Người đứng đầu cơ sở khám chữa bệnh là ai?

Người đứng đầu cơ sở khám chữa bệnh là ai?

1. Người đứng đầu cơ sở khám chữa bệnh là ai?

Căn cứ theo khoản 7 Điều 2 Nghị định 96/2023/NĐ-CP hướng dẫn Luật Khám bệnh, chữa bệnh có giải thích người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là người giữ một trong các chức danh tổng giám đốc, giám đốc, viện trưởng đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (bao gồm cả các cơ sở là đơn vị sự nghiệp công lập có hội đồng quản lý) hoặc là người được giao nhiệm vụ đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân trong điều lệ tổ chức hoạt động của doanh nghiệp.

2. Khi cơ sở khám chữa bệnh có thay đổi người hành nghề thì người đứng đầu có trách nhiệm gì?

Căn cứ theo khoản 12 Điều 27 Nghị định 96/2023/NĐ-CP hướng dẫn Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định:

Ngoài việc tuân thủ các nguyên tắc về đăng ký hành nghề tại Điều 36 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, việc đăng ký hành nghề thực hiện theo hướng dẫn sau đây:

...

11. Trường hợp người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh vắng mặt tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh vì lý do ốm đau, nghỉ phép, đi học hoặc vì các lý do khác thì người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật phải thực hiện các thủ tục sau:

a) Ủy quyền bằng văn bản cho người làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó có giấy phép hành nghề với phạm vi hành nghề phù hợp với một trong các chuyên khoa mà cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đăng ký hoạt động và có thời gian hành nghề tối thiểu là 36 tháng nếu thời gian vắng mặt tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh dưới 15 ngày;

b) Ủy quyền theo quy định tại điểm a khoản này và có văn bản thông báo cho cơ quan cấp giấy phép hoạt động nếu thời gian vắng mặt tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ 15 ngày đến dưới 90 ngày;

c) Ủy quyền theo quy định tại điểm a khoản này và có văn bản thông báo cho cơ quan cấp giấy phép hoạt động và được cơ quan cấp giấy phép hoạt động chấp thuận bằng văn bản nếu thời gian vắng mặt tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ 90 ngày đến 180 ngày;

d) Nếu thời gian vắng mặt tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên 180 ngày thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải làm hồ sơ, thủ tục đề nghị thay đổi người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

12. Khi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có sự thay đổi về người hành nghề, người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm:

a) Trường hợp người hành nghề không còn làm việc tại cơ sở:

- Tạm dừng cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thuộc phạm vi hành nghề của người hành nghề đó nếu chưa có người hành nghề thay thế kể từ thời điểm người hành nghề chấm dứt hành nghề tại cơ sở;

- Báo cáo với cơ quan có thẩm quyền trong thời gian 03 ngày kể từ thời điểm người hành nghề chấm dứt hành nghề tại cơ sở.

b) Trường hợp bổ sung người hành nghề: thực hiện việc đăng ký hành nghề theo quy định tại Nghị định này. Người hành nghề chỉ được hành nghề sau khi hoàn thành thủ tục đăng ký hành nghề.

Theo đó, khi cơ sở khám chữa bệnh có thay đổi người hành nghề thì người đứng đầu có trách nhiệm như sau:

- Trường hợp người hành nghề không còn làm việc tại cơ sở:

+ Tạm dừng cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thuộc phạm vi hành nghề của người hành nghề đó nếu chưa có người hành nghề thay thế kể từ thời điểm người hành nghề chấm dứt hành nghề tại cơ sở;

+ Báo cáo với cơ quan có thẩm quyền trong thời gian 03 ngày kể từ thời điểm người hành nghề chấm dứt hành nghề tại cơ sở.

- Trường hợp bổ sung người hành nghề: thực hiện việc đăng ký hành nghề theo quy định tại Nghị định này. Người hành nghề chỉ được hành nghề sau khi hoàn thành thủ tục đăng ký hành nghề.

3. Giấy phép hoạt động của cơ sở khám, chữa bệnh là gì?

Giấy phép hoạt động của cơ sở khám, chữa bệnh là gì?

Giấy phép hoạt động của cơ sở khám, chữa bệnh là gì?

Theo quy định tại Điều 50 Luật Khám chữa bệnh 2023, mỗi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có một giấy phép hoạt động và không có thời hạn. Trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thêm cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại địa điểm khác thì mỗi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải có một giấy phép hoạt động riêng.

Bên cạnh đó, khoản 7 Điều 2 Luật Khám bệnh chữa bệnh 2023 giải thích, Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh là văn bản do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho cơ sở có đủ điều kiện hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Luật Khám bệnh chữa bệnh 2023.

Ngoài ra, theo khoản 6 Điều 2 Luật Khám bệnh chữa bệnh 2023 cũng quy định Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là cơ sở đã được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh để cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

Tổng hợp các quy định trên, có thể hiểu Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh là điều kiện cần để một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được đi vào hoạt động, hay nói theo cách khác là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh muốn đi vào hoạt động thì phải có Giấy phép hoạt động.

4. Thay đổi người chịu trách nhiệm chuyên môn có cần đề nghị cấp lại giấy phép hoạt động không?

Căn cứ theo quy định tại Điều 53 Luật Khám bệnh chữa bệnh 2023 quy định có 03 trường hợp được đề nghị cấp lại giấy phép hoạt động, bao gồm:

- Giấy phép hoạt động bị mất;

- Giấy phép hoạt động bị hư hỏng;

- Giấy phép hoạt động có sai sót thông tin.

Như vậy, Luật Khám bệnh chữa bệnh 2023 không quy định trường hợp thay đổi người chịu trách nhiệm chuyên môn ở cơ sở khám chữa bệnh được đề nghị cấp lại giấy phép hoạt động.

Bên cạnh đó, tại Điều 60 Luật Khám bệnh chữa bệnh 2023 quy định về trách nhiệm của cơ sở khám chữa bệnh đã không còn yêu cầu cơ sở khám chữa bệnh phải báo cáo cơ quan cấp giấy phép hoạt động trong trường hợp thay đổi người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh như quy định về trách nhiệm của cơ sở khám chữa bệnh trong Điều 53 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 trước đây.

Tuy nhiên, có quy định tại điểm d khoản 11 Điều 27 Nghị định 96/2023/NĐ-CP nhắc về trường hợp người chuyên môn vắng mặt tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên 180 ngày thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải làm hồ sơ, thủ tục đề nghị thay đổi người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Như vậy, trong trường hợp người chịu trách nhiệm chuyên môn vắng mặt tại cơ sở khám chữa bệnh trên 180 ngày thì cơ sở khám chữa bệnh thực hiện thủ tục đề nghị thay đổi người chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở khám chữa bệnh, không làm thủ tục đề nghị cấp lại giấy phép hoạt động của cơ sở khám chữa bệnh.

5. Thay đổi chức danh chuyên môn có cần cấp mới giấy phép hành nghề không?

Căn cứ tại Điều 30 Luật Khám bệnh chữa bệnh 2023 quy định:

1. Cấp mới giấy phép hành nghề được áp dụng đối với các trường hợp sau đây:

a) Người lần đầu tiên đề nghị cấp giấy phép hành nghề;

b) Người hành nghề thay đổi chức danh chuyên môn đã được ghi trên giấy phép hành nghề;

c) Người bị thu hồi giấy phép hành nghề thuộc trường hợp cấp mới theo quy định của Chính phủ;

d) Trường hợp khác theo quy định của Chính phủ.

2. Điều kiện cấp mới giấy phép hành nghề đối với các chức danh bác sỹ, y sỹ, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y, dinh dưỡng lâm sàng, cấp cứu viên ngoại viện và tâm lý lâm sàng bao gồm:

a) Được đánh giá đủ năng lực hành nghề qua kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh quy định tại Điều 24 của Luật này hoặc có giấy phép hành nghề được thừa nhận theo quy định tại Điều 29 của Luật này;

b) Có đủ sức khỏe để hành nghề;

c) Đáp ứng năng lực tiếng Việt đối với người nước ngoài theo quy định của Chính phủ;

d) Không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 20 của Luật này hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hành nghề nhưng chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính.

...

Theo đó, người hành nghề thay đổi chức danh chuyên môn đã được ghi trên giấy phép hành nghề thuộc trường hợp cấp mới giấy phép hành nghề.

Xem thêm các bài viết có liên quan:

Khám ngoại trú là gì? Mức hưởng bảo hiểm y tế là bao nhiêu đối với người bệnh đến khám bệnh chữa bệnh ngoại trú tại bệnh viện tuyến huyện?

Gia hạn bảo hiểm y tế ở đâu?

Bảo hiểm xã hội tự nguyện là gì? Những điều cần biết về bảo hiểm xã hội tự nguyện