Lẽ ghét thương - Tác giả tác phẩm Ngữ văn lớp 11

VietJack.me xin giới thiệu với các bạn học sinh lớp 11 về Tác giả tác phẩm Lẽ ghét thương gồm đầy đủ những nội dung chính quan trọng nhất của văn bản Lẽ ghét thương như sơ lược về tác giả, tác phẩm, bố cục, tóm tắt, dàn ý, phân tích .... Mời các bạn theo dõi:

1 2,560 12/07/2022
Tải về


Lẽ ghét thương - Ngữ văn lớp 11

I. Tác giả Lẽ ghét thương

Nguyễn Đình Chiểu – Wikipedia tiếng Việt

a. Tiểu sử

- Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888), tự là Mạnh Trạch, hiệu Trọng Phủ, Hối Trai

- Quê: làng Tân Thới, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định

- Ông xuất thân trong gia đình nho học, năm 1843 thi đỗ tú tài ở trường thi Gia Định.

- Trên đường ra Huế học chuẩn bị thi tiếp (năm 1846) ông nhận được tin mẹ mất, phải bỏ thi về quê chịu tang, dọc đường ông bị đau mắt nặng rồi bị mù

- Không chịu khuất phục trước số phận, về quê ông mở trường dạy học, bốc thuốc chữa bệnh cho dân, tiếng thơ ông Đồ Chiểu vang khắp lục tỉnh

- Khi Pháp xâm lược ông hăng hái giúp các nghĩa quân bàn mưu tính kế, bị giặc dụ dỗ mua chuộc ông khẳng khái khước từ

⇒ Cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu là tấm gương sáng ngời về nghi lực và đạo đức đặc biệt là thái độ một đời gắn bó chiến đấu không mệt mỏi vì lẽ phải, vì lợi ích của nước của dân

b. Sự nghiệp văn học

- Các tác phẩm chính: chủ yếu bằng chữ Nôm

  + truyện thơ dài: truyện Lục Vân Tiên, Dương Tử- Hà Mậu được sáng tác trước khi thực dân Pháp xâm lược

  + một số tác phẩm mang nội dung tư tưởng tình cảm, nghệ thuật: Chạy giặc, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Ngư tiều y thuật vấn đáp,... sáng tác sau khi Pháp xâm lược

- Nội dung thơ văn

  + Mang nặng lí tưởng đạo đức nhân nghĩa:

    • Đạo lí làm người của ông mang tinh thần nhân nghĩa của đạo Nho nhưng lại đậm đà tính nhân dân và truyền thống dân tộc

    • Những mẫu người lí tưởng trong sáng tác của ông là những con người nhân hậu, ngay thẳng, thủy chung, dám đấu tranh với các thế lực tàn bạo, cứu độ nhân thế

      + Lòng yêu nước thương dân:

    • Thơ văn chống Pháp của ông ghi lại chân thực một thời đại đau thương của đất nước, tố cáo tội ác kẻ thù: Chạy giặc, Văn tế nghĩa sĩ trong trận vong Lục tỉnh,...

    • Khích lệ lòng căm thù giặc và ý chí cứu nước của nhân dân ta

    • Biểu dương các anh hùng, nghĩa sĩ đã chiến đấu vì đất nước: Văn tế Trương Định, Kì Nhân Sư trong Ngư Tiều y thuật vấn đáp

- Nghệ thuật thơ văn

  + Bút pháp trữ tình nồng đậm hơi thở cuộc sống

  + Đậm đà sắc thái Nam Bộ

  + Lối thơ thiên về kể mang màu sắc diễn xướng

Bài giảng Ngữ văn 11 Lẽ ghét thương 

II. Nội dung tác phẩm Lẽ ghét thương 

Bài thơ: Lẽ ghét thương (Nguyễn Đình Chiểu): nội dung, dàn ý phân tích, bố cục, tác giả - Tác giả tác phẩm (mới 2022) | Ngữ văn lớp 11Bài thơ: Lẽ ghét thương (Nguyễn Đình Chiểu): nội dung, dàn ý phân tích, bố cục, tác giả - Tác giả tác phẩm (mới 2022) | Ngữ văn lớp 11

III. Tìm hiểu chung về tác phẩm Lẽ ghét thương

1. Hoàn cảnh sáng tác tác phẩm Lẽ ghét thương

- Đoạn thơ được trích từ câu 473 đến câu 504 trong truyện Lục Vân Tiên, được sáng tác trong những năm đầu của thế kỉ 19, khi ông bị mù về dạy học chữa bệnh cho dân ở quê nhà

