TOP 9 mẫu Nghị luận về câu nói “Bảo vệ môi trường là bảo vệ cuộc sống của chúng ta” (2023) SIÊU HAY
Nghị luận về câu nói “Bảo vệ môi trường là bảo vệ cuộc sống của chúng ta” lớp 8 gồm dàn ý và 9 bài văn mẫu hay nhất, chọn lọc giúp học sinh viết bài tập làm văn lớp 8 hay hơn.
Nghị luận về câu nói “Bảo vệ môi trường là bảo vệ cuộc sống của chúng ta”
Dàn ý Nghị luận về câu nói “Bảo vệ môi trường là bảo vệ cuộc sống của chúng ta”
1. Mở bài:
- Dẫn dắt giới thiệu vấn đề cần chứng minh, khẳng định vấn đề: "Bảo vệ môi trường thiên nhiên là bảo vệ cuộc sống của con người".
- Khẳng định: Đây là ý kiến hoàn toàn đúng đắn đã được thực tế chứng minh.
2. Thân bài:
a. Giải thích:
- Môi trường thiên nhiên là toàn bộ điều kiện tự nhiên xung quanh như đất, nước, không khí, hệ sinh thái....
- Bảo vệ môi trường thiên nhiên nghĩa là bảo vệ các yếu tố kể trên đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống con người.
- Vì vậy nhận định khẳng định tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường.
b. Chứng minh:
- Lợi ích của môi trường thiên nhiên:
+ Không khí: đem lại nguồn khí thở vô tận cho con người. Khí oxi duy trì sự sống cho vạn vật, không có oxi con người sẽ không sống được. Bảo vệ không khí trong sạch, con người sẽ sống khỏe mạnh hơn.
+ Nguồn nước: trong cơ thể nước chiếm 75%, không có nước con người sẽ chết khát, cây cối khô héo. Nước phục vụ sinh hoạt cho con người hằng ngày, nó đóng vai trò chính trong nông nghiệp, ngư nghiệp.
+ Rừng: cung cấp gỗ dựng nhà cửa. Là nơi trú ngụ của các loài vật. Rừng giúp cân bằng hệ sinh thái, ngăn lũ, xói mòn đất, điều hòa khí hậu.
+ Đất: là nơi ta ở, xây dựng nhà cửa, trường học, trồng trọt...
- Hậu quả của việc hủy hoại môi trường thiên nhiên:
+ Lượng khí thải CO2 gia tăng từ các nhà máy, xí nghiệp.. làm biến đổi khí hậu. Trái đất nóng lên do hiệu ứng nhà kính làm tan băng ở hai cực, nước biển dâng lên nhấn chìm các vùng đất thấp ven biển. Tầng ozone bị chọc thủng làm mất lớp bảo vệ con người trước bức phóng xạ tăng nguy cơ bị ung thư da.
+ Khi đất đai bị ô nhiễm, chất độc kéo theo nhiễm vào cây trồng và vật nuôi, con người ăn vào sẽ ảnh hưởng sức khỏe.
+Nước bị ô nhiễm, con người uống vào sẽ tích trữ chất độc hại gây các bệnh.
+Tài nguyên rừng có nguy cơ bị cạn kiệt do chặt phá rừng bừa bãi, khai thác khoáng sản quá mức gây ra hiện tượng lũ quét, lũ ống, sạt lở đất đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng người dân.
c. Biện pháp:
- Bảo vệ môi trường không chỉ là nhiệm vụ của mỗi cá nhân, mỗi dân tộc mà còn là nhiệm vụ chung của toàn nhân loại.
- Trồng cây, gây rừng, trồng cây quanh khu vực sinh sống.
- Thu gom rác thải, đổ rác đúng nơi quy định, tái chế rác thải, xử lí chất thải độc hại trước khi thải ra môi trường .
- Hưởng ứng ngày môi trường thế giới.
- Sử dụng điện nước tiết kiệm, vệ sinh nhà cửa.
- Tuyên truyền lợi ích của môi trường
3. Kết bài:
- Khẳng định lại vấn đề.
- Liên hệ bản thân về việc bảo vệ môi trường.
Nghị luận về câu nói “Bảo vệ môi trường là bảo vệ cuộc sống của chúng ta” – Mẫu 1
Trong đời sống xã hội nhiều năm trở lại đây, vấn đề môi trường sống được nhắc đến như là “điểm nóng” của tình hình thế giới. Các hội thảo khoa học, các hội nghị quốc tế, những cuộc thi, những cuộc vận động… xoay quanh vấn đề môi trướng sống đang từng ngày từng giờ được diễn ra, tất cả đều phát đi bức thông điệp khẩn thiết: Hãy cứu lấy môi trường!
Vì sao vậy? Vì đời sống của chúng ta sẽ bị tổn hại rất lớn nếu mỗi người không có ý thức bảo vệ môi trường sống. Môi trường sống bao gồm những điều kiện tự nhiên bao quanh con người. Môi trường sống lại được chia nhỏ thành các loại: đất, nước, cây cối, không khí, bầu trời. Môi trường sống có vai trò vô cùng quan trọng đối với đời sống con người, sự xâm hại đến môi trường sống gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự sống. Đất đai là tài nguyên vô giá không có khả năng sản sinh thêm, đó là điều kiện vật chất cơ bản cho mọi hoạt động sống của con người: trên mặt đất con người sinh sống, dựng nhà cửa, trường học, nhà máy…
Và đặc biệt là trên mặt đất, chúng ta trồng trọt các loại cây lương thực, thực phẩm: trồng ngũ cốc, rau màu, nuôi gia súc, gia cầm… Nhưng ngày nay, đất đai đang bị phá hoại nghiêm trọng. Diện tích đất nông nghiệp đang bị thu hẹp do việc xây dựng các nhà máy, các khu công nghiệp…; do bị cát xâm thực, bị nước mặn ăn dần… Đất cũng đang bị hư hại do các chất thải mà chủ yếu từ bao bì ni lông khó phân hủy. Mặt khác, còn do con người sử dụng quá nhiều phân bón hóa học khiến đất bị chua.
Cùng với mặt đất là nguồn nước sạch của Trái Đất. Đó là hệ thống nước ngầm, nước sông, nước ao hồ. Nước là một yếu tố không thể thiếu trong đời sống: nước dùng để uống, dùng cho sinh hoạt, cho tưới tiêu nông nghiệp, cho sản xuất công nghiệp… Nhưng nguồn nước sạch cũng đang dần cạn kiệt. Nước đang bị đe dọa bởi chất thải công nghiệp, bởi rác thải sinh hoạt, bởi nước mặn xâm hại (do hiện tượng mực nước biển dâng lên)…
Trong năm 2008, nhiều vụ án môi trường bị phát giác khiến chúng ta không khỏi lo lắng cho nguồn nước sạch của đất nước: vấn đề nước thải sông Thị Vải, sông Đồng Nai, sông Tô Lịch… Nguồn nước ô nhiễm là nguyên nhân chính gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm cho con người. Đã có nhiều kết luận khoa học chính thức về nguyên nhân gây ra các hiện tượng mắc bệnh ung thư hàng loạt ở một số làng là do nguồn nước (ở Thái Bình, Quảng Trị…) Cây cối trên mặt đất cũng không tránh được thảm hoại bị phá hoại. Cũng như đất, nước, cây cối có vai trò quan trọng đối với con người. Cây thanh lọc không khí, tạo ra cân bằng sinh thái, cây cho giá trị kinh tế (gỗ, thuốc, hoa quả…).
Nhưng cây hiện cũng đang bị đe dọa rất nhiều. Cây rừng đang bị chặt phá bừa bãi, nhiều trận cháy rừng diễn ra ở phạm vi rộng (cháy rừng ở Ấn Độ, Ma-lai-xi-a, ở Việt Nam có thể kể đến vụ cháy rừng U Minh năm 2003…). Rừng bị tàn phá, tai họa trước mắt ta có thể nhìn thấy được là những trận lũ lụt ở rừng đầu nguồn gây sạt lở đất đá làm thiệt hại nghiêm trọng về người và của. Chưa hết, lũ lụt còn đi liền với những trận đại hạn kéo dài làm cây cối chết khô tạo điều kiện cho cháy rừng lan nhanh hơn nữa! Hạn hán rồi lũ lụt, đó tiếp tục là nguyên nhân làm xói mòn, rửa trôi đất màu, đất mùn của nông nghiệp.
Mặt đất đã như vậy, không khí và bầu trời cũng không được bình yên! Không khí là yếu tố sống còn của nhân loại: không khí trước hết cho con người khí oxi để thở và để sống. Nhưng không khí đang bị khí thải công nghiệp, rác thải sinh hoạt tấn công. Đó là khí thải từ các nhà máy công nghiệp, từ các phương tiện giao thông (xe máy, ô tô…) là các loại vi trùng vi khuẩn bị lây nhiễm từ rác thải.
Không khí bị ô nhiễm là nguyên nhân gây ra sự bùng phát của nhiều loại bệnh lây qua đường hô hấp như quai bị, ho lao, cúm… và đặc biệt gần đây là bệnh cúm H5N1. Không khí ô nhiễm nặng nề kéo theo sự suy sụp của cả trời xanh. Khí các-bô-níc quá nhiều tạo ra hiện tượng hiệu ứng nhà kính làm Trái Đất nóng lên gây băng tan ở hai cực. Khí thải công nghiệp (đặc biệt là công nghiệp sản xuất tủ lạnh) làm thủng tầng ôzôn khiến Trái Đất phải hứng chịu cơn thịnh nộ của Mặt Trời là những tia tử ngoại, tia cực tím vô cũng nguy hại.
Môi trường sống quanh ta, những người bạn thân thiết nhất đối với sự sống đang bị đe dọa nghiêm trọng. Và đời sống của chúng ta sẽ bị tổn hại rất lớn nếu mỗi người không có ý thức bảo vệ môi trường sống. Bởi vậy, chúng ta hãy hành động vì môi trường bằng cách hạn chế những nguyên nhân hủy hoại môi trường. “Tổ quốc Việt Nam xanh ngát có sạch đẹp mãi được không? Điều đó tùy thuộc hành động của bạn, chỉ thuộc vào bạn thôi!”.
Đất nước ngày càng phát triển trên nhiều lĩnh vực, đời sống người dân ngày càng được nâng cao cách nghĩ. Lối sống của mỗi người ngày càng văn minh, tiến độ ứng xử có văn hóa. Đặc biệt là trong yêu cầu của cuộc sống ngày nay, đường phố xanh – sạch – đẹp là một tiêu chuẩn không thể thiếu đối với một thành phố văn minh, sạch đẹp
Điều đó khiến mỗi người cần có ý thức giữ gìn vệ sinh để bảo vệ sức khỏe cho bản thân mình và người khác. Nhận thức cùa người dân đa phần đã tích cực hơn. Mỗi nhà đều phải gom rác sinh hoạt để đúng chỗ để các cô chú công nhân vệ sinh đem vận chuyển đến nơi quy định để xử lý. Những việc làm đó thật đáng biểu dương vì không những giữ vệ sinh giữ sức khỏe cho cá nhân một người một gia đình mà còn cho cả cộng đồng .
Các bạn thấy đó tuy có nhiều người vô ý thức xả rác bừa bãi nhưng tồn tại song song với những con người này là số lớn những con người có ý thức vệ sinh rất tốt. Một nhóm bạn trẻ ở thành phố biển nhân ngày nghỉ hè rảnh rỗi đã cùng nhau nhặt rác ở khắp bãi biển, một bà lão lớn tuổi vẫn ngày ngày nhặt những mảnh chai trên cát, làm giảm đi sự nguy hiểm cho những người vui chơi trên biển. Đó là những việc làm tốt đẹp đáng cho ta noi theo. Còn những người vô ý thức kia đã đến lúc suy nghĩ lại. Hãy làm việc gì đó trước khi quá muộn. Nạn vứt rác bừa bãi có thể được khắc phục dựa trên sự cố gắng của mỗi người và toàn xã hội .
Ngay từ bây giờ , ta cần kêu gọi ý thức giữ gìn vệ sinh của mỗi người. Bằng nhiều hình thức như áp phích, panô, các chương trình tuyên truyền trên đài phát thanh truyền hình, những thông điệp cơ bản về ý thức bảo vệ môi trường sẽ được truyền đến tận tai, tận mắt của mỗi người góp phần nâng cao ý thức của người dân. Hơn nữa, đối với những người ương bướng, cố tình vi phạm cần phải bị xử phạt thích đáng.
Không thể nhẹ tay với những con người vô ý thức, tàn phá môi trường nghiêm trọng vì nếu quá dễ dãi với họ thì sẽ mãi không bao giờ chấm dứt được tình trạng trên. Nếu như thực hiện được những việc làm trên thì cuộc sống sẽ tươi đẹp biết bao. Và có lẽ ở nước ta cũng không xảy ra chuyện vớt trên sáu tấn rác mỗi ngày ở một con kênh hay những cái lắc đầu chê trách của du khách nước ngoài .
Mỗi người trong cộng đồng ai cũng muốn có sức khỏe dồi dào, người thân không ốm đau, láng giềng yên ổn nhưng do nếp sống nếp nghĩ quen thuộc của một số ít người mà còn hiện tượng vứt rác bừa bãi ra nơi công cộng. Thời đại công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước không cho phép người dân cứ tiếp tục lối sống, nếp nghĩ như thế. Hãy khắc phục nó bằng mọi cách có thể .
Mỗi người chúng ta hãy sống thật tốt đẹp, giữ gìn vệ sinh ở bất kì nơi đâu, trong nhà hay ngoài ngõ , trên cạn hay dưới sông để tạo môi trường sống trong lành cho cả mình và mọi người, để có điều kiện cống hiến nhiều nhất cho đất nước. Đứng trước xu thế hội nhập ngày nay, làm thế nào để vươn ra biển lớn, để hòa nhập cùng với bạn nè ở bốn phương. Thiết nghĩ, cần nhất là một gương mặt một diện mạo mới của đất nước. Một con đường sạch đẹp ở thành phố luôn tạo cho mọi người, nhất là các khách du lịch quốc tế một cảm giác thoải mái. Hãy làm cho mình đẹp hơn dưới con mắt của mọi người, đứng vì những thói quen xấu của cá nhân như vứt rác bừa bãi gây ảnh hưởng đến mọi người. Hãy chấm dứt những hành vi kém văn hóa ấy để làm cho cuộc sống của chúng ta ngày càng tốt đẹp hơn. Và hãy sống theo tinh thần cao đẹp: “Mình vì mọi người, mọi người vì mình”
Đối với em thì những hành vi như xả rác bừa bãi nơi công cộng, đổ nước thải sinh hoạt xuống cống, rãnh là những hành động xấu , đáng chê trách. Chúng gây những hậu quả nghiêm trọng cho mọi người. Vì vậy mỗi người dân chúng ta và toàn xã hội cần phải nhanh chóng khắc phục hiện tượng đó.
