TOP 10 mẫu Trao đổi về sự bình đẳng giữa nam và nữ (2024) SIÊU HAY
Trao đổi về sự bình đẳng giữa nam và nữ lớp 5 gồm 10 bài văn mẫu hay nhất, chọn lọc giúp học sinh viết bài tập làm văn lớp 5 hay hơn.
Trao đổi về sự bình đẳng giữa nam và nữ
Đề bài: Trao đổi: em đọc sách báo trang 30 (sự bình đẳng giữa nam và nữ hoặc về một bạn thiếu nhi được nhiều người quý mến).
Trao đổi về sự bình đẳng giữa nam và nữ (mẫu 1)
Quyền bình đẳng về học tập giữa trẻ em trai và trẻ em gái
Anh Hưởng và chị Hoà sinh được hai cháu. Cháu trai là Đức, học lớp 8. Cháu gái là Tâm, học lớp 4. Hai cháu đều học giỏi. Năm 2015, chị Hoà ốm nặng, gia đình gặp khó khăn nên hai vợ chồng quyết định cho con gái nghỉ học vì nghĩ rằng, con gái không cần học nhiều. Rất muốn được đi học nhưng vì thương bố mẹ nên Tâm đành nghỉ học ở nhà. Cô giáo chủ nhiệm của Tâm rất thông cảm và thương hoàn cảnh của Tâm nên đã đến gặp cha mẹ của Tâm thuyết phục gia đình cho Tâm tiếp tục đi học. Vậy, cô giáo cần giải thích như thế nào cho cha mẹ cháu Tâm hiểu? Pháp luật quy định như thế nào? Mong nhận được tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật. Chân thành cảm ơn!
Tại Điều 14 Luật Bình đẳng giới 2006 quy định: Bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo
1. Nam, nữ bình đẳng về độ tuổi đi học, đào tạo, bồi dưỡng.
2. Nam, nữ bình đẳng trong việc lựa chọn ngành, nghề học tập, đào tạo.
3. Nam, nữ bình đẳng trong việc tiếp cận và hưởng thụ các chính sách về giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ.
4. Nữ cán bộ, công chức, viên chức khi tham gia đào tạo, bồi dưỡng mang theo con dưới ba mươi sáu tháng tuổi được hỗ trợ theo quy định của Chính phủ.
5. Biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo bao gồm:
a) Quy định tỷ lệ nam, nữ tham gia học tập, đào tạo;
b) Lao động nữ khu vực nông thôn được hỗ trợ dạy nghề theo quy định của pháp luật.
Trong tình huống này, mặc dù cháu Tâm là con gái nhỏ, mới học lớp 4 còn cháu Đức, con trai lớn đã học lớp 8 nhưng khi gia đình gặp khó khăn, vợ chồng anh Hưởng đã quyết định cho cháu Tâm nghỉ học. Do đó, để thuyết phục được cha mẹ cháu Tâm cho cháu đi học trở lại, cô giáo chủ nhiệm của Tâm cần phân tích thiệt hơn trong việc thực hiện trách nhiệm làm cha, làm mẹ chăm sóc, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con cái dựa trên các căn cứ pháp lý sau đây:
- Về quyền học tập của trẻ em
Quyền học tập là một quyền cơ bản của trẻ em. Gia đình, nhà trường và xã hội có trách nhiệm bảo đảm quyền học tập của trẻ em. Điều 11 Luật Giáo dục năm 2005 quy định, giáo dục tiểu học và giáo dục trung học cơ sở là các cấp học phổ cập. Mọi công dân trong độ tuổi quy định có nghĩa vụ học tập để đạt trình độ giáo dục phổ cập. Gia đình có trách nhiệm tạo điều kiện cho các thành viên của gia đình trong độ tuổi được học tập để đạt trình độ giáo dục phổ cập.
Điều 16 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 quy định, trẻ em học bậc tiểu học trong các cơ sở giáo dục công lập không phải trả học phí. Điều này thể hiện trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm cơ hội và quyền học tập của mọi trẻ em, không phân biệt trẻ em gái hay trẻ em trai.
Trong trường hợp này, cháu Tâm đang học lớp 4, cần được tạo điều kiện để thực hiện phổ cập giáo dục. Mặt khác, cháu Tâm lại học giỏi và ham học. Do đó, việc cha mẹ cho cháu nghỉ học để phụ giúp việc gia đình là hành vi cản trở quyền học tập của trẻ em, là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại khoản 8 Điều 7 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004.
- Trách nhiệm của gia đình trong việc đối xử bình đẳng giữa trẻ em trai và trẻ em gái
Theo quy định tại Điều 37 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì cha mẹ có nghĩa vụ và quyền giáo dục con, chăm lo và tạo điều kiện cho con học tập. Đồng thời Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 còn quy định cha mẹ không được phân biệt đối xử giữa các con. Cần thấy rằng, việc cha mẹ cháu Tâm quyết định cho cháu nghỉ học chính là hệ quả sâu xa từ định kiến giới, xuất phát từ quan niệm cố hữu về vị trí thứ yếu của con gái trong gia đình và xã hội. Việc để cháu Tâm phải nghỉ học là làm mất đi cơ hội phát triển toàn diện của cháu, do đó, hành vi này là sự phân biệt đối xử giữa con trai và con gái trong việc hưởng thụ sự chăm sóc của gia đình.
Dựa trên những căn cứ pháp lý nói trên, cô giáo của cháu Tâm cần phân tích thấu đáo để cha mẹ cháu nhận thức được vấn đề, trên cơ sở đó thuyết phục cha mẹ cháu khắc phục khó khăn để tạo điều kiện bảo đảm cơ hội và quyền học tập của cháu. Bên cạnh đó, từ thực tiễn hoàn cảnh gia đình cháu Tâm, cô giáo của cháu Tâm có thể tìm hiểu, vận dụng các chính sách khuyến học với trẻ em nghèo đề nghị cơ quan có thẩm quyền giúp đỡ cháu Tâm đến trường, qua đó, để gia đình cháu Tâm thấy được sự quan tâm của Nhà nước trong giáo dục phổ cập.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về quyền bình đẳng về học tập giữa trẻ em trai và trẻ em gái. Bạn nên tham khảo chi tiết Luật Bình đẳng giới 2006 để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Trao đổi về sự bình đẳng giữa nam và nữ (mẫu 2)
Thúc đẩy bình đẳng giới đối với trẻ em
Bình đẳng giới là yếu tố quan trọng đối với một thế giới công bằng và bình đẳng. Khi trẻ em sẽ sớm biết rằng về mọi mặt, chúng ta đều giống nhau hơn là khác biệt thì khi lớn lên thành người lớn sẽ không bị định kiến giới hạn chế lựa chọn của mình.
Tại sao thúc đẩy bình đẳng giới lại quan trọng đối với trẻ nhỏ?
Thúc đẩy bình đẳng giới sẽ trao quyền cho tất cả trẻ em, giúp trẻ em nhận ra rằng các em cần có cơ hội bình đẳng, đồng thời cũng sẽ khuyến khích thế hệ trẻ của chúng ta khoan dung hơn với những khác biệt, giảm thiểu tình trạng bạo lực, lạm dụng.
Là một xã hội, chúng ta đã quá quen với việc định kiến giới. Ví dụ: nam giới là lãnh đạo, phụ nữ là người ủng hộ, nam giới là người làm chủ, phụ nữ phục tùng… đến nỗi chúng ta thường không nhận ra mình đang làm hoặc ảnh hưởng của nó - định kiến giới cản trở bình đẳng giới.
Khi một đứa trẻ được sinh ra, đứa trẻ đó hoàn toàn không có khái niệm phân biệt giữa nam và nữ. Định kiến về giới được đặt ra đối với trẻ bởi người lớn và những đứa trẻ lớn hơn cùng kỳ vọng của xã hội.
Nếu nhận thức được điều này, chúng ta có thể tích cực khuyến khích bình đẳng giới và càng bắt đầu sớm thì càng có nhiều tác dụng.
Chúng ta có thể trao quyền cho các cô gái trẻ trở nên mạnh mẽ, quyết đoán, tự tin và tự chủ, đồng thời dạy các chàng trai tôn trọng sự trao quyền đó, đồng thời nâng niu và trân trọng nó. Các bé gái có thể có các thế mạnh về kỹ thuật và thể chất, còn các bé trai có thể có thái độ sống và năng khiếu nghệ thuật. Không ai phải che giấu họ là ai. Thúc đẩy bình đẳng giới sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến việc cải thiện sức khỏe tâm thần, trí tuệ xã hội và cảm xúc cho trẻ.
Thúc đấy bình đẳng giới cho trẻ qua văn học thiếu nhi
Văn học thiếu nhi đóng vai trò quan trọng trong việc truyền tải văn hóa và định hình nhân cách cho trẻ. Giới là một khía cạnh quan trọng trong xã hội của chúng ta, do đó không thể bỏ qua vai trò của sách thiếu nhi trong việc thúc đẩy sự tiến bộ
Có một thực tế là thành kiến về giới tồn tại trong cả hình minh họa, nội dung và ngôn ngữ trong nhiều sách dành cho trẻ em ngày nay.
Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng tên dành cho bé trai được xuất hiện với tần suất gần gấp đôi tên dành cho trẻ nữ. Các nhân vật nam xuất hiện trong cách hình minh họa và trang bìa nhiều hơn 53% so với nhân vật nữ.
Nhiều câu chuyện miêu tả các cô gái phản ánh định kiến về vai trò nam tính và nữ tính. Các cô gái thường được thể hiện là ngọt ngào, ngây thơ, thụ động và phụ thuộc trong khi con trai thường được mô tả là mạnh mẽ, thích phiêu lưu, độc lập và có năng lực.
Sự thiếu vắng các nhân vật là nữ đã hạn chế cơ hội cho các cô gái xác lập vị trí của mình trong xã hội. Nói cách khác, những định kiến đã hạn chế quyền tự do thể hiện của cả trẻ em nam và nữ do vai trò giới hiện diện trong những câu chuyện mà trẻ được học, được đọc tại gia đình và trường học.
Với những bé trai, các cuốn sách thường hướng tới những thông điệp xây dựng người đàn ông mạnh mẽ, có khả năng lãnh đạo, thích hành động. Trong khi đó, sách cho bé gái lại nhấn mạnh hơn vào việc trở thành những người mẹ và những người vợ trong tương lai. Điều này sẽ có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của vai trò giới trong tương lai của trẻ nhỏ.
Vì vậy, để xây dựng một Thế hệ bình đẳng tương lai, điều quan trọng là chúng ta phải lựa chọn những cuốn sách phù hợp, tránh những định kiến giới có ảnh hưởng xấu đến nhận thức và xã hội.
Một trong những khuyến nghị lớn nhất là tìm kiếm những cuốn sách miêu tả các cô gái/phụ nữ dưới góc độ tích cực với những vai trò tích cực và năng động.
Một gợi ý khác là hãy tìm những cuốn sách không miêu tả cả hai giới một cách khuôn mẫu như: Các cá nhân được miêu tả với những tính cách đặc biệt; Thành tích không được đánh giá dựa trên giới tính; Nghề nghiệp không phân biệt giới tính; Quần áo được mô tả bằng các thuật ngữ chức năng thay vì dựa trên giới tính; Ngôn ngữ sử dụng trong văn bản không phân biệt giới tính…
Trao đổi về sự bình đẳng giữa nam và nữ (mẫu 3)
Gương một số anh hùng dân tộc nhỏ tuổi của nước Việt Nam ta
Anh Kim Đồng
Kim Đồng tên thật là Nông Văn Dền, người dân tộc Nùng, quê ở thôn Nà Mạ, xã Xuân Hòa (nay là Trường Hà), Hà Quảng, Cao Bằng
Anh là một trong 5 đội viên đầu tiên của Đội nhi đồng Cứu quốc thôn Nà Mạ và cũng là tổ chức Đội đầu tiên của Đội ta được thành lập khi mặt trận Việt Minh ra đời (1941).
Kim Đồng là con trai út của một gia đình nông dân nghèo. Bố mất sớm. Anh trai tham gia cách mạng và hy sinh khi còn trẻ.
Từ năm 1940, ở quê Dền đã có phong trào cách mạng. Dền được anh trai và anh cán bộ như anh Đức Thanh giác ngộ cách mạng. Dền đã theo các anh làm các công việc: canh gác, chuyển thư từ, nghe nói chuyện về tội ác của quân giặc… nhờ đó Dền đã sớm giác ngộ cách mạng và trở thành một liên lạc viên tin cậy của tổ chức Đảng. Dền đã mau chóng làm quen với cách thức làm công tác bí mật, nhiều lần đưa, chuyển thư từ, đưa đường cho cán bộ lọt qua sự bao vây, canh gác của địch.
Năm 1941, Bác Hồ về Pắc Pó, Kim Đồng từng được gặp Bác ở căn cứ cách mạng.
Bước sang năm 1943, bọn địch khủng bố, đánh phá dữ dội vùng Pắc Pó. Trong một lần đi liên lạc về, giữa đường gặp lính địch phục kích gần nơi có cán bộ của ta, Kim Đồng đã nhanh trí nhử cho bọn địch nổ súng về phía mình. Nhờ tiếng súng báo động ấy, các đồng chí cán bộ ở gần đó tránh thoát lên rừng. Song, Kim Đồng đã bị trúng đạn và anh dũng hy sinh tại chỗ, ngay bờ suối Lê-nin.
Hôm ấy là ngày 11 tháng giêng Âm lịch năm 1943, Anh vừa tròn 14 tuổi.
Ngày nay, mộ của Kim Đồng đã được đội viên cả nước góp phần xây dựng tại nơi anh ngã xuống. Ngày 15-5-1986, nhân kỷ niệm lần thứ 45 ngày thành lập Đội, mộ của Anh và tượng người đội viên liệt sĩ anh hùng Kim Đồng đang tung con chim sáo bay lên đã được khánh thành. Từ đó đến nay nơi đây đã trở thành khu di tích Kim Đồng chào đón các thế hệ thiếu nhi Việt Nam đến nơi thành lập Đội TNTP, với người đội trưởng đầu tiên của mình, đến với quê hương cách mạng có suối Lê-nin, có núi Các Mác và hang Pắc Pó mãi mãi khắc sâu trong tâm trí của thiếu nhi Việt Nam.
Anh Lê Văn Tám
Ngày 23 tháng 9 năm 1945, thực dân Pháp gây hấn ở Nam bộ hòng cướp lại nước ta một lần nữa. Năm ấy, ở gần chợ Đa Kao thành phố Sài Gòn có một em bé con nhà nghèo phải đi bán lạc rang, đánh giầy để kiếm sống. Tên em là Tám
Lê Văn Tám thường lân la tới những nơi có quân Pháp đóng để bán hàng, đánh giầy. Tám tỏ ra hiền lành, nhút nhát nên đã được bọn lính Pháp để cho đi qua, đi lại và dần dần quen mặt em. Tại Thị Nghè, có một kho xăng, đạn lớn của địch. Hình ảnh những hòm đạn, những trái bom hiện ra trong trí nhớ của Tám cùng những cảnh tàn phá, giết chóc dã man của địch đối với đồng bào ta đã thôi thúc em tính đến một việc làm táo bạo. Tám nảy ra ý định sẽ phá kho xăng đạn này.
Sau mấy hôm dò la quan sát địch. Tám giấu dầu xăng trong người, thản nhiên khoác hòm lạc rang đến bán cho lính gác như thường lệ. Lợi dụng lúc bọn địch không để ý Tám chạy nhưng bay vào chỗ để xăng và xèo diêm. Dầu xăng trong người Tám bốc cháy và bén luôn vào thùng xăng gần nhất. Thế là cả kho xăng bốc cháy đùng đùng rồi lan tới chỗ để bom đạn. Tiếng nổ ầm trời, khói lửa mịt mù cả thành phố.
Lê Văn Tám đã anh dũng hy sinh và để lại trong trí nhớ nhân dân Thành đồng Tổ quốc hình ảnh: Em bé đuốc sống của thành phố mang tên Bác của dân tộc Việt Nam
Anh Vừ A Dính
Anh hùng Lực lượng vũ trang Vừ A Dính, dân tộc Mông, sinh ngày 12-9-1934 tại bản Đề Chia, xã Pú Nhung, huyện Tuần Giáo, tỉnh Lai Châu (nay là tỉnh Điện Biên).
Vừ A Dính là con thứ ba của ông Vừ Chống Lầu (sinh năm 1899) và bà Sùng Thị Plây (sinh năm 1901).
Bố Vừ A Dính là cán bộ Việt Minh của địa phương đã bị thực dân Pháp bắt và giam cầm tại nhà tù Sơn La. Ông đã bị thực dân Pháp thủ tiêu tại nhà tù Sơn La năm 1949. Ông Vừ Chống Lầu được Đảng và Nhà nước truy tặng là liệt sĩ ngày 5-9-1964.
Mẹ A Dính là bà Sùng Thị Plây - một cơ sở kháng chiến của địa phương. Trong một đợt càn của địch vào Pú Nhung, vì nghi ngờ tiếp tế cho Việt Minh nên bà bị bắt cùng với bố chồng và bảy người con (chị gái và các em của Vừ A Dính) mang về giam tại đồn Bản Chăn. Rất may là người anh trai Vừ Gà Lử của Dính hôm ấy vào núi nên không bị bắt. Trong thời gian bà và cả nhà bị giam tại đồn Bản Chăn, Vừ A Dính được đơn vị phái xuống tìm cách liên lạc và nắm tình hình địch để chuẩn bị cho bộ đội đánh đồn. A Dính đã nhiều lần liên lạc được với mẹ. Khi nắm được tin giặc Pháp chuẩn bị đưa quân lên đánh khu du kích ở Pú Nhung, bà đã trốn trại ra bìa rừng gặp Vừ A Dính cấp báo tin này. Bà còn chuyển cho Vừ A Dính hơn 100 viên đạn lấy trộm được của giặc. Trên đường trở về trại giam, một tốp lính đi tuần phát hiện ra bà. Tuy khám người bà không thu được gì nhưng chúng nghi bà liên lạc với Việt Minh nên đã khám nơi giam cầm bà. Địch đã phát hiện ra nhiều đạn mà bà và các con cùng những người bị giam giữ trong trại đã lấy trộm của lính Pháp trong khi đi làm phu dịch. Giặc pháp đã lôi cả 22 người trong trại giam ra bắn chết. Ông nội, mẹ, chị gái và các em - 9 người trong gia đình Vừ A Dính đã bị bắn chết. Bà Sùng Thị Plây được Đảng và Nhà nước truy tặng Liệt sĩ ngày 14-10-1964. Mẹ của Vừ A Dính đã được Chủ tịch Nước truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đợt đầu tiên (năm 1994) vì có chồng, con và bản thân là liệt sĩ.
Vừ A Dính sinh ra và lớn lên trong một gia đình người Mông có truyền thống yêu nước và cách mạng. Ngay từ nhỏ, Dính là một cậu bé thông minh, gan dạ và nhanh nhẹn. Được cha mẹ giáo dục, Vừ A Dính đã sớm giác ngộ cách mạng và căm thù giặc Pháp xâm lược. Pú Nhung luôn bị giặc đột kích vào cướp bóc, đốt nhà, bắt người. Vì thế dân làng phải cử người canh gác để phát hiện giặc. Chưa đầy 13 tuổi nhưng Vừ A Dính đã xung phong được đi canh gác như các anh chị lớn. Lần ấy, giặc Pháp không đi từ Tuần Giáo lên mà chúng bí mật xuyên rừng Bản Chăn lên cướp phá. Khi phát hiện ra giặc Vừ A Dính vội lao về bản, vừa đi vừa hô to “Có thằng Tây ! Có thằng Tây !”. Dân bản vội chạy vào rừng. A Dính chạy vội về nhà xem mẹ và các em đã vào rừng hay chưa thì gặp một toán lính xồ tới. Bọn này đi bắt phu khuân của cướp bóc được về đồn cho chúng. Thế là chúng bắt luôn A Dính đi theo để khiêng lợn cho chúng. A Dính cắn răng gắng sức cõng một cái rọ nhốt con lợn to. Đến một con dốc cạnh bờ suối, A Dính dự định lợi dụng địa hình này để chạy trốn. Cậu giả cách trượt chân lăn theo cả rọ lợn xuống dốc. Chẳng may cho A Dính, lăn tới cuối dốc cậu bị một cây gỗ chặn ngang người. Cái rọ lợn bung ra, con lợn chạy biến vào rừng. Bọn giặc chạy ào xuống vừa đánh vừa lôi Dính về giam tại đồn Bản Chăn. Tên đồn trưởng người Pháp ra lệnh cho thuộc hạ: “Nó làm mất con lợn, nó phải thế mạng”. Khi biết sáng sớm mai sẽ bị giết, đêm ấy Vừ A Dính đã rủ ông già Vừ Sa ở bản Phiêng Pi cùng bị bắt giam với mình dỡ mái trại giam, bò qua nhiều bốt canh để trốn thoát ra ngoài.
13 tuổi Vừ A Dính đã thoát ly gia đình trở thành đội viên liên lạc của đội vũ trang huyện Tuần Giáo. Đội vũ trang của Vừ A Dính hoạt động trên một địa bàn rất rộng, từ châu Điện Biên ra châu Tuần Giáo rồi ngược lên châu Tủa Chùa. Dấu chân của Dính và đội vũ trang in khắp núi rừng và các thôn bản trong huyện. Đội vũ trang thoắt ẩn, thoắt hiện tại nhiều bản làng để vận động, giúp đỡ bà con các dân tộc ổn định cuộc sống, xây dựng các tổ chức đoàn thể cách mạng, bí mật tổ chức kháng chiến, đánh Pháp xâm lược.
Cuộc sống kháng chiến gian khổ nhưng Vừ A Dính rất lạc quan yêu đời. Dính rất ham học và học khá. Lúc nào trong ngực áo của Dính cũng nhét cuốn sách để tranh thủ học. Dính đã học đọc và viết chữ thông thạo. Khuôn mặt tròn, đôi mắt tinh nhanh, chân tay thoăn thoắt là hình ảnh chiến sĩ nhỏ Vừ A Dính hằn sâu trong mắt các chiến sĩ của đội vũ trang Tuần Giáo.
Địch tăng cường lùng sục tìm diệt đội vũ trang nên đơn vị luôn phải di chuyển. Để giữ bí mật, địch không thể phát hiện được, nơi đóng quân của đơn vị thường ở trên các triền núi cao, xa nguồn nước. Vì thế mà cuộc sống vô cùng gian khổ. Hàng tháng trời không một hạt muối, không một hạt gạo. Để có nước cho sinh hoạt, đơn vị của Dính đã có sáng kiến chặt ngang thân cây chuối rồi khoét ruột cây chuối để lấy nước. Dính được đơn vị giao phụ trách việc lấy nước này và Dính đã làm rất khéo léo, luôn bảo đảm để đơn vị có đủ nước dùng. Nhiệm vụ chính của Dính là làm giao thông liên lạc. Lần nào nhận nhiệm vụ đi liên lạc Dính cũng mưu trí, bảo đảm an toàn và về trước thời gian qui định. Các anh trong đơn vị hỏi tại sao Dính luồn rừng và đi giỏi thế, Dính cười hồn nhiên bảo: “Từ nhỏ em trèo núi, đi nhanh đã quen chân rồi”. Dính còn nhiều lần được đơn vị giao nhiệm vụ bí mật xuống bản móc nối liên lạc với cơ sở để nhận muối, mực viết, kim chỉ, giấy viết, vải mặc và thuốc men mà đồng bào xuống chợ mua hộ. Mẹ của Dính cũng là một cơ sở bí mật tin cậy, nhiều lần tiếp tế cho đội vũ trang như thế.
Được tin mẹ và cả nhà bị địch bắt giam tại đồn Bản Chăn, Dính buồn và thương mẹ lắm. Biết tin đơn vị chuẩn bị đánh đồn Bản Chăn, Dính đã đề nghị được xuống núi điều tra nắm tình hình địch và nhân tiện tìm hiểu tin tức về mẹ và cả nhà. Đã từng bị bắt giam ở đồn Bản Chăn nên đường đi, lối lại Dính khá thuộc. Vì thế, anh Kiên chỉ huy đơn vị đã đồng ý để Dính xuống núi. Anh dặn kỹ Dính những việc phải điều tra.
Dính như con sóc lao xuống núi. Được du kích Bản Chăn bí mật dẫn ra mỏm núi gần đồn để quan sát. Mai phục suốt hai ngày đêm liền Dính vẫn không thấy những người bị giam ra khỏi trại. Đoán định thể nào địch cũng phải cho người ra lấy nước nên sáng sớm hôm thứ ba, Dính đã bí mật làm ống bương đựng nước rồi bí mật nấp sau một tảng đá sát bên mép suối. Khi đám người bị bắt giam được lính đồn dẫn ra suối lấy nước, Dính đã nhanh chóng trà trộn vào mà địch không hề phát hiện ra. Đêm ấy Dính đã được nằm cạnh mẹ và các em. Mẹ đã cung cấp nhiều tin tức quan trọng cho Dính về đồn Bản Chăn. Dính còn động viên và căn dặn mẹ và các em đừng khai báo chỗ ở của cơ sở cách mạng. Sáng hôm sau Dính từ biệt mẹ, chị và các em, hẹn sẽ gặp lại. Trở về đơn vị, Dính đã báo cáo tỉ mỉ và vẽ lại sơ đồ từng vị trí bố phòng của địch... Các anh chỉ huy đơn vị thấy nguy hiểm đã không cho Dính vào trong đồn địch nữa mà chỉ tìm cách liên lạc với mẹ ở bên ngoài.
Và lần gặp sau đó của mẹ và Dính bên bờ suối là lần gặp cuối cùng. Mẹ Sùng Thị Plây của Dính đã bị giặc bắn ngay sau buổi gặp báo tin cho Dính trở về trại giam cùng với 22 người khác.
Trung tuần tháng 6 năm 1949, giặc Pháp huy động tổng lực quân lính từ các đồn trong khu vực để vây ráp hòng tiêu diệt đội vũ trang Tuần Giáo của Vừ A Dính. Gần một nghìn quân đổ về khu căn cứ Pú Nhung từ nhiều ngả đường. Một tốp giặc của đồn Bản Chăn dưới sự chỉ huy của một đội Tây đã bí mật phục kích ngay tại đầu một bản bỏ hoang gần Pú Nhung.
Hôm ấy trời mù sương, chỉ cách nhau vài bước chân mà không nhìn thấy nhau. Dính vừa bí mật gặp mẹ trở về. Sau lưng của Dính còn đeo trong bọc cả trăm viên đạn mà mẹ mới trao cho. Người Dính ướt đẫm sương. Vì trời giăng sương mù mịt nên rất khó quan sát. Dính bất ngờ rơi vào ổ phục kích của giặc mà không hay biết. Thằng đội Tây biết đây là một liên lạc cho du kích, y mừng hun. Nó hỏi: “Các ông tỉnh ở đâu ?” (giặc Pháp vẫn gọi cán bộ Việt Minh tỉnh Lai Châu là “ông tỉnh”). A Dính bình tĩnh trả lời: “Không biết !” Tên đội Tây gầm lên: “Cái bao đạn này mày mang về cho ông tỉnh bắn chúng tao mà mày không biết à ? Nói đi không tao bắn vỡ đầu mày bây giờ”. Dính vẫn trả lời: “Không biết!” Tên đội Tây không giữ được bình tĩnh, nó xông vào đánh Dính túi bụi.
Lũ giặc thay nhau đánh đập dã man Vừ A Dính đến tận trưa. Đánh chán địch lại hỏi, Dính vẫn chỉ trả lời hai từ “không biết!”. Một tên lính ác ôn đã cầm báng súng đánh gãy một bên ống chân của Dính. Mặt tím bầm, môi sưng vù, chân bị gãy vô cùng đau đớn nhưng Dính cắn răng, nước mắt giàn giụa, miệng không hé một lời nào nữa. Đêm ấy, giặc trói Dính dưới một gốc đào giữa sương khuya lạnh buốt. Hôm sau, rồi đêm sau nữa giặc tiếp tục tra tấn và bỏ đói, bỏ khát Dính giữa rừng. Sự gan dạ của Vừ A Dính đã làm run sợ nhiều tên lính ngụy. Sáng ngày thứ ba kể từ khi bị bắt, tên đội Tây đến trước mặt Vừ A Dính dụ dỗ: “Nói một câu tao sẽ cho băng thuốc, chữa chân gãy cho mày, cho mày ăn uống tử tế và thưởng nhiều tiền nữa. Nói, ông tỉnh ở đâu ?” Dính vẫn trơ như đá không hé răng nửa lời. Thằng đội Tây gầm lên khi không khuất phục được một thằng bé. Nó hầm hầm bỏ đi. Những người Thái, người Mông, người Xá bị địch bắt đi ngang qua nhìn thấy cảnh tượng của Dính ai cũng dớm nước mắt. Bỗng Dính nhận ra một người làng. Dính vội nhắn bằng tiếng Mông: “Cái túi tài liệu tôi giấu trong rừng, nhắn các anh ra lấy về”. Gặp người quen nào Dính cũng nhắn như thế trước mặt lũ lính gác.
Thằng đội Tây ra lệnh cho đám lính: “Thằng bé này biết nhiều du kích lắm. Để nó bò đi mất thì chúng mày phải chết thay”. Ban đêm chúng cắt cử tới bốn tên lính canh gác A Dính.
Biết mình khó qua khỏi bàn tay tàn ác của kẻ thù, sáng hôm khi thằng đội Tây vừa đến Vừ A Dính vờ gật đầu: “Biết biết!” Tên đội hô lính mang sữa, mang bánh lại nhưng Dính chỉ uống vài ngụm nước. “Làm cáng cho tao !”- Dính nói với tên đội Tây.
Ròng rã một ngày trời Dính bắt bọn giặc khiêng mình đi hết ngọn núi này sang khu rừng khác nhưng vẫn chưa chịu chỉ vị trí đóng quân của bộ đội. Loanh quanh đến chiều tối Dính lại dẫn chúng trở về nơi xuất phát ban đầu. A Dính ngước nhìn bầu trời và núi rừng quê hương, mỉm cười. Biết bị lừa, thằng đội Tây gầm lên. Nó xả cả một băng đạn vào ngực Vừ A Dính. Sau đó nó sai treo xác Vừ A Dính lên cây đào cổ thụ. Giặc bí mật phục kích nhiều ngày tại đây hòng đón bắt đơn vị vũ trang của ta tới đưa xác Dính về. Hôm ấy là chiều tối ngày 15-6-1949. Vừ A Dính đã anh dũng hy sinh bên gốc cây đào cổ thụ ở Khe Trúc gần đồn Bản Chăn, khi chưa tròn 15 tuổi.
Sau nhiều ngày phục kích đón bắt lực lượng cách mạng xuất hiện không thành, bọn lính Pháp buộc phải rút quân về Tuần Giáo.
Ngay cái đêm Vừ A Dính hy sinh, chứng kiến cái chết hiên ngang, anh dũng của Vừ A Dính, hơn mười tên lính ngụy đã bỏ trốn khỏi hàng ngũ của địch.
Vừ A Dính đã hy sinh trong tư thế hiên ngang không một chút run sợ.
Cuộc đời người chiến sĩ liên lạc nhỏ tuổi của đội vũ trang Tuần Giáo đã khép lại nhưng khí phách trung kiên bất khuất của Vừ A Dính trước quân thù như ngọn đuốc rực sáng núi rừng Tây Bắc. Chứng kiến tấm gương hy sinh oanh liệt của Dính những lính ngụy và những người bị địch bắt đi phu đã truyền kể đi khắp các bản làng Tuần Giáo. Bên bếp lửa hồng trong các gia đình người Mông, người Xá, người Thái khắp vùng Tây Bắc, người ta tự hào kể cho con cháu nghe về tấm gương hy sinh bất khuất của một cậu bé người Mông ở Pú Nhung...
Sau này, thi thể của Dính đã được tổ chức của ta và gia đình đưa về an táng tại Pú Nhung.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, các anh bộ đội huyện Tuần Giáo, đồng đội của Dính cùng tổ chức Đảng và chính quyền địa phương đã đưa hài cốt liệt sĩ Vừ A Dính về lập mộ tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Tuần Giáo.
Anh Dương Văn Nội
Năm 1997, sau 50 năm anh dũng hy sinh trong cuộc chiến “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” tại mặt trận Thủ đô Hà Nội những năm đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, anh hùng liệt sĩ Dương Văn Nội của mảnh đất quê hương Hà Nam đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý- Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cùng với hai liệt sĩ thiếu niên dũng cảm của Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh: Kim Đồng (Cao Bằng), Phạm Ngọc Đa (Hải Phòng).
Tuổi nhỏ anh hùng
Sinh ra giữa thời thực dân phong kiến, ngay từ nhỏ Dương Văn Nội đã phải theo gia đình ly hương từ Hà Nam lên Hà Nội mưu sinh. Bố mất sớm, anh phải lăn lộn cùng mẹ kiếm sống nuôi các em. Tháng 9/1945, niềm vui đất nước giành độc lập chưa được bao lâu, cả dân tộc lại đứng trước nguy cơ thực dân Pháp quay trở lại xâm lược. Hoà vào khí thế của cả dân tộc chuẩn bị kháng chiến trường kỳ, Dương Văn Nội đăng ký tham gia lớp huấn luyện liên lạc viên, rồi tham gia Đại đội tự vệ Thăng Long thuộc Đội Thiếu niên cứu quốc Thủ đô. Cuộc chiến bùng nổ, Dương Văn Nội là một trong những chiến sỹ “cảm tử” ở lại chiến đấu giữa thủ đô, kìm chân giặc để hậu phương có thêm thời gian chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài. Khi các lực lượng vũ trang cuối cùng rút quân khỏi thủ đô cũng là lúc Đại đội tự vệ Thăng Long rút lui về đóng quân ở vùng Sáu Giá(Yên Sở, Hoài Đức). Tại đây, bằng những vũ khí hết sức thô sơ, Đại đội Tự vệ Thăng Long tiếp tục phối hợp với du kích Sáu Giá chống trả quyết liệt những trận càn của địch. Vừa làm liên lạc, vừa trực tiếp chiến đấu, tuy nhỏ tuổi nhưng Dương Văn Nội luôn tỏ ra là một người nhanh nhẹn, mưu trí, dũng cảm nên anh đã lập được nhiều chiến công, góp phần cho những chiến thắng chung của Đại đội tự vệ Thăng Long. Mặc dù mang súng còn cao hơn người nhưng có lần chỉ một lần bắn anh đã hạ gục 3 tên giặc Pháp cao lớn. Tháng 4-1947, trong một lần giặc vây đánh dữ dội vào làng Sáu Giá, để nhanh chóng đưa tin về ban chỉ huy đại đội đóng ở làng Dương Liễu bên cạnh, Dương Văn Nội đã dũng cảm băng qua cánh đồng, dưới làn đạn thù. Người thiếu niên anh dũng ấy đã ngã xuống giữa cánh đồng lúa đang độ xanh tốt bời bời. Năm ấy anh vừa tròn 15 tuổi. Xúc động trước tấm gương hy sinh quả cảm của người thiếu niên trẻ tuổi, nhạc sỹ Phong Nhã (tác giả của Đội ca Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh sau này), cũng là một người con của Hà Nam, lúc đó là một trong số những anh phụ trách đầu tiên góp công rèn luyện nên người thiếu niên anh hùng đã viết nên ca khúc từ tấm gương thiếu niên dũng cảm hy sinh: “Anh Dương Văn Nội/Mười lăm xuân xanh/Mà từng chiến đấu/Xông pha tung hoành…”. Bài hát đã làm xao xuyến bao trái tim tuổi thơ thời đó. Chuyện kể rằng chỉ ít lâu sau khi Dương Văn Nội hy sinh, vì cảm phục người bạn thiếu niên anh dũng khi nghe qua bài hát mà một em bé người Hà Nội đã tìm đến xin gia nhập vào Đại đội tự vệ Thăng Long, tình nguyện cầm súng chiến đấu bảo vệ thủ đô. Năm 1997, sau 50 năm anh hy sinh, Dương Văn Nội đã được nhà nước phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cùng với các thiếu niên quả cảm khác như Kim Đồng, Phạm Ngọc Đa. Gương sáng Anh hùng liệt sĩ Dương Văn Nội cũng có mặt trong tủ sách “Gương thiếu niên anh hùng” của Nhà xuất bản Kim Đồng dưới ngòi bút khắc hoạ sinh động của nhà văn Lê Vân (đã được tái bản lần thứ 6).
Quê hương và những người thân
Chúng tôi tìm về thôn Lỗ Hà (Chuyên Ngoại, Duy Tiên), thăm quê nội của anh hùng liệt sĩ thiếu niên Dương Văn Nội. Cụ ông Dương Văn Nguyên (Trưởng ban Hội đồng gia tộc) đã kể lại quãng thời thiếu niên cơ cực vất vả, sự chiến đấu hy sinh anh dũng rất đáng tự hào của một thành viên thân yêu dòng họ. Nhiều năm nay, dòng họ đã trang trọng dành riêng một ban thờ người con ứu tú Dương Văn Nội cùng tấm bằng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Trong câu chuyện bên mái từ đường ấm áp, hội đồng gia tộc họ Dương bày tỏ nguyện vọng được các cấp, ngành hữu quan giúp đỡ sưu tầm những cuốn sách, những dòng tư liệu chính thống về anh hùng liệt sĩ Dương Văn Nội, để lưu giữ, giáo dục truyền thống cho con cháu. Dòng tộc cũng mong muốn dựng lại chân dung người liệt sĩ thiếu niên dũng cảm tại ngôi trường tiểu học quê hương, giúp các thế hệ thiếu niên có thêm niềm tự hào về những thế hệ cha anh đi trước.
Tại thôn Đan (Tiên Tân, Duy Tiên), nơi thân mẫu Dương Văn Nội đã sống đến hết cuộc đời, chúng tôi đã có cuộc gặp gỡ với bà Dương Thị Cần- một trong hai người em gái của người anh hùng. Xúc động trong dòng hồi ức, bác Dương Thị Cần nghẹn ngào kể lại: Sau khi kháng chiến bùng nổ, cả gia đình rời Hà Nội về thôn Đan sinh sống. Năm 1948, tình cờ nghe một anh bộ đội đang đóng quân tại địa phương dạy cho các em thiếu nhi cứu quốc bài hát về anh hùng liệt sĩ Dương Văn Nội, cả nhà mới hay tin người con yêu quý gia đình đã hy sinh anh dũng ngay trong những ngày đầu kháng chiến. Anh bộ đội đó sau này đã rất nhiệt tình cùng nhạc sĩ Phong Nhã xác minh thời gian, địa điểm nơi Dương Văn Nội chiến đấu, hy sinh. Hoà Bình lập lại, Báo Thiếu niên Tiền phong (có thời gian do nhạc sĩ Phong Nhã là tổng biên tập) cũng đã xác minh, lưu trữ một số tư liệu về người thiếu niên anh hùng Dương Văn Nội.
Năm 2011, kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, cũng là dịp kỷ niệm 65 năm Ngày “Toàn quốc kháng chiến”, 64 năm người thiếu niên quả cảm Dương Văn Nội anh dũng hy sinh trong cuộc chiến “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” tại mặt trận Thủ đô Hà Nội những năm đầu kháng chiến chống Pháp. Hy vọng, những dòng tư liệu này sẽ giúp các thế hệ thiếu niên hôm nay có thêm sự hiểu biết và lòng tự hào về tấm gương người anh hùng liệt sĩ tuổi thiếu niên của quê hương.
Anh hùng Kơ-Pa Kơ-Lơng
Kơ-Pa Kơ-Lơng sinh ngày 19-8-1948, người dân tộc Gia Rai, Tây Nguyên. Căm thù Mỹ - Diệm giết cha trong cuộc nổi dậy của dân làng, Kơ-lơng quyết chí trả thù.
Mới 13 tuổi, Kơ-lơng đã xin vào du kích, nhưng không được xã đội nhận vì còn bé và không có súng để đánh giặc, Kơ-lơng liền tự làm lấy nỏ, vót tên, phục kích bắn bị thương một tên địch. Nó không chết vì tên không tẩm thuốc. Kơ-lơng xin người già mũi tên có thuốc và bắn chết liên tiếp ba tên liền.
Ka-pa-kơ-long thời niên thiếu
Thế là Kơ-lơng được gia nhập du kích và được phát súng. Nhận ba viên đạn với điều kiện: phải hạ ba tên giặc. Kơ-lơng đã bắn như sau: Phát thứ nhất, bắn “xâu táo” xiên một lúc năm tên. Phát thứ hai “xâu táo” ba tên, hai thằng chết tại chỗ. Hạ quá ba tên rồi, Kơ-lơng nộp lại viên thứ ba! Đến một trận khác. Kơ-lơng bắn ba viên hạ bảy tên. Trận khác nữa: bảy viên hạ hẳn mười chín tên giặc!
Trong đơn xin gia nhập quân đội, Kơ-pa Kơ-lơng viết: “Em đã giết ba mươi bốn tên Mỹ Ngụy, phá được tám xe cơ giới. Nay em đã lớn, xin cấp trên cho em được làm giải phóng quân”.
Năm 15 tuổi, Kơ-lơng đã đánh 30 trận, giật 12 quả mìn, lật nhào 8 xe cơ giới, diệt 88 tên địch, trong đó có 4 tên xâm lược Mỹ.
Anh Hồ Văn Mên
Hồ Văn Mên sinh năm 1953 tại ấp Thạnh Lộc, xã An Thạnh, huyện Lái Thiêu, tỉnh Sông Bé trong một gia đình nghèo. Lên 6 tuổi, mồ côi mẹ. Năm 10 tuổi, cha bị bọn Mỹ Ngụy bắt đánh đập tàn phế rồi giết chết. Hồ Văn Mên liền vào đội thiếu nhi tham gia giết giặc từ đấy
Đến năm 13 tuổi, Mên đã 3 năm làm cách mạng, tham gia 7 trận lớn nhỏ, diệt 79 tên địch bao gồm các thứ lính, sĩ quan Mỹ, ngụy, lính Pắc-chung-hy (lính ngụy Triều Tiên) cùng nhiều xe cơ giới của địch.
Anh hùng Hồ Văn Mên (đánh chữ X) được gặp và nói chuyện với Bác Hồ khi còn trẻ
Sống với bà nội, Mên tỏ ra là đứa cháu ngoan, đỡ bà việc nhà, cùng bà đi chợ bán trầu cau lấy tiền sinh sống.
Nhiều tên đất, tên làng mang dấu tích và chiến công của Hồ Văn Mên dự trận đánh như: Cua Cát, Phú Văn, Chợ Mới… đã đi vào lịch sử đánh giặc của tỉnh Sông Bé.
Một lần bị giặc bắt, Mên đã tìm cách trốn thoát và lại tiếp tục đánh giặc.
Trận đánh nổi tiếng nhất là trận diệt hơn năm mươi chín tên sĩ quan và binh lính ngụy ở sòng bạc Phú Văn.
Hồ Văn Mên đã được tặng ba danh hiệu vẻ vang: dũng sĩ diệt Mỹ, dũng sĩ diệt xe cơ giới, dũng sĩ diệt xe cơ giới cấp ưu tú.
Năm 1967, Hồ Văn Mên được ra miền Bắc thăm Bác Hồ và là đại biểu nhỏ tuổi nhất trong đoàn thiếu nhi dũng sĩ miền Nam ngày đó.
Anh mất ngày 5-3-1984 do vết thương ở sọ não trong một trận đánh giặc trước đây tái phát
Chị Võ Thị Sáu
Chị tên thật là Nguyễn Thị Sáu, quê ở làng Đất Đỏ, Bà Rịa – Vũng Tàu
Mới 12 tuổi, chị đã theo anh trai tham gia hoạt động cách mạng trốn lên ở trên chiến khu. Năm 14 tuổi (1949) chi đã dùng lựu đạn giết một tên quan ba Pháp và làm bị thương 20 tên lính ngay tại vùng Đất Đỏ. Từ chiến khu trở về Bà Rịa, chị làm nhiệm vụ điều tra tình hình địch và tiếp tế cho chiến khu.
Năm 1950, chị mang lựu đạn phục kích giết tên cai tổng Tòng – một tên Việt gian bán nước, ác ôn ngay tại xã nhà. Lần đó, chị bị địch bắt. Sau gần ba năm tra tấn, giam cầm, giặc Pháp đưa chị ra giam ở Côn Đảo.
Trong ngục giam những người bị án tử hình, chị vẫn hồn nhiên, vui tươi, tin tưởng vào ngày chiến thắng của Tổ quốc.
Giặc Pháp không dám công khai thi hành bản án đối với chị Sáu. Chúng sợ các chiến sĩ cách mạng ở trong tù sẽ nổi dậy phản đối. Chúng lén lút đem chị đi thủ tiêu. Lúc một tên giết người bảo chị quỳ xuống, chị đã quát vỗ vào mặt lũ đao phủ: “Tao chỉ biết đứng, không biết quỳ!”.
Anh Lý Tự Trọng
Lý Tự Trọng – người thiếu niên anh hùng bất khuất, kiên gan của dân tộc –anh ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ. Lí Tự Trọng - người sống có lý tưởng cao đẹp, lòng trung thành, tinh thần tận tụy và đức hy sinh,quên mình xả thân vì cách mạng, anh đã hiến dâng cả đời mình cho Tổ quốc cho nhân dân.
Lý Tự Trọng tên thật là Lê Hữu Trọng, sinh ngày 20/10/1994, tại làng Bản Mạy, tỉnh NaKhon - Thái Lan. Được sự chỉ bảo tận tuỵ của sỹ phu yêu nước Đặng Thúc Hứa, cùng tư chất thiên phú, thông minh, đĩnh đạc, Lý Tự Trọng đã sớm thông thạo cả 3 ngoại ngữ: tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Thái cùng niềm say mê sâu sắc với văn thơ yêu nước,văn thơ cách mạng.
Đầu mùa hè năm 1926, Lê Hữu Trọng là một trong số các thiếu niên được đồng chí Hồ Tùng Mậu lựa chọn sang Quảng Châu đào tạo lâu dài để chuẩn bị xây dựng tổ chức thanh niên Cộng sản ở Việt Nam theo ý kiến của đồng chí Nguyễn Ái Quốc (lúc này Người mang tên là Lý Thụy). Từ đây, Lê Hữu Trọng và các thiếu niên khác đều mạng họ Lý để đảm bảo bí mật. Lê Hữu Trọng được đổi tên là Lý Tự Trọng từ đó.
Năm 1931,nhân kỷ niệm một năm cuộc khởi nghĩa Yên Bái, Xứ ủy Nam Kỳ quyết định tổ chức đợt tuyên truyền tố cáo tội ác của thực dân Pháp và kêu gọi quần chúng đấu tranh. Ngày 08/02/1931, các chiến sỹ cách mạng đã tổ chức một cuộc mít tinh chớp nhoáng, với cờ đỏ búa liềm giương cao, đồng chí Phan Bôi đã là người đứng lên diễn thuyết kêu gọi quần chúng đánh đổ thực dân Pháp.
Giữa lúc ấy tên thanh tra mật thám Pháp Le Grand và bọn cảnh sát đi cùng ập tới. Giừa tình hình “ ngàn cân treo sợi tóc” ấy, Lý Tự Trọng đã rút súng bắn chết tên thanh tra mật thám, đồng thời giải cứu thoát đồng chí diễn thuyết một cách an toàn.
Trước sự kiện chấn động đó, Thực dân Pháp đã ra sức truy lùng và bắt sống Anh, chúng hết tra tấn lại dụ dỗ, nhưng Anh vẫn một lòng trung thành với cách mạng, với Đảng. Chúng hứa sẽ cho Anh sang Pháp học, chúng hứa cho anh một cuộc sống tốt đẹp, sung sướng. Trước bao cám dỗ, Anh vẫn một lòng với Đảng, với Nhân dân, với Tổ chức mà cắn rang chị mọi đòn roi, mọi nhục hình đau đớn.
Dù bọn chúng đã dùng mọi thủ đoạn đê hèn để khuất phục, nhưng Anh vẫn một mực từ chối, chúng đã đem anh ra toà án xét xử. Chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương đã mở một phiên tòa đại hình để xử một chiến sĩ cộng sản Việt Nam chưa đầy 18 tuổi. Lý Tự Trọng bị kết án tử hình. Đứng trước cái chết, Lý Tự Trọng không hề run sợ, Anh chủ động biến phiên tòa của đế quốc thành một diễn đàn của người chiến sĩ cộng sản. Khi luật sư bào chữa xin bọn thực dân mở lượng khoan hồng vì Lý Tự Trọng chưa đến tuổi trưởng thành và hành động thiếu suy nghĩ, Anh đã gạt phắt đi và dõng dạc nói: “Tôi hành động có suy nghĩ, tôi hiểu việc tôi làm, tôi làm vì mục đích cách mạng. Tôi chưa đến tuổi thanh niên thật, nhưng tôi đủ trí khôn để hiểu rằng con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng và không thể là con đường nào khác”.
Ngày 21/11/1931, Lí Tự Trọng bị đem ra pháp trường, đứng trước ranh giới mỏng manh của sự sống và cái chết, anh vẫn một lòng với Đảng, với Nhân dân. Pháp trường hôm ấy như một bức tranh lửa, hừng hực khí thế cách mạng, hàng triệu con tim cùng một nhịp đập trong tiếng hô vang “ Việt Nam! Việt Nam” của người tử tù trẻ. Ngày anh đi, anh chỉ mới 17 tuổi…..
Anh ra đi, nhưng ngọn lửa khát vọng của tuổi trẻ, khát vọng cống hiến, hi sinh vì tổ quốc, vì dân tộc còn sống mãi trong trái tim những người trẻ mai sau.
Noi gương anh Lý Tự Trọng, tuổi trẻ thành phố mang tên Bác hăng hái xung phong đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì khi Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, không ngại hy sinh gian khổ và dệt nên những thành tích to lớn góp phần xây dựng quê hương đất nước mến yêu. Điều đó đã khẳng định bản lĩnh của tuổi trẻ, nối tiếp truyền thống vẻ vang, hào hùng của các thế hệ cha, anh và thể hiện trách nhiệm của những người chủ tương lai của nước nhà.
Anh Nguyễn Bá Ngọc
Nguyễn Bá Ngọc là học sinh lớp 4B (năm học 1964 - 1965) trường phổ thông cấp I xã Quảng Trung, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Năm 1964, giặc Mỹ vừa ồ ạt đưa quân vào miền Nam, vừa cho máy bay leo thang ra đánh phá các tỉnh miền Bắc nước ta. Chúng ném bom cả trường học và bệnh viện, Nguyễn Bá Ngọc và các bạn phải đi học trong cảnh sơ tán dưới hầm hào.
Ngày 4 tháng 4 năm 1965, máy bay giặc Mỹ đã tới ném bom, bắn phá xã Quảng Trung. Lúc ấy, người lớn đã ra đồng làm việc, trong nhà chỉ còn có trẻ em. Nghe tiếng máy bay, Ngọc đã kịp chạy xuống hầm. Và bom đã rơi xuống bên cạnh nhà Ngọc. Ở dưới hầm, Ngọc nghe thấy có tiếng khóc to bên nhà Khương, Khương là bạn của Ngọc. Không chút ngần ngừ, Ngọc nhào lên, chạy sang nhà Khương thì thấy bạn của mình đã bị thương. Các em nhỏ của Khương là Toanh, Oong, Đơ đang kêu khóc. Ngọc vội vừa bế, vừa dìu hai em Oong, Đơ xuống hầm. Ngọc bò gần tới nơi trú ẩn thì giặc lại thả bom bi và em đã bị một viên bi bắn vào lưng rất hiểm. Cứu được hai em nhỏ rồi, Ngọc mới tái mặt, lả đi. Vết thương quá nặng, Ngọc đã hy sinh vào lúc 2 giờ sáng ngày 5-4-1965 ở bệnh viện.
Noi gương quên mình cứu em nhỏ, thiếu nhi cả nước ta đã học tập và làm theo Nguyễn Bá Ngọc. Ngay năm ấy và năm sau, đã xuất hiện: Trần Thị Miên, Trần Thị Vệ (Thanh Hóa), Trần Quốc Ý (Nghệ Tĩnh)… đã liên tiếp dũng cảm cứu bạn, cứu em nhỏ trong bom đạn của địch
Anh Nguyễn Văn Trỗi
Quê anh ở xã Thanh Quýt, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Năm 15 tuổi anh ra Đà Nẵng làm việc rồi vào Sài Gòn làm thợ điện, trở thành một chiến sĩ giải phóng trong đơn vị biệt động bí mật của Sài Gòn sau khi được tổ chức vào Đoàn Thanh niên
Anh đã nhận nhiệm vụ chôn bom ở cầu Công Lý để giết tên Mác Na-ma-ra. Bộ trưởng Bộ quốc phòng Mỹ đến Sài Gòn để ra lệnh cho tay chân chống lại nhân dân ta.
Ngày 9-5-1964, trong khi chuẩn bị thực hiện nhiệm vụ đặt chất nổ ở cầu Công Lý thì anh bị địch bắt. Chúng tra tấn anh rất dã man và tìm mọi cách dụ dỗ, mua chuộc nhưng anh không hề lay chuyển.
Chúng hỏi anh muốn gì? Anh trả lời: “Tao muốn giết hết bọn Mỹ, tao muốn miền Nam được giải phóng.”
Cuối cùng chúng quyết định giết anh. Ra tới nơi bắn người ở trường bắn, chúng bịt mắt anh. Anh giật chiếc khăn ra và nói: “Không! Phải để tôi nhìn mảnh đất này! Mảnh đất thân yêu của tôi”.
Và anh hô to:
“Hãy nhớ lấy lời tôi:
Đả đảo đế quốc Mỹ!
Đả đảo Nguyễn Khánh!
Hồ Chí Minh muôn năm!
Hồ Chí Minh muôn năm!
Hồ Chí Minh muôn năm!
Việt Nam muôn năm!”
Anh đã được truy tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Trao đổi về sự bình đẳng giữa nam và nữ (mẫu 4)
Những tấm gương thiếu nhi vượt khó
Vàng Mí Già (ở Hà Giang ) và Phạm Thị Hạ (ở Thanh Hóa) đều là những học sinh chăm ngoan, học giỏi, được tuyên dương trong Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ năm nay.
Vàng Mí Già (12 tuổi, dân tộc Mông), ở xã Ma Lé, H.Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Già có hoàn cảnh vô cùng éo le, bố mất sớm, mẹ không biết lưu lạc nơi đâu, khiến hai anh em Già bơ vơ, côi cút.
Dù hoàn cảnh éo le, nhưng Già vẫn chăm chỉ học hành và đoạt giải ba tại cuộc giao lưu "Em yêu toán, tiếng Việt và hoạt động trải nghiệm" cấp huyện. Lên THCS, Già được vào học Trường Phổ thông dân tộc nội trú H.Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Tại đây, em vừa nỗ lực học tập, vừa tham gia công tác Đội và đã đạt được nhiều thành tích như: giải khuyến khích cuộc thi "Nét đẹp đội viên" cấp huyện năm học 2018 - 2019; giải khuyến khích cuộc thi Tìm hiểu văn hóa truyền thống các dân tộc năm học 2019 - 2020 của huyện. Trong học tập, em đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ học tập và rèn luyện từ năm học 2014 - 2015 đến năm học 2018 - 2019.
Đặc biệt, Già có năng khiếu thổi sáo và em rất yêu thích môn nghệ thuật đặc sắc này. Già kể em được nghe các anh chị thổi sáo, nên thích và đã tự tập thổi. “Có lúc, em chỉ mong có tiền để mua một cây sáo về thổi nhưng không có”, cậu học trò ngập ngừng chia sẻ.
Thầy giáo Lưu Văn Bính, giáo viên chủ nhiệm của Già năm lớp 6, cho biết: “Già là học sinh ngoan và giàu nghị lực. Em rất chăm chỉ học, luôn thức khuya dậy sớm để học bài và là học sinh gương mẫu của lớp”. Cô giáo Dương Hương Liên, Tổng phụ trách Đội của trường, cũng cho biết Già rất hăng hái tham gia công tác Đội, em là Chi đội trưởng lớp 7A, Trường Phổ thông dân tộc nội trú H.Đồng Văn. “Em là tấm gương sáng cho các bạn học hỏi để nỗ lực vươn lên. Tôi mong em được mọi người giúp đỡ để có tương lai tốt đẹp hơn”, cô Hương Liên chia sẻ.
Em Phạm Thị Hạ (14 tuổi, dân tộc Mường), học sinh lớp 9, Trường THCS Xuân Phú, H.Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, là cô bé mồ côi cả cha lẫn mẹ, phải sống nhờ sự cưu mang của họ hàng, làng xóm. Vậy nhưng, Hạ có kết quả học tập đáng ngưỡng mộ: 8 năm liên tục là học sinh giỏi cấp trường; giải ba kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện môn ngữ văn năm học 2018 - 2019; đạt danh hiệu “Cháu ngoan Bác Hồ” cấp trường 7 năm liên tiếp. Hạ là đại biểu được tuyên dương tại Liên hoan Thiếu nhi vượt khó học giỏi cấp tỉnh và cấp T.Ư năm 2019.
Chia sẻ về hoàn cảnh của mình, Hạ kể em chỉ biết mặt bố mẹ ở trên bàn thờ, vì khi 3 tháng tuổi mẹ Hạ đã mất do xuất huyết não. Năm lên 2 tuổi thì bố em lại mất vì bệnh gan. Ông bà nội ngoại hai bên đều không còn ai nên Hạ và anh trai phải nhờ một người bác dâu đến ở cùng để có chỗ dựa. Tuy nhiên, người bác của Hạ năm nay đã gần 70 tuổi, chỉ làm ruộng, nên cuộc sống rất khó khăn. Hai anh em chủ yếu sống nhờ sự cưu mang của họ hàng, làng xóm và 700.000 đồng tiền trợ cấp của nhà nước. Anh của Hạ phải nghỉ học sớm để đi làm thuê, còn Hạ thì ai cho gì ăn nấy, ai cho gì mặc nấy. “Thỉnh thoảng em được các cô, bác hàng xóm sang cho bát canh. Quần áo thì em toàn mặc đồ mọi người cho. Nhà em không có gì ngoài bằng khen, giấy khen”, Hạ kể.
Kể về Hạ, cô giáo Đỗ Thị Hiền, giáo viên chủ nhiệm của Hạ năm lớp 8, cho biết: “Hoàn cảnh của Hạ quá éo le, nhưng em là người rất nghị lực và chững chạc. Không chỉ học tập tốt, mà ý thức, đạo đức của em cũng rất tốt. Để em có tương lai tươi sáng hơn, tôi mong muốn xã hội chung tay giúp đỡ cho em được ăn học đến khi trưởng thành”.
Trao đổi về sự bình đẳng giữa nam và nữ (mẫu 5)
Hà Trang, tấm gương thiếu nhi tiêu biểu làm theo lời Bác
Những năm qua, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tại Thành phố Hạ Long được đông đảo cán bộ, đảng viên, đoàn viên, thanh niên và bà con nhân dân tích cực hưởng ứng, trong đó có nhiều tấm gương thiếu nhi đã nỗ lực phấn đấu làm theo lời Bác dạy. Các em không chỉ thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng, mà còn tích cực trong mọi hoạt động, lập nhiều thành tích thay cho những bông hoa tươi thắm dâng tặng Bác Hồ Kính yêu. Một trong những gương điển hình đó, tiêu biểu là em Trịnh Hà Trang, học sinh lớp 8, Trường THCS Kim Đồng, thành phố Hạ Long. Không chỉ là học sinh giỏi nhiều năm liền, em còn luôn gương mẫu đi đầu trong các hoạt động ở trường, được bạn bè, thầy cô quý mến.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học. Bố làm công nhân, mẹ là giáo viên mầm non. Trong suốt 8 năm học qua Trang luôn đạt học sinh giỏi ở tất cả các môn học, nổi bật nhất là môn Tiếng Anh. Trang luôn nhớ lời dạy của cô giáo: “Học tiếng Anh bên cạnh việc học ngữ pháp chắc chắn thì việc tập nói tiếng Anh cũng vô cùng quan trọng. Học tiếng Anh không phải chỉ để vượt qua các bài thi trên những tờ giấy mà nó cần được áp dụng vào thực tế cuộc sống. Học tiếng Anh là để giao tiếp”. Bên cạnh việc tập nói tiếng Anh trong những giờ luyện nói trên lớp, em thường xuyên nghe nhạc tiếng Anh và hát theo ca sĩ. Về nhà, sau những giờ học và làm bài tập các môn, em thường đứng trước gương luyện nói một mình. “Gương mặt, thần thái khi nói tiếng Anh rất quan trọng, ta cần phải điều chỉnh cho hợp lí với mỗi một người nghe” – Trang tâm sự. Em còn cho biết: là công dân Quảng Ninh thì việc yêu thích Tiếng Anh sẽ giúp em giới thiệu vẻ đẹp của Vịnh Hạ Long với bạn bè năm châu.
Ngoài việc học tập tích cực Hà Trang còn là Phó chủ tịch Hội đồng Trẻ em tỉnh Quảng Ninh, Liên đội trưởng trường THCS Kim Đồng, chủ nhiệm CLB phóng viên nhỏ của nhà trường và lớp trưởng lớp 8 . Hà Trang luôn gương mẫu trong mọi hoạt động của lớp, của trường, có tác phong nhanh nhẹn, tự giác trong mọi hoạt động của Đội, nhắc nhở các bạn cùng nhau tham gia nhiệt tình các hoạt động của nhà trường, HĐĐ thành phố đề ra như: tham gia tích cực các hoạt động trong Diễn đàn trẻ em các cấp, có nhiều ý kiến đóng góp trong CLB trẻ em, hướng dẫn các bạn thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng, điều khiểu các hoạt động ngoại khóa toàn Liên Đội.… luôn đóng góp những ý tưởng độc đáo, sáng tạo và tích cực tham gia các cuộc thi Liên đội triển khai đạt thành tích cao như: Giải 3 thi vẽ tranh ATGT cấp Tỉnh. Giải nhất hùng biện Tiếng Anh cấp Liên đội.
Trước mỗi hoạt động của trường, của lớp, Hà Trang chia sẻ: Với em, các hoạt động Đội không chỉ là trách nhiệm mà còn là niềm vui. Nó giúp em giải tỏa những căng thẳng trong học tập và thêm gắn kết với thầy cô, bạn bè và mái trường cấp 2 thân thương.
Bên cạnh đó Hà Trang còn là người có lối sống chan hòa, nhiệt tình với các bạn trong lớp, luôn giúp đỡ các bạn trong học tập, luôn đem những kiến thức mình có được để giúp các bạn giải những bài tập khó, sẵn sàng giúp những bạn học còn chậm. Cũng chính vì sự hoạt bát, năng động của mình nên Trang đã hoàn thành rất tốt các nhiệm vụ thầy cô giáo và các bạn tín nhiệm. Ở nhà, cô trò nhỏ của trường THCS Kim Đồng còn là một người con ngoan, biết sắp xếp thời gia học tập để giúp bố mẹ làm công việc nhà.
Với những thành tích đạt được đó, Hà Trang xứng đáng là tấm gương điển hình làm theo lời Bác, là niềm tự hào của gia đình và nhà trường, là một tấm gương sáng để đoàn viên thanh niên học tập và noi theo.
Xem thêm các chương trình khác: