TOP 10 mẫu Trao đổi về ý chí, nghị lực (2024) SIÊU HAY
Trao đổi về ý chí, nghị lực lớp 5 gồm 10 bài văn mẫu hay nhất, chọn lọc giúp học sinh viết bài tập làm văn lớp 5 hay hơn.
Trao đổi về ý chí, nghị lực
Đề bài: Trao đổi: em đọc sách báo trang 62 (về ý chí, nghị lực).
Trao đổi về ý chí, nghị lực (mẫu 1)
Tôi Đi Học của tác giả Nguyễn Ngọc Ký.
Cuốn sách “Tôi Đi Học” của tác giả Nguyễn Ngọc Ký là một câu chuyện cảm hứng về ý chí và nghị lực. Trong cuốn sách này, tác giả đã chia sẻ về hành trình đi học của mình trong những năm 1966 tại trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, một thời gian đầy thách thức với nhiều khó khăn từ việc học trong điều kiện sơ tán đến việc đối mặt với bệnh tật.
Cuốn sách này không chỉ là một câu chuyện về sự kiên trì và nghị lực, mà còn là một thông điệp mạnh mẽ về giá trị của việc học tập và khát vọng thành công. Nó là một nguồn cảm hứng cho tất cả chúng ta về tầm quan trọng của ý chí và nghị lực trong cuộc sống, và rằng chỉ cần chúng ta không ngừng nỗ lực và kiên trì, chúng ta sẽ có thể vượt qua mọi khó khăn và đạt được mục tiêu của mình. Cuốn sách “Tôi Đi Học” chắc chắn sẽ là một nguồn động lực tuyệt vời cho mọi người, đặc biệt là những bạn trẻ đang trên con đường học tập và khám phá cuộc sống.
Trao đổi về ý chí, nghị lực (mẫu 2)
Tác phẩm “Tôi đi học”
Cuốn sách Tôi đi học viết bởi chàng trai viết bằng chân Nguyễn Ngọc Ký là một cuốn tự truyện cảm động và đầy cảm hứng. Được viết từ những trải nghiệm khó khăn của Nguyễn Ngọc Ký khi là sinh viên trên những giảng đường sơ tán khắc nghiệt, cuốn sách mang đến cho độc giả một cái nhìn sâu sắc về sự kiên trì, nghị lực và tinh thần vượt khó của tác giả. Tôi Đi Học là một cuốn sách rất đáng đọc với những ai muốn tìm hiểu thêm về cuộc đời của tác giả Nguyễn Ngọc Ký và cảm nhận được sự kiên trì, nghị lực, tinh thần vượt khó của một con người. Cuốn sách cũng mang đến cho độc giả những bài học quý giá về cuộc sống và giáo dục. Tôi rất khuyến khích đọc cuốn sách này.
Những câu nói hay trong tác phẩm: “Cuộc sống luôn có những biến cố, những đổi thay mà chúng ta không bao giờ biết trước. Cũng có những biến cố khiến chúng ta rơi vào ngõ cụt, không lối thoát. Nhưng với Nguyễn Ngọc Ký, biến cố vào năm 4 tuổi, khi phải trải qua một cơn sốt bại liệt, từ đó khiến đôi tay “như hai cục thịt lủng lẳng đeo vào hai bên mình” lại là một sự khởi đầu cho một cuộc đời mới. Và đó cũng là lý do để có tự truyện Tôi đi học, được xem là cuốn sách để đời của Nguyễn Ngọc Ký.”
Trao đổi về ý chí, nghị lực (mẫu 3)
LÒ THỊ THƯƠNG – TẤM GƯƠNG VỀ Ý CHÍ, NGHỊ LỰC
Đặt chân ngang qua thư viện của Trường Phổ thông DTNT THPT huyện Than Uyên chúng ta đều bắt gặp cô gái đang say sưa đọc sách, cần mẫn ghi chép các nội dung liên quan đến sách. Đó là cô gái có đôi mắt biết nói và luôn nở nụ cười trên khuôn mặt bầu bĩnh. Thiện cảm với cô gái ấy không chỉ dừng lại ở ngoại hình mà còn có một thành tích ấn tượng trong quá trình học tập, rèn luyện và tham gia các hoạt động phong trào. Cô gái ấy chính là Lò Thị Thương - Học sinh lớp 12B, năm học 2023-2024.
Gia đình Thương có 8 nhân khẩu chỉ trông đợi vào nguồn thu nhập từ 1000ha ruộng bậc thang trên triền đồi sỏi đá thuộc bản Mùi, xã Khoen On. Con đường từ nhà đến trường của Thương cách 45 km quanh co, gập gềnh. Đường xa, thương bố phải vượt nắng, đội mưa để đưa đón nên Thương chọn cho mình một kì nghỉ cuối tuần rất riêng. Thương ở lại khu kí túc, tìm niềm vui trong những trang sách để khoả lấp nỗi nhớ nhà. Tranh thủ dịp nghỉ dài, Thương về phụ giúp bố mẹ làm công việc đồng áng, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc các em. Dù đi học xa nhưng mỗi mùa mưa bão, trên gương mặt tươi tắn của Thương không giấu được sự lo âu, trăn trở liệu ngôi nhà sờn cũ liệu còn đủ vững che mưa cho gia đình đi qua thiên tai. Nhìn bố mẹ lam lũ không ngần ngại sớm hôm ruộng đồng để phụng dưỡng bà nội già yếu, nuôi 5 người con ăn học, Thương luôn tự nhủ phải nỗ lực học tập, rèn luyện để thay đổi cuộc sống cho bản thân và gia đình.
Những khó khăn không cản bước được ý chí vươn lên của Thương. Ngoài tri thức được lĩnh hội qua từng bài giảng của thầy cô, Thương luôn nêu cao tinh thần chủ động, tự nghiên cứu, tìm tòi. Sự chăm chỉ, tích cực đã đem lại cho Thương những trái ngọt khi liên tục ghi tên trong bảng vàng thành tích của nhà trường. Từ năm Thương vào trường học đến nay (năm học 2021-2022 đến năm học 2022-2023), Thương đều đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện, được bình chọn là học sinh tiêu biểu nhận giấy khen của Giám đốc sở GD&ĐT Lai Châu, học sinh 3 tốt cấp tỉnh được nhận chứng nhận của BCH tỉnh Đoàn Lai Châu. Khép lại năm học 2022-2023, Thương còn là niềm tự hào của thầy cô khi đạt giải ba học sinh giỏi cấp tỉnh môn Địa lý lớp 11, đạt giải khuyến khích dự án sáng tạo khởi nghiệp do Học viện nông nghiệp Việt Nam tổ chức với mô hình nuôi trâu thịt.
Bên cạnh tấm gương sáng về học tập, hình ảnh cô học trò Lò Thị Thương lan tỏa vẻ đẹp của tuổi trẻ tràn đầy năng lượng. Xung kích ở lĩnh vực nào, Thương cũng dốc hết tinh thần trách nhiệm với từng hoạt động. Phát huy tài năng múa, Thương luôn tự tin tỏa sáng trên sân khấu tại các sự kiện của nhà trường và của huyện. Sinh hoạt trong câu lạc bộ “Em yêu sách”, Thương đã cùng các thành viên tham gia chương trình Ngày hội sách và văn hóa đọc năm 2023 huyện Than Uyên tổ chức tại tuyến phố đi bộ (15/4 – 16/4) đạt 01 giải nhất nội dung Giới thiệu cuốn sách hay và 01 giải nhất mô hình xếp sách nghệ thuật.
Những khó khăn giúp Thương sớm trưởng thành, em luôn biết quan tâm, sẻ chia, giúp đỡ các bạn cùng tiến bộ. Lò Thị Thương không chỉ gặt hái cho mình những thành công mà còn tạo cầu nối gắn kết các thành viên trong tập thể lớp đoàn kết xây dựng tập thể vững mạnh. Là bí thư chi đoàn, em luôn gương mẫu đi đầu trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên, biết tập hợp, huy động đoàn viên, thanh niên tham gia đầy đủ, có hiệu quả vào các phong trào, các hoạt động do nhà trường và huyện phát động. Nhờ vậy, chi đoàn em phụ trách luôn được xếp loại chi đoàn vững mạnh, tập thể lớp xuất sắc năm học 2022 - 2023 với nhiều thành tích nổi bật về học sinh có lực học khá giỏi, học sinh giỏi cấp tỉnh và thành tích về các hoạt động thể dục thể thao, văn nghệ, trải nghiệm hướng nghiệp.
Trong trang sử trường Phổ thông DTNT THPT huyện Than Uyên luôn có dấu ấn của học sinh Lò Thị Thương - một tấm gương về ý chí, nghị lực vượt khó vươn lên trong học tập. Thanh xuân của em trở nên tươi đẹp, ý nghĩa hơn trong những chặng đường phía trước vươn tới thành công rực rỡ hơn.
Trao đổi về ý chí, nghị lực (mẫu 4)
Nghị lực của người phụ nữ vượt qua bóng tối
Với tâm niệm “Nơi nào có ý chí, nơi đó có con đường. Nơi nào có đoàn kết và tình yêu thương, nơi đó có sức mạnh”, Chủ tịch Hội người mù (HNM) TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, Phạm Thị Huyên (SN 1986) đã nỗ lực vượt qua những biến cố trong cuộc đời để trở thành người có ích trong xã hội, là cầu nối giúp những người đồng cảnh có nghị lực, niềm tin hòa nhập với cộng đồng.
Ngược dòng thời gian, chị Huyên (trong ảnh) nhớ về những ngày còn nhỏ, khi chị lớn lên khỏe mạnh trong tình yêu thương, đùm bọc của mọi người trong gia đình. Năm chị 17 tuổi, có một điều không may xảy đến khi em gái mất đi thị lực vĩnh viễn và trở thành người khuyết tật. Trước nỗi buồn đó, chị Phạm Thị Huyên đã tự nhủ với bản thân sẽ trở thành đôi mắt cho em, cùng nhau vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Nhưng chẳng bao lâu, chị Huyên lại phát hiện ra thị lực của mình dần kém đi do bị thoái hóa sắc tố võng mạc. Bằng sự quyết tâm, nghị lực của bản thân, chị cố gắng theo học hết chương trình đại học. Nhưng khi ra trường, những ánh sáng sắc mầu của cuộc sống mà chị nhìn thấy đã dần tan biến. “Cảm nhận nỗi buồn chất chứa trong lòng cha mẹ khi đôi mắt tôi đã không còn nhìn được, những ước mơ, khát khao dự định của tuổi trẻ đã vụt mất khiến tôi sống trong lo sợ và có lúc tưởng chừng mình đã gục ngã. Lúc đó, tia hy vọng mong manh nhưng vô cùng mãnh liệt đã lóe lên trong tôi. Chính nhờ sự quan tâm và dìu dắt của HNM tỉnh Bắc Ninh, em gái tôi, dù không thấy ánh sáng từ khi còn nhỏ nhưng vẫn có thể đi học, hòa nhập với cộng đồng. Vậy bản thân tôi sao không cho mình cơ hội để bắt đầu lại cuộc sống có ý nghĩa hơn”, chị Huyên xúc động chia sẻ.
Từ đó, chị Huyên đăng ký tham gia lớp học vi tính và chữ nổi cho hội viên người mù với hy vọng tìm lại ánh sáng cho cuộc đời mình. Với nỗ lực kiên trì, bền bỉ, sự nhiệt tình hỗ trợ của mọi người trong Hội, chẳng bao lâu, chị đã sử dụng thành thạo chữ nổi và máy tính để hòa nhập với cộng đồng. Được sống trong tình yêu thương của thầy cô, sự chia sẻ, cảm thông của bạn bè đồng cảnh ngộ, chị dần thay đổi, khát khao tạo ra những niềm vui cho bản thân, quyết tâm chăm chỉ học tập, trân trọng và yêu thương mọi người; tích cực tham gia vào các phong trào hoạt động của Hội. “Dù cuộc sống nhiều thử thách, chông gai, tôi sẽ luôn cố gắng để trở thành một con người giàu ý chí, nghị lực, trí tuệ và có những đóng góp hữu ích cho xã hội. Tôi tin tưởng, bằng sự nỗ lực không ngừng của bản thân, tình yêu thương vô bờ của gia đình, sự dìu dắt, giúp đỡ tận tình của tổ chức HNM, sự quan tâm, chia sẻ từ cộng đồng, tôi sẽ thực hiện được ước mơ, hoài bão của mình”, chị chia sẻ.
Năm 2017, chị Huyên được cấp trên và hội viên tín nhiệm giữ chức Chủ tịch HNM thành phố Bắc Ninh. Trong vai trò này, chị hiểu được sứ mệnh của mình là cầu nối giữa các cấp lãnh đạo, cộng đồng với hội viên, chị Huyên luôn gương mẫu đi đầu trong mọi phong trào và tiếp tục duy trì tốt những kết quả hoạt động của Hội. Bên cạnh đó, chị cùng các đồng chí trong Ban Chấp hành Hội luôn đoàn kết, đổi mới sáng tạo thông qua tổ chức các chương trình ý nghĩa, trao quà tặng hội viên qua các chương trình “Tết ấm tình người”, “Tết ấm tình thương”, “Vầng trăng yêu thương - Nâng bước em đến trường”; tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về chăm sóc sức khỏe cho chị em phụ nữ, chuyên đề kỹ năng giao tiếp cho hội viên trẻ; tuyên truyền về chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, với mong muốn gây quỹ và tuyên truyền về các hoạt động Hội, chị Huyên tích cực triển khai những chương trình giao lưu văn nghệ “Chắp cánh yêu thương” tại các phường, xã và trường học. Các chương trình được cộng đồng hưởng ứng, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong toàn Hội và giúp cộng đồng hiểu hơn về Hội và hoàn cảnh của người mù.
“Với vai trò là Trưởng ban Công tác phụ nữ và trẻ em HNM tỉnh Bắc Ninh và Chủ tịch HNM thành phố Bắc Ninh, đồng chí Phạm Thị Huyên luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở từng cương vị; chủ động tham mưu, đề xuất các mô hình mới, phối hợp các ban chuyên môn quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, giúp phụ nữ, trẻ em mù vươn lên hòa nhập cộng đồng; kêu gọi, vận động công ty, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm gây quỹ ủng hộ để trao những phần quà có ý nghĩa tặng người mù có hoàn cảnh khó khăn...”, anh Nguyễn Xuân Huế, Chủ tịch HNM tỉnh Bắc Ninh cho biết.
Hơn 10 năm là cán bộ Hội và qua thực tiễn đến thăm hỏi hội viên, lắng nghe tâm tư, tình cảm của người mù, chị Huyên nhận thấy những gì mình làm được vô cùng nhỏ bé so với những nhu cầu chính đáng của người mù có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Vì vậy, chị luôn cố gắng rèn luyện, học tập, nghiên cứu cập nhật kiến thức để không ngừng nâng cao trình độ, năng lực công tác; tâm huyết, nhiệt tình cống hiến cho tổ chức Hội nhiều hơn nữa, nhằm mang lại niềm vui, hạnh phúc đến cho người mù. Tuy đôi mắt của chị đã không còn nhìn được nữa, song trong từng lời nói, câu chuyện chị chia sẻ, luôn thể hiện niềm lạc quan, niềm tin vào một tương lai tươi sáng.
“Qua nhiều trắc trở trong cuộc sống, tôi luôn tin tưởng rằng, chỉ cần bản thân có ý chí thì sẽ tìm được con đường đi của mình và hơn nữa nếu có sự đoàn kết, tình yêu thương của mọi người sẽ tạo ra được sức mạnh để người khuyết tật có thể vươn lên hòa nhập cộng đồng, biến những điều không thể thành có thể. Tôi cũng mong các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm, có những chính sách hỗ trợ người mù nói riêng, người khuyết tật nói chung tham gia học tập có hiệu quả hơn”, chị Huyên cho biết.
Trao đổi về ý chí, nghị lực (mẫu 5)
Cảm phục nghị lực của những học trò khó khăn
15 tân sinh viên trong Chương trình Nghị lực mùa thi năm 2022 là những tấm gương đầy nghị lực vượt lên nghịch cảnh, viết tiếp ước mơ vào giảng đường đại học.
Truyền đi năng lượng tích cực
Mẹ đã mất, nhưng nhớ mãi lời mẹ dạy về sự biết ơn và lòng sẻ chia, cậu học trò mồ côi từng ăn mì gói để nuôi ước mơ học ĐH, nay khi nhận được tiền bạn đọc Báo Thanh Niên đóng góp đã không ngần ngại san sẻ gần 100 triệu đồng cho những bạn có hoàn cảnh khó khăn khác.
Hành động rất đẹp thể hiện tinh thần tương thân, tương ái giúp đỡ nhau trong cuộc sống khó khăn của Nguyễn Phan Nguyên Trường, tân sinh viên (SV) Trường ĐH Tài chính - Marketing TP.HCM, khiến những ai có mặt trong chương trình trao học bổng Nghị lực mùa thi tại Báo Thanh Niên sáng 8.10 cũng phải rưng rưng vì cảm kích.
Trường mất ba từ khi học lớp 1, lên năm học lớp 8 thì mẹ cũng qua đời vì bệnh ung thư, từ đó Trường côi cút giữa cuộc đời, mỗi ngày lủi thủi trong căn phòng trọ nhỏ, ăn mì gói nuôi ước mơ vào ĐH. Sau khi Báo Thanh Niên đăng bài viết về câu chuyện và nghị lực của Trường, em đã nhận được sự quan tâm và hỗ trợ từ rất nhiều mạnh thường quân, bạn đọc Báo Thanh Niên trên cả nước. Ngày hôm nay, trên sân khấu của chương trình trao học bổng Nghị lực mùa thi, cậu học trò mồ côi ấy, đã khiến nhiều người xúc động.
“Ngay từ khi còn nhỏ, mẹ đã dạy cho em sự biết ơn và lòng sẻ chia, món quà này đến với em quá bất ngờ và em không thể nhận phần quà một mình mà em muốn chia sẻ, lan tỏa tình yêu thương này đến với những bạn cũng có hoàn cảnh giống như em. Mong đây là những phần quà tuy nhỏ nhưng sẽ giúp các bạn có thêm động lực và ý chí phấn đấu để bước tiếp trên chặng đường học vấn mà mình đã chọn”, Trường chia sẻ.
“Em thấy mình thật may mắn vì em chưa từng nghĩ sẽ nhận được nhiều sự yêu thương, quan tâm của mọi người dành cho em nhiều như thế. Em đã từng sống trong đơn độc, kể từ khi ba mẹ mất, em trở nên thu mình hơn với thế giới bên ngoài, nhưng những món quà này đã tiếp thêm ngọn lửa sưởi ấm trái tim em, nên em thấy ấm áp vô cùng”, Trường biết ơn mọi người.
Khi hỏi Trường về động lực để vươn lên mỗi ngày, những chia sẻ của Trường cũng truyền đi rất nhiều cảm hứng cho người trẻ: “Có 2 điều em luôn nghĩ tới mỗi khi mệt mỏi, một là niềm tin trong em, khi nhìn trái táo bị cắn dở thì em luôn nhìn phần nguyên thay vì phần khuyết, cũng giống như cuộc sống này, dù có đối xử với em bất công như thế nào, có khó khăn thế nào đi chăng nữa, em vẫn luôn nhìn bằng lăng kính lạc quan và tích cực nhất để cố gắng. Tuy em không thể thay đổi được quá khứ hay hiện tại, nhưng em luôn tin là mình có thể cố gắng để thay đổi được tương lai”.
Động lực thứ 2 cũng là động lực lớn nhất của Trường là lời nói của mẹ trước khi mất: “Trước lúc mất mẹ đã nắm trên tay và bảo với em ước mơ lớn nhất của mẹ là nhìn thấy em được mặc chiếc áo cử nhân, cầm trên tấm bằng tốt nghiệp. Cả cuộc đời mẹ không có ước mơ gì, nhưng cuối đời ước mơ lớn nhất của mẹ là dành cho em, chính từ đó mà em càng phải cố gắng hơn nữa, học thật tốt hơn nữa”.
Ba mất vì đột quỵ, một mình mẹ gồng gánh bên xe hủ tiếu nuôi các con ăn học, dẫu hoàn cảnh vô cùng khó khăn nhưng Phạm Ngọc Trâm, tân SV Trường ĐH Sài Gòn, vẫn luôn truyền đi sự lạc quan và nghị lực vươn lên rất đáng ngưỡng mộ.
Khi nhận được học bổng từ chương trình để viết tiếp ước mơ đời mình, Trâm đã hạnh phúc chia sẻ: “Em luôn cố gắng cười, vui vẻ để tiếp thêm niềm vui cho mẹ, để cho gia đình em luôn thấy được còn hy vọng vào tương lai, bởi vì còn rất nhiều người tốt bên cạnh và hỗ trợ mình. Em luôn tin vào điều đó và em cũng dùng chính cách đó để an ủi bản thân mình, giúp gia đình vượt qua mất mát. Và ngày hôm nay, em đã nhận được sự hỗ trợ và yêu thương từ mọi người để có thể theo đuổi được việc học”.
Vì gia cảnh quá khó khăn, Nguyễn Thiện Thanh, tân SV Trường ĐH KHTN TP.HCM, không giấu được cảm xúc đã bật khóc tại chương trình khi nhận được học bổng để tiếp tục sự học.
Cảm phục nghị lực của những học trò khó khăn
Xúc động trước những câu chuyện của các gương nghị lực, anh Nguyễn Minh Triết, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội SV VN, chia sẻ: “Chương trình mang lại rất nhiều cảm xúc, 15 bạn được trao học bổng hôm nay là 15 câu chuyện về nghị lực vượt qua khó khăn, có những câu chuyện rất xúc động. Có những bạn mồ côi cả cha lẫn mẹ từ rất nhỏ nhưng vẫn mang đến nguồn năng lượng tích cực và luôn phấn đấu nuôi ước mơ vào giảng đường ĐH”.
Anh Triết cho biết bắt nguồn từ chương trình Tiếp sức mùa thi, nhưng bây giờ chương trình đã lan tỏa và nối dài ở đoạn tiếp sức xa hơn, có thể nói đây như là chương trình tiếp sức đến trường để tiếp tục ước mơ của các em vào giảng đường ĐH.
“Chúng tôi mong muốn làm sao những câu chuyện, những tấm gương của các bạn ngày hôm nay tiếp tục được lan tỏa để cộng đồng và xã hội cùng sẻ chia. Khi biết được câu chuyện của các em, cá nhân tôi, cũng như Hội SV VN cảm phục nghị lực của các em. Chúng tôi mong muốn rằng với những sự hỗ trợ của các đơn vị, nhà hảo tâm, các em sẽ cố gắng để phấn đấu cao nhất trong con đường học vấn của mình. Chúng tôi hy vọng đây sẽ là những tấm gương thành công từ hoàn cảnh khó khăn của mình, sau này cống hiến, có ích cho xã hội, cũng như là có thể quay lại, chia sẻ với những hoàn cảnh kém may mắn như các em từng trải qua”, anh Triết gửi gắm.
Nghị lực tuyệt vời của chàng tân sinh viên luôn lo lắng "học tiếp hay dừng lại?"
Phát biểu tại chương trình, nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng biên tập Báo Thanh Niên, cho biết: “Thông qua câu chuyện của mỗi học sinh không những gây xúc động mà còn tạo cảm hứng cho chúng ta, đặc biệt những người trẻ, về nghị lực phấn đấu, nỗ lực thực hiện ước mơ, và tiếp thêm niềm tin cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn khác vươn lên. Có những học sinh đã không biết bao lần phải tính đến chuyện nghỉ học giữa chừng vì gia đình quá khó khăn, thế nhưng nhờ có học bổng Nghị lực mùa thi, các em đã được bước vào giảng đường ĐH viết tiếp ước mơ của mình”.
Nhà báo Ngọc Toàn cũng cho biết Báo Thanh Niên sẽ tiếp tục liên hệ với các Hội SV, Đoàn trường để gửi gắm, mong các tổ chức này tiếp tục theo dõi, dìu dắt và giúp đỡ các em về mặt tinh thần trong quá trình học. Với kỳ vọng Chương trình học bổng Nghị lực mùa thi không chỉ dừng lại việc hỗ trợ các em học ĐH, Báo Thanh Niên cũng sẽ tiếp tục xây dựng dữ liệu để kết nối doanh nghiệp với các em, nhằm hỗ trợ đầu ra, giúp các em có việc làm ổn định sau này.
Xem thêm các chương trình khác: