Trên khóm tre đầu ngõ (trang 35, 36) Tiếng Việt lớp 4 Tập 2 – Kết nối tri thức
Lời giải Tiếng Việt lớp 4 Đọc: Trên khóm tre đầu ngõ trang 35, 36 sách Kết nối tri thức giúp học sinh dễ dàng làm bài tập Tiếng Việt lớp 4 Tập 2.
Đọc: Trên khóm tre đầu ngõ trang 35, 36 Tiếng Việt lớp 4 Tập 2
Nội dung chính Trên khóm tre đầu ngõ:
Văn bản kể về câu chuyện vợ chồng cò đến làm tổ và sinh con trên khóm tre đầu ngõ nhà ông cháu Bua Kham. Bua Kham thường ra xem chúng lúc rảnh rỗi. Một ngày trời nổi bão lớn, đàn cò con bị rơi xuống đất. Mặc dù người ta bảo có thể nhặt về nuôi nhưng Bua Kham thương chúng còn quá bé, không muốn làm tan nát gia đình chúng. Vì vậy Bua Kham đã nhờ ông bắc thang và đặt nó về tổ. Mùa sinh nở năm sau, vợ chồng cò rủ thêm ba bốn chục cặp cò cùng đến. Không đâu vui bằng vườn nhà ông chúa Bua Kham.
* Khởi động
Câu hỏi trang 35 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 2: Giải câu đố và nói 1 – 2 câu giới thiệu về con vật được nêu trong câu đố,
Con gì lông trắng tựa bông
Bay la bay lả giữa đồng lúa xanh
Tính nết chăm chỉ, hiền lành
Chân cao, cổ ngẳng, dáng hình mảnh mai?
Trả lời:
Con vật được nêu trong câu đố là con cò. Đây là con vật quen thuộc và gắn liền với hình ảnh đồng quê Việt Nam bởi tính lành và quen thuộc với con người đặc biệt là người nông dân.
* Đọc văn bản
Trên khóm tre đầu ngõ
Một ngày đầu hè, có đôi cò bay đến, đỗ trên khóm tre đầu ngõ nhà ông cháu Bua Kham. Gió đu đưa cành lá làm vợ chồng cò thỉnh thoảng phải rướn chân và khẽ vỗ cánh để lấy thăng bằng. Mấy hôm sau, trên cành tre đã thấy một tổ cò làm bằng cọng và lá tre khô.
Chẳng bao lâu, Bua Kham nghe thấy tiếng cò con. Chúng kêu ríu rít trong tổ. Lúc rảnh, Bua Kham thường ra đứng dưới khóm tre. Chẳng gì thương bằng xem lũ cò con đòi ăn. Cứ thoáng thấy đôi cánh trắng chập chờn ở xa là chúng quơ quơ cái đầu trụi lông trên ổ lá. Chúng há rộng cặp mỏ mềm và kêu khàn khàn.Một buổi, trời nổi bão lớn. Mưa tạt rát mặt. Cả gia đình cò run rầy, ướt sũng nên trông càng gầy nhom, xơ xác. Cơn gió mạnh bỗng ào đến. Mấy chú cò con bị hất lên và ngã nhào. Vợ chồng cò muốn lao xuống cứu con, nhưng cánh đã ướt nên đành bám lấy cành tre và kêu quác quác buồn thảm.
Tan bão, Bua Kham nhìn thấy lũ cò con nằm run run dưới đất, giữa đống lá ngổn ngang. Người ta bảo có thể nhặt lũ cò con về nuôi. Chúng sẽ quen nhà và đi tha thẩn bắt ruồi trên sân. Nhưng Bua Kham không muốn làm tan tác cái gia đình cò bé bỏng. Bọn cò con nhỏ quá, trả chúng về cho bố mẹ chúng thì hơn.
Bua Kham gọi ông. Ông bắc thang, đem đặt lũ cò con vào chiếc tổ cũ. Mùa sinh nở năm sau, vợ chồng có rủ thêm ba bốn chục cặp cò bạn cùng đến. Chúng rủ cả những đôi cò lửa đỏ như ánh chớp và những đôi vạc xám như bóng chiều. Khắp vùng, không đâu vui bằng vườn nhà ông cháu Bua Kham.
(Theo Vũ Hùng)
* Trả lời câu hỏi
Câu 1 trang 36 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 2: Đôi cò bay đến khóm tre nhà Bua Kham để làm gì? Chi tiết nào giúp em biết điều đó?
Trả lời:
Đôi cò bay đến khóm tre nhà Bua Kham để làm tổ sinh con.
Chi tiết giúp em biết điều đó là: “Mấy hôm sau, trên cành tre đã thấy một tổ cò làm bằng cọng và lá tre khô.”
Câu 2 trang 36 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 2: Hình ảnh những chú cò con được miêu tả như thế nào? Nêu cảm xúc của Bua Kham khi quan sát cò con đòi ăn.
Trả lời:
- Hình ảnh những chú cò con được miêu tả: Kêu ríu rít trong tổ, quơ quơ cái đầu trụi lông trên ổ lá, há rộng cặp mỏ mềm và kêu khàn khàn.
- Khi quan sát cò con đòi ăn, Bua Kham cảm thấy thương cho chúng.
Câu 3 trang 36 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 2: Kể lại tình cảnh đáng thương của gia đình cò trong cơn bão.
Trả lời:
Tình cảnh đáng thương của gia đình cò trong cơn bão: Gia đình cò trong cơn bão run rẩy, ướt sũng nên trông càng gầy nhom, xơ xác. Cơn gió mạnh khiến mấy chú cò con bị hất lên và ngã nhào. Vợ chồng cò muốn lao xuống cứu con, nhưng cánh đã ướt nên đành bám lấy cành tre và kêu quác quác buồn thảm.
Câu 4 trang 36 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 2: Bua Kham nghĩ gì và làm gì khi nhìn thấy lũ cò con bị rơi xuống đất?
Trả lời:
- Bua Kham nghĩ: người ta bảo có thể nhặt lũ cò con về nuôi nhưng Bua Kham không muốn làm tan tác cái gia đình cò bé bỏng. Bọn cò con nhỏ quá, trả chúng về cho bố mẹ chúng thì hơn.
- Bua Kham làm: gọi ông. Ông bắc thang, đem đặt lũ cò con vào chiếc tổ cũ.
Câu 5 trang 36 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 2: Đoạn kết của câu chuyện muốn nói với chúng ta điều gì? Chọn câu trả lời dưới đây hoặc nêu ý kiến của em.
A. Vườn cây chỉ vui khi có nhiều bóng chim bay nhảy.
B. Cho đi yêu thương, chúng ta sẽ nhận lại được yêu thương.
C. Bầy cò thích làm tổ trên những khóm tre xanh.
Trả lời:
B. Cho đi yêu thương, chúng ta sẽ nhận lại được yêu thương.
* Luyện tập theo văn bản đọc
Câu 1 trang 36 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 2: Tìm chủ ngữ và vị ngữ trong câu: “Ông bắc thang, đem đặt lũ cò con vào chiếc tổ cũ.”.
Trả lời:
Ông/ bắc thang, đem đặt lũ cò con vào chiếc tổ cũ.
CN VN
Câu 2 trang 36 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 2: Viết 1 – 2 câu giới thiệu về cô bé Bua Kham và chỉ ra chủ ngữ, vị ngữ của mỗi câu.
Trả lời:
Bua Kham là một cô bé tốt bụng. Mặc dù muốn nuôi những con cò con nhưng cậu lại để cho cò con về với bố mẹ mà không ích kỉ vì thú vui của mình.
Chủ ngữ: Bua Kham, cậu
Vị ngữ: là một cô bé tốt bụng, lại để cho cò con về với bố mẹ mà không ích kỉ vì thú vui của mình
Xem thêm các bài soạn, giải bài tập Tiếng Việt lớp 4 sách Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:
Viết: Viết hướng dẫn sử dụng một sản phẩm trang 37
Xem thêm các bài soạn, giải bài tập Tiếng Việt lớp 4 sách Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:
Bài 9: Sự tích con Rồng cháu Tiên
Xem thêm các chương trình khác: