TOP 10 mẫu Trao đổi về những tấm gương trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước (2024) SIÊU HAY

Trao đổi về những tấm gương trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước lớp 5 gồm 10 bài văn mẫu hay nhất, chọn lọc giúp học sinh viết bài tập làm văn lớp 5 hay hơn.

1 118 08/11/2024


Trao đổi về những tấm gương trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước

Đề bài: Trao đổi về những tấm gương trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

Trao đổi về những tấm gương trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước (mẫu 1)

TOP 10 mẫu Trao đổi về những tấm gương trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước (2024) SIÊU HAY (ảnh 1)

Cuốn sách “Kim Đồng” của tác giả Tô Hoài kể về câu chuyện của anh Kim Đồng - một người hùng nhỏ tuổi đã hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam. Trong cuốn sách này, chúng ta được biết tên thật của anh Kim Đồng là Nông Văn Dền, một cậu bé với trái tim đầy nhiệt huyết và lòng yêu nước. Dù còn nhỏ tuổi, nhưng Dền đã phải đối mặt với nhiều khó khăn và thử thách trong cuộc chiến chống lại kẻ thù. Cậu đã trở thành tổ trưởng Hội Nhi đồng cứu quốc và đã dũng cảm hy sinh trong một lần đi liên lạc. Cuốn sách này là một tấm gương sáng cho tất cả chúng ta về tinh thần yêu nước và lòng dũng cảm. Hãy đọc cuốn sách “Kim Đồng” để hiểu hơn về những anh hùng nhỏ tuổi của chúng ta.

Trao đổi về những tấm gương trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước (mẫu 2)

Giới thiệu tác phẩm: Chuyện về chị Võ Thị Sáu

Chị Võ Thị Sáu là một người anh hùng dân tộc đáng kính. Chị sinh ra ở huyện Đất Đỏ thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Chị là người con gái vô cùng thông minh, mưu trí và dũng cảm. Khi tuổi đời còn rất nhỏ, chị đã làm liên lạc viên cho đoàn quân cách mạng. Chị đã lập được nhiều chiến công oanh liệt. Sau này, chị bị giặc bắt giam, tra tấn giã man. Nhưng ý chí, tinh thần của chị vẫn không thay đổi. Cuối cùng, thực dân Pháp đã đày chị ra Côn Đảo và tuyên án tử hình khi còn chưa đủ hai mươi tuổi. Sau này, chị được phong làm Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân. Tấm gương của chị Võ Thị Sáu khiến em thêm cảm phục, tự hào.

Trao đổi về những tấm gương trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước (mẫu 3)

TOP 10 mẫu Trao đổi về những tấm gương trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước (2024) SIÊU HAY (ảnh 1)

Những tấm gương hy sinh anh dũng vì độc lập dân tộc của những nữ chiến sĩ Anh hùng

Trong rất nhiều những hy sinh anh dũng làm nên những chiến công mãi mãi ghi vào lịch sử dân tộc như những biểu tượng sáng ngời về chủ nghĩa yêu nước “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, không thể không kể đến những cống hiến, hy sinh của những người nữ chiến sĩ anh hùng.

Chiến tranh đã lùi xa, thế nhưng chúng ta không thể nào quên để đến được ngày độc lập như hôm nay, biết bao thế hệ cha anh đi trước đã ngã xuống để giành lấy. Chúng ta có thể không nhắc đến với thù hận nữa, nhưng chúng ta không được quên.

Hàng năm, cứ đến Ngày Thương binh liệt sĩ 27/7, trong lòng chúng ta vẫn thường trào dâng lên biết bao niềm xúc động. Rất nhiều anh chị ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ, gác lại biết bao nhiêu ước mơ, hoài bão… Biết bao tuổi trẻ “Xếp bút nghiên lên đường cầm súng/Học người xưa đi cứu non sông.” Ấy vậy mà vẫn luôn lạc quan, rất vô tư và cháy ngùn ngụt nhiệt huyết tuổi thanh niên: “Con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không thể là con đường nào khác”. Tháng bảy nhắc nhớ, gợi về những hy sinh của biết bao anh hùng, liệt sĩ.

Trong rất nhiều những hy sinh anh dũng làm nên những chiến công mãi mãi ghi vào lịch sử dân tộc như những biểu tượng sáng ngời về chủ nghĩa yêu nước “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, không thể không kể đến những cống hiến, hy sinh của những người nữ chiến sĩ anh hùng.

Dù những năm tháng chiến tranh đau thương đã lùi xa, những mất mát đang dần được khỏa lấp trong cuộc sống hòa bình hôm nay, nhưng lịch sử Việt Nam luôn khắc ghi đóng góp to lớn của những nữ anh hùng liệt sỹ. Trải qua thời kỳ kháng chiến chống quân xâm lược, đấu tranh giải phóng dân tộc cho đến ngày hôm nay, ở mỗi giai đoạn cách mạng, phụ nữ luôn có mặt trên nhiều trận tuyến, luôn tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu về mọi mặt, nỗ lực vươn lên, khẳng định vị trí, vai trò, đóng góp quan trọng, tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tiêu biểu là: Liệt sĩ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Võ Thị Sáu, người đội viên Công an xung phong Đất Đỏ đã dũng cảm, sáng tạo, tham gia nhiều trận chiến đấu để bảo vệ quê hương; Liệt sĩ Bùi Thị Cúc, Anh hùng lực lượng vũ trang CAND đã nêu gương sáng về tinh thần chiến đấu kiên cường, bất khuất, chịu mọi đòn roi tra tấn của kẻ thù để giữ gìn bí mật cho đồng đội và Nhân dân, được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Sáu chữ vàng “Sống anh dũng, chết vẻ vang” và nhiều tấm gương anh hùng… Các chị là những tấm gương sáng ngời cho các lớp lớp thế hệ thanh niên nói chung và nhất là các bạn nữ đoàn viên thanh niên nói riêng noi theo. Bài viết là những sưu tầm thông tin về cuộc đời, sự nghiệp của các chị - những người nữ chiến sỹ anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

1. Người nữ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trẻ tuổi nhất - Liệt sĩ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Võ Thị Sáu

Đồng chí Võ Thị Sáu, sinh năm 1933 trong một gia đình nghèo giàu truyền thống cách mạng, ở xã Phước Lợi, quận Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa (nay là xã Phước Long Thọ, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).

Đồng chí tham gia cách mạng từ nhỏ, năm 1947, đồng chí được kết nạp vào Đội Công an xung phong quận Đất Đỏ và làm liên lạc cho Đội Công an xung phong quận Đất Đỏ. Do chưa đến tuổi thành niên nên đồng chí có điều kiện đi lại giữa hai vùng ta và địch. Công an quận Đất Đỏ đã huấn luyện Võ Thị Sáu sử dụng mìn, súng và lựu đạn để vào vùng địch phá tề, trừ gian. Với vóc dáng nhỏ bé cùng với sự thông minh, nhanh nhẹn và can đảm của mình trong các vai người buôn bán, người làm công, đồng chí luồn sâu vào vùng địch tạm chiếm thu thập nhiều tin tức quan trọng phục vụ công tác.

Với trí thông minh và năng khiếu trinh sát, đầu năm 1948, đồng chí đã phát hiện tên Sáu Thoại làm gián điệp cho Pháp và tên Sơn phản hội, âm mưu đưa Pháp về đánh úp căn cứ của đội Công an xung phong ở Ruộng Rừng. Những tin tức đó đã giúp Công an quận Đất Đỏ có kế hoạch chủ động đề phòng và tiến công địch. Nhờ đó lực lượng Công an nhanh chóng thoát khỏi nguy hiểm và kịp thời bắt giữ, xử lý đối tượng tránh tổn thất cho ta.

Ngày 14/7/1948, bọn ngụy quyền quận tổ chức mít tinh tại sân vận động kỷ niệm “ngày Quốc khánh Pháp”. Sau khi địch dồn nhân dân vào khu vực bảo vệ để tổ chức mít tinh, nhận nhiệm vụ của Đội Công an Xung phong Đất Đỏ được giao nhiệm vụ phá cuộc mít tinh, đồng chí Võ Thị Sáu dùng lựu đạn ném vào khán đài trống để uy hiếp, giải tán cuộc mít tinh. Sau đó, hai chốt Công an Xung phong nổ sung uy hiếp giải tán cuộc mít tinh và yểm trợ cho đồng chí Sáu rút lui an toàn. Sau chiến công này, đồng chí được tổ chức tuyên dương khen ngợi.

Biết rõ tên cai tổng Tòng là Việt gian khét tiếng gian ác, đồng chí Võ Thị Sáu đã đề xuất với Công an quận Đất Đỏ phương án diệt y ngay tại tổng hành dinh. Sau khi được cấp trên chấp thuận, một buổi sáng tháng 11/1949, đồng chí Võ Thị Sáu trà trộn cùng tốp người làm căn cước mang theo trái lựu đạn “mãng cầu” giấu trong cơi đựng trầu vào nhà làm việc của tên cai tổng Tòng rút chốt lựu đạn ném thẳng vào và hô “Việt Minh tấn công” rồi chạy ra ngoài. Lựu đạn nổ, tổng Tòng bị thương nặng, làm cho bọn tề và quân lính khiếp sợ.

Tiếp sau đó, đồng chí Sáu còn đề nghị với lãnh đạo tiêu diệt hai tên việt gian Cả Suốt và Cả Đay - hai ác ôn có nhiều tội ác với Nhân dân. Tháng 2/1950, trong phiên chợ giáp Tết Canh Dần, đồng chí Võ Thị Sáu táo bạo dùng lựu đạn tiêu diệt 2 tên Cả Đay và Cả Suốt. Mặc dù đã được đồng đội yểm trợ, nhưng do quân địch đông nên Võ Thị Sáu bị địch bắt đưa về giam giữ tại khám Chí Hoà (Sài Gòn). Trong nhà tù, chị không khai báo cho địch, luôn lạc quan, tích cực học thêu, học hát, được nhận giải thưởng về thành tích phổ cập tiểu học do liên đoàn tù nhân kháng chiến khám Chí Hoà tặng; kẻ địch không khuất phục được người con gái quận Đất Đỏ, bọn chúng đưa ra toà đại hình, Võ Thị Sáu đã vạch mặt bọn Pháp xâm lược và bọn tay sai bán nước hại dân.

Run sợ trước dư luận, ngày 21/1/1952 bọn thực dân đưa chị ra Côn Đảo để chờ thi hành án. Tại Côn Đảo đồng chí tiếp tục giữ vững khí tiết của người chiến sỹ Công an, đêm ngày 22/01/1952, Võ Thị Sáu được Chi bộ nhà tù Côn Đảo kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam và công nhận là đảng viên chính thức. Ngày 23/01/1952, địch đưa chị ra pháp trường. Trước lúc hy sinh, Võ Thị Sáu từ chối rửa tội: “Tôi không có tội. Nếu cha muốn rửa tội xin hãy rửa cho những kẻ sắp giết tôi đây”. Không cần bịt mắt, chị hiên ngang nhìn thẳng vào họng súng kẻ thù, hát vang bài Tiến quân ca rồi hô to: “Hồ Chí Minh muôn năm! Việt Nam độc lập muôn năm!”.

Đồng chí Võ Thị Sáu hy sinh đã để lại sự thương tiếc vô hạn đối với đồng chí, đồng đội và đồng bào; đồng thời sự hy sinh của chị là lời tố cáo đanh thép đối với sự dã man và âm mưu hèn hạ của chế độ thực dân Pháp lúc bấy giờ.

Đồng chí Võ Thị Sáu là người tử tù đầu tiên ở Côn Đảo cũng là người nữ tù nhỏ tuổi nhất[1]. Đồng chí là tấm gương sáng để lại cho các thế hệ đời sau noi theo. Với thành tích xuất sắc trong chiến đấu, dũng cảm kiên cường trong lao tù và hy sinh anh dũng, năm 1993, Nhà nước đã truy tặng chị Huân chương chiến công hạng Nhất và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang.[2]

2. Liệt sĩ Bùi Thị Cúc, Anh hùng lực lượng vũ trang CAND – người được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Sáu chữ vàng “Sống anh dũng, chết vẻ vang”

Liệt sĩ CAND Bùi Thị Cúc tên thật là Trần Thị Lan, sinh năm 1930 tại làng Vân Mạc, xã Quang Trung, huyện Ân Thi, nay là thôn Vân Mạc, xã Vân Du, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, nhưng giàu truyền thống cách mạng, nhà có 7 anh chị em, chị là con thứ 5. Bố mất khi chị còn nhỏ, do nhà nghèo nên từ khi 9 tuổi chị đã phải đi làm con nuôi - thực chất là con ở trừ nợ cho gia đình địa chủ trong làng. Khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, được chia ruộng đất, chị được trở về đoàn tụ với gia đình. Trong gia đình giàu truyền thống cách mạng, lại sẵn có lòng yêu nước và tính cần cù, chị giác ngộ cách mạng từ rất sớm. Được các đồng chí đảng viên tin tưởng giao nhiệm vụ và rèn luyện, thử thách, nên mọi nhiệm vụ được giao, dù bất kỳ hoàn cảnh nào chị đều hoàn thành xuất sắc. Cuối năm 1947 chị được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam- là nữ Đảng viên trẻ nhất xã, làm cán bộ phụ nữ xã, rồi làm cán sự Hội Phụ nữ huyện Ân thi.

Những năm 1947, 1948, Ân Thi là một huyện “nóng” của tỉnh Hưng Yên, quân địch đóng bốt và lập căn cứ vùng tề ở hầu hết các xã trọng điểm, xã Quang Trung có 12 thôn thì có 4 thôn lập tề. Chúng xây dựng bốt Cảnh Lâm để khống chế các vùng lân cận và kiểm soát quốc lộ số 5. Chúng sử dụng nhiều tên Việt gian thu thập tin tức, lùng bắt cán bộ ta. Với tên Nguyễn Doãn Súy làm xếp bốt, Nguyễn Doãn Tín và Nguyễn Doãn Nhi (anh em vợ Súy), đều làm việc ở phòng nhì, chúng là địa chủ gian ác rất nguy hiểm cho cách mạng, bắt nhân dân phải quy hàng để phục dịch cho bộ máy cai trị của chúng. Trong đó, tên Doãn Nhi đã có nhiều tội ác với đồng bào và gây nhiều khó khăn cho hoạt động của ta trong khu vực. Công an Hưng Yên giao nhiệm vụ cho đồng chí Bùi Thị Cúc tiếp cận đối tượng và phối hợp với lực lượng của ta lập kế hoạch diệt tên Doãn Nhi, tạo điều kiện phát triển phong trào cách mạng ở vùng này.

Theo kế hoạch đã định, ngày 12-5-1950, đồng chí Bùi Thị Cúc, công an tỉnh Hưng Yên đã mưu trí dụ được tên Doãn Nhi, nhân viên Phòng Nhì bốt Cảnh Lâm vào nơi ta đã phục kích để đồng đội tiêu diệt. Khi đồng chí đã hoàn thành nhiệm vụ cũng là lúc địch phát hiện và bắt được đồng chí.

Sau những trận tra tấn ác liệt, chị vẫn kiên quyết không khai. Chị nói với anh em bị giam chung một nơi: “Tôi nhận cả về tôi rồi, đừng ai khai gì cả”. Chị lại dặn các đồng chí đảng viên có mặt “Thế nào nó cũng giết tôi. Dù chết tôi cũng không khai ai cả, các đồng chí cứ yên tâm. Chúc các đồng chí ở lại mạnh khỏe. Có gặp mẹ tôi, nhờ các đồng chí động viên cụ giúp tôi”. [3]

Bất lực trước sự hiên ngang và ý chí kiên cường của chị, dù sau những ngày chúng dụ dỡ và dùng nhiều cực hình, sáng ngày 15/5/1950, bọn chúng đã đưa chị Cúc ra hành hình trước mặt dân làng. Tại đây chúng tiếp tục giở những trò man rợ để khủng bố dân chúng. Dù bị tra tấn dã man, khi còn chút sức lực cuối cùng, chị vẫn cố gắng hô: “Hồ Chủ tịch muôn năm”, không hề khai báo, giữ vững khí tiết của người công an cách mạng cho đến hơi thở cuối cùng.

Chị Cúc đã hiên ngang, kiên cường, anh dũng hy sinh, thể hiện phẩm chất cao quý của người Đảng viên Cộng sản, người chiến sĩ Công an Cách mạng, người phụ nữ kiên trung, bất khuất. Gương chiến đấu, hy sinh của nữ chiến sĩ CAND Bùi Thị Cúc đã được đồng bào, đồng chí vô cùng cảm phục, nén đau thương, căm phẫn và uất ức chờ ngày trả thù cho Chị - người con gái tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, với nước.

Tinh thần hi sinh và hành động dũng cảm của chị Cúc đã vang xa trên khắp đất nước, được Hồ Chủ tịch theo dõi sát, thăm hỏi điạ phương và gia đình. Ghi nhận công lao và sự hy sinh anh dũng của người Cộng sản trẻ tuổi, người chiến sỹ Công an cách mạng, ngày 15/1/1952 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 77/SL truy tặng đồng chí Bùi Thị Cúc Huân chương độc lập hạng III và 6 chữ vàng: “Sống anh dũng, chết vẻ vang”. Ngày 03 tháng 8 năm 1995, nhân kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống lực lượng Công an nhân dân Việt Nam, Đảng, Nhà nước đã tuyên dương và Chủ tịch nước ký Quyết định số 499-KT/CTN truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân đối với liệt sĩ Bùi Thị Cúc (tức Trần Thị Lan).

Trên đây là hai trong rất nhiều tấm gương phụ nữ kiên trung, anh dũng chiến đấu, sẵn sàng hy sinh thân mình vì sự nghiệp của Đảng, của cách mạng, của dân tộc. Các bà, các chị hy sinh để lại cho chúng ta niềm tự hào và quyết tâm phấn đấu vì sự nghiệp của Tổ quốc. Những hy sinh của những anh hùng liệt sỹ đã trở thành tấm gương sống cho các thế hệ thanh niên Việt Nam học tập, noi theo. Là thế hệ trẻ sống trong cuộc sống hòa bình hôm nay, chúng ta nguyện nguyện học tập và làm theo 6 điều Bác Hồ dạy, hết lòng ra sức phấn đấu rèn luyện về thể chất, nâng cao trình độ về mọi mặt để cống hiến cho quê hương, đất nước, đưa đất nước ta ngày càng phát triển phồn vinh, văn minh và giàu đẹp.

Trao đổi về những tấm gương trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước (mẫu 4)

Phan Đăng Lưu - Người cộng sản kiên trung, tấm gương sáng để tuổi trẻ học tập và noi theo

ĐTN: Đồng chí Phan Đăng Lưu, người con của quê hương Xô viết anh hùng, người chiến sĩ cộng sản kiên cường, dũng cảm, nhà lãnh đạo giàu kinh nghiệm, tài năng, đức độ, có nhiều đóng góp tích cực vào công tác tổ chức xây dựng Đảng và cách mạng Việt Nam, đã dành trọn cả cuộc đời, cả tuổi trẻ cho sự nghiệp cách mạng.

Đồng chí Trường Chinh, nguyên Tổng Bí thư của Đảng khi nói về đồng chí Phan Đăng Lưu đã khẳng định: “Đồng chí Phan Đăng Lưu là người đã có những đóng góp quan trọng về việc xây dựng đường lối, xây dựng phong trào cách mạng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cách mạng và nêu gương chiến đấu hy sinh bất khuất ở vào một giai đoạn đấu tranh sôi nổi, quyết liệt của cách mạng Việt Nam”.

Sự nghiệp của đồng chí là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ Nghệ An học tập, vận dụng trong công cuộc dựng xây quê hương, đất nước. Đó là tinh thần yêu nước, là lòng nhiệt thành cách mạng, gần gũi nhân dân, hiểu được tâm tư nguyện vọng của nhân dân để mở mang dân trí, hướng dẫn nhân dân đi theo con đường cách mạng.

Sinh ra trong cảnh nước mất nhà tan, được giáo dục về truyền thống tốt đẹp của gia đình và quê hương, Phan Đăng Lưu đã ấp ủ hoài bão cứu dân, cứu nước. Từ truyền thống quê hương, với tinh thần yêu nước và lòng nhiệt thành cách mạng, đồng chí luôn tích cực hoạt động cả ở trong và ngoài nước nhằm gây dựng cơ sở cho việc thành lập Đảng Cộng sản sau này và tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin trong quần chúng nhân dân. Năm 1929, ông bị thực dân Pháp bắt và giam tại nhà tù ở Buôn Ma Thuột, dù trong hoàn cảnh ngặt nghèo nhưng ý chí cách mạng và tinh thần chiến đấu của đồng chí vẫn luôn phát huy cao độ. Cũng chính tại đây, đồng chí được Chi bộ Đảng kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng chí triệt để lợi dụng mọi cơ hội để tuyên truyền trong bạn tù chính trị; làm báo bí mật.

Những ngày ở Nhà đày Buôn Ma Thuột, khi thực dân Pháp sử dụng chính sách “lấy người Việt trị người Việt”, đồng chí Phan Đăng Lưu nhanh chóng học tiếng Êđê bằng cách ghi nhớ từ mỗi khi tiếp xúc hằng ngày với binh lính người bản địa, đồng chí ra sức học và dạy cho các đồng chí khác để có thể nói chuyện với số binh lính này và cảm hoá họ.

Tháng 11-1939, đồng chí tham dự Hội nghị Trung ương lần thứ 6 tại Bà Điểm, Hóc Môn và đã góp phần quan trọng trong việc đề ra đường lối chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của Đảng, giương cao ngọc cờ giải phóng dân tộc. Tháng 11-1940 tại Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành trung ương Đảng đồng chí đã được đề cử làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương nhưng đồng chí từ chối vì cho rằng mình cần về miền Nam, trong đó Xứ ủy và nhân dân đang ngóng chờ kết quả chuyến đi và đề phòng ông bị bắt, sẽ gây trở ngại cho Trung ương mới được củng cố ở miền Bắc. Ngày 3-3-1941, Pháp mở tòa án binh, Phan Đăng Lưu bị thực dân Pháp kết án tử hình, với hai điều buộc tội chủ yếu: tham dự một cuộc họp bí mật sau đó lệnh tổng khởi nghĩa trong toàn quốc đã được phát đi và thảo lời kêu gọi cho quân đội cách mạng. Ngày 26-8-1941,ông bị xử bắn tại trường bắn Ngã Ba Giồng, Hóc Môn, Gia Định.

Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vẻ vang của đồng chí đã để lại cho lớp lớp các thế hệ thanh niên Nghệ An nhiều bài học quý giá: đó là bài học về lòng yêu nước, yêu đồng bào và tinh thần tự tôn dân tộc; về tinh thần gần dân, thân dân, biết dựa vào dân để làm cách mạng, về lòng can đảm, gan dạ, anh dũng và ý chí sắt đá của một chiến sỹ cộng sản chân chính; bài học về tình đồng chí, đồng đội thủy chung son sắt; về sự giác ngộ chính trị và tấm lòng kiên trung theo Đảng, suốt đời phấn đấu vì độc lập dân tộc, hạnh phúc của nhân dân.

Trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Nghệ An và phong trào thanh niên Việt Nam, không cam chịu trước cảnh nhân dân bị lầm than, nô lệ, nhiều thanh niên ưu tú của Xứ Nghệ đã quyết chí ra đi tìm đường cứu nước. Tổ chức thanh niên Cộng sản Đoàn đầu tiên được Nguyễn Ái Quốc thành lập hầu hết là thanh niên Nghệ An - Đó chính là những “Hạt giống đỏ” đầu tiên của cách mạng Việt Nam.

Trước Cách mạng tháng Tám, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đoàn đã vận động các tầng lớp thanh niên cùng với giai cấp công - nông tỉnh nhà đấu tranh đòi tự do dân chủ, giành chính quyền ở tỉnh và các phủ, huyện làm nên cao trào cách mạng 1930 - 1931, mà đỉnh cao là Xô Viết - Nghệ Tĩnh.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước, thanh niên Nghệ An đã có những đóng góp xứng đáng cùng Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà hoàn thành xuất sắc trọng trách là hậu phương lớn của tiền tuyến lớn. Bước sang thời kỳ hòa bình, đất nước thống nhất, tiếp nối truyền thống của cha anh, lớp lớp thế hệ trẻ lại hăng hái tiếp tục bắt tay vào hàn gắn vết thương chiến tranh, hăng hái tham gia các phong trào lao động, sản xuất, rà phá bom mìn, phục hóa, khai hoang, xây dựng những làng kinh tế mới, làm đường giao thông, công trình thủy lợi, xây dựng các nhà máy, nông trường, giữ vững biên cương và làm nghĩa vụ quốc tế. Trong thời kỳ đổi mới, tuổi trẻ Nghệ An đã nhanh chóng đổi mới nội dung, hình thức hoạt động, tình nguyện đi tới vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa, vươn lên học tập, lao động sáng tạo, thi đua làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội; dũng cảm đấu tranh bảo vệ quê hương, đất nước.

Thực tiễn sinh động các phong trào hành động cách mạng của Đoàn trong những năm qua không chỉ bồi đắp lòng yêu nước, củng cố niềm tin của thế hệ trẻ vào đường lối lãnh đạo của Đảng mà còn làm bừng cháy lên ngọn lửa khát vọng sáng tạo, khởi nghiệp, màu áo xanh của tuổi trẻ đã đi đến khắp mọi miền, tiếp nối sự nghiệp cách mạng mà lớp lớp cha anh đã dày công xây đắp.

Trong học tập, rèn luyện thanh thiếu nhi Nghệ An luôn thuộc tốp dẫn đầu cả nước với những Huy chương Vàng, Bạc, Đồng có tầm quốc tế và khu vực. Trong lao động, sản xuất, tham gia phát triển kinh tế - xã hội, tuổi trẻ đã kết tinh sức trẻ vào diện mạo nông thôn mới, đô thị văn minh của tỉnh nhà ngày càng tươi sáng. Sau 10 năm xây dựng nông thôn mới, bức tranh nông nghiệp, nông thôn và đời sống người dân khu vực nông thôn đã có sự thay đổi toàn diện. Nghệ An đứng thứ 5 trong cả nước về xây dựng nông thôn mới. Trong thành tựu đó, có sức đóng góp đáng tự hào của tuổi trẻ.

Hàng năm có hàng ngàn thanh niên lên đường nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc, hững lúc Đảng cần, dân gọi là thanh niên có mặt, nhất là trong các đợt lũ lụt lịch sử, cháy rừng, trong thiên tai bất thường, màu áo xanh thanh niên đã để lại những tình cảm đáng trân trọng với những việc làm có ý nghĩa. Từ khi đại dịch COVID - 19 bùng phát, hàng ngàn bạn trẻ đã tình nguyện viết đơn xung phong lên tuyến đầu, nhiều vợ chồng trẻ đã hoãn đám cưới, gác lại tình cảm cá nhân với mong muốn góp phần đẩy lùi dịch bệnh. Nhiều mô hình, cách làm đặc sắc thanh niên đã ra đời và phát huy hiệu quả thực tiễn: đội phản ứng nhanh, đội hình shipper, “phòng tuyến áo xanh”, “Chuyến xe yêu thương, Chuyến xe 0 đồng”, “Gian hàng 0 đồng”, “Nhà dã chiến”, “điểm rửa tay sát khuẩn tự động”…

Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ, “Quan tâm đến đời sống của quần chúng thì quần chúng sẽ theo ta, ta được lòng dân thì ta không sợ gì cả, nếu không được lòng dân thì ta không thể làm tốt công tác", nối tiếp truyền thống của các thế hệ TNXP đi trước, thành công của lực lượng thanh niên xung phong xây dựng kinh tế Nghệ An trong hơn 30 năm qua đã và đang là hình mẫu và động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đồng bào vùng cao, góp phần tích cực trong sự phát triển kinh tế - xã hội và giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tỉnh nhà.

Tuổi trẻ đã xung phong đến tận cùng vùng biên cương xa xôi nhất ở Tam Hợp, Huồi Tụ, Na Ngoi, trở thành ruột thịt với đồng bào, khai hoang, vỡ đất, lập làng, giữ từng tấc đất biên cương. Sự tham gia của các tổng đội đã chia sẻ một phần gánh nặng với Đảng, Nhà nước và địa phương trong việc đánh thức tiềm năng, huy động và khai thác có hiệu quả các nguồn lực phát triển kinh tế, nâng cao dân trí, tạo ra sinh kế mới cho người dân. Trong đó, đáng kể nhất là tiềm năng đất đai, đặc biệt là đất chưa sử dụng.

Lực lượng TNXP Nghệ An đã tổ chức khai hoang được trên 3.500ha, đẩy mạnh việc trồng các loại cây có giá trị kinh tế, hình thành các vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến của Tỉnh; khoanh nuôi, bảo vệ, chăm sóc hơn 40.000 ha rừng và trồng được hơn 3.000 ha rừng nguyên liệu; hình thành được vùng nguyên liệu 1.483 ha chè, trong đó có hơn 500 ha chè Tuyết Shan chất lượng cao.

Từ thực tiễn của phong trào, Đội ngũ cán bộ Đoàn ngày càng trưởng thành, có nhiều đồng chí giữ các vị trí cốt cán, chủ chốt trong các cơ quan thuộc hệ thống chính trị và doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, nghề nghiệp. Tại kỳ bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 có 11 cán bộ trẻ trúng cử đồng nhân dân cấp tỉnh; 163 cán bộ trẻ trúng cử đồng nhân dân cấp huyện, 3.644 cán bộ trẻ trúng cử đồng nhân dân cấp xã.

Có thể khẳng định rằng, tuổi trẻ Nghệ An đã kế thừa xứng đáng truyền thống vẻ vang của cha anh; viết tiếp và tô thắm những trang sử vàng chói lọi của Đảng, Đoàn, của quê hương, đất nước; xứng đáng là cánh tay đắc lực, đội hậu bị tin cậy của Đảng. Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Nghệ An đã vinh dự, tự hào đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất, hạng Hai; 2 lần được đón nhận Huân chương Độc lập hạng III phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước trao tặng vì đã góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa Xã hội và bảo vệ Tổ quốc; liên tục là 1 trong 10 đơn vị dẫn đầu công tác Đoàn, phong trào thanh thiếu nhi của cả nước.

Đặt trong chiến lược phát triển của đất nước nói chung theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Chiến lược phát triển của Nghệ An nói riêng, theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã xác định năm 2025, Nghệ An trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc; tổ chức Đoàn tỉnh nhà đã có chương trình hành động thực hiện Nghị quyết với những nhiệm vụ, giải pháp sau:

Thứ nhất, tập trung nâng cao chất lượng giáo dục chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lý tưởng, đạo đức, lối sống, ý thức trách nhiệm với cộng đồng, tuân thủ pháp luật cho thanh thiếu nhi; khẳng định niềm tin, sự ủng hộ của thế hệ trẻ đối với đường lối lãnh đạo, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Không ngừng tìm tòi, học tập đạo đức cách mạng, di sản quý báu của các thế hệ cách mạng tiền bối, như lời đồng chí Lê Duẩn đã viết: “Gương hy sinh quên mình, dũng cảm, chiến đấu đến giọt máu cuối cùng cho lý tưởng cộng sản của các đồng chí Trần Phú, Ngô Gia Tự, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Phan Đăng Lưu, Hoàng Văn Thụ, Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai và biết bao đồng chí khác, là những bài học cho chúng ta trong việc tu dưỡng đạo đức cách mạng”.

Thứ hai, đổi mới và nâng cao hiệu quả các phong trào, chương trình hành động cách mạng của tổ chức Đoàn phù hợp với tình hình thực tiễn; khơi dậy ý chí, khát vọng, hoài bão, khuyến khích thanh niên tình nguyện, xung kích đi đầu trên các lĩnh vực, nhất là những việc mới, việc khó. Tạo nguồn nhân lực trẻ, chất lượng cao cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa của quê hương, đất nước, đáp ứng những đòi hỏi của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, tiên phong chuyển đổi số.

Thứ ba, tiếp tục tham gia tích cực vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”,“tự chuyển hóa” trong nội bộ; triển khai có hiệu quả Cuộc vận động “Xây dựng giá trị hình mẫu thanh niên Việt Nam thời kỳ mới” và Cuộc vận động“Đoàn viên phấn đấu trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam”.

Thứ tư, không ngừng đổi mới phương thức hoạt động, coi đó là nhiệm vụ tất yếu trước sự thay đổi không ngừng của tình hình trong nước thế giới và đối tượng thanh thiếu nhi. Phải đa dạng hóa các hình thức đoàn kết, tập hợp thanh niên, gần gũi, nắm nắt tâm tư nguyện vọng của thanh niên, nhất là trong sinh viên, học sinh, thanh niên dân tộc thiểu số, thanh niên tôn giáo, thanh niên trong các doanh nghiệp. Tiếp tục chuyển đổi mô hình hoạt động của các Tổng đội TNXP, vừa đảm bảo các chế độ chính sách, quyền lợi hợp pháp cho cán bộ và đội viên, vừa phát huy hiệu quả mô hình trong bối cảnh mới. Tiếp tục xác lập và khẳng định vài trò của Đoàn, ý nghĩa của mô hình trong việc phát triển kinh tế, củng cố niềm tin của nhân dân, giữ yên an ninh biên giới góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyển quốc gia.

Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh của đồng chí Phan Đăng Lưu (05/5/1902 - 05/5/2022) là dịp quan trọng để tuổi trẻ ôn lại truyền thống cách mạng của Đảng, của dân tộc ta; tri ân công lao to lớn, ý chí kiên cường, tinh thần buất khuất, tấm gương hy sinh quên mình vì nước, vì dân của đồng chí Phan Đăng Lưu cũng như các thế hệ tiền bối đã cống hiến tuổi thanh xuân, xương máu cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chân dung về người chiến sỹ cách mạng kiên cường, dũng cảm, một nhà lãnh đạo giàu kinh nghiệm, tài năng, đức độ; có nhiều đóng góp tích cực vào công tác tổ chức xây dựng Đảng và sự nghiệp chung của cách mạng Việt Nam; một tấm gương về công tác vận động quần chúng sẽ tiếp tục là ngon lửa thôi thúc thế hệ trẻ hôm nay phát huy cao nhất tinh thần tiên phong, sáng tạo đóng góp chung vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà; biến tình cảm, sự tri ân của tuổi trẻ với đồng chí Phan Đăng Lưu chuyển hóa thành lời hiệu triệu khơi dậy sức mạnh của tuổi trẻ trong học tập, lao động, sản xuất, kinh doanh, trong xây dựng và phát triển quê hương, đất nước, thực hiên thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Đại hội hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra.

Trao đổi về những tấm gương trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước (mẫu 5)

Nêu gương sáng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Đền thờ Liệt sỹ tỉnh.

“Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang sơn, sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp, cha mẹ, anh em, vợ con, thân thích, họ hàng ta bị đe dọa, của cải, ruộng nương, nhà cửa, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập, ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù, để giữ gìn đất nước cho chúng ta?”. Gần 8,8 triệu người đã anh dũng hy sinh hoặc vĩnh viễn mang thương tật, bị mất người thân, bị nhiễm chất độc hóa học… là sự hy sinh, mất mát lớn lao của biết bao thế hệ người Việt Nam khi trải qua các cuộc chiến tranh vĩ đại giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.

Trong sự nghiệp cách mạng cao cả ấy, cùng với nhân dân cả nước, nhân dân Thái Bình đã tận hiến sức người, sức của theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, vì lý tưởng độc lập, tự do của nhân dân. Nhân dân Thái Bình đã tiễn đưa trên 50 vạn lượt người con ưu tú tham gia quân đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên khắp các chiến trường và làm nghĩa vụ quốc tế.

Sau chiến tranh, toàn tỉnh có trên 51.000 liệt sĩ, gần 33.000 thương binh, bệnh binh, gần 34.000 người tham gia hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ nghi phơi nhiễm chất độc hóa học do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam, gần 6.000 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày. Với đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn dành sự ưu đãi cả về vật chất và tinh thần cho người có công và gia đình chính sách để cuộc sống của người có công và gia đình chính sách ngày càng tốt hơn.

70 năm qua, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình thường xuyên thực hiện tốt chính sách thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng bằng các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” cụ thể, thiết thực. Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” phát triển sâu rộng ở các địa phương, đi vào hoạt động của mỗi tổ chức, đoàn, hội, trở thành nét đẹp văn hóa trong đời sống nhân dân.

Cùng với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, sự quan tâm, chăm lo của các tầng lớp nhân dân, người có công, các gia đình chính sách trong tỉnh đã nỗ lực vượt qua đau thương, mất mát, vươn lên trở thành những gia đình, những cá nhân gương mẫu trong các phong trào thi đua yêu nước. Cảm phục biết bao ý chí của những thương binh “tàn nhưng không phế”, vượt qua nỗi đau bệnh tật, hăng hái tham gia phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình và xã hội. Cảm phục biết bao những người vợ liệt sĩ thay chồng gánh vác gia đình, vững vàng vươn lên làm chủ cuộc sống, những người mẹ liệt sĩ trong chiến tranh đã hiến dâng những người con thân yêu cho Tổ quốc, trong hòa bình tiếp tục dâng hiến của cải để xây dựng và phát triển quê hương. Họ đại diện cho những con người không chỉ có đức hy sinh cao cả, tấm lòng nhân ái bao la mà còn là những con người bền gan, vững chí, nghị lực sống phi thường, thực sự là những tấm gương sáng cả trong thời chiến và thời bình để cộng đồng noi theo.

Nỗ lực hàn gắn để làm nguôi ngoai những nỗi đau sau chiến tranh, để các hoạt động tri ân ngày càng lan tỏa, trở thành sức mạnh cộng đồng hỗ trợ và giúp đỡ người có công, gia đình chính sách có cuộc sống ngày càng tốt hơn, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta sẽ tiếp tục thực hiện những việc làm cụ thể và thiết thực hơn. Các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể hãy thực hiện đúng, đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách đối với người có công, gia đình chính sách, dành sự quan tâm xứng đáng để người có công, gia đình chính sách có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế.

Tinh thần, nghị lực sống, tấm gương tiêu biểu của các thương binh, bệnh binh, người có công, các gia đình chính sách sẽ thôi thúc mỗi chúng ta phải sống và làm việc tốt hơn để xứng đáng với công lao, sự hy sinh to lớn của họ. Chúng ta tin tưởng người có công, các gia đình chính sách luôn phát huy truyền thống vẻ vang của gia đình, quê hương, tiếp tục nêu gương sáng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

1 118 08/11/2024