Vở thực hành KHTN 8 Bài 42 (Kết nối tri thức): Quần thể sinh vật

Với giải vở thực hành Khoa học tự nhiên 8 Bài 42: Quần thể sinh vật sách Kết nối tri thức hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh dễ dàng làm bài tập trong VTH KHTN 8 Bài 42.

1 486 10/11/2023


Giải VTH KHTN 8 Bài 42: Quần thể sinh vật

Bài 42.1 trang 66 Vở thực hành KHTN 8: Quan sát Hình 42.1 SGK KHTN 8, cho biết trong ruộng lúa này có thể có những quần thể sinh vật nào.

Lời giải:

Ruộng lúa trong hình có thể có những quần thể sinh vật là: Quần thể lúa, quần thể chim sáo, quần thể cua đồng, quần thể cá rô đồng, quần thể sâu ăn lá,…

Bài 42.2 trang 66 Vở thực hành KHTN 8: Lấy một ví dụ về quần thể sinh vật trong tự nhiên và một quần thể vật nuôi hoặc cây trồng.

- Ví dụ về quần thể sinh vật trong tự nhiên:

- Ví dụ về quần thể vật nuôi hoặc cây trồng:

Lời giải:

- Ví dụ về quần thể sinh vật trong tự nhiên: Quần thể Cá cóc ở Tam Đảo.

- Ví dụ về quần thể vật nuôi hoặc cây trồng: Quần thể cá mè trong ao, quần thể cây đậu xanh trong vườn.

Bài 42.3 trang 67 Vở thực hành KHTN 8: Hình 42.2 SGK KHTN 8 biểu thị kích thước của bốn quần thể cùng sống trong một khu rừng. Em hãy quan sát hình, so sánh và rút ra nhận xét về tương quan giữa kích thước cơ thể và kích thước quần thể voi, hươu, thỏ, chuột.

Lời giải:

Kích thước của các quần thể theo thứ tự tăng dần là voi → hươu → thỏ → chuột. Trong khi đó, kích thước cơ thể của các loài theo thức tự tăng dần là chuột → thỏ → hươu → voi. Như vậy, kích thước cơ thể và kích thước quần thể của loài có mối quan hệ tỉ lệ nghịch với nhau, loài có kích thước cơ thể nhỏ thường có kích thước quần thể lớn hơn và ngược lại.

Bài 42.4 trang 67 Vở thực hành KHTN 8: Dựa vào thông tin trong Bảng 42.1 SGK KHTN 8, hãy xác định mật độ cá thể của mỗi quần thể được nhắc đến.

- Mật độ quần thể lim xanh:

- Mật độ quần thể bắp cải:

- Mật độ quần thể cá chép:

Lời giải:

- Mật độ quần thể lim xanh: 11250/15 = 750 cá thể/ha.

- Mật độ quần thể bắp cải: 3000/750 = 4 cá thể/m2.

- Mật độ quần thể cá chép: 120000/60000 = 2 cá thể/m3.

Bài 42.5 trang 67 Vở thực hành KHTN 8: Quan sát Hình 42.3 SGK KHTN 8, hãy nhận xét mối tương quan về số lượng cá thể của nhóm tuổi trước sinh sản và nhóm tuổi sinh sản trong mỗi kiểu tháp tuổi.

- Tháp phát triển:

- Tháp ổn định:

- Tháp suy thoái:

Lời giải:

- Tháp phát triển: có số lượng cá thể ở tuổi trước sinh sản nhiều hơn so với số lượng cá thể ở tuổi sinh sản.

- Tháp ổn định: có số lượng cá thể ở tuổi trước sinh sản bằng hoặc xấp xỉ bằng số lượng cá thể ở tuổi sinh sản.

- Tháp suy thoái: có số lượng cá thể ở tuổi trước sinh sản ít hơn so với số lượng cá thể ở tuổi sinh sản.

Bài 42.6 trang 67 Vở thực hành KHTN 8: Tại sao bảo vệ môi trường sống của quần thể chính là bảo vệ quần thể? Cho ví dụ về việc bảo vệ môi trường sống của quần thể.

Lời giải:

- Bảo vệ môi trường sống của quần thể chính là bảo vệ quần thể vì: Quần thể sinh vật tồn tại trong môi trường sống, bị biến động do các nhân tố vô sinh và hữu sinh từ môi trường. Do đó, bảo vệ môi trường sống nhằm đảm bảo các nhân tố của môi trường ít biến động theo hướng tiêu cực cho sự phát triển của quần thể chính là biện pháp quan trọng để quần thể phát triển ổn định.

- Ví dụ về việc bảo vệ môi trường sống của quần thể: Thành lập các vườn quốc gia (vườn quốc gia Cúc Phương, Cát Bà, Ba Vì,…) và các khu bảo tồn, khai thác hợp lí tài nguyên sinh vật, kiểm soát dịch bệnh,…

Bài 42.7 trang 67 Vở thực hành KHTN 8: Em hãy đề xuất biện pháp bảo vệ đối với các quần thể có nguy cơ tuyệt chủng.

Lời giải:

Đề xuất biện pháp bảo vệ đối với các quần thể có nguy cơ tuyệt chủng:

- Nghiêm cấm săn bắt, buôn bán các loài có nguy cơ tuyệt chủng.

- Bảo tồn môi trường sống tự nhiên mà quần thể đang sống.

- Đối với những quần thể có nguy cơ tuyệt chủng ở môi trường tự nhiên, cần di chuyển quần thể đến nơi sống mới có điều kiện thuận lợi hơn như vườn thú, trang trại bảo tồn,…

Bài 42.8 trang 67 Vở thực hành KHTN 8: Kích thước quần thể có liên quan như thế nào với mật độ cá thể trong quần thể? Điều gì sẽ xảy ra nếu mật độ cá thể trong quần thể quá lớn?

Lời giải:

- Kích thước quần thể có mối quan hệ tỉ lệ thuận với mật độ cá thể trong quần thể, kích thước quần thể càng lớn thì mật độ cá thể trong quần thể càng cao.

- Nếu mật độ cá thể trong quần thể quá lớn, các thể trong quần thể có sự cạnh tranh gay gắt về nguồn thức ăn và nơi ở làm cho mức tử vong tăng và mức sinh sản giảm, đồng thời, tỉ lệ cá thể xuất cư cũng có thể tăng cao. Nhờ đó, mật độ cá thể của quần thể lại được điều chỉnh giảm xuống.

Bài 42.9 trang 68 Vở thực hành KHTN 8: Giải thích vì sao trong trồng trọt và chăn nuôi, cần nuôi trồng với mật độ phù hợp?

Lời giải:

Trong trồng trọt và chăn nuôi, cần nuôi trồng với mật độ phù hợp vì mật độ quần thể phù hợp sẽ tránh được hiện tượng cạnh tranh cùng loài dẫn đến giảm năng suất, đồng thời cũng tránh được việc lãng phí không gian nuôi trồng. Từ đó giúp việc nuôi trồng đạt được hiệu quả kinh tế cao nhất.

Bài 42.10 trang 68 Vở thực hành KHTN 8: Một bạn nói: “Nếu kích thước các quần thể của một loài động vật hoang dã quá nhỏ thì loài đó đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng”.

- Em có đồng ý với ý kiến đó không? Vì sao?

- Cần làm gì để bảo vệ loài động vật này trong trường hợp đó?

Lời giải:

- Em có đồng ý với ý kiến đó không? Vì sao?

Đồng ý với ý kiến trên. Vì nếu kích thước các quần thể của một loài động vật hoang dã quá nhỏ thì sự hỗ trợ giữa các cá thể cùng loài giảm, khả năng gặp gỡ để kết đôi sinh sản cũng giảm. Điều đó khiến loài đó sẽ đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

- Cần làm gì để bảo vệ loài động vật này trong trường hợp đó?

+ Nghiêm cấm săn bắt, buôn bán các loài có nguy cơ tuyệt chủng.

+ Bảo tồn môi trường sống tự nhiên mà quần thể đang sống.

+ Đối với những quần thể có nguy cơ tuyệt chủng ở môi trường tự nhiên, cần di chuyển quần thể đến nơi sống mới có điều kiện thuận lợi hơn như vườn thú, trang trại bảo tồn,…

Bài 42.11 trang 68 Vở thực hành KHTN 8:

1. Vì sao nói tỉ lệ giới tính là đặc trưng quan trọng đảm bảo hiệu quả sinh sản của quần thể?

2. Việc mất cân bằng giới tính trong quần thể người ở một số quốc gia (trong đó có Việt Nam) hiện nay có thể gây ra hậu quả gì? Cần làm gì để khắc phục tình trạng này?

Lời giải:

1. Tỉ lệ giới tính là tỉ lệ giữa số lượng cá thể đực và số lượng cá thể cái trong quần thể. Do đó, tỉ lệ giới tính phù hợp sẽ giúp đảm bảo tỉ lệ ghép đôi sinh sản, từ đó quyết định hiệu quả sinh sản của quần thể.

2.

- Việc mất cân bằng giới tính trong quần thể người ở một số quốc gia (trong đó có Việt Nam) hiện nay có thể khiến thị trường hôn nhân trở nên rối loạn kéo theo tệ nạn xã hội như mại dâm, buôn bán phụ nữ - trẻ em và các hiện tượng mất an ninh khác gia tăng.

- Biện pháp: Tuyên truyền nâng cao nhận thức của mọi người về hậu quả của mất cân bằng giới tính khi sinh; nâng cao địa vị phụ nữ, trẻ em gái trong xã hội, xây dựng các chuẩn mực, giá trị xã hội phù hợp, từng bước khắc phục tư tưởng trọng nam, khinh nữ; thực hiện các điều luật nghiêm cấm sử dụng công nghệ trong xác định giới tính thai nhi và đình chỉ thai nghén;…

Bài 42.12 trang 68 Vở thực hành KHTN 8:

1. Tỉ lệ các nhóm tuổi trước sinh sản, sinh sản và sau sinh sản trong mỗi quần thể phản ánh chiều hướng phát triển của quần thể như thế nào?

2. Vì sao một số nước phát triển như Nhật Bản, Phần Lan,... phải áp dụng các chính sách khuyến khích các cặp vợ chồng sinh nhiều con?

Lời giải:

1. Tỉ lệ các nhóm tuổi trước sinh sản, sinh sản và sau sinh sản trong mỗi quần thể phản ánh chiều hướng phát triển của quần thể:

- Số lượng cá thể ở nhóm tuổi trước sinh sản cao → quần thể có xu hướng tăng trưởng kích thước quần thể.

- Số lượng cá thể ở nhóm tuổi trước sinh sản và sinh sản bằng nhau → quần thể có xu hướng giữ ổn định kích thước quần thể.

- Số lượng cá thể ở nhóm tuổi trước sinh sản ít hơn nhóm tuổi sinh sản và sau sinh sản → quần thể có xu hướng giảm kích thước quần thể.

2. Một số nước phát triển như Nhật Bản, Phần Lan,... phải áp dụng các chính sách khuyến khích các cặp vợ chồng sinh nhiều con vì: Những nước này có tỉ lệ sinh giảm dẫn đến tình trạng dân số bị già hoá kéo theo đó là những hệ luỵ lớn về kinh tế - xã hội như thiếu lao động, nhu cầu an sinh xã hội tăng,…

Bài 42.13 trang 69 Vở thực hành KHTN 8: Vì sao phòng chống ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu lại góp phần bảo vệ quần thể sinh vật?

Lời giải:

Phòng chống ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu lại góp phần bảo vệ quần thể sinh vật vì: Các biện pháp này sẽ giúp bảo vệ môi trường sống của quần thể, tạo điều kiện thuận lợi cho sự sinh trưởng và phát triển của quần thể.

Bài 42.14 trang 69 Vở thực hành KHTN 8: Kiểu phân bố cá thể trong quần thể phản ánh các đặc điểm nào của quần thể? Điều này được ứng dụng như thế nào trong thực tế sản xuất nông nghiệp?

Lời giải:

- Kiểu phân bố cá thể trong quần thể phản ánh các đặc điểm của quần thể: đặc điểm sinh học của loài (sống theo đàn hay sống đơn độc), mức độ cạnh tranh giữa các cá thể trong quần thể (cạnh tranh nhiều hay ít cạnh tranh), đặc điểm môi trường sống của quần thể (nguồn sống phân bố đồng đều hay không đồng đều).

- Ứng dụng: Dựa vào kiểu phân bố cá thể trong quần thể để điều chỉnh mật độ cây trồng cho phù hợp để có thể đạt được hiệu quả kinh tế cao nhất.

Xem thêm lời giải Vở thực hành Khoa học tự nhiên 8 sách Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:

Bài 43: Quần xã sinh vật

Bài 44: Hệ sinh thái

Bài 45: Sinh quyển

Bài 46: Cân bằng tự nhiên

Bài 47: Bảo vệ môi trường

1 486 10/11/2023


Xem thêm các chương trình khác: