Nghị định 37/2024/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 26/2019/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thủy sản
Số hiệu: | 37/2024/NĐ-CP | Loại văn bản: | Nghị định |
Nơi ban hành: | Chính phủ | Người ký: | Trần Lưu Quang |
Ngày ban hành: | 04/04/2024 | Ngày hiệu lực: | 19/05/2024 |
Ngày công báo: | 21/04/2024 | Số công báo: | Từ số 537 đến số 538 |
Lĩnh vực: | Lĩnh vực khác | Tình trạng: | Còn hiệu lực |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Sửa đổi quy định về thời gian duy trì điều kiện cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản
Ngày 04/4/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 37/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 26/2019/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Thủy sản 2017.
Sửa đổi thời gian duy trì điều kiện cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản
Quy định về thời gian duy trì điều kiện cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản được sửa đổi như sau:
- Thời gian duy trì điều kiện cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản là 12 tháng. Trường hợp cơ sở đã được tổ chức đánh giá sự phù hợp cấp giấy chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng phù hợp theo quy định của pháp luật, thời gian duy trì điều kiện là 24 tháng.
- Việc kiểm tra duy trì điều kiện cơ sở được thực hiện trong thời gian tối đa là 90 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn 12 tháng và 180 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn 24 tháng. Thời hạn 12 tháng và 24 tháng tính từ ngày cơ sở được chứng nhận đủ điều kiện lần đầu hoặc ngày kiểm tra duy trì trước đó theo quy định.
- Cơ quan kiểm tra thông báo thời gian kiểm tra duy trì điều kiện cho cơ sở trước 05 ngày làm việc. Kiểm tra duy trì điều kiện cơ sở theo các nội dung quy định tại Mẫu số 03.NT Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này. Sau 05 ngày làm việc kể từ khi kết thúc hoạt động kiểm tra, Cơ quan kiểm tra thực hiện thông báo kết quả kiểm tra và thời gian duy trì điều kiện đến cơ sở được kiểm tra.
- Trong thời gian duy trì điều kiện, trường hợp cơ sở không có nhu cầu duy trì điều kiện theo quy định, phải thông báo đến Cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này để thực hiện thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản và công khai trên trang thông tin của Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Hiện nay, thời gian kiểm tra duy trì điều kiện cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản là 12 tháng; trường hợp cơ sở đã được tổ chức đánh giá, cấp giấy chứng nhận hệ thống phù hợp tiêu chuẩn, thời gian kiểm tra duy trì điều kiện là 24 tháng.
Xem chi tiết tại Nghị định 37/2024/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 19/5/2024.
Văn bản tiếng việt
Văn bản tiếng anh
CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 37/2024/NĐ-CP |
Hà Nội, ngày 04 tháng 4 năm 2024 |
NGHỊ ĐỊNH
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 26/2019/NĐ-CP NGÀY 08 THÁNG 3 NĂM 2019 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT MỘT SỐ ĐIỀU VÀ BIỆN PHÁP THI HÀNH LUẬT THỦY SẢN
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Thủy sản ngày 21 tháng 11 năm 2017;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản.
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản
1. Bổ sung các khoản 16, 17, 18, 19, 20, 21, 22 và 23 vào Điều 3 như sau:
“16. Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá là khu vực chuyên dụng dành cho tàu cá neo đậu tránh trú bão, bao gồm: Kết cấu hạ tầng khu tránh trú bão, cơ sở dịch vụ hậu cần khu tránh trú bão, vùng nước đậu tàu, luồng vào khu tránh trú bão và khu hành chính.
a) Kết cấu hạ tầng khu tránh trú bão bao gồm: đê, kè chắn sóng, ngăn sa bồi; luồng lạch; neo đậu tàu (các trụ, phao neo tàu, xích neo, rùa neo); hệ thống phao tiêu, biển báo; hệ thống chiếu sáng; hệ thống thông tin liên lạc.
b) Cơ sở dịch vụ hậu cần khu tránh trú bão bao gồm: cơ sở cung ứng dịch vụ thiết yếu tối thiểu (nước ngọt, lương thực thực phẩm, thông tin liên lạc, y tế, vật tư, sửa chữa nhỏ, cứu nạn, giải quyết sự cố) phục vụ ngư dân và tàu cá đảm bảo giải quyết các yêu cầu cấp thiết và sự cố tai nạn.
c) Vùng nước đậu tàu là vùng nước trước cầu cảng, vùng nước bố trí neo đậu tàu, luồng vào khu neo đậu tàu và vùng nước dành cho cung ứng, dịch vụ hậu cần.
d) Luồng vào khu tránh trú bão là luồng nối từ vùng nước mà tàu hoạt động đến vùng nước đậu tàu.
đ) Khu hành chính bao gồm: các kết cấu hạ tầng, trang thiết bị phục vụ công tác quản lý, điều hành hoạt động của khu tránh trú bão (nhà lưu trú, điều hành, bảo vệ; hệ thống đường giao thông nội bộ; hệ thống điện, nước, xử lý nước thải, phòng cháy, chữa cháy; trang thiết bị).
17. Trung tâm nghề cá lớn là khu vực gắn với ngư trường khai thác thủy sản có lợi thế về kinh tế, xã hội, tài nguyên, nguồn nguyên liệu, hạ tầng kỹ thuật, có ranh giới và quy chế hoạt động riêng, làm đầu mối sản xuất, thương mại, dịch vụ hậu cần nghề cá trong thể liên hoàn, liên kết để giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh, bao gồm: các khu chức năng đặc thù, các cơ sở chuyên ngành.
a) Khu chức năng đặc thù bao gồm: các khu vực chế biến thủy sản; sửa chữa, sản xuất ngư lưới cụ, đóng, sửa tàu thuyền cung cấp máy móc, trang thiết bị cho tàu cá thiết bị hàng hải, thông tin liên lạc; khu neo đậu tránh trú bão; cơ sở đăng kiểm tàu cá; cơ quan kiểm ngư vùng, cầu cảng neo đậu của tàu, thuyền kiểm ngư; trung tâm cứu hộ, cứu nạn.
b) Cơ sở chuyên ngành của trung tâm nghề cá lớn bao gồm cơ sở đào tạo, nghiên cứu, tài chính, trung tâm hội chợ triển lãm phục vụ hoạt động thủy sản.
18. Khai thác không chủ ý loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm là việc loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm bị bắt hoặc bị thương hoặc bị chết do hoạt động khai thác không cố ý của con người.
19. Khai thác thủy sản giải trí là hoạt động khai thác thủy sản nhằm mục đích vui chơi, giải trí, thư giãn, trải nghiệm.
20. Đơn vị cung cấp thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá là đơn vị được Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo công khai theo quy định.
21. Tàu phục vụ hoạt động: nuôi trồng thủy sản, bảo tồn biển, đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản là phương tiện nổi có lắp động cơ hoặc không lắp động cơ chuyên dùng để phục vụ hoạt động nuôi trồng thủy sản, bảo tồn biển, đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản được đăng ký, đăng kiểm như tàu cá.
22. Vùng khơi gồm 06 khu vực như sau:
a) Khu vực 1 là vùng phía Bắc vĩ tuyến 17°00’N.
b) Khu vực 2 là vùng từ vĩ tuyến 14°00’N đến vĩ tuyến 17°00’N.
c) Khu vực 3 là vùng từ vĩ tuyến 10°00’N đến vĩ tuyến 14°00’N.
d) Khu vực 4 là vùng phía Nam vĩ tuyến 10°00’N và phía Đông kinh tuyến 108°00’E.
đ) Khu vực 5 là vùng phía Nam vĩ tuyến 10°00’N, từ kinh tuyến 105°00’E đến kinh tuyến 108°00’E.
e) Khu vực 6 là vùng phía Tây kinh tuyến 105°00’E”.
23. Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh là Chi cục được giao quản lý nhà nước về thủy sản, kiểm ngư hoặc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (đối với địa phương không có Chi cục quản lý nhà nước về thủy sản).”
2. Bổ sung khoản 9 vào Điều 4 như sau:
“9. Trường hợp thiên tai, dịch bệnh không thể tổ chức kiểm tra, đánh giá thực tế tại cơ sở để cấp giấy phép, giấy chứng nhận, văn bản chấp thuận, kiểm tra duy trì điều kiện của cơ sở:
a) Cơ quan có thẩm quyền áp dụng hình thức đánh giá trực tuyến khi cơ sở đáp ứng yêu cầu về nguồn lực, phương tiện kỹ thuật thực hiện; cơ sở cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan bằng bản giấy hoặc bản điện tử cho cơ quan kiểm tra hoặc tạm hoãn hoặc gia hạn có thời hạn giấy phép, giấy chứng nhận, văn bản chấp thuận, thời hạn kiểm tra duy trì.
b) Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, tổ chức đánh giá sự phù hợp chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của thông tin, tài liệu, hình ảnh, hồ sơ cung cấp cho cơ quan cấp phép. Việc kiểm tra đánh giá thực tế sẽ được thực hiện sau khi các địa phương kiểm soát được thiên tai, dịch bệnh theo quy định của pháp luật; thực hiện thu hồi ngay giấy phép đối với trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm quy định pháp luật và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
c) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn nội dung nghiệp vụ, kỹ thuật để thực hiện các biện pháp trong trường hợp cần thiết tại điểm a và điểm b khoản này.”
3. Sửa đổi, bổ sung Điều 8 như sau:
“Điều 8. Chế độ quản lý và bảo vệ loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm
1. Nghiêm cấm khai thác loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm thuộc Nhóm I trừ trường hợp khai thác vì mục đích bảo tồn, nghiên cứu khoa học, nghiên cứu tạo nguồn giống ban đầu, hợp tác quốc tế.
2. Loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm thuộc Nhóm II được phép khai thác khi đáp ứng các điều kiện quy định tại phần II Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.
3. Tổ chức, cá nhân khai thác loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm nhóm I hoặc nhóm II khi không đáp ứng đủ điều kiện quy định tại phần II Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này vì mục đích bảo tồn, nghiên cứu khoa học, nghiên cứu tạo nguồn giống ban đầu, hợp tác quốc tế phải được Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chấp thuận bằng văn bản và tuân thủ quy định pháp luật về tiếp cận nguồn gen.
4. Tổ chức, cá nhân nghiên cứu tạo giống ban đầu, sản xuất giống các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm phải thả tối thiểu 0,1% tổng số cá thể được sản xuất hằng năm vào vùng nước tự nhiên phù hợp. Quy trình thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản nguy cấp, quý, hiếm được thực hiện như sau:
a) Tổ chức, cá nhân báo cáo sản lượng giống sản xuất được của năm kế trước và kế hoạch thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản của năm hiện tại về Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh nơi đặt trụ sở hoạt động của tổ chức, cá nhân trước ngày 30 tháng 01 hằng năm qua thư điện tử hoặc trực tiếp.
b) Trước 07 ngày thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản, tổ chức, cá nhân thông báo bằng văn bản qua thư điện tử hoặc trực tiếp tới Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh biết để phối hợp thực hiện.
5. Loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm là tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu hoặc vật chứng vụ án bị tịch thu theo quy định của pháp luật hình sự, pháp luật tố tụng hình sự được xử lý như sau:
a) Trường hợp cá thể còn sống khỏe mạnh thì phải thả về môi trường tự nhiên; cá thể bị thương phải được bàn giao cho cơ sở có chức năng cứu hộ loài thủy sản để nuôi dưỡng, cứu, chữa trước khi thả về môi trường tự nhiên.
b) Trường hợp tang vật là bộ phận hoặc cá thể đã chết phải được bàn giao cho Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam hoặc cơ quan nghiên cứu khoa học để làm tiêu bản, trưng bày, nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục hoặc tiêu hủy theo quy định của pháp luật.
c) Trường hợp tang vật là bộ phận hoặc cá thể đã chết không bàn giao được theo quy định tại điểm b khoản này hoặc tang vật được xác định bị bệnh, có khả năng gây dịch bệnh nguy hiểm thì phải tiêu huỷ ngay. Việc tiêu huỷ được tiến hành theo quy định hiện hành của pháp luật về thú y, bảo vệ môi trường và kiểm dịch động vật, thực vật.
6. Quy trình cứu hộ loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm bị thương hoặc bị mắc cạn thực hiện như sau:
a) Tổ chức, cá nhân khi phát hiện loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm bị thương hoặc bị mắc cạn thông báo cho Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh hoặc cơ sở có chức năng cứu hộ loài thủy sản.
b) Trường hợp Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh tiếp nhận thông tin hoặc nhận bàn giao từ tổ chức, cá nhân phải thông báo cho cơ sở có chức năng cứu hộ loài thủy sản và thực hiện sơ cứu, nuôi dưỡng trong thời gian chờ bàn giao.
c) Cơ sở có chức năng cứu hộ loài thủy sản tiếp nhận bàn giao loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm lập Biên bản bàn giao theo Mẫu số 09.BT Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.
7. Cơ sở có chức năng cứu hộ loài thủy sản có trách nhiệm như sau:
a) Tổ chức cứu, chữa, nuôi dưỡng và đánh giá khả năng thích nghi của loài thủy sản được cứu hộ trước khi thả về môi trường sống tự nhiên của chúng. Trường hợp loài được cứu hộ bị chết trong quá trình cứu, chữa, cơ sở cứu hộ được sử dụng làm tiêu bản phục vụ tuyên truyền, giáo dục hoặc bàn giao cho Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam hoặc cơ quan nghiên cứu khoa học. Trường hợp loài được cứu hộ không đủ khả năng sinh sống trong môi trường tự nhiên, cơ sở cứu hộ thủy sản tổ chức nuôi dưỡng hoặc bàn giao cho tổ chức phù hợp để nuôi dưỡng phục vụ mục đích nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục.
b) Báo cáo Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về kết quả cứu hộ loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm định kỳ trước ngày 20 tháng 11 hằng năm và khi có yêu cầu.
8. Trường hợp loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm bị chết không được lưu giữ, bảo quản, chế tác mẫu vật phục vụ nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục thì Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương cấp huyện tổ chức xử lý phù hợp với tập quán và quy định của pháp luật về thú y, bảo vệ môi trường và kiểm dịch động vật, thực vật.
9. Tổ chức, cá nhân trong quá trình khai thác thuỷ sản bắt gặp hoặc khai thác không chủ ý loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm có trách nhiệm ghi lại thông tin vào sổ nhật ký khai thác, đánh giá tình trạng sức khỏe và xử lý như sau:
a) Trường hợp còn sống khỏe mạnh thì thả về khu vực khai thác.
b) Trường hợp bị thương có thể cứu hộ thì thực hiện theo quy trình cứu hộ quy định tại khoản 6 Điều này.
c) Trường hợp bị thương đến mức không thể cứu chữa hoặc bị chết thì thực hiện theo khoản 8 Điều này.”
4. Sửa đổi, bổ sung Điều 10 như sau:
“Điều 10. Quản lý hoạt động trong khu bảo tồn biển và vùng đệm
1. Hoạt động được thực hiện trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt bao gồm:
a) Thả phao đánh dấu ranh giới vùng biển;
b) Điều tra, nghiên cứu khoa học sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và chịu sự giám sát của Ban quản lý khu bảo tồn biển hoặc tổ chức được giao quản lý khu bảo tồn biển;
c) Tuyên truyền, giáo dục môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ nguồn lợi thủy sản;
d) Tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý các hoạt động vi phạm;
đ) Thực hiện các hoạt động quan trắc, giám sát tài nguyên, môi trường, khảo cổ học;
e) Xử lý sự cố trên biển, cứu hộ loài nguy cấp, quý, hiếm, bảo tồn hệ sinh thái biển.
2. Hoạt động được thực hiện trong phân khu phục hồi sinh thái bao gồm:
a) Hoạt động quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Phục hồi, tái tạo các loài động vật, thực vật thủy sinh, hệ sinh thái biển sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thực hiện theo hướng dẫn và chịu sự giám sát của Ban quản lý khu bảo tồn biển hoặc tổ chức được giao quản lý khu bảo tồn biển;
c) Hoạt động du lịch sinh thái nhưng không gây tổn hại đến nguồn lợi thủy sản và hệ sinh thái biển;
d) Tàu cá, tàu biển và phương tiện thủy khác được đi qua không gây hại nhưng không được dùng hoặc thả neo, trừ trường hợp bất khả kháng.
3. Hoạt động được thực hiện trong phân khu dịch vụ - hành chính bao gồm:
a) Hoạt động quy định tại khoản 2 Điều này;
b) Nuôi trồng thuỷ sản, khai thác thủy sản;
c) Tổ chức hoạt động dịch vụ, du lịch sinh thái;
d) Xây dựng công trình hạ tầng phục vụ hoạt động của Ban quản lý khu bảo tồn biển hoặc tổ chức được giao quản lý khu bảo tồn biển; công trình phục vụ du lịch sinh thái, nuôi trồng thủy sản.
4. Hoạt động được thực hiện trong vùng đệm bao gồm:
a) Hoạt động quy định tại khoản 3 Điều này;
b) Xây dựng công trình cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nhưng không làm gây hại đến các phân khu khác và các hệ sinh thái trong khu bảo tồn biển.
5. Các hoạt động trong khu bảo tồn biển được quy định tại khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này phải tuân thủ quy định của pháp luật có liên quan và Quy chế quản lý khu bảo tồn biển.”
5. Sửa đổi, bổ sung Điều 11 như sau:
a) Sửa đổi điểm a khoản 1 Điều 11 như sau:
“a) Thực hiện điều tra, khảo sát, nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ và hợp tác quốc tế về bảo tồn biển trong phạm vi quản lý;”
b) Sửa đổi điểm đ khoản 1 Điều 11 như sau:
“đ) Công chức, viên chức của Ban quản lý khu bảo tồn biển hoặc tổ chức được giao quản lý khu bảo tồn biển khi đang thi hành công vụ trong khu bảo tồn biển được lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, xử lý vi phạm hoặc chuyển người có thẩm quyền xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật;”
c) Sửa đổi điểm e khoản 1 Điều 11 như sau:
“e) Hợp tác nghiên cứu khoa học, phục hồi, tái tạo các loài động vật, thực vật thủy sinh, hệ sinh thái tự nhiên trong khu bảo tồn biển theo quy định của pháp luật; hợp tác trong lĩnh vực du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và các hoạt động dịch vụ khác trong khu bảo tồn biển theo quy định của pháp luật;”
d) Bổ sung điểm h vào khoản 1 Điều 11 như sau:
“h) Tổ chức quản lý các hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản trong khu bảo tồn biển.”
đ) Bổ sung khoản 3 vào Điều 11 như sau:
“3. Ban quản lý khu bảo tồn biển thực hiện quyền và trách nhiệm về quản lý, bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học theo quy định của pháp luật.”
6. Sửa đổi, bổ sung Điều 13 như sau:
“Điều 13. Nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến khu bảo tồn biển
1. Đối với tổ chức, cá nhân có hoạt động điều tra, nghiên cứu khoa học, giáo dục, đào tạo tại khu bảo tồn biển có nghĩa vụ sau đây:
a) Gửi kế hoạch điều tra, nghiên cứu khoa học, giáo dục, đào tạo tại khu bảo tồn biển tới Ban quản lý khu bảo tồn biển hoặc tổ chức được giao quản lý khu bảo tồn biển trước khi thực hiện 10 ngày;
b) Thực hiện điều tra, nghiên cứu khoa học, giáo dục, đào tạo theo quy định của pháp luật, Quy chế quản lý khu bảo tồn biển và hướng dẫn, giám sát của Ban quản lý khu bảo tồn biển hoặc tổ chức được giao quản lý khu bảo tồn biển;
c) Thông báo cho Ban quản lý khu bảo tồn biển hoặc tổ chức được giao quản lý khu bảo tồn biển về kết quả điều tra, nghiên cứu khoa học, giáo dục, đào tạo; tài liệu công bố trong nước hoặc quốc tế (nếu có);
d) Chi trả chi phí dịch vụ, giám sát cho Ban quản lý khu bảo tồn biển hoặc tổ chức được giao quản lý khu bảo tồn biển theo quy định, trừ hoạt động điều tra, nghiên cứu khoa học.
2. Tổ chức, cá nhân có hoạt động dịch vụ du lịch sinh thái, nuôi trồng thủy sản trong khu bảo tồn biển có nghĩa vụ sau đây:
a) Triển khai hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí theo đề án tổng thể phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong khu bảo tồn biển đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;
b) Tuân thủ Quy chế quản lý khu bảo tồn biển, quy định của Ban quản lý khu bảo tồn biển hoặc tổ chức được giao quản lý khu bảo tồn biển;
c) Bảo vệ đa dạng sinh học và môi trường; tham gia hoạt động làm sạch môi trường, phục hồi, tái tạo các loài động vật, thực vật thủy sinh và hệ sinh thái biển trong khu bảo tồn;
d) Phổ biến quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học cho khách du lịch;
đ) Chi trả chi phí dịch vụ cho Ban quản lý khu bảo tồn biển hoặc tổ chức được giao quản lý khu bảo tồn biển theo quy định;
e) Tổ chức, cá nhân đủ điều kiện và có nhu cầu khai thác, nuôi trồng thủy sản trong khu bảo tồn biển phải đăng ký với Ban quản lý khu bảo tồn biển hoặc tổ chức được giao quản lý khu bảo tồn biển.
3. Đối với cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân sống trong và xung quanh khu bảo tồn biển có nghĩa vụ:
a) Chấp hành quy chế quản lý khu bảo tồn biển, quy định của Ban quản lý khu bảo tồn biển hoặc tổ chức được giao quản lý khu bảo tồn biển và quy định của pháp luật có liên quan;
b) Bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học trong khu bảo tồn biển;
c) Tham gia hoạt động tái tạo, phục hồi các loài động vật, thực vật thủy sinh, hệ sinh thái biển trong khu bảo tồn.”
7. Sửa đổi điểm b khoản 1 Điều 15 như sau:
“b) Chi thường xuyên bao gồm: Hoạt động của Ban quản lý khu bảo tồn biển hoặc tổ chức được giao quản lý khu bảo tồn biển; các hoạt động thường xuyên khác liên quan đến quản lý khu bảo tồn biển.”
8. Sửa đổi điểm a khoản 1, khoản 6, khoản 7 và bổ sung khoản 8, khoản 9 vào Điều 21 như sau:
a) Sửa đổi điểm a khoản 1 Điều 21 như sau:
“a) Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện, kiểm tra duy trì điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản đối với cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản bố mẹ, đối với cơ sở sản xuất, ương dưỡng đồng thời giống thủy sản bố mẹ và giống thủy sản không phải là giống thủy sản bố mẹ;”
b) Sửa đổi khoản 6 Điều 21 như sau:
“6. Thời gian duy trì điều kiện
a) Thời gian duy trì điều kiện cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản là 12 tháng. Trường hợp cơ sở đã được tổ chức đánh giá sự phù hợp cấp giấy chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng phù hợp theo quy định của pháp luật, thời gian duy trì điều kiện là 24 tháng.
b) Việc kiểm tra duy trì điều kiện cơ sở được thực hiện trong thời gian tối đa là 90 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn 12 tháng và 180 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn 24 tháng. Thời hạn 12 tháng và 24 tháng tính từ ngày cơ sở được chứng nhận đủ điều kiện lần đầu hoặc ngày kiểm tra duy trì trước đó theo quy định.
c) Cơ quan kiểm tra thông báo thời gian kiểm tra duy trì điều kiện cho cơ sở trước 05 ngày làm việc. Kiểm tra duy trì điều kiện cơ sở theo các nội dung quy định tại Mẫu số 03.NT Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này. Sau 05 ngày làm việc kể từ khi kết thúc hoạt động kiểm tra, Cơ quan kiểm tra thực hiện thông báo kết quả kiểm tra và thời gian duy trì điều kiện đến cơ sở được kiểm tra.
d) Trong thời gian duy trì điều kiện, trường hợp cơ sở không có nhu cầu duy trì điều kiện theo quy định, phải thông báo đến Cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này để thực hiện thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản và công khai trên trang thông tin của Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.”
c) Sửa đổi khoản 7 Điều 21 như sau:
“7. Khi phát hiện cơ sở vi phạm một trong các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 25 Luật Thủy sản, cơ quan có thẩm quyền xử lý như sau:
a) Cơ sở không duy trì điều kiện theo quy định tại một trong các điểm a, b, d khoản 1 Điều 24 Luật Thủy sản và khoản 1 Điều 20 Nghị định này, cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm và ban hành Quyết định thu hồi hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản và công khai trên trang thông tin của Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
b) Cơ sở không duy trì hoặc duy trì không đầy đủ nhưng không có khả năng khắc phục điều kiện tại điểm c khoản 1 Điều 24 Luật Thủy sản, khoản 2 Điều 20 Nghị định này, cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm và ban hành Quyết định thu hồi hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản và công khai trên trang thông tin của Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
c) Cơ sở vi phạm quy định tại điểm a hoặc điểm c khoản 4 Điều 25 Luật Thuỷ sản, cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định và ban hành Quyết định thu hồi hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản và công khai trên trang thông tin của Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.”
d) Bổ sung khoản 8, khoản 9 vào Điều 21 như sau:
“8. Cơ sở có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản khi tham gia một, một số hoặc toàn bộ quá trình sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản do cơ sở khác công bố tiêu chuẩn áp dụng, công bố sự phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng:
a) Sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản phải phù hợp với điều kiện ghi trong Giấy chứng nhận và có văn bản thỏa thuận giữa hai bên về đối tượng, số lượng, tiêu chuẩn công bố áp dụng, thời gian thực hiện;
b) Thực hiện nghĩa vụ theo quy định tại điểm b, c, đ, e, g và h khoản 2 Điều 26 Luật Thủy sản. Thực hiện ghi chép, lưu giữ hồ sơ trong quá trình sản xuất, ương dưỡng và giao một bản sao cho cơ sở có giống thủy sản công bố tiêu chuẩn áp dụng, công bố sự phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng để lưu giữ phục vụ truy xuất nguồn gốc.
9. Cơ sở có giống thủy sản công bố tiêu chuẩn áp dụng, công bố sự phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng khi sản xuất, ương dưỡng tại cơ sở khác có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện phải thực hiện nghĩa vụ theo quy định tại điểm a, d và g khoản 2 Điều 26 Luật Thủy sản và thực hiện lưu giữ hồ sơ trong quá trình sản xuất, ương dưỡng.”
9. Sửa đổi điểm c khoản 2 Điều 22 như sau:
“c) Đề cương nghiên cứu được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt (đối với trường hợp nhập khẩu để nghiên cứu khoa học).”
10. Sửa đổi điểm b khoản 7 Điều 26 như sau:
“b) Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày ban hành quyết định công nhận kết quả khảo nghiệm giống thủy sản, Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo công khai quyết định công nhận trên Cổng thông tin điện tử của Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.”
11. Sửa đổi điểm b khoản 5, khoản 6, khoản 7 và bổ sung khoản 9 vào Điều 28 như sau:
a) Sửa đổi điểm b khoản 5 Điều 28 như sau:
“b) Kiểm tra thực tế về điều kiện cơ sở tại địa điểm sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản theo quy định tại Điều 27 Nghị định này và Điều 32 Luật Thuỷ sản;”
b) Sửa đổi khoản 6, khoản 7 Điều 28 như sau:
“6. Thời gian kiểm tra duy trì
a) Thời gian duy trì điều kiện cơ sở sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản là 12 tháng. Trường hợp cơ sở đã được tổ chức đánh giá sự phù hợp cấp giấy chứng nhận hệ thống phù hợp tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật, thời gian kiểm tra duy trì điều kiện là 24 tháng.
b) Việc kiểm tra duy trì điều kiện của cơ sở được thực hiện trong thời gian tối đa là 90 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn 12 tháng và 180 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn 24 tháng. Thời hạn 12 tháng và 24 tháng tính từ ngày cơ sở được chứng nhận đủ điều kiện lần đầu hoặc ngày kiểm tra duy trì trước đó theo quy định.
c) Cơ quan kiểm tra thông báo thời gian kiểm tra duy trì điều kiện cho cơ sở trước 05 ngày làm việc; kiểm tra duy trì điều kiện của cơ sở theo Mẫu số 13.NT Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này. Sau 05 ngày làm việc kể từ khi kết thúc hoạt động kiểm tra, Cơ quan kiểm tra thực hiện thông báo kết quả kiểm tra và thời gian duy trì đến cơ sở được kiểm tra.
d) Trong thời gian duy trì điều kiện, nếu cơ sở không có nhu cầu duy trì điều kiện theo quy định, phải thông báo đến Cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này để thực hiện thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất thức ăn thuỷ sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thuỷ sản và công khai trên trang thông tin của Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
7. Khi phát hiện cơ sở vi phạm một trong các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 34 Luật Thủy sản. Cơ quan có thẩm quyền xử lý như sau:
a) Trường hợp cơ sở không duy trì điều kiện theo quy định tại một trong các điểm a, b, c, d, e khoản 1 Điều 32 Luật Thủy sản và khoản 1, khoản 2 Điều 27 Nghị định này, cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm và ban hành Quyết định thu hồi hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn thuỷ sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thuỷ sản và công khai trên trang thông tin của Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
b) Trường hợp cơ sở không duy trì hoặc duy trì không đầy đủ nhưng không có khả năng khắc phục điều kiện tại điểm đ khoản 1 Điều 32 Luật Thủy sản và khoản 3 Điều 27 Nghị định này, cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm và ban hành Quyết định thu hồi hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn thuỷ sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thuỷ sản và công khai trên trang thông tin của Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
c) Trường hợp cơ sở vi phạm quy định tại điểm a hoặc điểm c khoản 4 Điều 34 Luật Thuỷ sản, cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định và ban hành Quyết định thu hồi hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn thuỷ sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thuỷ sản và công khai trên trang thông tin của Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.”
c) Bổ sung khoản 9 vào Điều 28 như sau:
“9. Cơ sở không thuộc phạm vi chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất nguyên liệu thức ăn thuỷ sản bao gồm: cơ sở sản xuất nguyên liệu thức ăn thuỷ sản không thuộc đối tượng phải công bố hợp quy; cơ sở sản xuất ban đầu (cơ sở trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, thu hái, đánh bắt, khai thác).”
12. Sửa đổi, bổ sung Điều 29 như sau:
“Điều 29. Kiểm tra chất lượng thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản
1. Cơ quan kiểm tra chất lượng thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản nhập khẩu: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
2. Nội dung, trình tự và thủ tục kiểm tra chất lượng thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản nhập khẩu theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
3. Lấy mẫu kiểm tra chất lượng thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản thực hiện theo tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Trường hợp chưa có tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia quy định về lấy mẫu, thực hiện lấy mẫu theo phương pháp ngẫu nhiên.
4. Thử nghiệm thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản do phòng thử nghiệm đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ định hoặc đã đăng ký hoạt động theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp chưa có phòng thử nghiệm được chỉ định (đối với trường hợp thử nghiệm để phục vụ hoạt động kiểm tra nhà nước) hoặc đã đăng ký hoạt động (đối với trường hợp thử nghiệm phục vụ hoạt động của tổ chức, cá nhân) về thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản thì thực hiện tại phòng thử nghiệm được chỉ định hoặc đã đăng ký hoạt động theo quy định trong lĩnh vực thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón nếu có phương pháp thử phù hợp. Trường hợp các phương pháp thử chưa được chỉ định hoặc chưa được thống nhất, Cơ quan quản lý nhà nước về thuỷ sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định phương pháp thử được áp dụng.”
13. Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2, khoản 4 Điều 30 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 Điều 30 như sau:
“b) Giấy xác nhận về việc tổ chức hoặc tham gia hội chợ, triển lãm tại Việt Nam (đối với trường hợp nhập khẩu để giới thiệu tại hội chợ, triển lãm) có đầy đủ nội dung về thời gian tổ chức, địa điểm tổ chức, thông tin sản phẩm (tên sản phẩm, thành phần chính, công dụng, hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản), số lượng, khối lượng, phương án xử lý sản phẩm khi kết thúc hội chợ, triển lãm và trách nhiệm của các bên liên quan;”
b) Sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 30 như sau:
“4. Nhập khẩu thủy sản sống dùng làm thức ăn thủy sản:
a) Tổ chức, cá nhân được phép nhập khẩu loài thuỷ sản có trong Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam để làm thức ăn thuỷ sản. Trường hợp loài thuỷ sản làm thức ăn thuỷ sản chưa có tên trong Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam, tổ chức, cá nhân thực hiện khảo nghiệm theo quy định tại Điều 26 Nghị định này.
b) Trình tự, thủ tục nhập khẩu loài thuỷ sản được phép kinh doanh tại Việt Nam để làm thức ăn thuỷ sản thực hiện theo quy định tại Điều 30 Nghị định này.”
14. Sửa đổi, bổ sung Điều 36 như sau:
“Điều 36. Đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực
1. Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy xác nhận đăng ký: Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh cấp Giấy xác nhận đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực.
2. Hình thức nuôi trồng thủy sản lồng bè phải đăng ký bao gồm nuôi trồng thủy sản bằng lồng, giàn treo, đăng quầng trên bãi triều, trên biển, sông, hồ và đầm phá tự nhiên.
3. Hồ sơ đăng ký bao gồm:
a) Đơn đăng ký theo Mẫu số 26.NT Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Sơ đồ mặt bằng vị trí ao/lồng nuôi có xác nhận của chủ cơ sở.
4. Hồ sơ đăng ký lại bao gồm:
a) Đơn đăng ký lại theo Mẫu số 27.NT Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Bản chính giấy xác nhận đăng ký đã được cấp (trừ trường hợp bị mất);
c) Sơ đồ mặt bằng vị trí ao/lồng nuôi có xác nhận của chủ cơ sở (đối với trường hợp thay đổi quy mô sản xuất); trường hợp thay đổi chủ cơ sở phải có giấy tờ chứng minh sự thay đổi.
5. Trình tự đăng ký, đăng ký lại nuôi trồng thủy sản lồng bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực bao gồm:
a) Chủ cơ sở nuôi trồng thủy sản gửi hồ sơ đến Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh;
b) Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh căn cứ quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án về phát triển nuôi trồng thủy sản tại địa phương đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và quy định khác có liên quan để thẩm định, cấp Giấy xác nhận theo Mẫu số 28.NT Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này. Trường hợp không cấp Giấy xác nhận phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
6. Đăng ký lại nuôi trồng thủy sản lồng bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực khi thuộc một trong các trường hợp sau: Giấy xác nhận đăng ký bị mất; bị rách; thay đổi chủ cơ sở nuôi; thay đổi quy mô sản xuất, đối tượng nuôi.
7. Thu hồi giấy xác nhận đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực
a) Giấy xác nhận bị thu hồi khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: Giấy xác nhận bị tẩy, xóa, sửa chữa nội dung; Giấy xác nhận hoặc có hành vi vi phạm pháp luật khác mà pháp luật quy định phải thu hồi Giấy xác nhận;
b) Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy xác nhận thì có thẩm quyền thu hồi Giấy xác nhận.”
15. Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 3, khoản 4; bổ sung điểm c khoản 5, khoản 6, khoản 7 vào Điều 37 như sau:
a) Sửa đổi điểm b khoản 3 Điều 37 như sau:
“b) Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền thẩm định hồ sơ, xin ý kiến cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên môi trường, đơn vị có liên quan và tổ chức kiểm tra thực tế (trường hợp cần thiết) tại khu vực biển đề nghị cấp phép và xem xét cấp phép nuôi trồng thuỷ sản trên biển theo Mẫu số 31.NT Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này nếu đáp ứng các quy định. Trường hợp không cấp phép phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.”
b) Sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 37 như sau:
“4. Cấp lại, gia hạn Giấy phép nuôi trồng thủy sản trên biển.
a) Trường hợp được xem xét cấp lại, gia hạn: Giấy phép nuôi trồng thủy sản trên biển được xem xét cấp lại trong trường hợp Giấy phép bị mất, bị hỏng, có sự thay đổi, bổ sung thông tin của tổ chức, cá nhân; gia hạn trong trường hợp Giấy phép còn hạn ít nhất 60 ngày.
b) Hồ sơ đề nghị cấp lại, gia hạn Giấy phép nuôi trồng thủy sản trên biển bao gồm:
Đơn đề nghị cấp lại/gia hạn Giấy phép theo Mẫu số 29.NT Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này;
Báo cáo Kết quả sản xuất theo Mẫu số 30A.NT Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này;
Báo cáo kết quả bảo vệ môi trường được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định theo quy định;
Bản sao chứng thực Quyết định giao khu vực biển (đối với trường hợp gia hạn Giấy phép);
Bản sao văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thể hiện nội dung thay đổi, bổ sung thông tin của tổ chức, cá nhân (đối với trường hợp cấp lại Giấy phép).
c) Trình tự thực hiện:
Tổ chức, cá nhân gửi hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này.
Trong thời hạn 15 ngày kể từ khi nhận được đầy đủ hồ sơ đề nghị cấp lại/gia hạn Giấy phép, cơ quan có thẩm quyền xem xét cấp lại/gia hạn Giấy phép. Trường hợp không cấp lại/gia hạn phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.”
c) Bổ sung điểm c vào khoản 5 Điều 37 như sau:
“c) Khi phát hiện cơ sở vi phạm một trong các trường hợp quy định tại điểm a khoản này, Cơ quan có thẩm quyền quy định tại điểm b khoản này ban hành quyết định thu hồi Giấy phép nuôi trồng thủy sản trên biển.”
d) Bổ sung khoản 6, khoản 7 vào Điều 37 như sau:
“6. Thời hạn của Giấy phép nuôi trồng thủy sản không quá thời hạn được quy định tại khoản 4 Điều 44 Luật Thủy sản. Trường hợp Giấy phép hết hạn, tổ chức, cá nhân có nhu cầu tiếp tục sử dụng khu vực biển để nuôi trồng thủy sản được xem xét gia hạn một lần hoặc nhiều lần nhưng tổng thời gian gia hạn không quá 20 năm.
7. Trường hợp chuyển nhượng giá trị quyền sử dụng khu vực biển để nuôi trồng thuỷ sản: Tổ chức, cá nhân thuê, nhận góp vốn quyền sử dụng khu vực biển để nuôi trồng thủy sản phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nghĩa vụ trong hoạt động nuôi trồng thủy sản và sử dụng khu vực biển.
a) Trường hợp tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng tiếp tục thực hiện dự án nuôi trồng thủy sản của tổ chức, cá nhân chuyển nhượng phải thực hiện thay đổi thông tin trong Giấy phép nuôi trồng thủy sản trên biển theo khoản 4 Điều này;
b) Trường hợp tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng không tiếp tục thực hiện dự án nuôi trồng thủy sản của tổ chức, cá nhân chuyển nhượng phải thực hiện thủ tục cấp Giấy phép nuôi trồng thủy sản trên biển theo khoản 2 và khoản 3 Điều này.”
16. Sửa đổi, bổ sung Điều 38 như sau:
“Điều 38. Cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển đối với nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài
1. Cơ quan có thẩm quyền cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển đối với nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
2. Hồ sơ cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển theo khoản 2 Điều 37 Nghị định này.
3. Trình tự cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển:
a) Tổ chức, cá nhân có nhu cầu cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển gửi hồ sơ đến Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
b) Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thẩm định hồ sơ; tổ chức khảo sát thực tế tại khu vực biển (trường hợp cần thiết); tham mưu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lấy ý kiến của địa phương nơi có khu vực biển, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Cơ quan được lấy ý kiến trả lời trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản xin ý kiến, sau thời hạn trên không trả lời được coi là đồng ý với nội dung lấy ý kiến.
Trường hợp tất cả cơ quan được lấy ý kiến đồng ý, trong thời hạn 05 ngày làm việc Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển theo Mẫu số 31.NT Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này.
Trường hợp có ít nhất 01 ý kiến không đồng ý về việc cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển đối với nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trong thời hạn 07 ngày làm việc sau khi có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển theo Mẫu số 31.NT Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này. Trường hợp không cấp phép phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
4. Cấp lại, gia hạn Giấy phép:
a) Trường hợp được cấp lại, gia hạn Giấy phép: Giấy phép được cấp lại trong trường hợp Giấy phép bị mất, bị hỏng, có sự thay đổi, bổ sung thông tin về tổ chức, cá nhân; được xem xét gia hạn trong trường hợp Giấy phép còn hạn ít nhất 60 ngày.
b) Hồ sơ cấp lại, gia hạn Giấy phép bao gồm:
Đơn đề nghị cấp lại Giấy phép theo Mẫu số 29.NT Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này;
Báo cáo Kết quả sản xuất theo Mẫu số 30A.NT Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này;
Báo cáo kết quả bảo vệ môi trường được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định theo quy định;
Bản sao chứng thực Quyết định giao khu vực biển, Giấy phép nuôi trồng thuỷ sản trên biển (đối với trường hợp gia hạn Giấy phép);
Bản sao văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thể hiện nội dung thay đổi, bổ sung thông tin của tổ chức, cá nhân (đối với trường hợp cấp lại Giấy phép).
c) Trình tự thực hiện:
Tổ chức, cá nhân gửi hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này.
Trong thời hạn 30 ngày kể từ khi nhận được đầy đủ hồ sơ đề nghị cấp lại/gia hạn Giấy phép, cơ quan có thẩm quyền xem xét cấp lại/gia hạn Giấy phép. Trường hợp không cấp lại/gia hạn phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
5. Thời hạn Giấy phép nuôi trồng thủy sản theo quy định tại Điều 37 Nghị định này.
6. Thu hồi Giấy phép nuôi trồng thủy sản trên biển:
a) Giấy phép bị thu hồi khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: Giấy phép bị tẩy, xóa, làm thay đổi nội dung; không thực hiện đúng các nội dung đã quy định trong Giấy phép;
b) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có thẩm quyền thu hồi và ban hành Quyết định thu hồi Giấy phép.
7. Trường hợp chuyển nhượng giá trị quyền sử dụng khu vực biển để nuôi trồng thuỷ sản: Tổ chức, cá nhân thuê, nhận góp vốn quyền sử dụng khu vực biển để nuôi trồng thủy sản phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nghĩa vụ trong hoạt động nuôi trồng thủy sản và sử dụng khu vực biển.
a) Trường hợp tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng tiếp tục thực hiện dự án nuôi trồng thủy sản của tổ chức, cá nhân chuyển nhượng phải thực hiện thay đổi thông tin trong Giấy phép nuôi trồng thủy sản trên biển theo khoản 4 Điều này;
b) Trường hợp tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng không tiếp tục thực hiện dự án nuôi trồng thủy sản của tổ chức, cá nhân chuyển nhượng phải thực hiện thủ tục cấp Giấy phép nuôi trồng thủy sản trên biển theo khoản 2 và khoản 3 Điều này.”
17. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 và điểm b khoản 3 Điều 41 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 41 như sau:
“2. Điều kiện cơ sở nuôi sinh sản các loài thuỷ sản nguy cấp, quý, hiếm phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 24 Luật Thuỷ sản và Điều 20 Nghị định này. Trường hợp cơ sở nuôi sinh trưởng, trồng cấy nhân tạo loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm trừ loài thủy sản quy định tại khoản 1 Điều này phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 38 Luật Thủy sản và Điều 34 Nghị định này.”
b) Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 3 Điều 41 như sau:
“b) Đối với các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm không thuộc Phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp phải đăng ký chứng nhận cơ sở đủ điều kiện nuôi trồng thuỷ sản theo quy định tại Điều 35 Nghị định này.”
18. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 42 như sau:
“1. Vùng khai thác thuỷ sản trên biển bao gồm:
a) Vùng ven bờ được giới hạn bởi mép nước biển dọc theo bờ biển và tuyến bờ. Đối với các đảo, vùng ven bờ là vùng biển được giới hạn bởi ngấn nước thuỷ triều trung bình nhiều năm quanh bờ biển của đảo đến 06 hải lý;
b) Vùng lộng được giới hạn bởi tuyến bờ và tuyến lộng;
c) Vùng khơi (vùng xa bờ) được giới hạn bởi tuyến lộng và ranh giới phía ngoài được xác định phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.”
19. Bổ sung khoản 4, khoản 5 và khoản 6 vào Điều 43 như sau:
“4. Chuyển đổi hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi:
a) Tổ chức, cá nhân đã được cấp Giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi khi thực hiện chuyển quyền sở hữu tàu cá giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải đảm bảo không tăng tổng số hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao.
Việc chuyển đổi hạn ngạch Giấy phép khai thác giữa các nghề trong tổng số hạn ngạch giấy phép đã được giao do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định, đảm bảo theo định hướng phát triển nghề khai thác thủy sản của địa phương theo hướng chỉ cho chuyển đổi sang nghề thân thiện với nguồn lợi thủy sản và theo quy định của pháp luật;
b) Tổ chức, cá nhân nhận quyền sở hữu tàu cá phải thực hiện quy định về cấp văn bản chấp thuận theo Điều 62 Luật Thủy sản và Điều 57 Nghị định này và thực hiện đăng ký tàu cá theo quy định. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có tổ chức, cá nhân chuyển quyền sở hữu tàu cá thông báo điều chuyển hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi theo Mẫu số 01A.KT Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này đến tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có tổ chức, cá nhân nhận chuyển quyền sở hữu tàu cá sau khi cấp văn bản chấp thuận theo quy định; Cơ quan đăng ký tàu cá thực hiện thủ tục xóa đăng ký tàu cá và đăng ký tàu cá theo quy định.
5. Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương không có biển thực hiện rà soát, xác định số tàu cá hiện có và địa bàn hoạt động của các tàu cá, Giấy phép khai thác thuỷ sản đã cấp cho tàu cá có chiều dài từ 06 mét đến dưới 15 mét trước ngày Nghị định này có hiệu lực gửi Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển nơi tàu cá hoạt động đưa vào hạn ngạch Giấy phép khai thác vùng bờ và vùng lộng của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển và phối hợp quản lý hoạt động của tàu cá.
6. Tàu cá có chiều dài 06 mét trở lên phải vào cảng để bốc dỡ sản phẩm.”
20. Sửa đổi, bổ sung Điều 44 như sau:
“Điều 44. Quy định về quản lý hệ thống giám sát tàu cá
1. Thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên tàu cá phải đáp ứng các yêu cầu theo Phụ lục VII ban hành kèm theo Nghị định này.
2. Yêu cầu phần mềm giám sát tàu cá tại đơn vị cung cấp thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá:
a) Có khả năng kết nối, tiếp nhận thông tin dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên tàu cá;
b) Bảo đảm kết nối liên tục để truyền đầy đủ thông tin, dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên tàu cá đến trung tâm dữ liệu giám sát tàu cá thuộc cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
c) Tiếp nhận các thông tin từ hệ thống giám sát tàu cá để truyền dẫn đến thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên tàu cá theo định dạng của trung tâm dữ liệu giám sát tàu cá thuộc cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
d) Bảo đảm bảo mật dữ liệu theo quy định của pháp luật.
3. Tính năng phần mềm hệ thống giám sát tàu cá tại trung tâm dữ liệu giám sát tàu cá thuộc cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
a) Phải tương thích với các hệ điều hành Microsoft Windows, Android, IOS; có giao diện tiếng Việt trực quan. Quản lý toàn bộ thông tin tàu cá lắp thiết bị giám sát hành trình; cung cấp thông tin, dữ liệu cho cơ quan quản lý nhà nước tại trung ương và địa phương để quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động của tàu cá trên biển, ra vào cảng, không được can thiệp để chỉnh sửa dữ liệu hành trình tàu cá;
b) Phải hiển thị vị trí tàu theo thời gian thực, thời gian, vận tốc tàu, hướng di chuyển, tín hiệu báo động, thời gian cập nhật dữ liệu gần nhất, thông tin thời tiết, thông tin ngư trường, trạng thái hoạt động của thiết bị giám sát tàu cá, gửi thông tin đến thiết bị giám sát tàu cá thông qua phần mềm tại đơn vị cung cấp thiết bị giám sát tàu cá; hiển thị thiết bị chính theo mã số khai báo kèm giấy phép khai thác và hiển thị thiết bị dự phòng;
c) Có chức năng truy cập, tìm kiếm, lập bảng biểu, báo cáo, thống kê các dữ liệu theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về cung cấp, quản lý và sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát tàu cá, tạo khu vực để quản lý tàu và gửi cảnh báo tự động khi tàu ra/vào khu vực;
d) Kết nối, truyền dẫn thông tin với trung tâm dữ liệu đơn vị cung cấp thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá; phân cấp quyền sử dụng cho các tổ chức, cá nhân được quyền sử dụng dữ liệu giám sát tàu cá;
đ) Phải thể hiện rõ tọa độ các vùng khai thác, các vùng cấm khai thác, các cảng cá, các đảo, quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam đã được phân định và vùng nước lịch sử của Việt Nam.
4. Quản lý hệ thống giám sát tàu cá
a) Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm:
Thống nhất quản lý hệ thống giám sát tàu cá và dữ liệu giám sát tàu cá toàn quốc, quản trị hệ thống và cấp quyền khai thác, sử dụng dữ liệu giám sát hành trình tàu cá cho các địa phương, cơ quan, tổ chức cảng cá được chỉ định, lực lượng thực thi pháp luật có liên quan về khai thác thủy sản trên biển; trực tiếp xử lý dữ liệu giám sát tàu cá đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 mét trở lên.
Xây dựng, tổ chức vận hành hệ thống giám sát tàu cá, bảo đảm thông tin, dữ liệu được tiếp nhận và xử lý kịp thời; khi phát hiện tàu cá mất tín hiệu, tàu cá vượt qua vùng được phép khai thác thủy sản trên biển, phải thông báo bằng một trong các hình thức như: điện thoại, thư điện tử, dữ liệu đến đầu mối tiếp nhận, xử lý thông tin giám sát tàu cá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển, Kiểm ngư, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng để tổ chức kiểm tra, kiểm soát, xử lý, tổng hợp, báo cáo theo quy định và quy chế phối hợp giữa các đơn vị.
b) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển tổ chức quản lý, xử lý dữ liệu giám sát tàu cá của tỉnh; xử lý dữ liệu giám sát tàu cá đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét đến dưới 24 mét; khai thác cơ sở dữ liệu giám sát hành trình phục vụ công tác quản lý tàu cá, truy xuất nguồn gốc, xử lý vi phạm trên địa bàn quản lý. Cơ quan quản lý nhà nước về thuỷ sản cấp tỉnh các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển tổ chức quản lý, xử lý dữ liệu giám sát tàu cá của tỉnh, tàu cá của địa phương khác khi hoạt động trên vùng biển thuộc địa bàn quản lý; khai thác cơ sở dữ liệu giám sát hành trình phục vụ công tác quản lý tàu cá, truy xuất nguồn gốc, xử lý vi phạm hành chính theo thẩm quyền.
c) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Kiểm ngư, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng có trách nhiệm cử và gửi thông tin đầu mối tiếp nhận thông tin giám sát hành trình tàu cá về Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xử lý thông tin dữ liệu Hệ thống giám sát hành trình tàu cá. Định kỳ trước ngày 20 hằng tháng hoặc đột xuất khi có yêu cầu báo cáo kết quả xử lý về Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Bộ phận trực, vận hành hệ thống giám sát hành trình tàu cá) bằng thư điện tử hoặc văn bản để tổng hợp.
d) Chủ tàu khi lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá phải khai báo thông tin lắp đặt và kích hoạt dịch vụ thiết bị giám sát hành trình tàu cá theo Mẫu số 01.KT Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này; được cung cấp thông tin giám sát hành trình của tàu cá mình từ trung tâm dữ liệu giám sát tàu cá thuộc cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và trung tâm dữ liệu giám sát tàu cá thuộc đơn vị cung cấp thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá khi có yêu cầu.
đ) Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh có trách nhiệm quản lý, kiểm tra việc lắp đặt, kích hoạt dịch vụ giám sát hành trình tàu cá.
e) Thuyền trưởng hoặc chủ tàu phải bảo đảm thiết bị giám sát hành trình tàu cá hoạt động liên tục 24/24 giờ từ khi tàu cá rời cảng đến khi cập cảng. Trường hợp thiết bị giám sát hành trình tàu cá mất tín hiệu kết nối, thuyền trưởng hoặc chủ tàu phải sử dụng các thiết bị ghi lại vị trí tàu cá và báo cáo cơ quan quản lý tại cảng khi tàu cập cảng, sử dụng các thiết bị thông tin liên lạc khác báo cáo vị trí tàu cá về cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh nơi đăng ký tàu cá (qua bộ phận trực, vận hành hệ thống giám sát tàu cá) 06 giờ/lần và phải đưa tàu về cảng để sửa chữa trong 10 ngày kể từ khi thiết bị giám sát hành trình tàu cá bị hỏng; Thuyền trưởng, chủ tàu cá phải chấp hành nghiêm cảnh báo của thiết bị giám sát hành trình tàu cá, không được đưa tàu vượt qua ranh giới vùng được phép khai thác thủy sản trên biển.
g) Tàu cá nước ngoài hoạt động thủy sản trong vùng biển Việt Nam phải lắp thiết bị giám sát hành trình đảm bảo phù hợp với yêu cầu kỹ thuật, quản lý, sử dụng hệ thống và dữ liệu giám sát hành trình tàu cá quy định tại Điều này.
h) Dữ liệu giám sát hành trình tàu cá được sử dụng làm căn cứ pháp lý để quản lý hoạt động của tàu cá, xử phạt vi phạm hành chính, xử lý các tranh chấp nghề cá trên biển, xác nhận, chứng nhận thủy sản từ khai thác; thực hiện chi trả chính sách trong lĩnh vực thủy sản.
5. Trách nhiệm của đơn vị cung cấp thiết bị giám sát hành trình tàu cá
a) Cập nhật, quản lý thông tin về tàu, chủ tàu, mã thiết bị giám sát tàu cá, mã kẹp chì và tự động truyền các thông tin về trung tâm dữ liệu giám sát tàu cá thuộc cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; kiểm tra và chịu trách nhiệm về tính chính xác các thông tin trước khi cập nhật vào phần mềm giám sát tàu cá của đơn vị cung cấp thiết bị giám sát hành trình tàu cá; có trách nhiệm thông báo cho chủ tàu cá trước 30 ngày về việc thiết bị giám sát hành trình tàu cá hết hạn dịch vụ; không tự ý ngắt kết nối khi tàu cá đang hoạt động trên biển;
b) Lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tại vị trí cố định chắc chắn trên bộ phận gắn liền với thân tàu cá, có bảng hướng dẫn sử dụng (trên bảng có các thông tin tối thiểu: số điện thoại hỗ trợ 24/24 giờ, địa chỉ liên hệ của đơn vị cung cấp thiết bị giám sát hành trình tàu cá); thực hiện kẹp chì cố định thiết bị trên tàu khi lắp đặt mới hoặc sau khi sửa chữa;
c) Kịp thời khắc phục sự cố của thiết bị và cung cấp thông tin liên quan đến thiết bị; phối hợp trong quá trình xử lý vi phạm khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; xử lý sự cố tín hiệu thiết bị giám sát tàu cá do đơn vị mình cung cấp; gửi dữ liệu giám sát hành trình tàu cá chưa gửi được đến trung tâm dữ liệu giám sát tàu cá thuộc cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kèm theo văn bản xác nhận trong trường hợp bất khả kháng;
d) Định kỳ hàng quý, 06 tháng, hằng năm hoặc đột xuất theo yêu cầu, báo cáo kết quả thực hiện về Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố nơi tàu cá đăng ký theo Mẫu số 01B.KT Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này;
đ) Trước khi cung cấp thiết bị giám sát hành trình phải thông báo bằng văn bản về Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, thông báo công khai trên Cổng thông tin điện tử của Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
e) Đảm bảo việc kết nối truyền dữ liệu từ thiết bị đến trung tâm dữ liệu giám sát tàu cá thuộc cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
g) Chịu trách nhiệm trong trường hợp thiết bị giám sát hành trình tàu cá không truyền được dữ liệu đến trung tâm dữ liệu giám sát tàu cá do lỗi kỹ thuật.
6. Bảo mật dữ liệu:
a) Các dữ liệu được lưu giữ trong máy chủ của đơn vị cung cấp thiết bị giám sát tàu cá phải đảm bảo không bị xoá, không bị thay đổi trong suốt thời gian lưu trữ theo quy định;
b) Dữ liệu truyền dẫn giữa thiết bị giám sát hành trình tàu cá với máy chủ của đơn vị cung cấp thiết bị giám sát tàu cá phải được mã hóa để đảm bảo tính bảo mật thông tin trong quá trình truyền dẫn; dữ liệu giám sát tàu cá khi chuyển cho các cơ quan chuyên môn khác phải được mã hóa theo quy định;
c) Thời gian lưu trữ dữ liệu giám sát hành trình tàu cá tối thiểu là 36 tháng; các máy chủ lưu trữ, xử lý dữ liệu của đơn vị cung cấp thiết bị giám sát tàu cá đều phải được đặt tại Việt Nam;
d) Đơn vị cung cấp thiết bị giám sát tàu cá có trách nhiệm bảo mật dữ liệu, cung cấp dữ liệu chính xác; chỉ được cung cấp dữ liệu giám sát tàu cá theo yêu cầu của các cơ quan có chức năng quản lý nhà nước về thủy sản khi có sự chấp thuận của Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
7. Quản lý, lắp đặt, tháo gỡ, thay thế thiết bị giám sát hành trình
a) Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh xây dựng và ban hành quy trình lắp đặt, tháo gỡ, thay thế thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá, quản lý việc lắp đặt, tháo gỡ, thay thế thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá.
b) Khi lắp đặt, tháo gỡ, thay thế thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá, chủ tàu phải báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản địa phương theo Mẫu số 01.KT Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này để kiểm tra, xác nhận theo quy định và yêu cầu đơn vị cung cấp thiết bị giám sát hành trình cập nhật vào cơ sở dữ liệu. Trường hợp thiết bị giám sát hành trình bị hỏng, trước khi tháo thiết bị phải thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh để lập Biên bản kiểm tra tình trạng thiết bị trước khi tháo gỡ, thay thế.
c) Thiết bị giám sát hành trình khi lắp đặt trên tàu cá phải được kẹp chì theo mẫu đã được Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo; mỗi kẹp chì sử dụng cho mỗi thiết bị phải có mã số độc lập, mã số kẹp chì của đơn vị cung cấp phải bao gồm các thông tin (tên viết tắt đơn vị cung cấp, số thứ tự kẹp chì). Sau khi lắp đặt thiết bị trên tàu cá, đơn vị cung cấp thiết bị phải thông báo đến cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và cơ quan quản lý về thủy sản cấp tỉnh thực hiện kiểm tra việc lắp đặt thiết bị trên tàu cá và cập nhật vào cơ sở dữ liệu giám sát tàu cá.”
21. Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1, khoản 4, điểm b khoản 5; bổ sung khoản 6 vào Điều 45 như sau:
a) Sửa đổi điểm b khoản 1 Điều 45 như sau:
“b) Bản chụp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá đối với tàu cá theo quy định phải đăng kiểm;”
b) Sửa đổi khoản 4 Điều 45 như sau:
“4. Thời hạn của Giấy phép khai thác thủy sản cấp lần đầu: Không quá thời hạn còn lại của hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản đã được công bố.”
c) Sửa đổi điểm b khoản 5 Điều 45 như sau:
“b) Khi phát hiện vi phạm một trong các trường hợp tại khoản 5 Điều 50 Luật Thủy sản, cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định thu hồi Giấy phép khai thác thủy sản và thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng.”
d) Bổ sung khoản 6 vào Điều 45 như sau:
“6. Tàu đánh bắt nguồn lợi thủy sản được kiêm 01 nghề phụ, không được phép kiêm nghề lưới kéo, hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản. Tàu hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản không được hoạt động kiêm nghề.”
22. Bổ sung Điều 45a vào sau Điều 45 như sau:
“Điều 45a. Giám sát viên trên tàu cá Việt Nam hoạt động khai thác ở vùng biển Việt Nam
1. Giám sát viên trên tàu cá Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Là công dân Việt Nam;
b) Có đủ sức khỏe và kỹ năng làm việc trên tàu cá dài ngày trên biển;
c) Đã hoàn thành lớp đào tạo hoặc bồi dưỡng hoặc tập huấn nghiệp vụ giám sát hoạt động khai thác thủy sản.
2. Quyền và trách nhiệm của giám sát viên:
a) Được bố trí điều kiện làm việc, ăn, nghỉ trên tàu cá trong suốt thời gian làm việc;
b) Được đảm bảo về chi phí đi lại, công tác phí, lương, phụ cấp, bảo hiểm và các chế độ, khoản chi phí khác theo quy định hiện hành đối với trường hợp do cơ quan nhà nước cử; được thanh toán các chi phí theo Hợp đồng đối với trường hợp được thuê để thực hiện nhiệm vụ giám sát trên tàu cá;
c) Được tiếp cận, sử dụng cơ sở vật chất, thiết bị của tàu mà giám sát viên cần để thực hiện nhiệm vụ;
d) Được tiếp cận hồ sơ của tàu, gồm: Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá, Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá, Giấy phép khai thác thủy sản, sổ danh bạ thuyền viên, nhật ký khai thác và các tài liệu liên quan;
đ) Được tiếp cận các thiết bị hàng hải, hải đồ, radio, máy đo độ sâu, dò cá, ra đa, định vị, máy thông tin liên lạc và các trang thiết bị khác; được tiếp cận boong tàu trong quá trình thu, thả ngư cụ và tiếp cận các mẫu vật thủy sản để thu thập và lấy mẫu;
e) Được tiếp cận với trang thiết bị y tế và thiết bị vệ sinh; sử dụng lương thực, thực phẩm, chỗ ở tương tự với tiêu chuẩn dành cho thuyền viên làm việc trên tàu;
g) Tham dự các khóa đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ thực hiện nhiệm vụ giám sát viên trên tàu cá;
h) Thực hiện nhiệm vụ theo hợp đồng hoặc theo phân công của cơ quan nhà nước cử;
i) Tuân thủ các quy tắc ứng xử, bảo mật thông tin liên quan đến hoạt động của tàu cá, thuyền viên, chủ tàu và số liệu, thông tin thu thập được;
k) Bảo đảm sự độc lập, khách quan và công bằng khi thực hiện nhiệm vụ giám sát viên trên tàu cá;
l) Thường xuyên trao đổi với thuyền trưởng về các vấn đề và nhiệm vụ có liên quan.
3. Quyền của chủ tàu và thuyền trưởng
a) Được thông báo trước ít nhất 07 ngày về việc bố trí giám sát viên làm việc trên tàu cho chuyến biển sắp tới đối với trường hợp giám sát viên do cơ quan nhà nước cử; được phổ biến quyền và nghĩa vụ thực hiện chương trình giám sát viên trên tàu cá;
b) Được yêu cầu giám sát viên tuân thủ các quy tắc chung của tàu và quy định của pháp luật;
c) Thuyền trưởng được xem và nhận xét về báo cáo của giám sát viên, có quyền bổ sung thêm ý kiến, thông tin đối với báo cáo của giám sát viên.
4. Trách nhiệm của chủ tàu và thuyền trưởng
a) Tiếp nhận, bố trí chỗ làm việc, ăn, nghỉ và tạo điều kiện cho giám sát viên làm việc trên tàu do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử theo Kế hoạch thực hiện Chương trình giám sát viên trên tàu cá do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt; phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản địa phương về việc triển khai giám sát viên trên tàu cá trước khi ký hợp đồng với giám sát viên tàu cá để biết, theo dõi và quản lý;
b) Phân công một thuyền viên đi cùng giám sát viên khi giám sát viên thực hiện nhiệm vụ tại các khu vực nguy hiểm;
c) Thông báo cho thủy thủ đoàn về thời gian giám sát viên lên tàu, phổ biến quyền và trách nhiệm của họ khi giám sát viên thực hiện nhiệm vụ trên tàu;
d) Hỗ trợ giám sát viên lên và xuống tàu an toàn tại địa điểm và thời gian đã được thông báo hoặc thỏa thuận;
đ) Thông báo cho giám sát viên ít nhất mười lăm phút trước khi bắt đầu thả hoặc thu lưới;
e) Cho phép và hỗ trợ giám sát viên tiếp cận đầy đủ hồ sơ của tàu bao gồm: Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá, Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá, Giấy phép khai thác thủy sản, sổ danh bạ thuyền viên và sổ nhật ký khai thác nhằm mục đích kiểm tra và ghi chép thông tin về tàu cá và chuyến biển;
g) Cho phép giám sát viên tiếp cận không gian, sản phẩm khai thác, các thiết bị hàng hải, hải đồ, máy thông tin liên lạc và các thiết bị, thông tin khác liên quan đến hoạt động đánh bắt để tạo điều kiện thuận lợi cho giám sát viên thực hiện các nhiệm vụ thu thập dữ liệu khoa học, mẫu vật, ghi chép các thông tin khác liên quan;
h) Không đe dọa, can thiệp, hối lộ làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ giám sát của giám sát viên;
i) Chi trả kinh phí theo hợp đồng đã ký với giám sát viên hoặc một số khoản chi phí để thực hiện Chương trình giám sát viên trên tàu cá do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt.
5. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng Chương trình khung và tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng giám sát viên tàu cá; xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình giám sát viên tàu cá hằng năm hoặc từng giai đoạn theo yêu cầu quản lý hoặc yêu cầu của thị trường nhập khẩu. Chương trình giám sát viên bao gồm các nội dung cơ bản như sau: mục tiêu, nội dung thực hiện (nghề khai thác cần giám sát, số chuyến biển, khu vực thực hiện), sản phẩm giao nộp và kinh phí thực hiện.”
23. Sửa đổi, bổ sung Điều 46 như sau:
“Điều 46. Điều kiện tàu cá hoạt động khai thác thủy sản ngoài vùng biển Việt Nam
1. Điểm b khoản 1 Điều 53 Luật Thủy sản được quy định chi tiết như sau:
a) Tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tự động truyền thông tin, dữ liệu qua hệ thống thông tin vệ tinh, không thuộc danh sách tàu cá vi phạm quy định khai thác bất hợp pháp;
b) Tàu cá phải trang bị, lắp đặt thiết bị thông tin liên lạc, hàng hải trên tàu bao gồm: Máy thu phát vô tuyến điện thoại sóng cực ngắn (VHF) có bộ phận gọi chọn số và thu trực canh (DSC) trên kênh 70 hoặc 16; máy thu phát vô tuyến điện (MF/HF); máy thu tự động thông báo hàng hải và thời tiết (NAVTEX), phao chỉ báo vị trí khẩn cấp (EPIRB).
2. Điểm d khoản 1 Điều 53 Luật Thủy sản được quy định chi tiết như sau:
a) Có mã số của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) theo quy định trong trường hợp tàu cá đi khai thác tại vùng biển thuộc quyền của quản lý của tổ chức nghề cá khu vực hoặc tại vùng biển của quốc gia, vùng lãnh thổ khác có yêu cầu;
b) Có giám sát viên theo quy định của Tổ chức quản lý nghề cá khu vực hoặc quốc gia ven biển;
c) Thuyền viên và người làm việc trên tàu cá phải có Giấy chứng nhận hoàn thành lớp bồi dưỡng quản lý nghề cá tại vùng biển quốc tế do Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp đối với trường hợp cấp giấy phép đi khai thác tại vùng biển do Tổ chức quản lý nghề cá khu vực quản lý.”
24. Sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 48 như sau:
“4. Trình tự thực hiện như sau:
a) Tổ chức, cá nhân có nhu cầu cấp, cấp lại, gia hạn Giấy phép hoạt động trong vùng biển Việt Nam gửi hồ sơ đến Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
b) Sau khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lấy ý kiến Bộ Công an, Bộ Quốc phòng về danh sách thuyền viên và người làm việc trên tàu. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản xin ý kiến, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng phải có ý kiến trả lời bằng văn bản. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được ý kiến của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét cấp, cấp lại Giấy phép hoạt động thuỷ sản của tàu nước ngoài trong vùng biển Việt Nam theo Mẫu số 15.KT Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này;
c) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp gia hạn Giấy phép hoạt động thuỷ sản của tàu nước ngoài trong vùng biển Việt Nam theo Mẫu số 16.KT Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này;
d) Sau khi cấp, cấp lại, gia hạn Giấy phép hoạt động thuỷ sản của tàu nước ngoài trong vùng biển Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có tàu đến khai thác thủy sản ở vùng biển Việt Nam và Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao biết để phối hợp theo dõi và quản lý;
đ) Trường hợp không cấp, cấp lại, gia hạn Giấy phép phải trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do.”
25. Sửa đổi, bổ sung Điều 49 như sau:
“Điều 49. Quy định tàu nước ngoài vào cảng cá, rời cảng cá hoặc neo đậu trong vùng nước cảng cá
1. Tàu nước ngoài khi vào, rời cảng cá hoặc neo đậu trong vùng nước cảng cá Việt Nam phải treo Quốc kỳ Việt Nam trên đỉnh cột cao nhất của tàu và treo cờ quốc gia mà tàu đăng ký ở cột thấp hơn.
2. Thực hiện khai báo và chấp hành việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng theo quy định của pháp luật.”
26. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 51, khoản 3 Điều 52, khoản 3 Điều 53 như sau:
“3. Xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng; có quy trình công nghệ theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và đóng tàu cá.”
27. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 54 như sau:
“3. Trình tự, thủ tục kiểm tra duy trì, cấp, cấp lại Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện:
a) Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ đến Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh nơi có địa điểm đóng mới, cải hoán tàu cá của cơ sở;
b) Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh tổ chức kiểm tra, đánh giá điều kiện cơ sở theo Mẫu số 03A.TC Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này; trường hợp kiểm tra, đánh giá tại cơ sở không đáp ứng điều kiện, cơ sở thực hiện khắc phục; sau khi khắc phục cơ sở có văn bản thông báo đến Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh để tổ chức kiểm tra nội dung đã khắc phục (trong trường hợp cần thiết);
c) Trường hợp hồ sơ và điều kiện cơ sở đạt yêu cầu, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kiểm tra, đánh giá, Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đóng mới, cải hoán tàu cá theo Mẫu số 04.TC Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do;
d) Thời gian kiểm tra duy trì điều kiện cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá là 12 tháng. Trường hợp cơ sở đã được tổ chức đánh giá sự phù hợp cấp giấy chứng nhận hệ thống phù hợp tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật, thời gian kiểm tra duy trì điều kiện là 24 tháng. Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh thông báo thời gian kiểm tra duy trì điều kiện cho cơ sở trước 05 ngày làm việc; nội dung kiểm tra duy trì điều kiện cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá theo Mẫu số 03A.TC Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này. Sau 05 ngày làm việc kể từ khi kết thúc hoạt động kiểm tra, Cơ quan kiểm tra thực hiện thông báo kết quả kiểm tra và thời gian duy trì đến cơ sở được kiểm tra.”
28. Bổ sung Điều 54a vào sau Điều 54 như sau:
“Điều 54a. Cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thuyền viên tàu cá
1. Điều kiện của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thuyền viên tàu cá
a) Là cơ sở có chức năng đào tạo, bồi dưỡng được thành lập theo quy định của pháp luật;
b) Có cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu quy định tại Phụ lục XII ban hành kèm theo Nghị định này;
c) Có chương trình, giáo trình đào tạo, bồi dưỡng theo quy định; thiết lập và duy trì áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001 hoặc tiêu chuẩn tương đương.
2. Quyền và nghĩa vụ của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thuyền viên tàu cá:
a) Được thu phí đào tạo, bồi dưỡng theo quy định;
b) Gửi thông báo bằng văn bản theo Mẫu số 04A.TC ban hành kèm theo Nghị định này về Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ít nhất 30 ngày trước khi tham gia hoạt động đào tạo, bồi dưỡng thuyền viên tàu cá;
c) Bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu quy định;
d) Thực hiện đào tạo, bồi dưỡng thuyền viên tàu cá theo chương trình khung do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành.”
29. Sửa đổi, bổ sung Điều 56 như sau:
“Điều 56. Điều kiện cơ sở đăng kiểm tàu cá
1. Đối với cơ sở đăng kiểm tàu cá loại I:
a) Được cơ quan có thẩm quyền quyết định thành lập (đối với trường hợp là cơ sở đăng kiểm sự nghiệp công lập) hoặc được thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã; cơ sở đăng kiểm tàu cá phải độc lập về pháp lý, độc lập về tài chính với tổ chức, cá nhân kinh doanh tàu cá, đóng mới, cải hoán tàu cá, thiết kế tàu cá;
b) Có cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật đáp ứng yêu cầu: Có thiết bị nhập và lưu trữ dữ liệu; có thiết bị được kết nối mạng và truyền dữ liệu với các cơ quan liên quan về hoạt động đăng kiểm tàu cá của cơ sở; có dụng cụ, trang thiết bị phục vụ kiểm tra kỹ thuật theo Phụ lục VII ban hành kèm theo Nghị định này;
c) Có hợp đồng lao động thời hạn từ 12 tháng trở lên hoặc hợp đồng lao động không xác định thời hạn theo quy định của pháp luật với đăng kiểm viên trình độ đại học trở lên thuộc các chuyên ngành kỹ thuật liên quan: vỏ tàu thủy, máy tàu thủy, điện, khai thác thủy sản, nhiệt lạnh hoặc chế biến thủy sản; trong thời gian thực hiện hợp đồng với cơ sở đăng kiểm, đăng kiểm viên không hợp đồng lao động có thời hạn từ 03 tháng trở lên với đơn vị sử dụng lao động khác; trong đó, có ít nhất 01 đăng kiểm viên hạng I và 02 đăng kiểm viên hạng II;
d) Thiết lập và duy trì áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001 hoặc tương đương.
2. Đối với cơ sở đăng kiểm tàu cá loại II:
a) Đáp ứng điều kiện quy định tại điểm a, b, d khoản 1 Điều này;
b) Có hợp đồng lao động thời hạn từ 12 tháng trở lên hoặc hợp đồng lao động không xác định thời hạn theo quy định của pháp luật với Đăng kiểm viên có trình độ đại học trở lên thuộc các chuyên ngành kỹ thuật liên quan: vỏ tàu thủy, máy tàu thủy, điện, khai thác thủy sản, nhiệt lạnh hoặc chế biến thủy sản; trong thời gian thực hiện hợp đồng với cơ sở đăng kiểm, đăng kiểm viên không hợp đồng lao động có thời hạn từ 03 tháng trở lên với đơn vị sử dụng lao động khác; trong đó, có ít nhất 02 đăng kiểm viên hạng II.
3. Đối với cơ sở đăng kiểm tàu cá loại III:
a) Đáp ứng điều kiện quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều này;
b) Có hợp đồng lao động thời hạn từ 12 tháng trở lên hoặc hợp đồng lao động không xác định thời hạn theo quy định của pháp luật với đăng kiểm viên trình độ cao đẳng trở lên thuộc các chuyên ngành kỹ thuật liên quan: vỏ tàu thủy, máy tàu thủy, khai thác thủy sản; trong thời gian thực hiện hợp đồng với cơ sở đăng kiểm, đăng kiểm viên không hợp đồng lao động có thời hạn từ 03 tháng trở lên với đơn vị sử dụng lao động khác; trong đó, có ít nhất 01 đăng kiểm viên hạng II;
c) Thiết lập và duy trì áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001 hoặc tương đương; hoặc có quy trình kiểm tra, giám sát kỹ thuật tàu cá phù hợp với quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và đóng tàu cá.”
30. Sửa đổi, bổ sung khoản 2, khoản 3 và bổ sung khoản 4, khoản 5 Điều 57 như sau:
“2. Tổ chức, cá nhân đến Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh.
3. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, căn cứ hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản và tiêu chí đặc thù của địa phương, Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh thẩm định hồ sơ, xem xét cấp văn bản chấp thuận theo Mẫu số 06.TC Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này. Trường hợp không cấp văn bản chấp thuận, phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
4. Trường hợp cấp văn bản chấp thuận mua tàu cá từ tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác phải có Thông báo bằng văn bản về điều chuyển hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nơi có tổ chức, cá nhân bán tàu và theo tiêu chí đặc thù của địa phương.
5. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hoàn thành giấy tờ mua bán, thuê tàu trần, nhập khẩu, tặng cho, thừa kế, trúng đấu giá tàu cá, tổ chức, cá nhân đến cơ quan có thẩm quyền đăng ký tàu cá làm thủ tục cấp đăng ký theo quy định.”
31. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 và điểm b khoản 3 Điều 58 như sau:
“2. Hồ sơ nêu tại điểm b, c, d và đ khoản 1 Điều này phải được dịch ra tiếng Việt. Đối với hồ sơ quy định tại điểm d khoản 1 Điều này phải được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định.”
“b) Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan quản lý về thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, đối chiếu với Danh sách tàu cá bất hợp pháp hiện hành của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) và các tổ chức quản lý nghề cá khu vực và kiểm tra tính hợp pháp của Giấy đăng ký tàu với quốc gia treo cờ để xác minh nguồn gốc tàu cá (đối với tàu đã qua sử dụng), danh sách đầy đủ các quốc gia treo cờ trước đó và tên của tàu, khu vực và loài mà tàu đã đánh bắt trong hai năm trước đó (cùng với bản sao giấy phép đánh bắt liên quan) và xác nhận của quốc gia treo cờ trước đó cho rằng tàu không bị xóa đăng ký do các hoạt động khai thác bất hợp pháp trước đó, xem xét cấp phép cho tổ chức, cá nhân theo Mẫu số 08.TC Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này, trường hợp không cho phép nhập khẩu phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do;”
32. Sửa đổi, bổ sung Điều 61 như sau:
“Điều 61. Nội dung, trình tự, thủ tục công bố mở, đóng và chỉ định cảng cá
1. Hồ sơ công bố mở cảng cá:
a) Đơn đề nghị công bố mở cảng cá theo Mẫu số 09.TC Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Văn bản thành lập Tổ chức quản lý cảng cá;
c) Văn bản thể hiện quyền sử dụng vùng đất, vùng nước của cảng;
d) Biên bản nghiệm thu đưa vào sử dụng công trình cảng cá (áp dụng đối với cảng cá hoàn thành từ sau khi Nghị định này có hiệu lực thi hành);
đ) Thông báo về luồng của cảng và vùng nước trước cầu cảng (trừ cảng cá loại 3).
2. Trình tự, thủ tục công bố mở cảng cá:
a) Tổ chức quản lý cảng cá gửi 01 bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này đến cơ quan có thẩm quyền công bố mở cảng cá quy định tại khoản 3 Điều 79 Luật Thủy sản;
b) Trong thời hạn 06 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền xem xét hồ sơ; tổ chức khảo sát thực tế tại cảng cá (trong trường hợp cần thiết); quyết định công bố mở cảng cá theo Mẫu số 10.TC Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định. Trường hợp không công bố mở cảng cá, phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do;
c) Trong thời hạn 02 ngày kể từ ngày Quyết định công bố mở cảng cá được ban hành, cơ quan có thẩm quyền thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.
3. Công bố đóng cảng cá:
a) Cơ quan có thẩm quyền công bố đóng cảng cá là cơ quan công bố mở cảng cá. Quyết định đóng cảng cá thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 79 Luật Thủy sản; đồng thời thực hiện thu hồi Quyết định công bố mở cảng cá đã cấp;
b) Quyết định công bố đóng cảng cá theo Mẫu số 11.TC Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này.
4. Cảng cá chỉ định cho tàu cá hoạt động ở vùng khơi trở ra cập cảng:
a) Cảng cá chỉ định cho tàu cá hoạt động từ vùng khơi trở ra cập cảng khi đáp ứng các yêu cầu sau: Đã được công bố mở cảng theo quy định của pháp luật; có độ sâu luồng vào cảng và vùng nước trước cầu cảng đảm bảo cho tàu cá hoạt động ở vùng khơi trở ra cập cảng; có nguồn lực thực hiện được việc kiểm soát tàu cá cập cảng, rời cảng, giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng, tàu cá khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định;
b) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm rà soát (khảo sát thực tế nếu cần) đề xuất cảng cá chỉ định cho tàu cá hoạt động ở vùng khơi cập cảng theo Mẫu số 11A.TC Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này báo cáo Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố. Danh sách cảng cá chỉ định cho tàu cá hoạt động ở vùng khơi trở ra cập cảng được đăng tải trên Trang thông tin điện tử của Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
5. Cảng cá chỉ định xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản từ khai thác:
a) Cảng cá được chỉ định thực hiện xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản từ khai thác khi đáp ứng các điều kiện sau: Đã được công bố mở cảng theo quy định của pháp luật; có nguồn lực (tối thiểu 02 người có chuyên môn về thủy sản và hệ thống máy tính truy cập vào cơ sở dữ liệu về thủy sản) thực hiện được việc kiểm soát tàu cá cập cảng, rời cảng, giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng, tàu cá khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; cảng cá được chỉ định nếu vi phạm quy định về xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác hoặc không còn đáp ứng các điều kiện nêu trên sẽ bị đưa ra khỏi danh sách cảng cá chỉ định;
b) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm rà soát (khảo sát thực tế nếu cần), đề xuất cảng cá đủ điều kiện xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản từ khai thác gửi về Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố. Danh sách cảng cá đủ điều kiện xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản từ khai thác được đăng tải trên Trang thông tin điện tử của Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
6. Cảng cá chỉ định cho tàu cá nước ngoài cập cảng:
a) Cảng cá chỉ định cho tàu cá nước ngoài cập cảng khi đáp ứng các yêu cầu sau: Đã được công bố mở cảng theo quy định của pháp luật; có độ sâu luồng và vùng nước trước cảng đảm bảo cho tàu cá nước ngoài cập cảng; có vị trí thuận lợi cho việc kiểm soát của các cơ quan có thẩm quyền kiểm soát việc xuất cảnh, nhập cảnh và xuất khẩu, nhập khẩu thủy sản;
b) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm rà soát (kiểm tra thực tế nếu cần) cảng cá chỉ định cho tàu cá nước ngoài cập cảng theo Mẫu số 11B.TC Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này báo cáo Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố. Danh sách cảng cá chỉ định cho tàu cá nước ngoài cập cảng được đăng tải trên Trang thông tin điện tử của Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và gửi đến các tổ chức, cá nhân có liên quan để quản lý, giám sát.
7. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm quản lý, chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn thống nhất đối với các tổ chức quản lý cảng cá trên địa bàn về chuyên môn nghiệp vụ, giám sát tàu cá, sản lượng thủy sản, hàng hóa bốc dỡ qua cảng; kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính tại cảng cá theo quy định của pháp luật; hướng dẫn các tổ chức quản lý cảng cá thu nhận nhật ký khai thác, báo cáo khai thác và nhập dữ liệu nhật ký khai thác vào phần mềm cơ sở dữ liệu tàu cá quốc gia theo quy định.”
33. Sửa đổi, bổ sung Điều 66 như sau:
“Điều 66. Mua, bán, lưu giữ, sơ chế, chế biến, vận chuyển thủy sản hoặc sản phẩm thủy sản thuộc Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm
1. Tổ chức, cá nhân hoạt động sơ chế, chế biến loài thủy sản thuộc danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm phải đáp ứng các yêu cầu sau:
a) Mẫu vật loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm có nguồn gốc hợp pháp theo quy định của pháp luật;
b) Mở sổ theo dõi hoạt động sơ chế, chế biến loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm và sản phẩm của chúng để phục vụ công tác kiểm tra, quản lý loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm khi có yêu cầu của cơ quan chức năng;
c) Sản phẩm hoàn chỉnh khi bán trên thị trường phải được dán nhãn theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa;
d) Đáp ứng quy định tại Điều 96 và Điều 97 Luật Thủy sản.
2. Thủy sản, sản phẩm thủy sản thuộc danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm được mua, bán, lưu giữ, vận chuyển khi đáp ứng được các quy định tại điểm a, c và d khoản 1 Điều này.”
34. Sửa đổi, bổ sung Điều 70 như sau:
“Điều 70. Kiểm soát tàu nước ngoài khai thác, vận chuyển, chuyển tải thuỷ sản, sản phẩm thuỷ sản có nguồn gốc từ khai thác cập cảng Việt Nam
1. Thẩm quyền công bố, đưa ra khỏi danh sách cảng chỉ định:
a) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải chỉ định và công bố danh sách cảng biển cho tàu nước ngoài khai thác, vận chuyển, chuyển tải thủy sản, sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác cập cảng để thực hiện hoạt động nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu, quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam và thông báo danh sách cảng được chỉ định cho Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc;
b) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải đưa ra khỏi danh sách cảng chỉ định cho tàu nước ngoài khai thác, vận chuyển, chuyển tải thủy sản, sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác cập cảng để thực hiện hoạt động nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu, quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam trong trường hợp cảng không thực hiện đúng trách nhiệm của cảng chỉ định theo quy định của Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng nhằm ngăn chặn, chống lại khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc.
2. Đối tượng kiểm soát:
Tàu hậu cần đánh bắt thủy sản, cung cấp nhân lực, nhiên liệu, ngư cụ và các trang thiết bị khác trên biển của nước ngoài cập cảng để sử dụng dịch vụ cảng; tàu nước ngoài khai thác, vận chuyển, chuyển tải thuỷ sản, sản phẩm thuỷ sản có nguồn gốc từ khai thác cập cảng để thực hiện hoạt động nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu, quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam.
3. Thông báo trước khi cập cảng:
Tổ chức, cá nhân có tàu nước ngoài quy định tại khoản 2 Điều 70 phải thông báo trước khi cập cảng 72 giờ với cơ quan có thẩm quyền của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo Mẫu số 17.KT Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này, kèm theo bản chụp các tài liệu quy định tại điểm b khoản 5 bằng một trong các hình thức sau: nộp trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính hoặc qua môi trường mạng (cơ chế một cửa quốc gia, dịch vụ công trực tuyến, phần mềm điện tử, email, fax) bằng tiếng Anh hoặc tiếng Việt (trường hợp tài liệu gốc không phải bằng tiếng Anh phải được dịch công chứng hoặc chứng thực bản dịch sang tiếng Anh theo quy định).
4. Kiểm tra để quyết định cho tàu cập cảng hoặc từ chối cho tàu cập cảng:
Trong thời hạn 72 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu xin vào cảng, cơ quan thẩm quyền của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, xác minh thông tin về tàu có trong danh sách tàu khai thác thủy sản bất hợp pháp hoặc về sản phẩm thủy sản của tàu cá và thủy sản, sản phẩm thủy sản trên tàu có thuộc danh mục CITES không để quyết định:
a) Cho phép tàu cập cảng và thông báo tới chủ tàu hoặc đại diện hợp pháp của chủ tàu, cảng vụ hàng hải nếu không vi phạm quy định về khai thác thủy sản hoặc hỗ trợ khai thác thủy sản bất hợp pháp không báo cáo và không theo quy định theo Mẫu số 17A.KT Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Từ chối cho tàu cập cảng và thông báo cho các cơ quan có thẩm quyền tại cảng, đồng thời gửi thông báo đến quốc gia tàu mang cờ, các quốc gia ven biển có liên quan, tổ chức quản lý nghề cá khu vực và tổ chức có liên quan nếu phát hiện một trong các trường hợp sau đây:
Tàu đó nằm trong danh sách tàu khai thác thủy sản bất hợp pháp được công bố bởi quốc gia ven biển, các tổ chức quản lý nghề cá khu vực, các tổ chức quốc tế có liên quan;
Có yêu cầu từ quốc gia ven biển, các tổ chức quản lý nghề cá khu vực, các tổ chức quốc tế có liên quan.
5. Kiểm tra thực tế trên tàu khi tàu cập cảng:
a) Nguyên tắc kiểm tra: Đảm bảo công bằng, minh bạch, không phân biệt đối xử và không gây phiền hà trong quá trình kiểm tra; không làm ảnh hưởng đến chất lượng thủy sản trên tàu. Cán bộ kiểm tra phải có chuyên môn và am hiểu pháp luật về thủy sản; không can thiệp vào khả năng trao đổi thông tin của thuyền trưởng đối với các cơ quan chức năng của quốc gia mà tàu mang cờ, trên cơ sở phù hợp với pháp luật quốc tế; trong trường hợp cần thiết, có thể mời đại diện của quốc gia tàu mang cờ và chuyên gia quốc tế cùng tham gia kiểm tra;
b) Tài liệu phải cung cấp cho cán bộ kiểm tra: Giấy đăng ký tàu cá; Giấy phép khai thác thủy sản; Giấy phép chuyển tải, các báo cáo chuyển tải và thông tin của tàu tham gia chuyển tải (giấy phép khai thác, giấy phép chuyển tải, giấy đăng ký, khai báo của thuyền trưởng); sơ đồ bố trí hầm hàng; bản sao giấy phép nhập khẩu các loài thủy sản có nguồn gốc từ khai thác có tên trong danh mục của CITES (trường hợp có thủy sản có tên trong danh mục của CITES); tài liệu liên quan đến thông tin khác quy định tại Mẫu số 17.KT Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này.
6. Nội dung kiểm tra thực tế khi tàu cập cảng:
a) Kiểm tra tính chính xác của các thông tin đã khai báo theo Mẫu số 17.KT Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này so với các hồ sơ lưu trữ trên tàu;
b) Kiểm tra khối lượng và thành phần loài thủy sản, sản phẩm thủy sản, ngư cụ và các trang thiết bị liên quan trên tàu với nội dung đã khai báo theo Mẫu số 17.KT Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này;
c) Tiến hành đối chiếu khối lượng bốc dỡ thực tế qua cảng với số lượng khai báo để chốt Biên bản theo Mẫu số 18.KT Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này.
7. Quy trình kiểm tra thực tế khi tàu cập cảng:
a) Người kiểm tra xuất trình giấy tờ thể hiện công vụ trước thuyền trưởng;
b) Tiến hành kiểm tra theo nội dung quy định tại khoản 6 Điều này và thông tin trong Mẫu số 17.KT Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này;
c) Thuyền trưởng phải cung cấp thông tin đã khai báo và xuất trình tài liệu quy định tại điểm b khoản 5 Điều này và giấy tờ liên quan đến nội dung kiểm tra và thông tin đã khai báo trước khi cập cảng;
d) Lập biên bản kiểm tra theo Mẫu số 18.KT Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này;
đ) Thông báo và xử lý kết quả kiểm tra theo quy định tại khoản 8 Điều này.
8. Thông báo và xử lý kết quả kiểm tra thực tế khi tàu cập cảng:
a) Cơ quan có thẩm quyền của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn từ chối không cho lên cảng thủy sản, sản phẩm thủy sản và đề nghị cơ quan có thẩm quyền cưỡng chế tàu ra khỏi lãnh thổ Việt Nam (trừ trường hợp bất khả kháng vì yếu tố nhân đạo) và thông báo theo Mẫu số 17A.KT Phụ lục IV đến cơ quan có thẩm quyền không cho sử dụng các dịch vụ tại cảng đồng thời thông báo cho quốc gia mà tàu mang cờ, quốc gia ven biển, Tổ chức quản lý nghề cá khu vực, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) và tổ chức quốc tế có liên quan, quốc gia mà thuyền trưởng của tàu cá đó là công dân về kết quả kiểm tra và biện pháp xử lý vi phạm nếu phát hiện một trong các trường hợp sau đây:
Thủy sản, sản phẩm thủy sản nhập khẩu được khai thác bằng tàu không có giấy phép hoặc giấy phép không hợp lệ hoặc không có giá trị theo quy định của quốc gia mà tàu đó mang cờ hoặc của quốc gia ven biển có thẩm quyền;
Thủy sản, sản phẩm thủy sản được nhập khẩu vận chuyển, chuyển tải bằng tàu không có giấy phép hoặc giấy phép không hợp lệ hoặc không có giá trị theo quy định của Quốc gia mà tàu đó mang cờ hoặc của Quốc gia ven biển có thẩm quyền;
Thủy sản, sản phẩm thủy sản nhập khẩu được khai thác bằng tàu không có giấy phép hoặc giấy phép không hợp lệ hoặc không có giá trị trong vùng nước thẩm quyền của tổ chức quản lý nghề cá khu vực;
Thủy sản, sản phẩm thủy sản nhập khẩu được vận chuyển, chuyển tải bằng tàu không có giấy phép hoặc giấy phép không hợp lệ hoặc không có giá trị trong vùng nước thẩm quyền của tổ chức quản lý nghề cá khu vực;
Có chứng cứ thủy sản, sản phẩm thủy sản nhập khẩu trên tàu được khai thác vượt quá hạn ngạch cho phép của quốc gia ven biển có thẩm quyền hoặc của tổ chức quản lý nghề cá khu vực;
Có chứng cứ thủy sản, sản phẩm thủy sản nhập khẩu trên tàu được khai thác trái với quy định của quốc gia ven biển có thẩm quyền hoặc trái với quy định về biện pháp quản lý và bảo tồn trong vùng nước thẩm quyền của tổ chức quản lý nghề cá khu vực hoặc có chứng cứ xác định tàu thực hiện hoặc hỗ trợ khai thác thủy sản bất hợp pháp theo quy định tại Điều 60 Luật Thủy sản;
Thủy sản, sản phẩm thủy sản nhập khẩu được khai thác bằng tàu nằm trong danh sách IUU của quốc gia mà tàu đó mang cờ hoặc của quốc gia ven biển có thẩm quyền hoặc của tổ chức quản lý nghề cá khu vực.
b) Biên bản kiểm tra theo Mẫu số 18.KT Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này được lập thành 02 bản, thuyền trưởng và đơn vị kiểm tra mỗi bên giữ 01 bản.
c) Cơ quan có thẩm quyền của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
Rút lại quyết định từ chối không cho thủy sản, sản phẩm thủy sản lên cảng hoặc yêu cầu cảng vụ hàng hải không cho sử dụng các dịch vụ tại cảng khi có đủ bằng chứng chứng minh các phát hiện nêu tại điểm a khoản này dựa trên những căn cứ không đầy đủ hoặc không chính xác hoặc các căn cứ đó không còn được áp dụng.
Thông báo cho chủ tàu hoặc đại diện hợp pháp của tàu, các cơ quan quản lý nhà nước tại cảng, quốc gia mà tàu mang cờ, quốc gia ven biển, Tổ chức quản lý nghề cá khu vực, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc và tổ chức quốc tế có liên quan, quốc gia mà thuyền trưởng của tàu cá đó là công dân về quyết định này.
9. Trường hợp nhận được yêu cầu của quốc gia treo cờ, quốc gia ven biển, Tổ chức quản lý nghề cá khu vực hoặc tổ chức quốc tế liên quan về việc thủy sản, sản phẩm thủy sản vi phạm khai thác IUU sau khi đã thông quan, thì cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản theo quy định.
10. Tiêu chuẩn, quyền của người kiểm tra:
a) Tiêu chuẩn:
Là công chức, viên chức đang công tác tại Cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao nhiệm vụ thực hiện nhiệm vụ kiểm soát tàu nước ngoài khai thác, tàu vận chuyển thuỷ sản, sản phẩm thuỷ sản có nguồn gốc từ khai thác cập cảng Việt Nam; có chuyên môn và am hiểu pháp luật về thủy sản; có kỹ năng kiểm tra theo yêu cầu và hiểu biết quy định của Hiệp định về các biện pháp quốc gia có cảng.
b) Quyền của người kiểm tra:
Yêu cầu thuyền trưởng, thuyền viên, chủ hàng và đại lý hàng hải cung cấp các tài liệu theo quy định;
Thu thập tài liệu, chứng cứ liên quan đến tàu, thủy sản và sản phẩm thủy sản trên tàu để phục vụ kiểm tra;
Lên tàu và kiểm tra các khu vực trên tàu liên quan đến thông tin cần kiểm tra; tiếp cận hệ thống giám sát hành trình của tàu VMS và AIS (nếu có), ngư lưới cụ, sơ đồ bố trí hầm hàng và các trang thiết bị liên quan khác trên tàu;
Được tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ thực hiện Hiệp định về biện pháp quốc gia có cảng;
Được trao đổi với Đầu mối quốc gia tàu mang cờ và các quốc gia, tổ chức quản lý nghề cá khu vực và các tổ chức quốc tế có liên quan để xác minh thông tin về tàu, thủy sản, sản phẩm thủy sản trên tàu;
Được đề xuất với Đầu mối quốc gia về việc mời đại diện của quốc gia mà tàu mang cờ và các chuyên gia quốc tế tham gia kiểm tra trong trường hợp cần thiết; đề xuất thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành hoặc sử dụng phiên dịch (nếu cần thiết);
Yêu cầu tạm dừng việc bốc dỡ hoặc đề nghị cơ quan quản lý cảng ngừng cung cấp các dịch vụ cảng.
11. Trách nhiệm của người kiểm tra: Đảm bảo việc kiểm tra được tiến hành theo nguyên tắc quy định tại điểm a khoản 5 Điều này.”
35. Bổ sung Điều 70a sau Điều 70 như sau:
70a. Kiểm soát thủy sản, sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác được vận chuyển bằng tàu công ten nơ nhập khẩu vào Việt Nam
1. Trước 48 giờ khi lô hàng được vận chuyển cập cảng, tổ chức, cá nhân nhập khẩu thủy sản, sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác vào Việt Nam bằng tàu công ten nơ thực hiện khai báo và gửi hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thẩm định xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản nhập khẩu không vi phạm quy định về khai thác bất hợp pháp và phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra bằng một trong các hình thức sau: nộp trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính hoặc qua môi trường mạng (cơ chế một cửa quốc gia, dịch vụ công trực tuyến, phần mềm điện tử, email, fax), hồ sơ khai báo bao gồm:
a) Thông tin về lô hàng theo Mẫu số 17B.KT Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Bản sao Vận tải đơn đối với thủy sản, sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác nhập khẩu;
c) Văn bản chứng nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác của cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu cấp cho lô hàng hoặc Giấy tờ thể hiện xác nhận hoặc chứng nhận thủy sản có nguồn gốc từ khai thác của cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu cấp cho lô hàng;
d) Trường hợp không có giấy tờ quy định tại điểm c khoản này, nộp bản sao Giấy phép khai thác thủy sản của tàu khai thác. Riêng đối với lô hàng cá cờ kiếm (Xiphias gladius) và các loài thuộc đối tượng kiểm tra theo Kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thủy sản, sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu, quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam bằng tàu công ten nơ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành hằng năm thì nộp bản sao Giấy phép khai thác thủy sản của tàu khai thác và Giấy chứng nhận của thuyền trưởng (Captain’s statement) tàu khai thác. Nội dung Giấy chứng nhận của thuyền trưởng thể hiện các thông tin về tàu khai thác đối với thủy sản, sản phẩm thủy sản nhập khẩu vào Việt Nam, gồm: Tên tàu, số đăng ký tàu (IMO/hô hiệu quốc tế/đánh dấu bên ngoài/số đăng ký RFMO nếu có), quốc gia treo cờ, số giấy phép khai thác thủy sản, loại ngư cụ, thời gian và khu vực khai thác; ngày, địa điểm cập bến đầu tiên của tàu, trong đó xác nhận thủy sản được khai thác tuân thủ đầy đủ luật pháp hiện hành, các biện pháp quản lý, bảo tồn. Giấy chứng nhận của Thuyền trưởng có chữ ký của thuyền trưởng tàu khai thác thủy sản.
2. Cơ quan có thẩm quyền của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện:
a) Tổng hợp thông tin khai báo do tổ chức, cá nhân cung cấp phục vụ việc kiểm tra, thanh tra sau nhập khẩu liên quan đến quy định chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định đối với các công ten nơ thủy sản, sản phẩm thủy sản khai thác nhập khẩu là các loài không thuộc đối tượng kiểm tra theo Kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thủy sản, sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu, quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam bằng tàu công ten nơ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành hằng năm;
b) Tổ chức thẩm định hồ sơ khai báo xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản, sản phẩm thủy sản nhập khẩu không vi phạm quy định về khai thác bất hợp pháp đối với từng lô hàng cá cờ kiếm (Xiphias gladius) và các loài thuộc đối tượng kiểm tra theo Kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thủy sản, sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu, quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam bằng tàu công ten nơ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành hằng năm. Nội dung thẩm định bao gồm: Kiểm tra tính hợp lệ, hợp pháp của thông tin, hồ sơ khai báo mà chủ hàng gửi theo quy định tại khoản 1 Điều này; kiểm tra đối chiếu với hạn mức đánh bắt của từng quốc gia, vùng đánh bắt và loài được phép đánh bắt theo quy định.
Trường hợp thông tin khai báo, hồ sơ đạt yêu cầu, Cơ quan có thẩm quyền của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành thông báo gửi chủ hàng trong thời hạn tối đa 48 giờ kể từ thời điểm nhận đủ hồ sơ khai báo hợp lệ, đồng thời gửi Cơ quan hải quan cửa khẩu để phối hợp hoàn thiện thủ tục thông quan nhập khẩu theo Mẫu số 17C.KT Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này;
Trường hợp có dấu hiệu lô thủy sản nhập khẩu được khai thác, chuyển tải bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định theo thông tin, hồ sơ khai báo khi nhập khẩu, Cơ quan có thẩm quyền của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo tới chủ hàng và cử kiểm tra viên đáp ứng quy định nêu tại khoản 10 Điều 70 phối hợp Cơ quan Hải quan cửa khẩu để tổ chức kiểm tra thực tế hàng hóa thủy sản trên công ten nơ để kiểm tra thực tế lô hàng và hoàn thiện Biên bản kiểm tra theo Mẫu số 17D.KT Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này. Trong trường hợp không xác định được thành phần loài thì tổ chức lấy mẫu để kiểm tra;
Xử lý kết quả kiểm tra:
Trường hợp kết quả kiểm tra thực tế phát hiện lô hàng nhập khẩu được khai thác bằng tàu nằm trong danh sách IUU của quốc gia mà tàu đó mang cờ hoặc của quốc gia ven biển có thẩm quyền hoặc của tổ chức quản lý nghề cá khu vực; hoặc được khai thác, vận chuyển, chuyển tải bằng tàu không có giấy phép hoặc giấy phép không hợp lệ hoặc không có giá trị theo quy định của quốc gia mà tàu đó mang cờ hoặc của quốc gia ven biển có thẩm quyền; hoặc được khai thác, vận chuyển, chuyển tải bằng tàu không có giấy phép hoặc giấy phép không hợp lệ hoặc không có giá trị trong vùng nước thẩm quyền của tổ chức quản lý nghề cá khu vực; hoặc có chứng cứ thủy sản, sản phẩm thủy sản trên tàu được khai thác vượt quá hạn ngạch loài khai thác của quốc gia ven biển, hoặc của các Tổ chức quản lý nghề cá khu vực; hoặc có chứng cứ thủy sản, sản phẩm thủy sản trên tàu được khai thác trái với quy định của quốc gia ven biển có thẩm quyền hoặc trái với quy định về biện pháp quản lý và bảo tồn trong vùng nước thẩm quyền của tổ chức quản lý nghề cá khu vực hoặc có chứng cứ xác định tàu thực hiện hoặc hỗ trợ khai thác thủy sản bất hợp pháp theo quy định tại Điều 60 Luật Thủy sản, cơ quan có thẩm quyền gửi thông báo tới chủ hàng, đồng gửi cơ quan Hải quan cửa khẩu để tiến hành xử lý lô hàng theo quy định của pháp luật theo Mẫu số 17C.KT Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này.
Trường hợp kết quả kiểm tra thực tế đạt yêu cầu, cơ quan có thẩm quyền thông báo chủ hàng, cơ quan Hải quan để tiến hành thủ tục thông quan lô hàng nhập khẩu theo quy định.
3. Đối với trường hợp có yêu cầu của quốc gia treo cờ, quốc gia ven biển, các Tổ chức quản lý nghề cá khu vực và các tổ chức quốc tế liên quan về việc thủy sản, sản phẩm thủy sản được chuyên chở bằng tàu công ten nơ có nguồn gốc từ khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định:
a) Trường hợp hàng chưa vào cảng: Cơ quan có thẩm quyền của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các cơ quan liên quan không cho bốc dỡ hàng;
b) Trường hợp hàng đã xuống cảng và đang chịu sự giám sát hải quan: Cơ quan có thẩm quyền của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các cơ quan liên quan thông báo cho tổ chức, cá nhân nhập khẩu biết xử lý theo quy định và buộc tái xuất lô hàng;
c) Trường hợp hàng đã thông quan: Thực hiện theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.
4. Đối với trường hợp nhận được thông tin của quốc gia treo cờ, quốc gia ven biển, các Tổ chức quản lý nghề cá khu vực, các tổ chức quốc tế về việc lô hàng thủy sản, sản phẩm thủy sản có dấu hiệu vi phạm hoặc qua kiểm tra thông tin thu nhận được xét thấy có dấu hiệu vi phạm về khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định:
a) Trường hợp hàng chưa vào cảng hoặc vào cảng nhưng chưa thông quan: Cơ quan có thẩm quyền của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này. Trường hợp không phát hiện vi phạm, gửi kết quả kiểm tra cho chủ hàng để hoàn thiện thủ tục thông quan. Trường hợp phát hiện vi phạm buộc tái xuất lô hàng và xử lý theo quy định;
b) Trường hợp hàng đã thông quan: Cơ quan có thẩm quyền của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra. Trường hợp phát hiện vi phạm, thực hiện xử lý theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.
5. Thực hiện xử lý kết quả kiểm tra, thanh tra sau nhập khẩu liên quan đến quy định chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định đối với các công ten nơ thủy sản khai thác nhập khẩu là các loài không thuộc đối tượng nằm trong Kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thủy sản, sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu, quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam bằng tàu công ten nơ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành hằng năm thực hiện theo điểm b khoản 2 Điều này. Biên bản kiểm tra theo Mẫu số 17D.KT Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này.
6. Hằng năm, căn cứ vào tình hình thực tế, cơ quan có thẩm quyền của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thủy sản, sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu, quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam bằng tàu công ten nơ.”
36. Bổ sung Điều 70b như sau:
“Điều 70b. Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan
1. Cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
a) Chủ trì, phối hợp với các lực lượng có liên quan tại cảng thực hiện kiểm soát đối với thủy sản nhận có nguồn gốc từ khai thác;
b) Chủ trì xây dựng cơ chế hợp tác trao đổi thông tin với quốc gia ven biển về hạn ngạch cho phép đối với các loài khai thác nhập khẩu vào Việt Nam;
c) Tổ chức giám sát quá trình phân loại tại kho bảo quản đối với các loài cá ngừ được khai thác, vận chuyển, chuyển tải bằng tàu nước ngoài theo quy định tại Điều 70 Nghị định này; lấy mẫu kiểm tra khi có dấu hiệu nghi ngờ hoặc theo yêu cầu; lựa chọn doanh nghiệp để giám sát, theo yêu cầu thực tiễn hoặc ngẫu nhiên để phục vụ quản lý;
d) Xây dựng các biện pháp kiểm soát ngẫu nhiên tại các nhà máy nhập khẩu nhằm đảm bảo số lượng và chủng loại khai báo là chính xác phù hợp với hạn ngạch các loài đã cấp bởi quốc gia ven biển hoặc tổ chức quản lý nghề cá khu vực.
2. Doanh nghiệp khai thác cảng:
a) Bố trí nhân lực, địa điểm làm việc, phương tiện, trang thiết bị để cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức thực thi nhiệm vụ theo quy định;
b) Gửi báo cáo cho cơ quan thẩm quyền của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về sản lượng thực tế bốc dỡ qua cảng kèm theo các thông tin chi tiết về số xe, tên khách hàng, ngày cân, trọng lượng xe và hàng, trọng lượng xe không, trọng lượng hàng, mã số hầm hàng ngay sau khi kết thúc bốc dỡ.
3. Cảng vụ hàng hải tại các cảng cử người tham gia kiểm tra thực tế trên tàu khi có yêu cầu của Cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
4. Thuyền trưởng, chủ tàu, chủ hàng, doanh nghiệp nhập khẩu thủy sản, sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác phải tuân thủ về kiểm tra, kiểm soát, cung cấp thông tin, tài liệu theo yêu cầu của cán bộ kiểm tra, đoàn kiểm tra theo quy định của pháp luật; chủ hàng cung cấp các giấy tờ, tài liệu có liên quan để phục vụ cho công tác kiểm soát và quản lý theo chuỗi.
5. Các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tuân thủ các quy định của pháp luật để kiểm tra, kiểm soát tàu, thủy sản và sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác cập cảng để thực hiện hoạt động nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu, quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam.
6. Doanh nghiệp nhập khẩu thủy sản:
a) Có trách nhiệm báo cáo với cơ quan thẩm quyền của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về sản lượng thực tế, thành phần loài nhập khẩu sau khi phân loại với nội dung đã khai báo theo Mẫu số 17.KT Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này và bản sao tờ khai hải quan đã thông quan trong thời hạn không quá 60 ngày kể từ ngày bắt đầu bốc dỡ tại cảng;
b) Cung cấp hồ sơ theo thông tin đã khai báo tại Mẫu số 17B Phụ lục IV cho cơ quan thẩm quyền của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổ chức thanh kiểm tra theo khoản 2 Điều 70a khi có yêu cầu;
c) Không trộn lẫn nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc từ khai thác nhập khẩu với nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc từ khai thác trong nước vào cùng một lô hàng xuất khẩu;
d) Tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan có thẩm quyền của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong quá trình giám sát phân loại tại kho bảo quản.
7. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm phối hợp với Cơ quan thẩm quyền của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai công tác thanh kiểm tra tàu nước ngoài cập cảng khi có yêu cầu.
37. Sửa đổi điểm c khoản 1, bổ sung điểm i, k, l, m, và n vào khoản 1 Điều 71 như sau:
a) Sửa đổi điểm c khoản 1 Điều 71 như sau:
“c) Xây dựng tài liệu hướng dẫn kỹ thuật trong lĩnh vực thủy sản; bộ chỉ số giám sát, đánh giá thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tái tạo nguồn lợi thủy sản;”.
b) Bổ sung điểm i, k, l, m, và n vào khoản 1 Điều 71 như sau:
“i) Xây dựng và ban hành quy trình kỹ thuật xử lý thông tin tàu cá vi phạm không duy trì kết nối thiết bị giám sát hành trình, tàu cá vượt qua ranh giới cho phép khai thác trên biển;
k) Tổ chức triển khai thực hiện dịch vụ công ích hậu cần nghề cá, quản lý, khai thác, duy tu cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá theo quy định của Chính phủ về giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên;
l) Xây dựng tổ chức thực hiện Chương trình giám sát viên trên tàu cá; bố trí kinh phí để thực hiện chương trình giám sát viên trên tàu cá; xây dựng cơ sở dữ liệu về giám sát viên trên tàu cá về hồ sơ giám sát viên; thực hiện hợp tác quốc tế, trao đổi giám sát viên, chia sẻ dữ liệu giám sát viên theo quy định của pháp luật;
m) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức triển khai các giải pháp kiểm soát nguồn gốc thủy sản, sản phẩm thủy sản nhập khẩu vào Việt Nam; tổ chức thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp có hoạt động nhập khẩu thủy sản, sản phẩm thủy sản vào Việt Nam;
n) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thủy sản, sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu, quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam bằng tàu công ten nơ phù hợp với yêu cầu của quốc tế trong từng thời kỳ; ban hành quy trình thực hiện kiểm tra, kiểm soát đối với nhóm hàng này (nếu cần hoặc theo yêu cầu của quốc tế); xây dựng phần mềm để tiếp nhận thông tin do tổ chức, cá nhân cung cấp để thực hiện kiểm soát, quản lý.”
38. Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 3 Điều 71 như sau:
“b) Chỉ đạo Tổng cục Hải quan không thông quan đối với lô hàng thủy sản, sản phẩm thủy sản khai thác bất hợp pháp; phối hợp với cơ quan có thẩm quyền kiểm soát nguồn gốc thủy sản từ khai thác nhập khẩu vào Việt Nam thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có giải pháp kiểm soát nguồn gốc thủy sản từ khai thác nhập khẩu vào Việt Nam bằng tàu công ten nơ.
Định kỳ trước ngày 25 hằng tháng, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) cung cấp thông tin, tài liệu về các lô hàng thủy sản có nguồn gốc từ khai thác nhập khẩu vào lãnh thổ Việt Nam cho cơ quan có thẩm quyền kiểm soát nguồn gốc thủy sản từ khai thác nhập khẩu vào Việt Nam thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để theo dõi, phục vụ hoạt động kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc. Nội dung thông tin bao gồm: Thời gian nhập khẩu; số tờ khai hải quan đã thông quan; tên doanh nghiệp nhập khẩu; tên doanh nghiệp xuất khẩu; nước xuất khẩu, cảng xếp hàng, cảng bốc hàng, khối lượng hàng, thành phần loài, mã số hàng hóa, trị giá nguyên tệ.”
39. Sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 71 như sau:
“a) Chỉ đạo lực lượng thực thi pháp luật trên biển kiểm tra, kiểm soát tàu cá Việt Nam, tàu cá nước ngoài rời cảng, cập cảng và hoạt động trên biển theo quy định của pháp luật;
b) Chỉ đạo lực lượng Bộ đội biên phòng kiểm tra thủy sản trong khu vực biên giới biển và lĩnh vực phụ trách theo quy định của pháp luật; phối hợp với các cơ quan chuyên ngành tại cảng cá kiểm tra tàu cá, thuyền viên ra vào cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão theo quy định của pháp luật;
c) Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát biển kiểm tra xử lý các hoạt động khai thác, nuôi trồng, mua bán, vận chuyển, thu gom sơ chế thủy sản, sản phẩm thủy sản trong phạm vi địa bàn, vùng biển và lĩnh vực phụ trách theo quy định của pháp luật;
d) Chỉ đạo lực lượng Hải quân, Biên phòng, Cảnh sát biển phối hợp, hỗ trợ Kiểm ngư thực thi pháp luật trên biển theo quy định của pháp luật;
đ) Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý tàu cá, thuyền viên, người làm việc trên tàu cá nước ngoài hoạt động trong vùng biển Việt Nam và tàu cá Việt Nam hoạt động trên các vùng biển.”
40. Bổ sung điểm c vào khoản 5 Điều 71 như sau:
“c) Tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thủy sản đối với tàu cá, thuyền viên, người làm việc trên tàu cá nước ngoài hoạt động trên đường thủy, trên vùng biển Việt Nam và các vùng biển theo quy định của pháp luật.”
41. Bổ sung khoản 8 và khoản 9 vào Điều 72 như sau:
“8. Quy định quản lý đối với hoạt động khai thác thủy sản với mục đích giải trí trên địa bàn tỉnh.
9. Chỉ định cơ quan, đơn vị thực hiện kiểm tra, kiểm soát tàu cá tại cảng sau khi có quyết định công bố mở cảng cá. Đối với cảng cá đã được công bố mở cảng, trong thời gian 30 ngày kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, phải thực hiện việc chỉ định cơ quan, đơn vị thực hiện kiểm tra, kiểm soát tàu cá tại cảng.”
Điều 2. Bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số từ, cụm từ, điểm, khoản, điều của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản
1. Bỏ cụm từ “liên doanh” tại khoản 3 Điều 12.
2. Bãi bỏ điểm b khoản 2 Điều 35.
3. Bổ sung từ “ngoài” vào trước cụm từ “vùng biển Việt Nam” tại khoản 3 Điều 47.
4. Bãi bỏ cụm từ “thuộc Tổng cục Thủy sản” sau cụm từ “Cục Kiểm ngư là cơ quan” tại điểm a khoản 1 Điều 62.
5. Bãi bỏ điểm c khoản 1 Điều 64.
6. Bãi bỏ các điểm b, m, o, p khoản 2 và khoản 3 Điều 65.
7. Bổ sung cụm từ “hoặc tổ chức được giao quản lý khu bảo tồn biển” vào sau cụm từ “Ban quản lý khu bảo tồn biển”.
8. Bổ sung cụm từ “khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá” vào sau cụm từ “cảng cá” tại điểm a khoản 1 Điều 71.
9. Bổ sung cụm từ “Giấy đăng ký tàu cá số: ................ TS; cấp ngày …. tháng …. năm ….” vào sau cụm từ “hết thời hạn ngày …… tháng …… năm ……” tại Mẫu số 03.KT Phụ lục IV.
10. Thay thế cụm từ “Tổng cục Thủy sản” bằng cụm từ “Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn”.
11. Thay cụm từ “Pristisdae” bằng cụm từ “Pristidae” tại số thứ tự 41 Phụ lục IX; thay cụm từ “Hippocampus keloggi” bằng cụm từ “Hippocampus kelloggi” tại số thứ tự 18, cụm từ “Khối lượng 500 g/con trở lên” bằng cụm từ “Có nguồn gốc từ nuôi trồng” tại số thứ tự 58 Phụ lục X.
12. Thay thế Mẫu số 01.NT Phụ lục III bằng Mẫu số 01 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này; thay thế Mẫu số 02.NT Phụ lục III bằng Mẫu số 02 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này; thay thế Mẫu số 03.NT Phụ lục III bằng Mẫu số 03 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này; thay thế Mẫu số 04.NT Phụ lục III bằng Mẫu số 04 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này; thay thế Mẫu số 09.NT Phụ lục III bằng Mẫu số 05 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này; thay thế Mẫu số 11.NT Phụ lục III bằng Mẫu số 06 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này; thay thế Mẫu số 12.NT Phụ lục III bằng Mẫu số 07 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này; thay thế Mẫu số 13.NT Phụ lục III bằng Mẫu số 08 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này; thay thế Mẫu số 14.NT Phụ lục III bằng Mẫu số 09 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này; thay thế Mẫu số 15.NT Phụ lục III bằng Mẫu số 10 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này; thay thế Mẫu số 16.NT Phụ lục III bằng Mẫu số 11 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này; thay thế Mẫu số 20.NT Phụ lục III bằng Mẫu số 12 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này; thay thế Mẫu số 24.NT Phụ lục III bằng Mẫu số 13 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này; thay thế Mẫu số 26.NT Phụ lục III bằng Mẫu số 14 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này; thay thế Mẫu số 29.NT Phụ lục III bằng Mẫu số 15 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này; thay thế Mẫu số 31.NT Phụ lục III bằng Mẫu số 17 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.
13. Bổ sung Mẫu số 30A.NT vào Phụ lục III bằng Mẫu số 16 Phụ lục I kèm theo Nghị định này.
14. Thay thế Mẫu số 01.KT Phụ lục IV bằng Mẫu số 20 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này; thay thế Mẫu số 02.KT Phụ lục IV bằng Mẫu số 21 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này; thay thế Mẫu số 04.KT Phụ lục IV bằng Mẫu số 22 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này; thay thế Mẫu số 17.KT Phụ lục IV bằng Mẫu số 23 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này; thay thế Mẫu số 18.KT Phụ lục IV bằng Mẫu số 28 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này; thay thế Mẫu số 05.TC Phụ lục V bằng Mẫu số 31 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này; thay thế Mẫu số 06.TC Phụ lục V bằng Mẫu số 32 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này; thay thế Mẫu số 09.TC Phụ lục V bằng Mẫu số 33 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này; thay thế Mẫu số 10.TC Phụ lục V bằng Mẫu số 34 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.
15. Bổ sung Mẫu số 01A.KT Phụ lục IV bằng Mẫu số 18 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này; bổ sung Mẫu số 01B.KT Phụ lục IV bằng Mẫu số 19 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này; bổ sung Mẫu số 17A.KT Phụ lục IV bằng Mẫu số 24 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này; bổ sung Mẫu số 17B.KT Phụ lục IV bằng Mẫu số 25 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này; bổ sung Mẫu số 17C.KT Phụ lục IV bằng Mẫu số 26 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này; bổ sung Mẫu số 17D.KT Phụ lục IV bằng Mẫu số 27 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này; bổ sung Mẫu số 03A.TC Phụ lục V bằng Mẫu số 29 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này; bổ sung Mẫu số 04A.TC Phụ lục V bằng Mẫu số 30 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này; bổ sung Mẫu số 11A.TC Phụ lục V bằng Mẫu số 35 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này; bổ sung Mẫu số 11B.TC Phụ lục V bằng Mẫu số 36 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.
16. Thay thế Phụ lục II bằng Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này; thay thế Phụ lục VII bằng Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này; thay thế Phụ lục VIII bằng Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này.
17. Bổ sung “Phụ lục XI. Kích thước tối thiểu được phép khai thác của loài thủy sản sống trong vùng nước tự nhiên” bằng Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này.
18. Bổ sung “Phụ lục XII. Danh mục cơ sở vật chất, giảng viên cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thuyền viên tàu cá” bằng Phụ lục VI ban hành kèm theo Nghị định này.
19. Bổ sung “Phụ lục XIII. Yêu cầu của thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên tàu cá” bằng Phụ lục VII ban hành kèm theo Nghị định này.
Điều 3. Điều khoản thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 19 tháng 5 năm 2024.
2. Điều khoản chuyển tiếp:
a) Cơ sở nuôi cá tra đã được cấp Giấy chứng nhận mã số nhận diện ao nuôi cá tra theo quy định (áp dụng đối với cơ sở nuôi cá tra không có sự thay đổi so với nội dung đã được cấp) trước ngày Nghị định này có hiệu lực không phải thực hiện thủ tục đăng ký đối tượng thủy sản nuôi chủ lực; Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh thực hiện chuyển đổi và cấp Giấy xác nhận đăng ký đối tượng nuôi chủ lực theo Mẫu số 28.NT Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định số 26/2019/NĐ-CP và gửi cho cơ sở. Trường hợp cơ sở nuôi cá tra có sự thay đổi so với nội dung đã được cấp Giấy chứng nhận mã số nhận diện ao nuôi cá tra, cơ sở nuôi cá tra phải thực hiện thủ tục đăng ký đối tượng thủy sản nuôi chủ lực theo quy định tại Nghị định này.
b) Tổ chức, cá nhân Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài nuôi trồng thuỷ sản trên biển trước khi Nghị định này có hiệu lực thi hành thì phải thực hiện cấp phép theo quy định tại Nghị định số 26/2019/NĐ-CP trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.
c) Cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thuyền viên tàu cá đang hoạt động trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì phải gửi thông báo theo Mẫu số 04A.TC Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định số 26/2019/NĐ-CP về Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong thời gian 90 ngày kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.
d) Các loại giấy phép, giấy chứng nhận, giấy xác nhận, chứng chỉ, văn bản chấp thuận trong lĩnh vực thủy sản đã được cấp trước ngày Nghị định này có hiệu lực thì được sử dụng cho đến khi hết thời hạn hoặc đến khi cấp lại theo quy định.
đ) Tổ chức, cá nhân đã nộp hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính trước ngày Nghị định này có hiệu lực, cơ quan giải quyết thủ tục hành chính thực hiện theo quy định hiện hành tại thời điểm tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ. Trường hợp quy định tại Nghị định này thuận lợi hơn cho tổ chức, cá nhân thì giải quyết theo quy định tại Nghị định này;
e) Đối với thiết bị giám sát hành trình đã lắp đặt trên tàu cá trước ngày Nghị định có hiệu lực thi hành, chủ tàu cá phải thực hiện cập nhật, bổ sung các tính năng kỹ thuật theo quy định tại Nghị định này trước ngày 31 tháng 12 năm 2026.
Nơi nhận: |
TM. CHÍNH PHỦ |
PHỤ LỤC I
DANH MỤC CÁC BIỂU MẪU, PHỤ LỤC
(Kèm theo Nghị định số 37/2024/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2024 của Chính phủ)
Mẫu số 01
TÊN CƠ SỞ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: …. |
|
ĐƠN ĐỀ NGHỊ
Cấp, cấp lại giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản
Kính gửi: (*) .....................
1. Tên cơ sở: ...............................................................
- Mã số doanh nghiệp/Mã số thuế (nếu có): ..............................
- Địa chỉ trụ sở: ...............................................................
Số điện thoại: ………………. Số Fax: ……………………… E-mail: ………………..
- Địa chỉ nơi sản xuất, ương dưỡng giống thuỷ sản: ............................
Số điện thoại: ………………. Số Fax: ……………………… E-mail: ………………..
2. Đăng ký công nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản:
TT |
Loài thủy sản (tên tiếng Việt, tên khoa học) |
Đăng ký |
Hình thức sản xuất, công suất thiết kế |
||
Sản xuất, ương dưỡng (đánh dấu X) |
Ương dưỡng (đánh dấu X) |
Sản xuất, ương dưỡng giống thuỷ sản bố mẹ (triệu con/năm hoặc kg/năm) |
Sản xuất, ương dưỡng giống thuỷ sản (trừ giống bố mẹ) (triệu con/năm hoặc kg/năm) |
||
1 |
|
|
|
|
|
2 |
|
|
|
|
|
... |
|
|
|
|
|
3. Hồ sơ và tài liệu kèm theo đơn này, gồm:
- Bản thuyết minh điều kiện cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản;
………………………………………………………………………………………………
4. Đăng ký cấp lần đầu (hoặc thay đổi, bổ sung điều kiện sản xuất): □
5. Đăng ký cấp bổ sung giống thủy sản sản xuất, ương dưỡng: □
6. Đăng ký cấp lại: □
Lý do cấp lại: .........................................................................................................
Chúng tôi cam kết thực hiện các quy định về điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản; duy trì và chấp hành việc kiểm tra duy trì điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản và nộp phí, lệ phí kiểm tra điều kiện và kiểm tra duy trì điều kiện theo quy định.
Nơi nhận: |
......, ngày .... tháng .... năm .... |
Ghi chú: (*) Gửi Cục Thủy sản nếu cơ sở đăng ký kiểm tra là cơ sở sản xuất giống thủy sản bố mẹ; gửi Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh nếu cơ sở đăng ký kiểm tra là cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản (trừ giống thủy sản bố mẹ).
Mẫu số 02
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------------
BẢN THUYẾT MINH
Điều kiện cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thuỷ sản
1. Tên cơ sở: .......................................................................................................................
- Địa chỉ trụ sở: ....................................................................................................................
- Số điện thoại: ........................ Số Fax: …………………… Email: …………………………..
- Địa chỉ nơi sản xuất, ương dưỡng giống thuỷ sản: ...........................................................
- Số điện thoại: ........................ Số Fax: …………………… Email: …………………………..
2. Giấy chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng phù hợp tiêu chuẩn (nếu có):
TT |
Tên tiêu chuẩn được chứng nhận |
Tên tổ chức chứng nhận |
Hiệu lực của Giấy chứng nhận |
Nội dung chứng nhận |
1 |
|
|
|
|
2 |
|
|
|
|
3 |
|
|
|
|
(gửi kèm theo bản sao có xác nhận của cơ sở)
3. Thuyết minh chi tiết về điều kiện cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản:
a) Địa điểm sản xuất, ương dưỡng (mô tả vị trí, diện tích, hiện trạng xung quanh):
b) Cơ sở sản xuất, trang thiết bị (mô tả trang thiết bị phục vụ sản xuất, ương dưỡng giống thuỷ sản):
c) Hệ thống kiểm soát chất lượng, an toàn sinh học (mô tả quá trình kiểm soát, tiêu chuẩn áp dụng: nước phục vụ sản xuất, ương dưỡng; giống thủy sản trong quá trình sản xuất; vệ sinh, thu gom và xử lý nước thải, chất thải; tiêu huỷ xác động vật thuỷ sản chết hoặc nhiễm các bệnh phải tiêu hủy; kiểm soát giống thuỷ sản thoát ra môi trường bên ngoài, động vật gây hại xâm nhập vào cơ sở).
d) Nhân viên kỹ thuật (mô tả số lượng, trình độ chuyên môn của người tham gia trực tiếp sản xuất, quản lý chất lượng):
4. Tài liệu gửi kèm theo thuyết minh gồm.
- Sơ đồ mặt bằng của cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản (nếu có);
- Hồ sơ, tài liệu hệ thống kiểm soát chất lượng, an toàn sinh học;
- Hồ sơ nhân viên kỹ thuật;
- Biên bản tự đánh giá của cơ sở để xác định sự phù hợp với các quy định điều kiện tương ứng (nếu có).
|
......, ngày .... tháng .... năm .... |
Mẫu số 03
CƠ QUAN CẤP TRÊN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
|
….., ngày …. tháng …. năm …. |
BIÊN BẢN
Kiểm tra điều kiện cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản
Số: ............/BB-GTS
I. THÔNG TIN CHUNG
1. Căn cứ kiểm tra: ..........................................................................................................
