Bài 28: Giờ Trái Đất (trang 135) Tiếng Việt lớp 5 Tập 2 – Kết nối tri thức
Lời giải Tiếng Việt lớp 5 Bài 28: Giờ Trái Đất trang 135 sách Kết nối tri thức giúp học sinh dễ dàng làm bài tập Tiếng Việt lớp 5 Tập 2.
Bài 28: Giờ Trái Đất – Tiếng Việt lớp 5
Đọc: Giờ Trái Đất
Nội dung chính Giờ Trái Đất:Giờ Trái Đất là một sự kiện hữu ích, đã lan toả rộng rãi với ý nghĩa của nó. Hãy cùng chung tay hành động dù những hành động ấy là nhỏ nhất, đơn giản nhất để góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ Trái đất của chúng ta.
Câu hỏi trang 135 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2: Quan sát và cho biết bức tranh dưới đây thể hiện điều gì.
Trả lời:
Bức tranh dưới đây thể hiện sự chung tay tham gia tắt điện, hưởng ứng Giờ Trái đất, góp thêm số giờ tiết kiệm điện cho quốc gia, cho toàn cầu. Đây là hành động ý nghĩa, khơi gợi và kêu gọi được những việc làm góp phần bảo vệ môi trường, giảm thiểu ô nhiễm và lãng phí.
Văn bản: Giờ Trái Đất
Giờ Trái Đất là một sự kiện được Quỹ Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên tổ chức hằng năm nhằm nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu và khuyến khích mọi người hành động để bảo vệ Trái Đất. Sự kiện này được tổ chức vào thứ Bảy cuối cùng của tháng Ba, khi các thành phố và thị trấn trên toàn cầu tắt đèn trong một giờ, từ 20 giờ 30 phút đến 21 giờ 30 phút giờ địa phương.
Sự kiện Giờ Trái Đất được khởi xướng lần đầu tiên tại Xít-ni, Ô-xtrây-li-a vào năm 2007. Nhờ các phương tiện truyền thông và sự kêu gọi của các tổ chức quốc tế, sự kiện đã thu hút sự quan tâm của thế giới những năm sau đó. Năm 2022, sự kiện đã ghi nhận sự tham gia của hơn 190 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam chính thức tham gia hưởng ứng Giờ Trái Đất từ năm 2009.
Sự kiện Giờ Trái Đất đã khẳng định mỗi hành động nhỏ của từng cá nhân khi được nhân lên trên diện rộng sẽ lan toả và có thể làm cho môi trường sống tốt hơn. Hành động tắt các thiết bị điện không cần thiết trong 60 phút góp phần không nhỏ vào việc tiết kiệm điện năng, giúp giảm thiểu khí các-bô-níc và chống biến đổi khí hậu.
(Nguyễn Liêm)
* Trả lời câu hỏi
Câu 1 trang 136 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2: Sự kiện Giờ Trái Đất được Quỹ Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên tổ chức hằng năm nhằm mục đích gì?
Trả lời:
Sự kiện Giờ Trái Đất được Quỹ Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên tổ chức hằng năm nhằm mục đích nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu và khuyến khích mọi người hành động để bảo vệ Trái Đất.
Câu 2 trang 136 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2: Sự kiện Giờ Trái Đất được tổ chức như thế nào?
Trả lời:
Sự kiện Giờ Trái Đất được tổ chức vào thứ Bảy cuối cùng của tháng Ba, khi các thành phố và thị trấn trên toàn cầu tắt đèn trong một giờ, từ 20 giờ 30 phút đến 21 giờ 30 phút giờ địa phương.
Câu 3 trang 136 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2: Những chi tiết nào cho thấy sự kiện Giờ Trái Đất đã thu hút được sự quan tâm của thế giới.
Trả lời:
Những chi tiết cho thấy sự kiện Giờ Trái Đất đã thu hút được sự quan tâm của thế giới: Năm 2022, sự kiện đã ghi nhận sự tham gia của hơn 190 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam chính thức tham gia hưởng ứng Giờ Trái Đất từ năm 2009.
Câu 4 trang 136 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2: Sự kiện Giờ Trái Đất đã mang lại lợi ích gì cho môi trường sống của chúng ta?
Trả lời:
Sự kiện Giờ Trái Đất đã mang lại lợi ích cho môi trường sống của chúng ta: khẳng định mỗi hành động nhỏ của từng cá nhân khi được nhân lên trên diện rộng sẽ lan toả và có thể làm cho môi trường sống tốt hơn; góp phần không nhỏ vào việc tiết kiệm điện năng, giúp giảm thiểu khí các-bô-níc và chống biến đổi khí hậu.
Câu 5 trang 136 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2: Hãy chia sẻ những việc em có thể làm để bảo vệ Trái Đất.
Trả lời:
Những việc em có thể làm để bảo vệ Trái Đất là: Hạn chế sử dụng các đồ vật, vật dụng, túi làm bằng nilon; hạn chế dùng chai nhựa một lần; tiết kiệm điện, nước khi không sử dụng; vứt rác đúng nơi quy định, không xả rác bừa bãi; trồng thêm cây xanh; ưu tiên sử dụng phương tiện công cộng.
* Luyện tập theo văn bản đọc
Câu 1 trang 136 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2: Nêu nghĩa của mỗi từ dưới đây:
G: Có thể sử dụng từ điển để tìm hiểu nghĩa của từ.
Trả lời:
Nghĩa của các từ là:
– quốc ca: bài hát chính thức của một nước, dùng trong các nghi lễ.
– quốc khánh: việc mừng, lễ mừng của cả nước; việc khai sinh ra một nước có thể xem là việc mừng lớn nhất của nước đó.
– quốc ngữ: là loại chữ thống nhất trong cả một một quốc gia, được nhân dân quốc gia đó sử dụng.
– quốc gia: là nhà nước, cơ quan chính phủ, quản lí công việc chung của một nước.
– quốc kì: lá cờ tượng trưng cho một nước.
– quốc tế: các nước trên thế giới trong quan hệ với nhau.
Câu 2 trang 137 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2: Chọn từ ở bài tập 1 thay cho bông hoa trong đoạn văn dưới đây:
(1) Việt Nam là một thành viên của Liên hợp quốc. (2) Ngày 2 tháng 9 là ngày của Việt Nam. (3) của Việt Nam là lá cờ đỏ sao vàng năm cánh và của Việt Nam là bài hát Tiến quân ca. (Ngọc Phương) |
Trả lời:
(1) Việt Nam là một quốc gia thành viên của Liên hợp quốc. (2) Ngày 2 tháng 9 là ngày quốc khánh của Việt Nam. (3) Quốc kì của Việt Nam là lá cờ đỏ sao vàng năm cánh và quốc ca của Việt Nam là bài hát Tiến quân ca. (Ngọc Phương) |
Viết: Tìm ý cho đoạn văn nêu ý kiến phản đối một sự việc, hiện tượng
Chọn 1 trong 2 đề dưới đây:
Đề 1: Viết đoạn văn nêu ý kiến phản đối hiện tượng vứt rác bừa bãi.
Đề 2: Viết đoạn văn nêu ý kiến phản đối hiện tượng chen lấn khi xếp hàng.
Câu 1 trang 137 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2: Chuẩn bị.
a. Lựa chọn sự việc, hiện tượng mà em muốn bày tỏ ý kiến phản đối.
b. Tìm trong sách báo in, mạng in-tơ-nét,... những thông tin liên quan đến sự việc, hiện tượng cho đề bài em đã chọn.
c. Ghi chép những thông tin cần thiết.
Trả lời:
Em lựa chọn sự việc, hiện tượng mà em muốn bày tỏ ý kiến phản đối từ các một trong hai hiện tượng đề bài đã nêu. Tham khảo thông tin từ các nguồn để có thêm dẫn chứng phù hợp.
Câu 2 trang 137 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2: Tìm ý.
Trả lời:
* Đề 1: Viết đoạn văn nêu ý kiến phản đối hiện tượng vứt rác bừa bãi.
Mở đầu: Vứt rác bừa bãi đang là hiện tượng không khó bắt gặp hiện nay. Rác thải ở mọi nơi, từ lề đường đến các gốc cây, quán xá,… Việc vứt rác bừa bãi không phải do cố ý mà đã “quen tay”, nếu không dùng nữa thì vứt luôn xuống cạnh chân mình. Điều này thật sự đáng lên án và phản đối.
Triển khai: Đầu tiên, rác thải bị vứt bừa bãi thường sẽ bị trôi dạt về ven sông, hay các kênh, rạch, ao hồ, từ đó gây hại rất lớn cho môi trường. Chẳng hạn như đất và nước bị ô nhiễm, gây ảnh hưởng đến các sinh vật biển hay không thể canh tác cây cối, thậm chí có thể gây bệnh về đường ruột cho con người. Thứ hai, việc xả rác bừa bãi ở khu dân cư sẽ gây ra mùi hôi khiến cư dân cực kỳ khó chịu, kéo theo đó là sự sản sinh các loài vật như ruồi, muỗi, chuột, bọ,…có thể gây cho con người nhiều bệnh nguy hiểm.
Kết thúc: Chúng ta cần nâng cao nhận thức về việc vứt rác bừa bãi, cùng nhau lên tiếng phản đối thói quen không tốt đó. Điều đó giúp cộng đồng thay đổi được suy nghĩ và chấm dứt hành động này.
* Đề 2: Viết đoạn văn nêu ý kiến phản đối hiện tượng chen lấn khi xếp hàng.
Mở đầu: Hiện tượng chen lấn khi xếp hàng là một hiện tượng không tốt, nhưng đáng buồn là hiện tượng này lại đang vô cùng phổ biến hiện nay. Chúng ta cần phản đối cũng như tìm cách khắc phục hiện tượng chen hàng.
Triển khai: Thứ nhất, việc chen lấn khi xếp hàng sẽ mang lại sự mất công bằng với người khác khi họ đang nghiêm túc chờ tới lượt của mình thì lại có người chen ngang, “ưu tiên” được phục vụ trước, gây ra sự khó chịu, không vui của tất cả mọi người. Thứ hai, nó cực kỳ ảnh hưởng tới hiệu quả công việc và thời gian chờ đợi của mọi người. Tưởng tượng mà xem, khi có một người chen ngang, tất cả những người phục vụ của gian hàng đó đều phải dừng lại để nhắc nhở, điều chỉnh thứ tự của tất cả mọi người, gây ra chậm trễ trong việc hoàn thành nhiệm vụ của họ. Thứ ba, những người chịu đựng việc chen ngang đó đã phải bỏ ra nhiều thời gian hơn để chờ đợi tới lượt mình, ảnh hưởng tới thời gian làm những công việc khác của họ.
Kết thúc: Chen lấn khi xếp hàng là một hiện tượng, một tính cách xấu ở một số người nhưng cộng đồng cần chung tay để hành động này được chấm dứt.
Câu 3 trang 138 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2: Góp ý và chỉnh sửa.
G:
– Ý kiến phản đối có được nêu rõ ràng không?
– Các lí do phản đối có thuyết phục không?
–
Trả lời:
Em đọc bài viết của mình cho thầy cô, bạn bè cùng lắng nghe để nhận góp ý, chỉnh sửa (nếu cần).
Nói và nghe: Trải nghiệm ngày hè
Yêu cầu: Thảo luận về những hoạt động của thiếu nhi vào kì nghỉ hè.
Câu 1 trang 138 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2: Chuẩn bị.
a. Nhớ lại các hoạt động em đã tham gia trong các kì nghỉ hè. Tìm đọc thêm những hoạt động trong hè được thiếu nhi yêu thích. Ví dụ:
– Trại hè:
+ Các trại hè phổ biến: trại hè truyền thống, trại hè quân đội, trại hè tiếng Anh, trại hè quốc tế,...
+ Các hoạt động: cắm trại, thi nghi thức Đội, thi văn nghệ, thi thể thao, chơi trò chơi, thực hành tiếng Anh, tham gia hội thi “Tài năng chiến sĩ”,..
– Câu lạc bộ hè:
+ Các câu lạc bộ được yêu thích: Câu lạc bộ Tiếng Anh, Câu lạc bộ Nghệ thuật, Câu lạc bộ Thể thao, Câu lạc bộ Kĩ năng sống,...
+ Các hoạt động: thực hành giao tiếp tiếng Anh, vẽ, hát, múa, tham gia thể dục nhịp điệu, khiêu vũ thể thao,...
– Các hoạt động khác: hoạt động ở địa phương (vệ sinh đường phố, trồng cây xanh, hoạt động thiện nguyện,...); trải nghiệm ở trang trại chăn nuôi; trồng rau, cây ăn quả;...
b. Dự kiến nội dung trình bày.
– Nội dung của hoạt động
– Thời gian tham gia
– Lợi ích của các hoạt động
– Cảm xúc khi tham gia các hoạt động
Trả lời:
a. Các hoạt động trong các kì nghỉ hè được thiếu nhi yêu thích là: tham gia lớp học kĩ năng, tham gia học kì quân đội, tham gia học môn thể thao mới, tham gia lớp thực hành ngoại ngữ, đi du lịch cùng gia đình, tham gia một lớp học bơi.
b. Em dự kiến nội dung trình bày:
Em đã từng tham gia hoạt động trong kì nghỉ hè rất thú vị là tham gia lớp học kĩ năng giao tiếp. Khoá học này diễn ra trong khoảng 2 tháng hè, cứ mỗi tuần học 1 buổi vào ngày cuối tuần. Em cảm thấy hoạt động này giúp em tự tin giao tiếp, phát âm chuẩn hơn, học được các cử chỉ tay, mắt khi giao tiếp để làm người đối diện cảm thấy được tôn trọng, thoải mái nói chuyện hơn. Được tham gia lớp học, em cảm thấy rất vui và hào hứng, mỗi ngày tham gia buổi học đều khiến em tò mò và thích thú.
Câu 2 trang 139 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2: Thảo luận.
Trả lời:
Em cùng các bạn tổ chức buổi thảo luận như trình tự sách giáo khoa gợi ý; các bạn lần lượt trình bày nội dung hoạt động bản thân đã tham gia.
Câu 3 trang 139 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2: Đánh giá.
G:
– Vấn đề đặt ra để thảo luận có cần thiết với mỗi học sinh không?
– Thái độ của các bạn khi tham gia thảo luận thế nào?
Trả lời:
Em và các bạn đánh giá vấn đề, nội dung hoạt động có thiết thực không, thái độ của các bạn tham gia các hoạt động phù hợp hay chưa,…
* Vận dụng
Câu hỏi trang 139 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2: Cùng người thân làm một tờ rơi về những hoạt động bảo vệ môi trường mà trẻ em có thể thực hiện
Trả lời:
Em cùng người thân dùng các phần mềm hoặc vẽ tay ra giấy rồi tô màu tờ rơi.
Xem thêm các chương trình khác: