Lý thuyết Công nghệ 11 Bài 14 (Kết nối tri thức): An toàn lao động và bảo vệ môi trường trong sản xuất cơ khí

Tóm tắt lý thuyết Công nghệ lớp 11 Bài 14: An toàn lao động và bảo vệ môi trường trong sản xuất cơ khí hay, chi tiết sách Kết nối tri thức sẽ giúp học sinh nắm vững kiến thức trọng tâm, ôn luyện để học tốt Công nghệ 11.

1 3502 lượt xem


Lý thuyết Công nghệ 11 Bài 14: An toàn lao động và bảo vệ môi trường trong sản xuất cơ khí

A. Lý thuyết An toàn lao động và bảo vệ môi trường trong sản xuất cơ khí

I - An toàn lao động trong sản xuất cơ khí

1. An toàn lao động

- An toàn lao động là giải pháp phòng, chống tác động của các yếu tố nguy hiểm để đảm bảo không xảy ra thương tật, tử vong trong quá trình lao động.

- Tai nạn lao động là tai nạn xảy ra trong quá trình lao động do kết quả tác động đột ngột từ các yếu tố nguy hiểm bên ngoài làm chết người hoặc làm tổn thương, phá huỷ chức năng hoạt động bình thường của bộ phận nào đó trên cơ thể.

- Bệnh nghề nghiệp là bệnh phát sinh do điều kiện lao động có hại của nghề nghiệp tác động đối với người lao động.

2. Một số yếu tố gây mất an toàn trong sản xuất cơ khí

Hoạt động sản xuất cơ khí sử dụng nhiều loại trang thiết bị khác nhau, mỗi loại chứa đựng các yếu tố nguy cơ khác nhau.

- Các bộ phận chuyển động của máy có thể gây va đập, quấn bộ phận hoặc toàn cơ thể vào máy.

- Điện có thể gây điện giật và ảnh hưởng khác nhau tùy độ lớn dòng điện, thời gian tiếp xúc.

- Vật văng bắn từ các nguồn như phoi, phôi, dao.

- Nổ có 2 loại là nổ vật lí và nổ hoá học, cả 2 đều gây nguy hiểm.

- Nguồn nhiệt từ các bộ phận như đúc, nhiệt luyện, cán.

- Các hoá chất sử dụng trong sản xuất cơ khí có nguy cơ gây cháy, nổ, nhiễm độc.

Lý thuyết Công nghệ 11 Bài 14 (Kết nối tri thức): An toàn lao động và bảo vệ môi trường trong sản xuất cơ khí (ảnh 1)

II - Bảo vệ môi trường trong sản xuất cơ khí

1. Bảo vệ môi trường

- Bảo vệ môi trường trong sản xuất cơ khí nhằm giữ cho môi trường trong lành, sạch đẹp và đảm bảo vệ sinh công nghiệp.

- Môi trường trong sản xuất cơ khí gồm môi trường bên trong và bên ngoài nhà máy, phân xưởng.

- Yếu tố ô nhiễm môi trường có thể phân loại thành: vật lí, hoá học, vi sinh vật.

- Ô nhiễm môi trường gồm: nước, không khí, đất và gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người và các sinh vật khác.

- Ô nhiễm môi trường xảy ra là do con người và cách quản lí của con người.

2. Các yếu tố gây ô nhiễm môi trường trong sản xuất cơ khí

a) Các yếu tố ảnh hưởng trực tiếp

- Khói bụi trong sản xuất cơ khí phát sinh từ nhiều quá trình như luyện kim, đúc, nhiệt luyện, mài, hàn, cắt và có thể gây ra các khí/khói độc hại như oxide kim loại, CO, NO. 

- Nước thải trong sản xuất cơ khí bao gồm nước làm mát, các dung dịch sử dụng trong các công đoạn làm sạch, sơn mạ và chứa hàm lượng cao các hoá chất, các hạt kim loại, có thể ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt và cây cối, sinh vật. 

- Chất thải rắn từ sản xuất cơ khí bao gồm các bao bì đựng hoá chất, giẻ lau dính dầu mỡ, dụng cụ thiết bị điện tử hỏng, rác thải sinh hoạt, các chất rắn phát sinh từ công đoạn làm sạch bề mặt kim loại và các nguyên liệu hư hỏng, quá hạn sử dụng, chất thải chứa kim loại nặng thành phần độc hại được thu gom nhưng chưa có biện pháp xử lí hiệu quả.

b) Các yếu tố ảnh hưởng gián tiếp

- Phát triển các khu công nghiệp: Sự phát triển không hợp lí hoặc quá nhanh các khu công nghiệp gây tác động đến môi trường, bao gồm việc san phẳng đất đai, giảm diện tích cây trồng và hệ thống xử lí chất thải không đồng bộ.

- Hoạt động vận chuyển, sinh hoạt: Hoạt động vận chuyển và các chất thải từ y tế và vệ sinh cũng có thể ảnh hưởng tới môi trường xung quanh các nhà máy cơ khí.

III. Các biện pháp phòng ngừa mất an toàn lao động và vệ sinh môi trường trong lĩnh vực sản xuất cơ khí

1. Thay đổi công nghệ, thiết bị

- Thay đổi thiết bị, công nghệ mới: Thiết bị, công nghệ mới không chỉ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm mà còn giảm thiểu nguy cơ mất an toàn lao động và ảnh hưởng tới môi trường.

- Ví dụ thay đổi công nghệ: Thay vì làm sạch phôi sau đúc trong khuôn cát bằng khí áp lực, có thể sử dụng công nghệ phun bi trong buồng kín hoặc hệ thống tự động khép kín để giảm thiểu ảnh hưởng tới môi trường.

2. Các biện pháp về kĩ thuật an toàn

Có thể áp dụng một số biện pháp để đảm bảo an toàn lao động, bao gồm:

- Che chắn để ngăn chặn yếu tố nguy hiểm tác động đến người lao động.

- Áp dụng các biện pháp kĩ thuật an toàn như thông gió, làm mát, lọc bụi.

- Thiết lập khoảng cách an toàn giữa các máy và giữa máy với các kết cấu của nhà xưởng.

- Sử dụng bảo hộ lao động để bảo vệ các bộ phận trên cơ thể có nguy cơ ảnh hưởng khi làm việc, chẳng hạn như găng tay, mũ bảo hiểm, mắt kính,...

B. Bài tập An toàn lao động và bảo vệ môi trường trong sản xuất cơ khí

Đang cập nhật…

Xem thêm các bài lý thuyết Công nghệ 11 sách Kết nối tri thức hay, chi tiết tại: 

Lý thuyết Bài 15: Khái quát về cơ khí động lực

Lý thuyết Bài 16: Ngành nghề trong lĩnh vực cơ khí động lực

Lý thuyết Bài 17: Đại cương về động cơ đốt trong

Lý thuyết Bài 18: Nguyên lí làm việc của động cơ đốt trong

Lý thuyết Bài 19: Các cơ cấu trong động cơ đốt trong

1 3502 lượt xem


Xem thêm các chương trình khác: