Bài 23: Đường đi Sa Pa (trang 106, 107, 108) Tiếng Việt lớp 4 Tập 2 – Kết nối tri thức

Lời giải Tiếng Việt lớp 4 Bài 23: Đường đi Sa Pa trang 106, 107, 108 sách Kết nối tri thức giúp học sinh dễ dàng làm bài tập Tiếng Việt lớp 4 Tập 2 Bài 23.

1 715 12/10/2023


Bài 23: Đường đi Sa Pa – Tiếng Việt lớp 4

Đọc: Đường đi Sa Pa trang 106, 107

Nội dung chính Đường đi Sa Pa:

Văn bản đề cập đến đường đi và cảnh vật Sa Pa rất đẹp. Sa Pa là món quà dành cho đất nước ta.

* Khởi động

Câu hỏi trang 106 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 2: Đọc một số câu thơ, bài ca dao nói về cảnh đẹp của đất nước. Chia sẻ với bạn nội dung những câu thơ, bài ca dao đó.

Trả lời:

Một số bài thơ nói về cảnh đẹp đất nước:

+ Bài thơ: Việt Nam quê hương ta – Nguyễn Đình Thi

Việt Nam đất nước ta ơi

Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn

Cánh cò bay lả rập rờn

Mây mờ che đỉnh Trường Sơn sớm chiều

Quê hương biết mấy thân yêu

Bao nhiêu đời đã chịu nhiều thương đau

Mặt người vất vả in sâu

Gái trai cũng một áo nâu nhuộm bùn

+ Bài thơ: Quê hương (Tế Hanh)

“Nay xa cách lòng tôi luôn tưởng nhớ

Màu nước xanh, cá bạc, chiếc buồm vôi,

Thoáng con thuyền rẽ sóng chạy ra khơi,

Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá!” …

=> Các bài thơ trên đều viết về cảnh đẹp quê hương: Quê hương là những gì gần gũi, thân thuộc, thiêng liêng nhất với mỗi chúng ta. Những điều gần gũi ấy nhưng lại trở nên thật đẹp trong mắt những người con yêu quê. Tình yêu quê hương là một trong những tình cảm ấm áp, sâu bền nhất, luôn hiện diện trong sâu thẳm trái tim ta và là hành trang quý giá giúp ta khôn lớn trưởng thành.

* Đọc văn bản

Đường đi Sa Pa

Bài 23: Đường đi Sa Pa Tiếng Việt lớp 4 Kết nối tri thức

Xe chúng tôi leo chênh vênh trên dốc cao của con đường xuyên tỉnh. Những đám mây trắng nhỏ sà xuống cửa kính ô tô tạo nên cảm giác bồng bềnh huyền ảo. Chúng tôi đang đi bên những thác trắng xoá tựa mây trời, những rừng cây âm âm, những bông hoa chuối rực lên như ngọn lửa. Tôi lim dim mắt ngắm mấy con ngựa đang ăn cỏ trong một vườn đào ven đường. Con đen huyền, con trắng tuyết, con đỏ son, chân dịu dàng, chùm đuôi cong lướt thướt liễu rủ.

Buổi chiều, xe dừng lại ở một thị trấn nhỏ. Nắng phố huyện vàng hoe. Những em bé Mông, những em bé Tu Dí, Phù Lá quần áo sặc sỡ đang chơi đùa trước cửa hàng. Hoàng hôn, áp phiên của phiên chợ thị trấn, người ngựa dập dìu chìm trong sương núi tím nhạt.

Hôm sau chúng tôi đi Sa Pa. Phong cảnh ở đây thật đẹp. Thoắt cái, lá vàng rơi trong khoảnh khắc mùa thu. Thoắt cái, trắng long lanh một cơn mưa tuyết trên những cành đào, lê, mận. Thoắt cái, gió xuân hây hẩy nồng nàn với những bông hoa lay ơn màu đen nhung hiếm quý.

Sa Pa quả là món quà tặng diệu kì mà thiên nhiên dành cho đất nước ta.

(Theo Nguyễn Phan Hách)

Từ ngữ

Sa Pa: một huyện thuộc tỉnh Lào Cai.

Rừng cây âm âm: rừng cây rậm rạp, hơi tối và tĩnh mịch.

Mông, Tu Di, Phù Lá: tên gọi của ba dân tộc thiểu số sống ở vùng núi cao.

Áp phiên: hôm trước phiên chợ.

* Trả lời câu hỏi

Câu 1 trang 107 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 2: Cảnh vật trên đường đi Sa Pa có gì đẹp?

Trả lời:

Cảnh vật trên đường đi Sa Pa có điểm đẹp là:

- Những đám mây trắng nhỏ sà xuống cửa kính ô tô tạo nên cảm giác bồng bềnh huyền ảo.

- Những thác trắng xoá tựa mây trời, những rừng cây âm âm, những bông hoa chuối rực lên như ngọn lửa.

- Mấy con ngựa đang ăn cỏ trong một vườn đào ven đường. Con đen huyền, con trắng tuyết, con đỏ son, chân dịu dàng, chùm đuôi cong lướt thướt liễu rủ.

Câu 2 trang 107 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 2: Cảnh buổi chiều ở thị trấn nhỏ trên đường đi Sa Pa được miêu tả như thế nào?

Trả lời:

Cảnh buổi chiều ở thị trấn nhỏ trên đường đi Sa Pa được miêu tả: Nắng phố huyện vàng hoe. Những em bé Mông, những em bé Tu Dí, Phù Lá quần áo sặc sỡ đang chơi đùa trước cửa hàng. Hoàng hôn, áp phiên của phiên chợ thị trấn, người ngựa dập dìu chìm trong sương núi tím nhạt.

Câu 3 trang 107 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 2: Cụm từ “thoắt cái” lặp lại nhiều lần trong đoạn miêu tả cảnh thiên nhiên ở Sa Pa muốn nhấn mạnh điều gì? Tìm câu trả lời đúng.

A. Bốn mùa xuân hạ thu đông nối tiếp nhau trôi đi rất nhanh.

B. Cảnh vật thiên nhiên và thời tiết ở Sa Pa thay đổi từng ngày.

C. Một ngày ở Sa Pa như trải qua nhiều mùa, tạo cảm giác bất ngờ, thú vị.

D. Một ngày ở Sa Pa rất dài, có đủ bốn mùa.

Trả lời:

C. Một ngày ở Sa Pa như trải qua nhiều mùa, tạo cảm giác bất ngờ, thú vị.

Câu 4 trang 107 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 2: Vì sao tác giả khẳng định: “Sa Pa là món quà dành cho đất nước ta”?

Trả lời:

Tác giả khẳng định: “Sa Pa là món quà dành cho đất nước ta” vì quang cảnh ở đây rất đẹp, có núi, có thác, có rừng, cây cối luôn tốt tươi, có nhiều thứ hoa quý hiếm, làng xóm yên ả, thanh bình, khí hậu hài hòa.

Câu 5 trang 107 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 2: Em thích hình ảnh nào trong bài đọc?

Trả lời:

Em thích hình ảnh thị trấn vào buổi chiều.

Khi tả cảnh thị trấn miền núi tác giả đã tả một cảnh tượng đặc trưng mà phố xá dưới xuôi không bao giờ có. Những em bé Hmông, những em bé Tu Dí, Phù Lá cổ đeo móng hổ, quần áo sặc sỡ đang chơi đùa trước cửa hàng.

Luyện từ và câu: Luyện tập viết tên cơ quan, tổ chức trang 107, 108

Câu 1 trang 107 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 2: Nêu sự khác nhau về cách viết hoa tên người với tên cơ quan, tổ chức dưới đây:

Bài 23: Đường đi Sa Pa Tiếng Việt lớp 4 Kết nối tri thức

Trả lời:

Tên người thì phải viết hoa các chữ cái đầu của từng chữ còn tên của các tổ chức thì viết hoa những chữ cái đứng đầu danh từ riêng.

Câu 2 trang 108 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 2: Nhận xét cách viết hoa tên cơ quan, tổ chức sau:

- Uỷ ban Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em Việt Nam

- Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam

- Trung tâm Chiếu phim Quốc gia

Trả lời:

Tên người thì phải viết hoa các chữ cái đầu của từng chữ còn tên của các tổ chức thì viết hoa những chữ cái đứng đầu danh từ riêng.

Câu 3 trang 108 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 2: Trường hợp nào dưới đây viết hoa đúng tên cơ quan, tổ chức?

Bài 23: Đường đi Sa Pa Tiếng Việt lớp 4 Kết nối tri thức

Trả lời:

a. Ban Công tác Thiếu nhi Trung ương Đoàn

b. Câu lạc bộ Tiếng Anh Tiểu học

Câu 4 trang 108 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 2: Viết:

a. Tên tổ chức Đội của trường em.

b. Tên một cơ quan hoặc tổ chức mà em biết.

Trả lời:

a. Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh...

b. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường,....

Viết: Viết bài văn miêu tả cây cối trang 108

Chọn 1 trong 3 đề dưới đây:

Đề 1: Viết bài văn miêu tả một cây ăn quả mà em yêu thích.

Đề 2: Viết bài văn miêu tả một cây ở sân trường đã gắn bó với em và bạn bè.

Đề 3: Viết bài văn miêu tả một cây mà em biết qua phim ảnh, sách báo.

Câu 1 trang 108 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 2: Dựa vào dàn ý đã lập trong hoạt động Viết ở Bài 22, viết bài văn theo yêu cầu của đề bài.

Trả lời:

Hè về, nắng trong vắt như mật ong, gió thoảng từng cơn oi nồng. Bọn học trò chúng em bận bịu với những bài ôn thi, những dòng lưu bút viết vội. Một hương vị mùa hè lan tỏa khắp trường. Mọi người vội nhìn ra sân: hoa phượng nở đỏ sân trường rồi. Nhìn cây phượng vĩ trồng giữa sân trường em, chúng em biết mùa hè đã thật sự đến.

Cây phượng cao lắm, cao hơn cả tầng ba của tòa nhà em học. Thân cây to lớn đến phải hai bạn học sinh ôm vẫn chưa xuể. Lớp vỏ trên thân cây sần sùi, hằn từng khe, rãnh như là mặt ruộng vào mùa hạn. Bộ rễ của cây thì chắc hẳn rất to và dài. Vì chỉ với một phần nhô trên mặt đất đã to hơn cả bắp tay rồi.

Cành chính của cây phượng thì chỉ gồm bốn cành. Nhưng từ đó, tỏa ra nhiều cành phụ lắm. Chúng đan vào nhau tạo thành một chiếc ô khổng lồ che bóng mát cho chúng em vui chơi. Khi mùa hè đến, cây phượng nở hoa đỏ rực. Những cánh hoa mỏng manh như cánh gián, đỏ tươi hơn cả mặt trời trở thành tín hiệu báo cho chúng em sắp kết thúc năm học.

Cây phượng già đã chứng kiến bao niềm vui nỗi buồn của chúng em. Mỗi lần phượng nở hoa, lòng em lại rộn ràng lên những cảm xúc khó tả. Đó là lúc em khi sắp phải xa mái trường, xa cây phượng. Mai đây lớn khôn, em luôn nghĩ về ngôi trường tiểu học, nhớ tới cây phượng già thân quen này.

Câu 2 trang 108 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 2: Đọc soát và chỉnh sửa.

a. Đọc lại bài của em để phát hiện lỗi.

Bài 23: Đường đi Sa Pa Tiếng Việt lớp 4 Kết nối tri thức

b. Chỉnh sửa.

Sửa lỗi trực tiếp vào bài hoặc ghi vào sổ tay những lỗi cần sửa.

Trả lời:

Em tiến hành đọc soát và chỉnh sửa.

* Vận dụng

Câu hỏi trang 108 sgk Tiếng Việt lớp 4 Tập 2: Trao đổi với người thân về bài văn tả cây em đã viết và xin ý kiến góp ý.

Trả lời:

Em tiến hành trao đổi với người thân về bài văn tả cây em đã viết và xin ý kiến góp ý.

Xem thêm các bài soạn, giải bài tập Tiếng Việt lớp 4 sách Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:

Bài 24: Quê ngoại

Bài 25: Khu bảo tồn động vật hoang dã Ngô-rông-gô-rô

Bài 26: Ngôi nhà của yêu thương

Bài 27: Băng tan

Bài 28: Chuyến du lịch thú vị

1 715 12/10/2023