TOP 10 mẫu Trao đổi: Bác Hồ của em (2024) SIÊU HAY

Trao đổi: Bác Hồ của em lớp 5 gồm 10 bài văn mẫu hay nhất, chọn lọc giúp học sinh viết bài tập làm văn lớp 5 hay hơn.

1 85 09/11/2024


Trao đổi: Bác Hồ của em

Đề bài: Trao đổi: Bác Hồ của em.

Trao đổi: Bác Hồ của em (mẫu 1)

TOP 10 mẫu Trao đổi: Bác Hồ của em (2024) SIÊU HAY (ảnh 1)

HAI BÀN TAY

Năm 1911, năm ấy Bác còn trẻ lắm mới khoảng 21 tuổi. Một hôm anh Ba - tên của Bác hồi ấy, cùng một người bạn đi dạo khắp thành phố Sài Gòn, rồi bỗng đột nhiên anh Ba hỏi người bạn cùng đi:

- Anh Lê, anh có yêu nước không ?

Người bạn đột nhiên đáp:

- Tất nhiên là có chứ!

Anh Ba hỏi tiếp:

- Anh có thể giữ bí mật không?

Người bạn đáp:

- Có

Anh Ba nói tiếp:

- Tôi muốn đi ra nước ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, Tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta. Nhưng đi một mình, thật ra cũng có nhiều mạo hiểm, ví như đau ốm… Anh muốn đi với tôi không ?

Anh Lê đáp:

- Nhưng bạn ơi ! Chúng ta lấy đâu ra tiền mà đi ?

- Đây, tiền đây – anh Ba vừa nói vừa giơ hai bàn tay .Chúng ta sẽ làm việc, chúng ta sẽ làm bất cứ việc gì mà sống và để đi. Anh cùng đi với tôi chứ ?

Bị lôi cuốn vì lòng hăng hái của Bác, người bạn đồng ý. Nhưng sau khi suy nghĩ kĩ về cuộc đi có vẻ phiêu lưu, anh Lê không có đủ can đảm để giữ lời hứa. Còn Bác Hồ đã đi ra nước ngoài bằng chính đôi bàn tay của mình. Bác đã làm nhiều nghề khác nhau : Phụ bếp, bồi bàn, quét tuyết… và đi khắp năm châu, bốn biển để tìm con đường cứu dân, cứu nước khỏi ách đô hộ của thực dân phong kiến, giải phóng cho dân tộc.

Trao đổi: Bác Hồ của em (mẫu 2)

“Lịch sử” ba bộ quần áo của Bác

Chủ tịch Hồ Chí Minh có hai bộ quần áo được anh em giúp việc đặt tên là “bộ kháng chiến”, “bộ kaki vàng”. ”Bộ kháng chiến” được may từ khi Bác lên Việt Bắc và Bác đã mặc trong suốt những năm kháng chiến chống Pháp.

Ngoài hai bộ trên, Bác còn một bộ quân phục màu xanh, một bộ lụa Hà Đông màu gụ. Mùa rét, Bác mặc bên trong một áo len, khoác ngoài một áo “ba-đờ-xuy” chiến lợi phẩm dài quá đầu gối, quà của một đơn vị tặng Người. Trong chiến dịch Biên giới 1950, khi đến thăm thương binh, thấy một chiến sĩ bị mất máu nhiều, rét, Bác đã cởi chiếc “ba-đờ-xuy” này đắp lên người đồng chí đó.

Trên chiếc áo quân phục có một miếng mạng ở vai áo phải, “kỷ niệm” một đầu nhọn chiếc đinh đòn gánh của một cụ già dân công phục vụ chiến dịch Biên giới, qua suối, trượt chân ngã đã làm toạc vai áo Bác.

Thường khi đưa áo đi giặt, Bác nhắc:

- Giặt xong các chú xem áo có chỗ nào sờn thì sửa lại cho Bác, đừng đem nhờ các cô ở cơ quan. Các cô hãy còn bận nhiều việc, để dành thì giờ cho các cô chăm sóc dạy dỗ các cháu nhỏ…

Trao đổi: Bác Hồ của em (mẫu 3)

TOP 10 mẫu Trao đổi: Bác Hồ của em (2024) SIÊU HAY (ảnh 1)

- Chuyện: Giữ lời hứa:

Hồi ở Pác Bó, Bác Hồ sống rất chan hòa với mọi người. Một hôm được tin Bác đi công tác xa, một trong những em bé thường ngày quấn quýt bên Bác chạy đến cầm tay Bác thưa:

- Bác ơi, Bác đi công tác về nhớ mua cho cháu một chiếc vòng bạc nhé!

Bác cúi xuống nhìn em bé âu yếm, xoa đầu em khẽ nói:

- Cháu ở nhà nhớ ngoan ngoãn, khi nào Bác về Bác sẽ mua tặng cháu.

Nói xong Bác vẫy chào mọi người ra đi. Hơn hai năm sau Bác quay trở về, mọi người mừng rỡ ra đón Bác. Ai cũng vui mừng xúm xít hỏi thăm sức khỏe Bác, không một ai còn nhớ đến chuyện năm xưa. Bỗng Bác mở túi lấy ra một chiếc vòng bạc mới tinh trao tận tay em bé - bây giờ đã là một cô bé. Cô bé và mọi người cảm động đến rơi nước mắt. Bác nói:

- Cháu nó nhờ mua tức là nó thích lắm, mình là người lớn đã hứa thì phải làm được, đó là "chữ tín". Chúng ta cần phải giữ trọn niềm tin với mọi người.

Trao đổi: Bác Hồ của em (mẫu 4)

THỜI GIAN QUÝ BÁU LẮM

Năm 1945, mở đầu bài nói chuyện tại lễ tốt nghiệp khóa V Trường huấn luyện cán bộ Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh thẳng thắn góp ý: “Trong giấy mời tới đây nói 8 giờ bắt đầu, bây giờ là 8 giờ 10 phút rồi mà nhiều người vẫn chưa đến. Tôi khuyên anh em phải làm việc cho đúng giờ, vì thời gian quý báu lắm”.Cũng về giờ giấc, trong kháng chiến chống Pháp, một đồng chí sĩ quan cấp tướng đến làm việc với Bác chậm 15 phút, tất nhiên là có lý do: Mưa to, suối lũ, ngựa không qua được.

Bác bảo:

- Chú làm tướng mà chậm đi mất 15 phút thì bộ đội của chú sẽ hiệp đồng sai bao nhiêu? Hôm nay chú đã chủ quan không chuẩn bị đủ phương án, nên chú không giành được chủ động”.

Một lần khác, Bác và đồng bào phải đợi một đồng chí cán bộ đến để bắt đầu cuộc họp.

Bác hỏi:

- Chú đến muộn mấy phút?

- Thưa Bác, chậm mất 10 phút ạ!

- Chú tính thế không đúng, 10 phút của chú phải nhân với 500 người đợi ở đây.

Năm 1953, Bác quyết định đến thăm lớp chỉnh huấn của anh em trí thức, lúc đó đang bước vào cuộc đấu tranh tư tưởng gay go. Sắp đến giờ lên đường bỗng trời đổ mưa xối xả. Các đồng chí làm việc bên cạnh Bác đề nghị cho hoãn đến một buổi khác. Có đồng chí còn đề nghị tập trung lớp học ở một địa điểm gần nơi ở của Bác… Nhưng bác không đồng ý:

- Đã hẹn thì phải đến, đến cho đúng giờ, đợi trời tạnh thì đến bao giờ? Thà chỉ mình bác và vài chú nữa chịu ướt còn hơn để cả lớp phải chờ uổng công!.

Thế là Bác lên đường đến thăm lớp chỉnh huấn đúng lịch trình trong tiếng reo hò sung sướng của các học viên…Bác Hồ của chúng ta quý thời gian của mình bao nhiêu thì cũng quý thời gian của người khác bấy nhiêu. Chính vì vậy, trong suốt cuộc đời Bác không để bất cứ ai đợi mình. Sự quý trọng thời gian của Bác thực sự là tấm gương sáng để chúng ta học tập.

Trao đổi: Bác Hồ của em (mẫu 5)

TOP 10 mẫu Trao đổi: Bác Hồ của em (2024) SIÊU HAY (ảnh 1)

ĐÔI DÉP BÁC HỒ

Đôi dép của Bác “ra đời’’ vào năm 1947, được ‘’chế tạo’’ từ một chiếc lốp ô tô quân sự của thực dân Pháp bị bộ đội ta phục kích tại Việt Bắc. Đôi dép đo cắt không dày lắm, quai trước to bản, quai sau nhỏ rất vừa chân Bác.

Trên đường công tác, Bác nói vui với các cán bộ đi cùng:

- Đây là đôi hài vạn dặm trong truyện cổ tích ngày xưa... Đôi hài thần đất, đi đến đâu mà chẳng được.

Gặp suối hoặc trời mưa trơn, bùn nước vào dép khó đi, Bác tụt dép, xách tay. Đi thăm bà con nông dân, sải chân trên các cánh đồng đang cấy, đang vụ gặt, Bác lại xắn quần cao lội ruộng, tay xách hoặc nách kẹp đôi dép...

Mười một năm rồi vẫn đôi dép ấy... Các chiến sĩ cảnh vệ cũng đã đôi ba lần “xin’’ Bác đổi dép nhưng Bác bảo “vẫn còn đi được’’.

Cho đến lần đi thăm Ấn Độ, khi Bác lên máy bay, ngồi trong buồng riêng thì mọi người trong tổ cảnh vệ lập mẹo giấu dép đi, để sẵn một đôi giày mới...

Máy bay hạ cánh xuống Niu-đê-li, Bác tìm dép. Mọi người thưa:

Có lẽ đã cất xuống khoang hàng của máy bay rồi... Thưa Bác....

- Bác biết các chú cất dép của Bác đi chứ gì. Nước ta còn chưa được độc lập hoàn toàn, nhân dân ta còn khó khăn, Bác đi dép cao su nhưng bên trong lại có đôi tất mới thế là đủ lắm mà vẫn lịch sự - Bác ôn tồn nói.

Vậy là các anh chiến sĩ phải trả lại dép để Bác đi vì dưới đất chủ nhà đang nóng lòng chờ đợi...

Trong suốt thời gian Bác ở Ấn Độ, nhiều chính khách, nhà báo, nhà quay phim... rất quan tâm đến đôi dép của Bác. Họ cúi xuống sờ nắn quai dép, thi nhau bấm máy từ nhiều góc độ, ghi ghi chép chép... làm tổ cảnh vệ lại phải một phen xem chừng và bảo vệ “đôi hài thần kỳ” ấy.

Năm 1960, Bác đến thăm một đơn vị Hải quân nhân dân Việt Nam. Vẫn đôi dép “thâm niên” ấy, Bác đi thăm nơi ăn, chốn ở, trại chăn nuôi của đơn vị. Các chiến sĩ rồng rắn kéo theo, ai cũng muốn chen chân, vượt lên để được gần Bác hơn. Bác vui cười nắm tay chiến sĩ này, vỗ vai chiến sĩ khác. Bỗng Bác đứng lại:

- Thôi, các cháu giẫm làm tụt quai dép của Bác rồi...

Nghe Bác nói, mọi người dừng lại cúi xuống yên lặng nhìn đôi dép rồi lại ồn ào lên:

- Thưa Bác, cháu, cháu sửa...

- Thưa Bác, cháu, cháu sửa được ạ...

Thấy vậy, các chiến sĩ cảnh vệ trong đoàn chỉ đứng cười vì biết đôi dép của Bác đã phải đóng đinh sửa mấy lần rồi...Bác cười nói:

- Cũng phải để Bác đến chỗ gốc cây kia, có chỗ dựa mà đứng đã chứ! Bác “lẹp xẹp” lết đôi dép đến gốc cây, một tay vịn vào cây, một chân co lên tháo dép ra:

- Đây! Cháu nào giỏi thì chữa hộ dép cho Bác...Một anh nhanh tay giành lấy chiếc dép, giơ lên nhưng ngớ ra, lúng túng. Anh bên cạnh liếc thấy, “vượt vây” chạy biến...

