TOP 10 mẫu Nếu tình cảm, cảm xúc về một việc làm đáng quý của bác bảo vệ (cô lao công,...) (2024) SIÊU HAY

Nếu tình cảm, cảm xúc về một việc làm đáng quý của bác bảo vệ (cô lao công,...) lớp 5 gồm 10 bài văn mẫu hay nhất, chọn lọc giúp học sinh viết bài tập làm văn lớp 5 hay hơn.

1 266 24/10/2024


Nếu tình cảm, cảm xúc về một việc làm đáng quý của bác bảo vệ (cô lao công,...)

Đề bài: Nêu tình cảm, cảm xúc của em về một việc làm đáng quý của bác bảo vệ (hoặc cô chú lao công, cô thủ thư,...) ở trường em.

Nếu tình cảm, cảm xúc về một việc làm đáng quý của bác bảo vệ (cô lao công,...) (mẫu 1)

TOP 10 mẫu Nếu tình cảm, cảm xúc về một việc làm đáng quý của bác bảo vệ (cô lao công,...) (2024) SIÊU HAY (ảnh 1)

Bác bảo vệ ở trường em là người mang lại cho chúng em nhiều niềm vui và an tâm hơn mỗi ngày. Bác không chỉ đảm bảo an ninh, an toàn cho tất cả mọi người trong trường, mà còn là những người bạn đồng hành đáng tin cậy. Mỗi buổi sáng khi bước vào trường, em luôn nhìn thấy nụ cười thân thiện và sự nhiệt tình của bác, đem lại cho em một tâm trạng vui vẻ và sảng khoái để bắt đầu ngày mới. Bác bảo vệ không ngừng làm việc chăm chỉ và tận tâm, từ việc kiểm tra an ninh, tuần tra đến việc giải quyet các vấn đề nhỏ nhặt trong trường. Bác luôn sẵn lòng lắng nghe và giúp đỡ khi chúng em cần. Điều đó khiến cho môi trường học tập trở nên ấm áp và gần gũi hơn và giúp cho em cảm thấy tự tin và yên tâm khi đi học. Sự hiện diện của bác bảo vệ không chỉ đem lại sự an toàn mà còn làm cho mỗi ngày của em trở nên đầy ý nghĩa và hạnh phúc hơn. Em rất biết ơn và trân trọng công việc của bác bảo vệ, và luôn nhớ mãi tình cảm và sự quan tâm mà bác dành cho mọi người.

Nếu tình cảm, cảm xúc về một việc làm đáng quý của bác bảo vệ (cô lao công,...) (mẫu 2)

Một buổi sáng hơn một năm về trước, tôi đến trường sớm hơn mọi hôm, chắc không có gì đặc biệt nếu tôi không bắt gặp cảnh tượng ấy. Một cảnh tượng có thể đối với mọi người rất quen nhưng đây là lần đầu tiên tôi gặp.

Một người đàn ông chắc đã gần 60 tuổi, mái tóc điểm bạc gần hết với khuôn mặt khắc khổ đượm màu thời gian đang gánh hai thùng nước đã đun sôi để nguội lên tầng hai để đổ vào những chiếc bình ở hành lang của mỗi tầng. Đây sẽ là nguồn nước uống cho những học sinh như chúng tôi thỏa cơn khát sau những giờ học căng thẳng. Không biết tôi có phải là người nhạy cảm hay không mà cảnh tượng đó cứ in hằn trong tâm trí của một cô gái mới lớn cho đến tận bây giờ. Bác gánh hai thùng nước từng bước, từng bước lên cầu thang rồi từ từ đổ nước vào bình. Rồi từ hôm đó tôi đi học sớm hơn và quan sát các công việc bác làm rất tỉ mỉ, cẩn thận. Có lẽ mãi sau này tôi cũng không bao giờ quên được điều đó! Thời gian trôi qua, giờ đây tôi đã là một học sinh sắp phải rời xa mái trường THCS Bình Gia thân yêu để tiếp tục bước đi trên con đường tương lai của mình ở những giảng đường đại học. Vì vị trí lớp học của tôi ở chỗ khuất nên ít khi tôi thấy bác, đó có lẽ là thiệt thòi đối với tôi chăng? Thi thoảng tôi mới thấy bác khi tôi học môn thể dục hoặc có việc của lớp phải vào phòng hành chính. Vẫn đôi bàn tay ấy với những công việc quen thuộc, rất cần mẫn, cẩn thận từng chút một. Nếu tôi chỉ bắt gặp hình ảnh đó một lần thì có lẽ tôi đã không nghĩ về bác nhiều đến thế. Trong suốt thời gian tôi học ở trường đến bây giờ, ngày nào cũng vậy bác cứ đi, từng bước một trên con đường riêng của mình và làm những công việc có ích cho tất cả mọi người mà ít ai biết đến. Bác với chiếc xe đạp cũ kĩ, thô sơ của mình ngày ngày vẫn đến trường chăm sóc khuôn viên nhà trường. Dù tiết trời có chuyển từ nắng nóng sang mưa rào thì bác vẫn luôn có mặt để làm đẹp cho trường. Khi trời nắng rát bỏng người, vẫn dáng người ấy cùng với chiếc xe đạp ấy, bác vẫn đi. Rồi những khi mưa phùn gió bấc, vẫn dáng người ấy, chiếc xe đạp ấy, bác vẫn đi.

Hình ảnh bác lặng lẽ lau chùi từng căn phòng, từ phòng hành chính, phòng chờ của thầy cô, rồi đến phòng hội đồng và các lớp học. Có lẽ những kẻ căm ghét bác duy nhất là lũ vi khuẩn và bụi bẩn, có bàn tay của bác là chúng không có chốn dung thân. Hôm nào cũng vậy, bác đến sớm hơn mọi người, lặng lẽ lau chùi ở các căn phòng, đun nước pha trà sẵn… Bác đi qua khu nhà vệ sinh của học sinh phía đằng sau dãy nhà ba tầng, nếu còn thấy bẩn, bác dọn dẹp vệ sinh lại cho sạch sẽ. Có lẽ bác là người ra về muộn nhất, khi đã hoàn tất các công việc ở trường, với chiếc xe đạp cũ - người bạn đường của bác, bác lại lặng lẽ ra về. Phải chăng người hiểu và biết rõ ngôi trường này chính là bác. Bác nhớ từng gốc cây, hòn sỏi và lối mòn, bác nhớ từng ô cửa, viên gạch. Viên nào vỡ, ô cửa nào nứt là bác lại kịp thời báo cáo với nhà trường để sửa chữa ngay. Có lần lớp tôi học lâm sinh, giờ thực hành cả lớp phải ra vườn cuốc đất để gieo mầm sự sống, bác là người đã ra tận vườn chỉ bảo chúng tôi cách cuốc, tránh cuốc vào ống dẫn nước ngầm ở dưới lòng đất.

Công việc của bác lao công làm đã giúp ích cho nhà trường rất nhiều, vậy mà hình như rất ít người biết đến bác. Ban đầu tôi cũng chưa biết bác tên là gì, tôi đã hỏi bạn bè trong trường nhưng cảm tưởng như chẳng ai quan tâm đến vấn đề tôi đang hỏi. Một người hết lòng chăm lo cho ngôi trường, lặng lẽ đi trên con đường với biết bao mong ước về một ngôi trường xanh - sạch - đẹp. Nhiều lúc tôi bắt gặp những bạn học sinh không biết vô tình hay cố ý vặn vòi lấy nước trong bình để rửa tay, họ không biết hay cố tình không biết rằng mỗi sáng có một người đến trường sớm hơn họ gánh những thùng nước vượt qua từng bậc thang, mồ hôi lã chã rơi, để họ có thể uống sau những giờ học mệt mỏi. Vậy mà…

Trước hành động đó tôi cảm thấy rất bức xúc nhưng giờ đây tôi tự trách mình khi chỉ biết đứng nhìn và lắc đầu, tôi đã không ngăn lại hành động vi phạm nội quy, vi phạm đạo đức đó chỉ vì tính cách nhút nhát của mình. Nếu như mọi người bảo rằng bác làm những công việc nặng nhọc đó chỉ vì tiền thì có lẽ đó là một lời nhận định ngớ ngẩn. Bác làm những công việc đó không đơn giản đó là một việc để làm mà nó xuất phát từ trái tim, tình yêu thương với mái trường và những mầm non của đất nước.

Bác là người đã từng xung phong ra mặt trận trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước của dân tộc Việt Nam. Khi nghỉ chế độ, trở về với cuộc sống đời thường, trên ngực áo của bác rất nhiều huân huy chương. Nhưng cuộc sống xô bồ thời mở cửa mấy ai còn nghĩ đến những điều trong quá khứ máu lửa ấy nữa.

Nếu bạn sống vội vã, không cảm nhận những gì đang diễn ra xung quanh thì bạn sẽ chẳng bao giờ phát hiện, khám phá và nhận ra những gì mà mình cần phải quý trọng và trân trọng những gì đang có. Tôi gọi bác là bác lao công bởi lẽ những công việc bác làm đích thực là việc của người lao công thực thụ nhưng không vì lẽ đó mà tôi khinh thường bác, ngược lại tôi càng kính trọng khâm phục bác nhiều hơn. Nhớ lại bài học về hình ảnh “Chị lao công đêm đông quét rác” giờ đây tôi càng thấm thía bài học làm người. Có những con người hi sinh thầm lặng không đòi hỏi gì hơn nhưng thế giới xung quanh thì lại quá thờ ơ, vô tâm. Quả thực đó mới là “Sống trong cát chết vùi trong cát, những trái tim như ngọc sáng ngời” và những con người đó “đã làm nên đất nước” ngày hôm nay. Có nhiều người coi thường công việc mà bác làm, cho rằng đó là một công việc hạ đẳng nhất trong xã hội nhưng với tôi thì khác. Công việc mà bác đang làm là một trong những công việc cao quý, bởi lẽ bác đã lặng thầm góp phần vào việc giữ gìn khuôn viên sạch đẹp của trường. Thành công của ngôi trường ngày hôm nay không chỉ có công của các thầy cô mà một phần nào đó có sự âm thầm góp công của những người như bác. Qua nhiều lần hỏi mọi người mà không ai biết, tôi mạnh dạn trực tiếp hỏi bác. Bác chỉ mỉm cười, một nụ cười thân thiện rồi nhẹ nhàng trả lời:

- “Cháu cứ gọi bác là bác lao công được rồi”.

Tôi thưa rằng:

- “Nhưng cháu muốn biết tên bác để sau này còn kể cho mọi người nghe câu chuyện về một con người đáng kính”.

- “Có gì đâu hở cháu! Nhà sạch thì mát, trường sạch thì bác mới yên tâm”.

Bác lao công từng ngày, từng ngày vẫn lặng lẽ chăm sóc khuôn viên trường. Có lần trong khi dọn vệ sinh, bác đã nhặt được một chiếc ví trong đó có hơn ba trăm nghìn. Bác vội vã đem chiếc ví nộp cho văn phòng Đoàn trường để trả lại cho người đánh mất. Thì ra chiếc ví đó là của một bạn học sinh mang tiền đi nộp học.

Tôi băn khoăn mãi về tên của bác rồi đem chuyện này nói với cô giáo chủ nhiệm, cô cười thật tươi trả lời tôi rằng:

- “Em là một học sinh ngoan, biết trân trọng những gì nhỏ bé nhất. cô rất vui vì có một người học trò như em. Hi vọng rằng tình cảm của em sẽ có sức lan tỏa trong cộng đồng trường học của chúng ta. Đó thực sự là một tấm gương người tốt việc tốt đáng để chúng ta noi theo em ạ! Bác ấy là bác Thành.”

Sáng nay tôi đi học sớm hơn chỉ để bắt gặp cảnh tượng như ngày nào. Vẫn bóng dáng ấy, vẫn mái đầu đã quá nửa bạc trắng với những công việc quen thuộc, bác đến trường và làm, lặng lẽ và âm thầm… Tôi cảm thấy tự hào về bác lao công trường tôi, bác Thành! Và giờ đây tôi có thể nói với mọi người rằng có một câu chuyện sẽ trở thành bài học làm người song hành cùng “Lặng lẽ Sapa” của Nguyễn Thành Long, đó là “Lặng lẽ bác lao công”.

Nếu tình cảm, cảm xúc về một việc làm đáng quý của bác bảo vệ (cô lao công,...) (mẫu 3)

TOP 10 mẫu Nếu tình cảm, cảm xúc về một việc làm đáng quý của bác bảo vệ (cô lao công,...) (2024) SIÊU HAY (ảnh 1)

Người gắn bó với chúng em ở ngôi trường tiểu học này không chỉ có thầy cô giáo mà còn có cả bác bảo vệ của trường em nữa. Bác là người giữ cho ngôi trường của em luôn được đảm bảo an toàn và bình yên. Với em bác bảo vệ như một người hùng giữ trường vậy.

Em không rõ bác đã gắn bó với ngôi trường này bao lâu rồi, chỉ biết là khi em chập chững bước chân vào trường thì đã thấy bác. Bác năm nay cũng đã gần 60 tuổi rồi nhưng trông bác vẫn phong độ lắm. Dáng người bác cao và đậm, trông rất khỏe mạnh. Bác có một đôi tay rất to và chắc nịch. Vậy nên mỗi lần bác gõ trống, em đều nghe thấy tiếng trống to, vang mà dứt khoát lắm. Bác có một khuôn mặt trông rất hiền. Cứ mỗi lần chúng em đi qua cổng trường, chào bác là bác lại nở một nụ cười rất tươi như đáp lại lời chào của chúng em. Nhưng thỉnh thoảng khi có học sinh đi học muộn thì khuôn mặt ấy của bác lại nghiêm lại. Đôi mắt của bác đen ẩn bên dưới hàng lông mày rậm. Vầng trán cao, nhưng mỗi khi bác cười hay nhíu mày thì những nếp nhăn lại xuất hiện đầy trên trán.

Bác là một người rất tận tâm với công việc. Công việc hàng ngày của bác đó là đánh trống báo hiệu giờ vào lớp, giờ ra chơi, giờ tan học và bảo vệ ngôi trường 24/7. Mỗi ngày, đều rất đúng giờ, không nhanh một phút cũng chẳng chậm một giây, bác lại dùng chiếc rùi trống bằng gỗ, gõ những hồi trống báo hiệu cho chúng em. Nhiều lúc lười học, ngồi trong lớp em chỉ mong nghe được tiếng trống to và rõ của bác bảo vệ. Ban ngày, bác ngồi ở bốt bảo vệ cổng trường, không cho học sinh nào trốn tiết hay bỏ ra ngoài chơi. Cũng không để cho người lạ, không phận sự được vào trường mà không có sự cho phép của ban giám hiệu. Đến chiều tối, khi mọi người đã về hết, bác lại cầm chiếc đèn pin đi dọc các hành lang lớp học để kiểm tra. Công việc tưởng chừng như đơn giản nhưng lại đòi hỏi sự tỉ mỉ, tinh thần trách nhiệm cao và một sức khỏe bền bỉ. Bởi ngày nào cũng vậy, ngày nắng cũng như ngày mưa, bác đều phải đi tuần quanh trường, đảm bảo sự an toàn của ngôi trường này. Đôi khi, thấy có những bạn học sinh cá biệt trèo cây hay ngắt hoa, làm hỏng đồ của trường bác lại tới, nghiêm khắc phê bình những bạn đó và dặn dò các bạn không được phá hoại của công. Cũng nhờ có bác mà cây cối trong trường luôn được tươi tốt. Bởi không chỉ bảo vệ cây không để cho các bạn học sinh cá biệt phá hoại, mà ngày nào, vào buổi sáng bác cũng đi tưới nước cho các cây trong trường.

Chính vì thế mà ở trường em ai cũng yêu quý bác bảo vệ. Nhờ có bác mà trường em luôn được xanh tươi và duy trì hoạt động một cách an toàn.

Có một người vẫn lặng lẽ đêm ngày gắn bó với mái trường thân yêu, bảo vệ sự an toàn cho trường. Có một người luôn hết lòng với những công việc hành chính của trường. Đó chính là bác bảo vệ. Em rất yêu quý bác Lâm - bác bảo vệ trường em.

Nếu tình cảm, cảm xúc về một việc làm đáng quý của bác bảo vệ (cô lao công,...) (mẫu 4)

Năm học mới lại bắt đầu và đối với tôi đây là một năm học vô cùng đặc biệt bởi đây là năm đầu của tôi ở trường cấp hai. Tôi còn nhớ ngày đầu khi mới bước vào trường tôi có biết bao nhiêu lo sợ nhưng may mắn tôi đã được những động viên rất ân cần của bác bảo vệ và ngay từ giây phút ấy, tôi đã vô cùng yêu quý bác.

Bác bảo vệ trường tôi có lẽ ở tuổi ngoài năm mươi. Dáng người bác dong dỏng cao, trên mái tóc đã điểm những sợi bạc. Bác có khuôn mặt chữ điền, chắc hẳn ai trông thấy bác lần đầu cũng cho rằng bác là một người khá nghiêm nghị nhưng thực ra nếu tiếp xúc lâu ngày sẽ thấy là bác rất hiền lại dễ gần. Nước da bác hơi ngăm đen nhưng toát lên sự khỏe khoắn của một con người dãi dầu mưa nắng. Ở bác có đôi mắt đen sâu thẳm, hằn rõ những dấu hiệu của một cuộc đời từng trải nhưng nụ cười không vì thế mà khô khan, trái lại nó hiền lành, dịu dàng, đem lại cho người ta cảm giác dễ gần. Tôi chú ý nhất ở bác là đôi bàn tay chắc với nhiều vết chai, những ngón tay thuôn dài khiến cho bàn tay trông to và khỏe khoắn. Bác ăn mặc khá giản dị, tôi thường thấy bác mặc áo sơ mi hoặc áo phông với quần âu đã sờn cùng với chiếc mũ lưỡi trai cũng đã sờn vải. Bác có lẽ là một người rất yêu chó, phòng bác nuôi một chú cún con có bộ lông trắng muốt rất khôn và tôi hay thấy chú quấn quýt bên bác, bác cũng rất dịu dàng và chiều chuộng chú ta, luôn cho chú nằm trên đùi của mình mỗi khi rảnh rỗi. Tôi tin rằng bác nuôi chú cún ấy để làm bạn những lúc buồn là chính chứ không phải với mục đích bắt trộm.

Tôi nghe mọi người nói bác làm bảo vệ ở đây đã được hai năm và rất ân cần, chu đáo, ai cũng yêu mến. Quả là vậy, hôm đầu tiên tôi đến trường, còn bỡ ngỡ, cứ chần chừ mãi không dám bước vào, giống như đoán biết được ý tôi, bác nở một nụ cười thật tươi rồi ân cần ra hỏi tôi là học sinh mới phải không, khi tôi trả lời, bác liền dắt xe cho tôi vào nhà để xe, thấy tôi có vẻ bối rối, cứ nhìn quanh mà không dám bước, bác lại nói chuyện với tôi cho tôi đỡ lo.Vì không biết lớp mình học ở vị trí nào trong trường, tôi lúng túng không biết phải làm thế nào, bác không ngại ngần mà đưa tôi tới tận lớp học, điều đó khiến tôi cảm kích rất nhiều.

Bác bảo vệ trong mắt chúng tôi như một người “hiệp sĩ” hiền lành luôn ân cần với mọi người và âm thầm trông coi trường lớp cho dù chúng tôi có ỏ đó hay không. Có bác, chúng tôi thấy an toàn và an tâm hơn rất nhiều. Tôi thực sự rất yêu quý bác.

Nếu tình cảm, cảm xúc về một việc làm đáng quý của bác bảo vệ (cô lao công,...) (mẫu 5)

TOP 10 mẫu Nếu tình cảm, cảm xúc về một việc làm đáng quý của bác bảo vệ (cô lao công,...) (2024) SIÊU HAY (ảnh 1)

Bác Long bảo vệ trường em là người vui tính. Bác đã làm bảo vệ trường em từ trước khi em bước chân vào học ở trường này.

Năm nay bác đã gần sáu mươi tuổi rồi nhưng trông bác còn rất khỏe mạnh và nhanh nhẹn lắm. Dáng người cao, gọn gàng trong bộ quần áo bộ đội đã bạc màu. Khuôn mặt bác vuông vức, quai hàm bạnh, đôi lông mày rậm, nước da lúc nào cũng đỏ au. Mới nhìn bác, ai cũng thấy sợ nhưng bác lại rất hiền lành. Các con của bác đều đi làm và sống xa nhà, vợ bác qua đời khi bác còn trẻ nên bác ở lại luôn phòng bảo vệ của nhà trường.

Bác sống rất giản dị nên đồ đạc cũng rất đơn sơ nhưng sạch sẽ và ngăn nắp. Một ngày của bác bắt đầu từ năm giờ sáng. sau khi vệ sinh cá nhân, bác đi mở cửa các phòng lớp học, quét dọn văn phòng,… Khi chúng em tới trường, bác đón ngay cổng ra vào, vừa hướng dẫn xếp xe vừa nhắc nhở các bạn ra vào đúng quy định tránh gây ùn tắc giao thông. Gõ trống, đóng cửa, dọn vệ sinh, hướng dẫn khách và phụ huynh đến liên hệ công việc…

Nhiều việc như vậy nhưng chưa bao giờ em thấy bác cáu gắt hay tỏ ra mệt mỏi. Chỉ là một nhân viên phục vụ nhưng cả trường ai cũng quý và nể phục bác. Có lẽ vì bác là người sống rất nghiêm túc và tận tụy với công việc. Với riêng em, có những kỉ niệm về bác có lẽ không thể nào quên được.

Mẹ em đi làm công ty hôm nào cũng đến lên đèn mới về đến nhà. Ngày đầu tiên đi học, các bạn đã có người đón hết, trời tối dần, mặc dù đã được mẹ dặn dò rất nhiều nhưng nỗi sợ hãi cứ hiện lên trong đầu em. Thế rồi em òa khóc nức nở. Bác Long ôm em vào lòng, lau nước mắt rồi kể chuyện cho em nghe.

Câu chuyện của bác kể về những năm tháng chiến tranh, câu chuyện không có mở đầu, không có kết thúc. Em không hiểu gì nhiều nhưng những câu chuyện ấy đã an ủi em những khi chờ mẹ đón. Biết tính em hay chạy nhảy và không thích ngồi trong phòng, bác còn tự tay đóng cho em một chiếc ghế bằng gỗ rất xinh để ngồi trong nhà chờ đợi mẹ. Thỉnh thoảng bác lại dúi cho em vài cái kẹo cái bánh.

Vì yêu quý bác đã có lúc em tặng bác chiếc kẹp tóc cài trên đầu. Bác cười và nói: cái kẹp tóc này chỉ dành cho những cô bé xinh xắn như cháu thôi. Bây giờ nhiều lúc nhớ lại em vẫn thấy mình thật buồn cười. Bác bảo vệ trường em là vậy đấy. Mãi mãi trong tâm trí em vẫn lưu giữ hình ảnh bác bảo vệ đáng kính.

1 266 24/10/2024