Bài 1: Tiếng hát của người đá (trang 8) Tiếng Việt lớp 5 Tập 2 – Kết nối tri thức

Lời giải Tiếng Việt lớp 5 Bài 1: Tiếng hát của người đá trang 8 sách Kết nối tri thức giúp học sinh dễ dàng làm bài tập Tiếng Việt lớp 5 Tập 2.

1 30 09/01/2025


Bài 1: Tiếng hát của người đá – Tiếng Việt lớp 5

Đọc: Tiếng hát của người đá

Nội dung chính Tiếng hát của người đá: Người đá là biểu tượng cho sức mạnh của thiên nhiên, cuộc sống của con người Việt Nam không thể xa rời thiên nhiên, cây cối, núi non. Đời sống bền chặt, có tình cảm sâu nặng giữa thiên nhiên con người.

Câu hỏi trang 8 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2: Kể tên 1 – 2 truyện cổ mà em đã đọc hoặc đã nghe. Nêu những chi tiết em thích.

Trả lời:

Truyện cổ mà em đã đọc và đã nghe là: Cô bé bán diêm, Nàng tiên cá, Chú lính chì dũng cảm.

Những chi tiết mà em thích trong các câu truyện cổ đó là: Trong truyện Cô bé bán diêm, mỗi lần quẹt lên một que diêm cháy, cô lại đều nhìn thấy những ước mơ đẹp, hình ảnh đẹp hiện ra; truyện Nàng tiên cá có chi tiết tiên cá đổi mạng sống của mình thành bọt biển để hoàng tử được hạnh phúc; truyện Chú lính chì dũng cảm có chi tiết dù chú lính đồ chơi gãy một chân nhưng vẫn vượt qua gian khó, trở về nhà với cuộc sống hạnh phúc.

Văn bản: Tiếng hát của người đá

Trên đỉnh núi cao ở vùng Chư Bô-đa, có một mỏm đá xanh giống hình một em bé cưỡi voi. Những tia nắng vàng dịu, những hạt mưa trong vắt thay nhau tắm gội, sưởi ấm cho mỏm đá. Gió rì rào kể cho mỏm đá nghe những câu chuyện về mọi miền. Chim hót cho mỏm đá nghe những điệu ca du dương. Cứ thế, năm này qua năm khác, những câu chuyện của gió, những bài ca của chim thấm sâu vào mỏm đá hình em bé.

Một buổi sáng, mỏm đá khẽ cựa quậy, rồi từ từ biến thành một em bé xinh đẹp. Em bước xuống núi, thấy muông thú từng đàn kéo về phá nương rẫy, dân làng đuổi đằng đông, dồn đằng tây mà chẳng ăn thua gì. Em bé liền cất giọng hát. Tiếng hát của em vang khắp núi rừng. Muông thú quên cả phá lúa, nhảy múa theo tiếng hát. Dân làng vây quanh em bé, hỏi em từ đâu tới, tên em là gì, nhưng em chỉ cười. Mọi người đặt tên cho em là Nai Ngọc.

Ngày nọ, giặc kéo đến đông như lá rừng, nhanh như chớp giật, giáo mác chĩa lên trời tua tủa như bông lách, bông lau. Dân làng không kể trẻ già, trai gái vội cầm tên nỏ, khiên đao đuổi giặc. Bốn phương lửa cháy rừng rực. Nai Ngọc trèo lên một mỏm núi, cất tiếng hát kêu gọi những kẻ xâm lược chớ đi ăn cướp, hãy trở về với vợ con, đi hái rau ngọt, cắt lúa vàng, tối ngủ bên lửa ấm, sáng thức dậy theo mặt trời,... Giọng hát của Nai Ngọc khiến giặc đứng sững như những pho tượng, vũ khí tuột khỏi tay

Giặc tan, nhưng không thấy Nai Ngọc đâu. Dân làng bảo nhau rằng sau khi giúp dân trừ giặc, Nai Ngọc đã trở lên núi cao, biến thành đá như trước. Ai cũng tin rằng nhất định Nai Ngọc sẽ trở về với dân làng, cất tiếng hát giữa cảnh núi rừng thanh bình, tươi đẹp.

(Theo Truyện cổ Việt Nam, Ngọc Anh và Văn Lang kể)

Tiếng hát của người đá lớp 5 trang 8, 9 | Kết nối tri thức Giải Tiếng Việt lớp 5

* Trả lời câu hỏi

Câu 1 trang 9 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2: Mỏm đá trên đỉnh núi cao có gì đặc biệt? Mỏm đá được mọi vật yêu quý như thế nào?

Tiếng hát của người đá lớp 5 trang 8, 9 | Kết nối tri thức Giải Tiếng Việt lớp 5

Trả lời:

Mỏm đá trên núi cao có điểm đặc biệt:

+ Nắng: vàng dịu, sưởi ấm cho mỏm đá.

+ Mưa: trong vắt thay nhau tắm gội.

+ Mỏm đá: có màu xanh, giống hình một em bé cưỡi voi.

+ Gió: rì rào kể cho mỏm đá nghe những câu chuyện về mọi miền.

+ Chim: hót cho mỏm đá nghe những điệu ca du dương.

– Mỏm đá được mọi vật vô cùng yêu quý, năm nay qua năm khác thấm đẫm tình cảm với mỏm đá.

Câu 2 trang 9 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2: Chuyện gì xảy ra vào ngày mỏm đá hoá thành một em bé? Mọi người được chứng kiến điều gì kì lạ khi em bé người đã cất tiếng hát vang khắp núi rừng?

Tiếng hát của người đá lớp 5 trang 8, 9 | Kết nối tri thức Giải Tiếng Việt lớp 5

Trả lời:

Vào ngày mỏm đá hoá thành một em bé, điều kì lạ xảy ra là: muông thú từng đàn kéo về phá nương rẫy, dân làng đuổi đằng đông, dồn đằng tây mà chẳng ăn thua gì.

Mọi người được chứng kiến điều kì lạ khi em bé cất tiếng hát: Muông thú quên cả phá lúa, nhảy múa theo tiếng hát.

Câu 3 trang 9 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2: Khi giặc kéo đến, em bé người đá và dân làng đã làm gì để đuổi giặc?

Trả lời:

Khi giặc kéo đến, em bé người đá và dân làng đuổi giặc bằng cách: Dân làng không kể trẻ già, trai gái vội cầm tên nỏ, khiên đao đuổi giặc; Nai Ngọc trèo lên một mỏm núi, cất tiếng hát kêu gọi những kẻ xâm lược chớ đi ăn cướp, hãy trở về với vợ con, đi hái rau ngọt, cắt lúa vàng, tối ngủ bên lửa ấm, sáng thức dậy theo mặt trời,...

Câu 4 trang 9 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2: Theo em, lời hát của em bé người đá thể hiện ước nguyện gì của con người?

Trả lời:

Theo em, lời hát của em bé người đá thể hiện ước nguyện của con người: cuộc sống của con người hoà bình, đoàn kết lẫn nhau, có những gia đình hạnh phúc, chăm chỉ làm lụng kiếm tiền, có những mùa vàng trĩu quả, tăng gia sản xuất tốt.

Câu 5 trang 9 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2: Nêu một kết thúc khác cho câu chuyện theo mong muốn của em.

Trả lời:

Theo mong muốn của em, truyện sẽ kết thúc: Nai Ngọc biến thành một rặng tre khổng lồ, trĩu ngọn ôm lấy ngôi làng. Khi có mưa to, gió lớn, cây tre phấp phới huơ đi huơ lại cản gió, làm mưa nhẹ, nắng mau tới. Cuộc sống của dân làng từ ấy hạnh phúc ấm êm.

Luyện từ và câu: Câu đơn và câu ghép

Câu 1 trang 10 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2: Đọc các câu sau và thực hiện yêu cầu.

a. Trời không mưa. Ruộng đồng khô hạn, nứt nẻ.

b. Trời không mưa nên ruộng đồng khô hạn, nứt nẻ.

– Xác định chủ ngữ, vị ngữ của mỗi câu ở ví dụ a.

– Câu ở ví dụ b có mấy cụm chủ ngữ – vị ngữ? Từ nên có tác dụng gì trong câu?

Trả lời:

a. Trời không mưa. Ruộng đồng khô hạn, nứt nẻ.

– Chủ ngữ của mỗi câu là: Trời; ruộng đồng.

– Vị ngữ của mỗi câu là: không mưa; khô hạn, nứt nẻ.

b. Trời không mưa nên ruộng đồng khô hạn, nứt nẻ.

– Chủ ngữ của câu là: Trời; ruộng đồng.

– Vị ngữ của câu là: không mưa; khô hạn, nứt nẻ.

– Từ “nên” trong câu b có tác dụng là từ nối hai cụm chủ vị với nhau.

Câu 2 trang 10 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2: Xác định câu có hai cụm chủ ngữ – vị ngữ trong đoạn văn dưới đây. Từ nào có tác dụng nối các cụm chủ ngữ – vị ngữ đó?

(1) Những cánh buồm chung thuỷ cùng con người vượt qua bao nhiêu sóng nước, thời gian. (2) Đến nay, con người đã có những con tàu to lớn vượt biển khơi, nhưng những cánh buồm vẫn sống mãi cùng sông nước và con người.

(Theo Băng Sơn)

Trả lời:

– Câu có hai cụm chủ ngữ – vị ngữ trong đoạn văn là: Đến nay, con người đã có những con tàu to lớn vượt biển khơi, nhưng những cánh buồm vẫn sống mãi cùng sông nước và con người.

– Từ có tác dụng nối các cụm chủ ngữ – vị ngữ là: nhưng

Ghi nhớ

– Câu đơn là câu có một cụm chủ ngữ – vị ngữ.

– Câu ghép là câu gồm các cụm chủ ngữ – vị ngữ ghép lại. Mỗi cụm chủ ngữ – vị ngữ trong câu ghép được gọi là một vế câu. Các vế trong câu ghép có sự kết nối chặt chẽ với nhau.

Câu 3 trang 10 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2: Tìm câu ghép trong đoạn văn dưới đây và xác định các vế trong mỗi câu ghép.

(1) Chúng tôi đi chăn trâu, ngày nào cũng qua suối. (2) Cỏ gần nước tươi tốt nên trâu ăn cỏ men theo bờ suối, rồi mới lên đồi, lên núi. (3) Chiều về, đàn trâu no cỏ đằm mình dưới suối, chúng tôi tha thẩn tìm những viên đá đẹp cho mình.

(Theo Văn Thành Lê)

Luyện từ và câu lớp 5 trang 10 (Câu đơn và câu ghép) | Kết nối tri thức Giải Tiếng Việt lớp 5

Trả lời:

– Câu ghép trong đoạn văn dưới là:

+ Cỏ gần nước tươi tốt nên trâu ăn cỏ men theo bờ suối, rồi mới lên đồi, lên núi;

Vế 1 trong câu là: Cỏ gần nước tươi tốt

Vế 2 trong câu là: trâu ăn cỏ men theo bờ suối, rồi mới lên đồi, lên núi

+ Chiều về, đàn trâu no cỏ đằm mình dưới suối, chúng tôi tha thẩn tìm những viên đá đẹp cho mình.

Vế 1 trong câu là: Chiều về, đàn trâu no cỏ đằm mình dưới suối

Vế 2 trong câu là: chúng tôi tha thẩn tìm những viên đá đẹp cho mình.

Câu 4 trang 10 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2: Đặt 1 – 2 câu ghép nói về nhân vật Nai Ngọc trong bài đọc Tiếng hát của người đá.

Trả lời:

Câu ghép nói về nhân vật Nai Ngọc trong bài đọc Tiếng hát của người đá:

Tuy Nai Ngọc chỉ là một người đá nhưng cậu bé có một tấm lòng thơm thảo, biết cưu mang và đem hạnh phúc tới cho dân làng. Nai Ngọc không gắn bó được lâu dài với làng, song cậu sẽ mãi là người hùng khó quên trong tâm trí mọi người.

Viết: Tìm hiểu cách viết bài văn tả người

Câu 1 trang 11 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2: Đọc bài văn dưới đây và thực hiện yêu cầu.

Chú bé vùng biển

Thắng, con cá vược của thôn Bần, là địch thủ bơi lội đáng gờm nhất của bọn trẻ.

Lúc này, Thắng đang ngồi trên chiếc thuyền đậu ở ngoài cùng. Nó trạc tuổi thằng Chân “phệ” nhưng cao hơn hẳn cái đầu. Nó cởi trần, phơi nước da rám đỏ khoẻ mạnh của những đứa trẻ lớn với nắng, nước mặn và gió biển. Thân hình nó rắn chắc, cân đối, nở nang: cổ mập, vai rộng, ngực nở căng, bụng thon hằn rõ những múi, hai cánh tay gân guốc như hai cái bơi chèo, cặp đùi dế chắc nịch. Thắng có cặp mắt to và sáng. Miệng tươi, hay cười. Cái trán hơi dô ra, trông có vẻ là một tay bướng bỉnh, gan dạ.

Tấm lưới rộng đang vá phủ lên hai đầu gối, tay Thắng cầm kim tre đưa lên đưa xuống thoăn thoắt coi bộ rất thành thạo. Chỗ lưới thủng cứ mỗi lúc một nhỏ dần lại. Tay vẫn thoăn thoắt vá lưới nhưng mắt Thắng thỉnh thoảng lại nhìn lên bờ như có ý chờ đợi ai. Nhác trông thấy lũ trẻ chạy xuống bến, nó vội vàng đặt tấm lưới trên gối xuống, bước đến bên mạn thuyền, bám tay vào cọc chèo và đu mình xuống nước, êm không một tiếng động. Nó ngụp một cái lặn biến đi như một con cá.

Bọn trẻ đứng trên bờ nhìn nó lặn vừa ghen vừa phục.

(Theo Trần Vân)

Tìm hiểu cách viết bài văn tả người trang 11, 12 lớp 5 | Kết nối tri thức Giải Tiếng Việt lớp 5

a. Người được tả trong bài văn trên là ai?

b. Tìm phần mở bài, thân bài, kết bài của bài văn trên và nêu nội dung chính của mỗi phần.

c. Trong phần thân bài, đặc điểm của người được tả (một đứa trẻ lớn lên với nắng, nước mặn và gió biển) hiện ra như thế nào?

Tìm hiểu cách viết bài văn tả người trang 11, 12 lớp 5 | Kết nối tri thức Giải Tiếng Việt lớp 5

d. Bằng cách nào, tác giả làm nổi bật đặc điểm của người được tả?

Tìm hiểu cách viết bài văn tả người trang 11, 12 lớp 5 | Kết nối tri thức Giải Tiếng Việt lớp 5

Trả lời:

a. Người được tả trong bài văn trên là Thắng, cậu bé được ví như con cá vược của thôn Bần, là người bơi giỏi trong số đám trẻ của thôn.

b. + Phần mở bài của bài văn: Từ “Thắng” đến “đáng gờm nhất của bọn trẻ”.

Nội dung chính: Giới thiệu nhân vật Thắng và tài năng của cậu bé.

+ Phần thân bài của bài văn: Từ “Lúc này” đến “biến đi như một con cá”.

Nội dung chính: Miêu tả dáng vóc, thân hình, tư thế và tác phong làm việc, cách bơi của cậu bé Thắng.

+ Phần kết bài của bài văn: Câu còn lại.

Nội dung chính: Miêu tả thái độ, cảm xúc của bạn bè với cậu bé Thắng.

c. Trong phần thân bài, đặc điểm của người được tả (một đứa trẻ lớn lên với nắng, nước mặn và gió biển) hiện ra:

Ngoại hình

Tầm vóc so với lứa tuổi

Trạc tuổi thằng Chân “phệ” nhưng cao hơn hẳn cái đầu.

Dáng người

Thân hình rắn chắc, cân đối, nở nang: cổ mập, vai rộng, ngực nở căng, bụng thon hằn rõ những múi, hai cánh tay gân guốc như hai cái bơi chèo, cặp đùi dế chắc nịch.

Nước da

Nước da rám đỏ khoẻ mạnh

Gương mặt

Cặp mắt to và sáng. Miệng tươi, hay cười. Cái trán hơi dô ra.

Trang phục

Cởi trần

Hoạt động

Việc làm, cử chỉ,…

tấm lưới phủ lên hai đầu gối; cầm kim tre đưa lên đưa xuống thoăn thoắt; tay thoăn thoắt vá lưới, mắt thỉnh thoảng nhìn lên bờ.

Sở trường

Điểm mạnh nổi trội

Bơi ngụp, lặn xuống nước giỏi như một con cá.

d. Tác giả làm nổi bật đặc điểm của người được tả bằng cách:

+ Sử dụng và lựa chọn các từ ngữ có sức gợi tả: nước da rám đỏ; thân hình rắn chắc, cân đối, nở nang, vai rộng, ngực nở căng, bụng thon hằn rõ những múi;…

+ Sử dụng hình ảnh so sánh: cậu bé bơi giỏi như một con cá; hai cánh tay gân guốc như hai mái bơi chèo;…

+ Đặt người được tả vào thế được ngưỡng mộ trầm trồ: bọn trẻ đứng trên bờ nhìn nó lặn vừa ghen vừa phục; địch thủ bơi lội đáng gờm nhất của bọn trẻ.

Câu 2 trang 12 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2: Trao đổi về những điểm cần lưu ý khi viết bài văn tả người.

Tìm hiểu cách viết bài văn tả người trang 11, 12 lớp 5 | Kết nối tri thức Giải Tiếng Việt lớp 5

Trả lời:

Những điểm cần lưu ý khi viết bài văn tả người:

+ Bố cục của bài văn phải đảm bảo có đủ 3 phần: mở bài, thân bài, kết bài.

+ Cách lựa chọn chi tiết miêu tả: cần chọn lựa các chi tiết tiêu biểu, khi miêu tả có thể làm rõ liên tưởng, hình dung về người được tả.

+ Cần quan sát người được tả thật kĩ: về ngoại hình, thói quen, cử chỉ, hành động, công việc, quan hệ của người đó với mọi người xung quanh.

+ Chọn từ ngữ miêu tả thích hợp: dùng từ ngữ phù hợp với người miêu tả về tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp.

Ghi nhớ

Bài văn tả người thường có 3 phần:

– Mở bài: Giới thiệu người được tả và nêu ấn tượng chung về người đó.

– Thân bài:

+ Tả ngoại hình (đặc điểm nổi bật về tầm vóc, dáng người, gương mặt, trang phục,...).

+ Tả hoạt động (việc làm, cử chỉ, lời nói, cách ứng xử,...).

+ Tả sở trường, sở thích hoặc tính tình.

– Kết bài: Nêu nhận xét hoặc cảm nghĩ về người được tả.

* Vận dụng

Câu 1 trang 12 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2: Tìm đọc các đoạn văn hoặc bài văn tả người (trẻ em, người lớn,...).

Trả lời:

– Bài văn tả em bé (tham khảo):

Trong gia đình em có một nàng công chúa nhỏ đáng yêu là bé Kẹo. Em đã được 24 tháng tuổi.

Kẹo thật bụ bẫm nên trông bé như một chú gấu bông xinh xắn, dễ thương. Tóc em là tóc tơ, lưa thưa như những ngọn cỏ non mới mọc bay trong gió. Khuôn mặt Kẹo tròn trịa, bầu bĩnh trông thật đáng yêu. Em có làn da mịn màng, hồng hào như một thiên thần nhỏ dễ thương. Cặp mắt tròn xoe, đen láy dưới hàng lông mi cong và dài của Kẹo ánh lên vẻ thông minh, nhanh nhẹn. Nó khắc sâu vào tâm trí em dễ dàng như sự hồn nhiên, trong sáng của trẻ thơ. Cái mũi của nàng công chúa Kẹo hơi tẹt trông yêu ơi là yêu! Em có má bầu lúm đồng tiền hồng hồng phính ra hai bên như hai quả cà chua khiến ai đi qua cũng chỉ muốn bẹo mấy cái. Trên đôi môi đỏ thắm, chúm chím của Kẹo hay rạng ngời nụ cười tươi tắn y như nụ hoa xinh vừa hé mở. Và mỗi khi nụ hoa ấy bung nở thì để lộ năm cái răng trắng nõn của bé. Em có đôi bàn tay mũm mĩm hình búp măng cứ nắm chặt vào nhau, ngọ nguậy như những con sâu đo. Trên đôi bàn tay trắng trẻo ấy được mẹ đeo cho chiếc lắc vòng bạc óng ánh rất đẹp. Móng tay, móng chân bé như những nụ hồng chúm chím. Ở nhà, miệng em bi bô suốt ngày không lúc nào nghỉ.

Nàng công chúa nhỏ đáng yêu của em không những dễ thương mà còn rất ngộ nghĩnh. Mỗi lần không vừa ý điều gì hay bị trêu là Kẹo lại giả vờ khóc, úp mặt xuống gối rồi đợi mọi người đi lại ngẩng đầu lên, nom thật buồn cười!

Mỗi khi tập đi, mẹ và bà phải đỡ bên cạnh nếu không bé sẽ ngã. Kẹo đi lẫm chẫm, vài bước rồi lại đòi bò.

Đặc biệt, mỗi lần ăn em lại tự xúc cháo bằng thìa nhưng đang ăn thì cô bé tinh nghịch này lại vứt thìa và bò đi chơi chỗ khác. Bé mỗi lần ăn lại nhai chóp chép trông thật ngộ! Những lúc như vậy Kẹo lại dang rộng hai chân ra ôm chọn cái mâm.

Em thường hay cho bé tập vẽ nhưng mỗi khi vẽ cô bé nghịch ngợm này lại vẽ ra những nét nguệch ngoạc trông rất buồn cười. Những lúc như vậy, Kẹo ngỡ em chê xấu nên lại lăn ra ăn vạ đòi mẹ. Lúc ấy, mắt em húp lại thật đáng yêu! bé rất thích xem phim hoạt hình. Mỗi lần được xem lại reo hò sung sướng.

Em rất yêu quý Kẹo – cô công chúa nhỏ đáng yêu luôn mang lại niềm vui cho ngôi nhà của em.

– Bài văn tả bà của em (tham khảo):

"Bà hiền như suối trong". Đây là câu thơ mà em rất thích. Bởi vì em rất yêu bà của em. Bà đã chăm sóc em từ lúc lọt lòng và đã ru em bằng những câu hát ru êm dịu, ngọt ngào.

Bà em là một người phụ nữ tần tảo, đầy nghị lực. Bà luôn phải chống chọi với lưng còng. Tóc bà bạc phơ. Hai má bà đã hóp, thái dương hơi nhô. Trên khuôn mặt bà đã có nhiều nếp nhăn nhưng bà vẫn có những nét đẹp của bà thời con gái. Đó là khuôn mặt hình trái xoan, chiếc mũi cao và hàm răng đều. Tuy lưng bà còng, chân đi chậm nhưng bà vẫn tham công tiếc việc, chẳng mấy khi ngồi không. Từ sáng sớm, bà đã dậy cho gà ăn, nấu cơm, đun nước, quét nhà, quét sân… Mọi việc xong xuôi thì bà lại vác cuốc ra vườn cặm cụi xới đất, nhổ cỏ, tưới cây, bón phân cho cây.

Bà rất hiền và tốt bụng. Với con, với cháu bà yêu thương hết mực. Lần nào em về với bà, bà cũng có bánh hay kẹo cho em, khi thì kẹo lộc của bà đi lễ chùa, khi thì bánh của các bác về thăm nhà biếu bà. Đặc biệt bà chẳng bao giờ quên hỏi han về việc học hành của em và công việc của bố mẹ em. Bà luôn căn dặn nhắc nhở em về cách cư xử với mọi người và phải chăm học. Với hàng xóm láng giềng, bà luôn thăm hỏi, chia sẻ khi ốm đau; giúp đỡ người kém may mắn, gia đình khó khăn.

Em luôn kính trọng và mong bà sống lâu bởi em luôn hiểu rằng: tình thương yêu bà dành cho em là vô tận!

Câu 2 trang 12 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2: Tìm đọc sách báo viết về người tốt, việc tốt.

Trả lời:

– Sách viết về người tốt, việc tốt:

Tìm hiểu cách viết bài văn tả người trang 11, 12 lớp 5 | Kết nối tri thức Giải Tiếng Việt lớp 5

– Báo viết về người tốt, việc tốt:

Tìm hiểu cách viết bài văn tả người trang 11, 12 lớp 5 | Kết nối tri thức Giải Tiếng Việt lớp 5

Tìm hiểu cách viết bài văn tả người trang 11, 12 lớp 5 | Kết nối tri thức Giải Tiếng Việt lớp 5

1 30 09/01/2025