Bài 26: Những con hạc giấy (trang 126) Tiếng Việt lớp 5 Tập 2 – Kết nối tri thức
Lời giải Tiếng Việt lớp 5 Bài 26: Những con hạc giấy trang 126 sách Kết nối tri thức giúp học sinh dễ dàng làm bài tập Tiếng Việt lớp 5 Tập 2.
Bài 26: Những con hạc giấy – Tiếng Việt lớp 5
Đọc: Những con hạc giấy
Nội dung chính Những con hạc giấy:Chiến tranh bom nguyên tử là lần đáng lên án, không được phép xuất hiện thêm trên thế giới này. Có rất nhiều hệ luỵ xảy đến, nhiều ước mơ bị dập tắt, để lại nỗi đau khôn cùng cho người ở lại. Hãy cùng nhau xây dựng thế giới hoà bình.
Câu hỏi trang 126 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2: Dựa vào nhan đề và tranh minh hoạ, hãy dự đoán nội dung của bài đọc.
Trả lời:
Dựa vào nhan đề và tranh minh hoạ, em dự đoán nội dung của bài đọc sẽ viết về câu chuyện một em bé bị ốm, mang một căn bệnh hiểm nghèo; cô bé gấp hạc giấy với lượng lớn để cầu mong có một điều ước, hoá giải được căn bệnh của mình.
Văn bản: Những con hạc giấy
Ngày 16 tháng 7 năm 1945, nước Mỹ chế tạo được bom nguyên tử. Hơn nửa tháng sau, chính phủ Mỹ quyết định ném cả hai quả bom mới chế tạo xuống Nhật Bản.
Hai quả bom lần lượt ném xuống các thành phố Hi-rô-si-ma và Na-ga-xa-ki đã cướp đi mạng sống của hàng trăm nghìn người. Tính đến cuối năm 1945, tổng số người chết vì hai quả bom và bị nhiễm phóng xạ nguyên tử đã lên đến nửa triệu.
Khi Hi-rô-si-ma bị ném bom, cô bé Xa-xa-ki Xa-đa-cô mới hai tuổi đã may mắn thoát nạn. Nhưng em bị nhiễm phóng xạ. Mười năm sau, từ một cô bé khoẻ mạnh, nhanh nhẹn, sức khoẻ của em bị giảm sút nhanh chóng, phải nằm viện để chữa trị.
Nằm trong bệnh viện nhẩm đếm từng ngày còn lại của đời mình, cô bé ngây thơ tin vào một truyền thuyết nói rằng nếu gấp đủ một nghìn con hạc bằng giấy treo quanh phòng, em sẽ khỏi bệnh. Em liền lặng lẽ nén đau, miệt mài gấp hạc. Biết chuyện, trẻ em toàn nước Nhật đã tới tấp gửi hàng nghìn con hạc giấy đến cho Xa-đa-cô. Nhưng
Xa-đa-cô vẫn không qua khỏi, mặc dù em đã gấp được hơn một nghìn con hạc giấy.
Xúc động trước cái chết của Xa-đa-cô, học sinh thành phố Hi-rô-si-ma đã quyên góp tiền xây một đài tưởng niệm những nạn nhân bị bom nguyên tử sát hại. Năm 1958, tượng đài Hoà bình cho trẻ em, còn gọi là tháp Xên-ba-dư-rư (Ngàn cánh hạc) được dựng lên ở công viên Hoà bình của thành phố. Trên đỉnh đài tưởng niệm cao 9 mét là tượng một bé gái – mô phỏng hình ảnh Xa-đa-cô – giơ cao hai tay nâng một con hạc lớn đang dang cánh bay. Dưới tượng đài khắc những lời tha thiết:
Chúng em kêu gọi
Chúng em nguyện cầu:
Hoà bình cho thế giới!
(Theo Những mẩu chuyện lịch sử thế giới)
* Trả lời câu hỏi
Câu 1 trang 127 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2: Những chi tiết nào trong bài đọc cho thấy hậu quả của việc chính phủ Mỹ ném hai quả bom nguyên tử xuống Nhật Bản?
Trả lời:
Những chi tiết trong bài đọc cho thấy hậu quả của việc chính phủ Mỹ ném hai quả bom nguyên tử xuống Nhật Bản là: cướp đi mạng sống của hàng trăm nghìn người; Tính đến cuối năm 1945, tổng số người chết vì hai quả bom và bị nhiễm phóng xạ nguyên tử đã lên đến nửa triệu.
Câu 2 trang 127 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2: Chuyện gì đã xảy ra với cô bé Xa-đa-cô khi Hi-rô-si-ma bị ném bom?
Trả lời:
Khi Hi-rô-si-ma bị ném bom, Xa-đa-cô, một cô bé hai tuổi may mắn thoát nạn nhưng vẫn bị nhiễm xạ – từ một cô bé khoẻ mạnh, nhanh nhẹn, sức khoẻ của em bị giảm sút nhanh chóng, phải nằm viện để chữa trị.
Câu 3 trang 127 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2: Cô bé hi vọng kéo dài cuộc sống của mình bằng cách nào?
Trả lời:
Cô bé hi vọng kéo dài cuộc sống của mình bằng cách: tin vào một truyền thuyết nói rằng nếu gấp đủ một nghìn con hạc bằng giấy treo quanh phòng, em sẽ khỏi bệnh; em liền miệt mài gấp hạc.
Câu 4 trang 127 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2: Nêu những việc các bạn nhỏ đã làm:
Trả lời:
– Để giúp cho ước nguyện của Xa-đa-cô thành hiện thực, các bạn nhỏ đã: tới tấp gửi hàng nghìn con hạc giấy đến cho Xa-đa-cô.
– Để giúp bày tỏ ước vọng hoà bình, các bạn nhỏ đã: quyên góp tiền xây một đài tưởng niệm những nạn nhân bị bom nguyên tử sát hại.
Câu 5 trang 127 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2: Câu chuyện Những con hạc giấy có ý nghĩa gì?
Trả lời:
Câu chuyện Những con hạc giấy có ý nghĩa: phơi bày sự thật về hậu quả của vụ ném bom nguyên tử của Mỹ xuống hai thành phố Hi-rô-shi-ma và Na-ga-xa-ki của Nhật Bản. Bày tỏ sự bất công, tiếc nuối trước những tâm hồn, những tương lai chưa kịp lớn đã phải gánh chịu hậu quả chiến tranh. Ước mong được lặp lại hoà bình, vĩnh viễn xoá nhoà con đường, nguồn cơn dẫn tới chiến tranh, đặc biệt là chiến tranh hạt nhân nguyên tử.
* Luyện tập theo văn bản đọc
Câu 1 trang 127 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2: Chọn nghĩa phù hợp với từ hoà bình trong đoạn dưới đây:
Chúng em kêu gọi
Chúng em nguyện cầu:
Hoà bình cho thế giới!
A. Trạng thái yên ả
C. Trạng thái bình thản
Trả lời:
Từ hoà bình trong đoạn dưới đây có nghĩa là: B. Trạng thái không có chiến tranh
Câu 2 trang 127 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2: Những từ nào dưới đây đồng nghĩa với từ hoà bình?
Trả lời:
Những từ dưới đây đồng nghĩa với từ hoà bình là: thái bình, yên bình, thanh bình.
Câu 3 trang 128 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2: Chọn từ thích hợp nhất trong các từ đồng nghĩa (in nghiêng) thay cho bông hoa.
a. Hà Nội là thành phố châu Á đầu tiên được tặng danh hiệu “Thành phố vì ” (bình yên/ hoà bình).
b. Đến thăm nơi đây, tâm hồn mỗi người như lắng lại, tìm thấy sự (bình yên/ thái bình).
c. Dưới thung lũng, phong cảnh làng quê hiện ra thật (thanh bình/ hoà bình).
Trả lời:
a. Hà Nội là thành phố châu Á đầu tiên được tặng danh hiệu “Thành phố vì hoà bình”.
b. Đến thăm nơi đây, tâm hồn mỗi người như lắng lại, tìm thấy sự bình yên.
c. Dưới thung lũng, phong cảnh làng quê hiện ra thật thanh bình.
Viết: Luyện viết bài văn tả người
Đề bài: Viết bài văn tả thầy giáo (cô giáo) mà em yêu quý.
Câu 1 trang 128 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2: Dựa vào dàn ý đã lập trong hoạt động Viết ở Bài 25, viết bài văn theo yêu cầu.
Lưu ý:
− Tả việc làm, cử chỉ, lời nói,... của thầy (cô) trong những tình huống mà em nhớ nhất. Ví dụ:
Hồi đó, chúng em là học sinh lớp Một, trong giờ tập viết chữ M hoa, em tập mãi mà chữ vẫn không đẹp. Cô đến bên, hướng dẫn em chia đều khoảng cách giữa các nét, rồi cô cầm tay em uốn từng nét như mẹ em ngày nào dạy em cách cầm đũa và cơm. Em ngước nhìn cô, bắt gặp ánh mắt cô vô cùng hiền dịu và bao dung. (Theo Văn miêu tả trong nhà trường phổ thông) |
– Trong bài, nên có những câu văn bộc lộ suy nghĩ, cảm xúc của em đối với thầy (cô). Ví dụ:
Thầy Đuy-sen đã dạy chúng tôi tất cả những gì thầy biết và trong khi dạy bảo chúng tôi, thầy tỏ ra kiên nhẫn lạ thường. Cúi xuống từng học sinh một, thầy hướng dẫn cách cầm bút, rồi về sau thầy lại say sưa giảng cho chúng tôi hiểu những chữ khó... Thầy dạy chúng tôi tất cả những gì thầy cho là thiết thực. Tôi tin chắc như đinh đóng cột rằng lòng nhiệt tình, chân thành của thầy trong việc dạy dỗ chúng tôi chẳng phí hoài. (Theo Ai-tơ-ma-tốp) |
Trả lời:
Trong những năm tháng ngồi dưới mái trường Tiểu học, em đã được học rất nhiều thầy cô giáo tuyệt vời. Tuy bài giảng đến từ mỗi thầy, cô đều thật hay và ý nghĩa, nhưng em vẫn nhớ nhất là cô Hoà.
Năm cô được phân công dạy lớp em, cô Hoà không còn trẻ nữa bởi mái tóc cô đã ngả màu hoa râm. Dáng người cô hơi gầy, tác phong điềm tĩnh nhưng xử lý công việc lại rất gọn gàng và nước da hơi rám nắng của cô khiến bất cứ ai đã nhìn là nhớ mãi. Nhưng điểm nổi bật nhất của cô có lẽ là đôi mắt. Đôi mắt cô hơi trĩu xuống, có đôi vết chân chim do dấu hiệu của tuổi tác nhưng khi nhìn lướt qua thì khó có thể thấy, vì nó luôn bị che khuất bởi cặp kính dày viền của cô. Hàng ngày, cô đến trường, ăn mặc chỉ là áo sơ mi, quần tây, trên tay xách chiếc cặp đen, trông cô thật giản dị, gần gũi nhưng vẫn toát lên nét sang của một người giáo viên.
Những giờ lên lớp của cô, cô luôn có cách khiến các bạn ai cũng chăm chú nhìn lên bảng, năng phát biểu ý kiến, làm chúng em thêm say mê học tập. Cô thường bắt đầu giờ học bằng những trò chơi khởi động khiến lớp em luôn tò mò về nội dung bài học ngày hôm nay. Và cô kết thúc cũng bằng một trò chơi thi đua giữa các tổ, tổ nào trả lời đúng nhiều hơn sẽ được thưởng. Có những khi nhìn những nét chữ nghiêng nghiêng nắn nót trên bảng cùng dáng vẻ cô lúc tận tình chỉ dạy cho các bạn từng bài toán, từng câu văn, em lại thấy yêu cô nhiều hơn, trong lòng dâng lên cảm giác rưng rưng xúc động. Những lúc chúng em tiến bộ, cô lại khích lệ làm em thêm vui và cố gắng học tập hơn.
Cô tuy đã có tuổi nhưng mọi hoạt động trong trường cô đều tham gia rất nhiệt tình, từ những cuộc họp trao đổi cách giảng dạy cho tới những ngày tập khai giảng đầu năm học, hay các buổi biểu diễn văn nghệ trường. Em nghe nói rằng giữa các giáo viên, có ai gặp chuyện vui buồn, cô đều chia sẻ, cảm thông và giúp đỡ trong khả năng của mình. Có lẽ cũng vì vậy, mà các thầy cô giáo đều rất quý mến cô, như một người đồng nghiệp tốt, một người bạn thân, một người chị đáng tin cậy, còn với những học sinh thì cô như người mẹ thứ hai của mình.
Đến bây giờ khi đã là học sinh cuối cấp, tuy không còn được học cô Hòa nữa nhưng em vẫn được gặp cô hàng ngày. Năm nay là năm cuối cùng tại trường tiểu học của em, cũng là năm cuối cùng cô đi dạy trước khi nghỉ hưu. Em vẫn nhớ hình ảnh cô giáo tận tuỵ năm nào và mong mình sau này cũng sẽ trở thành một cô giáo giỏi giống như cô.
Câu 2 trang 128 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2: Đọc soát và chỉnh sửa bài viết.
a. Tự nhận xét bài làm của em theo yêu cầu dưới đây:
– Có đủ mở bài, thân bài, kết bài.
– Miêu tả được đặc điểm nổi bật của thầy (cô).
– Bộc lộ được suy nghĩ, tình cảm đối với thầy (cô).
–
b. Chỉnh sửa bài viết (nếu cần).
Trả lời:
Em đọc soát và chỉnh sửa bài viết của mình. Trong đó, em tự nhận xét bài làm của em theo các yêu cầu sách giáo khoa gợi ý, chỉnh sửa bài viết (nếu cần).
Đọc mở rộng
Câu 1 trang 129 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2: Đọc sách báo viết về quyền và bổn phận của trẻ em hoặc những hoạt động của thiếu nhi quốc tế.
|
Hiểu về Quyền trẻ em là bộ sách gồm 10 tập được phát hành năm 2019. Có thể coi bộ sách là bản Tuyên ngôn về Quyền trẻ em với 10 nguyên tắc. Mỗi một tập sách sẽ chuyển tải một nguyên tắc thông qua một câu chuyện thú vị cùng những hình vẽ ngộ nghĩnh, đáng yêu. Thông điệp gửi đi từ bộ sách là: Loài người phải dành cho trẻ em những điều tốt đẹp nhất. |
Bài báo Trại Thiếu nhi Quốc tế A-tếch – niềm ước mơ của thiếu nhi thế giới viết về một trại hè quốc tế có lịch sử hàng trăm năm, được tổ chức hằng năm bên bờ Biển Đen. Trại hè A-tếch là nơi giao lưu, chia sẻ của những trẻ em có thành tích đặc biệt xuất sắc trong nhiều lĩnh vực: học tập văn hoá, thể thao và các ngành nghệ thuật. Đã có nhiều trẻ em Việt Nam được tham gia trại hè này. |
|
Trả lời:
Em đọc sách báo viết về quyền và bổn phận của trẻ em:
+ Cuốn sách Bổn phận của trẻ em – Hội đồng Đội Trung ương phát hành.
+ Cuốn sách Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em – Nhà xuất bản Lao động.
Câu 2 trang 129 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2: Viết phiếu đọc sách theo mẫu.
Trả lời:
Dựa vào các câu chuyện gợi ý em đã đọc, em viết thông tin phù hợp vào phiếu đọc sách theo mẫu.
Câu 3 trang 129 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2: Trao đổi với bạn về những thông tin mới trong sách báo em đã đọc.
Trả lời:
Em trao đổi với bạn về những thông tin mới trong sách báo em đã đọc: Cuốn sách Bổn phận của trẻ em đã chia sẻ nhiều điều thú vị. Sách có trích dẫn: Trẻ em không chỉ có quyền mà còn phải có bổn phận của trẻ em. Cụ thể vấn đề này được quy định tại mục 2 chương II Luật trẻ em năm 2016. theo đó trẻ em có năm bổn phận cơ bản sau:
1. Bổn phận của trẻ em đối với gia đình.
2. Bổn phận của trẻ em đối với nhà trường, cơ sở trợ giúp xã hội và cơ sở giáo dục khác.
3. Bổn phận của trẻ em đối với cộng đồng, xã hội.
4. Bổn phận của trẻ em đối với quê hương đất nước.
5. Bổn phận của trẻ em với bản thân.
Những nội dung này là đã được cụ thể hóa trong 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng, góp phần định hướng cho trẻ em những phẩm chất tốt đẹp trong học tập, lao động, rèn luyện sức khỏe, tu dưỡng đạo đức và có ý thức yêu thương những người xung quanh, ý thức đối với cộng đồng và ý thức đối với cuộc sống.
* Vận dụng
Câu hỏi trang 129 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2: Chia sẻ với người thân về quyền và bổn phận của trẻ em hoặc những hoạt động của thiếu nhi quốc tế.
Trả lời:
Em chia sẻ với người thân về quyền và bổn phận của trẻ em:
– Quyền của trẻ em được quy định tại Điều 12 đến Điều 36 Luật trẻ em 2016 như sau:
Quyền được sống
Quyền được khai sinh
Quyền được chăm sóc tốt về sức khoẻ
Quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng
Quyền được giáo dục
Quyền được vui chơi, giải trí
Quyền giữ gìn, phát huy bản sắc
Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo
Quyền về tài sản
Quyền bí mật đời sống riêng tư
Quyền được sống chung với cha, mẹ
Quyền được đoàn tụ, liên hệ và tiếp xúc với cha, mẹ
Quyền được chăm sóc thay thế khi không còn cha mẹ
Quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức "
Quyền được ưu tiên, bảo vệ, trợ giúp dưới mọi hình thức
Quyền được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng
Trẻ em khuyết tật được hưởng đầy đủ các quyền của trẻ em
Quyền được hỗ trợ nhân đạo, tìm kiếm cha mẹ, gia đình
– Bổn phận của trẻ em được quy định từ Điều 37 đến Điều 41 Luật trẻ em 2016 như sau:
Bổn phận của trẻ em đối với gia đình
Bổn phận của trẻ em với nhà trường, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở giáo dục khác
Bổn phận của trẻ em đối với cộng đồng, xã hội
Bổn phận của trẻ em đối với quê hương, đất nước
Bổn phận của trẻ em với bản thân
Xem thêm các chương trình khác: