Bài 12: Những hòn đảo trên vịnh Hạ Long (trang 60) Tiếng Việt lớp 5 Tập 1 – Kết nối tri thức

Lời giải Tiếng Việt lớp 5 Bài 12: Những hòn đảo trên vịnh Hạ Long trang 60 sách Kết nối tri thức giúp học sinh dễ dàng làm bài tập Tiếng Việt lớp 5 Tập 1.

1 44 lượt xem


Bài 12: Những hòn đảo trên vịnh Hạ Long – Tiếng Việt lớp 5

Đọc: Những hòn đảo trên vịnh Hạ Long trang 60, 61

Nội dung chính Những hòn đảo trên vịnh Hạ Long:

Vịnh Hạ Long với hệ thống rất nhiều hòn đảo, đảo đá có hình thù ấn tượng, độc đáo. Quần thể các đảo trong vịnh Hạ Long là điểm du lịch và niềm tự hào to lớn của du lịch Việt Nam.

* Khởi động

Câu hỏi trang 60 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 1: Chia sẻ những điều em biết về vịnh Hạ Long.

Trả lời:

Vịnh Hạ Long là một vịnh biển nổi tiếng của tỉnh Quảng Ninh nước ta. Đây là một danh lam thắng cảnh đặc sắc, hùng vĩ, cách thủ đô Hà Nội khoảng 170 km về phía Đông Bắc. Vịnh Hạ Long có khoảng hơn 1 600 đảo đá và hòn đảo nhỏ, các đảo này có hình dạng và kích thước đa dạng: hòn trống mái, con chó đá,… Vịnh Hạ Long được UNESCO ba lần vinh danh là Di sản thế giới về giá trị địa chất, địa mạo các năm 1994, 2000, 2023.

Văn bản: Những hòn đảo trên vịnh Hạ Long

Vịnh Hạ Long là thắng cảnh có một không hai của đất nước ta. Trên một diện tích hẹp, mọc lên hàng nghìn đảo nhấp nhô khuất khúc như rồng chầu, phượng múa.

Đảo có chỗ sừng sững, chạy dài như bức trường thành vững chãi, ngăn khơi với lộng, nối mặt biển với chân trời. Có chỗ đảo dàn ra thưa thớt, hòn này với hòn kia biệt lập, xa trông như quân cờ bày chon von trên mặt biển. Có chỗ đảo quần tụ lại, xúm xít như vạn chài lúc neo thuyền, phơi lưới.

Đảo của Hạ Long không phải là những núi đá buồn tẻ, đơn điệu mà mỗi hòn, mỗi dáng đều thấp thoáng hình ảnh của sự sống. Có hòn trông như đôi gà đang xoè cánh chọi nhau trên mặt nước (hòn Gà Chọi); có hòn bề thế như mái nhà (hòn Mái Nhà); có hòn chông chênh như con cóc ngồi bờ giếng (hòn Con Cóc), có hòn như ông lão trầm tĩnh ngồi câu cá (hòn Ông Lã Vọng),... Có nhiều hang đảo đẹp, như hang Bồ Nâu, hang Đầu Gỗ,... Mỗi hang đảo gắn với một sự tích huyền bí.

Ngắm Hạ Long với trăm nghìn đảo đá sừng sững, ta có cảm giác được chiêm ngưỡng một thế giới sống động đã trải qua hàng triệu năm hoá đá.

(Theo Thi Sảnh)

Những hòn đảo trên vịnh Hạ Long lớp 5 (trang 60, 61) | Kết nối tri thức Giải Tiếng Việt lớp 5

* Trả lời câu hỏi

Câu 1 trang 61 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 1: Tìm câu văn miêu tả bao quát về đảo ở vịnh Hạ Long. Câu văn đó giúp em hình dung được những gì về vịnh Hạ Long?

Trả lời:

Câu văn miêu tả bao quát về đảo ở vịnh Hạ Long: Trên một diện tích hẹp, mọc lên hàng nghìn đảo nhấp nhô khuất khúc như rồng chầu, phượng múa.

Câu văn này giúp em hình dung về vịnh Hạ Long là một nơi rất đẹp. Các đảo với sự sắp xếp đa dạng và thành những hình thù ấn tượng: con rồng, con phượng.

Câu 2 trang 61 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 1: Những hòn đảo ở Hạ Long được tạo hoá xếp đặt thú vị như thế nào? Bằng cách nào, tác giả giúp ta cảm nhận được điều đó?

Trả lời:

Những hòn đảo ở Hạ Long được tạo hoá xếp đặt thú vị: đảo có chỗ sừng sững, chạy dài như bức trường thành vững chãi, ngăn khơi với lộng, nối mặt biển với chân trời; có chỗ đảo dàn ra thưa thớt, hòn này với hòn kia biệt lập, xa trông như quân cờ bày chon von trên mặt biển; có chỗ đảo quần tụ lại, xúm xít như vạn chài lúc neo thuyền, phơi lưới.

Tác giả giúp ta cảm nhận được điều đó thông qua các từ miêu tả (sừng sững, chạy dài, thưa thớt, biệt lập, chon von, xúm xít,…), phép so sánh (như bức trường thành, như quân cờ bày chon von trên mặt biển, như vạn chài lúc neo thuyền, phơi lưới).

Câu 3 trang 61 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 1: Dựa vào bài đọc, em hãy miêu tả hình dáng một số hòn đảo ở Hạ Long.

Trả lời:

Hình dáng một số hòn đảo ở Hạ Long: Có hòn trông như đôi gà đang xoè cánh chọi nhau trên mặt nước (hòn Gà Chọi); có hòn bề thế như mái nhà (hòn Mái Nhà); có hòn chông chênh như con cóc ngồi bờ giếng (hòn Con Cóc), có hòn như ông lão trầm tĩnh ngồi câu cá (hòn Ông Lã Vọng),...

Câu 4 trang 61 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 1: Khi ngắm đảo ở vịnh Hạ Long, vì sao tác giả có cảm giác được “chiêm ngưỡng một thế giới sống động đã trải qua hàng triệu năm hoá đá"?

Trả lời:

Khi ngắm đảo ở vịnh Hạ Long, tác giả có cảm giác được “chiêm ngưỡng một thế giới sống động đã trải qua hàng triệu năm hoá đá" vì mỗi hòn đảo lại có những cảnh tượng trông giống một vật, một đối tượng có thật (con gà, mái nhà, con cóc, con người,…), làm những hành động có thật trong đời sống (chọi nhau, che chắn, ngồi, câu cá,…) dù chúng chỉ là những tảng đá đứng yên.

Câu 5 trang 61 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 1: Chủ đề của bài Những hòn đảo trên vịnh Hạ Long là gì? Chọn đáp án đúng.

A. Vẻ đẹp kì thú của những hòn đảo trên vịnh Hạ Long

B. Sự thơ mộng, huyền bí của sóng nước Hạ Long

C. Sức cuốn hút của thiên nhiên Hạ Long đối với du khách

D. Những cảnh đẹp có một không hai của thiên nhiên

Trả lời:

Đáp án đúng là: A. Vẻ đẹp kì thú của những hòn đảo trên vịnh Hạ Long.

* Luyện tập theo văn bản đọc

Câu 1 trang 61 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 1: Nêu tác dụng của các từ ngữ sau trong việc miêu tả những hòn đảo trên vịnh Hạ Long.

Những hòn đảo trên vịnh Hạ Long lớp 5 (trang 60, 61) | Kết nối tri thức Giải Tiếng Việt lớp 5

Trả lời:

Tác dụng của các từ ngữ trong việc miêu tả những hòn đảo trên vịnh Hạ Long:

– nhấp nhô: các hòn đảo nhô lên thụt xuống một cách liên tiếp.

– sừng sững: các hòn đảo to lớn, chắn ngang tầm nhìn con người.

– thưa thớt: các hòn đảo rất thưa, nơi có nơi không có đảo, chỗ nhiều chỗ ít đảo.

– chon von: các đảo trợ trọi ở trên cao, không có chỗ dựa chắc chắn trên biển.

– xúm xít: các hòn đảo tập trung lại rất nhiều.

– chông chênh: các hòn đảo trông không vững chãi, không ổn định, trông có thể đổ sập.

Tóm lại, các từ ngữ miêu tả trên giúp các hòn đảo vịnh Hạ Long được miêu tả kĩ hơn, dễ hình dung cho người đọc hơn. Giúp người đọc hiểu hơn về sự kì vĩ, tài tình của các hòn đảo tại vịnh Hạ Long mà thêm yêu quý, thán phục vẻ đẹp của vịnh hơn.

Câu 2 trang 61 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 1: Tìm trong các từ dưới đây những cặp từ đồng nghĩa.

Những hòn đảo trên vịnh Hạ Long lớp 5 (trang 60, 61) | Kết nối tri thức Giải Tiếng Việt lớp 5

Trả lời:

Trong các từ dưới đây có những cặp từ đồng nghĩa là:

+ ngắm nhìn, chiêm ngưỡng: hành động nhìn và quan sát của con người.

+ quần tụ, quây quần: tập trung lại ở một nơi, một chỗ.

+ vững chắc, vững chãi: có khả năng đứng vững, giữ nguyên mà không bị ảnh hưởng gì.

+ trầm tĩnh, trầm lặng: tỏ ra sự bình tĩnh, không đột ngột biến đổi.

Câu 3 trang 61 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 1: Đặt câu với 1 cặp từ đồng nghĩa em tìm được ở bài tập 2.

Trả lời:

– Những hòn đảo quần tụ lại một nơi như những con rồng quây quần, tìm về chốn sinh ra.

– Du khách tham quan vịnh Hạ Long có cơ hội được ngắm nhìn những hòn đảo chênh vênh giữa mặt biển, chiêm ngưỡng những đảo đá thành hình sống động.

Viết: Quan sát phong cảnh trang 61, 62

Yêu cầu: Quan sát một cảnh ao hồ, sông suối hoặc biển đảo và ghi lại kết quả quan sát.

Câu 1 trang 61 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 1: Chuẩn bị.

– Lựa chọn phong cảnh để quan sát (cảnh ao, hồ, sông, suối, biển, đảo,...).

– Lựa chọn cách quan sát (trực tiếp hoặc qua tranh ảnh, video,...).

– Lựa chọn trình tự quan sát.

a. Theo không gian:

– Từ bao quát toàn cảnh đến từng chi tiết, từng bộ phận (hoặc ngược lại)

– Từ gần đến xa (hoặc ngược lại)

– Từ trái qua phải (hoặc ngược lại)

Quan sát phong cảnh trang 61, 62 lớp 5 | Kết nối tri thức Giải Tiếng Việt lớp 5

b. Theo thời gian:

– Theo thời gian trong ngày

– Theo các mùa trong năm

– Theo sự thay đổi của phong cảnh trong mỗi lần quan sát

Quan sát phong cảnh trang 61, 62 lớp 5 | Kết nối tri thức Giải Tiếng Việt lớp 5

Trả lời:

Em lựa chọn một phong cảnh để quan sát (ao, hồ, sông, suối, biển, đảo), chọn lựa cách quan sát (trực tiếp quan sát qua thăm thú, gián tiếp quan sát qua tranh, ảnh, video), lựa chọn trình tự quan sát (theo không gian hoặc thời gian) rồi ghi lại kết quả ghi chép.

Câu 2 trang 62 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 1: Quan sát và ghi lại kết quả quan sát.

M: Quan sát dòng suối theo trình tự không gian:

Quan sát phong cảnh trang 61, 62 lớp 5 | Kết nối tri thức Giải Tiếng Việt lớp 5

a. Quan sát toàn cảnh.

G:

– Không gian chung (thoáng, rộng, giữa rừng bao la,...)

– Đặc điểm chung (yên tĩnh, thơ mộng,..)

b. Quan sát từng sự vật, hiện tượng,…

G:

Quan sát phong cảnh trang 61, 62 lớp 5 | Kết nối tri thức Giải Tiếng Việt lớp 5

Lưu ý: Em có thể lựa chọn một số sự vật, hiện tượng chủ yếu, trọng tâm hoặc những sự vật, hiện tượng nổi bật, đặc sắc để quan sát.

Trả lời:

Em quan sát hồ nước theo trình tự không gian:

a. Quan sát toàn cảnh:

+ Không gian chung: bị bó hẹp trong một khu vực, thoáng và mát, có nhiều cây cối xung quanh bờ hồ.

+ Đặc điểm chung: yên tĩnh, có ít sóng, chỉ gợn lăn tăn đợt nhỏ, nước không quá trong xanh, hơi đục và không thấy đáy.

b. Quan sát từng sự vật, hiện tượng.

Cảnh vật

Hình dáng

Màu sắc

Âm thanh

Hương vị

Nước hồ

Ít sóng gợn, lăn tăn gợn nhỏ

Đục vẩn, không thấy đáy

Yên ắng, tĩnh lặng

Hồ sạch sẽ, không xộc mùi lạ nào

Cây xanh quanh hồ

Cây to, xum xuê, cỏ mọc um tùm, nhiều

Xanh, điểm hoa màu đỏ, vàng

Xào xạc

Hoa toả mùi thơm


trong hồ

Đa dạng loại: to, nhỏ. Chủ yếu thấy cá nhỏ

Trắng, đen, vàng

Cá quẫy đuôi vào nước kêu từng tiếng vụt

không

Câu 3 trang 62 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 1: Trao đổi về kết quả quan sát.

Quan sát phong cảnh trang 61, 62 lớp 5 | Kết nối tri thức Giải Tiếng Việt lớp 5

Trả lời:

Em trao đổi với bạn về kết quả quan sát.

Nói và nghe: Bảo tồn động vật hoang dã trang 63

Yêu cầu: Thảo luận về việc bảo tồn động vật hoang dã.

Câu 1 trang 63 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 1: Chuẩn bị.

– Tìm hiểu về động vật hoang dã và việc bảo tồn động vật hoang dã qua sách báo, in-tơ-nét.

G: Một số cuốn sách về động vật hoang dã: Sinh vật trú ẩn và săn mồi (Rắt Ô-oen),
Khám phá rừng giàĐộng vật hoang dã (Xti Pa-cơ),...

– Ghi chép các thông tin quan trọng về những hoạt động bảo vệ động vật hoang dã.

Trả lời:

Trên trang báo Nhân dân có ghi các thông tin về hoạt động bảo vệ động vật hoang dã:

– Đẩy mạnh đấu tranh, xử lý vi phạm

Theo báo cáo về "Công tác xử lý tội phạm về động vật hoang dã tại Việt Nam năm 2022" của Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) ngày 6/9/2023, phân tích dựa trên 156 vụ án hình sự về động vật hoang dã phát hiện trong năm 2022 cho thấy, Việt Nam tiếp tục đạt được những kết quả đáng khích lệ trong công tác xử lý tội phạm về động vật hoang dã. Trong năm 2022, đã có 95% số vụ án hình sự về động vật hoang dã có đối tượng bị bắt giữ; 79% các vụ án hình sự có đối tượng đã được đưa ra xét xử và kết án với mức án tù trung bình là 3,01 năm.

Báo cáo cũng khẳng định những chuyển biến tích cực sau khi Bộ luật Hình sự sửa đổi có hiệu lực vào năm 2018 đã tạo ra một bước tiến quan trọng trong cải cách tư pháp, góp phần tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong công tác điều tra và xử lý tội phạm về động vật hoang dã.

– Tăng cường quản lý hiệu quả

Điều 244 Bộ luật Hình sự quy định, người có các hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép loài động vật; hoặc tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống, sản phẩm của loài động vật thuộc danh mục ưu tiên bảo vệ, tùy tính chất, mức độ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 500 triệu đến 2 tỷ đồng; hoặc phạt tù từ 1 đến 15 năm.

Đây là những chế tài xử lý được cho là nghiêm khắc nhất từ trước tới nay, nhưng các hành vi vi phạm vẫn tiếp diễn, thậm chí có nơi còn xảy ra những vụ việc nghiêm trọng.

Câu 2 trang 63 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 1: Thảo luận.

– Người điều hành nếu nội dung thảo luận.

– Từng bạn trình bày ý kiến đã chuẩn bị. Ví dụ:

+ Thực tế: Nhiều loài động vật đang có nguy cơ tuyệt chủng, bị sản bắt, buôn bán trái phép; rừng bị chặt phá khiến môi trường sống của động vật hoang đã bị đe doạ;…

+ Những việc cần làm: Lập các khu bảo tồn; tuyên truyền vận động không chặt phá rừng, không săn bắt, không buôn bán động vật hoang dã;...

– Cả nhóm trao đổi, góp ý và thống nhất ý kiến.

+ Khẳng định tầm quan trọng của việc bảo tồn động vật hoang dã.

+ Nhấn mạnh những việc cần làm để bảo tồn động vật hoang dã.

Trả lời:

Em trao đổi với các bạn nội dung đã chuẩn bị như phần 1 và trao đổi ý kiến, góp ý và thống nhất ý kiến.

Câu 3 trang 63 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 1: Đánh giá.

– Những thông tin quan trọng

– Ý kiến hay

Bảo tồn động vật hoang dã trang 63 lớp 5 | Kết nối tri thức Giải Tiếng Việt lớp 5

Trả lời:

Em và các bạn đánh giá thông tin quan trọng, ý kiến hay của các bạn trong nhóm, lớp.

* Vận dụng

Câu hỏi trang 63 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 1: Sưu tầm tranh ảnh và tìm đọc thêm những thông tin về vịnh Hạ Long.

Trả lời:

– Sưu tầm tranh ảnh về vịnh Hạ Long:

Bảo tồn động vật hoang dã trang 63 lớp 5 | Kết nối tri thức Giải Tiếng Việt lớp 5

Bảo tồn động vật hoang dã trang 63 lớp 5 | Kết nối tri thức Giải Tiếng Việt lớp 5

Bảo tồn động vật hoang dã trang 63 lớp 5 | Kết nối tri thức Giải Tiếng Việt lớp 5

– Sưu tầm thông tin về vịnh Hạ Long:

Truyền thuyết vịnh Hạ Long

Một truyền thuyết vịnh Hạ Long được lưu truyền rộng rãi, phổ biến nhất trong dân gian đó là: Ngày xưa, khi nước Việt ta mới được thành lập đã bị giặc ngoại xâm đánh chiếm. Thấy thế Ngọc Hoàng đã cử Rồng Mẹ cùng đàn Rồng Con của mình xuống hạ giới để giúp đỡ người Việt đánh giặc. Khi các thuyền giặc ồ ạt tiến từ biển vào bờ cũng là lúc đàn Rồng hạ phàm. Ngay lập tức, đàn Rồng phun lửa thiêu cháy thuyền giặc và một phần nhả Châu Ngọc đã tạo thành một bức tường đá vô cùng vững chắc sừng sững giữa đất trời khiến thuyền giặc đâm vào vỡ tan tành.

Sau khi đánh tan giặc ngoại xâm giúp người Việt, đàn Rồng mới có dịp chiêm ngưỡng khung cảnh nơi đây. Thấy mặt đất thanh bình, cây cối xanh tươi và những con người thì cần cù, chịu khó nên Rồng Mẹ đã quyết định cùng Rồng Con ở lại nơi vừa mới diễn ra trận đấu để có thể bảo vệ con dân Đại Việt muôn đời. Và ngày nay, nơi Rồng Mẹ đáp xuống chính là Vịnh Hạ Long còn nơi đàn Rồng Con hạ giới là vịnh Bái Tử Long.

1 44 lượt xem