Tạm ngừng kinh doanh của hộ kinh doanh

Tạm ngừng kinh doanh của hộ kinh doanh

1. Hộ kinh doanh là gì? Thủ tục tạm ngừng kinh doanh của hộ kinh doanh là gì?

Theo khoản 1 Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh.

Trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh thì ủy quyền cho một thành viên làm đại diện hộ kinh doanh. Cá nhân đăng ký hộ kinh doanh, người được các thành viên hộ gia đình ủy quyền làm đại diện hộ kinh doanh là chủ hộ kinh doanh.

Tạm ngừng kinh doanh là thủ tục hành chính cần thực hiện tại Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đã đăng ký kinh doanh và Cơ quan thuế trực tiếp quản lý về việc tạm ngừng kinh doanh của hộ kinh doanh từ 30 ngày trở lên.

2. Quy định của pháp luật về trường hợp tạm ngừng kinh doanh của hộ kinh doanh

Căn cứ theo Khoản 1 Điều 91 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định:

“1. Trường hợp tạm ngừng kinh doanh từ 30 ngày trở lên, hộ kinh doanh phải thông báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đã đăng ký kinh doanh và Cơ quan thuế trực tiếp quản lý.”

Hồ sơ tạm ngừng kinh doanh của hộ kinh doanh sẽ bao gồm:

- Thông báo về việc tạm ngừng kinh doanh của hộ kinh doanh (theo Phụ lục III-4 Thông tư số 02/2023/TT-BKHĐT)

- Biên bản họp thành viên hộ gia đình về việc đăng ký tạm ngừng kinh doanh (đối với trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh)

- Văn bản ủy quyền/ Giấy tờ pháp lý cá nhân của người nộp hồ sơ và nhận kết quả nếu không phải là cá nhân, nhóm cá nhân hoặc người đại diện hộ gia đình trực tiếp thành lập hộ kinh doanh.

Lưu ý: Hộ kinh doanh tạm ngừng kinh doanh phải gửi thông báo bằng văn bản cho Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi hộ kinh doanh đã đăng ký ít nhất 03 ngày làm việc trước khi tạm ngừng kinh doanh.

Sau khi tiếp nhận thông báo của hộ kinh doanh, Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện trao Giấy biên nhận hồ sơ cho hộ kinh doanh. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện cấp Giấy xác nhận về việc hộ kinh doanh đăng ký tạm ngừng kinh doanh cho hộ kinh doanh.

Tạm ngừng kinh doanh của hộ kinh doanh

Thời hạn tạm ngưng hoạt động của hộ kinh doanh là bao lâu?

3. Thời hạn tạm ngưng hoạt động của hộ kinh doanh là bao lâu?

Theo quy định tại Điều 91 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, việc tạm ngừng kinh doanh từ 30 ngày trở lên thì hộ kinh doanh chỉ cần thực hiện thông báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đã đăng ký kinh doanh và Cơ quan thuế trực tiếp quản lý.

Hiện nay pháp luật đã không còn hạn chế thời gian tạm ngừng kinh doanh của hộ kinh doanh.

Chính vì vậy, theo quy định nêu trên, thời hạn tạm ngừng kinh doanh sẽ không bị giới hạn, nếu tạm ngừng kinh doanh từ 30 ngày trở lên, hộ kinh doanh chỉ cần thông báo với cơ quan Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đã đăng ký kinh doanh và Cơ quan thuế trực tiếp quản lý.

Trường hợp, hộ kinh doanh muốn tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo, hộ kinh doanh cũng phải gửi thông báo bằng văn bản cho Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi hộ kinh doanh đã đăng ký ít nhất 03 ngày làm việc trước khi tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo.

4. Pháp luật sẽ xử lý vi phạm như thế nào về việc không thông báo tạm ngừng kinh doanh của hộ kinh doanh?

Việc không thông báo tạm ngừng kinh doanh của hộ kinh doanh trong trường hợp hộ kinh doanh tạm ngừng kinh doanh từ 30 ngày trở lên sẽ bị xử lí vi phạm hành chính. Cụ thể, tại Điều 63 Nghị định 122/2021/NĐ-CP quy định:

“1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Không báo cáo tình hình kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện;

b) Thay đổi chủ hộ kinh doanh nhưng không gửi hồ sơ thông báo thay đổi nội dung đăng ký hộ kinh doanh đến cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đã đăng ký;

c) Tạm ngừng kinh doanh, tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo nhưng không gửi thông báo bằng văn bản cho cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đã đăng ký;

d) Chuyển địa điểm kinh doanh nhưng không thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện;

đ) Chấm dứt hoạt động kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh mà không thông báo hoặc không nộp lại bản gốc Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cho cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện;

e) Thay đổi ngành, nghề kinh doanh nhưng không gửi thông báo đến cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi hộ kinh doanh đặt trụ sở chính;

g) Hoạt động kinh doanh tại nhiều địa điểm nhưng không thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt trụ sở hộ kinh doanh, cơ quan thuế, cơ quan quản lý thị trường.

Trường hợp có vi phạm pháp luật về thuế thì xử lý theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc báo cáo tình hình kinh doanh theo yêu cầu đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;

b) Buộc thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b, điểm c, điểm d, điểm đ, điểm e và điểm g khoản 1 Điều này.”

Như vậy, nếu hộ kinh doanh không thực hiện thông báo cho cơ quan nhà nước khi tạm ngừng kinh doanh thì có thể sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Ngoài ra, theo quy định tại Khoản 2 Điều 63 Nghị định 122/2021/NĐ-CP hộ kinh doanh còn phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc phải thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện.

Lưu ý: Theo khoản 2 Điều 4 Nghị định 122/2021/NĐ-CP, thì mức phạt tiền quy định trên là mức phạt áp dụng đối với cá nhân. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Xem thêm các bài viết liên quan

Các trường hợp hộ kinh doanh không cần đăng ký kinh doanh

Thuế thu nhập đặc biệt là gì? Trường hợp nào hộ kinh doanh đóng thuế thu nhập đặc biệt?