Soạn bài Bức tranh của em gái tôi trang 66 (Cánh diều)

Hướng dẫn soạn bài Bức tranh của em gái tôi bộ sách Cánh diều  hay, ngắn gọn nhất và đủ ý giúp học sinh dễ dàng nắm được nội dung chính bài Bức tranh của em gái tôi để chuẩn bị bài và soạn văn 6. Mời các bạn đón xem:

1 2747 lượt xem
Tải về


Soạn bài Bức tranh của em gái tôi Cánh diều

Bài giảng Soạn văn lớp 6 Tập 2 Soạn bài Bức tranh của em gái tôi

A. Soạn bài Bức tranh của em gái tôi ngắn gọn:

1. Chuẩn bị

Câu 1 (trang 66 SGK Ngữ văn 6 tập 2): Khi đọc truyện ngắn các em cần chú ý

- Truyện kể về việc gì? Thời gian và địa điểm xảy ra câu chuyện?

- Truyện có những nhân vật nào? Ai là nhân vật chính? Nhân vật chính là người thế nào?

- Truyện kể theo ngôi kế thứ mấy và tác dụng của ngôi kế ấy?

- Truyện nêu lên vấn đề gì? Vấn để ấy có liên quan đến cuộc sống hiện nay và cá nhân em như thế nào?

Trả lời:

- Truyện kể về: người anh và cô em gái có tài hội họa, lòng nhân hậu của người em gái đã giúp cho người anh nhận ra phần hạn chế ở chính mình.

- Thời gian và địa điểm xảy ra câu chuyện: tại cuộc thi triển lãm tranh, người em đã giành giải nhất của hội thi.

- Các nhân vật trong truyện: người anh trai, em gái Kiều Phương, chú Tiến Lê, bố, mẹ.

- Nhân vật chính: người anh trai.

- Người anh đố kị với tài năng của em gái, tự ti bản thân và thấy hối hận trước những gì mình đã làm.

- Truyện kể theo ngôi thứ nhất. 

- Việc lựa chọn ngôi kể như vậy rất thích hợp với chủ đề, dễ dàng bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ của nhân vật chính, hơn nữa để cho sự hối hận được bày tỏ một cách chân thành hơn, đáng tin cậy hơn.

- Vấn đề nêu lên có liên quan đến cuộc sống hiện nay và cá nhân: Tình cảm trong sáng, nhân hậu bao giờ cũng lớn hơn, cao đẹp hơn lòng ghen ghét, đố kị. Không nên đố kị, ghen ghét trước tài năng của người khác mà cần phải biết vượt qua tất cả những mặc cảm, tự ti để vượt qua chính mình.

- Vấn đề ấy liên quan mật thiết đến cuộc sống hiện nay vì cuộc sống của chúng ta có rất nhiều người còn tính ích kỉ, đố kị và kể cả em cũng đôi lúc như thế. Văn bản giúp em và sẽ giúp mọi người thay đổi bản thân tốt lên và yêu quý các thành viên trong gia đình mình hơn nữa.

Câu 2 (trang 66 SGK Ngữ văn 6 tập 2): Đọc trước truyện Bức tranh của em gái tôi: tìm hiểu thêm thông tin về tác giả Tạ Duy Anh.

Trả lời:

Về tác giả Tạ Duy Anh:

- Tạ Duy Anh sinh năm 1959, quê ở Chương Mĩ, tỉnh Hà Tây (nay thuộc Hà Nội). Ông từng làm cán bộ giám sát chất lượng bê tông ở Nhà máy thủy điện Hòa Bình, trung sĩ bộ binh ở Lào Cai. Sau đó Tạ Duy Anh tham gia học ở Trường viết văn Nguyễn Du. Trải qua 4 năm học, ông đỗ đầu và được giữ lại làm giảng viên. Là cây bút trẻ trong thời kì đổi mới.

- Hiện ông là biên tập viên tại Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Tạ Duy Anh trở thành hội viên Hội nhà văn Việt Nam từ năm 1993.

- Trong 20 năm cầm bút, Tạ Duy Anh đã xuất bản sáu tiểu thuyết và hàng chục tập truyện ngắn, tản văn, truyện thiếu nhi…

- Tạ Duy Anh được đánh giá là một cây bút sung sức, trung thực với nhiều tìm tòi đổi mới. “Tạ Duy Anh không lúc nào không nghĩ về sự “thay đổi”, thay đổi để tiếp tục sáng tạo, dù có gặp những sự bài xích đi chăng nữa, để rồi mỗi cuốn sách lại có một cuộc đời riêng có với cách cấu trúc và ngôn ngữ của mình”.

2. Đọc hiểu

Câu 1 (trang 67 SGK Ngữ văn 6 tập 2): Từ nhan đề và hình minh họa, em có thể đoán nội dung chính của truyện này nói về việc gì?

Trả lời:

Từ nhan đề và hình minh họa, em có thể đoán nội dung chính của truyện này nói về bức tranh của người em gái.

Câu 2 (trang 67 SGK Ngữ văn 6 tập 2): Người kể câu chuyện ở ngôi nào? Kể với ai?

Trả lời:

Người kể ở ngôi thứ nhất xưng “tôi” và kể cho mọi người nghe về câu chuyện của mình.

Câu 3 (trang 67 SGK Ngữ văn 6 tập 2): Tại sao nhân vật “tôi” lại bí mật theo dõi em gái?

Trả lời:

Nhân vật “tôi” lại bí mật theo dõi em gái vì “tôi” nhận ra em gái tôi đang chế tạo thuốc vẽ.

Câu 4 (trang 67 SGK Ngữ văn 6 tập 2): Phần (2) giúp người đọc hiểu ra điều gì?

Trả lời:

Phần (2) giúp người đọc hiểu ra cô bé Kiều Phương là cô bé có tài năng hội họa.

Câu 5 (trang 68 SGK Ngữ văn 6 tập 2): Chú ý sự thay đổi của nhân vật "tôi" qua tâm trạng, suy nghĩ và hành động ở phần 3.

Trả lời:

Sự thay đổi của nhân vật "tôi" qua tâm trạng, suy nghĩ và hành động ở phần 3:

+ Cảm thấy mình bất tài nên bị đẩy ra ngoài.

+ Tôi chẳng tìm thấy ở tôi một năng khiếu gì.

+ Chỉ cần một lỗi nhỏ ở nó và tôi gắt um lên.

Câu 6 (trang 68 SGK Ngữ văn 6 tập 2): Sự việc nào trong phần 4 làm cho câu chuyện tiếp tục hấp dẫn? Hấp dẫn ở chỗ nào?

Trả lời:

Sự việc trong phần 4 làm cho câu chuyện tiếp tục hấp dẫn. Hấp dẫn ở:

+ Bé Phương tham gia trại thi vẽ quốc tế

+ Với chủ đề: "cháu hãy vẽ cái gì thân thuộc nhất với cháu" và Kiều Phương được trao giải nhất.

+ Em muốn cả anh trai cùng em đi nhận giải.

+ Thật bất ngờ, bức tranh mà người em chính là vẽ người anh khiến người anh sững sờ.

Câu 7 (trang 69 SGK Ngữ văn 6 tập 2): Chú bé trong bức tranh được miêu tả như thế nào?

Trả lời:

Chú bé trong bức tranh được miêu tả: một chú bé đang ngồi nhìn ra ngoài cửa sổ, nơi bầu trời trong xanh. Mặt chú bé như tỏa ra một thứ ánh sáng rất lạ. Toát lên từ cặp mắt, tư thế ngồi của chú không chỉ sự suy tư mà còn rất thơ mộng nữa.

Câu 8 (trang 69 SGK Ngữ văn 6 tập 2): Chú ý sự thay đổi tâm trạng của nhân vật "tôi".

Trả lời:

- Cảm xúc: khi đứng trước bức tranh được giải của em thì người anh ngỡ ngàng, rồi đến hãnh diện, sau đó là xấu hổ và muốn khóc. 

- Thái độ: không còn xem thường mà thấy có lỗi với em.

- Hành động:

+ Giật sững người.

+ Bám chặt lấy tay mẹ.

+ Nhìn như thôi miên vào dòng chữ trên bức tranh: “Anh trai tôi”.

+ Không trả lời mẹ.

=> Tất cả những cảm xúc, thái độ, hành động của nhân vật "tôi" cho thấy người anh đã thay đổi cái nhìn về em, cậu cảm phục, xấu hổ và yêu quý em hơn không phải chỉ vì tài năng mà vì tấm lòng nhân hậu của em.

Câu hỏi cuối bài:

Câu 1 (trang 70 SGK Ngữ văn 6 tập 2):

Trả lời:

Câu chuyện kể về người anh và cô em gái có tài hội họa - Kiều Phương. Cô em gái Kiều Phương có năng khiếu hội họa tiềm ẩn. Người anh trai đặt biệt hiệu cho cô bé là Mèo. Nhờ bé Quỳnh mà chú Tiến Lê- họa sĩ, phát hiện ra Kiều Phương có tài năng hội họa. Cả nhà đều vui mừng duy chỉ có người anh trai ghen tị, mặc cảm và luôn tìm cách xa lánh em gái. Trong một lần khi em gái đạt giải nhất trong kì thi vẽ tranh với bức tranh anh trai tôi, người anh mới nhận ra tấm lòng nhân hậu của em và tự thấy xấu hổ, hối hận về mình.

Câu 2 (trang 70 SGK Ngữ văn 6 tập 2):

Trả lời:

Soạn bài Bức tranh của em gái tôi Cánh diều (ảnh 1)

Câu 3 (trang 70 SGK Ngữ văn 6 tập 2):

Trả lời:

- Nhân vật người em thường được tái hiện qua hành động:

+ Sau khi có vẻ đã hài lòng, nó lôi trong túi ra ba bốn lọ nhỏ, cái màu đỏ, cái màu vàng, cái màu xong lục,... đều do nó tự chế.

+ Nó đưa mắt canh chừng rồi lại nhét tất cả vào túi sau khi cho màu đen nhọ nồi vào trong một cái lọ còn bỏ không. 

+ Nó lao vào ôm cổ tôi, nhưng tôi viện cớ đang dở việc đẩy nhẹ nó ra. Tuy thế, nó vẫn kịp thì thầm vào tai tôi: "Em muốn cả anh cùng đi nhận giải".

- Nhân vật người anh thường được tái hiện qua tâm trạng:

+ Tôi luôn cảm thấy mình bất tài nên bị đẩy ra ngoài.

+ Những lúc ngồi bên bàn học tôi chỉ muốn gục đầu xuống khóc.

+ Tôi giật sững người.

+ Thoạt tiên là sự ngỡ ngàng, rồi đến hãnh diện, sau đó là xấu hổ.

+ Tôi không trả lời mẹ vì tôi muốn khóc quá.

- Ngôi kể: rất thích hợp với chủ đề, hơn nữa để cho sự hối hận được bày tỏ một cách chân thành hơn, đáng tin cậy hơn.

Câu 4 (trang 70 SGK Ngữ văn 6 tập 2):

Trả lời:

a. Người anh muốn khóc vì cậu cảm thấy ân hận trước những hành động của mình khi nhìn thấy bức tranh vẽ chính mình.

b. Câu nói "Không phải con đâu. Đẩy là tâm hồn và lòng nhân hậu của em con đấy!" cho em hiểu rằng thực ra bản chất của người anh không xấu, người anh cảm nhận được tâm hồn và lòng nhân hậu của người em, nhận thấy tình cảm của em gái dành cho mình và từ đó thấy bản thân mình thấy xấu.

c. Điều bất ngờ chính là từ bức tranh của người em gái, về tình cảm của người em dành cho anh, và sự xấu hổ của người anh lúc này.

Câu 5 (trang 70 SGK Ngữ văn 6 tập 1):

Trả lời:

- Cuối truyện, tác giả viết: “Tôi nhìn như thôi miễn vào dòng chữ đề trên bức tranh: “Anh trai tôi". Vậy mà dưới mắt tôi thì...".

- Nội dung của dấu ba chấm: Vậy mà dưới mắt tôi thì lại đối xử với em ấy không ra gì.

- Dấu ba chấm ở đây thể hiện sự nghẹn ngào, không nói nên lời của người anh và qua đó cũng thể hiện sự hối hận của người anh vì đã từng đố kị với em.

- Em đã từng có tâm trạng ấy rồi, đó là khi em hiểu lầm và nghĩ xấu về một người nào đó nhưng thực sự họ lại là một người tốt. Sau đó em đã thay đổi suy nghĩ của mình.

Câu 6 (trang 70 SGK Ngữ văn 6 tập 1):

Trả lời:

- Tác phẩm có ý nghĩa giáo dục nhân cách gợi ra những điều sâu sắc về mối quan hệ, thái độ, cách ứng xử giữa người này với người khác trong cuộc sống hàng ngày. Đó có thể là tình bạn, tình an hem.

- Tình cảm trong sáng, nhân hậu bao giờ cũng lớn hơn, cao đẹp hơn lòng ghen ghét, đố kị. Không nên đố kị, ghen ghét trước tài năng của người khác mà cần phải biết vượt qua tất cả những mặc cảm, tự ti để vượt qua chính mình.

B. Tóm tắt những nội dung chính khi soạn bài Bức tranh của em gái tôi

I. Tác giả

1. Tiểu sử

- Tạ Duy Anh tên khai sinh là Tạ Việt Đãng, sinh ngày 9 tháng 9 năm 1959, quê ông ở thôn Cổ Hiền, xã Hoàng Diệu, huyện Chương Mỹ, Hà Tây (nay thuộc Hà Nội)

- Ông từng làm cán bộ giám sát chất lượng bêtông ở nhà máy thủy điện Hòa Bình, trung sĩ bộ binh ở Lào Cai. Sau đó theo học trường viết văn Nguyễn Du, đỗ đầu và được giữ lại làm giảng viên

- Ông trở thành thành viên của Hội nhà văn Việt Nam từ năm 1993. Hiện nay ông là Biên tập viên của Hội nhà văn Việt Nam

Soạn bài Bức tranh của em gái tôi Cánh diều (ảnh 1)

2. Sự nghiệp văn học

- Ông là cây bút trẻ trong thời kỳ đổi mới

- Tác phẩm: Bến thời gian, Bố cục hoàn hảo, Ngày hội cuối cùng, Đi tìm nhân vật (tiểu thuyết), Dưới bàn tay vô hình,... 

- Giải thưởng

+ Giải Nhất truyện ngắn nông thôn Báo Văn nghệ, Báo Nông nghiệp và Đài tiếng nói Việt Nam tổ chức

+ Giải C cuộc thi truyện ngắn năm 1989-1990 của tạp chí Văn nghệ quân đội với tác phẩm Xưa kia chị đẹp nhất làng

+ Giải nhì cuộc thi viết "Tương lai vẫy gọi" của báo Thiếu niên tiền phong cho truyện ngắn Bức tranh của em gái tôi.

+ Hai giải thưởng của Nhà xuất bản Kim Đồng cho hai tập truyện Quả trứng vàng và Vó ngựa trở về.

+ Giải thưởng văn học Thủ đô 2012 cho tập truyện ngắn Lãng du

II. Tác phẩm

1. Xuất xứ

Truyện ngắn in trong Bức tranh của em gái tôi, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2008.

2. Bố cục

- Đoạn 1: (Từ đầu … đến "phát huy tài năng"): Tâm trạng người anh trước khi tài năng của Kiều Phương được phát hiện.

- Đoạn 2 (Tiếp theo … đến "cùng đi nhận giải"): Tâm trạng người anh khi tài năng của Kiều Phương được phát hiện.

- Đoạn 3 (Còn lại): Tâm trạng người anh khi đứng trước bức tranh đạt giải của em gái mình

3. Tóm tắt

Truyện Bức tranh của em gái tôi kể về hai nhân vật là bé Phương – thường được gọi là Mèo và người anh trai. Cô bé có sở thích vẽ tranh nên thường bí mật pha chế màu và vẽ. Khi mọi người phát hiện ra Kiều Phương có tài năng hội họa thì người anh tỏ ra ghen tị và xa lánh em. Cậu thất vọng vì mình không có tài năng gì và cảm thấy cả nhà đang lãng quên, hắt hủi mình. Kiều Phương đạt giải nhất tại trại thi vẽ tranh quốc tế với bức vẽ “Anh trai tôi”, lúc này người anh mới nhận ra tấm lòng nhân hậu của em và hối lỗi về bản thân mình.

Soạn bài Bức tranh của em gái tôi Cánh diều (ảnh 1)

4. Thể loại: truyện ngắn

5. Giá trị nội dung

Qua câu chuyện về người anh và cô em gái có tài năng hội họa, truyện “Bức tranh của em gái tôi” cho thấy: Tình cảm trong sáng, hồn nhiên và lòng nhân hậu của người em gái đã giúp cho người anh nhận ra phần hạn chế ở chính mình.

6. Giá trị nghệ thuật

- Ngôi kể thứ nhất tự nhiên, chân thật.

- Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật tinh tế, sắc sảo

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 6 sách Cánh diều hay, ngắn gọn khác:

Điều không tính trước

Thực hành tiếng Việt trang 75 - 76

Thực hành đọc hiểu - Chích bông ơi!

Viết bài văn tả cảnh sinh hoạt

Thảo luận nhóm về một vấn đề

1 2747 lượt xem
Tải về