Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của cá nhân, được quy định cụ thể trong Luật hộ tịch. Mỗi người khi sinh ra đều phải được đăng ký khai sinh và được cấp Giấy khai sinh bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp. Vậy Bản sao giấy khai sinh là gì? Có thời hạn bao lâu? Khi cần xin trích lục bản sao giấy khai sinh cần phải chuẩn bị những gì? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đọc giải đáp các thắc mắc trên nhé.

Bản sao giấy khai sinh có thời hạn bao lâu? Xin trích lục bản sao giấy khai sinh cần phải chuẩn bị những gì?

1. Giấy khai sinh là gì?

Căn cứ vào khoản 6 Điều 4 Luật Hộ tịch 2014 thì Giấy khai sinh là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho cá nhân khi được đăng ký khai sinh; nội dung Giấy khai sinh bao gồm các thông tin cơ bản về cá nhân theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Luật Hộ tịch 2014.

Theo đó, đăng ký khai sinh phải có các nội dung sau :

- Thông tin của người được đăng ký khai sinh: Họ, chữ đệm và tên; giới tính; ngày, tháng, năm sinh; nơi sinh; quê quán; dân tộc; quốc tịch;

- Thông tin của cha, mẹ người được đăng ký khai sinh: Họ, chữ đệm và tên; năm sinh; dân tộc; quốc tịch; nơi cư trú;

- Số định danh cá nhân của người được đăng ký khai sinh.

2. Giá trị pháp lý của giấy khai sinh

Theo Điều 6 Nghị định 123/2015/NĐ-CP thì giá trị pháp lý của giấy khai sinh được quy định như sau:

- Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của cá nhân.

- Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung về họ, chữ đệm, tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha, mẹ, con phải phù hợp với Giấy khai sinh của người đó.

- Trường hợp nội dung trong hồ sơ, giấy tờ cá nhân khác với nội dung trong Giấy khai sinh của người đó thì Thủ trưởng cơ quan, tổ chức quản lý hồ sơ hoặc cấp giấy tờ có trách nhiệm điều chỉnh hồ sơ, giấy tờ theo đúng nội dung trong Giấy khai sinh.

3. Bản sao giấy khai sinh là gì?

Căn cứ vào Khoản 1, 2 Điều 2 Nghị định 23/2015/NĐ-CP thì bản sao giấy khai sinh được chia làm 2 loại:

- Bản sao Giấy khai sinh từ sổ gốc là bản sao do cơ quan, tổ chức đang quản lý sổ gốc, căn cứ vào sổ gốc để cấp. Bản sao từ sổ gốc có nội dung đầy đủ, chính xác như nội dung ghi trong sổ gốc.

Việc cấp bản sao từ sổ gốc được thực hiện đồng thời với việc cấp bản chính hoặc sau thời điểm cấp bản chính.

- Bản sao Giấy khai sinh có chứng thực là bản sao do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định 23/2015/NĐ-CP căn cứ vào bản chính để chứng thực bản sao là đúng với bản chính.

Bản sao giấy khai sinh có thời hạn bao lâu? Xin trích lục bản sao giấy khai sinh cần phải chuẩn bị những gì?

4. Bản sao giấy khai sinh có thời hạn bao lâu?

Hiện tại chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định về thời hạn có hiệu lực của bản sao Giấy khai sinh.

Theo đó, khi sử dụng, tiếp nhận bản sao tại Điều 6 Nghị định 23/2015/NĐ-CP thì sẽ thực hiện như sau:

- Trường hợp pháp luật quy định nộp bản sao thì cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận bản sao, không được yêu cầu bản sao có chứng thực nhưng có quyền yêu cầu xuất trình bản chính để đối chiếu. Người đối chiếu có trách nhiệm xác nhận tính chính xác của bản sao so với bản chính.

- Trường hợp tiếp nhận bản sao được cấp từ sổ gốc, bản sao có chứng thực thì không được yêu cầu xuất trình bản chính, trừ trường hợp có căn cứ về việc bản sao giả mạo, bất hợp pháp thì yêu cầu xuất trình bản chính để đối chiếu hoặc tiến hành xác minh, nếu thấy cần thiết.

Như vậy, bản sao Giấy khai sinh không có thời hạn sử dụng và khi đã xuất trình bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao có chứng thực Giấy khai sinh thì không cần phải xuất trình thêm bản chính để đối chiếu.

5. Trích lục bản sao giấy khai sinh cần phải chuẩn bị những gì?

Căn cứ khoản 1 Điều 2 Nghị định 123/2015/NĐ-CP thì xin cấp trích lục bản sao giấy khai sinh cần chuẩn bị các giấy tờ, bao gồm:

- Đơn xin trích lục giấy khai sinh.

- Giấy tờ tùy thân như căn cước công dân, chứng minh nhân dân, hộ chiếu.

- Trường hợp ủy quyền cho người khác thực hiện thì phải có văn bản ủy quyền.

Trong giai đoạn chuyển tiếp, người yêu cầu đăng ký hộ tịch phải xuất trình giấy tờ chứng minh nơi cư trú.

Ngay sau khi tiếp nhận hồ sơ, nếu thấy hồ sơ đầy đủ và phù hợp, công chức hộ tịch sẽ căn cứ vào cơ sở dữ liệu hộ tịch, ghi nội dung bản sao trích lục giấy khai sinh.

Đồng thời, báo cáo Thủ trưởng cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu hộ tịch ký cấp bản sao trích lục cho người yêu cầu.