Bài 16: Xin chào, Xa-ha-ra (trang 76) Tiếng Việt lớp 5 Tập 1 – Kết nối tri thức

Lời giải Tiếng Việt lớp 5 Bài 16: Xin chào, Xa-ha-ra trang 76 sách Kết nối tri thức giúp học sinh dễ dàng làm bài tập Tiếng Việt lớp 5 Tập 1.

1 489 25/04/2024


Bài 16: Xin chào, Xa-ha-ra – Tiếng Việt lớp 5

Đọc: Xin chào, Xa-ha-ra trang 76, 77

Nội dung chính Xin chào, Xa-ha-ra:

Sa mạc khắc nghiệt nhưng là ước mơ, là đam mê của những người chưa từng được đến đây. Thời tiết, địa chất, con vật nơi đây đều độc đáo, làm cho những vị khách ghé thăm khó có thể quên được; từ sa mạc mà ngẫm nghĩ nhiều hơn về cuộc đời này.

* Khởi động

Câu hỏi trang 76 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 1: Trao đổi với bạn những điều em biết về sa mạc (thời tiết, cảnh vật, con vật, cây cối,...)

Trả lời:

Những điều em biết về sa mạc: thời tiết khắc nghiệt, rất nóng bức, ít mưa; chủ yếu là có xương rồng, không có nhiều cây xanh nào khác; chỉ có các loài vật chịu nóng tồn tại như lạc đà, thằn lằn, rắn sa mạc.

Văn bản: Xin chào, Xa-ha-ra

Sang phía nam dãy Át-lát, tôi như lạc vào phim khoa học viễn tưởng. Những rặng đá xám bỗng xỉn màu rồi ngả sang đen râm hoặc đỏ quạch. Bốn bề giống như sao Hoả.

Nghỉ vài chặng, xe bắt đầu quành vào sa mạc. Chúng tôi xuống xe dưới cái nắng như rải lửa khiến tóc của mọi người trở nên giòn tan. Nhưng tôi đã quên mất nắng nóng. Tôi còn bận thì thầm: “Xin chào, Xa-ha-ra.”.

Xa-ha-ra, sa mạc lớn nhất châu Phi đang ở ngay trước mắt tôi. Chân tôi đang giẫm lên nó. Cát của nó lộm cộm dưới đế giày. Cát sa mạc mịn như bột và mỏng manh như gió bụi, không to như cát Phan Thiết hay ẩm ướt như cát Sầm Sơn. Chúng tôi phấn khích nhảy nhót. Giấc mơ này là có thật. Chúng tôi đang ở đây, một trong những nơi hoang vu nhất địa cầu.

Chúng tôi trèo lên yên lạc đà. Chúng đứng bổng dậy, cao lừng lững. Những người dắt lạc đà phải ghìm để chúng không chạy. Chạy trên cát lún thì lạc đà là vô địch.

Trời tối dần, lạ thay, trời rất mát, thậm chí rất lạnh. Gió thổi lồng lộng kéo bật tóc tôi ra khỏi khăn trùm đầu. Chúng tôi đi khá lâu mới đến khu lều dành cho khách du lịch, nhưng không ai muốn vào những túp lều du mục ấy. Mọi người nằm kềnh ra những tấm chiếu dạ trải trên cát để ngắm sao, tận hưởng đêm duy nhất giữa sa mạc mênh mông.

Năm giờ sáng, trời hửng. Những cồn cát óng vàng vây quanh những căn lều vuông vắn. Bầu trời nhu nhú ánh bình minh rồi rải nắng non lóng lánh lên những hạt cát mịn. Đàn lạc đà lại đưa chúng tôi ra xe. Sa mạc hai triệu năm tuổi và những cồn cát lùi dần lại phía sau. Bỗng trên xe có người nói chưa biết quốc tịch của người bên cạnh. Mọi người cười phá lên, Phải rồi, việc mang quốc tịch gì đâu có quan trọng, khi mà ở giữa hoang mạc, ai cũng trở nên nhỏ bé như một hạt cát.

(Theo Di Li)

Xin chào, Xa-ha-ra lớp 5 (trang 76, 77, 78) | Kết nối tri thức Giải Tiếng Việt lớp 5

* Trả lời câu hỏi

Câu 1 trang 77 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 1: Tìm những chi tiết miêu tả sự khắc nghiệt của thiên nhiên:

– Trên con đường dẫn đến sa mạc Xa-ha-ra.

– Ở sa mạc Xa-ha-ra.

Trả lời:

Những chi tiết miêu tả sự khắc nghiệt của thiên nhiên:

– Trên con đường dẫn đến sa mạc Xa-ha-ra: Những rặng đá xám bỗng xỉn màu rồi ngả sang đen râm hoặc đỏ quạch; cái nắng như rải lửa khiến tóc của mọi người trở nên giòn tan.

– Ở sa mạc Xa-ha-ra: Cát của nó lộm cộm dưới đế giày. Cát sa mạc mịn như bột và mỏng manh như gió bụi, không to; Trời tối dần, lạ thay, trời rất mát, thậm chí rất lạnh. Gió thổi lồng lộng kéo bật tóc tôi ra khỏi khăn trùm đầu.

Câu 2 trang 77 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 1: Nhân vật “tôi” có cảm xúc gì khi được đến Xa-ha-ra? Cảm xúc đó được thể hiện ra sao?

Trả lời:

Khi được đến Xa-ha-ra, nhân vật “tôi” có cảm xúc phấn khích, muốn nhảy nhót, tưởng như mình đang trong một giấc mơ, quên mất nắng nóng.

Câu 3 trang 77 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 1: Những điều đặc biệt ở Xa-ha-ra được miêu tả thế nào?

Xin chào, Xa-ha-ra lớp 5 (trang 76, 77, 78) | Kết nối tri thức Giải Tiếng Việt lớp 5

Trả lời:

Những điều đặc biệt ở Xa-ha-ra được miêu tả:

+ Thời tiết: buổi sáng nóng, buổi tối trời rất mát, thậm chí rất lạnh, gió thổi lồng lộng.

+ Cát: mịn như bột và mỏng manh như gió bụi, không to như cát Phan Thiết hay ẩm ướt như cát Sầm Sơn.

+ Lạc đà: cao lừng lững, phải ghìm lại để chúng không chạy; chạy trên cát lún thì lạc đà là vô địch.

+ Bình minh: trời hửng. Những cồn cát óng vàng vây quanh những căn lều vuông vắn. Bầu trời nhu nhú ánh bình minh rồi rải nắng non lóng lánh lên những hạt cát mịn.

Câu 4 trang 77 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 1: Theo em, chi tiết đoàn khách du lịch muốn nằm ngoài trời để ngắm sao cho thấy cảm xúc gì của họ?

Trả lời:

Theo em, chi tiết đoàn khách du lịch muốn nằm ngoài trời để ngắm sao cho thấy cảm xúc rất vui mừng, rất tò mò và háo hức được nằm mình lên trên cát, ngắm nhìn sao trời tự nhiên. Khách du lịch rất yêu thích không gian sa mạc, muốn chìm đắm vào sa mạc vốn có.

Câu 5 trang 77 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 1: Câu cuối bài đọc cho biết điều gì? Chọn câu trả lời dưới đây hoặc nêu ý kiến của em.

A. Thiên nhiên quá hùng vĩ, con người quá bé nhỏ.

B. Ở một nơi kì vĩ như Xa-ha-ra, con người chỉ cần chú ý đến cảnh sắc thiên nhiên.

C. Thiên nhiên giúp xoá nhoà khoảng cách giữa người với người.

Trả lời:

Đáp án đúng là: C. Thiên nhiên giúp xoá nhoà khoảng cách giữa người với người.

* Luyện tập theo văn bản đọc

Câu 1 trang 77 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 1: Tìm trong và ngoài bài đọc những từ ngữ chỉ đặc điểm của sa mạc và những từ ngữ có nghĩa trái ngược với chúng.

M: hoang vu – sầm uất

Trả lời:

lớn – bé; mịn – thô; mênh mông – nhỏ hẹp; nóng nực – lạnh giá; vắng vẻ – đông đúc.

Câu 2 trang 78 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 1: Từ tối và từ lạnh trong câu sau được dùng với nghĩa gốc hay nghĩa chuyển?

Trời tối dần, lạ thay, trời rất mát, thậm chí rất lạnh.

Trả lời:

Từ tối và từ lạnh trong câu sau được dùng với nghĩa gốc. Trong đó tối là trạng thái thời gian khi không còn mặt trời chiếu sáng; lạnh là sự giảm nhiệt độ.

Câu 3 trang 78 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 1: Đặt câu chứa từ thổi mang mỗi nghĩa dưới đây:

a. Chúm miệng lại và làm cho luồng hơi bật mạnh từ trong miệng ra.

b. (Không khí) chuyển động thành luồng và gây ra tác động nhất định.

Trả lời:

a. Em và các bạn thi nhau thổi bóng bay để trang trí lớp.

b. Mùa đông, gió thổi rít lên từng đợt lạnh buốt.

Viết: Đánh giá, chỉnh sửa bài văn tả phong cảnh trang 78

Câu 1 trang 78 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 1: Nghe thầy cô giáo nhận xét chung.

Trả lời:

Em nghe thầy cô giáo nhận xét chung về bài viết.

Câu 2 trang 78 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 1: Đọc lại bài văn của em và lời nhận xét của thầy cô để biết bài làm đạt được những yêu cầu nào dưới đây:

Đánh giá, chỉnh sửa bài văn tả phong cảnh trang 78 lớp 5 | Kết nối tri thức Giải Tiếng Việt lớp 5

Trả lời:

Đọc lại bài văn của em và lời nhận xét của thầy cô để biết bài làm đạt được những yêu cầu như đã cho.

Câu 3 trang 78 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 1: Viết lại một số câu hoặc đoạn văn trong bài làm của em cho hay hơn theo gợi ý sau:

Cách 1: Sử dụng từ ngữ giàu sức gợi tả và hình ảnh so sánh, nhân hoá để cảnh vật hiện ra sống động hơn.

Ví dụ: Đôi bờ sông Vôn-ga được mùa thu thêu lên một màu vàng óng như hai dải lụa. Con tàu màu gạch tươi đi ngược dòng sông, bánh lái uể oải khuấy động mặt nước xanh thẫm. Nó kéo theo ở đầu sợi dây cáp dài một chiếc xà lan xám trông giống như con bọ đất. Mặt trời lững lờ di chuyển trên sông, cảnh vật đổi mới từng giờ từng phút.

(Theo Mác-xim Go-rơ-ki)

Cách 2: Đan xen câu văn nêu suy nghĩ, cảm xúc đối với phong cảnh được miêu tả.

Ví dụ: Núi non, sông nước tươi đẹp của Hạ Long là một bộ phận của non sông Việt Nam gấm vóc mà nhân dân ta đời nọ tiếp đời kia mãi mãi giữ gìn.

(Thi Sảnh)

Trả lời:

Em lựa chọn và viết lại một số câu hoặc đoạn văn trong bài làm của em cho hay hơn theo gợi ý.

+ Cách 1: Sử dụng từ ngữ giàu sức gợi tả và hình ảnh so sánh, nhân hoá để cảnh vật hiện ra sống động hơn.

+ Cách 2: Đan xen câu văn nêu suy nghĩ, cảm xúc đối với phong cảnh được miêu tả.

Nói và nghe: Cảnh đẹp thiên nhiên trang 79

Yêu cầu: Giới thiệu một cảnh đẹp thiên nhiên của đất nước ta.

Câu 1 trang 79 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 1: Chuẩn bị.

– Tìm hiểu những thắng cảnh nổi tiếng của Việt Nam.

G: Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), động Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình), đảo Ngọc – Phú Quốc (Kiên Giang),...

– Tìm đọc trên sách báo, in-tơ-nét,… thông tin về một thắng cảnh em muốn giới thiệu. Ghi chép những thông tin quan trọng về thắng cảnh.

Trả lời:

Em tìm hiểu thắng cảnh nổi tiếng của Việt Nam:

Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng: gây ấn tượng với tổng diện tích lên đến 200 000 ha cùng hệ thống 300 hang động lớn nhỏ nằm bên trong các ngọn núi đá vôi. Những hang động nổi tiếng tại đây phải kể đến như Động Phong Nha, Sông Chày Hang Tối, Hang Tám Cô, Động Thiên Đường, Thác Gió - Vườn Thực Vật,... Đặt chân vào các hang động nơi đây, bạn sẽ được chứng kiến hệ thống thạch nhũ tuyệt đẹp cùng hệ sinh thái cực kỳ đa dạng. Khí hậu tại Phong Nha - Kẻ Bàng quanh năm mát mẻ nên rất lý tưởng để du lịch.

Cố đô Huế: Quần thể di tích cố đô Huế là nơi đóng đô của triều đại nhà Nguyễn của Việt Nam trong suốt 143 năm kể từ năm 1802. Nơi đây được UNESCO công nhận là Di tích văn hoá thế giới. Dù trải qua bao năm tháng hay chiến tranh khốc liệt, đến nay Cố đô Huế vẫn giữa được những nét kiến trúc từ thuở ban đầu. Cố đô Huế có 16 hạng mục công trình, trong đó nổi bật nhất phải kể đến Cung điện trong Tử Cấm Thành, Kinh Thành, Hoàng Thành, đàn Nam Giao, lăng tẩm, Võ Miếu, Văn Miếu, Hồ Quyền và Chùa Thiên Mụ.

Thánh địa Mỹ Sơn: Tọa lạc tại tỉnh Quảng Nam, thánh địa Mỹ Sơn là quần thể kiến trúc với hơn 70 đền đài Chăm Pa cực kỳ độc đáo, nơi đây được chính thức phát hiện vào năm 1885 và được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá thế giới vào năm 1999. Dù bị chiến tranh lẫn thời gian tàn phá nặng nề nhưng đến nay các công trình của người Chăm Pa tại Mỹ Sơn hầu như vẫn còn nguyên vẹn

Câu 2 trang 79 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 1: Trình bày.

Cảnh đẹp thiên nhiên trang 79 lớp 5 | Kết nối tri thức Giải Tiếng Việt lớp 5

Trả lời:

Em trình bày nội dung đã chuẩn bị ở phần 1.

Câu 3 trang 79 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 1: Trao đổi, góp ý.

Cảnh đẹp thiên nhiên trang 79 lớp 5 | Kết nối tri thức Giải Tiếng Việt lớp 5

* Trả lời:

Em và các bạn trao đổi, góp ý về bài nói.

* Vận dụng

Câu hỏi trang 79 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 1: Tìm đọc sách báo hoặc xem video về những miền đất xa xôi mà con người ít có cơ hội đặt chân đến (Nam Cực, Bắc Cực, sa mạc,...).

Trả lời:

Báo VOV có bài báo nhan đề: 10 điều bí ẩn rất ít người biết về Nam Cực

Ngày 28/1/1820, đoàn thám hiểm của Nga do Thaddeus Bellingshausen và Mikhail Lazarev dẫn đầu đã khám phá ra Nam Cực. Sự tồn tại của nơi này chỉ được suy đoán trước đó.

Dưới đây là 20 sự thật thú vị ít người biết về vùng đất cực nam lạnh giá này.

1. Ở Nam Cực, có thời kỳ chỉ những người đã nhổ răng khôn và cắt ruột thừa mới có thể tới làm việc. Thực tế là các cuộc phẫu thuật trên không thể thực hiện tại các trạm ở Nam Cực. Do đó để làm việc ở đây, các thành viên của đoàn nghiên cứu cần phải loại bỏ răng khôn và ruột thừa ngay cả khi chúng hoàn toàn khỏe mạnh, phòng khi xảy ra sự cố vượt quá khả năng xử lý.

2. Nam Cực là nơi khô hạn nhất trên Trái đất. Hay đúng hơn, thung lũng McMurdo khô hạn nằm ở đây và một số khu vực đã không thấy mưa hay tuyết trong 2 triệu năm qua.

3. Giống như nhiều quốc gia, Nam Cực có tên miền riêng trên Internet là aq.

4. Cách đây 53 triệu năm, Nam Cực ấm đến mức những cây cọ mọc trên bờ biển, và nhiệt độ không khí cao trên 20 độ C.

5. Tháng 12/2013, Metallica tổ chức một buổi hòa nhạc ở châu Nam Cực, trở thành ban nhạc đầu tiên trên thế giới biểu diễn ở tất cả các lục địa. Để không làm ảnh hưởng đến hệ động vật địa phương, buổi hòa nhạc được tổ chức dưới một mái vòm bảo vệ đặc biệt, và khán giả nghe nhạc qua tai nghe.

6. Từ năm 1960 đến 1972, nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Nam Cực hoạt động tại Trạm McMurdo, trung tâm nghiên cứu và định cư lớn nhất do Mỹ sở hữu.

7. Nam Cực có trạm cứu hỏa riêng. Nó thuộc về nhà ga McMurdo và sử dụng những nhân viên cứu hỏa chuyên nghiệp nhất.

8. Bất chấp điều kiện khắc nghiệt, 1 150 loài nấm đã được tìm thấy ở Nam Cực. Chúng thích nghi hoàn hảo với nhiệt độ cực thấp và thời gian đóng băng, rã đông kéo dài.

9. Về mặt kỹ thuật, cả 24 múi giờ đều có mặt ở Nam Cực, vì ranh giới của chúng hội tụ tại một điểm ở cả hai cực.

10. Không có gấu trắng ở Nam Cực. Để nhìn thấy chúng, bạn sẽ phải đến Bắc Cực hoặc các nước khác như Canada.

1 489 25/04/2024