2. Bố cục tác phẩm Lẽ ghét thương

- Phần 1 (6 câu đầu): Cuộc đối thoại giữa ông Quán và Vân Tiên

- Phần 2 (10 câu tiếp): Lời ông Quán bàn về lẽ ghét

- Phần 3 (còn lại): Lời ông Quán bàn về lẽ thương

3. Tóm tắt tác phẩm Lẽ ghét thương

Truyện Lục Vân Tiên kể về một chàng trai văn võ song toàn, trên đường đi thi đã đánh tan bọn cướp cứu Kiều Nguyệt Nga, một tiểu thư con quan. Nguyệt Nga tự nguyện xin gắn bó cùng chàng để đền đáp ơn nghĩa. Trước khi đi thi, được tin mẹ qua đời Vân Tiên phải bỏ thi về quê chịu tang. Chàng khóc thương mẹ đến mù cả mắt. Trịnh Hâm một kẻ vì ghen tài đã lừa đẩy chàng xuống sông. Chàng được vợ chồng Ngư ông cứu sống. Về đến quê chàng bị cha con Võ Thể Loan (vợ chưa cưới) trở mặt bội ước, đem bỏ chàng trong hang núi nhưng chàng được Thần, Phật giúp đỡ. Sau đómắt chàng sáng ra, thi đỗ Trạng Nguyên, được vua cử đi dẹp giặc Ô Qua. Nguyệt Nga một lòng chung thủy với Vân Tiên. Bị Thái sư bắt cống cho giặc, nàng nhảy sông tự vẫn nhưng được cứu sống. Cuối cùng Vân Tiên thắng trận trở về gặp Nguyệt Nga cả hai kết duyên vợ chồng

- Đoạn trích kể về cuộc nói chuyện giữa nhân vật ông Quán và mấy nho sĩ trẻ tuổi. Lục Văn Tiên cùng bạn là Vương Tử Trực đi thi, vào quán trọ gặp Trịnh Hâm và Bùi Kiệm cũng là sĩ tử. Trịnh Hâm đề nghị bốn người làm thơ để so tài cao thấp. Trịnh Hâm, Bùi Kiệm thua tài lại còn nghi Lục Vân Tiên và Vương Tử Trực gian lận. ông Quán nhìn ra lẽ đó mới bàn về lẽ ghét thương ở đời

4. Phương thức biểu đạt tác phẩm Lẽ ghét thương

-Tự sự, biểu cảm.

5. Thể loại tác phẩm Lẽ ghét thương

- Tác phẩm Lẽ ghét thương thuộc thể loại: Truyện Nôm bác học

6. Giá trị nội dung tác phẩm Lẽ ghét thương

- Đoạn trích nói lên những tình cảm yêu ghét rất phân minh, mãnh liệt và tấm lòng thương dân sâu sắc của tác giả

7. Giá trị nghệ thuật tác phẩm Lẽ ghét thương

- Lời thơ mộc mạc, chân chất nhưng đậm đà cảm xúc

IV. Dàn ý tác phẩm Lẽ ghét thương

1. Lẽ ghét qua lời ông Quán

- Ông Quán đã trực tiếp, thẳng thắn bày tỏ thái độ: Ghét cay ghét đắng ghét vào tận tâm những kẻ mà ông cho là việc tầm phào (việc xấu xa, xằng bậy, tàn ác, hại người,...)

- Đối tượng bị ghét: là các hôn quân bạo chúa (Kiệt, Trụ), các triều đại hỗn loạn gây đau thương, tang tóc cho dân chúng (U, Lệ, Ngũ bá, Thúc quý,...)

- Nguyên nhân:

  + ông Quán ghét tất cả những gì đi ngược lại quyền lợi của dân chúng

  + lẽ ghét ấy xuất phát từ lẽ thương: thương nước, thương dân sâu sắc

2. Lẽ thương của ông Quán

- Đối tượng được thương: là các bậc thánh hiền, những người tài giỏi nhân đức, những bậc quân tử chí lớn mà lận đận, công không thành danh không toại, những người có khí phách cương trực không chịu vào luồn ra cúi để có được danh lợi,...

- Ta thấy ở đây giữa các nhân vật và tác giả đã gặp gỡ nhau ở khí phách cương trực, tấm lòng yêu nước thương dân

3. Nghệ thuật

- Vận dụng linh hoạt các biện pháp tu từ đặc biệt là điệp từ thương, ghét

- Thơ triết lí mà vẫn đậm trữ tình, hùng biện mà thấm thía, lời lẽ mộc mạc mà gợi cảm

V. Một số đề văn bài Lẽ ghét thương

Đề bài: Phân tích đoạn trích “Lẽ ghét thương” trong truyện “Lục Vân Tiên” của Nguyễn Đình Chiểu.

Bài văn mẫu Phân tích đoạn trích “Lẽ ghét thương” trong truyện “Lục Vân Tiên” của Nguyễn Đình Chiểu.

Cuối thế kỉ XIX chế độ phong kiến nhà Nguyễn đang bước vào giai đoạn của những “cơn hấp hối”, triều chính rối ren. Đó là nguồn cảm hứng để các nhà văn, nhà thơ phản ánh hiện thực, hoàn thành sứ mệnh “người thư kí trung thành của thời đại”. Nguyễn Đình Chiểu là một nhà thơ, nhà văn tài ba sống trong giai đoạn ấy, bằng tài năng thi phú ông đã mượn chuyện bên Trung Hoa để tái hiện lại hiện thực xã hội đương thời và bộc lộ quan điểm, tư tưởng của mình qua những vần thơ. Đoạn trích “Lẽ ghét thương” trích trong truyện “Lục Vân Tiên” từ câu 473 đến câu 504 kể về cuộc nói chuyện giữa ông Quán và các nho sĩ trẻ tuổi, đồng thời thể hiện tình cảm chân thành thương ghét của tác giả.

Ông Quán trong đoạn trích là nhân vật tiêu biểu cho các nhà Nho ở ẩn. Ông bộc lộ suy nghĩ, tình cảm của mình trước việc đời mà ông chứng kiến. Đó là chuyện của bốn chàng nho sinh Bùi Kiệm, Trịnh Hâm, Tử Trực cùng bạn là Lục Vân Tiên. Họ uống rượu, thi tài làm thơ trong quán ông trước khi vào trường thi. Trịnh Hâm và Bùi Kiệm ba hoa, khoác lác bị thua còn nghi oan cho Lục Vân Tiên và Tử Trực gian lận. Nhân sự việc đó ông Quán bàn về lẽ ghét thương ở đời.

Nhân vật ông Quán tuy là nhân vật phụ nhưng đoạn trích này có thể coi ông là người phát ngôn cho tư tưởng của tác giả. Bốn câu thơ đầu là tuyên ngôn về lẽ ghét thương của ông Quán:

    “Quán rằng kinh sử đã từng

    Coi rồi lại khiến lòng hằng xót xa

    Hỏi thời ta phải nói ra

    Vì chưng hay ghét cũng là hay thương”.

Một con người học rộng tài cao như Đồ Chiểu ngoài hai mươi tuổi đã thi đậu tú tài, giữa lúc tương lai rộng mở với đầy những hứa hẹn thì mẹ mất, mắt thì bị mù sau về quê dạy học và làm nghề thuốc. Chính vì vậy mà việc tinh tường những sự việc trong sách sử khiến lòng mình đau đớn, xót xa. Ông nêu lên mối quan hệ khăng khít giữa ghét và thương. Ông ghét không phải vì danh vì lợi của bản thân, mà ghét vì “Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”, “Vì chưng hay ghét cũng là hay thương” ông ghét là bởi vì ông thương quá nhiều, vì tấm lòng thương yêu đồng loại ghét bọn gian tà, cậy quyền cậy thế ức hiếp người khác. Như vậy ghét trong quan niệm của ông Quán cũng là một biểu hiện của thương, lòng thương ở đây đạt đến mức cực đại vì thương quá nhiều mà sinh ra ghét vô cùng.

Bốn câu tiếp là tình cảm yêu ghét rõ ràng của ông Quán được bộc lộ:

    Tiên rằng: “Trong đục chưa tường

    Chẳng hay thương ghét, ghét thương lẽ nào

    Quán rằng ghét việc tầm phào

    Ghét cay ghét đắng ghét vào tận tâm”

Khi được Vân Tiên hỏi chuyện về lẽ ghét thương ở đời là như thế nào? Ông thẳng thắn bày tỏ quan điểm, suy nghĩ của mình. Ông “ghét việc tầm phào” là những việc vớ vẩn, bậy bạ, vô nghĩa. Ông “ghét cay ghét đắng ghét vào tận tâm” chỉ với một câu thơ lục bát mà đến bốn lần từ “ghét” được lặp lại và lối diễn đạt tăng cấp thể hiện rõ mức độ căm ghét đến tột cùng, cực điểm của ông Quán.

