. Vehicles, equipment and uniforms of the fisheries resources surveillance
1. The fisheries resources surveillance shall be equipped with fisheries surveillance ships, specialized communication media, specialized equipment, weapons and combat gears to perform their functions and duties and exercise their powers in accordance with regulations of law.
2. Officials, public employees and employees under labor contracts working in a fishery surveillance authority shall wear consistent uniforms.
3. The Minister of Agriculture and Rural Development shall prescribe uniforms of the fisheries resources surveillance; paint color, code and operation limit of fishery surveillance ships; registration of fishery surveillance ships.
Article 94. Sources of funding for fisheries resources surveillance activities
1. Investment in and operation of the fisheries resources surveillance shall be funded by the state budget according to applicable distribution thereof and other sources of funding in accordance with regulations of law.
2. Amounts of money collected from people under penalties for administrative violations by the fisheries resources surveillance shall be paid to the state budget. Fishery surveillance authorities shall be provided with a part of the abovementioned amounts to serve its operation.
3. The Government shall provide detailed guidelines for Clause 2 of this Article.
Article 95. Appointment and mobilization of people and vehicles in fisheries resources surveillance activities
1. In case of emergency, the appointment and mobilization of people and vehicles in fisheries resources surveillance activities shall be specified as follows:
a) The Minister of Agriculture and Rural Development has power to issue orders to appoint people and vehicles under their management and request the relevant Ministers and Chairmen/Chairwomen of People’s Committees of provinces to mobilize people and vehicles;
b) Chairmen/Chairwomen of shall issue orders to appoint people and vehicles under their management and request relevant Ministers and Chairmen/Chairwomen of People’s Committees of provinces to mobilize people and vehicles;
2. Organizations and individuals that are mobilized or have their vehicles mobilized shall comply with appointment orders issued by competent persons.
3. Authorities in charge of appointment and mobilization shall pay mobilized organizations and individuals in accordance with regulations issued by the Ministry of Finance. Damage arising during the appointment and mobilization shall be compensated. Died or injured individuals are considered to receive allowances or policies in accordance with regulations of law on preferential treatment of people with meritorious services to the revolution.
PURCHASE, SALE, PRELIMINARY PROCESSING, PROCESSING, EXPORT AND IMPORT OF AQUATIC PRODUCTS
Article 96. Purchase, sale, preliminary processing and processing of aquatic products
1. Purchasers, ssellers, preliminary processors and processors of aquatic products shall comply regulations of law on food safety, environmental safety and fire safety.
2. Aquatic products that are purchased, sold, preliminary processed and processed shall have obvious origins and ensure food quality and safety.
3. Aquatic products in areas under epidemic announcement shall be purchased and sold in accordance with regulations of law on veterinary medicine, plant protection and quarantine.
Article 97. Preservation of aquatic products
1. Aquatic products on commercial fishing vessels, means of transport; fishing ports and in wholesale markets of aquatic products; aquatic cold storages and premises of purchasers, sellers, preliminary processors and processors of aquatic products shall be preserved in accordance with regulations of law on food safety.
2. Additives and supporting substances used in processing of aquatic products that are overdue or not included in the list of additives and supporting substances allowed to be used or included in this list but exceed allowable limits; chemicals whose origins are obscure and chemicals banned from use shall not be used for preserving aquatic products.
Article 98. Import and export of aquatic products
1. Importers of aquatic products shall have documents on obvious origins of aquatic products and satisfy requirements for food quality, food safety and epidemic safety as prescribed by law.
2. Exporters of aquatic products shall comply with requirements of importing countries and regulations in Clause 3 of this Article.
3. An organization or individual is allowed to export living aquatic species in the following cases:
a) The species are not included in the list of aquatic species banned from export;
b) The aquatic species included in the list of exported aquatic species requiring certain conditions satisfy the conditions prescribed in this list;
c) Export of aquatic products included in the list of aquatic breeds banned from export or aquatic species failing to satisfy the conditions prescribed in the list of aquatic species requiring certain conditions for scientific research and international cooperation shall be licensed by the Ministry of Agriculture and Rural Development on the basic of the Prime Minister’s approval.
4. Organizations and individuals are allowed to import aquatic species not included in the list of aquatic species allowed to be traded in Vietnam for food, decoration and entertainment shall be subject to risk analysis and licensed by the Ministry of Agriculture and Rural Development. The import of aquatic species that are not included in the list of aquatic species allowed to be traded in Vietnam for scientific research, display and exhibition shall be licensed by the Ministry of Agriculture and Rural Development.
5. The Ministry of Agriculture and Rural Development will consider inspecting systems for managing and producing and trading aquatic species in the exporting countries in accordance with regulations of Vietnam law and international treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory if:
a) The assessment is made for mutual recognition;
b) There are risks of food quality, food safety, epidemic or environmental issues caused by aquatic products imported to Vietnam.
6. The Minister of Agriculture and Rural Development shall prescribe procedures for risk analysis of and issuance of licenses to living aquatic species.
7. The Government shall issue the list of aquatic species banned from export and the list of exported aquatic species requiring certain conditions;
Article 99. Processing, export, import, re-export, introduction from the sea and transit of aquatic species prescribed in Appendices of Convention on International Trade in Endangered Species of Wild Fauna and Flora and endangered, precious and rare aquatic species
1. The processing, export, import, re-export, introduction from the sea and transit of endangered, precious and rare wild aquatic species prescribed in Appendices of CITES and endangered, precious and rare aquatic species shall comply with regulation of CITES and Vietnam law.
2. Processed specimens of aquatic species prescribed in Appendices of CITES and endangered, precious and rare aquatic species shall satisfy the following requirements:
a) The specimens have legal origins and taken from facilities breeding, raising or carry out artificial propagation of aquatic species.
b) The specimens are derived from legal commercial fishing in nature;
c) After being processed, the specimens are seized in accordance with regulations of law.
3. The Government shall provide detailed guidelines for this Article.
Article 100. Wholesale markets of aquatic products
1. Wholesale market of aquatic products shall be located in concentrated aquaculture areas or places where large quantities of aquatic products are consumed, including exchange, purchase, sale and auction of aquatic products.
2. Wholesale markets of aquatic products shall be developed in conformity with the planning.
3. The People’s Committee of each province shall control food safety in wholesale markets of aquatic products in the province.
4. The Ministry of Agriculture and Rural Development shall ensure consistency in the state administration of aquatic food safety and provide instructions on wholesale markets of aquatic products, promulgate national technical regulations on conditions for ensuring food safety in wholesale markets of aquatic products.
STATE ADMINISTRATION OF FISHERIES
Article 101. Responsibilities of the Government, Ministries and ministerial agencies
1. The Government shall ensure consistency in state administration of fisheries in the whole country.
2. The Ministry of Agriculture and Rural Development shall work as a contact point to assist the Government in the state administration and shall:
a) Be in charge of state administration of fishery activities in the whole country; make and provide directions on implementing strategies, plans and schemes for fishery activities;
b) Promulgate or request competent authorities to promulgate and implement policies, legislative documents, standards, technical regulations and economic and technical norms in fishery fields;
c) Provide directions and instructions on and carry out environmental monitoring and warning, aquatic epidemic prevention and commercial fishing at sea; manage processing and trading of aquatic products; ensure quality and aquatic food safety as prescribed by law; set up, manage and provide instructions on updating and accessing to the national fisheries database;
d) Be in charge of state administration of fisheries resources surveillance; provide consistent directions on fisheries resources surveillance;
dd) Organize the issuance, reissuance, extension and revocation of licenses and certificates in fishery activities under it management; authorize or assign the administration in accordance with regulations of law;
e) Organize the investigation, scientific research and technological development, technology transfer; assess and analyze impacts of economic activities on fishery activities;
g) Provide instructions on and carry out state inspections of fishing ports and sheltering anchorages for commercial fishing vessels in the whole country; provide professional training in managing fishing ports and sheltering anchorages for commercial fishing vessels in accordance with regulations of law and announce the list of appointed fishing ports having sufficient systems for certifying origins of caught aquatic species;
h) Be in charge of state administration applicable to marine protected areas and aquatic resources protected areas in the whole country;
i) Be in charge of state administration and provide professional training in fisheries; organize and provide instructions on statistics, information, propagation and popularization of knowledge and legal education in fisheries;
k) Prescribe criteria on and quality of waters used for aquaculture and specialized technical management in fishery activities;
l) Manage, provide directions on, formulate plans for and organize inspection, handling of complaints and denunciation, taking actions against violations of law o fisheries within it power; work as a contact point to join international cooperation in fisheries;
m) Take charge and cooperate with Ministries, ministerial agencies and People’s Committees of provinces in developing software for managing the national fishery database
n) Reserve original breeds and native and endemic aquatic species having economic value.
3. Ministries and ministerial agencies, within their duties and powers, shall cooperate with the Ministry of Agriculture and Rural Development in state administration of fisheries.
Article 102. Responsibilities of People’s Committee of provinces
1. The People’s Committee of each province, within its duties and powers, shall:
a) Promulgate or request competent authorities to promulgate documents provide guidelines for implementation of law on fisheries;
b) Provide directions on and organize management of fishery activities in the province; organize production and catching of aquatic species;
c) Organize the propagation, popularization of and education about laws and knowledge related to fisheries; set up fishery database in the province and update the national fishery database;
d) Organize the issuance, reissuance, extension and revocation of licenses and certificates in fishery activities under it management according to the assignment;
dd) Provide directions on, formulate plans for and organize inspection, handling of complaints and denunciation, taking actions against violations of law on fisheries within its power;
e) Ensure allowances, funding and working conditions for the local fisheries resources surveillance force in accordance with regulations of law;
g) Organize the management of fishing ports and sheltering anchorages for commercial fishing vessels according to assignment; inspect, control and comply with regulations of law on catching and protecting aquatic resources, food safety, environmental safety and fire safety at fishing ports; collect, consolidate and report statistics of aquatic products passing commercial fishing vessels in accordance with regulations and law;
h) Be in charge of state administration applicable to marine protected areas and aquatic resources protected areas in the province;
2. The People’s Committee of a district or a commune, within its duties and powers, shall:
a) Carry out activities and implement methods for managing fishery activities in the district or commune in accordance with regulations of law.
b) Carry out tasks of state administration of fisheries according to assignment or authorization by the supervisory People’s Committee;
c) Propagandize, popularize and provide education about law on fisheries in the district or commune.
Article 103. Responsibilities of Vietnamese Fatherland Front and its affiliated organizations, socio-professional organizations and social organizations
1. The Vietnamese Fatherland Front and its affiliated organizations, within their duties and powers, shall propagandize, mobilize the implementation of policies and law on fisheries; give opinions about promulgating regulations of law, carry out supervision and social criticism in fishery in accordance with regulations of law.
2. Socio-professional organizations and social organizations shall give opinions on promulgating regulations of law on fisheries; propagandize and popularize knowledge of and laws on fisheries; provide consultancy on and technical training in fisheries; protect, regenerate and develop aquatic resources.
1. This Law comes into force from January 01, 2019.
2. The Law No. 17/2003/QH11 on fisheries shall be invalid from the date on which this Law comes into force.
Article 105. Transition clause
1. The maximum penalty for administrative violations applicable to individuals in protection of aquatic resources and marine species prescribed in Point dd Clause 1 Article 24 of Law No. 15/2012/QH13 on handling of administrative violations shall be amended into 1,000,000,000 VND.
2. Licenses, certificates, degrees and written approval related to fisheries issued before the day on which this Law comes into force may be used until their expiry date.
3. National technical regulations and economic and technical norms issued before the day on which this Law comes into force will be applicable until they are annulled or superseded.
This Law is approved by the 14th National Assembly of Socialist Republic of Vietnam on November 21, 2017 during the 4th session
|
CHAIRWOMAN OF NATIONAL ASSEMBLY |
Văn bản liên quan
Cập nhật
Điều 10. Đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản
Điều 13. Bảo vệ nguồn lợi thủy sản
Điều 16. Thành lập khu bảo tồn biển
Điều 21. Quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản
Điều 24. Điều kiện cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản
Điều 27. Nhập khẩu, xuất khẩu giống thủy sản
Điều 28. Khảo nghiệm giống thủy sản
Điều 32. Điều kiện cơ sở sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản
Điều 35. Khảo nghiệm thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản
Điều 36. Nhập khẩu, xuất khẩu thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản
Điều 38. Điều kiện cơ sở nuôi trồng thủy sản
Điều 39. Thẩm quyền cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển
Điều 48. Quản lý vùng khai thác thủy sản
Điều 50. Giấy phép khai thác thủy sản
Điều 51. Cấp, gia hạn, cấp lại, thu hồi Giấy phép khai thác thủy sản
Điều 53. Điều kiện khai thác thủy sản ngoài vùng biển Việt Nam
Điều 64. Cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đóng mới, cải hoán tàu cá
Điều 66. Xuất khẩu tàu cá, nhập khẩu tàu cá, thuê tàu trần
Điều 68. Điều kiện cơ sở đăng kiểm tàu cá
Điều 94. Nguồn kinh phí bảo đảm hoạt động kiểm ngư
Điều 13. Bảo vệ nguồn lợi thủy sản
Điều 16. Thành lập khu bảo tồn biển
Điều 27. Nhập khẩu, xuất khẩu giống thủy sản
Điều 28. Khảo nghiệm giống thủy sản
Điều 36. Nhập khẩu, xuất khẩu thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản
Điều 38. Điều kiện cơ sở nuôi trồng thủy sản
Điều 39. Thẩm quyền cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển
Điều 48. Quản lý vùng khai thác thủy sản
Điều 50. Giấy phép khai thác thủy sản
Điều 53. Điều kiện khai thác thủy sản ngoài vùng biển Việt Nam
Điều 66. Xuất khẩu tàu cá, nhập khẩu tàu cá, thuê tàu trần
Điều 68. Điều kiện cơ sở đăng kiểm tàu cá
Điều 9. Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản
Điều 12. Điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của loài thủy sản
Điều 23. Quản lý giống thủy sản
Điều 31. Quản lý thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản
Điều 52. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân khai thác thủy sản
Điều 60. Khai thác thủy sản bất hợp pháp
Điều 67. Bảo đảm an toàn kỹ thuật tàu cá
Điều 69. Cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đăng kiểm tàu cá
Điều 74. Thuyền viên, người làm việc trên tàu cá
Điều 76. Quản lý tàu công vụ thủy sản
Điều 81. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức quản lý cảng cá
Điều 93. Phương tiện, trang thiết bị, trang phục của kiểm ngư