2. Thành phần Đoàn kiểm tra:
- Ông/bà: ...................................... Chức vụ: …………………………………………………
- Ông/bà: ...................................... Chức vụ: ……………………………………….…………
- Ông/bà: ...................................... Chức vụ: ……………………………………….…………
3. Thông tin cơ sở kiểm tra:
- Tên cơ sở: .......................................................................................................................
- Địa chỉ trụ sở: ..................................................................................................................
- Số điện thoại: ...................... Số Fax: ………………. Email: ………………………………
- Số giấy đăng ký kinh doanh/Số giấy phép đầu tư/Số quyết định thành lập/mã số thuế: ……………………………………………………………………………
Cơ quan cấp: ........................................ Ngày cấp: ...........................................................
- Đại diện của cơ sở: ............................ Chức vụ: .............................................................
4. Địa điểm kiểm tra:
- Địa chỉ: .............................................................................................................................
- Số điện thoại: ........................ Số Fax: ………………….…. Email: ………………………..
5. Loài thủy sản sản xuất, ương dưỡng: (nêu cụ thể từng loài thủy sản, công suất thiết kế và loại hình sản xuất hay ương dưỡng)
………………………………………………………………………………………………………
………………………………………………………………………………………………….……
6. Giấy chứng nhận hệ thống phù hợp tiêu chuẩn (nếu có):
TT |
Tên tiêu chuẩn được chứng nhận |
Tên tổ chức chứng nhận |
Hiệu lực của Giấy chứng nhận |
Nội dung chứng nhận |
1 |
|
|
|
|
2 |
|
|
|
|
3 |
|
|
|
|
II. NỘI DUNG KIỂM TRA
TT |
Chỉ tiêu kiểm tra |
Kết quả kiểm tra |
Diễn giải kết quả kiểm tra, hành động và thời gian khắc phục lỗi |
|
Đạt |
Không đạt |
|||
I |
KIỂM TRA LẦN ĐẦU HOẶC KHI CÓ THAY ĐỔI ĐIỀU KIỆN SẢN XUẤT, ƯƠNG DƯỠNG |
|
|
|
1 |
Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ sản xuất phù hợp với loài thủy sản |
|
|
|
a |
Hệ thống xử lý nước cấp, nước thải bảo đảm yêu cầu kiểm soát chất lượng và an toàn sinh học |
|
|
|
b |
Hệ thống ao, bể, lồng bè bảo đảm yêu cầu kiểm soát chất lượng và an toàn sinh học |
|
|
|
c |
Khu chứa trang thiết bị, nguyên vật liệu bảo đảm yêu cầu bảo quản của nhà sản xuất, nhà cung cấp |
|
|
|
d |
Khu sinh hoạt bảo đảm không ảnh hưởng xấu đến khu vực sản xuất, ương dưỡng |
|
|
|
đ |
Trang thiết bị bảo đảm yêu cầu về kiểm soát chất lượng, an toàn sinh học |
|
|
|
e |
Thiết bị thu gom và xử lý chất thải không ảnh hưởng xấu đến khu vực sản xuất, ương dưỡng |
|
|
|
2 |
Có nơi cách ly theo dõi sức khỏe giống thủy sản mới nhập |
|
|
|
3 |
Có nhân viên kỹ thuật được đào tạo về nuôi trồng thủy sản, bệnh học thủy sản hoặc sinh học |
|
|
|
4 |
Xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng, kiểm soát an toàn sinh học |
|
|
|
a |
Nước phục vụ sản xuất, ương dưỡng |
|
|
|
b |
Giống thủy sản trong quá trình sản xuất |
|
|
|
c |
Vệ sinh, thu gom và xử lý nước thải, chất thải |
|
|
|
d |
Tiêu huỷ xác động vật thuỷ sản chết hoặc nhiễm các bệnh phải tiêu hủy |
|
|
|
đ |
Kiểm soát giống thuỷ sản thoát ra môi trường bên ngoài, động vật gây hại xâm nhập vào cơ sở |
|
|
|
e |
Thức ăn, thuốc, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thuỷ sản |
|
|
|
5 |
Công bố tiêu chuẩn áp dụng, công bố sự phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng |
|
|
|
6 |
Trường hợp sản xuất giống thủy sản bố mẹ phải có giống thủy sản thuần chủng hoặc giống thủy sản được công nhận thông qua khảo nghiệm hoặc kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã được công nhận hoặc được cơ quan có thẩm quyền cho phép. |
|
|
|
II |
KIỂM TRA DUY TRÌ ĐIỀU KIỆN, NGOÀI CÁC CHỈ TIÊU TẠI MỤC I, PHẢI ĐÁNH GIÁ CÁC CHỈ TIÊU SAU |
|
|
|
7 |
Áp dụng kiểm soát chất lượng, kiểm soát an toàn sinh học |
|
|
|
a |
Nước phục vụ sản xuất, ương dưỡng |
|
|
|
b |
Giống thủy sản trong quá trình sản xuất |
|
|
|
c |
Vệ sinh, thu gom và xử lý nước thải, chất thải |
|
|
|
d |
Tiêu huỷ xác động vật thuỷ sản chết hoặc nhiễm các bệnh phải tiêu hủy |
|
|
|
đ |
Kiểm soát giống thuỷ sản thoát ra môi trường bên ngoài, động vật gây hại xâm nhập vào cơ sở |
|
|
|
e |
Thức ăn, thuốc, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thuỷ sản |
|
|
|
8 |
Thực hiện công bố tiêu chuẩn áp dụng, công bố sự phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng |
|
|
|
9 |
Thực hiện ghi nhãn giống thủy sản theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa |
|
|
|
10 |
Tuân thủ quy định về thời hạn sử dụng giống thủy sản bố mẹ |
|
|
|
11 |
Chấp hành việc thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật |
|
|
|
Số chỉ tiêu đánh giá thực tế |
|
|
|
|
Số chỉ tiêu đạt/không đạt |
|
|
|
III. LẤY MẪU (kèm theo Biên bản lấy mẫu)
1. Thông tin về mẫu lấy (loại mẫu, số lượng mẫu; tình trạng bao gói, bảo quản mẫu,..) ....................................................
2. Chỉ định chỉ tiêu phân tích:
………………………………………………………………………………………………….
IV. Ý KIẾN CỦA ĐOÀN KIỂM TRA:
………………………………………………………………………………………………….
V. Ý KIẾN CỦA ĐẠI DIỆN CƠ SỞ:
………………………………………………………………………………………………….
CHỦ CƠ SỞ ĐƯỢC KIỂM TRA |
TRƯỞNG ĐOÀN KIỂM TRA |
HƯỚNG DẪN KIỂM TRA CƠ SỞ SẢN XUẤT, ƯƠNG DƯỠNG GIỐNG THỦY SẢN
A. NGUYÊN TẮC KIỂM TRA
1. Ghi biểu mẫu kiểm tra
- Ghi đầy đủ thông tin theo quy định trong biểu mẫu.
- Thẩm tra và ghi thông tin chính xác.
- Nếu sửa chữa trên nội dung đã ghi trong Biên bản, phải có chữ ký xác nhận của Trưởng đoàn kiểm tra.
2. Nguyên tắc đánh giá
- Không được bổ sung hoặc bỏ bớt nội dung, mức đánh giá đã được quy định trong chỉ tiêu.
- Kết quả đánh giá của chỉ tiêu là “Đạt” hoặc “Không đạt”.
- Dùng ký hiệu X hoặc √ đánh dấu vào các vị trí mức đánh giá đã được xác định đối với mỗi chỉ tiêu.
- Phải diễn giải chi tiết chỉ tiêu đạt và không đạt; mỗi chỉ tiêu không đạt phải xác định thời hạn cơ sở phải khắc phục lỗi đó.
- Đối với đánh giá lần đầu: Xem xét các điều kiện cần có, đáp ứng yêu cầu theo từng tiêu chí để cơ sở tiến tới đi vào hoạt động lần đầu (các điều kiện về phần cứng: cơ sở vật chất, trang thiết bị, khu cách ly, thiết bị thu gom xử lý chất thải, rác thải có đáp ứng đủ về số lượng, chủng loại, chất liệu để kiểm soát chất lượng an toàn sinh học; điều kiện về nhân sự; điều kiện về các quy định, quy trình kiểm soát chất lượng, tiêu chuẩn cơ sở, công bố...).
- Đối với đánh giá duy trì kiểm tra khả năng vận hành của điều kiện đáp ứng yêu cầu trong quá trình sản xuất, ương dưỡng; sự tuân thủ của cơ sở theo các yêu cầu đã đặt ra (kiểm tra hiện trạng cơ sở hạ tầng; cách thức vận hành, sử dụng các trang thiết bị phục vụ quá trình sản xuất, ương dưỡng; các bằng chứng chứng minh về việc tuân thủ kiểm soát chất lượng giống, công bố, tiêu chuẩn cơ sở: áp dụng, công bố sự phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng...).
3. Chỉ tiêu áp dụng
- Chỉ tiêu từ 1 đến 6 áp dụng với cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thuỷ sản đăng ký kiểm tra cấp Giấy chứng nhận lần đầu hoặc khi có thay đổi điều kiện sản xuất, ương dưỡng.
- Chỉ tiêu từ 1 đến 11 áp dụng với kiểm tra duy trì điều kiện cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thuỷ sản đã được Giấy chứng nhận.
B. HƯỚNG DẪN ĐÁNH GIÁ TỪNG CHỈ TIÊU
1. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ sản xuất phù hợp với loài thủy sản
a) Hệ thống xử lý nước cấp, nước thải bảo đảm yêu cầu kiểm soát chất lượng và an toàn sinh học
Yêu cầu: Hệ thống xử lý nước cấp riêng biệt với hệ thống thoát nước và hệ thống xử lý nước thải; hệ thống dẫn nước thải được xây đảm bảo chắc chắn, thoát nước, không ứ đọng, không gây ô nhiễm vào khu vực sản xuất, ương dưỡng.
Phương pháp đánh giá: Quan sát hiện trạng hệ thống xử lý nước cấp, nước thải và đối chiếu với mô tả trong Thuyết minh.
b) Hệ thống ao, bể, lồng bè bảo đảm yêu cầu kiểm soát chất lượng và an toàn sinh học
Yêu cầu: Hệ thống ao, bể, lồng bè phải có diện tích, thể tích phù hợp với quy trình sản xuất giống của từng loài thủy sản; hệ thống ao, bể, lồng bè phục vụ nuôi vỗ, sinh sản, ương nuôi ấu trùng không làm bằng vật liệu dễ bị gỉ sét, gây ảnh hưởng xấu đến giống thủy sản; dễ vệ sinh, khử trùng.
Phương pháp đánh giá: Quan sát hiện trường và đối chiếu với các tài liệu liên quan.
c) Khu chứa trang thiết bị, nguyên vật liệu bảo đảm yêu cầu bảo quản của nhà sản xuất, nhà cung cấp
Yêu cầu: Các khu chứa trang thiết bị, nguyên liệu để phục vụ sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản đáp ứng yêu cầu của nhà sản xuất, nhà cung cấp. Khu chứa thiết bị, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, ương dưỡng như máy sục khí, máy phát điện, chất tẩy rửa, dầu mỡ bôi trơn, xăng dầu, hóa chất dễ bay hơi... phải ngăn cách vật lý để tránh việc nhiễm chéo vào thức ăn thủy sản, thuốc, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản.
Phương pháp đánh giá: Quan sát hiện trường và đối chiếu với các tài liệu liên quan.
Ghi chú: Ngăn cách vật lý là bao hàm việc sử dụng tường, vách ngăn hoặc là sự ngăn cách không gian đủ để ngăn ngừa nguy cơ nhiễm chéo.
d) Khu sinh hoạt bảo đảm không ảnh hưởng xấu đến khu vực sản xuất, ương dưỡng
Yêu cầu: Khu sinh hoạt như nhà ở, văn phòng, nhà vệ sinh trong khu vực sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản phải bảo đảm có tường hoặc vách ngăn cánh để không ảnh hưởng xấu tới hoạt động sản xuất, ương dưỡng. Đối với nhà vệ sinh không bị rò rỉ ảnh hưởng đến môi trường.
Phương pháp đánh giá: Quan sát hiện trường và đối chiếu với các tài liệu liên quan.
đ) Trang thiết bị bảo đảm yêu cầu về kiểm soát chất lượng, an toàn sinh học
Yêu cầu: Trang thiết bị phục vụ sản xuất, ương dưỡng giống thuỷ sản làm bằng vật liệu phù hợp, chống thấm, không gỉ sét, không bị ăn mòn, không có khả năng thôi nhiễm ra các chất độc hại ảnh hưởng đến giống thuỷ sản; dễ dàng vệ sinh, khử trùng; sử dụng đúng mục đích đảm bảo không gây nhiễm chéo.
Phương pháp đánh giá: Quan sát hiện trường, xem xét tài liệu kỹ thuật liên quan đến bề mặt thiết bị, dụng cụ. Kiểm tra hồ sơ và các tài liệu về kiểm soát chất lượng, an toàn sinh học.
e) Thiết bị thu gom và xử lý chất thải không ảnh hưởng xấu đến khu vực sản xuất, ương dưỡng
Yêu cầu: Trang bị các loại thùng rác phù hợp để phân loại rác (rác thải sinh hoạt, tái chế và nguy hại), thùng chứa rác thải nguy hại cần có nắp đậy kín. Nơi chứa rác thải tách biệt với khu vực sản xuất. Nơi chứa rác thải nguy hại phải được để riêng, kín và có khóa.
Phương pháp đánh giá: Quan sát hiện trường và đối chiếu với các tài liệu liên quan.
2. Khu cách ly thuỷ sản mới nhập
Yêu cầu: Cơ sở có hoạt động nhập khẩu giống thuỷ sản phải có khu cách ly; khu cách ly phải tách biệt với khu vực sản xuất, ương dưỡng giống thuỷ sản. Nước thải, chất thải của khu nuôi cách ly phải đảm bảo không ảnh hưởng tới khu sản xuất, ương dưỡng giống thuỷ sản.
Phương pháp đánh giá: Quan sát hiện trường và đối chiếu với các tài liệu liên quan.
Ghi chú: Tách biệt là sự ngăn cách không gian đảm bảo ngăn ngừa nguy cơ nhiễm chéo.
3. Có nhân viên kỹ thuật được đào tạo về nuôi trồng thủy sản, bệnh học thủy sản hoặc sinh học
Yêu cầu: Có bằng cấp liên quan về nuôi trồng thủy sản, bệnh học thủy sản, sinh học hoặc được đào tạo các khóa học liên quan đến lĩnh vực trên.
Phương pháp đánh giá: Xem xét hồ sơ bằng cấp, chứng chỉ liên quan, phỏng vấn về sự am hiểu về lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, bệnh học thủy sản, sinh học.
4. Xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng, kiểm soát an toàn sinh học
a) Nước phục vụ sản xuất, ương dưỡng
Yêu cầu: Các yêu cầu về chỉ tiêu chất lượng nước và tần suất kiểm soát phải đạt yêu cầu chất lượng, an toàn phù hợp với loài thủy sản và phải được cụ thể bằng văn bản, được người có thẩm quyền phê duyệt.
Phương pháp đánh giá: Xem xét các văn bản quy định, tài liệu về kiểm soát chất lượng nước.
b) Giống thủy sản trong quá trình sản xuất, ương dưỡng
Yêu cầu: Các yêu cầu về quá trình sản xuất, ương dưỡng phải được cụ thể bằng văn bản và được người có thẩm quyền phê duyệt, đảm bảo các nội dung:
- Giống thủy sản thuộc Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam;
- Được kiểm soát chất lượng và an toàn sinh học trong từng công đoạn của quá trình sản xuất, ương dưỡng: nguồn gốc giống thuỷ sản; kiểm soát các loại bệnh nguy hiểm; kiểm soát các sinh trưởng, phát triển.
Phương pháp đánh giá: Kiểm tra hồ sơ.
c) Vệ sinh, thu gom và xử lý nước thải, chất thải
Yêu cầu: Các yêu cầu và nội dung kiểm soát phải được cụ thể bằng văn bản và được người có thẩm quyền phê duyệt, đảm bảo các nội dung sau: Kiểm soát về vệ sinh, thu gom, chứa và xử lý chất thải, nước thải đảm bảo không ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản.
Phương pháp đánh giá: Quan sát hiện trường và kiểm tra hồ sơ.
d) Tiêu huỷ xác động vật thuỷ sản chết hoặc nhiễm các bệnh phải tiêu hủy
Yêu cầu: Các yêu cầu và nội dung kiểm soát phải được cụ thể bằng văn bản và được người có thẩm quyền phê duyệt, đảm bảo các nội dung sau: xác động vật thủy sản chết hoặc nhiễm các bệnh phải tiêu hủy đảm bảo không ảnh hưởng tới sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản; không ảnh hưởng đến môi trường và lây lan dịch bệnh.
Phương pháp đánh giá: Quan sát hiện trường và kiểm tra hồ sơ.
đ) Kiểm soát giống thuỷ sản thoát ra môi trường bên ngoài, động vật gây hại xâm nhập vào cơ sở
Yêu cầu: Các yêu cầu và nội dung kiểm soát phải được cụ thể bằng văn bản và được người có thẩm quyền phê duyệt, đảm bảo các nội dung sau: kiểm soát giống thuỷ sản thoát ra môi trường bên ngoài, động vật gây hại xâm nhập vào cơ sở để kiểm soát an toàn sinh học, không gây ảnh hưởng đến sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản; có biện pháp ngăn chặn phù hợp để giống thủy sản không thoát ra ngoài môi trường bên ngoài hay động vật gây hại xâm nhập vào cơ sở.
Phương pháp đánh giá: Kiểm tra các quy trình/quy định của cơ sở kết hợp với quan sát hiện trường.
e) Thức ăn, thuốc, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thuỷ sản
Yêu cầu: Các yêu cầu và nội dung kiểm soát phải được cụ thể bằng văn bản và được người có thẩm quyền phê duyệt, đảm bảo các nội dung sau:
- Thuốc, thức ăn thuỷ sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thuỷ sản đảm bảo bảo quản, sử dụng đúng quy định của nhà sản xuất và quy định pháp luật có liên quan; áp dụng biện pháp bảo quản và sự phù hợp để không gây ảnh hưởng đến chất lượng thuốc, thức ăn thuỷ sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản; không để nhiễm chéo. Không sử dụng thuốc, thức ăn thuỷ sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản bị cấm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản.
Phương pháp đánh giá: Quan sát hiện trường, kiểm tra hồ sơ. Đối chiếu với nhãn sản phẩm với cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản và danh mục thuốc thú y được phép sử dụng.
5. Công bố tiêu chuẩn áp dụng, công bố sự phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng
Yêu cầu: Có đầy đủ hồ sơ công bố tiêu chuẩn áp dụng, công bố sự phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng.
Phương pháp kiểm tra: Kiểm tra hồ sơ công bố tiêu chuẩn áp dụng, công bố sự phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; đánh giá sự phù hợp của hồ sơ lưu trữ.
6. Trường hợp sản xuất giống thủy sản bố mẹ phải có giống thủy sản thuần chủng hoặc giống thủy sản được công nhận thông qua khảo nghiệm hoặc kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã được công nhận hoặc được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Yêu cầu: Có hồ sơ chứng minh về nguồn gốc sản xuất thủy sản bố mẹ.
Phương pháp đánh giá: Kiểm tra hồ sơ đàn thuỷ sản bố mẹ.
7. Áp dụng hệ thống kiểm soát chất lượng, an toàn sinh học
Yêu cầu: Các yêu cầu trong kiểm soát chất lượng, an toàn sinh học trong quá trình sản xuất, ương dưỡng tại mục I.4 được áp dụng và lưu trữ đầy đủ tại cơ sở sản xuất, ương dưỡng (gồm giống thủy sản tự công bố, giống thủy sản do cơ sở khác công bố nhưng được sản xuất, ương dưỡng tại cơ sở kiểm tra). Nội dung kiểm tra phải được ghi cụ thể theo từng chỉ tiêu trong biên bản kiểm tra theo hướng dẫn đánh giá đối với mục I.4.
Phương pháp đánh giá: Kiểm tra hồ sơ, tài liệu và kiểm tra hiện trường, cụ thể:
- Đối với hồ sơ, tài liệu về có tần suất kiểm soát trên hoặc bằng 03 tháng/lần (Thử nghiệm, kiểm định, hiệu chuẩn, xử lý chất thải, ...) kiểm tra 100% hồ sơ trong thời gian duy trì.
- Đối với hồ sơ tài liệu có tần suất kiểm soát dưới 03 tháng/lần hoặc hồ sơ lô, thực hiện kiểm tra như sau: Kiểm tra tối thiểu hồ sơ, tài liệu của 03 lô sản xuất đối với cơ sở có thời hạn duy trì 12 tháng; kiểm tra tối thiểu hồ sơ, tài liệu của 05 ngày sản xuất (02 lô cho 12 tháng trước và 03 lô cho 12 tháng sau) đối với cơ sở có thời hạn duy trì 24 tháng.
- Trong trường hợp có dấu hiệu vi phạm, có thể thực hiện kiểm tra hồ sơ của tất cả các lô giống thuỷ sản liên quan đến dấu hiệu vi phạm
8. Thực hiện công bố tiêu chuẩn áp dụng, công bố sự phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng
Yêu cầu: Quy định nêu tại Mục I.5 phải được áp dụng đầy đủ trong quá trình sản xuất, ương dưỡng giống thuỷ sản. Hồ sơ phải được lưu trữ để phục vụ truy xuất nguồn gốc.
Phương pháp đánh giá: Thực hiện theo hướng dẫn cụ thể tại Mục I.5
9. Thực hiện ghi nhãn giống thủy sản theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa
Yêu cầu: Thông tin ghi trên nhãn sản phẩm phải đúng quy định hiện hành về nhãn hàng hóa.
Phương pháp đánh giá: Kiểm tra nhãn sản phẩm đã sản xuất, lưu thông; đối chiếu quy định về nhãn hàng hóa và tiêu chuẩn công bố áp dụng để đánh giá sự phù hợp của việc ghi nhãn.
10. Tuân thủ quy định về thời hạn sử dụng giống thủy sản bố mẹ
Yêu cầu: Cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thuỷ sản tuân thủ quy định về thời hạn sử dụng giống thủy sản bố mẹ.
Phương pháp đánh giá: Kiểm tra hồ sơ ghi chép quá trình nuôi giữ, sử dụng giống thuỷ sản bố mẹ và kết hợp với các hồ sơ nhập khẩu, hồ sơ kiểm dịch.
11. Chấp hành việc thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật
Yêu cầu: Cơ sở được thanh tra, kiểm tra phải phối hợp và chấp hành đúng quy định.
Phương pháp đánh giá: Đánh giá thông qua việc chấp hành các quy định của pháp luật và phối hợp với cơ quan nhà nước trong thanh tra, kiểm tra.
Mẫu số 04
I. MẪU GIẤY CHỨNG NHẬN CƠ SỞ ĐỦ ĐIỀU KIỆN SẢN XUẤT, ƯƠNG DƯỠNG GIỐNG THỦY SẢN
CƠ QUAN CẤP TRÊN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
GIẤY CHỨNG NHẬN
Đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản
Số: GTSAABBBB (3)
Tên cơ sở: ..........................................................................................................................
Địa chỉ trụ sở: .....................................................................................................................
Số điện thoại: ……………………… Số Fax: …………………… Email: …………………….
Địa chỉ sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản: ..................................................................
Được chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng (2)
............................................................................................................................................
............................................................................................................................................
Hiệu lực Giấy chứng nhận đủ điều kiện: Không thời hạn.
Cấp lần đầu ngày ......; Cấp lại hoặc thay đổi lần thứ ....... ngày ..../..../.... theo Quyết định số ..../....-.... ngày.../..../.... của (tên cơ quan cấp)
|
........, ngày........tháng........năm...... |
Ghi chú:
(1) Cục Thủy sản nếu là cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản bố mẹ hoặc là cơ sở sản xuất ương dưỡng đồng thời giống thủy sản bố mẹ và giống thủy sản không phải là giống thủy sản bố mẹ; cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh nếu là cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản (ngoại trừ giống thủy sản bố mẹ).
(2) Được chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản:
Ghi cụ thể từng trường hợp
- Sản xuất giống thủy sản bố mẹ (ghi rõ tên loài thủy sản, kèm theo tên khoa học);
- Sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản (ghi rõ tên loài thủy sản, kèm theo tên khoa học);
- Ương dưỡng giống thủy sản (ghi rõ tên loài thủy sản, kèm theo tên khoa học).
(3) Quy định cấp số Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản:
- Mỗi số chỉ cấp duy nhất cho một cơ sở và cấp liên tiếp, lần lượt.
- Trường hợp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất được thu hồi, số Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất không sử dụng để cấp cho cơ sở khác. Chỉ cấp lại cho cơ sở trước đó đã được cấp khi đủ điều kiện.
- Số Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất có cấu trúc như sau: GTSAABBBB
+ “GTS” thể hiện cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản.
+ “AA” gồm 2 chữ số la tinh thể hiện mã của cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản, cụ thể như sau:
++ Cục Thủy sản có mã số 00
++ Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:
TT |
Tên đơn vị hành chính |
Mã số |
TT |
Tên đơn vị hành chính |
Mã số |
1 |
Thành phố Hà Nội |
01 |
33 |
Tỉnh Quảng Nam |
49 |
2 |
Tỉnh Hà Giang |
02 |
34 |
Tỉnh Quảng Ngãi |
51 |
3 |
Tỉnh Cao Bằng |
04 |
35 |
Tỉnh Bình Định |
52 |
4 |
Tỉnh Bắc Kạn |
06 |
36 |
Tỉnh Phú Yên |
54 |
5 |
Tỉnh Tuyên Quang |
08 |
37 |
Tỉnh Khánh Hòa |
56 |
6 |
Tỉnh Lào Cai |
10 |
38 |
Tỉnh Ninh Thuận |
58 |
7 |
Tỉnh Điện Biên |
11 |
39 |
Tỉnh Bình Thuận |
60 |
8 |
Tỉnh Lai Châu |
12 |
40 |
Tỉnh Kon Tum |
62 |
9 |
Tỉnh Sơn La |
14 |
41 |
Tỉnh Gia Lai |
64 |
10 |
Tỉnh Yên Bái |
15 |
42 |
Tỉnh Đắk Lắk |
66 |
11 |
Tỉnh Hoà Bình |
17 |
43 |
Tỉnh Đắk Nông |
67 |
12 |
Tỉnh Thái Nguyên |
19 |
44 |
Tỉnh Lâm Đồng |
68 |
13 |
Tỉnh Lạng Sơn |
20 |
45 |
Tỉnh Bình Phước |
70 |
14 |
Tỉnh Quảng Ninh |
22 |
46 |
Tỉnh Tây Ninh |
72 |
15 |
Tỉnh Bắc Giang |
24 |
47 |
Tỉnh Bình Dương |
74 |
16 |
Tỉnh Phú Thọ |
25 |
48 |
Tỉnh Đồng Nai |
75 |
17 |
Tỉnh Vĩnh Phúc |
26 |
49 |
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu |
77 |
18 |
Tỉnh Bắc Ninh |
27 |
50 |
Thành phố Hồ Chí Minh |
79 |
19 |
Tỉnh Hải Dương |
30 |
51 |
Tỉnh Long An |
80 |
20 |
Thành phố Hải Phòng |
31 |
52 |
Tỉnh Tiền Giang |
82 |
21 |
Tỉnh Hưng Yên |
33 |
53 |
Tỉnh Bến Tre |
83 |
22 |
Tỉnh Thái Bình |
34 |
54 |
Tỉnh Trà Vinh |
84 |
23 |
Tỉnh Hà Nam |
35 |
55 |
Tỉnh Vĩnh Long |
86 |
24 |
Tỉnh Nam Định |
36 |
56 |
Tỉnh Đồng Tháp |
87 |
25 |
Tỉnh Ninh Bình |
37 |
57 |
Tỉnh An Giang |
89 |
26 |
Tỉnh Thanh Hóa |
38 |
58 |
Tỉnh Kiên Giang |
91 |
27 |
Tỉnh Nghệ An |
40 |
59 |
Thành phố Cần Thơ |
92 |
28 |
Tỉnh Hà Tĩnh |
42 |
60 |
Tỉnh Hậu Giang |
93 |
29 |
Tỉnh Quảng Bình |
44 |
61 |
Tỉnh Sóc Trăng |
94 |
30 |
Tỉnh Quảng Trị |
45 |
62 |
Tỉnh Bạc Liêu |
95 |
31 |
Tỉnh Thừa Thiên Huế |
46 |
63 |
Tỉnh Cà Mau |
96 |
32 |
Thành phố Đà Nẵng |
48 |
|
|
|
+ “BBBB” gồm 4 chữ số từ 0001 đến 9999, là số thứ tự cơ sở được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản.
II. MẪU QUYẾT ĐỊNH CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN CƠ SỞ ĐỦ ĐIỀU KIỆN SẢN XUẤT, ƯƠNG DƯỠNG GIỐNG THỦY SẢN
CƠ QUAN CẤP TRÊN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: …./QĐ-….. |
…., ngày …. tháng ... năm ... |
QUYẾT ĐỊNH
Cấp, cấp lại (hoặc thu hồi)* giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản
THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN RA QUYẾT ĐỊNH CẤP………
Căn cứ Quyết định ….. quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của ………..;
Căn cứ Nghị định số ……/NĐ-CP ngày ... tháng ... năm ... của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản;
Căn cứ Biên bản kiểm tra điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản số …/BB GTS …....;
Theo đề nghị của …………………….
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Cấp, cấp lại (hoặc thu hồi)* giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản, cụ thể:
1. Tên cơ sở:…………….
2. Địa chỉ trụ sở: …………….
3. Địa chỉ sản xuất, ương dưỡng: …………….
4. Số điện thoại: ……………. Số Fax: …………….Email…………….
5. Đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng (hoặc thu hồi Giấy chứng nhận số... ngày...tháng... năm)*: Chi tiết tại Phụ lục kèm theo.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. …………….; Thủ trưởng các đơn vị liên quan; tổ chức/cá nhân ……………. chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: |
THỦ TRƯỞNG |
Ghi chú: (*) Gạch bỏ nội dung không phù hợp với thực tế.
Mẫu số 05
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
|
…., ngày …. tháng ... năm ... |
BIÊN BẢN
Kiểm tra cơ sở khảo nghiệm giống thủy sản
I. THÔNG TIN CHUNG
1. Căn cứ kiểm tra: …………………………………………………………………………………………
2. Thành phần Đoàn kiểm tra:
- Ông/bà: ……………………… Chức vụ: ………………………………………………………
- Ông/bà: ………………………Chức vụ: ……………………………………………………….
- Ông/bà: ………………………Chức vụ: ……………………………………………………….
3. Thông tin cơ sở kiểm tra
- Tên cơ sở: ……………………………………………………………………………………….
- Địa chỉ trụ sở chính: …………………………………………………………………………….
Số điện thoại: ……..…………Số Fax: …………….……Email: ………………………………
- Số giấy đăng ký kinh doanh/Số giấy phép đầu tư/Số quyết định thành lập:………………
Cơ quan cấp: ……………………………..………Ngày cấp: …………………………………
- Đại diện của cơ sở: ………………………………..…Chức vụ: …………………………….
- Mã số cơ sở (nếu có): …………………………………………………………………………
4. Địa điểm kiểm tra:
Địa chỉ: ……………………………………………………………………………………………
Số điện thoại: …………….……Số Fax: …………………Email: …………………………….
5. Loài thủy sản đăng ký khảo nghiệm:
II. NỘI DUNG KIỂM TRA:
III. Ý KIẾN CỦA ĐOÀN KIỂM TRA:
………………………………………………………………………………………………………
………………………………………………………………………………………………………
IV. Ý KIẾN CỦA ĐẠI DIỆN CƠ SỞ:
………………………………………………………………………………………………………
………………………………………………………………………………………………………
CHỦ CƠ SỞ ĐƯỢC KIỂM TRA |
TRƯỞNG ĐOÀN KIỂM TRA |
HƯỚNG DẪN KIỂM TRA ĐIỀU KIỆN KHẢO NGHIỆM GIỐNG THỦY SẢN
A. NGUYÊN TẮC KIỂM TRA
1. Ghi biểu mẫu kiểm tra
- Ghi đầy đủ thông tin theo quy định trong biểu mẫu.
- Thẩm tra, đánh giá và ghi thông tin chính xác.
- Nếu sửa chữa trên nội dung đã ghi trong Biên bản, phải có chữ ký xác nhận của Trưởng đoàn kiểm tra.
2. Nguyên tắc đánh giá
- Không được bổ sung hoặc bỏ bớt nội dung.
- Kết quả đánh giá của chỉ tiêu là “Đạt” hoặc “Không đạt”.
- Dùng ký hiệu X hoặc √ đánh dấu vào các vị trí mức đánh giá đã được xác định đối với mỗi chỉ tiêu.
- Phải diễn giải chi tiết chỉ tiêu đạt và không đạt; mỗi chỉ tiêu không đạt phải ghi cụ thể lỗi và xác định thời hạn cơ sở phải khắc phục lỗi đó; mỗi chỉ tiêu đạt phải nêu rõ nội dung, bằng chứng đạt yêu cầu.
3. Chỉ tiêu áp dụng:
- Đánh giá tất cả các chỉ tiêu nêu trong biên bản. Trong trường hợp không đánh giá phải nêu rõ lý do.
- Trường hợp cơ sở đã được kiểm tra chứng nhận cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản hoặc cơ sở nuôi trồng thủy sản còn thời hạn thì không phải đánh giá lại nếu không có dấu hiệu vi phạm. Ghi cụ thể trong biên bản.
- Trường hợp cơ sở chưa được kiểm tra chứng nhận cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản hoặc cơ sở nuôi trồng thủy sản. Thực hiện kiểm tra, đánh giá các điều kiện tương ứng theo hướng dẫn kiểm tra điều kiện sản xuất giống thủy sản.
4. Ngôn ngữ sử dụng trong tài liệu phục vụ kiểm tra, đánh giá phải thể hiện bằng tiếng Việt.
B. HƯỚNG DẪN ĐÁNH GIÁ TỪNG CHỈ TIÊU
1. Có ít nhất hai nhân viên kỹ thuật trình độ đại học trở lên về nuôi trồng thủy sản, bệnh học thủy sản hoặc sinh học
Yêu cầu: Có bằng cấp xác nhận được đào tạo về nuôi trồng thủy sản, bệnh học thủy sản, sinh học. Có hợp đồng lao động với nhân viên kỹ thuật.
Phương pháp đánh giá: Xem xét hợp đồng lao động, hồ sơ bằng cấp, chứng chỉ liên quan, phỏng vấn về sự am hiểu hoạt động kiểm soát cho sản phẩm.
2. Có cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật phù hợp với loài thủy sản khảo nghiệm
a) Có phòng thử nghiệm đủ điều kiện theo quy định hiện hành để theo dõi, kiểm tra, đánh giá các chỉ tiêu theo đề cương khảo nghiệm
Yêu cầu:
- Có phòng thử nghiệm để kiểm soát các chỉ tiêu chất lượng an toàn của loài thủy sản khảo nghiệm và các chỉ tiêu nêu trong đề cương khảo nghiệm; người thực hiện thử nghiệm phải có năng lực, chuyên môn phù hợp để thực hiện; có phương pháp thử rõ ràng và được người có thẩm quyền phê duyệt.
- Trường hợp cơ sở đã được chỉ định hoặc thừa nhận có đầy đủ các chỉ tiêu theo yêu cầu khảo nghiệm thì được miễn đánh giá. Nêu cụ thể trong biên bản kiểm tra.
- Phương pháp đánh giá: Quan sát hiện trường phòng thử nghiệm, hồ sơ hiệu chuẩn thiết bị...., hồ sơ năng lực của nhân viên (bằng cấp, chứng chỉ đào tạo). Hồ sơ, tài liệu kiểm soát quá trình khảo nghiệm.
b) Trường hợp khảo nghiệm trong giai đoạn sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản
Yêu cầu: Đáp ứng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 24 Luật Thủy sản và khoản 1 Điều 20 Nghị định này.
Phương pháp đánh giá:
- Thừa nhận kết quả đánh giá nếu cơ sở đã được chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản.
- Thực hiện đánh giá nếu cơ sở chưa được chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản.
c) Trường hợp khảo nghiệm trong giai đoạn nuôi thương phẩm
Yêu cầu: Đáp ứng quy định tại điểm b khoản 1 Điều 38 Luật Thủy sản và khoản 1, khoản 2 Điều 34 Nghị định này.
Phương pháp đánh giá:
- Thừa nhận kết quả đánh giá nếu cơ sở đã được chứng nhận cơ sở đủ điều kiện nuôi trồng thủy sản.
- Thực hiện đánh giá nếu cơ sở chưa được chứng nhận cơ sở đủ điều kiện nuôi trồng thủy sản.
3. Đáp ứng điều kiện về an toàn sinh học, bảo vệ môi trường
Yêu cầu: Khu nuôi khảo nghiệm có biện pháp ngăn cách với khu sản xuất giống, nuôi.
Phương pháp đánh giá: Quan sát hiện trường, kiểm tra hồ sơ
4. Điều kiện khác theo yêu cầu nêu trong đề cương khảo nghiệm
Yêu cầu: Ngoài các quy định tại mục 1, 2 và 3 nêu trên, nếu đề cương khảo nghiệm có yêu cầu khác, cơ sở phải đáp ứng theo đề cương khảo nghiệm.
Phương pháp đánh giá: Quan sát hiện trường, kiểm tra hồ sơ.
Mẫu số 06
TÊN CƠ SỞ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: ….. |
|
ĐƠN ĐỀ NGHỊ
Cấp, cấp lại giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản
Kính gửi: ………………………………..
1. Tên cơ sở: ………………………………..……………………………………………………
- Mã số doanh nghiệp/Mã số thuế: …………………………………………………………….
- Địa chỉ trụ sở: ……………………………………………………………………………………
- Số điện thoại: …………….……….Số Fax:…………….……..E-mail:………………………
2. Đề nghị kiểm tra, thẩm định, chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản:
a) Thức ăn thủy sản
TT |
Loại sản phẩm |
Dạng sản phẩm, công suất thiết kế |
|
Dạng sản phẩm |
Công suất thiết kế (tấn/năm hoặc m3/năm) |
||
1 |
Thức ăn hỗn hợp |
|
|
- |
Thức ăn hỗn hợp cho giáp xác |
|
|
- |
Thức ăn hỗn hợp cho cá, ếch, ba ba, lươn... |
|
|
- |
Thức ăn hỗn hợp cho động vật thủy sản làm cảnh |
|
|
- |
Thức ăn hỗn hợp khác (thức ăn cho con giống và ấu trùng động vật thủy sản, thức ăn nuôi vỗ thủy sản bố mẹ, mồi câu...) |
|
|
2 |
Thức ăn bổ sung (chất bổ sung) |
|
|
- |
Chế phẩm sinh học, vi sinh vật |
|
|
- |
Hỗn hợp khoáng, vitamin,... |
|
|
- |
Thức ăn bổ sung khác |
|
|
3 |
Thức ăn tươi, sống |
|
|
4 |
Nguyên liệu (nêu cụ thể loại nguyên liệu) |
|
|
b) Sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản
TT |
Loại sản phẩm |
Dạng sản phẩm, công suất thiết kế |
|
Dạng sản phẩm |
Công suất thiết kế (tấn/năm hoặc m3/năm) |
||
1 |
Hoá chất |
|
|
2 |
Chế phẩm sinh học, vi sinh vật |
|
|
3 |
Chất xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản (Khoáng tự nhiên, khoáng nhân tạo, hỗn hợp khoáng, vitamin,...) |
|
|
4 |
Sản phẩm khác |
|
|
c) Sản phẩm sử dụng cho cả 2 mục đích: Bổ sung thức ăn và xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản
TT |
Loại sản phẩm |
Dạng sản phẩm, công suất thiết kế |
|
Dạng sản phẩm |
Công suất thiết kế (tấn/năm hoặc m3/năm) |
||
1 |
Chế phẩm sinh học, vi sinh vật. |
|
|
2 |
Hỗn hợp khoáng, vitamin, ... |
|
|
3. Hồ sơ và tài liệu kèm theo đơn này, gồm:
- Bản thuyết minh điều kiện cơ sở sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản.
- ………………………………..……………………………………………………………………………….
4. Đăng ký cấp lần đầu (hoặc khi thay đổi, bổ sung điều kiện sản xuất): □
5. Đăng ký cấp lại: □
Lý do cấp lại: ………………………………..……………………………………………………
Chúng tôi cam kết thực hiện các quy định về điều kiện sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản; duy trì và chấp hành việc kiểm tra duy trì điều kiện sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản và nộp phí, lệ phí kiểm tra điều kiện và kiểm tra duy trì điều kiện theo quy định.
Nơi nhận: |
..., ngày ... tháng ... năm… |
Mẫu số 07
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------------
BẢN THUYẾT MINH
Điều kiện cơ sở sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản
1. Tên cơ sở:………………………………………………………………………………………
- Địa chỉ sản xuất: …………………………………………………………………………………
- Số điện thoại: …………….…… Số Fax: ……..…………E-mail: ……………………………
2. Giấy chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng phù hợp tiêu chuẩn (nếu có):
TT |
Tên tiêu chuẩn được chứng nhận |
Tên tổ chức chứng nhận |
Hiệu lực của Giấy chứng nhận |
Nội dung chứng nhận |
1 |
|
|
|
|
2 |
|
|
|
|
3 |
|
|
|
|
(Gửi kèm theo bản sao có xác nhận của cơ sở)
3. Thuyết minh chi tiết điều kiện sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản
a) Địa điểm sản xuất, khu sản xuất (mô tả diện tích, vị trí, hiện trạng môi trường xung quanh, biện pháp kiểm soát các yếu tố gây ô nhiễm từ bên ngoài):
b) Nhà xưởng, trang thiết bị (sơ đồ bố trí nhà xưởng, mô tả tóm tắt thiết bị, dây chuyền):
c) Năng lực phân tích chất lượng trong quá trình sản xuất (mô tả năng lực kiểm nghiệm, thử nghiệm để thực hiện kiểm soát chất lượng trong quá trình sản xuất):
d) Hệ thống kiểm soát chất lượng, an toàn sinh học (mô tả quá trình kiểm soát, tiêu chuẩn áp dụng: nước phục vụ sản xuất; nguyên liệu, bao bì, thành phẩm; quá trình sản xuất; tái chế; lưu mẫu; kiểm định, hiệu chuẩn, hiệu chỉnh thiết bị; kiểm soát động vật gây hại; vệ sinh nhà xưởng, thu gom và xử lý chất thải):
đ) Nhân viên kỹ thuật (mô tả số lượng, trình độ chuyên môn nhân viên kỹ thuật tham gia trực tiếp sản xuất, quản lý chất lượng):
4. Tài liệu gửi kèm theo thuyết minh gồm:
- Danh sách hồ sơ, tài liệu của hệ thống kiểm soát chất lượng, an toàn sinh học (tên tài liệu, mã số/ký hiệu, ngày tháng năm ban hành);
- Danh sách nhân viên kỹ thuật (họ và tên, chuyên môn đào tạo, bằng cấp, vị trí công việc);
- Biên bản tự đánh giá của cơ sở để xác định sự phù hợp với các quy định điều kiện tương ứng (nếu có).
5. Sản phẩm dự kiến sản xuất:
a) Sản phẩm …….:
- Thành phần:
- Đặc tính, công dụng:
- Hướng dẫn sử dụng:
- Đối tượng sử dụng (loài thủy sản):
b) Sản phẩm ……:
………………………….
Nơi nhận: |
...., ngày ... tháng ... năm |
Mẫu số 08
CƠ QUAN CẤP TRÊN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
BIÊN BẢN
Kiểm tra điều kiện sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản
Số: ...../BB-ĐKSX
I. THÔNG TIN CHUNG
1. Căn cứ kiểm tra, ngày kiểm tra: ………………….…………………………………………
2. Tên cơ sở kiểm tra: ………………….……………………………………………………….
- Địa chỉ trụ sở: ………………….……………………………………………………………….
- Số điện thoại: ………………………..….…………. Số Fax: ………………………………..
- Email: ……………………………………………………………………………………………
- Tên và số giấy đăng ký kinh doanh/giấy phép đầu tư/Quyết định thành lập:
………………….………………….………………….……………………………………………
- Tên cơ quan cấp: ……………………………….Ngày cấp: ………………………………….
3. Địa điểm kiểm tra:
- Địa chỉ: ………………….………………….……………………………………………………
- Điện thoại: …………………….……. Số Fax: ………………….Email: ……………………
4. Thành phần cơ sở được kiểm tra:
- Ông/bà: ……………..……….Chức vụ: ………………………………………………………
- Ông/bà: …………………..….Chức vụ: ………………………………………………………
5. Thành phần Đoàn kiểm tra:
- Ông/bà: ……………..……….Chức vụ: ………………………………………………………
- Ông/bà: …………………..….Chức vụ: ………………………………………………………
6. Sản phẩm sản xuất (nêu cụ thể loại sản phẩm, dạng sản phẩm, dây chuyền, công suất thiết kế khi chứng nhận lần đầu; nêu sản lượng sản xuất của từng loại sản phẩm, dạng sản phẩm trong thời gian duy trì):
………………………………………………………………………………………………………
……………………………………………………………………….………………………………
7. Giấy chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng phù hợp tiêu chuẩn (nếu có):
TT |
Tên tiêu chuẩn được chứng nhận |
Tên tổ chức chứng nhận |
Hiệu lực của Giấy chứng nhận |
Nội dung chứng nhận |
1 |
|
|
|
|
2 |
|
|
|
|
3 |
|
|
|
|
II. NỘI DUNG KIỂM TRA
TT |
Chỉ tiêu kiểm tra |
Kết quả kiểm tra |
Diễn giải kết quả kiểm tra; hành động khắc phục lỗi |
|
Đạt |
Không đạt |
|||
I |
KIỂM TRA LẦN ĐẦU HOẶC CÓ THAY ĐỔI, BỔ SUNG ĐIỀU KIỆN SẢN XUẤT |
|
|
|
1. |
Địa điểm sản xuất nằm trong khu vực không bị ô nhiễm bởi chất thải nguy hại, hóa chất độc hại |
|
|
|
2. |
Khu sản xuất có tường, rào ngăn cách với bên ngoài |
|
|
|
3. |
Nhà xưởng, trang thiết bị phù hợp với từng loại sản phẩm |
|
|
|
a |
Có nhà xưởng kết cấu vững chắc, nền không đọng nước, liên thông và một chiều từ nguyên liệu đến thành phẩm |
|
|
|
b |
Tường, trần, vách ngăn, cửa bảo đảm yêu cầu về kiểm soát chất lượng, an toàn sinh học |
|
|
|
c |
Khu chứa trang thiết bị, nguyên liệu vật liệu, thành phẩm bảo đảm không nhiễm chéo lẫn nhau và bảo đảm theo yêu cầu bảo quản của nhà sản xuất, cung cấp |
|
|
|
d |
Trang thiết bị tiếp xúc với nguyên liệu, thành phẩm bảo đảm yêu cầu về kiểm soát chất lượng, an toàn sinh học |
|
|
|
đ |
Thiết bị thu gom và xử lý chất thải không gây ô nhiễm môi trường khu vực sản xuất |
|
|
|
e |
Trường hợp cơ sở sản xuất sinh khối vi sinh vật để sản xuất chế phẩm sinh học vi sinh vật phải có thiết bị tạo môi trường, lưu giữ và nuôi cấy vi sinh vật |
|
|
|
4 |
Có phòng thử nghiệm hoặc có thuê phòng thử nghiệm đủ năng lực để kiểm tra chất lượng trong quá trình sản xuất |
|
|
|
5 |
Xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng, an toàn sinh học |
|
|
|
a |
Kiểm soát chất lượng nước phục vụ sản xuất |
|
|
|
b |
Kiểm soát nguyên liệu |
|
|
|
c |
Kiểm soát bao bì |
|
|
|
d |
Kiểm soát thành phẩm |
|
|
|
đ |
Kiểm soát quá trình sản xuất |
|
|
|
e |
Kiểm soát tái chế |
|
|
|
g |
Lưu mẫu thành phẩm |
|
|
|
h |
Kiểm định, hiệu chuẩn, hiệu chỉnh thiết bị |
|
|
|
i |
Kiểm soát động vật gây hại |
|
|
|
k |
Vệ sinh nhà xưởng |
|
|
|
l |
Thu gom và xử lý chất thải |
|
|
|
6 |
Nhân viên kỹ thuật được đào tạo về nuôi trồng thủy sản, bệnh học thủy sản, sinh học, hóa học hoặc công nghệ thực phẩm |
|
|
|
II |
KIỂM TRA DUY TRÌ ĐIỀU KIỆN, NGOÀI CÁC CHỈ TIÊU TẠI MỤC I, PHẢI ĐÁNH GIÁ CÁC CHỈ TIÊU SAU |
|
|
|
7 |
Áp dụng hệ thống kiểm soát chất lượng, an toàn sinh học trong quá trình sản xuất |
|
|
|
a |
Kiểm soát chất lượng nước phục vụ sản xuất |
|
|
|
b |
Kiểm soát nguyên liệu |
|
|
|
c |
Kiểm soát bao bì |
|
|
|
d |
Kiểm soát thành phẩm |
|
|
|
đ |
Kiểm soát quá trình sản xuất |
|
|
|
e |
Kiểm soát tái chế |
|
|
|
g |
Lưu mẫu thành phẩm |
|
|
|
h |
Kiểm định, hiệu chuẩn, hiệu chỉnh thiết bị |
|
|
|
i |
Kiểm soát động vật gây hại |
|
|
|
k |
Vệ sinh nhà xưởng |
|
|
|
l |
Thu gom và xử lý chất thải |
|
|
|
8 |
Thực hiện công bố tiêu chuẩn áp dụng; công bố hợp quy theo quy định |
|
|
|
9 |
Thực hiện ghi nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật về ghi nhãn hàng hóa |
|
|
|
10 |
Chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng sản phẩm do mình sản xuất; xử lý, thu hồi hoặc tiêu hủy sản phẩm không bảo đảm chất lượng theo quy định của pháp luật; bồi thường thiệt hại gây ra cho người mua, người nuôi trồng thủy sản |
|
|
|
11 |
Gửi thông tin sản phẩm đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định trước khi lưu thông sản phẩm trên thị trường |
|
|
|
12 |
Chấp hành việc thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật |
|
|
|
Số chỉ tiêu đánh giá thực tế |
|
|
|
|
Số chỉ tiêu đạt/không đạt |
|
|
|
III. LẤY MẪU
1. Thông tin về mẫu lấy (loại mẫu, số lượng mẫu; tình trạng bao gói, bảo quản mẫu,..)
………………………………………………………………………………………………………
2. Chỉ định chỉ tiêu phân tích (Biên bản lấy mẫu kèm theo):
………………………………………………………………………………………………………
IV. Ý KIẾN CỦA ĐOÀN KIỂM TRA (nội dung cần khắc phục, thời gian khắc phục, báo cáo khắc phục, thời gian kiểm tra duy trì):
………………………………………………………………………………………………………
V. Ý KIẾN CỦA ĐẠI DIỆN CƠ SỞ:
………………………………………………………………………………………………………
CHỦ CƠ SỞ ĐƯỢC KIỂM TRA |
TRƯỞNG ĐOÀN KIỂM TRA |
HƯỚNG DẪN KIỂM TRA ĐIỀU KIỆN SẢN XUẤT THỨC ĂN THỦY SẢN, SẢN PHẨM XỬ LÝ MÔI TRƯỜNG NUÔI TRỒNG THỦY SẢN
A. NGUYÊN TẮC KIỂM TRA
1. Ghi biểu mẫu kiểm tra
- Ghi đầy đủ thông tin theo quy định trong biểu mẫu.
- Thẩm tra, đánh giá và ghi thông tin chính xác.
- Nếu sửa chữa trên nội dung đã ghi trong Biên bản, phải có chữ ký xác nhận của Trưởng đoàn kiểm tra.
2. Nguyên tắc đánh giá
- Không được bổ sung hoặc bỏ bớt nội dung.
- Kết quả đánh giá của chỉ tiêu là “Đạt” hoặc “Không đạt”.
- Dùng ký hiệu X hoặc √ đánh dấu vào các vị trí mức đánh giá đã được xác định đối với mỗi chỉ tiêu.
- Phải diễn giải chi tiết chỉ tiêu đạt và không đạt; mỗi chỉ tiêu không đạt phải ghi cụ thể nội dung không đạt và xác định thời hạn cơ sở phải khắc phục; mỗi chỉ tiêu đạt phải nêu rõ nội dung, bằng chứng đạt yêu cầu (mô tả cụ thể nội dung phù hợp, tên tài liệu, mã số/ký hiệu tài liệu, ...).
3. Chỉ tiêu áp dụng
- Các chỉ tiêu từ 01 đến 06 áp dụng đối với cơ sở sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản đăng ký kiểm tra cấp Giấy chứng nhận lần đầu hoặc thay đổi điều kiện sản xuất.
- Các chỉ tiêu từ 01 đến 12 áp dụng đối với kiểm tra duy trì điều kiện cơ sở sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản đã được Giấy chứng nhận.
- Đối với kiểm tra lần đầu hoặc có thay đổi điều kiện sản xuất, kiểm tra chỉ tiêu “Xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng, an toàn sinh học” là kiểm tra nội dung xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng, an toàn sinh học của sản phẩm dự kiến sản xuất.
- Đối với kiểm tra duy trì điều kiện sản xuất, kiểm tra chỉ tiêu “Áp dụng hệ thống kiểm soát chất lượng, an toàn sinh học trong quá trình sản xuất” là đánh giá việc áp dụng hệ thống kiểm soát chất lượng, an toàn sinh học của sản phẩm trong quá trình sản xuất trong thời gian duy trì.
Đánh giá cụ thể từng nội dung kiểm soát gồm: nước phục vụ sản xuất; nguyên liệu, bao bì, thành phẩm; quá trình sản xuất; tái chế; lưu mẫu; kiểm định, hiệu chuẩn, hiệu chỉnh thiết bị; kiểm soát động vật gây hại; vệ sinh nhà xưởng, thu gom và xử lý chất thải.
4. Ngôn ngữ sử dụng trong tài liệu phục vụ kiểm tra, đánh giá phải thể hiện bằng tiếng Việt.
B. HƯỚNG DẪN ĐÁNH GIÁ TỪNG CHỈ TIÊU
I. KIỂM TRA LẦN ĐẦU HOẶC CÓ THAY ĐỔI ĐIỀU KIỆN SẢN XUẤT
1. Địa điểm sản xuất nằm trong khu vực không bị ô nhiễm bởi chất thải nguy hại, hóa chất độc hại
Yêu cầu: Địa điểm sản xuất phải xây dựng trên địa điểm tránh bị ô nhiễm bởi chất thải nguy hại, hóa chất độc hại từ môi trường xung quanh như: nguồn chất thải từ bệnh viện, bãi rác, ngập nước, ... Trong trường hợp không thể thay thế vị trí thì phải thiết lập biện pháp kiểm soát nguồn ô nhiễm vào địa điểm sản xuất.
Phương pháp đánh giá: Quan sát hiện trường; xem xét hồ sơ, tài liệu về địa điểm để đánh giá mức độ ô nhiễm khi cần thiết như: Báo cáo đánh giá tác động môi trường; các kết quả kiểm nghiệm liên quan.
2. Khu sản xuất có tường, rào ngăn cách với bên ngoài
Yêu cầu: Xung quanh nhà xưởng có tường, rào để ngăn chặn sự di chuyển của động vật gây hại và các yếu tố chú ý phá hoại; có cổng để kiểm soát ra vào.
Phương pháp đánh giá: Quan sát hiện trường.
3. Nhà xưởng, trang thiết bị phù hợp với từng loại sản phẩm
a) Có nhà xưởng kết cấu vững chắc, nền không đọng nước, liên thông và một chiều từ nguyên liệu đến thành phẩm
Yêu cầu: Nhà xưởng có kết cấu vững chắc, đủ không gian làm việc, bố trí hướng di chuyển hợp lý cho nguyên liệu, sản phẩm, nhân viên. Nền nhà không thấm nước, không bong tróc, không có kẽ nứt, dễ dàng vệ sinh.
Phương pháp đánh giá: Quan sát hiện trạng nhà xưởng, sơ đồ nhà xưởng và tài liệu kiểm soát liên quan.
Ghi chú: Về việc xây dựng vững chắc là trần nhà, máng thoát nước không bị dột.
b) Tường, trần, vách ngăn, cửa bảo đảm yêu cầu về kiểm soát chất lượng, an toàn sinh học
Yêu cầu: Trần không bị dột, tường, vách ngăn, sàn nhẵn, không bong tróc, dễ dàng làm sạch, thiết kế giảm bụi bám và đọng nước. Các cửa, quạt thông gió thông ra bên ngoài phải có biện pháp kiểm soát côn trùng và động vật gây hại.
Phương pháp đánh giá: Quan sát hiện trường.
c) Khu chứa trang thiết bị, nguyên liệu vật liệu, thành phẩm bảo đảm không nhiễm chéo lẫn nhau và bảo đảm theo yêu cầu bảo quản của nhà sản xuất, cung cấp.
Yêu cầu: Các khu chứa nguyên liệu cấu thành sản phẩm, bao bì, linh phụ kiện cho thiết bị, hóa chất hỗ trợ sản xuất (chất tẩy rửa, dầu mỡ bôi trơn, xăng dầu, hóa chất dạng hơi, ...) phải ngăn cách vật lý để tránh việc nhiễm chéo các dị vật, hóa chất vào nguyên liệu ảnh hưởng đến chất lượng và an toàn cho sản phẩm. Đối với khu lưu trữ nguyên liệu bay hơi cần thiết kế thông thoáng và có thông gió. Đối với mỗi loại nguyên vật liệu cần đảm bảo điều kiện bảo quản đúng kỹ thuật theo yêu cầu bảo quản của nhà sản xuất, cung cấp, không ảnh hưởng đến chất lượng trong quá trình lưu trữ (Ví dụ: Nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, ...).
Phương pháp đánh giá: Quan sát hiện trường về việc bố trí, phân bố các khu vực, kho chứa. Xem xét hồ sơ kỹ thuật của nguyên liệu, sản phẩm (tiêu chuẩn công bố áp dụng, nhãn hàng hóa, tài liệu đính kèm, ...) để xác định sự phù hợp.
Ghi chú: Ngăn cách vật lý là bao hàm việc sử dụng tường, vách ngăn hoặc là sự ngăn cách không gian đủ để ngăn ngừa nguy cơ nhiễm chéo.
d) Trang thiết bị tiếp xúc với nguyên liệu, thành phẩm bảo đảm yêu cầu về kiểm soát chất lượng, an toàn sinh học
Yêu cầu: Bề mặt trang thiết bị tiếp xúc với nguyên liệu, thành phẩm được làm từ vật liệu phù hợp, chống thấm, không gỉ sét, không bị ăn mòn, có thể vệ sinh sạch sẽ, không có khả năng thôi nhiễm kim loại nặng vào nguyên liệu, sản phẩm. Trường hợp sử dụng cùng dây chuyền, thiết bị để sản xuất nhiều loại sản phẩm khác nhau phải thực hiện kiểm soát để đảm bảo ngăn ngừa nhiễm chéo giữa các nhóm sản phẩm khác nhau.
Phương pháp đánh giá: Quan sát hiện trường, xem xét tài liệu kỹ thuật liên quan đến bề mặt thiết bị, dụng cụ. Xem xét hồ sơ kiểm tra, vệ sinh.
đ) Thiết bị thu gom và xử lý chất thải không gây ô nhiễm môi trường khu vực sản xuất
Yêu cầu: Trang bị các loại thùng rác phù hợp để phân loại rác (rác thải sinh hoạt, tái chế và nguy hại), thùng chứa rác thải nguy hại phải có nắp đậy kín sau khi sử dụng. Nơi chứa rác thải tách biệt với khu vực sản xuất. Nơi chứa rác thải nguy hại phải được để riêng và có khóa.
Phương pháp đánh giá: Quan sát hiện trường; xem xét hồ sơ, tài liệu về nhận diện, phân loại rác thải.
e) Trường hợp cơ sở sản xuất sinh khối vi sinh vật để sản xuất chế phẩm sinh học vi sinh vật phải có thiết bị tạo môi trường, lưu giữ và nuôi cấy vi sinh vật.
Yêu cầu: Phải có thiết bị tạo môi trường, lưu giữ và nuôi cấy vi sinh vật phục vụ sản xuất như: Cân kỹ thuật, máy lắc, nồi hấp tiệt trùng, tủ ấm, tủ sấy, máy lắc nhu động, lò vi sóng, tủ cấy vi sinh vật, tủ lạnh, nồi lên men hoặc thiết bị lên men.
Phương pháp đánh giá: Quan sát thực tế và xem xét các thông tin kỹ thuật, tình trạng của thiết bị để đánh giá sự phù hợp.
4. Có phòng thử nghiệm hoặc thuê hoặc mượn phòng thử nghiệm đủ năng lực để kiểm tra chất lượng trong quá trình sản xuất.
Yêu cầu:
- Phòng thử nghiệm (phòng chất lượng) để kiểm soát chất lượng công đoạn sản xuất, cho từng lô nguyên liệu, thành phẩm; người thực hiện phải có năng lực, chuyên môn phù hợp về kiểm tra chất lượng; phải có các tiêu chuẩn chất lượng rõ ràng. Các kết quả kiểm tra chất lượng công đoạn phải được ghi chép lưu trữ cho từng lô hàng.
- Đối với thử nghiệm định kỳ (chỉ tiêu và tần suất kiểm tra phải được nêu cụ thể cho từng loại sản phẩm; tần suất kiểm tra phù hợp với năng lực kiểm soát trong từng công đoạn và số lượng, sản lượng sản phẩm sản xuất; tần suất kiểm tối thiểu 01 lần/12 tháng) để kiểm tra thẩm tra, xác nhận chất lượng an toàn phải thực hiện tại phòng thử nghiệm độc lập đủ năng lực: Phòng thử nghiệm được chỉ định hoặc đã đăng ký hoạt động theo quy định của pháp luật.
- Phương pháp đánh giá: Quan sát hiện trường phòng thử nghiệm, hồ sơ hiệu chuẩn thiết bị ...., hồ sơ năng lực của nhân viên (bằng cấp, chứng chỉ đào tạo). Hồ sơ, tài liệu kiểm soát chất lượng nguyên liệu, thành phẩm.
5. Xây dựng và áp dụng hệ thống kiểm soát chất lượng, an toàn sinh học
a) Kiểm soát chất lượng nước phục vụ sản xuất
Yêu cầu: Các yêu cầu về chất lượng nước phải đạt yêu cầu chất lượng, an toàn, phù hợp với sản phẩm. Chỉ tiêu chất lượng, tần suất và kế hoạch kiểm soát phải được cụ thể bằng văn bản, được người có thẩm quyền phê duyệt.
Phương pháp đánh giá: Xem xét các văn bản quy định, tài liệu về kiểm soát chất lượng nước.
Ghi chú: Người có thẩm quyền là chủ cơ sở hoặc người được chủ cơ sở phân công và chịu trách nhiệm phê duyệt.
b) Kiểm soát nguyên liệu
Yêu cầu: Các yêu cầu về kiểm soát nguyên liệu phải được cụ thể bằng văn bản và được người có thẩm quyền phê duyệt, đảm bảo các nội dung sau:
- Nguyên liệu không được chứa chất bị cấm.
- Chỉ tiêu chất lượng, an toàn của nguyên liệu và tần suất kiểm soát phải đạt yêu cầu chất lượng, an toàn, phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng.
- Nguyên liệu không phù hợp với thông số kỹ thuật phải được kiểm soát tránh sử dụng sai mục đích.
- Phải có biện pháp kiểm soát phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng theo từng lô trong trường hợp nguyên liệu được cung cấp từ cơ sở không thuộc đối tượng phải cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện theo quy định.
- Nguyên liệu nhập vào phải kiểm tra và xác nhận sự phù hợp về xuất xứ, chất lượng như: Hạn sử dụng, giấy tờ xuất xứ, chất lượng (CO, CA), cảm quan về chất lượng hoặc kiểm tra các chỉ tiêu độ ẩm hoặc tạp chất.
- Nguyên liệu phải sắp xếp cách ly với mặt đất, tường; có nhận diện từng lô đảm bảo có thể truy xuất; dễ dàng cho việc nhập trước xuất trước, nhập sau xuất sau.
Phương pháp đánh giá: Xem xét các văn bản quy định, tài liệu về kiểm soát nguyên liệu.
c) Kiểm soát bao bì
Yêu cầu: Các yêu cầu về kiểm soát bao bì phải được cụ thể bằng văn bản và được người có thẩm quyền phê duyệt, đảm bảo các nội dung sau:
- Chất liệu bao bì tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm phải phù hợp với đặc tính kỹ thuật của sản phẩm, không thôi nhiễm kim loại nặng hoặc các chất độc hại vào sản phẩm.
- Bao bì phải sắp xếp theo từng lô, loại bao bì và nhận diện rõ ràng.
- Bao bì không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật phải được kiểm soát để tránh sử dụng sai mục đích.
Phương pháp đánh giá: Xem xét các văn bản quy định, tài liệu về kiểm soát bao bì và quan sát hiện trường lưu trữ bao bì.
d) Kiểm soát thành phẩm
Yêu cầu: Các yêu cầu về kiểm soát thành phẩm phải được cụ thể bằng văn bản và được người có thẩm quyền phê duyệt, đảm bảo các nội dung:
- Thành phẩm được kiểm tra xác nhận chất lượng theo tiêu chuẩn công bố áp dụng trước khi thông qua, có hồ sơ kiểm tra, được ghi chép và phê duyệt của người có thẩm quyền.
- Thành phẩm được lưu trữ bảo quản trong kho tránh tác động môi trường ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, sắp xếp theo từng lô hàng để dễ dàng cho việc truy xuất.
- Thành phẩm phải được kiểm tra trước khi xuất (Hạn sử dụng, cảm quan tình trạng bên ngoài như bục rách, biến dạng, bẩn,...).
- Thành phẩm sắp xếp cách ly với mặt đất, tường; có nhận diện từng lô đảm bảo có thể truy xuất, dễ dàng cho việc nhập trước xuất trước, nhập sau xuất sau.
Phương pháp đánh giá: Kiểm tra hồ sơ cho các lô thành phẩm đã xuất đi và dữ liệu hàng hóa tồn kho.
đ) Kiểm soát quá trình sản xuất
Yêu cầu: Các yêu cầu và nội dung kiểm soát quá trình sản xuất phải được cụ thể bằng văn bản và được người có thẩm quyền phê duyệt, đảm bảo các nội dung sau:
- Các yêu cầu đầu vào cho hoạt động sản xuất phải đảm bảo bao gồm: Con người có năng lực, máy móc thiết bị luôn trong trạng thái phù hợp, phương pháp sản xuất hợp lý, nguyên liệu đầu vào đạt yêu cầu.
- Phải có sẵn các tiêu chuẩn kỹ thuật cần đạt được của sản phẩm cụ thể bằng văn bản. Các chỉ tiêu về an toàn theo quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
- Sẵn có thiết bị đo lường đã được kiểm định, hiệu chuẩn, hiệu chỉnh theo quy định.
- Phải có hồ sơ ghi chép từng công đoạn sản xuất về thời gian, số lượng, loại sản phẩm sản xuất, bao gồm cả việc nhập nguyên liệu cho sản xuất.
Phương pháp đánh giá: Quan sát hiện trường, kiểm tra hồ sơ lô, hồ sơ công bố tiêu chuẩn áp dụng.
e) Kiểm soát tái chế
Yêu cầu: Các yêu cầu và nội dung kiểm soát tái chế phải được cụ thể bằng văn bản và được người có thẩm quyền phê duyệt, đảm bảo các nội dung sau:
- Sản phẩm, bán thành phẩm tái chế phải được để khu riêng.
- Sản phẩm, bán thành phẩm tái chế vẫn còn hạn sử dụng, không chứa chất cấm, phải duy trì được sự an toàn, chất lượng, khả năng truy xuất.
- Phải có quy định tỷ lệ tái chế và có hồ sơ ghi nhận tỷ lệ hàng tái chế trong hồ sơ sản xuất cho lô sản phẩm.
- Các sản phẩm không thể tái chế phải được xử lý phù hợp với quy định của pháp luật như: Chuyển mục đích sử dụng, tiêu huỷ, ...
- Trường hợp chuyển mục đích sử dụng: Phải có phương án chuyển mục đích sử dụng đáp ứng quy định của pháp luật về sản phẩm sau khi chuyển đổi, đảm bảo tránh sử dụng sai mục đích sau khi chuyển đổi.
Phương pháp đánh giá: Xem xét các hồ sơ ghi nhận liên quan đến hàng lỗi, cách thức xử lý hàng lỗi trong việc đem tái chế cho từng lô hàng. Quan sát hiện trường khu vực quy định để hàng tái chế. Hồ sơ, tài liệu liên quan khác.
g) Lưu mẫu thành phẩm
Yêu cầu: Các yêu cầu và nội dung kiểm soát lưu mẫu phải được cụ thể bằng văn bản và được người có thẩm quyền phê duyệt, đảm bảo các nội dung sau:
- Mỗi lô hàng cần lưu một lượng mẫu đủ để phân tích theo tiêu chuẩn kỹ thuật công bố áp dụng và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng.
- Mẫu lưu được đóng gói để duy trì điều kiện bảo quản giống với hướng dẫn bảo quản sản phẩm khi lưu hành trên thị trường.
- Mẫu lưu phải có tem nhãn ghi rõ tên sản phẩm, lô (hoặc ngày sản xuất), hạn sử dụng để đảm bảo hoạt động truy xuất. Các sản phẩm lưu cần nhận diện rõ ràng, dễ tìm dễ kiểm tra.
- Thời gian lưu mẫu không thấp hơn hạn sử dụng của sản phẩm.
- Thực hiện theo dõi tình trạng mẫu lưu trong suốt quá trình lưu mẫu.
Phương pháp đánh giá: Quan sát khu sắp xếp lưu mẫu, tem nhãn nhận diện. Xem xét hồ sơ ghi chép về ngày lưu mẫu, thời gian hủy mẫu, đánh giá tình trạng trong suốt thời gian lưu.
h) Kiểm định, hiệu chuẩn, hiệu chỉnh thiết bị
Yêu cầu: Các yêu cầu và nội dung kiểm soát phải được cụ thể bằng văn bản và được người có thẩm quyền phê duyệt, đảm bảo các nội dung sau:
- Lập danh mục thiết bị và kế hoạch kiểm định, hiệu chuẩn, hiệu chỉnh định kỳ (nội bộ hoặc bên ngoài).
- Nhận diện trạng thái cho các thiết bị đo lường (Tem nhãn hiệu chuẩn, thiết bị hỏng).
- Kiểm soát thiết bị hỏng, chưa được kiểm định, hiệu chuẩn, hiệu chỉnh để tránh sử dụng sai mục đích.
Phương pháp đánh giá: Xem xét kế hoạch hiệu chuẩn, hiệu chỉnh định kỳ; Quan sát tem nhãn hiệu chuẩn được gắn lên thiết bị hoặc hồ sơ hiệu chuẩn đi kèm với thiết bị. Nếu thiết bị đo lường tự hiệu chuẩn nội bộ thì kiểm tra bộ chuẩn có được kiểm định hay không.
i) Kiểm soát động vật gây hại
Yêu cầu: Các yêu cầu và nội dung kiểm soát phải được cụ thể bằng văn bản và được người có thẩm quyền phê duyệt, đảm bảo các nội dung sau:
- Nhà xưởng, kho nguyên liệu, kho thành phẩm, khu vực sản xuất phải có biện pháp kiểm soát động vật gây hại (được lắp mành, lưới, bẫy chuột, đèn diệt côn trùng …). Lập danh mục hoá chất diệt côn trùng và động vật gây hại sử dụng trong nhà xưởng; kiểm soát hoá chất cấm sử dụng có trong hoá chất diệt côn trùng và động vật gây hại.
Phương pháp đánh giá: Xem xét danh mục hoá chất diệt côn trùng; quan sát hiện trường về sự hiện diện có hay không côn trùng, động vật gây hại trong nhà xưởng, kho (có thể quan sát gián tiếp qua việc xuất hiện phân gián, phân chuột...)
k) Vệ sinh nhà xưởng
Yêu cầu: Các yêu cầu và nội dung kiểm soát phải được cụ thể bằng văn bản và được người có thẩm quyền phê duyệt, đảm bảo các nội dung sau:
- Quy định các phương pháp vệ sinh, tần suất, hóa chất vệ sinh (nếu có) cho từng khu vực, bề mặt tiếp xúc sản phẩm. Có danh mục hoá chất vệ sinh để kiểm soát hoá chất cấm sử dụng.
Phương pháp đánh giá: Quan sát hiện trường về tình trạng vệ sinh, xem xét tài liệu quy định vệ sinh (tần suất, phương pháp); danh sách hoá chất vệ sinh. Xem xét hồ sơ kiểm tra vệ sinh định kỳ.
l) Thu gom và xử lý chất thải
Yêu cầu: Các yêu cầu và nội dung kiểm soát phải được cụ thể bằng văn bản và được người có thẩm quyền phê duyệt, đảm bảo các nội dung sau:
- Có quy định khu vực thu gom rác; quy định tần suất di chuyển rác ra khỏi khu vực sản xuất, kho (tối thiểu theo ngày) về khu tập kết.
- Xử lý hoặc thuê cơ sở xử lý chất thải có năng lực theo quy định của pháp luật.
Phương pháp đánh giá: Quan sát hiện trường về bố trí chỗ để rác, phân loại rác, xác nhận thực tế về tần suất di chuyển rác khỏi nhà xưởng; xem xét các hồ sơ về xử lý rác thải.
6. Nhân viên kỹ thuật được đào tạo về nuôi trồng thủy sản, bệnh học thủy sản, sinh học, hóa học hoặc công nghệ thực phẩm
Yêu cầu: Có bằng cấp xác nhận được đào tạo về nuôi trồng thủy sản, bệnh học thủy sản, sinh học, hóa học hoặc công nghệ thực phẩm. Có hợp đồng lao động với nhân viên kỹ thuật.
Phương pháp đánh giá: Xem xét hợp đồng lao động, hồ sơ bằng cấp, chứng chỉ liên quan, phỏng vấn về sự am hiểu hoạt động kiểm soát cho sản phẩm.
II. KIỂM TRA DUY TRÌ ĐIỀU KIỆN, NGOÀI CÁC CHỈ TIÊU TẠI MỤC I, PHẢI ĐÁNH GIÁ CÁC CHỈ TIÊU SAU
7. Áp dụng hệ thống kiểm soát chất lượng, an toàn sinh học trong quá trình sản xuất
Yêu cầu: Các yêu cầu trong kiểm soát chất lượng, an toàn sinh học trong quá trình sản xuất tại mục 5 được áp dụng và lưu trữ đầy đủ tại cơ sở sản xuất (gồm các sản phẩm tự công bố, các sản phẩm do cơ sở khác công bố nhưng được sản xuất tại cơ sở kiểm tra). Nội dung kiểm tra phải được ghi cụ thể theo từng chỉ tiêu trong biên bản kiểm tra theo hướng dẫn đánh giá đối với mục 5.
Trong thời gian duy trì, nếu cơ sở cập nhật, bổ sung hoặc sửa đổi quy trình kiểm soát phù hợp với hệ thống quản lý chất lượng như: ISO 9001, ISO 22000,... Quy trình kiểm soát phải phù hợp với các yêu cầu nêu tại mục 5.
Phương pháp đánh giá: Kiểm tra hồ sơ, tài liệu và kiểm tra hiện trường, cụ thể:
- Nội dung kiểm tra nêu cụ thể trong từng mục: Nước phục vụ sản xuất; nguyên liệu, bao bì, thành phẩm; quá trình sản xuất; tái chế; lưu mẫu; kiểm định, hiệu chuẩn, hiệu chỉnh thiết bị; kiểm soát động vật gây hại; vệ sinh nhà xưởng, thu gom và xử lý chất thải.
- Đối với hồ sơ, tài liệu có tần suất kiểm soát trên hoặc bằng 03 tháng/lần (Thử nghiệm, kiểm định, hiệu chuẩn, xử lý chất thải,...) kiểm tra 100% hồ sơ trong thời gian duy trì.
- Đối với hồ sơ tài liệu có tần suất kiểm soát dưới 03 tháng/lần, hồ sơ lô, thực hiện kiểm tra như sau: Kiểm tra tối thiểu hồ sơ của 03 lô sản xuất đối với cơ sở có thời hạn duy trì 12 tháng; kiểm tra tối thiểu hồ sơ của 05 lô sản xuất (02 lô sản xuất cho 12 tháng trước và 03 lô sản xuất cho 12 tháng sau) đối với cơ sở có thời hạn duy trì 24 tháng.
- Trong trường hợp có dấu hiệu vi phạm, có thể thực hiện kiểm tra hồ sơ của tất cả các lô hàng liên quan đến dấu hiệu vi phạm.
- Trong thời gian duy trì, nếu cơ sở cập nhật, bổ sung hoặc sửa đổi quy trình kiểm soát phù hợp với hệ thống quản lý chất lượng áp dụng. Phải xem xét, đánh giá sự phù hợp của nội dung cập nhật, bổ sung hoặc sửa đổi với yêu cầu nêu tại mục 5. Hồ sơ, tài liệu áp dụng phù hợp với thời điểm cập nhật, bổ sung, sửa đổi quy trình kiểm soát.
8. Thực hiện công bố tiêu chuẩn áp dụng; công bố hợp quy theo quy định
Yêu cầu: Có đầy đủ hồ sơ công bố tiêu chuẩn áp dụng, công bố hợp quy cho từng sản phẩm.
Phương pháp đánh giá: Kiểm tra các sản phẩm đã sản xuất, lưu thông; kiểm tra hồ sơ công bố tiêu chuẩn áp dụng, công bố hợp quy cho từng loại sản phẩm; đánh giá sự phù hợp của hồ sơ lưu trữ, cập nhật và sản phẩm thực tế.
9. Thực hiện ghi nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật về ghi nhãn hàng hóa
Yêu cầu: Thông tin ghi trên nhãn sản phẩm phải đúng quy định hiện hành về nhãn hàng hóa.
Phương pháp đánh giá: Kiểm tra nhãn sản phẩm đã sản xuất, lưu thông; đối chiếu quy định về nhãn hàng hóa và tiêu chuẩn công bố áp dụng để đánh giá sự phù hợp của việc ghi nhãn.
10. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng sản phẩm do mình sản xuất; xử lý, thu hồi hoặc tiêu hủy sản phẩm không bảo đảm chất lượng theo quy định của pháp luật; bồi thường thiệt hại gây ra cho người mua, người nuôi trồng thủy sản
Yêu cầu: Các vi phạm về chất lượng phải được xử lý, thu hồi, khắc phục hậu quả và tuân thủ đầy đủ theo quy định.
Phương pháp đánh giá: Kiểm tra hồ sơ, quyết định xử lý vi phạm hành chính; đối chiếu với các hồ sơ, hiện trạng khắc phục của cơ sở.
11. Gửi thông tin sản phẩm đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định trước khi lưu thông sản phẩm trên thị trường
Yêu cầu: Các sản phẩm trước khi lưu thông trên thị trường phải được gửi thông tin về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Cục Thủy sản) theo quy định.
Phương pháp đánh giá: Kiểm tra thông tin sản phẩm đã gửi về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đối chiếu các hồ sơ sản phẩm và sản phẩm thực tế đang sản xuất, lưu thông để đánh giá.
12. Chấp hành việc thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật
Yêu cầu: Cơ sở được thanh tra, kiểm tra phải phối hợp và chấp hành đúng quy định.
Phương pháp đánh giá: Đánh giá thông qua việc chấp hành các quy định của pháp luật và phối hợp với cơ quan nhà nước trong thanh tra, kiểm tra.
Mẫu số 09
I. MẪU GIẤY CHỨNG NHẬN:
CƠ QUAN CẤP TRÊN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
GIẤY CHỨNG NHẬN
Đủ điều kiện sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản
Số: TSAABBBB(2)
Tên cơ sở:…………………………………………………………………………………………
Địa chỉ trụ sở: …………………………………………………………………………………….
Số điện thoại: …………………………….…………… Số Fax: …………………………….…
Địa chỉ sản xuất: ………………………………………………………………………………….
Số điện thoại: ………………………………………… Số Fax: ……………………………..…
Được chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất(1):
………………………………………………………………………………………………………
………………………………………………………………………………………………………
Hiệu lực Giấy chứng nhận đủ điều kiện: Không thời hạn
Cấp lần đầu ngày ……/……/……; cấp lại hoặc thay đổi lần thứ … ngày..../..../.... theo Quyết định số..../....-.... ngày .../..../.... của (tên cơ quan cấp) |
……., ngày ... tháng .... năm .... |
Ghi chú:
(1) Ghi rõ điều kiện sản xuất theo từng nhóm, loại, dạng sản phẩm:
Thức ăn thủy sản
- Thức ăn hỗn hợp (ghi cụ thể nhóm sản phẩm theo loài thủy sản sử dụng)
+ Thức ăn hỗn hợp cho giáp xác (tôm, cua, ...).
+ Thức ăn hỗn hợp cho cá, ếch, lươn, ...
+ Thức ăn hỗn hợp cho động vật thủy sản làm cảnh.
+ Thức ăn hỗn hợp khác (thức ăn cho con giống và ấu trùng động vật thủy sản, thức ăn nuôi vỗ thủy sản bố mẹ, mồi câu ....).
- Thức ăn bổ sung (ghi cụ thể nhóm, dạng sản phẩm):
+ Hỗn hợp khoáng, vitamin, ...
+ Chế phẩm sinh học, vi sinh vật.
+ Thức ăn bổ sung khác (ghi cụ thể loại (phụ gia, chất tạo màu, ...)).
- Thức ăn tươi, sống (ghi cụ thể tên loài sinh vật sử dụng làm thức ăn tươi sống, dạng sản phẩm).
- Nguyên liệu: ghi cụ thể nhóm, loại nguyên liệu.
Sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản
- Chế phẩm sinh học, vi sinh vật (ghi cụ thể dạng sản phẩm)
- Hóa chất (ghi cụ thể dạng sản phẩm)
- Chất xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản (bao gồm: khoáng chất tự nhiên, khoáng nhân tạo, hỗn hợp khoáng, vitamin, ...) (ghi cụ thể loại, dạng sản phẩm).
- Sản phẩm khác (ghi cụ thể loại, dạng sản phẩm).
Sản phẩm sử dụng cho cả 2 mục đích: bổ sung thức ăn và xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản (ghi cụ thể loại, dạng sản phẩm)
- Chế phẩm sinh học, vi sinh vật.
- Hỗn hợp khoáng, vitamin,...
(2) Quy định cấp số Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản:
- Mỗi số chỉ cấp duy nhất cho một cơ sở và cấp liên tiếp, lần lượt.
- Trường hợp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất được thu hồi, số Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất không sử dụng để cấp cho cơ sở khác. Chỉ cấp lại cho cơ sở trước đó đã được cấp khi đủ điều kiện.
- Số Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất có cấu trúc như sau: TSAABBBB
+ “TS” thể hiện nhóm sản phẩm thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản.
+ “AA” gồm 2 chữ số la tinh thể hiện mã của cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, cụ thể như sau:
++ Cục Thủy sản có mã số 00
++ Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
STT |
Tên đơn vị hành chính |
Mã số |
STT |
Tên đơn vị hành chính |
Mã số |
1 |
Thành phố Hà Nội |
01 |
33 |
Tỉnh Quảng Nam |
49 |
2 |
Tỉnh Hà Giang |
02 |
34 |
Tỉnh Quảng Ngãi |
51 |
3 |
Tỉnh Cao Bằng |
04 |
35 |
Tỉnh Bình Định |
52 |
4 |
Tỉnh Bắc Kạn |
06 |
36 |
Tỉnh Phú Yên |
54 |
5 |
Tỉnh Tuyên Quang |
08 |
37 |
Tỉnh Khánh Hòa |
56 |
6 |
Tỉnh Lào Cai |
10 |
38 |
Tỉnh Ninh Thuận |
58 |
7 |
Tỉnh Điện Biên |
11 |
39 |
Tỉnh Bình Thuận |
60 |
8 |
Tỉnh Lai Châu |
12 |
40 |
Tỉnh Kon Tum |
62 |
9 |
Tỉnh Sơn La |
14 |
41 |
Tỉnh Gia Lai |
64 |
10 |
Tỉnh Yên Bái |
15 |
42 |
Tỉnh Đắk Lắk |
66 |
11 |
Tỉnh Hoà Bình |
17 |
43 |
Tỉnh Đắk Nông |
67 |
12 |
Tỉnh Thái Nguyên |
19 |
44 |
Tỉnh Lâm Đồng |
68 |
13 |
Tỉnh Lạng Sơn |
20 |
45 |
Tỉnh Bình Phước |
70 |
14 |
Tỉnh Quảng Ninh |
22 |
46 |
Tỉnh Tây Ninh |
72 |
15 |
Tỉnh Bắc Giang |
24 |
47 |
Tỉnh Bình Dương |
74 |
16 |
Tỉnh Phú Thọ |
25 |
48 |
Tỉnh Đồng Nai |
75 |
17 |
Tỉnh Vĩnh Phúc |
26 |
49 |
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu |
77 |
18 |
Tỉnh Bắc Ninh |
27 |
50 |
Thành phố Hồ Chí Minh |
79 |
19 |
Tỉnh Hải Dương |
30 |
51 |
Tỉnh Long An |
80 |
20 |
Thành phố Hải Phòng |
31 |
52 |
Tỉnh Tiền Giang |
82 |
21 |
Tỉnh Hưng Yên |
33 |
53 |
Tỉnh Bến Tre |
83 |
22 |
Tỉnh Thái Bình |
34 |
54 |
Tỉnh Trà Vinh |
84 |
23 |
Tỉnh Hà Nam |
35 |
55 |
Tỉnh Vĩnh Long |
86 |
24 |
Tỉnh Nam Định |
36 |
56 |
Tỉnh Đồng Tháp |
87 |
25 |
Tỉnh Ninh Bình |
37 |
57 |
Tỉnh An Giang |
89 |
26 |
Tỉnh Thanh Hóa |
38 |
58 |
Tỉnh Kiên Giang |
91 |
27 |
Tỉnh Nghệ An |
40 |
59 |
Thành phố Cần Thơ |
92 |
28 |
Tỉnh Hà Tĩnh |
42 |
60 |
Tỉnh Hậu Giang |
93 |
29 |
Tỉnh Quảng Bình |
44 |
61 |
Tỉnh Sóc Trăng |
94 |
30 |
Tỉnh Quảng Trị |
45 |
62 |
Tỉnh Bạc Liêu |
95 |
31 |
Tỉnh Thừa Thiên Huế |
46 |
63 |
Tỉnh Cà Mau |
96 |
32 |
Thành phố Đà Nẵng |
48 |
|
|
|
+ “BBBB” gồm 4 chữ số từ 0001 đến 9999, là số thứ tự cơ sở được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất.
II. MẪU QUYẾT ĐỊNH CẤP, CẤP LẠI HOẶC THU HỒI GIẤY CHỨNG NHẬN:
CƠ QUAN CẤP TRÊN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: …/QĐ-…… |
……, ngày ... tháng ... năm ... |
QUYẾT ĐỊNH
Cấp, cấp lại (hoặc thu hồi)* giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản
THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN RA QUYẾT ĐỊNH………
Căn cứ Quyết định …. quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của…………..;
Căn cứ Nghị định số…... /NĐ-CP ngày ... tháng ....năm .... của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản;
Căn cứ Biên bản kiểm tra điều kiện sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản số…../BB-ĐKSX….;
Theo đề nghị của ………………………
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Cấp, cấp lại (hoặc thu hồi)* giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, cụ thể:
1. Tên cơ sở: …………………..
2. Địa chỉ sản xuất: …………………..
3. Đủ điều kiện sản xuất hoặc bổ sung, điều chỉnh (hoặc thu hồi Giấy chứng nhận số.... ngày...tháng... năm....)*: Chi tiết tại Phụ lục kèm theo.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. ………..; Thủ trưởng các đơn vị liên quan; Công ty ……. chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: |
THỦ TRƯỞNG |
Ghi chú: (*) Gạch bỏ nội dung không phù hợp với thực tế.
Phụ lục
NỘI DUNG CHỨNG NHẬN ĐỦ ĐIỀU KIỆN SẢN XUẤT THỨC ĂN THỦY SẢN, SẢN PHẨM XỬ LÝ MÔI TRƯỜNG NUÔI TRỒNG THỦY SẢN
(Kèm theo Quyết định số .../QĐ…. ngày ... tháng ... năm … của ……..…)
1. Số Giấy chứng nhận:
2. Cấp lần đầu hoặc cấp lại (thay đổi, bổ sung):
3. Nội dung chứng nhận:
TT |
Loại sản phẩm |
Số dây chuyền, thiết bị (*) |
Thời hạn kiểm tra duy trì (12 tháng/ 24 tháng) |
Dạng sản phẩm, công suất thiết kế |
Ghi chú (nội dung thay đổi, bổ sung) |
|
Dạng sản phẩm |
Công suất thiết kế (tấn/năm hoặc m3/năm) |
|||||
1 |
Thức ăn hỗn hợp |
|
|
|
|
|
- |
|
|
|
|
|
|
- |
|
|
|
|
|
|
2 |
Sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản |
|
|
|
|
|
- |
|
|
|
|
|
|
- |
|
|
|
|
|
|
* Trường hợp cùng một dây chuyền, thiết bị để sản xuất nhiều nhóm sản phẩm có cùng bản chất, dạng sản phẩm nêu cụ thể số lượng dây chuyền, thiết bị và công suất tối đa vào từng ô tương ứng với nhóm sản phẩm và ghi chú những dây chuyền sử dụng chung dưới Bảng này.
Mẫu số 10
TÊN CÁ NHÂN/TÊN TỔ CHỨC |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số:…… |
…., ngày ... tháng ... năm ... |
ĐƠN ĐĂNG KÝ NHẬP KHẨU
Thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản để trưng bày tại hội chợ, triển lãm/để nghiên cứu*
Kính gửi: ………………………
Tên cơ sở:…………………………………………………………………………………………
Địa chỉ: …………………………………..…………………………………………………………
Số điện thoại: ………………….……Số Fax: …….………….Email: ………………………….
1. Đề nghị nhập khẩu thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản sau đây để giới thiệu hội chợ, triển lãm (hoặc nghiên cứu)(*):
TT |
Tên sản phẩm |
Khối lượng |
Bản chất, công dụng |
Dạng, màu |
Quy cách bao gói |
Hãng, nước sản xuất |
1 |
|
|
|
|
|
|
2 |
|
|
|
|
|
|
3 |
|
|
|
|
|
|
… |
|
|
|
|
|
|
2. Thời gian nhập: …………………………………..……………………
3. Cửa khẩu nhập: …………………………………..……………………
4. Thời gian, địa điểm trưng bày tại hội chợ, triển lãm (hoặc nghiên cứu)(*):
…………………………………..…………………………………………………………………
5. Phương án xử lý mẫu sau hội chợ, triển lãm (hoặc nghiên cứu) (**):
…………………………………..…………………………………………………………………
Chúng tôi cam kết thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật hiện hành có liên quan về thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản.
|
CHỦ CƠ SỞ/THỦ TRƯỞNG |
(*): Ghi rõ một mục đích đăng ký (trưng bày tại hội chợ, triển lãm hoặc nghiên cứu);
(**): Không sử dụng sản phẩm sau hội chợ, triển lãm hoặc nghiên cứu để nuôi trồng thủy sản.
Mẫu số 11
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: ……/GPNK-TS…. |
….., ngày ... tháng ... năm .... |
GIẤY PHÉP NHẬP KHẨU
Thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản
Căn cứ Quyết định ………….….. (văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ);
Căn cứ Nghị định số ……/……./NĐ-CP ngày ... tháng ... năm của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản;
Xét đơn đề nghị nhập khẩu số ….. ngày … tháng … năm ... của (tên cơ sở đề nghị) ……………….. và hồ sơ đăng ký nhập khẩu;
Xét đề nghị của …………….(thủ trưởng đơn vị tham mưu cấp phép) ……….……..
1. Cục Thủy sản đồng ý cấp phép nhập khẩu cho …………………… (Tên cơ sở, địa chỉ của cơ sở)....... được phép nhập khẩu .... (số lượng) …………… sản phẩm để ……….…………… (ghi rõ mục đích nhập khẩu theo đề nghị của cơ sở), cụ thể:
TT |
Tên sản phẩm |
Khối lượng/ thể tích |
Bản chất, công dụng |
Dạng, màu |
Quy cách bao gói |
Hãng, nước sản xuất |
1 |
|
|
|
|
|
|
2 |
|
|
|
|
|
|
3 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
2. Thời gian nhập: ………………………………………………………………………………
3. Cửa khẩu nhập: ………………………………………………………………………………
4. Giấy phép này có giá trị đến hết ngày: …………………………………………………….
Thực hiện báo cáo khi kết thúc hội chợ, triển lãm hoặc nghiên cứu (trong thời hạn 30 ngày sau khi kết thúc hội chợ, triển lãm hoặc nghiên cứu): Số lượng đã nhập khẩu; kết quả xử lý sản phẩm khi kết thúc hội chợ, triển lãm/số lượng sản phẩm đã sử dụng trong nghiên cứu và xử lý sản phẩm khi kết thúc nghiên cứu.
Nơi nhận: |
CỤC TRƯỞNG |
Mẫu số 12
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
BIÊN BẢN
Kiểm tra điều kiện cơ sở khảo nghiệm thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản
Số: ……/BB-ĐKKN
I. THÔNG TIN CHUNG
1. Căn cứ kiểm tra, ngày kiểm tra: ……………………………………………………………
2. Tên cơ sở kiểm tra
- Địa chỉ: ……………………………………………………………………………………………
- Điện thoại: ………..………Số Fax: ……………..……Email: ……………….…..……………
- Tên và số giấy đăng ký kinh doanh/giấy phép đầu tư/Quyết định thành lập:………………
Tên cơ quan cấp: …………………………………………..…………Ngày cấp: ………………
3. Địa điểm kiểm tra:
- Địa chỉ: ………………………………………………………………………………………………………
- Số điện thoại: …………….……Số Fax: ………….…………Email: …………………………
4. Thành phần cơ sở được kiểm tra:
- Ông/bà: ……………………… Chức vụ: ……………………………………………………….
- Ông/bà: ………………………Chức vụ: ………………………………………………………..
- Ông/bà: ………………………Chức vụ: ………………………………………………………..
5. Thành phần Đoàn kiểm tra:
- Ông/bà: ……………………… Chức vụ: ………………………………………………………
- Ông/bà: ………………………Chức vụ: ……………………………………………………….
- Ông/bà: ………………………Chức vụ: ……………………………………………………….
6. Sản phẩm thực hiện khảo nghiệm:
………………………………………………………………………………………………………
………………………………………………………………………….……………………………
II. NỘI DUNG KIỂM TRA:
STT |
Nội dung kiểm tra |
Kết quả kiểm tra |
Diễn giải kết quả kiểm tra; hành động khắc phục các lỗi |
|
Đạt |
Không đạt |
|||
1 |
Có nhân viên kỹ thuật trình độ đại học trở lên về nuôi trồng thủy sản, bệnh học thủy sản hoặc sinh học |
|
|
|
2 |
Có cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật phù hợp với việc khảo nghiệm thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản |
|
|
|
a |
Có phòng thử nghiệm đủ năng lực để phân tích và đánh giá các chỉ tiêu kỹ thuật theo đề cương khảo nghiệm |
|
|
|
b |
Trường hợp khảo nghiệm trong giai đoạn sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản |
|
|
|
c |
Trường hợp khảo nghiệm trong giai đoạn nuôi thương phẩm |
|
|
|
3 |
Đáp ứng điều kiện về an toàn sinh học, bảo vệ môi trường |
|
|
|
4 |
Điều kiện khác theo yêu cầu nêu trong đề cương khảo nghiệm |
|
|
|
Tổng số |
|
|
|
|
Số chỉ tiêu đánh giá thực tế |
|
|
|
|
Số chỉ tiêu không đạt |
|
|
|
III. Ý KIẾN CỦA ĐOÀN KIỂM TRA:
………………………………………………………………………………………………………
………………………………………………………………..…………………………………….
IV. Ý KIẾN CỦA ĐẠI DIỆN CƠ SỞ: …………………………………………………………..
………………………………………………………………………………………………………
………………………………………………………………..……………………………………..
CHỦ CƠ SỞ ĐƯỢC KIỂM TRA |
TRƯỞNG ĐOÀN KIỂM TRA |
HƯỚNG DẪN KIỂM TRA ĐIỀU KIỆN KHẢO NGHIỆM THỨC ĂN THỦY SẢN, SẢN PHẨM XỬ LÝ MÔI TRƯỜNG NUÔI TRỒNG THỦY SẢN
A. NGUYÊN TẮC KIỂM TRA
1. Ghi biểu mẫu kiểm tra
- Ghi đầy đủ thông tin theo quy định trong biểu mẫu.
- Thẩm tra, đánh giá và ghi thông tin chính xác.
- Nếu sửa chữa trên nội dung đã ghi trong Biên bản, phải có chữ ký xác nhận của Trưởng đoàn kiểm tra.
2. Nguyên tắc đánh giá
- Không được bổ sung hoặc bỏ bớt nội dung.
- Kết quả đánh giá của chỉ tiêu là “Đạt” hoặc “Không đạt”.
- Dùng ký hiệu X hoặc √ đánh dấu vào các vị trí mức đánh giá đã được xác định đối với mỗi chỉ tiêu.
- Phải diễn giải chi tiết chỉ tiêu đạt và không đạt; mỗi chỉ tiêu không đạt phải ghi cụ thể lỗi và xác định thời hạn cơ sở phải khắc phục lỗi đó; mỗi chỉ tiêu đạt phải nêu rõ nội dung, bằng chứng đạt yêu cầu.
3. Chỉ tiêu áp dụng:
- Đánh giá tất cả các chỉ tiêu nêu trong biên bản. Trong trường hợp không đánh giá phải nêu rõ lý do.
- Trường hợp cơ sở đã được kiểm tra chứng nhận cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản hoặc cơ sở nuôi trồng thủy sản còn thời hạn thì không phải đánh giá lại nếu không có dấu hiệu vi phạm. Ghi cụ thể trong biên bản.
- Trường hợp cơ sở chưa được kiểm tra chứng nhận cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản hoặc cơ sở nuôi trồng thủy sản. Thực hiện kiểm tra, đánh giá các điều kiện tương ứng theo hướng dẫn kiểm tra điều kiện sản xuất giống thủy sản.
4. Ngôn ngữ sử dụng trong tài liệu phục vụ kiểm tra, đánh giá phải thể hiện bằng tiếng Việt.
B. HƯỚNG DẪN ĐÁNH GIÁ TỪNG CHỈ TIÊU
1. Có nhân viên kỹ thuật trình độ đại học trở lên về nuôi trồng thủy sản, bệnh học thủy sản hoặc sinh học
Yêu cầu: Có bằng cấp xác nhận được đào tạo về nuôi trồng thủy sản, bệnh học thủy sản, sinh học. Có hợp đồng lao động với nhân viên kỹ thuật.
Phương pháp đánh giá: Xem xét hợp đồng lao động, hồ sơ bằng cấp liên quan, phỏng vấn về sự am hiểu hoạt động kiểm soát hoạt động khảo nghiệm sản phẩm.
2. Có cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật phù hợp với việc khảo nghiệm thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản
a) Có phòng thử nghiệm đủ năng lực để phân tích và đánh giá các chỉ tiêu kỹ thuật theo đề cương khảo nghiệm
Yêu cầu:
- Có phòng thử nghiệm để kiểm soát các chỉ tiêu chất lượng an toàn của sản phẩm và các chỉ tiêu nêu trong đề cương khảo nghiệm; người thực hiện thử nghiệm phải có năng lực, chuyên môn phù hợp để thực hiện; có phương pháp thử rõ ràng và được người có thẩm quyền phê duyệt.
- Trường hợp cơ sở đã được chỉ định hoặc thừa nhận có đầy đủ các chỉ tiêu theo yêu cầu khảo nghiệm thì được miễn đánh giá và nêu cụ thể trong biên bản kiểm tra.
- Phương pháp đánh giá: Quan sát hiện trường phòng thử nghiệm, hồ sơ hiệu chuẩn thiết bị ...., hồ sơ năng lực của nhân viên (bằng cấp, chứng chỉ đào tạo). Hồ sơ, tài liệu kiểm soát quá trình khảo nghiệm.
b) Trường hợp khảo nghiệm trong giai đoạn sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản.
Yêu cầu: Đáp ứng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 24 Luật Thủy sản và khoản 1 Điều 20 Nghị định này.
Phương pháp đánh giá:
- Thừa nhận kết quả đánh giá nếu cơ sở đã được chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản.
- Thực hiện đánh giá nếu cơ sở chưa được chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản.
c) Trường hợp khảo nghiệm trong giai đoạn nuôi thương phẩm
Yêu cầu: Đáp ứng quy định tại điểm b khoản 1 Điều 38 Luật Thủy sản và khoản 1, khoản 2 Điều 34 Nghị định này.
Phương pháp đánh giá:
- Thừa nhận kết quả đánh giá nếu cơ sở đã được chứng nhận cơ sở đủ điều kiện nuôi trồng thủy sản.
- Thực hiện đánh giá nếu cơ sở chưa được chứng nhận cơ sở đủ điều kiện nuôi trồng thủy sản.
3. Đáp ứng điều kiện về an toàn sinh học, bảo vệ môi trường
Yêu cầu: Khu nuôi khảo nghiệm có biện pháp ngăn cách với các khu sản xuất giống, nuôi trồng thủy sản thương phẩm khác. Không để sản phẩm, bao bì của sản phẩm khảo nghiệm gây ô nhiễm môi trường.
Phương pháp đánh giá: Quan sát hiện trường, kiểm tra hồ sơ
4. Điều kiện khác theo yêu cầu nêu trong đề cương khảo nghiệm
Yêu cầu: Ngoài các quy định tại mục 1, 2 và 3 nêu trên, nếu đề cương khảo nghiệm có yêu cầu khác, cơ sở phải đáp ứng theo đề cương khảo nghiệm.
Phương pháp đánh giá: Quan sát hiện trường, kiểm tra hồ sơ.
Mẫu số 13
CƠ QUAN CẤP TRÊN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
BIÊN BẢN
Kiểm tra điều kiện cơ sở nuôi trồng thủy sản
Số: …../BB-ĐKNTTS
I. THÔNG TIN CHUNG
1. Căn cứ kiểm tra, ngày kiểm tra: ………………………………………………………………………
2. Thành phần Đoàn kiểm tra:
- Ông/bà: ……………………….. Chức vụ: ……………………………………………………
- Ông/bà: ………………………..Chức vụ: ………………………..……………………………
3. Thông tin cơ sở kiểm tra: ………………………..…………………………………………
- Tên cơ sở: ………………………..………………………..……………………………………
- Địa chỉ: ………………………..………………………..……………………………………………………
- Số điện thoại: …………………… Số Fax: ……………Email: ………………………………
- Số Giấy đăng ký kinh doanh/số Giấy phép đầu tư/số Quyết định thành lập (nếu có): ……………………….. Cơ quan cấp: ………… Ngày cấp: ………………
- Đại diện của cơ sở: ………………………..Chức vụ: ……………………………………….
- Mã số cơ sở (nếu có): ………………………..………………………..………………………
4. Địa điểm kiểm tra:
- Địa chỉ: ………………………..………………………..……………………………………………………
- Điện thoại: ………………… Số Fax: ……………… Email: …………………………………
5. Đối tượng nuôi (nêu cụ thể từng loài thủy sản nuôi; diện tích/thể tích lồng nuôi; hình thức nuôi): ………………………..………………………..
II. NỘI DUNG KIỂM TRA
1. Áp dụng đối với kiểm tra điều kiện cơ sở nuôi trồng thủy sản trong ao (đầm/hầm), bể:
TT |
Chỉ tiêu kiểm tra |
Kết quả kiểm tra |
Diễn giải kết quả kiểm tra; hành động khắc phục lỗi |
|
Đạt |
Không đạt |
|||
1 |
Địa điểm của cơ sở nuôi trồng thủy sản |
|
|
|
2 |
Đáp ứng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường |
|
|
|
3 |
Đáp ứng quy định của pháp luật về thú y |
|
|
|
4 |
Đáp ứng quy định của pháp luật về an toàn lao động |
|
|
|
5 |
Đáp ứng quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm (không áp dụng đối với cơ sở nuôi trồng thủy sản dùng làm cảnh, mỹ nghệ, giải trí) |
|
|
|
6 |
Trang thiết bị, dụng cụ sử dụng trong nuôi trồng thủy sản |
|
|
|
7 |
Bờ ao (đầm/hầm), bể |
|
|
|
8 |
Khu chứa trang thiết bị, dụng cụ, nguyên vật liệu (áp dụng đối với cơ sở có khu chứa trang thiết bị, dụng cụ, nguyên vật liệu) |
|
|
|
9 |
Nơi chứa rác thải; nơi chứa, xử lý thủy sản chết |
|
|
|
10 |
Khu sinh hoạt, vệ sinh của cơ sở |
|
|
|
11 |
Hệ thống xử lý nước cấp, nước thải (áp dụng đối với cơ sở nuôi trồng thủy sản thâm canh, bán thâm canh) |
|
|
|
12 |
Nơi chứa bùn thải (áp dụng đối với cơ sở nuôi trồng thủy sản thâm canh, bán thâm canh) |
|
|
|
13 |
Biển cảnh báo, chỉ dẫn (áp dụng đối với cơ sở nuôi trồng thủy sản thâm canh, bán thâm canh) |
|
|
|
14 |
Giấy xác nhận nuôi đối tượng thủy sản chủ lực (áp dụng với đối tượng phải đăng ký) |
|
|
|
Số chỉ tiêu đánh giá thực tế |
|
|
|
|
Số chỉ tiêu đạt/không đạt |
|
|
|
2. Áp dụng đối với kiểm tra điều kiện cơ sở nuôi trồng thủy sản bằng lồng bè, đăng quầng:
TT |
Chỉ tiêu đánh giá |
Kết quả đánh giá |
Diễn giải kết quả kiểm tra; hành động khắc phục lỗi |
|
Đạt |
Không đạt |
|||
1 |
Địa điểm của cơ sở nuôi trồng thủy sản |
|
|
|
2 |
Đáp ứng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường |
|
|
|
3 |
Đáp ứng quy định của pháp luật về thú y |
|
|
|
4 |
Đáp ứng quy định của pháp luật về an toàn lao động |
|
|
|
5 |
Đáp ứng quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm (không áp dụng đối với cơ sở nuôi trồng thủy sản làm canh, mỹ nghệ, giải trí) |
|
|
|
6 |
Trang thiết bị, dụng cụ sử dụng trong nuôi trồng thủy sản |
|
|
|
7 |
Khung lồng, phao, lưới, đăng quầng |
|
|
|
8 |
Thiết bị cảnh báo cho hoạt động giao thông thủy |
|
|
|
9 |
Khu chứa trang thiết bị, dụng cụ, nguyên vật liệu (áp dụng đối với cơ sở có khu chứa trang thiết bị, dụng cụ, nguyên vật liệu) |
|
|
|
10 |
Nơi chứa rác thải; nơi chứa, xử lý thủy sản chết |
|
|
|
11 |
Giấy xác nhận nuôi trồng thủy sản lồng bè (áp dụng với trường hợp phải đăng ký) |
|
|
|
12 |
Giấy phép nuôi trồng thủy sản (áp dụng với trường hợp phải cấp phép) |
|
|
|
Số chỉ tiêu đánh giá thực tế |
|
|
|
|
Số chỉ tiêu đạt/không đạt |
|
|
|
III. LẤY MẪU (nếu cần):
1. Thông tin về mẫu lấy (loại mẫu, số lượng mẫu, tình trạng bao gói, bảo quản mẫu,...) ………………………..………………………..
2. Chỉ định chỉ tiêu phân tích (Biên bản lấy mẫu kèm theo): ………………………..
IV. Ý KIẾN CỦA ĐOÀN KIỂM TRA (nội dung cần khắc phục, thời gian khắc phục, báo cáo khắc phục):
………………………..………………………..……………………………………………………
………………………..………………………..………………………..…………………………..
V. Ý KIẾN CỦA ĐẠI DIỆN CƠ SỞ
………………………..………………………..……………………………………………………
………………………..………………………..………………………..…………………………..
….., ngày ... tháng... năm ….. |
..., ngày ... tháng ... năm… |
HƯỚNG DẪN KIỂM TRA ĐIỀU KIỆN CƠ SỞ NUÔI TRỒNG THỦY SẢN
A. NGUYÊN TẮC KIỂM TRA
1. Ghi biên bản kiểm tra
- Ghi đầy đủ thông tin theo quy định trong mẫu biên bản.
- Thẩm tra, đánh giá và ghi thông tin chính xác. Nếu chỉnh sửa nội dung đã ghi trong Biên bản, phải có chữ ký xác nhận của Trưởng đoàn kiểm tra.
2. Nguyên tắc đánh giá
- Không được bổ sung hoặc bỏ bớt nội dung, chỉ tiêu đánh giá. Nếu chỉ tiêu nào không đánh giá thì ghi rõ “Không đánh giá” và nêu rõ lý do.
- Kết quả đánh giá của chỉ tiêu là “Đạt” hoặc “Không đạt”.
- Dùng ký hiệu X hoặc √ đánh dấu vào ô “Đạt” hoặc “Không đạt” đối với mỗi chỉ tiêu.
- Phải diễn giải chi tiết chỉ tiêu đạt và không đạt; mỗi chỉ tiêu không đạt phải ghi cụ thể lỗi và xác định thời hạn cơ sở phải khắc phục lỗi đó; mỗi chỉ tiêu đạt phải nêu rõ nội dung, bằng chứng đạt yêu cầu.
- Ngôn ngữ sử dụng trong tài liệu phục vụ kiểm tra, đánh giá phải thể hiện bằng tiếng Việt.
B. HƯỚNG DẪN KIỂM TRA:
I. HƯỚNG DẪN KIỂM TRA ĐIỀU KIỆN CƠ SỞ NUÔI TRỒNG THỦY SẢN TRONG AO (ĐẦM/HẦM), BỂ
1. Địa điểm của cơ sở nuôi trồng thủy sản
Yêu cầu: Có văn bản chứng minh địa điểm của cơ sở nuôi trồng thủy sản đáp ứng quy định của pháp luật về sử dụng đất để nuôi trồng thủy sản (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi được giao để nuôi trồng thủy sản; hoặc hợp đồng thuê quyền sử dụng đất để nuôi trồng thủy sản; hoặc quy hoạch hoặc kế hoạch hoặc đề án hoặc chương trình/dự án về phát triển nuôi trồng thủy sản tại địa phương đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; hoặc văn bản xác nhận của cơ quan có thẩm quyền hoặc văn bản cho phép của cơ quan có thẩm quyền).
Phương pháp kiểm tra: Kiểm tra hồ sơ lưu trữ tại cơ sở hoặc tại cơ quan có thẩm quyền.
2. Đáp ứng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường
Yêu cầu: Cơ sở nuôi trồng thủy sản thực hiện kiểm tra, giám sát và ghi chép thông số môi trường ao nuôi; thu gom và xử lý chất thải, thủy sản chết theo quy định; có giấy phép môi trường hoặc đăng ký môi trường theo quy định.
Phương pháp kiểm tra: Kiểm tra hồ sơ lưu trữ tại cơ sở và kiểm tra thực tế hoạt động sản xuất.
3. Đáp ứng quy định của pháp luật về thú y
Yêu cầu: Xây dựng và triển khai kế hoạch phòng chống dịch bệnh theo hướng dẫn của cơ quan thú y.
Phương pháp kiểm tra: Kiểm tra hồ sơ lưu trữ tại cơ sở và kiểm tra thực tế hoạt động sản xuất.
4. Đáp ứng quy định của pháp luật về an toàn lao động
Yêu cầu: Người làm việc tại cơ sở được trang bị đầy đủ bảo hộ lao động theo quy định.
Phương pháp kiểm tra: Kiểm tra hồ sơ lưu trữ tại cơ sở và kiểm tra thực tế tại cơ sở.
5. Đáp ứng quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm
Yêu cầu: Có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc Bản cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn theo quy định và được kiểm tra việc thực hiện cam kết.
Phương pháp kiểm tra: Kiểm tra hồ sơ lưu trữ tại cơ sở; kiểm tra thực tế tại cơ sở (nếu cần).
6. Trang thiết bị, dụng cụ sử dụng trong nuôi trồng thủy sản
Yêu cầu: Sử dụng vật liệu dễ vệ sinh, không gây độc đối với thủy sản nuôi, không gây ô nhiễm môi trường.
Phương pháp kiểm tra: Kiểm tra thực tế tại cơ sở.
7. Bờ ao (đầm/hầm), bể
Yêu cầu: Làm bằng vật liệu không gây ô nhiễm môi trường, không gây độc hại cho thủy sản nuôi, không rò rỉ nước.
Phương pháp kiểm tra: Kiểm tra thực tế tại cơ sở.
8. Khu chứa trang thiết bị, dụng cụ, nguyên vật liệu (áp dụng đối với cơ sở có khu chứa trang thiết bị, dụng cụ, nguyên vật liệu)
Yêu cầu: Bảo đảm yêu cầu bảo quản của nhà sản xuất, nhà cung cấp.
Phương pháp kiểm tra: Kiểm tra thực tế tại cơ sở.
9. Nơi chứa rác thải; nơi chứa, xử lý thủy sản chết
Yêu cầu: Nơi chứa rác thải phải riêng biệt với nơi chứa, nơi xử lý thủy sản chết và tách biệt với khu vực nuôi, không làm ảnh hưởng đến môi trường.
Phương pháp kiểm tra: Kiểm tra thực tế tại cơ sở.
10. Khu sinh hoạt, vệ sinh của cơ sở
Yêu cầu: Nước thải, chất thải từ khu sinh hoạt, vệ sinh không làm ảnh hưởng đến khu vực nuôi.
Phương pháp kiểm tra: Kiểm tra thực tế tại cơ sở.
11. Hệ thống xử lý nước cấp, nước thải (áp dụng đối với cơ sở nuôi trồng thủy sản thâm canh, bán thâm canh)
Yêu cầu: Có hệ thống xử lý nước cấp, nước thải riêng biệt.
Phương pháp kiểm tra: Kiểm tra thực tế tại cơ sở.
12. Nơi chứa bùn thải (áp dụng đối với cơ sở nuôi trồng thủy sản thâm canh, bán thâm canh)
Yêu cầu: Nơi chứa bùn thải phù hợp và đáp ứng yêu cầu sản xuất.
Phương pháp kiểm tra: Kiểm tra thực tế tại cơ sở.
13. Biển báo, chỉ dẫn (áp dụng đối với cơ sở nuôi trồng thủy sản thâm canh, bán thâm canh)
Yêu cầu: Có biển cảnh báo, chỉ dẫn từng khu.
Phương pháp kiểm tra: Kiểm tra thực tế tại cơ sở.
14. Giấy xác nhận nuôi đối tượng thủy sản chủ lực (áp dụng với đối tượng phải đăng ký).
Yêu cầu: Có Giấy xác nhận nuôi đối tượng thủy sản chủ lực.
Phương pháp kiểm tra: Kiểm tra hồ sơ lưu trữ tại cơ sở hoặc tại cơ quan có thẩm quyền.
II. HƯỚNG DẪN KIỂM TRA ĐIỀU KIỆN CƠ SỞ NUÔI TRỒNG THỦY SẢN BẰNG LỒNG BÈ, ĐĂNG QUẦNG
1. Địa điểm của cơ sở nuôi trồng thủy sản
Yêu cầu: Có văn bản chứng minh địa điểm của cơ sở nuôi trồng thủy sản đáp ứng quy định của pháp luật về sử dụng đất/khu vực biển để nuôi trồng thủy sản (Quyết định giao khu vực biển hoặc Quyết định công nhận khu vực biển hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng khu vực biển hoặc hợp đồng thuê quyền sử dụng khu vực biển để nuôi trồng thủy sản hoặc Quy hoạch hoặc Kế hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản tại địa phương hoặc văn bản xác nhận của cơ quan có thẩm quyền hoặc văn bản cho phép của cơ quan có thẩm quyền).
Phương pháp kiểm tra: Kiểm tra hồ sơ lưu trữ tại cơ sở hoặc tại cơ quan có thẩm quyền.
2. Đáp ứng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường
Yêu cầu: Cơ sở nuôi trồng thủy sản thực hiện kiểm tra, giám sát và ghi chép thông số môi trường ao nuôi; thu gom và xử lý chất thải, thủy sản chết theo quy định; có giấy phép môi trường hoặc đăng ký môi trường theo quy định.
Phương pháp kiểm tra: Kiểm tra hồ sơ lưu trữ tại cơ sở và kiểm tra thực tế hoạt động sản xuất.
3. Đáp ứng quy định của pháp luật về thú y
Yêu cầu: Xây dựng và triển khai kế hoạch phòng chống dịch bệnh theo hướng dẫn của cơ quan thú y.
Phương pháp kiểm tra: Kiểm tra hồ sơ lưu trữ tại cơ sở và kiểm tra thực tế hoạt động sản xuất.
4. Đáp ứng quy định của pháp luật về an toàn lao động
Yêu cầu: Người làm việc tại cơ sở được trang bị đầy đủ bảo hộ lao động theo quy định.
Phương pháp kiểm tra: Kiểm tra hồ sơ lưu trữ và kiểm tra thực tế tại cơ sở.
5. Đáp ứng quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm
Yêu cầu: Có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc Bản cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn theo quy định.
Phương pháp kiểm tra: Kiểm tra hồ sơ lưu trữ tại cơ sở; kiểm tra thực tế tại cơ sở (nếu cần).
6. Trang thiết bị, dụng cụ sử dụng trong nuôi trồng thủy sản
Yêu cầu: sử dụng vật liệu dễ làm vệ sinh, không gây độc đối với thủy sản nuôi, không gây ô nhiễm môi trường.
Phương pháp kiểm tra: Kiểm tra thực tế tại cơ sở.
7. Khung lồng, phao, lưới, đăng quầng
Yêu cầu: Làm bằng vật liệu không gây ô nhiễm môi trường, không gây độc hại cho thủy sản nuôi và không để thủy sản nuôi thoát ra môi trường.
Phương pháp kiểm tra: Kiểm tra thực tế tại cơ sở.
8. Thiết bị cảnh báo cho hoạt động giao thông thủy
Yêu cầu: Có thiết bị cảnh báo cho hoạt động giao thông thủy (như: phao tiêu hoặc đèn tín hiệu hoặc biển cảnh báo...)
Phương pháp kiểm tra: Kiểm tra thực tế tại cơ sở.
9. Khu chứa trang thiết bị, dụng cụ, nguyên vật liệu (áp dụng đối với cơ sở có khu chứa trang thiết bị, dụng cụ, nguyên vật liệu).
Yêu cầu: Bảo đảm yêu cầu bảo quản của nhà sản xuất, nhà cung cấp.
Phương pháp kiểm tra: Kiểm tra thực tế tại cơ sở.
10. Nơi chứa rác thải; nơi chứa, xử lý thủy sản chết
Yêu cầu: Nơi chứa rác thải phải riêng biệt với nơi chứa, xử lý thủy sản chết, không làm ảnh hưởng đến môi trường.
Phương pháp kiểm tra: Kiểm tra thực tế tại cơ sở.
11. Giấy xác nhận nuôi trồng thủy sản lồng bè (áp dụng với trường hợp phải đăng ký).
Yêu cầu: Có Giấy xác nhận nuôi trồng thủy sản lồng bè.
Phương pháp kiểm tra: Kiểm tra hồ sơ lưu trữ tại cơ sở hoặc tại cơ quan có thẩm quyền.
12. Giấy phép nuôi trồng thủy sản (áp dụng với trường hợp phải cấp phép)
Yêu cầu: Có Giấy phép nuôi trồng thủy sản do cơ quan thẩm quyền cấp.
Phương pháp kiểm tra: Kiểm tra hồ sơ lưu trữ tại cơ sở hoặc tại cơ quan có thẩm quyền.
Mẫu số 14
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------
….., ngày … tháng …. năm….
ĐƠN ĐĂNG KÝ NUÔI TRỒNG THỦY SẢN LỒNG BÈ/ ĐỐI TƯỢNG THỦY SẢN NUÔI CHỦ LỰC
Kính gửi: (Tên Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh).
1. Họ tên chủ cơ sở: ……………………………………………………………………………
2. Số CMND/Số CCCD/Mã số định danh cá nhân/Số Hộ chiếu (đối với chủ cơ sở không phải là tổ chức) hoặc mã số doanh nghiệp: ……….; ngày cấp…….; nơi cấp…………………….
3. Địa chỉ của cơ sở: ……………………………………………………………………………
4. Điện thoại…………………; Số Fax…………………; Email……………………………….
5. Tổng diện tích của cơ sở (ha): ………………………………………………………………
6. Diện tích/thể tích nuôi trồng thủy sản (ha/m3):……………………………………………..
7. Hình thức nuôi1:………………………………………………………………………………..
Đề nghị …………(tên cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh) xác nhận đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè/đối tượng thủy sản nuôi chủ lực cho cơ sở theo thông tin sau:
TT |
Ao/bể/ lồng nuôi2 |
Đối tượng thủy sản nuôi3 |
Địa chỉ ao/bể/ lồng nuôi4 |
Diện tích, thể tích ao/bể/lồng nuôi (m2/m3) |
1 |
|
|
|
|
2 |
|
|
|
|
3 |
|
|
|
|
… |
|
|
|
|
Tôi cam kết thực hiện đúng các quy định hiện hành của pháp luật về nuôi trồng thủy sản và pháp luật có liên quan.
Nơi nhận: |
CHỦ CƠ SỞ |
_____________________________
1 Hình thức: Thâm canh/Bán thâm canh/Khác (ghi rõ hình thức nuôi).
2 Ghi rõ vị trí, địa điểm ao/bể nuôi đối tượng chủ lực/lồng nuôi theo sơ đồ khu nuôi.
3 Ghi rõ tên loài bằng tiếng Việt và tên khoa học.
4 Ghi cụ thể đến ấp/thôn, xã, huyện.
Mẫu số 15
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------------
...., ngày … tháng … năm….
ĐƠN ĐỀ NGHỊ CẤP/CẤP LẠI/GIA HẠN GIẤY PHÉP NUÔI TRỒNG THỦY SẢN TRÊN BIỂN
Kính gửi: (Tên cơ quan cấp phép).
1. Thông tin tổ chức/cá nhân đề nghị cấp/cấp lại/gia hạn Giấy phép nuôi trồng thủy sản trên biển:
- Tên tổ chức/cá nhân:………………………………………………………………………….
- Số CMND/Số CCCD/Mã số định danh cá nhân/Số Hộ chiếu: ……………………………
Ngày cấp: …………………… Nơi cấp: ………………………………………………………..
- Địa chỉ trụ sở (đối với tổ chức)/địa chỉ thường trú (đối với cá nhân):…………………….
- Điện thoại…………… Số Fax ………… Email………………………………………………
- Tên và số Giấy đăng ký kinh doanh/Giấy phép đầu tư/Quyết định thành lập:…………..
- Mã số cơ sở nuôi (nếu có): ……………………………………………………………………
2. Đề nghị (tên cơ quan cấp phép) cấp/cấp lại/gia hạn Giấy phép nuôi trồng thủy sản trên biển cho:
TT |
Đối tượng nuôi (tên tiếng Việt, tên khoa học) |
Địa chỉ/ vị trí khu vực biển để nuôi trồng thủy sản |
Diện tích mặt nước xin được giao (ha/m2) |
Dự kiến sản lượng nuôi (tấn/năm) |
Thời hạn đề nghị cấp/ cấp lại/ gia hạn |
Lý do xin cấp lại (trường hợp xin cấp lại) |
Giấy phép đã được cấp (trường hợp xin cấp lại/ gia hạn) |
1 |
|
|
|
|
|
|
|
2 |
|
|
|
|
|
|
|
... |
|
|
|
|
|
|
|
3. Thông tin khác (nếu có):………………………………………………………………………..
Tôi/Chúng tôi cam kết thực hiện đúng quy định của pháp luật về nuôi trồng thuỷ sản và pháp luật có liên quan.
|
TỔ CHỨC, CÁ NHÂN |
Mẫu số 16
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------------
...., ngày ... tháng ... năm …
BÁO CÁO KẾT QUẢ SẢN XUẤT NUÔI TRỒNG THỦY SẢN TRÊN BIỂN
I. KẾT QUẢ SẢN XUẤT (TỪ THỜI ĐIỂM ĐƯỢC CẤP PHÉP ĐẾN THỜI ĐIỂM BÁO CÁO)
1. Loài thủy sản nuôi
2. Hiện trạng sử dụng diện tích mặt nước được giao
3. Năng suất, sản lượng
4. Kết quả thực hiện các quy định của pháp luật về nuôi trồng thủy sản và pháp luật liên quan
5. Đánh giá kết quả đạt được về kinh tế, xã hội, môi trường so với chỉ tiêu đã đặt ra
II. KẾ HOẠCH/PHƯƠNG ÁN SẢN XUẤT TRONG THỜI GIAN TIẾP THEO
1. Dự báo về thị trường, khả năng tiêu thụ sản phẩm đầu ra
2. Các chỉ tiêu kinh tế, lao động, đóng góp kinh tế - xã hội, năng suất, sản lượng, môi trường và những vấn đề liên quan
3. Những thay đổi/cải tiến về đối tượng, quy mô, quy trình, công nghệ, trang thiết bị, lao động, ... trong thời gian tới (nếu có)
III. THÔNG TIN KHÁC (NẾU CÓ)
IV. KHÓ KHĂN, THÁCH THỨC
V. ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ (NẾU CÓ)
|
TỔ CHỨC, CÁ NHÂN |
Mẫu số 17
CƠ QUAN CẤP TRÊN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
GIẤY PHÉP
NUÔI TRỒNG THỦY SẢN TRÊN BIỂN
Số: MX1X2-AAAA/GP-NTTS
Căn cứ Luật Thủy sản năm 2017;
Căn cứ Nghị định số ….. ngày ... tháng .... năm ...
THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN CẤP PHÉP
1. Tên tổ chức/cá nhân:…………………………………………………………………………...
- Số CMND/Số CCCD/Mã số định danh cá nhân/Số Hộ chiếu: ……………………………..
Cấp ngày: …………………….…. Nơi cấp: ……………………………………………………..
- Địa chỉ: ………………….………………….……………………………………………………...
- Điện thoại…………………. Số Fax…………………. Email…………………………………..
- Tên và số Giấy đăng ký kinh doanh/Giấy phép đầu tư/Quyết định thành lập (nếu là tổ chức): ………………….………………….………………….
- Mã số cơ sở nuôi (nếu có): ………………….………………………………………………….
2. Được phép nuôi trồng thủy sản trên biển:
TT |
Đối tượng nuôi (tên tiếng Việt, tên khoa học) |
Địa chỉ/vị trí khu vực biển để nuôi trồng thủy sản |
Diện tích mặt nước xin được giao (ha/m2) |
Dự kiến sản lượng nuôi (tấn/năm) |
1 |
|
|
|
|
2 |
|
|
|
|
... |
|
|
|
|
Hiệu lực của Giấy phép: kể từ ngày ký đến hết ngày... tháng... năm….
(Giấy phép này thay thế/gia hạn Giấy phép nuôi trồng thủy sản trên biển số cấp:……… cấp ngày ... tháng ... năm ...)*
|
…..,ngày.... tháng.... năm... |
_____________________________
Ghi chú:
1. (*): Ghi trong trường hợp Giấy phép được cấp lại/gia hạn.
2. Số Giấy phép nuôi trồng thủy sản trên biển có cấu trúc: MX1X2-AAAA/GP-NTTS. Trong đó:
a) MX1X2 là mã định danh điện tử được quy định tại Điều 4 Quyết định số 20/2020/QĐ-TTg ngày 22/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về mã định danh điện tử của các cơ quan, tổ chức phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành, địa phương. Mã định danh điện tử của cơ quan cấp/cấp lại/gia hạn Giấy phép nuôi trồng thủy sản trên biển, cụ thể:
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có mã số định danh điện tử là G10.
- Cục Thủy sản có mã số định danh điện tử là G10.20.
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: theo quy định tại Mục II.3 Phụ lục I Quyết định số 20/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về mã định danh điện tử của các cơ quan, tổ chức phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành, địa phương.
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn/Cơ quan quản lý thủy sản các địa phương: theo Quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương.
b) AAAA: gồm 4 chữ số từ 0001 đến 9999, là số thứ tự Giấy phép của tổ chức, cá nhân được cấp/cấp gia hạn Giấy phép nuôi trồng thủy sản trên biển.
c) GP: Giấy phép.
d) NTTS: Nuôi trồng thủy sản.
Ví dụ: Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hoà có mã định danh điện tử là H32, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hoà có mã định danh điện tử là H32.12, Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hoà có mã định danh điện tử là H32.12.11 thì số Giấy phép nuôi trồng thủy sản trên biển do Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hoà cấp là: H32.12.11-0001/GP-NTTS.
Mẫu số 18
TÊN CƠ QUAN, TỔ CHỨC CẤP TRÊN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: .../..... |
…., ngày ... tháng ... năm ... |
THÔNG BÁO(*)
Về việc chuyển hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi
Kính gửi: ………..(*)………..
Căn cứ Luật Thủy sản và Nghị định số …/.../NĐ-CP ngày…. của Chính phủ……
Căn cứ hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản và tiêu chí phát triển nghề cá của tỉnh/thành phố:…………………….
Xét đề nghị của ông/bà………………….………………….
…………………. (tên cơ quan/đơn vị) ………………….thông báo chuyển hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi:
Số giấy phép: ………………….cấp ngày … tháng … năm …; nghề chính…………………
Theo tàu cá, số đăng ký: …………………. của ông/bà……………………………………….
Số CCCD/CMND………………….Địa chỉ thường trú………………………………………….
Đến tỉnh/thành phố………………….…………………………………………………………….
Để thực hiện việc chuyển quyền sở hữu tàu cá cho:
Ông/bà………………….………………….………………………………………………………..
Địa chỉ thường trú………………….………………………………………………………………
Tàu cá có các thông số chính như sau:
- Kích thước chính Lmax x Bmax x D, (m):……….; chiều chìm d,(m):………….
- Vật liệu vỏ: ………………….Công suất máy chính (kW): ………………….
- Nghề khai thác thủy sản: ………………….…………………………………..
Nơi nhận: |
NGƯỜI CÓ THẨM QUYỀN |
Ghi chú:
(*) Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản tại địa phương có tổ chức, cá nhân nhận chuyển quyền sở hữu tàu cá.
(**) Không áp dụng đối với trường hợp mua, bán tàu cá trong tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Mẫu số 19
TÊN ĐƠN VỊ CẤP TRÊN (nếu có) |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: …./BC-TBGSHT |
…., ngày ... tháng ... năm ... |
BÁO CÁO
Về việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá
Kính gửi: |
- Cục Thủy sản; |
Thực hiện quy định tại Điều... Nghị định số……….
…………(tên doanh nghiệp/đơn vị)……… kính báo cáo kết quả lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá tại các tỉnh do đơn vị cung cấp (số liệu tính đến ngày..../tháng.../năm....), cụ thể như sau:
TT |
Tỉnh |
Số đăng ký tàu cá |
Tên chủ tàu |
Số điện thoại chủ tàu |
Chiều dài lớn nhất |
Nghề chính |
Thông tin thiết bị |
Đơn vị cung cấp dịch vụ cho thiết bị |
Đang sử dụng dịch vụ |
Không sử dụng dịch vụ |
Ngày hết hạn dịch vụ |
|
Số nhận dạng |
Ngày lắp đặt |
|||||||||||
1 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
2 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
.... |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Chúng tôi cam kết thông tin số liệu trên hoàn toàn chính xác.
Nơi nhận: |
CHỦ DOANH NGHIỆP/ |
Mẫu số 20
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-----------------
…….., ngày ... tháng ... năm....
PHIẾU KHAI BÁO THÔNG TIN LẮP ĐẶT VÀ KÍCH HOẠT DỊCH VỤ THIẾT BỊ GIÁM SÁT HÀNH TRÌNH TÀU CÁ
Kính gửi:………………………………………………..
I. THÔNG TIN TÀU CÁ
1 |
Tên tàu |
|
2 |
Số đăng ký |
|
3 |
Nơi đăng ký |
|
4 |
Cảng đăng ký |
|
5 |
Nghề chính |
|
6 |
Chiều dài lớn nhất |
|
II. THÔNG TIN VỀ CHỦ TÀU, THUYỀN TRƯỞNG
1. Chủ tàu
1 |
Họ và tên |
|
2 |
Số chứng minh nhân dân/số thẻ căn cước công dân/mã số định danh cá nhân |
|
3 |
Địa chỉ |
|
4 |
Số điện thoại di động |
|
2. Thuyền trưởng
1 |
Họ và tên |
|
2 |
Địa chỉ |
|
3 |
Số điện thoại di động |
|
III. THÔNG TIN THIẾT BỊ GIÁM SÁT HÀNH TRÌNH
1 |
Tên thiết bị/đơn vị cung cấp |
|
2 |
Mã nhận dạng |
|
3 |
Đơn vị cung cấp dịch vụ truyền dẫn dữ liệu |
|
4 |
Thời gian kích hoạt dịch vụ (giờ, ngày, tháng) |
|
5 |
Mã số kẹp chì |
|
6 |
Loại thiết bị (chính, dự phòng) |
|
IV. THÔNG TIN THIẾT BỊ GIÁM SÁT HÀNH TRÌNH THAY THẾ, THÁO GỠ
1 |
Tên thiết bị/đơn vị cung cấp cũ, mới |
|
2 |
Mã nhận dạng cũ, mới |
|
3 |
Đơn vị cung cấp dịch vụ truyền dẫn dữ liệu cũ, mới |
|
4 |
Thời gian kích hoạt dịch vụ (giờ, ngày, tháng) cũ, mới |
|
5 |
Mã số kẹp chì cũ, mới |
|
6 |
Loại thiết bị (chính, dự phòng) cũ, mới |
|
Những thông tin trên hoàn toàn sự thật, tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật đối với các thông tin đã khai báo.
Nơi nhận: |
…., ngày .... tháng...năm.... |
Mẫu số 21
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------
...., ngày … tháng.... năm…
ĐƠN ĐỀ NGHỊ CẤP GIẤY PHÉP KHAI THÁC THỦY SẢN
Kính gửi:…………………………………………………
Họ, tên chủ tàu……………………………Điện thoại: ………………………………………….
Số chứng minh nhân dân/Thẻ căn cước công dân/Mã số định danh cá nhân: …………..
………………………………………………………………………………………………………..
Nơi thường trú: …………………………………………………………………………………….
Đề nghị Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp Giấy phép khai thác thủy sản với nội dung như sau:
Tên tàu: …………………………..………Loại tàu………………………………………………
Số đăng ký tàu: ……………………………………………………………………………………
Vùng hoạt động……………………………………………………………………………………
Văn bản chấp thuận đóng mới/cải hoán/thuê/mua tàu cá: ………………………………….
……………………………………………………………………………………………………….
Trang thiết bị thông tin liên lạc: ………………………………………………………………….
Thiết bị giám sát hành trình (đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên): …………………………………………………………
Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá: ………………………………………………………………
Cảng cá đăng ký cập tàu: ………………………………………………………………………..
Nghề khai thác chính: …………………Nghề phụ: …………………………………………….
Tôi/chúng tôi xin cam đoan sử dụng tàu để đánh bắt nguồn lợi thủy sản/hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản đúng nội dung đã đăng ký và chấp hành đúng các quy định của pháp luật.
|
NGƯỜI ĐỀ NGHỊ |
Mẫu số 22
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Số: ..…../20.../AA(*)-GPKTTS
Tên tàu (nếu có):………………………. Số đăng ký: ……………………………
|
Mặt trước của giấy phép
CƠ QUAN CẤP TRÊN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
GIẤY PHÉP KHAI THÁC THỦY SẢN
Số:………/20../AA(*)-GPKTTS
Căn cứ Luật Thủy sản năm 2017;
Căn cứ Nghị định số ….. ngày… tháng ... năm ...
THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN CẤP PHÉP
Tên chủ tàu:…………………………………………………………………………………………
Địa chỉ thường trú: …………………………………………………………………………………
Điện thoại (nếu có): ………………………………………………………………………………..
Số đăng ký tàu cá: …………………………………………………………………………………
Cảng cá đăng ký cập tàu: …………………………………………………………………………
Sản lượng được phép khai thác: ………………………tấn/năm (nếu có).
Được phép đánh bắt nguồn lợi thủy sản/hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản(**):
Nghề chính: ………….Vùng hoạt động: ………….…………………………………………….
Nghề phụ: ………….Vùng hoạt động: ………….………………………………………………
Thời hạn của Giấy phép đến hết ngày … tháng … năm….
|
...., ngày .... tháng .... năm ... |
Ghi chú:
(*) Là 2 chữ cái đầu của tên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
(**) Trường hợp cấp phép cho tàu đánh bắt nguồn lợi thủy sản thì xoá bỏ nội dung hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản; trường hợp cấp phép cho tàu hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản thì xoá bỏ nội dung đánh bắt nguồn lợi thủy sản.
Mẫu số 23/Form 23
TÊN CƠ QUAN, TỔ CHỨC |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số/No:……… |
|
THÔNG BÁO
CHO BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TRƯỚC KHI TÀU VÀO CẢNG
NOTIFICATION
TO MINISTRY OF AGRICULTURE AND RURAL DEVELOPMENT BEFORE VESSEL ENTERING THE PORT
1. Cảng dự định vào/Intended port of call:……………………………………………………..
2. Quốc gia cảng/Port State: ……………………………………………………………………
3. Ngày/Date ... tháng/month ... năm/year ...; Giờ vào cảng dự kiến/Estimated time of arrival: …..giờ/hour …….. phút/minute
4. Mục đích vào cảng/Purpose (s)……………………………………………………………….
5. Nơi và ngày rời cảng liền trước đó/Port and date of last port call:……………………….
6. Tên tàu biển/Name of the vessel:…………………………………………………………….
7. Quốc gia mà tàu mang cờ/Flag State: ………………………………………………………
8. Loại tàu biển/Type of vessel: …………………………………………………………………
9. Hô hiệu quốc tế/International radio call sign: ……………………………………………….
10. Thông tin liên lạc của tàu/Vessel contact information: ………………………………….
11. (Các) chủ tàu/Vessel owner(s): ……………………………………………………………
12. Chứng nhận đăng ký số/Certificate of Registry ID: ……………………………………..
13. Số hiệu tàu IMO (nếu có)/IMO1 ship ID (If available): …………………………………..
14. Số hiệu bên ngoài (nếu có)/External ID (If available): ………………………………….
15. Số hiệu RFMO (nếu có)/RFMO2 ID (if applicable):………………………………………
16. VMS3: ……….. Không có/No; Có/Yes: Quốc gia/National; Có/Yes: RFMO; Loại/Type: ………………
17. Kích thước tàu/Vessel Dimension: Chiều dài/length …. mét/m; Chiều rộng/Beam …… mét/m; Mớn nước/Draft……….mét/m.
18. Họ tên thuyền trưởng/Vessel master name:…..; quốc tịch/Nationality:………………..
19. Các giấy phép khai thác được cấp/Relevant fishing authorization (s): Số/ Identifier………………………………………………..
Cơ quan cấp/Issuing by: ……. Có giá trị đến/Validity ngày/Date .... tháng/month ... năm/year……
Khu vực được phép khai thác/Fishing area: ……………………………………………………
Đối tượng được phép khai thác/Species………………………………………………………..
Ngư cụ/Gear…………………………….………………………………………………………….
20. Các giấy phép chuyển tải có liên quan/Relevant transshipment authorization (s):
- Số/Identifier:…………; Có giá trị đến/Validity: ……………………………………………….
Cơ quan cấp/Issuing by…………………………………………………………………………..
- Số/Identifier: ………………………; Có giá trị đến/Validity: …………………………………
Cơ quan cấp/Issuing by…………………………….……………………………………………..
21. Thông tin chuyển tải liên quan đến tàu chuyển tải/Transshipment information concerning donor vessel:
Ngày/Date … tháng/month …. năm/year ……; Địa điểm/Location:………………………….
Tên tàu/Name of vessel: …………Quốc gia mà tàu treo cờ/Flag State:…………………….
Mã số/ID Number:……………Đối tượng khai thác/Species:………………………………….
Hình thức/Product form:……………..Khu vực đánh Catch area:…………………………….
Khối lượng/Quantity:………………………kg
22. Tổng lượng cá đã đánh bắt có trên tàu/Total catch onboard:
Đối tượng khai thác/Fishing Species: ………………………………………………………….
Hình thức sản phẩm/Product form: …………………………………………………………….
Khu vực khai thác/Catch area:………. Khối lượng/Quantity:……….…kg.
23. Tổng sản lượng cá sẽ được bốc dỡ/Catch to be offloaded:………..kg
TT/No. |
Người nhập khẩu/ importer |
Loài/species |
Khối lượng/ volume (kg) |
Tổng/Total |
.... |
|
|
|
|
.... |
|
|
|
|
…. |
|
|
|
|
|
NGƯỜI KHAI BÁO/ |
1: Tổ chức Hàng hải quốc tế/International Maritime Organization.
2: Tổ chức Quản lý nghề cá khu vực/Regional Fisheries Management Organization.
3: Hệ thống giám sát tàu thuyền/Vessel monitoring system.
Mẫu số 24/Form 24
TÊN CƠ QUAN, TỔ CHỨC |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số/No:……….. |
Ngày/date ... tháng/month ... năm/year ... |
THÔNG BÁO/NOTIFICATION
Về việc chấp thuận/từ chối cho tàu vào cảng/chấp thuận/từ chối cho tàu sử dụng dịch vụ cảng theo PSMA/authorize/deny port entry/ authorize/deny use of the port according to PSMA
Cơ quan có thẩm quyền của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chấp thuận/từ chối/Competent Authority of Ministry of Agriculture and Rural Development authorize/deny
Tên tàu/Vessel name:……………………………..,
Chủ tàu/Vessel owner: ……………………………..
Loại tàu/Vessel type……………………………..
Quốc gia treo cờ/Flag state: …………………..,
Hô hiệu quốc tế/Call sign: ……………………………..
Số IMO/IMO number: ……………………………..
vào cảng/sử dụng dịch vụ cảng/entry to the port/use of the port1
Nơi nhận/Recipients: |
NGƯỜI CÓ THẨM QUYỀN/ |
_____________________________
1 Ghi rõ lý do nếu từ chối cho tàu cập cảng hoặc từ chối cho tàu sử dụng cảng/provide reason for deny entry to the port or use.
Mẫu 25/Form 25
TÊN CƠ SỞ NHẬP KHẨU... |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số/No:……… |
|
Kính gửi/To: ...(1)…
Tên cơ sở nhập khẩu/Importer:…………………………………………………………………..
Địa chỉ/Address: ……………………………………………………………………………………
Người đại diện/Representative: ………………………………………………………………….
Số điện thoại/Tel: …………………………………………………………………………………..
Chúng tôi khai báo thủy sản, sản phẩm thủy sản nhập khẩu từ các tàu công ten nơ vào Việt Nam như sau/We hereby declare the imported fish and fisheries products from container as follows:
1. Thủy sản, sản phẩm thủy sản nhập khẩu/Imported catch products
- Tổng sản lượng cá sẽ được bốc dỡ/Catch to be offloaded: ……….… kg
TT/No. |
Loài/Species |
Tên khoa học/ Scientific name |
Kích cỡ (nếu áp dụng)/Size (if applicable) |
Khối lượng/ Quantity (kg) |
Nước xuất xứ/ Country of Origin |
… |
|
|
|
|
|
…. |
|
|
|
|
|
…. |
|
|
|
|
|
- Thời gian bốc dỡ/Offloading Time: …………………………………
- Địa điểm bốc dỡ: Offloading Venue…………………………………
2. Thông tin về tàu đánh bắt/Fishing Vessel(s) information
- Tên tàu/Name of Vessel:……………..Số (Số IMO/Hô hiệu/Số đăng kí của RFMO (nếu có)/Identifier (IMO Number/International Radio Call Sign/RFMO Registration Number (if applicable))……………….
- Các giấy phép khai thác được cấp/Relevant fishing authorization(s): Số/Identifie………..; Cơ quan cấp/Issued by………; Có giá trị đến/Validity ngày/date ... tháng/month ... năm/year……; Khu vực được phép khai thác/Fishing area: ………..; Đối tượng được phép khai thác/Species………………..;
Ngư cụ/Fishing Gear……………..
3. Thông tin chuyển tải liên quan (Nếu có)/Transshipment information (If applicable)
Ngày/Date …. tháng/month …. năm/year………; Địa điểm chuyển tải/Location:…….; Tên tàu nhận chuyển tải/Name of receiving vessel:…..; Quốc gia treo cờ của tàu nhận chuyển tải/Flag State:…….; Số tàu nhận chuyển tải (Số IMO/Hô hiệu/Số đăng kí của RFMO (nếu có)/Identifier (IMO/International Radio Call Sign/RFMO Registration Number (if applicable)……….; Loài chuyển tải/Species:…......; Khối lượng/Quantity:……………….kg
4. Các giấy phép chuyển tải có liên quan/Relevant transshipment authorization(s):
Số/Identifier:…………….; Có giá trị đến/Validity:…………………….
5. Thông tin về sản lượng khai thác cập bến/Landing information
- Cảng nơi sản lượng khai thác lần đầu tiên cập bến/Port where the catches were first landed:…………….
- Ngày sản lượng khai thác lần đầu tiên cập bến/Date of first landing:………………
6. Thông tin về công ten nơ
Số công ten nơ/Number of container: …………..; Số seal/Seal number…….; Số vận đơn/Bill of Lading number……………; Tên tàu and số IMO chở công ten nơ/Name and IMO number of the vessel carrying the container:…………..; Nước xuất/Exporting country: ………; Cảng xuất/Exporting port: ………; Địa chỉ kho kéo hàng về/Place of storage: ……………..
Chúng tôi cam kết: Lô hàng có thông tin nêu trên không vi phạm IUU và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật trong trường hợp lô hàng vi phạm IUU; các số liệu khai báo trên là đúng sự thật, nếu sai chúng tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật/We undertake that the consignment, including the above information, does not contain IUU products and shall assume full responsibility before the law for any IUU violations found; The above declared information is accurate, if it is shown to be inaccurate, we will be fully responsible before the law./.
|
CHỦ CƠ SỞ NHẬP KHẨU/IMPORTER |
Ghi chú/Note:
(1) Cơ quan được giao nhiệm vụ kiểm soát thủy sản nhập khẩu theo PSMA/Agency tasked with controlling imported fish and fisheries products under PSMA.
Mẫu số 26/Form 26
TÊN CƠ QUAN, TỔ CHỨC |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số/No:……… |
Ngày/date … tháng/month…năm/year… |
THÔNG BÁO/NOTIFICATION
Kết quả thẩm định xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản, sản phẩm thủy sản khai thác nhập khẩu từ các tàu công ten nơ vào Việt Nam không vi phạm quy định về khai thác bất hợp pháp1/Verification Results on the chain of custody of fish and fisheries products imported to Vietnam by containers to counter illegal, unreported, and unregulated fishing
Cơ quan có thẩm quyền của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo kết quả thẩm định xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản nhập khẩu không vi phạm quy định về khai thác bất hợp pháp như sau/Competent Authority of the Ministry of Agriculture and Rural Development notifies the verification results on the chain of custody of the imported catch as follows:
Tên tàu chở công ten nơ/Name of the vessel carrying the container: …………………
Số IMO của tàu chở công ten nơ/IMO number of the vessel carrying the container: …………………….…………………….…………………….
Quốc gia treo cờ/Flag state: …………………….…………………….
Số công ten nơ/Number of container: …………………….………
Số seal/seal number: …………………….…………………………….
Số vận đơn/bill of lading number: …………………….………
Chủ hàng/Importer: …………………….……………………………
□ Không phát hiện vi phạm tại thời điểm kiểm tra và khuyến nghị cho thông quan hàng hóa theo quy định/No violations found at the time of the verification/inspection and recommended for customs clearance
□ Không đáp ứng yêu cầu và đề nghị không cho thông quan hàng hóa/Requirements not met and not recommended for customs clearance
(Cơ quan có thẩm quyền của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tích dấu X vào ô thích hợp/Competent Authority of the Ministry of Agriculture and Rural Development tick the appropriate box).
Nơi nhận/Recipients: |
NGƯỜI CÓ THẨM QUYỀN/ |
_____________________________
1 Áp dụng đối với lô hàng cá cờ kiếm (Xiphias gladius) và các loài thuộc đối tượng kiểm tra theo Kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thủy sản, sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu, quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam bằng tàu công ten nơ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành./Applies to swordfish (Xiphias gladius) and targeted species under the program issued by the Ministry of Agriculture and Rural Development on the verification, inspection, and auditing of fish and fisheries products imported, temporarily imported for re-exportation, transshipped, and transited to/through the territory of Vietnam by containers.
Mẫu số 27/Form 27
TÊN CƠ QUAN, TỔ CHỨC |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số/No:……… |
|
BIÊN BẢN KIỂM TRA ĐỐI VỚI HÀNG THỦY SẢN, SẢN PHẨM THỦY SẢN NHẬP KHẨU VÀO VIỆT NAM BẰNG ĐƯỜNG CÔNG TEN NƠ/ INSPECTION REPORT FOR FISH AND FISH PRODUCTION FROM CONTAINER(S)
I. THÔNG TIN CHUNG/GENERAL INFORMATION
1. Quốc gia cảng/Port State:
2. Cơ quan tiến hành kiểm tra/Inspecting Authority:
3. Họ tên trưởng đoàn kiểm tra/Name of Principal Inspector:
4. Số công ten nơ/Number of container:
5. Số vận đơn/Bill of Lading number:
6. Số seal/Seal number:
7. Chủ hàng/Importer:
II. KẾT QUẢ KIỂM TRA HỒ SƠ/DOCUMENTARY VERIFICATION RESULTS
1. Thông tin về tàu khai thác/Fishing vessel(s) information:
Số hiệu tàu trong RFMO (Tên, số IMO, Hô hiệu)/ RFMO Vessel Identifier (Name, IMO number, International radio call sign) |
Thuộc tổ chức quản lý nghề cá khu vực nào/ RFMO |
Hiện trạng pháp lý của quốc gia mà tàu mang cờ/Flag State status |
Tàu thuộc danh lục tàu được cấp phép/Vessel on authorized vessel list |
Tàu thuộc danh lục tàu IUU/Vessel on IUU vessel list |
|
|
|
Có/Yes Không/No |
Có/Yes Không/No |
|
|
|
Có/Yes Không/No |
Có/Yes Không/No |
2. Thông tin về giấy phép khai thác/fishing license(s) information
Số/ Identifier |
Cơ quan cấp/ Issuing by |
Có giá trị đến/ Validity |
(Các) khu vực được phép khai thác/ Fishing areas |
Đối tượng khai thác (ghi rõ tên khoa học)/ Fish species (Scientific names) |
Ngư cụ/ Fishing gear |
Khối lượng/ Catch quantity |
|
|
|
|
|
|
|
3. Thông tin về các giấy phép chuyển tải có liên quan/Transhipment license(s) information
Số/Identifier |
|
Cơ quan cấp/ Issuing by |
|
Có giá trị đến/ Validity |
|
Số/Identifier |
|
Cơ quan cấp/ Issuing by |
|
Có giá trị đến/ Validity |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
4. Kết luận kiểm tra hồ sơ/Documentary Verification Results:
�� Không phát hiện vi phạm tại thời điểm kiểm tra và khuyến nghị cho thông quan hàng hóa theo quy định/No violations found at the time of the verification and recommended for customs clearance
�� Thông tin khai báo hồ sơ chưa đạt yêu cầu hoặc lô hàng thủy sản có dấu hiệu được khai thác, chuyển tải bất hợp pháp, và khuyến nghị không cho thông quan/Requirements not met or indicators of illegal, unreported, and unregulated fishing or transshipment found, and not recommended for customs clearance
III. KIỂM TRA THỰC TẾ1/Container Physical Inspection
1. Cảng nơi tiến hành kiểm tra/ Port of Inspection |
|
||||||
2. Thời gian bắt đầu kiểm tra/ Commencement of Inspection |
Năm/Year |
Tháng/Month |
Ngày/Day |
Giờ/Hour |
|||
3. Thời gian kết thúc kiểm tra/ Completion of Inspection |
Năm/Year |
Tháng/Month |
Ngày/Day |
Giờ/Hour |
|||
4. Đánh giá về loài khai thác và khối lượng được ước tính sau khi mở công ten nơ kiểm tra/ Evaluation of offloaded catch (quantity) |
|||||||
Người nhập khẩu/Importers |
Loài khai thác được khai báo (ghi rõ tên khoa học)/Species, scientific name |
Loài thực tế trong công ten nơ (ghi rõ tên khoa học)/Product form |
(Các) khu vực đánh bắt/Catch areas |
Khối lượng khai báo/ Declared quantity |
Khối lượng ước tính sau khi mở công ten nơ để kiểm tra/ Estimated quantity after opening the container |
||
……….. |
|
|
|
|
|
||
……….. |
|
|
|
|
|
5. Những phát hiện khác của kiểm tra viên (nếu có)/Other findings by the inspector(s) (if any):………………………………………………
6. Kết luận kiểm tra/Inspection Results
�� Không phát hiện vi phạm tại thời điểm kiểm tra/No violations found at the time of the inspection
�� Lô hàng được xác định là bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định khi thuộc một trong các trường hợp sau đây/Fish and fisheries products are determined to be illegal, unreported and unregulated when it falls into one of the following cases:
- Thủy sản, sản phẩm thủy sản được khai thác bằng tàu không có giấy phép hoặc giấy phép không hợp lệ hoặc không có giá trị theo quy định của quốc gia mà tàu đó mang cờ hoặc của quốc gia ven biển có thẩm quyền/Fish and fisheries products are fished by vessels without licenses or with invalid licenses according to the regulations of the Flag State of the vessel or the competent coastal State;
- Thủy sản, sản phẩm thủy sản được vận chuyển, chuyển tải bằng tàu không có giấy phép hoặc giấy phép không hợp lệ hoặc không có giá trị theo quy định của quốc gia mà tàu đó mang cờ hoặc của quốc gia ven biển có thẩm quyền/Fish and fisheries products are transported or transshipped by vessels without licenses or with invalid licenses according to the regulations of the Flag State of the vessel or the competent coastal State;
- Thủy sản, sản phẩm thủy sản được khai thác bằng tàu không có giấy phép hoặc giấy phép không hợp lệ hoặc không có giá trị trong vùng nước thẩm quyền của tổ chức quản lý nghề cá khu vực/Fish and fisheries products are fished by vessels without licenses or with invalid licenses within the competent waters area of the regional fisheries management organization;
- Thủy sản, sản phẩm thủy sản được vận chuyển, chuyển tải bằng tàu không có giấy phép hoặc giấy phép không hợp lệ hoặc không có giá trị trong vùng nước thẩm quyền của tổ chức quản lý nghề cá khu vực/Fish and fisheries products are transported or transshipped by vessels without licenses or with invalid licenses within the competent waters area of the regional fisheries management organization;
- Có chứng cứ thủy sản, sản phẩm thủy sản trên tàu được khai thác vượt quá hạn ngạch cho phép của quốc gia ven biển có thẩm quyền hoặc của tổ chức quản lý nghề cá khu vực/There is evidence that fish and fisheries products on board are exploited in excess of the quota allowed by the competent coastal State or the regional fisheries management organization;
- Có chứng cứ thủy sản, sản phẩm thủy sản trên tàu được khai thác trái với quy định của quốc gia ven biển có thẩm quyền hoặc trái với quy định về biện pháp quản lý và bảo tồn trong vùng nước thẩm quyền của tổ chức quản lý nghề cá khu vực hoặc có chứng cứ xác định tàu thực hiện hoặc hỗ trợ khai thác thủy sản bất hợp pháp theo quy định tại Điều 60 Luật Thủy sản/There is evidence that fish and fisheries products on board are exploited contrary to the regulations of the competent coastal State or contrary to regulations on conservation and management measures in the competent area of the regional fisheries management organization or there is evidence that the vessel conducted or supported illegal fishing as prescribed in Article 60 of the Fisheries Law;
- Thủy sản, sản phẩm thủy sản được khai thác bằng tàu nằm trong danh sách IUU của quốc gia mà tàu đó mang cờ hoặc của quốc gia ven biển có thẩm quyền hoặc của tổ chức quản lý nghề cá khu vực/Fish and fisheries products exploited by vessels on the IUU list of the Flag State or of the competent coastal State or of the regional fisheries management organization.
7. Kiến nghị của người kiểm tra/Recommendations of Inspector(s)
Đề nghị cơ quan có thẩm quyền của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông/Competent agencies of the Ministry of Agriculture and Rural Development are requested to:
�� Thông báo chủ hàng, cơ quan Hải quan để tiến hành thủ tục thông quan lô hàng nhập khẩu theo quy định nếu kết quả kiểm tra thực tế đạt yêu cầu/Notify the importer and the Customs authority to proceed with customs clearance procedures for the imported fish and fisheries products according to regulations if the actual inspection results meet the requirements.
�� Thông báo tới chủ hàng, cơ quan Hải quan cửa khẩu và các cơ quan liên quan không thông quan lô hàng đồng thời tiến hành xử lý lô hàng theo quy định của pháp luật nếu lô hàng được xác định là bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định/Notify the importer, Customs Authority and relevant agencies not to implement custom clearance of the fish and fisheries products and handle the consignment according to the provisions of law and regulations if the fish and fisheries products are determined to be illegal, unreported and unregulated.
Biên bản được lập thành …. bên …. giữ …. bản, bên …. giữ …. bản, có giá trị pháp lý như nhau/
…..on……… hold …….. copies, parties…. keep...... copies, have the same legal value.
…., ngày/date … tháng/month...năm/year… |
…., ngày/date … tháng/month...năm/year… |
______________________________
1 Nội dung này chỉ thực hiện đối với trường hợp có dấu hiệu lô thủy sản nhập khẩu được khai thác, chuyển tải bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định theo thông tin, hồ sơ khai báo khi nhập khẩu.
Mẫu số 28/Form 28
TÊN CƠ QUAN, TỔ CHỨC |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số/No: ……….. |
|
BIÊN BẢN KIỂM TRA
INSPECTION REPORT
Biên bản được lập thành………. bên ……giữ …….bản, bên …….giữ …………bản, có giá trị pháp lý như nhau/
……….on……… hold …….copies, parties……..keep………copies, have the same legal value.
...., ngày/date….tháng/month….năm/year..… |
...., ngày/date….tháng/month....năm/year.... |
|
|
42. Đánh giá về khối lượng khai thác được bốc dỡ sau khi phân loại tại doanh nghiệp/Evaluation of offloaded catch (quantity) after shorting |
|||||
Người nhập khẩu/ Importers |
Đối tượng khai thác, tên khoa học /Species, scientific name |
Hình thức sản phẩm/ Product form |
(Các) khu vực đánh bắt/ Catch areas |
Khối lượng khai báo/ Quantity declared |
Khối lượng sau khi phân loại/ quantity offloaded after sorting |
|
|
|
|
|
|
|
...., ngày/date ....tháng/month. ...năm/year.... |
Mẫu số 29
CƠ QUAN CẤP TRÊN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
BIÊN BẢN
Kiểm tra điều kiện cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá
Số: ….…/BB-ĐKCS
I. THÔNG TIN CHUNG
1. Căn cứ kiểm tra, ngày kiểm tra: …………………………………………………..
2. Tên cơ sở kiểm tra:……………………………………………………………………
- Địa chỉ trụ sở: ………………………………………………………………………..
- Số điện thoại: ……………………………. Số Fax: …………………………………..
- Email: ………………………………………………………………………………………
- Tên và số giấy đăng ký kinh doanh/Giấy phép đầu tư/Quyết định thành lập:
…………………………………………………………………………………………….
- Tên cơ quan cấp: …………………………..Ngày cấp: ………………………………..
3. Địa điểm kiểm tra:
- Địa chỉ: ………………………………………………………………………………….
- Điện thoại: ………………………Số Fax: ………………….Email: ………………………
4. Thành phần Đoàn kiểm tra:
- Ông/bà: ………………………………….Chức vụ: ……………………………………
- Ông/bà: ………………………………….Chức vụ: …………………………………….
5. Thành phần cơ sở được kiểm tra:
- Ông/bà: ………………………………….Chức vụ: ……………………………………….
- Ông/bà: ………………………………….Chức vụ: ……………………………………….
6. Loại vỏ tàu cơ sở đóng mới, cải hoán: (nêu cụ thể loại vỏ gỗ/vỏ thép/vật liệu mới,....):
……………………………………………………………………………………………………
7. Đăng ký là cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá Loại: ……………………………………..
8. Giấy chứng nhận hệ thống phù hợp tiêu chuẩn (nếu có):
TT |
Tên tiêu chuẩn được chứng nhận |
Tên tổ chức chứng nhận |
Hiệu lực của Giấy chứng nhận |
Nội dung chứng nhận |
1 |
|
|
|
|
2 |
|
|
|
|
n |
|
|
|
|
II. NỘI DUNG KIỂM TRA
TT |
Chỉ tiêu kiểm tra |
Kết quả kiểm tra |
Diễn giải kết quả kiểm tra; hành động khắc phục lỗi |
|
Đạt |
Không đạt |
|||
A |
KIỂM TRA LẦN ĐẦU HOẶC CÓ THAY ĐỔI ĐIỀU KIỆN CƠ SỞ |
|
|
|
I |
Có cơ sở vật chất, trang thiết bị phù hợp; có phương án tổ chức sản xuất, kinh doanh phù hợp với chủng loại, kích cỡ tàu cá được đóng mới, cải hoán |
|
|
|
|
Áp dụng đối với cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá vỏ thép(*): |
|
|
|
1 |
Diện tích mặt bằng |
|
|
|
2 |
Ụ nổi (ụ khô) hoặc đường triền nâng, hạ tàu (có hệ thống tời kéo và xe triền) hoặc hệ thống hạ thủy bằng túi khí phù hợp với trọng lượng tàu |
|
|
|
3 |
Vùng nước neo đậu tàu có khả năng neo đậu |
|
|
|
4 |
Xưởng vỏ |
|
|
|
5 |
Xưởng cơ khí - máy - điện |
|
|
|
6 |
Các trang thiết bị đo và dụng cụ tháo lắp |
|
|
|
a |
Thiết bị đo, kiểm tra (đồng hồ số, panme, thước cặp, thước lá, bộ lá căn, đồng hồ đo áp suất, nhiệt độ, bút thử điện, vôn kế, ampe kế, ampe kìm, điện trở kế) |
|
|
|
b |
Dụng cụ tháo, lắp, sửa chữa (kìm, cơ lê, mỏ lết, êtô, thiết bị tháo chân vịt, bàn máp, thiết bị đo áp lực vòi phun) |
|
|
|
c |
Thiết bị thử kín nước, thử thủy lực, thử áp lực |
|
|
|
d |
Dụng cụ đo bước xoắn và cân bằng tĩnh chân vịt |
|
|
|
7 |
Thiết bị nâng, hạ |
|
|
|
a |
Cầu trục đôi hoặc cầu trục đơn có tổng trọng tải tối thiểu 25 tấn |
|
|
|
b |
Xe cẩu trọng tải tối thiểu 30 tấn |
|
|
|
|
Áp dụng đối với cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá vỏ gỗ(*): |
|
|
|
1 |
Diện tích mặt bằng |
|
|
|
2 |
Trang thiết bị để hạ thủy tàu phù hợp với trọng lượng tàu đóng |
|
|
|
3 |
Vùng nước neo đậu tàu có khả năng neo đậu tối thiểu |
|
|
|
4 |
Xưởng vỏ |
|
|
|
5 |
Xưởng cơ khí máy điện |
|
|
|
6 |
Các trang thiết bị đo và dụng cụ tháo lắp |
|
|
|
a |
Thiết bị đo, kiểm tra (đồng hồ số, panme, thước cặp, thước lá, bộ lá căn, đồng hồ đo áp suất, nhiệt độ, vôn kế, ampe kế, ampe kìm, điện trở kế, thiết bị đo độ ẩm gỗ) |
|
|
|
b |
Dụng cụ tháo, lắp, sửa chữa (kìm, cơ lê, mỏ lết, êtô, thiết bị tháo chân vịt, bàn máp, thiết bị đo áp lực vòi phun) |
|
|
|
c |
Thiết bị thử kín nước, thử thủy lực, thử áp lực |
|
|
|
d |
Dụng cụ đo bước xoắn và cân bằng tĩnh chân vịt |
|
|
|
7 |
Thiết bị nâng, hạ |
|
|
|
a |
Xe cẩu trọng tải ≥ 5 tấn |
|
|
|
b |
Palăng xích |
|
|
|
|
Áp dụng đối với cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá vỏ vật liệu mới(*): |
|
|
|
1 |
Diện tích mặt bằng |
|
|
|
2 |
Trang thiết bị để hạ thủy tàu phù hợp với trọng lượng tàu đóng |
|
|
|
3 |
Vùng nước neo đậu tàu có khả năng neo đậu |
|
|
|
4 |
Diện tích xưởng chế tạo vỏ (xưởng dát) |
|
|
|
5 |
Các trang thiết bị cần thiết phục vụ công việc dát vỏ tàu |
|
|
|
6 |
Kho chứa nguyên liệu |
|
|
|
7 |
Xưởng cơ khí máy điện |
|
|
|
8 |
Các trang thiết bị đo và dụng cụ tháo lắp |
|
|
|
a |
Thiết bị đo, kiểm tra (đồng hồ so, panme, thước cặp, thước lá, bộ lá căn, đồng hồ đo áp suất, nhiệt độ, vôn kế, ampe kế, ampe kìm, điện trở kế) |
|
|
|
b |
Dụng cụ tháo, lắp, sửa chữa (kìm, cơ lê, mỏ lết, êtô, thiết bị tháo chân vịt, bàn máp, thiết bị đo áp lực vòi phun) |
|
|
|
c |
Thiết bị thử kín nước, thử thủy lực, thử áp lực |
|
|
|
d |
Dụng cụ đo bước xoắn và cân bằng tĩnh chân vịt |
|
|
|
9 |
Thiết bị nâng, hạ |
|
|
|
a |
Cầu trục đôi hoặc cầu trục đơn có tổng trọng tải tối thiểu 15 tấn |
|
|
|
b |
Xe cẩu trọng tải ≥ 5 tấn |
|
|
|
II |
Nhân lực, bộ phận giám sát, quản lý chất lượng để bảo đảm sản phẩm đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, điều kiện về chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định |
|
|
|
|
Áp dụng đối với cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá vỏ thép(*): |
|
|
|
1 |
Bộ phận giám sát, quản lý chất lượng thuộc các chuyên ngành kỹ thuật liên quan |
|
|
|
a |
Vỏ tàu thủy |
|
|
|
b |
Máy tàu thủy hoặc cơ khí tàu thuyền hoặc cơ khí tàu thủy hoặc khai thác thủy sản |
|
|
|
2 |
Bộ phận kỹ thuật thuộc các chuyên ngành kỹ thuật liên quan |
|
|
|
a |
Vỏ tàu thủy |
|
|
|
b |
Máy tàu thủy |
|
|
|
c |
Điện tàu thủy hoặc điện lạnh |
|
|
|
d |
Khai thác thủy sản hoặc cơ khí tàu thuyền hoặc cơ khí tàu thủy |
|
|
|
3 |
Công nhân kỹ thuật |
|
|
|
a |
Thợ cơ khí |
|
|
|
b |
Thợ điện |
|
|
|
c |
Thợ hàn kim loại |
|
|
|
|
Áp dụng đối với cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá vỏ gỗ(*): |
|
|
|
1 |
Bộ phận giám sát, quản lý chất lượng thuộc các chuyên ngành kỹ thuật liên quan |
|
|
|
a |
Vỏ tàu thủy |
|
|
|
b |
Máy tàu thủy hoặc cơ khí tàu thuyền hoặc cơ khí tàu thủy |
|
|
|
2 |
Bộ phận kỹ thuật thuộc các chuyên ngành kỹ thuật liên quan |
|
|
|
a |
Vỏ tàu thủy |
|
|
|
b |
Máy tàu thủy hoặc cơ khí tàu thuyền hoặc cơ khí tàu thủy |
|
|
|
3 |
Công nhân kỹ thuật |
|
|
|
a |
Thợ cơ khí |
|
|
|
b |
Thợ điện |
|
|
|
c |
Thợ hàn kim loại |
|
|
|
|
Áp dụng đối với cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá vỏ vật liệu mới(*): |
|
|
|
1 |
Bộ phận giám sát, quản lý chất lượng thuộc các chuyên ngành kỹ thuật liên quan |
|
|
|
a |
Vỏ tàu thủy |
|
|
|
b |
Máy tàu thủy hoặc cơ khí tàu thuyền hoặc cơ khí tàu thủy |
|
|
|
2 |
Bộ phận kỹ thuật thuộc các chuyên ngành kỹ thuật liên quan |
|
|
|
a |
Vỏ tàu thủy |
|
|
|
b |
Máy tàu thủy hoặc cơ khí tàu thuyền hoặc cơ khí tàu thủy |
|
|
|
3 |
Công nhân kỹ thuật |
|
|
|
a |
Thợ cơ khí |
|
|
|
b |
Thợ điện |
|
|
|
c |
Thợ làm khuôn và dát vỏ tàu |
|
|
|
III |
Thu gom và xử lý rác, chất thải |
|
|
|
IV |
Hệ thống quản lý chất lượng, quy trình công nghệ đáp ứng yêu cầu |
|
|
|
1 |
Xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng |
|
|
|
a |
Kiểm soát vật liệu, máy móc |
|
|
|
b |
Kiểm soát quá trình đóng mới, cải hoán |
|
|
|
c |
Kiểm định, hiệu chuẩn, hiệu chỉnh thiết bị |
|
|
|
d |
Vệ sinh cơ sở, nhà xưởng |
|
|
|
đ |
Thu gom và xử lý chất thải, rác thải |
|
|
|
2 |
Có quy trình công nghệ theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và đóng tàu cá |
|
|
|
a |
Quy trình đóng mới tàu cá |
|
|
|
b |
Quy trình cải hoán tàu cá |
|
|
|
B |
KIỂM TRA DUY TRÌ ĐIỀU KIỆN, NGOÀI CÁC CHỈ TIÊU TẠI MỤC A, PHẢI ĐÁNH GIÁ CÁC CHỈ TIÊU SAU |
|
|
|
1 |
Áp dụng hệ thống quản lý chất lượng |
|
|
|
a |
Kiểm soát vật liệu, máy móc |
|
|
|
b |
Kiểm định, hiệu chuẩn, hiệu chỉnh thiết bị |
|
|
|
c |
Vệ sinh cơ sở, nhà xưởng |
|
|
|
d |
Thu gom và xử lý rác, chất thải |
|
|
|
2 |
Thực hiện quy trình công nghệ theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và đóng tàu cá trong quá trình đóng mới, cải hoán tàu cá |
|
|
|
a |
Quy trình đóng mới tàu cá |
|
|
|
b |
Quy trình cải hoán tàu cá |
|
|
|
|
Số chỉ tiêu đạt/không đạt |
|
|
|
IIII. Ý KIẾN CỦA ĐOÀN KIỂM TRA (nội dung cần khắc phục, thời gian khắc phục, báo cáo khắc phục):
………………………………………………………………………………………………………
IV. Ý KIẾN CỦA ĐẠI DIỆN CƠ SỞ:
...........................................................................................................................................
CHỦ CƠ SỞ ĐƯỢC KIỂM TRA |
TRƯỞNG ĐOÀN KIỂM TRA |
Ghi chú: (*) Trường hợp cơ sở chỉ đóng tàu bằng một loại vật liệu vỏ thì giữ lại nội dung điều kiện tương ứng với cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá loại vỏ đó, bỏ các nội dung không thuộc loại vật liệu vỏ còn lại.
HƯỚNG DẪN KIỂM TRA ĐIỀU KIỆN CƠ SỞ ĐÓNG MỚI, CẢI HOÁN TÀU CÁ
A. NGUYÊN TẮC KIỂM TRA
1. Ghi biểu mẫu kiểm tra
- Ghi đầy đủ thông tin theo quy định trong biểu mẫu.
- Thẩm tra, đánh giá và ghi thông tin chính xác.
- Nếu sửa chữa trên nội dung đã ghi trong Biên bản, phải có chữ ký xác nhận của Trưởng đoàn kiểm tra.
2. Nguyên tắc đánh giá
- Kết quả đánh giá của chỉ tiêu là “Đạt” hoặc “Không đạt”.
- Dùng ký hiệu X hoặc √ đánh dấu vào các vị trí mức đánh giá đã được xác định đối với mỗi chỉ tiêu.
- Phải diễn giải chi tiết chỉ tiêu đạt và không đạt; mỗi chỉ tiêu không đạt phải ghi cụ thể lỗi và xác định thời hạn cơ sở phải khắc phục lỗi đó; mỗi chỉ tiêu đạt phải nêu rõ nội dung, bằng chứng đạt yêu cầu.
3. Chỉ tiêu áp dụng
- Các chỉ tiêu tại phần A là áp dụng đối với kiểm tra lần đầu hoặc khi cơ sở có thay đổi điều kiện đóng mới, cải hoán (Ví dụ: đang đóng tàu vỏ gỗ chuyển sang đóng tàu vỏ thép,...) hoặc thay đổi địa điểm đóng mới, cải hoán tàu cá:
- Các chỉ tiêu tại Phần A và Phần B áp dụng đối với kiểm tra duy trì điều kiện cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá đã được Giấy chứng nhận.
- Đối với kiểm tra lần đầu hoặc có thay đổi điều kiện cơ sở, thay đổi địa điểm chỉ tiêu “IV. Hệ thống quản lý chất lượng, quy trình công nghệ đáp ứng yêu cầu” là kiểm tra nội dung Hệ thống quản lý chất lượng, quy trình công nghệ.
- Đối với kiểm tra duy trì điều kiện cơ sở, kiểm tra chỉ tiêu “IV. Hệ thống quản lý chất lượng, quy trình công nghệ đáp ứng yêu cầu” là đánh giá việc áp Hệ thống quản lý chất lượng, quy trình công nghệ trong quá trình đóng mới, cải hoán tàu cá.
4. Chỉ chứng nhận đủ điều kiện khi cơ sở đáp ứng toàn bộ các chỉ tiêu.
5. Ngôn ngữ sử dụng trong tài liệu phục vụ kiểm tra, đánh giá phải thể hiện bằng tiếng Việt.
B. HƯỚNG DẪN ĐÁNH GIÁ TỪNG CHỈ TIÊU
1. Có cơ sở vật chất, trang thiết bị phù hợp; có phương án tổ chức sản xuất, kinh doanh phù hợp với chủng loại, kích cỡ tàu cá được đóng mới, cải hoán:
Yêu cầu: Đáp ứng cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương án tổ chức sản xuất, kinh doanh phù hợp với chủng loại, kích cỡ, vật liệu vỏ tàu cá được đóng mới, cải hoán theo Luật Thủy sản và Nghị định hướng dẫn và các quy định có liên quan.
Phương pháp đánh giá: Quan sát hiện trường; xem xét hồ sơ, tài liệu.
2. Nhân lực, bộ phận giám sát, quản lý chất lượng để bảo đảm sản phẩm đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, điều kiện về chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định
Yêu cầu: Đáp ứng nhân lực, bộ phận giám sát, quản lý chất lượng phù hợp với chủng loại, kích cỡ, vật liệu vỏ tàu cá được đóng mới, cải hoán theo Luật Thủy sản và Nghị định hướng dẫn và các quy định có liên quan.
Phương pháp đánh giá: Quan sát hiện trường; xem xét hồ sơ, văn bằng chứng chỉ, tài liệu.
3. Thiết bị thu gom và xử lý rác, chất thải
Yêu cầu: Trang bị thùng rác phù hợp để phân loại rác (rác thải sinh hoạt, tái chế và nguy hại), thùng chứa rác thải nguy hại cần có nắp đậy kín. Nơi chứa rác, chất thải tách biệt với khu vực sản xuất và nơi sinh hoạt. Nơi chứa rác, chất thải nguy hại phải được để riêng và có khóa.
Phương pháp đánh giá: Quan sát hiện trường; xem xét hồ sơ, tài liệu về nhận diện, phân loại rác, chất thải.
4. Hệ thống quản lý chất lượng, quy trình công nghệ đáp ứng yêu cầu
a) Xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng
- Kiểm soát vật liệu, máy móc
Yêu cầu: Phải xây dựng quy trình kiểm soát đối với các vật liệu, máy móc, trong đó có quy định về chỉ tiêu kiểm soát và tần suất kiểm soát bảo đảm chất lượng, an toàn, phù hợp với từng loại vật liệu, máy móc và phải được cụ thể bằng văn bản, được người có thẩm quyền phê duyệt.
Phương pháp đánh giá: Xem xét các văn bản quy định, tài liệu về kiểm soát.
Ghi chú: Người có thẩm quyền là chủ cơ sở hoặc người được chủ cơ sở phân công và chịu trách nhiệm phê duyệt.
- Kiểm định, hiệu chuẩn, hiệu chỉnh thiết bị
Yêu cầu: Các yêu cầu và nội dung kiểm soát phải được cụ thể bằng văn bản và được người có thẩm quyền phê duyệt, đảm bảo các nội dung sau:
+ Lập Danh mục thiết bị và kế hoạch kiểm định, hiệu chuẩn, hiệu chỉnh định kỳ (nội bộ hoặc bên ngoài).
+ Nhận diện trạng thái cho các thiết bị đo lường (Tem nhãn hiệu chuẩn, thiết bị hỏng).
+ Kiểm soát thiết bị hỏng, chưa được kiểm định, hiệu chuẩn, hiệu chỉnh để tránh sử dụng sai mục đích.
Phương pháp đánh giá: Xem xét kế hoạch hiệu chuẩn, hiệu chỉnh định kỳ; quan sát tem nhãn hiệu chuẩn được gắn lên thiết bị hoặc hồ sơ hiệu chuẩn đi kèm với thiết bị. Nếu thiết bị đo lường tự hiệu chuẩn nội bộ thì kiểm tra bộ chuẩn có được kiểm định hay không.
- Vệ sinh cơ sở, nhà xưởng
Yêu cầu: Các yêu cầu và nội dung kiểm soát phải được cụ thể bằng văn bản và được người có thẩm quyền phê duyệt, đảm bảo các nội dung sau:
Quy định các phương pháp vệ sinh, tần suất, hóa chất vệ sinh (nếu có) cho từng khu vực. Lập danh mục hoá chất vệ sinh để kiểm soát hoá chất cấm sử dụng.
Phương pháp đánh giá: Quan sát hiện trường về tình trạng vệ sinh, xem xét tài liệu quy định vệ sinh (tần suất, phương pháp); danh sách hoá chất vệ sinh. Xem xét hồ sơ kiểm tra vệ sinh định kỳ.
- Thu gom và xử lý rác, chất thải
Yêu cầu: Các yêu cầu và nội dung kiểm soát phải được cụ thể bằng văn bản và được người có thẩm quyền phê duyệt, đảm bảo các nội dung sau:
+ Có quy định khu vực thu gom rác, chất thải; quy định tần suất di chuyển ra khỏi khu vực sản xuất, kho về khu tập kết.
+ Xử lý hoặc thuê cơ sở thu gom, xử lý rác, chất thải có năng lực theo quy định của pháp luật.
Phương pháp đánh giá: Quan sát hiện trường về bố trí chỗ để rác, chất thải, phân loại rác, chất thải; xác nhận thực tế về tần suất di chuyển rác, chất thải khỏi nhà xưởng; xem xét các hồ sơ về xử lý rác, chất thải.
b) Có quy trình công nghệ theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và đóng tàu cá
- Quy trình đóng mới tàu cá:
Yêu cầu: Phải xây dựng quy trình đóng mới tàu cá theo loại vật liệu vỏ bảo đảm theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và đóng tàu cá và phải được cụ thể bằng văn bản, được người có thẩm quyền phê duyệt.
Phương pháp đánh giá: Xem xét quy trình, tài liệu về kiểm soát.
- Quy trình cải hoán tàu cá
Yêu cầu: Phải xây dựng quy trình đóng mới tàu cá theo loại vật liệu vỏ bảo đảm theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và đóng tàu cá và phải được cụ thể bằng văn bản, được người có thẩm quyền phê duyệt.
Phương pháp đánh giá: Xem xét quy trình, tài liệu về kiểm soát.
5. Kiểm tra Mục B. Kiểm tra duy trì điều kiện:
Yêu cầu: Dựa trên các quy trình đã được cơ sở ban hành, kiểm tra cụ thể từng chỉ tiêu áp dụng tại Mục B và bảo đảm thực hiện đầy đủ quy trình đã được ban hành tại Mục “Hệ thống quản lý chất lượng, quy trình công nghệ đáp ứng yêu cầu”.
Phương pháp đánh giá: Xem xét các quy trình và hồ sơ ghi chép, đối chiếu với thực tế tại cơ sở.
Mẫu số 30
Kính gửi: Cục Thủy sản.
- Tên cơ sở đào tạo/bồi dưỡng: ……………………………………………………..
- Địa chỉ: ………………………………………………………………………………
- Điện thoại:…………………………………. Email:………………………………..
- Văn bản thành lập số: ……………ngày………………….do…………………….cấp.
- Người đại diện của cơ sở: ………………………..Chức vụ:…………………………….
Căn cứ Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật.
Nhận thấy cơ sở của chúng tôi có đủ điều kiện tham gia đào tạo/bồi dưỡng cấp chứng chỉ thuyền viên tàu cá, thời gian tiến hành đào tạo/bồi dưỡng từ ngày………tháng…….. năm……..
Xin gửi kèm theo Văn bản này:
(1) Văn bản thành lập cơ sở (bản chụp);
(2) Bản mô tả thể hiện cơ sở vật chất, trang thiết bị theo quy định (bản chính có đóng dấu của cơ sở);
(3) Danh sách giảng viên (họ tên, năm sinh, chức danh, chuyên môn,....);
(4) Giáo trình đào tạo/bồi dưỡng.
Bằng văn bản này, chúng tôi trân trọng thông báo đến quý cơ quan và cam kết hoàn toàn chịu trách nhiệm về hoạt động đào tạo/bồi dưỡng cấp chứng chỉ thuyền viên tàu cá theo đúng các quy định pháp luật hiện hành.
Nơi nhận: |
THỦ TRƯỞNG CƠ SỞ |
Mẫu số 31
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
…., ngày …. tháng …. năm ….
TỜ KHAI
Về việc chấp thuận đóng mới/cải hoán tàu cá
(hoặc: Tờ khai về việc chấp thuận thuê, mua tàu cá)*
Kính gửi: ……………………..
Họ tên người đứng khai: ………………………………………………………………..
Địa chỉ thường trú: …………………………………………………………………………
Số CCCD/CMND:………………Ngày cấp :…………..Nơi cấp:……………………..
Trường hợp đóng mới/cải hoán tàu cá(*):
Đề nghị được đóng mới/cải hoán tàu cá với các đặc điểm chính như sau:
- Kích thước chính Lmax x Bmax x D, (m): …………….Chiều chìm d,(m):…………..
- Vật liệu vỏ: ……………………………Công suất (kW):……………………………..
- Nghề khai thác thủy sản: ……………………………………………………........
- Vùng hoạt động: ……………………………………………………………………
- Nội dung đề nghị cải hoán (*): ………………………………………………..
Trường hợp thuê/mua tàu cá(*):
Đề nghị được thuê/mua tàu cá với các đặc điểm chính như sau:
- Kích thước chính Lmax x Bmax x D, (m):………. Chiều chìm d,(m):……………
- Vật liệu vỏ:……………………….Công suất (kW):……………………………
- Nghề khai thác thủy sản: ………………………………………………………
- Vùng hoạt động: ………………………………………………………………..
Tôi xin cam đoan đóng mới/cải hoán tàu cá (hoặc thuê, mua tàu cá) theo đúng nội dung đã đề nghị ở trên và chấp hành đầy đủ các quy định về đóng mới, cải hoán (hoặc mua, bán), đăng ký, đăng kiểm, xin cấp giấy phép khai thác thủy sản.
XÁC NHẬN CỦA UBND CẤP XÃ |
CHỦ CƠ SỞ/CÁ NHÂN ĐỀ NGHỊ |
Ghi chú: (*) Bỏ cụm từ không phù hợp, để phù hợp với từng trường hợp đóng mới hoặc cải hoán hoặc thuê hoặc mua tàu cá.
Mẫu số 32
TÊN CƠ QUAN, TỔ CHỨC |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: …/… |
….., ngày …. tháng …. năm …. |
QUYẾT ĐỊNH
Về việc chấp thuận đóng mới/cải hoán/thuê/mua tàu cá(*)
THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN, TỔ CHỨC RA QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ Luật Thủy sản ngày………………..;
Căn cứ Nghị định số …./NĐ-CP ngày ... của Chính phủ………………;
Căn cứ Quyết định số quy định chức năng nhiệm vụ thẩm quyền của………….;
Căn cứ hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản và tiêu chí phát triển nghề cá của……………;
Xét đề nghị của……….; địa chỉ…………………………...; tại đơn đề nghị………………
Theo đề nghị của …………………………………………
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Chấp thuận cho………………………(tên tổ chức hoặc cá nhân)...
Địa chỉ của tổ chức…………………..(hoặc số CCCD/CMND, ………………và địa chỉ thường trú của cá nhân)……………………………….
Được phép đóng mới/cải hoán/thuê/mua (*) tàu cá với đặc điểm chính như sau:
1. Kích thước chính (**)Lmax x Bmax x D (m):………..Chiều chìm d (m):…………….
2. Vật liệu vỏ: ………………………………..Công suất (kW):…………………………..
3. Nghề khai thác thủy sản: ………………………………………………………………
4. Vùng hoạt động: ………………………………………………………………………..
5…………………….(nội dung khác - nếu có) ……………………………………………
Điều 2. Thời hạn hiệu lực của Quyết định chấp thuận: 12 tháng kể từ ngày ký.
Điều 3. …………..và…………..có trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: |
NGƯỜI CÓ THẨM QUYỀN |
Ghi chú:
(*) Gạch cụm từ không phù hợp, để phù hợp với từng trường hợp đóng mới hoặc cải hoán.
(**) Trường hợp đóng mới cho phép kích thước chính, công suất máy thay đổi 10%, phải phù hợp với vùng hoạt động cho phép.
Lưu ý: Không chấp thuận cho đóng mới/cải hoán tàu cá làm nghề lưới kéo, cải hoán tàu cá đang làm nghề khác sang làm nghề lưới kéo.
Mẫu số 33
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------
ĐƠN ĐỀ NGHỊ CÔNG BỐ MỞ CẢNG CÁ
Kính gửi: …………………………
Tổ chức quản lý cảng cá: ……………………………………………………………….
Địa chỉ trụ sở:………………………………………………………………………………….
Số điện thoại:……………………….Email…………………… Tần số liên lạc…………….
Đề nghị được công bố mở cảng cá với các thông tin như sau:
1. Tên cảng cá: ………………………….Loại cảng cá: …………………………………..
2. Địa chỉ cảng cá: …………………………………………………………………………
3. Chiều dài cầu cảng (mét): ………;
4. Tọa độ: Vĩ độ: ………..N; Kinh độ:…………..E
5. Độ sâu trước cầu cảng (mét) …………….
6. Độ sâu vùng nước đậu tàu (mét):…………….
7. Thông tin về luồng vào cảng cá:
- Tọa độ điểm đầu của luồng: Vĩ độ:………….N; Kinh độ: ……………E;
- Độ sâu luồng (mét): ……………….; Chiều rộng luồng (mét):…………….
8. Tổng diện tích vùng đất cảng (hecta): ………………………………………
9. Tổng diện tích vùng nước cảng (hecta):……………………………………..
10. Lượng hàng thuỷ sản (được thiết kế) qua cảng (tấn/năm): ………………..
11. Thời gian cảng cá bắt đầu hoạt động (ngày/tháng/năm): ………………………
12. Hồ sơ gửi kèm theo gồm:
a) ……………………………………………………………………………………………
b) ……………………………………………………………………………………………
c) ……………………………………………………………………………………………
……………………………………………………………………………………………
(Phương án khai thác cảng cá; danh mục các trang thiết bị chủ yếu phục vụ cho bốc dỡ hàng hóa đối với cảng cá loại I, II tại Phụ lục kèm theo đơn này).
Chúng tôi cam đoan và chịu hoàn toàn trách nhiệm về những nội dung trên đây và cam kết thực hiện đầy đủ các quy định về cảng cá và pháp luật khác có liên quan. Đề nghị quý cơ quan xem xét, công bố mở cảng cá.
|
…….., ngày..... tháng.... năm….. |
Phụ lục
(Kèm theo Đơn đề nghị công bố mở cảng cá ngày ... tháng……năm...)
A. PHƯƠNG ÁN KHAI THÁC CẢNG CÁ
I. NHIỆM VỤ CẦN THỰC HIỆN
Tổ chức quản lý cảng cá cần bố trí đủ nhân sự thực hiện các nhiệm vụ cơ bản sau:
1. Điều độ, hướng dẫn, sắp xếp phương tiện ra, vào cảng, neo đậu trong vùng nước cảng cá
- Bảo đảm có bộ phận tiếp nhận thông tin tàu cập cảng, lưu trữ thông tin, thông báo cho các bộ phận có liên quan;
- Bảo đảm có bộ phận hướng dẫn tàu cập cảng, bố trí neo đậu, bốc dỡ sản phẩm...
2. Tổ chức thực hiện giám sát sản lượng bốc dỡ qua cảng
- Thu nhận nhật ký, báo cáo khai thác thủy sản của tàu cá vào cảng;
- Trực tiếp giám sát sản lượng bốc dỡ qua cảng, lưu trữ dữ liệu;
- Ghi biểu mẫu thống kê nghề cá thương phẩm; thống kê sản lượng thủy sản qua cảng;
- Tổng hợp, báo cáo; lưu trữ dữ liệu theo quy định……………
3. Xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác theo quy định
Cấp giấy biên nhận, cấp Giấy xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản từ khai thác, lưu trữ dữ liệu.... (nếu có).
4. Phối hợp tham gia công tác kiểm tra, giám sát tại cảng cá
- Bố trí văn phòng, trang thiết bị phục vụ công tác kiểm tra, giám sát tại cảng;
- Cung cấp thông tin cho cơ quan thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát tàu cá tại cảng;
- Cử người tham gia kiểm tra, giám sát....
5. Thông tin
Thông tin về tình hình thời tiết trên hệ thống thông tin của cảng cá; tổ chức trực ban và treo tín hiệu cảnh báo khi có thiên tai theo quy định; thông báo danh sách tàu cá, số người trên tàu đang neo đậu tại vùng nước cảng; tổng hợp, báo cáo theo quy định...
6. Duy tu, bảo dưỡng và duy trì điều kiện hoạt động của cảng
Xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện duy tu, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng cảng cá đảm bảo an toàn cho người và phương tiện hoạt động trong cảng và các nhiệm vụ khác được phân công....
II. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Phân công rõ trách nhiệm của từng bộ phận, cá nhân thuộc tổ chức quản lý cảng cá để thực hiện các nhiệm vụ nêu trên Mục I.
III. NỘI DUNG KHÁC
…..
IV. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN
Định kỳ hàng năm, 5 năm, tổ chức quản lý cảng cá tiến hành đánh giá kết quả thực hiện Phương án đã được phê duyệt, báo cáo các cơ quan có liên quan.
B. DANH MỤC CÁC TRANG THIẾT BỊ CHỦ YẾU PHỤC VỤ CHO BỐC DỠ HÀNG HÓA (ÁP DỤNG ĐỐI VỚI CẢNG CÁ LOẠI I, II)
TT |
Tên trang thiết bị |
Công suất/ năng lực |
Cảng cá Loại …. |
1 |
Cần cẩu cố định hoặc di động |
|
|
2 |
Xe nâng hàng |
|
|
3 |
Băng tải |
|
|
4 |
Xe đẩy hàng |
|
|
5 |
Cầu xe nâng |
|
|
6 |
Phương tiện vận chuyển hàng hóa |
|
|
7 |
Trạm cân |
|
|
... |
Khác |
|
|
|
THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ |
Mẫu số 34
TÊN CƠ QUAN, TỔ CHỨC |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: …/QĐ-….. |
…., ngày …. tháng … năm ….. |
QUYẾT ĐỊNH
Về việc công bố mở cảng cá
THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN THẨM QUYỀN BAN HÀNH (*) ……………..
Căn cứ ..........................................................................................................
Căn cứ ……………………………………………………………………………..
Xét đề nghị của …………………………………………………………………
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Công bố mở cảng cá (tên cảng cá): …………………………………
Địa chỉ: ……………………………………………………………………………..
Số điện thoại: ………………….Email ……………….Tần số liên lạc……………
1. Loại cảng cá (I, II, III): ……………………………………………………….
2. Tọa độ vị trí của cảng cá: Vĩ độ: …………N; Kinh độ: ……………..E
3. Tổng chiều dài cầu cảng (mét): ………………………………………………..
4. Thông tin luồng vào cảng:
- Tọa độ điểm đầu của luồng: Vĩ độ:…………..N; Kinh độ: ……………….E;
- Độ sâu của luồng (mét):………… Chiều rộng luồng (mét):……………………..
5. Độ sâu vùng nước đậu tàu (mét):………………………………………………….
6. Độ sâu vùng nước trước cầu cảng (mét): ……………………………………
7. Tổng diện tích vùng đất cảng (ha): ………………………………………….
8. Tổng diện tích vùng nước cảng (ha): ………………………………………….
9. Năng lực bốc dỡ hàng hóa (lượng hàng hóa theo thiết kế (tấn/năm): …………..
10. Thời gian cảng cá bắt đầu hoạt động: ……………………………………………..
11. Tên tổ chức quản lý cảng cá (**): …………………………………………………..
Địa chỉ…………………………………….Điện thoại:………………..Email:……………
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày …………………………..
Điều 3 . …………, ……….. (Tổ chức quản lý cảng cá), Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: |
THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN |
Ghi chú:
(*) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố mở cảng cá loại I; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công bố mở cảng cá loại II; Ủy ban nhân dân cấp huyện công bố mở cảng cá loại III.
(**): Ghi rõ tên tổ chức được giao quản lý cảng cá, trực thuộc cơ quan/đơn vị nào (nếu có).
Mẫu số 35
UBND CẤP TỈNH |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: …/BC-…. |
…….., ngày …. tháng …. năm …… |
BÁO CÁO
Rà soát, đề xuất Danh sách cảng cá chỉ định cho tàu cá hoạt động ở vùng khơi cập cảng
Kính gửi: Cục Thủy sản.
Căn cứ Luật Thủy sản 2017 và Nghị định ……………….;
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh……………………..báo cáo, đề xuất danh sách cảng cá chỉ định cho tàu cá hoạt động ở vùng khơi cập cảng như sau:
1. Cảng cá đề nghị đưa vào danh sách cảng cá chỉ định cho tàu cá hoạt động ở vùng khơi cập cảng:
TT |
Tên cảng cá |
Cảng cá loại |
Địa chỉ, số điện thoại |
Vị trí bắt đầu của luồng vào cảng (vĩ độ - N; kinh độ - E) |
Độ sâu luồng vào cảng (mét) |
Tọa độ cảng (vĩ độ - N; kinh độ - E) |
Độ sâu vùng nước đậu tàu (mét) |
Cỡ loại tàu lớn nhất có thể cập cảng (mét) |
Số Quyết định công bố mở cảng |
1 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
2 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
… |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
2. Cảng cá đề nghị đưa ra khỏi danh sách cảng cá chỉ định cho tàu cá hoạt động ở vùng khơi cập cảng:
TT |
Tên cảng cá |
Cảng cá loại |
Địa chỉ, số điện thoại |
Số Quyết định công bố danh sách cảng chỉ định |
Lý do đề nghị đưa ra khỏi danh sách cảng chỉ định |
1 |
|
|
|
|
|
2 |
|
|
|
|
|
… |
|
|
|
|
|
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh.... đề nghị Cục Thủy sản tổng hợp, trình bộ công bố.
Nơi nhận: |
GIÁM ĐỐC |
Mẫu số 36
UBND CẤP TỈNH |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: …/BC-…. |
…….., ngày …. tháng …. năm …… |
BÁO CÁO
Rà soát, đề xuất Danh sách cảng cá chỉ định cho tàu cá nước ngoài cập cảng
Kính gửi: Cục Thủy sản.
Căn cứ Luật Thủy sản 2017 và Nghị định………………….;
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh.... báo cáo, đề xuất danh sách cảng cá chỉ định cho tàu cá nước ngoài cập cảng như sau:
1. Cảng cá đề nghị đưa vào danh sách cảng cá chỉ định cho tàu cá nước ngoài cập cảng:
TT |
Tên cảng cá |
Cảng cá loại |
Địa chỉ, số điện thoại |
Vị trí bắt đầu của luồng vào cảng (vĩ độ - N; kinh độ - E) |
Độ sâu luồng vào cảng (mét) |
Tọa độ cảng (vĩ độ - N; kinh độ - E) |
Độ sâu vùng nước đậu tàu (mét) |
Cỡ loại tàu lớn nhất có thể cập cảng (mét) |
Số Quyết định công bố mở cảng |
1 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
2 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
… |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
2. Cảng cá đề nghị đưa ra khỏi danh sách cảng cá chỉ định cho tàu cá nước ngoài cập cảng:
TT |
Tên cảng cá |
Cảng cá loại |
Địa chỉ, số điện thoại |
Số Quyết định công bố danh sách cảng chỉ định |
Lý do đề nghị đưa ra khỏi danh sách cảng chỉ định |
1 |
|
|
|
|
|
2 |
|
|
|
|
|
… |
|
|
|
|
|
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh.... đề nghị Cục Thủy sản tổng hợp, trình bộ công bố.
Nơi nhận: |
GIÁM ĐỐC |
PHỤ LỤC II
DANH MỤC LOÀI THỦY SẢN NGUY CẤP, QUÝ, HIẾM
(Kèm theo Nghị định số 37/2024/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2024 của Chính phủ)
PHẦN I. NHÓM I
TT |
Tên Việt Nam |
Tên khoa học |
I |
LỚP ĐỘNG VẬT CÓ VÚ |
MAMMALIAS |
1. |
Họ cá heo biển (tất cả các loài, trừ cá heo trắng trung hoa - Sousa chinensis) |
Delphinidae |
2. |
Họ cá heo chuột (tất cả các loài) |
Phocoenidae |
3. |
Họ cá heo nước ngọt (tất cả các loài) |
Platanistidae |
4. |
Họ cá voi lưng gù (tất cả các loài) |
Balaenopteridae |
5. |
Họ cá voi mõm khoằm (tất cả các loài) |
Ziphiidae |
6. |
Họ cá voi nhỏ (tất cả các loài) |
Physeteridae |
II |
LỚP CÁ XƯƠNG |
OSTEICHTHYES |
7. |
Cá chình mun |
Anguilla bicolor |
8. |
Cá chình nhật |
Anguilla japonica |
9. |
Cá cháy bắc |
Tenualosa reevesii |
10. |
Cá mòi đường |
Albula vulpes |
11. |
Cá đé |
Ilisha elongata |
12. |
Cá thát lát khổng lồ |
Chitala lopis |
13. |
Cá anh vũ |
Semilabeo obscurus |
14. |
Cá chép gốc |
Procypris merus |
15. |
Cá hô |
Catlocarpio siamensis |
16. |
Cá học trò |
Balantiocheilos ambusticauda |
17. |
Cá lợ thân cao (Cá lợ) |
Cyprinus hyperdorsalis |
18. |
Cá lợ thân thấp |
Cyprinus multitaeniata |
19. |
Cá măng giả |
Luciocyprinus langsoni |
20. |
Cá may |
Gyrinocheilus aymonieri |
21. |
Cá mè huế |
Chanodichthys flavipinnis |
22. |
Cá mơn (Cá rồng) |
Scleropages formosus |
23. |
Cá pạo (Cá mị) |
Sinilabeo graffeuilli |
24. |
Cá rai |
Neolissochilus benasi |
25. |
Cá trốc |
Acrossocheilus annamensis |
26. |
Cá trữ |
Cyprinus dai |
27. |
Cá thơm |
Plecoglossus altivelis |
28. |
Cá niết cúc phương |
Pterocryptis cucphuongensis |
29. |
Cá tra dầu |
Pangasianodon gigas |
30. |
Cá chen bầu |
Ompok bimaculatus |
31. |
Cá vồ cờ |
Pangasius sanitwongsei |
32. |
Cá sơn đài |
Ompok miostoma |
33. |
Cá bám đá |
Gyrinocheilus pennocki |
34. |
Cá trà sóc |
Probarbus jullieni |
35. |
Cá trê tối |
Clarias meiaderma |
36. |
Cá trê trắng |
Clarias batrachus |
37. |
Cá trèo đồi/cá tràu tiến vua |
Channa asiatica |
38. |
Cá bàng chài vân sóng |
Cheilinus undulatus |
39. |
Cá dao cạo |
Solenostomus paradoxus |
40. |
Cá dây lưng gù |
Cyttopsis cypho |
41. |
Cá kèn trung quốc |
Aulostomus chinensis |
42. |
Cá mặt quỷ |
Scorpaenopsis diabolus |
43. |
Cá mặt trăng |
Mola mola |
44. |
Cá mặt trăng đuôi nhọn |
Masturus lanceolatus |
45. |
Cá nòng nọc nhật bản |
Ateleopus japonicus |
46. |
Cá ngựa nhật |
Hippocampus japonicus |
47. |
Cá đường (Cá sủ giấy) |
Otolithoides biauritus |
48. |
Cá kẽm chấm vàng |
Plectorhynchus flavomaculatus |
49. |
Cá kẽm mép vẩy đen |
Plector hynchus gibbosus |
50. |
Cá song vân giun |
Epinephelus undulatostriatus |
51. |
Cá mó đầu u |
Bolbometopon muricatum |
52. |
Cá mú dẹt |
Cromileptes altivelis |
53. |
Cá mú chấm bé |
Plectropomus leopardus |
54. |
Cá mú sọc trắng |
Anyperodon leucogrammicus |
55. |
Cá hoàng đế |
Pomacanthus imperator |
Ill |
LỚP CÁ SỤN |
CHONDRICHTHYES |
56. |
Các loài cá đuối nạng |
Mobula spp. |
57. |
Các loài cá đuối ó mặt quỷ |
Manta spp. |
58. |
Cá đuối quạt |
Okamejei kenojei |
59. |
Cá giống mõm tròn |
Rhina ancylostoma |
60. |
Cá mập đầu bạc |
Carcharhinus albimarginatus |
61. |
Cá mập đầu búa hình vỏ sò |
Sphyrna lewini |
62. |
Cá mập đầu búa lớn |
Sphyrna mokarran |
63. |
Cá mập đầu búa trơn |
Sphyrna zygaena |
64. |
Cá mập đầu búa |
Eusphyra blochii |
65. |
Cá mập đầu vây trắng |
Carcharhinus longimamis |
66. |
Cá mập đốm đen đỉnh đuôi |
Carcharhinus melanopterus |
67. |
Cá mập hiền |
Carcharhinus amblyrhynchoides |
68. |
Cá mập lơ cát |
Carcharhinus leucas |
69. |
Cá mập Mako vây ngắn |
Isurus oxyrinchus |
70. |
Cá mập Mako vây dài |
Isurus paucus |
71. |
Cá mập lụa |
Carcharhinus falciformis |
72. |
Cá mập trắng lớn |
Carcharodon carcharias |
73. |
Cá nhám lông nhung |
Cephaloscyllium umbratile |
74. |
Cá nhám nâu |
Etmopterus lucifer |
75. |
Cá nhám nhu mì |
Stegostoma fasciatum |
76. |
Cá nhám răng |
Rhizoprionodon acutus |
77. |
Cá nhám thu |
Lamna nasus |
78. |
Cá nhám thu/cá mập sâu |
Pseudocarcharias kamoharai |
79. |
Cá nhám voi |
Rhincodon typus |
80. |
Các loài cá đao |
Pristidae spp. |
81. |
Các loài cá mập đuôi dài |
Alopias spp. |
82. |
Cá mập xanh |
Prionace glauca |
83. |
Các loài cá giống thường |
Glaucostegus spp. |
84. |
Các loài thuộc họ cá giống sao |
Rhinidae spp. |
IV |
LỚP HAI MẢNH VỎ |
BIVALVIA |
85. |
Trai bầu dục cánh cung |
Margaritanopsis laosensis |
86. |
Trai cóc dày |
Gibbosula crassa |
87. |
Trai cóc hình lá |
Lamprotula blaisei |
88. |
Trai cóc nhẵn |
Cuneopsis demangei |
89. |
Trai cóc vuông |
Protunio messageri |
90. |
Trai mẫu sơn |
Contradens fultoni |
91. |
Trai sông bằng |
Pseudobaphia banggiangensis |
92. |
Các loài trai tai tượng |
Tridacna spp. |
V |
LỚP CHÂN BỤNG |
GASTROPODA |
93. |
Họ ốc anh vũ (tất cả các loài) |
Nautilidae |
94. |
Ốc đụn cái |
Tectus niloticus |
95. |
Ốc đụn đực |
Tectus pyramis |
96. |
Ốc mút vệt nâu |
Cremnoconchus messageri |
97. |
Ốc sứ mắt trĩ |
Cypraea argus |
98. |
Ốc tù và |
Charonia tritonis |
99. |
Ốc xà cừ |
Turbo marmoratus |
VI |
LỚP SAN HÔ |
ANTHOZOA |
100. |
Bộ san hô đá (tất cả các loài) |
Scleractinia |
101. |
Bộ san hô cứng (tất cả các loài) |
Stolonifera |
102. |
Bộ san hô đen (tất cả các loài) |
Antipatharia |
103. |
Bộ san hô sừng (tất cả các loài) |
Gorgonacea |
104. |
Bộ san hô xanh (tất cả các loài) |
Helioporacea |
VII |
NGÀNH DA GAI |
ECHINODERMATA |
105. |
Cầu gai đá |
Heterocentrotus mammillatus |
106. |
Hải sâm hổ phách |
Thelenota anax |
107. |
Hải sâm lựu |
Thelenota ananas |
108. |
Hải sâm mít hoa (Hải sâm dừa) |
Actinopyga mauritiana |
109. |
Hải sâm trắng (Hải sâm cát) |
Holothuria (Metriatyla) scabra |
110. |
Hải sâm vú |
Holothuria nobilis |
VIII |
GIỚI THỰC VẬT |
PLANTAE |
111. |
Cỏ nàn |
Halophila beccarii |
112. |
Cỏ xoan đơn |
Halophila decipiens |
113. |
Cỏ lăn biển |
Syringodium izoetifolium |
114. |
Rong bắp sú |
Kappaphycus striatum |
115. |
Rong bong bóng đỏ |
Scinaia boergesenii |
116. |
Rong câu chân vịt |
Hydropuntia eucheumoides |
117. |
Rong câu cong |
Gracilaria arcuata |
118. |
Rong câu dẹp |
Gracilaria textorii |
119. |
Rong câu đỏ |
Gracilaria rubra |
120. |
Rong câu gậy |
Gracilaria blodgettii |
121. |
Rong chân vịt nhăn |
Cryptonemia undulata |
122. |
Rong đông gai dày |
Hypnea boergesenii |
123. |
Rong đông sao |
Hypnea cornuta |
124. |
Rong hồng mạc nhãn |
Halymenia dilatata |
125. |
Rong hồng mạc trơn |
Halymenia maculata |
126. |
Rong hồng vân |
Betaphycus gelatinum |
127. |
Rong hồng vân thỏi |
Eucheuma arnoldii |
128. |
Rong kỳ lân |
Kappaphycus cottonii |
129. |
Rong mơ |
Sargassum quinhonensis |
130. |
Rong mơ mềm |
Sargassum tenerrimum |
131. |
Rong nhớt |
Helminthodadia australis |
132. |
Rong sụn gai |
Eucheuma denticuiatum |
133. |
Rong tóc tiên |
Bangia fuscopurpurea |
PHẦN II. NHÓM II
TT |
Tên Việt Nam |
Tên khoa học |
Thời gian cấm khai thác trong năm (ngày/tháng) |
Kích thước tối thiểu cho phép khai thác (Tổng chiều dài (TL) tính theo cm) |
I |
LỚP CÁ |
|
|
|
1. |
Cá bỗng |
Spinibarbus denticulatus |
1/4 - 31/8 |
≥ 50 |
2. |
Cá cầy |
Paraspinibarbus macracanthus |
1/4 - 31/8 |
≥ 40 |
3. |
Cá cháo biển |
Elops saurus |
|
≥ 20 |
4. |
Cá cháo lớn |
Megalops cyprinoides |
1/3 - 1/6 |
≥ 20 |
5. |
Cá chày đất |
Spinibarbus hoilandi |
1/4 - 31/8 |
≥ 30 |
6. |
Cá chiên |
Bagarius rutilus |
1/4 - 31/7 |
≥ 45 |
7. |
Cá chiên bạc |
Bagarius yarrelli |
1/4 - 31/8 |
≥ 45 |
8. |
Cá chình hoa |
Anguilla marmorata |
1/3 - 30/4 |
|
9. |
Cá chình nhọn |
Anguilla borneensis |
1/3 - 30/4 |
|
10. |
Cá còm (cá nàng hai) |
Chitala ornata |
1/5 - 30/10 |
≥ 40 |
11. |
Cá còm hoa (Thát lát cườm) |
Chitala blanci |
1/5 - 30/10 |
≥ 40 |
12. |
Cá dảnh bông |
Puntioplites bulu |
1/6 - 31/10 |
≥ 30 |
13. |
Cá duồng |
Cirrhinus microlepis |
1/4 - 31/8 |
≥ 30 |
14. |
Cá duồng bay |
Cosmochilus harmandi |
1/6 - 30/9 |
≥ 30 |
15. |
Cá ét mọi |
Labeo chrysophekadion |
1/5 - 30/9 |
≥ 20 |
16. |
Cá he vàng |
Barbonymus altus |
1/6 - 30/9 |
≥ 15 |
17. |
Cá he đỏ |
Barbonymus schwanenfeldii |
1/4 - 30/9 |
≥ 20 |
18. |
Cá hỏa |
Sinilabeo tonkinensis |
|
≥ 43 |
19. |
Cá hường |
Datnioides microlepis |
1/4 - 31/8 |
≥ 20 |
20. |
Cá hường vện |
Datnioides quadrifasciatus |
1/6 - 31/8 |
≥ 20 |
21. |
Cá lăng (Cá lăng chấm) |
Hemibagrus guttatus |
1/4 - 31/7 |
≥ 56 |
22. |
Cá lăng đen |
Hemibagrus pluriradiatus |
1/4 - 31/7 |
≥ 50 |
23. |
Cá măng (Cá măng đậm) |
Elopichthys bambusa |
1/4 - 31/7 |
|
24. |
Cá măng sữa |
Chanos chanos |
1/3 - 31/5 |
|
25. |
Cá mòi cờ chấm |
Konosirus punctatus |
1/4 - 31/8 |
≥ 20 |
26. |
Cá mòi cờ hoa (Cá mòi cờ) |
Clupanodon thrissa |
1/4 - 31/8 |
≥ 20 |
27. |
Cá mòi không răng |
Anodontosma chacunda |
1/11 - 30/1 năm sau |
≥ 10 |
28. |
Cá mòi mõm tròn |
Nematalosa nasus |
1/4 - 31/7 |
|
29. |
Cá mõm trâu |
Bangana behri |
1/5 - 30/9 |
≥ 30 |
30. |
Cá ngạnh |
Cranogianis bouderius |
|
≥ 21 |
31. |
Cá ngựa |
Tor mekongensis |
1/6 - 31/10 |
≥ 30 |
32. |
Cá ngựa bắc |
Tor (Folifer) brevifilis |
1/4 - 31/8 |
≥ 20 |
33. |
Cá ngựa nam |
Hampala macrolepidota |
|
≥ 18 |
34. |
Cá ngựa xám |
Tor tambroides |
1/4 - 31/8 |
≥ 30 |
35. |
Cá rầm xanh |
Sinilabeo lemassoni |
|
≥ 25 |
36. |
Cá sỉnh (niên) |
Onychostoma gerlachi |
1/4 - 31/8 |
≥ 30 |
37. |
Cá sỉnh gai |
Onychostoma laticeps |
1/4 - 31/8 |
≥ 20 |
38. |
Cá sủ |
Boesemania microlepis |
1/4 - 31/8 |
≥ 60 |
39. |
Cá thái hổ |
Datnioides pulcher |
1/6 - 31/8 |
≥ 20 |
40. |
Cá trèn |
Ompok siluroides |
1/4 - 31/8 |
≥ 40 |
41. |
Cá vền |
Megalobrama terminalis |
|
≥ 23 |
42. |
Cá kim |
Schindleria praematura |
1/6 - 31/7 |
|
43. |
Cá ngựa chấm |
Hippocampus trimaculatus |
1/5 - 1/8 |
≥ 14 |
44. |
Cá ngựa đen |
Hippocampus kuda |
1/9 - 1/12 |
≥ 12 |
45. |
Cá ngựa gai |
Hippocampus histrix |
1/5 - 1/8 |
≥ 15 |
46. |
Cá ngựa ken lô |
Hippocampus kelloggi |
1/5 - 1/8 |
≥ 20 |
47. |
Cá mú hoa nâu |
Epinephelus fuscoguttatus |
1/3 - 1/6 |
≥ 40 |
48. |
Cá đù đầu lớn |
Collichthys lucidus |
1/1 - 30/4 |
≥ 10 |
II |
GIÁP XÁC |
|
|
|
49. |
Cua đá |
Gecarcoidea lalandii |
|
≥ 7* |
50. |
Cua hoàng đế |
Ranina ranina |
|
≥ 10* |
51. |
Tôm hùm bông |
Panulirus ornatus |
1/4 - 30/5 |
|
52. |
Tôm hùm đá |
Panulirus homarus |
1/4 - 30/5 |
|
53. |
Tôm hùm đỏ |
Panulirus longipes |
1/4 - 30/5 |
|
54. |
Tôm hùm kiếm ba góc |
Linuparus trigonus |
1/4 - 30/5 |
|
55. |
Tôm hùm lông đỏ |
Palinurellus gundlachi wieneckii |
1/4 - 30/5 |
|
56. |
Tôm hùm sen |
Panulirus versicolor |
1/4 - 30/5 |
|
57. |
Tôm vỗ biển sâu |
Ibacus ciliatus |
1/4 - 30/5 |
|
58. |
Tôm vỗ dẹp trắng |
Thenus orientalis |
1/4 - 30/5 |
|
59. |
Tôm vỗ xanh |
Parribacus antarcticus |
1/4 - 30/5 |
|
* Kích thước mai
PHỤ LỤC III
YÊU CẦU ĐỐI VỚI CƠ SỞ ĐÓNG MỚI, CẢI HOÁN TÀU CÁ
(Kèm theo Nghị định số 37/2024/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2024 của Chính phủ)
1. Yêu cầu về nhà xưởng, trang thiết bị tối thiểu đối với cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá vỏ thép:
TT |
Nội dung |
ĐVT |
Loại cơ sở đóng tàu cá |
||
Loại III |
Loại II |
Loại I |
|||
1 |
Diện tích mặt bằng |
m2 |
2.000 |
3.000 |
5.000 |
2 |
Ụ nổi (ụ khô) hoặc đường triền nâng, hạ tàu (có hệ thống tời kéo và xe triền) hoặc hệ thống hạ thủy bằng túi khí phù hợp với trọng lượng tàu |
hệ thống |
01 |
01 |
01 |
3 |
Vùng nước neo đậu tàu có khả năng neo đậu |
|
Tối thiểu phải neo đậu được 03 tàu cá có chiều dài 15 m |
Tối thiểu phải neo đậu được 03 tàu cá có chiều dài 24 m |
Tối thiểu phải neo đậu được 04 tàu cá có chiều dài 24 m |
4 |
Xưởng vỏ |
Xưởng |
01 |
01 |
01 |
5 |
Xưởng cơ khí - máy - điện |
Xưởng |
01 |
01 |
01 |
6 |
Các trang thiết bị đo và dụng cụ tháo lắp |
|
|
|
|
a |
Thiết bị đo, kiểm tra (đồng hồ số, panme, thước cặp, thước lá, bộ lá căn, đồng hồ đo áp suất, nhiệt độ, bút thử điện, vôn kế, ampe kế, ampe kìm, điện trở kế) |
Bộ |
01 |
01 |
01 |
b |
Dụng cụ tháo, lắp, sửa chữa (kìm, cơ lê, mỏ lết, êtô, thiết bị tháo chân vịt, bàn máp, thiết bị đo áp lực vòi phun) |
Bộ |
01 |
01 |
01 |
c |
Thiết bị thử kín nước, thử thủy lực, thử áp lực |
Bộ |
- |
01 |
01 |
d |
Dụng cụ đo bước xoắn và cân bằng tĩnh chân vịt |
Bộ |
01 |
01 |
01 |
7 |
Thiết bị nâng, hạ |
|
|
|
01 |
a |
Cầu trục đôi hoặc cầu trục đơn có tổng trọng tải tối thiểu 25 tấn |
Chiếc |
- |
01 |
01 |
b |
Xe cẩu trọng tải tối thiểu 30 tấn |
Chiếc |
- |
01 |
01 |
2. Yêu cầu về nhà xưởng, trang thiết bị tối thiểu đối với cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá vỏ gỗ:
TT |
Nội dung |
ĐVT |
Loại cơ sở đóng tàu |
||
Loại III |
Loại II |
Loại I |
|||
1 |
Diện tích mặt bằng |
m2 |
1.000 |
1.500 |
3.000 |
2 |
Trang thiết bị để hạ thủy tàu phù hợp với trọng lượng tàu đóng |
Bộ |
01 |
01 |
01 |
3 |
Vùng nước neo đậu tàu có khả năng neo đậu tối thiểu |
|
Tối thiểu phải neo đậu được 03 tàu cá có chiều dài 15 m |
Tối thiểu phải neo đậu được 03 tàu cá có chiều dài 24 m |
Tối thiểu phải neo đậu được 04 tàu cá có chiều dài 24 m |
4 |
Xưởng vỏ |
Xưởng |
01 |
01 |
01 |
5 |
Xưởng cơ khí máy điện |
Xưởng |
01 |
01 |
01 |
6 |
Các trang thiết bị đo và dụng cụ tháo lắp |
|
|
|
|
a |
Thiết bị đo, kiểm tra (đồng hồ số, panme, thước cặp, thước lá, bộ lá căn, đồng hồ đo áp suất, nhiệt độ, vôn kế, ampe kế, ampe kìm, điện trở kế, thiết bị đo độ ẩm gỗ) |
Bộ |
01 |
01 |
01 |
b |
Dụng cụ tháo, lắp, sửa chữa (kìm, cơ lê, mỏ lết, êtô, thiết bị tháo chân vịt, bàn máp, thiết bị đo áp lực vòi phun) |
Bộ |
01 |
01 |
01 |
c |
Thiết bị thử kín nước, thử thủy lực, thử áp lực |
Bộ |
- |
01 |
01 |
d |
Dụng cụ đo bước xoắn và cân bằng tĩnh chân vịt |
Bộ |
01 |
01 |
01 |
7 |
Thiết bị nâng, hạ |
|
|
|
01 |
a |
Xe cẩu trọng tải ≥ 5 tấn |
Chiếc |
- |
01 |
01 |
b |
Palăng xích |
Chiếc |
01 |
02 |
03 |
3. Yêu cầu về nhà xưởng, trang thiết bị tối thiểu đối với cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá vỏ vật liệu mới:
TT |
Nội dung |
ĐVT |
Loại cơ sở đóng tàu |
||
Loại III |
Loại II |
Loại I |
|||
1 |
Diện tích mặt bằng |
m2 |
1.000 |
2.000 |
3.000 |
2 |
Trang thiết bị để hạ thủy tàu phù hợp với trọng lượng tàu đóng |
|
01 |
01 |
01 |
3 |
Vùng nước neo đậu tàu có khả năng neo đậu |
|
Tối thiểu phải neo đậu được 03 tàu cá có chiều dài 15 m |
Tối thiểu phải neo đậu được 03 tàu cá có chiều dài 24 m |
Tối thiểu phải neo đậu được 04 tàu cá có chiều dài 24 m |
4 |
Diện tích xưởng chế tạo vỏ (xưởng dát) |
m2 |
300 |
500 |
800 |
5 |
Các trang thiết bị cần thiết phục vụ công việc dát vỏ tàu |
Bộ |
01 |
02 |
02 |
6 |
Kho chứa nguyên liệu |
Kho |
01 |
01 |
01 |
7 |
Xưởng cơ khí máy điện |
Xưởng |
01 |
01 |
01 |
8 |
Các trang thiết bị đo và dụng cụ tháo lắp |
|
|
|
|
a |
Thiết bị đo, kiểm tra (đồng hồ so, panme, thước cặp, thước lá, bộ lá căn, đồng hồ đo áp suất, nhiệt độ, vôn kế, ampe kế, ampe kìm, điện trở kế) |
Bộ |
01 |
01 |
01 |
b |
Dụng cụ tháo, lắp, sửa chữa (kìm, cơ lê, mỏ lết, êtô, thiết bị tháo chân vịt, bàn máp, thiết bị đo áp lực vòi phun) |
Bộ |
01 |
01 |
01 |
c |
Thiết bị thử kín nước, thử thủy lực, thử áp lực |
Bộ |
01 |
01 |
01 |
d |
Dụng cụ đo bước xoắn và cân bằng tĩnh chân vịt |
Bộ |
01 |
01 |
01 |
9 |
Thiết bị nâng, hạ |
|
|
|
01 |
a |
Cầu trục đôi hoặc cầu trục đơn có tổng trọng tải tối thiểu 15 tấn |
Chiếc |
- |
01 |
01 |
b |
Xe cẩu trọng tải ≥ 5 tấn |
Chiếc |
- |
01 |
01 |
4. Yêu cầu về bộ phận giám sát, quản lý chất lượng và đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật của cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá vỏ thép:
TT |
Tên bộ phận và chuyên môn của cán bộ, công nhân kỹ thuật |
Số lượng/trình độ chuyên môn |
||
Cơ sở loại I |
Cơ sở loại II |
Cơ sở loại III |
||
I |
Bộ phận giám sát, quản lý chất lượng thuộc các chuyên ngành kỹ thuật liên quan |
Tốt nghiệp đại học trở lên |
Tốt nghiệp cao đẳng trở lên |
|
1 |
Vỏ tàu thủy |
01 |
01 |
01 |
2 |
Máy tàu thủy hoặc cơ khí tàu thuyền hoặc cơ khí tàu thủy hoặc khai thác thủy sản |
01 |
||
II |
Bộ phận kỹ thuật thuộc các chuyên ngành kỹ thuật liên quan |
Tốt nghiệp đại học trở lên |
Tốt nghiệp trung cấp trở lên |
|
1 |
Vỏ tàu thủy |
01 |
01 |
01 |
2 |
Máy tàu thủy |
01 |
||
3 |
Điện tàu thủy hoặc điện lạnh |
01 |
01 |
01 |
4 |
Khai thác thủy sản hoặc cơ khí tàu thuyền hoặc cơ khí tàu thủy |
01 |
||
III |
Công nhân kỹ thuật |
Trình độ trung cấp trở lên |
Trình độ sơ cấp trở lên |
|
1 |
Thợ cơ khí |
02 |
02 |
02 |
2 |
Thợ điện |
02 |
02 |
01 |
3 |
Thợ hàn kim loại |
02 |
02 |
01 |
5. Yêu cầu về bộ phận giám sát, quản lý chất lượng và đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật của cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá vỏ gỗ:
TT |
Tên bộ phận và chuyên môn của cán bộ, công nhân kỹ thuật |
Số lượng/trình độ chuyên môn |
||
Cơ sở loại I |
Cơ sở loại II |
Cơ sở loại III |
||
I |
Bộ phận giám sát, quản lý chất lượng thuộc các chuyên ngành kỹ thuật liên quan |
Tốt nghiệp đại học trở lên |
Tốt nghiệp cao đẳng trở lên |
|
1 |
Vỏ tàu thủy |
01 |
01 |
01 |
2 |
Máy tàu thủy hoặc cơ khí tàu thuyền hoặc cơ khí tàu thủy |
01 |
||
II |
Bộ phận kỹ thuật thuộc các chuyên ngành kỹ thuật liên quan |
Tốt nghiệp đại học trở lên |
Tốt nghiệp cao đẳng trở lên |
|
1 |
Vỏ tàu thủy |
01 |
01 |
01 |
2 |
Máy tàu thủy hoặc cơ khí tàu thuyền hoặc cơ khí tàu thủy |
01 |
||
III |
Công nhân kỹ thuật |
Trình độ trung cấp trở lên |
Trình độ sơ cấp trở lên |
|
1 |
Thợ cơ khí |
02 |
01 |
01 |
2 |
Thợ điện |
02 |
01 |
01 |
3 |
Thợ hàn kim loại |
01 |
01 |
0 |
6. Yêu cầu về bộ phận giám sát, quản lý chất lượng và đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật của cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá vỏ vật liệu mới
TT |
Tên bộ phận và chuyên môn của cán bộ, công nhân kỹ thuật |
Số lượng/trình độ chuyên môn |
||
Cơ sở loại I |
Cơ sở loại II |
Cơ sở loại III |
||
I |
Bộ phận giám sát, quản lý chất lượng thuộc các chuyên ngành kỹ thuật liên quan |
Tốt nghiệp đại học trở lên |
Tốt nghiệp cao đẳng trở lên |
|
1 |
Vỏ tàu thủy |
01 |
01 |
01 |
2 |
Máy tàu thủy hoặc cơ khí tàu thuyền hoặc cơ khí tàu thủy |
01 |
||
II |
Bộ phận kỹ thuật thuộc các chuyên ngành kỹ thuật liên quan |
Tốt nghiệp đại học trở lên |
Tốt nghiệp cao đẳng trở lên |
|
1 |
Vỏ tàu thủy |
01 |
01 |
01 |
2 |
Máy tàu thủy hoặc cơ khí tàu thuyền hoặc cơ khí tàu thủy |
01 |
01 |
01 |
III |
Công nhân kỹ thuật |
Trình độ trung cấp trở lên |
Trình độ sơ cấp trở lên |
|
1 |
Thợ cơ khí |
02 |
01 |
01 |
2 |
Thợ điện |
02 |
01 |
01 |
3 |
Thợ làm khuôn và dát vỏ tàu |
02 |
01 |
01 |
PHỤ LỤC IV
DANH MỤC LOÀI THỦY SẢN ĐƯỢC PHÉP KINH DOANH TẠI VIỆT NAM
(Kèm theo Nghị định số 37/2024/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2024 của Chính phủ)
I. CÁC LOÀI CÁ
TT |
Tên tiếng Việt Nam |
Tên khoa học |
1 |
Cá ali |
Sciaenochromis ahli |
2 |
Cá anh vũ |
Semilabeo notabilis |
3 |
Cá ba lưỡi |
Barbichthys laevis |
4 |
Cá ba sa |
Pangasius bocourti |
5 |
Cá bã trầu |
Trichopsis vittata |
6 |
Cá bạc đầu |
Aplocheilus panchax |
7 |
Cá bám đá |
Sewellia lineolata |
8 |
Cá bám đá |
Sewellia speciosa |
9 |
Cá bánh lái/Cá cánh buồm |
Gymnocorymbus ternetzi |
10 |
Cá bảy màu/Cá khổng tước |
Poecilia reticulata |
11 |
Cá bè quỵt/Cá bè vẩu/Cá khế vây vàng |
Caranx ignobilis |
12 |
Cá bò |
Tachysurus fulvidraco |
13 |
Cá bỗng |
Spinibarbus denticulatus |
14 |
Cá bống bớp |
Bostrichthys sinensis |
15 |
Cá bống cát |
Glossogobius giuris |
16 |
Cá bống cau |
Butis butis |
17 |
Cá bông lau |
Pangasius krempfi |
18 |
Cá bống mắt tre/cá ống điếu |
Brachygobius doriae |
19 |
Cá bống mít |
Stigmatogobius sadanundio |
20 |
Cá bống suối đầu ngắn |
Philypnus chalmersi |
21 |
Cá bống tượng |
Oxyeleotris marmorata |
22 |
Cá bơn cát |
Cynoglossus robustus |
23 |
Cá bơn mào |
Samaris cristatus |
24 |
Cá bơn ngộ |
Psettodes erumei |
25 |
Cá bơn vằn răng to |
Pseudorhombus arsius |
26 |
Cá bơn vỉ |
Paralichthys olivaceus |
27 |
Cá bớp biển/Cá giò |
Rachycentron canadum |
28 |
Cá bươm be dài |
Rhodeus ocellatus |
29 |
Cá bươm be nhỏ |
Acheilognathus elongatoides |
30 |
Cá bươm giả |
Pararhodeus kyphus |
31 |
Cá bướm sông đáy |
Acanthorhodeus dayeus |
32 |
Cá cam thoi |
Elagatis bipinnulata |
33 |
Cá cam vân/Cá cam sọc đen/Cá cu/Cá bè |
Seriolina nigrofasciata |
34 |
Cá cam/Cá cu/Cá cam sọc |
Seriola dumerili |
35 |
Cá cam/Cá thuyền/Cá cu cam/Cá cu cam sọc đen |
Naucrates ductor |
36 |
Cá căng ba chấm |
Terapon puta |
37 |
Cá căng mõm nhọn |
Rhynchopelates oxyrhynchus |
38 |
Cá căng sọc cong |
Terapon jarbua |
39 |
Cá căng sọc thẳng |
Terapon theraps |
40 |
Cá cấn/đòng đong |
Barbodes semifasciolatus |
41 |
Cá cầu vồng |
Glossolepis incisus |
42 |
Cá cóc |
Cyclocheilichthys enoplos |
43 |
Cá cóc đậm |
Cyclocheilichthys apogon |
44 |
Cá còm (cá nàng hai) |
Chitala ornata |
45 |
Cá còm hoa (thác lác còm) |
Chitala blanci |
46 |
Cá cờ đen |
Macropodus spechti |
47 |
Cá chạch bông lớn |
Mastacembelus favus |
48 |
Cá chạch bùn/Cá chạnh Đài Loan |
Misgurnus anguillicaudatus |
49 |
Cá chạch khoang |
Macrognathus circumcinctus |
50 |
Cá chạch lá tre/Cá chạch gai |
Macrognathus aculeatus |
51 |
Cá chạch lửa |
Mastacembelus erythrotaenia |
52 |
Cá chạch rằn/Cá chạch lấu |
Macrognathus taeniagaster |
53 |
Cá chạch sông |
Mastacembelus armatus |
54 |
Cá chài |
Leptobarbus hoevenii |
55 |
Cá chành dục |
Channa gachua |
56 |
Cá chát vạch |
Acrossocheilus clivosius |
57 |
Cá chày mắt đỏ |
Squaliobarbus curriculus |
58 |
Cá chẽm/Cá vược |
Lates calcarifer |
59 |
Cá chép |
Cyprinus carpio |
60 |
Cá chìa vôi biển |
Proteracanthus sarissophorus |
61 |
Cá chiên sông |
Bagarius yarrelli |
62 |
Cá chim |
Monodactylus argenteus |
63 |
Cá chim dơi bốn sọc |
Monodactylus sebae |
64 |
Cá chim đen |
Parastromateus niger |
65 |
Cá chim gai |
Psenopsis anomala |
66 |
Cá chim trắng cảnh (Silver dollar) |
Brachychalcinus orbicularis |
67 |
Cá chim trắng |
Pampus argenteus |
68 |
Cá chim trắng |
Piaractus brachypomus |
69 |
Cá chim vây vàng |
Trachinotus blochii |
70 |
Cá chim vây vàng (vây lưng ngắn) |
Trachinotus falcatus |
71 |
Cá chình châu Âu |
Anguilla anguilla |
72 |
Cá chình hoa |
Anguilla marmorata |
73 |
Cá chình mun |
Anguilla bicolor |
74 |
Cá chình Nhật Bản |
Anguilla japonica |
75 |
Cá chình nhọn |
Anguilla borneensis |
76 |
Cá chọi/Cá xiêm/Cá phướn |
Betta splendens |
77 |
Cá chốt |
Mystus gulio |
78 |
Cá chốt bông |
Pseudomystus siamensis |
79 |
Cá chốt sọc thường |
Mystus vittatus |
80 |
Cá chốt vạch |
Mystus mysticetus |
81 |
Cá chuối hoa |
Channa maculate/Ophiocephalus maculatus |
82 |
Cá chuối/Cá sộp/Cá lóc |
Channa striata |
83 |
Cá chuôn bụng sắc |
Parazacco spilurus |
84 |
Cá chuôn bụng tròn |
Zacco platypus |
85 |
Cá chuồn cát |
Cypselurus poecilopterus |
86 |
Cá dìa bông/Cá dìa công |
Siganus guttatus |
87 |
Cá diếc |
Carassius auratus |
88 |
Cá diếc nhằng |
Tanichthys albonubes |
89 |
Cá diêu hồng |
Oreochromis sp |
90 |
Cá dưa xám |
Muraenesox cinereus |
91 |
Cá dứa/Cá tra nghệ |
Pangasius kunyit |
92 |
Cá đầu lân kim tuyến |
Andinoacara pulcher |
93 |
Cá đỏ mang |
Systomus orphoides |
94 |
Cá đong chấm |
Enteromius stigmatopygus |
95 |
Cá đòng đong |
Barbodes semifasciolatus |
96 |
Cá đong gai sông Đà |
Puntius takhoaensis |
97 |
Cá đối mục |
Mugil cephalus |
98 |
Cá đù chấm |
Nibea maculata |
99 |
Cá đù đỏ/Cá hồng Mỹ |
Sciaenops ocellatus |
100 |
Cá đù trắng/Cá thù lù bạc |
Pennahia argentata |
101 |
Cá đục bạc |
Sillago sihama |
102 |
Cá đuôi cờ nhọn |
Pseudosphromenus dayi |
103 |
Cá ét mọi |
Labeo chrysophekadion |
104 |
Cá hải long/cá ngựa nước ngọt |
Doryichthys boaja |
105 |
Cá hanh vàng/Cá bánh đường ba chấm/Cá tráp vàng |
Dentex tumifrons |
106 |
Cá hắc bạc/Cá chuồn sông/Cá chuôn xiêm |
Crossocheilus oblongus |
107 |
Cá hắc bố lũy |
Poecilia latipinna |
108 |
Cá hắc long |
Osteoglossum ferreirai |
109 |
Cá hắc ma quỷ/Cá lông gà |
Apteronotus albifrons |
110 |
Cá hè chấm đỏ/Cá hè/Cá gáy |
Lethrinus lentjan |
111 |
Cá he vàng |
Barbonymus schwanenfeldii |
112 |
Cá hè mõm dài |
Lethrinus miniatus |
113 |
Cá he đỏ |
Barbonymus altus |
114 |
Cá heo |
Syncrossus hymenophysa |
115 |
Cá heo chấm |
Syncrossus beauforti |
116 |
Cá heo chân |
Acantopsis dialuzona |
117 |
Cá heo hề/Cá chuột ba sọc |
Chromobotia macracanthus |
118 |
Cá heo râu |
Yasuhikotakia morleti |
119 |
Cá heo rừng |
Syncrossus helodes |
120 |
Cá heo vạch |
Yasuhikotakia modesta |
121 |
Cá hoả khẩu |
Thorichthys helleri |
122 |
Cá hoà lan râu |
Poecilia sphenops |
123 |
Cá hoà lan tròn |
Poecilia velifera |
124 |
Cá hoàng đế |
Cichla ocellaris |
125 |
Cá hoàng kim |
Thorichthys aureus |
126 |
Cá hoàng tử Phi châu |
Labidochromis caeruleus |
127 |
Cá hô |
Catlocarpio siamensis |
128 |
Cá hố |
Trichiurus lepturus |
129 |
Cá hồi vân |
Oncorhynchus mykiss |
130 |
Cá hồng |
Lutjanus erythropterus |
131 |
Cá hồng bạc |
Lutjanus argentimaculatus |
132 |
Cá hồng bốn sọc |
Lutjanus kasmira |
133 |
Cá hồng dải đen |
Lutjanus vitta |
134 |
Cá hồng đỏ |
Lutjanus sanguineus |
135 |
Cá hồng két |
Amphilophus labiatus X Heros severus |
136 |
Cá hồng kim/Cá hồng kiếm |
Xiphophorus maculatus |
137 |
Cá hồng mi Ấn Độ |
Sahyadria denisonii |
138 |
Cá hồng nhung |
Hyphessobrycon callistus |
139 |
Cá hồng vĩ |
Phractocephalus hemioliopterus |
140 |
Cá hú |
Pangasius conchophilus |
141 |
Cá huyết long/Cá rồng |
Scleropages formosus |
142 |
Cá huyết trung hồng (Zebra) |
Maylandia zebra |
143 |
Cá kèo/Cá bống kèo |
Pseudapocryptes lanceolatus |
144 |
Cá kết |
Phalacronotus bleekeri |
145 |
Cá kim long Úc/Cá trân châu long |
Scleropages leichardti |
146 |
Cá kìm sông |
Xenentodon cancila |
147 |
Cá kim thơm bảy màu |
Cichlasoma salvini |
148 |
Cá Koi |
Cyprinus carpio rubrofuscus |
149 |
Cá khoai |
Harpadon nehereus |
150 |
Cá khoang |
Yunnanilus cruciatus |
151 |
Cá khoang cổ |
Amphiprion frenatus |
152 |
Cá khoang cổ nemo |
Amphiprion ocellaris |
153 |
Cá khủng long bông |
Polypterus ornatipinnis |
154 |
Cá khủng long vàng |
Polypterus senegalus |
155 |
Cá la hán/Cá trân châu kỳ lân |
Vieja bifasciata |
156 |
Cá lăng chấm |
Hemibagrus guttatus |
157 |
Cá lăng đen |
Hemibagrus pluriradiatus |
158 |
Cá lăng đuôi đỏ |
Hemibagrus wyckioides |
159 |
Cá lăng nha |
Mystus wolffii |
160 |
Cá lăng vàng |
Mystus nemurus |
161 |
Cá leo |
Wallago attu |
162 |
Cá lìm kìm ao |
Dermogenys pusilla |
163 |
Cá lóc bông |
Channa micropeltes |
164 |
Cá lòng tong |
Esomus danrica |
165 |
Cá lòng tong dị hình |
Trigonostigma heteromorpha |
166 |
Cá lòng tong đá |
Rasbora paviana |
167 |
Cá lòng tong đuôi đỏ |
Rasbora borapetensis |
168 |
Cá lòng tong lưng thấp |
Rasbora myersi |
169 |
Cá lòng tong mại |
Rasbora argyrotaenia |
170 |
Cá lòng tong mương |
Luciosoma bleekeri |
171 |
Cá lòng tong sắt |
Esomus metallicus |
172 |
Cá lòng tong sọc |
Rasbora trilineata |
173 |
Cá lòng tong vạch đỏ |
Rasbora retrodorsalis |
174 |
Cá lòng tong/Cá đuôi đỏ |
Rasbora lateristriata |
175 |
Cá lù đù vàng lớn/Cá đỏ dạ/Cá sóc |
Larimichthys crocea |
176 |
Cá mại nam |
Laubuka laubuca |
177 |
Cá may |
Gyrinocheilus aymonieri |
178 |
Cá măng |
Elopichthys bambusa |
179 |
Cá măng biển |
Chanos chanos |
180 |
Cá măng rổ |
Toxotes chatareus |
181 |
Cá măng rổ (phun nước, cao xạ) |
Toxotes jaculatrix |
182 |
Cá mặt quỷ/Cá mang ếch |
Allenbatrachus grunniens |
183 |
Cá mây trắng |
Tanichthys albonubes |
184 |
Cá mè hoa |
Hypophthalmichthys nobilis |
185 |
Cá mè hôi |
Osteochilus melanopleurus |
186 |
Cá mè lúi |
Osteochilus vittatus |
187 |
Cá mè trắng Hoa Nam |
Hypophthalmichthys molitrix |
188 |
Cá mè trắng Việt Nam |
Hypophthalmichthys harmandi |
189 |
Cá mè vinh |
Barbonymus gonionotus |
190 |
Cá mỏ vịt |
Pseudoplatystoma fasciatum |
191 |
Cá mòi cờ hoa |
Clupanodon thrissa |
192 |
Cá mú (Cá song) chấm đen |
Epinephelus malabaricus |
193 |
Cá mú (Cá song) chấm đỏ |
Epinephelus akaara |
194 |
Cá mú (Cá song) chấm gai |
Epinephelus areolatus |
195 |
Cá mú (Cá song) chấm tổ ong |
Epinephelus merra |
196 |
Cá mú (Cá song) chấm vạch |
Epinephelus amblycephalus |
197 |
Cá mú (Cá song) chấm xanh/Cá mú trắng |
Plectropomus leopardus |
198 |
Cá mú (Cá song) chấm/Cá mú chấm xanh |
Epinephelus chlorostigma |
199 |
Cá mú (Cá song) chuột |
Cromileptes altivelis |
200 |
Cá mú (Cá song) dẹt |
Epinephelus bleekeri |
201 |
Cá mú (Cá song) đen chấm nâu |
Epinephelus coioides |
202 |
Cá mú (Cá song) hoa nâu/Cá mú cọp |
Epinephelus fuscoguttatus |
203 |
Cá mú (Cá song) lai/Cá mú trân châu |
♂ Epinephelus lanceolatus X ♀ Epinephelus |
204 |
Cá mú (Cá song) mỡ/Cá mú ruồi |
Epinephelus tauvina |
205 |
Cá mú (Cá song) nghệ |
Epinephelus lanceolatus |
206 |
Cá mú (Cá song) sao |
Plectropomus maculatus |
207 |
Cá mú (Cá song) sáu sọc |
Epinephelus sexfasciatus |
208 |
Cá mú (Cá song) sáu sọc ngang |
Epinephelus fasciatus |
209 |
Cá mú (Cá song) vạch |
Epinephelus bruneus |
210 |
Cá mú vàng nước ngọt/Cá mú Úc |
Maccullochella peelii peelii |
211 |
Cá mùi/Cá hường |
Helostoma temminckii |
212 |
Cá mương gai |
Hainania serrata |
213 |
Cá mương nam |
Luciosoma setigerum |
214 |
Cá nàng hai |
Chitala chitala |
215 |
Cá nâu/Cá nầu |
Scatophagus argus |
216 |
Cá neon |
Paracheirodon innesi |
217 |
Cá neon Việt Nam/cá lòng tong bến hải |
Tanichthys micagemmae |
218 |
Cá nóc da báo/Cá nóc beo/cá nóc da beo |
Dichotomyctere fluviatilis |
219 |
Cá nóc dài |
Pao leiurus |
220 |
Cá nóc mắt đỏ |
Carinotetraodon lorteti |
221 |
Cá nóc mít |
Pao palembangensis |
222 |
Cá ngạnh |
Cranoglanis bouderius |
223 |
Cá ngân long |
Osteoglossum bicirrhosum |
224 |
Cá ngọc long/Cá rồng Úc |
Scleropages jardinii |
225 |
Cá ngũ vân |
Desmopuntius pentazona |
226 |
Cá ngừ mắt to |
Thunnus obesus |
227 |
Cá ngừ vây vàng |
Thunnus albacares |
228 |
Cá ngựa chấm |
Hampala dispar |
229 |
Cá ngựa chấm |
Hippocampus trimaculatus |
230 |
Cá ngựa đen |
Hippocampus kuda |
231 |
Cá ngựa gai |
Hippocampus histrix |
232 |
Cá ngựa nam/Cá ngựa vạch |
Hampala macrolepidota |
233 |
Cá ngựa Nhật Bản |
Hippocampus mohnikei |
234 |
Cá ngựa thân trắng |
Hippocampus kelloggi |
235 |
Cá ngựa vằn |
Hippocampus comes |
236 |
Cá ngựa vằn/Cá sọc xanh |
Danio rerio |
237 |
Cá nheo Mỹ |
Ictalurus punctatus |
238 |
Cá nhệch |
Pisodonophis boro |
239 |
Cá nho chảo |
Sarcocheilichthys nigripinnis |
240 |
Cá nhụ bốn râu |
Eleutheronema tetradactylum |
241 |
Cá ống điếu |
Brachygobius sua |
242 |
Cá phèn trắng |
Polynemus longipectoralis |
243 |
Cá phèn vàng |
Polynemus paradiseus |
244 |
Cá quan đao |
Geophagus surinamensis |
245 |
Cá rầm nam |
Puntius brevis |
246 |
Cá rầm xanh |
Bangana lemassoni |
247 |
Cá rô biển |
Lobotes surinamensis |
248 |
Cá rô biển nước ngọt |
Pristolepis fasciata |
249 |
Cá rô đồng |
Anabas testudineus |
250 |
Cá rô phi vằn |
Oreochromis niloticus |
251 |
Cá rô phi xanh |
Oreochromis aureus |
252 |
Cá sặc bướm |
Trichopodus trichopterus |
253 |
Cá sặc điệp/Cá sặc |
Trichopodus microlepis |
254 |
Cá sặc gấm |
Colisa lalia |
255 |
Cá sặc rằn |
Trichogaster pectoralis |
256 |
Cá sặc trân châu |
Trichopodus leerii |
257 |
Cá sặc vện |
Nandus nandus |
258 |
Cá sóc |
Oryzias latipes |
259 |
Cá sơn bầu |
Parambassis wolffii |
260 |
Cá sơn xiêm |
Parambassis siamensis |
261 |
Cá sủ đất |
Protonibea diacanthus |
262 |
Cá sửu |
Boesemania microlepis |
263 |
Cá tai tượng Phi châu |
Astronotus ocellatus |
264 |
Cá tai tượng/Cá phát tài/Cá hồng phát |
Osphronemus goramy |
265 |
Cá tầm Beluga |
Huso huso |
266 |
Cá tầm Nga |
Acipenser gueldenstaedtii |
267 |
Cá tầm Sterlet |
Acipenser ruthenus |
268 |
Cá tầm Trung Hoa |
Acipenser sinensis |
269 |
Cá tầm Xibêri |
Acipenser baerii |
270 |
Cá tuyết tiêu/Cá tuyết điêu |
Pseudotropheus socolofi |
271 |
Cá tứ vân |
Puntigrus tetrazona |
272 |
Cá tỳ bà bướm beo |
Sewellia elongata |
273 |
Cá tỳ bà bướm hổ |
Sewellia lineolata |
274 |
Cá thác lác/Cá thát lát |
Notopterus notopterus |
275 |
Cá thái hổ vằn/Cá hường vện |
Datnioides quadrifasciatus |
276 |
Cá thái hổ/Cá hường |
Datnioides microlepis |
277 |
Cá thanh ngọc |
Trichopsis pumila |
278 |
Cá thần tiên/Cá ông tiên |
Pterophyllum scalare |
279 |
Cá thè be dài |
Acheilognathus tonkinensis |
280 |
Cá thè be sông Đáy |
Acheilognathus longibarbatus |
281 |
Cá thiên đường/săn sắt/đuôi cờ/lia thia |
Macropodus opercularis |
282 |
Cá thiểu |
Cultrichthys erythropterus |
283 |
Cá thòi lòi |
Periophthalmodon schlosseri |
284 |
Cá tra |
Pangasianodon hypophthalmus |
285 |
Cá trà sọc |
Probarbus jullieni |
286 |
Cá tráp đen |
Acanthopagrus schlegelii |
287 |
Cá tráp vây vàng |
Acanthopagrus latus |
288 |
Cá trắm cỏ |
Ctenopharyngodon idella |
289 |
Cá trắm đen |
Mylopharyngodon piceus |
290 |
Cá trắng |
Barbodes binotatus |
291 |
Cá trắng |
Coregonus lavaretus |
292 |
Cá trèn bầu |
Ompok bimaculatus |
293 |
Cá trèn đá |
Kryptopterus cryptopterus |
294 |
Cá trèn lá/Cá trèn thủy tinh |
Kryptopterus bicirrhis |
295 |
Cá trèn mỡ |
Phalacronotus apogon |
296 |
Cá trê đen |
Clarias fuscus |
297 |
Cá trê phi |
Clarias gariepinus |
298 |
Cá trê trắng |
Clarias batrachus |
299 |
Cá trê vàng |
Clarias macrocephalus |
300 |
Cá trôi Ấn Độ |
Labeo rohita |
301 |
Cá trôi hai màu/Cá chuột đuôi đỏ/Cá chuồn hai màu |
Epalzeorhynchos bicolor |
302 |
Cá trôi mrigal |
Cirrhinus cirrhosus |
303 |
Cá trôi ta |
Cirrhinus molitorella |
304 |
Cá trôi Trường Giang |
Prochilodus lineatus |
305 |
Cá vây đỏ đuôi đỏ/Cá nút |
Epalzeorhynchos frenatus |
306 |
Cá vền |
Megalobrama terminalis |
307 |
Cá vồ cờ |
Pangasius sanitwongsei |
308 |
Cá vồ đém |
Pangasius larnaudii |
309 |
Cá vược lai |
Morone chrysops X Morone saxatilis |
310 |
Cá vược mõm nhọn |
Psammoperca waigiensis |
311 |
Cá xác sọc |
Pangasius nasutus |
312 |
Cá xảm mắt bé |
Opsarius pulchellus |
313 |
Các loài thuộc Chi cá chuột |
Corydoras |
314 |
Các loài thuộc Chi cá đĩa |
Symphysodon |
315 |
Kuhli loach/Cá chạch suối Kuli |
Pangio kuhlii |
316 |
Lươn |
Monopterus albus |
II. CÁC LOÀI GIÁP XÁC
TT |
Tên tiếng Việt Nam |
Tên khoa học |
1 |
Cua biển |
Scylla paramamosain |
2 |
Cua cà ra |
Eriocheir sinensis |
3 |
Cua đồng |
Somanniathelphusa sinensis |
4 |
Cua hải quỳ |
Neopetrolisthes maculatus |
5 |
Cua hoàng đế |
Ranina ranina |
6 |
Cua xanh/Cua bùn |
Scylla serrata |
7 |
Ghẹ xanh |
Portunus pelagicus |
8 |
Rạm |
Varuna litterata |
9 |
Tôm bác sỹ |
Lysmata amboinensis |
10 |
Tôm càng sông |
Macrobrachium nipponense |
11 |
Tôm càng xanh |
Macrobrachium rosenbergii |
12 |
Tôm hải quỳ |
Ancylocaris brevicarpalis |
13 |
Tôm hải quỳ hoàng đế |
Zenopontonia rex |
14 |
Tôm he Ấn Độ |
Penaeus indicus |
15 |
Tôm he Nhật Bản |
Penaeus japonicus |
16 |
Tôm hoa lan |
Hymenocera picta |
17 |
Tôm hùm bông |
Panulirus ornatus |
18 |
Tôm hùm đá |
Panulirus homarus |
19 |
Tôm hùm đỏ |
Panulirus longipes |
20 |
Tôm hùm lông/Tôm hùm Sỏi/Tôm hùm mốc |
Panulirus stimpsoni |
21 |
Tôm hùm ma |
Panulirus penicillatus |
22 |
Tôm hùm xám/Tôm hùm tre/Tôm hùm bùn |
Panulirus polyphagus |
23 |
Tôm hùm xanh/Tôm hùm sen/Tôm Hùm vằn |
Panulirus versicolor |
24 |
Tôm mũ ni |
Ibacus ciliatus |
25 |
Tôm mũ ni đỏ |
Scyllarides squammosus |
26 |
Tôm mũ ni trắng |
Thenus orientalis |
27 |
Tôm mùa/Tôm lớt |
Penaeus merguiensis |
28 |
Tôm nương |
Penaeus chinensis |
29 |
Tôm rảo |
Metapenaeus ensis |
30 |
Tôm sọc hai càng |
Stenopus hispidus |
31 |
Tôm sú |
Penaeus monodon |
32 |
Tôm tít (Bề bề) harpax |
Harpiosquilla harpax |
33 |
Tôm tít (Bề bề) interrupta |
Oratosquillina interrupta |
34 |
Tôm tít (Bề bề) nepa |
Miyakella nepa |
35 |
Tôm tít (Bề bề) woodmasoni |
Erugosquilla woodmasoni |
36 |
Tôm thẻ chân trắng |
Litopenaeus vannamei/Penaeus vannamei |
37 |
Tôm thẻ rằn |
Penaeus semisulcatus |
III. CÁC LOÀI NHUYỄN THỂ
TT |
Tên tiếng Việt Nam |
Tên khoa học |
1 |
Bàn mai |
Atrina pectinata |
2 |
Bào ngư bầu dục |
Haliotis ovina |
3 |
Bào ngư chín lỗ/Cửu khổng |
Haliotis diversicolor |
4 |
Bào ngư vành tai |
Haliotis asinina |
5 |
Các loài thuộc Họ ốc móng tay |
Solenidae |
6 |
Điệp |
Chlamys nobilis |
7 |
Điệp quạt |
Mimachlamys crassicostata |
8 |
Hầu Belchery |
Crassostrea belcheri |
9 |
Hầu cửa sông |
Crassostrea rivularis |
10 |
Hầu Thái Bình Dương |
Crassostrea gigas |
11 |
Mực lá |
Sepioteuthis lessoniana |
12 |
Mực nang vân hổ |
Sepia pharaonis |
13 |
Mực ống Trung Hoa |
Uroteuthis (Photololigo) chinensis |
14 |
Ngán |
Austrielia corrugata |
15 |
Ngao (Nghêu) Bến Tre |
Meretrix lyrata |
16 |
Ngao (Nghêu) dầu |
Meretrix meretrix |
17 |
Ngao (Nghêu) Lụa |
Paratapes undulatus |
18 |
Ngao Bốn cạnh (Vọp) |
Mactra quadrangularis |
19 |
Ngao giá |
Tapes literatus |
20 |
Ngao hai cùi |
Tapes dorsatus |
21 |
Ngao ô vuông |
Periglypta puerpera |
22 |
Ốc đá/Ốc mầu/Ốc Labi |
Monodonta labio |
23 |
Ốc đĩa/Ốc đẻ đen |
Nerita balteata |
24 |
Ốc gạo |
Assiminea lutea |
25 |
Ốc hương |
Babylonia areolata |
26 |
Ốc len |
Cerithidea obtusa |
27 |
Ốc nhồi |
Pila polita |
28 |
Sò huyết |
Tegillarca granosa |
29 |
Sò lông |
Anadara subcrenata |
30 |
Sò Nodi |
Tegillarca nodifera |
31 |
Tu hài |
Lutraria rhynchaena |
32 |
Trai cánh mỏng |
Cristaria plicata |
33 |
Trai cánh xanh |
Sinohyriopsis cumingii |
34 |
Trai cóc (trai cơm) |
Lamprotula leaii |
35 |
Trai ngọc môi đen |
Pinctada margaritifera |
36 |
Trai ngọc môi vàng/Trai tai tượng |
Pinctada maxima |
37 |
Trai ngọc nữ |
Pteria penguin |
38 |
Trai ngọc trắng/Trai mã thị |
Pinctada martensii |
39 |
Trai sông |
Sinanodonta eiliptica |
40 |
Trai tai nghé |
Tridacna squamosa |
41 |
Trai tai tượng lớn |
Tridacna maxima |
42 |
Trai tai tượng vàng nghệ |
Tridacna crocea |
43 |
Vẹm xanh |
Perna viridis |
44 |
Vọp |
Geloina expansa |
IV. CÁC LOÀI BÒ SÁT, LƯỠNG CƯ
TT |
Tên tiếng Việt Nam |
Tên khoa học |
1 |
Ba ba gai |
Palea steindachneri |
2 |
Ba ba Nam Bộ |
Amyda cartilaginea |
3 |
Ba ba trơn/Ba ba hoa |
Pelodiscus sinensis/ Trionyx sinensis |
4 |
Ếch đồng |
Hoplobatrachus tigerinus |
5 |
Ếch Thái Lan |
Hoplobatrachus rugulosus |
V. CÁC LOÀI DA GAI, GIUN ĐỐT
TT |
Tên tiếng Việt Nam |
Tên khoa học |
1 |
Cầu gai đá/Nhum đá |
Heterocentrotus mammillatus |
2 |
Cầu gai đen |
Diadema setosum |
3 |
Cầu gai sọ dừa/Nhum sọ |
Tripneustes gratilla |
4 |
Cầu gai tím |
Heliocidaris crassispina |
5 |
Cầu gai/Nhím biển |
Hemicentrotus pulcherrimus |
6 |
Giun nhiều tơ |
Perinereis nuntia |
7 |
Giun nhiều tơ |
Marphysa mossambica |
8 |
Giun nhiều tơ/Rươi biển/Dời biển |
Perinereis nuntia var.brevicirris |
9 |
Hải sâm |
Apostichopus japonicus |
10 |
Hải sâm cát/Đồn đột |
Holothuria scabra |
11 |
Hải sâm đen mềm |
Holothuria leucospilota |
12 |
Hải sâm đen/Đồn đột đen |
Holothuria atra |
13 |
Hải sâm lựu |
Thelenota ananas |
14 |
Hải sâm mít hoa/Đồn đột dừa |
Actinopyga mauritiana |
15 |
Hải sâm mít/Đồn đột mít |
Actinopyga echinites |
16 |
Hải sâm vú |
Holothuria nobilis |
17 |
Rươi |
Tylorrhynchus heterochaetus |
18 |
Sá sùng/Trùng biển/Sâu đất |
Sipunculus nudus |
VI. CÁC LOÀI RONG
TT |
Tên tiếng Việt Nam |
Tên khoa học |
1 |
Rong bắp sú |
Kappaphycus striatum |
2 |
Rong câu cước |
Gracilariopsis bailiniae |
3 |
Rong câu chân vịt |
Hydropuntia eucheumatoides |
4 |
Rong câu chỉ |
Gracilaria tenuistipitata |
5 |
Rong câu thắt |
Gracilaria firma |
6 |
Rong hồng vân |
Betaphycus gelatinus |
7 |
Rong lá mơ lá dày |
Sargassum crassifolium |
8 |
Rong lá mơ Mucclurei |
Sargassum mcclurei |
9 |
Rong lá mơ nhiều phao |
Sargassum polycystum |
10 |
Rong mơ |
Sargassum oligocystum |
11 |
Rong mơ bìa đôi |
Sargassum duplicatum |
12 |
Rong mơ lá phao |
Sargassum mcclurei f. duplicatum |
13 |
Rong mơ Quy Nhơn |
Sargassum quinhonese |
14 |
Rong mơ swartzii |
Sargassum swartzii |
15 |
Rong nho |
Caulerpa lentillifera |
16 |
Rong sụn (Rong đỏ) |
Kappaphycus alvarezii |
17 |
Rong sụn gai |
Eucheuma denticulatum |
VII. CÁC LOÀI VI TẢO
TT |
Tên khoa học |
1 |
Coscinodiscus excentricus |
2 |
Coscinodiscus rothii |
3 |
Cyclotella comta |
4 |
Cyclotella stylorum |
5 |
Cyclotella striata |
6 |
Chaetoceros calcitrans |
7 |
Chaetoceros gracilis |
8 |
Chaetoceros muelleri |
9 |
Chlorella vulgaris |
10 |
Chroomonas salina |
11 |
Diacronema lutheri |
12 |
Dunaliella salina |
13 |
Dunaliella tertiolecta |
14 |
Haematococcus pluvialis |
15 |
Isochrysis galbana |
16 |
Melosira granulata |
17 |
Nannochloropsis oculata |
18 |
Navicula cancellata |
19 |
Navicula cari f. cari |
20 |
Nitzschia longissima |
21 |
Phaeodactylum tricornutum |
22 |
Rhodomonas salina |
23 |
Schizochytrium limacinum |
24 |
Schizochytrium mangrovei |
25 |
Skeletonema costatum |
26 |
Spirulina platensis |
27 |
Tetraselmis convolutae |
28 |
Tetraselmis chuii |
29 |
Thalassionema frauenfeldii |
30 |
Thalassionema nitzschioides |
31 |
Thalassiosira pseudonana |
32 |
Thalassiosira weissflogii |
33 |
Thalassiothrix frauenfeldii |
34 |
Thraustochytrium aureum |
35 |
Thraustochytrium striatum |
36 |
Các loài thuộc chi Labyrinthula |
VIII. CÁC LOÀI ĐỘNG VẬT PHÙ DU
TT |
Tên khoa học |
1 |
Acartia (Acanthacartia) tonsa |
2 |
Artemia franciscana |
3 |
Artemia monica |
4 |
Artemia persimilis |
5 |
Artemia salina |
6 |
Artemia sinica |
7 |
Artemia tibetiana |
8 |
Artemia urmiana |
9 |
Brachionus angularis |
10 |
Brachionus calyciflorus |
11 |
Brachionus plicatilis |
12 |
Brachionus rotundiformis |
13 |
Calanopia thompsoni |
14 |
Daphnia magna |
15 |
Daphnia pulex |
16 |
Labidocera pavo |
17 |
Moina dubia |
18 |
Moina macrocopa |
19 |
Moina micrura |
20 |
Proales similis |
IX. CÁC LOÀI SAN HÔ
TT |
Tên tiếng Việt |
Tên khoa học |
1 |
Các loài san hô mềm |
Alcyonium sp. |
2 |
Các loài san hô mềm |
Nephthea sp. |
3 |
Các loài san hô mềm |
Pachyclavularia sp. |
4 |
Các loài san hô mềm |
Sarcophyton sp. |
5 |
Các loài san hô nấm mềm |
Discosoma sp. |
6 |
Các loài san hô nấm mềm |
Rhodatis sp. |
7 |
Các loài san hô nút áo |
Zoanthus sp. |
X. TRƯỜNG HỢP KHÁC (CÁC LOÀI ĐƯỢC PHÉP KINH DOANH TẠI VIỆT NAM)
1. Giống thuỷ sản được chọn tạo từ các loài có tên trong danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam nêu trên đã công nhận thông qua khảo nghiệm, nghiên cứu khoa học và công nghệ hoặc được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
2. Giống thuỷ sản từ các loài chưa có tên trong danh mục này đã được công nhận thông qua khảo nghiệm, nghiên cứu khoa học và công nghệ hoặc được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
PHỤ LỤC V
KÍCH THƯỚC TỐI THIỂU ĐƯỢC PHÉP KHAI THÁC CỦA CÁC LOÀI THỦY SẢN SỐNG TRONG VÙNG NƯỚC TỰ NHIÊN
(Kèm theo Nghị định số 37/2024/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2024 của Chính phủ)
1. Cá biển:
TT |
Tên Việt Nam |
Tên khoa học |
Chiều dài đo |
Chiều dài nhỏ nhất được phép khai thác (mm) |
1 |
Cá trích xương |
Sardinella jussieu |
FL |
80 |
2 |
Cá cơm mõm nhọn Cá cơm sọc xanh |
Encrasicholina heteroloba Encrasicholina puntifer |
FL |
50 50 |
3 |
Cá nục sồ |
Decapterus maruadsi |
FL |
190 |
4 |
Cá chỉ vàng |
Selaroides leptolepis |
FL |
100 |
5 |
Cá chim đen |
Parastromateus niger |
FL |
140 |
6 |
Cá chim trắng |
Pampus argenteus |
FL |
200 |
7 |
Cá thu chấm |
Scomberomorus guttatus |
FL |
320 |
8 |
Cá thu nhật |
Scomber japonicus |
FL |
200 |
9 |
Cá thu vạch |
Scomberomorus commerson |
FL |
730 |
10 |
Cá úc |
Arius sp |
FL |
250 |
11 |
Cá ngừ chù |
Auxis thazard |
FL |
200 |
12 |
Cá ngừ chấm |
Euthynnus affmis |
FL |
360 |
13 |
Cá bạc má |
Rastrelliger kanagurta |
FL |
180 |
14 |
Cá chuồn |
Cypselurus spPanulirus |
FL |
120 |
15 |
Cá hố |
Trichiurus lepturus |
AL |
170 |
16 |
Cá hồng đỏ |
Lutjanus erythropterus |
FL |
260 |
17 |
Cá mối thường Cá mối vạch |
Saurida tumbil Saurida undosquamis |
FL |
170 170 |
18 |
Cá sủ |
Miichthys miiuy |
TL |
330 |
19 |
Cá nhụ |
Eleutheronema tetradactylum |
FL |
820 |
20 |
Cá gộc |
Polydactylus plebejus |
FL |
200 |
21 |
Cá lạt (dưa) |
Muraenesox cinereus |
TL |
900 |
22 |
Cá cam |
Seriolina nigrofasciata |
FL |
300 |
23 |
Cá cam sọc |
Seriola dumerili |
FL |
560 |
24 |
Cá lượng vàng |
Dentex tumifrons |
FL |
150 |
25 |
Cá hè xám |
Gymnocranius griseus |
FL |
150 |
26 |
Cá đé |
Ilisha elongata |
FL |
180 |
27 |
Cá bẹ ấn độ |
Ilisha melastoma |
FL |
120 |
28 |
Cá lè ké |
Alepes kleinii |
FL |
120 |
29 |
Cá ngân |
Atule mate |
FL |
180 |
30 |
Cá cơm đê vi |
Encrasicholina devisi |
FL |
60 |
31 |
Cá vạng mỡ |
Lactarius lactarius |
FL |
120 |
32 |
Cá sòng gió |
Megalaspis cordyla |
FL |
210 |
33 |
Cá chim gai |
Psenopsis anomala |
FL |
170 |
34 |
Cá ba thú |
Rastrelliger brachysoma |
FL |
140 |
35 |
Cá trích lầm |
Sardinella aurita |
FL |
150 |
36 |
Cá trích xương |
Sardinella gibbosa |
FL |
110 |
37 |
Cá tráo mắt to |
Selar crumenophthalmus |
FL |
160 |
38 |
Cá cơm thường |
Stolephorus commersonii |
FL |
70 |
39 |
Cá cơm ấn độ |
Stolephorus indicus |
FL |
100 |
40 |
Cá sòng nhật |
Trachurus japonicus |
FL |
190 |
41 |
Cá đù ru xen |
Dendrophysa russelii |
TL |
120 |
42 |
Cá bánh đường |
Evynnis cardinalis |
FL |
110 |
43 |
Cá khoai |
Harpadon nehereus |
TL |
200 |
44 |
Cá đù uốp bê lăng |
Johnius belangerii |
TL |
130 |
45 |
Cá đù uốp |
Johnius borneensis |
TL |
110 |
46 |
Cá đối xám |
Moolgarda perusii |
FL |
150 |
47 |
Cá phèn dải vàng |
Mulloidichthys vanicolensis |
FL |
100 |
48 |
Cá lượng sâu |
Nemipterus bathybius |
FL |
170 |
49 |
Cá lượng mê sô |
Nemipterus mesoprion |
FL |
120 |
50 |
Cá lượng phu cô |
Nemipterus furcosus |
FL |
150 |
51 |
Cá lượng nhật |
Nemipterus japonicus |
FL |
160 |
52 |
Cá lượng đuôi dài |
Nemipterus virgatus |
FL |
160 |
53 |
Cá đù đuôi bằng |
Pennahia anea |
TL |
150 |
54 |
Cá đù đầu to |
Pennahia macrocephalus |
TL |
170 |
55 |
Cá trác ngắn |
Priacanthus macracanthus |
TL |
180 |
56 |
Cá mối ngắn |
Saurida elongata |
FL |
210 |
57 |
Cá lượng dơi |
Scolopsis taeniopterus |
FL |
130 |
58 |
Cá đục bạc |
Sillago sihama |
FL |
120 |
59 |
Cá mối hoa |
Trachinocephalus myops |
FL |
140 |
60 |
Cá phèn khoai |
Upeneus iaponicus |
FL |
110 |
61 |
Cá phèn dải nâu |
Upeneus subvittatus |
FL |
90 |
62 |
Cá phèn 2 sọc |
Upeneus sulphureus |
FL |
120 |
63 |
Cá ngừ ồ |
Auxis rochei |
FL |
210 |
64 |
Cá ngừ vây vàng |
Thunnus albacares |
FL |
1130 |
65 |
Cá ngừ mắt to |
Thunnus obesus |
FL |
1140 |
66 |
Cá ngừ văn |
Katsuwonus pelamis |
FL |
500 |
2. Tôm biển: (tính từ hố mắt đến cuối đốt đuôi)
TT |
Tên Việt Nam |
Tên khoa học |
Chiều dài nhỏ nhất cho phép khai thác (mm) |
1 |
Tôm rảo |
Metapenaeus ensis |
85 |
2 |
Tôm bộp (chì) |
Metapenaeus affinis |
100 |
3 |
Tôm vàng |
Metapenaeus joyneri |
70 |
4 |
Tôm đuôi xanh |
Metapenaeus intermedius |
95 |
5 |
Tôm bạc nghệ |
Metapenaeus tenuipes |
85 |
6 |
Tôm nghệ |
Metapenaeus brevicornis |
90 |
7 |
Tôm choán |
Metapenaeopsis barbata |
80 |
8 |
Tôm he mùa |
Penaeus merguiensis |
130 |
9 |
Tôm sú |
Penaeus monodon |
140 |
10 |
Tôm he ấn độ |
Penaeus indicus |
120 |
11 |
Tôm he rằn |
Penaeus semisulcatus |
120 |
12 |
Tôm he nhật |
Penaeus japonicus |
120 |
13 |
Tôm hùm ma |
Panulirus penicillatus |
200 |
14 |
Tôm hùm lông |
Panulirus stimpsoni |
160 |
15 |
Tôm sắt cứng |
Parapenaeopsis hardwickii |
70 |
16 |
Tôm sắt rằn |
Parapenaeopsis sculptitis |
110 |
17 |
Tôm tít nepa |
Miyakaea nepa |
110 |
18 |
Tôm tít |
Harpiosquilla harpax |
160 |
3. Tôm nước ngọt: (Tính từ hốc mắt đến cuối đốt đuôi)
TT |
Tên Việt Nam |
Tên khoa học |
Chiều dài nhỏ nhất cho phép khai thác (mm) |
1 |
Tôm càng xanh |
Macrobrachium rosenbergii |
100 |
4. Các loài thuỷ sản biển:
TT |
Tên Việt Nam |
Tên khoa học |
Chiều dài đo |
Chiều dài nhỏ nhất cho phép khai thác (mm) |
1 |
Mực ống |
Loligo edulis Loligo chinensis |
ML |
80 170 |
2 |
Mực ống beka |
Loligo beka |
ML |
60 |
3 |
Mực lá |
Sepioteuthis lessoniana |
ML |
120 |
4 |
Mực nang vân hổ |
Sepia pharaonis |
ML |
100 |
5 |
Mực nang lỗ |
Sepiella inermis |
ML |
50 |
6 |
Bào ngư |
Haliotis diversicolor |
L |
70 |
7 |
Sò huyết |
Area granosa |
L |
30 |
8 |
Điệp tròn |
Placuna placenta |
L |
75 |
9 |
Điệp quạt |
Mimachlamys crassicostata |
L |
60 |
10 |
Hải sâm |
Holothuria leucospilota |
L |
170 |
11 |
Cua |
Scylla serrata Scylla paramamosaim |
CW |
100 |
12 |
Sá sùng |
Sipunculus nudus |
L |
100 |
13 |
Ngao |
Meretrix lusoria |
L |
50 |
14 |
Cầu gai sọ dừa |
Tripneustes gratilla |
L |
50 |
15 |
Sò lông |
Anadara antiquata |
L |
55 |
16 |
Dòm nâu |
Modiolus philippinarum |
L |
120 |
17 |
Ốc hương |
Babylonia areolata |
L |
55 |
18 |
Nghêu bến tre |
Meretrix lyrata |
L |
30 |
19 |
Ghẹ xanh |
Portunus pelagicus |
CW |
100 |
20 |
Ghẹ ba chấm |
Portunus sanguinolentus |
CW |
80 |
21 |
Nghêu lụa |
Paphia textile hoặc Paphia Undulata |
L |
30 |
5. Cá nước ngọt:
TT |
Tên Việt Nam |
Tên khoa học |
Chiều dài đo |
Chiều dài nhỏ nhất cho phép khai thác (mm) |
1 |
Cá chép |
Cyprinus carpio |
FL |
150 |
2 |
Cá hoả |
Labeo tonkinensis |
FL |
430 |
3 |
Cá trôi |
Cirrhina molitorella |
FL |
220 |
4 |
Cá trắm đen |
Mylopharyngodon piceus |
FL |
400 |
5 |
Cá trắm cỏ |
Ctenopharyngodon idellus |
FL |
450 |
6 |
Cá mè trắng |
Hypophthalmichthys molitrix |
FL |
300 |
7 |
Lươn |
Monopterus albus |
TL |
360 |
8 |
Cá Tra |
Pangasianodon hypophthalmus |
FL |
300 |
9 |
Cá bông (cá lóc) |
Channa micropeltes |
TL |
380 |
10 |
Cá trê vàng |
Clarias macrocephalus |
TL |
200 |
11 |
Cá sặt rằn |
Trichogaster pectoralis |
TL |
100 |
12 |
Cá cóc |
Cyclocheilichthys enoplos |
FL |
200 |
13 |
Cá dầy |
Cyprinus centralus |
FL |
160 |
14 |
Cá chát trắng |
Acrossocheilus krempfi |
FL |
200 |
15 |
Cá ngão gù |
Erythroculter recurvirostris |
FL |
260 |
16 |
Cá chày mắt đỏ |
Squaliobalbus curriculus |
FL |
170 |
17 |
Cá rô đồng |
Anabas testudineus |
TL |
80 |
18 |
Cá chạch sông |
Mastacembelus armatus |
TL |
200 |
19 |
Cá lóc (cá quả) |
Channa striata |
TL |
220 |
20 |
Cá linh ống |
Cirrhinus siamensis |
FL |
50 |
21 |
Cá mè vinh |
Barbonymus gonionotus |
FL |
100 |
22 |
Cá bống tượng |
Oxyeleotris marmorata |
TL |
200 |
23 |
Cá thát lát |
Notopterus notopterus |
TL |
200 |
24 |
Cá chài |
Leptobarbus hoevenii |
FL |
200 |
25 |
Cá nhưng |
Carassioides cantonensis |
FL |
150 |
Ghi chú:
- Tỷ lệ cho phép lẫn các đối tượng nhỏ hơn kích thước quy định không quá 15% sản lượng thuỷ sản khai thác được (lấy tối thiểu 3 mẫu ngẫu nhiên để tính tỷ lệ bình quân).
- FL: chiều dài tính từ đầu mõm đến chẽ vây đuôi.
- TL: chiều dài tính từ đầu mõm đến mép cuối vây đuôi.
- AL: chiều dài tính từ đầu mõm đến lỗ hậu môn.
- ML: chiều dài tính từ mép trên áo đến điểm cuối của thân.
- CW: chiều rộng lớn nhất của mai.
- L: chiều dài (chiều rộng hoặc đường kính) lớn nhất.
PHỤ LỤC VI
DANH MỤC CƠ SỞ VẬT CHẤT, GIẢNG VIÊN CƠ SỞ ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG THUYỀN VIÊN TÀU CÁ
(Kèm theo Nghị định số 37/2024/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2024 của Chính phủ)
I. YÊU CẦU CƠ SỞ VẬT CHẤT, TRANG THIẾT BỊ TỐI THIỂU (*)
TT |
Tên trang bị, dụng vụ, thiết bị |
Quy cách |
Số lượng |
1 |
Đào tạo thuyền trưởng |
|
|
a |
Thiết bị hàng hải, báo hiệu hàng hải |
Định vị vệ tinh GPS, ra đa, đo sâu, hải đồ; các thiết bị báo hiệu hàng hải, la bàn từ |
01 bộ |
b |
Thiết bị thông tin liên lạc, thiết bị giám sát hành trình tàu cá |
Thiết bị thông tin liên lạc HF, VHF; thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS). Thiết bị nhận dạng tự động (AIS) |
01 bộ |
c |
Trang thiết bị và ngư cụ khai thác |
Có trang thiết bị và ngư cụ khai thác các nghề vây, rê, câu, chụp, lưới kéo, lồng bẫy hoặc mô hình mô phỏng |
01 bộ |
d |
Tàu cá |
Có chiều dài lớn nhất tương ứng hạng thuyền trưởng, máy trưởng đào tạo |
01 tàu |
2 |
Đào tạo máy trưởng, thợ máy |
|
|
a |
Máy thủy, hệ động lực tàu thủy |
Có hệ động lực tàu thủy hoặc mô hình mô phỏng |
01 bộ |
b |
Trang thiết bị khai thác |
Có trang thiết bị khai thác các nghề vây, rê, câu, chụp, lưới kéo, lồng bẫy hoặc mô hình mô phỏng |
01 bộ |
c |
Thiết bị điện tàu cá |
Có hệ thống thiết bị điện tàu cá hoặc mô hình mô phỏng |
01 bộ |
d |
Tàu cá |
Có chiều dài lớn nhất tương ứng hạng thuyền trưởng, máy trưởng đào tạo |
01 tàu |
* Các trang thiết bị, tàu cá có thể thuê hoặc mượn (có hợp đồng thuê/mượn).
II. YÊU CẦU SỐ LƯỢNG, TRÌNH ĐỘ CHUYÊN MÔN ĐỐI VỚI GIÁO VIÊN
1. Điều kiện chung
a) Giảng viên dạy lý thuyết: Có trình độ đại học trở lên các chuyên ngành tương ứng với nội dung đào tạo hoặc bồi dưỡng.
b) Giảng viên hướng dẫn thực hành: Có trình độ trung cấp nghề trở lên các chuyên ngành tương ứng với nội dung hướng dẫn và có kinh nghiệm làm việc thực tế trên tàu cá, tàu biển hoặc cơ sở đóng sửa tàu, sửa chữa máy tàu hoặc công tác quản lý tàu cá, giảng dạy từ 03 năm trở lên.
2. Yêu cầu cụ thể
TT |
Chuyên môn |
Số lượng tối thiểu (*) |
1 |
Khai thác thủy sản |
02 |
2 |
Đảm bảo an toàn tàu cá hoặc hàng hải |
01 |
3 |
Máy tàu hoặc cơ khí tàu thuyền |
02 |
4 |
Điện |
01 |
Ghi chú:
(*) Giảng viên phải có hợp đồng lao động với cơ sở đào tạo bồi dưỡng từ 12 tháng trở lên theo quy định của Luật Lao động.
Ngoài giảng viên đáp ứng các tiêu chuẩn trên, cơ sở bồi dưỡng thuyền viên tàu cá được thuê các chuyên gia trong và ngoài ngành, có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên liên quan đến lĩnh vực bồi dưỡng và có kinh nghiệm công tác từ 60 tháng trở lên tham gia giảng dạy, hướng dẫn các chuyên đề.
PHỤ LỤC VII
YÊU CẦU ĐỐI VỚI THIẾT BỊ GIÁM SÁT HÀNH TRÌNH LẮP ĐẶT TRÊN TÀU CÁ
(Kèm theo Nghị định số 37/2024/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2024 của Chính phủ)
1. Phải được kết nối, đồng bộ dữ liệu với Trung tâm dữ liệu của đơn vị cung cấp thiết bị và dịch vụ giám sát tàu cá.
2. Tối thiểu có kết nối truyền dữ liệu thông qua vệ tinh; thiết bị có thể tích hợp thêm tính năng truyền dữ liệu qua thông tin di động GSM, hệ thống thông tin sóng mặt đất sử dụng các băng tần MF, HF, VHF; truyền dữ liệu tối thiểu 12 vị trí/ngày với tần suất 02 giờ/lần các thông tin: vị trí tàu (kinh độ, vĩ độ) theo thời gian thực, thời gian (phút/giờ/ngày/tháng/năm - giờ Việt Nam); tốc độ tàu; mã nhận dạng thiết bị; trạng thái của thiết bị; có khả năng cảnh báo sớm tối thiểu 01 hải lý trước vùng cấm khai thác, vượt qua ranh giới cho phép trên biển bằng âm thanh hoặc đèn. Thiết bị dừng cảnh báo khi tàu quay lại ranh giới và ra khỏi vùng cấm khai thác.
3. Sai số tọa độ vị trí tàu cá nhận từ hệ thống định vị toàn cầu GPS hiển thị trên thiết bị giám sát hành trình tàu cá không quá 500 mét, độ tin cậy 99%.
4. Mỗi thiết bị phải có một mã nhận dạng độc lập.
5. Phải đảm bảo hoạt động bình thường trong môi trường hoạt động trên biển theo tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của Việt Nam:
a) Đáp ứng các thử nghiệm môi trường như: Điều kiện hoạt động trong môi trường biển thử theo mức khắc nghiệt 3 theo TCVN 7699-2-52:2007. Một chu kỳ thử nghiệm bao gồm: bốn giai đoạn phun, mỗi giai đoạn 2 giờ, cùng với giai đoạn lưu giữ ở điều kiện ẩm từ 20 giờ đến 22 giờ sau mỗi giai đoạn phun; sau đó một giai đoạn bảo quản là ba ngày trong điều kiện khí quyển tiêu chuẩn để thử nghiệm ở (23 ± 2)° C và độ ẩm từ 45% đến 55%; điều kiện hoạt động trong môi trường rung theo TCVN 7699-2-6:2009. Thiết bị phải đáp ứng được các yêu cầu của phép kiểm tra đặc tính; thiết bị đặt trong ca bin tàu cá tối thiểu đạt IP66, ăng ten và các cấu phần của thiết bị đặt bên ngoài tối thiểu đạt IP67. Phương pháp thử theo TCVN 4255:2008 (IEC 60529:2001).
b) Phải thỏa mãn các quy chuẩn tương thích điện từ QCVN 18:2022/BTTTT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Tương thích điện từ đối với thiết bị thông tin vô tuyến điện; QCVN 47: 2015/ BTTTT về tần số vô tuyến điện và phổ bức xạ áp dụng cho máy thu phát vô tuyến điện; QCVN 12: 2015/BTTTT về thiết bị đầu cuối thông tin di động GSM.
6. Thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá phải có các thành phần, bộ phận như sau:
a) Bộ nhớ để lưu trữ các dữ liệu hành trình theo quy định. Thời gian lưu trữ 01 tháng gần nhất đối với dữ liệu mất sóng chưa gửi được, 06 tháng với dữ liệu lưu nội tại trong bộ nhớ thiết bị. Trường hợp thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá mất kết nối máy chủ thời gian dài, chỉ gửi lại 01 tháng gần nhất khi có sóng. Có khả năng ghi nhận và lưu vào bộ nhớ nội dung các thông tin tối thiểu trong vòng 6 tháng gần nhất, đảm bảo tối thiểu 15 phút ghi nhận 1 lần. Thông tin đảm bảo không bị thay đổi, mất trong quá trình hoạt động.
b) Bộ phận thông báo về tình trạng hoạt động bằng màn hình hoặc LED trạng thái. Các trạng thái phải thông báo được gồm có: nguồn chính, nguồn phụ (pin dự phòng), tình trạng định vị vị trí, tình trạng kết nối vệ tinh, tình trạng hoạt động bình thường hay có lỗi của thiết bị. Phải có nhãn hướng dẫn phân biệt các trạng thái này và các trạng thái cảnh báo khác.
c) Tối thiểu một nút bấm khẩn cấp ở vị trí dễ thao tác. Kết cấu của nút bấm phải có bảo vệ để tránh khả năng bấm nhầm.
d) Cổng trích xuất dữ liệu để đọc thông tin từ bộ nhớ của thiết bị. Đơn vị cung cấp thiết bị có trách nhiệm bàn giao và hướng dẫn sử dụng cho Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và người sử dụng thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá. Các tùy chọn mở rộng cho phép thêm các chuẩn giao tiếp không dây khác như bluetooth, wifi.
đ) Có nguồn phụ (pin dự phòng) với dung lượng đảm bảo cho thiết bị hoạt động liên tục trong vòng ít nhất 24 giờ kể từ khi mất nguồn chính.
7. Nguồn điện sử dụng cho thiết bị giám sát hành trình được lấy từ điện ắc quy trên tàu. Cho phép sử dụng nguồn điện năng lượng mặt trời và phải đảm bảo sự liên tục trong việc cung cấp điện. Mức điện áp sử dụng của thiết bị phải phù hợp với mức điện áp danh định của tàu cá và có khả năng chịu cắm ngược cực theo quy định như sau: Điện áp danh định 12 (V), điện áp thử nghiệm cắm ngược cực 14 ± 0,1 (V); điện áp danh định 24 (V), điện áp thử nghiệm cắm ngược cực 28 ± 0,2 (V); điện áp danh định 136 (V), điện áp thử nghiệm cắm ngược cực 42 ± 0,2 (V).
THE GOVERNMENT OF VIETNAM |
SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM |
No. 37/2024/ND-CP |
Hanoi, April 04, 2024 |
DECREE
AMENDMENTS TO SOME ARTICLES OF GOVERNMENT’S DECREE NO. 26/2019/ND-CP DATED MARCH 08, 2019 ON GUIDELINES FOR IMPLEMENTATION OF THE LAW ON FISHERIES.
Pursuant to the Law on Government Organization dated June 19, 2015; the Law on amendments to some Articles of Law on Government Organization and Law on Local Government Organization dated November 22, 2019;
Pursuant to the Law on Fisheries dated November 21, 2017;
At the request of the Minister of Agriculture and Rural Development;
The Government promulgates Decree on amendments to some Articles of the Government’s Decree No. 26/2019/ND-CP dated March 08, 2019 on guidelines for implementation of the Law on Fisheries.
Article 1. Amendments to some Articles of the Government’s Decree No. 26/2019/ND-CP dated March 08, 2019 on guidelines for implementation of the Law on Fisheries
1. Clauses 16, 17, 18, 19, 20, 21, 22 and 23 shall be added to Article 3 as follows:
“16. “Storm shelter for fishing vessels” means a dedicated area for fishing vessels to shelter from storms, including storm shelter infrastructure, logistics establishments, water areas where vessels anchor, channels to the storm shelter and administrative zones.
a) Storm shelter infrastructure includes dykes; breakwaters; channels; anchorages (piers, mooring buoys, mooring chains and anchor blocks); system of buoys, markers and signs; lighting system; and communication system.
b) Logistics establishments of the storm shelter include establishments providing minimum essential services (freshwater, food, communication information, health, supplies, minor repairs, rescue and incident handling) for fishers and fishing vessels to meet urgent requirements and handle accidents.
c) Water areas where vessels anchor are water areas in front of the wharf, anchorage water areas, channels to anchorages and water areas intended for provision of logistics services.
d) Channels to the storm shelter are channels which connect water areas where vessels are operating with water areas where vessels anchor.
dd) Administrative zones include infrastructure and equipment serving management and operation of activities of the storm shelter (accommodation, management, security; internal road system; electricity, water, wastewater treatment, fire safety; equipment).
17. “Large fishery center" means an area associated with economically or socially advantaged fisheries in terms of natural resources or infrastructure. It has own boundaries and operational regulations and acts as a focal point for production, trade and fishing logistics services in a continuous and interconnected manner to reduce costs and enhance competitiveness. The large fishery center includes special functional zones and dedicated facilities.
a) Special functional zones include areas intended for processing of fishery products; repair and manufacture of fishing gears, shipbuilding and provision of machinery and equipment for fishing vessels, maritime equipment and communication information; storm shelters; fishing vessel registries; local fishery resource surveillance authorities, wharfs where fishery patrol vessels anchor; rescue centers.
b) Dedicated facilities include research and training institutions, financial centers and exhibition and fair centers which serve fishing activities.
18. “Bycatch fishing of endangered, precious and rare aquatic species” means endangered, precious and rare aquatic species being caught or injured or killed due to bycatch fishing by humans.
19. “Recreational fishing” means fishing which serves amusement, recreation, relaxation and experience purposes.
20. “Monitoring equipment supplier” means a unit publicly announced by the fishery authority affiliated to the Ministry of Agriculture and Rural Development according to regulations.
21. “Vessel serving aquaculture, marine protection and co-management in aquatic resource protection” means a floating vessel with or without an engine used to serve aquaculture, marine protection and co-management in aquatic resource protection. This vessel shall be registered and inspected according to regulations applicable to a fishing vessel.
22. “Offshore zone” includes 06 areas:
a) Area 1 is the area north of latitude 17°00'N
b) Area 2 is the area situated from latitude 14°00’N to latitude 17°00’N.
c) Area 3 is the area situated from latitude 10°00’N to latitude 14°00’N.
d) Area 4 is the area south of latitude 10°00’N and east of longitude 108°00’E.
dd) Area 5 is the area south of latitude 10°00’N, situated from longitude 105°00’E to longitude 108°00’E.
e) Area 6 is the area west of longitude 105°00’E”.
23. “Provincial fishery authority” means a sub-department assigned to perform state management of fisheries and fisheries resources surveillance or a Department of Agriculture and Rural Development (with regard to province where there is no fishery sub-department).
2. Clause 9 shall be added to Article 4 as follows:
“9. In case of natural disasters or epidemics, if it is impossible to carry out on-site inspection and assessment to grant licenses, certificates and written approvals, and inspection of maintenance of eligibility requirements:
a) The competent authority shall make online assessment when requirements for resources and technical means are fulfilled; relevant physical or electronic documents shall be provided for the inspecting authority; or suspension or temporary extension of licenses, certificates and written approvals shall be given; the inspection of maintenance of eligibility requirements shall be suspended or the duration for such inspection shall be temporarily extended.
b) Each organization/individual engaged in production, trade and assessment of conformity shall be responsible to the law for the accuracy of information, photos and documents provided for the license-issuing agency. The on-site assessment will be done after natural disasters and epidemics are controlled in provinces in accordance with regulations of law; if the organization/individual commits violations against regulations of law, the organization/individual will have license immediately revoked and be sanctioned according to regulations of law.
c) The Ministry of Agriculture and Rural Development shall provide professional and technical guidelines for implementation of measures in necessary cases in point a and point b of this Clause."
3. Article 8 shall be amended as follows:
“Article 8. Management and protection of endangered, precious and rare aquatic species
1. It is prohibited from catching species classified into Group I, except for the case where such species is caught for the purpose of conservation, scientific research, creation of original breeds or international cooperation.
2. Species classified into Group II may be caught when the conditions specified in Section II Appendix II hereof are satisfied.
3. When failing to meet the conditions specified in Section II Appendix II hereof, organizations and individuals catching endangered, precious and rare aquatic species for the purpose of conservation, scientific research, creation of original breeds or international cooperation shall obtain a written approval from the fishery authority affiliated to the Ministry of Agriculture and Rural Development and comply with regulations on access to genetic resources.
4. Creators of original breeds and producers of breeds of endangered, precious and rare aquatic species shall release at least 0.1% of total number of individuals annually produced into natural water areas. Procedures for recovery of endangered, precious and rare species of aquatic organisms shall be carried out as follows:
a) Each creator/producer shall send a report on the preceding year's production of breeds and a plan for recovery of endangered, precious and rare species of aquatic organisms of the current year to the fishery authority of the province where it is headquartered before January 30, every year by email or in person.
b) 07 days before the recovery of endangered, precious and rare species of aquatic organisms, the creator/producer shall send a written notification to the provincial fishery authority in person or by email for cooperation.
5. Endangered, precious and rare aquatic species that is an exhibit or evidence confiscated in accordance with the Criminal Code or the Criminal Procedure Code shall be handled as follows:
a) The individual that remains alive shall be released into its natural habitat; if it is injured, it shall be transferred to the aquatic species rescue center so that it is nurtured and cured before being released into its natural habitat;
b) The exhibit that is a dead individual or part thereof shall be transferred to the Vietnam National Museum of Nature or research institute so that it can be used as a specimen and for display, research, dissemination or education or shall be destroyed in accordance with Vietnam’s law.
c) If the exhibit that is a dead individual or part thereof cannot be transferred according to regulations in point b of this Clause or it is confirmed that the exhibit is sick and likely to cause dangerous disease, it is required to destroy it immediately. The destruction shall comply with applicable regulations of the laws on veterinary medicine, environmental protection and quarantine of plants.
6. Procedures for rescuing endangered, precious or rare aquatic species that is injured or stranded shall be carried out as follows:
a) Any organization and individual that finds an endangered, precious or rare aquatic species injured or stranded shall notify the provincial fishery authority or the aquatic species rescue center;
b) If the provincial fishery authority receives information or species transferred by the organization/individual, it is required to notify the aquatic species rescue center so that it gives first aid and nurtures the species while waiting for the transfer;
c) The aquatic species rescue center which receives endangered, precious and rare aquatic species transferred shall make a transfer record, using the Form No. 09.BT in the Appendix I hereof.
7. The aquatic species rescue center shall:
a) rescue, cure, nurture and assess the adaptability of the rescued aquatic species before releasing them into their natural habitat. If the rescued species is dead during the rescue and cure, the rescue center may use it as a specimen to serve dissemination and education or transfer it to the Vietnam National Museum of Nature or research institute. If the rescued species is not able to live in its natural habitat, the rescue center shall nurture or transfer it to a competent organization for the purpose of research, dissemination or education;
b) submit an annual or ad hoc report on rescue of endangered, precious and rare aquatic species to the fishery authority affiliated to the Ministry of Agriculture and Rural Development by November 20.
8. If the dead endangered, precious or rare aquatic species is not kept, stored or produced for the purpose of research, dissemination or education, the fishery authority of the province shall cooperate with the district authority in handling it in accordance with practices and regulations of laws on veterinary medicine, environmental protection and quarantine of plants.
9. During the process of fishing, any organization/individual that detects or unintentionally catches endangered, precious or rare aquatic species shall be responsible for recording information on a fishing logbook, assessing health status and handling it as follows:
a) If the species remains alive, it shall be released into the fishing area.
b) If the species is injured, it shall be rescued according to rescue procedures specified in Clause 6 of this Article.
c) If the species is injured to such an extent that it is impossible to cure it or dead, regulations in Clause 8 of this Article shall be applied.
4. Article 10 shall be amended as follows:
“Article 10. Management of activities carried out within MPAs and ecotone
1. Activities allowed to be conducted within a subdivision under strict protection of a marine protected area include:
a) Floating of buoys for marking boundary of waters;
b) Investigation and scientific research with the competent authority’s approval and under the supervision of the MPA management unit or the organization assigned to manage MPAs;
c) Environmental dissemination and education, biodiversity conservation and aquatic resource protection.
d) Patrol, inspection, control and handling of violations;
dd) Monitoring and supervision of natural resources, environment and archaeology;
e) Incident response at sea, rescue of endangered, precious or rare species, preservation of marine ecosystem.
2. Activities allowed to be conducted within an ecological recovery subdivision include:
a) The activities specified in Article 1 of this Law;
b) Recovery and regeneration of aquatic animals and plants, and marine ecosystem in accordance with the guidelines and approval of the competent authority and under the supervision of the MPA management unit or the organization assigned to manage MPAs;
c) Ecotourism, which must not harm aquatic resources and marine ecosystem;
d) Innocent passage of fishing vessels, vessels and other waterway vehicles without stopping or anchoring, except for force majeure.
3. Activities allowed to be conducted within a service and administration subdivision include:
a) The activities specified in Clause 2 of this Article;
b) Aquaculture and fishing activities;
c) Provision of ecosystem services and ecotourism;
d) Construction of infrastructure serving operations of performed by the MPA management unit or the organization assigned to manage MPAs; buildings serving aquaculture and ecotourism.
4. Activities allowed to be conducted within an ecotone include:
a) The activities specified in Clause 3 of this Article;
b) Construction of infrastructure which serves socio - economic development but does not harm other subdivisions and ecosystems in the MPA.
5. The abovementioned activities (specified in Clauses 1, 2, 3 and 4 of this Article) conducted within MPAs shall comply with relevant regulations of law and MPA management regulation.”
5. Article 11 shall be amended as follows:
a) Point a Clause 1 Article 11 shall be amended as follows:
“a) carry out investigations, surveys, researches and application of science and technology and international cooperation in marine protection within its scope of management
b) Point dd Clause 1 Article 11 shall be amended as follows:
“dd) While performing their duties within an MPA, officials of the MPA management unit or the organization assigned to manage the MPA are entitled to make a record on administrative violations against regulations in fishery, handle violations or transfer them to the person having the power to impose penalties as prescribed by law;”
c) Point e Clause 1 Article 11 shall be amended as follows:
“e) Cooperate in scientific research, recovery and regeneration of aquatic animals and plants, and natural ecosystems within an MPA in accordance with regulations of law; cooperate in the fields of ecotourism, leisure and other services within the MPA in accordance with regulations of law;”
d) Point h shall be added to Clause 1 Article 11 as follows:
“h) Manage aquaculture and fishing activities within the MPA.”
dd) Clause 3 shall be added to Article 11 as follows:
“3. An MPA management unit shall exercise the rights to and assume the responsibilities for management, protection of environment and conservation of nature and biodiversity in accordance with regulations of law.”
6. Article 13 shall be amended as follows:
“Article 13. Obligations of organizations and individuals whose operation involves MPAs
1. Every organization or individual engaging in investigation, scientific research, education and training within an MPA has the following obligations:
a) Submit an investigation, scientific research, education and training plan to the MPA management unit or the organization assigned to manage the MPA 10 days before the investigation, scientific research, education and training;
b) Carry out investigation, scientific research, education and training in accordance with regulations of this Decree and MPA management regulation and under the guidance and supervision of the MPA management unit or the organization assigned to manage the MPA;
c) Notify the MPA management unit or the organization assigned to manage the MPA of results of investigation, scientific research, education and training; domestically or internationally published documents (if any);
d) Pay costs incurred in connection with services and supervision to the MPA management unit or the organization assigned to manage the MPA according to regulations, except for those in connection with investigation and scientific research.
2. Every provider of aquaculture and ecotourism services within an MPA has the following obligations:
a) Provide ecotourism, leisure and entertainment services according to the approved overall plan for ecotourism, leisure and entertainment development within the MPA;
b) Comply with MPA management regulation and regulations issued by the MPA management unit or the organization assigned to manage the MPA;
c) Protect biodiversity and environment; participate in cleaning up the environment, recovering and regenerating aquatic animals and plants, and marine ecosystem within the MPA;
d) Disseminate regulations of law on environmental protection and biodiversity protection to tourists;
dd) Pay costs incurred in connection with services to the MPA management unit or the organization assigned to manage the MPA as prescribed.
e) Eligible organizations and individuals that have demands for aquaculture and fishing within the MPA shall register with the MPA management unit or the organization assigned to manage the MPA.
3. Residential communities, households and individuals living within and around an MPA have the following obligations:
a) Comply with MPA management regulation, regulations of the MPA management unit or the organization assigned to manage the MPA and relevant regulations of law;
b) Protect the environment and biodiversity within the MPA;
c) Participate in recovery and regeneration of aquatic animals and plants, and marine ecosystem within the MPA.”
7. Point b Clause 1 Article 15 shall be amended as follows:
“b) Recurrent expenditures: expenditures on activities of the MPA management unit or the organization assigned to manage the MPA; on other recurrent activities related to the MPA.”
8. Point a Clause 1, Clause 6 and Clause 7 shall be amended and Clauses 8 and 9 shall be added to Article 21 as follows:
a) Point a Clause 1 Article 21 shall be amended as follows:
“a) Fishery authorities affiliated to the Ministry of Agriculture and Rural Development shall issue, re-issue and revoke certificates of eligibility for, and inspect the maintenance of eligibility requirements for production or raising of aquatic breeds with respect to producers and raisers of parent aquatic breeds and producers and raisers of both parent aquatic breeds and aquatic breeds that are not parent aquatic breeds;”
b) Clause 6 Article 21 shall be amended as follows:
"6. Duration for maintenance of eligibility requirements
a) The duration for maintenance of eligibility requirements by a producer or raiser is 12 months. In case the producer or raiser has been issued with the certificate of conformity by the conformity assessment organization according to regulations of law, the duration for maintenance of eligibility requirements is 24 months.
b) Maintenance of eligibility requirements by a producer or raiser shall be inspected within 90 days from the end date of the 12-month period and 180 days from the end date of the 24-month period. The 12-month and 24-month periods begin on the date of the first certificate of eligibility of the producer or raiser or the date of the previous inspection according to regulations.
c) The inspecting authority shall notify the producer or raiser of the time for inspection of maintenance of eligibility requirements at least 05 days in advance. The inspection of maintenance of eligibility requirements shall follow contents specified in Form No. 03.NT Appendix III enclosed with this Decree. After 05 working days from the end of inspection, the inspecting authority shall notify the inspected producer or raiser of inspection results and duration for maintenance of eligibility requirements.
d) During the duration for maintenance of eligibility requirements, if the producer or raiser does not wish to maintain eligibility requirements according to regulations, the notification shall be sent to the competent authority specified in Clause 1 of this Article for revocation of certificate of eligibility for production or raising of aquatic breeds and public declaration on the website of the fishery authority affiliated to the Ministry of Agriculture and Rural Development.”
c) Clause 7 Article 21 shall be amended as follows:
“7. When the producer or raiser is found committing one of the violations specified in Clause 4 Article 25 of the Law on Fisheries, the competent authority shall take actions as follows:
a) If the producer or raiser fails to maintain eligibility requirements according to regulations in one of the points a,b,d Clause 1 Article 24 of the Law on Fisheries and Clause 1 Article 20 of this Decree, the competent authority shall take actions against the violation and issue a decision on revocation of or request another competent authority to revoke the certificate of eligibility for production or raising of aquatic breeds, and publish a notification thereof on the website of the fishery authority affiliated to the Ministry of Agriculture and Rural Development;
b) If the producer or raiser fails to maintain or maintains eligibility requirements specified in point c Clause 1 Article 24 of the Law on Fisheries and Clause 2 Article 20 of this Decree in an inadequate manner but is not capable of taking remedial measures, the competent authority shall take actions against the violation and issue a decision on revocation of or request another competent authority to revoke the certificate of eligibility for production or raising of aquatic breeds, and publish a notification thereof on the website of the fishery authority affiliated to the Ministry of Agriculture and Rural Development;
c) If the producer or raiser commits a violation against regulations in point a or point c Clause 4 Article 25 of the Law on Fisheries, the competent authority shall take administrative actions against the violation as prescribed and issue a decision on revocation of or request another competent authority to revoke the certificate of eligibility for production or raising of aquatic breeds, and publish a notification thereof on the website of the fishery authority affiliated to the Ministry of Agriculture and Rural Development.”
d) Clause 8 and Clause 9 shall be added to Article 21 as follows:
“8. When engaging in one, some or all stages of the process of production or raising of aquatic breeds that have declarations of applicable standard or declarations of their conformity with corresponding national technical regulations submitted by another producer or raiser, the producer or raiser issued with the certificate of eligibility for production or raising of aquatic breeds shall:
a) produce or raise aquatic breeds in accordance with the requirements specified in the certificate and make a written agreement on applied standards, scope and duration of application.
b) fulfill the obligations specified in points b,c,dd,e,g and h Clause 2 Article 26 of the Law on Fisheries. Keep records and retain documents during the production or raising and assign copies thereof to the producer or raiser whose aquatic breeds have declarations of applicable standard or declarations of their conformity with corresponding national technical regulations submitted for the tracing purpose
9. When producing or raising aquatic breeds at another producer or raiser issued with the certificate of eligibility, the producer or raiser whose aquatic breeds have declarations of applicable standard or declarations of their conformity with corresponding national technical regulations submitted shall fulfill all obligations specified in points a, d and g Clause 2 Article 26 of the Law on Fisheries, retain documents during the production and raising.”
9. Point c Clause 2 Article 22 shall be amended as follows:
“c) A research outline approved by the competent state management agency (if the aquatic species is imported for the purpose of scientific research).”
10. Point b Clause 7 Article 26 shall be amended as follows:
“b) Within 01 working day from the date on which the decision on recognition of aquatic breed testing results is issued, the fishery authority affiliated to the Ministry of Agriculture and Rural Development shall publicize the decision on its web portal.”
11. Point b Clause 5, Clause 6, Clause 7 shall be amended and Clause 9 shall be added to Article 28 as follows:
a) Point b Clause 5 Article 28 shall be amended as follows:
“b) On-site inspection of fulfillment of eligibility requirements by the producer of aquafeeds and treatment products according to Article 27 of this Decree and Article 32 of the Law on Fisheries;”
b) Clauses 6 and 7 Article 28 shall be amended as follows:
"6. Maintenance inspection time
a) The duration for maintenance of eligibility requirements by the producer of aquafeeds and treatment products is 12 months. In case the producer has been issued with the certificate of conformity by the conformity assessment organization according to regulations of law, its maintenance of eligibility requirements shall be inspected within 24 months.
b) Maintenance of eligibility requirements by the producer shall be inspected within 90 days from the end date of the 12-month period and 180 days from the end date of the 24-month period. The 12-month and 24-month periods begin on the date of the first certificate of eligibility of the producer or raiser or the date of the previous inspection according to regulations.
c) The inspecting authority shall notify the producer of the time for inspection of maintenance of eligibility requirements at least 05 days in advance; the inspection of maintenance of eligibility requirements shall follow contents specified in Form No. 13.NT Appendix III enclosed with this Decree. After 05 working days from the end of inspection, the inspecting authority shall notify the inspected producer of inspection results and duration for maintenance of eligibility requirements.
d) During the duration for maintenance of eligibility requirements, if the producer does not wish to maintain eligibility requirements according to regulations, the producer shall notify the competent authority specified in Clause 1 of this Article for revocation of the certificate of eligibility for production of aquafeeds and treatment products and public declaration on the website of fishery authority affiliated to the Ministry of Agriculture and Rural Development.
7. When the producer is found committing one of the violations specified in Clause 4 Article 34 of the Law on Fisheries, the competent authority shall take actions as follows:
a) If the producer fails to maintain eligibility requirements according to regulations in one of the points a,b,d,e Clause 1 Article 32 of the Law on Fisheries and Clauses 1 and 2 Article 27 of this Decree, the competent authority shall take actions against the violation and issue a decision on revocation of or request another competent authority to revoke the certificate of eligibility for production of aquafeeds and treatment products, and publish a notification thereof on the website of the fishery authority affiliated to the Ministry of Agriculture and Rural Development
b) If the producer fails to maintain eligibility requirements or maintains eligibility requirements in an inadequate manner but is not capable of taking remedial measures to fulfill the requirements specified in point dd Clause 1 Article 32 of the Law on Fisheries and Clause 3 Article 27 of this Decree, the competent authority shall take actions against the violation and issue a decision on revocation of or request another competent authority to revoke the certificate of eligibility for production of aquafeeds and treatment products, and publish a notification thereof on the website of the fishery authority affiliated to the Ministry of Agriculture and Rural Development.
c) If the producer commits a violation against regulations in point a or point c Clause 4 Article 34 of the Law on Fisheries, the competent authority shall take administrative actions against such violation as prescribed and issue a decision on revocation of or request another competent authority to revoke the certificate of eligibility for production of aquafeeds and treatment products, and publish a notification thereof on the website of the fishery authority affiliated to the Ministry of Agriculture and Rural Development.”
c) Clause 9 shall be added to Article 28 as follows:
“9. The following establishments are not required to obtain the certificate of eligibility for production of aquafeeds: producers of aquafeeds that are not subject to declaration of conformity; initial producers (farming, breeding, aquaculture, harvesting and fishing establishments).”
12. Article 29 shall be amended as follows:
“Article 29. Inspection of quality of aquafeeds and treatment products
1. The authority inspecting quality of imported aquafeeds and treatment products is the Ministry of Agriculture and Rural Development.
2. Contents and procedures for inspection of quality of imported aquafeeds and treatment products shall comply with regulations of the law on product quality.
3. Samples of aquafeeds and treatment products shall be taken in accordance with national standards and national technical regulations In case a national standard or national technical regulation on sampling is not available, samples shall be taken randomly.
4. Aquafeeds and treatment products shall be tested by the laboratory designated by the Ministry of Agriculture and Rural Development or registered according to regulations of law. In case a designated testing laboratory (in case such aquafeeds and treatment products shall be tested in order to serve state inspection) or registered testing laboratory (in case such aquafeeds and treatment products shall be tested in order to serve activities of organizations/individuals) is not available, aquafeeds and treatment products shall be tested at a laboratory designated or registered to carry out tests in the field of food, feeds, veterinary drugs, agrochemicals and fertilizers if an appropriate testing method is available. In case testing methods are yet to be designated or an agreement on such testing methods is yet to be reached, the fishery authority affiliated to the Ministry of Agriculture and Rural Development shall decide a testing method.”
13. Point b Clause 2 and Clause 4 Article 30 shall be amended as follows:
a) Point b Clause 2 Article 30 shall be amended as follows:
“b) A confirmation of the applicant’s organization of or participation in a fair or exhibition in Vietnam (if aquafeeds/treatment products are imported for display thereof at a fair or exhibition) which contains information on organization time and location, products (name, main components, uses, instructions about use and preservation of each product), quantity, weight and plan to dispose products at the end of the fair or exhibition, and responsibilities of the relevant parties.”
b) Clause 4 Article 30 shall be amended as follows:
“4. Live fishery products imported as aquafeeds:
a) Organizations/individuals are permitted to import fishery products included in the List of aquatic species licensed for sale in Vietnam to use them as aquafeeds. In case of import of fishery products as aquafeeds which have not yet been included in the List of aquatic species licensed for sale in Vietnam, organizations/individuals shall take fishery product testing according to regulations in Article 26 of this Decree.
b) Procedures for importing aquatic species licensed for sale in Vietnam to use them as aquafeeds shall comply with regulations in Article 30 of this Decree.”
14. Article 36 shall be amended as follows:
“Article 36. Registration of cage aquaculture and main aquatic species
1. The competent authority issuing a certificate of registration of cage aquaculture and main aquatic species is the provincial fishery authority.
2. Aquaculture forms include cage aquaculture, aquaculture on scaffolds, tidal flat containment, aquaculture at sea, natural lagoons, rivers and lakes shall be registered.
3. An application for registration includes:
a) An application form (Form No. 26.NT in the Appendix III hereof);
b) A floor plan of the pond/cage confirmed by the establishment owner.
4. An application for re-registration includes:
a) An application form (Form No. 27.NT in the Appendix III hereof);
b) An original of the issued certificate of registration (except in the case it is lost);
c) A floor plan of the pond/cage confirmed by the establishment owner (in case of change of production scale); documentary evidences in the case of change of the establishment owner.
5. Procedures for registration and re-registration of cage aquaculture and main aquatic species:
a) The applicant shall submit an application to the provincial fishery authority;
b) Within 07 working days from the receipt of the satisfactory application, according to local planning, plan, program and project on development of aquaculture approved by the competent authority and other relevant regulations, the provincial fishery authority shall consider issuing a certificate according to the Form No. 28.NT in the Appendix III hereof In case of refusal, a written reply which specifies reasons shall be provided.
6. Cage aquaculture and main aquatic species shall be re-registered in one of the following cases: the certificate of registration is lost or torn; the establishment owner or production scale is changed; aquaculture subject is changed.
7. Revocation of certificate of registration of cage aquaculture and main aquatic species
a) The certificate of registration of cage aquaculture and main aquatic species shall be revoked in one of the following cases: its contents are erased or changed; or the certificate holder commits a violation that leads to revocation of the certificate;
b) Any authority that has the power to issue the certificate also has the power to revoke it.”
15. Point b Clauses 3 and 4 shall be amended and point c Clause 5, Clause 6, Clause 7 shall be added to Article 37 as follows:
a) Point b Clause 3 Article 37 shall be amended as follows:
“b) Within 45 days from the receipt of the satisfactory application, the competent authority shall appraise the application, consult the environment authority and relevant unit, conduct on-site inspection (if necessary) at the proposed sea area and consider issuing the mariculture license according to the Form No. 31.NT in the Appendix III hereof if all regulations are complied with. In case of rejection of the application, a response and explanation shall be provided in writing.
b) Clause 4 Article 37 shall be amended as follows:
“4. Re-issuance or renewal of the mariculture license.
a) Cases of re-issuance or renewal of the mariculture license: the mariculture license shall be considered for re-issuance in case it is lost or damaged or the information on the application is changed; renewal in case it is still valid for at least 60 days.
b) An application for re-issuance or renewal of the mariculture license includes:
An application form (Form No. 29.NT in the Appendix III hereof);
Report on production results (Form No. 30A.NT in the Appendix III hereof);
Report on results of environment protection appraised by the competent authority according to regulations;
A certified copy of Decision on transfer of marine aquaculture site (in case of renewal of the license);
A copy of document prepared by the competent authority which shows the changed information on the applicant (in case of re-issuance of the license).
c) Procedures for re-issuance or renewal of the mariculture license:
The applicant shall send an application to the competent authority specified in Clause 1 of this Article.
Within 15 working days from the receipt of the satisfactory application, the competent authority shall consider re-issuing/renewing the license. In case of rejection of the application, a response and explanation shall be provided in writing.”
c) Point c shall be added to Clause 5 Article 37 as follows:
“c) When it is detected that one of the violations specified in point a of this Clause is committed, the competent authority specified in point b of this Clause shall issue a decision to revoke the mariculture license.”
d) Clause 6 and Clause 7 shall be added to Article 37 as follows:
“6. The validity period of the mariculture license shall not exceed the period specified in Clause 4 Article 44 of the Law on Fisheries. When the license expires, if the organization/individual wishes to continue to use sea areas for aquaculture, the period may be extended once or multiple times but total extension period shall not exceed 20 years.
7. In case of transfer of the right to use sea areas, the organization/individual hiring or receiving the right to use sea areas as capital contribution shall be responsible to the law for obligations to aquaculture and use of sea areas.
a) If the transferee continues to carry out the aquaculture project of the transfer, the transferee shall change information in the mariculture license according to Clause 4 of this Article;
b) If the transferee fails to continue to carry out the aquaculture project of the transfer, the transferee shall follow procedures for issuing the mariculture license according to Clause 2 and Clause 3 of this Article.”
16. Article 38 shall be amended as follows:
“Article 38. Issuance of mariculture licenses to foreign investors and foreign-invested business entities
1. The authority that has the power to issue mariculture licenses to foreign investors and foreign-invested business entities is the Ministry of Agriculture and Rural Development.
2. The application for issuance of mariculture license is specified in Clause 2 Article 37 of this Decree
3. Procedures for issuing a mariculture license:
a) The applicant shall submit an application for issuance of mariculture license to the fishery authority affiliated to the Ministry of Agriculture and Rural Development;
b) Within 90 days from the receipt of the satisfactory application, the fishery authority affiliated to the Ministry of Agriculture and Rural Development shall appraise the application; organize site survey at the sea areas (if necessary); and consult the Ministry of Agriculture and Rural Development about seeking opinions from the local authority of the area where the sea areas exist, Ministry of National Defense, Ministry of Foreign Affairs, Ministry of Public Security, and Ministry of Natural Resources and Environment. The enquired authorities shall reply within 30 days from the date of receipt of documents that seek opinions. By the aforementioned deadline, if these authorities fail to reply in writing, it deems that they have agreed.
If those are concurring with opinions, within 05 working days, the fishery authority affiliated to the Ministry of Agriculture and Rural Development shall consult the Minister of Agriculture and Rural Development about issuing the mariculture license according to the Form No. 31.NT in the Appendix III hereof.
If there is at least 01 dissenting opinion, the fishery authority affiliated to the Ministry of Agriculture and Rural Development shall consult the Ministry of Agriculture and Rural Development to notify the Prime Ministry for instructions. After receiving instructions from the Prime Minister, within 07 working days, the Minister of Agriculture and Rural Development shall issue the mariculture license according to the Form No. 31.NT in the Appendix III hereof. In case of rejection of the application, a response and explanation shall be provided in writing.
4. Re-issuance or renewal of the license:
a) Cases of re-issuance or renewal of the mariculture license: the mariculture license shall be re-issued in case it is lost or damaged or the information on the application is changed; shall be considered for renewal in case it is still valid for at least 60 days.
b) An application for re-issuance or renewal of the mariculture license includes:
An application form (Form No. 29.NT in the Appendix III hereof);
Report on production results (Form No. 30A.NT in the Appendix III hereof);
Report on results of environment protection appraised by the competent authority according to regulations;
A certified copy of Decision on transfer of marine aquaculture site, mariculture license (in case of renewal of the license);
A copy of document prepared by the competent authority which shows the changed information on the applicant (in case of re-issuance of the license).
c) Procedures for re-issuance or renewal of the mariculture license:
The applicant shall send an application to the competent authority specified in Clause 1 of this Article.
Within 30 working days from the receipt of the satisfactory application, the competent authority shall consider re-issuing/renewing the license. In case of rejection of the application, a response and explanation shall be provided in writing.
5. The validity period of the mariculture license shall comply with regulations in Article 37 of this Decree.
6. Revocation of the mariculture license:
a) The license shall be revoked in one of the following cases: the license’s contents are erased or changed or regulations specified in the license are not complied with;
b) The Ministry of Agriculture and Rural Development has the power to revoke and issue a Decision to revoke the license.
7. In case of transfer of the right to use sea areas for aquaculture, the organization/individual hiring or receiving the right to use sea areas as capital contribution shall be responsible to the law for obligations to aquaculture and use of sea areas.
a) If the transferee continues to carry out the aquaculture project of the transfer, the transferee shall change information in the mariculture license according to Clause 4 of this Article;
b) If the transferee fails to continue to carry out the aquaculture project of the transfer, the transferee shall follow procedures for issuing the mariculture license according to Clause 2 and Clause 3 of this Article;
17. Clause 2 and point b Clause 3 Article 41 shall be amended as follows:
a) Clause 2 Article 41 shall be amended as follows:
“2. The establishment in charge of breeding of endangered, precious and rare aquatic species shall satisfy all eligibility requirements specified in Article 24 of the Law on Fisheries and Article 20 of this Decree. The establishment in charge of rearing and artificial propagation of endangered, precious and rare aquatic species, except the aquatic species specified in Clause 1 of this Article shall satisfy all eligibility requirements specified in Article 38 of the Law on Fisheries and Article 34 of this Decree.”
b) Point b Clause 3 Article 41 shall be amended:
“b) Regarding endangered, precious and rare aquatic species not included in CITES Appendices, the establishment shall apply for a certificate of eligibility for aquaculture according to regulations in Article 35 of this Decree.”
18. Clause 1 Article 42 shall be amended as follows:
“1. Offshore fishing zones include:
a) Coastal zone, which is delimited by the waterline along the coast and coastal route. Regarding an island, coast zone is the waters extending up to 06 nautical miles from the average line of tide in multiple years around the coast of the island;
b) Inshore zone, which is delimited by the coastal route and inshore route;
c) Offshore zone, which is delimited by the inshore route and outer boundary determined according to United Nations Convention on Law of the Sea – UNCLOS.”
19. Clause 4, Clause 5 and Clause 6 shall be added to Article 43 as follows:
“4. Quota conversion for Licenses for fishing in offshore zones:
a) When transferring the right of ownership of fishing vessels among provinces and central- affiliated cities, holders of licenses for fishing in offshore zones shall ensure that total quotas for licenses for fishing in offshore zones assigned by the Ministry of Agriculture and Rural Development are not increased.
Quota conversion for fishing licenses among industries in total quotas assigned shall be decided by provincial People's Committees in such a way to ensure that the fishing industry in provinces and cities will develop towards only conversion to any industry that protects aquatic resources and comply with regulations of law.
b) Any transferee of right of ownership of fishing vessels shall comply with regulations on issuance of written approvals under Article 62 of the Law on Fisheries and Article 57 of this Decree and register fishing vessels according to regulations. Departments of Agriculture and Rural Development in provinces and central-affiliated cities where transferors of right of ownership of fishing vessels are located shall notify quota conversion for licenses for fishing in offshore zones (Form No. 01A.KT Appendix IV enclosed with this Decree) to those in provinces and central-affiliated cities where transferees of right of ownership of fishing vessels are located after issuing written approvals according to regulations; fishing vessel registration agencies shall follow procedures for deregistering fishing vessels and register fishing vessels according to regulations.
5. Authorities in landlocked provinces and central- affiliated cities shall review and determine the number of existing fishing vessels and their operation areas, and fishing licenses issued to fishing vessels with a length of from 06 meters to less than 15 meters before the effective date of this Decree. After that, they shall send reports to People's Committees of coastal provinces and central-affiliated cities where fishing vessels operate for inclusion in quotas for licenses for fishing in coastal zones and inshore zones of such provinces and cities and cooperation in management of fishing vessels.
6. Vessels with a length of at least 06 meters shall enter ports in order for products to be loaded and unloaded.”
20. Article 44 shall be amended as follows:
“Article 44. Regulations on management of fishing vessel monitoring system
1. The fishing vessel monitoring system shall meet requirements specified in Appendix VII enclosed with this Decree.
2. The fishing vessel monitoring system software at the monitoring equipment supplier shall meet the following requirements:
a) Being capable of connecting and receiving information and data from the fishing vessel monitoring system;
b) Ensuring continuous connection to transmit full information and data from the fishing vessel monitoring system to the monitoring data center affiliated to the fishery authority under the Ministry of Agriculture and Rural Development;
c) Receiving information from the fishing vessel monitoring system software in order to transmit it to the fishing vessel monitoring system according to the format prescribed by the monitoring data center affiliated to the fishery authority under the Ministry of Agriculture and Rural Development;
d) Keeping data confidential according to regulations of law.
3. Functions of fishing vessel monitoring system software at the monitoring data center affiliated to the fishery authority under the Ministry of Agriculture and Rural Development:
a) The software must be compatible with Microsoft Windows, Android and IOS, and have an intuitive Vietnamese interface. Software must be able to manage all information of fishing vessels provided with monitoring equipment; provide information to central government authorities and local authorities to manage, inspect and monitor activities of fishing vessels at sea and entry into and exit from ports; the revision to data on fishing vessels is prohibited;
b) The software must display vessel location in real time, time, speed, course, alarm signals, last data update time, weather information, fishery information and status of the monitoring equipment, and send information to the monitoring equipment via the software at the monitoring equipment supplier; display main equipment according to the declared code enclosed with the fishing license and backup equipment;
c) Software must have access, search, tabulation, reporting and data gathering functions in accordance with regulations of the Ministry of Agriculture and Rural Development on provision, management and use of data from the monitoring equipment, and must be able to create a vessel management zone and send automatic warnings upon the exit/entry of vessels from/into such zone;
d) Software must connect and transmit information to the data center of the monitoring equipment supplier; grant privileges to organizations and individuals entitled to use fishing vessel monitoring data;
dd) Software must clearly display coordinates of fishing zones, zones where fishing is prohibited, fishing ports, islands and archipelagos under Vietnamese sovereignty that have been delimited and Vietnam's historic waters.
4. Management of fishing vessel monitoring system
a) The fishery authority under the Ministry of Agriculture and Rural Development shall:
Unify management of the fishing vessel monitoring system and fishing vessel monitoring data nationwide, manage system and grant rights to access and use fishing vessel monitoring data to local authorities, fishing port agencies and organizations designated and forces that enforce laws on fishing at sea; directly handle fishing vessel monitoring data with regard to fishing vessels with a length of at least 24 meters.
Build and operate the fishing vessel monitoring system, and ensure that information and data are received and processed promptly; if it is detected that the fishing vessel loses signal or has crossed the zone permitted for fishing at sea, the fishery authority shall send notification by one of the following forms: phone, email, or data to focal points receiving and processing fishing vessel monitoring information of Departments of Agriculture and Rural Development in coastal provinces and central- affiliated cities, Vietnam Fisheries Surveillance, Vietnam Coast Guard, Vietnam Border Guard in order to organize inspection, control, settlement, consolidation and report according to regulations and rules on cooperation among units.
b) Departments of Agriculture and Development of coastal provinces and cities shall manage and process fishing vessel monitoring data of provinces and cities; process monitoring data of vessels with a maximum length of from 15 meters to less than 24 meters; access fishing vessel monitoring database to serve management of fishing vessels, traceability and handling of violations within their management. Fishery authorities of coastal provinces and cities shall manage and process monitoring data on fishing vessels of provinces and cities and fishing vessels of other provinces and cities when they operate in waters within their management; access fishing vessel monitoring database to serve management of fishing vessels, traceability and handling of violations within their jurisdiction.
c) Departments of Agriculture and Development of provinces and central- affiliated cities, Vietnam Fisheries Surveillance, Vietnam Coast Guard, Vietnam Border Guard shall appoint focal points receiving fishing vessel monitoring information and send information about such focal points to the fishery authority under the Ministry of Agriculture and Rural Development, and process data of the fishing vessel monitoring system. They shall send reports on handling results to the fishery authority under the Ministry of Agriculture and Rural Development (via On-duty Department operating fishing vessel monitoring systems) by email or in writing for consolidation on a periodical (by 20th every month) or ad hoc (if required) basis.
d) When installing monitoring equipment, the vessel owner shall declare information about installation and activation of the equipment according to the Form No. 01.KT in the Appendix IV hereof; and provide information about monitoring of his/her vessel from the monitoring data center affiliated to the fishery authority under the Ministry of Agriculture and Rural Development and the monitoring data center under the monitoring equipment supplier upon request.
dd) The provincial fishery authority shall manage and inspect installation and activation of the monitoring equipment.
e) The captain or the vessel owner must ensure that monitoring equipment operates 24/24 from the moment a fishing vessel leaves port until it returns. In case the monitoring equipment loses signal, the captain or the vessel owner shall use another equipment that records the vessel location and report the location to the management agency at port when the vessel enters the port, and use another communication equipment and report the vessel location to the fishery authority under the Ministry of Agriculture and Rural Development and the provincial fishery authority where the fishing vessel is registered (via On-duty Department operating fishing vessel monitoring systems) every 06 hours and take the vessel to the port for repair within 10 days from the date on which the monitoring equipment is damaged; the captain or the vessel owner shall strictly comply with warnings given by the monitoring equipment, and must not operate their fishing vessel crossing boundaries of zones permitted for fishing at sea.
g) Foreign fishing vessels operating within Vietnam’s waters must install monitoring equipment in accordance with technical requirements and regulations on management and use of fishing vessel monitoring system and data specified in this Article;
h) Monitoring data shall be used as a legal ground for managing activities of fishing vessels, imposing penalties for administrative violations, handling disputes over fishing gears, stating fishery products originating from catches and providing benefits in the fishery sector.
5. Responsibility of the monitoring equipment supplier
a) Update and manage information about fishing vessels and their owners, codes of fishing vessel monitoring equipment and container seal numbers. The information is automatically transmitted to the monitoring data center affiliated to the fishery authority under the Ministry of Agriculture and Rural Development. Conduct inspection and take responsibility for the accuracy of information before updating it on the fishing vessel monitoring system software of the monitoring equipment supplier; notify the vessel owner of the expiration of the vessel monitoring equipment 30 days in advance; be prohibited from making disconnection without permission when the fishing vessel is operating at sea;
b) Install the monitoring equipment at a fixed location in a part attached to the fishing vessel’s hull. There must be manual (the manual shall contain at least: 24/24 telephone number, contact address of the supplier); the equipment shall be protected by fixing container seal on the vessel upon installation or after repair;
c) Promptly tackle equipment technical issues and provide information related to the equipment; cooperate in handling violations at the request of the competent authority; handle loss of signal of its monitoring equipment; send monitoring data that has not yet been submitted to the monitoring data center affiliated to the fishery authority under the Ministry of Agriculture and Rural Development enclosed with a written certification in case of force majeure events;
d) Submit quarterly, biannual, annual or ad hoc reports on results to the fishery authority under the Ministry of Agriculture and Rural Development, Departments of Agriculture and Rural Development in provinces and central-affiliated cities where fishing vessels are registered according to Form No. 01B.KT Appendix IV enclosed with this Decree upon request;
dd) Before supplying the fishing vessel monitoring equipment, notify in writing the fishery authority under the Ministry of Agriculture and Rural Development for consolidation and public disclosure on its web portal;
e) Ensure transmission of data from the equipment to the monitoring data center affiliated to the fishery authority under the Ministry of Agriculture and Rural Development;
g) Assume responsibility in case the data cannot be transmitted from the equipment to the monitoring data center due to technical errors.
6. Data security:
a) Data stored in server of the monitoring equipment supplier should not be deleted or changed during the storage period;
b) Data transmitted between the monitoring equipment and the server of the monitoring equipment supplier must be encoded to ensure information security during the transmission; when being transmitted to other specialized agencies, monitoring data must be encoded according to regulations;
c) Monitoring data shall be stored for at least 36 months; data storage and processing servers of the monitoring equipment supplier shall be located in Vietnam;
d) The monitoring equipment supplier shall be responsible for keeping data confidential and providing data in an accurate manner; only provide monitoring data upon request of fishery authorities when obtaining approval from the fishery authority under the Ministry of Agriculture and Rural Development.
7. Management, installation, dismantlement and replacement of monitoring equipment
a) The provincial fishery authority shall establish and issue procedures for installation, dismantlement and replacement of fishing vessel monitoring equipment and manage such installation, dismantlement and replacement,
b) Upon installation, dismantlement and replacement of monitoring equipment, the vessel owner shall notify the local fishery authority according to Form No. 01.KT Appendix IV enclosed with this Decree to serve inspection and verification according to regulations and request the supplier to update such installation, dismantlement and replacement to the database. If the monitoring equipment is damaged, before the equipment is dismantled, the provincial fishery authority shall be notified to make a record of equipment status prior to dismantlement and replacement.
c) Upon installation of the monitoring equipment, it shall be protected by fixing container seal according to the specimen of lead notified by the fishery authority under the Ministry of Agriculture and Rural Development; each container seal used for each equipment shall have an independent container seal number and the container seal number shall include abbreviated name of the supplier and order number of the container seal. After installing the monitoring equipment, the equipment supplier shall notify the fishery authority under the Ministry of Agriculture and Rural Development and the provincial fishery authority to inspect the installation of the equipment and update it to the monitoring database.”
21. Point b Clause 1, Clause 4, point b Clause 5 shall be amended and Clause 6 shall be added to Article 45 as follows:
a) Point b Clause 1 Article 45 shall be amended as follows:
“b) Photocopy of the fishing vessel safety certificate if the fishing vessel is required to be registered;"
b) Clause 4 Article 45 shall be amended as follows:
“4. The validity period of the initial fishing license shall not exceed the remaining period of the fishing quota.”
c) Point b Clause 5 Article 45 shall be amended as follows:
“b) When it is found that one of the violations specified in Clause 5 Article 50 of the Law on Fisheries is committed, the competent authority shall issue a decision on revocation of the fishing license and publish a notification thereof on the mass media.
d) Clause 6 shall be added to Article 45 as follows:
“6. A fishing vessel may have 01 secondary vocation, except for trawling and fishing logistics. A fishing logistics vessel must not have any other vocation.”
22. Article 45a shall be added after Article 45 as follows:
“Article 45a. Supervisors on Vietnamese fishing vessels operating within Vietnam’s waters
1. A supervisor on a Vietnamese fishing vessel shall satisfy the following conditions:
a) Being a Vietnamese citizen;
b) Attaining fitness and possessing skills to work on the fishing vessel for a long term at sea;
c) Completing refresher training or training courses in supervision of fishing activities.
2. Rights and responsibilities of the supervisor:
a) Be enabled to work, eat and rest during working period;
b) Be provided with travel expenses, per diem, salary, allowances, insurance and other benefits and expenses according to applicable regulations in case he/she is appointed by the state agency; be paid for expenses according to the contract in case he/she is hired to perform supervision task on the fishing vessel;
c) Access and use facilities and equipment of the vessel which are necessary to perform tasks;
d) Access dossiers of the fishing vessel, including registration certificate of fishing vessel, fishing vessel safety certificate, fishing license, directory book of fishing vessels' crew members, fishing logbook and relevant documents;
dd) Access marine equipment, nautical charts, radios, echo sounders, fishfinders, radar, communication equipment and other equipment; approach the deck during the period on which fishing gears are dropped and packed up and access aquatic specimens for collection and sampling;
e) Be supplied with medical and sanitary equipment; food and accommodation that meet standards applied to crew members working on the fishing vessel;
g) Attend refresher training and training courses in supervision tasks performed by supervisors on the fishing vessel;
h) Carry out tasks under the contract or as assigned by the state agency;
i) Follow code of conduct and comply with regulations on security of information related to activities of the fishing vessel, crew members, vessel owner and collected data and information;
k) Ensure independence, objectivity and fairness upon performance of supervisions tasks on the fishing vessel;
k) Regularly discuss relevant issues and tasks with the captain.
3. Rights of the vessel owner and captain
a) Be notified at least 07 days in advance of the allocation of supervisors work on the fishing vessel for the upcoming trip in case these supervisors are appointed by the state agency; be informed about the rights and obligations to implementation of the supervisory program on the fishing vessel;
b) Request supervisors to comply with general rules and regulations of law;
c) The captain may consider and comment about reports submitted by supervisors and has the right to provide additional opinions and information on such reports.
4. Responsibilities of the vessel owner and captain
a) Receive, allocate working, eating and resting places to and enable supervisors appointed by the state agency to work on the fishing vessel according to the Plan to carry out the supervisory program approved by the Ministry of Agriculture and Rural Development; notify in writing the local fishery authority of assignment of supervisors on the fishing vessel before signature of contracts with supervisors for monitoring and manage;
b) Assign a crew member to accompany the supervisor when he/she performs tasks in dangerous areas;
c) Inform sailors about the time supervisors are on board and disseminate their rights and responsibilities when these supervisors perform their tasks on the fishing vessel;
d) Assist supervisors in embarking and disembarking safely at the notified or agreed location and time;
dd) Notify supervisors for at least fifteen minutes before casting and hauling in the net;
e) Allow and assist supervisors to access full dossiers of the fishing vessel, including registration certificate of fishing vessel, fishing vessel safety certificate, fishing license, directory book of fishing vessels' crew members and fishing logbook in order to conduct inspection and record information about the fishing vessel and trip;
g) Allow supervisors to access fishing space and products, marine equipment, nautical charts, communication and information equipment and other fishing equipment in order to enable these supervisors to collect science data, samples and record other relevant information;
h) Do not threaten, bribe supervisors or interfere in their activities that affect performance of supervision tasks by these supervisors;
i) Give funding under contracts signed with supervisors or pay some expenses for implementation of the supervisory Program approved by the Ministry of Agriculture and Rural Development.
5. The Ministry of Agriculture and Rural Development shall develop a program framework and provide training and refresher training for supervisors; develop and organize implementation of the supervisory program on an annual basis or by each period according to regulatory requirements or requirements imposed by the import market. The Program shall contain the basic contents, including objectives, implementation contents (fishery industry to be supervised, trip number, supervision areas), products delivered and implementation funding.”
23. Article 46 shall be amended as follows:
“Article 46. Eligibility requirements to be satisfied by fishing vessel operating outside Vietnam’s waters
1. Point b Clause 1 Article 53 of the Law on Fisheries is elaborated as follows:
a) The fishing vessel with a maximum length of at least 15 meters shall be fitted with a monitoring equipment capable of automatically transmitting information through the satellite communications system and must not violate illegal fishing regulations;
b) The fishing vessel must be fitted with marine communications equipment, including VHF radio transmitters and receivers maintaining a continuous DSC watch on Channel 70 or 16; MF/HF radio transmitters and receivers; NAVTEX receiver and emergency position-indicating radio beacons (EPIRB).
2. Point d Clause 1 Article 53 of the Law on Fisheries is elaborated as follows:
a) It must be assigned an IMO number according to regulations in case the fishing vessel operates in waters under the management of the regional fishery organization or waters of another country or territory upon request;
b) There must be observers in accordance with regulations of the regional fisheries management organization or coastal countries.
c) Crew members and fishers working on board a fishing vessel must obtain a certificate of completion of a course on fisheries management within international waters issued by the fishery authority under the Ministry of Agriculture and Rural Development if the fishing license is issued for the purpose of conducting fishing activities within waters under the jurisdiction of the regional fisheries management organization.”
24. Clause 4 Article 48 shall be amended as follows:
“4.Procedures:
a) The applicant for issuance, re-issuance and renewal of license for fishing operations of foreign ships in the Vietnam waters shall submit an application to the fishery authority affiliated to the Ministry of Agriculture and Rural Development;
b) After receiving the satisfactory application, the fishery authority affiliated to the Ministry of Agriculture and Rural Development shall submit a list of crew members and fishers working on board a fishing vessel to the Ministry of Agriculture and Rural Development, which will collect opinions thereon from the Ministry of Public Security and the Ministry of National Defense. Within 10 working days from the date of receipt of the written request for opinions, the Ministry of Public Security and the Ministry of National Defense shall reply in writing. Within 05 working days from the date of receipt of opinions from the Ministry of Public Security and the Ministry of National Defense, the fishery authority affiliated to the Ministry of Agriculture and Rural Development shall consider issuing or re-issuing the license for fishing operations of foreign ships in the Vietnam waters according to Form No. 15.KT Appendix IV enclosed with this Decree;
c) Within 05 working days from the date of receipt of the satisfactory application, the fishery authority affiliated to the Ministry of Agriculture and Rural Development shall issue the renewed license for fishing operations of foreign ships in the Vietnam waters according to the Form No. 16.KT in the Appendix IV hereof;
d) After issuing, re-issuing and renewing the license for fishing operations of foreign ships in the Vietnam sea, the Ministry of Agriculture and Rural Development shall notify the People's Committee of province where there are foreign ships that operate in the Vietnam waters and the Ministry of Public Security, the Ministry of National Defense and the Ministry of Foreign Affairs for cooperation in monitoring and management;
dd) In case of rejection of the application, a response and explanation shall be provided in writing.”
25. Article 49 shall be amended as follows:
“Article 49. Regulations applied to foreign fishing vessels entering or leaving fishing ports or anchored within fishing port water areas
1. When entering, leaving or anchored within Vietnam’s fishing port water areas, foreign vessels must fly Vietnamese flag on top of the highest mast of the vessel and fly flag of the country where the vessel is registered on the lower mast.
2. Declaration shall be made and foreign fishing vessels entering or leaving fishing ports or anchored within fishing port water areas shall be subject to inspection and control by competent authorities according to regulations of law.”
26. Clause 3 Article 51, Clause 3 Article 52, Clause 3 Article 53 shall be amended as follows:
“3. The quality management system shall be established and applied; there must be technical procedures according to national technical regulation on classification and construction of fishing vessels
27. Clause 3 Article 54 shall be amended as follows:
“3. Procedures for inspection of maintenance of fulfillment of eligibility requirements for building and modifying fishing vessels, issuance or re-issuance of certificates of eligibility for building and modifying fishing vessels:
a) The applicant shall submit an application to the fishery authority of province where the fishing vessel building and modification facility is located;
b) Within 07 days from the receipt of the satisfactory application, the provincial fishery authority shall inspect and assess the fulfillment of eligibility requirements by the facility according to Form No. 03A.TC Appendix V enclosed with this Decree; If the facility fails to satisfy all eligibility requirements, the facility shall take corrective actions. After taking corrective actions, the facility shall notify the provincial fishery authority in writing to inspect the correction (if necessary);
c) If the application is satisfactory and the facility satisfies all eligibility requirements, within 03 working days from the end of the inspection/assessment, the provincial fishery authority shall issue the certificate of eligibility for building and modifying fishing vessels according to the Form No. 04.TC in the Appendix V hereof; in case of rejection of the application, a response and explanation shall be provided in writing;
d) The duration for inspection of maintenance of eligibility for building and modifying fishing vessels is 12 months. In case the facility has been issued with the certificate of conformity by the conformity assessment organization according to regulations of law, its maintenance of fulfillment of eligibility requirements shall be inspected within 24 months. The provincial fishery authority shall notify the facility of the time for inspection of maintenance of eligibility requirements at least 05 days in advance; the inspection of maintenance of fulfillment of eligibility requirements shall follow contents specified in Form No. 03A.TC Appendix V enclosed with this Decree. After 05 working days from the end of inspection, the inspecting authority shall notify the inspected facility of inspection results and duration for maintenance of eligibility requirements.”
28. Article 54a shall be added after Article 54 as follows:
Article 54a. Institutions providing training and refresher training for crew members working on fishing vessels
1. Requirements to be satisfied by an institution providing training and refresher training for crew members working on a fishing vessel
a) It must be an institution having training and refresher training functions and established according to regulations of law;
b) There must be facilities, equipment and lecturers that meet requirements specified in Appendix XII enclosed with this Decree;
c) There must be training and refresher training programs and textbooks according to regulations; the institution must establish and maintain the application of a quality management system according to ISO 9001 or equivalent.
2. Rights and obligations of the institution:
a) Collect fees for training and refresher training according to regulations;
b) Send a written notification according to Form No. 04A.TC enclosed with this Decree to the fishery authority affiliated to the Ministry of Agriculture and Rural Development for at least 30 days before the institution provides training and refresher training for crew members;
c) Ensure that facilities, equipment and lecturers meet requirements according to regulations;
d) Give training and refresher training for crew members according the program framework issued by the Ministry of Agriculture and Rural Development.”
29. Article 56 shall be amended as follows:
“Article 56. Eligibility requirements to be satisfied by a fishing vessel registry
1. Regarding Class I fishing vessel registry:
a) The registry shall be established by the competent authority (in case of a public registry) or established in accordance with regulations of the Law on Enterprises and Law on Cooperatives; the fishing vessel registry must be legally and financially independent of the organizations and individuals trading, building, modifying and designing fishing vessels;
b) The registry must have necessary infrastructure and equipment: data storage and input equipment, equipment connected to the Internet and transmitting data to relevant authorities involved in fishing vessel registration, tools and equipment serving technical inspection according to the Appendix VII hereof;
c) The registry shall sign fixed-term labor contracts of at least 12 months or indefinite contracts according to regulations of law with registrars obtaining at least a bachelor’s degree in ship hull engineering, marine engineering, electric engineering, fishing, heat and refrigeration engineering or fisheries product processing; during the period of execution of contracts with the registry, the registrars must not sign fixed-term labor contracts of at least 3 months with other employers; there must be at least 01 Class I registrar and 02 Class II registrars;
d) The registry must establish and maintain the application of a quality management system according to ISO 9001 or equivalent.
2. Regarding Class II fishing vessel registry:
a) The registry must satisfy the eligibility requirements specified in Points a, b and d Clause 1 of this Article;
b) The registry shall sign fixed-term labor contracts of at least 12 months or indefinite contracts according to regulations of law with registrars obtaining at least a bachelor’s degree in ship hull engineering, marine engineering, electric engineering, fishing, heat and refrigeration engineering or fisheries product processing; during the period of execution of contracts with the registry, the registrars must not sign fixed-term labor contracts of at least 3 months with other employers; there must be at least 02 Class II registrars.
3. Regarding Class III fishing vessel registry:
a) The registry must satisfy the eligibility requirements specified in Points a and b Clause 1 of this Article;
b) The registry shall sign fixed-term labor contracts of at least 12 months or indefinite contracts according to regulations of law with registrars obtaining at least a level 5 of VQF Advanced Diploma in ship hull engineering, marine engineering and fishing; during the period of execution of contracts with the registry, the registrars must not sign fixed-term labor contracts of at least 3 months with other employers; there must be at least 01 Class II registrar;
c) The registry must establish and maintain the application of a quality management system according to ISO 9001 or equivalent; or establish procedures for technical inspection and supervision of fishing vessels in accordance with national technical regulations on classification and construction of fishing vessels.”
30. Clauses 2 and 3 shall be amended and Clause 4, Clause 5 shall be added to Article 57 as follows:
“2. The applicant shall submit an application to the provincial fishery authority.
3. Within 03 working days from the receipt of the satisfactory application, according to quota on issuance of the fishing license and specific criteria laid down by the province, the provincial fishery authority shall appraise the application and consider granting approval according to the Form No. 06.TC in the Appendix V hereof. In case of rejection of the application, a response and explanation shall be provided in writing.
4. If the approval for purchase of fishing vessels from another province or central- affiliated city is granted, there must be a written notification of quota conversion for the license for fishing in offshore zone given by the Department of Agriculture and Rural Development of province where the organization/individual selling fishing vessels is located and in accordance with specific criteria laid down by the province.
5. Within 30 days from the date of completion of documents on sale, purchase, charter of bareboat, import, donation, inheritance, and wining auction of fishing vessel, the organization/individual shall follow procedures for granting registration at the competent registry according to regulations.”
31. Clause 2 and point b Clause 3 Article 58 shall be amended as follows:
“2. Documents mentioned in Points b, c, d and dd Clause 1 of this Article must be translated into Vietnamese language. Documents specified in point d Clause 1 of this Article must be consularly legalized as prescribed by law.”
“b) Within 15 days from the date of receipt of the satisfactory application, the fishery authority under the Ministry of Agriculture and Rural Development shall make inspection and comparison with the applicable IUU vessel lists published by FAO (Food and Agriculture Organization of the United Nations) and regional fisheries management organizations, compare the vessel registration certificate and the ensign to verify the origin of the fishing vessel (for used vessels), inspect the list of previous flag countries, name of the vessel, zones and the species of fish caught in the last two years (a copy of relevant fishing license is enclosed) and confirmation of the previous flag country that the vessel registration was not cancelled due to previous illegal fishing, and then consider issuing the license to the applicant according to the Form No. 08.TC in the Appendix V hereof. In case of rejection of the application, a response and explanation shall be provided in writing;
32. Article 61 shall be amended as follows:
“Article 61. Contents and procedures for opening and closing fishing ports, and designating fishing ports
1. An application for opening of a fishing port:
a) An application form (Form No. 09.TC in the Appendix V hereof);
b) Document on establishment of fishing port management organization;
c) Document showing the rights to use land and water areas of the port;
d) Record of commissioning and putting the fishing port into use (applicable to fishing ports that have been completely built after the effective date of this Decree);
dd) Notice about channel of the port and water areas in front of the wharf (except for class III fishing port).
2. Procedures for opening a fishing port:
a) The fishing port management organization shall submit an application specified in Clause 1 of this Article to the competent authority specified in Clause 3 Article 79 of the Law on Fisheries;
b) Within 06 days from the receipt of the satisfactory application, the competent authority shall consider the application, carry out a site survey of the fishing port (if necessary) and decide to open the fishing port according to the Form No. 10.TC in the Appendix V hereof when all conditions are satisfied according to regulations. In case of rejection of the application, a response and explanation shall be provided in writing;
c) Within 02 days from the date of issuing the decision on opening of the fishing port, the competent authority shall publish it on the mass media.
3. Closing of a fishing port:
a) The authority competent to close a fishing port is the authority competent to open the fishing port. This authority shall issue a decision on closing of the fishing port in one of the cases specified in Clause 2 Article 79 of the Law on Fisheries, and revoke the issued decision on opening of the fishing port;
b) The decision on closing of fishing port shall be made using the Form No. 11.TC in the Appendix V hereof.
4. Designated fishing port which offshore fishing vessels enter:
a) A designated fishing port which offshore fishing vessels enter shall meet the following requirements: it has been opened as prescribed; the depth of the channel to the port and water areas in front of the wharf shall be such that fishing vessels may enter the port; there must be forces in charge of control of fishing vessels entering and leaving the port and supervision of production of aquatic species handled through the port and IUU vessels
b) Departments of Agriculture and Rural Development of provinces and central- affiliated cities shall carry out site surveys of fishing ports (if necessary), propose designated fishing ports which offshore fishing vessels enter according to Form No. 11A.TC Appendix V enclosed with this Decree and send reports to the fishery authority affiliated to the Ministry of Agriculture and Rural Development for consolidation and submission to the Ministry of Agriculture and Rural Development which publishes designated fishing ports The list of designated fishing ports which offshore fishing vessels enter shall be published on the website of the fishery authority affiliated to the Ministry of Agriculture and Rural Development.
5. Fishing ports designated to trace fishery raw materials:
a) A fishing port designated to trace fishery raw materials shall meet the following requirements: it has been opened as prescribed; there must be forces (at least 02 persons qualified for fishery and fishery database access computer systems) in charge of control of fishing vessels entering and leaving the port and supervision of production of aquatic species handled through the port and IUU vessels; if the designated fishing port violates regulations on tracing fishery raw materials or no longer meets the aforesaid requirements, it will be removed from the list of designated fishing ports;
b) Departments of Agriculture and Rural Development of provinces and central- affiliated cities shall carry out site surveys of fishing ports (if necessary), propose fishing ports eligible to trace fishery raw materials and send reports to the fishery authority affiliated to the Ministry of Agriculture and Rural Development for consolidation and submission to the Ministry of Agriculture and Rural Development which publishes eligible fishing ports. The list of fishing ports eligible to trace fishery raw materials shall be published on the website of the fishery authority affiliated to the Ministry of Agriculture and Rural Development.
6. Designated fishing port which foreign fishing vessels enter:
a) A designated fishing port which foreign fishing vessels enter shall meet the following requirements: it has been opened as prescribed; the depth of the channel and water areas in front of the wharf shall be such that foreign fishing vessels may enter the port; it is built in a location favorable for control of entry, exit, import and export of aquatic species by competent authorities;
b) Departments of Agriculture and Rural Development of provinces and central- affiliated cities shall carry out site surveys of designated fishing ports which foreign fishing vessels enter (if necessary) according to Form No. 11B.TC Appendix V enclosed with this Decree and send reports to the fishery authority affiliated to the Ministry of Agriculture and Rural Development for consolidation and submission to the Ministry of Agriculture and Rural Development which publishes designated fishing ports. The list of designated fishing ports which foreign fishing vessels enter shall be published on the website of the fishery authority affiliated to the Ministry of Agriculture and Rural Development and sent to relevant organizations and individuals for management and monitoring.
7. Departments of Agriculture and Rural Development of provinces and central- affiliated cities shall be responsible for management, direction, inspection and provision of guidance for organizations managing fishing ports within their provinces and cities on professional expertise, supervision of fishing vessels, production of aquatic species and quantity of goods handled through ports; inspection and handling of administrative violations in fishing ports according to regulations of law; provision of guidelines for organizations managing fishing ports for collection and receipt of fishing logbooks and reports and updation of fishing logbook data on the national database on fishing vessels according to regulations.”
33. Article 66 shall be amended as follows:
“Article 66. Purchasing, selling, storing, pre-processing, processing and transporting aquatic species and products thereof included in the List of endangered, precious and rare aquatic species
1. Organizations and individuals involved in re-processing and processing of endangered, precious and rare aquatic species must satisfy the following requirements:
a) Specimens of endangered, precious and rare aquatic species must be of legal origin as prescribed by law;
b) A record on pre-processing and processing of endangered, precious and rare aquatic species and products thereof must be made in order to serve inspection and management of endangered, precious and rare aquatic species at the request of the competent authority;
c) Finished products sold on the market must be labeled in accordance with regulations of law on goods labeling;
d) Regulations in Article 96 and Article 97 of the Law on Fisheries are satisfied.
2. Aquatic species and products thereof included in the List of endangered, precious and rare aquatic species will be purchased, sold, stored and transported when regulations in points a,c and d Clause 1 of this Article are satisfied.”
34. Article 70 shall be amended as follows:
“Article 70. Supervision of foreign fishing vessels, vessels carrying and transferring aquatic species and products thereof entering Vietnam's ports
1. Authority to publish or remove ports from the list of designated ports:
a) The Ministry of Agriculture and Rural Development shall take charge and cooperate with the Ministry of Transport in designating and publishing a list of ports that allow the entry of foreign fishing vessels, vessels carrying and transferring aquatic species and products thereof originating from catches for the purposes of import, temporary import, re-export and transit thereof through Vietnam and send a list of designated fishing ports to the Food and Agriculture Organization of the United Nations (FAO).
b) The Ministry of Agriculture and Rural Development shall take charge and cooperate with the Ministry of Transport in removing ports from the list of designated ports that allow the entry of foreign fishing vessels, vessels carrying and transferring aquatic species and products thereof originating from catches for the purposes of import, temporary import, re-export and transit thereof through Vietnam in case where these ports fail to meet liability requirements applied to designated ports according to regulations of The Agreement on Port State Measures (to prevent, deter and eliminate illegal, unreported and unregulated fishing under the provisions of the Food and Agriculture Organization of the United Nations (FAO).
2. Vessels subject to control:
Fishing logistic vessels that provide human resources, fuel, fishing gears and other equipment at the waters of foreign countries and enter ports for the use of services; foreign fishing vessels, vessels carrying and transferring aquatic species and products thereof originating from catches that enter ports for the purposes of import, temporary import, re-export and transit thereof through Vietnam.
3. Giving notification before a vessel's entry into a port:
Any organization or individual that has a foreign vessel specified in Clause 2 Article 70 shall send a notification to a competent authority of the Ministry of Agriculture and Rural Development according to the Form No. 17.KT in the Appendix IV hereof, enclosed with photocopies of documents specified in point b Clause 5 in person, by post or online (national single-window system, online public service, e-software, email, fax) in English or Vietnamese language (original documents that are not written in English must be translated into English and the English translations must be notarized or authenticated according to regulations) 72 hours prior to its entry into a port.
4. Conducting inspections to decide to allow or refuse the vessel’s entry into the port:
Within 72 hours from the receipt of the notification, the competent authority of the Ministry of Agriculture and Rural Development shall inspect and verify information on whether the vessel is included in the list of IUU vessels or fishery products of the fishing vessel and aquatic species and products thereof on board are included in CITES and decide to:
a) allow the vessel to enter the port and notify the vessel owner or his/her legal representative, the Maritime Administration according to Form No. 17A.KT Appendix IV enclosed with this Decree if it does not engage in unreported, unregulated, illegal fishing or support illegal fishing;
b) refuse the entry of the vessel and notify competent authorities at the port, and send notification to the flag State, neighboring coastal states, regional fisheries management organizations and relevant organizations in one of the following cases:
The vessel is included in the lists of illegal fishing vessels published by neighboring coastal states, regional fisheries management organizations and relevant international organizations;
There are requests from neighboring coastal states, regional fisheries management organizations and relevant international organizations.
5. On-site inspection on board upon its entry into the port:
a) Inspection principles: Ensure equality and transparency, ensure no discrimination and do not cause any trouble during the inspection; do not affect quality of fishery products on board. Inspectors must be qualified and expert in law on fisheries and do not interfere in exchange of information between the captain and competent authorities of the flag state according to international laws; if necessary, a representative of the flag state and international experts may be invited to join the inspection;
b) Documents to be presented to the inspecting authority: registration certificate of fishing vessel; fishing license; transfer license, reports on transfer and information on the vessel engaged in the transfer (fishing license; transfer license; registration certification, declaration provided by the captain); vessel's hold diagram; copy of license for import of aquatic species originating from catches and included in CITES (in case where there is any aquatic species included in CITES); other documents related to the information specified in Form No. 17.KT Appendix IV enclosed with this Decree.
6. Contents of on-site inspection upon the vessel’s entry into the port:
a) Inspecting the accuracy of information declared in Form No. 17.KT Appendix IV enclosed with this Decree in comparison to documents stored on the vessel;
b) Inspecting volume and components of aquatic species and products thereof, fishing gears and relevant equipment on board in comparison to those declared in Form No. 17.KT Appendix IV enclosed with this Decree;
c) Comparing the declared volume and actual volume of goods loaded/unloaded at the port to finalize the record according Form No. 18.KT Appendix IV enclosed with this Decree
7. Procedures for on-site inspection upon the vessel’s entry into the port:
a) The inspector shall present his/her inspector card to the captain;
b) Carry out the inspection according to clause 6 of this Article and information specified in the Form No.17.KT in the Appendix IV hereof;
c) The captain shall provide the declared information and present documents specified in point b Clause 5 of this Article and those related to the contents of inspection and the declared information before the vessel enters the port;
d) Make inspection record according to Form No. 18.KT under Appendix IV attached to this Decree;
dd) Notify and process inspection results according to regulations in clause 8 of this Article.
8. Notification and processing of on-site inspection results upon the vessel’s entry into the port:
a) The competent authority of the Ministry of Agriculture and Rural Development shall refuse the unloading of aquatic species and products thereof into the port and request another competent authority to compel the vessel to leave Vietnam’s territory (except for force majeure due to humanitarian factors) and request (according to Form No. 17A.KT Appendix IV) this authority to refuse to provide services at the port, and at the same time notify inspection results and measures against violations to the flag state, the coastal state, the regional fisheries management organization, FAO, relevant international organizations and state of which the captain of such fishing vessel is the citizen if one of the following cases occurs:
Imported aquatic species and products thereof are caught by the vessel without the license or with the invalid license according to regulations of the flag state or the competent coastal state;
Imported aquatic species and products thereof are carried or transferred by the vessel without the license or with the invalid license according to regulations of the flag state or the competent coastal state;
Imported aquatic species and products thereof are caught by the vessel without the license or with the invalid license within the water area under the jurisdiction of the regional fisheries management organization;
Imported aquatic species and products thereof are carried or transferred by the vessel without the license or with the invalid license within the water area under the jurisdiction of the regional fisheries management organization;
There are evidences that imported aquatic species and products thereof are caught in excess of the quota granted by the competent coastal state or the regional fisheries management organization;
There are evidences that imported aquatic species and products thereof on board are caught against regulations of the competent coastal state or those on management and preservation measures within the water area under the jurisdiction of the regional fisheries management organization or evidences that the vessel engages in illegal fishing or supports illegal fishing according to regulations in Article 60 of the Law on Fisheries;
Imported aquatic species and products thereof are caught by the vessel included in the list of IUU vessels published by the flag state or the competent coastal state or the regional fisheries management organization.
b) The inspection record according to Form No. 18.KT Appendix IV enclosed with this Decree is made into 02 copies, each of which is kept by the captain and the inspecting authority.
c) The competent authority under the Ministry of Agriculture and Rural Development shall:
Withdraw the decision to refuse the uploading of aquatic species and products thereof into the port or the request for refusal to provide services at the port by the Maritime Administration when there are evidences that the findings mentioned in point a of this Clause are based on insufficient or inaccurate grounds or these grounds are no longer applied.
Notify the vessel owner or the legal representative of the vessel, management authorities at the port, the flag state, the coastal state, the regional fisheries management organization, FAO, relevant international organizations and state of which the captain of such fishing vessel is the citizen of this withdrawal.
9. After custom clearance is granted, in case of receipt of the notification of aquatic species and products thereof caught against IUU Regulation from the flag state, the coastal state, the regional fisheries management organization, FAO, relevant international organizations, the competent authority shall handle administrative violations against regulations on fisheries as per the law.
10. Standards to be satisfied by and rights of an inspector:
a) Standards:
The inspector must be an official or public employee working at the competent authority affiliated to the Ministry of Agriculture and Rural Development and assigned to control the foreign fishing vessel, vessel carrying and transferring aquatic species and products thereof entering Vietnam's port; he/she must be qualified and expert in law on fisheries and regulations of the Agreement on Port State Measures and possess inspection skills upon request.
b) Rights of the inspector:
Request the captain, crew members, the goods owner and the ship agent to provide documents according to regulations;
Collect documents and evidences related to the vessel, aquatic species and products thereof on board to serve the inspection;
Board the vessel and inspect its areas related to information to be inspected; access the vessel monitoring system and the automatic identification system of the vessel (if any), fishing gears, hold diagram and other relevant equipment on board;
Attend refresher training and training courses on inspection according to the Agreement on Port State Measures;
Exchange information with presiding agencies of the flag state and other states, the regional fisheries management organization and relevant international organizations in order to verify information about the vessel, aquatic species and products thereof on board;
Request the national presiding agency to invite the representative of the flag state and international experts to join the inspection if necessary; propose establishment of an Interdisciplinary inspectorate or hiring of interpreters (if necessary);
Make request for suspension of loading/uploading or require port management authorities to stop providing services at the port.
11. The inspector shall be responsible for conducting inspection on the principles specified in point a Clause 5 of this Article.”
35. Article 70a shall be added to Article 70 as follows:
70a. Control of imported aquatic species and products thereof processed from catches and transported by container vessels to Vietnam
1. 48 hours before the shipment arrives at the port, an organization/individual importing aquatic species and products thereof originating from catches into Vietnam and transporting them by a container vessel shall make declaration and send an application to the competent authority of the Ministry of Agriculture and Rural Development to carry out appraisal, verify that the origin of imported fishery raw materials does not violate IUU Regulation and serve inspection in person, by post or online (national single-window system, online public service, e-software, email, fax). The application includes:
a) Information on the shipment according to Form No. 17B.KT under Appendix IV attached to this Decree;
b) A copy of bill of lading with regard to imported aquatic species and products thereof originating from catches;
c) Certificate of origin of aquatic species processed from catches issued by a competent authority of the exporting country of to the shipment or Document confirming or certifying that aquatic species originate from catches issued by a competent authority of the exporting country of to the shipment
d) If the certificate or document specified in point c of this Clause is not available, a copy of the fishing license of the vessel is required. Regarding shipments of Xiphias gladius and species subject to inspection under annual plans to inspect and control aquatic species and products thereof originating from catches that are imported, temporarily imported, re-exported and transited through Vietnam by container vessels issued by the Ministry of Agriculture and Rural Development, a copy of the fishing license and the Captain’s statement of the fishing vessel are required. The Captain’s statement shall contain pieces of information about the fishing vessel of aquatic species and products thereof imported into Vietnam, including: name, registration number (IMO/international call sign/hull markings/registration number of RFMO (if any), the flag state, number of the fishing license, type of fishing gears, fishing time and location; date and time of first arrival and confirmation that aquatic species are caught according to applicable regulations and management and preservation measures. The Captain’s statement shall bear signature of the captain of the fishing vessel.
2. The competent authority under the Ministry of Agriculture and Rural Development shall:
a) Consolidate information provided by the organization/individual to serve inspection after import and related to IUU Regulation as per law with regard to container vessels carrying imported aquatic species and products thereof that are not subject to inspection under annual plans to inspect and control aquatic species and products thereof originating from catches that are imported, temporarily imported, re-exported and transited through Vietnam by container vessels issued by the Ministry of Agriculture and Rural Development;
b) Appraise every application certifying that the origin of imported aquatic species and products thereof does not violate Illegal Fishing Regulation with regard to each shipment of Xiphias gladius and species subject to inspection under annual plans to inspect and control aquatic species and products thereof originating from catches that are imported, temporarily imported, re-exported and transited through Vietnam by container vessels issued by the Ministry of Agriculture and Rural Development; Contents to be appraised include inspection of validity and legality of the information and application sent by the goods owner according to regulations in clause 1 of this Article; inspection and comparison with the fishing quota of each country, fishing region and species allowed to be caught according to regulations.
If the information and application are satisfactory, the competent authority of the Ministry of Agriculture and Rural Development shall send a notification to the goods owner within 48 hours from the time of receipt of the satisfactory application and the customs authority at the checkpoint for cooperation in completion of import clearance procedures according to Form No. 17C.KT Appendix IV enclosed with this Decree;
If it is suspected that imported aquatic species are caught and transferred against IUU Regulation according to the declared information and application upon import, the competent authority under Ministry of Agriculture and Rural Development shall notify the goods owner and appoint inspectors meeting standards specified in clause 10 Article 10 to cooperate with the customs authority at the checkpoint to conduct on-site inspection of fishery products on board the container vessel and complete the inspection record according to Form No. 17D.KT Appendix IV enclosed with this Decree. In case where species components cannot be determined, the sampling shall be conducted to serve inspection:
Handle inspection results:
According to inspection results, in case it is detected that imported aquatic species and products thereof are caught by the vessel included in the list of IUU vessels published by the flag state or the competent coastal state or the regional fisheries management organization; or caught or transferred by the vessel without the license or with the invalid license according to regulations of the flag state or the competent coastal state; or caught or transferred by the vessel without the license or with the invalid license within the water area of the regional fisheries management organization; or there are evidences that aquatic species and products thereof are caught in excess of the quota granted by the competent coastal state or the regional fisheries management organization or caught against regulations of the competent coastal state or regulations on management and preservation measures within the water area under the jurisdiction of the regional fisheries management organization or the vessel engages in illegal fishing or supports illegal fishing according to regulations in Article 60 of the Law on Fisheries, the competent authority shall notify the goods owner and the customs authority at the checkpoint to handle the shipment of aquatic species and products thereof in accordance with regulations of law according to Form No. 17C.KT Appendix IV enclosed with this Decree.
In case the inspection results are satisfactory, the competent authority shall notify the goods owner and the customs authority in order to follow procedures for clearance of the imported shipments according to regulations.
3. In case where aquatic species and products thereof transported by the container vessel are caught against IUU Regulation as notified by the flag state or the competent coastal state or regional fisheries management organizations and relevant international organizations:
a) If the shipment has not entered the port, the competent authority under the Ministry of Agriculture and Rural Development shall cooperate with relevant agencies to prevent uploading/loading the shipment;
b) If the shipment has been unloaded at the port and is under customs control, the competent authority under the Ministry of Agriculture and Rural Development shall cooperate with relevant agencies in notifying importers for handling as per law and mandatory re-export of the shipment;
c) If customs clearance has been granted to the shipment, regulations on imposition of administrative penalties in the fishery sector shall be applied.
4. In case where it is suspected that the shipment of aquatic species and products thereof violates IUU Regulation as notified by the flag state or the competent coastal state or regional fisheries management organizations and relevant international organizations or through inspection of the collected information:
a) If the shipment has not entered the port or has entered the port but customs clearance has not been granted to the shipment, the competent authority under the Ministry of Agriculture and Rural Development shall cooperate with relevant agencies to conduct inspection according to regulations in point b clause 2 of this Article. If violations are not found, the inspection results shall be sent to the goods owner to complete clearance procedures. If violations are found, the shipment shall be compulsorily re-exported and handled as per law;
b) If customs clearance has been granted to the shipment, the competent authority under the Ministry of Agriculture and Rural Development shall cooperate with relevant agencies to conduct inspection If violations are found, they shall be handled according to regulations on imposition of administrative penalties in the fishery sector.
5. It is required to handle inspection results after import related to IUU Regulation as per law with regard to container vessels carrying imported aquatic species and products thereof that are not subject to inspection under annual plans to inspect and control aquatic species and products thereof originating from catches that are imported, temporarily imported, re-exported and transited through Vietnam by container vessels issued by the Ministry of Agriculture and Rural Development in accordance with point b clause 2 of this Article. The inspection record shall be made according to Form No. 17D.KT Appendix IV enclosed with this Decree.
6. According to the actual situation, the competent authority under the Ministry of Agriculture and Rural Development shall formulate and implement annual plans to inspect and control aquatic species and products thereof originating from catches that are imported, temporarily imported, re-exported and transited through Vietnam by container vessels.”
36. Article 70b shall be added as follows:
“Article 70b. Responsibilities of relevant agencies and organizations
1. The competent authority under the Ministry of Agriculture and Rural Development shall:
a) Take charge of and cooperate with relevant forces at ports in controlling aquatic species originating from catches;
b) Preside over the development of a cooperative mechanism which serves exchange of information with coastal states on allowable quotas for aquatic species caught for the purpose of import into Vietnam.
c) Organize supervision of classification of tuna species caught, transported and carried by foreign vessels at storage warehouses according to regulations of Article 70 of this Decree; take test samples in case of any suspected signs or upon request; select enterprises for supervision according to practical requirements or in a random manner for management;
d) Take random control measures at import factories in order to ensure that the declared production and types are accurate and consistent with species quotas granted by the coastal state or the regional fisheries management organization.
2. A port operator shall:
a) Provide human resources, working places, means and equipment for competent state agencies to perform tasks according to regulations;
b) Submit a report to the competent authority under the Ministry of Agriculture and Rural Development on the actual production of goods loaded and unloaded at the port enclosed with detailed information on vehicle number, customer name, weighing date, weight of vehicle and goods, empty vehicle weight, goods weight and hold code immediately after loading and unloading.
3. Maritime administrations at ports shall appoint persons to participate in on-site inspections on vessels at the request of the competent authority under the Ministry of Agriculture and Rural Development.
4. Captains, vessel owners, goods owners, and enterprises importing aquatic species and products thereof originating from catches shall comply with regulations on inspection and control, and provide information and documents as required by inspectors and inspectorates according to regulations of law; goods owners shall provide relevant documents to serve control and management by chain.
5. Organizations and individuals shall be responsible for complying with regulations of law when they inspect and control vessels, aquatic species and products thereof originating from catches and entering ports for the purposes of import, temporary import, re-export and transit through Vietnamese territory.
6. An importer shall:
a) Be responsible for reporting to the competent authority of the Ministry of Agriculture and Rural Development on the actual production and components of aquatic species imported after classification in comparison with the declared contents according to Form No. 17.KT, Appendix IV enclosed with this Decree and submitting a copy of the customs declaration granted customs clearance within 60 days from the date of commencement of loading and unloading at the port;
b) Provide documents according to the information declared in Form No. 17B, Appendix IV for the competent authority under the Ministry of Agriculture and Rural Development to carry out inspection according to Clause 2, Article 70a upon request;
c) Not mix imported fishery materials originating from catches with domestic fishery materials originating from catches in the same shipment exported;
d) Enable the competent authority under the Ministry of Agriculture and Rural Development to supervise the classification at the storage warehouse.
7. Departments of Agriculture and Rural Development shall be responsible for cooperating with the competent authority of the Ministry of Agriculture and Rural Development to carry out inspections of foreign vessels entering ports when required.
37. Point c clause 1 shall be amended and points i, k, l, m and n shall be added to Clause 1 Article 71 as follows:
a) Point c Clause 1 Article 71 shall be amended:
“c) Design documents providing technical guidelines in the fishery sector; sets of indicators for monitoring and evaluation of co-management in aquatic resource protection and recovery;”.
b) Points i, k, l, m and n shall be added to Clause 1 Article 71 as follows:
“i) Establish and issue technical procedures for handling fishing vessels that fail to maintain connection with monitoring equipment and fishing vessels that pass beyond the boundary permitted for fishing at the sea;
k) Give public fishing logistics services, manage, operate and renovate fishing ports and storm shelters for fishing vessels according to the Government’s regulations on commissioning, ordering and tendering for public goods and services funded by the state budget's regular expenditures
l) Formulate and implement the supervisory program on every fishing vessel; grant funding to carry out this program; establish a database on supervisors working on board fishing vessels and their documents; promote international cooperation and exchange of supervisors, and share data on supervisors according to regulations of law;
m) Take charge and cooperate with the Ministry of Finance in adopting measures for control of origin of aquatic species and products thereof imported into Vietnam; inspect enterprises engaged in import of aquatic species and products thereof into Vietnam;
n) Preside over and cooperate with relevant agencies in formulating the plan to inspect and control aquatic species and products thereof originating from catches that are imported, temporarily imported, re-exported and transited through Vietnam by container vessels in accordance with international standards in each period; promulgate procedures for inspecting and controlling such aquatic species and products thereof (if necessary or as required by international organizations); develop software to receive information provided by organizations/individuals for control and management.”
38. Point b Clause 3 Article 71 shall be amended as follows:
“b) Direct the General Department of Customs not to grant customs clearance to shipments of aquatic species and products thereof originating from illegal fishing; cooperate with the competent authority controlling aquatic species originating from catches and imported into Vietnam under the Ministry of Agriculture and Rural Development to have solutions to control aquatic species originating from catches and imported into Vietnam by container vessels.
Before the 25th of every month, the Ministry of Finance (General Department of Customs) shall provide information and documents on shipments of aquatic species originating from catches and imported into Vietnamese territory for the competent authority controlling aquatic species originating from catches and imported into Vietnam under the Ministry of Agriculture and Rural Development in order to serve monitoring, inspection and control of the origin. The information includes import time; number of customs declaration granted customs clearance; name of importing enterprise; name of exporting enterprise; exporting country, uploading port, loading port, volume of goods, components of species, code of goods and original currency value.”
39. Clause 4 Article 71 shall be amended as follows:
“a) Direct law enforcement officers at sea to inspect and control Vietnamese and foreign fishing vessels entering and leaving ports and operating at sea as prescribed by law.
b) Direct the Border Guard to inspect aquatic species within the sea border and the field under its management according to regulations of law; cooperate with specialized authorities at fishing ports in inspecting fishing vessels and crew members entering and leaving fishing ports and storm shelters as prescribed by law;
c) Direct Coast Guard to handle fishing, aquaculture, purchase and sale, transport, collection and pre-processing of aquatic species and products thereof within their areas, waters and fields according to regulations of law;
d) Direct Navy, Border Guard and Coast Guard to cooperate with and assist Fisheries Resources Surveillance in enforcing laws at sea as prescribed by law;
dd) Cooperate with the Ministry of Agriculture and Rural Development in managing fishing vessels, crew members and people working on board foreign fishing vessels within Vietnam’s waters and Vietnamese fishing vessels operating within waters.”
40. Point c shall be added to Clause 5 Article 71 as follows:
“c) Set up forces in charge of patrolling, controlling and handling violations against regulations on fisheries committed by fishing vessels, crew members and people working on board foreign fishing vessels on waterways, within Vietnam’s waters and other waters as per law;
41. Clause 8 and Clause 9 shall be added to Article 72 as follows:
“8. Promulgate regulations on management of recreational fishing within their provinces.
9. Designate agencies and units to inspect and control fishing vessels at ports after there are decisions to open fishing ports. With regard to fishing ports that were officially opened, within 30 days from the effective date of this Decree, they shall designate agencies and units to inspect and control fishing vessels at ports.”
Article 2. Addition, replacement and annulment of some words, phrases, points, clauses and articles of the Government’s Decree No. 26/2019/ND-CP dated March 08, 2019 on guidelines for implementation of the Law on Fisheries.
1. The phrase “liên doanh” (joint venture) in Clause 3 Article 12 shall be annulled.
2. Point b Clause 2 Article 35 shall be annulled.
3. The word “ngoài” (outside) shall be added before the phrase “vùng biển Việt Nam” (Vietnam's waters) in clause 3 Article 47.
4. The phrase “thuộc Tổng cục Thủy sản” (affiliated to the Directorate of Fisheries) after the phrase “Cục Kiểm ngư là cơ quan” (Department of Fisheries Resources Surveillance is an agency) in point a clause 1 Article 62 shall be annulled.
5. Point c Clause 1 Article 64 shall be annulled.
6. Points b,m,o,p Clause 2 and Clause 3 Article 65 shall be annulled.
7. The phrase “hoặc tổ chức được giao quản lý khu bảo tồn biển” (or the organization assigned to manage the MPA) shall be added after the phrase “Ban quản lý khu bảo tồn biển” (the MPA management unit).
8. The phrase “khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá" (storm shelters for fishing vessels) shall be added after the phrase “cảng cá” (fishing ports) in point a clause 1 Article 71.
9. The phrase “Giấy đăng ký tàu cá số: ................ TS; cấp ngày …. tháng …. năm ….” (Fishing Vessel Registration Certificate No. ................TS; date of issuance: ….) shall be added after the phrase “hết thời hạn ngày …… tháng …… năm ……” (Expiry date: ……) in Form No. 03.KT Appendix IV.
10. The phrase “Tổng cục Thủy sản" (Directorate of Fisheries) shall be replaced by the phrase “Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn" (the fishery authority affiliated to the Ministry of Agriculture and Rural Development).
11. The phrase “Pristisdae” shall be replaced by the phrase “Pristidae” in No.41 Appendix IX; the phrase “Hippocampus keloggi” shall be replaced by the phrase “Hippocampus kelloggi” in No.18 and the phrase “Khối lượng 500 g/con trở lên” shall be replaced by the phrase “Có nguồn gốc từ nuôi trồng” in No. 58 Appendix X.
12. The Form No. 01.NT Appendix III shall be replaced by Form No. 01 Appendix I enclosed with this Decree; Form No. 02.NT Appendix III shall be replaced by Form No. 02 Appendix I enclosed with this Decree; Form No. 03.NT Appendix III shall be replaced by Form No. 03 Appendix I enclosed with this Decree; Form No. 04.NT Appendix III shall be replaced by Form No. 04 Appendix I enclosed with this Decree; Form No. 09.NT Appendix III shall be replaced by Form No. 05 Appendix I enclosed with this Decree; Form No. 11.NT Appendix III shall be replaced with Form No. 06 Appendix I enclosed with this Decree; Form No. 12.NT Appendix III shall be replaced by Form No. 07 Appendix I enclosed with this Decree; Form No. 13.NT Appendix III shall be replaced by Form No. 08 Appendix I enclosed with this Decree; Form No. 14.NT Appendix III shall be replaced by Form No. 09 Appendix I enclosed with this Decree; Form No. 15.NT Appendix III shall be replaced by Form No. 10 Appendix I enclosed with this Decree; Form No. 16.NT Appendix III shall be replaced by Form No. 11 Appendix I enclosed with this Decree; Form No. 20.NT Appendix III shall be replaced by Form No. 12 Appendix I enclosed with this Decree; Form No. 24.NT Appendix III shall be replaced by Form No. 13 Appendix I enclosed with this Decree; Form No. 26.NT Appendix III shall be replaced by Form No. 14 Appendix I enclosed with this Decree; Form No. 29.NT Appendix III shall be replaced by Form No. 15 Appendix I enclosed with this Decree; Form No. 31.NT Appendix III shall be replaced by Form No. 17 Appendix I enclosed with this Decree.
13. Form No. 30A.NT shall be added to Appendix III as Form No. 16 Appendix I enclosed with this Decree.
14. Form No. 01.KT Appendix IV shall be replaced by Form No. 20 Appendix I enclosed with this Decree; Form No. 02.KT Appendix IV shall be replaced by Form No. 21 Appendix I enclosed with this Decree; Form No. 04.KT Appendix IV shall be replaced by Form No. 22 Appendix I enclosed with this Decree; Form No. 17.KT Appendix IV shall be replaced by Form No. 23 Appendix I enclosed with this Decree; Form No. 18.KT Appendix IV shall be replaced by Form No. 28 Appendix I enclosed with this Decree; Form No. 05.TC Appendix V shall be replaced by Form No. 31 Appendix I enclosed with this Decree; Form No. 06.TC Appendix V shall be replaced by Form No. 32 Appendix I enclosed with this Decree; Form No. 09.TC Appendix V shall be replaced by Form No. 33 Appendix I enclosed with this Decree; Form No. 10.TC Appendix V shall be replaced by Form No. 34 Appendix I enclosed with this Decree.
15. Form No. 01A.KT Appendix IV shall be added as Form No. 18 Appendix I enclosed with this Decree; Form No. 01B.KT Appendix IV shall be added as Form No. 19 Appendix I enclosed with this Decree; Form No. 17A.KT Appendix IV shall be added as Form No. 24 Appendix I enclosed with this Decree; Form No. 17B.KT Appendix IV shall be added as Form No. 25 Appendix I enclosed with this Decree; Form No. 17C.KT Appendix IV shall be added as Form No. 26 Appendix I enclosed with this Decree; Form No. 17D.KT Appendix IV shall be added as Form No. 27 Appendix I enclosed with this Decree; Form No. 03A.TC Appendix V shall be added as Form No. 29 Appendix I enclosed with this Decree; Form No. 04A.TC Appendix V shall be added as Form No. 30 Appendix I enclosed with this Decree; Form No. 11A.TC Appendix V shall be added as Form No. 35 Appendix I enclosed with this Decree; Form No. 11B.TC Appendix V shall be added as Form No. 36 Appendix I enclosed with this Decree.
16. Appendix II shall be replaced by Appendix II enclosed with this Decree; Appendix VII shall be replaced by Appendix III enclosed with this Decree; Appendix VIII shall be replaced by Appendix IV enclosed with this Decree.
17. Appendix XI. Minimum sizes of aquatic species allowed to be caught in natural water areas shall be added as Appendix V enclosed with this Decree.
18. Appendix XII. List of facilities and lecturers of institutions providing training and refresher training for crew members working on board fishing vessels shall be added as Appendix VI enclosed with this Decree.
19. Appendix XIII. Requirements to be satisfied by monitoring equipment installed on fishing vessels shall be added as Appendix VII enclosed with this Decree.
Article 3. Implementation
1. This Decree comes into force as of May 19, 2024.
2. Transition clauses:
a) Any pangasius farm issued with a certificate of identification number of pangasius pond according to regulations before the effective date of this Decree is not required to follow procedures for registration of main aquatic species if no changes are made; each provincial fishery authority shall carry out conversion and issue a certificate of registration of main aquatic species according to Form No. 28.NT Appendix III enclosed with Decree No. 26/2019/ND-CP to the pangasius farm. If any change is made, the pangasius farm shall follow procedures for registration of main aquatic species according to regulations in this Decree.
b) Any Vietnamese entity, foreign investor or foreign-invested business entity engaged in aquaculture at the sea before the effective date of this Decree shall apply for a license according to regulations in Decree No. 26/2019/ND-CP within 12 months from the effective date of this Decree.
c) Any institution providing training and refresher training for crew members working on board fishing vessels that operates before the effective date of this Decree shall send a notification according to Form No. 04A.TC Appendix V enclosed with the Decree No. 26/2019/ND-CP to the fishery authority under the Ministry of Agriculture and Rural Development within 90 days from the effective date of this Decree.
d) Any license, certificate, written certification, diploma or approval in the fishery sector issued before the effective date of this Decree shall remain valid until its expiry date or it is re-issued according to regulations.
dd) Any application for administrative procedures that has been submitted before the effective date of this Decree shall be processed according to applicable regulations at the time of submission of the application. The regulations set forth in this Decree which are more favorable for entities shall prevail.
e) Regarding monitoring equipment installed on a fishing vessel before the effective date of this Decree, the vessel owner shall update and add technical functions according to regulations in this Decree before December 31, 2026.
|
ON BEHALF OF THE GOVERNMENT |