Ông cụ thể hóa việc ghét là ghét ai, ghét những việc như thế nào và ghét là vì ai?

    “Ghét đời Kiệt, Trụ mê dâm

    ...Sớm đầu tối đánh lằng nhằng rối dân”

 

Mỗi một cặp câu lục bát là tác giả trích dẫn những con người những sự việc từ đời nhà Hạ, Thương bên Trung Quốc với điệp cấu trúc “Ghét đời...”. Những điển tích, điển cố được sử dụng thật tài tình và có dụng ý riêng, tác giả mượn chuyện bên Tàu mà nói chuyện bên ta làm nổi bật đặc trưng của thơ ca trung đại “Ý tại ngôn ngoại” (ý ở ngoài lời). Ông ghét ở đây là vì ai? Vì một chữ “dân” tất cả những sự việc trên của mỗi triều đại làm đều tổn hại cho dân. Nguyễn Đình Chiểu phải là một người yêu nước thương dân đến vô cùng, ông ghét vì xuất phát từ quyền lợi của những người dân nghèo. Ghét những kẻ phá hoại của dân, làm nhũng nhiễu đời sống nhân dân, đẩy họ vào cuộc sống lầm than cơ cực. Đồ Chiểu sống dưới đời vua Tự Đức với chế độ chuyên chế tàn bạo, vua chúa ăn chơi xa xỉ, thuế má nặng nề, quan lại tham nhũng, thời đại ấy “Trời ảm đạm u sầu. Cảnh hoang tàn đói rét. Dân nghèo cùng kiệt” khiến cho lòng dân căm phẫn mà nổi dậy phản kháng. Nguyễn Đình Chiểu một nhà nhân đạo luôn đứng trên lập trường, quyền lợi nhân dân cất lên tiếng nói của lòng dân. Thơ ca của ông đúng như câu thơ:

    “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm

    Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”

Nếu tám câu thơ trên nêu rõ những việc của các triều đại mà ông Quán ghét thì mười bốn câu thơ tiếp theo chỉ ra những người và những lí do mà ông Quán thương:

    “Thương là thương đức thánh nhân

    ... Bị lời xua đuổi về nhà giáo dân”

Mỗi con người, mỗi nhân vật được tác giả nhắc đến đều là những người xưa, những người hiền tài nhưng gặp phải thời thế bất trắc, số phận long đong không thể đem hết tài năng của mình để cống hiến, phục vụ cho đất nước. Ấy là Khổng Tử thì lận đận trong con đường truyền đạo và giáo hóa dân chúng của mình nay nơi này mai nơi nọ, là Nhan Uyển thì chết yểu, là Gia Cát Lượng tài ba lại không gặp đúng thời thế, Đổng Tử là Đổng Trọng Thư “Có thời có chí, ngôi mà không ngôi” ông ra làm quan mà không được trọng dụng tài năng của mình, thương cho Đào Tiềm không ham, không chịu được nỗi nhục chốn quan trường mà lui về ở ẩn để gìn giữ khí tiết, là thương cho Hàn Dũ vì dâng biểu khuyên vua không nên quá tin đạo Phật mà bị tội, bị đày đi xa, thương cho thầy Liêm, Lạc “bị lời xua đuổi về nhà giáo dân”. Những con người, những sự việc ấy đều được tác giả chọn lọc với những chi tiết điển hình, lối diễn đạt sinh động và cách sử dụng điệp từ “thương ông”, “thương thầy” đã để lại được ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả. Cũng như tám câu trên tác giả thương cho những con người tài năng lỗi lạc trước đây cũng là thương cho những người tài đức vẹn toàn thời nay mà không được trọng dụng như Cao Bá Quát có tài năng, có ý chí nhiều lần đi thi nhưng không ít lần bị đánh trượt, như Bùi Hữu Nghị cương trực nhưng vẫn phải vào ngục tù, như Nguyễn Công Trứ một lòng với nước với dân nhưng lại trở thành trò cười của thiên hạ...

Thương người cũng là thương mình, thốt nên lời căm ghét cho nhân dân cũng là nói lên nỗi lòng của chính mình. Nguyễn Đình Chiểu là một con người học rộng tài cao với bao ước mơ, hoài bão lập thân nhưng vừa bước chân vào đời ông đã gặp bao nỗi bất hạnh, gian truân. Nguyễn Đình Chiểu ghét triều đại bên Trung Hoa, thương cho những tiền nhân dù là chỉ “Xem qua kimh sử mấy lần/ nửa phần lại ghét, nửa phần lại thương” nhưng cũng là để phản ánh thực trạng trong thời đại ông đang sống một triều đại thối ruỗng, mục nát với bao điều nguy hại cho dân. Quan điểm thương ghét của ông Quán cũng như nỗi lòng của tác giả đều xuất phát từ lợi ích của nhân dân, từ tấm lòng thương dân, thương đời.