Riêng với chúng em – những học sinh – người chủ tương lai của đất nước thì giờ đây cần phải xem lại bản thân mình, điều chỉnh những hành vi của mình thật đúng đắn. Đứng trước hiện tượng vứt rác bừa bãi trên, chúng em sẽ tích cực nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, tuyên truyền cho bạn bè cùng làm theo. Hi vọng đề tài chứng minh rằng bảo vệ môi trường là bảo vệ cuộc sống của chúng ta và với những việc làm nhỏ đó chúng em đã góp phần làm cho môi trường sống xung quanh trở nên xanh – sạch – đẹp và trái đất sẽ luôn là ngôi nhà chung đáng yêu của tất cả nhân loại.
Nghị luận về câu nói “Bảo vệ môi trường là bảo vệ cuộc sống của chúng ta” – Mẫu 2)
Tạo hoá ban cho con người biết bao nhiêu thứ tinh hoa. Để tồn tại và phát triển văn minh cho đến ngày hôm nay của con người phải phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Nhưng một trong những yếu tố cốt tử đó là thiên nhiên. Chính vì vậy bảo vệ thiên nhiên cũng chính là bảo vệ cuộc sống của chúng ta.
Trước hết ta cần hiểu môi trường là gì? Đó chính là những sự vật hiện tượng xung quang và rất gần gũi chúng ta: nước, đất, không khí, cây cối, chim muông... Môi trường có một mối liên hệ rất mật thiết với cuộc sống của con người. Thậm chí môi trường còn xuất hiện và tồn tại trên hành tinh này trước khi có sự sống con người.Vậy tại sao “bảo vệ môi trường thiên nhiên là bảo vệ cuộc sống của chúng ta”?
Thật vậy. Thử hỏi nếu một ngày không có một bóng cây nào trên Trái đất liệu chúng ta sẽ ra sao. Đó cũng là ngày mà nhân loại sẽ bị diệt vong và việc hành tinh chúng ta trở thành một hành tinh chết là điều không tránh khỏi. thiên nhiên là nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm dồi dào cho loài người. Loài người sẽ chẳng có áo ấm, ăn ngon, nhà ở nếu không có sự hỗ trợ của thiên nhiên. Những thanh gỗ để cất nhà, những mảnh đất màu mỡ để trồng cây cối hoa màu, những trận mưa rào cung cấp cho ta nguồn nước để tưới tiêu cho ruộng nương....
Tất thảy đều có sự góp mặt của thiên nhiên.Mỗi năm, có hàng chục, hàng trăm thiên tai, thảm họa của thiên nhiên. Lúc đó những cánh rừng đầu nguồn, những cánh rừng phòng hộ lại là những lá chắn khổng lồ hữu hiệu hơn bao giờ hết ngăn chặn sự xâm nhập, càn quét cơn giận dữ của tạo hóa. Những cánh rừng rậm bạt ngàn thì có công hiệu như chiếc lá phổi khổng lồ của con người. thực tế cũng cho thấy, vào những trưa hè oi bức, nhất là trên một đất nước nhiệt đới như Việt Nam thì cái bóng râm mát của cây cối vào lúc đó mới dễ chịu, thoáng mát, là liều thuốc hữu hiệu đưa ta dứt khỏi cái nóng nực ấy.Không những thế, thiên nhiên môi trường còn mang lại cho con người những giá trị cả vật chất lẫn tinh thần.
Trong thời buổi kinh tế phát triển bây giờ sẽ thật khó khăn để ta tìm ra một món hàng hóa nào mà không có nguồn gốc nguyên liệu từ thiên nhiên, môi trường. Thêm vào đó, giờ đây khi đời sống con người tăng cao, nhu cầu giải trí vui chơi nghỉ dưỡng lại càng tăng cao. Cũng chính là lí do mà các nhà đầu tư bỏ vốn xây dựng các khu nghỉ dưỡng, với địa hình thiên nhiên ưu đãi nhưu bây giờ.
Thiên nhiên, môi trường cho ta nhiều đến nư thế nhưng đổi lại thì con người đã tàn phá, tác động tiêu cực nhưu thế nào đối với thiên nhiên vạn vật. Những cánh rừng bị chặt phá, đồi trọc, núi mòn sẽ nói lên tất cả. nguồn nước bị ô nhiễm, đại dương thường xuyên đối mặt các vụ việc rò rỉ dầu. Rồi cả bầu không khí với nồng độ chất độc hại ngày một tăng ở các quốc gia phát triển ( Trung quốc, Mỹ....). sự khai thác tài nguyên đến cạn kiệt, kiệt quệ.
Khi ngày một chứng kiến các vụ việc, thực tế tàn khốc ấy thì ta cũng chẳng lạ gì khi một ngày các giáo sư tuyên bố rằng: tất cả nhiên liệu, môi trường của trái đất sẽ cạn kiệtào khoảng 150 năm nữa, nguy cơ con người diệt vong là điều khó tránh khỏi.Bởi vậy mỗi người chúng ta, đặc biệt là những người trẻ, các bạn học sinh cần ý thực được vai trò của thiên nhiên môi trường đối với cuộc sống của chúng ta. Để từ đó mà có thái độ đúng đắn và hành động thiết thực. hãy chung tay vì một môi trường xanh, sạch, đẹp và còn là vì một trái đất tươi đẹp, văn minh ngày mai.
Hãy chung tay bảo vệ môi trường thiên nhiên từ những việc nhỏ nhất như không vứt rác bừa bãi, phân loại rác.
Nghị luận về câu nói “Bảo vệ môi trường là bảo vệ cuộc sống của chúng ta” – Mẫu 3
Thế kỉ chúng ta đang sống là thời đại của sự phát triển. Con người vội vã, chạy đua với thời gian, mà rồi nhiều khi lãng quên đi những thứ xung quanh mình. Sự phát triển kèm theo đó là nhiều hệ luỵ, đơn giản nhất đó chính là những ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường. Chúng ta dường như quên rằng, bảo vệ môi trường là bảo vệ cuộc sống của chúng ta. Trước hết ta phải hiểu môi trường là gì?
Môi trường là một tổ hợp các yếu tố tự nhiên và xã hội bao quanh bên ngoài của một hệ thống hoặc một cá thể, sự vật nào đó. Nói một cách dễ hiểu hơn. Gần gũi hơn, môi trường chính là ngôi nhà của chúng ta. Mái nhà ấy có thể đẹp hay không, vững chãi hay không, mãi trường tồn hay không chính là nhờ vào sự bảo vệ của mỗi cá nhân chúng ta. Chúng ta đều biết môi trường có ý nghĩa vô cùng quan trọng với đời sống con người.
Nhưng hiện trạng cho thấy ngày nay đang đánh một hồi chuông cảnh báo về vấn đề ô nhiễm môi trường. Khi đất nước đang trên đà phát triển kinh tế ngày càng mạnh mẽ, con người quan tâm nhiều hơn đến vấn đề lợi nhuận, nguồn thu để đảm bảo cuộc sống sinh hoạt mà vô tình hoặc cố ý xâm hại đến môi trường. Rất nhiều người chặt cây, đốn rừng bừa bãi khiên cho nhiều đồi trọc, rừng đầu nguồn bị phá hoại nặng nề, gây nên nhiều lũ lụt lớn.
Hay như năm 2014 với quyết định của tỉnh Hà Nội đã đốn hàng loạt cây cổ thụ bóng mát vì lợi ích xây dựng nhà cao tầng, mở đường xá, nhưng họ quên mất đi giá trị bóng mát, giúp môi trường trong sạch. Nhiều công ty sản xuất vì lợi nhuận trước mắt mà đi “đường tắt” xả thải trực tiếp ra sông ngòi hoá chất, rác thải khiến môi trường sông ngòi bị ô nhiễm nặng nề. Sông Tô Lịch Hà Nội rác trôi nổi, bốc mùi khó chịu. Công ty Fomosa thải tấn nước thải khiến cá chết hàng, một vùng biển bị ô nhiễm gây cản trở việc đánh bắt sinh hoạt của người dân…
Chúng ta đang làm những hành động không chỉ gây hại đến môi trường mà chính chúng ta đang gián tiếp huỷ hoại chính bản thân chúng ta. Nếu uống phải những nguồn nước chưa được xử kĩ, chúng ta liệu có thể không bị ngộ độc? Nếu ăn phải những con cá chưa hoá chất, liệu chúng ta có thể không bị ung thư? Nếu không có cây đầu nguồn che chắn, liệu chúng ta có thể chống lại lũ đầu nguồn?
Nếu không có cây xanh lọc bỏ CO2 thải ra O2 liệu chúng ta có thể sống mà thiếu lá phổi xanh?.... Một hành vi nhỏ của chúng ta như vứt cái túi nilon, vỏ hộp sữa ra đường cũng khiến môi trường mất mĩ quan. Bởi thế từng hành động xấu mà ta làm đều gây ra những tác động lớn tiêu cực đến môi trường.Vì thế chúng ta phải bảo vệ môi trường, bảo vệ ngôi nhà của chúng ta. Không có môi trường ta sẽ không có chốn ăn chốn ở, không thể có sự sống nếu thiếu môi trường. Môi trường tốt, đời sống chúng ta cũng đẹp. Chỉ khi môi trường tồn tại ta mới tồn tại.
Bởi thế bảo vệ môi trường là bảo vệ chính chúng ta. Ngày nay, đứng trước nguy cơ ô nhiễm môi trường, con người đã và đang có những biện pháp tích cực khắc phục hậu quả đã gây ra và tránh những tác động xấu sẽ đến. Chúng ta có ngày “Giờ Trái đất 24-3”, có những chương trình chung tay góp sức bảo vệ trái đất xanh sạch đẹp, có những hoạt động nhặt rác, thu gom rác trên biển, trong rừng,…
Nhiều đất nước đề ra những khoản luật cấm vứt rác, cấm hút thuốc,… để bảo vệ môi trường. Nhiều nước khuyến khích người dân đi xe đạp, đi bộ giảm tải khói bụi từ các loại xe sử dụng xăng. Toàn thế giới đang chung tay giữ gìn một thế giới xanh đẹp, không có ô nhiễm môi trường, giữ một ngồi nhà chung thật đẹp.
Con người dường như đã nhận thức rõ được tầm quan trọng của môi trường đối với đời sống, sức khoẻ của bản thân. Vì bảo vệ môi trường là bảo vệ chính chúng ta.
Nghị luận về câu nói “Bảo vệ môi trường là bảo vệ cuộc sống của chúng ta” – Mẫu 4
Môi trường là tất cả những gì ở xung quanh chúng ta và rất thân thiện gần gũi với chúng ta. Môi trường tự nhiên bao gồm: đất đai, sông ngòi, không khí, cây cối, động thực vật... Môi trường nhân tạo là do con người tạo nên như đường xá, nhà máy, xí nghiệp... Tất cả những vấn đề trên đều có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của con người.
Những cánh rừng bạt ngàn như những lá phổi xanh khổng lồ đem lại bầu không khí trong lành cho con người. Vậy mà nhiều nơi rừng đang bị chính bàn tay con người tàn phá một cách không thương tiếc dẫn đến thiên tai, lũ lụt xảy ra ngày càng nghiêm trọng. Mặt khác nguồn nước cũng đang bị ô nhiễm bởi các chất thải từ các nhà máy dẫn đến cá chết hàng loạt nguồn nước sinh hoạt không được đảm bảo dẫn đến nhiều bệnh nguy hiểm cho con người.
Ở các thành phố lớn dân cư đông đường xá cầu cống xuống cấp lượng xe cộ nhiều nên không khí cũng bị ô nhiễm nặng. Ở nông thôn, do nhận thức và trình độ hiểu biết của người dân chưa cao nên sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu không có hiệu quả, rác thải, súc vật chết vứt bừa bãi trên dòng sông suối. Từ những vấn đề nêu trên đã giúp chúng ta hiểu rõ môi trường có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của cộng đồng nói chung và sự sống của con người nói riêng.
Chị Bùi Thúy Nga, phường Tân Hà cho biết: Có người nghĩ rằng bảo vệ môi trường là phải nghiên cứu ra một công trình, một máy móc hiện đại nào đó mới có thể bảo vệ được môi trường. “Theo tôi, việc đầu tiên góp phần bảo vệ môi trường đó là nâng cao nhận thức của mỗi người.
Chỉ có nhận thức đúng, suy nghĩ đúng mới hành động đúng, và mỗi một hành động nhỏ sẽ góp một phần lớn vào việc hình thành nếp sống văn minh, có trách nhiệm hơn với môi trường. Đối với rác thải mỗi chúng ta hạn chế sử dụng túi nilon. Ở nhà nên phân loại rác, đối với những rác thải như chai nhựa, giấy, túi nilon... gom lại bán phế liệu để tái sử dụng, tiết kiệm được nguồn tài nguyên. Ở cơ quan, nên tiết kiệm giấy, đọc kỹ văn bản trước khi in, tận dụng giấy một mặt...
Ở những nơi công cộng, không nên tiện tay vứt rác bừa bãi ra ngoài đường, phải tìm nơi có thùng rác để vứt, khi đi chơi, picnic, nên thu dọn rác sạch sẽ, gọn gàng và vứt đúng nơi quy định. Tránh vứt rác xuống dòng sông, lòng đường, hè phố. Đối với môi trường nước: Không vứt rác, xác chết động vật xuống dòng sông, ao hồ, bờ biển”...
Môi trường có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe cộng đồng. Vậy nên chúng ta phải có ý thức giữ gìn môi trường sống, chính là góp phần bảo vệ được cuộc sống của chính mình.
Nghị luận về câu nói “Bảo vệ môi trường là bảo vệ cuộc sống của chúng ta” – Mẫu 5
Cuộc sống của con người chúng ta hiện nay đang ngày càng được cải thiện và nâng cao cùng với sự phát triển của xã hội, tuy nhiên, chúng ta mới chỉ quan tâm đến sự phát triển mà chưa nhận thức đúng đắn tầm quan trọng của môi trường và bảo vệ môi trường đối với cuộc sống. Môi trường sống là nơi con người sinh ra, tồn tại và phát triển, gắn liền với tất cả các hoạt động sống của con người, môi trường có tốt thì cuộc sống của con người mới được đảm bảo, vì vậy bảo vệ môi trường chính là bảo vệ cuộc sống của chúng ta.
Môi trường theo định nghĩa khoa học là "Một tổ hợp các yếu tố tự nhiên và xã hội bao quanh bên ngoài của một hệ thống hoặc một cá thể, sự vật nào đó. Chúng tác động lên hệ thống này và xác định xu hướng và tình trạng tồn tại của nó". Theo cách hiểu nôm na, môi trường là không gian sống của con người và sinh vật; môi trường sống của con người là toàn bộ những không gian tự nhiên, nhân tạo xung quanh chúng ta cung cấp các yếu tố tối thiểu phục vụ cuộc sống. Mọi sự thay đổi của môi trường đều ảnh hưởng trực tiếp đến con người và mọi tác động của con người cũng ảnh hưởng ngược trở lại môi trường. Môi trường mang lại cho chúng ta bầu không khí để thở và duy trì sự sống, mang lại không gian sinh sống và làm việc cho các hoạt động sống, sản xuất.
Môi trường tạo ra những nguồn tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu cho sinh hoạt và sản xuất của con người, bên cạnh đó lại là nơi chứa đựng và đồng hóa mọi chất thải từ hoạt động của con người. Tuy nhiên, cũng chính vì phục vụ cho con người quá nhiều mà con người lại không bảo vệ nên môi trường ngày càng suy thoái và ô nhiễm. Khi môi trường bị ô nhiễm, đặc biệt là môi trường đất, nước, không khí, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, bầu không khí ô nhiễm, nguồn nước bẩn, đất nhiễm hóa chất, tất cả đều không thể phục vụ cuộc sống.
Bên cạnh đó, khi môi trường suy thoái đi sẽ mất đi nguồn nguyên liệu cho sản xuất, nền kinh tế khó phát triển. Nguy hại hơn đó là khi môi trường đã không còn khả năng chứa đựng và đồng hóa chất chải của con người, nghĩa là con người đã thải ra môi trường quá mức, vượt quá giới hạn của môi trường, sẽ dẫn đến sự mất cân bằng sinh thái.
Nhận thức rõ ràng được tác hại của việc ô nhiễm môi trường và tầm quan trọng của việc phải bảo vệ môi trường, con người chúng ta hãy ý thức gìn giữ môi trường, sử dụng tài nguyên hợp lý, xử lý chất thải trước khi đưa ra ngoài môi trường, nghiêm cấm các hoạt động làm ô nhiễm môi trường. Môi trường chính là mái nhà chung của con người, bảo vệ môi trường chính là bảo vệ ngôi nhà của chúng ta, nếu không bảo vệ chúng ta sẽ tự hủy hoại đi ngôi nhà của mình và rồi sẽ không còn nhà để ở, để tồn tại và sinh sống.
Như vậy, môi trường thực sự rất quan trọng đối với cuộc sống của con người, không chỉ mang tính ảnh hưởng, môi trường là nhân tố quyết định đến sự sống còn của loài người. Chất lượng môi trường sẽ phản ánh chất lượng cuộc sống và tương lai của con người, vì vậy hãy chung tay bảo vệ môi trường, bảo vệ cuộc sống của chúng ta.
Nghị luận về câu nói “Bảo vệ môi trường là bảo vệ cuộc sống của chúng ta” – Mẫu 6
Chúng ta đều đang sinh sống, đang học tập và làm việc chung trong một hệ sinh thái lớn nhất là trái đất. Đó là nơi chúng ta được sinh ra, là quê hương gắn liền với bao kí ức ngọc ngà. Vậy mà giờ đây trái đất đang chết dần chết mòn bởi tác hại của ô nhiễm môi trường, nhiều khu vực đã lên đến mức báo động về ô nhiễm môi trường, bệnh dịch ngày càng trở nên nghiêm trọng bởi ảnh hưởng từ ô nhiễm môi trường mà nguyên nhân chính gây lên lại là con người.
Nếu chúng ta không kịp thời thức tỉnh, suy nghĩ trước những hành động bừa bãi đầy tai hại của mình thì một ngày nào đó nhân loại sẽ phải đối mặt với nguy cơ diệt vong. Thật vậy, đời sống của chúng ta sẽ bị tổn hại rất lớn nếu mỗi người không có ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ lá phổi xanh đang hấp hối trên lưỡi hái tử thần.
Để hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của môi trường sống với cuộc sống của chúng ta, trước hết, ta cần hiểu về khái niệm của môi trường sống? Vậy môi trường sống là gì, nó bao gồm những gì mà có ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của chúng ta đến thế? Câu trả lời thật sự đơn giản bởi môi trường sống là toàn bộ những gì đang có mặt xung quanh chúng ta, môi trường sống không chỉ hiểu đơn giản là nhà cửa, công ty nơi chúng ta làm việc mà nó còn bao gồm các yếu tố cung cấp nguồn sống cho chúng ta như đất, nước, không khí, sinh vật,.. Môi trường sống cung cấp cho chúng ta đầy đủ về mặt vật chất, thức ăn, nhà cửa, cây cối,...tất cả đều bao gồm trong môi trường sống. Để có thể tồn tại được thì mỗi giây mỗi phút chúng ta đều cần sử dụng đến môi trường sống.
Môi trường sống rất quan trọng với con người nhưng hiện nay nó đang bị tổn hại nặng nề bởi sự thờ ơ, vô tâm của một số cá nhân, tổ chức. Tất cả nguyên nhân đều bắt nguồn từ sự thiếu trách nhiệm nhằm thu về lợi nhuận cho mình, các công ty xả thẳng nước thải chưa qua xử lí ra môi trường làm ô nhiễm nguồn nước, nước thải sinh hoạt, rác thải được đổ thẳng ra sông, biển mà không được thu gom. Hơn thế nữa việc đô thị hóa cũng ảnh hưởng khá nhiều đến chất lượng môi trường. Khói bụi từ phương tiện giao thông, khí thải đầy độc hại được thải ra qua ống khói của những nhà máy, cây cối- thứ được coi là lá phổi xanh của trái đất cũng dần bị chặt phá để lấy đất quy hoạch, cây bị chặt làm nguyên liệu xây dựng, sản xuất giấy,... Cứ thế, cứ thế môi trường sống của chúng ta đang xuống cấp đến mức báo động.
Khói bụi từ phương tiện giao thông, khí thải từ các nhà máy công nghiệp khiến cho bầu không khí trở nên ô nhiễm, nước thải, rác thải chưa qua xử lí làm ô nhiễm nguồn nước, việc không xử lí rác thải nông nghiệp như thuốc trừ sâu, phân hóa học sử dụng tràn lan cũng làm ô nhiễm đất, ô nhiễm nguồn nước. Ô nhiễm lại càng thêm ô nhiễm, hiệu ứng nhà kính làm biến đổi khí hậu dẫn đến mưa nắng bất thường, nhiệt độ tăng cao, mưa axit phá hủy thảm thực vật đang nỗ lực làm việc để cứu lấy bầu không khí, băng ở hai cực tan ra, động đất, sóng thần và các thảm họa thiên nhiên khác cũng lần lượt xuất hiện cướp đi mạng sống của bao nhiêu người. Nhiều người trong chúng ta vẫn thường oán trách thiên nhiên thất thường làm tổn hại đến con người nhưng bản thân họ cũng không hiểu được rằng chính chúng ta mới đang là người làm biến đổi thiên nhiên, chính chúng ta đang bóp nghẹt sự sống của mình, đang tự gieo rắc mầm mống chết chóc, bệnh tật.
Nói đến tác hại của ô nhiễm môi trường thì không thể không nói đến ảnh hưởng của nó đối với sức khỏe con người. Chúng ta sống và làm việc thì cần oxi để thở, nhưng liệu bạn có chắc rằng các cơ quan hô hấp của mình đang không làm việc quá sức để thanh lọc CO2, N2,...và các chất độc có trong không khí để cung cấp đủ dưỡng khí giúp các phần khác của cơ thể hoạt động bình thường.
Câu trả lời có lẽ là không, bởi số lượng bệnh nhân về đường hô hấp đang tăng vọt, thiếu oxi dẫn đến chóng mặt, đau đầu và các bệnh liên quan đến tim mạch khác. Đối với mỗi lứa tuổi thì ảnh hưởng của ô nhiễm không khí lại là khác nhau nhưng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất lại là người già, phụ nữ mang thai, trẻ em, còn gì đau xót hơn hạt giống tương lai của đất nước đang bị thui chột đi bởi bệnh tật, con cái máu mủ của chúng ta quằn quại trong đau đớn.
Và đó mới chỉ là tác hại của ô nhiễm không khí với sức khỏe chúng ta, còn các loại ô nhiễm khác thì sao, nó có nguy hiểm như ô nhiễm không khí không? Câu trả lời là có, vì tất cả các loại ô nhiễm đều liên quan đến nhau và tác động đến sức khỏe con người theo móc xích dây chuyền. Bạn thắc mắc ô nhiễm đất thì liên quan gì đến mình? Mình có ăn đất, thở bằng đất đâu mà sợ? Bạn có chắc mình sẽ tồn tại được nếu không ăn, không thở. Nói đến đây chắc bạn sẽ bật cười vì đất ngoài việc để xây nhà thì có ăn được, có thải ra được oxi như cây cối đâu đúng không. Nhưng thực chất đất lại là cội nguồn của sự sống. Cây cối để tồn tại được thì cần phải có đất, đất cung cấp dinh dưỡng nuôi thực vật, rồi động vật ăn cỏ lại ăn thực vật, những động vật không ăn cỏ lại đi săn những động vật nhỏ bé, yếu ớt hơn.
Chưa cần nói đến động vật mà ngay cả bản thân chúng ta hằng ngày vẫn ăn rau đấy thôi, rau cung cấp vitamin, ăn rau cũng chữa được nhiều bệnh, phòng ngừa nhiều bệnh tật đang nhăm nhe đe dọa sức khỏe của chúng ta. Đất còn cung cấp môi trường sống cho động thực vật. Thử nghĩ xem cuộc sống của chúng ta thế nào nếu tất cả các động vật hoang dã bỗng mất nơi ở và kéo đến xung quanh chúng ta, sợ hãi và hỗn loạn sẽ bủa vây xung quanh cuộc sống của con người. Không chỉ đất mà các nhân tố khác của môi trường cũng ảnh hưởng trực tiếp lên cuộc sống của chúng ta.
Như chúng ta biết thì kinh tế cũng là một phần rất quan trọng với cuộc sống của con người. Với tiền, con người có thể làm được hầu hết mọi thứ, tiền có thể kéo dài sự sống, nhờ tiền, ta có thể chữa bệnh, đi khám bệnh để phòng ngừa bệnh tật. Tiền cũng cho ta một cuộc sống ổn định hơn, cung cấp cho con em chúng ta một nền giáo dục tốt hơn. Thật vậy thì vai trò của tiền trong xã hội ngày nay là khá quan trọng, mà tiền lại bắt nguồn từ lao động, sản xuất ra sản phẩm để tiêu thụ, bày bán. Nếu ô nhiễm môi trường khiến nhiều người bệnh tật, thiếu công nhân lao động để sản xuất hàng hóa hoặc sản xuất ra nhiều nhưng người tiêu dùng thì khan hiếm bởi họ cũng đang bị hành hạ bởi bệnh tật thì hàng hóa của chúng ta sản xuất ra sẽ ra sao? Việc buôn bán ế ẩm liệu có mang lại cho chúng ta lợi nhuận hay từ từ rơi vào bờ vực phá sản.
Chưa cần xa xôi đến việc làm ăn của các doanh nghiệp mà bắt đầu đơn giản với các nhà buôn bán nhỏ lẻ, các bác nông dân sẽ làm sao khi đất đai của mình bị ô nhiễm nặng nề không thể trồng trọt được hay khi việc lạm dụng thuốc hóa học vào sản phẩm của mình gây ngộ độc cho người sử dụng. Sau cùng với những việc làm như vậy, kinh tế của họ cũng sẽ bị ảnh hưởng, chúng ta đang cạn kiệt cả về sức khỏe lẫn tinh thần và đó là kết quả của những hành động thiếu suy nghĩ đang dần phá hủy cuộc sống, phá hủy môi trường xung quanh chúng ta.
Ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe của con người và kéo theo đó cũng là một loạt các vấn đề nan giải đối với nền kinh tế xã hội. Bệnh tật sẽ khiến kinh tế suy giảm, không lao động được cũng khiến tiền bạc của chúng ta vơi cạn nhanh chóng, hạnh phúc gia đình cũng tan vỡ, nợ xấu, bạo lực gia đình, vô gia cư cùng với những tệ nạn xã hội cũng cứ thế tăng theo. Ô nhiễm môi trường cũng ảnh hưởng đến nền kinh tế của đất nước khi nông sản, thủy sản chết hàng loạt, vay ngân hàng không thể trả, ô nhiễm cảnh quan khiến nguồn lợi nhuận thu về từ du lịch ít đi và làm xấu đi hình ảnh của đất nước với khách quốc tế.
Hơn thế, chúng ta cũng mất chi phí để thu dọn tàn cuộc từ chính những thờ ơ của mình, hàng tỉ đồng đổ ra để cải thiện môi trường xây dựng lại cảnh quan thiên nhiên. Nói cho cùng thì ô nhiễm môi trường ảnh hưởng cực kì nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng và kinh tế của chúng ta mà nguyên nhân chính lại là chúng ta, là ý thức chưa tốt, làm việc mà bất chấp hậu quả và chưa bảo vệ môi trường chung vì nghĩ nó không ảnh hưởng trực tiếp lên bản thân mình.
Đó là những hành động đáng lên án và đáng phê phán một cách nặng nề, và để hạn chế những hành động như thế tiếp diễn chúng ta cần phải có những biện pháp kịp thời để ngăn chặn. Các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cần có những hình thức răn đe, kỉ luật nghiêm đối với những cá nhân, tổ chức gây ảnh hưởng đến môi trường, cần nghiêm khắc từ trong chính cơ quan nơi mình làm việc và sinh sống, có thưởng và phạt thích hợp để góp phần cải thiện môi trường. Bảo vệ môi trường là việc làm của tất cả mọi người chứ không chỉ riêng các cơ quan tổ chức, bắt đầu từ mỗi cá nhân chúng ta cũng cần phải bắt tay với việc cải thiện môi trường sống, lá phổi xanh của chúng ta.
Và đơn giản nhất là việc tự tích lũy cho mình tri thức về môi trường và các cách bảo vệ môi trường, cần tuyên truyền và giáo dục cho mọi người cũng như đưa việc bảo vệ môi trường vào chương trình giảng dạy để giáo dục cho các em nhỏ tầm quan trọng và trách nhiệm bảo vệ môi trường ngay từ khi còn nhỏ. Mỗi người cần nâng cao trách nhiệm của mình hơn nữa với việc bảo vệ môi trường, coi nó như chính sinh mạng và sức khỏe của chúng ta để cải thiện môi trường từng ngày. Trồng thật nhiều cây xanh, quét dọn, thu gom rác thải và tổ chức thật nhiều buổi lao động tình nguyện nhằm bảo vệ môi trường cũng rất có ý nghĩa trong việc bảo vệ môi trường.
Môi trường sống đối với mỗi chúng ta thật sự rất quan trọng, nó tác động rất lớn đến sự tồn vong của toàn bộ nhân loại, vì thế mỗi cá nhân phải đặt việc bảo vệ môi trường lên hàng đầu. Gương mẫu, nghiêm khắc với chính bản thân mình trong việc bảo vệ môi trường. Đừng để mỗi người một chút, một chút vô tâm mà cả xã hội phải gánh chịu hậu quả đau đớn không lường trước được. Là một học sinh đang ngồi trong ghế nhà trường em thấy bản thân mình tự cần phải gương mẫu trong việc bảo vệ môi trường, tuyên truyền kiến thức về môi trường và tham gia các hoạt động tập thể vì một môi trường không ô nhiễm.
Bệnh tật là kẻ giết người thầm lặng, vì vậy hãy tự cứu lấy bản thân mình ngay từ bây giờ, từ hôm nay và tiếp tục làm việc không ngừng nghỉ để bảo vệ cuộc sống của chúng ta sau này. Chỉ với những hành động rất nhỏ bé thôi cũng góp phần to lớn trong việc bảo vệ, cai thiện môi trường. Vì môi trường là nguồn sống, là không gian chung để chúng ta tồn tại và nó có ảnh hưởng cực kì to lớn đến mỗi cá nhân chúng ta nên hãy sống và bảo vệ môi trường, cũng như tự bảo vệ lấy tương lai của mình vậy. Hãy cùng chung tay để xây dựng lên một thế giới tràn ngập niềm vui, niềm hạnh phúc, tiếng cười. Và bước đầu của việc đó hãy bắt đầu với những hành động nhỏ bé, cụ thể đầy ý nghĩa để bảo vệ môi trường sống xanh-sạch-đẹp.
Nghị luận về câu nói “Bảo vệ môi trường là bảo vệ cuộc sống của chúng ta” – Mẫu 7
Môi trường có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và sức khỏe của cộng đồng nhưng hiện nay môi trường đang bị đe dọa một cách nghiêm trọng do chính bàn tay của con người. Vì vậy mỗi chúng ta cần ý thức và hiểu được rằng: bảo vệ môi trường là bảo vệ cuộc sống của chúng ta.
Môi trường là tất cả những gì ở xung quanh chúng ta và rất thân thiện gần gũi với chúng ta. Môi trường bao gồm: môi trường tự nhiên và môi trường nhân tạo. Môi trường tự nhiên bao gồm: đất đai, sông ngòi, không khí, cây cối, động thực vật,……Môi trường nhân tạo là do con người tạo nên như đường xá, nhà máy, xí nghiệp,… Tất cả những vấn đề trên đều có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của con người.
Thật vậy! Môi trường có một mối quan hệ mật thiết tới cuộc sống con người. Những cánh rừng bạt ngàn như những lá phổi xanh khổng lồ đem lại bầu không khí trong lành cho con người. Không những thế rừng còn che chắn bão lũ, là nơi trú ngụ của những loài động vật quý hiếm. Vậy mà giờ đây rừng đang bị chính bàn tay con người tàn phá một cách không thương tiếc dẫn đến thiên tai, lũ lụt xảy ra ngày càng nghiêm trọng dẫn đến bao cảnh đau lòng.
Mặt khác nguồn nước cũng đang bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi các chất thải từ các nhà máy dẫn đến cá chết hàng loạt nguồn nước sinh hoạt không được đảm bảo dẫn đến nhiều bệnh nguy hiểm cho con người. Ở các thành phố lớn dân cư đông đường xá cầu cống xuống cấp lượng xe cộ nhiều nên không khí cũng bị ô nhiễm nặng tai nạn giao thông ngày càng nhiều đã cướp đi bao nhiêu sinh mạng. Ở nông thôn, do hình thức và trình độ hiểu biết của người dân chưa cao nên sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu không có hiệu quả. Từ những vấn đề nêu trên đã giúp chúng ta hiểu rõ môi trường có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của cộng đồng nói chung và sự sống của con người nói riêng. Từng ngày từng giờ môi trường đang lên tiếng kêu cứu.
Vậy mỗi chúng ta phải làm gì để bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta? Có rất nhiều biện pháp để giữ gìn môi trường xanh - sạch đẹp. Là học sinh, chúng ta có thể cùng chung tay trồng cây, gây rừng, trồng cây quanh khu vực sinh sống. Hàng ngày, chúng ta và người thân hãy cùng nhau thu gom rác thải, đổ rác đúng nơi quy định, tái chế rác thải, xử lí chất thải độc hại trước khi thải ra môi trường. Bên cạnh đó, chúng ta nên tích cực hưởng ứng ngày môi trường thế giới. Nhà nước nên ra những bộ luật hạn chế lượng khí CO2 thải ra trong ngành công nghiệp; hạn chế sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu và rất nhiều biện pháp hữu hiệu khác để cùng nhau bảo vệ ngôi nhà chung của chúng mình.
Tóm lại môi trường có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe cộng đồng. Vậy nên chúng ta phải có ý thức giữ gìn môi trường sống. Là học sinh chúng ta hãy có ý thức trồng thêm cây xanh, giữ gìn vệ sinh trường lớp. Làm được như vậy là chúng ta đã góp phần bảo vệ được cuộc sống của chính mình.
Nghị luận về câu nói “Bảo vệ môi trường là bảo vệ cuộc sống của chúng ta” – Mẫu 8
Có ý kiến cho rằng: "Bảo vệ môi trường thiên nhiên chính là bảo vệ cuộc sống của con người". Hãy cùng bàn luận để chứng minh được sự đúng đắn của ý kiến này.
Môi trường thiên nhiên là toàn bộ điều kiện tự nhiên xung quanh như đất, nước, không khí, hệ sinh thái... Bảo vệ môi trường thiên nhiên nghĩa là bảo vệ các yếu tố này và đồng thời đóng vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc sống con người.
Môi trường thiên nhiên đem lại rất nhiều lợi ích cho con người. Không khí đem lại nguồn thí thở vô tận cho con người, cung cấp khí oxi duy trì sự sống cho vạn vật. Nguồn nước sạch phục vụ con người sinh hoạt hằng ngày, đóng vai trò chính trong nông nghiệp, ngư nghiệp. Rừng giúp cân bằng hệ sinh thái, ngăn lũ, xói mòn, điều hòa khí hậu. Đất cung cấp nơi ở, nơi trồng trọt chăn nuôi. Cuộc sống của con người sẽ bị đe dọa khi môi trường dần bị hủy hoại. Trái đất nóng lên khiến băng tan, mực nước biển dâng cao có thể nhấn chìm một số nơi. Tầng ozone bị chọc thủng ngăn cản việc bảo vệ con người khỏi các tia bức xạ. Đất đai, nguồn nước bị ô nhiễm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của con người. Tài nguyên rừng có nguy cơ bị cạn kiệt do nạn chặt phá rừng bừa bãi, gây ra hiện tượng lũ quét, sạt lở đất đe dọa đến tính mạng của con người.
Để bảo vệ cuộc sống của con người, chúng ta cần phải ý thức bảo vệ môi trường cao hơn. Trồng cây, gây rừng, phủ xanh đồi trọc. Thu gom rác thải, đổ rác đúng nơi quy định, tái chế rác thải đúng cách. Sử dụng điện nước tiết kiệm, vệ sinh nơi ở thật sạch sẽ. Tích cực tham gia các hoạt động tuyên truyền bảo vệ môi trường.
Như vậy, bảo vệ môi trường chính là bảo vệ cuộc sống của con người. Là một học sinh, em ý thức rõ được trách nhiệm của bản thân cần phải giữ gìn và bảo vệ môi trường ngày càng xanh sạch đẹp hơn.
Nghị luận về câu nói “Bảo vệ môi trường là bảo vệ cuộc sống của chúng ta” – Mẫu 9
Môi trường luôn là đề tài nóng hổi của xã hội mỗi khi nhắc đến. Có ý kiến cho rằng: "Bảo về môi trường là bảo vệ cuộc sống của chúng ta". Thật đúng như vậy, môi trường sống là nơi con người sinh ra, tồn tại và phát triển, gắn liền với tất cả các hoạt động sống của con người, môi trường có tốt thì cuộc sống của con người mới được đảm bảo.
Môi trường là không gian sống của con người và sinh vật. Môi trường sống của con người là toàn bộ những không gian tự nhiên, nhân tạo xung quanh chúng ta cung cấp các yếu tố phục vụ cho cuộc sống. Môi trường tạo ra những nguồn tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu cho sinh hoạt và sản xuất của con người, bên cạnh đó lại là nơi chứa đựng và đồng hóa mọi chất thải từ hoạt động của con người. Không khí đem lại nguồn khí thở vô tận cho con người. Khí oxi duy trì sự sống cho vạn vật, không có oxi con người sẽ không sống được. Bảo vệ không khí trong sạch, con người sẽ sống khỏe mạnh hơn. Nguồn nước phục vụ sinh hoạt cho con người hằng ngày, nó đóng vai trò chính trong nông nghiệp, ngư nghiệp. Trong cơ thể nước chiếm 75%, không có nước con người sẽ chết khát, cây cối khô héo. Rừng cung cấp gỗ dựng nhà cửa. Là nơi trú ngụ của các loài vật. Rừng giúp cân bằng hệ sinh thái, ngăn lũ, xói mòn đất, điều hòa khí hậu. Đất là nơi ta ở, xây dựng nhà cửa, trường học, trồng trọt... Tuy nhiên, cũng chính vì phục vụ cho con người quá nhiều mà con người lại không bảo vệ nên môi trường ngày càng suy thoái và ô nhiễm. Lượng khí thải CO2 gia tăng từ các nhà máy, xí nghiệp... làm biến đổi khí hậu. Trái đất nóng lên do hiệu ứng nhà kính làm tan băng ở hai cực, nước biển dâng lên nhấn chìm các vùng đất thấp ven biển. Tầng ozone bị chọc thủng làm mất lớp bảo vệ con người trước bức phóng xạ tăng nguy cơ bị ung thư da. Khi đất đai bị ô nhiễm, chất độc kéo theo nhiễm vào cây trồng và vật nuôi, con người ăn vào sẽ ảnh hưởng sức khỏe. Nước bị ô nhiễm, con người uống vào sẽ tích trữ chất độc hại gây các bệnh. Tài nguyên rừng có nguy cơ bị cạn kiệt do chặt phá rừng bừa bãi, khai thác khoáng sản quá mức gây ra hiện tượng lũ quét, lũ ống, sạt lở đất đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng người dân.
Nhận thức rõ ràng được tác hại của việc ô nhiễm môi trường và tầm quan trọng của việc phải bảo vệ môi trường, con người chúng ta hãy ý thức gìn giữ môi trường, sử dụng tài nguyên hợp lý, xử lý chất thải trước khi đưa ra ngoài môi trường, nghiêm cấm các hoạt động làm ô nhiễm môi trường. Môi trường chính là mái nhà chung của con người, bảo vệ môi trường chính là bảo vệ ngôi nhà của chúng ta, nếu không bảo vệ chúng ta sẽ tự hủy hoại đi ngôi nhà của mình và rồi sẽ không còn nhà để ở, để tồn tại và sinh sống.
Như vậy, môi trường thực sự rất quan trọng đối với cuộc sống của con người, không chỉ mang tính ảnh hưởng, môi trường là nhân tố quyết định đến sự sống còn của loài người. Chất lượng môi trường sẽ phản ánh chất lượng cuộc sống và tương lai của con người, vì vậy hãy chung tay bảo vệ môi trường, bảo vệ cuộc sống của chúng ta. Là một học sinh, em ý thức được bản thân phải có trách nhiệm phải giữ gìn và bảo vệ môi trường, góp phần giúp cho môi trường ngày càng trở nên xanh - sạch - đẹp hơn.
Xem thêm các chương trình khác:
- Giải sgk Hóa học 8
- Giải sbt Hóa học 8
- Giải vở bài tập Hóa học 8
- Lý thuyết Hóa học 8
- Các dạng bài tập Hóa học lớp 8
- Giải sgk Vật Lí 8
- Giải sbt Vật Lí 8
- Lý thuyết Vật Lí 8
- Giải vở bài tập Vật lí 8
- Giải SGK Toán 8 | Giải bài tập Toán 8 Học kì 1, Học kì 2 (sách mới)
- Giải sbt Toán 8 (sách mới) | Sách bài tập Toán 8
- Bài tập Ôn luyện Toán lớp 8
- Các dạng bài tập Toán lớp 8
- Lý thuyết Toán lớp 8 (sách mới) | Kiến thức trọng tâm Toán 8
- Giáo án Toán lớp 8 mới nhất
- Bài tập Toán lớp 8 mới nhất
- Chuyên đề Toán lớp 8 mới nhất
- Giải sgk Tiếng Anh 8 (sách mới) | Giải bài tập Tiếng Anh 8 Học kì 1, Học kì 2
- Giải sgk Tiếng Anh 8 | Giải bài tập Tiếng Anh 8 Học kì 1, Học kì 2 (sách mới)
- Giải sbt Tiếng Anh 8 (sách mới) | Sách bài tập Tiếng Anh 8
- Giải sbt Tiếng Anh 8 (thí điểm)
- Giải sgk Tin học 8 | Giải bài tập Tin học 8 Học kì 1, Học kì 2 (sách mới)
- Giải sgk Lịch Sử 8 | Giải bài tập Lịch sử 8 Học kì 1, Học kì 2 (sách mới)
- Lý thuyết Lịch sử 8 (sách mới) | Kiến thức trọng tâm Lịch sử 8
- Giải vở bài tập Lịch sử 8
- Giải Tập bản đồ Lịch sử 8
- Đề thi Lịch Sử 8
- Giải vở bài tập Sinh học 8
- Giải sgk Sinh học 8
- Lý thuyết Sinh học 8
- Giải sgk Giáo dục công dân 8 | Giải bài tập Giáo dục công dân 8 Học kì 1, Học kì 2 (sách mới)
- Lý thuyết Giáo dục công dân 8 (sách mới) | Kiến thức trọng tâm GDCD 8
- Lý thuyết Địa Lí 8 (sách mới) | Kiến thức trọng tâm Địa Lí 8
- Giải sgk Địa Lí 8 | Giải bài tập Địa Lí 8 Học kì 1, Học kì 2 (sách mới)
- Giải Tập bản đồ Địa Lí 8
- Đề thi Địa lí 8