Bác phải giục:

- Ơ kìa, ngắm mãi thế, nhanh lên cho Bác còn đi chứ. Anh chiến sĩ lúc nãy chạy đi đã trở lại với chiếc búa con, mấy cái đinh:

- Cháu, để cháu sửa dép...Mọi người dãn ra. Phút chốc, chiếc dép đã được chữa xong. Những chiến sĩ không được may mắn chữa dép phàn nàn:

- Tại dép của Bác cũ quá. Thưa Bác, Bác thay dép đi ạ..

Bác nhìn các chiến sĩ nói:

- Các cháu nói đúng... nhưng chỉ đúng có một phần... Đôi dép của Bác cũ nhưng nó chỉ mới tụt quai. Cháu đã chữa lại chắc chắn cho Bác thế này thì nó còn ‘’thọ’’ lắm! Mua đôi dép khác chẳng đáng là bao, nhưng khi chưa cần thiết cũng chưa nên... Ta phải tiết kiệm vì đất nước ta còn nghèo...

Trao đổi: Bác Hồ của em (mẫu 6)

BÁC HỒ - TÂM GƯƠNG SÁNG TỰ HỌC

Tại Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất về công tác huấn luyện và học tập khai mạc ngày 6/5/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu: “Lê-nin khuyên chúng ta: “Học, học nữa, học mãi”. Mỗi người phải ghi nhớ và thực hành điều đó”(1). Người còn cho treo trong phòng họp lời dạy của Khổng Tử: “Học không biết chán, dạy không biết mỏi”(2). Người coi lời dạy của Lê-nin và Khổng Tử là phương châm sống và hành động trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình. Cũng tại Hội nghị này, Người nhấn mạnh: “Phải nâng cao và hướng dẫn việc tự học”(3). Người còn xác định: “Không phải có thầy thì học, không thầy đến thì đùa. Phải biết tự động học tập”(4). Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”(1947), khi nói về cách học tập, Người viết: “Lấy tự học làm cốt. Do thảo luận và chỉ đạo giúp vào”(5).

Thân phụ của Người, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Huy là thầy dạy chữ Hán cho Người. Nhờ chăm học và học rất giỏi, sau này, Người sử dụng thành thạo chữ Hán trong sáng tác thơ Đường. Khi theo thân phụ vào Huế, Người học ở Trường tiểu học Pháp - Việt Đông Ba, rồi Trường Quốc hội Huế, Người rất yêu thích học tiếng Pháp. Trong cuộc biểu tình chống thuế ở Trung Kỳ năm 1908, Người đã từng làm phiên dịch giúp cho những người biểu tình đề đạt nguyện vọng, đấu tranh với viên Khâm sứ Pháp.

Ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911), trên tàu Latouche Tréville, người thanh niên Nguyễn Tất Thành với tên mới Văn Ba đã nêu cao ý chí tự học: Mỗi ngày, đến 9 giờ tối công việc mới xong… dù mệt lử nhưng trong khi mọi người nghỉ hay đánh bài người thanh niên Nguyễn Tất Thành vẫn đọc hay viết đến mười một giờ hoặc nửa đêm. Trong thời gian ở thị trấn Saint Adret, làm vườn cho gia đình viên chủ hãng tàu, người thanh niên Nguyễn Tất Thành chăm chỉ học tiếng Pháp. Khi gặp những từ mới, người thanh niên Nguyễn Tất Thành viết vào một tờ giấy dán vào chỗ dễ thấy, có khi viết vào cánh tay để trong lúc làm việc vẫn học được. Cả khi đi đường vẫn nhẩm những từ mới học. Và cứ như thế, mỗi ngày, người thanh niên Nguyễn Tất Thành học thêm vài từ mới, và tìm cách ghép câu để dùng ngay. Sau đó không lâu, người thanh niên Nguyễn Tất Thành học cách viết báo từ bài báo ngắn đến bài báo dài và từ bài báo dài lại viết ngắn. Người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã nhanh chóng trở thành nhà báo có uy tín tại thủ đô nước Pháp và trở thành chủ nhiệm kiêm chủ bút tờ báo “Le Paria”( Người cùng khổ) với nội dung đầy sức chiến đấu, lên án chủ nghĩa thực dân Pháp, đấu tranh cho quyền lợi của người lao động. Cuối chiến tranh thế giới lần thứ nhất, từ Anh trở lại Pháp, Nguyễn Tất Thành viết bài cho các báo, tạp chí. Những bài đăng trên các báo Le Paria, Thư tín Quốc tế, Đời sống công nhân… đặc biệt là tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp đã minh chứng cho sự thành công của việc tự học. Được sự giúp đỡ của nghị sĩ Quốc hội Pháp là P.V.Couturier, Nguyễn Tất Thành có thẻ đọc thường xuyên của thư viện Pháp. Tại đây, Nguyễn Tất Thành khai thác được nhiều tài liệu cho việc nghiên cứu và đấu tranh chính trị… Chỉ trong một thời gian chưa đầy 10 năm sống ở Pháp, người thanh niên có chí khí ấy đã học được nhiều điều bổ ích cần thiết cho sự nghiệp cách mạng của mình.

Trong những năm tháng bôn ba ở nước ngoài, người thanh niên Nguyễn Tất Thành còn đi đến nhiều nơi ở Pháp, Ý, Thuỵ Sĩ, Đức và cả Tòa thánh Vatican để bổ sung những điều đã đọc trong sách vở. Khi đến Liên Xô, đất nước của Lê-nin vĩ đại, làm việc ở Bộ Phương Đông, học ở Trường Quốc tế Lê-nin, nghiên cứu sinh ở Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc học và thuộc địa, Nguyễn Tất Thành tự học tiếng Nga và có những bài viết đăng báo, tạp chí và đã hoàn thành chương trình học tập ở Trường Quốc tế Lê-nin. Năm 1928, khi hoạt động cách mạng tại Thái Lan, Nguyễn Tất Thành đã tự học thêm tiếng Thái. Mỗi ngày học 10 chữ và chỉ sau ba tháng đã xem được báo chữ Thái.

Tại Đại hội VII Quốc tế Cộng sản (1935), với bí danh Lin, khi khai lý lịch, trả lời câu hỏi về trình độ học vấn (tiểu học, trung học, đại học), Nguyễn Tất Thành ghi: Tự học. Trả lời câu hỏi: Đồng chí biết những ngoại ngữ nào? được ghi: Anh, Pháp, Trung Quốc, Ý, Đức, Nga.

Người luôn luôn nhắc nhở đồng chí của mình và thế hệ trẻ phải nỗ lực học và tự học. Người ân cần dạy bảo: “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời. Suốt đời phải gắn liền lý luận với thực tế. Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi. Thế giới ngày ngày đổi mới, nhân dân ta ngày càng tiến bộ, cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến bộ kịp nhân dân”(6).

Trong Bài nói chuyện với những cán bộ, đảng viên hoạt động lâu năm, ngày 9/12/1961, Người tâm sự: “Tôi năm nay 71 tuổi, ngày nào cũng phải học…Công việc cứ tiến mãi. Không học thì không theo kịp, công việc nó sẽ gạt mình lại phía sau. Chúng ta là đảng viên già, hiểu biết của chúng ta hồi 30 tuổi so với sự hiểu biết của lớp trẻ bây giờ…thì chúng mình dốt lắm. Tôi cũng dốt lắm…Nếu thế hệ già khôn hơn thế hệ trẻ thì không tốt. Thế hệ già thua thế hệ trẻ mới là tốt. Các cháu không hơn là bệt. Bệt là không tốt. Người ta thường nói: “Con hơn cha là nhà có phúc”. Ta hiểu như thế, nhưng không có tư tưởng thụt lùi nạnh kẹ…”(7).

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, còn sống thì còn phải học, còn phải hoạt động cách mạng. Và chính cuộc đời của Người là tấm gương sáng ngời về tự học. Dù Người đã đi xa, song tấm gương học, học không biết mệt mỏi của Người thì vẫn còn sống mãi với muôn đời các thế hệ con cháu mai sau.

1 85 09/11/2024