Đoạn trích với những nét nghệ thuật đặc sắc như sử dụng điệp từ, điệp cấu trúc, lối diễn đạt linh hoạt, ngôn ngữ mộc mạc, giản dị gần với lời ăn tiếng nói hằng ngày của nhân dân, sử dụng nghệ thuật tiểu đối, đối từ ngữ trong câu: Vì chưng hay ghét <> cũng là hay thương, sa hầm <> sẩy hang, sớm đầu <> tối đánh, chí thời có chí <> ngôi mà không ngôi, sớm dâng lời biểu <> tối đày đi xa,... làm cho câu thơ có vần có nhịp, bộc lộ được thái độ ghét thương rõ ràng của tác giả.

Đoạn trích “Lẽ ghét thương” tác giả mượn lời ông Quán bày tỏ nỗi lòng, suy nghĩ, tình cảm, thể hiện quan điểm thương ghét của mình trước người đời việc đời. Ẩn sau lớp vỏ ngôn từ của văn chương là cả một tấm lòng nhân đạo cao cả của nhà thơ mù. Theo đánh giá của Phạm Văn Đồng “Nguyễn đình Chiểu_ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc”.

Đề bài: Lẽ ghét thương - những lời thơ tâm huyết về nỗi ghét, tình thương nhân bản của Nguyễn Đình Chiểu. Phân tích đoạn trích Lẽ ghét thương trong truyện Lục Vân Tiên để làm rõ điều này.

Bài văn mẫu Lẽ ghét thương - những lời thơ tâm huyết về nỗi ghét, tình thương nhân bản của Nguyễn Đình Chiểu. Phân tích đoạn trích Lẽ ghét thương trong truyện Lục Vân Tiên để làm rõ điều này.

Lẽ ghét thương là lời tâm huyết của Nguyễn Đình Chiểu về nỗi ghét, tình thương nhân bản.

   Trong đoạn thơ trích nói về "Lẽ ghét thương" có tất cả 26 câu thì trong đó có 10 câu nói về "ghét", 16 câu nói về "thương". Như vậy là số lời nói về thương dài gần gấp đôi so với số lời nói về "ghét". Bản thân tác giả đã có lần nói rõ: "Bởi chưng hay ghét cũng là hay thương". Quả đúng như vậy, nếu đọc lại 10 câu thơ nói về "ghét" thì ta sẽ thây căn nguyên, gốc rễ của cái "ghét" ở đây là lòng thương dân. Sở dĩ ông Quán "ghét", "ghét cay ghét đắng, ghét vào tận tâm", những cái "tầm phào", những cái "đa đoan", những cái "dối trá", những cái "mê dầứi'\ lầ vì chúng là "rối dân", "làm dân nhọc nhằn", làm "dân luống chịu lầm than muôn phần", làm "dân đến nỗi sa hầm sẩy hang". Trong số 10 câu thơ của đoạn này thì thì có 4 câu có từ dân nói về nỗi khổ của dân:

    Để dân đến nỗi sa hầm sẩy hang

    Khiến dân luống chịu lầm than muôn phần.

    Chuông bề dối trá làm dân nhọc nhằn.

    Sớm đầu tối đánh lằng nhằng rối dân.

   Để giãi bày những lời tâm huyết vế nỗi ghét này được sâu đậm, nhà thơ đã sử dụng nghệ thuật điệp từ. Trong 10 câu thơ có 8 từ "ghét" thì hai câu mở đầu đoạn trích đã có 4 từ. Riêng ở câu thơ thứ hai:

    "Ghét cay, ghét đắng, ghét vào tận tâm"

   Nghệ thuật dùng điệp từ tăng cấp để diễn tả các màu sắc, mùi vị và độ sâu tăng dần của cái ghét: Từ cái ghét có vị cay, sang cái ghét có vị đắng, đến cái ghét có độ sâu của lòng người: "ghét vào tận tâm". Với cách diễn đạt tăng cấp này, Nguyễn Đình Chiểu cho bạn đọc biết cái ghét của ông Quán đã đổi gam, đổi chất, cái gọi là ghét của ông Quán thực ra là lòng căm thù. Ong Quán căm thù tất cả những con người, những sự việc làm tổn hại đến hạnh phúc của nhân dân. Điều này thể hiện tính nhân dân sâu sắc của văn thơ Nguyên Đình Chiểu.

   Đối lập với nỗi ghét, lòng căm ghét là tình thương, ông Quán đã tự bạch về tình thương của mình trong 16 câu. Mở đầu là ông nói về tình thương của ông với Khổng Tử vất vả, gian lao trong công việc truyền đạo Nho: "Khi nơi Tôhg, Vệ, lúc Trần, lúc Khuông". Tiếp đó, ông bày tỏ tình thương của ông đối với Nhan Tử, Gia Cát, Đổng Tử, Nguyên Lượng, Hàn Dũ, Liêm, Lạc. Họ là những con người hiền nhân, quân tử, kiểu mẫu của đạo Nho, những muốn hành đạo, giúp vua, cứu đời và cứu dân, nhưng rút cục là gặp bất hạnh hoặc chết yểu, hoặc là không được vua tin dùng, hoặc là không gặp thời vận. Mơ ước và nguyện vọng hành đạo, cứu đời, cứu dân của họ không thành.

   Nếu như ở đoạn thơ mười câu trên, tác giả cho nhân vật nói lòng căm thù bọn người hại dân để nói lên lòng thương dân thì ở đoạn thơ 16 câu này tác giả lại cho nhân vật bộc lộ lòng thương yêu trực tiếp đối với những người có tài cao, chí cả, muốn cứu đời và cứu dân, nhưng rút cục là gặp bất hạnh hoặc chết yểu, hoặc là không được vua tin dùng, hoặc là không gặp thời vận. Mơ ước và nguyện vọng hành đạo, cứu đời, cứu dân của họ không thành.

   Nếu như ở đoạn thơ mười câu trên, tác giả cho nhân vật nói lòng căm thù bọn người hại dân để nói lên lòng thương dân thì ở đoạn thơ 16 câu này tác giả lại cho nhân vật bộc lộ lòng thương yêu trực tiếp đối với những người có tài cao, chí cả, muốn cứu đời giúp dân mà gặp phải những rủi ro, bất hạnh nên nguyện vọng cứu đời, cứu dân không thực hiện được.

   Để biểu hiện tình cảm thương yêu đầy tính chất bác ái và nhân bản đó, Nguyễn Đình Chiểu ở đoạn thơ 16 câu này vẫn tiếp tục dùng nghệ thuật điệp từ. Trong 16 câu thơ này ông đã dùng 9 từ "thương"

   Mở đầu cho đoạn thơ ông dùng đến hai từ "thương":

    "Thương là thương đức thánh nhân"

   Điệp từ "thương" biểu hiện niềm thương yêu tha thiết của nhân vật đối với Khổng Tử, khi Khổng Tử gặp những gian nan, vất vả trên đường hành đạo. Phải nói là lòng thương của ông Quán ở đây rộng lớn. Ông thương cả đến những người chết yểu mà công danh chưa đạt:

    "Thương thầy Nhan Tử dở dang,

    Ba mươi mốt tuổi tách dàng công danh",

   Ông thương cả đến những người không gặp vận may:

    Thương ông Gia Cát tài lành,

    Gặp cơn Hán mạt đã đành phôi pha".

   Từ đó, ông Quán bộc lộ tình thương đến số phận cay đắng của con người trước những quy luật khắc nghiệt của tạo hoá và xã hội.

   Đoạn thơ có nghệ thuật bố cục khá chặt chẽ, mạch lạc.

 

   Có câu mở đầu nói về "ghét":

    "Quán rằng: Ghét việc tầm phào

    Ghét cay, ghét đắng, ghét vào tận tâm

   Có câu mở đầu nói vé đoạn "thương":

    "Thương là thương đức thánh nhân Khỉ nơi Tống Vệ, lúc Trần, lúc Khuông"

   Có câu kết cho cả hai đoạn "ghét" và "thương":

    "Xem qua kinh sử mấy lần Nửa phần lại ghét, nửa phần lại thương",

   Đối với các ý nhỏ trong mỗi đoạn ghét và thương, tác giả lại dùng các điệp từ ghét và thương để vừa tách biệt vừa liên kết các ý nhỏ lại với nhau. Ví dụ:

    "Ghét đời Kiệt, Trụ mê dâm,

    Để dân đến nổi sa hầm sẩy hang.

    Ghét đời Ư, Lệ đa đoan,

    Khiến dân luống chịu lẩm than muôn phần

   hoặc:

    "Thương ông Gia Cát tài lành,

    Gặp cơn Hán mạt dã đành phôi pha.

    Thương thầy Đổng Tử cao xa,

    Chí dà có chí, ngôi mà không ngôi

   Nhờ nghệ thuật dùng điệp từ kết hợp với bố cục chặt chẽ, mạch lac mà đoạn thơ đọc lên giọng điệu vừa nghiêm trang vừa thống thiết, một nét đặc trưng của điệu thơ chữ tình Nguyễn Đình Chiểu.

Đề bài: Cảm nhận đoạn trích “Lẽ ghét thương” của Nguyễn Đình Chiểu.

Bài văn mẫu Cảm nhận đoạn trích “Lẽ ghét thương” của Nguyễn Đình Chiểu.

Nguyễn Đình Chiểu là một nhà Nho chân chính, tuy mang tật mù lòa nhưng tâm hồn và nhân cách ông luông trong sáng, thuần khiết. Ông không chỉ là một người con có hiếu, người thầy mẫu mực mà còn là một nhà văn, nhà thơ để lại cho đời nhiều tác phẩm có giá trị. Tiêu biểu là truyện thơ Lục Vân Tiên "bản trường ca ca ngợi chính nghĩa, những đạo đức đáng quý đáng trọng ở đời". Đoạn trích “Lẽ ghét thương” từ câu 473 đến câu 504 kể về cuộc nói chuyện giữa ông Quán và các nho sĩ trẻ tuổi, đồng thời thể hiện tình cảm chân thành thương ghét của tác giả đã minh chứng cho tài năng và nhân cách Đồ Chiểu.

Ông Quán trong đoạn trích là nhân vật tư tưởng của Nguyễn Đình Chiểu đã thẳng thắn bày tỏ thái độ “Quán rằng ghét việc tầm phào/ Ghét cay ghét đắng ghét vào tận tâm” khi chứng kiến thói đời trong sự việc của bốn chàng Nho sinh là Lục Vân Tiên cùng bạn Tử Trực đi thi vào quán trọ gặp Trịnh Hâm và Bùi Kiệm cũng là sĩ tử. Trịnh Hâm đề nghị bốn người làm thơ để so tài cao thấp, Vân Tiên và Tử Trực thắng nhưng lại bị bọn tiểu nhân Trịnh Hâm, Bùi Kiệm nghi ngờ gian lận. Nhân sự việc mà ông Quán bàn về lẽ ghét thương ở đời với cách viết thật tài tình, dẫn chứng thuyết phục cho thấy vốn kiến thức sâu rộng của tác giả thông qua cảm nhận giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của tác phẩm.

Trước tiên bàn về giá trị nội dung: Bao trùm lên tác phẩm là tình cảm thương ghét rõ ràng của ông Quán.Theo ông cái gốc của lẽ ghét là lòng thương yêu con người. Bởi nếu không có lòng thương thì mọi sự ghét trở nên hằn học với đời và không có tính nhân văn cao cả. Chính vì vậy ông ghét là do thương quá nhiều, càng thương cái đẹp bị vùi dập bao nhiêu thì ông lại càng ghét cái ác cái xấu bấy nhiêu. Ông ghét không phải vì tư lợi bản thân, vì cá nhân long đong lận đận mà ghét vì tấm lòng thương dân sâu nặng phải chịu khổ chịu cực mà ghét và oán hận bọn người nhũng nhiễu để dân đen rơi vào cảnh lầm than. Tuyên ngôn về lẽ ghét thương của ông “Vì chưng hay ghét cũng là hay thương” như một yêu cầu về đạo đức và lẽ sống làm người. Thì ra ghét cũng là một biểu hiện của lòng thương khi đã đạt đến giá trị cực đại.

Ông bàn đến lẽ ghét trước để làm bàn đạp cho lẽ thương hiện hữu. Đồ Chiểu ghét các triều đại và những nhân vật đại diện cho triều đại đó như vua Kiệt nhà Hạ, vua Trụ nhà Thương bạo ngược và hoang dâm vô độ rồi U Vương và Lệ Vương mê tửu sắc không quan tâm triều chính, năm vua đời nhà Chu kéo bè kéo cánh chém giết bạo loạn gây nên cảnh điêu đứng cho dân chúng. Những điều đó đã được ghi lại trong lịch sử Trung Hoa được ông lấy làm dẫn chứng và tất cả những con người ấy đều có một điểm chung là gây ra tai họa cho dân. Tác giả đã đứng hẳn về phía nhân dân mà lên tiếng tố cáo, oán trách bọn vua quan phong kiến độc ác, tàn bạo.

Tiếp đó là lẽ thương hiện hữu. Ông thương cho những người hiền tài bị vùi dập, mong nguyện phò vua giúp nước không thành nên người thì phải lui về ở ẩn, kẻ chết yểu...Những con người ấy có chung cảnh ngộ với tác giả là người tài mà không có cơ hội cống hiến tài đức cho dân cho nước. Ông thương Khổng Tử thì lận đận trong con đường truyền đạo và giáo hóa dân chúng, là Nhan Uyển thì chết yểu, là Gia Cát Lượng tài ba lại không gặp đúng thời thế, Đổng Tử là Đổng Trọng Thư “Có thời có chí, ngôi mà không ngôi” ông ra làm quan mà không được trọng dụng tài năng, thương cho Đào Tiềm không ham, không chịu được nỗi nhục chốn quan trường mà lui về ở ẩn để gìn giữ khí tiết, là thương cho Hàn Dũ vì dâng biểu khuyên vua không nên quá tin đạo Phật mà bị tội, bị đày, thương cho thầy Liêm, Lạc “bị lời xua đuổi về nhà giáo dân”. Những con người, những sự việc ấy đều được tác giả chọn lọc với những chi tiết điển hình, lối diễn đạt sinh động và cách sử dụng điệp từ “thương ông”, “thương thầy” đã để lại được ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả.

Như vậy Lẽ ghét thương của ông Quán được bắt nguồn từ lòng thương dân thương đời. Tuy nhiên thương người cũng chính là thương mình. Khi viết truyện “Lục Vân Tiên” cũng là lúc hoàn cảnh của tác giả đang gặp phải nhiều khó khăn: mẹ mất, mắt bị mù con đường hoạn lộ công danh bị bỏ dở, một thời mơ ước lập thân để trả nợ nước nhưng cuộc đời lại gặp nhiều bất hạnh. Ông nói chuyện xưa cũ bên Tàu là để nói chuyện đương thời về triều đại ông đang sống vua Thiệu Trị, Tự Đức ăn chơi xa xỉ không chăm lo cho đời sống nhân dân. Chính điều đó nên nhân vật ông Quán trong đoạn trích có ít nhiều nét tương đồng với Đồ Chiểu.

Về phương diện nghệ thuật đoạn trích có sử dụng dụng điệp từ “ghét”, “thương”, “dân”..., điệp cấu trúc “ghét đời...”, “thương ông...” càng làm nổi bật “tiêu chuẩn ghét” của tác giả là xuất phát từ thương. Dẫn chứng nhân vật và sự việc tiêu biểu, điển hình dù là “Xem qua kinh sử mấy lần” nhưng với lối diễn đạt linh hoạt, ngôn ngữ mộc mạc, giản dị gần với lời ăn tiếng nói hằng ngày của nhân dân kết hợp với thể thơ lục bát làm cho đoạn trích dễ nhớ dễ thuộc dễ đi vào lòng người. Sử dụng nghệ thuật tiểu đối, đối từ ngữ trong câu: hay ghét >< hay thương, sa hầm <> sẩy hang, sớm đầu <> tối đánh, có thời có chí <> ngôi mà không ngôi, sớm dâng lời biểu <> tối đày đi xa,... làm cho câu thơ có vần có nhịp, bộc lộ được thái độ ghét thương rõ ràng của tác giả.

Giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật làm nên thành công của đoạn trích. Một mặt truyền tải tư tưởng đạo đức nhân nghĩa “Lấy dân làm gốc”, luôn đứng trên quan điểm của nhân dân. Một mặt cho thấy tài năng nghệ thuật và sự hiểu biết sâu rộng của một nhà Nho chân chính.

Đoạn trích “Lẽ ghét thương” đã thể hiện tình cảm, thái độ thương ghét chân thành của tác giả. Là tuyên ngôn sâu sắc cho giá trị đạo đức ở đời, minh chứng cho quan điểm sáng tác của nhà thơ mù Nguyễn Đình Chiểu: “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà” hay “Học theo ngòi bút chí công/ Trong thơ cho ngụ tấm lòng xuân thu”.

Xem thêm các bài viết về Tác giả, tác phẩm Ngữ văn lớp 11 hay khác:

Chạy giặc

Bài ca phong cảnh Hương Sơn

Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc

Chiếu cầu hiền

Xin lập khoa luật

1 2,560 12/07/2022
Tải về


Xem thêm các chương trình khác: